You are on page 1of 6

BÀI VIẾT SỐ 1 (THỰC HÀNH VỀ VĂN BIỂU CẢM)

Đề ra: Phát biểu cảm nghĩ của em về bài ca dao sau:


“Em tưởng nước giếng sâu
Em nối sợi gầu dài
Ai ngờ nước giếng cạn
Em tiếc hoài sợi dây”
Gợi ý:
Phân tích: Biện pháp tu từ ẩn dụ:nước giếng sâu ,nước giếng cạn ,sợi dây dài - Nước
giếng sâu: lòng người sâu thẳm, tình nghĩa ,chan chứa tình yêu thương, nồng thắm. - Nước
giếng cạn: lòng người cạn hẹp , ích kỉ trong tình yêu, không biết đáp lại tình cảm của người
khác. - Sợi dây dài : sự hi sinh ,trao gửi trong tình yêu.==== >>>>> đây là lời than phiền của
một cô gái khi bước mới yêu nhưng ko đc đáp lại tình cảm , bởi vì khi mới yêu người con gái
thường yêu hết mình , chỉ đến khi lòng người như nước giếng cạn thì mới tiếc , hối hận vì mình
đã từng hết mình yêu và hi sinh cho người con trai. Nước giếng cạn hay lòng người cạn khô
.Sợi dây dài mà cô làm cô những tưởng rằng sẽ múc đc thứ nước mát , trong lành nào ngờ làm
cô phải '' tiếc hoài''. cái giếng là một hình ảnh gắn liền với làng quê , như ''cây đa bến nước sân
đình''.Cái giếng hay chính là người con trai mà cô gái đã từng yêu
Nhưng giếng còn là ẩn dụ cho những tâm hồn nông nổi, thiếu sâu sắc, hời hợt "Em tưởng
nước giếng sâu/ Em nối sợi dây gầu dài/ Ai ngờ giếng cạn/ Em tiếc hoài sợi dây". “Giếng” ở
đây là “anh”, “em” tưởng “anh” sâu sắc, tin cậy nên “em” mới trao sợi dây hy vọng, ai ngờ
“giếng cạn”, “em” thất vọng vô chừng. Tình yêu mất không tiếc vì có thể thay bằng tình yêu
khác, “em” tiếc là tiếc hy vọng của “em”, niềm tin của “em” đã trao nhầm chỗ. Mà ngày xưa,
thời phong kiến, chỉ cần trao nhầm chỗ một hai lần như vậy là có thể thiệt cả một đời con gái, vì
“gái ba mươi tuổi đã toan về già”!
Giá trị nghệ thuật: Biện pháp ẩn dụ tạo nên tầng nghĩa bóng giúp cho cách thể hiện tình
cảm kín đáo tế nhị giàu hình ảnh, Diễn đạt một cách sâu sắc tâm trạng nhân vật trữ tình qua các
hình ảnh giàu sức gợi.

=> Văn bản trên thuộc phong cách ngôn ngữ nghệ thuật. Vì nó có tính hình tượng, tính cảm
xúc, tính cá thể hoá.
CÁCH VIẾT 1 BÀI CẢM NHẬN CA DAO
- Bước 1: Đọc kĩ bài ca dao, xác định nội dung chính( viết về nội dung gì?)
- Bước 2: Xác định chủ thể trữ tình( nhân vật trữ tình trong bài)
Bài ca dao là lời của ai? (mượn lời của ai; ai là người đang trò chuyện; hướng tới ai).
- Bước 3: Xác định hoàn cảnh nảy sinh lời ca (tuỳ thuộc từng bài); bài ca dao cất lên trong hoàn
cảnh nào?
- Bước 4:
a. Cảm nhận và phân tích nội dung ý nghĩa và nghệ thuật trong bài ca dao.
* Nếu bài ca dao ngắn 2 câu:
- Bài ca dao bày tỏ điều gì?
- Tình cảm, nội dung ấy được biểu đạt bằng cách nào? ( Kết cấu, diễn đạt, dùng từ, biện pháp tu
từ, hình ảnh)
- Hiểu nội dung, ý nghĩa trực tiếp bài ca dao?
- Bài ca dao gợi lên trong lòng người đọc điều gì?
* Nếu bài ca dao có 4 câu trở lên:
- Bài ca dao được chia làm mấy ý? ( nội dung nhỏ)
+ Nội dung 1 sử dụng nghệ thuật gì? Biểu đạt nội dung gì?
+ Nội dung 2 sử dụng nghệ thuật gì? Biểu đạt nội dung gì?
-> Qua đó bài ca dao muốn bày tỏ điều gì?
-> Bài ca dao gợi lên trong lòng người đọc điều gì?
b. Liên hệ với những bài ca dao khác có nét chung để làm rõ nội dung , nghệ thuật, nét đặc sắc
của bài ca dao đang phân tích.
Bước 5:Viết bài hoặc đoạn văn ngắn.
- Mở bài (mở đoạn): Giới thiệu chung về bài ca dao – nội dung chính.
- Thân bài ( phát triển đoạn): Thực hiện bước 1, 2, 3.
- Kết bài (kết đoạn): Suy nghĩ về bài ca dao:
+ Ấn tượng cảm xúc về bài ca dao.
+ Giá trị của bài ca dao trong kho tàng ca dao; giá trị với bạn đọc.

Bài mẫu cảm nhận 1:


Tưởng giếng sâu, nối sợi dây dài
Hay đâu giếng cạn, anh tiếc hoài sợi dây
Trước đây khi lấy nước giếng người ta phải dùng một cây sào dài bằng tre hay sợ dây thừng dài
cột vô gàu để thả gàu xuống sâu trong lòng giếng. Nhiều lúc dây đứt đoạn nên muốn đủ dài, cần
phải nối nhiều đoạn lại với nhau. Cho nên mới có lời than thở, trách móc bóng bẩy này. Thiệt
ra, sau khi nối xong sợ dây, nếu như dài hơn cần thiết thì chỉ việc tháo ra là xong chớ tại sao cứ
phải tiếc hoài.
Bỡi vậy cái ẩn ý hoàn toàn nằm phía sau khi người ta muốn bài tỏ sự thất vọng và hụt hẫng của
mình về một chuyện gì đó. Thường thì đây là phía đàn ông hay dùng hơn là phe phụ nữ. Khi
đụng với thực tế, vỡ mộng thiên hạ hay ta thán như vậy. Cứ thử nghĩ, một cô dâu mới về nhà
chồng mà cứ nghe ông chồng rên rỉ điệu này chắc chắn phải nhột lắm.
Trước đây tôi có dự một đám cưới, cô dâu là cháu của người bạn. Chú rể cũng là chỗ quen biết,
bạn nhậu qua bao nhiêu đêm cuối tuần bia rượu. Lúc có màn ca hát giúp vui, em trai của chú
rể(không là tay nhậu thường xuyên nhưng biết nhau) bước lên giả giọng của ông Trần văn
Huơng nói: “Lũ lưu manh cạo trọc đầu, làm những trò khỉ.”. Mọi người khoái chí vổ tay ầm ỉ,
vì giống y như ông Hương nói khi trước. Được đà một ông khác nhảy lên ngâm:
“Tưởng giếng sâu, nối sợ dây dài
Hay đâu giếng cạn, anh tiếc hoài sợ dây”
phe ta bên phía nhà gái hết hồn nhưng không làm sao bịt miệng tên liều mạng này kịp. May là
bên nhà trai, vốn là người Việt gốc Hoa cho dù có nói giỏi tiếng Việt nhưng có lẽ không rành ca
dao, tục ngữ lắm nên cũng vỗ tay ầm ầm rồi thôi chớ không ai thắc mắc chi. Đám nhậu sau tiệc
cưới chưa chịu giải tán, tụ lại nhậu tiếp. Một ông vốn khó chịu có tiếng, chưa ngồi nóng đít đã
lên tiếng dạy dỗ anh em:
-Mấy người cúi đầu, cắm cổ mà ăn, không chịu để ý em của chú rể nó chửi mình
Mọi người chưng hửng hỏi, ai chửi, chửi cái gì. Lão này mới ra vẻ ta đây chú ý mọi thứ, mắt
ngó bốn phương, tai nghe tám hướng giải thích:
-Thằng em nó lên nói “Tưởng giếng sâu…” không nghe sao?
Cả đám cười hô hố:
-Lầm rồi cha, thằng đó là bạn của cô dâu chớ không phải em chú rể đâu
Quả thiệt, tay liều mạng đó đi học chung với cô dâu ở City College, lõm bõm được vài câu ca
dao đem ra xài không đúng chỗ, hại nhau quá đổi. Không biết tay này có thất vọng gì không mà
lại phang ngang như vậy.
Cho thấy hay chữ nửa chừng, ăn không coi nồi ngồi không coi hướng nhiều khi gây ra những
chuyện ngoài ý muốn lắm.
Bây giờ, thử coi người xưa có còn kèm theo gì ngoài lời trách móc, thất vọng quá rỏ ràng kia
không?
Ca dao còn có nhiều câu xử dụng “giếng” lắm, như câu dưới đây, hầu như hoàn toàn đối nghịch
lại với câu trên:
-Trách chàng, chẳng trách ai đâu
Bởi chưng dây ngắn, giếng sâu không vừa.
Hay:
-Giếng sâu dây ngắn lỡ chừng
Bởi anh bạc trước, sau đừng trách em
Anh trách nàng tưởng “giếng sâu” thành “cạn” ngược lại nàng oán anh “dây ngắn” nên “không
vừa” với độ sâu của giếng. Lỗi ở ai đây? Hay là bỡi vì anh bạc trước nên tính đường phủ đầu?
Và trắng đen rỏ ràng hơn nữa, lỗi ở anh nhưng nàng chịu mang tiếng, khi người ta không ở
trong hoàn cảnh nên không hiểu nổi cái oái ăm của cuộc đời:
-Giếng sâu, gàu nhỏ anh ơi
Anh múc không đặng, tội đời giếng em
Anh đem cái “gàu nhỏ” mà múc nước ở “giếng sâu”, làm không đặng mới bỏ chạy lại để “giếng
em” mang lấy tội đời, đúng là oan cho em chớ. Đó là chưa kể tới những anh có lòng tham quá
lớn, gàu thì nhỏ nhưng lại muốn nhiều nước:
-Giếng sâu gàu nhỏ anh ơi
Múc sao cho đặng hai nơi một lần
Chỉ một nơi thôi là đã chưa chắc được, mà lại tham muốn “mần” tới hai nơi một lúc thì anh chỉ
có chết mà thôi. Cho nên anh phải lo xét lấy chính mình, coi sức, liệu cơm gắp mắm chớ đừng
làm không tới nơi tới chốn lại đổ tội, trách móc người khác:
-Giếng khơi gàu múc lưng chừng,
Nếu mà vụng liệu xin đừng trách đây.
Đó là những lời nhắn nhe dịu dàng, kín đáo, cả hai phe tôn trọng lẫn nhau chớ chưa tới nổi sỗ
sàng. Còn nếu như đi quá trớn thì chắc chắn sẽ gặp lời đáp lại tương ứng, như dưới đây:
–Hỏi thăm cái giếng lạn em đâu,
Cho anh ngâm cái cột gõ, để lâu bù xoè
–Giếng lạn em để ngoài hè,
Cho mẹ anh uống nước, sao anh đè anh ngâm cây?
Gõ là loại cây rất cứng khi người ta lấy cái lõi bên trong. Không mối mọt gì ăn được nên được
dùng làm cột nhà hay đóng bàn, ghế, tủ… có tuổi thọ kéo dài hàng trăm năm không hư, nếu ở
chỗ khô ráo. Cho nên làm sao để lâu lại “bù xòe” cho được? Phe kia không vừa, hiểu ý của anh
liền nên mới trả đũa cầu cao lên tới mẹ anh như vậy.
Đáng chưa, đây là kiểu “chọc cho chúng chửi”, cha mẹ mà nghe được, lôi đầu về đánh một trận
bỏ tật nói bậy nói bạ.
Ngược lại, cũng có người cà khịa, nửa chơi nửa thiệt, trắng trợn nhưng không làm người nghe
bực mình nhiều cho lắm, như những người phá sơn lâm đâm hà bá trước đây đã cười cợt:
-Tưởng giếng sâu qua nối sợi dây cụt
Ai dè giếng cạn nó hụt cái sợi dây
Qua tới đây mà không cưới được cô Hai mầy
Qua chèo ghe ra biển… đợi nước đầy qua chèo vô
Ai đời tưởng “giếng sâu” mà qua lại nối sợ dây cụt? Rồi khi “giếng cạn” thì làm gì lại hụt sợ
dây được chớ? Rồi thêm nữa, qua không cưới được cô Hai thì liều mình chèo ghe ra biển rồi
chờ nước lớn lại chèo vô chớ qua còn chưa dám chết. Tuy khôi hài nhưng cũng không kém
phần ý nhị đó, “đợi nước đầy qua chèo vô”.

Bài mẫu cảm nhận 2:

Trong cuộc sống, thành đạt nói chung phụ thuộc vào sự lựa chọn. Bà nội trợ khéo chọn mớ rau,
con cá thì sẽ có bữa cơm ngon. Người đi học xác định đúng mục đích, lựa chọn ngành nghề phù
hợp năng lực bản thân, có phương pháp học tập tốt chắc chắn thu được kết quả tốt…Về phương
diện tình cảm, chẳng hạn như tình yêu đôi lứa, việc lựa chọn vô cùng quan trọng, nó quyết định
cuộc đời người ta hạnh phúc, đau khổ hay cam chịu và luyến tiếc.
Ngày xưa, xã hội phong kiến hà khắc, nhất là trong quan hệ khác giới. Hàng loạt qui tắc
ứng xử trói buộc: “nam nữ thụ thụ bất thân”, “cha mẹ đặt đâu con ngồi đấy”, “tại gia tòng phụ,
vuất giá tòng phu, phu tử tòng tử”…Cưới hỏi phải có mai mối. Bà mai ông mối giỏi thì khiếm
khuyết của trai gái đều được che lấp, thành đôi thành lứa được cả. Cô gái sứt môi thì cầm bông
hoa ngửi, chàng trai thọt thì cưỡi ngựa dạo qua, vậy mới có tích “Cưỡi ngựa xem hoa”. Rồi đêm
động phòng hoa chúc mới té ngửa ra, nửa kia của mình không như mình tưởng.
Cũng lắm khi người con trai, con gái vượt qua những qui tắc, lễ nghi để đến với nhau:
“Đêm trăng thanh anh mới hỏi nàng/ Tre non đủ lá đan sàng nên chăng…”, “Bây giờ mận mới
hỏi đào…”. Nhưng phần lớn, đó là những cuộc “gặp gỡ ngẫu nhiên” mà thôi. Thời gian tìm
hiểu bạn tình, nhất là phía nữ thường ngắn ngủi, vội vàng bởi một lẽ phải tránh miệng lưỡi thiên
hạ. Do thiếu lượng thông tin cần thiết nên sau khi kết hôn, họ sống cuộc sống cam chịu đầy tiếc
nuối:
Em tưởng nước giếng sâu
Em nối sợi gầu dài
Ai ngờ nước giếng cạn
Em tiếc hoài sợi dây.
Khi đọc bài ca dao này, trước mắt tôi như hiện ra cảnh một chàng trai đi làm ăn xa trở
về, gặp lại người con gái mà trước khi ra đi anh đã: “Ra đi anh có dặn rằng/ Nơi hơn thì lấy, nơi
bằng đợi anh”. Muốn đợi cũng chẳng được, bởi em với anh có duyên nhưng không có phận.
Cha mẹ đặt đâu em ngồi đó:
Ba đồng một mớ trầu cay
Sao anh không hỏi những ngày còn không
Bây giờ em đã có chồng
Như chim vào lồng, như cá cắn câu
Cá cắn câu biết đâu mà gỡ
Chim vào lồng biết thuở nào ra.
Trả lời câu hỏi của “người xưa” rất chân thật mà tế nhị, nói về tình duyên mà không có một từ
nào thuộc cung bậc xúc cảm yêu thương: mong, nhớ, đợi, chờ, trông, ngóng…Em tiếc nuối một
sợi dây gầu, sợi dây cột chặt số phận. Cô thú thật:
Em tưởng nước giếng sâu
Em nối sợi gầu dài
“Tưởng” là nghĩ và tin chắc (điều thật ra không phải). Chồng em – “nước giếng sâu” là một ẩn
dụ (có thể là học vấn, tài hoa, danh tiếng, giàu có…) không như em nghĩ. Vâng, đúng là em chủ
động lựa chọn đấy chứ có phải cha mẹ đâu. Em chọn nên em chịu, nào dám trách ai…Nhưng tôi
cứ nghĩ cô gái nhận hết những điều không tốt về mình. Nói cha mẹ ép gả chắc gì anh đã tin.
Hơn nữa, việc đã rồi, nói như vậy để hình ảnh em trong anh ‘tầm thường” đi, đừng luyến tiếc gì
nữa. có như vậy anh mới mau chóng có tình duyên mới…Vì “tưởng”, em hân hoan nối sợi gầu
dài bao nhiêu, khi thả xuống giếng, em lại thất vọng bấy nhiêu:
Ai ngờ nước giếng cạn
Em tiếc hoài sợi dây.
“Ngờ” là cảm thấy khó tin và nghĩ là có thể không phải như thế mà là cái gì khác, nhưng không
có cơ sở để khẳng định. “Ai ngờ” là sự khẳng định “việc đáng ngờ” là đúng.
Em tiếc hoài sợi dây là chấp nhận và cam chịu. Chấp nhận và cam chịu, vì như anh biết
đấy, các mối ràng buộc gia đình, họ tộc, lệ làng, đạo đức, phẩm hạnh…của xã hội, em không
thể làm khác được. Thật lòng, em tiếc mãi sợi dây gầu của em vì “Yêu sai duyên và mến chẳng
nhằm người” (Xuân Diệu).
Nếu như: Ai ngờ nước giếng cạn/ Em tháo rời sợi dây thì đó là sự tự giải phóng rồi.
Điều này sẽ có, nó xảy ra trong một xã hội tiến bộ hơn. Nhìn từ góc độ thời đại, đôi khi Em tháo
rời sợi dây chấp nhận được, giải phóng cho nhau ít nhiều chứa đựng tư tưởng nhân văn!
Bài ca dao là một nỗi niềm, một lời thổ lộ chân thật. Nó là tiếng thở dài nhẹ em đang cố
nén lại. Suy cho cùng, đó là sự trách mình, là sự tiếc nuối về một sự lựa chọn.
Có ý kiến cho rằng bài ca dao Em tưởng nước giếng sâu là lời của cô gái nói với người
mình yêu. Khi yêu nhau, chưa có ràng buộc về gia đình, luật pháp, biết “nước giếng cạn” thì hà
cớ gì em phải nối sợi dây dài? Chúng ta từng bắt gặp trong ca dao lời nhắn gửi “ai đó” khi
người nói ngờ rằng ‘ai đó” tính chuyện “bắt cá hai tay”:
Đã yêu thì yêu cho chắc
Cầm bằng trục trặc, trục trặc đi luôn
Đừng như con thỏ đầu truông
Khi vui giỡn bóng, khi buồn giỡn trăng.
Bài ca dao Em tưởng nước giếng sâu chỉ với bốn câu, hai mươi chữ mà thấm đượm một
nỗi niềm. Thời gian trôi qua biết bao nhiêu năm tháng, người đọc trăn trở, thương cảm, xót xa
thì người trực tiếp nghe tiếng thở dài cố nén ấy chắc có lẽ cháy ruột cháy gan.
Về mặt nghệ thuật, bài ca dao sử dụng thủ pháp nghệ thuật ẩn dụ với “nước giếng sâu”,
“sợi gầu dài”. Cái thú vị chúng ta biết được “nước giếng sâu” chỉ người chồng của em, bởi tục
ngữ có câu: “Đàn ông nông nổi giếng khơi, đàn bà sâu sắc như cơi đựng trầu.” Và từ câu tục
ngữ ấy, em khéo léo vận dụng để nói về hoàn cảnh của mình! Thông minh, sâu sắc như vậy mà
cuộc đời chứa chất cay đắng, tôi nghĩ em trong bài ca dao là một Hồ Xuân Hương trong dân
gian.
Về mặt ý nghĩa, bài ca dao để lại cho hậu thế biết cái giá phải trả trong tình yêu đôi lứa
khi quyết định lựa chọn mà không đầy đủ lượng thông tin cần thiết. Thế nhưng, trong thời đại
ngày nay, thời đại tự do hôn nhân, điều kiện thông tin quá dễ dàng mà đây đó người ta vẫn lầm
tưởng. “Tình yêu là mù quáng” chăng? Chiêm nghiệm vấn đề này, tôi nghĩ đôi khi tình yêu đôi
lứa bắt đầu bằng lí trí có thể hạn chế thăng hoa, phiêu du nhưng bền vững.

You might also like