You are on page 1of 2

GIỚI THIỆU BỘ MÔN NHIỄM, ĐHYD TP.

HCM
Bộ môn Nhiễm Đại học Y Dược Thành phố Hồ Chí Minh được thành lập
từ năm 1975 dưới sự lãnh đạo đầu tiên của cố GS chủ nhiệm Nguyễn Duy
Thanh, giám đốc bệnh viện. Các hoạt động của Bộ môn Nhiễm từ ngày đầu tiên
cho đến nay vẫn được duy trì tại 190 Bến Hàm Tử, Bệnh viện Chợ Quán nay là
Bệnh viện Bệnh nhiệt đới, 764 Võ Văn Kiệt, Phường 1, Quận 5, TP.HCM. Đây
được xem là bệnh viện đầu ngành về lĩnh vực bệnh truyền nhiễm, tiếp nhận điều
trị các bệnh nhân mắc bệnh truyền nhiễm ở các tỉnh thành phía nam nước ta.
Mặc dù trong những năm gần đây, nền y học thế giới có nhiều tiến bộ vượt
bậc; tuy nhiên, bệnh nhiễm trùng và truyền nhiễm vẫn còn là thách thức bất tận,
không có hồi kết đối với con người. Những trận dịch trong quá khứ, hay gần
đây nhất là dịch COVID-19 đã cướp đi sinh mạng hàng trăm nghìn người trên
thế giới, tác động sâu sắc đến mọi mặt của đời sống xã hội trên phạm vi toàn
cầu. Do vậy, để góp phần ứng phó với dịch bệnh; việc học tập, nghiên cứu về
lĩnh vực bệnh nhiễm trùng và truyền nhiễm đối với sinh viên y khoa là điều hết
sức cần thiết.
Để học tốt học phần bệnh truyền nhiễm, sinh viên cần lưu tâm đến các yếu
tố sau:
- Yếu tố dịch tễ: như khu vực có bệnh lưu hành, nơi cư ngụ cũng như nơi
lui đến của người bệnh, tình trạng tiếp xúc gần với người đang mắc
bệnh, đường lây truyền của các tác nhân gây bệnh…
- Triệu chứng lâm sàng: Do triệu chứng lâm sàng của bệnh thường không
đặc hiệu, cần chú ý đặc điểm các triệu chứng, trình tự xuất hiện các
triệu chứng và mối liên hệ giữa các triệu chứng với nhau.
- Cận lâm sàng: Đặc biệt chú trọng đến các xét nghiệm giúp chẩn đoán
xác định bệnh. Điều này có liên hệ chặt chẽ với kiến thức đã học từ
chuyên ngành vi sinh, ký sinh…
- Về điều trị: một bệnh có thể điều trị được bằng một hay nhiều loại thuốc
khác nhau và ngược lại, một loại thuốc có thể chữa được một hay nhiều
loại bệnh khác nhau. Vì thế trước một trường hợp cụ thể, cần biện luận
để đưa ra phương án điều trị tối ưu nhất, theo nguyên tắc: “an toàn, hiệu
quả, kinh tế”. Ngoài điều trị đặc hiệu, điều trị triệu chứng, biến chứng,
bệnh nền, chăm sóc điều dưỡng, điều trị tâm lý… cũng rất quan trọng,
góp phần vào sự thành công của điều trị nói chung.
- Phòng ngừa: phòng bệnh cho cá nhân hết sức quan trọng, bao gồm các
biện pháp dự phòng phổ quát, dự phòng theo đường lây truyền, dự
phòng bằng vắc xin hay một số bệnh, cần sử dụng thuốc. Tuy vậy, cũng
cần lưu ý rằng, phòng bệnh lây lan trong cộng đồng cũng quan trọng
không kém.

Tất cả giảng viên công tác tại Bộ môn Nhiễm Đại học Y Dược đều xuất
thân từ bác sĩ nội trú chuyên ngành nhiễm, có kinh nghiệm, có trình độ chuyên
môn cao, nhiệt thành trong công tác, sẵn sàng giúp các bạn sinh viên, học viên
đạt được kết quả học tập tốt nhất có thể.

Chúc các bạn sinh viên học tốt và tìm được nhiều điều bổ ích cho nghề
nghiệp của mình sau khi kết thúc học Module Bệnh truyền nhiễm và các bệnh
nhiệt đới.
Thân chào!

Bộ môn Nhiễm

You might also like