You are on page 1of 31

VỢ CHỒNG A PHỦ

Tô Hoài

Nhà văn Nguyễn Minh Châu đã từng nói rằng: "Nhà văn tồn tại ở trên đời
trước hết để làm công việc giống như kẻ nâng giấc cho những con người bị cùng
đường, tuyệt lộ, bị cái ác hoặc số phận đen đủi dồn đến chân tường… Nhà văn tồn
tại trên đời để bênh vực cho những con người không có ai để bênh vực". Quả thực,
Tô Hoài đã trở thành "kẻ nâng giấc" cho những số phận khổ đau thê thảm ấy. Điều
đó được thể hiện rõ nét và sâu sắc qua tác phẩm "Vợ chồng A Phủ"- linh hồn của tập
"Truyện Tây Bắc".

I. KHÁI QUÁT TÁC GIẢ TÁC PHẨM

1. Tác giả Tô Hoài

Nhắc đến Tô Hoài (1920 - 2014), là nhắc ngay đến một cây bút tên tuổi của
nền văn học cận đại Việt Nam. Nhà báo Hà Thuý Anh đã từng nhắc đến Tô Hoài với
những ca từ như thế này: "Tô Hoài là một trong những tác gia lớn nhất của thế kỷ
XX. Ông là nhà văn thuộc thế hệ từ năm 1920 đổ về trước, đó là thế hệ vàng của văn
chương Việt Nam hiện đại, làm nên mùa gặt ngoạn mục nhất của văn học thế kỷ XX
- mùa vàng 1930 - 1945 cùng với Nguyễn Công Hoan, Vũ Trọng Phụng, Ngô Tất Tố.
Ông cũng là người hiếm hoi nhất còn lại của thế hệ vàng son ấy." Hơn 70 năm lao
động nghệ thuật cần mẫn, Tô Hoài đã cho ra đời số lượng tác phẩm đồ sộ - hơn 150
đầu sách với nhiều thể loại: Truyện ngắn, truyện dài kỳ, bút ký, ký sự, tiểu thuyết,
hồi ký, ... với lối viết thông minh, hóm hỉnh nhưng cũng không kém phần khéo léo
và tinh tế. 

Tô Hoài là một trong những nhà văn lớn của nền văn học Việt Nam hiện
đại. Ông có vốn hiểu biết sâu sắc về phong tục tập quán của nhiều vùng văn hóa
khác nhau trên đất nước ta. Thành công nhất của Tô Hoài là những tác phẩm viết về
hiện thực cuộc sống, con người vùng Tây Bắc.

Trước 1945, ông thể hiện sức sáng tạo dồi dào của mình với hai chủ đề
chính là truyện về loài vật và truyện về những cảnh đời lầm lũi nơi vùng quê nghèo
ngoại thành, tiêu biểu là "Dế mèn phiêu lưu kí", "O chuột", "Đôi ri đá", "Mẹ già",
"Khách nợ",… Sau 1945, ngòi bút của ông đã vượt thoát khỏi ngôi làng ven đô ấy để
hướng đến cuộc sống của nhiều lớp người, nhiều vùng đất khác nhau, ông viết về
những anh hùng người dân tộc thiểu số đã hiến dâng đời mình cho Tổ quốc trong
"Kim Đồng", "Vừ A Dính", ngoài ra, ông còn viết những tác phẩm về miền Tây Bắc
như "Núi cứu quốc", "Miền Tây",… mà trong đó tập "Truyện Tây Bắc" là một tác
phẩm xuất sắc.

"Truyện Tây Bắc" gồm ba truyện: "Cứu đất cứu mường", "Mường Giơn" và
"Vợ chồng A Phủ" được Tô Hoài viết năm 1952, ngay sau chuyến thâm nhập thực tế
lên Tây Bắc của tác giả. Với tập "Truyện Tây Bắc", Tô Hoài đã khắc họa một cách
chân thật, sinh động những nỗi đau thương, tủi nhục của người dân miền núi dưới
ách áp bức nặng nề của thực dân phong kiến, cũng là lần đầu tiên cuộc sống khổ cực
của người dân miền núi hiện lên rõ nét trong văn chương Việt Nam lúc bấy giờ.
"Truyện Tây Bắc" được tặng Giải Nhất, Giải thưởng Hội Văn nghệ Việt Nam năm
1954 - 1955.

2. Tác phẩm

a) Vị trí

"Vợ chồng A Phủ" là truyện ngắn đặc sắc nhất trong tập "Truyện Tây Bắc",
cũng là một trong những tác phẩm tiêu biểu của văn xuôi hiện đại Việt Nam giai
đoạn kháng chiến chống Pháp. Tô Hoài kể lại: "Cái kết quả lớn nhất và trước nhất của
chuyến đi tám tháng ấy là đất nước và con người miền Tây đã để thương để nhớ cho tôi
nhiều quá, tôi không thể bao giờ quên. Tôi không thể bao giờ quên được lúc vợ chồng A Phủ
tiễn tôi tại dốc núi làng Tà Sùa rồi cùng vẫy tay gọi theo: "Chéo lù! Chéo lù!" (Trở lại! Trở
lại!). Có lẽ chính vì vậy mà Tô Hoài đã viết "Vợ chồng A Phủ" bằng cả tấm lòng nhân
đạo và yêu thương sâu sắc của mình. Tác phẩm là bức tranh chân thực về cuộc sống
và số phận nghiệt ngã của người nông dân nghèo miền núi dưới ách áp bức bóc lột
tàn bạo của các thế lực phong kiến và thực dân, đồng thời lại là một bài ca về sức
sống mãnh liệt và khát vọng tự do của con người.

b) Hoàn cảnh sáng tác

Cuối năm 1952, Tô Hoài có chuyến đi thực tế cùng bộ đội trong chiến dịch
Tây Bắc. Sau khi tìm hiểu chung về tình hình ông quyết định đi sâu vào những khu
du kích của đồng bào các dân tộc thiểu số vùng núi cao. Chuyến đi dài 8 tháng này
đã để lại những ấn tượng sâu sắc và những tình cảm tốt đẹp của nhà văn với con
người miền Tây. Tô Hoài tâm sự: "Cái kết quả lớn nhất và trước nhất của chuyến đi 8
tháng ấy là đất nước và con người miến Tây đã để thương để nhớ cho tôi nhiều quá.
Tôi không bao giờ quên…Hình ảnh Tây Bắc đau thương và dũng cảm lúc nào cũng
có trong tâm trí tôi. Vì thế, tôi viết Truyện Tây Bắc."

Truyện ngắn "Vợ chồng A Phủ" được sáng tác năm 1952, in trong tập
"Truyện Tây Bắc" (xuất bản năm 1953, nhận giải Nhất giải thưởng của hội văn nghệ
Việt Nam 1954-1955) là kỉ niệm, là tấm lòng Tô Hoài dành tặng cho những người
thương trên Tây Bắc. Tác phẩm rất tiêu biểu cho sở trường và phong cách nghệ thuật
của nhà văn.

Tác phẩm gồm hai phần: phần đầu kể về cuộc sống tủi nhục của Mị và A
phủ ở Hồng Ngài, là nô lệ nhà thống lí Pá Tra; phần sau kể về Mị và A Phủ ở Phiềng
Sa, họ thành vợ chồng, được cán bộ A Châu giác ngộ cách mạng, A Phủ trở thành
tiểu đội trưởng du kích cùng Mị đánh Pháp bảo vệ dân làng. Đoạn trích trong sách
giáo khoa là phần thứ nhất của tác phẩm.

c) Tóm tắt truyện

Vợ chồng A phủ kể về đôi vợ chồng người H’ Mông ở vùng Tây Bắc. Mỵ


là một cô gái xinh đẹp có tài thổi sáo. Trai bản nhiều người mê và Mỵ đã có người
yêu. Dù cha Mị nợ thống lí Pá Tra một món tiền lớn, chưa trả nổi, hằng năm phải trả
lãi cả một nương ngô nhưng Mị kiên quyết không lấy A Sử -con trai thống lý Pá Tra-
để xoá nợ. Nhưng một đêm xuân, Mị bị A Sử lừa, bắt về trình ma nhà nó. Tiếng gọi
là làm vợ A Sử nhưng Mị bị đối xử thậm tệ.

Ban đầu, Mị định tự tử nhưng vì thương cha đành cam chịu sống trong
đau khổ câm lặng "lùi lũi như con rùa nuôi trong xó cửa".

Ngày Tết lại về, Mị lén uống rượu một mình. Không khí vui nhộn, nhất là
tiếng sáo gọi bạn tình đã giúp Mị nhớ lại những ngày trước, khơi dậy ở Mị khát vọng
tình yêu hạnh phúc. Mị vào buồng và định thay váy áo đi chơi thì bị A Sử bắt trói
đứng vào cột nhà, bằng cả thúng dây đay, cả tóc Mị. Trong cơn chập chờn mê tỉnh,
Mị vẫn thả hồn theo các cuộc chơi. Đến lúc thích chí vùng bước đi mới biết toàn thân
bị trói chặt, đau buốt.

Cũng đêm đó, A Phủ, một thanh niên mồ côi nhưng khoẻ mạnh, can
trường, đã đánh A Sử, vì bất bình trước trò xấc xược của hắn ta. A Phủ bị làng bắt về
xử và trở thành người ở trong nhà Pá Tra để trừ nợ.

Một mùa đông giá rét, rừng đói, hổ báo từng đàn ra phá nương, bắt bò
ngựa. A Phủ vì mải mê bẫy nhím nên đã để hổ bắt mất một con bò. A Phủ bị thống lí
Pá Tra bắt trói đứng vào một cây cột, suốt mấy ngày đêm - chờ khi nào A Sử bắn
được hổ mới tha.
Lúc ấy, tuy Mị đã trở thành một con người hoàn toàn vô cảm nhưng khi
nhìn thấy dòng nước mắt của A Phủ lặng lẽ rơi trên hai hóm má xám đen vì kiệt sức,
tuyệt vọng, Mị động lòng thương người cùng cảnh ngộ. Sau một hồi suy nghĩ, Mỵ đã
cắt dây trói cho A Phủ. Rồi, Mị vụt chạy theo anh.

Cả hai băng rừng sang Phiềng Sa, trở thành vợ chồng. Quân Pháp tràn tới,
dân làng hoang mang lo sợ. A Châu, cán bộ Đảng đã tìm đến xây dựng phong trào
và kết nghĩa anh em với A Phủ. A Phủ đã trở thành tiểu đội trưởng du kích, cùng với
Mị và đồng đội tích cực tham gia chống Pháp và tay sai bảo vệ quê hương.

II. PHÂN TÍCH TÁC PHẨM

1. Nhân vật Mị

Nhận định về nhân vật trong tác phẩm, nhà văn Tô Hoài đã viết: "Nhân
vật là nơi duy nhất tập trung hết thảy, giải quyết hết thảy trong một sáng tác." Nhân
vật văn học chính là người chỉ đường, là hoá thân cho tinh thần và tiếng nói của
người nghệ sĩ. Đọc xong một tác phẩm, khép lại trang sách cuối, cái đọng lại sâu nhất
trong tâm hồn người đọc chính là những cảm xúc, những suy tư trăn trở về số phận,
về cuộc đời của những con người được nhà văn thể hiện. Và Tô Hoài thực sự đã
thành công trong việc tạo ra một nhân vật hội tụ đầy đủ các yếu tố để có thể rung lên
sợi dây đồng điệu giữa người đọc và tác phẩm - nhân vật Mị trong truyện ngắn "Vợ
chồng A Phủ".

Chính sức sống tiềm tàng và khát vọng tự do mãnh liệt của Mị đã để lại ấn
tượng sâu sắc trong lòng độc giả mà đồng thời qua đó, chúng ta cũng có thể nhìn
thấu tấm lòng nhân đạo sâu sắc của người nghệ sĩ Tô Hoài. 

a) Dưới ngòi bút Tô Hoài, Mị hiện lên toàn vẹn với những vẻ đẹp tài năng và
phẩm chất

Qua miêu tả của Tô Hoài thì Mị là một cô gái sinh ra từ núi rừng Tây Bắc.
Cô mang trong mình những nét tính cách của người con gái dân tộc thiểu số chất
phác và hiền lành. Dù sinh ra trong một gia đình nghèo khó nhưng Mị vẫn rất lạc
quan và yêu đời, là cô gái chăm chỉ, hiếu thảo, giàu lòng yêu đời, đang sống trong
những ngày tháng tươi đẹp của tuổi xuân. Mị trông xinh đẹp tựa như một đóa hoa
rừng ngập tràn xuân sắc. Cô không chỉ đẹp mà còn rất tài năng. Có tài thổi lá hay
như thổi sáo nên biết bao người say mê hàng ngày đi theo bước chân của Mị. Mị yêu
lao động "biết cuốc nương làm ngô". Mị giàu lòng tự trọng và hiếu thảo với cha già.
Đó chính là vẻ đẹp về nhân cách và phẩm giá của người con gái với vẻ đẹp trong
ngần thánh thiện như loài hoa ban thơm ngát giữa rừng. 

Vẻ đẹp tâm hồn Mị còn được bộc lộ thông qua thái độ phản kháng và
phản ứng của Mị khi biết mình phải về làm dâu gạt nợ nhà thống lí Pá Tra. Ngày
xưa, bố Mị lấy mẹ Mị không có tiền đã phải vay của bố thống lí Pá Tra - là ông của
thằng A Sử 100 đồng bạc trắng, nhưng cho đến khi mẹ Mị đã mất, cha Mị đã già mà
món nợ ấy vẫn chưa được trả hết. Thống lí bắt bố Mị phải gả con gái cho con trai hắn
là A Sử về làm con dâu gạt nợ. Biết được tin này, Mị phản ứng ngay: "Con nay đã
lớn, biết cuốc nương làm ngô, về nhà làm nương ngô trả nợ thay cho bố, bố đừng
bán con cho nhà giàu". Câu nói toát lên khí chất của cả một con người, một con người
có sức sống tiềm tàng mãnh liệt. Trong câu nói của Mị là sự đánh tráo, đánh đổi, Mị
thà làm việc cực nhọc chứ quyết không làm dâu gạt nợ, sống kiếp trâu ngựa nô lệ.
Thể hiện sự mạnh mẽ, tự tin của tuổi trẻ, của một người không ham giàu sang, phú
quý, biết quý trọng danh dự và nhân phẩm của mình. Mị quyết không chấp nhận cuộc
hôn nhân không tình yêu ấy.

Đấy là một cô gái rất xứng đáng để hưởng hạnh phúc và sống những ngày
tươi đẹp của tuổi trăng tròn, dù trong cảnh nghèo khó. Mùa xuân đến, Mị sống
những giờ phút hồi hộp sung sướng chờ nghe những tiếng sáo quen thuộc của ngừơi
yêu; và không ít những chàng trai Hmông đã say mê cô gái con nhà nghèo ấy: "trai
đến đứng nhẵn cả chân vách đầu buồng Mị". Những tưởng cuộc đời Mị cứ thế trôi
qua êm đềm và cô sẽ sớm tìm được bến đỗ yêu thương, nào ngờ đâu bi kịch ập đến
khiến tuổi xuân của người con gái ấy rơi vào bế tắc, khổ đau.
b) Cuộc đời chát đắng của Mị bắt đầu từ khi cô bị bắt về làm dâu gạt nợ,
cuộc sống tươi đẹp, tự do trước kia giờ đây chỉ còn là hồi ức giữa những giọt nước
mắt lăn dài.

Mị xuất hiện lần đầu tiên ở phần đầu câu chuyện qua vài nét phác hoạ
đơn sơ của Tô Hoài: "Ai ở xa về, có việc vào nhà thống lý Pá Tra thường trông thấy
có một cô gái ngồi quay sợi gai bên tảng đá trước cửa, cạnh tàu ngựa. Lúc nào cũng
vậy, dù quay sợi, thái cỏ ngựa, dệt vải, chẻ củi hay đi cõng nước dưới khe suối lên, cô
ấy cũng cúi mặt, mặt buồn rười rượi.". Mị không hiện lên bằng chân dung mà hiện
lên bởi số phận – một số phận đau buồn về kiếp người làm dâu gạt nợ trong nhà
thống lý Pá Tra.Mị hiện lên với cuộc sống lầm lũi, buồn khổ, tủi nhục trong thân
phận vợ của A Sử, con dâu nhà thống lý Pá Tra. Cuộc đời chát đắng của Mị bắt đầu
từ khi cô bị bắt về làm dâu gạt nợ, cuộc sống tươi đẹp, tự do trước kia giờ đây chỉ
còn là hồi ức giữa những giọt nước mắt lăn dài. "Tết năm ấy, tết vui chơi, trai gái
đánh pao, đánh quay rồi đêm đêm rủ nhau đi chơi. Những nhà có con gái, bố mẹ
không thể ngủ được vì tiếng chó sủa. Suốt đêm, con trai đến nhà người mình yêu,
đứng thổi sáo xung quanh vách. Trai đứng nhẵn cả chân vách đầu buồng Mị."

Trong thời gian đầu bị bắt về làm vợ A Sử, Mị – bằng lòng yêu tự do và
ham sống mạnh mẽ – đã phản kháng quyết liệt. Hàng mấy tháng ròng, đêm nào Mị
cũng khóc, rồi Mị quyết tự tử. Nàng Kiều của Nguyễn Du khi bị dấn thân vào cuộc
đời ô nhục, đã hơn một lần nghĩ đến quyên sinh mà cũng không thoát được kiếp đọa
đày đến mười lăm năm. Cô Mị ở đây còn gặp tình cảnh chua xót hơn: cô có chết thì
món nợ vẫn còn, bố già còn khổ hơn nữa! Thế là Mị không đành chết. Mị phải tiếp
tục chịu đựng cuộc sống nô lệ.

Những năm tháng trong nhà Pá Tra là một chuỗi dài những cực nhọc, vất
vả nối tiếp nhau, là những sự bóc lột và hành hạ của bọn chủ nô với kẻ nô lệ mà Mị
phải chịu đựng: "Mị cúi mặt, không nghĩ ngợi nữa, mà lúc nào cũng chỉ nhớ đi nhớ
lại những việc giống nhau tiếp nhau vẽ ra trước mắt, mỗi năm, mỗi mùa, mỗi tháng
lại làm đi làm lại… Con ngựa, con trâu làm còn có lúc, đêm nó còn được đứng gãi
chân, đứng nhai cỏ, đàn bà con gái nhà này thì vùi đầu vào việc cả đêm cả ngày".

Trong địa ngục trần gian ấy, Mị còn bị áp chế về tinh thần. Mị bị ràng
buộc trong một ý nghĩ: bố con Pá Tra đã "trình ma" mình là người nhà nó rồi, thì chỉ
còn biết ở cho đến lúc chết rũ xác ở đây thôi! Mê tín, thần quyền đã hỗ trợ đắc lực
cho giai cấp thống trị, nó là một thứ "thuớc phiện của tinh thần" đối với người dân bị
áp bức, như Mác đã nói.

Trong đoạn kể về cuộc đời làm dâu của Mị, Tô Hoài đã không chỉ đứng ở
chỗ tố cáo những sự áp bức bóc lột của bọn phong kiến miền núi, mà còn nói lên một
sự thật đau xót này: con ngừơi bị áp bức cứ nhẫn nhục chịu đựng kéo dài đến một
lúc nào đó thì dường như bị tê liệt cả tinh thần phản kháng. "Ở lâu trong cái khổ, Mị
quen khổ rồi. Bây giờ thì Mị tưởng mình cũng là con trâu, mình cũng là con ngựa, là
con ngựa phải đổi cái tàu ngựa nhà này đến cái tàu ngựa nhà khác, con ngựa chỉ biết
việc ăn cỏ, biết đi làm mà thôi". "Mị cúi mặt không nghĩ ngợi nữa", "mỗi ngày Mị
càng không nói, lùi lũi như con rùa nuôi trong xó cửa". Mị sống như một cái bóng,
sống mà như chết. Suốt trong phần đầu của truyện, Tô Hoài gần như không để nhân
vật Mị có một lời nói trực tiếp nào.
Căn buồng Mị nằm có cái cửa sổ lỗ vuông bằng bàn tay "lúc nào trông ra
cũng chỉ thấy trăng trắng, không biết là sương hay là nắng". Mị nghĩ rằng mình đành
ngồi trong cái lỗi vuông ấy mà trông ra cho đến chết thì thôi". Thậm chí Mị cũng
không buồn nghĩ đến cái chết nữa: "lần lần, mấy năm qua, mấy năm sau, bố Mị chết.
Nhưng Mị cũng không còn nghĩ đến Mị có thể ăn lá ngón tự tử nữa". Khi một nạn
nhân đau khổ còn nghĩ đến cái chết để chấm dứt hoàn cảnh sống bi kịch của mình,
thì phải chăng trong họ còn một chút sức phản kháng, còn tha thiết một cuộc sống có
ý nghĩa hơn. Nhưng Mị lúc này dường như đã phó mặc cuộc sống của mình cho
định mệnh, không nghĩ gì về thân phận của mình nữa, thậm chí cũng không có ý
thức về thời gian sống nữa. Cô không nhớ rằng mình về làm dâu nhà Pá Tra đã bao
nhiêu năm. Và ngồi trong căn buồng âm u nhìn qua cửa sổ, Mị không biết cái màu
nhờ nhờ trăng trắng ngoài kia là sương hay là nắng. Với Mị, sự chuyển biến của thời
khắc sớm tối hay là năm tháng qua đi cũng không có ý nghĩa gì, không gợi cho cô
cảm xúc gì, cuộc sống chỉ còn là một màn sương mờ đục không dĩ vãng, không hiện
tại và tương lai!

Nếu như trong cùng một giai đoạn văn học này, trong tác phẩm "Tắt đèn"
của Ngô Tất Tố, chị Dậu phải chịu sự ràng buộc của sưu cao thuế nặng, thì trong
truyện ngắn "Vợ chồng A Phủ" thì nhân vật Mị cũng phải chịu sự chi phối ràng buộc
của thần quyền hủ tục. Đó chính là phương thức hữu hiệu để giai cấp thống trị nô
dịch người dân nghèo. Mị bị bắt về làm dâu với thân phận đàn bà, lại đã cúng trình
ma nhà thống lí Pá Tra, Mị không còn cách nào khác chỉ biết sống tiếp "nó đã bắt ta
về trình ma nhà nó rồi chỉ còn biết đợi ngày rũ xương ở đây thôi" và từ đấy Mị sống
trong danh nghĩa là con dâu nhưng thực chất là thân phận nô lệ. Nhà văn không chỉ
gián tiếp tố cáo sự áp bức bóc lột của bọn địa chủ phong kiến miền núi mà còn phản
ảnh sự thật đau xót: Người dân lao động nghèo khổ bị chúng đẩy đến bước đường
cùng, chà đạp đến mức tê liệt về cảm xúc, cuộc sống xung quanh, mất dần ý niệm về
cuộc đời. Chúng đang cai trị theo cách "ngu dân". Từ những người có lòng ham sống
mãnh liệt, giờ đây chỉ như cái bóng cái xác không hồn, không ước ao. Một sự hủy
diệt về ý thức sống thật đáng sợ. Cuộc sống của Mị tiêu biểu cho số phận bi thảm, bất
hạnh của những người dân nghèo miền núi.

Cô gái trẻ trung, yêu đời của quá khứ nay đã bị thực tại nhấn chìm. Mị
sống mà như đã chết, ý thức làm người vốn có của cô đã bị giai cấp phong kiến làm
cho tê liệt. Dường như số phận đã cột chặt Mị vào gian nhà tăm tối của thống lý Pá
Tra mặc cho cô gái trẻ có van lơn, có vẫy vùng. Ngòi bút của Tô Hoài đã rất thành
công trong việc miêu tả tinh thần đang chết dần chết mòn đi từng ngày của nhân vật
Mị. Tất cả tình trạng đó là hậu quả của sự đọa đày dai dẳng, nặng nề của ách thống
trị phong kiến trung cổ đối với những người lao động bị đẩy vào thân phận nô lệ.
Ngòi bút của Tô Hòai có sức tố cáo mạnh mẽ. Mặt khác chính sự đè nén càng phũ
phàng tàn bạo, thì sự trỗi dậy ở phần sau của nhân vật càng có giá trị.
Những tưởng cuộc đời Mị từ đây đã bị chôn vùi trong những gông xiềng
của hủ tục lạc hậu và nạn áp bức bóc lột tàn bạo nhưng không, trong sâu thẳm tâm
hồn câm lặng ấy vẫn le lói một khát khao sống, khát khao tự do luôn âm ỉ cháy chỉ
chờ ngày bùng lên mãnh liệt. Sức sống tiềm tàng ẩn sâu trong nhân vật Mị được ngòi
bút tài năng của Tô Hoài thể hiện qua nhiều phương diện, nhiều chi tiết thấm đẫm
tinh thần nhân đạo sâu sắc. Ngòi bút của người nghệ sĩ không chỉ nhằm phơi bày sự
thật đen tối mà còn đưa người đọc hướng tới ánh sáng của niềm tin, của cái thiện ở
đời.

c) Sức sống tiềm tàng của Mị trong "Vợ chồng A Phủ", hay ánh sáng nhân
đạo Tô Hoài thắp lên giữa những đêm dài nô lệ tăm tối?

Nếu như truyện ngắn chỉ dừng lại ở việc khắc họa số phận bi thương của
những con người bị dồn đường cùng thì đã là một thành công rất lớn. Nhưng tác
phẩm của Tô Hoài được ra đời vào những năm sau Cách mạng, một thời đại mới,
một trang sử mới, bởi vậy tác giả không hề để cho nhân vật của mình lao vào bóng
tối như chị Dậu, cũng chẳng để nhân vật giết người, rồi giết mình trong một tiếng
kêu đầy ai oán như Chí Phèo. Ông đã để cho nhân vật Mị thực sự trỗi dậy, sống với
một sức mạnh phản kháng tiềm tàng, mãnh liệt.

Những giọt nước mắt chát đắng của Mị là biểu hiện đầu tiên của sự phản
kháng, không chấp nhận cuộc sống tù đày.

Sức sống tiềm tàng mãnh liệt ấy, trước tiên và đơn giản nhất được bộc lộ
trong những phản ứng ngầm tỏ rõ việc Mị phủ định cuộc sống nơi mình đang chết
dần chết mòn đi từng ngày. Khi về làm dâu nhà thống lý Pá Tra, "Có đến hàng mấy
tháng, đêm nào Mị cũng khóc" - những giọt nước mắt ấy là sự phản kháng yếu ớt của
Mị đối với giai cấp cầm quyền bóc lột tàn bạo sức lao động của người dân miền núi.
Cuộc sống đối với Mị giờ đây đã chẳng còn ý nghĩa khi tất cả khát vọng, niềm tin,
lòng tự tôn bị chà đạp, rẻ rúng, để rồi cuối cùng Mị phải tìm đến lá ngón, chọn cái
chết để giải thoát bản thân khỏi gông xiềng hủ tục. Phải chăng với cô gái trẻ, cái chết
chính là lời tố cáo đanh thép nhất đối với giai cấp cầm quyền, thể hiện sự phủ nhận
quyết liệt với cuộc sống "địa ngục trần gian" mà cô đang trải qua? Chi tiết này cho
thấy sự phản kháng mạnh mẽ trong tâm hồn Mị, bản thân Mị tìm đến lá ngón ở đây
lại là một biểu hiện rất rõ ràng của lòng khao khát hạnh phúc, cuộc sống tươi đẹp.
Ngòi bút của Tô Hoài đã đào sâu vào trong tận cùng ý thức của nhân vật để khơi dậy
chút ánh sáng của niềm ham sống và khát vọng tự do mãnh liệt.

Sự thức tỉnh trong ý thức của Mị được nhà văn đặt vào trong một hoàn cảnh
"điển hình" - ấy là khi mùa xuân về trên miền núi cao Tây Bắc.
Mùa xuân là mùa của sự sống và khát vọng, chính vì vậy mà cái không khí
ngày xuân ở Hồng Ngài đã tác động mạnh mẽ vào tâm hồn vốn đang chết dần đi
từng ngày của cô gái trẻ, kéo cô trở lại với cuộc đời tươi đẹp cô đáng sống, để ngọn
lửa ham sống trong lòng Mị bừng lên.

Đọc tác phẩm ta thấy có ngọn núi quanh năm đọng trong tuyết, nơi có
sương mù bao phủ, những cánh rừng bát ngát bạt ngàn nương rẫy, khi thì xanh
mướt lúa ngô, khi thì sặc sỡ ẩn hiện. Nơi có làng bản tụ quanh nguồn nước, chiều về
cảnh vật hiện ra trong hơi sương, tối đến lại bập bùng quanh ánh lửa. Ở Hồng Ngài,
bao giờ cũng thế, cứ gặt hái xong là người ta chuẩn bị ăn Tết. Nhà văn Tô Hoài đã
khéo léo kết hợp tính trữ tình đậm chất thơ vào trong tác phẩm, thể hiện vốn hiểu
biết phong phú, những bản sắc riêng của người dân tộc vùng cao để người đọc có thể
hình dung rõ hơn về cuộc sống của họ, về đề tài mà ít ai từng chạm đến trên diễn
đàn văn chương lúc ấy. Nhà văn đã lấy việc miêu tả tâm lý nhân vật làm nền tảng,
khi mùa xuân đến nhà văn để nhân vật của mình vùng dậy, sức sống tiềm tàng trỗi
dậy trước hết là nhờ những đổi thay bên ngoài. Trên bản của những người Mèo đỏ,
trai gái đem váy áo ra phơi trên những mỏm đá, nhìn xa xa như những chú bướm
sặc sỡ khổng lồ đầy màu sắc. Mùa xuân cũng làm thay đổi những đóa hoa thuốc
phiện khiến chúng trở nên sặc sỡ hơn. Trai gái rủ nhau ném pao, tung còn, hát
những câu hát giao duyên quen thuộc:

"Mày có con trai con gái


Mày đi làm nương Ngô
Tao không có con trai con gái
Tao đi tìm người yêu"

Tất cả làm cho người đàn bà đã từng chịu nhiều khổ đau phải lay động, có
sự vận động. Tiếp đó là "tiếng ai thổi sáo rủ bạn đi chơi" – tiếng sáo gọi bạn tình
vọng vào tâm hồn Mị "thiết tha bồi hồi" Nhà văn lách sâu vào đêm tình mùa xuân để
khơi dậy sức sống tiềm tàng trong nhân vật này. Thiên nhiên của Hồng Ngài, không
khí của mùa xuân năm ấy khiến cho Mị không khỏi xao động, khiến cho lòng Mị
không thể lặng yên mà cứ mãi xao xuyến, xốn xang.

"Ở Hồng Ngài người ta thành lệ cứ ăn Tết khi gặt hái vừa xong, không kể
ngày, tháng nào. Ăn Tết như thế cho kịp lúc mưa xuân xuống thì đi vỡ nương mới."
Mùa xuân năm ấy ở Hồng Ngài đẹp và gợi cảm biết bao: "Trên đầu núi, các nương
ngô, nương lúa gặt xong, ngô lúa xếp yên đầy các nhà kho. Trẻ con đi hái bí đỏ, tinh
nghịch, đã đốt những lều canh nương để sưởi lửa... Hồng Ngài năm ấy ăn tết giữa
lúc gió thổi và cỏ ranh vàng ửng... Trong các làng Mèo, những chiếc váy hoa đã đem
ra phơi trên mỏm đá xoè như con bướm, sặc sỡ... Đám trẻ đợi Tết, chơi quay, cười ầm
trên sân trước nhà. Ngoài đầu núi lấp ló đã có tiếng ai thổi sáo rủ bạn đi chơi..."
Chính không gian rộn rã sắc màu cùng tiếng sáo tha thiết và âm thanh cuộc sống bên
ngoài đã đánh thức cô Mị ngày xưa. Tiếng sáo như chạm vào nỗi nhớ, khơi dậy trong
tiềm thức của cô gái trẻ những kỷ niệm khi xưa. Mị nghe tiếng sáo vọng lại, thiết tha
bồi hồi. Mị ngồi nhẩm lại bài hát của người đang thổi... Mị lẩm nhẩm lời bài hát,
trong khoảnh khắc tâm hồn trở về với thanh xuân tươi đẹp, khao khát tình yêu hạnh
phúc.

Trong đoạn diễn tả tâm trạng hồi sinh của Mị, tiếng sáo có một vai trò đặc
biệt quan trọng. "Mị nghe tiếng sáo vọng lại, thiết tha, bồi hồi. Mị ngồi nhẩm thầm
bài hát của người đang hỏi". "Ngày trước Mị thổi sáo giỏi... Mị uốn chiếc lá trên môi,
thổi lá cũng như thổi sáo", "Tay Mị vang tiếng gọi bạn đầu làng", "mà tiếng sáo gọi
bạn yêu vẫn lửng lơ bay ngoài đường", "Mị vẫn nghe tiếng sáo đưa Mị đi theo những
cuộc chơi, những đám chơi", "trong đầu Mị rập rờn tiếng sáo"...

Sự phản kháng âm thầm diễn ra trong tâm thức và hành động của Mị trong
đêm tình mùa xuân là tiền đề vững chắc cho cuộc nổi dậy đấu tranh chống lại cường
quyền.

Thời khắc để ngọn lửa sống trong lòng Mị bùng lên đã đến, đấy là một
"đêm tình mùa xuân". Và chúng ta cũng hồi hộp theo ngọn đèn của tác giả "từng
bước rọi sâu vào miền thâm u của thế giới nội tâm nhân vật".

Trong không khí mùa xuân tưng bừng và nô nức ấy, tiếng sáo chính là âm
thanh tác động mạnh mẽ nhất đến tâm hồn Mị. Tiếng sáo ấy đã khơi dậy sức sống ẩn
náu trong Mị như đã nguội tắt. Tác giả đã dụng công miêu tả chi tiết tiếng sáo rất
nhiều lần. Âm thanh ấy khiến Mị nhớ lại những bài hát ngày xưa. Mị đâu còn là con
người "chết dần chết mòn về nhân tính" như Chí Phèo. Tiếng sáo thấm vào trái tim
Mị, thức tỉnh sự câm lặng bấy lâu. Tiếng sáo ấy chính là tiếng sáo của hạnh phúc, là
biểu tượng của tình yêu đôi lứa. Nó đã xuyên qua hàng rào lạnh giá bên ngoài để
đánh thức miền sâu thẳm trong tâm hồn Mị. Đánh thức sức sống vẫn được bảo lưu
đâu đó trong cõi lòng thiếu nữ Tây Bắc này. Bữa cơm Tết cúng ma đón năm mới rộn
rã, "chiêng đánh ầm ĩ" và bữa rượu tiếp ngay bữa cơm bên bếp lửa, trong cái nồng
nàn của bữa rượu, Mị nhẩm lại bài hát của người đang thổi, Mị dần có khái niệm về
thời gian, về cuộc sống. Những suy nghĩ trong tâm trí bỗng chốc bật ra thành hành
động, rồi "Mị cũng uống rượu". Để ý kĩ ta sẽ thấy rằng, Mị uống rượu "ực từng bát",
đó đâu phải là cách người ta vẫn thường hay thưởng rượu. Mị uống rượu như nuốt
bao cay đắng tủi hờn, như để quên, quên đi hiện tại để nhớ về quá khứ và sống trong
quá khứ ấy, lấy cái đắng cay của men rượu để mà quên đi cái đắng cay của đời. Men
rượu chính là tác nhân cuối cùng để Mị trở lại với chính con người mình, để trở lại
với sự sống: "thấy phơi phới trở lại, trong lòng đột nhiên vui sướng như những đêm
Tết ngày trước" Mị cảm thấy mình vẫn trẻ lắm, Mị muốn đi chơi. Mị thấy cái vô
nghĩa của cuộc sống hiện tại: "nếu có nắm là ngón trên tay, Mị sẽ ăn cho chết ngay
chứ không buồn nhớ lại nữa". Niềm khao khát được sống như đang nhảy múa trong
lòng Mị. Đối với cô gái người Mèo ấy, cái chết lúc ấy thật sự là một sự giải thoát chứ
không phải là sự hèn nhát. Mị muốn vượt thoát ra khỏi căn buồng nhưng chẳng khác
nào cái phòng gia, giam hãm tâm hồn và tuổi trẻ của mình. Biết bao năm trời tưởng
như sức sống và khao khát được sống trong Mị đã bị vùi lấp mất, tưởng Mị đã an
phận trong cái kiếp nô lệ đày đọa nhưng không phải vậy. Mị đã ý thức được về sự
bất công phi lí, "không có lòng với nhau mà vẫn phải ở với nhau", ý thức về quyền
sống và hạnh phúc của chính mình. Người con gái ấy đã thực sự vượt thoát ra khỏi
trạng thành chai lì vô cảm của một "con rùa nơi xó cửa".

Quá trình hồi sinh của Mị không được nói đến một cách dễ dãi, hời hợt.
Tâm trạng nhân vật được miêu tả theo trình tự rất logic, nếu có hoàn cảnh làm nó tha
hóa thì ắt sẽ có hoàn cảnh làm nó thức tỉnh. Con người tưởng như đã chết từng bước
được hồi sinh, Mị như một đóa hoa ban Tây Bắc trước lúc vào xuân, nhìn bề ngoài
mỏng manh, yếu đuối nhưng bên trong sức sống tiềm tàng vẫn luôn âm ỉ và mãnh
liệt. Tô Hoài đã thực hiện một cuộc giải phẫu tâm lí đê tìm ra một sự vận động biện
chứng trong tâm hồn Mị. Nghe thấy tiếng sáo, tất cả cứ đang bồi hồi rộn ràng trong
Mị. Hạnh phúc như đang ở ngay trước mắt, Mị vào trong căn buồng tối tăm của
mình, xắn một miếng mỡ bỏ vào đĩa đèn cho thêm sáng. Đây là một chi tiết có chiều
sâu về nghệ thuật, Mị đang tự tay thắp lên ngọn lửa trong tim mình, ngọn lửa của
tình yêu cuộc sống mãnh liệt, khát khao hạnh phúc. Trong đầu Mị vẫn rập rờn
những tiếng sáo. Tiếng sáo như thôi thúc Mị quấn lại tóc, "với tay lấy cái váy hoa vắt
phía trong vách" để đi chơi hội. Những biến động mạnh mẽ trong tâm hồn Mị chính
là sức sống tiềm tàng mãnh liệt bấy lâu bị vùi lấp. Nó đang chuyển hóa thành hành
động và kéo theo những hành động tiếp theo.

Nhưng giữa lúc lòng ham sống của Mị trỗi dậy mạnh mẽ thì ngay sau đó
nó lại bị vùi dập phũ phàng không thương tiếc: A Sử bước vào, thản nhiên, lầm lì,
trói đứng Mị vào cây cột nhà như trói cả khát vọng và ước mơ của cô gái trẻ vào
bóng đêm thăm thẳm của sự tuyệt vọng, hiện thực nghiệt ngã lại trở về với Mị.
Nhưng A Sử chỉ trói được thể xác Mị, không trói được tinh thần Mị, cô vẫn sống
trong những tiếng sáo thổn thức ngoài kia. A Sử hỏi nhưng Mị không nói. Trong khi
ấy thì tiếng sáo gọi bạn tình cứ thôi thúc, quyến rũ. Nó là biểu tượng của sự sống,
tình yêu, tự do, mà bấy lâu nay Mị dường như đã quên rồi, nay đang trở lại. Tiếng
sáo theo sát từng bước diễn biến tâm trạng nhân vật, nó chính là ngọn gió thổi bùng
lên đốm lửa trong lòng Mị. Tiếng sáo từ chỗ là một sự việc của thực tại bên ngoài
nhân vật ("tiếng sáo gọi bạn yêu vẫn lửng lơ bay ngòai đường"), đã xâm nhập thế
giới tâm hồn Mị, trở thành một hiện hữu của đời sống bên trong ("trong đầu Mị đang
rập rờn tiếng sáo"). Hành động không nói ấy chắc hẳn là vì Mị đang sống trong quá
khứ, cả tâm trí đang nghe tiếng gọi của tiếng sáo.

Mị dường như đã quên hết thực tại, quên đi cả nỗi sợ cố hữu của mình. Rõ
ràng, khát vọng sống trong Mị vẫn đang được bảo lưu ở đâu đó. Nó giống như hòn
than đang cháy âm ỉ dưới lớp tàn nguội lạnh và chỉ cần trận gió thổi tới là nó có thể
bùng cháy một cách mãnh liệt. Những tác động của ngoại cảnh làm nên cuộc nổi
loạn trong Mị là không nhỏ. Nhưng sức mạnh tiềm ẩn không thể nào dập tắt mới là
mấu chốt quyết định sức sống của mỗi cá nhân. Tô Hoài đã thể hiện được tư tưởng
nhân đạo sâu sắc của mình khi dành cho nhân vật sự ưu ái. Ông thương cảm, đồng
cảm xót xa với những số phận bị chà đạp về phẩm chất, tâm hồn, những con người là
nạn nhân của chế độ phong kiến.

Tưởng rằng sức sống mãnh liệt của Mị sẽ bị vùi dập lần nữa, nhưng trong
bóng tối, Mị mơ màng theo tiếng sáo, Tiếng sáo có lần đã đưa Mị theo những cuộc
chơi, đám chơi. Nhưng rồi quá khứ ra đi, hiện tại ở trước mắt. Mị chỉ thấy xung
quanh toàn bóng tối, không một tiếng động, "Cô vùng bước đi" nhưng chân tay đau
không cựa được, Mị không nghe tiếng sáo nữa. Nỗi đau thể xác đã kéo Mị trở về
thực tại.

Suốt cái đêm bị trói đứng vào cột ấy, Mị đã sống trong sự giằng xé mãnh
liệt giữa niềm khao khát hạnh phúc cháy bỏng và thực tại tàn bạo lạnh lùng. Lúc mới
bị trói, Mị vẫn sống trong tâm trạng say mê với tiếng sáo, với những đám chơi Tết
ngoài kia. "Tiếng sáo đưa Mị đi theo những cuộc chơi, những đám chơi". Mị như
quên mình là đang bị trói, quên những đau đớn thể xác, đến nỗi trong giây phút
niềm khát khao cuộc sống mãnh liệt. Mị đã vùng bước đi!" Nhưng thực tế phũ phàng
là những vòng dây trói đang thít chặt, dẫu ước mong mãnh liệt đến mấy, Mị không
vượt qua nó được. Hai biểu tượng của ước mơ và thực tại hiện ra trong hai âm thanh
trái ngược – tiếng sáo gọi bạn tình tha thiết và tiếng chân ngựa đạp vào vách khô
khan! "Mị không nghe tiếng sáo nữa. Chỉ còn nghe tiếng chân ngựa đạp vào vách.
Ngựa vẫn đứng yên, gãi chân, nhai cỏ. Mị thổn thức nghĩ mình không bằng con
ngựa". Thực tại phũ phàng đã lấn át, bóp nghẹt những ước mơ, khát vọng tươi sáng.
Kết cục ấy nói lên rằng chỉ có những phản kháng tự phát, nhân vật không thể giải
thoát khỏi tình cảnh bị giam hãm đày đọa, không thể giải phóng thực sự cho những
ước vọng hạnh phúc.
Cuộc trỗi dậy tinh thần của Mị như một đợt sóng ngầm lặng lẽ nhưng
mãnh liệt. Nó sẽ tuôn trào thành những đợt sóng mới, mạnh mẽ hơn lúc nào hết,
bằng chứng là hành động cởi dây trói cho A Phủ đã đặt bút viết lên một chương mới
cho cuộc đời Mị, mở ra những tháng ngày tươi đẹp sau này, thể hiện rõ nét nhất sức
sống tiềm tàng ẩn sâu trong tâm hồn người con gái Tây Bắc.

Ở đây, Tô Hoài đã đặt nhân vật của mình vào một hoàn cảnh thật căng
thẳng, làm bộc lộ những động lực tiềm ẩn sâu xa trong đời sống tâm hồn nhân vật,
với một diễn biến, phát triển được dẫn dắt hợp qui luật. Nếu không có A Phủ đánh
A Sử để người ta cởi trói cho Mị đi kiếm lá thuốc cho chồng thì có lẽ Mị cũng phải
chịu chết như một người đàn bà ngày trước trong nhà này. Vì thế sự xuất hiện của A
Phủ như một định mệnh trong cuộc đời của Mị, nói đúng hơn là của cả hai người.

Sau cuộc nổi loạn không thành ở đêm tình mùa xuân, Mị tiếp tục rơi vào
trạng thái tê liệt, cô lại trở về là cái xác không hồn. Nhưng với sự xuất hiện của A
Phủ, cùng sự việc A Phủ bị trói đứng chờ chết đã thức tỉnh trong Mị tình yêu thương
và khao khao sống mãnh liệt không thể nào dập tắt.

Sức sống tiềm tàng của Mị không chỉ được khắc họa trong đêm tình mùa
xuân mà còn dữ dội và mãnh liệt trong chính đêm đông cứu A Phủ. Mị đã gặp được
một người mà không ngờ tới rằng đó là người sẽ giải phóng cuộc đời mình, đó là A
Phủ. Đó cũng là lí do tại sao tác phẩm có nhan đề "Vợ chồng A Phủ". Thời gian cũng
trôi qua, cho đến cái đêm A Phủ bị trói đứng vào cây cọc gỗ giữa mùa đông lạnh giá
vì để hổ bắt mất bò. A Phủ là một chàng trai khỏe mạnh, phóng khoáng, vì đánh lại
con quan mà bị phạt vạ hết sức vô lí và trở thành nô lệ không công cho nhà thống lí,
còn Mị thì làm dâu gạt nợ. Hai con người này đang cùng chung hoàn cảnh, số phận.
A Phủ bị trói mấy đêm rồi nhưng đêm nào cũng vậy. Mị dậy đốt lửa sưởi và thản
nhiên như không có gì bên cạnh. Mỗi đêm, đêm nào cũng vậy khi ngọn lửa bùng, Mị
nhìn sang biết A Phủ còn sống nhưng không nói gì. "Nếu A Phủ là cái xác chết đứng
đấy, cũng thế thôi." bởi người con gái ấy đã chai sạn, chai lì cảm xúc, sự thản nhiên
đến lạnh lùng ấy xét đến cùng cũng là bởi đã chịu quá nhiều đắng cay và khổ đau.
Cái chế độ ấy đã bóp nghẹt sự sống của con người, khiến cho con người ta trơ lì và
vô cảm đến tột cùng, khiến cho con người ta dửng dưng trước mọi nỗi đau và sự
nhức nhối. Nào đâu Mị phải là người nhẫn tâm, chẳng qua khi ấy nỗi đau đã ngấm
vào tâm thức Mị, khiến trái tim cả cô gần như tê liệt sức sống. Tội ác trong nhà tù
thống lý Pá Tra vẫn diễn ra hằng ngày, việc A Phủ bị trói đứng cũng chỉ như phác
thêm một nét chì lên bức hoạ tăm tối mà thôi. Trước những người cùng cảnh ngộ, Mị
chẳng còn đủ nước mắt để xót thương. Lúc ấy, chỉ còn Mị với ngọn lửa vô tri vô giác
ngoài kia.

Mị vẫn trở dậy, vẫn sưởi, chỉ biết chỉ còn ở với ngọn lửa "bởi tâm hồn Mị
đã khép kín và câm lặng rồi ý chính dòng nước mắt lấp lánh của A Phủ đã làm tan
chảy sự vô cảm trong lòng Mị, Mị bồi hồi trước một người cùng cảnh ngộ. "Ngọn lửa
vừa bập bùng lóe sáng, Mị lé mắt trông sang, thấy hai mắt A Phủ cũng vừa mở, một
dòng nước mắt lấp lánh bò xuống hai hõm má đã đen sạm". Mị chợt nhớ cái đêm
mình cũng bị trói đứng vào cột nhà như thế kia, cũng nước mắt chảy xuống miệng,
xuống cổ không lau đi được. Nhưng vào đêm ấy, Mị đã trở dậy thổi lửa và trông
thấy "một dòng nước mắt lấp lánh bò xuống hai hõm má đã xám đen lại" của A Phủ.

Dòng nước mắt của một người con trai ương bướng, gan góc, tưởng chẳng
hề sợ hãi bất cứ điều gì ở đời. Dòng nước mắt như hình ảnh của sự uất ức trước một
nỗ lực bất thành trong một quá trình chống trọi lại thực tại cay đắng. Và cũng chính
dòng nước mắt ấy cũng đã kéo Mị về quá khứ, và rồi một nỗi cảm thương vô hạn
dâng ngập lên trong lòng của người con gái ấy. Mị thương mình, rồi thương cả
người đàn bà bị nó trói ba ngày, trói đến chết. Và vì thế, cảm giác dửng dưng dường
như đã biến mất hoàn toàn, Mị đã có cảm giác rất rõ về sự đồng cảm và đồng cảnh.
Sức phản kháng trỗi dậy mạnh đến mức đã chi phối toàn bộ cả suy nghĩ. Mị đã nghĩ
một cách rành rọt là Mị sẽ chết nếu cởi dây trói cứu A Phủ, rồi phải chết trên cái cọc
ấy. Nhưng "Mị làm sao cũng không thấy sợ", đó chính là sức mạnh của tình thương.
Mị đã không sợ chết, nhất là cái chết ấy có gắn với sự giải thoát, dám chết để cho
người khác được sống.

Cảnh ngộ, tình thương và lòng căm thù đã thức tỉnh ý thức Mị, tâm hồn
Mị. Qua "ngọn lửa bập bùng", Mị "lé mắt trông sang" Mị xúc động khi nhìn thấy
"một dòng nước mắt lấp lánh bò xuống hai hõm mắt đô xám đen lại" của A Phủ. Mị
nhớ lại đêm năm trước, A Sử cũng trói đứng Mị như thế. Mị khẽ thốt lên lời than:
"Trời ơi!..." Mị nguyền rủa cha con thống lí: "Chúng nó thật độc ác". Bao cảnh thương
tâm đồng hiện trong tâm hồn Mị: bắt trói đứng người ta đến chết, nó bắt mình chết
cũng thôi, nó bắt trói đến chết người đàn bà ngày trước cũng ở cái nhà này". Mị tự
thương cảnh ngộ mình, thương A Phủ trên bờ vực thẳm, khi tử thần đã gõ cửa: "Cơ
chừng này chỉ đêm mai là người kia chết, chết đau, chết đói, chết rét, phải chết". Mị
nghĩ đến thân phận mình, tưởng như là cam chịu: "Ta là thân đàn bà, nó đã bắt ta để
trình ma nhà nó rồi thì chỉ còn biết đợi ngày rũ xương ở đây thôi...". Mị ý thức được,
A Phủ không thể chết, "việc gì mà phải chết thế". Con đường thức tỉnh của con người
thức tỉnh là con đường vòng, có lúc ngập ngừng do dự, có lúc quyết liệt. Mị cùng thế,
Mị tưởng tượng A Phủ trốn thoát, Mị sẽ bị thế mạng trên cái cọc oan nghiệt ấy! Đám
than vạc hẳn lửa. Hình như bóng tối cho Mị sức mạnh, "trong tình cảnh này, làm sao
Mị cũng không thấy sợ...".

Nếu như đêm tình mùa xuân gắn với khát vọng hạnh phúc, thì đêm đông
cứu A Phủ lại gắn liền với khát vọng tự do trong Mị - một con người tưởng như đã bị
nô lệ hóa hoàn toàn. Sức sống bấy lâu nay bị đè nén tưởng đã tắt lịm đi, nay bỗng bật
dậy trào dâng mạnh mẽ. Ý nghĩ cứu A Phủ đã mạnh hơn cả nỗi lo sợ cho chính mình.
Mặc dù đây là hành động tự phát nhưng là kết quả của một quá trình, nó minh
chứng sức sống tiềm tàng, âm ỉ không ngừng trong con người Mị. 

Từ suy nghĩ đó đã dẫn đến hành động của Mị. Có một điều thú vị ở đây là
Mị đã hành động trong bóng tối, khi "đám than đã vạc hẳn lửa" và tối như bưng. Lần
này, sức sống trong Mị mãnh liệt đến mức chẳng cần men rượu, chẳng cần những
cơn say để bùng lên. Lần này cũng chẳng cần ngọn lửa hơ tay bởi ngọn lửa của sức
sống, của khao khát được tự do và hạnh phúc trong lòng Mị đang rừng rực cháy. Mị
"rút con dao nhỏ cắt lúa, cắt nút dây mây". Một câu văn ngắn với dấu phẩy khiến
hành động của Mị dứt khoát và cảm giác rõ nét hơn về tốc độ nhanh thoăn thoắt. Đó
là đỉnh cao của đời Mị và cũng là nơi tập trung giá trị nhân văn. Hành động của Mị,
tuy không thể đoán trước nhưng vẫn nằm trong mạch chảy của nội tâm nhân vật.
Cắt dây trói cứu A Phủ, Mị đã cát dây trói tinh thần trói buộc mình bấy lâu nay.
Nhưng, tính cách Mị có sự hợp lí, quy luật mà vẫn gây cho ta sự bất ngờ, ngạc nhiên
thú vị.
Vừa mới nghĩ đến việc có thể chết thay cho A Phủ, nhưng khi A Phủ chạy
đi, "Mị nghẹn lại", "đứng lặng trong bóng tối", một sự im lặng đầy giông bão. Đó
chính là sự giằng xé đấu tranh âm thầm nhưng dữ dội. Ở lại hay chạy đi, sự sống
hay cái chết? Và khi đứng trước cái chết. Mị đã "vụt chạy" theo A Phủ. Trời tối lắm
nhưng chưa bao giờ lòng Mị sáng như thế, chưa bao giờ ngọn lửa của khát vọng
sống trong Mị lại cháy mãnh liệt đến thế. Mị băng đi với tất cả sức sống trẻ trung của
mình, sức sống bị kìm hãm bấy lâu nay được bung ra, được tuôn chảy. Mị đã vượt
qua nỗi sợ cố hữu với thần quyền và cường quyền để chọn con đường sống. Một kết
cấu chặt chẽ: Mị đã cứu A Phủ, thì tại sao lại không tự cứu mình? và "hai người lẳng
lặng đỡ nhau lao xuống núi".

Nhìn bề ngoài ta tưởng hành động của Mị là sự liều lĩnh. Thực chất, quá
trình Mị cắt dây trói và chạy theo A Phủ xuất phát từ yếu tố bên trong, là logic tâm lí
hoàn toàn hợp lí, là một quá trình tự nhận thức: Nhận thức tại xã hội tàn bạo, lạnh
lùng. Mị cứu A Phủ bởi cô thấy sự bất công, phi lí sắp giết chết một con người vô tội
và nhận thức "người" cũng là để qua đó nhận thức, soi sáng "mình". Mị không hề
bồng bột, không hề ngẫu hứng, Mị đã cảm nhận được sự đồng điệu trong tâm hồn
của Mị và A Phủ. Hai mảnh ghép khổ đau và cùng cực tựa vào nhau để vượt lên sự
nghiệt ngã của số phận. Mị đã tự vùng lên, tự giải phóng cho chính cuộc đời mình
khỏi áp bức và bất công. Tô Hoài đã để nhân vật mình được con đường sáng ngay
trong đêm đông tối tăm trên núi cao, tự cứu lấy đời mình, sống với cuộc sống xứng
đáng với con người. Ấy chính là giá trị nhân đạo sâu sắc và mới mẻ mà nhà văn
muốn gửi gắm. Đó cũng là khẳng định và khao khát của nhân dân Tây Bắc về khát
vọng tự do cháy bỏng. Tác giả Tô Hoài đã lách sâu ngòi bút nhân đạo của mình để
tìm ra cho nhân vật con đường đúng đắn nhất, để nhân vật đi theo ánh sáng của cách
mạng cũng chính là để cho nhân vật làm chủ cuộc đời mình, tự mình thoát ra khỏi
xiềng xích, đồng thời đây cũng là giá trị hiện thực mới mẻ khi tác giả đề cao vai trò
của Đảng trong việc giải phóng nhân dân.
Tình huống truyện diễn ra thật bất ngờ, tự nhiên nhưng vẫn rất lôgic, phù
hợp với sự phát triển tính cách của nhân vật mà trước đó đã từng có khát vọng mãnh
liệt trong đêm mùa xuân năm trước. Hành động cắt dây trói cứu A Phủ của Mị là
hành động cắt đứt, đoạn tuyệt với quá khứ khổ đau cho cả hai người. Như chim xổ
lồng, họ băng xuống dốc núi, bay về phía tự do.
Đây là đoạn văn bản lề khép mở hai cuộc đời. Đóng lại một kiếp khổ
nhục, nô lệ để đi vào một cuộc đời chồng vợ chủ động xây dựng cuộc sống mới. Tô
Hoài đã làm cho mạch truyện chuyển biến hợp lí, khiến cho tác phẩm không có
những vết cắt, và những chỗ ghép giả tạo. Cũng cần lưu ý giọng văn ở đoạn này rất
đa dạng. Giọng kể, giọng bán trực tiếp của nhân vật của và giọng nhân vật,… Những
giọng này góp phần mổ xẻ tâm trạng Mị khá thành công, khá sinh động và có sức
thuyết phục người đọc. 
Bằng cách giới thiệu nhân vật đầy bất ngờ, tự nhiên, cách dẫn dắt câu
chuyện chặt chẽ và nghệ thuật miêu tả tâm lí tinh tế bậc thầy thì Tô Hoài đã vẽ nên
bức chân dung cô Mị tĩnh lặng nhưng ẩn chứa sau bức tranh ấy là một sức sống
mãnh liệt, một khát vọng lớn lao như mạch ngầm trong mắt. Làm ta yêu thêm hình
ảnh về một cô Mị ở Hồng Ngài thoát khỏi cảnh đọa đầy để vươn đến tương lai hạnh
phúc. Môt cô Mị với sức sống tiềm tàng mãnh liệt để có thể làm du kích ở Phiềng Sa
sau này.

Như vậy, có thể nói, nhân vật Mị là kết tinh đặc sắc nhất của ngòi bút Tô
Hoài khi viết về cuộc sống và con người miền núi Tây Bắc.

Qua việc phát hiện, miêu tả sức sống tiềm tàng trong tâm hồn Mị, Tô Hoài
không chỉ ngợi ca đó là vẻ đẹp trong tâm hồn của người lao động miền núi bị áp bức
mà còn khẳng định sức sống tiềm tàng ấy chính là sức mạnh là vũ khí giúp họ vùng
lên giả phóng cuộc đời bất hạnh của mình để đến với tự do, hạnh phúc. Cách nhìn
này mang giá trị nhân sinh sâu sắc.

Qua nhân vật Mị, Tô Hoài đã phản ánh chân thực bức tranh cuộc sống của
người phụ nữ miền núi thật tù đọng và đầy bất hạnh. Nhà văn còn khẳng định ngợi
ca vẻ đẹp phẩm chất, khát vọng tự do hạnh phúc cùng sức sống mãnh liệt trong tâm
hồn người lao động. Mị thực sự đổi đời khi cùng A Phủ đến với khu du kích Phiềng
Sa. Nhân vặt Mị đã đi từ hình tượng con người nô lệ sang hình tượng con người khởi
nghĩa. Điều này thể hiện tư tưởng nhân đạo chưa từng có trong văn học truyền
thống. Đó là chủ nghĩa nhân đạo cách mạng gắn với đấu tranh, gắn niềm tin vào
tương lai đầy triển vọng của con người.

2. Nhân vật A Phủ

"Tô Hoài như một từ điển sống, một pho sách sống. Ông như cuốn Bách
khoa Toàn thư mà không viện sĩ nào, không học giả nào có thể sánh được" (Trần
Đăng Khoa). Ông có vốn hiểu biết sâu sắc, phong phú về phong tục tập quán của
nhiều vùng miền khác nhau, lối trần thuật hóm hỉnh, vốn từ vựng giàu có, sáng tạo,
cách miêu tả đậm chất tạo hình lay động lòng người. Ông đã viết thành công tác
phẩm Truyện Tây Bắc, trong đó có truyện Vợ chồng A Phủ. Qua truyện ngắn này, Tô
Hoài đã phản ánh nỗi thống khổ và sự vùng dậy của người Mèo ở Tây Bắc, một lòng
quyết tâm đi theo kháng chiến để giành lấy tình yêu, hạnh phúc. Tiêu biểu cho
những con người ấy là A Phủ, một trong những nhân vật thành công nhất của Tô
Hoài trong tác phẩm này.

Năm 1952, Tô Hoài cùng bộ đội vào giải phóng Tây Bắc. Chuyến đi thực
tế này đã đem đến cho nhà văn cái nhìn sâu sắc và tình cảm thắm thiết với người và
cảnh Tây Bắc. "Vợ chồng A Phủ" được in trong tập "Truyện Tây Bắc". Tác giả cho A
Phủ xuất hiện đột ngột trong trận đánh nhau với A Sử - con trai thống lí, rồi bị bắt, bị
đánh đập, bị phạt vạ phải ở trừ nợ. Sau đó mới kể lai lịch của A Phủ. Cách giới thiệu
này vừa gây chú ý cho người đọc vừa nhấn mạnh tính cách mạnh mẽ của A Phủ.

a) Hoàn cảnh nghèo khó và số phận bất hạnh của A Phủ

A Phủ xuất hiện khá đột ngột gây ấn tượng mạng cho người đọc, đó là
cảnh A Phủ đánh A Sử. Người đọc tưởng đây là nhân vật có máu mặt trong bản làng
nhưng không, thân phận của A Phủ không khác Mị là mấy. A Phủ cũng như Mị, họ
đều là những người dân nghèo bị gia đình thống Lí Pá Tra áp bức, bóc lột và trở
thành con nợ - nô lệ. Song họ đều có tình yêu và khát vọng giải phóng. Nhưng A Phủ
cũng khác Mị: Thời thơ ấu Mị còn có cha, có mẹ, có một gia đình để được yêu
thương, đùm bọc, thì A Phủ mười tuổi đã bị mồ côi cả cha lẫn mẹ trong một trận
dịch khủng khiếp. A Phủ thành đứa trẻ bơ vơ, bị người làng bán đổi lấy thóc dưới
vùng thấp. A Phủ không chịu đã chốn lên vùng cao, làm thuê làm mướn kiếm sống
và đã lưu lạc đến vùng Hồng Ngài.

Lớn lên giữa núi rừng, A Phủ là một chàng trai khỏe mạnh "chạy nhanh
như ngựa", "biết đúc lưỡi cày, biết đúc cuốc lại giỏi cày và săn bò tót rất bạo". Vượt
lên hoàn cảnh khắc nghiệt, A Phủ sống rất hồn nhiên, yêu đời, yêu cuộc sống bình
yên chính nghĩa, bởi vì thế nên khi có chuyện bất bình, dù biết phần thiệt sẽ thuộc về
mình và không biết chuyện gì sẽ xảy ra nhưng A Phủ vẫn quyết làm điều đó. Ta thấy
ở đây A Phủ là một con người liều lĩnh và chí khí.

Ngày tết dù chẳng có nhiều quần áo đẹp như nhiều chàng trai khác, trên
cổ vẫn lằn một chiếc vòng vía đeo từ nhỏ, như A Phủ vẫn hòa cùng đám bạn thổi
kèn, thổi sáo tìm người yêu. A Phủ trở thành niềm mơ ước của bao cô gái Mèo. Họ
kháo nhau: "Đứa nào được A Phủ cũng bằng được con trâu tốt trong nhà, chẳng mấy
lúc mà giàu". Người ta đùa vậy thôi chứ A Phủ nghèo lắm. Không có cha mẹ, không
có ruộng nương, không có bạc, suốt đời làm thuê, làm sao A Phủ lấy nổi vợ. Nếu ở
xã hội khác, A Phủ xứng đáng được hưởng hạnh phúc. Thế mà A Phủ bị chà đạp, bị
đối xử bất công. Nếu không được Mị giải thoát, chắc A Phủ đã chết trong tay cha con
thống lí Pá Tra.

b) Phẩm chất, tính cách của A Phủ

Cá tính gan góc của A Phủ đã bộc lộ từ năm 10 tuổi. Cá tính ấy lại được
chính cuộc sống hoang dã núi rừng cùng hoàn cảnh ở đợ làm thuê vất vả cực nhọc
hun đúc nên một A Phủ có cá tính mạnh mẽ, táo bạo. Vừa xuất hiện, A Phủ đã lôi
cuốn người đọc bằng những hành động mạnh mẽ, dự dội: "chạy vụt ra", "vung tay
ném", "xộc tới nắm" "kéo dập đầu, xé, đánh tới tấp…". A Phủ là một người thẳng
thắn, nóng tính, thật thà, chất phác. A Phủ đánh A Sử để trừng trị thói con quan ỷ
thế làm càn. Anh bị người nhà thống lí bắt, đánh suốt đêm đến mức "mặt A Phủ
sung lên, môi và đuôi mắt giập chảy máu", "hai đầu gối sưng bạnh lên như mặt hổ
phù".
Dù vậy, A Phủ "chỉ im như cái tượng đá" thể hiện sự gan góc, dám làm
dám chịu. Khi đã phải sống thân phận của kẻ làm công trừ nợ, anh vẫn là chàng trai
của tự do. Dù phải quanh năm một mình "đốt rừng, cày nương, cuốc nương, săn bò
tót, bẫy hổ, chăn bò, chăn ngựa…", việc gì A Phủ cũng làm phăng phăng chẳng hề
tính toán thiệt hơn. Vì mải bẫy nhím, để hổ bắt mất một con bò, A Phủ thật thà vác
về nửa con bò hổ ăn dở và thản nhiên nói với thống lí "cho tôi mượn cây súng. Tôi đi
lấy con hổ về". Anh coi đó là một việc rất dễ dàng. Thống lí không cho, anh cãi lại
cũng rất điềm nhiên. Anh không biết sợ cái uy của bất kì ai. Con hổ hay thống lí cũng
thế thôi. Kể cả khi lặng lẽ đi lấy cọc và dây mây rồi đóng cọc để người ta trói đứng
mình chết thế mạng cho con vật bị mất, A Phủ cũng làm việc ấy một cách thản nhiên.
Là người mạnh mẽ, gan góc, A Phủ không sợ cả cái chết.

Bị trói đứng, đói, khát trong cái lạnh cắt da, A Phủ không cam chịu, anh
nhai đứt hai vòng dây trói, song không thoát. A Phủ khóc tuyệt vọng. Nước mắt của
chàng trai mạnh mẽ, yêu tự do phải cay đắng buông tay trước số phận nghiệt ngã
làm rung động trái tim người đọc. Ta càng thấy rõ hơn bộ mặt tàn bạo của chế độ
phong kiến, chúa đất ở miền núi khi xưa.

Nếu Mị là kiểu nhân vật tâm lý thì A Phủ lại là nhân vật hành động táo
bạo, quyết liệt. Khi miêu tả A Phủ, nhà văn phối hợp vừa tả vừa kể, nhấn mạnh các
chi tiết cụ thể, ấn tượng để khắc họa những đặc điểm, tính cách nhân vật. Cùng với
Mị, A Phủ đã góp phần hoàn thiện chân dung con người miền núi Tây Bắc: Số phận
đau thương nhưng giàu sức sống, tình cảm và khát vọng. Người đọc cũng mong có
một kết thúc tốt đẹp đến với A Phủ và Mị. Bởi họ là những con người không chịu
khuất phục trước cường quyền gian ác. Nếu chị Dậu trong "Tắt Đèn" của Ngô Tất Tố
chạy ra khỏi nhà lý thống trong đêm tối, cái đêm đen cũng đen như cuộc đời của chị,
người ta mong chị sẽ gặp được ánh sáng soi rọi của cách mạng, thì ở đây, người đọc
cũng mong A Phủ và Mị chạy thoát khỏi nhà lý thống, gặp được ánh sáng của Cách
mạng ở cuối đường.

Khi miêu tả nhân vật A Phủ, nhà văn miêu tả qua những hành động khi bị
đánh đập, để thấy được sức sống kiên cường của anh. Số phận của nhân vật A Phủ
cũng giống như số phận của bao người dân miền núi khác, như Mị. Họ đã phải luôn
đấu tranh giành lại hạnh phúc, họ đã phải trải qua bao tủi cực, cay đắng. Nhưng họ
đã đấu tranh để tự giải phóng bằng sức mạnh quật khởi của chính mình. Nhân vật A
Phủ đã được khắc họa thành công, sở trường quan sát nhạy bén và khả năng thiên
phú trong việc nắm bắt cá tính con người là hai yếu tố giúp nhà văn dựng được một
hình tượng đặc sắc chỉ bằng mấy nét đơn sơ. Thông qua nhân vật A Phủ, giá trị hiện
thực và nhân đạo của tác phẩm càng đậm nét.

c) Sự thống nhất hai tính cách trong con người A Phủ: phản kháng và cam
chịu

Khi đọc "Vợ chồng A Phủ", có những ý kiến băn khoăn, A Phủ có tính
cách tự do, ngang bướng luôn phản kháng mỗi khi không chịu nổi điều gì nhưng tại
sao: Sau khi bị đánh đập, xử tội phải ở nợ cho nhà thống lí, A Phủ vẫn tự tay cầm
dao, lê bước chân tập tễnh của mình đi giết lợn phục dịch chính những kẻ đã hành
hạ, đánh đập, biến mình thành con nợ? Sao khi để hổ vồ mất một con bò, A Phủ cãi
lại thống lí nhưng vẫn tự mình phải vác cọc, đóc cọc, mang dây mây đến cho tên ác
bá trói mình vào đó?

Những chi tiết ấy có gì mâu thuẫn với tính cách của một con người vốn
mãnh liệt, can trường? Điều đó cũng dễ hiểu, nhà văn Tô Hoài quả là một tay bút già
dặn, ông đã nhìn rõ hai mặt đối lập ấy trong một con người: mâu thuẫn mà thống
nhất. Một con người cường tráng, bất khuất và một con người thân phận tôi đòi đều
có trong A Phủ. A Phủ đánh con quan vì không chịu được điều vô lí, A Phủ phải giết
lợn cho kẻ đã áp bức mình ăn, phải đóng cọc lấy dây trói cho chính mình vì thân cô
thế cô không thể nào khác được. A Phủ không tự mình bỏ trốn khi chỉ có một mình
rong ruổi cùng đàn trâu ngựa ngoài nương rừng, gò bãi vì cam phận. Cũng như Mị,
sau khi bố chết, Mị có thể ăn lá ngón để giải thoát nhưng "ở lâu trong cái khổMị quen
rồi". Vì ai trong cái nhà này, sống trên đất Hồng Ngài này cũng thế cả thôi. Đó là sự
cam chịu, cam phận của người nông dân trên các vùng núi cao khi ánh sáng của
Đảng chưa đến được với họ. Họ chưa được giác ngộ, chưa có những người cùng khổ
cùng kết lại thành sức mạnh chống lại cường quyền. Vì thế có ý kiến cho rằng: A Phủ
là nhân vật được xây dựng đang trên bước "tìm đường, nhận đường" để sau này sang
Phiềng Sa gặp A Châu, trở thành du kích trở về giải phóng quên hương.

Qua cuộc đời và số phận của A Phủ, Tô Hoài đã tố cáo tội ác dã man của
giai cấp thống trị ở miền núi, tiêu biểu là cha con thống lí Pá Tra đã đẩy con người
hiền lành, chất phác vào tình trạng thảm hại, bị cướp đoạn sức lao động, quyền làm
người, trở thành nô lệ. Viết về họ, nhà văn luôn thể hiện lòng thương cảm với những
đau khổ, bất hạnh của họ. Ông đồng tình với sự phản kháng và mở ra cho họ một lối
thoát. Qua đây, chúng ta cũng thấy nhà văn có sở trường quan sát nhạy bén và khả
năng thiên phú trong việc nắm bắt cá tính của con người. Đó là hai yếu tố giúp nhà
văn xây dựng nhân vật A Phủ đơn sơ mà đặc sắc.

III. TỔNG KẾT

1. Về nội dung

- Qua tác phẩm, tác giả lên án bọn thực dân, chúa đất độc ác dã man tàn
bạo; bày tỏ sự cảm thông thấu hiểu nỗi thống khổ của người dân nghèo miền núi và
khẳng định sức sống ngoan cường, khát vọng tự do tiềm tàng ở người lao động.

- Qua tác phẩm, nhà văn còn phản ánh quá trình đấu tranh từ tự phát đến
tự giác, chỉ ra con đường đấu tranh để giải phóng của người dân miền núi dưới ách
áp bức của bọn thực dân phong kiến.

2. Về nghệ thuật

- Nghệ thuật miêu tả phong tục tập quán của Tô Hoài rất đặc sắc với
những nét riêng (cảnh xử kiện, không khí lễ hội mùa xuân, những trò chơi dân gian,
tục cướp vợ, cảnh cắt máu ăn thề...).

- Nghệ thuật miêu tả thiên nhiên miền núi với những chi tiết, hình ảnh
thấm đượm chất thơ.

- Nghệ thuật kể chuyện tự nhiên, sinh động, hấp dẫn. Truyện có kết cấu,
bố cục chặt chẽ, hợp lí; dẫn dắt những tình tiết đan xen, kết hợp một cách khéo léo,
tạo sức lôi cuốn.

- Nghệ thuật xây dựng nhân vật cũng rất thành công. Mỗi nhân vật được
sử dụng bút pháp khác nhau để khắc họa tính cách khác nhau trong khi họ có số
phận giống nhau. Tác giả tả ngoại hình, tả tâm lí với dòng kí ức chập chờn, những
suy nghĩ thầm lặng để khắc họa nỗi đau khổ và sức sống của Mị, còn A Phủ thì tả
ngoại hình, hành động và những mẩu đối thoại ngắn để thấy tính cách giản đơn.

- Ngôn ngữ tinh tế mang đậm màu sắc miền núi. Giọng điệu trần thuật có
sự pha trộn giữa giọng người kể với giọng nhân vật nên tạo ra chất trữ tình.

3. Giá trị hiện thực và giá trị nhân đạo trong tác phẩm "Vợ chồng A Phủ"

Nhà văn Tô Hoài từng chia sẻ: "Đất nước và người miền Tây đã để thương
để nhớ cho tôi nhiều, không thể bao giờ quên… Hình ảnh Tây Bắc đau thương và
dũng cảm lúc nào cũng thành nét, thành người, thành việc trong tâm trí tôi", bởi vậy
mà tác phẩm "Truyện Tây Bắc" nói chung và đoạn trích "Vợ chồng A Phủ" nói riêng
như một món nợ lòng mà nhà văn dành cho Tây Bắc, dành cho con người nơi đây.
Tác phẩm không chỉ là một trong những đỉnh cao trong sự nghiệp sáng tác của Tô
Hoài, không chỉ thể hiện sở trường của ông trong ngòi bút viết về mảng đề tài miền
núi mà còn làm sáng lên khả năng nắm bắt, miêu tả đầy tinh tế quá trình diễn biến
tâm lí nhân vật, từ đó đưa tác phẩm lên đỉnh cao văn chương, trở thành một sáng tác
xuất sắc của nền văn nghệ kháng chiến nước nhà.
Tác phẩm là kết quả của chuyến đi thực tế Tây Bắc dài 8 tháng, ghi dấu sự
trưởng thành của ngòi bút Tô Hoài trong sự chiếm lĩnh mảng đề tài miền núi, mảng
đề tài tới nay vẫn còn nhiều mới lạ với bạn đọc. Tác phẩm được tổ chức chặt chẽ, rất
sinh động và tự nhiên, không cần những nút thắt quá biến động những vấn thu hút
được bạn đọc là bởi tác giả đã có cái nhìn hiện thực sắc bén. Nhà văn Nga Sê-khốp
nói: "Một nghệ sĩ chân chính phải là một nhà nhân đạo từ trong cốt tuỷ". Thông qua
lăng kính đầy tình yêu thương, lòng nhân ái, tác giả đã thể hiện được chủ nghĩa nhân
đạo tích cực, mới mẻ chưa từng có trên diễn đàn văn chương Việt Nam. Được thể
hiện thông qua cuộc đời, số phận 2 nhân vật Mị và A Phủ. Hai nhân vật trung tâm từ
trong bóng tối đau khổ, ô nhục đã vươn ra ánh sáng của hạnh phúc, tự do.

a) Giá trị hiện thực

Trong "Vợ chồng A Phủ", Tô Hoài đã miêu tả chân thực số phận nô lệ cực
khổ của người dân lao động nghèo Tây Bắc dưới ách thống trị của bọn cường quyền
phong kiến miền núi qua việc khắc hoạ hai số phận bất hạnh tiêu biểu là Mị và A
Phủ.

Mị là một cô gái xinh đẹp, nết na, có tài thổi lá hay như thổi sáo, được
nhiều người yêu mến, theo đuổi, lẽ ra cô phải được sống một cuộc sống tự do, hạnh
phúc, thì trái lại Mị lại khổ từ trong trứng nước. Bố mẹ nghèo, cưới nhau không có
tiền, phải vay nợ nhà thống lí 100 đồng bạc trắng, đến khi mẹ Mị mất, cha Mị đã già,
số nợ ấy vẫn chưa trả được. Thống lí Pá Tra muốn Mị làm con dâu gạt nợ. Lợi dụng
tục lệ cướp vợ của người Mèo, cho cướp Mị về. Vậy là không cần cưới hỏi, không cần
tình yêu vẫn là hợp lẽ. Đáng nói ở đây, chúng bắt Mị về để cúng trình ma nhà thống
lí, Mị sẽ chết rũ ở trong cái nhà này, sống không bằng chết. "Con ma nhà thống lí" là
một nỗi ám ảnh suốt cuộc đời Mị, bọn phong kiến đã cao tay đến mức "ngu dân" để
dễ trị. Chẳng ai dám lên tiếng bênh vực cô Mị xinh đẹp, nết na, vậy mà Tô Hoài đã
phanh trần bản chất bóc lột ẩn sau những phong tục, tập quán. Mị sống cuộc sống
địa ngục trần gian, bị bóc lột như nô lệ, thứ nô lệ người ta không phải mua mà vẫn có
quyền hành hạ. Dần dần Mị cũng quên luôn cả việc mình là người. Kết quả trong
hoàn cảnh sống tù túng ấy thật chua xót "ở lâu trong cái khổ, Mị khổ quen rồi" cố
nhẫn nhục để rồi tê liệt về ý thức, chai lì về cảm xúc… Nỗi khổ nhục của Mị thật đã
có thể so sánh với bi kịch cuộc đời Chí Phèo khi "Đánh mất cả nhân tính lẫn nhân
hình", Chí Phèo đôi khi còn có thể nghênh ngang, dọa nạt người khác, nhưng cô Mị
của chúng ta đã thật sự không còn sức mạnh để chống cự lại điều gì. Nếu xem giá trị
hiện thực của một tác phẩm là phản ánh chân thực cuộc sống thì "Vợ chồng A Phủ"
là bản cáo trạng hùng hồn về người phụ nữ miền núi, vừa chịu gánh nặng của phong
kiến miền núi, vừa bị chói chặt trong xiềng xích của thần quyền.

Nhà văn đã sử dụng những chi tiết rất sinh động, mang giá trị bóc trần
bản chất xã hội vô nhân đạo đạt đến mức đỉnh điểm. Ở đó thân phận những con
người lao động mới mong manh làm sao! Ta sao có thể làm ngơ trước hình ảnh cô
gái trẻ đẹp ngồi quay sợi trước cửa nhà bên cạnh tảng đá và cái tàu ngựa, hình ảnh
cô Mị lặng lẽ ngồi hơ lửa trong những đêm đông buốt giá, ngay cả khi sức sống tiềm
tàng của người con gái trỗi dậy mãnh liệt nhất, Mị muốn đi chơi nhưng chồng cô đi
chơi về khuya đánh Mị ngã dúi xuống đất và trói đứng cô vào cột nhà trong buồng
tối. Sự bất lực của Mị chảy ra theo dòng nước mắt mặn chát, những giọt nước mắt Mị
không có cách gì lau đi được. Những chi tiết ấy làm cho câu chuyện được nới rộng
thêm, sinh động thêm.

Sự xuất hiện của A Phủ đã tạo thêm tình huống để hoàn chỉnh bức tranh
đó. Cuộc đời nô lệ của A Phủ cũng chính là sự lặp đi lặp lại những bi kịch như chính
cuộc đời Mị. Lí do mà thống lí Pá Tra buộc A Phủ trở thành nô lệ không công thực
chất cũng không phải hẳn do cuộc ẩu đả với trai làng, ở đây nói lên một thực trạng
đáng buồn lúc bấy giờ khi quan lại quá lợi dụng quyền lực của mình, pháp luật
không có quyền định đoạt. Vậy nên mới xuất hiện cảnh xử kiện quái gở nhất trên đời
mà chúng ta được chứng kiến tại nhà thống lí. Kết quả là người con trai khỏe mạnh
vì lẽ công bằng mà phải đem cuộc đời mình đi trả nợ oan. Cảnh ngộ của Mị và A Phủ
ít nhiều đã gợi cho chúng ta liên tưởng đến cuộc đời của Chí Phèo, chị Dậu,… là
những hình tượng nghệ thuật được đúc kết từ chính cuộc đời đau khổ trong xã hội
cũ.

Nhưng, nếu chỉ dừng lại ở việc phân tích giá trị hiện thực, nhân đạo dưới
khía cạnh phơi bày, tố cáo, lên án, phê phán qua cảnh ngộ bi thảm của hai nhân vật
thì chưa đủ. Nhiều tác phẩm hiện thực phê phán xuất sắc vẫn bị xem là có hạn chế
trong tầm nhìn khi chỉ thương xót mà không tìm được lối ra cho nhân vật của mình.
Giá trị hiện thực lúc ấy chưa được toàn vẹn. Tô Hoài, trong khi đào sâu vào hiện thực
đã tìm ra tất yếu con đường mà ông dành cho nhân vật của mình. Sự đè nén quá
nặng nề, những đau khổ chồng chất mà bọn thống trị gây ra sẽ dồn tới sự phản
kháng tất yếu. Và nếu gặp được ánh sáng soi đường, họ sẽ đến được thắng lợi. Nhà
văn cũng là một người đã được lí tưởng của cách mạng soi đường, giác ngộ lí tưởng
cách mạng một cách nhanh chóng nên chính ông đã có con đường riêng cho sự giác
ngộ chân chính ấy. Với sở trường xấy dựng nhân vật bằng cách miêu tả tâm lí nhân
vật, Tô Hoài tìm ra logic của sự phát triển tính cách, và đã tạo ra một giá trị hiện thực
vô cùng mới mẻ, độc đáo cho tác phẩm và nó mang sức thuyết phục cao nhất. Tô
Hoài chỉ ra quá trình tha hóa nhân cách của nhân vật Mị thời kì đầu, Mị làm việc
nhiều quá, bị đày đọa khổ sở quá, mãi rồi cũng thành quen, rồi cam chịu. Mị không
còn muốn ăn lá ngón để tự tử nữa, Mị như một cái máy, không cảm xúc, không ước
ao… Liệu rằng cô ấy có thể thức tỉnh nữa không? Câu trả lời giăng mắc, ám ảnh
trong tâm trí bạn đọc để rồi chính tác giả đã trả lời câu hỏi ấy "Có". Nếu đã có một
hoàn cảnh tha hóa con người Mị thì tất yếu cũng sẽ có một hoàn cảnh mang Mị trở
lại, khôi phục sức sống tiềm tàng mãnh liệt trong người con gái này. Đó là tiếng sáo
Mị chợt nghe được trong một đêm mùa xuân đầy hương sắc. Tất cả như sống lại, Mị
có khái niệm trở lại về thời gian, Mị thấy lòng mình "thiết tha bồi hồi" và lập tức sống
lại quãng đời niên thiếu tươi đẹp. Tiếng sáo gọi bạn yêu khơi dậy trong Mị ao ước,
khát khao về hạnh phúc, tình yêu còn dang dở. Tiếng sáo lay động sức mạnh bền
vững nhất, Mị thấy rằng "mình vẫn còn trẻ lắm" rằng "bao nhiêu người có chồng vẫn
đi chơi xuân". Để rồi những suy nghĩ chực chờ bung ra thành hành động. "Mị lén lấy
hũ rượu uống ừng ực từng bát". Rồi say, Mị lịm mặt ngồi trước nhà, ngọn lửa của
sức sống tiềm tàng đang cháy hừng hực. Mị quả quyết thay váy áo để đi chơi, điều
mà bao năm nay Mị không nhớ tới. Đây là một bước ngoặt tâm lí trong cuộc đời Mị,
và chính tác giả cũng đã dành sự ưu ái ấy cho nhân vật của mình dưới lăng kính
nhân văn, nhân đạo. Sự trỗi dậy của Mị tuy bị A Sử dập tắt ngay sau đó, A Sử đánh
Mị, trói đứng cô vào cột nhà, nhưng ý chí Mị lúc này đang ý thức về quyền sống, về
khát vọng tự do, hanh phúc. Mị lại biết khóc, những giọt nước mắt trong khoảnh khắc
tàn nhẫn này sẽ lưu giữ mãi như một vết thương trong lòng cô.

Để rồi đến khi bắt gặp những dòng nước mắt chảy lấp lánh trên gò mà
hốc hác của A Phủ, nó đã biến thành sự đồng cảm giữa những người đồng cảnh ngộ.
Toàn bộ ý thức phản kháng của Mị hiện lên trong một hình ảnh sáng rõ "Người kia
việc gì phải chết?" Mị quyết định trong khoảnh khắc: cắt dây trói giải thoát cho A
Phủ. Và tất nhiên, Mị cũng bỏ trốn để tự giải thoát cho mình. Hai kẻ bỏ trốn cảm
thông nhau, dựa vào nhau để tạo lập hạnh phúc. Cuộc đời họ trở thành con đường
với hai bước ngoặt, kiếp sống nô lệ và chống trả kẻ thù. Chắc chắn, họ thà chết còn
hơn lại sống nô lệ, lầm than. Nhưng muốn chống lại kẻ thù, họ trông cậy vào ai?
Cách mạng đã đến với họ trong giây phút ấy. Mị và A Phủ đi theo ánh sáng của
Đảng, thủy chung với Đảng là một lẽ tất yếu! Bằng sự am hiểu cuộc sống, phân tích
vấn đề xã hội sâu sắc và miêu tả tâm lí nhân vật tinh tế, Tô Hoài đã tái hiện chân thật
và sinh động cuộc hành trình đau khổ, tối tăm ra phía ánh sáng cách mạng của
những người dân lao động miền núi, trong chế độ phong kiến. Ngoài ra đó còn là
nhận thức đúng đắn về con đường cách mạng cho bạn đọc.

Bất cứ tác phẩm văn học nào cũng chứa đựng thái độ của nhà văn với con
người. Ngay giá trị hiện thực của tác phẩm, Tô Hoài đã để lại cái nhìn đầy sự ưu ái.
Khi cô đúc nỗi khổ của hai nhân vật dưới ý thức một bản cáo trạng đanh thép. Tô
Hoài gợi lên trong chúng ta sự đau xót, cảm thông. Giá trị hiện thực và giá trị nhân
đạo trong tác phẩm gần như hòa trộn với nhau. Nhưng rõ ràng phải là một người
biết thông cảm, trân trọng và nâng niu con người mới có thể xét đoán tâm hồn người
ta tinh tế như vậy. Nhà văn trước sau vẫn tin rằng hoàn cảnh dù có khắc nghiệt đến
mấy, cũng không bao giờ có thể tiêu diệt hoàn toàn nhân tính con người. Mị đã sống
lại bằng tuổi trẻ, bằng nỗi day dứt về thân phận của mình, bằng tình yêu thương,
đồng cảm nhân hậu thông qua khát vọng sống mãnh liệt. Cả hai nhân vật đã đi đến
con đường có ánh sáng của Đảng, thoát khỏi trốn địa ngục trần gian để làm lại cuộc
đời như một con người.

Ngoài ra, giá trị hiện thực của truyện còn được gia tăng bằng màu sắc địa
phương rất đậm nét với cảnh sắc, phong tục, sinh hoạt của người Mèo, bản sắc tâm
hồn độc đáo của các nhân vật. Cùng một số phận, một cảnh ngộ nhưng diễn biến tâm
lí của Mị rất khác A Phủ. Nếu A Phủ mạnh mẽ, bộc trực, dứt khoát thì Mị dường như
chín chắn nhưng lại yếu đuối hơn.

b) Giá trị nhân đạo

Chủ nghĩa nhân đạo trong tác phẩm văn học bắt nguồn từ truyền thống
nhân đạo của người Việt Nam. Chủ nghĩa nhân đạo là sợi chỉ hồng xuyên suốt quá
trình lịch sử phát triển văn học, từ cội nguồn văn học dân gian đến văn học hiện đại.
Chủ nghĩa nhân đạo trong tác phẩm rất phong phú, đa dạng: biểu hiện ở lòng
thương người; lên án tố cáo những thế lực tàn bạo chà đạp lên con người; khẳng
định, đề cao con người về các mặt phẩm chất, tài năng, những khát vọng chính như
khát vọng về quyền sống, quyền hạnh phúc, quyền tự do, về công lí, chính nghĩa; đề
cao những quan hệ đạo đức, đạo lí tốt đẹp giữa người với người.

Văn học từ Đông - Tây, kim cổ đều xem tư tưởng nhân đạo là linh hồn tác
phẩm, là thước đo giá trị tác phẩm. Tư tưởng ấy, giá trị ấy được nhà văn thể hiện
thông qua nhân vật chính, nhân vật trung tâm của tác phẩm. Tô Hoài đã từng quan
niệm: "Nhân vật là trụ cột của sáng tác" là linh hồn tác phẩm để nhà văn thể hiện chủ
đề, tư tưởng, bộc lộ tình cảm, thái độ của nhà văn đối với cuộc đời, xã hội. Tô Hoài
đã thể hiện tư tưởng ấy qua các nhân vật của mình trong tác phẩm.

Khi nói về cuộc sống khổ đau, tối tăm của Mị và A Phủ, ẩn sâu trong ngòi
bút là sự bênh vực và cảm thông sâu sắc của nhà văn.

Nhà văn xót xa khi miêu tả cuộc đời Mị lúc còn ở với cha mẹ là một cô gái
xinh đẹp, nết na, hiền thảo, có tâm hồn trong sáng và nhiều khát khao hạnh phúc.
Đặc biệt Mị lại có tài thổi sáo, kèn lá vì thế có nhiều chàng trai say mê đêm về đứng
nhẵn cả đầu vách. Thế mà bỗng chốc, Mị trở thành con dâu gạt nợ nhưng thực chất
lại mang than phận nô lệ.

Mấy tháng đầu, đêm nào Mị cũng khóc. Mị khóc vì ý thức được thân phận
của mình phải sống với người mình không yêu, phải làm việc quần quật suốt ngày
bên những tảng đá, tàu ngựa, con người khác gì đồ vật, con vật. Cuộc đời đâu còn
những ngày phơi phới tự do, ngập tràn hạnh phúc trong những đám chơi ngày tết.
Có lúc Mị định ăn lá ngón để quên đi những tháng ngày đẹp đẽ ấy. Nhưng chết thì ai
trả nợ thay cha, cha thì già rồi sao có thể cuốc nương trả nợ. Cuộc đời chỉ còn biết
ngày này tháng khác làm bạn với công việc, sống như kiếp trâu, kiếp ngựa, thậm chí
còn không bằng trâu ngựa. Con trâu, con ngựa làm có lúc, đêm còn được đứng gãi
chân, nhai cỏ, còn đàn bà con gái trong cái nhà này thì làm việc cả đêm lẫn ngày, nhà
văn đã liên tưởng cuộc đời Mị với con rùa nuôi trong xó cửa, lùi lũi, câm lặng, thân
phận phụ thuộc như thể mà thôi.

Nhà văn xót xa khi tả nơi ở của Mị: "Một cái buồng Mị nằm kín mít, có
một chiếc cửa sổ một lỗ vuông bằng bàn tay. Lúc nào trông ra cũng chỉ thấy trăng
trắng, không biết là sương hay là nắng. Mị nghĩ mình cứ chỉ ngồi trong lỗ vuông ấy
mà trông ra đến bao giờ chết thì thôi". Chi tiết gây ám ảnh về một nhà tù mà Mị là
một tù nhân bị áp bức tới mức cạn khô nhựa sống. Ngày tết mọi người được đi chơi,
nghỉ ngơi nhưng Mị lại bị kìm hãm, bị trói vào cột thật dã man khiến tâm hồn Mị
càng bị rơi vào vô vọng. Song để sự vô vọng ấy không bị lùa đi đến tận cùng, Mị vẫn
còn một bếp lửa. Ngọn lửa đã sưởi ấm tâm hồn Mị mỗi khi mùa đông giá lạnh trở về.

Khi nói về A Phủ, nhà văn cũng thương cảm xót xa cho cuộc đời cậu bé 10
tuổi mồ côi bị người làng bán xuống vùng thấp lấy thóc ăn. Xót xa thương cảm khi A
Phủ bị quỳ, bị đánh chửi suốt một ngày một đêm mà vẫn phải câm như thóc; phải
cầm dao giết lợn để phục vụ chính kẻ đã hành hạ mình, xử mình thành ra nô lệ; phải
vác cọc, đóng cọc để tự trói mình vào; phải khóc vì bị trói đau đớn, đói khát, bất lực
không thể làm gì được khi cái chết đã kề bên.

Viết về nỗi đau khổ, bất hạnh của Mị và A Phủ, ngòi bút nhà văn như có
nước mắt, ông đã gieo vào lòng người đọc một nỗi niềm thương cảm sâu xa trước số
phận con người.

Xây dựng hình tượng cha con thống lí Pá Tra, nhà văn lên án, tố cáo sự tàn
bạo của giai cấp thống trị miền núi. Bọn chúng không chỉ hà hiếp, áp chế dân lành
mà còn tìm mọi thủ đoạn để thủ tiêu quyền tự do và ý chí phản kháng ở người lao
động.

Ngay đầu tác phẩm, nhà văn đã cho người đọc thấy hai cảnh đối lập: Mị
ngồi quay sợi bên những tảng đá, tàu ngựa, mặt lúc nào cũng cuối xuống buồn rười
rượi; một bên là cảnh nhà thống lí người ra vào tấp nập, nhà có nhiều nương, nhiều
bạc, nhiều thuốc phiện nhất làng. Do đâu mà nhà thống lí giàu như thế? Do thống lí "
ăn của dân nhiều, đồn Tây lại cho muốn về bán". Câu văn kể thản nhiên nhưng cũng
phơi bày bản chất kẻ vừa làm tay sai cho đế quốc ngoại xâm, vừa là kẻ ức hiếp ngay
chính dân mình. Câu chuyện hé mở cho người đọc vì sao Mị lại có mặt trong cái nhà
giàu có nhất làng này? Vì sao Mị phải làm việc quần quật, bị đối xử như một nô lệ,
thậm chí không bằng kiếp trâu, kiếp ngựa? Vì Mị phải trả món nợ truyền thống của
cha mẹ để lại cho nhà thống lí.

Bên cạnh đó, xây dựng nhân vật A Phủ cũng là cách tác giả tô đậm thêm
bức tranh hiện thực cuộc sống. Từ một đứa trẻ mồ côi, vô tội, A Phủ phải lang thang
kiếm sống, lớn lên lại trở thành nô lệ nhà thống lí vì tội dám đánh lại con quan con
trời.

Tô Hoài đã vạch trần bản chất phi lí, vô đạo của bọn thống trị khi xử tội A
Phủ: "Mày đánh con quan làng, đáng lẽ làng xử mày tội chết, nhưng làng tha cho
mày được sống, và nộp vạ…. một trăm bạc trắng. Mày không có…. thì tao cho mày
vay để mày ở nợ. Bao giờ có tiền giả thì tao cho mày về, chưa có tiền giả thì tao bắt
mày ở làm con trâu, con ngựa cho nhà tao. Đời mày, đời con, đời cháu mày tao cũng
bắt thế, bao giờ hết nợ tao mới thôi".

Thật nực cười, kẻ ngồi trên ghế quan tòa phán quyết lí đúng sai, lẽ công
bằng lại chính là một tên kẻ cướp. Cái lí lẽ vay – trả với gia đình Mị và A Phủ đó
chẳng phải là cái lí của kẻ thống trị chuyên quyền, áp bức, cướp đoạt sức lao động,
quyền làm người của những người dân nô lệ? Sự tàn độc của cha con thống lí Pá Tra
còn được tác giả thể hiện ở chi tiết: thống lí bắt chính A Phủ phải tự vác cộc, đóng
cọc, lấy dây mây để tự trói chính mình. Nếu không tìm được con hổ ăn con bò thì A
Phủ phải chết như con bò đã chết. Kiểu trói đứng con người cho đến khi người ta
phải chết dần vì đau, đói, rét là một kiểu tra tấn "gia truyền" của nhà thống lí đối với
con dâu, người ở trong cái nhà này.

Nói về nỗi khổ đau của Mị và A Phủ cùng những hành động tàn độc, vô
đạo của cha con thống lí Pá Tra đại diện cho giai cấp thống trị ở miền núi, nhà văn
nhân danh quyền con người lên án, tố cáo tội ác của chúng đối với những người dân
vô tội. Những người hiền lành, chất phác lẽ ra họ phải được sống trong yên bình,
hạnh phúc.

Nói về giá trị nhân đạo của tác phẩm, chỗ sâu sắc nhất trong tấm lòng nhân
đạo của nhà văn là trân trọng khát vọng tự do, hạnh phúc và phẩm chất tốt đẹp của
người nông dân cùng khổ.

Ngòi bút nhà văn từng bước rọi sâu khám phá vào miền thâm u của thế
giới nội tâm nhân vật, ông hiểu tâm sự, nỗi niềm và khát vọng của họ.

Khi Mị nghe thống lí Pá Trá nói với bố mình: "Cho tao đứa con gái này về
làm dâu thì tao xóa hết nợ cho" thì ngay lập tức, Mị bảo bố rằng: "Con nay đã biết
cuốc nương làm ngô, con phải làm nương ngô trả nợ thay cho bố. Bố đừng bán con
cho nhà giàu". Vì sao Mị phản ứng như vậy? Vì Mị đã có người yêu, vì Mị không yêu
A Sử và biết nhà giàu như nhà thống lí thì thật đáng sợ.

Về nhà thống lí phải sống trong khổ cực, Mị mấy lần đã nghĩ đến cái chết.
Nghĩ đến cái chết nghĩa là Mị phải sống trong giằng xé, thấu hiểu nỗi đời cay đắng bị
nhà giàu cướp đoạt tình yêu, hạnh phúc của mình. Nhưng nhà văn đã để ý nghĩ ấy
chỉ thoáng qua vì sự sống là đáng trân trọng, dù thế nào con người cũng phải vượt
qua, phải sống.

Sống câm lặng lùi lũi như con rùa nuôi trong xó cửa, nhưng nhà văn đã
nhìn thấy sâu thẳm trong tâm hồn người con gái ấy vẫn hôi hổi một hòn than nóng
vùi dưới lớp tro tàn. Nó chỉ chờ cơ hội đến là bùng cháy lên những khát khao. Đêm
tình mùa xuân trở về, tiếng sáo, tiếng kèn, tiếng reo hò của đám trai gái đầu làng…
đã đánh thức trong Mị niềm yêu sống mà bấy lâu nay bị vùi lấp. Mị hát nhẩm theo
tiếng sáo, Mị uống rượu...Mị thấy mình còn trẻ lắm. Mị muốn đi chơi…Tô Hoài đã
giành trang văn đẹp và thơ mộng nhất để diễn tả niềm yêu sống, khát vọng và sức
sống mãnh liệt của tuổi trẻ. Ông làm sống lại không khí văn hóa ngày hội đẹp đẽ,
đắm say của người dân tộc và chuyển hóa thành đời sống nội tâm nhân vật. Ngòi bút
nhà văn đẫ thâm nhập sâu sắc, diễn tả những biến thái tinh vi của nội tâm nhân vật,
hiểu thấu những đường nét quanh co, bí ẩn và đầy phức tạp của nó để nâng niu con
người khỏi bị rơi vào tuyệt vọng.

Đỉnh cao của sự nổi loạn chống lại thân phận trâu ngựa của Mị là đoạn
trong đêm mùa đông Mị đứng dậy giải thoát cho A Phủ và cả chính mình. Nhà văn
đã tạo điều kiện, tạo tình huống để nhân vật có cơ hội giải thoát. Đó chính là tình
huống A Phủ đánh mất bò, bị trói đã mấy ngày đêm, dòng nước mắt bất lực của con
người vốn đầy sức mạnh và sống rất tự do chẳng lẽ lại bị chết một cách thương tâm.
Chính điều đó đã thức tỉnh lòng trắc ẩn trong Mị, Mị thấy "chúng nó thật độc ác" và
tình thương người như thể thương thân, đẩy Mị đến hành động quyết liệt cắt dây
trói cứu A Phủ. Hành động quyết liệt ất cũng là hành động cắt đứt tất cả những khổ
đau, kìm kẹp, trói buộc họ trong suốt bao năm qua ở cái nhà tàn độc này. Họ thực sự
được giải phóng như cánh chim kia được tháo cũi xổ lồng bay lên bầu trời cao rộng.

Nhà văn không chỉ trân trọng khát vọng tự do của Mị và A Phủ mà còn đồng
tình với tinh thần phản kháng, đấu tranh của họ vạch ra cho họ con đường giải
phóng.

A Phủ mồ côi cha mẹ lúc mười tuổi bị người ta bán xuống vùng thấp
nhưng A Phủ không chịu, trốn về vùng cao kiếm sống thể hiện sự phản kháng mạnh
mẽ với số phận. Khi A Phủ đánh con quan vì nó phá đám cuộc chơi của bạn bè. Nhà
văn như đồng tình, hả hê miêu tả những hành động của A Phủ: ném con quay rất to
vào mặt A Sử, con quay gỗ ngát lăng vào giữa mặt. A Phủ xộc tới, nắm cái vòng cổ,
kéo dập đầu xuống, xé vai áo đánh tới tấp.

Khi con bò bị hổ ăn thịt, A Phủ không sợ sự uy hiếp của thống lí mà cãi lại
đòi cho đi bắt con hổ đền vào con bò đã mất. Khi được Mị cắt dây trói, A Phủ vùng
lên quật sức còn lại để cố thoát ra khỏi địa ngục tối tăm, khổ đau. Tất cả những hành
động của A Phủ đều thể hiện tinh thần phản kháng của con người bị áp bức. Nó là
sức mạnh, là tiền đề để sau này A Phủ trở thành du kích, trở về giải phóng quê
hương.
Còn với nhân vật Mị, Mị muốn đi chơi trong đêm tình mùa xuân, Mị thắp
đèn chuẩn bị váy áo chẳng cần biết A Sử ở đó và hỏi gì, đó là khát vọng và cũng là sự
phản kháng chống lại thân phận. Mị bị A Sử đánh dập bên bếp lửa mà vẫn cứ dậy
sưởi hàng đêm không hẳn là sự chai lì mà đó cũng là sự phản kháng. Mị định ăn lá
ngón mấy lần cho chết đi cũng là sự phản kháng. Sự phản kháng dù là bột phát ra
hành động hay âm ỉ trong lòng đều là sự dồn nén, tích tụ một tinh thần quyết liệt để
đến đêm mùa đông, Mị có đủ sức mạnh trỗi dậy giải thoát kiếp tôi đòi.

Nhà văn đã miêu tả quá trình diễn biến nội tâm và hành động của nhân
vật thật tự nhiên và sống động. Đó cũng là quy luật tất yếu của sự sống mà nhà văn
luôn đồng tình, ủng hộ và mở ra cho họ một hướng đi, một lối thoát.

Viết truyện ngắn "Vợ chồng A Phủ", nhà văn Tô Hoài đã đổ biết bao công
sức để suy ngẫm làm sao cho tác phẩm của mình phải đạt đến chiều sâu của tư
tưởng nhân đạo. Muốn vậy, nhà văn phải đi, phải nhìn, phải nghe, phải suy ngẫm,
"phải đào xới bản chất con người vào các tầng sâu lịch sử" (Nguyễn Minh Châu) để
khám phá phẩm chất con người, để từ đó biết yêu thương, sẻ chia, trân trọng và
đồng tình với những khát vọng của họ, hướng họ đi vào con đường đúng đắn. Đó là
tấm lòng của một nhà văn lớn luôn đứng về phía con người cùng khổ để sống và để
viết.

You might also like