You are on page 1of 4

Bài 1 (1 tiết)

PHÂN LOẠI VÀ TÍNH CHẤT CHUNG CỦA CÁC NGUYÊN TỐ

MỤC TIÊU
1. Trình bày được cách phân loại các nguyên tố dựa vào cấu hình electron.
2. Trình bày được các tính chất chung của các nguyên tố.

1. Phân loại các nguyên tố


Dựa vào cấu hình electron, các nguyên tố được chia thành 2 loại:
1.1. Nguyên tố chính
Nguyên tố chính là những nguyên tố thuộc các nhóm A, có lớp vỏ electron ngoài
cùng đang được xây dựng trên phân lớp s (gọi là các nguyên tố s) hay trên phân lớp p
(gọi là các nguyên tố p). Vì vậy lớp ngoài cùng chỉ chứa tối đa 8 electron, ứng với cấu
hình bão hòa ns2np6, dẫn đến hình thành 8 nhóm nguyên tố A từ IA đến VIIIA.
Các nguyên tố trong cùng một nhóm có số electron lớp ngoài cùng giống nhau và
bằng số thứ tự của nhóm.
Cấu hình electron rút gọn của nguyên tố s là ns1→2.
Cấu hình electron rút gọn của nguyên tố p là ns2np1→6.
1.2. Nguyên tố chuyển tiếp
Nguyên tố chuyển tiếp là những nguyên tố thuộc các nhóm B. Gồm những nguyên
tố mà nguyên tử của chúng đang xây dựng lớp vỏ electron trên phân lớp d của lớp thứ
hai kể từ ngoài vào hoặc phân lớp f của lớp thứ ba kể từ ngoài vào.
Cấu hình electron rút gọn của nguyên tố d là (n – 1)d1→10ns2.
Cấu hình electron rút gọn của nguyên tố f là (n – 2)f1→14(n – 1)d0(1)ns2.
Nguyên tố chuyển tiếp “ngoài” vì các electron đang lấp đầy phân lớp d của lớp sát
ngoài (n - 1) và nguyên tố chuyển tiếp “trong” vì các electron đang lấp đầy phân lớp f
của lớp sâu phía “trong” nữa (lớp thứ ba kể từ ngoài vào).
2. Tính chất chung của các nguyên tố
2.1. Đặc tính chung
Các nguyên tố chuyển tiếp có nhiều tính chất lý hóa khác biệt với các nguyên tố
chính. Tính chất của chúng ít bị biến đổi hơn, ví dụ trong khi các nguyên tố chính trong
mỗi chu kỳ biến đổi từ kim loại sang phi kim, thì tất cả các nguyên tố chuyển tiếp đều là
kim loại.
Các nguyên tố chuyển tiếp có nhiều biến đổi đa dạng và phức tạp, phần lớn các
nguyên tố chính đều không có màu và nghịch từ, thì nhiều kim loại chuyển tiếp và hợp
chất của chúng có màu và thuận từ. Nguyên nhân sự khác nhau là do sự khác nhau về
cấu hình electron giữa 2 loại nguyên tố.
2.2. Kích thước nguyên tử và tính chất vật lý
Trong một chu kỳ từ trái sang phải, trong khi bán kính nguyên tử của các nguyên tố
nhóm A giảm đều đặn, thì ngược lại, bán kính nguyên tử của các nguyên tố chuyển tiếp
chỉ giảm ở những nguyên tố đầu dãy, còn sau đó hầu như không thay đổi. Do các
electron điền đầy trên các orbital d phía trong và co lại đã chắn mạnh các electron ns lớp
ngoài, nên kích thước nguyên tử của các nguyên tố này gần giống nhau.
Khi đi từ trên xuống trong các nhóm B, bán kính nguyên tử và ion cùng dạng tăng
nhưng chậm từ nguyên tố chu kỳ 4 đến nguyên tố chu kỳ 5, nhưng hầu như không tăng
từ nguyên tố chu kỳ 5 đến nguyên tố chu kỳ 6. Trong khi đó, từ trên xuống trong các
nhóm A, bán kính nguyên tử của các nguyên tố tăng rất lớn vì ảnh hưởng của sự tăng số
lớp n mạnh hơn ảnh hưởng của sự tăng điện tích hạt nhân.
Từ trái sang phải của chu kỳ, thế ion hóa thứ nhất của các nguyên tố chuyển tiếp
chỉ tăng không đáng kể, vì sự co d đã làm cho sức hút của hạt nhân đối với electron ns
gần như là hằng số. Xu hướng này trái ngược với các nguyên tố nhóm A (ví dụ từ Li đến
F, năng lượng ion hóa thứ nhất tăng 3 lần).
Từ trên xuống trong một nhóm nguyên tố B, điện tích hạt nhân tăng lên rất nhiều
(trong khi bán kính nguyên tử tăng không đáng kể), vì vậy năng lượng ion hóa thứ nhất
tăng. Điều này ngược với các nguyên tố nhóm A đều có thế ion hóa thứ nhất giảm do
bán kính nguyên tử tăng mạnh.
Do kích thước nguyên tử thay đổi nhỏ trong một chu kỳ, do đó độ âm điện của các
nguyên tố chuyển tiếp cũng không khác nhau nhiều. Điều này ngược với các nguyên tố
nhóm A có độ âm điện tăng rõ rệt trong một chu kỳ.
2.3. Tính chất hóa học
- Các trạng thái oxy hóa:
Một trong những tính chất hóa học đặc trưng của các kim loại chuyển tiếp là có
nhiều số oxy hóa. Vì các năng lượng ns và (n - 1)d có năng lượng rất gần nhau, các
nguyên tố chuyển tiếp có thể được kích thích để các electron trên các phân lớp ấy tham
gia liên kết. Đây là điểm khác biệt so với các nguyên tố ở các nhóm A, các nguyên tố chỉ
thể hiện một hoặc hai số oxy hóa trong các hợp chất. Số oxy hóa +2 phổ biến nhất cho
hầu hết các nguyên tố chuyển tiếp d vì các electron ns2 rất dễ tách ra.
- Tính kim loại:
Các nguyên tố chuyển tiếp đều là kim loại vì đều có 2 electron hoặc hiếm hơn có 1
electron ở lớp ngoài cùng. Khi chuyển thành trạng thái oxy hóa thấp, chẳng hạn +2 thì
các nguyên tố chuyển tiếp thể hiện tính kim loại gần như các kim loại trong nhóm IIIA,
IVA, VA, trừ các nguyên tố nhóm IB và một số nguyên tố phía dưới của nhóm IIB,
VIIB, VIIIB.
- Sự biến đổi tính chất hóa học:
+ Các nguyên tố chính: trong một nhóm đi từ trên xuống, tính kim loại tăng dần.
Trong một chu kỳ đi từ trái sang phải tính kim loại giảm, các nguyên tố biến đổi từ kim
loại đến á kim và phi kim.
+ Các nguyên tố chuyển tiếp:
Trong một nhóm đi từ trên xuống, hoạt tính hóa học của kim loại chuyển tiếp giảm
dần, nguyên tố nặng hơn kém hoạt động hơn. Sự tương tự về kích thước nguyên tử làm
cho các nguyên tố này không những gần nhau về tính chất hóa học mà thường tồn tại
cùng nhau trong tự nhiên nên khó khăn để tách biệt chúng.
Từ trái sang phải trong một chu kỳ, độ hoạt động của các kim loại chuyển tiếp giảm
(trừ Mn và Zn) nhưng chúng có thể giải phóng hydro ra khỏi acid và nước (nước nóng
hoặc hơi nước) (trừ Cu).
2.4. Tạo phức chất
Các nguyên tố chuyển tiếp nhờ có phụ tầng d hoặc f chưa đầy đủ điện tử nên rất
thuận lợi tạo thành phức chất. Ví dụ: [Fe(CN) 6]3–, [Cu(NH3)4]2+… Còn các nguyên tố
chính thì tương đối ít cho hơn.
2.5. Màu sắc và từ tính
Hầu hết các hợp chất ion của kim loại nhóm chính A không có màu vì các ion ở lớp
ngoài cùng đã bão hòa các phân lớp (cấu hình electron của khí hiếm). Chỉ có những
lượng tử năng lượng rất lớn mới kích thích và chuyển được electron lên các orbital, do
đó ion không hấp thụ được ánh sáng nhìn thấy có năng lượng thấp.
Ngược lại các electron chưa lấp đầy phân lớp d trong các ion của kim loại chuyển
tiếp có thể hấp thụ ánh sáng nhìn thấy để chuyển từ orbital d thấp lên orbital d cao hơn.
Đây chính là lý do của hiện tượng các hợp chất của kim loại chuyển tiếp thường có màu
sắc nổi bật.
Từ tính cũng phụ thuộc vào sự phân bố electron trên các orbital. Chất thuận từ có
nguyên tử hoặc ion chứa electron độc thân, bị từ trường ngoài hút. Chất nghịch từ chỉ có
các electron đã ghép đôi, không quay theo từ trường ngoài.
Phần lớn các kim loại nhóm A nghịch từ vì các electron trong chúng đều ghép đôi.
Trái lại, rất nhiều hợp chất của kim loại chuyển tiếp thuận từ vì có electron d độc thân.
Các ion có cấu hình electron d 0 hoặc d10 không hấp thụ ánh sáng nhìn thấy nên
không màu, đồng thời nghịch từ.
LƯỢNG GIÁ
1. Trình bày cách phân loại các nguyên tố dựa vào cấu hình electron?
2. Trình bày về đặc tính chung của các nguyên tố?
3. Trình bày kích thước nguyên tử và tính chất vật lý của các nguyên tố?
4. Trình bày tính chất hóa học của các nguyên tố?
5. Trình bày về màu sắc, từ tính và khả năng tạo phức chất của các nguyên tố?

You might also like