You are on page 1of 3

nghiencuuquocte.net http://nghiencuuquocte.

net/2015/02/03/cac-nha-kinh-te-hoc-mang-lai-ich-loi-gi/

Các nhà kinh tế học mang lại ích lợi gì?


By The 03/02/2015
Observer

Nguồn: Robert J. Shriller, “What Good Are Economists ?”, Project Syndicate, 15/01/2015.

Biên dịch: Tường Vân Anh | Hiệu đính: Lương Khánh Ninh

Từ khi cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu và suy thoái kinh tế 2007 – 2009 diễn ra đến nay, những chỉ trích
nhắm vào lĩnh vực kinh tế học ngày càng mạnh mẽ. Thất bại của hầu hết chuyên gia kinh tế trong việc dự báo sự
kiện này mà hậu quả của nó vẫn còn dai dẳng đã dẫn tới câu hỏi liệu các chuyên gia kinh tế có đóng góp bất kỳ
điều gì quan trọng cho xã hội hay không. Nếu như họ không thể dự đoán những thứ quan trọng đối với sự thịnh
vượng của người dân, vậy họ có tác dụng gì?

Thực vậy, các nhà kinh tế học đã không thể dự đoán được đa số các cuộc khủng hoảng lớn trong thế kỷ trước,
bao gồm cuộc suy thoái kinh tế 1920-1921, những cuộc khủng hoảng diễn ra liên tiếp trong giai đoạn 1980-1982
và tồi tệ nhất là Đại suy thoái 1929 xảy ra sau khi thị thường chứng khoán đổ vỡ.

Khi tìm kiếm những tin tức xuất hiện một năm trước khi những khủng hoảng này bắt đầu, tôi thấy rằng hầu như
không có cảnh báo nào từ các nhà kinh tế về cuộc khủng hoảng sắp diễn ra. Thay vào đó, báo chí nhấn mạnh
quan điểm của các nhà điều hành kinh doanh hay các chính trị gia vốn là những người có xu hướng rất lạc quan
trước tình hình.

Điều giống nhất với một cảnh báo thực sự chỉ xuất hiện trước khi cuộc suy thoái 1980-1982 diễn ra. Năm 1979,
Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Paul A. Volcker tuyên bố trước Ủy ban Kinh tế lưỡng viện Quốc hội Mỹ rằng Hoa
kỳ khi đó đang đối mặt với “tình thế kinh tế không mấy dễ chịu” và “cần những quyết định cứng rắn để tự kiềm chế
và thậm chí hy sinh”. Khả năng Cục Dự trữ Liên bang phải tiến hành những biện pháp quyết liệt để ngăn chặn
lạm phát phi mã cùng với ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng dầu mỏ 1979 đã góp phần khiến một cuộc suy thoái
trầm trọng có nhiều khả năng diễn ra.

Tuy nhiên, vào thế kỷ trước, bất cứ khi nào một cuộc khủng hoảng bắt đầu xuất hiện, hầu hết các nhà kinh tế lại
nhất trí cho rằng một cuộc khủng hoảng sẽ không xảy ra. Theo như những gì tôi tìm hiểu, gần như không có ai
trong lĩnh vực kinh tế học, kể cả những nhà kinh tế xuất chúng như John Maynard Keynes, Friedrich Heyek hay
Irving Fisher, có bất kỳ tuyên bố công khai nào lường trước về cuộc Đại suy thoái.
Như nhà lịch sử học Douglas Irwin đã chứng minh bằng tư liệu, nhà kinh tế học người Thụy Điển Gustav Cassel
là một trường hợp ngoại lệ quan trọng. Trong một chuỗi bài giảng tại Đại học Columbia vào năm 1928, Cassel đã
cảnh báo về “một cuộc suy thoái kéo dài với quy mô toàn cầu”. Tuy nhiên thảo luận nặng tính kỹ thuật của ông
(tập trung chủ yếu vào kinh tế tiền tệ và chế độ bản vị vàng) đã không mang lại sự nhất trí mới mẻ nào giữa các
nhà kinh tế với nhau, và các phương tiện thông tin đại chúng cũng không chuyển tại một cảnh báo rõ ràng nào.

Thật thú vị, những tổng hợp báo chí thời đó hầu như không cho thấy bằng chứng nào về sự phẫn nộ của công
chúng đối với các nhà kinh tế sau khi thảm họa xảy ra năm 1929. Vậy tại sao việc lĩnh vực kinh tế học không thể
dự đoán được cuộc khủng hoảng gần đây nhất lại rất khác biệt? Tại sao thất bại này – không như những thất bại
trước đó – lại khiến người ta mất lòng tin vào các nhà kinh tế học nhiều đến vậy?

Một lý do có thể là quan điểm cho rằng rất nhiều nhà kinh tế đã quá tự mãn khi quảng bá “thuyết thị trường hiệu
quả” – một quan điểm có vẻ như loại bỏ khả năng giá tài sản sụp đổ. Tin rằng thị trường luôn biết những điều tốt
nhất, họ đã bỏ qua những cảnh báo về giá chứng khoán và giá nhà đất quá cao được đưa ra bởi một vài người
tầm thường (trong đó có tôi). Sau khi cả hai thị trường sụp đổ một cách ngoạn mục, uy tín của các chuyên gia đã
phải hứng chịu một cú đòn trực diện.

Tuy nhiên chỉ trích như vậy là không công bằng. Chúng ta không đổ lỗi cho các bác sĩ bởi họ dự đoán sai lầm tất
cả bệnh tật của chúng ta. Bệnh tật xảy ra phần lớn là do ngẫu nhiên, và kể cả nếu các bác sĩ không thể nói với
chúng ta những căn bệnh mà ta sẽ mắc phải vào năm sau hay loại bỏ tất cả sự đau đớn khi chúng ta bị bệnh,
chúng ta vẫn rất hạnh phúc với những gì họ có thể giúp đỡ. Tương tự, hầu hết các nhà kinh tế dành những nỗ lực
của họ cho các vấn đề khác xa với việc tạo ra một quan điểm nhất trí về thị trường chứng khoán hay tỷ lệ thất
nghiệp. Và chúng ta nên biết ơn họ vì họ làm như vậy.

Trong cuốn sách mới Những nhà kinh tế nghìn tỷ đô (Trillion Dollar Economists) , Robert Litan của Viện nghiên
cứu Brookings tranh luận rằng lĩnh vực kinh tế học “đã tạo ra hàng tỷ đô la thu nhập và của cải cho nước Mỹ và
phần còn lại của thế giới”. Điều đó nghe có vẻ như một sự đóng góp tốt so với một lĩnh vực khá nhỏ bé, đặc biệt
nếu chúng ta làm vài phép toán đơn giản. Ví dụ, chỉ có 20.000 thành viên của Hiệp hội Kinh tế Hoa Kỳ (mà tôi
được bầu làm Chủ tịch mới đắc cử); nếu như họ tạo ra 2 nghìn tỷ đô la thu nhập và của cải thì mỗi nhà kinh tế tạo
ra khoảng 100 triệu đô la.

Một người hoài nghi có thể hỏi rằng: “Nếu các nhà kinh tế thật sự thông minh thì tại sao họ không phải là những
người giàu có nhất?” Câu trả lời đơn giản là: Phần lớn các ý tưởng kinh tế là hàng hóa công vốn không được cấp
bằng sáng chế, hoặc nói cách khác người phát minh ra những ý tưởng ấy không sở hữu chúng. Bên cạnh đó, chỉ
vì phần lớn các nhà kinh tế không giàu có không có nghĩa là họ không làm cho những người khác giàu có hơn.

Điều thú vị về cuộn sách của Litan đó là ông liệt kê nhiều ý tưởng nhỏ khôn ngoan về cách làm thế nào để vận
hành công việc kinh doanh và quản lý nền kinh tế tốt hơn. Chúng nằm trong các lĩnh vực về các cơ chế định giá
và marketing tối ưu, sự điều tiết độc quyền, quản lý nguồn tài nguyên thiên nhiên, cung cấp hàng hóa công, và tài
chính. Không có điều nào trong số chúng đáng giá hàng tỷ đô la, nhưng nếu gộp lại thì kết luận của Lutan thực sự
đúng đắn.

Cuốn sách năm 2010 Sống tốt hơn nhờ kinh tế học (Better Living through Economics) , được biên tập bởi John
Siegfried, nhấn mạnh tác động đối với thế giới thực của các sáng kiến như: buôn bán khí thải, hoàn thuế thu nhập
cho người thu nhập thấp (earned-income tax credit), thuế quan thương mại thấp, các chương trình hỗ trợ người
thất nghiệp kiếm việc làm (welfare-to-work programs), chính sách tiền tệ hiệu quả hơn, đấu giá giấy phép sử dụng,
giảm quy định trong ngành vận tải, các thuật toán hoãn quyết định chấp nhận (deferred-acceptance algorithms),
chính sách chống độc quyền hợp lý hơn, một quân đội hoàn toàn dựa trên lính tình nguyện, và việc sử dụng
thông minh các lựa chọn mặc định để khuyến khích tiết kiệm cho nghỉ hưu.

Những sáng kiến được miêu tả trong cuốn sách của Litan và Siegfried chỉ ra rằng lĩnh vực kinh tế học đã tạo ra
một lượng các công trình khổng lồ cực kỳ có giá trị được đặc trưng bởi nỗ lực nghiêm túc nhằm cung cấp các
bằng chứng xác đáng. Đúng vậy, đa số các nhà kinh tế thất bại trong việc dự đoán khủng hoảng tài chính – giống
như một bác sĩ thất bại trong việc chẩn đoán bệnh. Nhưng cũng giống như các bác sĩ, họ rõ ràng khiến cho cuộc
sống của mọi người trở nên tốt đẹp hơn.
Robert J. Shriller là nhà kinh tế học đoạt giải thưởng Nobel, Giáo sư kinh tế tại Đại học Yale và là đồng tác giả của
Chỉ số giá nhà đất Mỹ Case-Shriller. Ông là tác giả cuốn sách Irrational Exuberance, ấn bản thứ 3 của cuốn sách
này được xuất bản vào tháng 1 năm 2015, và gần đây nhất là cuốn sách Finance and the Good Society.

You might also like