You are on page 1of 3

Đề thi: “Tranh chấp về hợp đồng mua bán cổ phần”

1. Công Ty Cổ Phần Bách Dương (“Bách Dương” hoặc “Công Ty”) là một công ty
cổ phần hoạt động trong lĩnh vực viễn thông, trong đó chủ sở hữu phần vốn nhà
nước là Bộ Thông tin và Truyền thông nắm giữ 75% vốn điều lệ của Công Ty.

2. Hoạt động chính của Công Ty là cung cấp dịch vụ viễn thông. Thị phần của Bách
Dương trên thị trường viễn thông vào năm 2017 là 30%.

3. Đầu năm 2017, trong một lần tham dự hội thảo về an ninh thông tin tại Đà Nẵng,
ông Hoàng Tuấn - Chủ tịch Hội đồng Quản trị của Bách Dương đã gặp bà Đỗ Thu
Loan - Tổng giám đốc Công Ty Cổ Phần An Phong (“An Phong”), một công ty
100% vốn tư nhân và không phải là công ty đại chúng, có thị phần trên thị trường
viễn thông vào năm 2017 là 20%. Bà Đỗ Thu Loan đã chia sẻ với ông Tuấn về
một số dự án viễn thông tiềm năng mà An Phong là chủ đầu tư tại Việt Nam.

4. Nhận thấy tiềm năng phát triển của An Phong, sau buổi hội thảo, ông Hoàng Tuấn
đã liên lạc với bà Đỗ Thu Loan về việc Bách Dương sẽ đầu tư vào An Phong dưới
hình thức mua 12.000.000 (mười hai triệu) cổ phần thứ cấp, tương đương với 65%
vốn điều lệ của An Phong từ một số cổ đông hiện hữu của An Phong.

5. Sau quá trình đàm phán, ngày 15 tháng 8 năm 2017, ông Hoàng Tuấn thay mặt và
đại diện cho Bách Dương đã ký kết Hợp Đồng Mua Bán Cổ Phần (“Hợp Đồng”)
với các cổ đông bán có liên quan của An Phong (bao gồm Ông Trương Văn Sang,
Bà Nguyễn Thị Thắm và Ông Nguyễn Minh Quân) (“Các Cổ Đông Bán”). Vui
lòng xem tài liệu đính kèm.

6. Hợp Đồng đã ký kết và thực hiện mà không có bất kỳ chấp thuận nội bộ nào của
bất kỳ cơ quan quản lý nội bộ có thẩm quyền nào của Bách Dương và An Phong.
Điều lệ của Bách Dương và An Phong quy định tương tự với các quy định của
Luật Doanh nghiệp và các luật khác có liên quan.

7. Bên cạnh đó, sau khi ký kết Hợp Đồng, Thanh tra Chính phủ đã tiến hành thanh
tra toàn diện việc quản lý và sử dụng vốn nhà nước tại Bách Dương và kết luận
hàng loạt các sai phạm tại Công Ty, trong đó có các sai phạm thực tế liên quan
đến:

- Việc định giá và nhận chuyển nhượng cổ phần của An Phong cao hơn gấp
hai (02) lần giá thị trường;

- Không trung thực và thiếu trách nhiệm trong việc đánh giá, thẩm định tình
hình tài chính và năng lực kinh doanh của An Phong;

1
- Thiếu trách nhiệm trong việc thẩm định dự án; quyết định phê duyệt dự án
đầu tư không bảo đảm căn cứ pháp lý, vi phạm các quy định của pháp luật,
gây thiệt hại nghiêm trọng vốn của Nhà nước; và

- Sai phạm trong việc lựa chọn các đơn vị tư vấn thẩm định giá trị doanh
nghiệp của An Phong, tư vấn mua bán, sáp nhập doanh nghiệp; nghiệm thu,
sử dụng kết quả thẩm định giá trị của An Phong làm căn cứ đàm phán giá
mua cổ phần, ký kết và thực hiện Hợp Đồng, và thanh toán các chi phí có
liên quan.

8. Ngay sau đó, Bộ Thông tin và Truyền thông đã có cuộc họp khẩn cấp với ban lãnh
đạo của Bách Dương yêu cầu xử lý và thu hồi phần vốn của nhà nước trong giao
dịch nêu trên. Sau cuộc họp với Bộ Thông tin và Truyền thông, ngày 15 tháng 12
năm 2017, Bách Dương đã gửi thông báo đến Các Cổ Đông Bán đề nghị chấm dứt
Hợp Đồng. Tính đến ngày 15 tháng 12 năm 2017, Bách Dương đã thanh toán
95% tiền mua cổ phần cho Các Cổ Đông Bán. Các Cổ Đông Bán cho rằng Bách
Dương đã vi phạm Hợp Đồng do đã đưa ra cam đoan và bảo đảm sai về năng lực,
quyền hạn và thẩm quyền của Bách Dương trong việc ký kết Hợp Đồng. Ngày 20
tháng 12 năm 2017, Các Cổ Đông Bán đã gửi thông báo yêu cầu Bách Dương
thanh toán tiền bồi hoàn do vi phạm hợp đồng trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày
Bách Dương nhận được thông báo này từ Các Cổ Đông Bán. Bách Dương đã
nhận được thông báo này từ Các Cổ Đông Bán trong cùng ngày và không đồng ý
với Các Cổ Đông Bán vì cho rằng mình không vi phạm hợp đồng. Ngày 4 tháng 1
năm 2018, sau khi không nhận được bất kỳ phản hồi nào từ Bách Dương, Các Cổ
Đông Bán đã gửi thông báo yêu cầu Bách Dương thanh toán khoản tiền bồi hoàn
nêu trên cộng với khoản tiền lãi chậm trả tính trên khoản tiền bồi hoàn này với lãi
suất là 0.08%/ngày được tính liên tục từ ngày bắt đầu chậm trả cho đến khi thực tế
thanh toán.

9. Sau hai (02) tuần nỗ lực thương lượng không thành công, Các Cổ Đông Bán đã
gửi văn thư đến Bách Dương đề nghị thỏa thuận lại chọn Trung tâm Trọng tài
Quốc tế Việt Nam (VIAC) làm tổ chức giải quyết tranh chấp và yêu cầu Bách
Dương trả lời trong thời hạn 07 ngày kể từ ngày nhận được văn thư này. Ngày 28
tháng 1 năm 2018, hết hạn 07 ngày nêu trên mà không nhận được bất kỳ phản hồi
nào từ Bách Dương, Các Cổ Đông Bán đã khởi kiện Bách Dương ra VIAC theo
quy định của pháp luật Việt Nam yêu cầu Bách Dương phải trả tiền bồi hoàn và
tiền lãi chậm trả tiền bồi hoàn theo thoả thuận trong Hợp Đồng. Bách Dương
không có bất kỳ đơn kiện lại nào sau khi Các Cổ Đông Bán khởi kiện Bách Dương
ra VIAC.

Các câu hỏi gợi ý:

(i) Tranh chấp phát sinh từ Hợp Đồng nêu trên có thể được giải quyết bằng

2
phương thức trọng tài hay không? Nếu có, VIAC có thẩm quyền hay
không?

Vấn đề pháp lý: thẩm quyền của trọng tài theo Luật Trọng tài thương mại.

(ii) Công Ty và Các Cổ Đông Bán cần có các chấp thuận nội bộ và chấp thuận
nhà nước gì để ký kết và thực hiện Hợp Đồng? Nếu không có các chấp
thuận này thì có rủi ro gì đối với giao dịch được quy định trong Hợp Đồng?

Vấn đề pháp lý: (a) thẩm quyền phê duyệt giao dịch (giao dịch đầu tư vốn
ra ngoài doanh nghiệp) trong doanh nghiệp có vốn nhà nước, (b) giao dịch
hạn chế cạnh tranh, và (c) điều kiện có hiệu lực của hợp đồng.

(iii) Nhận xét về tính pháp lý của thỏa thuận về quản trị nội bộ trong Hợp Đồng.
Biết rằng điều lệ của An Phong quy định rằng Hội đồng Quản trị của công
ty bao gồm bảy (07) thành viên trong đó có bốn (04) thành viên sẽ do Các
Cổ Đông Bán chỉ định và Ban Kiểm Soát của công ty bao gồm ba (03)
thành viên trong đó có hai (02) thành viên sẽ do Các Cổ Đông Bán chỉ
định.

Vấn đề pháp lý: quản trị nội bộ của công ty cổ phần.

(iv) Việc Bách Dương đưa ra cam đoan và bảo đảm sai như trên có bị xem là vi
phạm hợp đồng theo pháp luật Việt Nam hay không?

Vấn đề pháp lý: Định nghĩa về vi phạm hợp đồng.

(v) Yêu cầu bồi hoàn và yêu cầu trả thêm một khoản tiền lãi quá hạn như trên
từ Các Cổ Đông Bán có thể được xem là biện pháp khắc phục vi phạm hợp
đồng nào theo pháp luật Việt Nam? Nhận xét về khả năng Các Cổ Đông
Bán có thể áp dụng các biện pháp này đối với Bách Dương.

Vấn đề pháp lý: Các biện pháp khắc phục vi phạm hợp đồng theo quy định
của pháp luật.

(vi) Nhận xét về khả năng Bách Dương có thể áp dụng biện pháp chấm dứt hợp
đồng đối với Hợp Đồng.

Vấn đề pháp lý: Quyền chấm dứt hợp đồng khi xảy ra sự kiện bất khả
kháng, hoặc thay đổi hoàn cảnh cơ bản.

You might also like