You are on page 1of 6

BÀI 2.

BIẾN TÍNH BÙN ĐỎ XỬ LÝ CHẤT MÀU HỮU CƠ


ThS. Hoàng Thị Thanh

1.1. Mục đích thí nghiệm


Giúp người học có cái nhìn tổng quan về công nghệ sản xuất nhôm từ quặng bauxite theo công
nghệ Bayer và các phương án xử lý chất thải bùn đỏ từ công nghệ này.
Biến tính bùn đỏ - chất thải khó xử lý của ngành công nghiệp khai thác nhôm - để xử lý chất
màu hữu cơ, đưa ra một hướng ứng dụng khả thi cho việc xử lý bùn đỏ trong tương lai.
1.2. Cơ sở lý thuyết
1.2.1. Bùn đỏ
Bùn đỏ là chất thải trong quá trình sản xuất nhôm từ quặng Bauxite. Quặng Bauxite ở nước ta
hiện nay có trữ lượng khoảng 5,5 tỷ tấn tập trung chủ yếu ở vùng cao nguyên, điển hình là vùng cao
nguyên (Lâm Đồng, Tây Nguyên,...) và trung du miền núi phía Bắc.
Bùn đỏ được hình thành sau giai đoạn hòa tan quặng Bauxite bằng NaOH trong lĩnh vực luyện
nhôm theo công nghệ Bayer. Dưới góc độ môi trường thì bùn đỏ được quan tâm nhất bởi nó là hỗn
hợp của các chất như sắt, mangan, ….và một lượng xút dư thừa do quá trình hòa tách quặng alumin.
Bùn đỏ luôn là vấn đề cần quan tâm xử lý về mặt môi trường, mặc dù không phải chất thải nguy
hại, nhưng do lượng chất thải ra lớn, hạt rất mịn nếu thải trực tiếp ra môi trường sẽ gây hậu quả: mất
khả năng sử dụng đất trong thời gian dài do phải mất rất lớn diện tích đất để lưu trữ; nguy cơ gây ra
rửa trôi, lũ bùn làm ô nhiễm môi trường nước mặt trên diện rộng trong mùa mưa lũ; lượng xút dư thừa
trong bùn đỏ thấm vào đất, đồng thời ngấm xuống đất gây ô nhiễm cả nguồn nước ngầm; kích thước
các hạt bùn đỏ rất nhỏ dễ phát tán trong không khí khi được làm khô [1]. Hiện nay, trên thế giới chưa
có nước nào xử lý triệt để được vấn đề bùn đỏ, cách phổ biến mà người ta vẫn thường làm là cô lập
bùn đỏ bằng cách chứa nó trong những bể lưu nhằm giảm tác động trực tiếp lên môi trường. Tuy nhiên
từ đó lại nảy sinh các rủi ro cao tại các hồ chứa bùn đỏ. Đã có nhiều nghiên cứu trong và ngoài nước
thu hồi kim loại từ bùn đỏ, tái sử dụng bùn đỏ làm các loại vật liệu xây dựng như thép, xi măng, gạch
block, gạch nung…
Bùn đỏ được thải ra ngoài môi trường ở dạng lỏng-sệt, gồm 2 pha: pha lỏng và pha rắn [2].
- Pha lỏng của bùn đỏ: Pha lỏng của bùn đỏ được đặc trưng bởi thành phần hóa học của 3 cấu tử
Na2Ot (NaOH + Na2CO3), Na2O, (NaOH) và Al2O3.
- Pha rắn của bùn đỏ: Pha rắn của bùn đỏ được đặc trưng bởi các yếu tố chính như thành phần
hóa học, khoáng.
+ Thành phần hóa học: khoáng sắt hematite (30-60%), Al(OH)3 (10-20%), SiO2 (3-5%), Na2O
(2-10%), CaO (2-8%), TiO2 (2-5%),...
+ Thành phần khoáng: về định tính thì tương tự như thành phần của bauxite nhưng thay đổi về
định lượng và có thêm hai pha mới là Na 2O.Al2O3.2SiO2.nH2O và hợp chất có thành phần dao động
của CaO với các cấu tử Al2O3, Na2O và SiO2.
Bảng 1.1. Thành phần hóa học của bùn đỏ [2]
(Nhà máy alumin Tân Rai - Công ty TNHH MTV nhôm Lâm Đồng)
STT Thành phần hóa Hàm lượng (%)
1 Fe2O3 56.05
2 Al2O3 13.65
3 SiO2 7.40
4 Na2O 3.63
5 CaO 3.10
6 TiO2 0.15
7 Khác 3.27
8 MKN 12.50

1.2.2. Vật liệu từ tính


Vật liệu từ tính được nghiên cứu ứng dụng trong nhiều lĩnh vực công nghệ hiện đại. Sự cải tiến
trong quy trình sản xuất cùng với khả năng kiểm soát nghiêm ngặt đã tạo ra được các vật liệu từ tính
có cấu trúc micromet và nanomet, vật liệu từ tính dạng màng mỏng được tạo thành bởi sự xen kẽ các
lớp vật liệu từ tính hay phi từ tính.
Trong phân loại vật liệu từ tính Fe3O4 được xếp vào nhóm vật liệu Ferit là nhóm vật liệu từ có
công thức tổng quát MO.Fe2O3 và có cấu trúc Spinel, trong đó M là một kim loại hóa trị II như Fe, Ni,
Co, Mn, Zn, Mg, Cu…Trong loại vật liệu này các ion oxy có bán kính lớn hơn bán kính của ion kim
loại (0,6 – 0,8 Ȧ) nên chúng nằm rất sát nhau và sắp xếp thành một mạng có cấu trúc lập phương tâm
mặt xếp chặt. Trong mạng này có các lỗ hổng thuộc hai loại: lỗ thứ nhất là lỗ hổng tứ diện được giới
hạn bởi 4 ion oxy, loại thứ hai là lỗ hổng bát diện được giới hạn bởi 6 ion oxy. Các ion kim loại M 2+
và Fe3+ sẽ nằm ở các lỗ hổng này và tạo nên hai dạng cấu trúc spinel của nhóm vật liệu Ferit.

Hình 1. Cấu trúc tinh thể oxyt Sắt từ


Vật liệu sắt từ thường có tính trễ từ do vật liệu có tính dị hướng theo trục tinh thể. Tuy nhiên,
nếu kích thước hạt nhỏ, chuyển động nhiệt sẽ phá vỡ trạng thái trật tự từ giữa các hạt thì vật liệu sắt từ
trở thành vật liệu siêu thuận từ. Đặc điểm quan trọng của vật liệu siêu thuận từ là có từ tính lớn khi có
từ trường ngoài và mất từ tính khi từ trường ngoài bằng không.
Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng bản thân kích thước hạt cũng ảnh hưởng đến cấu trúc đômen của
vật liệu và từ đó ảnh hưởng đến đường cong từ hóa của vật liệu. Khi kích thước của hạt từ giảm đến
một giới hạn nhất định thì sự hình thành của các đômen không còn mạnh và không còn được ưu tiên
nữa.
Oxyt sắt từ có phạm vi ứng dụng rộng rãi như ghi từ, in ấn, sơn phú….Các vật liệu này thường
là Fe3O4 dạng hạt. Trong nhiều nghiên cứu hiện nay tập trung vào hạt Fe 3O4 có kích thước nano bởi vì
bề mặt từ tính ở kích thước nhỏ có tính chất hoàn toàn khác so với ở dạng khối đó là tính chất siêu
thuận từ.
Với những ưu điểm đó, Fe3O4 là đối tượng nghiên cứu của nhiều nhà khoa học trên thế giới. J. S.
Trujillo Hernandez1 và cộng sự đã tổng hợp thành công nano sắt từ đem hấp phụ Methylene Blue [4].
Năm 2019, Álvaro de Jesús Ruíz và cộng sự đã nghiên cứu tổng hợp nano từ Fe3O4 làm xúc tác phân
hủy Methylene Blue [5].
Trên cơ sở những nghiên cứu đó, thí nghiệm này sẽ chuyển hóa bùn đỏ thành vật liệu từ tính có
khả năng xử lý chất màu hữu cơ bằng cách khử lượng Fe 2O3 về dạng Fe3O4, sau đó cho xử lý chất màu
hữu cơ Methylene Blue, đưa ra một hướng ứng dụng mới cho mục đích giảm thiểu nguy cơ ô nhiễm
gây ra bởi bã thải bùn đỏ.
Phản ứng khử bùn đỏ bằng cacbon có thể xảy ra như sau:
Fe2O3(r) + C(r) + Al2O3(r) + TiO2(r) → Fe3O4(r) + CO(k) + Al2O3(r) + TiO2(r) [6]

1.2.3. Phương pháp đánh giá khả năng xử lý màu của bùn đỏ biến tính đối với
Methylene Blue (MB)
Sử dụng phương pháp phân tích quang phổ UV – VIS, đo độ hấp thu A thay đổi theo thời gian,
tính hiệu suất xử lý chất màu hữu cơ.
Áp dụng công thức:

Trong đó:
- H (%) là hiệu suất của quá trình xúc tác quang
- Co: Nồng độ MB ban đầu (ppm)
- Ct: Nồng độ MB sau xử lý (ppm)
- Ao: Mật độ hấp thu quang của MB ban đầu
- At: Mật độ hấp thu quang của MB sau thời gian t.
Phương pháp phân tích quang phổ UV - VIS là phương pháp dực vào hiệu ứng hấp thụ xảy ra khi
phân tử vật chất tương tác với bức xạ điện từ. Vùng bức xạ được sử dụng trong phương pháp này là
vùng tử ngoại hay khả kiến ứng với bước sóng 200-800nm. Hiện tượng hấp thụ bức xạ điện từ tuân
theo định luật Lambert-Beer [7], [8].
Khi chiếu một chùm tia ánh sáng đơn sắc đi qua một lớp dung dịch có chiều dày L và có nồng độ
là C thì cường độ của tia sáng ban đầu (Io) sẽ bị giảm đi chỉ còn là I. Cường độ bức xạ I bị giảm đi do
quá trình hấp thụ, phản xạ, tán xạ,...
Độ hấp thu quang của một dung dịch đối với một chùm ánh sáng đơn sắc tỷ lệ thuận với độ dày
truyền quang và nồng độ chất tan trong dung dịch.
I
A = log 0 =ε LC
I
Trong đó:
- Io và I: cường độ của tia tới và tia phản xạ tương ứng
- L: chiều dày của dung dịch hấp thụ tính bằng cm
- C: nồng độ dung dịch tính bằng mol/l
- ε : hệ số hấp thu mol phụ thuộc bản chất mỗi chất, bước sóng , nhiệt độ, chiết suất (theo nồng
độ).
- A: độ hấp thu hay mật độ quang

Hình 1.2. Sơ đồ hoạt động cúa máy UV-VIS

1.3. Dụng cụ, thiết bị và hóa chất


1.3.1. Dụng cụ và thiết bị
Becher 500mL : 01
Becher 250mL : 02
Bình tia : 01
Becher 100mL : 01
Cuvet nhựa : 01
Pipet 5mL : 01
Máy đo UV-VIS : 01
Pipet 10mL : 01
Máy ly tâm : 01
Chén nung : 02
Ống ly tâm : 01
Ống đong 100mL : 01
Cân điện tử : 01
Đũa khuấy : 01
Lò nung : 01
BĐM 100mL : 01
Máy khuấy từ + cá từ : 01
BĐM 25mL : 07
Bóp cao su : 01
1.3.2. Nguyên liệu và hóa chất
Bùn đỏ
Than hoạt tính
Methylene blue (MB)
1.4. Tiến hành thí nghiệm
1.4.1. Biến tính bùn đỏ bằng nhiệt độ
- Bước 1: Biến tính bùn đỏ:
Cân 10g bùn đỏ và 0.75g than hoạt tính, đem nghiền trộn đều, chuyển vào chén nung, đem nung
ở nhiệt độ 750oC ở điều kiện yếm khí trong 2 tiếng. Lấy ra khỏi lò nung và để nguội.
- Bước 2: Lọc rửa hỗn hợp rắn sau nung:
Đem hỗn hợp rắn thu được cho vào becher 500 mL, khuấy đều sau đó để yên cho cacbon nổi lên
trên, đổ bỏ phần nước lẫn cacbon phía trên. Tiến hành rửa loại cacbon từ 5 – 6 lần, sau đó đem
chất rắn thu được sấy ở 100oC cho đến khối lượng không đổi.
- Bước 3: Thử tính chất của bùn đỏ biến tính:
Dùng cá từ có sẵn trong PTN cho vào lượng bùn đỏ biến tính thu được ở trên (ghi nhận hiện
tượng và nhận xét).
1.4.2. Đánh giá khả năng xử lý màu Methylene Blue (MB) của bùn đỏ đã bị biến tính
1.4.2.1. Lập đường chuẩn của MB:
- Pha 100mL dung dịch MB 100ppm (100mg/l). Từ dung dịch MB 100ppm pha thành các dung
dịch có nồng độ MB là: 2ppm, 4ppm, 6ppm, 8ppm, 10ppm, 12ppm, 14ppm (sử dụng bình định
mức 25mL). Tiến hành đo quang các dung dịch có nồng độ đã pha ở trên với bước sóng là
650nm.
1.4.2.2. Thực hiện xử lý MB bằng bùn đỏ sau khi đã được biến tính:
- Bước 1: Chuẩn bị sẵn 1g mẫu bùn đỏ biến tính và bùn đỏ nguyên liệu ban đầu (có thể nghiền
mịn 02 mẫu bằng cối nghiền).
- Bước 2: Chuẩn bị dung dịch màu hữu cơ MB:
Chuẩn bị 200mL dung dịch MB có nồng độ 14ppm từ dung dịch MB 100ppm (đã có sẵn ở thí
nghiệm lập đường chuẩn).
Lần lượt cho vào 02 becher 250mL mỗi becher khoảng 100mL dung dịch MB nồng độ 14ppm,
đo độ mật độ quang của dung dịch MB 14ppm (Ao).
- Bước 3: Xử lý chất màu hữu cơ MB bằng bùn đỏ biến tính:
Cho 0,2g bùn đỏ biến tính vào 100mL dung dịch MB 14ppm đã chuẩn bị ở trên, tiến hành khuấy
dung dịch trên máy khuấy từ ở nhiệt độ phòng. Sau khi khuấy được 15 phút, dùng pipet lấy 5
ml dung dịch, li tâm tách chất rắn và đo mật độ quang (A t), thực hiện quá trình này cho đến khi
dung dịch MB mất màu hoàn toàn (nếu dung dịch không mất màu hoàn toàn thì quá trình dừng
khi thời gian đạt 120 phút tính từ lúc bắt đầu khuấy dung dịch).
- Bước 4: Tiến hành tương tự thí nghiệm 3 nhưng thay bùn đỏ biến tính bằng mẫu bùn đỏ nguyên
liệu ban đầu (bùn đỏ chưa biến tính).
- Bước 5: So sánh khả năng xử lý chất màu hữu cơ của bùn đỏ biến tính và bùn đỏ chưa biến tính.
1.5. Tính toán và đánh giá kết quả
1. Thiết lập sơ đồ khối quy trình biến tính bùn đỏ để xử lý chất màu hữu cơ?
2. Hãy trình bày những hiểu biết của bạn về chất màu hữu cơ?
3. Đo nhiễu xạ tia X của mẫu bùn đỏ trước và sau khi biến tính? Dựa vào kết quả đo để đưa ra nhận
xét và kết luận về vật liệu?
4. Tính toán, pha chế dung dịch MB 100ppm, từ đó pha ra các dung dịch MB có nồng độ 2ppm,
4ppm, 6ppm,….lập đường chuẩn của dung dịch MB ?
5. Tính hiệu suất xử lý chất màu và vẽ đồ thị phụ thuộc của H(%) vào thời gian? Dựa trên kết quả
tính toán được hãy nhận xét và kết luận về khả năng xử lý chất màu của bùn đỏ nguyên liệu và
bùn đỏ biến tính?
1.6. Tài liệu tham khảo
[1]. Vũ Xuân Minh, “Nghiên cứu hoạt hóa bùn đỏ để hấp phụ một số Anion ô nhiễm trong môi
trường nước”, Viện hàn lâm khoa học và công nghệ Việt Nam, 2017.
[2]. Lê Văn Quang, “Nghiên cứu chế tạo gạch xây không nung hệ geopolymer từ bùn đỏ Tân Rai
Lâm Đồng”, Viện Khoa học Công nghê Xây dựng, 2019.
[3]. Yanyan Liu, Bochao Zhao, Yang Tang, Pingyu Wan, Yongmei Chen and Zijian Lv, “Recycling
of iron from red mud by magnetic separation after co-roasting with pyrite”, Thermochimica
Acta, vol. 51, p. 22-30, 2014.
[4]. J. S. Trujillo Hernandez1 et al, “Preparation of Fe3O4 Nanoparticles and Removal of Methylene
Blue through Adsorption”, Journal of Physics: Conference Series, vol. 614, 2015.
[5]. Álvaro de Jesús Ruíz-Baltazar et al, “Eco-friendly synthesis of Fe3O4 nanoparticles: Evaluation
of their catalytic activity in methylene blue degradation by kinetic adsorption models”, Elsivier,
vol. 12, p. 989-995, 2019.
[6]. Sumedh Gostu, “Investigation of carbon-based reductant, lowtemperature process for
conversion of hematite in red-mud to magnetite”, Colorado school of Mines, 2016.
[7]. Trần Tứ Hiếu, Phân tích trắc quang, NXB Đại học Quốc gia Hà Nội, 2008.
[8]. Phạm Luận, Phương pháp phân tích phổ nguyên tử, NXB Đại học Quốc gia Hà Nội, 2006.

You might also like