You are on page 1of 8

PHƯƠNG PHÁP THỞ OXY DÒNG CAO QUA ỐNG THÔNG MŨI (HFNC)

Ở BỆNH NHÂN COVID-19 BỊ SUY HÔ HẤP TIẾN TRIỂN – ARDS


GS.TSKH.BS Dương Quý Sỹ
Chủ tịch Hội YHGN Việt Nam. Phó Chủ tịch Hội Hô hấp Việt Nam
ĐHYK Penn State – Mỹ. Cố vấn Khoa học ĐHYK Phạm Ngọc Thạch. Trường CĐYT Lâm Đồng

1. Phần mở đầu về điều trị HFNC ở bệnh nhân Covid-19 bị ARDS


Trong tình hình bệnh nhân bị Covid-19 suy hô hấp tiến triển (ARDS) cần phải được điều
trị với oxy liệu pháp ngày càng tăng và một số trường hợp rất nặng cần phải đặt nội khí quản
(NKQ) thở máy. Tuy nhiên một tỷ lệ đáng kể những bệnh nhân Covid-19 nặng có thể tránh
khỏi việc đặt NKQ-thở máy là nhờ vào oxy liệu pháp trì hoãn với các máy thở đơn giản không
xâm lấn như thở oxy dòng cao qua ống thông mũi (HFNC; thường được gọi tắt là thở oxy
dòng cao), thở máy không xâm lấn với áp lực dương liên tục (CPAP) hoặc áp lực dương 2
mức (BiPAP); do vậy tránh được nguy cơ viêm phổi do thở máy, thất bại cai máy thở, nguy
cơ đặt NKQ và mở khí quản do thở máy kéo dài có thể làm tăng nguy cơ lây nhiễm Covid-19
cho thầy thuốc, điều dưỡng viên và nhân viên y tế.
Đặc biệt tổn thương phổi gây suy hô hấp tiến triển do Covid-19 thường đáp ứng với điều
trị bằng corticoid, thuốc chống đông máu, thuốc kháng vi rút, các chế phẩm sinh học trung hòa
cytokine và lọc máu hấp phụ. Do vậy tình trạng suy hô hấp tiến triển sẽ không diễn tiến nặng
và dần dần hồi phục song song với việc điều trị bằng oxy liệu pháp. Theo thống kê hiện nay,
tại Việt Nam đang có hơn 1.120 bệnh nhân Covid-19 đang được điều trị bằng HFNC (thống
kê của Bộ Y tế, ngày 12/9/2021), việc hiểu rõ hơn về điều trị bằng HFNC của cán bộ y tế
(CBYT), thầy thuốc và bệnh nhân đang được điều trị tại một số bệnh viện điều trị Covid-19 là
rất cần thiết.
2. Nguyên lý hoạt động của HFNC trong điều trị ARDS do Covid-19
HFNC trước đây được sử dụng chủ yếu trong các bệnh suy hô hấp (SHH), đặc biệt là SHH
cấp tính do nhiều nguyên nhân khác nhau vì hệ thống HFNC có khả năng cung cấp oxy với
nồng độ 100% (FiO2=1,0). Do vậy HFNC được sử dụng trong những trường hợp cần hỗ trợ
oxy liệu pháp với lưu lượng và nồng độ cao như hội chứng suy hô hấp tiến triển – ARDS. Oxy
được cung cấp bởi hệ thống HFNC luôn được làm ẩm và ấm trước khi được cung cấp qua ống
thông mũi. Khác với điều trị thở oxy qua mặt nạ hoặc thở máy không xâm nhập, điều trị bằng
HFNC có ưu điểm là tạo sự thoải mái và giúp làm khả năng dung nạp của người bệnh. Thế
nên HFNC có thể được xem như là bước điều trị chuyển tiếp giữa thất bại điều trị oxy liệu
pháp thông lệ trước khi quyết định việc đặt NKQ – thở máy ở bệnh nhân Covid-19 có ARDS
nặng – nguy kịch.
Nguyên lý hoạt động chính của HFNC là giúp làm tăng áp lực đường thở do hiệu ứng lưu
lượng dòng cao, tăng FiO2 thở vào cải thiện quá trình oxy hóa máu bằng các cơ chế khác
nhau, rửa khoảng chết hiệu quả giúp làm tăng thải CO2, giảm kích thích trung tâm hô hấp do
tình trạng thiếu oxy máu nặng và giảm sự mệt mỏi của cơ hô hấp và tiêu thụ năng lượng do
giảm tần số thở và sự gắng sức thở vào. Về cấu tạo và chức năng, hệ thống HFNC gồm bốn
thành phần chủ yếu đó là một bộ phận trộn khí được gắn kết với đồng hồ hiệu chỉnh lưu lượng
dòng khí đi vào, một bộ phận làm ẩm với nhiệt độ có thể điều chỉnh được, hệ thống dây thở
kết nối bộ phận làm ẩm và ấm với người bệnh và cannula mũi với nhiều kích cở khác nhau.
1
Hệ thống HFNC có khả năng cung cấp lưu lượng dòng từ 20 đến 100 lít /phút và một phân áp
oxy trong khí thở vào (FiO2) từ 0,21 (21%) lên đến 1,0 (100%) (Hình 1).
Do vậy ưu điểm của HFNC là lưu lượng dòng thở vào có thể điều chỉnh được tùy theo nhu
cầu của người bệnh nhằm duy trì mức độ oxy hóa máu bảo đảm cho sự trao đổi khí ở phổi bị
tổn thương do Covid-19. Với đặc điểm lưu lượng dòng cao, HFNC giúp làm giảm thông khí
khoảng chết nhờ vào làm giảm mức độ thở và tạo ra được một áp lực dương ở đường hô hấp.
Ở bệnh nhân Covid-19 bị ARDS và giảm oxy máu nặng, HFNC giúp làm giảm gắng sức hô
hấp, cải thiện sự oxy hóa máu qua màng phế ngang – mao mạch và cải thiện động học của sự
dãn nở phổi. Ngoài ra HFNC cũng giúp làm giảm thán khi ở những bệnh nhân Covid-19 bị
ARDS có tăng PaCO2 máu do tăng thông khí khoảng chết, có bệnh nền là suy hô hấp mãn
(COPD), hoặc mệt mỏi cơ hô hấp. Tuy nhiên, mức độ cải thiện thán khí phụ thuộc vào lưu
lượng dòng khí thở vào.

Hình 1. Cài đặt HFNC tại Khu Điều trị Covid-19 BVĐK Bình Dương.

3. Hiệu quả của HFNC trong điều trị bệnh nhân Covid-19 nặng bị ARDS
Trong thời điểm hiện nay, với sự gia tăng các ca nhiễm Covid-19 và số lượng bệnh nhân
Covid-19 nặng bị ARDS cần phải thở máy ngày càng tăng ở các quốc gia - khu vực đang có
tỷ lệ mắc cao và ở Việt Nam, việc điều trị bằng HFNC giúp trì hoãn chỉ định đặt NKQ – thở
máy hoặc thậm chí được xem như là giải pháp thích hợp nhất cho các cơ sở điều trị bệnh nhân
Covid-19 không có khoa hồi sức cấp cứu hô hấp và thở máy như là tầng 2 trong bậc thang điều
trị 3 bậc của Bộ Y tế Việt Nam.
Ngoài ra, số lượng bệnh nhân có chỉ định thở máy máy xâm lấn sau khi thất bại với oxy
liều cao qua mặt nạ ở bệnh nhân Covid-19 nặng bị ARDS ngày càng nhiều nên cần phải có

2
một số lượng lớn máy thở tại cùng một thời điểm do vậy sẽ gây ra tình trạng nhu cầu máy thở
xâm lấn tăng cao, HFNC là một chỉ định điều trị tức thời thay thế nhằm trì hoãn thở máy xâm
lấn. Một ưu điểm khác của thở HFNC là giúp cải thiện tình trạng giảm oxy máu nặng tốt hơn
thở oxy liều cao qua mặt nạ kéo dài vì thở oxy qua mặt nạ chỉ có thể đạt mức FiO2 tối đa là
0,6 (60%) kèm gây ứ CO2 trong khi đó HFNC có thể cho ra dòng oxy lưu lượng tối đa đạt 1,0
(100%) và không làm tăng thán khí.
Theo khuyến cáo của WHO, điều trị bằng HFNC không làm tăng nguy cơ lây nhiễm mầm
bệnh Covid-19 phát tán theo dòng khí thở ra. Tuy nhiên CBYT chăm sóc cho người bệnh
Covid-19 đang điều trị bằng HFNC cần phải sử dụng trang phục phòng hộ theo quy định tránh
lây nhiễm và luôn giử khoảng cách với bệnh nhân và cách xa giường bệnh tối thiểu một mét.
Mối lo ngại về việc hít phải mầm bệnh tử dòng khí thở ra của bệnh nhân bị Covid-19 khi được
điều trị bằng hệ thống HFNC luôn được đặt ra vì khác với máy thở, HFNC không có hệ thống
ống kín chứa khí thở ra. Một số nghiên cứu trước đây cho thấy rằng nếu sử dụng các hệ thống
kết nối phù hợp có thể hạn chế sự phát tán mầm bệnh theo đường không khí; hoặc tăng lưu
lượng dòng cũng có thể làm hạn chế tình trạng thoát khí và kích thước của hạt khí dung được
tạo thành; tuy nhiên theo các báo cáo nghiên cứu thì không có sự khác biệt về nguy cơ lây
nhiễm Covid-19 cho nhân viên y tế khi người bệnh được điều trị bằng HFNC so với oxy liệu
pháp thông lệ.
Điều trị bằng HFNC ở những bệnh nhân có chỉ định phù hợp sẽ góp phần làm giảm tỷ lệ
tử vong và tai biến – biến chứng do đặt NKQ-thở máy. Hiện nay tỷ lệ tử vong của bệnh nhân
Covid-19 nặng bị ARDS phải thở máy xâm lấn là mối quan tâm của các thầy thuốc trong điều
trị hồi sức bệnh nhân bị Covid-19 suy hô hấp cấp nặng. Điều này một phần có liên quan đến
những biến chứng gây ra do việc điều trị thông khí cơ học xâm lấn như tình trạng viêm phổi
do thở máy, tình trạng thở máy kéo dài gây suy yếu cơ hô hấp do dùng thuốc an thần và dãn
cơ, sự phụ thuộc vào máy thở ở một số bệnh nhân thở máy dài ngày, nguy cơ phải mở khí quản
sau 2 – 3 tuần thở máy. Do vậy việc chỉ định điều trị bằng HFNC giúp cải thiện tình trạng oxy
hóa máu và tránh được nguy cơ đặt NKQ - thở máy.
4. Điều trị phối hợp HFNC và nằm sấp ở bệnh nhân Covid-19 bị ARDS
Nằm sấp là một trong những đặc điểm nổi bật trong điều trị ARDS ở bệnh nhân bị Covid-
19 có giảm oxy máu nặng vì giúp cải thiện sự oxy hóa máu và do vậy duy trì được sự tưới máu
đầy đủ ở các cơ quan. Về mặt cơ chế bệnh sinh ARDS trong Covid-19 cũng tương tự như do
những nguyên nhân khác, nằm sấp giúp cải thiện thông khí – tưới máu và huy động những
vùng phế nang có bất tương hợp thông khí – tưới máu hoạt động hiệu qủa hơn, cũng như giúp
cải thiện độ dãn nở của phổi. Ở bệnh nhân Covid-19 bị ARDS, tư thế nằm sấp có thể giúp cải
thiện PaO2/FiO2 cộng thêm trên 30 mmHg và thường được khuyến cáo thực hiện khi
PaO2/FiO2 < 100 mmHg.
Ngoài ra, nằm sấp làm tăng hiệu quả cải thiện oxy hóa máu ở bệnh nhân được điều trị bằng
HFNC vì ưu điểm của HFNC là cải thiện PaO2 nhờ vào FiO2 phân suất cao tương tự như oxy
liệu pháp qua mặt nạ, nhưng ưu điểm chủ yếu liên quan lưu lượng dòng cao làm mở các vùng
phế nang bị xẹp, cải thiện bất tương hợp thông khí – tưới máu, tăng dung tích khí cặn chức
năng, giảm hiệu ứng nối tắt (shunt) tại phổi, tăng độ dãn nở phổi và cải thiện cơ học hô hấp
(Hình 2). Nếu điều trị đồng thời HFNC và nằm sấp giúp làm tăng tỷ lệ thành công điều trị

3
giảm oxy hóa máu, tránh được nguy cơ đặt NKQ-thở máy và thậm chí cải thiện tỷ lệ tử vong
(Hình 3).

Hình 2. Hiệu quả sinh bệnh học của điều trị HFNC phối hợp với nằm sấp ở bệnh nhân
Covid-19 nặng bị ARDS. (Cải biên từ JD Ricard et al. Intensive Care Medicine 2020).

Hình 3. Điều trị bằng HFNC phối hợp với tư thế nằm sấp ở bệnh nhân Covid-19 bị ARDS.

4
Do vậy bệnh nhân Covid-19 mức độ nặng không đáp ứng với oxy thông lệ cần phải được
chỉ định HFNC cùng với nằm sấp, ngoại trừ có những chống chỉ định của nằm sấp (rối loạn
huyết động học, tăng áp lực nội sọ, tăng áp lực ổ bụng, vết thương vùng ngực/bụng/mặt, béo
phì quá mức, bệnh lý cột sống cổ, phụ nữ có thai, tri giác kém – Glasgow ≤8).
Một đặc điểm khác trong sinh bệnh học của ARDS ở bệnh nhân bị Covid-19 là không có
sự tuyến tính giữa mức độ nặng của giảm oxy máu (thường rất nặng do hiệu ứng nối tắt -
shunt) nhưng tổn thương thực thể tại phổi thì ít hơn và bộ máy hô hấp vẫn còn được bảo tồn,
ngoại trừ bệnh nhân có bệnh phổi khác đi kèm như COPD hoặc di chứng lao phổi. Ngoài ra
chỉ định điều trị đồng thời HFNC và nằm sấp trong giai đoạn sớm giúp hạn chế tình trạng bất
tương hợp thông khí – tưới máu do co thắt mạch máu phổi do bởi tình trạng giảm oxy máu,
giảm bớt tình trạng phù phổi tổn thương và giảm oxy máu kháng trị.
5. Hạn chế của điều trị bằng HFNC ở bệnh nhân Covid-19 bị ARDS
Điều trị bằng HFNC gây ra lo ngại về mặt tâm lý liên quan đến việc tăng nguy cơ phát tán
hạt khí dung sinh học do dòng cao được sử dụng, tạo điều kiện cho sự phát tán mầm bệnh ở
bệnh nhân bị Covid-19. Do vậy các nước phương Tây ưa chuộng việc đặt NKQ - thở máy sớm
ở bệnh nhân Covid-19, điều này có thể làm kéo dài thời gian điều trị và tăng nguy cơ nhiễm
trùng do thở máy và tăng tỷ lệ tử vong.
Tuy nhiên nếu so sánh với thở CPAP qua gối nhét mũi (pillow) thì tỷ lệ thoát khí của HFNC
với lưu lượng dòng là 60 lít/phút là thấp hơn so với CPAP. Việc phát tán mầm bệnh chủ yếu
là do người bệnh ho khạc trong khi thở HFNC và có thể hạn chế được bằng cách cho người
bệnh đeo khẩu trang y tế có thể giúp hạn chế phát tán các giọt bắn khí dung. Ngoài ra các
nghiên cứu cũng cho thấy nguy cơ lây nhiễm do sự hình thành các hạt khí dung khi sử dụng
HFNC cũng tương tự như khi thở oxy lưu lượng cao qua măt nạ. Do vậy HFNC không làm
tăng nguy cơ lây nhiễm mầm bệnh qua các hạt khí dung ở bệnh nhân bị Covid-19.
Ở bệnh nhân Covid-19 nặng được điều trị bằng HFNC cần phải được theo dõi sát về mặt
lâm sàng để có chỉ định đặt NKQ - thở máy kịp thời nếu thất bại với điều trị. Một trong những
chỉ số rất hữu ích giúp đánh giá hiệu quả điều trị HFNC ở bệnh nhân Covid-19 bị ARDS là
chỉ số ROX = (SpO2 (%)/ [FiO2 (thay đổi từ 0,21-1,0) x Nhịp thở (lần/phút)]). Cần lưu ý đến
khả năng dung nạp của người bệnh và một số chống chỉ định làm cản trở dòng khí đi vào có
thể gây chấn thương cơ học làm viêm nhiễm hoặc loét niêm mạc mũi, tình trạng chướng hơi
dạ dày, rối loạn về nuốt.
6. Hướng dẫn thực hiện điều trị HFNC ở bệnh nhân Covid-19 bị ARDS
6.1. Chỉ định HFNC cho bệnh nhân Covid-19 có ARDS
Nên lựa chọn những bệnh nhân sau đây:
1) Không đáp ứng với oxy thông lệ (oxy qua ống thông mũi > 6 lít/phút; oxy qua mặt nạ
>12 lít /phút) nhằm duy trì SpO2 >94%.
2) Bệnh nhân đang điều trị oxy liệu pháp thông lệ tối ưu nhưng có tình trạng nhịp thở
nhanh > 30 lần/phút kèm tăng thán khí và toan hô hấp.
3) Bệnh nhân có tình trạng thở nhanh > 30 lần/phút kèm mệt mỏi cơ hô hấp đang điều trị
với oxy liệu pháp thông lệ.
5
4) Bệnh nhân điều trị bằng oxy liệu pháp có 100 < PaO2/FiO2 < 200 và có tổn thương
phổi dạng ARDS.
6.2. Chống chỉ định HFNC ở bệnh nhân Covid-19 bị ARDS
Một số bệnh nhân bị Covid-19 có ARDS không thể chỉ định HFNC liên quan đến những
bất thường vùng hàm mặt (chấn thương răng hàm mặt, chấn thương sọ não đi kèm, dị dạng
vùng hàm mặt bẩm sinh hoặc mắc phải).
Không chỉ định HFNC cho bệnh nhân Covid-19 bị ARDS có bệnh lý mũi xoang gây nghẹt
mũi (polyp mũi, viêm mũi dị ứng nặng, vẹo vách ngăn nặng, u cuống mũi), viêm nhiễm niêm
mạc mũi hoặc chảy máu mũi hoặc viêm nhiễm vùng hầu họng tiến triển.
Không nên chỉ định HFNC cho những bệnh nhân Covid-19 có giảm oxy máu nguy kịch
nghi ngờ do thuyên tắc mạch phổi; những bệnh nhân toan hô hấp mức độ nặng với pH <7,30
và PaCO2 > 70mmHg.
Không chỉ định HFNC ở bệnh nhân Covid-19 bị ARDS có tắc nghẽn đường hô hấp trên do
u bứu, dị vật; rối loạn tâm thần kinh do tác dụng phụ của corticoid hoặc do tổn thương não do
Covid-19.
Một số bệnh nhân bị Covid-19 có ARDS không thể chỉ định HFNC nếu có can thiệp Tai-
Mũi-Họng hoặc phẫu thuật vùng hầu họng-thanh quản <1 tháng hoặc có rối loạn chức năng
nuốt hoặc dò thực quản-khí quản, nghi ngờ có tràn khí màng phổi hay trung thất.
6.3. Cài đặt các thông số ban đầu HFNC cho bệnh nhân Covid-19 có ARDS
• Cài đặt ban đầu FiO2 bằng 1,0 (100%) và tốc độ dòng khí ban đầu là 40 lít/phút tăng
dần 5 lít/phút mỗi 15 phút cho đến mục tiêu 60 lít/phút để SpO2 đạt mục tiêu > 92% và
nhịp thở < 30 lần/ phút; chỉ nên duy trì SpO2 trong khoảng 92-96%, nếu SpO2>96%
nên giảm bớt FiO2 để tránh tổn thương phổi cấp do thở oxy nồng độ cao và sự ức chế
trung tâm hô hấp làm giảm thông khí do oxy hóa máu quá mức.
• Lưu lượng dòng cài đặt ban đầu ở người trưởng thành có thể từ 1 – 1,5 lít /kg /phút và
mức tối đa nên là 60 lít/phút; ở trẻ em có thể tăng đến 2lít/ kg/ phút và duy trì tối đa
khoảng 15 – 30 lít /phút tùy theo cân nặng hoặc lứa tuổi ở trẻ em.
• Nhiệt độ cài đặt ban đầu có thể từ 30 - 35 độ C tùy theo điều kiện thời tiết và cảm nhận
của người bệnh (khô mũi) và độ ẩm nên duy trì từ 35-40% ở những vùng khí hậu nóng
và khô để tránh tình trạng kích ứng mũi.
6.4. Theo dõi bệnh nhân Covid-19 bị ARDS điều trị bằng HFNC
• Cần phải theo dõi tri giác (thay đổi ý thức, ngủ gà, lơ mơ, lú lẫn, hôn mê); tình trạng
hô hấp (mức độ khó thở, nhịp thở, co kéo cơ hô hấp phụ); tuần hoàn: nhip tim, tưới máu
ngoại vi, huyết áp, tím tái da niêm; theo dõi SpO2 và chỉ số ROX mỗi 15 – 30 phút
trong 2 giờ đầu và mỗi 30 – 60 phút trong 4-6 giờ tiếp theo; nếu có monitoring thì có
thể theo dõi SpO2 liên tục.
• Cần phải kiểm tra hệ thống dây thở HFNC, bộ phận làm ẩm, canula mũi mỗi giờ và sự
dung nạp của bệnh nhân Covid-19. Có thể làm khí máu động mạch (KMĐM) mỗi 6 - 8
giờ trong 24 giờ đầu sau đó là mỗi 24 giờ trong những ngày tiếp theo.
6
• Các dấu hiệu sớm tiên lượng thất bại với HFNC bao gồm nhịp thở > 35 lần/ phút, hô
hấp đảo ngược và co kéo cơ hô hấp, cánh mũi phập phòng, tím tái đầu chi; SpO2 < 88%
với HFNC tối ưu (FiO2 = 1; dòng 60 lít/phút); toan hô hấp PaCO2 > 55 mmHg và pH
< 7.32; ROX < 3.47 sau 4 giờ HFNC hoặc ROX < 3.85 sau 8 giờ HFNC (Hình 4); rối
loạn ý thức (GCS ≤ 8 điểm); tình trạng huyết động không ổn định (nhịp tim > 140
lần/phút, HATT < 90 mHg).

Hình 4. Theo dõi bệnh nhân Covid-19 bị ARDS điều trị bằng HFNC thông qua chỉ số
ROX. (Cải biên từ JD Ricard et al. Intensive Care Medicine 2020).
6.5. Quy trình cai HFNC ở bệnh nhân Covid-19 bị ARDS
Do tổn thương phổi cấp gây suy hô hấp tiến triển ở bệnh nhân bị Covid-19 nặng phần lớn
đáp ứng với điều trị và hồi phục sau 7 – 14 ngày nếu không có biến chứng nặng như thuyên
tắc mạch huyết khối (thuyên tắc mạch máu phổi, mạch não, mạch vành và mạch máu thận),
suy thận cấp tiến triển, choáng nhiễm trùng, hội chứng suy đa tạng, đông máu nội mạc lan tỏa,
viêm cơ tim nặng do cytokine; do vậy cần phải cai HFNC khi tình trạng giảm oxy máu do suy
hô hấp tiến triển bắt đầu hồi phục.
• Một điều cần phải lưu ý là tổn thương phổi do sử dụng oxy nguyên chất (FiO2 = 1,0
hay 100%) có thể xảy ra rất sớm trong vòng 24 giờ do vậy cần phải ưu tiên giảm FiO2
trước ngay khi SpO2>96% và duy trì FiO2 tối thiểu sao cho 96% ≥ SpO2 >92%.
• Tiếp tục duy trì dòng 60 lít/phút và FiO2 tối thiểu như vậy trong vòng 24 giờ. Sau đó
tiếp tục giảm SpO2 trong 24 giờ tiếp theo xuống còn FiO2 = 0,4 (40%) và phải duy trì
96% ≥ SpO2 >94% trong vòng 24 giờ.

• Những ngày tiếp theo giảm dần dòng mỗi 5 lít / 4-6 giờ và luôn bảo đảm ngưỡng 96%
≥ SpO2 >94%. Khi lưu lượng dòng còn 15 lít/phút và SpO2 ≥ 94% thì có thể chuyển
sang thở oxy liệu pháp thông thường qua ống thông mũi hoặc qua mặt nạ.
7
7. Kết luận
HFNC là một phương thức điều trị có nhiều ưu điểm trong suy hô hấp tiến triển ở bệnh
nhân bị Covid-19 nặng, đặc biệt là khi phối hợp với trị liệu bằng tư thế nằm sấp. Chỉ định điều
trị HFNC ở bệnh nhân Covid-19 có ARDS là một chọn lựa hợp lý trên những bệnh nhân phù
hợp nhằm cải thiện tình trạng suy hô hấp và tránh được nguy cơ đặt NKQ – thở máy sớm. Do
vậy việc hiểu rõ về hiệu quả điều trị, các chỉ định – chống chỉ định và các bước thực hiện –
theo dõi – đánh giá bệnh nhân Covid-19 là rất cần thiết cho các thầy thuốc và CBYT làm công
tác cấp cứu – hồi sức bệnh nhân Covid-19 bị suy hô hấp tiến triển tại các đơn nguyên điều trị.
Một số tài liệu tham khảo
1. Ricard, JD., Roca, O., Lemiale, V. et al. Use of nasal high flow oxygen during acute respiratory failure.
Intensive Care Med 2020.
2. Delbove A, Foubert A, Mateos F, Guy T, Gousseff M. High flow nasal cannula oxygenation in COVID-19
related acute respiratory distress syndrome: a safe way to avoid endotracheal intubation? Ther Adv Respir
Dis. 2021.
3. Panadero C, Abad-Fernández A, Rio-Ramirez MT, Acosta Gutierrez CM, Calderon-Alcala M, Lopez-
Riolobos C, Matesanz-Lopez C, Garcia-Prieto F, Diaz-Garcia JM, Raboso-Moreno B, Vasquez-Gambasica
Z, Andres-Ruzafa P, Garcia-Satue JL, Calero-Pardo S, Sagastizabal B, Bautista D, Campos A, González
M, Grande L, Jimenez Fernandez M, Santiago-Ruiz JL, Caravaca Perez P, Alcaraz AJ. High-flow nasal
cannula for Acute Respiratory Distress Syndrome (ARDS) due to COVID-19. Multidiscip Respir Med. 2020.

Bài viết dành tặng cho các y bác sĩ – nhân viên y tế đang công tác tại các đơn vị điều
trị bệnh nhân Covid-19 tầng 2 và 3 tại các bệnh viện dã chiến Bình Dương, BVĐK
Bình Dương, BVĐK Ninh Thuận và ở các cơ sở y tế trên toàn quốc.
Bình Dương, 2 giờ 30 phút, ngày 13/9/2021
GS.TSKH.BS. Dương Quý Sỹ

You might also like