You are on page 1of 13

Đề 1:

Phần I. Đọc – Hiểu:


Câu 1:

Trong bài thơ “Quê hương”, Tế Hanh đã viết: “Cánh buồm giương to như mản
hồn làng/Rướn thân trắng bao la thâu góp gió.” và trong “Đoàn thuyền đánh cá” –
Huy Cận, tác giả đã viết rằng “Thuyền ta lái gió với buồm trăng./Lướt giữa mây
cao với biển bằng.”. Câu thơ của Huy Cận và Tế Hanh đều viết về hình ảnh cánh
buồm của thuyền đánh cá trong chuyến ra khơi.

+ Hình ảnh cánh buồm thứ nhất là hình ảnh của cánh buồm trong tâm tưởng của
nhà thơ Tế Hanh khi nhớ về, hồi tưởng về hình ảnh của cánh buồm quê hương thân
thương. Hình ảnh cánh buồm trong câu thơ này mang ý nghĩa sâu sắc về tinh thần
của người dân quê hương Tế Hanh, là hình ảnh chứa đựng những ước mơ và khát
khao tốt đẹp của người dân lao động.

+ Hình ảnh cánh buồm thứ hai là hình ảnh của cánh buồm là hình ảnh tả thực của
nhà thơ Huy Cận khi quan sát hình ảnh tả thực của cánh buồm. Hình ảnh cánh
buồm trong câu thơ này mang hình ảnh có phần lãng mạn, thể hiện được tinh thần
hăng say lao động của người dân lao động khi ra khơi. Sự lãng mạn đó nhờ ánh
trăng và hình ảnh của con thuyền lướt đi, hòa với mây và biển và hình ảnh thiên
nhiên.

 Cả 2 nhà thơ đều lấy cảm hứng từ cánh buồm để viết nên tác phẩm của mình
nhưng lại có những khác biệt rõ rệt về nội dung và phong cách. Nếu như Tế
Hanh viết về hình ảnh cánh buồm trong kí ức thì Huy Cận lại viết về hình
ảnh ấy khi được quan sát trong thực tế. Tế Hanh đã cho ta thấy tinh thần và
cả những ước mơ tốt đẹp của những người dân lao động qua hình ảnh cánh
buồm trắng còn Huy Cận lại cho ta thấy sự lãng mạn của thiên nhiên khi con
thuyền đánh cá lướt đi trên biển lớn.

Câu 2:

- PTBĐC: Tự sự
- Thông điệp tác giả gửi gắm:

+ Không có điều gì là hoàn hảo. Đừng chỉ chú ý đến những sai lầm của người
khác mà hãy nhìn vào điểm tốt của họ.

+ Sự vị tha, khoan dung mang lại niềm vui, thanh thản cho người mắc lỗi, tạo
điều kiện cho họ nhận ra sai trái, sửa chữa lỗi lầm.

+ Hãy nhìn nhận vấn đề một cách kĩ lưỡng trước khi đánh giá.

+ Không đánh giá điều gì một cách hời hợt, chủ quan.

+ Cần có cách nhìn lạc quan để phát hiện mặt tốt, mặt tích cực của sự vật, hiện
tượng, con người.

Phần II. Làm văn:


Câu 1:

Bài làm

Dân tộc ta từng tự hào về truyền thống đoàn kết, tương thân tương ái:

“Nhiễu điều phủ lấy giá gương,

Người trong một nước thì thương nhau cùng.”

Thế nhưng cùng với sự phát triển ngày càng cao của đời sống vật chất ngày
này thì điều đáng buồn là những biểu hiện của truyền thống tốt đẹp ấy lại mai
một dần và chúng ta đang phải đối mặt với một căn bệnh tinh thần đáng sợ. Đó
là "bệnh vô cảm" được thể hiện trong bức tranh trên.

Tấm hình đã miêu tả một người bị chết đuối, đang vẫy vùng cánh tay để mong
đợi sự giúp đỡ từ người khác. Thế nhưng cánh tay ấy đã dần dần chìm sâu
xuống nước mà những người xung quanh lại không hề ra sức cứu giúp, trái lại,
họ còn lấy điện thoại ra để quay phim lại cảnh tượng ấy. Để rồi sau đó ai trong
chúng ta cũng biết, họ sẽ đăng tải những đoạn phim đó lên mạng xã hội cùng
với những dòng trạng thái chia buồn, cảm thương, thông cảm, xót thương cho
một số phận…. Tiếc thay, những lời chia sẻ trên thế giới ảo đó lại không thể
thay thế được cho sự giúp đỡ người khác trong cơn hoạn nạn ở thế giới thực.
Tấm hình đã gợi đến cho chúng ta thái độ sống vô tâm vô cảm với người khác.
Vô tâm, đó là sự thờ ơ, bàng quan, mặc kệ trước nỗi đau của người khác. Đó là
thái độ sống tiêu cực rất đáng lên án.

Vô cảm là thái độ thờ ơ, không có cảm xúc gì trước các sự vật, hiện tượng
xung quanh, trước nỗi đau khổ, bất hạnh của người khác. Đây là thái độ, là cách
sống tiêu cực đáng phê phán vì nó trái ngược với truyền thống đạo đức nhân ái,
vị tha đã có từ bao đời của dân tộc ta. Vô cảm vốn là một trạng thái tâm lí,
nhưng hiện nay nó đã trở thành một căn bệnh trầm kha khó chữa. Có thể nói thứ
"vi rút" nguy hiểm của căn bệnh này đã và đang xâm nhập vào tất cả các tầng
lớp, lứa tuổi mà tập trung nhiều nhất là ở các thành phố lớn có lối sống hiện đại.
Sự phát triển của xã hội ngày nay một mặt mang lại cuộc sống vật chất đầy đủ
cho con người nhưng có cái tốt lại luôn có cái xấu đi kèn, một mặt khác nó lại
làm nảy sinh tính ích kỉ, chỉ quan tâm đến việc thỏa mãn "cái tôi" mà quên mất
"cái ta". Lối sống vô tâm vô cảm biểu hiện như thế nào trong cuộc sống? Ra
đường thấy điều sai trái không ai dám ngăn cản, thấy người khác bị đánh không
ai dại gì bênh vực kẻo lại vạ lây... Xã hội mà có nhiều người "không dại gì" như
vậy nên người xấu càng được đà làm càn. Vô cảm đâu phải chỉ ở chỗ “thấy
chuyện bất bình” mà không dám “chẳng tha”, mà còn ở chỗ thể hiện thái độ.
Chẳng ít người không bao giờ giúp đỡ những người gặp khó khăn, mặc dầu
mình có điều kiện. Hay khi thấy những người hành khất thì xua đuổi, dè bỉu. Đi
đường gặp người bị tai nạn liền bỏ đi. Thấy người tàn tật ở nơi công cộng đã
không giúp đỡ, lại có khi cười chê soi mói. Nhưng bệnh vô cảm phải chăng chỉ
ở thanh niên? Không phải, nó tồn tại trong tất cả những ai không thấu hiểu nỗi
đau của đồng loại. Những quan chức chính quyền ăn chặn tiền tết của các gia
đình nghèo cũng mắc phải bệnh này, họ không hiểu và cũng không bao giờ hiểu
được cái lo của người nghèo. Vô cảm là ở chỗ đó. Nguyên nhân căn bệnh này
phát sinh là vì những người đó không tu dưỡng, rèn luyện phẩm chất đạo đức,
không có lòng nhân đạo, thờ ơ với mọi người. Ý thức tập thể, ý thức cộng đồng
quá kém, chỉ nghĩ riêng cho lợi ích của mình mà không giữ được truyền thống
quý báu của dân tộc ta là "thương người như thể thương thân". Một phần cũng
do tâm lí ngại phiền hà, đụng chạm, nên nhiều người chọn cách im lặng trước
cái sai, cái xấu hơn là lên tiếng. Người ta chỉ quan tâm đến lợi ích, quyền lợi
của riêng mình chứ không màng đến hiểm nguy hay khó khăn của người khác.
Gia đình cũng chưa quan tâm giáo dục đúng mức đối với con em mình. Hậu quả
của sự vô tâm, vô cảm nghiêm trọng như thế nào? Thật ra sự vô cảm ấy nguy
hiểm với cả chính người vô cảm lẫn vả người xung quanh. Người vô cảm sẽ bị
đánh giá thấp về nhân cách, bị mọi người xem thường. Bệnh vô cảm lan tràn
trong cộng đồng, với gia đình sẽ dẫn đến những vấn đề lớn hơn, cái ác cái xấu
sẽ hoành hành trong xã hội, khiến cho nhiều người bị tổn thương, mất niềm tin
vào cuộc sống, thậm chí nguy hiểm đến tính mạng. Nếu nhiều người xem vô
cảm là điều bình thường thì sẽ làm lệch chuẩn đạo đức, sẽ là nguyên nhân gây
ra sự khủng hoảng trong lòng xã hội. Một xã hội vô cảm là một xã hội chết, đó
hẳn không thể là một xã hội văn minh được. Chúng ta rất đau lòng khi báo chí
vừa mới đưa tin việc đôi nam nữ bị tai nạn trên đường phố, nhưng nhiều người
chứng kiến đã bỏ đi, không ai cứu giúp, khiến cho một người bị thương nặng,
còn một người thì tử vong. Vụ tai nạn đã gióng lên hồi chuông cảnh tỉnh về thói
vô cảm của xã hội hiện nay. Vậy làm thế nào để ngăn chặn lối sống tai hại này?
Ngăn chặn nó không phải bằng biện pháp hành chính mà bằng chính tấm lòng
và dũng khí của mỗi con người, tấm lòng và dũng khí của các cơ quan chức
năng. Con người vô cảm và cơ quan chức năng thờ ơ thì thái độ sống này càng
trầm trọng. May thay trong xã hội ta đã có những hoạt động vận động để nối kết
con người lại với nhau, để phần nào đẩy lùi chứng bệnh vô cảm này. Phong trào
“Ký tên vì công lý” trở thành sự kiện tại VN là tín hiệu vô cùng khả quan của
các nạn nhân chất độc da cam. Đi đâu cũng thấy người trẻ, người già, sinh viên
học sinh hỏi nhau “đã ký tên vì công lý chưa?” mà thấy lòng vui vui. Điều đó
minh chứng nhiều người chúng ta không vô cảm trước nỗi đau của dân tộc
mình. Rồi cuộc vận động “Ước mơ của Thúy” đã thể hiện một tinh thần đoàn
kết, yêu thương con người hết sức cảm động của thanh niên. Ý thức của mỗi
người là chưa đủ, cần có sự tham gia của gia đình, nhà trường, để làm gương,
để tạo điều kiện cho con trẻ có cơ hội thể hiện lòng yêu thương. Có như thế thì
mới có hi vọng đẩy lùi được lối sống này.

Tóm lại, qua bức tranh trên, ta đã tự nhận thức được tác hại hay hậu quả đáng
gớm của “căn bệnh” thờ ơ, vô cảm. Chúng ta, nhất là thế hệ thanh niên phải ý thức
cách sống của mình thật đúng đắn, để cùng nhau xây dựng một xã hội biết đồng
cảm và chia sẻ lẫn nhau. Mỗi người được tự lựa chọn cho mình cách sống, tình
cảm và cảm xúc của mình là do mình điều khiển, hãy sống thật chan hòa, yêu
thương mọi người để mỗi ngày đều là những ngày vui. Hãy tích cực lan tỏa những
thông điệp tốt đẹp ra xã hội này để cuộc sống trọn vẹn hơn.

Câu 2:

- Dàn ý:
1. MB:

* VĐNL: Chức năng của văn học

2. TB

* Giái thích nhận định của Nguyễn Đình Thi:

- Mỗi tác phẩm văn học là sự phản ánh hiện thực khách quan thông qua lăng
kính chủ quan của người nghệ sĩ.

- Tác phẩm ấy là kết tinh tâm hồn của người nghệ sĩ.

- Thông qua tác phẩm, những người nghệ sĩ và đặc biệt là người nghệ sĩ lớn
mang đến cho người đọc ở thời đại họ cách tư duy, cách sống của những tâm
hồn lớn.

* Chứng minh nhận định:

- Giới thiệu vài nét về tác giả Chính Hữu và bài thơ “Đồng chí”.

+ Chính Hữu là nhà thơ trưởng thành trong cuộc kháng chiến chống Pháp. Thơ
ông hầu như chỉ viết về người lính và chiến tranh.

+ Bài thơ “Đồng chí” được sáng tác đầu năm 1948, khi tác giả cùng đồng đội
tham gia chiến đấu trong chiến dịch Việt Bắc (thu đông 1947).

- Bài thơ ca ngợi vẻ đẹp của tình đồng chí, đồng đội và hình ảnh người lính
cách mạng thời kì đầu của cuộc kháng chiến chống Pháp.

+ Vẻ đẹp của tình đồng chí: Tình đồng chí bắt nguồn từ sự tương đồng về hoàn
cảnh xuất thân, nảy sinh từ sự cùng chung lí tưởng, gắn bó trong cuộc sống
chiến đấu nhiều gian khổ. Và tình cảm đó biểu hiện một cách cao đẹp khi
những người lính cảm thông, thấu hiểu cho tâm tư nỗi lòng của nhau, cùng chia
sẻ những gian lao, thiếu thốn nơi chiến trường, cùng chung chiến hào, kề vai sát
cánh chung nhiệm vụ…

+ Hình ảnh những người lính cách mạng trong bài thơ: Đó là những người lính
xuất thân từ tầng lớp nông dân, ra đi từ những vùng quê nghèo khó, trải qua
những gian khổ, thiếu thốn tột cùng nhưng vẫn nở nụ cười lạc quan. Đẹp nhất ở
họ là tình đồng chí đồng đội keo sơn, gắn bó, tiếp cho họ sức mạnh để họ chiến
đấu và chiến thắng.

- Qua việc ca ngợi vẻ đẹp của tình đồng chí và khắc họa thành công hình ảnh
người lính, Chính Hữu đã mang đến cho thời đại ông một tình cảm thiêng liêng,
cao cả: tình đồng chí. Tình cảm cao đẹp ấy góp phần làm nên thắng lợi của cuộc
kháng chiến, trở thành mối quan hệ mang tầm vóc thời đại, trở thành cách sống
của cả thời đại. Hình ảnh người lính trong bài thơ cũng trở thành hình tượng
đẹp đẽ, mang tâm hồn, tư tưởng và những phẩm chất của con người Việt Nam
trong những năm tháng gian lao của cuộc kháng chiến chống Pháp.

=> Với bài thơ “Đồng chí”, Chính Hữu đã ghi dấu ấn rất riêng của ông trong
nền thơ ca Cách mạng Việt Nam. Đóng góp của ông không chỉ đơn giản là một
bài thơ viết về tình đồng chí mà còn qua bài thơ ấy, ông đã đem đến một “cách
sống của tâm hồn” cho thời đại của mình. Đúng như Nguyễn Đình Thi đã nhận
định: “Những nghệ sĩ lớn đem tới được cho cả thời đại họ một cách sống của
tâm hồn”.

* Liên hệ với bài thơ “Khi con tu hú” của Tố

- Giới thiệu vài nét về tác giả Tố Hữu, hoàn cảnh ra đời của bài thơ “Khi con tu
hú”.

+ Tố Hữu là nhà thơ cách mạng lớn nhất Việt Nam trong thế kỷ XX. Ông đã
đưa thơ chính trị đến trình độ rất trữ tình. Những tác phẩm của ông là những bài
ca cách mạng, phản ánh chân thực các giai đoạn lịch sử, hừng hực tính chiến
đấu và giàu tính trữ tình, có tính tư tưởng cao, sức động viên, lôi cuốn rộng rãi
các tầng lớp nhân dân trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc và xây dựng đất
nước.
+ Bài thơ thể hiện một tâm hồn yêu cuộc sống, khát vọng tự do mãnh liệt của
người tù cách mạng trẻ tuổi. Khát vọng tự do và lí tưởng cách mạng luôn
thường trực, cháy bỏng trong tâm tư người tù, thôi thúc người tù đấu tranh và
hành động.

- > Bài thơ cho chúng ta thấy hình ảnh thế hệ trẻ Việt Nam trong kháng chiến
chống Pháp. Trong khắc nghiệt của lao tù, tâm hồn họ vẫn tràn đầy tự do và
sánh sáng. Họ sống có lí tưởng và kiên định với lí tưởng trong bất kì hoàn cảnh
nào.

* Đánh giá chung:

- Hình ảnh người tù cách mạng trong bài thơ “Khi con tu hú” hay những người
lính nông dân trong bài thơ “ Đồng chí” đều là những khuôn mẫu lí tưởng,
những cách sống mà Tố Hữu và Chính Hữu muốn gửi đến và tạo dựng ở thời
đại của họ. Đó là những con người mang tâm hồn và phẩm chất Việt Nam: yêu
cuộc sống, đoàn kết, lạc quan, khát vọng tự do và say mê trong lí tưởng. Đó là
những mối quan hệ keo sơn, là biểu hiện cao đẹp của tình đồng chí. Tất cả đã
góp phần làm nên những thời kì lịch sử vẻ vang và hào hùng của dân tộc. Đồng
thời, họ cũng nhắc nhở thế hệ mai sau trân trọng hòa bình, nuôi dưỡng sự lạc
quan và xây dựng ước mơ, lí tưởng mới.

- Hai bài thơ trên đã chứng minh nhận định của Nguyễn Đình Thi ““Những
nghệ sĩ lớn đem tới được cho cả thời đại họ một cách sống của tâm hồn” là
hoàn toàn chính xác. Nhận định của ông ghi nhận sự cống hiến của những
người nghệ sĩ chân chính. Khẳng định tên tuổi, vai trò của họ trong việc bồi
dưỡng tâm hồn và cách sống của thời đại.

3. KB:
- Chốt lại vấn đề nl…

Đề 2:
Phần I. Đọc – Hiểu:
Câu 1:
- Trong bài "Mùa xuân nho nhỏ", Thanh Hải viết :

"Ta làm con chim hót

Ta làm một cành hoa."

Còn khi kết thúc bài "Viếng lăng Bác", Viễn Phương có viết :

"Mai về miền Nam thương trào nước mắt

Muốn làm con chim hót quanh lăng Bác."

- Nét gặp gỡ nhau:

Hai bài thơ của hai tác giả viết về đề tài khác nhau nhưng có chung chủ đề:

+ Cả hai đoạn thơ đều thể hiện ước nguyện chân thành, tha thiết được hoà nhập,
cống hiến cho cuộc đời, cho đất nước, nhân dân... Ước nguyện khiêm nhường,
bình dị muốn được góp phần dù nhỏ bé vào cuộc đời chung.

+ Các nhà thơ đều dùng những hình ảnh đẹp của thiên nhiên là biểu tượng thể
hiện ước nguyện của mình.

+ Giọng thơ trang nghiêm, trầm lắng, tha thiết.

- Khác nhau :

+ Thanh Hải viết về đề tài thiên nhiên đất nước và khát vọng hoà nhập dâng
hiến cho cuộc đời với thể thơ 5 chữ gần với các điệu dân ca miền Trung.

+ Viễn Phương viết về đề tài lãnh tụ, thể hiện niềm xúc động thiêng liêng, tấm
lòng tha thiết thành kính khi tác giả từ miền Nam vừa được giải phóng ra viếng
Bác Hồ với thể thơ 8 chữ, nhịp thơ vừa phải, tâm trạng lưu luyến.

Câu 2:

a. PTBĐC: Nghị luận.


b. Tác giả cho rằng “Thỉnh thoảng bàn chân nên bị gai đâm, để ta được giật
mình: tổn thương là rỉ máu.” Vì: Việc bị gai đâm là hình ảnh ẩn dụ cho việc
bị tổn thương, cảm nhận đau đớn. Chỉ khi con người bị tổn thương thì mới
nhận ra rằng đã có những lúc mình cũng hay làm tổn thương người khác.
Tác giả cho rằng đó là lúc con người nhận thức được việc không nên làm
người khác đau, vì sẽ có lúc mình cũng sẽ bị tổn thương như vậy. Con người
ta quá vô tư trước những tổn thương mà mình gây ra cho kẻ khác vì vậy mà
bản thân chúng ta cũng nên bị 'thương' để hiểu ra bài học rằng, tổn thương
người khác cũng chính là làm đau chính mình và mọi người, “tổn thương
chính là rỉ máu”.

Phần II. Làm văn:


Câu 4:

A. MỞ BÀI:

- Giới thiệu vấn đề nghị luận: Nội dung tác phẩm nghệ thuật bắt nguồn từ cuộc
sống. Chính cuộc sống bao la, kì diệu đã mang tới chất liệu vô giá, phong phú và
trở thành nơi xuất phát của tác phẩm nghệ thuật.

- Nêu vấn đề cần nghị luận: Một tác phẩm nghệ thuật đạt tới cái đẹp là tác phẩm
phản ánh một cách chân thực chiều sâu của hiện thực đời sống và thể hiện sâu sắc
tư tưởng, tình cảm ,khát vọng của con người - Dẫn ý kiến (nêu ở đề bài).

B.THÂN BÀI:

1) Giải thích ý kiến:

- Tác phẩm nghệ thuật đạt tới cái đẹp theo nghĩa“ mang được sự thật sâu xa của
đời sống bên ngoài”: phải phản ánh chân thực chiều sâu của hiện thực đời sống.

- Tác phẩm nghệ thuật đạt tới cái đẹp theo nghĩa “mang được sự thật tâm tình của
con người”: phải thể hiện chân thực thế giới tâm hồn và tình cảm của con người .

-> Ý kiến của giáo sư Lê Đình Kỵ khẳng định: Tác phẩm nghệ thuật đạt tới cái đẹp
là tác phẩm phản ánh được một cách chân thực, sâu sắc hiện thực của đời sống
đồng thời thể hiện chân thực thế giới tâm hồn và tình cảm của con người.

2) Chứng minh:
* Khẳng định: “Bài thơ về tiểu đội xe không kính” của Phạm Tiến Duật là một tác
phẩm nghệ thuật đạt tới cái đẹp.

*Luận điểm 1:“Bài thơ về tiểu đội xe không kính” đã “mang được sự thật sâu xa
của đời sống bên ngoài” : Phản ánh chân thực hiện thực của chiến tranh và cuộc
sống chiến đấu đầy hi sinh, gian khổ của người lính lái xe trong cuộc kháng chiến
chống Mĩ của dân tộc ta.

- Hiện thực của chiến tranh:

+ Hình ảnh những chiếc xe không kính băng băng ra chiến trường giữa mưa bom,
bão đạn là một hình ảnh thực về những chiếc xe trên đường Trường Sơn trong
những năm đánh Mỹ.

+ Với bút pháp hiện thực, nhà thơ đã ghi lại hình ảnh ấy thật giản dị, tự nhiên.
Những chiếc xe ban đầu vốn đầy đủ các bộ phận nhưng bom đạn đã làm “kính vỡ
đi rồi” (“Không có kính không phải vì xe không có kính/Bom giật, bom rung kính
vỡ đi rồi.”). Ba chữ “không” đi liền nhau với hai nốt nhấn “bom giật, bom rung” đã
lí giải nguyên nhân khiến xe không kính. Các câu thơ với cách nói gần với khẩu
ngữ; nghệ thuật liệt kê kết hợp điệp từ “không” đã nhấn mạnh sức tàn phá của bom
đạn giặc.

+ Bom đạn ác liệt của kẻ thù đã tàn phá khiến những chiếc xe bị biến dạng, trần
trụi hơn: (“Không có kính rồi xe không có đèn/ Không có mui xe thùng xe có
xước”. Không hề cường điệu mà qua việc tái hiện lại một cách chân thực hình ảnh
những chiếc xe không kính, nhà thơ đã diễn tả được sự tàn khốc của cuộc chiến
tranh trên tuyến đường Trường Son.

- Cuộc sống chiến đấu gian khổ của những người lính lái xe:

+ Trên những chiếc xe không còn kính chắn gió do bom thù gây ra, người lính lái
xe phải đối mặt với mưa bom, bão đạn. Nhà thơ đã diễn tả rất cụ thể và chân thực
những ấn tượng, cảm giác của người lính lái xe : Xe không còn kính chắn gió, lại
chạy nhanh nên người lính tiếp xúc trực tiếp với thế giới bên ngoài, đối mặt với
bao khó khăn, nguy hiểm: “gió vào xoa mắt đắng”, “sao trời”, “cánh chim” đột
ngột, bất ngờ “như sa”, “như ùa” vào buồng lái, vào mặt mũi, thân mình,...
+ Họ còn phải đối mặt với bụi đường “bụi phun tóc trắng như người già”, thời tiết
Trường Sơn khắc nghiệt “mưa tuôn, mưa xối như ngoài trời”, phải trải qua những
đêm thiếu ngủ “gió vào xoa mắt đắng”, ngủ trên chiếc “võng mắc chông chênh”,
những bữa ăn tạm bợ “Bếp Hoàng cầm ta dựng giữa trời” trên đường đưa xe ra
trận,…

*Luận điểm 2: “Bài thơ về tiểu đội xe không kính” đã “mang được sự thật tâm tình
của con người”: Thể hiện chân thực và xúc động vẻ đẹp tâm hồn của người chiến sĩ
lái xe trên tuyến đường Trường Sơn trong những năm đánh Mỹ gian khổ, ác liệt:

- Phong thái ung dung, tư thế hiên ngang, lòng dũng cảm, coi thường gian khổ,
hiểm nguy: “Ung dung buồng lái ta ngồi… vào buồng lái ”.

+ Hai câu thơ đầu của khổ thơ ngắt nhịp 2/2/2 cân xứng, âm điệu chậm rãi, lời thơ
nhẹ nhàng như nhịp bánh xe lăn, từ “ung dung” được đảo lên đầu câu thơ kết hợp
điệp từ “nhìn” cho thấy tư thế bình tĩnh, tự tin, của người lính lái xe. Điệp ngữ
“nhìn thẳng” diễn tả cái nhìn hướng về phía trước, nhìn thẳng vào gian khổ, hi
sinh.

+ Cuộc sống chiến đấu nơi tuyến lửa Trường Sơn đầy căng thẳng, đầy thử thách,
song người lính vẫn bình thản, vững vàng, tin vào tay lái, quyết tâm đưa xe thẳng
tiến về miền Nam. Lời thơ nhẹ nhõm, trôi chảy như những chiếc xe vun vút chạy
trên đường.

- Tâm hồn trẻ trung, sôi nổi, nét tinh nghịch đáng yêu của những người lính trẻ;
niềm lạc quan phơi phới vượt lên hiện thực khốc liệt của chiến tranh:

+ Phải đối mặt với bao gian khổ trên đường đưa xe ra trận, nhưng họ vẫn không hề
nao núng mà càng bình tĩnh, dũng cảm hơn (“Không có kính ừ thì có bụi/ Chưa
cần rửa phì phèo châm điếu thuốc”; Không có kính ừ thì ướt áo/Chưa cần thay lái
trăm cây số nữa.)

+ Những câu thơ lặp cấu trúc tự nhiên, giàu tính khẩu ngữ càng làm nổi bật tính
cách ngang tàng của những chàng lính trẻ hồn nhiên, yêu đời. Cấu trúc câu thơ cân
đối, nhịp nhàng theo nhịp rung cân đối của những bánh xe lăn. Điệp từ “ừ thì”,
“chưa cần”, hình ảnh “phì phèo châm điếu thuốc ”, giọng “cười ha ha” thể hiện sự
lạc quan, chấp nhận khó khăn đầy chủ động với tinh thần trách nhiệm cao và bản
lĩnh phi thường của người lính. Ý thơ rộn rã, sôi động, câu thơ gần gũi với lời nói
hàng ngày càng làm nổi bật lên tính cách ngang tàng của những người lính trẻ hồn
nhiên, yêu đời.

+ Câu thơ “Mưa ngừng gió lùa khô mau thôi” có đến 6 thanh bằng gợi cảm giác
nhẹ nhõm, ung dung, lạc quan, thanh thản. - Tình đồng chí, đồng đội gắn bó:

+ Trong gian khổ, tình đồng chí, đồng đội của người chiến sĩ lái xe được thể hiện
thật vô tư, tinh nghịch, chân thành:“ Gặp nhau qua cửa kính vỡ rồi”.

+ Tình đồng chí, đồng đội của họ được hình thành một cách tự nhiên, giản dị, mộc
mạc mà ấm áp. Vất vả, hiểm nguy nhưng phút nghỉ ngơi của họ lại vô cùng giản
dị: “Bếp Hoàng Cầm ta dựng giữa trời/ Chung bát đũa nghĩa là gia đình đấy”. Họ
trò chuyện, ăn uống, nghỉ ngơi, nhường nhịn nhau như người ruột thịt: chung bát,
chung đũa, ....

+ Tình cảm bình dị, ấm áp ấy đã tạo nên sức mạnh, nâng bước chân người lính tiếp
tục lên đường: “Võng mắc chông chênh đường xe chạy/ Lại đi lại đi trời xanh
thêm”.Nhịp điệu câu thơ vừa sôi nổi, vừa nhịp nhàng, điệp từ “lại đi” gợi tả nhịp
sống chiến đấu và hành quân của tiểu đội xe không kính : không một sức mạnh đạn
bom nào có thể ngăn cản nổi.

- Lòng yêu Tổ quốc :

+ Lòng yêu nước là sức mạnh thôi thúc tinh thần, ý chí quyết tâm chiến đấu vì
miền Nam của người chiến sĩ lái xe: “Xe vẫn chạy vì miền Nam phía trước/ Chỉ
cần trong xe có một trái tim”. Nhà thơ đã làm nổi bật được chân lí của thời đại :
bom đạn, chiến tranh có thể làm méo mó những chiếc xe, huỷ hoại những giá trị
vật chất nhưng không thể bẻ gẫy được những giá trị tinh thần cao đẹp…

+ “Trái tim” là hình ảnh hoán dụ chỉ tình yêu nước của người chiến sĩ lái xe. Hình
ảnh này kết hợp với kết cấu “vẫn - chỉ cần” đã lí giải sức mạnh vượt lên gian khổ
của người lính

+ Tình yêu đất nước đã biến thành máu thịt, người lính sẵn sàng hiến dâng cuộc
đời cho độc lập tự do của Tổ quốc. Quyết tâm chiến đấu và chí khí anh hùng của
người lính không có đạn bom nào có thể lay chuyển được.

+ Vẫn là cách nói thản nhiên, ngang tàng của lính nhưng ở hai câu thơ cuối lại lắng
sâu một tinh thần trách nhiệm và có ý nghĩa như một lời thề thiêng liêng. Cho dù
xe không kính, không đèn, không mui thì người lính vẫn còn một trái tim yêu
nước, niềm khát khao giải phóng miền Nam,…

* Khái quát: “Bài thơ về tiểu đội xe không kính” đã khai thác chất liệu từ sự khốc
liệt của chiến tranh, giúp người đọc hiểu được sự ác liệt của cuộc chiến tranh ái
quốc vĩ đại; đồng thời thể hiệnđược vẻ đẹp tâm hồn của người lính với thái độ, tư
thế, tình cảm, khí phách mới, mang tính hiện đại. Họ là hiện thân cho chủ nghĩa
anh hùng cách mạng của tuổi trẻ Việt Nam thời đánh Mĩ. Điều đó đã đem lại sức
sống cho tác phẩm. Bài thơ xứng đáng là một thi phẩm đẹp.

3) Đánh giá:

Ý kiến của giáo sư Lê Đình Kỵ đã nêu lên tiêu chí đánh giá một tác phẩm đạt tới
cái đẹp, có ý nghĩa to lớn trong việc định hướng sáng tác cho người nghệ sĩ: tác
phẩm nghệ thuật cần đạt tới cái đẹp; đồng thời định hướng cho người tiếp nhận:
cảm và hiểu được cái đẹp của tác phẩm nghệ thuật.

C- KẾT BÀI: (0.5 điểm)

- Khẳng định : Ý kiến của Lê Đình Kỵ đã đưa ra yêu cầu đối với một tác phẩm
nghệ thuật: đạt tới cái đẹp.

- Nêu cảm xúc, suy nghĩ về tác động của một tác phẩm nghệ thuật đạt đến cái đẹp :
đem đến cho người đọc nhận thức phong phú về đời sống; bồi dưỡng cho tâm hồn
con người những tư tưởng, tình cảm, lối sống cao đẹp.

You might also like