You are on page 1of 11

HỌC VIỆN BÁO CHÍ VÀ TUYÊN TRUYỀN

KHOA XUẤT BẢN

----------

BÀI TẬP THỰC HÀNH

Môn: Quản trị kinh doanh xuất bản phẩm

Họ và tên sinh viên: PHẠM THỊ TRANG ANH

Mã số sinh viên: 2158010003

Lớp: Biên tập xuất bản K41

GV học phần: ThS. Trần Thu Quỳnh

Hà Nội, tháng 02 năm 2024


Tìm hiểu mô hình tổ chức của các nhà xuất bản hiện nay.
Phân tích mô hình của Nhà xuất bản Phụ nữ Việt Nam.
*********
I. Mô hình tổ chức của các nhà xuất bản hiện nay
1. Khái niệm
Mô hình tổ chức là hình thức tồn tại của bộ máy quản trị, thể hiện việc sắp
xếp theo một trật tự các bộ phận của tổ chức cùng các mối quan hệ giữa chúng
với nhau.
Mô hình tổ chức bộ máy của nhà xuất bản là sự tổng hợp các bộ phận khác
nhau được chuyên môn hóa và có những trách nhiệm, quyền hạn nhất định được
bố trí theo những cấp, những khâu khác nhau nhằm đảm bảo thực hiện các chức
năng quản trị và phục vụ mục đích chung của đơn vị.

2. Những căn cứ để xác định mô hình tổ chức nhà xuất bản


a. Căn cứ vào đặc điểm và tính chất của hoạt động xuất bản
Nhà xuất bản là một tổ chức rất đặc biệt, đa sắc thái, đa chức năng. Nhà
xuất bản không chỉ là một tổ chức kinh tế mà còn là cơ quan văn hóa, khoa học,
chính trị tư tưởng... Chính vì vậy, tôn chỉ mục đích, chức năng, nhiệm vụ được
quy định trong nhà xuất bản không giống như một cơ sở kinh tế bình thường.
Hơn nữa, mục đích của việc tổ chức ra nhà xuất bản không đơn thuần là kinh
doanh mà còn thực hiện mục tiêu tuyên truyền giáo dục tư tưởng văn hóa, phổ
biến tri thức, nâng cao trình độ dân trí. Vậy nên, mô hình tổ chức nhà xuất bản ở
nước ta cũng bị chi phối từ những đặc điểm và tính chất đó.
b. Căn cứ vào quy trình sản xuất xuất bản phẩm
Quy trình sản xuất xuất bản phẩm là một quy trình đặc thù để xác lập mô
hình phù hợp. Đây là một quy trình tổng hợp cho nên các bộ phận nhân sự để
thực hiện quy trình cũng mang tính tổng hợp, bao gồm bộ phận sản xuất, bộ phận
biên tập, bộ phận phục vụ...
c. Căn cứ vào nguồn nhân lực
d. Căn cứ vào cơ sở vật chất kỹ thuật hiện có và khả năng phát triển trong
tương lai
Ngoài ra, cần tham khảo các mô hình nhà xuất bản của các nước trên thế giới để
có thể vận dụng một cách linh hoạt vào điều kiện của nước ta.

3. Yêu cầu của việc thiết lập mô hình tổ chức nhà xuất bản
+ Mô hình tổ chức nhà xuất bản phải phù hợp với đặc điểm, tính chất của hoạt
động xuất bản, đặc biệt là quy trình hoạt động nghiệp vụ, tính chất và các loại
hình công việc khác nhau của một nhà xuất bản.
+ Mô hình tổ chức nhà xuất bản phải tinh giản, gọn nhẹ, năng động nhưng đồng
thời luôn phải là mô hình mở có khả năng liên thông cao, có sự kết nối chặt chẽ
với các đơn vị có liên quan trong quá trình hoạt động, có khả năng thu hút cộng
tác viên một cách thuận lợi.
+ Mô hình tổ chức nhà xuất bản phải tuân thủ theo các quy định và thể chế riêng
của ngành xuất bản, theo Luật Công chức, Luật Doanh nghiệp và các văn bản
hiện hành của Nhà nước....
+ Mô hình tổ chức nhà xuất bản phải luôn được bổ sung, hoàn thiện theo sự phát
triển của nhà xuất bản, tránh dập khuôn máy móc, phải đảm bảo sự phù hợp và
tương đồng với trình độ quản lý cả ở cấp vĩ mô và vi mô, với yêu cầu và sự chỉ
đạo của cơ quan chủ quản.
Đây là những yêu cầu căn bản khi thiết lập mô hình nhà xuất bản. Trên thực tế,
tùy điều kiện cụ thể của từng đơn vị mà có sự vận dụng phù hợp để bảo đảm
nguyên tắc chung là tiết kiệm, năng động và hiệu quả.
4. Xác định kiểu mô hình tổ chức nhà xuất bản
Trong khoa học quản lý hiện đại, người ta đưa ra 5 mô hình tổ chức khác
nhau đó là:
+ Mô hình tổ chức trực tuyến.
+ Mô hình chức năng.
+ Mô hình tổ chức kết hợp. Trong đó, bao gồm 2 kiểu mô hình:
 Mô hình trực tuyến - tham mưu.
 Mô hình trực tuyến - chức năng.
+ Mô hình chương trình mục tiêu.
+ Mô hình ma trận.
Thực tế, có hai kiểu mô hình được vận dụng phổ biến đối với các nhà xuất
bản:
* Mô hình trực tuyến - tham mưu:
Được vận dụng trên cơ sở xác định một hệ thống quan hệ dọc theo kiểu
trực tuyến giữa các cấp độ (xét trên phương diện quản lý) của một nhà xuất bản.
Thông thường một nhà xuất bản được bố trí dọc theo ba cấp:
 Giám đốc (cấp cao)
 Phòng ban (cấp trung gian)
 Các bộ phận thực thi công việc (cấp cơ sở)
Ở từng cấp này thường được lập ra một bộ phận hay một nhóm tham mưu giúp
lãnh đạo từng cấp.
Kiểu tổ chức này sẽ có mô hình nhà xuất bản rất gọn nhẹ, nhưng một nhược
điểm cơ bản là đối với các ban biên tập không thể tổ chức theo kiểu trực tuyến
tham mưu. Vì hoạt động biên tập là một hoạt động chính của nhà xuất bản, là
một hoạt động chuyên môn nghiệp vụ, nếu tổ chức theo kiểu trực tuyến tham
mưu thì các phòng (ban) biên tập sẽ không làm công tác biên tập mà thuê ngoài
hoặc giao cho tác giả (tình trạng này xảy ra ở nhiều nhà xuất bản nhất là các nhà
xuất bản phía Nam trước đây).
* Mô hình trực tuyến - chức năng:
Trên cơ sở xác định hệ thống quan hệ dọc theo kiểu trực tuyến như trên, ở
từng cấp người ta thiết lập các quan hệ ngang theo chức năng. Các chức năng
này được tổ chức thành từng bộ phận riêng như bộ phận biên tập trong đó có làm
cả trình bày, minh hoạ; bộ phận sản xuất (in ấn), bộ phận phát hành, kế toán tài
vụ... Như vậy trong một nhà xuất bản ngoài quan hệ đọc trực tuyến còn có các
quan hệ ngang chức năng đan xen hỗ trợ và bổ sung cho nhau trong một dây
chuyền thống nhất. Đây là một kiểu tổ chức phù hợp nhất với hoạt động của các
nhà xuất bản hiện nay.
Ngoài ra, hiện nay có nhà xuất bản được tổ chức theo mô hình Tổng công
ty, trong nhà xuất bản lại có các đơn vị thành viên. Mô hình này hoạt động theo
cơ chế: Nhà xuất bản là đơn vị hạch toán tổng hợp, các đơn vị thành viên của
nhà xuất bản hạch toán độc lập. Đây là mô hình tổ chức sẽ được phát triển và áp
dụng rộng rãi trong tương lai.
Mô hình tổ chức nhà xuất bản ở các nước phát triển thường được kết cấu
theo các hướng chủ yếu như: Mô hình doanh nghiệp đa ngành và liên ngành
hoặc mô hình công ty mẹ - công ty con... Những mô hình này là sự gợi ý cho
chúng ta trong sự phát triển tương lai của ngành xuất bản, nhưng phải thấy sự
khác biệt về cơ bản giữa nhà xuất bản của nước ta với nhà xuất bản các nước để
khảo sát mô hình.
II. Phân tích mô hình tổ chức của Nhà xuất bản Phụ nữ Việt Nam
1. Giới thiệu chung về nhà xuất bản

Nhà xuất bản Phụ nữ Việt Nam được thành lập vào tháng 10/1957 với tên
gọi ban đầu là Nhà xuất bản Phụ nữ. Đây là một trong số các mô hình Nhà xuất
bản thành công khi chuyển đổi từ cơ chế bao cấp sang cơ chế tự chủ ngay từ
những năm 1993. Với vai trò là cơ quan thông tin, tuyên truyền, giáo dục của
Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, phục vụ đối tượng là phụ nữ Việt Nam, các cấp
Hội Phụ nữ, gia đình, trẻ em cùng đông đảo bạn đọc trong và ngoài nước, Nhà
xuất bản Phụ nữ Việt Nam đã ấn hành nhiều đề tài sách phong phú góp phần
tuyên truyền, giới thiệu những quan điểm cơ bản của Đảng về vấn đề giải phóng
phụ nữ, đường lối phụ vận, công tác cán bộ nữ, phương hướng và chương trình
hoạt động của Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, kinh nghiệm công tác của đoàn
thể phụ nữ, các chủ trương, chính sách có liên quan đến quyền lợi của phụ nữ và
trẻ em. Đặc biệt là giúp bạn đọc có được cái nhìn toàn diện và có hệ thống về các
vấn đề bình đẳng giới ở Việt Nam và thế giới, hướng độc giả tới các nhận thức
và thực hành quyền phụ nữ cũng như đấu tranh cho nữ quyền vì sự tiến bộ của
phụ nữ Việt Nam và sự phát triển bền vững của đất nước.

2. Mô hình tổ chức của Nhà xuất bản Phụ nữ Việt Nam


Cơ cấu tổ chức của Nhà xuất bản Phụ nữ Việt Nam bao gồm:
• Ban Giám đốc: Tại Nhà xuất bản Phụ nữ Việt Nam, Ban Giám đốc đồng
thời đương nhiệm hai chức vụ song song, vừa có vai trò quản lý tổng thể hoạt
động xuất bản của nhà xuất bản, vừa giữ vị trí là Tổng biên tập/ Phó Tổng biên
tập.
 Giám đốc – Tổng biên tập: bà Khúc Thị Hoa Phượng.
 Phó Giám đốc – Phó Tổng biên tập: bà Ngô Thị Thu Ngần.

• 3 phòng ban biên tập: Có nhiệm vụ thực hiện tổ chức và biên tập biên tập
bản thảo; cam kết không để lộ, lọt nội dung tác phẩm, tài liệu xuất bản trước khi
phát hành làm ảnh hưởng đến quyền lợi của tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả;
chịu trách nhiệm trước tổng biên tập nhà xuất bản và trước pháp luật về phần nội
dung xuất bản phẩm do mình biên tập; đặc biệt, được từ chối biên tập bản thảo
tác phẩm, tài liệu mà nội dung có dấu hiệu vi phạm quy định tại khoản 1 Điều 10
của Luật này và phải báo cáo với tổng giám đốc (giám đốc), tổng biên tập nhà
xuất bản bằng văn bản.

 Phòng Biên tập sách Văn học Việt Nam, sách Chính trị - Công tác Hội;
 Phòng Biên tập sách Văn học nước ngoài;
 Phòng Biên tập sách Khoa học Giáo dục và Đời sống.
• Phòng Kế hoạch – Sản xuất: Phụ trách các khâu như: đọc bông, dàn trang,
tổ chức bản in, chỉnh sửa bản in, trình bày minh họa…
• Phòng Phát hành: Đây là bộ phận tiếp nhận thông tin đầu tiên ngay sau khi
sách trở về từ xưởng in. Bộ phận phát hành có trách nhiệm hoàn tất các thủ tục
để sách được phát hành trên các kênh tiêu thụ sách khác nhau như các nhà sách,
đại lý. Đồng thời bộ phận này chịu trách nhiệm quản lý việc xuất, nhập, kho
sách.
• Phòng Kế toán – Tài vụ: Quản lý các vấn đề liên quan đến tài chính, kế
toán, thu chi của nhà xuất bản.
• Bộ phận Bản quyền – Truyền thông: Chịu trách nhiệm giao dịch bản
quyền với các nhà xuất bản, tác giả nước ngoài và phụ trách việc giới thiệu,
quảng bá sách trên các phương tiện truyền thông.
• Chi nhánh Nhà xuất bản Phụ nữ Việt Nam tại Thành phố Hồ Chí Minh
• Nhà in Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam

3. Nhận xét mô hình tổ chức của Nhà xuất bản Phụ nữ Việt Nam
Tổng quan cho thấy, Nhà xuất bản Phụ nữ Việt Nam được tổ chức hoạt
động theo mô hình trực tuyến – chức năng – một mô hình được sử dụng phổ biến
ở các nhà xuất bản Việt Nam hiện nay. Nhà xuất bản Phụ nữ đã phân bổ lực
lượng ra thành nhiều phòng ban, bộ phận khác nhau, mỗi bộ phận sẽ phụ trách và
đảm nhiệm một chức năng cụ thể nhất định. Mô hình tổ chức này tạo ra sự hài
hòa, thống nhất trong công tác quản lý, điều hành, mang lại một chất lượng hiệu
quả cao trong hoạt động xuất bản.
Để xác định được mô hình tổ chức hoạt động như hiện nay, Nhà xuất bản
Phụ nữ Việt Nam đã dựa trên những căn cứ cơ bản sau:
 Thứ nhất, căn cứ vào đặc điểm và tính chất của hoạt động xuất bản. Là
nhà xuất bản chuyên cung cấp những đầu sách viết về việc giáo dục gia
đình, phổ biến tri thức, mở rộng và nâng cao nhận thức, năng lực cho phụ
nữ và cộng đồng xã hội, đẩy mạnh truyền thông về giới và bình đẳng giới
nhằm góp phần nâng cao dân trí, nên ngay từ những ngày đầu hoạt động,
khi nước ta vẫn đang phải gồng mình đấu tranh giành lại độc lập, Nhà xuất
bản Phụ nữ Việt Nam đã xuất bản được hàng chục đầu sách với số lượng
lớn, phục vụ tích cực cho các phong trào phụ nữ kháng chiến chống Mỹ
cứu nước và xây dựng Chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc. Và ngày nay, các chủ
đề sách được nhà xuất bản chú trọng đầu tư, sản xuất bao gồm: Chính trị –
Công tác Hội; Lịch sử – Văn hóa; Văn học Việt Nam; Văn học Nước
ngoài; Tâm lý – Kỹ năng; Nữ công gia chánh; Chăm sóc sức khỏe; Mang
thai – Sinh nở; Nuôi dạy con – Giáo dục gia đình; Giáo dục giới tính;
Teen; Thiếu nhi; Khoa học – Bổ trợ kiến thức; Ngoại ngữ – Du học; Kinh
tế – Khởi nghiệp; Giới và Phát triển. Với định hướng phát triển như vậy,
nhà xuất bản tổ chức cơ cấu thành ba ban biên tập chính bao gồm: Phòng
Biên tập sách Văn học Việt Nam, sách Chính trị - Công tác Hội; Phòng
Biên tập sách Văn học nước ngoài; Phòng Biên tập sách Khoa học Giáo
dục và Đời sống. Rõ ràng, đây là cách phân bổ, bố trí tổ chức hợp lí, đảm
bảo phát triển theo đúng hệ thống đề tài, chủ đề cũng như phù hợp với sứ
mệnh mà nhà xuất bản đang hướng đến.
 Thứ hai, căn cứ vào quy trình sản xuất xuất bản phẩm. Nhà xuất bản Phụ
nữ Việt Nam có quy trình xuất bản khép kín gồm 3 khâu: Biên tập – In ấn
– Phát hành. Đầu tiên, biên tập viên thực hiện tổ chức bản thảo bằng 3
cách: đặt tác giả viết bản thảo; hoặc làm việc với cộng tác viên để có bản
thảo; hoặc mua bản quyền sách nước ngoài. Tiếp theo là khâu nội dung:
bao gồm thẩm định, biên tập và duyệt bản thảo. Trong đó, đối với những
bản thảo mua bản quyền nước ngoài, Nhà xuất bản không có chức năng
dịch nên thường thuê dịch ngoài hoặc cũng có thể tự dịch, đặc biệt với
sách chuyên ngành thì phải thuê chuyên gia có chuyên môn dịch. Sau khi
được kí duyệt in, bản thảo được chế bản trình bày tại phòng Kế hoạch –
Sản xuất, và đọc bông soát lỗi. Bản bông cuối cùng sẽ được chuyển đi in
và phát hành. Tương ứng với quy trình xuất bản như trên là các phòng ban
phụ trách cho từng khâu, trong đó 3 Phòng Biên tập sẽ chịu trách nhiệm
khâu đầu tiên là biên tập, Phòng Kế hoạch – Sản xuất đảm nhiệm khâu in
ấn và nhiệm vụ phát hành cuối cùng sẽ do Phòng Phát hành tiếp quản và
thực hiện.
 Thứ ba, căn cứ vào cơ sở vật chất kĩ thuật hiện có và định hướng phát triển
trong tương lai. Bước vào thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội
nhập của đất nước, Nhà xuất bản Phụ nữ Việt Nam chủ trương phát triển
theo hướng hiện đại, chuyên nghiệp: Chủ động cả ba khâu: Xuất bản – In
– Phát hành theo hướng chuyển đổi số. Nhà xuất bản luôn không ngừng
đổi mới, cải tiến, bắt kịp xu thế thời đại để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao
của độc giả và xây dựng được một vị thế đặc biệt trong ngành xuất bản tại
Việt Nam với vai trò giáo dục gia đình, phổ biến tri thức, mở rộng và nâng
cao nhận thức, năng lực cho phụ nữ và cộng đồng xã hội.
Kết luận:
Hoạt động xuất bản thuộc lĩnh vực tư tưởng văn hóa, là hoạt động có tính
chất đặc thù, không thể đặt mục tiêu lợi nhuận thuần túy như nhiều ngành kinh tế
khác. Tuy nhiên, cũng không thể quay lại cơ chế bao cấp toàn bộ đối với xuất
bản như trước đây mà phải căn cứ vào tính chất, quy mô hoạt động, chức năng,
nhiệm vụ của cơ quan chủ quản để nghiên cứu việc chuyển đổi mô hình tổ chức
cho phù hợp, theo hướng:
 Chuyển hầu hết các nhà xuất bản sang đơn vị sự nghiệp có thu.
 Đối với các nhà xuất bản đủ điều kiện cần thiết chuyển đổi theo quy định
của Luật doanh nghiệp, có quy mô hoạt động sản xuất, kinh doanh khác
ngoài hoạt động xuất bản mới chuyển sang công ty trách nhiệm hữu hạn
nhà nước một thành viên 100% vốn nhà nước.
 Căn cứ vào quy mô hoạt động của nhà xuất bản, sự chỉ đạo của cơ quan
chủ quản tiến tới thành lập tập đoàn xuất bản.

You might also like