You are on page 1of 9

Văn học Nga "Thế kỷ Bạc"

như một chỉnh thể phức tạp

Ở nước Nga, những ý kiến về triết gia người Đức này cũng cực kì đa dạng, trong đó phản
xạ phê phán Nietzsche đi trước sự tiếp nhận ông trong sáng tạo nghệ thuật và sau đó thì
thường xuyên đi kèm với nó. Nếu L. Tolstoi (và nhiều người đồng ý kiến với ông) nhìn thấy
ở tư tưởng cái tôi cá nhân của Nietzsche sự cổ suý cho tư tưởng chống xã hội, chống nhân
dân vì lợi ích của giai cấp cầm quyền, còn L. Seshtov (trước hết là cuốn sách có nhan
đề Dostoevski và Nietzsche, 1902 của ông) nhìn thấy “bi kịch triết học”, sự thật chân xác về
con người hiện đại, sự cô đơn và đày ải tiền định của nó, thì những người Nga khác lại giải
thích Nietzsche gần với tinh thần khẳng định. Còn một điều thú vị nữa là sự tiếp nhận đó
xảy ra ở môi trường xa lạ với Nietzsche – ở phe cánh tả đối lập về mặt chính trị với chính
quyền hiện hành. Một số các nhà hoạt động quan trọng của tổ chức này coi Nietzsche như
bạn đồng minh trong cuộc đấu tranh giải phóng cá nhân.

Dấu hiệu đầu tiên xuất phát từ N.K. Mikhailovski, người kiên định bảo vệ ý nghĩa
quan trọng của cuộc nổi dậy tinh thần nơi Nietzsche: “Cá nhân con người đối với ông là
thước đo mọi vật; tuy nhiên, bên cạnh đó, ông đòi hỏi phải có cuộc sống đủ đầy cho nó, đối
lập lại mọi lợi ích, mọi điều kiện có thể giảm thiểu lòng tự trọng của con người, cho nên ở
đây nói về sự ích kỉ trong ý nghĩa dung tục tầm thường của từ này và về cái gọi là “phi đạo
đức” nào đó, là không thể”(37).

Giải thích thái độ “bất ngờ” của Mikhailovski, người ủng hộ “tinh thần vị tha xã hội”,
đối với Nietzsche, khoa học về văn học hiện đại chỉ ra sự khiếm thiếu yếu tố cá nhân trong
tư tưởng xã hội Nga thời kì đó và sự bổ sung bằng “tư tưởng Nietzsche” của Mikhailovski;
nó lưu ý rằng những vấn đề cơ bản mà Mikhailovski bước đầu đề cập tới, sau trở thành đối
tượng luận bàn về Nietzsche, kể cả ở phe thuộc hệ tư tưởng đối lập(38). Những người phản
biện nhau gặp nhau ở cái điểm mà họ đều coi là không thể chấp nhận được nơi Nietzsche –
họ không chỉ nhất tề quay lưng lại “triết học sức mạnh” của ông, (giống như Tomac Man),
mà còn tích cực hạ uy tín của nó, nhưng đồng thời lại chỉ ra rằng cái có giá trị trong học
thuyết của Nietzsche có trọng lượng hơn nhiều so với những cái có hại.

Tư tưởng triết học tôn giáo Nga mà đại diện là Vladimir Soloviev khởi đầu đơn thuần
coi học thuyết Nietzsche là một “hiện tượng phản động” (Bước đầu tiên hướng tới mĩ học
chính diện, 1894), nhưng sau đó nhìn nhận nó có phần phức hợp hơn, chú ý tới ý nghĩa tích
cực của tư tưởng “siêu nhân”, coi đó như lời kêu gọi hoàn thiện bản chất con người, song
cho rằng ý nghĩa tích cực ấy đã bị bóp méo bởi những lí giải giả trá (Tư tưởng siêu
nhân, 1899). Thái độ tiếp theo của giới này đối với triết gia Đức có phần thông cảm hơn,
thậm chí có lúc mang tính chất biện hộ. Lờ đi những cái không thể chấp nhận được trong
giao giảng của triết gia, họ tiếp cận ông và gắn ông với bản thân mình theo cách riêng.
Giống như các quá trình của tư tưởng xã hội, tư tưởng triết học tôn giáo mới của Nga cũng
cố khắc phục sự thiếu hụt yếu tố cá nhân trong đạo Kitô chính thống, “lịch sử” (như họ gọi),
tìm kiếm sự ủng hộ nơi Nietzsche.

Trong văn học nghệ thuật, biên độ phổ biến tư tưởng cá nhân ngã thể của Nietzsche
(từ các nhà tượng trưng chủ nghĩa tinh tế tới các nhà hiện thực “đời thường”), cũng như
những lí giải đa dạng về nó, cũng rất rộng. Tư tưởng “siêu nhân” biểu hiện rõ cả trong diện
mạo một cá nhân duy kỉ đặt mình bên kia bờ thiện, ác (thí dụ, trong thơ tượng trưng giai
đoạn đầu), cả ở “khả năng linh thị về một sinh linh ta không thể hiểu nổi, nhưng đầy nhân
tính, đã thực hiện mọi khả năng tiềm ẩn trong nó và toàn quyền sở hữu sức mạnh, hạnh phúc
và tự do”(39), không chà đạp lên đồng loại. Đó là những lời trong Truyện về Sergei
Petrovich (1900) của Leonid Andreev, người tiếp nhận Nietzsche khác với phái suy đồi,
khác cả với Tolstoi hay Seshtov. Cũng theo tinh thần ấy là sự tiếp nhận của Gorki thời trẻ;
ông viết cho A.L. Volynski năm 1897: “Tôi thích (...) Nietzsche”(40). Về hiện tượng “tình
yêu bản thân” (ngụ ý cả Nietzsche) cả Merezhkovski, cả nhân vật trong Trận quyết đấu của
Kuprin (một phần là alter ego của tác giả) Nazanski, đều nói. Ở trường hợp đầu, từ “bản
thân” thậm chí còn viết hoa; tuy nhiên, sự sùng bái bản thân – theo tinh thần Kitô giáo mới
của Merezhkovski – không tách khỏi “tình yêu vĩ đại đối với những người khác, khỏi chiến
công tôn giáo quên mình”(41). Nietzsche của Kuprin, ngược lại, đối lập “tình yêu bản thân”
với luân lí Kitô giáo (tình thương “trâu bò” đối với đồng loại, nhưng đồng thời lại có khả
năng cảm nhận “nồng nhiệt” “niềm vui, nỗi buồn của người khác” và suy tưởng về “cuộc
sống tương lai tương tự thánh thần”, trong đó “sẽ không còn nô lệ, không còn chủ nô”(42).
Điểm nhấn đặc biệt vào nội dung nhân văn trong triết học Nietzsche, thậm chí vào yếu tố xã
hội ẩn đằng sau cảm xúc cá nhân, về nhiều phương diện, đã xác định chính nét độc đáo của
“Nietzsche Nga”.

Tiếp nhận ảnh hưởng Nietzsche – không còn nghi ngờ, là đặc tính chung của quá
trình văn học Nga giao thời hai thế kỉ. Nó giúp hình thành một trong những tư tưởng cơ bản
của quá trình văn học này - khẳng định giá trị tự thân của cá nhân - trong những cách hiểu đa
dạng nhất, đôi khi là đối lập. Tuy nhiên, sự tiếp nhận Nietzsche không mang lại điều gì hoàn
toàn mới mẻ cho đời sống tinh thần Nga. Ở lĩnh vực này nó được nuôi dưỡng trước hết bởi
chính những cội nguồn gốc rễ của mình. Nietzsche được đọc thông qua lăng kính truyền
thống văn hoá dân tộc. Điều này, trước hết, lí giải sự chuyển hoá những tư tưởng của triết
gia Đức trong môi trường Nga. Cả tinh thần hợp quần (sobornost) của người Nga cũng nhập
cư vào một “Nietzsche Nga” đã được nhân đạo hóa. Mặt khác, nguồn gốc các yếu tố cá nhân
thuần tuý chủ nghĩa cũng được tìm kiếm trong tư tưởng dân tộc. Ám chỉ những nguồn gốc
đó, năm 1899 V.S. Soloviev viết: “Tôi nhận thấy ở Lermontov, một ông tổ trực tiếp của tâm
trạng tinh thần, của khuynh hướng tình cảm, tư tưởng, đôi khi cả hành động, mà nói ngắn
gọn có thể gọi là “chủ nghĩa Nietzsche”(43). Nói tới “những chiều sâu tăm tối của sự hung
bạo, của ham hố quyền lực vô hạn độ, “điều mà bây giờ được F. Nietzsche lí thuyết hoá”,
N.K. Mikhailovski nhận xét: “… Đối với nhà văn Nga, thậm chí là nhà văn không cần sâu
sắc và hiểu biết lắm, những lời đó không phải không quen biết (…) Thiên tài vĩ đại, nói
thẳng là thiên tài khủng khiếp Dostoevski và tính rõ ràng đến nao lòng của những bức tranh
và những hình tượng do ông dựng lên còn làm sáng tỏ những góc khuất của tâm lí con
người hơn là những luận giải của Nietzsche”(44).

Ý nghĩa của di sản cổ điển Nga đối với văn học giao thời thế kỉ đã được nhận thức từ
buổi bình minh của thế kỉ bạc (chúng tôi đã điểm qua cuốn sách của Merezhkovski để chứng
minh điều này). Và cuối cùng thì những sợi chỉ kết nối chắc hơn cả đã có được nhờ sáng tác
của Dostoevski. Mối quan tâm tới ông trong đời sống tinh thần Nga giáp ranh hai thế kỉ là
không thể sánh nổi so với những thập niên trước đó. “Xã hội Nga đang tiếp nhận di sản mà
nó chối bỏ rất lâu”(45), - S.N. Bulgakov viết. Trong sáng tạo nghệ thuật không đếm nổi
những lời viện dẫn thường xuyên tới Dostoevski (từ Belyi và Remizov tới Gorki) và những
cách giải quyết vấn đề của ông đã được các nhà văn đầu thế kỉ XX kiểm chứng thông qua
kinh nghiệm bản thân - kiểm chứng với sự tin tưởng hoàn toàn đối với ông, cũng như những
tranh cãi quyết liệt cùng ông. Song cả hai trường hợp đều khẳng định sự cần thiết của
Dostoevski. Sự cần thiết, một cách gián tiếp, thể hiện cả ở những hiện tượng văn học không
có liên quan trực tiếp tới sáng tác của nhà văn này và cũng không nhận thức được sự lệ
thuộc đối với ông.

Một trong những tuyến kế thừa quan trọng nhất bắt đầu từ Dostoevski là những suy
tư của nhà văn này về số phận từng cá nhân riêng lẻ trong quan hệ của nó với cái chung, đó
là những suy tư căng thẳng nhất trong toàn bộ văn học cổ điển Nga, và cuối cùng cũng là
vấn đề quan trọng nhất - giữa những lí giải khác về vấn đề cá nhân - đối với văn học giao
thời thế kỉ.

Viacheslav Ivanov viết về Dostoevski – “một thi sĩ của bộ sử thi bất tận về cuộc chiến
giữa Chúa trời và quỹ dữ trong trái tim con người”(46), nhắc tới những lời quen thuộc đã trở
thành văn tuyển của Dmitri Karamazov: “Ở đây quỷ giao chiến với Chúa trời và chiến
trường là trái tim con người”(47), trong đó - đặc trưng cho Dostoevski - nội dung bản thể
rộng lớn nhất hiện ra hoàn toàn mang tính cá nhân, trong những xung đột tinh thần của con
người cụ thể. Cặp đối lập “Chúa trời và quỷ dữ” có ý nghĩa vô cùng quan trọng đối với sáng
tác của Dostoevski, còn được nhà văn xác định một cách khác, gần với cốt lõi tư tưởng của
ông hơn, - “Thần - nhân (bogochelovek) và nhân – thần (chelovekobog)”. “Người sẽ tới và
tên Người là nhân – thần”, - Kirilov, một nhân vật trong Lũ người quỷ ám, đã nói lên tư
tưởng cứu thế tâm đắc của mình. “Thần - nhân?” – Stavrogin hỏi lại cho chính xác. “Nhân –
thần, khác nhau ở chỗ ấy đấy”, - Kirilov trả lời. Cặp đối lập này, trên bình diện khái niệm,
được hiểu như sự đối kháng giữa hai quan niệm không tương dung – quan niệm hữu thần và
quan niệm vô thần, “hội thánh” và cá nhân. Nhưng trong thế giới hình tượng của nhà văn,
cặp đối lập này còn hướng tới bản chất tự nhiên của con người, và với tư cách ấy nó đã
không còn mang tính rạch ròi quyết liệt như thế nữa. Trước mắt chúng ta - sự thống nhất của
hai mặt đối lập, trong đó sự gắn kết của cá nhân con người với cái chung cũng quan trọng
như giá trị bản thân nó, ý chí tự do của nó. Nếu như “thần - nhân” gắn với khái niệm về yếu
tố siêu cá nhân trong bản chất con người, thì “nhân – thần” - dấu hiệu của yếu tố cá nhân
trong nội dung hai chiều của nó: sự kính trọng của Dostoevski đối với cái “tôi” độc lập bên
cạnh nỗi sợ hãi trước sự chuyển hoá của ý chí tự do thành chủ nghĩa duy kỉ tùy tiện.

Yếu tố “nhân – thần” của Dostoevski là sự báo hiệu trực tiếp tư tưởng “siêu nhân”
của Nietzsche(48). Về điều này S. Bulgakov cũng đã nói tới, nhấn mạnh sự “vượt trội” của
Dostoevski so với Nietzsche: “(…) tinh thần của nhà viết tiểu thuyết của chúng ta, bên cạnh
tâm hồn Nietzsche-Ivan, còn tỏ ra có khả năng dung nạp cả tâm hồn Aliosa lẫn khí chất tiên
tri của trưởng lão Zosima”(49).
Tính hai chiều và tính mâu thuẫn nội tại – hai “trụ cột” trong tư tưởng của Dostoevski
về con người – phù hợp với quan niệm hai mặt thống nhất về cá nhân con người, mà thực
chất, đã trở thành thành tựu chung của văn học “thế kỉ bạc”. Tính hợp thời của quan niệm
này được xác nhận bởi các quá trình trái ngược trong cuộc sống tinh thần giao thời thế kỉ
được đánh dấu bằng sự gia tăng mãnh liệt tinh thần cá nhân - từ “cái tôi’ nổi loạn được bao
phủ bởi hào quang của chủ nghĩa anh hùng, tới sự gia tăng mối đe dọa về hiện tượng tha hóa.
Bên cạnh đó, tính phức tạp trong thái độ của cá nhân đối với thế giới được văn học mô tả
một cách căng thẳng đặc biệt. Điều này được lí giải, bên cạnh sự bùng nổ của bước ngoặt
lịch sử, còn là kí ức về Dostoevski, về hình tượng thời đại trong những tác phẩm của ông
được nhìn nhận thông qua những tình huống đầy cao trào kịch tính trong cuộc sống, những
xung đột bi thảm và những dục vọng cuồng loạn. Hình tượng ấy nhiều người cùng thời với
Dostoevski coi là không thật, là bệnh hoạn, là cường điệu quá mức, song nhiều hậu sinh lại
tiếp nhận như là một khải thị.

Trong sáng tác của các nhà văn tượng trưng Nga, sự phân cực trong tư tưởng chung
về cá nhân con người trở nên rõ ràng và nổi bật. Sự đối lập “thần - nhân”, và “nhân – thần”,
tư tưởng hợp quần và tư tưởng cá nhân, được đề cập tới, thí dụ, trong cuộc tranh luận giữa
“các nhà tượng trưng chủ nghĩa trẻ” và các nhà văn, nhà thơ theo khuynh hướng suy đồi
những năm 1890. Tuy nhiên, ở đây không có sự khác biệt quá lớn. Sự tiếp nhận hiện tượng
cá nhân như một hiện tượng mang mâu thuẫn nội tại “theo kiểu Dostoevski” có trong tất cả
các nhánh của phong trào tượng trưng chủ nghĩa. Song, trong một số trường hợp, đóng vai
trò quan trọng là khuynh hướng hoà giải các yếu tố cấu thành mang tính đối lập giữa “cái
tôi” và “cái không – tôi”, còn ở những trường hợp khác thì sự bất đồng giữa chúng được thể
hiện mạnh hơn.

Thậm chí sự tôn vinh “cái tôi tự đủ” một cách ồn ào, thách thức, đặc trưng cho
“nhân vật trữ tình của trường phái tượng trưng thời kì đầu” trở nên phức tạp hơn
bởi những “âm hưởng của sự tự phê phán có màu sắc suy đồi”. Quan niệm cá nhân mang
tính mâu thuẫn nội tại được thể hiện sâu sắc và đầy kịch tính trong sáng tác của F.K.
Sologub với sự sùng bái tưởng chừng vô điều kiện “cái tôi” nơi ông cùng với “huyền
thoại” do nó “sáng tạo” ra, song cùng lúc với cả xúc cảm có sức tàn phá về sự cô đơn của
con người tha hóa (trong các bài thơ và trong tiểu thuyết Con quỷ nhỏ). Sự tiếp nhận tình
huống cá nhân cô đơn trong thế giới vừa như là hạnh phúc, vừa như là sự nguyền rủa, đã
làm cho Leonit Andreev, vốn xa lạ trong nhiều cái với các nhà tượng trưng chủ nghĩa, gần
gũi với Sologub. Đối cực “thần - nhân” với “nhân – thần”, theo cách riêng, in đậm dấu ấn
ở nhân vật trữ tình trong thơ của Z.N. Gipnius. Theo nhận xét chính xác của O. Matich,
nhân vật này kết hợp một cách độc đáo những nét của các nhân vật đối kháng của
Dostoevski – “người bảo vệ ý Chúa” và “kẻ chống lại Chúa”. Merezhkovski cũng cố gắng
tìm kiếm con đường tổng hoà. Sự gắn kết dị thường Kitô và phản Kitô trong các tác phẩm
văn học và văn học - triết học của ông không đơn giản là sự phản ứng thần luận đối với
tính lưỡng phân trong bản chất của thần thánh và cũng không chỉ là dấu ấn của “những
xung đột tinh thần bên trong” của nhà văn, được phản chiếu lên cái nền của những mâu
thuẫn đối kháng lịch sử-văn hoá(50), song còn là sự phản ánh tình huống cuộc sống giao
thời thế kỉ - tính hai chiều cực đoan của các yếu tố ngã thể con người. Sự hài hoà, sự “kết
hợp cuối cùng” của các yếu tố này còn ở phía trước, trong tương lai của Giao Ước Thứ ba.

Trường phái tượng trưng chủ nghĩa thế hệ sau cũng thể hiện tính chất phức tạp trong
tiếp nhận cá nhân và sự tham dự của nó trong thế giới. Người ta đưa ra ý kiến về sự đối lập
yếu tố hài hoà trong sáng tác của Blok với yếu tố bất hài hoà trong sáng tác của A. Belyi.
Song sự khác biệt, tất nhiên, không tới mức triệt để: nhân vật trữ tình của Blok nhiều khi bị
chấn động bởi những khủng hoảng của tâm thức “cô liêu”, còn trong thế giới nghệ thuật của
Belyi thường xuyên diễn ra sự tìm kiếm những con đường dẫn tới “tính hợp quần”. Trong
nhánh này của phong trào sáng tác tượng trưng, Viacheslav Ivanov đóng vai trò “người hoà
giải” chính. Trong trường ca Con người (1915-1919) - một trong những tác phẩm thơ của
ông hoàn thành trong giai đoạn trước cách mạng, với cốt truyện trữ tình - triết lí và tính khái
quát đặc biệt, biện chứng của sự đối lập nghiệt ngã giữa yếu tố cá nhân và siêu cá nhân được
kết thúc bằng những lời tán dương sự khắc phục tính đối lập. Tuy nhiên sự tổng hoà chúng
một cách cao cả - vẫn chỉ là kì vọng vào tương lai.

Văn học hiện thực thời kì đó cũng đưa ra những song hành loại hình kì lạ - cả ở
phong trào chung, lẫn ở những hiện tượng riêng biệt(51). Trong dòng văn học này, ở cuối thế
kỉ, sự thể hiện “môi trường quần chúng vẹn toàn” (M.E. Saltykov-tsedrin) theo tinh thần
truyền thống của các nhà văn thập niên 60 thế kỉ XIX và của văn học dân tuý, được đưa
xuống hàng thứ hai, thay vào đó là sự gia tăng mối quan tâm tới số phận cá nhân.

Vào thời kì này, bất chấp những kêu gọi thường xuyên của L. Tolstoi – nhà đạo đức
học Kitô giáo - từ bỏ cái “tôi”, những tác phẩm nghệ thuật nổi bật của ông lại nói về điều
khác. Và cho dù những tác phẩm này có viết về thời kì nào - về đương đại hay về quá khứ
(Khadzhi- Murat, Thây sống, Sau vũ hội, Vì sao?), dù những nhân vật có khác nhau như thế
nào trong những tác phẩm này, dù vẫn giữ những yếu tố nào đó của sử thi, sự miêu tả đầy đủ
thực tiễn xã hội (Khadzhi-Murat), thì cá nhân cụ thể đã trở thành trung tâm tự sự trong các
sáng tác của nhà văn những năm 1890. Loại tự sự khác của nhà văn hình thành trước đó, bắt
đầu những năm 1880 (trong “những truyện ngắn dân gian”, những vở kịch về đời sống nông
dân, Quyền lực bóng tối, v.v...), trong đó đời sống nhân dân được miêu tả một cách “khái
quát”, giờ đây đã bị lấn át.

Trong những tác phẩm cuối cùng của mình, Tolstoi cùng tham dự vào con đường văn
học mới. Motip quan trọng của những tác phẩm này – “sự li khai” của cá nhân khỏi môi
trường xã hội xung quanh – cũng đã trở thành một trong những môtip chủ yếu ở hàng loạt
sáng tác của các nhà văn trẻ tuổi đương thời (Korolenko, Gorki, Andreiev…). Những xung
đột của “con người thừa” mà phe phê bình dân chủ một thời đã nói tới một cách nghiêm
khắc, giờ đây lại xuất hiện trên một bình diện mới. Nhưng sự xung đột giữa xã hội và cá
nhân từ chối nó, được thể hiện thường xuyên hơn trong những hình thức đầy kịch tính căng
thẳng. Gorki không còn gọi những nhân vật được tái sinh bởi văn học của thời đại giao thời
thế kỉ là “những người thừa”, mà là “những người thoát vây”. “Họ không hẳn chỉ là những
kẻ bị hắt hủi, mà chủ yếu còn là những người chủ động chối bỏ”(52), - N.K. Mikhailovski nói
về những vật trong những sáng tác ban đầu của Gorki. Ở đây có một chuyển biến ý nghĩa
đáng để ý. Ở định nghĩa đầu, trọng tâm nhấn vào kết quả đầy kịch tính của quá trình “li
khai”, định nghĩa sau - vào sự nỗ lực thực sự nằm ở nền tảng quá trình đó.

Một đặc điểm khác của những nhân vật mới – cũng vẫn tính hai chiều của yếu tố cá
nhân. Cả ở Khadzhi-Murat, cả ở những người chân đất của Gorki và những nhân vật lãng
mạn trong những truyện cổ tích và thần thoại của ông, và ở hàng loạt những nhân vật tương
tự của các nhà văn khác, cảm xúc cá nhân rõ rệt, quan điểm nổi loạn xã hội không thoả hiệp,
thái độ khinh bỉ tình trạng nô lệ nhiều khi gắn kết với những nét tiêu cực trong tính cách: vị
lợi, cá nhân vô chính phủ. Cách hiểu khác nhau của giới phê bình về hai loại cá nhân đối cực
trong tác phẩm Bà lão Izergil là công bằng, song chưa đủ. Larra - kẻ duy kỉ cá nhân theo
kiểu Nietzsche chà đạp lên người khác và Danko - người vị tha, cuối cùng gắn với nhau bởi
cùng số phận - bị ruồng bỏ, cô độc và xa lạ với nhân quần. Thái độ phức tạp đối với những
vấn đề cá nhân - một đặc điểm nổi trội của văn học giao thời thế kỉ một lần nữa được thể
hiện. Trong văn xuôi Gorki thời kì đầu và của một loạt các nhà văn cùng thời, quan điểm
chiếm ưu thế là quan điểm cá nhân tách khỏi xã hội (cho dù cá nhân đó có những tư tưởng
nhân đạo cao cả), ý thức về sự được lựa chọn của mình.

Sự bùng phát yếu tố cá nhân còn lí giải sức cuốn hút của một kiểu quan hệ xác định
giữa nhân vật và tác giả. Đây là nói về định hướng thường thấy nhằm tới kiểu nhân vật anh
hùng của bi kịch, loại nhân vật trở thành trung tâm tự sự và thể hiện thế giới quan của tác giả,
cho dù ở mức độ khác nhau, - lúc thì không trùng khớp, khi lại rất gần gũi. Khuynh hướng
này đã lôi cuốn văn học Nga giao thời thế kỉ vào dòng chảy của tiến trình văn học thế giới
thời kì đó. “Brand – đó chính là tôi trong những giây phút tốt đẹp nhất của cuộc đời (…)” –
G. Ibsen nói về nhân vật nổi tiếng của mình(53). Sáng tác của tác giả Brand, Đốc tờ
Stokman và những tác phẩm khác với cảm hứng cá nhân mạnh mẽ và tương thích với nó là
“kết cấu nghệ thuật đơn tính” là một trong những hiện tượng có ảnh hưởng hơn cả đối với
văn học nước Nga ở giáp ranh thế kỉ. Với mức độ đồng tham dự tương tự là phong trào văn
học “tân lãng mạn” ở phương Tây đối lập sự phản kháng của cá nhân đơn độc với quyền
năng định mệnh của môi trường đối với con người (J. London với tư cách tác giả chùm
truyện ngắn về vùng đất Clonday, J. Konrad, E. Rostand tác giả vở kịch nổi tiếng Syrano de
Bergerac v.v..).

Trong “thành phần” của quan niệm cá nhân ở thời kì chuyển giao thế kỉ, hiển nhiên
có mặt cả truyền thống “đấu tranh vì cá nhân” (N.K. Mikhailovski) của văn học dân tộc (chủ
nghĩa lãng mạn ba thập niên đầu thế kỉ XIX, “những người thừa” đã được nhắc tới), nhưng
được đổi mới một cách cơ bản theo tinh thần của một thời đại chờ đợi những kịch biến và
chống chủ nghĩa thực chứng. Bậc tiên khu gần gũi với phong trào đổi mới này là sáng tác
của V.M. Garshin, tác giả các truyện Bông hoa đỏ, Attalea princeps... – một kinh nghiệm
thể hiện xung đột giữa cá nhân và thế giới theo lối bi kịch - biểu hiện chủ nghĩa.

Chúng tôi nhận thấy – dù điều này thoạt nhìn có vẻ nghịch lí – tư tưởng và cấu trúc
lấy nhân vật làm trung tâm tìm thấy sự phản ánh cả trong văn học của chủ nghĩa tự nhiên
Nga thời kì đó; tuy nhiên, ở đây nổi lên bình diện hàng đầu là tính khuôn sáo, sự câu nệ vào
truyền thống.

Định hướng tới “những nhân vật không khuất phục và cô độc” (Skitalets) đặc trưng
cho khuynh hướng tân lãng mạn (theo nghĩa rộng của từ) trong văn học Nga những năm
1890-1900, dần biến đổi cùng với sự tới gần của bão táp cách mạng 1905. Phong trào sáng
tác hiện thực chủ nghĩa (và đặc biệt là nhóm sáng tác gần gũi với nhà xuất bản “Tri thức”)
bắt đầu không còn gắn tư tưởng tích cực với chủ nghĩa cá nhân nhân đạo nữa, mà với ý chí
của “nhà hoạt động tập thể”, lôi cuốn theo mình những cá nhân cụ thể, không trùm lấp nó,
mà, ngược lại, giải phóng tiềm năng tinh thần của nó. Nhóm phái các nhà văn tượng trưng
cũng bị cuốn vào lịch sử cách mạng. Phong trào giải phóng được họ tiếp nhận chỉ như một
bước đi, song là bước đi quan trọng trên con đường dẫn tới cuộc cách mạng chân chính, siêu
nghiệm của tinh thần. Tức là, trên con đường dẫn tới “sự thống nhất tất cả”, tới sự hài hoà
những yếu tố cá nhân và yếu tố siêu cá nhân trong quá trình đổi mới thế giới.
Trong giai đoạn văn học tiếp theo – sau thất bại của cuộc cách mạng lần Thứ Nhất -
xuất hiện phong trào sáng tác hiện thực mới đánh mất những hi vọng hào hứng vào sự đổi
mới nhanh chóng dòng chảy lịch sử. Trong dòng văn học này quan niệm về bản nguyên
“tôi” và “không-tôi” lại trở nên phức tạp: chúng được tiếp nhận một cách khác nhau nơi các
nhà văn. Và mặc dù ý tưởng về sự tổng hòa trong tương lai vẫn còn đó, song nó nằm yên ở
tầng sâu lắng của cảm quan thế giới liên quan tới phong trào sáng tác hiện đại chủ nghĩa.
Như vậy, từ những dòng văn học khác nhau hình thành một cái gì đó thống nhất liên quan tới
một trong những vấn đề then chốt của “kỉ nguyên bạc”. Nó không chỉ dẫn đến sự chối từ đơn
giản quan niệm thực chứng chủ nghĩa. Khủng hoảng của thời đại giáp ranh hai thế kỉ làm sâu
sắc thêm cảm nhận về hiểm hoạ kép đe doạ cá nhân con người: cả sự hoà tan vào “môi trường”,
cả sự li khai nó (điều thứ hai này được cảm nhận đặc biệt nhạy sắc chính ở mảnh đất Nga với
những gốc rễ tâm thức xã hội luận của nó). Lần đầu tiên trong văn học chúng ta những sản
phẩm mang yếu tố cá nhân được đặt vào bảng màu đa dạng đến vậy. Vận mệnh của tâm thức cá
nhân lúc được soi rọi một cách cao cả, khi mang màu sắc bi hài, sẽ trở thành một trong những
vấn đề mâu thuẫn nhất, nan giải nhất của toàn bộ văn học thế giới thế kỉ XX

You might also like