You are on page 1of 15

CHƯƠNG 1: QUÁ TRÌNH LAN TRUYỀN VÀ BIẾN ĐỔI CỦA CHẤT Ô

NHIÊM TRONG MÔI TRƯỜNG NƯỚC


1.1 Tổng quan về ô nhiễm môi trường và các chất ô nhiễm trong môi trường
nước
Theo Luật bảo vệ môi trường năm 2014:
Ô nhiễm môi trường là sự biến đổi của các thành phần môi trường
không phù hợp với quy chuẩn kỹ thuật môi trường và tiêu chuẩn môi trường
gây ảnh hưởng xấu đến con người và sinh vật.
Chất gây ô nhiễm là các chất hóa học, các yếu tố vật lý và sinh học khi
xuất hiện trong môi trường cao hơn ngưỡng cho phép làm cho môi trường bị
ô nhiễm.
Ô nhiễm môi trường nước là sự sự biến đổi của các thành phần môi
trường nước (nước sông, hồ, đầm, ao, nước biển và nước dưới đất) không
phù hợp với quy chuẩn kỹ thuật môi trường và tiêu chuẩn môi trường gây
ảnh hưởng xấu đến con người và sinh vật. Ô nhiễm môi trường nước chủ
yếu là do các hoạt động của con người gây ra. Thông thường, các chất thải
do các hoạt động của con người (chất thải sinh hoạt, công nghiệp, nông
nghiệp và các hoạt động khác) không được xử lý đạt chuẩn xả vào môi
trường vượt quá sức chịu tải môi trường của một khu vực chứa nước (thủy
vực) nhất định sẽ gây ra ô nhiễm môi trường.
Nước sạch là một trong những vật phẩm cơ bản và thiết yếu của cuộc
sống con người, được dùng để ăn uống, tắm rửa và phục vụ cho sinh hoạt. Ô
nhiễm nước sẽ làm cho nước không còn đủ chất lượng để phục vụ sinh hoạt
của con người.
Mặc dù các chất hòa tan trong nước là rất cần thiết để duy trì cuộc sống
và phát triển của nhiều loài sinh vật, nhưng khi hàm lượng các chất hòa tan
trong nước quá cao, nó sẽ có tác động xấu tới sự sinh trưởng và tái tạo nòi
giống của nhiều loài sinh vật thủy sinh và các sinh vật trên cạn tiêu thụ các
sản phẩm thủy sinh (chim, cò, thú ăn động, thực vật thủy sinh) hoặc uống
nước. Do vậy, ô nhiễm môi trường nước còn biểu hiện ở việc gia tăng các
chất hòa tan trong nước làm ảnh hưởng tới quá trình sinh trưởng và phát
triển của sinh vật thủy sinh.
Không chi các chất hòa tan trong nước, các chất không hòa tan trôi nổi
trong nước như bùn đất, các hạt vi nhựa và nhiều chất hữu cơ, vô cơ khác
cũng tác động xấu tới chất lượng nước, làm nước không còn phù hợp cho
mục đích sinh hoạt của con người và sự phát triển bình thường của sinh vật.
Thậm chí, nhiều loài vi khuẩn gây bệnh trong nước có thể gây ra dịch bệnh
làm chết người và động vật hàng loạt hoặc phá hoại cây cối, mùa màng.
Với các lý do nêu trên, các chất ô nhiễm môi trường có thể là chất hữu
cơ có khả năng phân hủy sinh học nhanh, chất ô nhiễm hữu cơ chậm phân
hủy sinh học, các chất lơ lửng (như bùn, cát), các chất vô cơ (như kim loại
nặng, nhiều loại chất độc vô cơ), virut hoặc vi khuẩn, các ký sinh trùng gây
hại cho động thực vật và con người. Thông thường, các chất ô nhiễm có
nguồn gốc từ các hoạt động xả thải của con người trực tiếp vào môi trường
nước hoặc được vận chuyển vào môi trường nước do nước mưa chảy tràn
trên mặt nước.
Ô nhiễm môi trường nước có thể phân thành các loại sau:
a) Ô nhiễm dinh dưỡng
Các chất dinh dưỡng, đặc biệt là Ni-tơ (đạm), Phốt-pho (lân) rất cần
thiết cho sự phát triển của thực vật thủy sinh. Tuy vậy, sự dư thừa quá mức
các chất dinh dưỡng sẽ tạo ra ô nhiễm dinh dưỡng. Ô nhiễm dinh dưỡng môi
trường nước là loại ô nhiễm phổ biến nhất hiện nay, đặc biệt là tại các nước
phát triển. Các nghiên cứu, đánh giá của các chuyên gia Liên hợp quốc cho
thấy hiện nay có tới 80% nước thải sinh hoạt không được xử lý đã được xả
thẳng ra môi trường. Nước thải sinh hoạt, chăn nuôi và một số loại nước
thải khác chưa qua xử lý hoặc đã qua xử lý nhưng xử lý chưa tốt thường
chứa rất nhiều chất ô nhiễm hữu cơ. Chất ô nhiễm hữu cơ từ nước thải chưa
qua xử lý ngoài việc phân hủy làm cạn kiệt ô-xy của nguồn nước còn thải ra
rất nhiều chất dinh dưỡng.
Rác thải sinh hoạt nếu không được chôn lấp hoặc xử lý đúng cách cũng
phân hủy và tạo ra rất nhiều chất dinh dưỡng. Nước chảy tràn bề mặt trong
các trận mưa đặc biệt là các trận mưa lớn sẽ mang rất nhiều rác thải hữu cơ
và chất dinh dưỡng vào nguồn nước và cũng là nguyên nhân gây ô nhiễm
dinh dưỡng môi trường nước.
Ngoài nước thải sinh hoạt, hoạt động của ngành công nghiệp chế biến
lương thực, thực phẩm và nhiều ngành công nghiệp khác cũng thải ra nhiều
chất ô nhiễm hữu cơ, do vậy cũng là nguồn ô nhiễm hữu cơ như rác thải
sinh hoạt.
Tuy nước thải sinh hoạt và công nghiệp là các nguồn ô nhiễm dinh
dưỡng rất quan trọng, nhưng nguồn ô nhiễm dinh dưỡng lớn nhất lại là phân
bón vô cơ. Các kết quả nghiên cứu trên thế giới cho thấy chỉ có khoảng 80%
phân bón vô cơ được hấp thụ vào đất và cây cối. 20% phân bón vô cơ không
dược hấp thụ sẽ làm ô nhiễm môi trường nước.
Ô nhiễm chất dinh dưỡng sẽ tạo ra sự phát triển bùng phát các loại tảo,
nhưng không nhất thiết dẫn đến sự phát triển của cây thủy sinh.
Chất ô nhiễm hữu cơ lơ lửng trong nước hoặc bị chìm lắng xuống đáy
sẽ bị các vi sinh vật phân hủy để tạo ra năng lượng. Quá trình phân hủy hữu
cơ tiêu thụ rất nhiều ô-xy. Nhu cầu tiêu thụ ô-xy để phân hủy các chất ô
nhiễm hữu cơ của vi sinh vật được gọi là nhu cầu ô-xy sinh học BOD. Nhu
cầu ô-xy sinh học BOD được định nghĩa là lượng ô-xy hòa tan trong nước
mà các vi sinh vật hiếu khí cần tiêu thụ để phân hủy hết các chất ô nhiễm
hữu cơ trong một thể tích nước nhất định trong một thời gian nhất định ở
một nhiệt độ nhất định.
Trong điều kiện trao đổi ô-xy giữa không khí và nước thấp (trời lặng
gió, ít mưa) cũng như lượng ô-xy cung cấp do quá trình quang hợp của
rong, tảo và cây thủy sinh thấp (đêm hoặc trời không có nắng), quá trình
phân hủy hữu cơ cùng với quá trình hô hấp của rong, tảo và cây thủy sinh
làm cạn kiệt ô-xy, có thể dẫn đến hiện tượng động vật thủy sinh chết hàng
loạt.
BOD thường được biểu thị bằng mg/l nước. Theo Cục Bảo vệ môi
trường Hoa Kỳ (EPA), BOD được đo bằng cách hòa loãng mẫu nước thử
với nước đã khử i-on và bão hòa ô-xy, được cấy thêm vi sinh vật và bảo
quản trong lọ có thể tích 300ml kín trong bóng tối ở 20oC trong thời gian 5
ngày. Việc đóng kín lọ mẫu là để ngăn ngừa ô-xy từ không khí hòa tan thêm
vào nước và việc bảo quản mẫu trong bóng tối là để ngăn ngừa quá trình sản
sinh ra DO do quang hợp của tảo phù du. Ngoài ra, cần cấy vi sinh vật vào
nước đã khử i-on và bão hòa ô-xy dùng để pha loãng mẫu nước thử và bảo
quản trong cùng điều kiện với mẫu nước thử. Mẫu này sẽ được gọi là mẫu
đối chứng. Sau 5 ngày, đo lại lượng ô-xy hòa tan và tính BOD bằng cách
lấy lượng ô-xy hòa tan ban đầu trừ đi lượng ô-xy hòa tan đo được sau 5
ngày. Giá trị BOD của mẫu thử trừ đi giá trị BOD của mẫu đối chứng chính
là lượng BOD5 .
Vì BOD tỷ lệ thuận với lượng chất ô nhiễm hữu cơ trong nước, nó
thường được sử dụng như là một chỉ thị để đánh giá mức độ ô nhiễm hữu cơ
của nước.
Nhiều phản ứng hóa học và sự phân hủy chất thải hữu cơ do các loại vi
sinh vật tiêu thụ rất nhiều ô-xy hòa tan. Đại lượng biểu thị lượng ô-xy cần
để thực hiện các phản ứng hóa học được gọi là nhu cầu ô-xy hóa học
(COD). Nhu cầu ô-xy hóa học là một đại lượng để đo lượng ô-xy hòa tan
cần thiết để các phản ứng hóa học tiêu thụ trong một đơn vị thể tích dung
dịch (thông thường là nước) và thường được biểu thị bằng mg/l. COD là
một chỉ số môi trường rất quan trọng để chỉ lượng chất ô nhiễm có thể bị ô-
xy hóa, và do vậy thể hiện tác động xấu của nguồn thải (nước thải hay chất
thải rắn) tới môi trường nước. Nhu cầu ô-xy hóa học được xác định theo
lượng ô-xy cần thiết để ô-xy hóa các hợp chất hữu cơ thành CO2, ammoniac
và nước.
Thực vật thủy sinh rất cần ô-xy để hô hấp. Thông thường, quá trình hô
hấp được thực hiện qua hệ thống rễ, hoặc tại các điểm trao đổi ô-xy đối với
thực vật bậc thấp. Nếu không có đủ ô-xy để thực vật hô hấp, thực vật sẽ
kém thẩm thấu và không có khả năng hấp thụ chất dinh dưỡng một cách
bình thường. Ngoài ra, nhiều chất độc sẽ được tạo ra trong tế bào. Khi đó,
thực vật sẽ bị chết đói do thiếu dinh dưỡng.
Đối với các loại động vật thủy sinh có lá vươn lên khỏi mặt nước, quá
trình hô hấp của cây chủ yếu được thực hiện thông qua rễ ngâm trong nước.
Quá trình hô hấp này sẽ tiêu thụ một lượng ô-xy. Nếu thiếu ô-xy, rễ cây sẽ
kém thẩm thấu, khả năng hấp thụ chất dinh dưỡng bị suy giảm, trong rễ sẽ
phát sinh nhiều độc tố. Nếu ô-xy bị cạn kiệt trong thời gian dài, cây sẽ bị
chết. Đó là lý do trong môi trường bị ô nhiễm, nhiều cây thủy sinh bị thối
gốc và chết.
Môi trường nước bị ô nhiễm thường khá đục, do vậy không thích hợp
cho các loại thực vật thủy sinh lớn phát triển tại đáy. Trong môi trường này,
nguồn thực vật thủy sinh chủ yếu là tảo phù du hoặc cây thủy sinh có lá lộ
ra khỏi mặt nước tại các khu vực nước nông. Các loài tảo phù du cũng hô
hấp và tiêu thụ ô xy rất mạnh. Quá trình hô hấp làm giảm ô-xy đóng góp
vào việc làm cạn kiệt ô-xy trong những đêm gió lặng, hoặc những ngày trời
nhiều mây và lặng gió, khi lượng trao đổi ô-xy giữa khí và nước ít. Nếu
lượng chất ô nhiễm hữu cơ quá lớn, quá trình phân hủy hữu cơ mạnh mẽ kết
hợp với quá trình hô hấp sẽ làm cạn kiệt ô-xy và làm chết nhiều loại động
vật thủy sinh.
2) Ô nhiễm chất rắn lơ lửng
Ngoài các chất rắn lơ lửng có nguồn gốc hữu cơ dễ phân hủy như trình
bày ở trên, các chất rắn vô cơ khó phân hủy (như bùn, đất) hoặc các chất rắn
khác (như chất thải nhựa lớn, vi nhựa) cũng là một dạng ô nhiễm. Chất rắn
lơ lửng trong nước làm tăng độ đục của nước, giảm lượng ảnh sáng trong
nước dẫn tới làm chết nhiều loài thực vật thủy sinh và thay đổi hệ sịnh thái
trong nước. Loại ô nhiễm chất lơ lửng nguy hiểm nhất là các loại vi khuẩn,
virut và ký sinh trùng gây bệnh.
Sản phẩm nhựa rất tiện lợi để sử dụng, do vậy việc sản xuất các sản
phẩm nhựa liên tục tăng trên toàn thế giới, đặc biệt là ở châu Á. Sự gia tăng
sản xuất, buôn bán và sử dụng dẫn tới gia tăng chất thải nhựa. Theo Viện
Hàn lâm Khoa học Mỹ, tổng lượng chất thải nhựa mang ra đại dương thế
giới do dòng chảy của các con sông, do thải trực tiếp từ các hoạt động trên
bờ biển và trên biển là khoảng 6,4 triệu tấn. Theo UNEP, tới 80% các rác
thải trong đại dương thế giới là rác thải nhựa, và hơn 8 triệu tấn rác thải
nhựa bị rò rỉ xuống biển mỗi năm. Theo Jambeck và nnk (2015), hiện nay
đại dương thế giới đã chứa khoảng 275 triệu tấn chất thải nhựa. Tính trung
bình, mỗi km2 mặt nước đại dương thế giới hiện nay chứa từ 13.000 tới
18.000 mẩu rác thải nhựa. Theo cơ quan bảo vệ môi trường Mỹ (EPA,
2008), khoảng 49% rác thải nhựa là nổi và sẽ bị vận chuyển đi khắp đại
dương thế giới, sau đó tích tụ lại tại các xoáy quy mô lớn trên biển. Một
lượng rất lớn rác thải nhựa ở biển sẽ chìm xuống đáy biển và phá hoại các
hoạt động sống ở đáy biển (Greenpeace, 2017). Chất thải nhựa đã gây thiệt
hại tới 8 tỷ USD cho hệ sinh thái biển.
Rác thải nhựa được phân thành rác thải nhựa lớn (có kích thước lớn
hơn 1mm), rác thải vi nhựa (có kích thước từ 1mm tới 1m) và rác thải
nano nhựa (có kích thước nhỏ hơn 1m). Hầu hết chất thải nhựa có tốc độ
phân hủy sinh học rất nhỏ và sẽ vỡ thành những hạt nhỏ hơn, và cuối cùng
là các hạt vi nhựa.
Chất thải nhựa không chỉ là vấn nạn đối với các nước đang phát triển
mà còn là vấn nạn của các nước phát triển. Cauwenberghe và nnk (2013)
điều tra tại các bãi biển của Bỉ và thấy rằng tại một số bãi biển của Bỉ,
lượng rác thải nhựa lớn nằm trong khoảng từ 0,5kg/km tới hơn 50kg/km
tính theo chiều dài bãi. Cũng có khoảng 1.600 tới 8.500 mẩu rác thải nhựa
trên mỗi km2 bãi biển. Đối với vùng biển gần bờ, vào năm 2011, tại một số
địa điểm có trung bình khoảng 2.724 tới 3.875 mẩu rác thải nhựa lớn trên
1km2 mặt biển, tức 0,255kg/km2 tới 0,829kg/km2 mặt biển. Tại đáy biển, có
trung bình 4.198 tới 8.594 mẩu rác thải nhựa lớn trên 1km2, tức là khoảng
0,429kg/km2 tới 0,703kg/km2 đáy biển. Về rác thải vi nhựa, Claessens và
nnk (2011) và Cauwenberghe và nnk (2013) thấy rằng có khoảng 23kg/km2
rác thải vi nhựa trong bùn trên bãi và đáy biển và 7kg/km2 trong tầng nước
biển gần bãi biển và vùng biển sát bờ của Bỉ nêu ở trên.
Ô nhiễm chất thải nhựa ở biển là một trong những đe dọa lớn nhất của
đại dương thế giới, đã và đang phá hoại các hoạt động kinh tế, xã hội tại các
vùng biển và vùng bờ biển, như du lịch, nghỉ dưỡng, nghề cá và giao thông,
môi trường, đa dạng sinh học và nguồn lợi cá biển, sức khỏe và sự an toàn
của con người v.v. Các dụng cụ đánh cá bị bỏ, thí dụ như lưới, có khả năng
làm vướng và giết chết các động vật biển theo kiểu mà người ta gọi là “đánh
cá ma”. Nhiều động vật biển bị chết hoặc trở thành mồi săn do mắc phải các
lưới bị bỏ đi (Hình 1).

Hình 1.1 Thú biển và rùa biển bị mắc vào lưới bỏ đi (nguồn: internet)

Thú biển, rùa biển, chim biển và các động vật giáp xác rất dễ bị tổn
thương do nuốt phải và bị hóc rác thải nhựa. Nuốt rác thải nhựa có thể gây
ra những tác động xấu tới các sinh vật biển, thí dụ như làm giảm khả năng
sinh sản và tăng sự khó chịu. Do nuốt phải quá nhiều mẩu nhựa hoặc túi ni-
lon, nhiều loài động vật biển bị cảm giác no giả tạo, dẫn đến suy dinh
dưỡng, thậm chí chết đói (Laist, 1997). Các loại sinh vật kiếm mồi bằng
cách lọc nước đã nuốt các hạt vi nhựa và do vậy các hạt vi nhựa có thể xâm
nhập vào trong tế bào của chúng. Cauwenberghe và nnk (2013, 2014) phát
hiện rằng các hạt vi nhựa đã xâm nhập vào các tế bào của vẹm, hàu và giun
biển ở bờ biển Bỉ. Các nhà khoa học đã phát hiện thấy các hạt vi nhựa trong
muối ăn, thậm chí nước máy, nước đóng chai của các thương hiệu nổi tiếng
và bia. Một số nghiên cứu gần đây cho thấy có tới 94,4% nước vòi phục vụ
sinh hoạt hiện nay có chứa các hạt vi nhựa. Các hạt vi nhựa không chỉ tồn
tại trong nước mà cả trong không khí. Chất thải nhựa cũng có thể hấp thụ
các chất ô nhiễm hữu cơ bền (POPs) khi trôi nổi trên biển, và các chất độc
hại này có thể thấm vào các tế bào và các cơ quan nội tạng của động vật khi
tiêu hóa (Fendall và Sewell, 2009, Teuten và nnk, 2009). Do tính khuếch
đại sinh học, nồng độ các chất độc trong các động vật biển sẽ gia tăng theo
hướng từ đáy chuỗi thức ăn (động vật phù du) tới đỉnh chuỗi thức ăn (cá
kiếm hay cá ngừ), và có thể gây nguy hiểm cho người ăn hải sản. Người ta
đã ghi nhận được rằng các loài có vú trên cạn như sư từ biển hay gấu Bắc
Cực cũng bị ảnh hưởng bởi các chất độc có nguồn gốc từ rác thải nhựa ở
biển. Rác thải nhựa ở biển cũng vận chuyển các sinh vật ngoại lai xâm hại,
và do vậy có thể làm thay đổi thành phần loài, thậm chí sự tuyệt diệt của
một số loài trong các hệ sinh thái (Aliani and Molcard 2003).
Cát biển có chứa rác thải nhựa sẽ có độ thấm nước lớn và độ dẫn nhiệt
nhỏ. Do vậy, nhiệt từ cát bề mặt sẽ khó dẫn xuống các lớp cát sâu. Điều này
làm cho các loài bò sát có giới tính khi nở phụ thuộc vào nhiệt độ ấp trứng
mất cân bằng giới tính và có khả năng dẫn đến tuyệt chủng (Carson và nnk,
2011).
Ngoài ra, rác thải nhựa ở biển có thể có tác động xấu tới du lịch, vận
chuyển tàu thủy, hoạt động của thuyền, đánh cá và lấy nước. McIlgorm và
nnk (2011) ước tính rằng các thiệt hại do rác thải nhựa ở biển gây ra tới các
ngành công nghiệp biển tại khu vực châu Á – Thái Bình Dương là khoảng
1,26 tỷ USD hàng năm. Có lẽ cùng với sự gia tăng của rác thải nhựa ở biển
cũng như các hoạt động công nghiệp biển, thiệt hại do rác thải nhựa ở biển
tới các ngành công nghiệp biển đang gia tăng.
Các kết quả nghiên cứu gần đây trên thế giới và ở Việt Nam cho thấy
các hạt vi nhựa đã xuất hiện ở khắp nơi: trong thức ăn, nước uống của con
người. Tác động của chất thải vi nhựa tới sức khỏe con người vẫn đang là
một vấn đề cần nghiên cứu.
Nghiên cứu gần đây (Jambeck và nnk, 2015) đánh giá rằng 50% lượng
rác thải nhựa ở biển trên toàn thế giới là do các nước xunh quanh Biển
Đông như Trung Quốc, Indonesia, Philippines, Việt Nam và Thái Lan; trong
đó Việt Nam đứng thứ 4 thế giới về xả rác thải nhựa ra biển. Tuy nhiên, có
một số bất cập trong nghiên cứu của Jambeck và nnk (2015). Các tác giả
này sử dụng số liệu của Ngân hàng thế giới (Hoornweg và Bhada-Tata,
2012) được tính toán cho các đô thị. Theo đó, tổng số dân Việt Nam sống
gần bờ biển là 55,9 triệu người với tỷ lệ rác thải nhựa trong tổng số rác thải
là 13% và lượng rác thải được thu gom, xử lý không đúng cách là 88%. Từ
đó, các tác giả cho rằng lượng rác thải nhựa chưa được thu gom, xử lý đúng
cách là 1,83 triệu tấn/năm. Từ những kết quả nêu trên, các tác giả này cho
rằng lượng rác thải nhựa thải ra biển hàng năm của Việt Nam nằm trong
khoảng 0.28 tới 0.73 triệu tấn, hay khoảng 6% của lượng rác thải nhựa ra
biển trên toàn thế giới.
Trong thực tế, đại đa số dân sống ven biển của Việt Nam là dân nông
thôn. Hiện nay, chưa có thống kê đầy đủ về lượng dân sống tại các đô thị
ven biển, nhưng nếu giả thiết rằng tỷ lệ dân sống tại các đô thị ven biển cao
hơn tỷ lệ dân sống tại các đô thị trong phạm vi cả nước, tức là vào khoảng
40%, thì lượng dân sống ở đô thị chỉ khoảng 22,4 tr. người. Rác thải của
dân nông thôn có một tỷ lệ rất nhỏ rác thải nhựa, chủ yếu chứa túi nilon loại
rẻ tiền ở các chợ dân sinh. Dân nông thôn rất ít khi mua hàng ở siêu thị nên
hầu như không có rác thải là hộp xốp. Ngoài ra, dân nông thôn rất ít mua
chai nước, và chai nhựa đựng nước ở Việt Nam hầu như được thu gom, tái
chế đến 100% nên lượng rác thải nhựa có nguồn gốc từ chai nhựa đựng
nước rất ít. Mặt khác, theo Báo cáo hiện trạng môi trường quốc gia của Bộ
Tài nguyên và Môi trường năm 2015, khoảng 46% chất thải rắn ở Việt Nam
là chất thải rắn đô thị, 17% từ sản xuất công nghiệp, còn lại là chất thải rắn
nông thôn, làng nghề và y tế. Tỷ lệ thu gom chất thải rắn sinh hoạt tại đô thị
khá cao, khoảng 84% tới 85%. Tỷ lệ thu gom chất thải rắn sinh hoạt tại
nông thôn chỉ vào khoảng 40%, chủ yếu tại các thị trấn, thị tứ. Chất thải rắn
chủ yếu được xử lý bằng chôn lấp lộ thiên hoặc lò đốt chất thải. Cũng theo
số liệu của Tổng cục môi trường, thành phần có thể tái chế (nhựa và kim
loại) của chất thải rắn sinh hoạt ở đô thị Việt Nam khoảng 8 đến 18%. Tại
Hà Nội, thành phần chất thải rắn nhựa chỉ có 3% (Vũ Thanh Ca, 2018).
Từ các con số nêu trên, có thể thấy lượng rác thải nhựa ra biển ở Việt
Nam nhỏ hơn rất nhiều so với con số mà Jambeck và nnk (2015) đưa ra.
Tuy nhiên, cần nhận thức rằng biển Việt Nam hiện nay rất nhiều rác. Tại
các bãi tắm được dọn rác thường xuyên, có thể thấy rất nhiều túi nilon trôi
trong nước. Tại một số khu vực như hình 2, rác thải nhựa đã tích tụ bằng
một lượng rất lớn trên bãi biển.
(a) (b)

Hình 2 (a) Rác thải nhựa tại rừng ngập mặn Thanh Hóa (nguồn
internet) và rác thải nhựa gần cảng Cái Rồng, Vân Đồn (ảnh
của tác giả)
Hiện nay, hiểu biết về rác thải nhựa ở biển tại Việt Nam còn rất hạn
chế. Vì giá thành rẻ và tiện dụng, các sản phẩm nhựa hiện nay được sử dụng
rộng rãi ở Việt Nam, nhưng rác thải nhựa chưa được quản lý và tái sử dụng,
tái chế phù hợp. Hiện nay, chưa có những quy định pháp luật cụ thể để quản
lý việc sản xuất, buôn bán và sử dụng sản phẩm nhựa và quản lý rác thải
nhựa. Dự báo rằng với sự phát triển kinh tế - xã hội, nếu không hành động
ngay và khẩn cấp, lượng rác thải nhựa bị thải ra biển của Việt Nam sẽ gia
tăng mạnh mẽ, và sẽ có tác hại rất lớn không chỉ tới tới môi trường, các hệ
sinh thái và đa dạng sinh học và phát triển kinh tế biển mà còn có tác hại tới
vùng biển các nước khác trong khu vực.
c) Ô nhiễm kim loại nặng
Ô nhiễm kim loại nặng là ô nhiễm nguy hiểm nhất. Kim loại nặng nói
chung là các chất có độc tính rất cao, lại có khả năng tích lũy và khuếch đại
sinh học. Người ta thấy rằng hàm lượng kim loại nặng trong tảo phù du lớn
gấp hàng ngàn lần hàm lượng kim loại nặng trong nước. Động vật phù du ăn
thực vật phù du, cá nhỏ ăn động vật phù du và thực vật phù du; cá nhỏ ăn cá
lớn. Qua mỗi mắt xích của chuỗi thức ăn, kim loại nặng đều tích lũy và ở
các nấc thức ăn cao, hàm lượng kim loại nặng trong cơ thể động vật càng
cao. Con người là động vật nằm ở đỉnh của chuỗi thức ăn nên sẽ có nhiều
khả năng bị nhiễm độc kim loại nặng.
Ô nhiễm kim loại nặng có thể do các hoạt động địa chất, như động đất,
núi lửa phun trào; nhưng ô nhiễm kim loại nặng chủ yếu xảy ra do hoạt
động sản xuất công nghiệp của con người. Các nguồn thải bao gồm nước
thải chưa qua xử lý đạt chuẩn và thu gom, xử lý chất thải nguy hại (như pin,
ắc quy) không đúng cách. Điển hình nhất là vụ công ty Chisso của Nhật Bản
thải nước thải ô nhiễm thủy ngân ra vịnh Minamata và công ty điện tử
Showa thải nước thải ra sông ở Niigata, Nhật Bản là hai thí dụ về ô nhiễm
nước do nhiễm kim loại nặng. Tác động của ô nhiễm kim loại nặng rất
khủng khiếp và truyền qua nhiều đời. Thí dụ, công ty Chisso thải kim loại
nặng ra vịnh Minamata vào các năm từ 1932-1958 và ngừng hoạt động vào
năm 1968 nhưng ảnh hưởng của bệnh Minamata vẫn còn thấy vào những
năm cuối của thế kỷ 20. Thậm chí, tới ngày nay vẫn còn nhiều người còn
sống bị ảnh hưởng của căn bệnh này.
Hiện nay, đại dương thế giới đang bị ô nhiễm nhẹ một số kim loại nặng
như chì, thủy ngân. Do vậy, các loài cá và động vật ở đỉnh chuỗi thức ăn
như cá ngừ, cá kiếm hoặc sư tử biển bị nhiễm độc thủy ngân khá nặng. Đó
là lý do mà người ta khuyến cáo chỉ nên ăn cá ngừ, cá kiếm nhiều nhất là từ
1 đến 2 lần 1 tuần để tránh bị nhiễm độc thủy ngân.
Các khu vực cửa sông lớn của Việt Nam như sông Hồng, sông Mê
Công đang bị ô nhiễm kim loại nặng ở mức độ nhẹ do các nhà máy chưa xử
lý tốt hoặc xả trái phép nước thải, do người dân và chính quyền chưa thu
gom và xử lý tốt các chất thải nguy hại, đặc biệt là pin, ắc quy.
d) Các chất ô nhiễm chất hữu cơ khó phân hủy
Các chất ô nhiễm hữu cơ khó phân hủy (POPs) là các hợp chất hữu cơ
có tốc độ phân hủy hóa học, sinh học và quang học rất chậm. Nhiều chất ô
nhiễm hữu cơ khó phân hủy (POPs) có tính chất tích lũy và khuếch đại sinh
học nên có tiềm năng rất lớn tác động tới sức khỏe con người.
Công ước Stockhom 2001 quy định danh mục POPs gồm 12 hợp chất:
1. PCBs (Polychlorinated Bi-phenyls): một loại hóa chất công nghiệp
sử dụng phục vụ trao đổi nhiệt trong các máy móc, thiết bị liên quan tới trao
đổi nhiệt, phụ gia cho ngành sơn, giấy không chứa cacbon, nhựa và nhiều
ứng dụng công nghiệp khác. Chất này đã bị cấm sản xuất.
2. Các hợp chất Dioxin: do nhiều hoạt động công nghiệp tạo ra và hiện
nay còn được sử dụng trong nhiều loại thuốc diệt cỏ, mặc dù đã bị cấm.
3. Các hợp chất của Furan: là một hợp chất thơm do một số hoạt động
công nghiệp tạo ra.
4. DDT: là một loại thuốc trừ sâu được dùng phổ biến trước đây ở Việt
Nam. Hiện nay, DDT đã bị cấm sử dụng.
5. Toxaphene: là một loại thuốc trừ sâu, hiện nay đã bị cấm sử dụng.
6. Aldrin (Aldrex, Aldrite,…): là một loại thuốc trừ sâu, hiện nay đã bị
cấm sử dụng.
7. Dieldrin (Dieldrex, Dieldrite,…): là một loại thuốc trừ sâu, hiện nay
đã bị cấm sử dụng nhưng đôi khi vẫn còn sử dụng và tồn lưu ở Việt Nam.
8. Endrin (Hexadrin,…): là một loại thuốc trừ sâu, hiện nay đã bị cấm
sử dụng.
9. Heptachlor: một loại thuốc trừ sâu, đã bị cấm.
10. Mirex: một loại thuốc trừ sâu, đã bị cấm.
11. Hexacloruabenzene (HCB): một loại thuốc trừ sâu và là sản phẩm
phụ phát thải trong công nghiệp nhựa, đã bị cấm.
12. Clordane: một loại thuốc trừ sâu, đã bị cấm.
Do là những chất bền vững, POPs được vận chuyển đi rất xa. Các POPs
có thể bay hơi từ mặt nước bị ô nhiễm, được gió đưa đi rất xa và sau đó lắng
đọng do các quá trình tạo sương, mưa. Hiện nay, đây là một chất ô nhiễm
nguy hiểm, có thể ảnh hưởng tới sức khỏe con người thông qua tích lũy
trong các loại thực phẩm.
đ) Các ô nhiễm môi trường nước khác
Ô nhiễm nhiệt, ô nhiễm âm thanh, ánh sáng v.v.
1.2 Tầm quan trọng của việc nghiên cứu quá trình lan truyền, biến đổi
của chất ô nhiễm trong môi trường nước
Như đã nêu ở trên, ô nhiễm môi trường nước tác động tới khả năng sử dụng
nước phục vụ sinh hoạt và tác động tới khả năng sinh trưởng và tái tạo nòi
giống của sinh vật. Các quá trình lan truyền, biến đổi của chất ô nhiễm
trong tự nhiên sẽ bao gồm việc làm chất ô nhiễm loang rộng, phân hủy và
do vậy làm nồng độ chất ô nhiễm giảm đi. Như vậy, việc nghiên cứu quá
trình lan truyền, biến đổi của chất ô nhiễm trong môi trường nước sẽ giúp
chúng ta đánh giá được những khu vực bị ô nhiễm để có các biện pháp
phòng tránh các tác động có hại của chất ô nhiễm và xây dựng các giải pháp
giảm thiểu ô nhiễm một cách hiệu quả và tiết kiệm nhất.

1.3 Tổng quan về việc sử dụng các kiến thức về lan truyền, biến đổi của
chất ô nhiễm trong môi trường nước phục vụ phát triển của mô hình
lan truyền và biến đổi của chất ô nhiễm trong môi trường nước
1.3.1 Nhận xét chung
Cơ chế lan truyền chất ô nhiễm là rất quan trọng, cần được hiểu thấu
đáo để xây dựng các mô hình mô phỏng, dự báo lan truyền chất ô nhiễm.
Chất ô nhiễm sẽ được vận chuyển bằng các quá trình phân tử (khuếch
tán phân tử) và bằng gió, dòng chảy (quá trình bình lưu hay đối lưu).
Cơ chế vận chuyển chất ô nhiễm trong môi trường nước (nước sông,
hồ, nước biển), môi trường đất, nước ngầm và môi trường không khí là khác
nhau. Do vậy, việc mô hình hóa quá trình vận chuyển chất ô nhiễm trong
các môi trường nêu trên sẽ có một số điểm khác nhau đối với các môi
trường khác nhau. Với lý do trên, trong giáo trình này sẽ xem xét cơ chế
vận chuyển chất ô nhiễm trong môi trường nước, môi trường đất, nước
ngầm và môi trường không khí một cách riêng rẽ.
1.3.2 Cơ chế vận chuyển chất ô nhiễm trong môi trường nước sông
Con người ngày càng thải nhiều chất ô nhiễm ra sông, do vậy rất cần
phải hiểu cơ chế vận chuyển và biến đổi chất ô nhiễm trong sông để dự báo,
đánh giá phạm vi ảnh hưởng và tác động của chúng.
Trong môi trường nước sông, chất ô nhiễm được vận chuyển do dòng
chảy (bao gồm dòng chảy dọc sông và dòng cuộn ngang các mặt cắt sông)
và xáo trộn phân tử và xáo trộn rối. Các tính toán cho thấy xáo trộn phân tử
trong sông nhỏ hơn xáo trộn rối tới 1.000.000 lần. Điều đó có nghĩa là
không cần xem xét tới xáo trộn phân tử khi nghiên cứu sự vận chuyển của
chất phân tán trong môi trường nước sông.
1.3.3 Cơ chế vận chuyển chất ô nhiễm trong môi trường nước hồ, ao, đầm
Khác với môi trường nước sông, nước hồ, ao, đầm tương đối tĩnh lặng
nên sự lan truyền của chất ô nhiễm chủ yếu được thực hiện theo cơ chế
khuếch tán phân tử. Tuy nhiên, nếu hồ, ao đầm rộng thì tác động của gió sẽ
làm nước dâng lên tại một phía và nước rút tại phía kia. Kết quả là sẽ có
hoàn lưu và chất ô nhiễm được vận chuyển nhờ bình lưu và rối. Ngoài ra,
sóng trong hồ, ao đầm, đặc biệt là sóng vỡ khi gió mạnh, sẽ làm xáo trộn
chất ô nhiễm. Các quá trình lắng đọng chất ô nhiễm trong hồ, ao, đầm cũng
tương tự sông nhưng nhanh hơn nhiều do vận tốc dòng chảy trong hồ nhỏ
hơn. Trong hồ, vì dòng chảy nói chung rất yếu nên chất ô nhiễm đã được
lắng đọng xuống đáy chủ yếu được cuốn lên do sóng vỡ gần bờ.
1.3.4 Cơ chế vận chuyển chất ô nhiễm trong môi trường nước biển
Do chất ô nhiễm biển chủ yếu có nguồn gốc từ đất liền nên ô nhiễm
biển chủ yếu được quan tâm tại khu vực biển gần bờ. Khi đó, chất ô nhiễm
cũng chịu tác động và vận chuyển bởi dòng chảy biển và xáo trộn rối gây ra
do dòng chảy và sóng vỡ. Quá trình vận chuyển chất ô nhiễm trong nước
ven bờ phức tạp hơn sông do dòng chảy biển có cả dòng chảy dọc bờ và
dòng ngang bờ (hay dòng rip). Các dòng chảy ngang bờ sẽ giúp vận chuyển
chất ô nhiễm ra xa.
Do vận tốc dòng chảy biển thay đổi rất mạnh mẽ theo cả 3 chiều không
gian nên quá trình phân tán của chất ô nhiễm trong biển diễn ra rất mạnh
mẽ, mạnh gấp nhiều lần so với trong sông.
Phù sa trong sông khi gặp môi trường nước biển thì sẽ đông lại và lắng
đọng xuống đáy. Do vậy, nó cũng sẽ hấp phụ chất ô nhiễm trong nước và
chìm xuống đáy. Vì vậy, bùn lắng đọng gần cửa các con sông ô nhiễm
thường có hàm lượng chất ô nhiễm cao.
1.3.5 Cơ chế vận chuyển chất ô nhiễm trong môi trường đất và nước ngầm
Môi trường đất và nước ngầm là môi trường khá tĩnh lặng nên chất ô
nhiễm cũng được vận chuyển chủ yếu nhờ khuếch tán phân tử. Đất cũng hấp
phụ rất mạnh chất ô nhiễm để sau đó dần xả ra. Vì vậy, ô nhiễm môi trường
đất thường cần một thời gian rất dài để tự làm sạch. Ngoài ra, nếu nước
ngầm chảy thì chất ô nhiễm được vận chuyển nhờ quá trình bình lưu. Trong
một số khe hở, nước ngầm có thể chảy khá mạnh để tạo ra những xoáy rối.
Khi đó, các xoáy rối trong dòng chảy nước ngầm cũng làm xáo trộn mạnh
mẽ chất ô nhiễm.
Do có sự khác biệt về vận tốc dòng chảy ngầm nên quá trình phân tán
của chất ô nhiễm trong đất và nước ngầm cũng tương tự như trong sông và
trong biển, nhưng quá trình phân tán thể hiện rõ hơn do có sự biến đổi rất
mạnh mẽ của dòng chảy ngầm theo cả ba chiều.
1.3.6 Sử dụng các kiến thức về lan truyền, biến đổi của chất ô nhiễm trong
môi trường nước phục vụ phát triển của mô hình lan truyền và biến đổi của
chất ô nhiễm trong môi trường nước
Tất cả các quá trình về lan truyền, biến đổi của chất ô nhiễm trong môi
trường nước như nêu trên sẽ được sử dụng đê mô hình hóa quá trình lan
truyền và biến đổi của chất ô nhiễm trong môi trường nước.
Câu hỏi và bài tập
Câu 1: Hãy trình bày các chất ô nhiễm trong môi trường nước?
Câu 2: Ô nhiễm hữu cơ tác động như thế nào tới môi trường nước?
Câu 3: Chất rắn lơ lửng tác động như thế nào đối với môi trường nước
Câu 4: Những quá trình nào làm cho chất ô nhiễm hữu cơ khó phân hủy trở thành
nguy hiểm cho sức khỏe con người?
Câu 5: Hãy trình bày tổng quan cơ chế lan truyền chất ô nhiễm trong môi trường
nước

Tài liệu tham khảo


1. Aliani S, Molcard A (2003) Hitch-Hiking on fl oating marine debris:
macrobenthic species in the Western Mediterranean Sea. Hydrobiologia
503(1):59–67
2. Cauwenberghe L.V., M. Claessens, M.B. Vandegehuchte, J. Mees, C.R. Janssen
(2013) Assessment of marine debris on the Belgian Continental Shelf. Marine
Pollution Bulletin, 73. 161-169.
3. Cauwenberghe L.V. and C. R. Janssen (2014) Microplastics in bivalves cultured
for human consumption. Environmental Pollution, 193. 65-70.
4. Carson HS, Colbert SL, Kaylor MJ, McDermid KJ (2011) Small plastic debris
changes water movement and heat transfer through beach sediments. Mar Pollut
Bull 62(8):1708–1713.
5. Claessens, M., De Meester, S., Van Landuyt, L., De Clerck, K., Janssen, C.R.
(2011) Occurence and distribution of microplastics in marine sediments along
theBelgian coast. Mar. Pollut. Bull. 62, 2199–2204.
6. EPA (2008) Municipal solid waste generation, recycling and disposal in the
United States: facts and figures for 2008, United States Environmental Protection
Agency.
7. Fendall LS, Sewell MA (2009) Contributing to marine pollution by washing your
face: microplastics in facial cleansers. Mar Pollut Bull 58(8):1225–1228.
8. Greenpeace (2017) https://www.greenpeace.org/international/story/11871/the-
ocean-plastic-crisis/
9. Hoornweg D., P. Bhada-Tata (2012) What a waste: A global review of solid
waste management. The World Bank, Washington, DC.
https://openknowledge.worldbank.org/handle/10986/17388.
10. Vũ Thanh Ca (2018) Giải pháp giảm thiểu ô nhiễm chất thải nhựa và chất thải
nhựa ở biển cho việt nam. Bài đăng trên internet.

You might also like