You are on page 1of 5

CHƯƠNG TRÌNH CHỐNG LAO QUỐC GIA VIỆT NAM

Mục tiêu học tập


1. Trình bày được các chỉ số dịch tễ bệnh lao, tình hình bệnh lao trên thế giới và
Việt Nam.
2. Trình bày được các mục tiêu cơ bản của Chiến lược Quốc gia phòng chống lao
Việt Nam và nêu được các giải pháp chiến lược chống lao hiện nay của CTCLQG Việt
Nam.
3. Kể được chức năng và nhiệm vụ của các tuyến trong CTCLQG.

1. DỊCH TỄ HỌC BỆNH LAO


1.1. Các chỉ số dịch tễ lao
1.1.1. Tỷ lệ nhiễm lao
- Tỷ lệ nhiễm lao là tỷ lệ % số người nhiễm lao (người có phản ứng dương tính
với tuberculin) trong một quần thể tại một thời điểm xác định.
- Ý nghĩa của chỉ số này cho thấy mức độ lây nhiễm bệnh lao trong cộng đồng.
1.1.2. Tỷ lệ hiện mắc: Ký hiệu là P (Prevalence rate)
- Tỷ lệ hiện mắc là tỷ lệ người hiện đang mắc lao trong quần thể dân số nhất định
tại khoảng thời gian hoặc thời điểm xác định. Đơn vị tính là số người hiện mắc lao tính
trên 100.000 người dân.
- Ý nghĩa: Cho thấy mức độ trầm trọng của dịch bệnh về nguồn lây đang lưu hành,
xu hướng dịch tễ, và hiệu quả của chương trình (nếu có 2 lần điều tra trở lên).
- Đây là cơ sở khoa học cho hoạch định đường lối chính sách và kế hoạch phòng
chống lao hiệu quả.
1.1.3. Tỷ lệ mới mắc hàng năm: Ký hiệu là I (Incidence rate)
- Tỷ lệ mới mắc hàng năm là tỷ lệ người mới mắc bệnh lao trong quần thể nhất
định trong khoảng thời gian một năm. Đơn vị tính là số người mới mắc lao trên 100.000
người dân.
- Ý nghĩa: Tỷ lệ mới mắc hàng năm cho phép đánh giá tác động của các yếu tố
nguy cơ của bệnh lao và là căn cứ hoạch định chính sách can thiệp để làm giảm các
nguy cơ đó trong một quần thể.
1.1.4. Tỷ lệ chết do lao: Ký hiệu M (Mortality)
Tỷ lệ chết do lao là tỷ lệ người bệnh chết do bệnh lao của một quần thể nhất định
trong khoảng thời gian xác định thường là 1 năm. Đơn vị tính là số chết trên 100.000
người dân.
1.2. Các yếu tố ảnh hưởng đến dịch tễ lao
1.2.1. Các yếu tố sinh học
- Tuổi và giới: Nam mắc lao nhiều hơn nữ, những người trong các lứa tuổi dậy thì
và người cao tuổi dễ mắc lao hơn.
- Ảnh hưởng đến dịch tễ là thể lao phổi có vi khuẩn lao qua phương pháp soi kính.
Tỷ lệ này được xác định là khoảng 50% các thể lao phổi.
- Yếu tố ảnh hưởng đến sức đề kháng: Sinh đẻ, môi trường lao động, sinh hoạt,
một số nghề nghiệp như dịch vụ y tế, cảnh sát...; một số bệnh như HIV, đái đường, cắt
dạ dày, bụi phổi…
1.2.2. Các yếu tố xã hội
- Mức sống có ảnh hưởng rõ rệt đến dịch tễ lao.
- Chiến tranh, thiên tai có ảnh hưởng rất rõ đến dịch tễ lao do các nguyên nhân vật
chất cũng như tinh thần.
1.3. Dịch tễ học bệnh lao
1.3.1. Tình hình bệnh lao trên thế giới
Theo báo cáo của Tổ chức Y tế Thế giới (2017):
- Bệnh lao là một trong 10 nguyên nhân hàng đầu gây tử vong trên toàn thế giới.
- Trong năm 2016, có 10.4 triệu người hiện mắc bệnh lao, với 6.3 triệu trường hợp
mới mỗi năm; 11% trong số mắc lao có đồng nhiễm HIV. Bệnh lao là nguyên nhân gây
tử vong đứng hàng thứ hai trong các bệnh nhiễm trùng với khoảng 1.3 triệu người tử
vong do lao, trong đó khoảng 374.000 cas tử vong do đồng nhiễm lao/HIV.
- Tình hình dịch tễ lao kháng thuốc đang có diễn biến phức tạp và đã xuất hiện ở
hầu hết các quốc gia. Năm 2016 trên toàn cầu ước tính tỷ lệ mắc lao đa kháng thuốc là
4.1% trong bệnh nhân mới và 19% trong số bệnh nhân điều trị lại.
- Sáu quốc gia chiếm 60% tổng số, dẫn đầu là Ấn Độ, kế tiếp là Indonesia, Trung
Quốc, Nigeria, Pakistan và Nam Phi.
- Hơn 95% trường hợp tử vong do lao xảy ra ở các nước thu nhập thấp và thu nhập
trung bình.
1.3.2. Tình hình bệnh lao ở Việt Nam
- Theo báo cáo của Tổ Chức Y Tế Thế Giới (2017) Việt Nam có gánh nặng bệnh
lao cao đứng thứ 16 trong 30 quốc gia có gánh nặng bệnh lao cao trên toàn cầu, đồng
thời là nước thứ 13 trong 30 quốc gia có gánh nặng bệnh lao đa kháng thuốc cao nhất
thế giới.
- Theo báo cáo của Chương Trình Chống Lao Quốc Gia (2017), ở Việt Nam mỗi
năm có khoảng 180.000 người hiện mắc lao, 5.900 bệnh nhân mắc lao mới, tuy nhiên
vẫn còn 20% người mắc bệnh lao trong cộng đồng chưa được phát hiện, đây là nguồn
lây nguy hiểm cho cộng đồng (Một người mắc bệnh lao phổi – chiếm tỷ lệ 80-85%, nếu
không được điều trị sẽ lây truyền bệnh lao cho từ 10 – 15 người xung quanh trong một
năm), đặc biệt có đến 4.1% số bệnh nhân lao mới và 26% số bệnh nhân đã từng điều trị
lao mắc lao đa kháng thuốc (MDR-TB), trong đó gần 6% là lao siêu kháng thuốc (XDR-
TB).
- Dịch tễ bệnh lao giảm trung bình hàng năm là 4.6% từ năm 2000 đến nay. Chiến
lược Quốc gia Phòng chống lao đến năm 2020 và tầm nhìn 2030 đã được Thủ tướng
Chính phủ phê duyệt năm 2014 có mục tiêu giảm tỷ lệ mắc bệnh lao còn 131/100.000
người dân vào năm 2020.

2. ĐƯỜNG LỐI CHƯƠNG TRÌNH CHỐNG LAO QUỐC GIA


2.1. Những thách thức cơ bản của chương trình chống lao Việt Nam
- Dịch tễ lao ở Việt Nam còn cao
- Bệnh lao đa kháng thuốc đang có diễn biến phức tạp
- Đại dịch HIV
- Đặc biệt, thách thức rất lớn về nguồn lực do sự giảm nhanh nguồn viện trợ quốc
tế trong những năm tiếp theo đối với các nước có thu nhập trung bình và khủng hoảng
kinh tế toàn cầu hiện nay, nếu không có các giải pháp đầu tư đột phá từ chính phủ về nhân
lực và tài chính sẽ không giải quyết được vấn đề bệnh lao. Nhận thức rõ sự nguy hiểm và
gánh nặng mà bệnh lao đem lại, năm 2014 Bộ Y tế đã trình Chính phủ phê duyệt “Chiến
lược quốc gia phòng chống bệnh lao đến năm 2020 và tầm nhìn 2030”.
2.2. Chiến lược quốc gia phòng chống lao đến năm 2020 và tầm nhìn 2030
2.2.1. Mục tiêu cơ bản
Mục tiêu hết năm 2020:
- Giảm số người mắc bệnh lao trong cộng đồng xuống dưới 131 người trên 100.000
người dân.
- Giảm số người chết do bệnh lao xuống dưới 10 người trên 100.000 người dân.
- Khống chế số người mắc bệnh lao đa kháng thuốc với tỷ lệ dưới 5% trong tổng
số người bệnh lao mới phát hiện.
Tầm nhìn đến năm 2030
Tiếp tục giảm số người chết do bệnh lao và giảm số người mắc bệnh lao trong
cộng đồng xuống dưới 20 người trên 100.000 người dân. Hướng tới mục tiêu để người
dân Việt Nam được sống trong môi trường không còn bệnh lao.
Tham vọng
Từ năm 2015 đến 2020 giảm 30% số người mắc lao trong 5 năm, tức là trung
bình giảm 6% một năm, trong khi hiện nay mới đạt 4.6% năm. Giảm 40% số người chết
do lao trong 5 năm, tức là 8% năm, trong khi hiện nay mới đạt 4.4% một năm.
2.2.2. Giải pháp của chiến lược Quốc gia phòng, chống lao Việt Nam
Mục tiêu rất tham vọng nhưng rất nhân văn, hướng đến môi trường trong sạch cho
nhân dân, vì vậy cần có những giải pháp mang tính khoa học, đột phá về tổ chức và kỹ
thuật, tập trung vào đổi mới công nghệ, tiếp cận và đầu tư.
2.2.2.1. Đổi mới về công nghệ
- Kỹ thuật chẩn đoán mới: Hain test và GeneXpert MTB/RIF
- Thuốc và phác đồ điều trị lao mới: Hiện nay đang có 2 loại thuốc chống lao mới
được phê duyệt (Bedaquilin và Delamanid).
- Hứa hẹn vắc xin mới: Dự kiến vào năm 2018 có thể sẽ có những vắc xin mới
phòng lao hiệu quả hơn BCG hiện nay.
2.2.2.2. Đổi mới về phương pháp tiếp cận
Nghiên cứu, triển khai áp dụng các mô hình tiếp cận mới hướng đến phổ cập các
dịch vụ phòng chống lao cho mọi người dân thông qua hệ thống y tế công lập và ngoài
công lập, có sự tham gia của các đối tác, tổ chức, đoàn thể và cộng đồng. Phương pháp
tiếp cận mới bao gồm:
- Tuyên truyền, giáo dục sức khỏe
- Phối hợp y tế công tư phòng chống lao
- Lồng ghép kiểm soát bệnh lao và quản lý các bệnh phổi mạn tính (Viêm phổi
cộng đồng, hen phế quản và COPD) và HIV/AIDS
2.2.2.3. Đổi mới về đầu tư: Đầu tư đa nguồn, bảo đảm nguồn nhân lực làm công tác
chống lao.
2.3. Hoạt động cơ bản của Chương Trình Chống Lao Quốc Gia
- Phát hiện
- Điều trị
- Hoạt động xét nghiệm
- Hoạt động truyền thông và huy động xã hội
- Cung ứng và phân phối
- Giám sát và lượng giá chương trình
- Đào tạo và nghiên cứu khoa học

3. CHỨC NĂNG VÀ NHIỆM VỤ CÁC TUYẾN TRONG CHƯƠNG TRÌNH


CHỐNG LAO QUỐC GIA
- Chương trình Chống lao Quốc gia (CTCLQG) bao gồm 4 tuyến: Trung ương,
tuyến tỉnh, tuyến huyện, tuyến xã.
- Càng xuống tuyến cơ sở (tuyến huyện và xã) mạng lưới chống lao càng lồng
ghép vào hệ thống y tế chung và các Chương trình chăm sóc sức khỏe ban đầu.
- Tại các tuyến sẽ có sự phối hợp lồng ghép với hệ thống y tế tư, y tế công, các đối
tác, các tổ chức xã hội cùng tham gia phòng, chống bệnh lao.
3.1. Tuyến trung ương
- Ban điều hành Dự án phòng chống bệnh lao-Đơn vị thường trực là Bệnh viện
Phổi Trung ương chịu trách nhiệm trước Bộ trưởng Y tế về toàn bộ hoạt động của dự
án phòng chống bệnh lao.
- Xây dựng kế hoạch hoạt động của dự án.
- Ban hành các quy chế, quy trình hướng dẫn quản lý hoạt động của Dự án phòng,
chống bệnh lao.
- Chỉ đạo, hướng dẫn chuyên môn nghiệp vụ.
- Theo dõi, giám sát, đánh giá việc thực hiện dự án phòng chống lao.
3.2. Tuyến tỉnh, thành phố
- Ban điều hành có đơn vị chống lao cấp tỉnh là đơn vị thường trực có thể là Bệnh
viện chuyên khoa, có thể là Khoa Lao trong Trung tâm phòng chống các bệnh xã hội
hoặc Trung tâm y tế dự phòng.
- Lập kế hoạch và triển khai hoạt động phòng, chống bệnh lao trên địa bàn.
- Tham mưu Sở y tế về điều phối hoạt động chống lao từ tất cả các đơn vị y tế
công và y tế tư, đảm bảo duy trì và nâng cao năng lực hoạt động phòng chống lao các
tuyến nhất là tuyến quận huyện.
- Đảm bảo chất lượng các phòng xét nghiệm trên địa bàn.
3.3. Tuyến huyện
- Đơn vị chống lao tại tuyến huyện là Tổ chống lao chịu trách nhiệm về công tác
chống lao trên địa bàn huyện
- Phát hiện bệnh lao phổi bằng soi đờm trực tiếp tìm vi khuẩn lao.
- Đảm bảo chất lượng xét nghiệm.
- Chỉ định điều trị ngoại trú tại xã nơi gần nhà người bệnh nhất.
- Giám sát việc thực hiện chương trình phòng, chống bệnh lao tại tuyến xã.
- Kiểm tra giám sát tuyến xã phường và bệnh nhân. Thực hiện ghi chép sổ sách,
báo cáo.
- Đảm bảo việc quản lý, sử dụng thuống kháng lao theo chương trình chống lao
trên địa bàn
3.4. Tuyến xã, phường
- Xác định người có triệu chứng nghi lao ho khạc đờm kéo dài trên 2 tuần và
chuyển họ tới Tổ chống lao hoặc Trung tâm y tế huyện.
- Giám sát việc điều trị ngoại trú có kiểm soát tại Trạm y tế xã.
- Ghi chép thuốc men vào sổ lĩnh nhập thuốc.
- Đánh dấu, ký tên vào phiếu điều trị có kiểm soát của người bệnh.
- Thăm người bệnh tại nhà trong giai đoạn củng cố.
- Tìm những người bệnh bỏ trị.
- Khám sàng lọc, theo dõi trẻ em và người lớn có tiếp xúc với nguồn lây đặc biệt
tiếp xúc với người bệnh lao kháng đa thuốc.
- Kiểm tra việc tiêm phòng BCG.
- Chuyển người nhiễm HIV có triệu chứng nghi lao đi khám sàng lọc bệnh lao.
- Giám sát 100% thời gian đối với người bệnh lao điều trị phác đồ tái trị và phác
đồ thuốc hàng hai.
- Giáo dục sức khỏe cho người dân hiểu biết về bệnh lao và các tác nhân ảnh
hưởng đến bệnh lao.
- Phối kết hợp với y tế thôn bản và các cá nhân, đơn vị trên địa bàn xã tăng cường
vệ sinh phòng bệnh, hổ trợ người bệnh lao nghèo và người mắc bệnh mạn tính phải điều
trị lâu dài.

You might also like