You are on page 1of 13

CƠ CHẾ CỦA HÀNH VI PHẠM TỘI

1
PGS.TS. Đặng Thanh Nga

Tóm tắt: Bài viết tập trung làm sáng tỏ khái niệm hành vi phạm tội và ba khâu
trong cơ chế của hành vi phạm tội như: quá trình hình thành động cơ phạm tội ; lập kế
hoạch phạm tội; thực hiện hành vi phạ m tội và gây ra các hậu quả nguy hiểm cho xã
hội. Trên cơ sở đó, giúp cho việc xác định các biện pháp, cách thức có thể ngăn chặn
tội phạm và thay đổi xu hướng nhân cách của người phạm tội.
Từ khoá: Cơ chế; hành vi; hành vi phạm tội.

Đối với khoa học tâm lý học tội phạm, điều quan trọng không chỉ có câu hỏi
"tại sao" tội phạm được thực hiện, đó là khía cạnh nguyên nhân, mà còn cần đặt ra câu
hỏi "tội phạm được thực hiện như thế nào". Để trả lời cho những câu hỏi này, cần phải
làm rõ cơ chế của hành vi phạm tội. Việc phân tích đặc điểm và nội dung của cơ chế
hành vi phạm tội có ý nghĩa cả về lý luận và thực tiễn. Về mặt lý luận, nghiên cứu cơ
chế của hành vi phạm tội làm sáng tỏ những đặc điểm nhân cách của người phạm tội
và các khía cạnh của môi trường xã hội là nguyên nhân và điều kiện thuận lợi cho việc
thực hiện hành vi phạm tội. Tìm hiểu vấn đề cơ chế của hành vi phạm tội sẽ làm rõ
nhiều yếu tố quan trọng liên quan đến hành vi phạm tội, như nguồn gốc, động lực thúc
đẩy, diễn biến và hậu quả tâm lý của hành vi phạm tội. Về mặt thực tiễn, nghiên cứu
cơ chế của hành vi phạm tội giúp cho việc xác định các biện pháp, cách thức có thể
ngăn chặn tội phạm và thay đổi xu hướng nhân cách của người phạm tội.
1. Khái niệm hành vi phạm tội
Hành vi phạm tội là một trong những thuật ngữ được dùng phổ biến trong khoa
học pháp lý hình sự, khoa học tội phạm học và khoa học tâm lý học tội phạm. Việc làm
rõ khái niệm hành vi phạm tội có ý nghĩa rất quan trọng không chỉ về mặt lý luận mà
còn cả trong thực tiễn đấu tranh phòng, chống tội phạm.
Tác giả M. I. Enhikev cho rằng hành vi phạm tội là hành vi có lý trí, có ý chí,
nguy hiểm cho xã hội, trái pháp luật và phải chịu hình phạt. Dưới góc độ phân tích của
khoa học pháp lý thì cấu trúc của hành vi phạm tội thường được chia ra thành bốn yếu
tố cấu thành:1) Khách thể; 2) Mặt khách quan của tội phạm; 3) Mặt chủ quan của tội
phạm; 4) Chủ thể của tội phạm2.
Theo Từ điển Luật học hành vi phạm tội được hiểu là hành vi thoả mãn các dấu
hiệu của cấu thành tội phạm. Xét về tính chất, hành vi phạm tội là hành vi có tính gây
thiệt hại đáng kể cho xã hội, có lỗi được quy định trong Luật hình sự. Xét về cấu trúc ,
hành vi phạm tội đòi hỏi có những dấu hiệu sau: 1) Chủ thể thực hiện phải là người có

1 Khoa Pháp luật hình sự, Trường Đại học Luật Hà Nội.
2 Еникеев М. И., Основы общей юридической психологии, Учебник для вузов, M., 1996, C. 323.
năng lực trách nhiệm hình sự cũng như phải thoả mãn các dấu hiệu đặc biệt khác (chủ
thể đặc biệt) nếu cấu thành tội phạm đòi hỏi; 2) về mặt khách quan, chủ thể phải có
hành động hoặc không hành động thoả mãn các dấu hiệu khách quan của cấu thành tội
phạm (hành vi, hậu quả, quan hệ nhân quả, đối tượng tác động…); 3) Về mặt chủ
quan, chủ thể phải có lỗi, cố ý hoặc vô ý tuỳ từng cấu thành tội phạm cũng như chủ thể
phải có động cơ, mục đích nhất định nếu cấu thành tội phạm đòi hỏi. Cần phân biệt
hành vi phạm tội với hành vi khách quan. Hành vi phạm tội là thể thống nhất giữa
hành vi khách quan với các dấu hiệu khách quan và chủ quan khác mà cấu thành tội
phạm đòi hỏi. Trong đó, hành vi khách quan được hiểu là biểu hiện ra bên ngoài của
con người được ý thức kiểm soát và ý chí điều khiển nhằm đạt mục đích nhất định3
Từ những quan điểm trên, khi xem xét một hành vi nào đó có phải là hành vi
phạm tội hay không thì cần phải dựa vào vào những dấu hiệu sau đây:
Hành vi bị coi là hành vi phạm tội khi hành vi đó phải có tính nguy hiểm cho
xã hội. Tính nguy hiểm cho xã hội của hành vi được thể hiện ở chỗ, cách ứng xử cụ thể
của con người được thể hiện ra bên ngoài dưới những hình thức nhất định, gây thiệt
hại hoặc đe doạ gây thiệt hại cho các quan hệ xã hội được luật hình sự bảo vệ. Đây là
một trong những căn cứ để phân biệt hành vi phạm tội với những hành vi vi phạm
pháp luật.
Dưới góc độ khoa học luật hình sự, hành vi phạm tội được biểu hiện ra bên
ngoài bằng hình thức hành động hoặc không hành động 4. Hành vi phạm tội được biểu
hiện dưới hình thức hành động là chủ thể làm một việc mà pháp luật hình sự cấm, làm
thay đổi trạng thái bình thường của đối tượng tác động của tội phạm qua đó gây thiệt
hại cho quan hệ xã hội được luật hình sự bảo vệ. Hành động phạm tội có thể chỉ đơn
giản là một thao tác xảy ra một lần trong thời gian ngắn, hoặc có thể là tổng hợp các
thao tác khác nhau, hoặc có thể lặp đi lặp lại trong một khoảng thời gian dài. Ví dụ:
hành vi cướp tài sản, hành vi trộm cắp tài sản, hành vi hiếp dâm.... Hành vi phạm tội
biểu hiện dưới hình thức không hành động là sự kiềm chế của chủ thể trước một hành
động nào đó trong hoàn cảnh cụ thể. Nếu như sự kiềm chế này thể hiện được quan
điểm, thái độ của chủ thể đối với các sự việc, hiện tượng đang diễn ra. Như chủ thể
không làm một việc mà pháp luật hình sự yêu cầu phải làm mặc dù người đó có nghĩa
vụ và điều kiện để làm, làm biến đổi tình trạng bình thường của đối tượng tác động,
qua đó gây thiệt hại cho quan hệ xã hội được luật hình sự bảo vệ. Ví dụ: hành vi không
cứu giúp người đang ở trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng; hành vi không tố
giác tội phạm...
Hành vi phạm tội là hành vi có lý trí và có ý chí. Cách xử sự của con người phải
có sự tham gia của lý trí và ý chí, tức là chủ thể phải nhận thức được hành vi của mình
là nguy hiểm cho xã hội, nhận thức được hậu quả của hành vi đó tất yếu sẽ xảy ra hoặc
có thể sẽ xảy ra, đồng thời chủ thể phải điều khiển được cách xử sự đó. Những xử sự
của con người biểu hiện ra bên ngoài thế giới khách quan nhưng không được chủ thể
nhận thức và điều khiển, hoặc chủ thể nhận thức được nhưng không điều khiển được

3 Bộ Tư pháp, Viện Khoa học Pháp lý, Từ điển Luật học, Nxb Từ điển Bách khoa – Nxb Tư pháp, tr. 323 –
324.
4 Романов B.B., Юридическая психология, М, 1999, C.251.
2
thì không có ý nghĩa trong luật hình sự. Những cách xử sự không có chủ định như:
hành động bản năng (những hành động được hình thành từ bởi những kích thích tác
động trực tiếp đến cơ thể được thực hiện ngoài sự kiểm soát của ý thức), hành động
phản xạ (những hành động thực hiện như phản ứng mà không cần có sự kiểm soát của
ý thức), hành động xung động (những hành động không được ý thức một cách đầy đủ,
nó được kích thích bởi nhu cầu đang được thể nghiệm một cách trực tiếp , dưới ảnh
hưởng trực tiếp của hoàn cảnh). Trong hành động này, con người không hề suy nghĩ gì
về hành động của mình, không cân nhắc “nên” hay “không nên”, họ phản ứng một
cách nhanh chóng và trực tiếp. Những hành động như đã nói trên, thực tế đã gây ra
những thiệt hại hoặc đe doạ gây thiệt hại cho các quan hệ xã hội được luật hình sự bảo
vệ nhưng không phải là hành vi phạm tội, bởi vì những hành động này không phải là
kết quả của sự nhận thức (lý trí) và sự điều khiển (ý chí) của chính họ mà là kết quả
trực tiếp của sự tác động từ bên ngoài.
Từ những nội dung phân tích ở trên, có thể đưa ra khái niệm hành vi phạm tội:
Hành vi phạm tội là hành vi nguy hiểm cho xã hội, trái pháp luật hình sự, có lý trí, có
ý chí và được thể hiện ra bên ngoài bằng hình thức hành động hoặc không hành động.
2. Khái niệm về cơ chế của hành vi phạm tội
Cơ chế của hành vi phạm tội của một người là một quá trình được biểu hiện
đầy đủ cả trong không gian và thời gian và nó không chỉ bao gồm những hành động
làm thay đổi môi trường bên ngoài, mà cả những hiện tượng tâm lý và quá trình trước
đó quyết định nguồn gốc của hành vi bất hợp pháp. Cơ chế của hành vi phạm tội là
mối quan hệ tác động qua lại của các yếu tố bên ngoài và các quá trình, trạng thái tâm
lý bên trong quyết định thực h iện tội phạm, hướng đến và kiểm soát việc thực hiện
quyết định này5.
Cơ chế của hành vi phạm tội được hiểu là sự tiến triển của hành vi mang tính
kế tiếp nhất định: xuất hiện ý đ ịnh phạm tội, ra quyết định thực hiện tội phạm, lập kế
hoạch hành động và cuối cùng là thực hiện chúng bởi người phạm tội6.
Hành vi phạm tội là một dạng hành vi và cũng có đầy đủ các yếu tố cấu thành
của hành vi. Nhưng nó khác hành vi bình thường của con người bởi xu hướng chống
đối xã hội và phương thức thực hiện mục đích. Xu hư ớng chống đối xã hội của hành
vi phạm tội được biểu hiện rõ khi phân tích quá trình hình thành động cơ, đề ra mục
đích, lập kế hoạch, quyết định thực hiện hành vi cũng như sự lựa chọn phương thức
nhằm đạt mục đích đã đề ra và sự thay đổi ý định phạm tội tr ong quá trình thực hiện
tội phạm với các hình thức lỗi khác nhau.
Về mặt chủ quan, tội phạm có thể được thực hiện với hình thức lỗi cố ý hoặc
hình thức lỗi vô ý. Trong số các tội phạm thực hiện với lỗi cố ý lại phân ra thành lỗi cố
ý trực tiếp và lỗi cố ý gián tiếp. Cơ chế của hành vi phạm tội chỉ biểu hiện một cách
đầy đủ trong trường hợp phạm tội với lỗi cố ý trực tiếp. Cơ chế của hành vi phạm tội
với lỗi cố ý trực tiếp gồm ba khâu sau đây: quá trình hình thành động cơ

5 Козлов Ю. Г., Слинъко М. И ., Механизм преступного поведения. М., 2004. С. 30.


6 Trịnh Tiến Việt, Nguyễn Khắc Hải, Giáo trình tội phạm học, Nxb Đại học Quốc gia, 2020, tr.187.
3
phạm tội; lập kế hoạch phạm tội; thực hiện hành vi phạm tội và gây ra các hậu quả
nguy hiểm cho xã hội7.
3. Các khâu trong cơ chế của hành vi phạm tội
3.1. Quá trình hình thành động cơ phạm tội
Khâu đầu tiên trong cơ chế của hành vi phạm tội là sự hình thành động cơ
phạm tội. Động cơ đư ợc hiểu là sự thúc đẩy bên trong đối với một hành vi cụ thể.
Động cơ được coi là nguyên nhân trực tiếp của tội phạm. Nghiên cứu động cơ sẽ trả
lời câu hỏi tại sao con người lại có cách xử sự khác nhau.
Trong khâu đầu tiên của cơ chế hành vi phạm tội bao gồm nhu cầu, lợi ích,
định hướng giá trị của cá nhân. Chính những yếu tố này làm phát sinh động cơ của
hành vi phạm tội.
* Nhu cầu
Nhu cầu của chủ thể đóng vai trò chính trong việc hình thành động cơ của
hành vi phạm tội. Nhu cầu của con người phản ánh sự phụ thuộc của họ vào thế giới
bên ngoài, nhu cầu về một cái gì đó.
Nhu cầu và việc thoả mãn nhu cầu của con người là động lực thúc đẩy hoạt
động, điều chỉnh hành vi của cá nhân và nhóm xã hội. Côvaliov A.G. viết: "Nhu cầu là
sự đòi hỏi của cá nhân và của vài nhóm xã hội khác nhau muốn có những điều kiện để
sống và phát triển. Nhu cầu quy định hướng lựa chọn của ý nghĩ, rung cảm và ý chí
của con người. Nó quy định hoạt động của cá nhân, nhóm xã hội và của cả một giai
cấp, một dân tộc, một thời đại"8.
Nhu cầu là những đòi hỏi khách quan tất yếu của con người trong những điều
kiện nhất định, đảm bảo cho sự tồn tại và phát triển của họ. Nhu cầu của con người rất
phong phú, đa dạng và không có giới hạn cũng như không bao giờ được hoàn toàn thoả
mãn. Nó muôn màu, muôn vẻ đối với mọi con người, mọi lứa tuổi, mọi nghề nghiệp,
mọi thế hệ, mọi dân tộc.
Nhu cầu của con người rất đa dạng, có thể phân chia thành ba nhóm chính: 1)
nhu cầu sinh lý – trong việc tự bảo vệ, sinh sản,...; 2) nhu cầu vật chất – đảm bảo sự
tồn tại và tiếp tục sống như ăn uống, nhà ở, mặc, đi lại…; 3) nhu cầu xã hội - giành
được địa vị xã hội, được thừa nhận, tự khẳng định, sáng tạo, ý nghĩa của cuộc sống, ...
Nhu cầu con người và nhu cầu xã hội nói chung thường có phần cao hơn khả
năng hiện có và đây là cơ sở cho sự phát triển đi lên. Tuy nhiên sự chênh lệch giữa nhu
cầu và khả năng thực tế có thể trở thành điều kiện nhưng không phải nguyên nhân của
hành vi phạm tội khi mức thoả mãn nhu cầu quá thấp như: nhu cầu quá lớn, lòng tham
lam, tính đố kỵ, ý muốn "hơn người" và kèm theo đó phương thức thoả mãn nhu cầu
không phù hợp với các chuẩn mực đạo đức và pháp luật thường dẫn đến hành vi tham
ô tài sản, nhận hối lộ, trộm cắp tài sản, cướp giật tài sản, cưỡng đoạt tài sản …
Nhu cầu thực hiện chức năng động lực để thúc đẩy hành vi của người phạm tội.
Nó quy định xu hướng lựa chọn các động cơ, mục đích và ý định phạm tội. Ngoài
7 Козлов Ю. Г., Слинъко М. И ., Механизм преступного поведения. М., 2004. С. 30.
8 Côvaliov A.G., Tâm lý học cá nhân, Nxb Giáo dục, Hà Nội, 1971, tập 1, tr. 193.

4
những đặc điểm nhu cầu của con người nói chung, nhu cầu của người phạm tội còn có
những đặc điểm đặc trưng sau đây: tính nhỏ nhen, hẹp hòi, thiên về vật chất, thực
dụng; tính hẹp hòi của những nhu cầu xã hội cần thiết (nhu cầu lao động, nhu cầu đạo
đức...); tính cao siêu, vượt quá nhu cầu trung bình và ngoài khả năng thoả mãn cho
phép; tính đồi bại, suy thoái.
*Lợi ích
Lợi ích là bậc thang từ nhu cầu đến hành vi, là sự nhận thức nhu cầu và so sánh
nó với những điều kiện và công cụ, phương tiện thực hiện đang có. Lợi ích cũng là xu
hướng nhận thức đối tượng có ý nghĩa được cá nhân lựa chọn và có nội dung phong
phú về mặt tình cảm.
Lợi ích của con người thể hiện ở mối quan hệ của cá nhân với điều kiện hiện tại,
với cái ước muốn ở kế hoạch hoạt động sống của nó trong tương lai. Đôi khi những
dạng hành vi nhất định trở thành lợi ích độc lập của cá nhân, tách khỏi điều kiện xuất
phát. Hành vi vu khống, vu oan giáng họa, đổ lỗi cho người khác, cãi cọ và thậm chí vi
phạm pháp luật thường biểu hiện như hình thức biến dạng của sự tự khẳng định và của
"tính tích cực xã hội".
*Động cơ phạm tội
Nhu cầu của con người khi đã được nhận thức và có k hả năng thực hiện thì nó
trở thành động cơ.
Động cơ là cái bên trong, là động lực thúc đẩy con người thực hiện hành vi.
Động cơ phạm tội là tất cả những gì bên trong thúc đẩy người phạm tội thực hiện hành
vi phạm tội. Ví dụ: Giết người vì động cơ đê hèn (giết vợ, giết chồng để được tự do lấy
vợ, lấy chồng khác; giết người tình sau khi “quan hệ” với họ có thai để trốn tránh
trách nhiệm với đứa con trong bụng; giết người cho mình được thừa kế để được hưởng
thừa kế sớm hơn…), hoặc giết người để che giấu một tội phạm khác...
Về mặt thực tiễn, việc phát hiện ra động cơ phạm tội và nghiên cứu chúng sẽ rất
thiết thực và có ý nghĩa đối với việc: xác định mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành
vi phạm tội; dự báo khả năng tái phạm của người phạm tội; xác định khung hìn h phạt
đối với người phạm tội; xác định những tình tiết tăng nặng hoặc giảm nhẹ trách nhiệm
hình sự khi quyết định hình phạt đối với người phạm tội.
Động cơ và thái độ xử sự của con người là hiện tượng hết sức phức tạp, nó
không chỉ xuất hiện trong mỗi cá nhân trên cơ sở các nhu cầu cấp thiết, mà cả trong
các mối quan hệ của cá nhân với người khác, với hoàn cảnh xã hội. Hành vi của một
con người trong trạng thái bình thường đều được thực hiện do sự thúc đẩy của một
hoặc một số động cơ nhất định. Trong những trường hợp phạm tội với lỗi cố ý trực tiếp
thì bao giờ hành vi của người phạm tội cũng đều do động cơ phạm tội thúc đẩy. Chỉ
trong trường hợp phạm tội với lỗi cố ý gián tiếp, vô ý vì cẩu thả và vô ý vì quá tự tin
thì hành vi mới không có động cơ phạm tội thúc đẩy. Thường những tội phạm này
được thực hiện do xung đột tình cảm được tích tụ lại, thiếu sự chi phối của kích thích
bên trong. Đôi khi hình ảnh xuất hiện đột ngột, kích động con người hành động mà
không phân tích kỹ lưỡng hậu quả tất yếu của nó hoặc họ không biết hành vi của mình
là hành vi phạm tội, hoặc tin rằng hành vi của mình không trở thành hành vi phạm tội.
5
Có những trường hợp con người hành động không theo ý muốn của mình và đã dẫn đến
phạm tội. Trong trường hợp như vậy động cơ của hành vi mang tính chất bắt buộc.
Thường những hành vi phạm tội xuất phát từ những động cơ sau: động cơ tự
khẳng định, động cơ phòng thủ, động cơ thay thế, động cơ giải trí, động cơ tự biện
hộ…
Các động cơ tự khẳng định. Nhu cầu tự khẳng định là nhu cầu quan trọng nhất,
kích thích hành vi của con người trong phạm vi rộng lớn. Nó thể hiện sự mong muốn
khẳng định mình của con người ở cấp độ xã hội, cấp độ tâm lý xã hội và cấp độ cá
nhân.
Sự khẳng định của một người ở cấp độ xã hội có nghĩa là mong muốn đạt được
vị trí nhất định trong xã hội, gắn liền với sự công nhận của xã hội đối với một cá nhân
trong lĩnh vực hoạt động xã hội hoặc nghề nghiệp. Sự tự khẳng định gắn liền với sự
mong muốn được đánh giá cao và tự đánh giá cao bản thân, đề cao lòng tự trọng và giá
trị của bản thân. Điều này đạt được bằng cách thực hiện các hành động nào đó, mà
những hành động này theo ý muốn của con người là tạo điều kiện cho việc vượt qua
bất kỳ khiếm khuyết, những nhược điểm tâm lý và đồng thời thể hiện các mặt mạnh
của nhân cách. Thông thường, sự tự khẳng định như vậy diễn ra một cách không có ý
thức. Ví dụ, đối với người phạm tội tham ô tài sản, thì chủ thể của tội này phải là
người có chức vụ, quyền hạn liên quan đến việc quản lý tài sản. Họ sử dụng chức vụ,
quyền hạn này như là một phương tiện để thực hiện hành vi phạm tội. Do vậy, trên
thực tế, họ thường là người có uy tín, có chức vụ, quyền hạn, hoặc họ tìm mọi cách để
có được địa vị xã hội nhất định cũng như bảo vệ nó bằng bất kỳ thủ đoạn nào, kể cả
việc thực hiện hành vi phạm tội. Trong trường hợp họ không đạt được địa vị xã hội
nhất định, thậm chí mất địa vị này thì họ còn cho rằng đó là một thảm họa đối với cuộc
sống của mình.
Sự khẳng định ở cấp độ tâm lý xã hội gắn liền với sự mong muốn giành được
địa vị cá nhân, tức là, để có được sự công nhận từ những người gần gũi nhất ở cấp độ
nhóm - gia đình, bạn bè, người đồng niên, đồng nghiệp,..). Nhưng con người cũng có
thể khao khát được tham gia và trở thành thành viên của một nhóm mà nhóm này trước
đó họ không hề có sự tiếp xúc. Trong những trường hợp này, họ thực hiện hành
vi phạm tội như một cách để thâm nhập vào một nhóm như vậy và giành được sự thừa
nhận. Đây là đặc điểm đặc trưng nhất đối với những người chưa thành niên.
Trong số các cấp độ khẳng định của con người, sự tự khẳng định ở cấp độ cá
nhân có tầm quan trọng bậc nhất, nó kích thích sự khao khát được thừa nhận ở cấp độ
xã hội và tâm lý xã hội. Khi tự khẳng định, con người sẽ cảm thấy mình tự chủ, độc
lập hơn, tự tách những giới hạn tâm lý ra khỏi sự tồn tại của mình, tự trở thành nguồn
thay đổi trong môi trường xung quanh, làm cho họ cảm thấy mình an toàn hơn. Điều
này cho họ cơ hội được thể hiện một cách xứng đáng và được đánh giá cao trong
“mắt” của nhóm người và trong “mắt” của xã hội. Những sự thừa nhận này có mối
quan hệ, bổ sung cho nhau, đảm bảo cho tâm lý bên trong của cá nhân cảm thấy thoải

6
mái và cảm giác an toàn9.
Những người khao khát khẳng định ở cấp độ xã hội, tâm lý xã hội và cá nhân
thường gặp thấy trong số những người phạm tội nhận hối lộ và phạm tội tham ô tài
sản. Trong số những người phạm tội trộm cắp tài sản, cướp tài sản, cưỡng đoạt tài sản,
lừa đảo chiếm đoạt tài sản… thì những người khẳng định ở cấp độ tâm lý xã hội và cấp
độ cá nhân thường được bộc lộ rõ hơn.
Đối với người phạm tội hiếp dâm, sự tự khẳng định ở cấp độ cá nhân lại là một
động cơ phổ biến. Hiếp dâm không chỉ là sự thỏa mãn nhu cầu tình dục, không chỉ là
biểu hiện của tâm lý “chiếm đoạt” và thái độ thô lỗ đối với phụ nữ, là sự xâm hại danh
dự và nhân phẩm của phụ nữ, mà trước hết, là sự tự khẳng định nhân cách của mình
theo phương thức đồi bại và gây nguy hiểm cho xã hội.
Những nguyên nhân chủ quan của hành vi phạm tội hiếp dâm gắn liền trước hết
với các đặc thù của sự tự nhận thức của người phạm tội. Trong những trường hợp này,
cảm giác của họ thường biểu hiện ở mức độ bản năng, tự ti, bị tổn thương, bị giam
hãm và thất vọng vào đối tượng mà anh ta bị phụ thuộc (người phụ nữ nói chung). Để
mong muốn thoát khỏi những cảm giác nói trên, đồng thời họ muốn tự khẳng định
mình trong vai trò của người “đàn ông” có thể thúc đẩy người này đến việc thực hiện
hành vi phạm tội hiếp dâm.
Các động cơ phòng thủ . Các nghiên cứu cho thấy rằng, thông thường một số
lượng đáng kể các vụ án giết người có một mục đích khách quan, ý thức bảo vệ khỏi
một mối đe dọa bên ngoài, mà trong thực tế mối đe doạ này có thể xảy ra nhưng cũng
có thể không xảy ra. Trong trường hợp này, nỗi sợ về sự gây hấn có thể xảy ra thường
kích thích việc thực hiện các hành động đe doạ có tính gây hấn. Nhiều khi, xuất phát từ
động cơ phòng thủ mà người phạm tội đã giết chết nạn nhân ngay sau khi bị hiếp dâm.

Hành vi giết người này là kết quả của sự hiếu chiến, thù địch. Sự hiếu chiến, thù
địch là một hình thức phản ứng gây hấn. Phản ứng này như một sự đáp trả của cá nhân
trong những đi ều kiện khác nhau khi bị làm cho họ tức giận. Ví dụ: khi tiếp nhận
những lời lăng mạ, các mối đe d ọa, sự tấn công về mặt vật lý, hoặc một thất bại của
chính mình. Mục đích cu ối cùng của tội phạm giết người loại này là khiến cho nạn
nhân phải chịu đựng. Phản ứng có tính bạo lực này, đôi khi được coi là, “... nóng tính,
cảm tính, bộc phát và hành đ ộng nhanh chóng với mục đích gây hại đ ến đ ối tượng
khiêu khích hoặc để bảo vệ bản thân” 10. Thông thường, không có động cơ cụ thể đằng
sau hành vi giết người loại này11. Chính vì vậy, sự hiếu chiến thù địch được nhắc đến ở
đây khác với những sự hiếu chiến và bạo lực có động cơ cụ thể khác. Tội giết người
loại này chủ yếu là do trả đũa, và sự tước đoạt tính mạng người khác được thực hiện
một cách bốc đồng khi nhận được một sự khiêu khích hay một mối đe dọa quá lớn từ
nạn nhân.
9 Антонян Ю. М., Еникеев М. И., Эминов В. Е. Психология преступника и расследование
преступления. М., 1996. С. 170
10 Fontaine, R. G., Reactive cognitive, reaction emotion: Toward a more psychologically-informed
understanding of reactive homicide. Psychology, Public Policy, and Law, 14, 2008, p.243.
11 Fontaine, R. G., Dodge, K. A., Real-time deci- sion making and aggressive behavior in youth: A heuristic
model of response evaluation and decision (RED),Aggressive Behavior, 32, 2006, 604–624.
7
Rất nhiều người phạm tội giết người trong nhóm này có khuynh hướng quy kết
thù địch rất mạnh mẽ. Điều này có nghĩa là loại người phạm tội này sẵn sàng thực hiện
hành vi bạo lực bất cứ khi nào họ cảm nhận được sự khiêu khích và đe dọa đối với họ,
dù cho những khiêu khích và đe dọa này rất nhỏ và vô hại. Nói cách khác, họ nhìn thấy
mối đe dọa ngay cả khi trên thực tế không hề có yếu tố nào có tính đe dọa xuất hiện.
Fontaine R. G. đã từng mô tả những cá nhân này có một quá trình tư duy bị rối loạn,
đặc biệt trong việc diễn giải những kích thích mơ hồ từ xã hội. Những người này
dường như sẽ “xù lông” đối với những người khác ngay khi họ cảm nhận được bất kì
sự khiêu khích nào dù cho chúng rất nhỏ và vô hại. Hành vi phản ứng như vậy thường
được gói gọn trong hai khái niệm “bốc đồng” và “mất kiểm soát hành vi”12. Ví dụ:
H., khi còn là một thiếu niên, thường có những hành động côn đồ và đánh đập bạn bè
đồng trang lứa, nếu khi anh ta cảm thấy hình như họ đe dọa anh ta bằng bất cứ cách
nào đó. H. thường xuyên sẵn sàng đánh trả và để làm được điều đó luôn mang theo
một con dao bên mình. Ngay sau khi rời quân ngũ, tại nơi làm việc anh ta đã đấm một
người đốc công được cho là đã xúc phạm anh ta. Một lần khác, anh ta đi đến một nhóm
đàn ông và đâm một người trong số họ bằng dao từ phía sau (nhưng chỉ đâm sượt
người và làm rách quần áo) - H. cho rằng họ đã nói xấu về mình. Một năm sau, khi
nhìn thấy một nhóm thanh thiếu niên ở lối vào câu lạc bộ, H. tiến đến chỗ họ và đâm
một người trúng tim, nạn nhân đã chết ngay tại chỗ. H. giải thích hành động của mình
như sau: "Anh ta chửi tôi, nhưng tôi sẽ không tha thứ cho bất cứ ai làm điều đó với
tôi." Điều thú vị là H. nói theo cách riêng của mình, người đã bị giết không phải người
xúc phạm mình, mà là người khác đang đứng bên cạnh anh ta. Điều này cho thấy, H.
sẵn sàng thực hiện sự tấn công của mình, và những lời lăng mạ chỉ là cái cớ để trả thù
sự gây hấn phòng thủ.
Các động cơ thay thế . Không hiếm những trường hợp phạm tội có tính chất
bạo lực được thực hiện bởi cơ chế của hành động thay thế. Bản chất của những hành
động này là nếu mục đích ban đầu vì bất kỳ lý do nào đó không thể đạt được, thì con
người thường tìm cách thay thế nó bằng một mục đích khác – vừa sức. Nhờ các hành
động "thay thế" đó, sự căng thẳng thần kinh trong trạng thái thất vọng được xoa dịu.
"Sự thay thế" của các hành động, tức là, sự di chuyển đối tượng tấn công, có thể diễn
ra theo những cách khác nhau. Thứ nhất, bằng cách “tổng thể” hay “lan truyền” hành
vi, khi những động cơ bạo lực không chỉ nhằm vào những người là nguồn gốc của sự
gây hấn, mà còn chống lại người thân, người quen của họ, v.v. Trong những trường
hợp như vậy, người này đã cãi nhau với một người - người đã có mặt để giải quyết sự
gây hấn của anh ta với người thân hoặc bạn bè của họ. Thứ hai, thông qua sự di chuyển
tình cảm. Ví dụ, A. đã giết cả gia đình B. do B đã từ chối không yêu mình.
Các động cơ giải trí. Trong số các động cơ phổ biến cho hành vi phạm tội là
động cơ giải trí. Loại động cơ này thường không phổ biến trong số những người phạm
tội trộm cắp tài sản, những người phạm tội tham ô tài sản, đặc biệt là những người
phạm tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Tuy nhiên, động cơ này lại phổ biến hơn trong số

12 Fontaine, R. G., Reactive cognitive, reaction emotion: Toward a more psychologically-informed


understanding of reactive homicide. Psychology, Public Policy, and Law, 2008, 14.

8
những người phạm tội khác. Đại diện cho những người phạm tội có động cơ nói trên là
người phạm tội đánh bạc, trong nhiều trường hợp họ thực hiện hành vi phạm tội không
phải chỉ vì lợi ích vật chất, mà còn vì trò chơi mang đến cảm giác hồi hộp. Trên thực
tế, có những trường hợp các động cơ giải trí có thể gặp trong các hành vi phạm tội của
những người móc túi và không hiếm ở những người thực hiện các vụ trộm cắp tài sản
tại căn hộ, cửa hàng và các chỗ ở khác. Những động cơ này được biểu hiện rõ rệt sự
lừa bịp, nơi mà sự đối đầu trí tuệ, cuộc tranh đua khôn khéo, nhanh trí được thực hiện,
biết lợi dụng tối đa các hoàn cảnh thuận lợi và nhanh chóng đưa ra quyết định.
Các động cơ tự biện hộ. Một trong những động cơ phổ biến của hành vi phạm
tội trong phần lớn các trường hợp là động cơ tự biện hộ: không thừa nhận tội lỗi và do
đó, thiếu sự ăn năn đối với việc làm của họ. Sự lên án chân thành về hành động của họ
là khá hiếm, nhưng đồng thời, sau khi thừa nhận, họ thường đưa ra các lập luận để
giảm bớt lỗi của mình đến mức tối thiểu. Nghiên cứu về nhân cách của người phạm tội
đã cho thấy tầm quan trọng đặc biệt của các cơ chế phòng vệ nhằm chuẩn bị và thực
hiện hành vi phạm tội, và sau đó lại biện minh cho hành vi phạm tội. Khi bị áp dụng
các chế tài hình sự hoặc sợ bị áp dụng những chế tài này, người phạm tội thường chọn
cách để chối bỏ những tình tiết hoặc hậu quả bất lợi do hành vi của mình gây ra, bằng
cách đưa ra các cơ chế bảo vệ cho mình.
*Ý định phạm tội
Ý định phạm tội xuất hiện trên cơ sở những động lực nhất định thúc đẩy và gắn
liền với sự phân tích, đánh giá hoàn cảnh cụ thể. Trước khi thực hiện hành vi phạm tội,
ý định phạm tội không mang tính khách quan mà nó là yếu tố tâm lý có tính chất chủ
quan.
Trong lĩnh vực pháp luật hình sự, việc truy cứu trách nhiệm hình sự đối với một
người không phải dựa trên ý định phạm tội của họ, mà chỉ truy cứu trách nhiệm hình
sự khi người đó đã có những hành vi nguy hiểm cụ thể thực hiện ra bên ngoài thế giới
khách quan. Ví dụ như: tìm kiếm dao súng, để giết người (giai đoạn chuẩn bị phạm tội)
hoặc can phạm đã có những hành vi đâm, bắn, bóp cổ trong tội giết người (giai đoạn
thực hiện tội phạm). Tuy nhiên khi đã xác định ý định phạm tội thì đó chính là cơ sở
tâm lý dẫn đến việc thực hiện tội phạm.
Ý định phạm tội quan hệ chặt chẽ với điều kiện thực hiện tội phạm. Điều kiện
thay đổi có thể làm thay đổi ý định phạm tội hoặc làm xuất hiện ý định phạm tội mới.
Ví dụ: lúc đầu người phạm tội có ý định trộm cắp tài sản, nhưng khi điều kiện thay đổi
thì họ lại thực hiện hành vi cướp tài sản. Ý định sẽ biến mất khi không có điều kiện
khách quan thuận lợi cho việc thực hiện hành vi phạm tội. Đôi khi có điều kiện phạm
tội nhưng chủ thể tự nguyện từ bỏ ý định phạm tội vì nhiều nguyên nhân khác nhau.
3.2. Lập kế hoạch phạm tội
Khâu thứ hai trong cơ chế của hành vi phạm tội là quá trình động cơ hoá được
cụ thể hoá trong kế hoạch thực hiện hành vi phạm tội. Chủ thể xác định các mục đích
trực tiếp và các khách thể xâm hại, cũng như lựa chọn công cụ, phương tiện, địa điểm
và thời gian thực hiện hành vi phạm tội để đưa ra các quyết định phù hợp. Ở giai đoạn

9
này, ảnh hưởng của các yếu tố bên ngoài còn thay đổi, nó ảnh hưởng mạnh đến mức có
thể thay đổi ý định, khiến chủ thể từ bỏ ý định phạm tội.
Khi nhu cầu đã hình thành động cơ phạm tội, thì đây là lúc người phạm tội bắt
đầu thực hiện động cơ này. Do đó, khâu thứ hai của một tội phạm có chủ ý là lập kế
hoạch cho hoạt động phạm tội. Chính trong giai đoạn này, ý định của người phạm tội
được thực hiện, và tội phạm được chuyển từ ý định t rừu tượng thành có thể cảm thấy
được hiện thực.
Lập kế hoạch cho việc thực hiện hành vi phạm tội giống như lập kế hoạch cho
bất kỳ hành vi nào khác, phải tuân theo quy luật chung về lập kế hoạch hoạt động.
Chúng bao gồm các yêu cầu hoặc điều kiện tiên quyết sau: cần biết hoàn cảnh mà ở đó
con người dự định hành động; cần xác định rõ mục đích của các hành động và đối
tượng của chúng, các phương thức và phương tiện được sử dụng, thời gian và địa điểm
hành động, chi phí, phương thức hiện thực hóa kết quả đạt được. Đồng thời, con người
cần phải hình dung một cách rõ ràng các khả năng mà họ có, lường trước các khó khăn
đang chờ đợi và những hậu quả có thể xảy ra do hành vi phạm tội của mình đem lại.
Lập kế hoạch, như một phần của cơ chế của hành vi phạm tội, có thể có nội
dung khác nhau, tùy thuộc vào loại tội phạm, nhân cách của người phạm tội và hoàn
cảnh hiện tại. Nhưng trong mọi trường hợp, nó bao gồm ba yếu tố: lựa chọn mục đích,
lựa chọn khách thể xâm hại và lựa chọn phương thức thực hiện để đạt được mục đích.
* Lựa chọn mục đích phạm tội
Việc lựa chọn mục đích là do động cơ quyết định. Từ động cơ người ta xác định
mục đích của hành vi, vạch ra kế hoạch cụ thể để đạt được kết quả tối ưu.
Khi xem xét hành vi phạm tội như là một hành vi có lý trí, có nghĩa là chủ thể
phải thấy trước kết quả tương lai của hành vi mà mình sẽ thực hiện (tức là mục đích
của hành vi). Mục đích của hành vi xác định tính chất và phương thức hành động, lựa
chọn công cụ, phương tiện thực hiện để đạt kết quả.
Mục đích phạm tội là cái mà người phạm tội đặt ra trong trí óc của mình và
mong muốn đạt được thông qua hành vi phạm tội.
Người phạm tội khi thực hiện tội phạm đều nhằm tới những mục đích nhất định.
Nhưng chỉ có thể nói đến mục đích phạm tội của những hành vi phạm tội với lỗi cố ý
trực tiếp, vì chỉ trong trường hợp này người phạm tội mới có sự mong muốn gây ra tội
phạm để đạt những mục đích nhất định. Còn ở trường hợp phạm tội khác (như phạm
tội với lỗi cố ý gián tiếp, vô ý vì cẩu thả, vô ý vì quá tự tin) người phạm tội cũng có
mục đích, nhưng đó chỉ là mục đích của hành vi, vì người phạm tội hoàn toàn không
mong muốn thực hiện một tội phạm, hoặc họ không biết hành vi của mình có thể trở
thành một tội phạm hoặc biết nhưng không muốn nó trở thành tội phạm.
Mục đích của việc thực hiện hành vi phạm tội thường được hiểu là kết quả mà
người phạm tội mong muốn. Nhưng có thể có một số kết quả không như vậy, vả lại
chúng phụ thuộc lẫn nhau. Do đó, cần phải làm nổi bật mục đích chủ yếu (ví dụ: việc
chiếm đoạt tiền trong một vụ cướp ngân hàng); mục đích trung gian (khi chuẩn bị một
vụ cướp ngân hàng, cần tìm đồng bọn cùng tham gia, tìm kiếm công cụ, phương tiện
phạm tội, tiến hành thăm dò địa hình, v.v.); mục đích mới phát sinh (chẳng hạn như,
10
giết chết thuộc hạ vì đã phạm lỗi, thủ lĩnh của bă ng đảng mong muốn không chỉ tìm
cách thoát khỏi "kẻ phản bội", mà còn đe dọa các thành viên khác của băng đảng, và
đôi khi củng cố ưu thế, quyền lực của mình trong mắt của đồng bọn).
Mục đích của hành vi phạm tội không do điều kiện khách quan quy định mà do
chủ thể định ra và được nhận thức như yếu tố cần thiết và có khả năng thực hiện trong
điều kiện nhất định.
* Lựa chọn khách thể xâm hại
Trong tội phạm học, nói về khách thể bị xâm hại, có nghĩa là nạn nhân hoặc đối
tượng vật chất mà hành vi của người phạm tội hướng đến. Bản chất của khách thể phụ
thuộc chủ yếu vào động cơ của hành vi phạm tội và mục đích chính của người phạm
tội. Sự phụ thuộc này không cứng nhắc, vì khi xâm hại các khách thể khác nhau, người
phạm tội có thể thỏa mãn cùng một mục đích và động cơ. Ví dụ: vì động cơ thù hằn cá
nhân, A. không chỉ cố ý gây thương tích cho B., mà còn hủy hoại tài sản của B. Và
trên thực tế còn có trường hợp, người phạm tội xâm hại cùng một khách thể nhưng có
thể đạt được các mục đích khác nhau. Ví dụ: A. giết B. là cán bộ nhằm mục đích trả
thù cá nhân, đồng thời cũng nhằm mục đích chống chính quyền nhân dân.
*Lựa chọn phương thức thực hiện hành vi phạm tội
Yếu tố cuối cùng của lập kế hoạch là việc xác định và lựa chọn phương thức
thực hiện hành vi phạm tội (phương tiện để đạt được mục đích). Phương thức thực
hiện hành vi phạm tội là tổng hợp các thủ đoạn được người phạm tội sử dụng trong
việc thực hiện các ý định của họ.
Phương thức thực hiện hành vi phạm tội là hệ thống phương pháp được lựa
chọn xuất phát từ động cơ, mục đích đã hình thành và do đặc điểm tâm lý của người
phạm tội quy định. Đây là mặt khách quan của hành vi phạm tội có ý thức.
Phương thức thực hiện hành vi phạm tội phản ánh ý định và quá trình chuẩn bị
phạm tội. Làm rõ phương thức thực hiện hành vi phạm tội chúng ta thấy được động cơ
mà người phạm tội tuân thủ, mục đích mà họ theo đuổi. Ví dụ: người phạm tội cướp tài
sản thường sử dụng vũ khí kể cả vũ khí quân dụng như súng, súng điện, roi điện, bình
xịt hơi cay, dao nhọn, kiếm, mã tấu, lựu đạn, thuốc gây mê, thuốc độc, dây trói… để
khống chế, vô hiệu hoá mọi sự chống trả của nạn nhân nhằm mục đích chiếm đoạt tài
sản. Trong phương thức thực hiện hành vi phạm tội còn thể hiện đặc điểm tâm lý, vốn
tri thức, kỹ năng, kỹ xảo, thói quen, các mối quan hệ xã hội, kiểu khí chất, trạng thái
tâm lý của người phạm tội. Ví dụ: Những hành vi côn đồ thường có ở những người
thuộc khí chất nóng, không biết kiềm chế, thiếu giáo dục, ....; hoặc tâm lý chung
của những người phạm tội cướp tài sản là quyết tâm thực hiện tội phạm đến cùng. Do
đó, họ thường rất manh động, hung hãn, sẵn sàng sử dụng vũ lực ngay tức khắc với
cường độ cao để đè bẹp mọi sự kháng cự của nạn nhân nhằm chiếm đoạt tài sản và tẩu
thoát.
Phương thức thực hiện hành vi phạm tội có quan hệ mật thiết với động cơ và
mục đích. Nếu động cơ xác định mục đích, thì đến lượt mình mục đích lại xác định
tính chất và phương thức đạt kết quả. Vì thế làm rõ phương thức phạm tội giúp ta hiểu
thêm về động cơ và mục đích phạm tội.
11
3.3. Thực hiện hành vi phạm tội và gây ra các hậu quả nguy hiểm cho xã
hội
Cực điểm dẫn đến hành vi phạm tội là việc hình thành quyết định hành động cụ
thể, sự "khẳng định" hoàn toàn phương án đã chọn là thời điểm xuất phát để thực hiện
hành động là "điểm nút" của toàn bộ quá trình chuẩn bị phạm tội.
Có thể nói rằng đến thời điểm này nhân cách đã chuyển hóa, mục đích mà chủ
thể đã định nổi lên trên hết, mọi ý nghĩ đều tập trung hướng đến kết quả phạm tội.
Khâu thứ ba - trực tiếp thực hiện hành vi phạm tội. Hành vi này có thể thực hiện
bằng hình thức hành động phạm tội hoặc không hành động phạm tội và gây ra hậu quả
nguy hiểm cho xã hội.
Trong thực tế, sự lựa chọn phương án hành động có thể thích hợp, có cơ sở, hợp
lý, có tính đến lôgíc phát triển của các sự kiện. Nhưng cũng có thể không thích hợ p,
không hợp lý khi những phương án có khả năng không được sắp xếp theo trình tự "hợp
lý" không được cân nhắc một cách kỹ lưỡng. Tuy vậy, đối với tất cả mọi hành vi phạm
tội hợp lý và không hợp lý xét dưới góc độ dự đoán tình huống đều không hợp lý ở chỗ
nó không tính đến hậu quả sẽ gây ra cho xã hội và sự trừng phạt là không thể tránh
khỏi sau đó.
Rất nhiều trường hợp người phạm tội đã không dự tính đầy đủ những khả năng
có thể xảy ra nên khi hành động gặp phải nhiều khó khăn, trở ngại. Đó là những hiện
tượng vẫn thường xảy ra do hạn chế về mặt trí tuệ, nhận thức của người phạm tội, do
thao tác vụng về và trí nhớ hạn chế của họ. Đa số người phạm tội là những người
không biết tính toán kỹ lưỡng, không có tầm nhìn xa trông rộng, chỉ thấy lợi ích trước
mắt mà không nghĩ đến tương lai lâu dài.
Như vậy, hành vi phạm tội là hành vi nguy hiểm cho xã hội, trái pháp luật hình
sự, có lý trí, có ý chí và được thể hiện ra bên ngoài bằng hình thức hành động hoặc
không hành động . Cơ chế của hành vi phạm tội gồm ba khâu: quá trình hình thành
động cơ phạm tội; lập kế hoạch phạm tội; thực hiện hành vi phạm tội và gây ra các hậu
quả nguy hiểm cho xã hội. Nhưng không phải lúc nào cơ chế của hành vi phạm tội
cũng có đầy đủ ba khâu này, bởi lẽ những khâu này chỉ diễn ra trong trư ờng hợp tội
phạm được thực hiện với lỗi cố ý trực tiếp. Đối với những tội thực hiện bằng hình thức
lỗi cố ý gián tiếp hoặc vô ý thì không có quá trình hình thành động cơ và lập kế hoạch.
Trong những trường hợp này cơ chế là việc ra quyết định sai lầm hoặc sai sót, thiếu sót
trong cách xử sự. Trên cơ sở, nghiên cứu cơ chế của hành vi phạm tội giúp cho việc
xác định các biện pháp, cách thức có thể ngăn chặn tội phạm và thay đổi xu hướng
nhân cách của người phạm tội.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Антонян Ю. М., Еник еев М. И., Эминов В. Е . Психология преступника и


расследование преступления. М., 1996.
2. Bộ Tư pháp, Viện Khoa học Pháp lý, Từ điển Luật học, Nxb Từ điển Bách khoa –
Nxb Tư pháp.
12
3. Côvaliov A.G., Tâm lý học cá nhân, Nxb Giáo dục, Hà Nội, 1971, tập 1.
4. Еникеев М. И., Основы общей юридической психологии, Учебник для вузов,
M., 1996.
5. Козлов Ю. Г., Слинъко М. И ., Механизм преступного поведения. М., 2004.
6. Fontaine, R. G., Reactive cognitive, reaction emotion: Toward a more
psychologically-informed understanding of reactive homicide. Psychology, Public
Policy, and Law, 14, 2008, p.243.
7. Fontaine, R. G., Dodge, K. A., Real-time deci- sion making and aggressive behavior
in youth: A heuristic model of response evaluation and decision (RED),Aggressive
Behavior, 32, 2006.
8. Романов B.B., Юридическая психология, М, 1999.
9. Trịnh Tiến Việt, Nguyễn Khắc Hải, Giáo trình tội phạm học, Nxb Đại học Quốc
gia, 2020.

13

You might also like