You are on page 1of 232

TRƯỜNG ĐẠI HỌC THƯƠNG MẠI

THƯƠNG MAI UNIVERSITY


Chủ biên: TS. Nguyễn Trần Hưng

HƯỚNG DẪN THỰC HÀNH


TÌM KIẾM THÔNG TIN TRÊN MẠNG INTERNET

NHÀ XUẤT BẢN HÀ NỘI - 2019

1
2
LỜI NÓI ĐẦU

Sự phát triển mạnh mẽ của các công nghệ mới, tiên tiến trong cách
mạng công nghiệp 4.0 giúp tạo ra các sản phẩm và dịch vụ mới, tăng
hiệu quả sản xuất, thúc đẩy sáng tạo và phát triển của nền công nghiệp
trong dài hạn; giảm chi phí vận chuyển và liên lạc; hoạt động của các hệ
thống cung cấp trở nên hiệu quả hơn và chi phí cho các hoạt động
thương mại được giảm thiểu. Trong cách mạng công nghiệp 4.0, tăng
trưởng kinh tế của các quốc gia chủ yếu dựa vào công nghệ, đổi mới và
sáng tạo thay thế cho tăng trưởng dựa vào khai thác tài nguyên, sử dụng
vốn và lao động chất lượng thấp. Đây chính là động lực không giới hạn
cho sự phát triển mạnh mẽ của cách mạng công nghiệp 4.0 trên toàn thế
giới trong thời gian tới.
Trong cách mạng công nghiệp 4.0, vấn đề về kỹ thuật khai thác, tìm
kiếm dữ liệu thông tin đang trở thành trọng tâm quan trọng hàng đầu
đóng vai trò nền tảng phát triển các công nghệ cốt lõi như: Trí tuệ nhân
tạo (AI), Internet of things (IoT), Dữ liệu lớn (Big Data). Một trong
những kỹ thuật tìm kiếm thông tin quan trọng nhất đó chính là tìm kiếm
thông tin trên Internet phục vụ cho các mục đích khác nhau, chẳng hạn
như học tập, nghiên cứu và đặc biệt là phục vụ cho hoạt động kinh
doanh. Tuy nhiên, Internet là nguồn dữ liệu khổng lồ được cập nhật liên
tục và là tập hợp của nhiều trang web khác nhau được lưu trữ trên nhiều
máy chủ khác nhau trên khắp thế giới, vì vậy thiết bị máy tính của người
dùng không thể tìm kiếm hoặc hoặc kết nối trực tiếp tới tất cả máy chủ
cùng một lúc. Để đạt được các mục đích tìm kiếm, khai thác từ nguồn dữ
liệu vô tận như Internet, công cụ lớn nhất đầu tiên có thể thấy được
chính là các máy tìm kiếm, đó thực sự là các công cụ mạnh mẽ và hiệu
quả, có thể xem như những chiếc chìa khóa để người dùng có thể tìm
thấy và tập hợp những thông tin hữu ích.

3
Vấn đề đặt ra ở đây là mỗi cơ sở dữ liệu của một máy tìm kiếm cũng
chỉ là một phần nhỏ của toàn bộ mạng thông tin Internet và mỗi máy tìm
kiếm có những truy vấn đặc biệt khác nhau đòi hỏi người dùng cần phải
có kỹ năng cần thiết để sử dụng nhiều loại máy tìm kiếm và có thể tìm
thấy chính xác các kết quả mình cần với thời gian ngắn nhất.
Nhằm tăng cường kiến thức và kỹ năng tìm kiếm thông tin trên
Internet, sách “Hướng dẫn tìm kiếm thông tin trên mạng Internet” được
biên soạn giúp người học hình thành những kỹ năng cơ bản và chuyên
sâu về sử dụng các máy tìm kiếm thông tin trên mạng Internet phục vụ
các mục đích khác nhau, chẳng hạn: tìm kiếm các thông tin cụ thể theo
yêu cầu bất kỳ; khai thác thông tin thị trường; tìm hiểu nhu cầu của một
khu vực thị trường cụ thể; tìm kiếm các đối tác, nhà cung cấp, người
dùng hàng kinh doanh một cách chính xác, hiệu quả với sự tiết kiệm tối
đa chi phí... Ngoài việc trang bị cho người học những kiến thức và kỹ
năng chuyên biệt về sử dụng các máy tìm kiếm khác nhau, sách cũng
đồng thời tạo nền tảng cho người đọc trong việc tiếp cận các kỹ năng
chuyên sâu của marketing điện tử như Search Engine Optimization
(SEO) và marketing mạng xã hội.
Sách được cấu trúc thành 7 chương như sau:
Chương 1: Tổng quát về tìm kiếm thông tin trên Internet
Chương 2: Máy tìm kiếm Google
Chương 3: Máy tìm kiếm Facebook Graph Search và Facebook Trends
Chương 4: Máy tìm kiếm Yahoo
Chương 5: Máy tìm kiếm Bing
Chương 6: Máy tìm kiếm AOL
Chương 7: Máy tìm kiếm DMOZ, Gigablast và kỹ thuật tăng tốc
trình duyệt
Trong đó, TS. Nguyễn Trần Hưng biên soạn chương 1, 2, 4, 5; Thạc
sĩ Nguyễn Minh Đức biên soạn chương 3; Thạc sĩ Vũ Thị Thúy Hằng
biên soạn chương 6; Thạc sỹ Lê Duy Hải biên soạn chương 7. Trong quá
trình biên soạn sách, nhóm tác giả đã nhận được sự hỗ trợ tích cực từ
các giảng viên trong Khoa Hệ thống thông tin Kinh tế và Thương mại
điện tử - Trường Đại học Thương Mại.

4
Chúng tôi xin gửi lời cảm ơn chân thành tới sự hỗ trợ, động viên,
tham gia góp ý, tạo mọi điều kiện tốt nhất để sách được hoàn thiện của
Ban Giám hiệu, Phòng Quản lý Khoa học, của Hội đồng Khoa Hệ thống
thông tin Kinh tế và Thương mại điện tử - Trường Đại học Thương Mại
và của các đồng nghiệp khác.
Mặc dù đã hết sức cố gắng nhằm đảm bảo nội dung khoa học, tính
hiệu quả và sự cập nhật tốt nhất của sách, nhưng chắc chắn không thể
tránh khỏi những thiếu sót. Rất mong nhận được sự đóng góp, phê
bình của các độc giả để cuốn sách được hoàn thiện hơn trong các lần
tái bản sau.
Xin trân trọng cảm ơn!
Hà Nội, tháng 10 năm 2018
CHỦ BIÊN

TS. Nguyễn Trần Hưng

5
6
CHƯƠNG 1
TỔNG QUAN VỀ TÌM KIẾM THÔNG TIN
TRÊN INTERNET

Một trong những ứng dụng Internet quan trọng nhất đó chính là tìm
kiếm thông tin phục vụ cho các mục đích khác nhau: có thể là học tập,
nghiên cứu và đặc biệt là phục vụ cho hoạt động kinh doanh. Để đạt được
các mục đích này, công cụ hữu hiệu nhất có thể thấy được chính là các
máy tìm kiếm, đó thực sự là các công cụ mạnh mẽ và hiệu quả, có thể
xem như những chiếc chìa khóa để người dùng có thể tìm thấy và tập hợp
những thông tin hữu ích.

1.1. Khái niệm và đặc điểm của tìm kiếm thông tin trên Internet
1.1.1. Khái niệm tìm kiếm thông tin trên Internet
Khái niệm về tìm kiếm thông tin có rất nhiều cách diễn đạt khác
nhau nhưng về bản chất đó là quá trình tự động trích xuất thông tin có giá
trị (Thông tin dự đoán - Predictive Information) ẩn chứa trong khối lượng
dữ liệu khổng lồ trong thực tế. Tìm kiếm thông tin phân tích các mối
quan hệ và các mẫu trong các dữ liệu được lưu trữ dựa trên các truy vấn
của người dùng.

Thông tin có
Tìm kiếm giá trị theo
Dữ liệu yêu cầu truy
(Thông tin) thông tin
vấn

Hình 1.1: Mô hình tìm kiếm thông tin trên mạng Internet
Tìm kiếm thông tin trên mạng Internet được hiểu là quá trình phân
tích trong khối lượng dữ liệu được lưu trữ của các máy tìm kiếm và tự
động lựa chọn, trích xuất thông tin có giá trị phù hợp với yêu cầu tìm
kiếm dựa trên các truy vấn của người dùng.

7
1.1.2. Đặc điểm của tìm kiếm thông tin trên Internet
Tìm kiếm thông tin trên Internet có thể là công việc khá dễ dàng
hoặc rất khó khăn đối với người dùng. Khi truy cập và tìm kiếm thông tin
trên Internet, cần chú ý một số đặc điểm sau đây của hoạt động tìm kiếm
thông tin trên mạng Internet để có thể tìm kiếm hiệu quả:
+ Nội dung trên Internet luôn được cập nhật và bổ sung, không có
bất kỳ một số liệu thống kê chính xác nào về lượng thông tin có thể truy
cập được trên Internet.
+ Tài liệu trên Internet không được xử lý bằng một hệ thống hợp
chuẩn nào. Nếu như danh mục tài liệu trong các thư viện được xử lý bao
gồm những từ khóa chuẩn có kiểm soát thì nguồn tin trên Internet hoàn
toàn không sử dụng bất cứ công cụ nào tương tự như vậy. Do đó, khi
thực hiện tìm kiếm, người dùng cần phải biết phán đoán những từ ngữ,
thuật ngữ khác nhau sẽ được sử dụng trong các trang web cần tìm kiếm.
+ Khi tiến hành tìm kiếm thông tin, dữ liệu trên Internet, người dùng
không thể thực hiện tìm kiếm một cách trực tiếp. Thông tin trên Internet là
tổng hợp thông tin của rất nhiều trang web được lưu trữ trên nhiều máy chủ
khác nhau trên khắp thế giới. Thiết bị máy tính của người dùng không thể
tìm kiếm hoặc kết nối trực tiếp tới tất cả các máy chủ cùng một lúc. Điều
người dùng có thể làm trên thiết bị máy tính của mình là truy cập vào một
hoặc nhiều máy tìm kiếm gián tiếp đang có hiện nay. Các máy tìm kiếm sẽ
cho phép người dùng tìm kiếm trong cơ sở dữ liệu của nó và mỗi cơ sở dữ
liệu của một máy tìm kiếm cũng chỉ là một phần nhỏ của toàn bộ mạng
thông tin toàn cầu. Máy tìm kiếm cung cấp cho người dùng các đường link
kết nối tới các trang web. Người dùng nhấp chuột vào các đường kết nối này
và tải về các văn bản, hình ảnh, âm thanh, và các thông tin khác theo yêu
cầu tìm kiếm từ các máy chủ khác nhau trên khắp thế giới.

1.2. Những vấn đề thường gặp phải trong tìm kiếm, tập hợp, phân
loại và xử lý thông tin trên Internet
1.2.1. Tìm kiếm thông tin
Khi thực hiện tìm kiếm thông tin trên Internet, vấn đề mà người dùng
thường gặp phải bao gồm:
+ Xem Internet như là một thư viện

8
Thư viện là nơi thông tin không chỉ được lưu giữ mà còn được xử lý
và tổ chức, từ đó cho phép việc tìm kiếm được thực hiện dễ dàng. Việc
xử lý thông tin được thực hiện theo những tiêu chuẩn quốc tế và có
những qui định nghiêm ngặt. Thư viện có cán bộ được đào tạo và có kinh
nghiệm nhiều năm trong việc hỗ trợ mọi người tìm kiếm thông tin. Mặc
dù Internet là kho thông tin vô tận nhưng các thông tin trên môi trường
này không được tập hợp và xử lý theo một hệ thống hợp chuẩn nào.
Ngoài ra, thông tin trên Internet cũng không được kiểm soát về chất
lượng, tính chính xác của nguồn thông tin như các hệ thống phân loại của
thư viện.
+ Xem Internet như nguồn thông tin duy nhất
Internet chỉ là một trong nhiều nguồn cung cấp thông tin. Thư viện,
đồng nghiệp, các hội nghề nghiệp, các cơ quan chính phủ và các nguồn
thông tin khác đều đóng vai trò quan trọng trong quá trình tìm kiếm,
khai thác các thông tin có giá trị theo yêu cầu phục vụ kinh doanh hoặc
nghiên cứu.
+ Tin tưởng quá vào chất lượng nguồn thông tin trên Internet
Bất cứ ai truy cập vào Internet cũng có thể đưa lên mạng những
thông tin mà họ muốn. Không có sự đảm bảo nào cho những thông tin
mà người dùng tìm được trên Internet về tính chính xác và sự cập nhật.
Có những nguồn thông tin khác đáng tin cậy hơn Internet. Các cán bộ thư
viện đã được đào tạo một cách chuyên nghiệp có thể đánh giá được độ tin
cậy của thông tin tìm được. Các bài báo trong những tạp chí được các
nhà chuyên môn biên tập nội dung sẽ có chất lượng tốt hơn và những nhà
xuất bản danh tiếng cũng là một chứng thực cho những tài liệu hữu ích và
đáng tin cậy. Tất nhiên không phải bất cứ bài báo hay ấn phẩm nào trong
thư viện cũng hoàn toàn đáng tin cậy, song người dùng có thể tin tưởng
rằng người ta ít nhất cũng đã kiểm tra nguồn tin trước khi cung cấp để sử
dụng. Điều này thường không xảy ra đối với tài liệu trên Internet. Chính
vì vậy, khi tìm kiếm thông tin dữ liệu trên Internet, người dùng cần đặt ra
một loạt những câu hỏi mang tính phê phán với bất kỳ thông tin nào thu
thập được và điều này rất quan trọng khi sử dụng thông tin từ Internet.
+ Thông tin trên Internet là bất biến

9
Trên Internet các thông tin có thể được xuất hiện thường xuyên và
biến mất mà không được báo trước. Một nhà cung cấp dịch vụ có thể
thay đổi địa chỉ web, một cá nhân hoặc một nhóm tài trợ có thể không
còn thời gian và/hoặc tiền bạc để duy trì một website. Đây là một trong
rất nhiều lý do khiến thông tin đã đăng tải có thể bị biến mất. Người dùng
cần nhớ rằng không nên phụ thuộc vào một nguồn thông tin duy nhất bởi
vì không phải lúc nào thông tin đó cũng sẵn có.
+ Tìm kiếm thông tin trên Internet là đơn giản
Internet là một không gian thông tin rất rộng lớn, có phạm vi toàn
cầu và vì vậy tìm kiếm những đoạn thông tin nhỏ đôi khi là điều
không thể thực hiện được hoặc người dùng cần phải chọn lọc trong rất
nhiều thông tin rác. Cũng có những máy tìm kiếm có thể hỗ trợ người
dùng nhưng quá trình nghiên cứu và tìm kiếm mặc dù cho kết quả
nhanh nhưng việc tập hợp và phân loại thông tin đôi khi cũng đòi hỏi
sự kiên nhẫn. Tìm kiếm trên Internet thường đòi hỏi sự kiên nhẫn nếu
người dùng không biết sử dụng đúng cách tìm kiếm thông tin với các
máy tìm kiếm.
+ Thông tin trên Internet được cung cấp miễn phí
Phần lớn các thông tin tìm thấy trên Internet đều được cung cấp miễn
phí nhưng không phải là tất cả. Những thông tin hữu ích thường không
được cung cấp miễn phí. Phần lớn thông tin trên Internet thường không
được các nhà nghiên cứu nghiêm túc cho là thông tin hữu ích. Rất nhiều
tổ chức sử dụng Internet như là một công cụ quảng cáo hoặc quan hệ
công chúng. Có một số cơ sở dữ liệu và tài liệu có giá trị được cung cấp
miễn phí trên Internet, tuy nhiên rất nhiều trang web được thiết kế để bán
sản phẩm hoặc cung cấp dịch vụ dựa trên việc đăng ký phải trả tiền, ví
dụ : Forester.com; ABI Research; emarketer.com…
1.2.2. Tập hợp thông tin
Những thông tin nào người dùng có thể tìm thấy trên Internet?
Không thể liệt kê tất cả các loại nguồn tin có trên Internet, đặc biệt khi
Internet thay đổi rất thường xuyên và nhanh chóng. Tuy nhiên, nhìn
chung Internet hữu ích nhất khi tìm kiếm những thông tin được tập hợp
trong các nhóm sau đây (chú ý phần lớn những thông tin này là bằng
tiếng Anh):

10
+ Các sự kiện đang diễn ra, ví dụ: tin tức ngày hôm nay, hay những
xu hướng mới nhất.
+ Thông tin kinh tế, ví dụ: thông cáo báo chí của một công ty, chỉ số
chứng khoán, thông tin về sản phẩm.
+ Thông tin của chính phủ, ví dụ: các chính sách hiện hành, luật
pháp, các cuộc thảo luận tại quốc hội, quyết định của tòa án, thông cáo
báo chí.
+ Văn hóa đại chúng, ví dụ: phim, nhạc, truyền hình, thể thao
chuyên nghiệp
+ Thông tin về máy tính và Internet, ví dụ: khóa học facebook
marketing, quảng cáo Google Ads, Bigdata, Blockchain...
+ Thông tin về các bài báo, các nghiên cứu dự báo thị trường, ví dụ:
thống kê về số lượng người sử dụng thiết bị di động từ 2018 đến 2021,
dự báo về sự phát triển của mạng xã hội trong năm 2021...
Bảng 1.1: Tập hợp các thông tin có thể tìm kiếm
từ một số website đặc thù
Nhà xuất bản Loại hình thông tin cung cấp

Các hiệp hội và viện nghiên cứu • Thông tin về thành


Viện nghiên cứu quốc tế về phát triển viên;
bền vững (IISD) http://iisd1.iisd.ca • Báo cáo hoạt động;
nghiên cứu chuyên
môn
Các doanh nghiệp • Thông tin về sản phẩm
Vinacafe • Báo cáo thường niên
http://www.vinacafe.com.vn và thông tin về công ty
Công ty Ford Việt Nam • Thông cáo và báo cáo
http://www.ford.com.vn/ báo chí
• Thông tin về nơi cung
cấp dịch vụ
Các phương tiện truyền thông (Báo
và tạp chí) • Mục lục
Thời báo kinh tế Việt Nam • Một số bài báo toàn
http://www.vneconomy.com.vn văn chọn lọc

11
Thời báo http://www.thetimes.co.uk/ • Lưu trữ của các số đã
Newspapers ra
http://www.newspapers.com • Thông tin đặt mua tài
liệu
Các cơ quan giáo dục
Đại học Cần Thơ • Thông tin nhập học
http://www.ctu.edu.vn • Thông tin về các khóa
Đại học Huế học
http://www.hueuni.edu.vn • Danh mục thư viện;
Viện công nghệ Massachussette hướng dẫn nghiên cứu
http://web.mit.edu
Các cơ quan chính phủ
BộNN&PTNT • Dữ liệu thống kê; luật
https://www.mard.gov.vn pháp; thông cáo báo
Bộ GD&ĐT chí
https://www.moet.gov.vn • Báo cáo, chính sách
Bộ Thương mại • Thông tin liên hệ
http://www.moit.gov.vn
Liên hợp quốc http://www.un.org
Các tổ chức/nhóm hoạt động theo • Báo cáo, thông cáo
chủ đề cụ thể báo chí
Tổ chức du lịch thế giới • Danh mục, tài liệu
http://www.world-tourism.org toàn văn
Mạng thông tin về quyền trẻ em • Thông tin về tổ chức
www.crin.org và các hoạt động
• Kết nối đến các trang
web liên quan
Các cá nhân • Quan điểm cá nhân,
Các chuyên gia, những người hăng ảnh gia đình
hái họat động trong một lĩnh vực nào • Sở thích và quan tâm
đó, những người nổi tiếng, những cá nhân; thông tin
người không nổi tiếng hoặc bất cứ ai. hướng dẫn
• Bất cứ thông tin gì mà
người dùng có thể
tưởng tượng được

12
1.2.3. Phân loại và xử lý dữ liệu
Mặc dù có thể truy cập và sử dụng nhiều loại máy tìm kiếm để tìm kiếm
thông tin, dữ liệu trên Internet, người dùng có thể sẽ gặp phải những vấn đề
về phân loại và xử lý dữ liệu thu thập được. Để hạn chế tối đa điều này,
ngoài việc hiểu sâu hơn về tính năng của từng công cụ và phải luyện tập sử
dụng nhiều lần, vấn đề quan trọng là cần nắm bắt cách thức các máy tìm
kiếm phân loại và xử lý dữ liệu để có phương pháp tìm kiếm phù hợp. Muốn
vậy, người dùng cần phải biết mình đang thực hiện tìm kiếm với công cụ
nào. Về cơ bản có một số loại máy tìm kiếm sau đây và mỗi loại có cách
phân loại và xử lý dữ liệu khác nhau để trả về kết quả cho người dùng.
a. Máy tìm kiếm có cơ sở dữ liệu
Các máy tìm kiếm làm việc theo nguyên tắc tìm kiếm trong cơ sở dữ
liệu được tự động xây dựng bởi một robot mà không phải do con người
xây dựng. Máy tìm kiếm sẽ so sánh các từ khóa mà người dùng nhập vào
cửa sổ tìm kiếm với các từ hoặc cụm từ được đăng tải trong nội dung của
các trang web mà máy tìm kiếm lưu trữ.
Lượng thông tin mà các máy tìm kiếm có thể bao quát thường dao
động từ một số nhỏ và trong một phạm vi hẹp về nội dung cho đến chứa
đựng hơn 90% nội dung các trang web có thể xử lý được.
Kết quả tìm kiếm của người dùng có phù hợp hay không là phụ thuộc
vào khả năng sử dụng nhuần nhuyễn các tính năng và cú pháp của máy
tìm kiếm và diện bao quát của máy tìm kiếm mà người dùng sử dụng.
+ Điểm mạnh: Khi tìm kiếm một tài liệu cụ thể (tên tài liệu, tên
người, tổ chức đã biết), tìm kiếm các chủ đề khó phân loại.
+ Điểm yếu: Không cho phép có một cái nhìn tổng quát về một chủ đề
cụ thể (trong đó có thể có những chủ đề nhỏ mà người dùng chưa biết).
Một số máy tìm kiếm tiêu biểu:
Google Qwant
http://www.google.com/ http://www.qwant.com/
Bing Boardreader
http://www.bing.com http://www.boardreader.com
Gigablast Ask
http://www.gigablast.com/ http://www.ask.com/

13
Google và Bing là hai máy tìm kiếm có cơ sở dữ liệu lớn nhất, tuy
nhiên cần lưu ý là không có một máy tìm kiếm nào có thể tìm được toàn
bộ thông tin về một chủ đề.
b. Máy tìm kiếm liên thông (meta-search engines)
Không thực sự là một máy tìm kiếm có cơ sở dữ liệu được xây dựng
từ các trang web trên Internet, các máy tìm kiếm liên thông sử dụng cơ sở
dữ liệu có sẵn của các máy tìm kiếm khác. Khi người dùng nhập vào một
truy vấn, máy tìm kiếm liên thông gửi truy vấn này có thể vào một hoặc
một số máy tìm kiếm khác để nhận về kết quả và thường tập hợp được
khoảng 10% kết quả tìm được ở mỗi máy tìm kiếm mà chúng liên kết.
+ Điểm mạnh: Thường tìm kiếm hiệu quả nếu người dùng chỉ sử
dụng một từ hoặc một cụm từ.
+ Điểm yếu: Người dùng không thể sử dụng các chức năng tìm kiếm
nâng cao của từng máy tìm kiếm. Người dùng cũng không thể tiến hành
một phép tìm toàn diện và phức tạp.
Một số máy tìm kiếm liên thông tiêu biểu:
Surfwax Dogpile Metacrawler
http://www.surfwax.com/ http://www.dogpile.com http://www.metacrawler.com/
Startpage Metager Yippy
http://www.startpage.com http://ww20.metager.com/ http://www.yippy.com
c. Cổng thông tin/ Danh mục theo chủ đề (subject directory)
Cổng thông tin là các website cung cấp các nội dung thông tin và
dịch vụ tiện ích cho người dùng trực tuyến, thường có máy tìm kiếm của
riêng mình và được tổ chức theo thứ bậc. Các cổng thông tin do con
người tập hợp thông tin, biên soạn và sắp xếp theo một hệ thống phân
loại. Đôi khi các cổng thông tin là do các chuyên gia trong một lĩnh vực
tập hợp. Điều này có nghĩa là thông tin ở đây đã được thẩm định và đánh
giá về sự phù hợp và chất lượng.
Trong cổng thông tin, người dùng có thể xem theo chủ đề và có thể
tìm kiếm. Ví dụ về một số cổng thông tin:
+ ELDIS (Electronic development and information system – Hệ
thống thông tin và Phát triển điện tử) http://www.eldis.org/

14
Cổng thông tin phát triển ELDIS cung cấp một điểm truy cập trung
tâm tới các thông tin về phát triển, các hướng dẫn theo từng chủ đề phát
triển, thông tin phát triển về từng quốc gia, tin tức, thông tin tuyển dụng,
và các tư liệu khác.
+ Thư viện ảo trên mạng http://www.vlib.org/
Thư viện ảo trên mạng được tự mô tả như là “danh mục lâu đời nhất
trên web, do Tim Berners-Lee - người kiến tạo nên mạng web - xây
dựng. Thư viện ảo được quản lý bởi một nhóm các tình nguyện viên là
chuyên gia về nhiều lĩnh vực. Thư viện ảo này được coi là một trong
những cổng thông tin có chất lượng về một số lĩnh vực, tuy nhiên nó
không phải là cơ sở dữ liệu lớn nhất. Thư viện ảo này được sắp xếp theo
trật tự chữ cái, theo chủ đề và cũng có máy tìm kiếm riêng.
+ Cổng thông tin về xe hơi http://www.cars.com
Cung cấp thông tin về thị trường ô tô kỹ thuật số hàng đầu tạo ra các
kết nối có ý nghĩa giữa người mua và người bán. Ra mắt vào năm 1998
và có trụ sở tại Chicago, công ty trao quyền cho người tiêu dùng với
nguồn lực và thông tin để đưa ra quyết định mua hàng xung quanh The
4Ps của Automotive Marketing ™: Sản phẩm, Giá cả, Địa điểm và
Người, bằng cách kết nối các đối tác quảng cáo với người mua xe trong
thị trường và cung cấp dữ liệu -thông minh thông minh để tăng lượt hàng
tồn kho và giành thị phần. Là nhà tiên phong trong lĩnh vực phân phối ô
tô trực tuyến, công ty đã phát triển thành một trong những nền tảng ô tô
kỹ thuật số lớn nhất, kết nối hàng ngàn đại lý địa phương trên toàn quốc
với hàng triệu người tiêu dùng.
+ AOL http://www.aol.com
Danh mục tìm kiếm theo chủ đề được liệt kê cho phép người dùng
lựa chọn để tìm kiếm thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau từ: Xu hướng, tin
tức, giải trí, công nghệ, thể thao, phong cách sống, tài chính...

1.3. Khái quát về máy tìm kiếm trên Internet


1.3.1. Khái niệm và nhiệm vụ của các máy tìm kiếm
Internet và World Wide Web có đến hàng trăm triệu website có sẵn
mang các thông tin về nhiều chủ đề khác nhau. Tuy nhiên hầu hết chúng
đều được đặt tiêu đề theo ý thích của tác giả và được lưu trữ trên máy chủ

15
với các tên khó hiểu. Khi người tìm kiếm cần biết về một chủ đề nào thì
sẽ phải đọc các trang nào? Phần lớn mọi người khi băn khoăn về vấn đề
này và họ sẽ sử dụng một máy tìm kiếm trên Internet (Internet search
engine). Như vậy máy tìm kiếm là gì?
Máy tìm kiếm (Search engine) trên Internet là các website đặc biệt,
được thiết kế để giúp mọi người tìm kiếm thông tin được lưu trên các site
khác nhau. Có nhiều cách khác nhau để thực hiện các tìm kiếm này,
nhưng tất cả chúng đều thực hiện ba nhiệm vụ cơ bản:
+ Tìm kiếm Internet hoặc chọn các mẩu thông tin trên Internet dựa
trên các từ hoặc cụm từ quan trọng.
+ Giữ một chỉ mục cho các từ tìm thấy cùng với địa chỉ tìm thấy chúng.
+ Cho phép người dùng tìm kiếm các từ hoặc cụm từ được tìm kiếm
trong chỉ mục đó.
Các máy tìm kiếm trên Internet trước kia đều giữ chỉ mục của hàng
trăm ngàn trang web và tài liệu, chúng thường nhận có thể một hoặc hai
nghìn yêu cầu tìm kiếm mỗi ngày. Ngày nay, cỗ máy tìm kiếm hàng đầu
đánh chỉ mục hàng trăm triệu trang web và đáp trả đến hàng chục triệu
yêu cầu mỗi ngày.
1.3.2. Các bộ phận cấu thành và nguyên tắc hoạt động của máy tìm kiếm
Ngày nay, hầu hết người dùng Internet chưa hiểu nhiều về cách tìm
kiếm của họ trên Web hay hoạt động của các máy tìm kiếm ra sao, chính
vì vậy mà công việc tìm kiếm không đạt được hiệu quả như mong muốn.
Máy tìm kiếm được cấu thành bởi ba bộ phận cơ bản, cả ba bộ phận
này có sự độc lập tương đối với nhau về mặt hoạt động, nhưng lại có sự
gắn kết với nhau, phụ thuộc lẫn nhau về mặt dữ liệu.
+ Bộ phận đầu tiên – robot hay còn được gọi là bộ thu thập thông tin
Robot là một chương trình tự động duyệt qua các cấu trúc siêu liên
kết để thu thập tài liệu một cách đệ quy để nhận về tất cả tài liệu có liên
kết với tài liệu này. Robot được biết đến dưới nhiều tên gọi khác nhau:
spider, web wanderer hoặc web worm,… Những tên gọi này đôi khi gây
nhầm lẫn, như từ “spider”, “wanderer” làm người ta nghĩ rằng robot tự
nó di chuyển và từ “worm” làm người ta liên tưởng đến virus. Về bản
chất robot chỉ là một chương trình duyệt và thu thập thông tin từ các site

16
theo đúng giao thức web. Những trình duyệt thông thường không được
xem là robot do thiếu tính chủ động, chúng chỉ duyệt web khi có sự tác
động của con người.
Vậy cách spider thực hiện công việc của nó trên Web như thế nào?
Điểm khởi đầu là danh sách các máy chủ và trang web phổ biến. Spider
sẽ bắt đầu với một site phổ biến nào đó, đánh chỉ mục các từ trên trang
của nó và theo các liên kết tìm thấy bên trong site này. Theo cách này, hệ
thống Spider sẽ nhanh chóng thực hiện công việc của nó và trải rộng ra
toàn bộ các phần được sử dụng rộng rãi nhất của web. Spider lấy nội
dung của trang web và tạo các từ khóa tìm kiếm để cho phép người dùng
trực tuyến có thể tìm các trang mong muốn.
+ Bộ phận thứ hai – Index hay còn được gọi là bộ lập chỉ mục
Khi Spider đã hoàn tất nhiệm vụ tìm thông tin trên các trang web
(lưu ý rằng đây là nhiệm vụ không bao giờ hoàn tất vì luôn có sự thay đổi
của các trang nên điều đó có nghĩa là Spider sẽ luôn thực hiện nhiệm vụ
của nó), cỗ máy tìm kiếm phải lưu các thông tin này theo một cách nào
đó để có lợi nhất. Có hai thành phần chính liên quan tới việc tạo dữ liệu
đã thu thập được để có thể truy cập với người dùng:
- Thông tin được lưu với dữ liệu.
- Phương pháp, cách thức đánh chỉ mục thông tin.
Tóm lại, hệ thống lập chỉ mục hay còn gọi là hệ thống phân tích và xử
lý dữ liệu sẽ thực hiện việc phân tích, trích chọn những thông tin cần thiết
(thường là các từ đơn, từ ghép, cụm từ quan trọng) từ những dữ liệu mà
robot thu thập được và tổ chức thành cơ sở dữ liệu riêng để có thể tìm
kiếm trên đó một cách nhanh chóng, hiệu quả. Hệ thống chỉ mục là danh
sách các từ khoá, chỉ rõ các từ khoá nào xuất hiện ở trang nào, địa chỉ nào.
+ Bộ phận thứ ba –Bộ tìm kiếm thông tin
Bộ tìm kiếm thông tin tương tác với người dùng thông qua giao diện
web, có nhiệm vụ tiếp nhận & trả về những tài liệu thoả mãn yêu cầu của
người dùng. Nói cách khác, tìm kiếm từ khóa là tìm kiếm các trang mà
những từ khóa trong câu truy vấn (query) xuất hiện nhiều nhất, ngoại trừ
stopword (các từ quá thông dụng như mạo từ a, an, the,…). Trang web
nào mà chứa đựng càng nhiều từ khóa trong truy vấn của người dùng thì

17
trang đó càng được bộ tìm kiếm thông tin lựa chọn để trả về cho người
dùng. Và một trang chứa tất cả các từ khóa trong câu truy vấn của người
dùng thì tốt hơn một trang không chứa hoặc chỉ chứa một số từ khóa
trong câu truy vấn đó. Ngày nay, hầu hết các bộ tìm kiếm thông tin của
các máy tìm kiếm đều hỗ trợ chức năng tìm cơ bản và nâng cao, tìm từ
đơn, từ ghép, cụm từ, danh từ riêng, hay giới hạn phạm vi tìm kiếm như
trên đề mục, tiêu đề, đoạn văn bản giới thiệu về trang web,…
Ngoài chiến lược tìm chính xác theo từ khoá, hiện nay các bộ tìm
kiếm thông tin của các máy tìm kiếm còn cố gắng hiểu ý nghĩa thực sự
của câu hỏi thông qua những câu chữ do người dùng cung cấp. Điều này
được thể hiện qua chức năng sửa lỗi chính tả, tìm cả những hình thức
biến đổi khác nhau của một từ. Ví dụ: máy tìm kiếm sẽ tìm những từ như
speaker, speaking, spoke khi người dùng nhập vào từ speak.
Nguyên tắc hoạt động của các máy tìm kiếm:

Hình 1.2: Quy trình hoạt động của Search Engine


Các máy tìm kiếm điều khiển robot đi thu thập thông tin trên mạng
Internet thông qua các siêu liên kết (hyperlink). Khi robot phát hiện ra
một site mới, nó gửi tài liệu (web page) về cho máy chủ chính của máy
tìm kiếm để tạo cơ sở dữ liệu chỉ mục phục vụ cho nhu cầu tìm kiếm

18
thông tin. Bởi vì thông tin trên mạng luôn thay đổi nên robot phải liên tục
cập nhật lại các site cũ. Mật độ cập nhật phụ thuộc vào từng hệ thống của
máy tìm kiếm. Khi bộ tìm kiếm thông tin nhận câu truy vấn từ người
dùng thông qua giao diện web của máy tìm kiếm, nó sẽ tiến hành phân
tích, tìm trong cơ sở dữ liệu chỉ mục của máy tìm kiếm và trả về những
tài liệu thoả mãn yêu cầu.
1.3.3. Phân loại các máy tìm kiếm và cách sử dụng tương ứng với từng
loại máy tìm kiếm
Đối với tìm kiếm thông tin trên Internet, người dùng phải biết sử
dụng các máy tìm kiếm chung. Có hai loại máy tìm kiếm chung thông
dụng và phổ biến nhất hiện nay đó là máy tìm kiếm toàn bộ văn bản và
máy tìm kiếm theo chỉ mục chủ đề.
a. Các máy tìm kiếm toàn bộ văn bản
Những máy tìm kiếm toàn bộ văn bản là những máy tìm kiếm cố
gắng chỉ rõ toàn bộ nội dung của một trang Web. Công việc đó bao gồm
tiêu đề, URL và nội dung trang. (Các máy tìm kiếm thông thường không
thường xuyên làm công việc này bởi vì trong thực tế có rất nhiều các
máy tìm kiếm giới hạn số lượng kết quả tìm kiếm của một trang mà nó sẽ
chỉ ra. Với Google chẳng hạn, sẽ chỉ chỉ ra 101000 kết quả của một trang
mà không quan trọng là trang đó lớn bao nhiêu.).
b. Máy tìm kiếm theo chỉ mục chủ đề (searchable subject indexes)
Những máy tìm kiếm theo chỉ mục chủ đề được không làm công việc
chỉ rõ toàn bộ nội dung của một site. Thay vào đó là tên và URL của một
site và thông thường là một sự mô tả ngắn gọn nào đó, được bao gồm
(chứa đựng) trong một tập hợp của các chủ đề khác nhau. Những máy
tìm kiếm theo chỉ mục chủ đề có thể thực hiện tìm kiếm rất tốt, chẳng
hạn như: Yahoo, ODP.
Trong thực tế, một máy tìm kiếm thường là tập hợp của cả hai loại,
chẳng hạn như Google là một máy tìm kiếm toàn bộ văn bản có một
thành phần tìm kiếm theo chỉ mục chủ đề được gọi là Thư mục Google.
Yahoo là một máy tìm kiếm theo chỉ mục chủ đề có tùy chọn để tìm kiếm
như một máy tìm kiếm toàn bộ văn bản. Nhưng chủ yếu, Google được
biết đến như là một máy tìm kiếm toàn bộ văn bản và Yahoo được biết
như một chỉ số phụ thuộc tìm kiếm được.

19
c. Cách tìm kiếm tương ứng với từng loại máy tìm kiếm
Những máy tìm kiếm toàn bộ văn bản được xem là tốt khi mà đáp
ứng được yêu cầu của người dùng về tìm kiếm những kiểu thông tin phân
biệt rõ ràng. Chẳng hạn, những lời trích dẫn, lời bài hát (lyrics), những
địa chỉ, những người không nổi tiếng, những nơi ít được biết đến hay
những câu hỏi phức tạp. Những máy tìm kiếm theo chỉ mục chủ đề
không chứa đựng đủ thông tin về những trang Web để trả lời những loại
câu hỏi này.
Mặt khác, những hạn chế của máy tìm kiếm theo chỉ mục chủ đề làm
cho chúng trở nên rất hữu ích cho việc thực hiện sự tìm kiếm các thông
tin có tính phổ biến. Đôi khi việc tìm kiếm bằng một máy tìm kiếm theo
chỉ mục chủ đề giúp người dùng tìm thấy tài liệu đầy đủ sau đó người
dùng sử dụng một máy tìm kiếm toàn bộ văn bản để tìm thấy các thông
tin đặc biệt, đặc thù hơn. Hai kiểu máy tìm kiếm làm việc hài hòa cùng
nhau, cung cấp cho người dùng biết cách thức sử dụng kiểu máy nào khi
tìm kiếm một thông tin cần thiết.
Về cơ bản, để sử dụng bất kỳ một máy tìm kiếm nào, người dùng
phải tiến hành theo hai bước sau đây:
Bước 1: Mở cửa sổ giao diện web của các máy tìm kiếm. Người
dùng sử dụng trình duyệt để truy cập vào địa chỉ web của máy tìm kiếm
mà mình muốn sử dụng. Ví dụ: Truy cập vào máy tìm kiếm yippy.com

Hình 1.3: Hướng dẫn tìm kiếm – Bước 1

20
Bước 2: Gõ từ khóa hoặc truy vấn liên quan đến nội dung thông tin
mà người dùng muốn tìm kiếm vào hộp Search của máy tìm kiếm. Ví dụ:
tìm kiếm thông tin về quản trị quan hệ khách hàng.

Hình 1.4: Hướng dẫn tìm kiếm – Bước 2


Lưu ý: Quá trình nhập truy vấn vào hộp Search của máy tìm kiếm,
người dùng có thể thêm các toán tử, từ bổ nghĩa hay câu lệnh, cú pháp
phù hợp để giúp máy tìm kiếm hiểu rõ về yêu cầu của người dùng và trả
về các kết quả theo mong muốn.
Bước 3: Nhận về các kết quả phù hợp. Người dùng tìm kiếm các kết
quả phù hợp với mong muốn tìm kiếm của mình trong danh sách mà máy
tìm kiếm trả về.

Hình 1.5: Hướng dẫn tìm kiếm – Bước 3

21
1.3.4. Sự tìm kiếm mặc định của các máy tìm kiếm
Bất chấp thực tế là hai loại máy tìm kiếm đang tìm kiếm những thứ
rất khác nhau, cả hai loại máy tìm kiếm đều có một thứ chung: sự tìm
kiếm của chúng được mặc định.
Khi người dùng nhập vào một câu hỏi với các từ phức hợp vào trong
một máy tìm kiếm và không nhập vào bất kỳ từ bổ nghĩa tìm kiếm nào,
máy tìm kiếm phải quyết định làm sao để xử lý câu hỏi của các người
dùng. Nói chung, máy tìm kiếm có thể làm một trong số hai thứ. Nó có
thể quyết định tìm kiếm để tất cả những từ tìm kiếm mà người dùng yêu
cầu phải được bao gồm trong bất kỳ kết quả nào- trong trường hợp này
nó đang mặc định là AND. Hoặc nó có thể quyết định tìm kiếm để bất kỳ
từ tìm kiếm nào của người dùng phải xuất hiện trong những kết quả tìm
kiếm. Trong trường hợp này nó đang được mặc định là OR.
Điều đầu tiên quan trọng nhất cẩn phải biết khi sử dụng một máy tìm
kiếm để tìm kiếm thông tin trên Internet đó là người dùng đang sử dụng
máy tìm kiếm toàn bộ văn bản hay một máy tìm kiếm theo chỉ mục chủ
đề. Vấn đề quan trọng thứ hai cần phải biết là máy tìm kiếm đó được mặc
định AND hay OR. Nếu nó được mặc định là AND, người dùng cần phải
ngẫm nghĩ hơn về những từ trong câu hỏi của các người dùng, bởi vì mọi
từ trong câu hỏi người dùng chọn phải xuất hiện (tồn tại) trong một trang
Web trước khi người dùng nhận được những kết quả tìm kiếm. Nếu nó
được mặc định là OR, người dùng cần phải chắc chắn để sử dụng thêm
các toán tử hay từ bổ nghĩa ở phía trước những thuật ngữ được bao gồm
trong sự tìm kiếm của người dùng.
Làm sao người dùng có thể chẩn đoán máy tìm kiếm bất kỳ được
mặc định là AND hay OR? Tất cả công việc cần làm là người dùng thực
hiện một sự tìm kiếm với một cụm từ phức hợp bao gồm nhiều từ khóa
mà mỗi từ khóa tách biệt khỏi cụm từ đều có nghĩa độc lập. Nếu người
dùng không nhận được những kết quả (hay đúng hơn là chỉ có vài kết
quả) thì người dùng đang tìm kiếm với một máy tìm kiếm được mặc định
là AND. Nếu người dùng nhận được nhiều kết quả thì người dùng đang
tìm kiếm với một máy tìm kiếm được mặc định là OR.
Chẳng hạn, muốn biết máy tìm kiếm bất kỳ được mặc định tìm kiếm
là AND hay OR, người dùng có thể chọn các cụm từ bao gồm nhiều từ

22
khóa như “Thư viện quốc gia Việt Nam” hoặc “Thương mại điện tử Việt
Nam” để nhập vào ô tìm kiếm của máy tìm kiếm. Trong cụm từ “Thư
viện quốc gia Việt Nam”, mỗi từ khóa “thư viện”, “quốc gia”, “Việt
Nam” tách ra đều có nghĩa độc lập; với các từ khóa “thương mại”, “điện
tử”, “Việt Nam” trong cụm từ “Thương mại điện tử Việt Nam” cũng đều
có nghĩa độc lập. Sau đó, người dùng chỉ cần quan sát kết quả tìm kiếm
mà máy tìm kiếm trả về để đưa ra nhận định máy tìm kiếm đó được mặc
định là AND hay OR. Cụ thể:
+ Nếu với mỗi kết quả mà máy tìm kiếm trả về đều bao gồm đầy đủ
các từ khóa trong cụm từ phức hợp, nghĩa là xuất hiện đầy đủ cả “thư
viện” và “quốc gia” và “Việt Nam” hoặc “thương mại” và “điện tử” và
“Việt Nam” thì máy tìm kiếm đó được mặc định là AND.
+ Nếu với mỗi kết quả mà máy tìm kiếm trả về chỉ bao gồm một
hoặc một số từ khóa trong cụm từ phức hợp, nghĩa là xuất hiện hoặc “thư
viện”, “quốc gia” hoặc “quốc gia”, “Việt Nam” thì máy tìm kiếm đó
được mặc định là OR.

1.4. Những toán tử cơ bản và những từ bổ nghĩa của các máy tìm kiếm
Làm thế nào để người dùng có thể biểu thị các yêu cầu như phải bao
gồm cái gì đó hay loại trừ cái gì đó từ sự tìm kiếm của mình với các máy
tìm kiếm? Cách thông dụng nhất là sử dụng những toán tử và những từ
bổ nghĩa để giúp máy tìm kiếm biết chính xác người dùng muốn những
từ tìm kiếm sẽ được xử lý như thế nào hay nói cách khác là kết quả tìm
kiếm sẽ được hiển thị như thế nào.
1.4.1. Những toán tử cơ bản
Phần này giới thiệu các ký hiệu toán học được sử dụng khi diễn đạt
lệnh tìm kiếm. Hầu hết các máy tìm kiếm đều sử dụng hai toán tử cơ bản
là + và – để giúp người dùng diễn đạt yêu cầu tìm kiếm.
Dùng dấu cộng + đặt trước một từ khóa bất kỳ có nghĩa là người
dùng muốn máy tìm kiếm hiểu rằng từ khóa đó nhất định phải được xuất
hiện trong danh sách các kết quả mà máy tìm kiếm trả về. Ví dụ: nếu
người dùng muốn tìm thông tin về giá cà phê ảnh hưởng như thế nào đến
thu nhập của người thu hái cà phê (tiếng Anh). Tại hộp search của máy
tìm kiếm, người dùng nhập vào như sau:

23
+coffee +price +pickers +wages
Máy tìm kiếm sẽ cho kết quả bao gồm tất cả các từ: price, coffee,
pickers wages.
Dùng dấu trừ – đặt trước một từ khóa bất kỳ có nghĩa là người dùng
muốn máy tìm kiếm hiểu rằng từ khóa đó nhất định không được xuất
hiện trong danh sách kết quả mà máy tìm kiếm trả về. Ví dụ: nếu người
dùng chỉ muốn tìm thông tin về cà phê mà không có từ tách (cup) hoặc
bông (cotton). Tại hộp search của máy tìm kiếm, người dùng nhập vào
như sau: +coffee –cup –cotton. Máy tìm kiếm sẽ cho ra các kết quả bao
gồm coffee nhưng không có cup và cotton.
Ngoài ra, với việc sử dụng hai toán tử + và – khi phối hợp với nhau
có thể giúp người dùng tìm kiếm những thông tin về tổng thể một vấn đề
nào đó mà loại bỏ đi một phần của tổng thể đó. Ví dụ: người dùng muốn
tìm hiểu tất cả các thông tin về E-commerce nhưng không muốn tìm hiểu
những vấn đề thuộc khía cạnh bảo mật của E-commerce. Tại hộp search
của máy tìm kiếm, người dùng nhập vào như sau:
+E-commerce - Security
Máy tìm kiếm sẽ cho các kết quả bao gồm những khía cạnh và vấn
đề liên quan đến E-commerce nhưng không có liên quan đến Security.
1.4.2. Những từ bổ nghĩa của các máy tìm kiếm
Ngoài các toán tử cơ bản là + và –, các máy tìm kiếm còn cho phép
người dùng sử dụng các từ bổ nghĩa. Trong đó, có một số từ bổ nghĩa có
thể sử dụng chung với các máy tìm kiếm để diễn đạt ý định tìm kiếm của
người dùng, giúp máy tìm kiếm đưa ra những kết quả chính xác theo nhu
cầu. Các từ bổ nghĩa có thể dùng chung với các máy tìm kiếm bao gồm:
+ Dấu “ ”: Sử dụng dấu nháy kép khi người dùng muốn tìm kiếm
chính xác một cụm từ hoặc một đoạn trích dẫn. Ví dụ: người dùng muốn
tìm kiếm chính xác Báo cáo thương mại điện tử Việt Nam. Tại hộp
Search của máy tìm kiếm bất kỳ, người dùng nhập vào nội dung: “Báo
cáo thương mại điện tử Việt Nam”. Máy tìm kiếm sẽ trả về tất cả các
kết quả mà kết quả nào cũng xuất hiện đầy đủ và tuần tự cụm từ Báo cáo
thương mại điện tử Việt Nam.

24
+ Từ bổ nghĩa AND: Sử dụng AND nếu người dùng muốn tìm kiếm
đồng thời nhiều từ khóa hoặc thuật ngữ cùng một lúc. Ví dụ: người dùng
muốn tìm kiếm đồng thời từ khóa lao động và trẻ em. Tại hộp Search
của máy tìm kiếm bất kỳ, người dùng nhập vào nội dung: “lao động”
AND “trẻ em”. Máy tìm kiếm sẽ trả về tất cả các kết quả xuất hiện đồng
thời lao động và trẻ em.
+ Từ bổ nghĩa OR: Sử dụng OR nếu người dùng muốn tìm kiếm
hoặc là cái này hoặc là cái kia, hoặc vấn đề này hoặc vấn đề kia, tìm kiếm
các từ đồng nghĩa hay cách viết khác nhau của một từ. Ví dụ: người dùng
muốn tìm kiếm hoặc organization hoặc organisation; vietnam hoặc viet
nam; quy chế hoặc qui chế. Tại hộp Search của máy tìm kiếm bất kỳ,
người dùng nhập vào nội dung:
organization OR organisation
vietnam OR “viet nam”
quy chế OR quy chế
+ Từ bổ nghĩa NOT: Sử dụng NOT nếu người dùng muốn máy tìm
kiếm loại bỏ những thông tin mình không cần trong danh sách kết quả
tìm kiếm trả về. Ví dụ: người dùng muốn tìm kiếm thông tin về vàng với
ý nghĩa kim loại quý chứ không phải màu sắc vàng. Tại hộp Search của
máy tìm kiếm bất kỳ, người dùng nhập vào nội dung: vàng NOT màu.
Máy tìm kiếm sẽ trả về danh sách kết quả tìm kiếm liên quan tới kim loại
vàng chứ không phải màu vàng.
Ngoài ra, đối với từng máy tìm kiếm cụ thể sẽ có những cú pháp đặc
biệt vượt ra khỏi các toán tử cơ bản hay các từ bổ nghĩa. Những cú pháp
đặc biệt cho phép người dùng thực hiện sự tìm kiếm đặc biệt bên trong
một trang Web hay có nội dung liên quan đến một trang Web, người
dùng cũng có thể giới hạn những sự tìm kiếm của mình tới một trang
Web về tiêu đề, đường dẫn hay trong nội dung văn bản... Những cú pháp
đặc biệt cho các loại máy tìm kiếm thông dụng nhất sẽ được tìm hiểu ở
các chương tiếp theo.

25
BÀI TẬP CHƯƠNG 1

1. Hãy lấy ví dụ chứng tỏ máy tìm kiếm Google và Yahoo là hai máy
tìm kiếm được mặc định tìm kiếm là AND.
2. Hãy cho biết các máy tìm kiếm sau đây là loại máy tìm kiếm được
mặc định tìm kiếm là gì? (Bing, AOL, Teoma, ODP, Gigablast, Ask,
Metacrawler, gibiru, wikipedia, startpage, Qwant, Yippy, Ecosia).
3. Trong các máy tìm kiếm sau đây, đâu là máy tìm kiếm toàn bộ văn
bản, đâu là chỉ số phụ thuộc tìm kiếm? (Yandex, Bing, Teoma, AOL,
Google, Yahoo, wikipedia, startpage, boardreader, wolframalpha).
4. Hãy sử dụng toán tử tìm kiếm sao cho kết quả tìm kiếm phải xuất
hiện cụm từ sau đây theo đúng thứ tự: “Thị trường chứng khoán”,
“Thương mại điện tử”.
5. Hãy tìm kiếm những từ khóa sau đây: “tin nhanh” hoặc “tin mới”;
“chứng khoán” hoặc “cổ phiếu”; “vàng” hoặc “bất động sản”; “ô tô
BMW” hoặc “ô tô Audi”
6. Hãy tìm kiếm các từ đồng nghĩa với: car, flower, house, electronic
commerce, search engine, stock, company…
7. Hãy sử dụng toán tử tìm kiếm để tìm kiếm các lọai mạng – “Network”
nhưng loại bỏ đi phần “Intranet” trong đó; tìm kiếm “Thị trường” nhưng loại
bỏ đi “Thị trường vàng” hoặc “Thị trường chứng khoán”; tìm kiếm “Thương
mại điện tử” nhưng loại bỏ “Thương mại di động”.
8. Tìm kiếm các từ có nghĩa gần như sau: car, flower, beautiful,
electronic commerce, eCRM, SCM, ERP, electronic payment systems
trong máy tìm kiếm Qwant, Teoma, Google, Gigablast.

26
CHƯƠNG 2
MÁY TÌM KIẾM GOOGLE

2.1. Khái quát về máy tìm kiếm Google


2.1.1. Sự hình thành và tìm kiếm mặc định của máy tìm kiếm Google
Máy tìm kiếm Google tại địa chỉ http://www.google.com được xem
là máy tìm kiếm tốt nhất và liên tiếp 4 lần chiến thắng trong các cuộc
bình chọn do tạp chí Search Engine Watch lưạ chọn. Bằng cách sử dụng
máy tìm kiếm google, người dùng có thể tìm kiếm hình ảnh, các bàn luận
đang có trên Usenet, và newsgroups (tạm dịch - các nhóm tin tức).
Google cũng cung cấp chức năng kiểm tra lỗi chính tả, tra cứu các từ
điển, tìm giá chứng khoán, bản đồ đi đường, số điện thoại...
Google đầu tiên là một dự án xuất phát từ Đại học Stanford cuả các sinh
viên Larry Page và Sergey Brin sáng lập vào khoảng năm 1996 - 1997, dự án
lúc đó có tên gọi là BackRub. Năm 1998, dự án này được đổi thành Google
và được tung ra thị trường trở thành một công ty tư nhân độc lập tên Google
cho đến ngày nay. Tại thời điểm này, http://www.Google.com là máy tìm
kiếm toàn bộ văn bản thông dụng nhất hiện nay trên thế giới. Nó xử lý hàng
triệu trên hàng triệu các yêu cầu tìm kiếm hằng ngày và những chỉ số qua hơn
bốn tỉ trang Web. Nó cũng chỉ rõ những kiểu hồ sơ khác, như PDF (Adobe
Acrobat), DOC (Microsoft Word), và PPT (PowerPoint).
Google được mặc định tìm kiếm AND, nghĩa là khi người dùng tìm
kiếm một cụm từ mà không sử dụng bất kỳ toán tử hay từ bổ nghĩa nào,
máy tìm kiếm Google sẽ trả về các kết quả mà mỗi kết quả đều chứa
đựng đầy đủ các từ khóa trong cụm từ đó. Ví dụ, người dùng nhập vào
hộp Search của máy tìm kiếm Google nội dung: điểm chuẩn đại học
2018. Máy tìm kiếm Google sẽ trả về một danh sách kết quả mà kết quả
nào cũng chứa đựng đầy đủ các từ khóa như “điểm chuẩn”, “đại học”,
“2018” trong cụm từ.

27
Hình 2.1: Tìm kiếm Google với nội dung “điểm chuẩn đại học 2018”
Kết quả thứ nhất, từ khóa “điểm chuẩn” và “2018” xuất hiện ngay
trong tiêu đề; từ khóa “đại học” và “điểm chuẩn” xuất hiện trong nội
dung trang web; từ khóa “điểm chuẩn” còn xuất hiện trong đường dẫn url
của trang web. Đối với các kết quả thứ hai và thứ n cũng tương tự như
vậy. Do đó, có thể thấy các từ khóa trong cụm từ điểm chuẩn đại học
2018 xuất hiện đầy đủ trong mỗi kết quả mà máy tìm kiếm Google trả về.
Vì vậy, Google được mặc định tìm kiếm là AND.
2.1.2. Các toán tử và từ bổ nghĩa cơ bản của Google
Các toán tử được sử dụng với máy tìm kiếm Google bao gồm:
+ Toán tử “+”: Dùng dấu + đặt trước một từ khóa trong truy vấn của
người dùng khi nhập vào hộp Search của máy tìm kiếm Google có nghĩa
là người dùng muốn máy tìm kiếm Google hiểu rằng trong danh sách kết
quả tìm kiếm đều phải bao gồm từ khóa đó trong mỗi kết quả tìm kiếm
được trả về.
+ Toán tử “ –”: Dùng dấu – đặt trước một từ khóa trong truy vấn của
người dùng khi nhập vào hộp Search của máy tìm kiếm Google có nghĩa
là người dùng muốn máy tìm kiếm Google hiểu rằng từ khóa đó không
được xuất hiện trong bất kỳ kết quả nào mà máy tìm kiếm trả về.
+ Hai toán từ “+” và “ – ” có thể kết hợp được với nhau. Ví dụ:
người dùng muốn tìm kiếm tất cả các thông tin về thương mại điện tử
nhưng muốn loại trừ các thông tin liên quan đến vấn đề bảo mật. Tại hộp

28
Search của máy tìm kiếm Google, người dùng gõ: thương mại điện tử -
bảo mật. Kết quả được hiển thị như sau:

Hình 2.2: Tìm kiếm Google với toán tử “ –”


Ngoài hai toán tử (+) và (–) máy tìm kiếm Google còn có các từ bổ
nghĩa khác giúp người dùng biểu đạt ý định tìm kiếm với máy tìm kiếm.
Cụ thể:
+ Dấu gạch dọc ( | ): Dấu gạch dọc được sử dụng để thay thế cho từ
OR-hoặc khi người dùng muốn tìm kiếm hoặc cái này hoặc cái kia; hoặc
vấn đề này hoặc vấn đề kia. Do máy tìm kiếm Google được mặc định tìm
kiếm là AND nên nếu muốn máy tìm kiếm hiểu người dùng cần tìm kiếm
hoặc thông tin này hoặc thông tin kia thì cần phải biểu đạt bằng OR và
Google thay thế OR bằng dấu gạch dọc ( | ).
Ví dụ: người dùng muốn tìm kiếm hoặc cà phê hoặc trà xanh, tại
hộp Search của máy tìm kiếm người dùng gõ như sau: cà phê | trà xanh.
Kết quả tìm kiếm được hiển thị như sau:

29
Hình 2.3: Tìm kiếm Google với dấu gạch dọc ( | )
Có thể thấy trong danh sách kết quả tìm kiếm trả về của máy tìm
kiếm Google, kết quả 1 và 2 xuất hiện từ trà xanh; kết quả thứ ba, thứ tư
là cà phê...
+ Dấu ngã ( ~ ): Google thay thế Synonym (từ đồng nghĩa) bằng dấu
ngã. Dấu ngã được đặt trước một từ khóa trong máy tìm kiếm Google là
để tìm kiếm từ đồng nghĩa với từ khóa đó bao gồm cả từ đó lẫn bất kỳ từ
nào tương tự như nó. Ví dụ: khi người dùng tìm kiếm từ đồng nghĩa với
từ khóa ô tô, người dùng nhập vào hộp Search của máy tìm kiếm Google
như sau: ~ô tô. Kết quả tìm kiếm được hiển thị sẽ bao gồm ô tô, những
chiếc ô tô...
+ Từ bổ nghĩa NOT: Được sử dụng để tìm kiếm loại trừ những tài
liệu hoặc thông tin mà người dùng không cần thiết. Ví dụ: khi người
dùng tìm kiếm các thông tin về vàng với ý nghĩa là kim loại quý chứ
không phải thông tin về màu sắc. Tại hộp Search của máy tìm kiếm
Google, người dùng nhập vào dữ liệu như sau: vàng NOT màu. Kết quả
tìm kiếm sẽ hiển thị như hình 2.4. Kết quả hiển thị cho thấy toàn thông
tin về kim loại quý vàng chứ không phải thông tin về vàng với ý nghĩa
màu sắc.

30
Hình 2.4: Tìm kiếm Google với từ bổ nghĩa NOT
+ Dấu nháy kép “ ” : Được sử dụng khi người dùng muốn tìm kiếm
chính xác một cụm từ, một đoạn văn bản hoặc một câu trích dẫn. Ví dụ:
người dùng muốn tìm kiếm chính xác cụm từ Báo cáo thương mại điện
tử Việt Nam 2017, tại hộp Search của máy tìm kiếm Google, người dùng
nhập vào như sau: “Báo cáo thương mại điện tử Việt Nam 2017”. Kết
quả tìm kiếm sẽ được hiển thị:

Hình 2.5: Tìm kiếm Google với dấu nháy kép “ ”

31
Tất cả các kết quả hiển thị đều cho thấy cụm từ Báo cáo thương mại
điện tử Việt Nam 2017 được xuất hiện (có thể ở trong tiêu đề, trong
đường dẫn hoặc trong chính nội dung văn bản) và mỗi từ khóa trong cụm
từ đều xuất hiện một cách tuần tự.
+ Dấu sao *: Đối với máy tìm kiếm Google, dấu * được sử dụng khi
người dùng muốn tìm kiếm sự nối giữa hai từ khóa. Vì vậy, dấu * còn
được gọi là dấu gộp từ nguyên. Việc sử dụng dấu này trong một câu hỏi
sẽ tìm thấy bất kỳ từ nào nơi người dùng đặt *. Chú ý rằng dấu sao sẽ chỉ
tìm thấy toàn bộ từ, không phải là các từ bộ phận và người dùng không
thể cộng thêm một dấu * vào đầu hoặc cuối của một từ. Ví dụ: khi người
dùng muốn tìm kiếm các từ nối giữa hai từ Step và Step. Tại hộp Search
của máy tìm kiếm Google, người dùng nhập vào như sau: Step*Step. Kết
quả tìm kiếm được hiển thị như sau:

Hình 2.6: Tìm kiếm Google với dấu sao *


Kết quả tìm kiếm cho thấy các cụm từ nối của Step với Step chẳng
hạn như: step step; step by step; step forward step...
2.2. Những cú pháp đặc biệt của Google
Ngoài các toán tử và từ bổ nghĩa cơ bản, máy tìm kiếm Google còn
bao gồm một tập hợp các cú pháp tìm kiếm đặc biệt, cho phép người
dùng khi kết hợp có thể tìm thấy các thông tin theo yêu cầu mà không
phải lọc kết quả.

32
2.2.1. Cú pháp site
Đây là cú pháp khá đặc biệt và thường được sử dụng để hạn chế sự
tìm kiếm tới một miền đặc biệt hoặc một miền cấp cao. Cú pháp site
được sử dụng để giúp người dùng thể hiện yêu cầu tìm kiếm thông tin
hoặc chủ đề nào đó mà mong muốn các kết quả trả về của máy tìm kiếm
Google chỉ hiện thị các thông tin hoặc chủ đề này trong một site cụ thể
hoặc một miền cấp cao được xác định trước. VD: người dùng muốn tìm
kiếm thông tin về điểm chuẩn đại học 2018 chỉ trong tất cả các webpage
của site vietnamnet.vn. Tại hộp Search của máy tìm kiếm Google, người
dùng nhập vào truy vấn như sau: “điểm chuẩn đại học 2018”
site:vietnamnet.vn
Kết quả hiển thị của máy tìm kiếm:

Hình 2.7: Kết quả tìm kiếm Google với cú pháp site
Kết quả tìm kiếm được trả về cho thấy bất kỳ kết quả nào cũng đều
bao gồm thông tin về “điểm chuẩn đại học 2018” và đều nằm trong site
vietnamnet.vn
Ngoài ra, đối với tìm kiếm trong một miền đặc thù với cú pháp site
cũng tương tự như vậy. Miền đặc thù là miền đại diện cho một lĩnh vực
hoặc một tổ chức, cơ quan nào đó. Chẳng hạn: miền đặc thù bao gồm các
site thuộc lĩnh vực giáo dục là edu; miền đặc thù bao gồm các site thuộc
các tổ chức là org; miền đặc thù bao gồm các site thuộc các cơ quan
chính phủ là gov... Ví dụ vẫn là tìm kiếm thông tin về điểm chuẩn đại

33
học 2018 nhưng người dùng lúc này muốn tìm kiếm trong tất cả các site
thuộc lĩnh vực giáo dục. Tại hộp Search của máy tìm kiếm Google, người
dùng nhập vào truy vấn như sau: “điểm chuẩn đại học 2018”
site:edu.vn. Kết quả tìm kiếm sẽ được hiển thị như sau:

Hình 2.8: Kết quả tìm kiếm Google cú pháp site với miền đặc thù
Kết quả tìm kiếm cho thấy mỗi kết quả đều hiển thị thông tin về
điểm chuẩn đại học 2018 và đều nằm trong tất cả các site thuộc lĩnh vực
giáo dục của Việt Nam.
2.2.2. Cú pháp intitle và tùy chọn tìm kiếm bổ sung allintitle
Cú pháp intitle và tùy chọn tìm kiếm bổ sung allintitle được sử dụng
để tìm kiếm những thông tin, chủ đề nằm trong tiêu đề của các trang
Web. Hay nói cách khác khi sử dụng các cú pháp này, người dùng muốn
biểu thị cho các máy tìm kiếm yêu cầu của mình chỉ tìm kiếm những từ
khóa nằm trong tiêu đề của trang Web mà thôi. Điều này có nghĩa là cứ
trang web nào được lưu trữ trong cơ sở dữ liệu của máy tìm kiếm Google
mà trong tiêu đề có chứa đựng từ khóa người dùng truy vấn sẽ được
Google lựa chọn để trả về trong danh sách kết quả tìm kiếm. VD: Tìm
kiếm từ “Hạ tầng khóa công khai PKI” bằng cú pháp intitle. Tại hộp
Search của máy tìm kiếm Google, người dùng nhập vào truy vấn như
sau: intitle:“hạ tầng khóa công khai PKI”. Kết quả tìm kiếm được hiển
thị như sau:

34
Hình 2.9: Kết quả tìm kiếm Google với cú pháp intitle
Kết quả tìm kiếm cho thấy tiêu đề của mỗi kết quả đều bao gồm cụm
từ Hạ tầng khóa công khai PKI.
Trong thực tế sử dụng, cú pháp intitle và tùy chọn tìm kiếm bổ sung
allintitle có thể kết hợp rất tốt với cú pháp site trong tìm kiếm các bài
viết về một chủ đề được xác định trước trong một site cụ thể hoặc một
miền đặc thù. Ví dụ: Khi người dùng muốn tìm kiếm các bài viết về
Youtube marketing trong tất cả các trang web của các tổ chức. Tại hộp
Search của máy tìm kiếm Google, người dùng nhập vào truy vấn như
sau: allintitle:“youtube marketing” site:org. Kết quả tìm kiếm được
hiển thị như sau:

Hình 2.10: Kết quả tìm kiếm Google với cú pháp allintitle

35
Kết quả tìm kiếm cho thấy các trang web của các tổ chức có tiêu đề
bài viết về youtube marketing được trả về cho người dùng.
2.2.3. Cú pháp inurl và tùy chọn tìm kiếm bổ sung allinurl
Khác với tập hợp cú pháp intitle và allintitle chuyên dùng để tìm
kiếm trong tiêu đề của các trang web, cú pháp inurl và tùy chọn tìm kiếm
bổ sung allinurl được sử dụng để tìm kiếm các từ khóa xác định trước về
một lĩnh vực hoặc chủ đề cụ thể mà những từ khóa này nằm trong đường
dẫn URL của các trang Web. Hay nói cách khác là hai tập hợp cú pháp
này chỉ tìm kiếm những từ khóa mà người dùng truy vấn nằm trong URL
của các trang Web mà thôi. Ví dụ: Tìm kiếm từ firewall nằm trong
đường dẫn của các trang web. Tại hộp Search của máy tìm kiếm Google,
người dùng nhập vào truy vấn sau đây: inurl:firewall. Kết quả tìm kiếm
được hiển thị như sau:

Hình 2.11: Kết quả tìm kiếm Google với cú pháp inurl
Kết quả tìm kiếm cho thấy, trong tất cả các đường dẫn url màu xanh
lá cây được hiển thị thì kết quả nào cũng chứa đựng từ firewall.
Giống với tập hợp cú pháp intitle và allintitle, tập hợp cú pháp inurl
và allinurl có thể phối hợp tốt với cú pháp site. Người dùng có thể tìm
kiếm từ khóa bất kỳ nằm trong đường dẫn url của tất cả các trang web
thuộc một site cụ thể được xác định trước hoặc một miền đặc thù. Ví dụ:
Tìm kiếm từ thị trường chứng khoán nằm trong đường dẫn url của các
trang web thuộc site vnexpress.net. Tại hộp Search của máy tìm kiếm
Google, người dùng nhập vào truy vấn sau đây:
inurl:“thi truong chung khoan” site:vnexpress.net

36
Từ khóa thị trường chứng khoán trong truy vấn ở trên được viết
không dấu vì đường dẫn url của các trang web thường là tiếng Anh hoặc
tiếng Việt không có dấu. Nếu viết có dấu có thể sẽ không tìm thấy bất kỳ
kết quả nào.
Kết quả tìm kiếm được hiển thị như sau:

Hình 2.12: Kết quả tìm kiếm Google với cú pháp inurl một site cụ
thể
Kết quả hiển thị cho thấy mỗi kết quả trả về đều chứa đựng thị
trường chứng khoán trong đường dẫn url màu xanh lá cây và đều nằm
trong các trang web của vnexpress.net
2.2.4. Cú pháp intext
Không giống với cú pháp intitle tìm kiếm trong tiêu đề và inurl tìm
kiếm trong đường dẫn của các trang web, cú pháp intext được sử dụng
để tìm thấy những thông tin trong truy vấn của người dùng chỉ trong
văn bản của các trang web. Hay nói cách khác là cú pháp intext chỉ tìm
kiếm từ khóa truy vấn của người dùng trong nội dung văn bản mà bỏ
qua các tiêu đề, hoặc địa chỉ web cũng như các link. Ví dụ: Tìm kiếm
thị trường bất động sản nằm trong nội dung văn bản của các trang
web. Tại hộp Search của máy tìm kiếm Google, người dùng nhập vào
truy vấn sau đây: intext:“thị trường bất động sản”. Kết quả tìm kiếm
được hiển thị như sau:

37
Hình 2.13: Kết quả tìm kiếm Google với cú pháp intext
Kết quả tìm kiếm cho thấy các kết quả đều xuất hiện từ khóa thị
trường bất động sản nằm trong nội dung văn bản (phần chữ màu đen
được in đậm) của các trang web.
Cú pháp intext cũng phối hợp tốt với cú pháp site và các cú pháp
khác. Ví dụ: Tìm kiếm nhà chung cư đẹp trong tất cả các trang web của
site batdongsan.com.vn. Tại hộp Search của máy tìm kiếm Google,
người dùng nhập vào các truy vấn sau đây:
intext:“nhà chung cư đẹp” site:batdongsan.com.vn
Kết quả tìm kiếm được hiển thị như sau:

Hình 2.14: Kết quả tìm kiếm Google với cú pháp intext
một site cụ thể

38
Kết quả tìm kiếm cho thấy các kết quả được trả về đều chứa đựng từ
khóa nhà chung cư đẹp trong nội dung văn bản và đều là các trang web
thuộc site batdongsan.com.vn
2.2.5. Cú pháp inanchor
Cú pháp inanchor chuyên tìm kiếm các từ khóa truy vấn của người
dùng trong các liên kết mấu neo (link anchor) của trang Web. Một link
anchor là dòng chữ mô tả một link. Trên thực tế cú pháp này hoạt
động khá giống với inurl nhưng hẹp hơn so với inurl nên khi tìm kiếm
thường bị thay thế bởi inurl. Ví dụ: Tìm kiếm các thông tin về
facebook marketing nằm trong liên kết mấu neo của các trang web.
Tại hộp Search của máy tìm kiếm Google, người dùng nhập vào nội
dung sau đây:
inanchor:“facebook marketing”
Kết quả tìm kiếm được hiển thị như sau:

Hình 2.15: Kết quả tìm kiếm Google với cú pháp inanchor
Kết quả tìm kiếm cho thấy trong mỗi kết quả được trả về đều chứa
đựng từ facebook marketing nằm trong một liên kết mấu neo của trang
web đó.
Cú pháp inanchor cũng phối hợp tốt với cú pháp site, intitle và
intext nhưng không phối hợp với cú pháp inurl. Lý do rất đơn giản vì
bản thân inurl chuyên tìm kiếm trong đường dẫn và inanchor cũng là

39
một phần của đường dẫn đó, nếu cố kết hợp hai cú pháp này có thể dẫn
tới kết quả sai hoặc không như mong muốn. Ví dụ về cú pháp inanchor
khi phối hợp với cú pháp inurl cho ra kết quả không đúng như hình 2.16.
Trong danh sách các kết quả tìm kiếm được trả về, loại trừ kết quả đầu
tiên là quảng cáo vì có chữ “Ad” ngay đầu, kết quả thứ hai và thứ ba đều
không thỏa mãn yêu cầu tìm kiếm trong truy vấn của người dùng bởi vì
chỉ chứa đựng mỗi business trong đường dẫn mầu xanh lá cây mà không
thấy xuất hiện facebook marketing trong liên kết mấu neo của đường
dẫn đó.

Hình 2.16: Kết quả tìm kiếm Google phối hợp cú pháp inanchor
với inurl
2.2.6. Cú pháp link
Cú pháp link cho phép tìm kiếm tất cả những trang Web có liên kết tới
một địa chỉ web mà người dùng xác định trước. Hay nói cách khác là cú
pháp này sẽ liệt kê tất cả các trang Web có đặt link liên kết tới một site cụ
thể mà người dùng yêu cầu truy vấn. VD: Tìm tất cả các liên kết tới Website
của Đại học Thương Mại. Tại hộp Search của máy tìm kiếm Google, người
dùng nhập vào truy vấn sau đây: link:https://www.tmu.edu.vn. Kết quả
tìm kiếm được hiển thị như sau:

40
Hình 2.17: Kết quả tìm kiếm Google với cú pháp link
Kết quả tìm kiếm hiển thị tất cả các liên kết tới site của Đại học
Thương Mại.
2.2.7. Cú pháp cache
Cú pháp Cache (còn gọi là cú pháp bộ nhớ đệm) cho phép cung cấp
một bức tranh về một trang web trông như thế nào từ lần cuối cùng
Google chỉ số hóa trang web này. Hay nói cách khác là cú pháp này cho
phép người dùng tìm lại các thông tin trên các site không còn tồn tại đã
được lưu vào trong bộ nhớ đệm của Google. Ví dụ: Tìm kiếm giao diện
được Google cập nhật lần gần nhất của website Chodientu.vn. Tại
hộp Search của máy tìm kiếm Google, người dùng nhập vào truy vấn sau
đây: cache:chodientu.vn. Kết quả tìm kiếm được hiển thị như sau:

Hình 2.18: Kết quả tìm kiếm Google với cú pháp cache

41
Tại thời điểm nhập truy vấn là ngày 22 tháng 9 năm 2018 lúc 22h 3
phút nhưng kết quả hiển thị cho thấy ngay dòng đầu tiên, Google đã chỉ
rõ: “Đây là bộ nhớ đệm về site: https://www.chodientu.vn của Google.
Đây là ảnh chụp nhanh của trang web vào ngày 13 tháng 9 năm 2018 vào
lúc 18h 15 phút 17 giây. Trang hiện tại có thể đã thay đổi.”. Điều này có
nghĩa là lần cuối robot của Google cập nhật chodientu.vn là vào ngày 13
tháng 9 năm 2018 và giao diện hiện tại của chodientu.vn có thể đã thay
đổi không còn giống như vậy nữa (cũng có thể không còn tồn tại).
2.2.8. Cú pháp related
Cú pháp related cho phép tìm thấy những website có nội dung tương
tự hoặc liên quan tới một địa chỉ site cụ thể được xác định trước. Hay nói
cách khác là cú pháp related liệt kê tất cả các site có nội dung tương tự
hoặc liên quan tới nội dung của website mà người dùng yêu cầu truy vấn.
Cú pháp này rất mạnh trong việc tìm kiếm các đối thủ cạnh tranh, các
nhà cung cấp đối với cùng một loại sản phẩm hoặc dịch vụ.
VD: Tìm kiếm các site có nội dung tương tự hoặc liên quan tới site
vietnamnet.vn. Tại hộp Search của máy tìm kiếm Google, người dùng
nhập vào truy vấn sau đây: related:vietnamnet.vn. Kết quả tìm kiếm
được hiển thị như hình 2.19. Kết quả tìm kiếm cho thấy tất cả các website
cung cấp nội dung tin tức giống vietnamnet.vn bao gồm: nhandan.net,
docbao.vn, giadinh.net.vn...

Hình 2.19: Kết quả tìm kiếm Google với cú pháp related

42
2.2.9. Cú pháp info
Cú pháp info cung cấp thông tin nào đó về một địa chỉ site được xác
định trước, bao gồm một danh sách hiện thời cho URL đó nếu có, một
link tới bộ đệm của trang, một link tới các trang khác tương tự nó, cuối
cùng là một link tới những trang chứa đựng URL như văn bản text. Đối
với tìm kiếm info về một địa chỉ site, kết quả tìm kiếm trả về chỉ hiển thị
một kết quả duy nhất. Ví dụ: Tìm kiếm thông tin về site amazon.com. Tại
hộp Search của máy tìm kiếm Google, người dùng nhập vào truy vấn sau
đây: info:amazon.com. Kết quả tìm kiếm được hiển thị như hình 2.20.
Kết quả tìm kiếm chỉ hiển thị một kết quả duy nhất về amazon.

Hình 2.20: Kết quả tìm kiếm Google với cú pháp info
2.2.10. Cú pháp daterange
Cú pháp daterange cho phép người dùng tìm kiếm những thông tin
hoặc chủ đề nào đó theo yêu cầu trên các trang web đã được chỉ số hóa bởi
Google trong một phạm vi ngày tháng nhất định. Hãy lưu ý rằng daterange
chỉ hoạt động với lịch Julian, không phải với lịch Greogry là loại lịch mà
chúng ta vẫn dùng hàng ngày. Có bộ chuyển đổi lịch Greogry/Julian trực
tuyến, nhưng nếu như người dùng muốn tìm kiếm trên Google mà không có
những chuyện vô lý đó, hãy sử dụng giao diện FaganFinder của Google
(http://www.faganfinder.com/engines/google.shtml hoặc http://www.fagan
finder.com/google/), giao diện này cho phép tìm kiếm daterange: thông qua
menu (thực đơn) lịch Greogry kéo xuống.

43
Hình 2.21: Giao diện FaganFinder của Google
Sau đó người dùng nhấn vào tab Search by Date, giao diện tìm
kiếm theo ngày tháng sẽ được hiển thị như sau:

Hình 2.22: Hướng dẫn tìm kiếm trên FaganFinder


Lúc này tại ô Search, người dùng nhập vào thông tin hoặc chủ đề
muốn tìm kiếm và bên dưới phần From, To là lựa chọn thời gian muốn
tìm kiếm từ thời điểm nào (ngày tháng năm nào) đến thời điểm nào (ngày
tháng năm nào). Ví dụ: Tìm kiếm Báo cáo thương mại điện tử Việt
Nam trong khoảng thời gian từ 1/1/2014 đến 1/1/2018. Sau khi truy cập
vào giao diện faganfinder.com/google/ người dùng chọn Search by date
và tại hộp Search người dùng nhập vào truy vấn như sau:

44
Hình 2.23: Hướng dẫn tìm kiếm trên FaganFinder một từ khóa cụ thể
Kết quả tìm kiếm được hiển thị như hình 2.24. Kết quả tìm kiếm cho
thấy thông tin về các Báo cáo thương mại điện tử Việt Nam được tìm
kiếm từ 1/1/2014 đến 1/1/2018.

Hình 2.24: Kết quả tìm kiếm trên FaganFinder một từ khóa cụ thể
Cách tìm kiếm nói trên mặc dù vẫn sử dụng cơ sở dữ liệu của Google
nhưng lại yêu cầu người dùng phải truy cập vào giao diện của site:
faganfinder.com/google/. Có một cách tìm kiếm khác tiện lợi hơn, vẫn sử
dụng chính giao diện của Google mà không cần truy cập vào site khác và

45
cũng không cần phải tìm đến công cụ chuyển đổi lịch. Vẫn trong ví dụ
như trên tìm kiếm Báo cáo thương mại điện tử Việt Nam từ 1/1/2014
đến 1/1/2018. Tại hộp Search của máy tìm kiếm Google, người dùng
nhập vào truy vấn sau đây:
“Báo cáo thương mại điện tử Việt Nam” daterange:2014-2018
Kết quả tìm kiếm được hiển thị như sau:

Hình 2.25: Kết quả tìm kiếm Google với cú pháp daterange
một từ khóa cụ thể
Sau khi kết quả tìm kiếm được hiển thị, có thể thấy danh sách vẫn có
nhiều kết quả không đúng phạm vi tìm kiếm, chẳng hạn như kết quả số 1
và số 2 ở trên. Để thu hẹp hơn kết quả tìm kiếm và để kết quả được chính
xác hơn, người dùng làm theo hướng dẫn sau đây:

Hình 2.26: Hướng dẫn tìm kiếm chính xác với cú pháp
daterange – bước 1

46
Sau khi chọn Custom range, giao diện của Google sẽ được hiển thị
như sau:

Hình 2.27: Hướng dẫn tìm kiếm chính xác với cú pháp daterange –
bước 2
Tại hộp Customised date range người dùng chọn From 1/1/2014 và
To 1/1/2018 sau đó nhấn nút Go. Kết quả tìm kiếm đã được hiệu chỉnh
hiển thị như hình bên dưới cho thấy các thông tin về Báo cáo thương
mại điện tử Việt Nam đã được tìm kiếm theo đúng phạm vi ngày tháng
như yêu cầu của người dùng.

Hình 2.28: Kết quả tìm kiếm chính xác với cú pháp daterange

47
2.2.11. Cú pháp filetype
Cú pháp filetype được sử dụng để tìm kiếm các thông tin, các văn
bản, tài liệu theo yêu cầu định dạng cho trước. Hay nói cách khác, người
dùng có thể sử dụng cú pháp filetype để tìm kiếm các định dạng văn bản
khác nhau theo yêu cầu cho một chủ đề tìm kiếm cụ thể. Ví dụ: Tìm kiếm
các tài liệu về Báo cáo tài nguyên Internet Việt Nam với định dạng các
văn bản là pdf. Tại hộp Search của máy tìm kiếm Google, người dùng
nhập vào truy vấn sau đây:
“Báo cáo tài nguyên Internet Việt Nam” filetype:pdf
Kết quả tìm kiếm được hiển thị như sau:

Hình 2.29: Kết quả tìm kiếm Google với cú pháp filetype
Kết quả tìm kiếm cho thấy tất cả các kết quả trả về đều là Báo cáo
tài nguyên Internet Việt Nam với định dạng văn bản là pdf.
Ngoài ra, máy tìm kiếm Google cũng cho phép người dùng có thể
tìm kiếm tài liệu với định dạng văn bản theo yêu cầu với cú pháp type.
Tuy nhiên độ chính xác của type không bằng cú pháp filetype, cụ thể
như sau:

48
Hình 2.30: Kết quả tìm kiếm Google với cú pháp type
Kết quả tìm kiếm cho thấy cú pháp type khi tìm kiếm các tài liệu
Báo cáo tài nguyên Internet Việt Nam với định dạng file pdf vẫn tìm
thấy các kết quả nhưng không trực diện và rõ ràng như cú pháp filetype.
2.3. Những lệnh tìm kiếm đặc biệt của Google
Không phải tất cả mọi cú pháp đặc biệt mà Google đưa ra có thể làm
bất cứ điều gì với việc tìm kiếm những trang Web. Đối với một số loại
thông tin đặc biệt cần phải sử dụng những lệnh tìm kiếm đặc biệt của
Google để có thể tìm thấy.
2.3.1. Lệnh stock
Lệnh stock được sử dụng để tìm kiếm các thông tin về tình hình tài
chính, cổ phiếu của một công ty bất kỳ đã niêm yết trên sàn chứng khoán
NASDAQ. (NASDAQ là sàn giao dịch chứng khoán điện tử lớn nhất
nước Mỹ, với khoảng 3.200 công ty niêm yết và số lượng cổ phiếu giao
dịch bình quân nhiều hơn bất kỳ sàn giao dịch khác ở Mỹ, kể cả NYSE.
Có giá trị vốn hoá thị trường đứng thứ 3 thế giới sau NYSE và Tokyo
stock Exchange). Người dùng có thể sử dụng lệnh stock để thực hiện sự
tìm kiếm với mã chứng khoán của một công ty hoặc tên của chính công
ty đó để nhận được kết quả tìm kiếm với các thông tin tài chính/ cổ phiếu
của công ty từ nhiều nguồn khác nhau. Ví dụ: Tìm kiếm tình hình tài
chính, cổ phiếu của công ty Amazon. Tại hộp Search của máy tìm kiếm

49
Google, người dùng nhập vào truy vấn sau đây: stock:AMZN hoặc
stock:Amazon
Kết quả tìm kiếm được hiển thị như sau:

Hình 2.31: Kết quả tìm kiếm Google với lệnh stock
Kết quả tìm kiếm được hiển thị cho thấy có các nguồn thông tin khác
nhau về tình hình tài chính cổ phiếu của Amazon và đáng kể hơn cả là
biểu đồ mô tả chi tiết sự tăng giảm của cổ phiếu Amazon trên thị trường
chứng khoán NASDAQ để người dùng có thể theo dõi biến động.
2.3.2. Lệnh phonebook
Lệnh phonebook được sử dụng để tìm thấy số điện thoại, địa chỉ cụ
thể và cả bản đồ dẫn đường tới địa chỉ nhà của một người hoặc một công
ty nào đó khi cú pháp này được kết hợp với tên của cá nhân hoặc tên của
công ty. Với lệnh tìm kiếm đặc biệt như phonebook hoặc stock người
dùng không thể trộn lẫn sự tìm kiếm đó với sự tìm kiếm cho các nội dung
trên những trang web. Hay nói cách khác, người dùng không thể phối
hợp giữa phonebook với stock hoặc với các cú pháp đã biết hay từ khóa
khác mà những lệnh tìm kiếm đặc biệt này chỉ có thể sử dụng riêng lẻ.
Giống như lệnh stock chuyên dùng để tìm kiếm thông tin về tình hình tài
chính cổ phiếu của công ty trên thị trường Mỹ, lệnh phonebook được
dùng để tìm kiếm thông tin về cá nhân hoặc công ty tại Mỹ.

50
Ví dụ: Tìm kiếm số điện thoại, địa chỉ liên hệ của người có tên là
George Bush. Tại hộp Search của máy tìm kiếm Google, người dùng
nhập vào truy vấn: phonebook:“George Bush”.
Kết quả tìm kiếm được hiển thị như hình 2.32. Kết quả tìm kiếm liệt
kê hàng loạt những người có tên George Bush với số điện thoại liên hệ,
địa chỉ nhà và một bản đồ chỉ dẫn chi tiết để đi tới địa chỉ nhà đó.

Hình 2.32: Kết quả tìm kiếm Google với lệnh phonebook
2.3.3. Lệnh database
Trên Internet có rất nhiều trang web ẩn, đây là những cơ sở dữ liệu
mọi người đều có thể truy cập nhưng bộ tìm kiếm thông tin (robot) của
máy tìm kiếm không thể tiếp cận. Các cơ sở dữ liệu thường có giao diện
tìm kiếm chuẩn, có những chức năng tìm kiếm mạnh. Lệnh database
được sử dụng để tìm kiếm trong cơ sở dữ liệu thậm chí của cả những
trang web ẩn khi sử dụng máy tìm kiếm Google. Người dùng chỉ cần
nhập vào máy tìm kiếm từ khóa theo chủ đề cần truy vấn và database. Ví
dụ: Tìm kiếm các thông tin về kinh tế học bằng tiếng Anh trong cơ sở dữ
liệu của các trang web ẩn. Tại hộp Search của máy tìm kiếm Google,
người dùng nhập vào truy vấn sau đây: economics database. Kết quả tìm
kiếm được hiển thị như sau:

51
Hình 2.33: Kết quả tìm kiếm Google với lệnh database
Kết quả tìm kiếm hiển thị tất cả những trang web ẩn mà cơ sở dữ liệu
chứa đựng thông tin liên quan đến kinh tế học economics.
2.4. Những thuộc tính tìm kiếm không mạng của Google
Tài sản thông dụng nhất và giá trị nhất của Google là website tìm
kiếm tại địa chỉ: http://www.google.com , nhưng bản thân Google lại bao
gồm những tập hợp khác nhau của những tài liệu tìm kiếm được. Những
tài liệu này được sắp xếp theo kiểu thư mục và cho phép người dùng tìm
kiếm trong chính cơ sở dữ liệu của thư mục này mà không liên kết tới các
site khác ngoài những site đã đăng ký trong thư mục.
2.4.1. Google News – http://news.google.com (Tin tức của Google)
Dịch vụ cung cấp tin tức này của Google bao gồm các tin bài xuất
hiện trong vòng 30 ngày qua trên các trang web tin tức khác nhau. Tổng
cộng, Google News tổng hợp nội dung từ hơn 25.000 nhà xuất bản. Đối
với ngôn ngữ tiếng Anh, nó bao gồm khoảng 4.500 trang web; và đối với
các ngôn ngữ khác có thể ít hơn. Trang chủ của Google News cung cấp
khoảng 200 ký tự đầu tiên của bài viết và một liên kết đến nội dung lớn
hơn của nó.
Tính đến năm 2013, Google News đang theo dõi hơn 50.000 nguồn tin
tức trên toàn thế giới. Tính đến tháng 9 năm 2015, dịch vụ được cung cấp
bằng 35 ngôn ngữ bao gồm: tiếng Ả Rập, tiếng Bengali, tiếng Bungari, tiếng
Quảng Đông, tiếng Trung, tiếng Séc, tiếng Hà Lan, tiếng Anh, tiếng Pháp,
tiếng Đức, tiếng Hy Lạp, Hebrew, Hindi, Hungary, Ý, Indonesia, Nhật Bản,

52
Hàn Quốc, Latvia, Lithuania, Malaysia, Na Uy, Ba Lan, Bồ Đào Nha,
Rumani, Nga, Serbia, Tây Ban Nha, Thụy Điển, Tamil, Telugu, Thái, Thổ
Nhĩ Kỳ, Ukraina và Việt Nam.
Google News cho phép người dùng tìm kiếm tin tức được tổng hợp
từ các website đã đăng ký với Google News chứ không liên kết tới các
website bên ngoài.
Hình ảnh của Google News:

Hình 2.34: Giao diện của Google News


2.4.2. Google Groups–http://groups.google.com
Lịch sử của Google Groups được bắt đầu trước khi Google tồn tại
khá lâu. Năm 1979, hai sinh viên tốt nghiệp Đại học Duke đã phát minh
ra một loại bảng tin kỹ thuật số được gọi là nhóm Usenet. Những bảng
tin này, được đọc bằng phần mềm tin tức đặc biệt, cho người dùng máy
tính khả năng bắt đầu các cuộc thảo luận công khai với nhau trên khắp
thế giới. Các nhóm Usenet trở nên cực kỳ phổ biến trong suốt những năm
1980 và 1990, mặc dù sự nổi tiếng đó bắt đầu suy yếu khi Internet trở
nên phổ biến và dễ tiếp cận hơn. May mắn thay, hàng triệu tin nhắn được
đăng trên toàn bộ Usenet đã được lưu giữ trong một kho lưu trữ trực
tuyến, đầu tiên là Deja.com và sau đó, sau khi Google mua lưu trữ từ
Deja vào năm 2001, dưới hình thức Google Groups.

53
Tài liệu lưu trữ trên Google Groups sử dụng Usenet hơn 20 năm
trước, có mười đặc tính nổi trội của văn bản trong số hàng triệu các tin
nhắn. Điều đó thật tuyệt vời khi người dùng cần các hỗ trợ kỹ thuật hoặc
một gợi ý cho trò chơi.
Hiện nay, Google đã bắt đầu thêm chức năng vào Google Groups, bắt
đầu với khả năng người dùng tạo các nhóm riêng lẻ. Các nhóm này khác
với nhóm Usenet theo nhiều cách, đáng kể nhất bằng cách cho phép
người dùng đặt các cấp độ truy cập khác nhau cho một nhóm. Tiếp theo
là khả năng tạo các trang Web nội bộ, đăng các tệp và thậm chí tạo các
hồ sơ người dùng trong các nhóm. Đọc tiếp để tìm hiểu cách người dùng
có thể sử dụng các tính năng của Google Groups này để giữ liên lạc với
người dùng bè, kết nối với những người có sở thích tương tự và tổ chức
các dự án và bản trình bày.
Google Groups, giống như nhiều ứng dụng của Google, được thiết kế
dễ sử dụng. Ví dụ: để tìm kiếm các chủ đề Google mà người dùng quan
tâm, người dùng chỉ cần sử dụng hộp tìm kiếm nằm trên trang chủ
Google Groups. Google Groups cũng có khả năng tìm kiếm nâng cao, nơi
người dùng có thể tìm kiếm theo phạm vi ngày, ngôn ngữ, nhóm hoặc tác
giả. Tìm kiếm theo phạm vi ngày có thể chứng minh đặc biệt thú vị, vì
các cuộc thảo luận kéo dài 25 năm và bao gồm tất cả mọi thứ từ công
nghệ đến chính trị. Một khi người dùng đã tìm thấy một chủ đề quan tâm,
người dùng có thể đăng ký vào nhóm và nhận thông tin cập nhật về các
bài đăng mới qua e-mail.
Điểm mạnh nhất là kho lưu trữ Usenet của Google Groups bao gồm
hơn 700 triệu tin nhắn. Không phải tất cả các cuộc thảo luận đều bằng
tiếng Anh, mà với việc sử dụng "tìm kiếm nâng cao", người dùng có thể
tìm kiếm các cuộc thảo luận bằng hơn 40 ngôn ngữ khác nhau.
Hình ảnh của Google Groups:

54
Hình 2.35: Giao diện của Google Groups
2.4.3. Google Images–http://images.google.com
Vào năm 2000, các kết quả tìm kiếm của Google chủ yếu bị giới hạn
ở các nội dung văn bản đơn giản có liên kết tới các trang web. Các nhà
phát triển của Google đã nhận ra điều này và họ cũng nhận ra rằng sẽ là
một thiếu sót rất lớn trong bộ máy tìm kiếm nếu không có tìm kiếm hình
ảnh. Do đó, tìm kiếm hình ảnh của Google – Google Images đã được
khởi chạy. Đến năm 2001, 250 triệu hình ảnh được lập chỉ mục trong tìm
kiếm hình ảnh. Con số này cuối cùng sẽ tăng lên 1 tỷ hình ảnh vào năm
2005 và 10 tỷ vào năm 2010. Vào ngày 27 tháng 10 năm 2009, Google
Images đã thêm một tính năng vào tìm kiếm hình ảnh để người dùng có
thể được sử dụng để tìm các hình ảnh tương tự. Vào ngày 20 tháng 7 năm
2010, Google đã thực hiện một bản cập nhật khác cho giao diện của
Google Images, đã thực hiện lại việc ẩn chi tiết hình ảnh cho đến khi di
chuột qua. Vào tháng 5 năm 2011, Google đã giới thiệu một tính năng
sắp xếp theo chủ đề cho tổng quan sơ đồ hình ảnh của truy vấn tìm kiếm.
Một tháng sau, vào tháng 6 năm 2011, Google Images đã thêm tính năng
Tìm kiếm bằng hình ảnh cho phép tìm kiếm hình ảnh ngược trực tiếp
trong thanh tìm kiếm hình ảnh mà không có tiện ích bổ sung của bên thứ
ba. Tính năng này cho phép người dùng tìm kiếm hình ảnh bằng cách kéo
và thả hình ảnh vào thanh tìm kiếm, tải lên một hoặc sao chép URL trỏ

55
đến hình ảnh vào thanh tìm kiếm. Vào ngày 11 tháng 12 năm 2012, thuật
toán máy tìm kiếm của Google Images đã được thay đổi một lần nữa, với
hy vọng ngăn hình ảnh xấu xuất hiện.
Vào ngày 15 tháng 2 năm 2018, giao diện của Google Images đã
được sửa đổi để đáp ứng các điều khoản của thỏa thuận thu xếp và cấp
phép với Getty Images . Nút "View images" (liên kết sâu với chính hình
ảnh trên máy chủ nguồn của nó) đã bị xóa khỏi hình thu nhỏ của hình
ảnh. Thay đổi này nhằm ngăn cản người dùng xem trực tiếp hình ảnh có
kích thước đầy đủ và khuyến khích họ xem hình ảnh trong ngữ cảnh
thích hợp của nó (cũng có thể bao gồm phân bổ và thông tin bản quyền)
trên trang web tương ứng của nó. Nút "Search by images" cũng đã bị hạ
thấp, vì tìm kiếm hình ảnh ngược lại có thể được sử dụng để tìm các bản
sao có độ phân giải cao hơn hình ảnh có bản quyền. Google cũng đồng ý
thực hiện tuyên bố từ chối bản quyền trong giao diện nổi bật hơn.
Hình ảnh giao diện của Google images:

Hình 2.36: Giao diện của Google Images


2.4.4. Google Special Searches - http://google.com/options/ special
searches.html
Google đưa ra rất nhiều, rất nhiều các lựa chọn tìm kiếm khác nhau.
Có sáu mức của những sự tìm kiếm đặc biệt giúp cho người dùng có thể

56
tìm thấy những đề tài rất đặc biệt. Người dùng có thể tìm kiếm thông tin
trên Microsoft, Linux, Apple, hay Chính phủ. Google thậm chí có những
sự tìm kiếm đặc biệt cho hàng tá và hàng tá các những trường đại học.
Khi người dùng muốn tìm kiếm thông tin một cách dễ dàng hơn về
sáu chủ đề cụ thể đã được liệt kê ở trên, Google cung cấp các máy tìm
kiếm chuyên biệt sau:
Bảng 2.1: Các máy tìm kiếm chuyên biệt của Google

Apple Macintosh - www.google.com/mac


Tìm kiếm Mac & Apple

BSD - www.google.com/bsd
Tìm kiếm các hệ điều hành BSD

Linux - www.google.com/linux
Tìm kiếm hệ điều hành Linux

Microsoft - www.google.com/microsoft
Tìm kiếm các trang liên quan đến Microsoft

Chính phủ Hoa Kỳ và chính quyền tiểu bang -


www.google.com/unclesam
Tìm kiếm các trang web .gov, .mil và state

Các trường đại học -


www.google.com/options/universities.html
Thu hẹp tìm kiếm của người dùng vào trang web
của một tổ chức cụ thể
Các tìm kiếm chuyên biệt cho phép người dùng tìm kiếm thông tin
về một chủ đề mà không nhận được kết quả hoàn toàn không liên
quan. Ví dụ: Nếu người dùng chỉ muốn thông tin chính thức từ chính phủ
Hoa Kỳ về thuế, người dùng có thể tìm kiếm tất cả các trang web của
chính phủ liên bang và tiểu bang từ hộp tìm kiếm này.

57
Trong lịch sử phát triển sớm của Google, một số kỹ sư đã tạo ra những
máy tìm kiếm chuyên biệt này để phục vụ lợi ích riêng của họ. Các website
này vẫn là một phần của tìm kiếm Google mặc dù Google đã chuyển sự
chú ý sang các loại dịch vụ và tính năng tìm kiếm khác.
Người dùng có thể tìm thấy các liên kết đến các máy tìm kiếm
chuyên biệt này, cũng như tìm kiếm Sách của Google và Google Scholar,
trên biểu mẫu tìm kiếm nâng cao trên Web.
2.4.5. Google Shopping
Google Shopping mà trước đây là Google Product Search, Google
Products và Froogle là một dịch vụ của Google được Craig Nevill
Manning là một nhà nghiên cứu cao cấp tại Google phát minh, cho phép
người dùng tìm kiếm các sản phẩm trên trang web mua sắm trực tuyến và
so sánh giá giữa các nhà cung cấp khác nhau trên Internet.
Được ra mắt vào tháng 12 năm 2002, Froogle hay sau này là Google
Shopping khác với hầu hết các dịch vụ so sánh giá khác ở chỗ nó sử
dụng trình thu thập dữ liệu web của Google để lập chỉ mục dữ liệu sản
phẩm từ các trang web của nhà cung cấp (người bán hàng). Ban đầu, dịch
vụ liệt kê giá do người bán gửi và được kiếm tiền thông qua quảng
cáo AdWords như các dịch vụ khác của Google. Tuy nhiên, vào tháng 5
năm 2012, Google đã thông báo rằng dịch vụ tìm kiếm và so sánh giá
Froogle đã được đổi tên ngay lập tức thành Google Shopping và vào cuối
năm 2012 sẽ chuyển thành mô hình trả phí, nơi người bán phải trả tiền
cho Google để liệt kê các sản phẩm của họ trên dịch vụ tìm kiếm. Kết
quả tìm kiếm cũng chịu ảnh hưởng bởi cả mức độ liên quan và số tiền giá
thầu mà những người bán trả. Google đã biện minh cho động thái này
bằng cách tuyên bố rằng dịch vụ tìm kiếm của Google Shopping cung
cấp câu trả lời tốt nhất cho những người tìm kiếm sản phẩm và giúp kết
nối người bán với đúng khách hàng.

58
Hình 2.37: Giao diện Google Shopping
Tháng 6 năm 2017, Google Shopping bị Ủy ban Châu Âu phạt
2,4 tỷ Euro vì đã ưu tiên hàng đầu các dịch vụ mua sắm trực tuyến của
mình trong kết quả tìm kiếm. Nhằm xây dựng lại thương hiệu của mình
sau sự cố đó, dịch vụ tìm kiếm và so sánh giá sản phẩm của Google
Shopping đã được sửa đổi để nhấn mạnh việc tích hợp với tìm kiếm của
Google, danh sách kết quả từ dịch vụ hiện có thể xuất hiện cùng với kết
quả tìm kiếm trên web. Hiện nay, Google Shopping là dịch vụ tìm kiếm
hàng đầu cho tìm kiếm sản phẩm và so sánh giá của cùng loại sản phẩm
giữa các nhà cung cấp khác nhau trên Internet.

59
BÀI TẬP CHƯƠNG 2

Hãy sử dụng máy tìm kiếm Google để thực hiện các tìm kiếm sau đây:
1. Hãy tìm kiếm từ nối các cụm từ sau đây: step… step; hard… easy;
picture… wall.
2. Tìm kiếm hạ tầng khóa công khai PKI, sơ mi nam đẹp, hạt dinh
dưỡng, mặt nạ thảo dược… bằng cú pháp intitle.
3. Tìm kiếm từ điểm thi đại học; thị trường chứng khoán, thanh toán
điện tử, thanh toán di động…giới hạn tìm kiếm trong site:vietnamnet.vn
4. Tìm kiếm từ điểm chuẩn đại học, thương mại điện tử trong tiêu đề
các bài viết của các site thuộc lĩnh vực giáo dục.
5. Tìm kiếm từ firewall, e-marketing trong địa chỉ của các trang web.
6. Tìm kiếm từ money trong địa chỉ của trang web: cnn.com
7. Tìm kiếm từ thị trường vàng; thị trường bất động sản trong nội
dung văn bản của các trang web.
8. Tìm kiếm từ thanh toán điện tử, thanh toán di động, thương mại di
động, quảng cáo di động trong nội dung văn bản của site: vietnamnet.vn
9. Tìm tất cả các website có liên kết tới website của đại học Thương
mại, website của đại học Ngoại thương, website của Ngân hàng TM cổ
phần Quân đội.
10. Tìm kiếm các thông tin trên site eBay.com; site cnn.com;
msn.com đã được lưu vào bộ nhớ đệm của Google.
11. Hãy tìm kiếm tất cả các trang có liên quan hoặc có nội dung
tương tự với site: vietbao.vn; hatdinhduong.com; sendo.com; shopee.vn.
12. Tìm kiếm các thông tin về site: nhacso.net; quantrimang.com;
hiệp hội hacker Việt nam.
13. Tìm kiếm về báo cáo thương mại điện tử từ 2013 đến 2017 của
Việt Nam với định dạng file pdf.
14. Tìm kiếm từ Apple pay; Samsung pay trong các trang web có tiêu
đề chứa đựng từ Thanh toán điện tử.
15. Tìm kiếm từ Hạt dinh dưỡng trong các trang facebook mà trong
nội dung văn bản có từ chống lão hóa hoặc sức khỏe.

60
16. Tìm kiếm từ khóa kem dưỡng da trong các trang web facebook
hoặc web của các tổ chức:
+ tiêu đề trang có chứa đựng từ làm đẹp
+ đường dẫn có chứa đựng từ mỹ phẩm
17. Tìm kiếm từ khóa facebook marketing trong các trang web thuộc
lĩnh vực giáo dục mà trong tiêu đề chứa đựng từ courses và đường dẫn
có chứa từ business.
18. Tìm kiếm các thông tin về tình hình cổ phiếu, chứng khoán của
các công ty sau: Monster Beverage Corp; Apple; Global Health Partner;
Alibaba Group.
19. Tìm kiếm áo sơ mi trong nội dung văn bản của các trang
facebook mà tiêu đề có chứa đựng từ Hà nội và đường dẫn có chứa đựng
từ xách tay.
20. Tìm kiếm hạt chia Úc trong các trang facebook mà trong tiêu đề
có chứa đựng từ hạt dinh dưỡng và đường dẫn có từ nhập khẩu.
21. Tìm kiếm từ hoa quả nhập khẩu trong tiêu đề của các trang web
của Việt nam với nội dung văn bản chứa đựng từ tiền mất tật mang.
22. Tìm kiếm từ rau sạch trong tiêu đề của các trang web thuộc các tổ chức
mà nội dung văn bản chứa đựng từ tươi ngon và đường dẫn chứa an toàn.

61
CHƯƠNG 3
MÁY TÌM KIẾM FACEBOOK GRAPH SEARCH
VÀ FACEBOOK TRENDS

3.1. Máy tìm kiếm Facebook Graph Search


3.1.1. Khái quát về Facebook Graph Search
Facebook là một website dịch vụ mạng xã hội và truyền thông xã hội
do công ty Facebook, Inc điều hành với trụ sở tại Menlo Park, California.
Mark Zuckerberg lập trang Facebook ngày 4 tháng 2 năm 2004 cùng với
người dùng bè là sinh viên khoa khoa học máy tính và người dùng cùng
phòng Eduardo Saverin, Andrew McCollum, Dustin Moskovitz và Chris
Hughes khi Mark còn là sinh viên tại Đại học Harvard. Tên Facebook bắt
nguồn từ cuốn sổ có hình mặt (face book) của tất cả các sinh viên trong
các trường đại học Mỹ. Tính đến tháng 9 năm 2012, Facebook hiện có
hơn một tỷ người sử dụng tích cực trên khắp thế giới. Với con số ấy,
Facebook là mạng xã hội phổ biến nhất, tiếp theo sau là MySpace và
Twitter. Con số này tiếp tục tăng, đạt 1,19 tỷ người dùng hoạt động
thường xuyên vào tháng 10 năm 2013, 1,44 tỷ người dùng vào tháng 4
năm 2015 , 1,71 tỷ người dùng vào tháng 7 năm 2016, 1,94 tỷ người
dùng vào tháng 3 năm 2017, 2 tỷ người dùng vào tháng 6 năm 2017 và
2,2 tỷ người dùng vào tháng 1 năm 2018. Hiện tại, Facebook có số lượt
truy cập đứng thứ hai trên toàn thế giới chỉ sau Google.

62
Hình 3.1: Giới thiệu về Facebook Graph Search
Vào đầu năm 2013, Facebook đã giới thiệu một công cụ mới có tên
là Graph Search. Về cơ bản, Graph Search không phải là "web search"
như các máy tìm kiếm là Google, Yahoo hay Bing. Facebook Graph
Search là công cụ cho phép người sử dụng Facebook tìm kiếm thông tin
dựa trên những dữ liệu khổng lồ từ chính người dùng. Công cụ này được
thiết kế để trả về kết quả từ một truy vấn chính xác thay vì chỉ thực hiện
tìm kiếm và đưa kết quả chung chung từ nhiều trang web khác nhau.
Facebook cho biết công ty thực hiện việc tìm kiếm dựa vào những mối
quan hệ xã hội được thiết lập giữa các thành viên của mạng xã hội này.
Những kết quả trả về trước hết sẽ là những tài khoản mà người dùng
tương tác nhiều nhất, sau đó chúng sẽ lần lượt được sắp xếp theo số
lượng người dùng chung cùng nhiều yếu tố khác. Ý tưởng ở đây là để
đưa ra những gì có liên quan và phổ biến nhất đối với người dùng. Để
đưa ra kết quả theo hướng trực quan, Facebook Graph Search sẽ sử dụng
hàng loạt các bộ lọc để sắp xếp các nội dung như địa điểm, sở thích của
người dùng Facebook, mối quan hệ (relationship) tùy theo truy vấn của
người sử dụng.
Facebook định vị Graph Search như là một giải pháp tìm kiếm hướng
đến doanh nghiệp thay cho những trang như LinkedIn. Facebook tiết lộ
Graph Search có thể được dùng để tìm kiếm những cá nhân đang làm

63
việc tại một công ty nào đó - một thứ mà người ta hay thực hiện trên
LinkedIn - trong khi vẫn theo dõi được tính cách, sở thích của cá nhân
của người mà ta muốn biết thêm thông tin. Điều này sẽ khiến những nhà
tuyển dụng cảm thấy Graph Search có ích.
3.1.2. Các cú pháp đặc biệt của Facebook Graph Search
Để bắt đầu sử dụng tính năng này, người dùng chỉ cần nhập thông tin
vào ô tìm kiếm của Facebook. Không giống như Google, Graph Search
có thể hiểu được ngôn ngữ tự nhiên nhưng lại không thể sử dụng được
với ngôn ngữ tiếng Việt.

Hình 3.2: Hướng dẫn thay đổi ngôn ngữ sử dụng trên Facebook

Graph Search chỉ hoạt động tốt trên giao diện tiếng Anh nên người
dùng cũng sẽ cần một chút kiến thức về ngoại ngữ để sử dụng được công
cụ này nhưng nó rất đơn giản. Do đó, việc đầu tiên là người dùng cần
thay đổi ngôn ngữ sử dụng trên Facebook:
- Bước 1: Đăng nhập vào trang Facebook cá nhân
- Bước 2: Lựa chọn mục Cài đặt (nếu đang sử dụng Facebook bằng
tiếng Việt) như trên hình 3.1
- Bước 3: Chọn phần Ngôn ngữ

64
- Bước 4: Chọn Hiển thị cho Facebook bằng ngôn ngữ này là English
(US hoặc UK) và ấn Lưu thay đổi
3.1.2.1 Một số cú pháp tìm kiếm nội dung phổ biến
a. Cú pháp Post about
Ý nghĩa: Cú pháp này được sử dụng để tìm kiếm những nội dung (có
thể là bài đăng, ảnh, pages,…) về một từ khóa nào đó trên Facebook từ
bất kì người dùng, nhóm người dùng hoặc một trang nào đó. Ví dụ: tìm
kiếm các bài post liên quan đến từ khóa “thương mại điện tử”, tại hộp
Search của máy tìm kiếm, người dùng nhập vào truy vấn như sau: Post
about “thương mại điện tử”. Kết quả tìm kiếm được hiển thị như sau:

Hình 3.3: Kết quả tìm kiếm các bài post về “thương mại điện tử”
Kết quả tìm kiếm cho thấy các bài viết, các trang (pages), các bức
ảnh và cả những người có liên quan đến từ khóa “thương mại điện tử”.
b. Cú pháp People named
Ý nghĩa: Cú pháp này giúp tìm kiếm những người dùng Facebook
theo tên. Kết quả trả về có thể là người dùng hoặc không phải là người
dùng của người dùng tìm kiếm. Ví dụ: tìm kiếm những người dùng có tên
là “Nguyễn Trần Hưng”, tại hộp Search của máy tìm kiếm, người dùng
nhập vào truy vấn như sau:

65
People named “Nguyễn Trần Hưng”
Kết quả tìm kiếm được hiển thị như sau:

Hình 3.4: Kết quả tìm kiếm người dùng có tên “Nguyễn Trần Hưng”
Kết quả tìm kiếm trả về cho thấy những người dùng trên facebook có
tên hoặc một phần tên là “Nguyễn Trần Hưng”. Những người này có thể
là người dùng hoặc không phải là người dùng của người dùng tìm kiếm.
c. Cú pháp People who live in
Ý nghĩa: Cú pháp này được sử dụng để tìm kiếm người dùng
facebook sống ở một thành phố hay một khu vực nào đó. Cú pháp này có
thể được sử dụng để tìm kiếm người dùng ở một quốc gia, một thành phố
hoặc đơn giản chỉ là một khu vực địa lý nào đó. Ví dụ: tìm kiếm những
người dùng facebook đang sống tại thành phố Hà Nội, Việt Nam, tại hộp
Search của máy tìm kiếm, người dùng nhập vào truy vấn như sau:
People who live in Hanoi (hoặc Hanoi, Vietnam)
Kết quả tìm kiếm được hiển thị như hình 3.5. Kết quả tìm kiếm trả về
cho thấy những người dùng facebook nào đang sống tại Hà Nội, Việt
Nam (live in Hanoi, Vietnam). Những người dùng này có thể là người
dùng hoặc không phải là người dùng của người dùng tìm kiếm.

66
Hình 3.5: Kết quả tìm kiếm người dùng sống ở Hà Nội, Việt Nam
d. Cú pháp People who checked in at
Ý nghĩa: Cú pháp này được sử dụng để tìm kiếm người dùng đã
check in ở một địa điểm nào đó. Ví dụ: tìm kiếm những người dùng
facebook đã ghé thăm (check-in) ở trường Đại học Thương mại, tại hộp
Search của máy tìm kiếm, người dùng nhập vào truy vấn như sau:
People who checked in at Trường Đại học Thương mại
Kết quả tìm kiếm được hiển thị như sau:

Hình 3.6: Kết quả tìm kiếm người dùng đã check in


ở Đại học Thương Mại

67
Kết quả tìm kiếm trả về cho ta biết được những người dùng facebook
nào đã từng check-in tại Trường Đại học Thương mại từ trước đến nay.
e. Cú pháp Employee
Ý nghĩa: Cú pháp này được dùng để tìm kiếm những người dùng
đang làm việc ở một công ty hoặc một tổ chức nào đó. Ví dụ: tìm kiếm
những người dùng đang làm việc tại Trường Đại học Thương mại, tại
hộp Search của máy tìm kiếm, người dùng nhập vào truy vấn như sau:
Trường Đại học Thương mại employees
Kết quả tìm kiếm được hiển thị như sau:

Hình 3.7: Kết quả tìm kiếm người dùng làm việc
ở Trường ĐH Thương Mại
Kết quả tìm kiếm trả về cho thấy những người dùng facebook nào
đang làm việc tại Trường Đại học Thương mại. Do có thể có nhiều người
dùng cùng nơi làm việc nhưng ghi tên nơi làm việc khác nhau nên để
củng cố kết quả ta có thể bổ sung các tìm kiếm người dùng làm việc tại
Đại học Thương mại, Thuongmai University hay thậm chí là Vietnam
University of Commerce,…
f. Cú pháp People who like
Ý nghĩa: Cú pháp này được sử dụng để tìm kiếm những người dùng
yêu thích một trang nào đó. Ví dụ: tìm kiếm những người dùng yêu thích

68
trang Khoa HTTT Kinh tế và TMĐT, tại hộp Search của máy tìm kiếm,
người dùng nhập vào truy vấn như sau:
People who like Khoa HTTT Kinh tế và TMĐT
Kết quả tìm kiếm được hiển thị như hình 3.8. Kết quả tìm kiếm trả về
cho thấy những người dùng thích trang Khoa HTTT Kinh tế và TMĐT.
Những người dùng này có thể là người dùng hoặc không phải là người
dùng của người dùng tìm kiếm.

Hình 3.8: Kết quả tìm kiếm Facebook với cú pháp People who like
g. Cú pháp Event named
Ý nghĩa: Cú pháp này được sử dụng để tìm kiếm sự kiện theo tên. Cú
pháp này giúp tìm kiếm những sự kiện đã, đang và sẽ diễn ra trong thời
gian tới. Ví dụ: tìm kiếm sự kiện “Ngày hội việc làm”, tại hộp Search của
máy tìm kiếm, người dùng nhập vào truy vấn như sau:
Event named Ngày hội việc làm
Kết quả tìm kiếm được hiển thị như sau:

69
Hình 3.9: Kết quả tìm kiếm Facebook với cú pháp Event named
Kết quả tìm kiếm trả về cho thấy những sự kiện có tên hoặc một
phần tên là Ngày hội việc làm, kèm theo đó là thời gian và địa điểm,
cũng như những người tham gia sự kiện đó.
h. Cú pháp Group named
Ý nghĩa: Cú pháp này được sử dụng để tìm kiếm những nhóm người
dùng theo tên. Ví dụ: tìm kiếm các nhóm người dùng có liên quan đến
Thương mại điện tử, tại hộp Search của máy tìm kiếm, người dùng nhập
vào truy vấn như sau:
Groups named Thương mại điện tử
Kết quả tìm kiếm được hiển thị như sau:

70
Hình 3.10: Kết quả tìm kiếm Facebook với cú pháp Group named
Kết quả tìm kiếm cho ta thấy những Group có tên hoặc một phần tên
chứa cụm từ Thương mại điện tử.
i. Cú pháp Page named
Ý nghĩa: Cú pháp này được sử dụng để tìm kiếm các Page theo tên.
Ví dụ: tìm kiếm các Page về Thương mại điện tử, tại hộp Search của máy
tìm kiếm, người dùng nhập vào truy vấn như sau:
Page named Thương mại điện tử
Kết quả tìm kiếm được hiển thị như hình 3.11. Kết quả tìm kiếm trả
về cho thấy các Page công cộng và cả Page cá nhân có chứa cụm từ
Thương mại điện tử trong tên.

71
Hình 3.11: Kết quả tìm kiếm trên Facebook với cú pháp Page named
j. Cú pháp Place named
Ý nghĩa: Cú pháp này được sử dụng để tìm kiếm các địa điểm theo
tên. Ví dụ: tìm kiếm các địa điểm có tên Đại học Thương mại, tại hộp
Search của máy tìm kiếm, người dùng nhập vào truy vấn như sau;
Place named Đại học Thương mại
Kết quả tìm kiếm được hiển thị như sau:

Hình 3.12: Kết quả tìm kiếm trên Facebook với cú pháp
Place named

72
Kết quả tìm kiếm trả về cho ta những địa điểm có tên Đại học
Thương mại, bao gồm cả những địa điểm có chứa cụm từ Đại học
Thương mại trong tên như Khoa Đào tạo quốc tế - Trường Đại học
Thương mại.
k. Cú pháp Photos taken in
Ý nghĩa: Cú pháp này được sử dụng để tìm kiếm những bức ảnh
được chụp ở một địa điểm nào đó. Ví dụ: tìm kiếm những bức ảnh được
chụp tại Trường Đại học Thương mại, tại hộp Search của máy tìm kiếm,
người dùng nhập vào truy vấn như sau:
Photos taken in Trường Đại học Thương mại
Kết quả tìm kiếm được hiển thị như sau:

Hình 3.13: Kết quả tìm kiếm trên Facebook với cú pháp Photos
taken in
Kết quả tìm kiếm trả về cho ta những bức hình được chụp tại Trường
Đại học Thương mại.
l. Cú pháp Video taken in
Ý nghĩa: Tương tự như ảnh được chụp, cú pháp này được sử dụng để
tìm kiếm những video clip được thực hiện tại một địa điểm nào đó. Ví

73
dụ: tìm kiếm những video được thực hiện tại Trường Đại học Thương
mại, tại hộp Search của máy tìm kiếm, người dùng nhập vào truy vấn như
sau:
Video taken in Trường Đại học Thương mại
Kết quả tìm kiếm được hiển thị như hình 3.14. Kết quả tìm kiếm trả
về cho ta những video được thực hiện tại Trường Đại học Thương mại.

Hình 3.14: Kết quả tìm kiếm video trên Facebook với cú pháp Video
taken in
m. Cú pháp Posts tagged with
Ý nghĩa: Cú pháp này được sử dụng để tìm kiếm những bài đăng có
đánh dấu (tag) một người nào đó hoặc một page. Ví dụ: tìm kiếm những
bài đăng có đánh dấu Trường Đại học Thương mại, tại hộp Search của
máy tìm kiếm, người dùng nhập vào truy vấn như sau:
Posts tagged with Trường Đại học Thương mại
Kết quả tìm kiếm được hiển thị như sau:

74
Hình 3.15: Kết quả tìm kiếm trên Facebook
với cú pháp Posts tagged with
Kết quả tìm kiếm cho ta thấy những bài đăng trong đó có đánh dấu
(tag) Trường Đại học Thương mại.
n. Cú pháp Nearby
Ý nghĩa: Cú pháp này được sử dụng để tìm kiếm những địa điểm ở
gần người tìm kiếm. Cú pháp này áp dụng cho hầu hết các địa điểm công
cộng như nhà hàng, quán cà phê, bưu điện, ga tàu, ngân hàng, … Tại hộp
Search của máy tìm kiếm, người dùng nhập vào truy vấn như sau:
[tên loại địa điểm] nearby
Ví dụ: tìm kiếm những nhà hàng ở gần, tại hộp Search của máy tìm
kiếm, người dùng nhập vào truy vấn như sau:
Restaurants nearby
Kết quả tìm kiếm được hiển thị như sau:

75
Hình 3.16: Kết quả tìm kiếm Nhà hàng ở gần
Ví dụ: tìm kiếm bưu điện ở gần, tại hộp Search của máy tìm kiếm,
người dùng nhập vào truy vấn như sau:
Post office nearby
Kết quả tìm kiếm được hiển thị như sau:

Hình 3.17: Kết quả tìm kiếm Bưu điện ở gần


Ví dụ: tìm kiếm ngân hàng ở gần, tại hộp Search của máy tìm kiếm,
người dùng nhập vào truy vấn như sau:
Banks nearby
Kết quả tìm kiếm được hiển thị như sau:

76
Hình 3.18: Kết quả tìm kiếm Ngân hàng ở gần
Ví dụ: tìm kiếm ga tàu ở gần, tại hộp Search của máy tìm kiếm,
người dùng nhập vào truy vấn như sau:
Railway station nearby
Kết quả tìm kiếm được hiển thị như sau:

Hình 3.19: Kết quả tìm kiếm Ga tàu ở gần

77
Ví dụ: tìm kiếm Khách sạn ở gần, tại hộp Search của máy tìm kiếm,
người dùng nhập vào truy vấn như sau:
Hotels nearby
Kết quả tìm kiếm được hiển thị như sau:

Hình 3.20: Kết quả tìm kiếm Khách sạn ở gần


Ví dụ: tìm kiếm quán cà phê ở gần, tại hộp Search của máy tìm kiếm,
người dùng nhập vào truy vấn như sau:
Coffee shops nearby
Kết quả tìm kiếm được hiển thị như sau:

Hình 3.21: Kết quả tìm kiếm Quán cà phê ở gần

78
Ví dụ: tìm kiếm Bảo tàng ở gần, tại hộp Search của máy tìm kiếm,
người dùng nhập vào truy vấn như sau:
Museums nearby
Kết quả tìm kiếm được hiển thị như sau:

Hình 3.22: Kết quả tìm kiếm Bảo tàng ở gần


Ví dụ: tìm kiếm Đồn Công an ở gần, tại hộp Search của máy tìm
kiếm, người dùng nhập vào truy vấn như sau:
Police stations nearby
Kết quả tìm kiếm được hiển thị như sau:

Hình 3.23: Kết quả tìm kiếm Đồn Công an ở gần

79
Ví dụ: tìm kiếm trạm xăng ở gần, tại hộp Search của máy tìm kiếm,
người dùng nhập vào truy vấn như sau:
Gas stations nearby
Kết quả tìm kiếm được hiển thị như sau:

Hình 3.24: Kết quả tìm kiếm Trạm xăng ở gần


Ví dụ: tìm kiếm Thư viện ở gần, tại hộp Search của máy tìm kiếm,
người dùng nhập vào truy vấn như sau:
Libraries nearby
Kết quả tìm kiếm được hiển thị như sau:

Hình 3.25: Kết quả tìm kiếm Thư viện ở gần

80
Ví dụ: tìm kiếm các Cửa hàng bán lẻ ở gần, tại hộp Search của máy
tìm kiếm, người dùng nhập vào truy vấn như sau:
Shops nearby
Kết quả tìm kiếm được hiển thị như sau:

Hình 3.26: Kết quả tìm kiếm các cửa hàng bán lẻ ở gần
Ví dụ: tìm kiếm Bệnh viện ở gần, tại hộp Search của máy tìm kiếm,
người dùng nhập vào truy vấn như sau:
Hospitals nearby
Kết quả tìm kiếm được hiển thị như sau:

Hình 3.27: Kết quả tìm kiếm Bệnh viện ở gần

81
Ví dụ: tìm kiếm Hồ ở gần, tại hộp Search của máy tìm kiếm, người
dùng nhập vào truy vấn như sau:
Lakes nearby
Kết quả tìm kiếm được hiển thị như sau:

Hình 3.28: Kết quả tìm kiếm Hồ ở gần


Ví dụ: tìm kiếm Quán rượu ở gần, tại hộp Search của máy tìm kiếm,
người dùng nhập vào truy vấn như sau:
Pubs nearby
Kết quả tìm kiếm được hiển thị như sau:

Hình 3.29: Kết quả tìm kiếm Quán rượu ở gần


Ví dụ: tìm kiếm Nhà thuốc ở gần, tại hộp Search của máy tìm kiếm,
người dùng nhập vào truy vấn như sau:

82
Pharmacies nearby
Kết quả tìm kiếm được hiển thị như sau:

Hình 3.30: Kết quả tìm kiếm Nhà thuốc ở gần


3.1.2.2. Một số cú pháp tìm kiếm nội dung cá nhân
a. Cú pháp Pages liked by
Ý nghĩa: Cú pháp này được sử dụng để tìm kiếm những trang (Pages)
được yêu thích bởi một ai đó hoặc bởi một nhóm người có đặc điểm
chung nào đó. Cú pháp này dùng để tìm kiếm các Pages được yêu thích
bởi một ai đó (yêu cầu phải là friend, nếu không phải friend thì không ra
kết quả hoặc kết quả không chính xác) trên Facebook. Ví dụ: tìm kiếm
những Pages được yêu thích bởi người dùng Nguyễn Trần Hưng, tại hộp
Search của máy tìm kiếm, người dùng nhập vào truy vấn như sau:
Pages liked by Nguyễn Trần Hưng
Kết quả tìm kiếm được hiển thị như sau:

Hình 3.31: Kết quả Pages được yêu thích theo cú pháp Pages liked by

83
Ngoài ra, cú pháp này cũng được dùng để tìm kiếm các Pages được
yêu thích bởi một nhóm người có cùng một đặc điểm nào đó trên
Facebook. Ví dụ: tìm kiếm những Trang được yêu thích bởi những người
thích Page Hưng- thương mại điện tử (yêu cầu phải gõ chính xác tên
page), tại hộp Search của máy tìm kiếm, người dùng nhập vào truy vấn
cú pháp như sau:
Pages liked by people who like Hưng- thương mại điện tử
Kết quả tìm kiếm được hiển thị như sau:

Hình 3.32: Kết quả những Pages được yêu thích


bởi những người thích trang
b. Cú pháp Favorite interests of
Ý nghĩa: Cú pháp này được dùng để tìm kiếm sở thích (Interests) của
một ai đó hoặc của một nhóm người nào đó có đặc điểm chung. Ví dụ:
tìm kiếm các sở thích của những người thích page VCU confessions, tại
hộp Search của máy tìm kiếm, người dùng nhập vào truy vấn như sau:
Favorite interests of people who like VCU Confessions
Kết quả tìm kiếm được hiển thị như sau:

84
Hình 3.33: Kết quả tìm kiếm Sở thích của những người thích một
page cụ thể
c. Cú pháp Groups joined by
Ý nghĩa: Cú pháp này được dùng để tìm kiếm những Group được
tham gia bởi một ai đó hoặc của một nhóm người nào đó có đặc điểm
chung. Ví dụ: tìm kiếm các nhóm được tham gia bởi những người thích
page VCU Confessions, tại hộp Search của máy tìm kiếm, người dùng
nhập vào truy vấn như sau:
Groups joined by people who like VCU Confessions
Kết quả tìm kiếm được hiển thị như sau:

Hình 3.34: Kết quả tìm kiếm các nhóm được tham gia
bởi những người thích một page cụ thể

85
Để tìm kiếm các nhóm được tham gia bởi một ai đó, ngoài cú pháp
tương tự như trên, người dùng nhập vào truy vấn như sau để tìm kiếm
những Groups được tham gia bởi người dùng Nguyễn Trần Hưng:
Nguyễn Trần Hưng’s Groups
Kết quả tìm kiếm được hiển thị như sau:

Hình 3.35: Kết quả tìm kiếm các nhóm được tham gia
bởi một người dùng cụ thể
d. Cú pháp Places visited by
Ý nghĩa: Cú pháp này được dùng để tìm kiếm những địa điểm đã
được check-in bởi một ai đó hoặc của một nhóm người nào đó có đặc
điểm chung. Ví dụ: tìm kiếm những địa điểm đã được check-in bởi người
dùng Nguyễn Trần Hưng, người dùng nhập vào truy vấn như sau:
Places visited by Nguyễn Trần Hưng
Kết quả tìm kiếm được hiển thị như sau:

Hình 3.36: Kết quả tìm kiếm những địa điểm đã được check-in
bởi một người dùng cụ thể

86
Ví dụ: tìm kiếm những địa điểm đã được check-in bởi những người
thích trang Đại học Thương mại, tại hộp Search của máy tìm kiếm, người
dùng nhập vào truy vấn như sau:
Places visited by people who like Đại học Thương mại
Kết quả tìm kiếm được hiển thị như sau:

Hình 3.37: Kết quả tìm kiếm những địa điểm đã được check-in
bởi một những người thích một page cụ thể
e. Cú pháp Movies liked by
Ý nghĩa: Cú pháp này được dùng để tìm kiếm những bộ phim được
yêu thích bởi một ai đó hoặc của một nhóm người nào đó có đặc điểm
chung. Ví dụ: tìm kiếm những bộ phim được yêu thích bởi người dùng
tên là Chi Anh Nguyen, tại hộp Search của máy tìm kiếm, người dùng
nhập vào truy vấn như sau:
Movies liked by Chi Anh Nguyen
Kết quả tìm kiếm được hiển thị như sau:

Hình 3.38: Kết quả tìm kiếm những bộ phim được yêu thích
bởi một người dùng cụ thể

87
Ví dụ: tìm kiếm những bộ phim được yêu thích bởi những người
thích trang Hưng- thương mại điện tử, tại hộp Search của máy tìm kiếm,
người dùng nhập vào truy vấn như sau:
Movies liked by people who like Hưng- thương mại điện tử
Kết quả tìm kiếm được hiển thị như sau:

Hình 3.39: Kết quả tìm kiếm những bộ phim được yêu thích
bởi những người thích một trang cụ thể
f. Cú pháp Games played by
Ý nghĩa: Cú pháp này được dùng để tìm kiếm những trò chơi
(Games) được yêu thích bởi một ai đó hoặc của một nhóm người nào đó
có đặc điểm chung. Ví dụ: tìm kiếm những trò chơi được yêu thích bởi
người dùng Chi Anh Nguyen, tại hộp Search của máy tìm kiếm, người
dùng nhập vào truy vấn như sau:
Games played by Chi Anh Nguyen
Kết quả tìm kiếm được hiển thị như sau:

Hình 3.40: Kết quả tìm kiếm về những trò chơi được yêu thích
bởi một người dùng cụ thể

88
Ví dụ: tìm kiếm những trò chơi được yêu thích bởi những người
thích trang Hưng- thương mại điện tử, tại hộp Search của máy tìm kiếm,
người dùng nhập vào truy vấn như sau:
Games played by people who like Hưng- thương mại điện tử
Kết quả tìm kiếm được hiển thị như sau:

Hình 3.41: Kết quả tìm kiếm những trò chơi được yêu thích
bởi những người thích một trang cụ thể
g. Cú pháp Musicians liked by
Ý nghĩa: Cú pháp này được dùng để tìm kiếm những bài hát (Music)
hoặc ca sĩ, nhóm nhạc được yêu thích bởi một ai đó hoặc của một nhóm
người nào đó có đặc điểm chung. Ví dụ: tìm kiếm những bài hát hoặc ca
sĩ, nhóm nhạc được yêu thích bởi người dùng Chi Anh Nguyen, tại hộp
Search của máy tìm kiếm, người dùng nhập vào truy vấn như sau:
Musicians liked by Chi Anh Nguyen
Kết quả tìm kiếm được hiển thị như sau:

Hình 3.42: Kết quả tìm kiếm những bài hát hoặc ca sĩ, nhóm nhạc
được yêu thích bởi một người dùng cụ thể

89
Ví dụ: tìm kiếm những bài hát hoặc ca sĩ, nhóm nhạc được yêu thích
bởi những người thích page Đại học Thương mại, ngoài cú pháp tương tự
trên, người dùng có thể gõ vào ô tìm kiếm như sau:
Music of people who like Đại học Thương mại
Kết quả tìm kiếm được hiển thị như sau:

Hình 3.43: Kết quả tìm kiếm những bài hát hoặc ca sĩ, nhóm nhạc
được yêu thích bởi những người thích page Đại học Thương Mại
3.2. Facebook Trends
Facebook Trends không phải một máy tìm kiếm cụ thể. Facebooks
Trends là việc nghiên cứu về xu hướng người dùng mạng xã hội
Facebook. Dưới đây là một số công cụ, website để giúp người dùng thực
hiện công việc này như: www.statista.com, www.socialbakers.com...
3.2.1. Statista
Theo Wikipedia, Statista là một công cụ thống kê trực tuyến, nghiên
cứu thị trường và cổng thông tin kinh doanh thông minh. Nó cung cấp
quyền truy cập vào dữ liệu từ các tổ chức nghiên cứu thị trường, cũng
như từ các tổ chức kinh doanh và các tổ chức chính phủ bằng tiếng Anh,
Pháp, Đức và Tây Ban Nha. Là một trong những cơ sở dữ liệu thống kê
thành công nhất trên thế giới, nền tảng này bao gồm hơn 1.500.000 thống
kê trên hơn 80.000 chủ đề từ hơn 18.000 nguồn. Ngoài thống kê, Statista
cũng cung cấp dữ liệu về dự báo thị trường, nghiên cứu báo cáo bạch, hồ
sơ, báo cáo ngành, triển vọng thị trường kỹ thuật số và triển vọng thị
trường tiêu dùng.
Một số thống kê thường được sử dụng của Statista:
- Thống kê về số lượng người dùng Facebook Messenger

90
Hình 3.44: Thống kê về số người sử dụng Facebook Messenger
từ 4/2014 đến 4/2017
- Tìm kiếm các chủ đề được quan tâm trên mạng xã hội

Hình 3.45: Tìm kiếm các chủ đề được quan tâm trên mạng xã hội

91
- Tìm kiếm về các lĩnh vực, ngành nghề trên mạng xã hội

Hình 3.46: Tìm kiếm về các lĩnh vực, ngành nghề trên mạng xã hội
- Tìm kiếm về thị trường tiêu dùng trên mạng xã hội

Hình 3.47: Tìm kiếm về thị trường tiêu dùng trên mạng xã hội

92
- Tìm kiếm về thị trường số trên mạng xã hội

Hình 3.48: Tìm kiếm về thị trường số trên mạng xã hội


3.2.2. Socialbakers
Theo Wikipedia, Socialbakers là công ty phân tích truyền thông xã
hội toàn cầu cung cấp nền tảng phần mềm tiếp thị mang tên Socialbakers
Solutions. Công ty này bán phân tích dữ liệu và quản lý truyền thông xã
hội cho các công ty để tiếp thị trên Facebook, Instagram, Twitter,
YouTube, LinkedIn, Google+, VK và Pinterest.
Socialbakers được thành lập năm 2008 và có văn phòng tại Prague,
London, San Francisco, Thành phố New York, Plzeň, Split, Singapore,
Sydney, Paris, Munich, São Paulo, Thành phố Mexico, Dubai và
Istanbul, với hơn 300 nhân viên trên toàn cầu.
Một số dữ liệu thường được sử dụng của Socialbakers:
- Thống kê số lượng Fans trên mạng xã hội của người nổi tiếng.

93
Hình 3.49: Thống kê về lượng Fans trên mạng xã hội
của người nổi tiếng tại Việt Nam
- Thống kê về Thương hiệu nổi bật trên mạng xã hội

Hình 3.50: Thống kê về Thương hiệu nổi bật trên mạng xã hội
ở Việt Nam
- Thống kê về các địa điểm nổi tiếng trên mạng xã hội.

94
Hình 3.51: Thống kê về các địa điểm nổi tiếng trên mạng xã hội
tại Việt Nam
- Thống kê về các CLB thể thao nổi tiếng trên mạng xã hội

Hình 3.52: Thống kê về các CLB thể thao nổi tiếng


trên mạng xã hội tại Việt Nam

95
BÀI TẬP CHƯƠNG 3

Hãy sử dụng máy tìm kiếm Facebook Graph Search để thực hiện
các tìm kiếm sau đây:
1. Tìm kiếm các quán cà phê/cửa hàng bán lẻ ở gần anh(chị)
2. Tìm kiếm những người dùng tên Sơn và đang sống tại Hà Nội
3. Tìm kiếm những sinh viên trường ĐH Thương mại có yêu thích
fanpage Khoa HTTT Kinh tế và Thương mại điện tử
4. Tìm kiếm sự kiện về Thương mại điện tử tại Hà Nội
5. Tìm kiếm các Pages về Cách mạng công nghiệp 4.0
6. Tìm kiếm những bức ảnh được chụp tại Trường ĐH Thương mại
7. Tìm kiếm những bài đăng có đánh dấu (tag) Bill Gates
8. Tìm kiếm những Pages được yêu thích của sinh viên Khoa HTTT
Kinh tế và Thương mại điện tử
9. Tìm kiếm những Groups được tham gia bởi sinh viên Khoa HTTT
Kinh tế và Thương mại điện tử
10. Tìm kiếm những sở thích của sinh viên nữ của Trường ĐH
Thương mại
11. Tìm kiếm sở thích về phim của sinh viên nam của Trường ĐH
Thương mại
12. Tìm kiếm các Games được chơi bởi giáo viên của Trường ĐH
Thương mại
13. Tìm kiếm ca/nhạc sĩ được yêu thích bởi sinh viên có độ tuổi từ 18
đến 20 tại Hà Nội
14. Tìm kiếm những sự kiện diễn ra tại Hà Nội liên quan đến Cách
mạng công nghiệp 4.0
15. Tìm kiếm những địa điểm được check-in bởi sinh viên Khoa
HTTT Kinh tế và TMĐT

96
Hãy sử dụng máy tìm kiếm Facebook Trends để thực hiện các
tìm kiếm sau đây:
1. Tìm kiếm nhãn hiệu có số lượng người theo dõi lớn nhất tại Hàn
Quốc, Nhật Bản, Việt Nam hiện nay.
2. Tìm kiếm các influencers có ảnh hưởng lớn nhất tại Mỹ và Nhật Bản.
3. Tìm kiếm các cộng đồng có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất tại Việt
Nam, Hàn Quốc trong tuần qua.
4. Hãy so sánh hiệu suất hoạt động trên facebook của các page:
lazada và tiki; shopee và sendo.
5. Hãy thống kê các số liệu về sự phát triển của Social Network trên
toàn cầu năm 2022.
6. Hãy thống kê các số liệu về Thương mại di động khu vực Châu Á
năm 2017.
7. Hãy đưa ra các số liệu dự báo về số lượng download các ứng dụng
di động trên toàn cầu đến năm 2021.
8. Tìm kiếm dự báo về số lượng người dùng điện thoại thông minh
vào năm 2020.
9. Tìm kiếm lưu lượng toàn cầu về truy cập video di động từ 2016
đến 2021.
10. Tìm kiếm số liệu thống kê dự đoán về số lượng thuê bao di động
trên toàn cầu đến 2021.

97
CHƯƠNG 4
MÁY TÌM KIẾM YAHOO

4.1. Khái quát về máy tìm kiếm Yahoo


4.1.1. Sự hình thành và tìm kiếm mặc định của máy tìm kiếm Yahoo
Yahoo! tại địa chỉ web: http://www.yahoo.com được toàn cầu biết
đến với cổng Web, máy tìm kiếm Yahoo! Search và các dịch vụ liên
quan, bao gồm
Yahoo!Directory, Yahoo! Mail, Yahoo! News, Yahoo! Finance,Yaho
o!Groups,Yahoo! Answer, Quảng cáo, lập bản đồ trực tuyến, chia sẻ
video, thể thao ảo và trang web truyền thông xã hội. Ở thời kỳ đỉnh cao,
Yahoo là một trong những website phổ biến nhất ở Hoa Kỳ. Hiện nay,
Yahoo! có trụ sở tại chính tại Sunnyvale, California và thuộc sở hữu
của Verizon Communications.
Vào tháng 1 năm 1994, Jerry Yang và David Filo là sinh viên tốt
nghiệp kỹ thuật điện tại Đại học Stanford , khi họ tạo ra một trang web có
tên là "Hướng dẫn của Jerry và David cho World Wide Web". Trang web
là một thư mục của các trang web khác, được tổ chức theo cấu trúc phân
cấp, trái ngược với chỉ mục tìm kiếm của các trang. Vào tháng 3 năm
1994, "Hướng dẫn của Jerry và David cho World Wide Web" đã được
đổi tên thành Yahoo!
Yahoo! là một trong những công ty tiên phong của thời đại Internet
đầu thập niên 1990. Ban đầu, "Yahoo Search" được thiết kế theo phương
pháp thư mục và không có trang web thu thập thông tin thực tế hay dữ
liệu nào được thực hiện bởi Yahoo! mà nó sử dụng kết quả tìm kiếm từ
máy tìm kiếm khác như All the web, Altavista để trả lời truy vấn cho
người dùng và sắp xếp lại kết quả theo cách của nó. Năm 2001, chỉ số
tìm kiếm được cung cấp bởi Inktomi. Cho đến tháng 11 năm 2002 yahoo
đã thêm vào chức năng spider lấy từ Google để tăng sức cạnh tranh cho
đến tháng 2/2004. Hiện nay Yahoo! Search đã tự có kĩ thuật tìm kiếm

98
độc lập. Đây là trang số 1 cho những người thích mua sắm vì cách phân
loại theo đối tượng sẽ dể cho người tiêu dùng tìm đến sản phẩm cần
thiết. Vào tháng 1 năm 2010, Microsoft đã công bố một thỏa thuận trong
đó nó sẽ tiếp quản hoạt động chức năng của Yahoo! Search và thiết lập
một liên doanh để bán quảng cáo trên cả Yahoo! Search và Bing được
gọi là Microsoft Search Alliance. N gày 12 tháng 3 năm 2014, Yahoo đã
công bố hợp tác với Yelp để tích hợp các đánh giá và hình ảnh do người
dùng đóng góp vào Yahoo! Search như Bing đã thực hiện trước đây. Vào
tháng 11 năm 2014, Mozilla đã ký một hợp tác năm năm với Yahoo, làm
cho Yahoo! Search là máy tìm kiếm mặc định cho các trình
duyệt Firefox ở Hoa Kỳ. Vào tháng 4 năm 2015, quan hệ đối tác của
Microsoft đã được sửa đổi, bây giờ chỉ yêu cầu kết quả Bing trên phần
lớn lưu lượng trên máy tính để bàn, mở khả năng cho Yahoo tham gia
vào các giao dịch không độc quyền với các dịch vụ tìm kiếm trên nền
tảng di động và phần còn lại của lưu lượng trên máy tính để bàn. Việc
sửa đổi cũng cung cấp cho cả hai công ty khả năng chấm dứt hợp đồng.
Vào tháng 10 năm 2015, Yahoo sau đó đã đạt được thỏa thuận
với Google để cung cấp dịch vụ cho Yahoo! Search cho đến cuối năm
2018, bao gồm các dịch vụ quảng cáo, Tìm kiếm hình ảnh.
Tính đến tháng 2 năm 2015, Yahoo! Search là máy tìm kiếm lớn thứ
ba ở Mỹ bởi khối lượng truy vấn ở mức 12,8% sau đối thủ cạnh tranh của
nó là Google với 64,5% và Bing với 19,8%. Theo các nhà cung cấp phân
tích trang web của bên thứ ba là Alexa và SimilarWeb, Yahoo! là trang
web tin tức và phương tiện truyền thông được đọc nhiều nhất với hơn 7
tỷ lượt xem mỗi tháng và được xếp hàng là trang web được truy cập
nhiều thứ sáu trên toàn cầu trong năm 2016.
Máy tìm kiếm Yahoo là sự kết hợp giữa một chỉ số phụ thuộc tìm
kiếm (máy tìm kiếm kiểu thư mục) và một máy tìm kiếm toàn bộ văn
bản. Tuy nhiên, đó là một sự kết hợp khập khiễng. Nếu Yahoo không thể
tìm thấy một chủ đề trong chỉ số phụ thuộc tìm kiếm của riêng mình, nó
sẽ tìm kiếm máy tìm kiếm sao lưu (máy tìm kiếm toàn bộ văn bản) và
hiện hình những kết quả đó. Nếu không có những kết quả trong sự tìm
kiếm sao lưu, người dùng sẽ nhận được thông báo là "no result".

99
Yahoo được mặc định tìm kiếm là AND, biểu hiện cụ thể là khi tìm
kiếm với những cụm từ mà không sử dụng toán tử hay từ bổ nghĩa thì
mỗi kết quả tìm kiếm trong danh sách kết quả trả về của Yahoo luôn
chứa đựng đầy đủ các từ khóa trong cụm từ đó mặc dù các từ khóa này
có thể nằm trong tiêu đề, đường dẫn hay nội dung văn bản. Ví dụ: Tìm
kiếm thông tin về thị trường nhà đất Hà Nội. Tại hộp Search của máy
tìm kiếm Yahoo! người dùng nhập vào truy vấn sau đây:
thị trường nhà đất Hà Nội
Kết quả tìm kiếm được hiển thị như sau:

Hình 4.1: Kết quả tìm kiếm trên Yahoo


Kết quả tìm kiếm cho thấy mỗi kết quả tìm kiếm đều xuất hiện đầy
đủ các từ khóa trong cụm từ thị trường nhà đất Hà Nội.
4.1.2. Các toán tử và từ bổ nghĩa cơ bản của Yahoo
Yahoo cũng bao gồm một tập hợp toán tử và các từ bổ nghĩa cơ bản
giúp người dùng có thể biểu đạt ý định tìm kiếm của mình để máy tìm
kiếm Yahoo có thể hiểu được và đưa ra kết quả tìm kiếm chính xác hơn.
Cụ thể:
+ Toán tử ( + ): Được sử dụng để đặt trước một từ khóa khi người
dùng muốn máy tìm kiếm Yahoo hiểu rằng từ khóa đó nhất đinh phải
xuất hiện trong mỗi kết quả tìm kiếm mà Yahoo trả về. Ví dụ: Người
dùng muốn tìm kiếm các thông tin về biến động giá vàng và muốn rằng

100
kết quả nào mà Yahoo trả về cũng chứa đựng từ khóa đó. Tại hộp Search
của máy tìm kiếm Yahoo, người dùng nhập vào truy vấn sau đây:
+biến +động +giá +vàng
Kết quả tìm kiếm được hiển thị như sau:

Hình 4.2: Kết quả tìm kiếm trên Yahoo với toán tử (+)
Kết quả tìm kiếm cho thấy tất cả các từ trong cụm từ biến động giá
vàng đều được xuất hiện trong mỗi kết quả. (Trừ kết quả đầu là quảng
cáo – không phải là kết quả tìm kiếm tự nhiên). Khác biệt của việc sử
dụng dấu + trước mỗi từ khóa khi thực hiện tìm kiếm nằm ở chỗ cụm từ
biến động giá vàng được xuất hiện cùng một chỗ (chỉ trong cùng tiêu đề,
trong cùng đường dẫn hoặc trong cùng nội dung văn bản) trong mỗi kết
quả tìm kiếm mặc dù có thể bị đảo vị trí thành giá vàng biến động.
+ Toán tử (– ): Được sử dụng để đặt trước một từ khóa nào đó khi
người dùng muốn máy tìm kiếm Yahoo hiểu rằng từ khóa đó không được
xuất hiện trong danh sách kết quả tìm kiếm trả về. Nói cách khác toán tử
– được sử dụng khi người dùng muốn loại trừ những thông tin không liên
quan đến một chủ đề nào đó. Ví dụ: người dùng muốn tìm kiếm các
thông tin về thị trường nhưng không phải là các thông tin liên quan đến
chứng khoán. Tại hộp Search của máy tìm kiếm Yahoo, người dùng
nhập vào truy vấn sau đây: thị trường –chứng –khoán
Kết quả tìm kiếm được hiển thị như sau:

101
Hình 4.3: Kết quả tìm kiếm trên Yahoo với toán tử (-)
Kết quả tìm kiếm cho thấy tất cả các thông tin chung về thị trường
như: thị trường tiêu dùng, bất động sản, thị trường vốn, thị trường 24h
nhưng không có thông tin về thị trường chứng khoán.
+ Từ bổ nghĩa OR: Bản chất máy tìm kiếm Yahoo được mặc định
tìm kiếm là AND, vì vậy khi người dùng muốn tìm kiếm hoặc cái này
hoặc cái kia; hoặc thông tin này hoặc thông tin kia; hoặc chủ đề này hoặc
chủ đề kia thì phải sử dụng từ OR để giúp máy tìm kiếm hiểu được yêu
cầu truy vấn của người dùng. Ví dụ: Người dùng muốn tìm kiếm hoặc
cucumber hoặc tomato. Tại hộp Search của máy tìm kiếm Yahoo, người
dùng nhập vào truy vấn sau đây: cucumber OR tomato

Hình 4.4: Kết quả tìm kiếm trên Yahoo với từ bổ nghĩa OR

102
Kết quả tìm kiếm được hiển thị như hình 4.4. Kết quả tìm kiếm cho
thấy Yahoo liệt kê tất cả những trang có chứa đựng thông tin về
cucumber hoặc tomato.
+ Dấu “ ”: Được sử dụng khi người dùng cần tìm kiếm chính xác
một cụm từ nào đó. Ví dụ: Tìm kiếm thông tin về thi trung học phổ
thông quốc gia. Tại hộp Search của máy tìm kiếm Yahoo, người dùng
nhập vào truy vấn sau đây: “thi trung học phổ thông quốc gia”. Kết
quả tìm kiếm được hiển thị như hình 4.5. Kết quả tìm kiếm cho thấy mỗi
kết quả trả về đều bao gồm đầy đủ và tuần tự thông tin về thi trung học
phổ thông quốc gia.

Hình 4.5: Kết quả tìm kiếm trên Yahoo với dấu “ ”
+ Dấu [ ]: Tương tự như dấu “ ”, người dùng sử dụng dấu [ ] khi cần
tìm kiếm chính xác một cụm từ hoặc một đoạn văn bản nào đó. Ví dụ:
Tìm kiếm thông tin về xu hướng marketing trên mạng xã hội. Tại hộp
Search của máy tìm kiếm Yahoo, người dùng nhập vào truy vấn sau đây:
[xu hướng marketing trên mạng xã hội]
Kết quả tìm kiếm được hiển thị như sau:

103
Hình 4.6: Kết quả tìm kiếm trên Yahoo với dấu [ ]
Kết quả tìm kiếm cho thấy cụm từ xu hướng marketing trên mạng
xã hội xuất hiện một cách đầy đủ và tuần tự trong mỗi kết quả tìm kiếm
được trả về.
4.2. Những cú pháp đặc biệt của Yahoo
Có thể nhiều người dùng nghĩ rằng bởi vì Yahoo là một chỉ số phụ
thuộc tìm kiếm được nên nó không có nhiều những cú pháp đặc biệt
giống như Google hay Bing. Trên thực tế, chính xác là Yahoo không có
khả năng tìm kiếm rộng lớn như Google, nhưng Yahoo là một sự kết hợp
khá đặc biệt trong thực hiện tìm kiếm. Yahoo vừa đóng vai trò là một chỉ
số phụ thuộc tìm kiếm lại vừa là một máy tìm kiếm toàn bộ văn bản,
Yahoo có 2 tập hợp cú pháp đặc biệt: một tập hợp cú pháp cho chỉ số phụ
thuộc và một tập hợp cú pháp cho máy tìm kiếm toàn bộ văn bản của nó.
4.2.1. Những cú pháp cho chỉ số Phụ thuộc tìm kiếm
Yahoo có một cặp đôi cú pháp cho chỉ số phụ thuộc tìm kiếm. Hai cú
pháp này có thể làm việc riêng rẽ hoặc trong sự kết hợp với nhau giúp
người dùng giới hạn sự tìm kiếm tới tiêu đề hoặc tìm kiếm URL của
trang web.
+ Cú pháp t: Cú pháp này được sử dụng để giới hạn sự tìm kiếm tới
tiêu đề của những thông tin theo yêu cầu của người dùng. Hay nói cách
khác người dùng sử dụng cú pháp t để biểu đạt cho máy tìm kiếm Yahoo
hiểu rằng chủ đề hoặc cụm từ cần tìm kiếm cần phải xuất hiện trong tiêu
đề của các kết quả tìm kiếm được trả về. Điều này rất hữu dụng khi
người dùng đang tìm kiếm một từ khóa mà có thể xuất hiện trong rất
nhiều loại danh sách tìm kiếm khác. Ví dụ: Tìm kiếm các bài viết về

104
kinh doanh nội thất trong máy tìm kiếm Yahoo. Tại hộp Search của
máy tìm kiếm Yahoo, người dùng nhập vào truy vấn sau đây:
t:[kinh doanh nội thất]
Kết quả tìm kiếm được hiển thị như sau:

Hình 4.7: Kết quả tìm kiếm trên Yahoo với cú pháp t
Kết quả tìm kiếm cho thấy các bài viết có tiêu đề về kinh doanh nội
thất đều được hiển thị.
+ Cú pháp u: Cú pháp này giới hạn sự tìm kiếm tới URL. Không
được sử dụng cú pháp u để tìm kiếm các từ khóa, nhưng thay vào đó cú
pháp này lại có thể tìm thấy các công ty đặc thù trên Internet. Ví dụ:
Người dùng không biết được trang nào của Google được chỉ số hóa bởi
Yahoo và muốn tìm kiếm. Tại hộp Search của máy tìm kiếm Yahoo,
người dùng nhập vào truy vấn sau đây:
u:Google
Kết quả tìm kiếm được hiển thị như sau:

105
Hình 4.8: Kết quả tìm kiếm trên Yahoo với cú pháp u
Kết quả tìm kiếm hiển thị tất cả các trang của Google được Yahoo
đánh chỉ mục và lưu trữ trong bộ nhớ của máy tìm kiếm, bao gồm:
Google, Google Search, Google Plus, Google Mail, Google Blog, Google
Docs, Google Drive...
Cú pháp t và u của Yahoo không thể sử dụng phối hợp với các cú
pháp của máy tìm kiếm toàn bộ văn bản.
4.2.2. Những cú pháp cho máy tìm kiếm toàn bộ văn bản
Yahoo có một tập hợp cú pháp cho các máy tìm kiếm toàn bộ văn
bản giúp người dùng tìm thấy mọi thông tin, cụ thể:
+ Cú pháp site: Cho phép người dùng tìm thấy những kết quả theo
yêu cầu bên trong một site xác định và tất cả những miền con của nó.
Người dùng cũng có thể sử dụng cú pháp site để kiểm tra những kết quả
bên trong một miền xác định hoặc một miền đặc thù, chẳng hạn: miền
của các tổ chức, miền của các cơ quan chính phủ, miền thuộc lĩnh vực
giáo dục, miền việt nam... Ví dụ: Tìm kiếm các thông tin về nguồn nhân
lực trong các trang web hoặc miền con của Thư viện quốc gia Việt Nam.
Tại hộp Search của máy tìm kiếm Yahoo, người dùng nhập vào truy vấn
sau đây:
[nguồn nhân lực] site:nlv.gov.vn
Kết quả tìm kiếm được hiển thị như sau:

106
Hình 4.9: Kết quả tìm kiếm trên Yahoo với cú pháp site
Kết quả tìm kiếm cho thấy các chủ đề khác nhau về nguồn nhân lực
được hiển thị trong site của thư viện quốc gia Việt Nam và tất cả các
miền con của nó, chẳng hạn như: luanan.nlv.gov.vn.
Cú pháp site có thể sử dụng để hạn chế sự tìm kiếm trong một miền
đặc thù. Vẫn ví dụ ở trên, nhưng người dùng muốn tìm kiếm nguồn nhân
lực trong site thuộc lĩnh vực giáo dục. Tại hộp Search của máy tìm kiếm
Yahoo, người dùng nhập vào truy vấn sau đây:
[nguồn nhân lực] site:edu
Kết quả tìm kiếm được hiển thị như sau:

Hình 4.10. Kết quả tìm kiếm cú pháp site trong một miền đặc thù
trên Yahoo

107
Kết quả tìm kiếm cho thấy: Ngoại trừ kết quả đầu tiên là quảng cáo –
không phải kết quả tìm kiếm tự nhiên, các kết quả sau đều chứa đựng
thông tin về nguồn nhân lực trong tất cả các site thuộc lĩnh vực giáo dục
(đều có miền edu).
+ Cú pháp hostname: Được sử dụng để tìm thấy những chủ đề cần
tìm kiếm giới hạn trong các trang web của một site xác định. Tuy nhiên
điểm khác biệt cơ bản với cú pháp site ở chỗ cú pháp hostname thường
cho ra ít kết quả tìm kiếm hơn so với cú pháp site. Nguyên nhân là khi sử
dụng hostname, máy tìm kiếm Yahoo sẽ cố gắng tìm kiếm chủ yếu trong
chính các trang web có tên máy chủ được chỉ định, tất nhiên sẽ có một số
kết quả nằm trong miền con của site được chỉ định này nhưng rất ít.
Chẳng hạn, tìm kiếm economy trong các trang web của cnn.com bằng cú
pháp site sẽ tìm thấy 1.180.000 kết quả và kết quả tìm kiếm ngoài miền
chính là cnn.com còn hiển thị cả trong các miền con của cnn như:
money.cnn.com; rss.cnn.com; news.blogs.cnn.com; inamerica. blogs.
cnn.com... Kết quả tìm kiếm được hiển thị như sau:

Hình 4.11: Kết quả tìm kiếm trên Yahoo với cú pháp site
trên trang cnn.com
Tuy nhiên, tìm kiếm economy giới hạn tìm kiếm trong các trang web
có tên máy chủ site được chỉ định cnn.com bằng cú pháp hostname chỉ có
30.900 kết quả được hiển thị. Kết quả tìm kiếm được hiển thị như sau:

108
Hình 4.12: Kết quả tìm kiếm trên Yahoo với cú pháp hostname
+ Cú pháp link: Được sử dụng để tìm kiếm các trang web có liên kết
tới một URL được chỉ định. Người dùng phải sử dụng sự bắt đầu của một
URL – http:// - trong mệnh lệnh để cú pháp này hoạt động chính xác. Ví
dụ: Tìm kiếm tất cả các trang web có liên kết tới wikibooks.org. Tại hộp
Search của máy tìm kiếm Yahoo, người dùng nhập vào truy vấn sau đây:
link:http://www.wikibooks.org
Kết quả tìm kiếm được hiển thị như sau:

Hình 4.13: Kết quả tìm kiếm trên Yahoo với cú pháp link

109
+ Cú pháp url: Tìm kiếm một URL đặc thù trong cơ sở dữ liệu tìm
kiếm của Yahoo. Hay nói cách khác là cú pháp này cho phép người dùng
tìm kiếm chỉ mục của Yahoo cho một URL được chỉ định. Hổi đáp của
Yahoo cho truy vấn này sẽ trả về kết quả là 0 hoặc 1. Cú pháp này cung
cấp thông tin về một URL được chỉ định tương tự cú pháp info của máy
tìm kiếm Google. Để cú pháp này hoạt động chính xác, người dùng sẽ
phải viết địa chỉ URL dưới dạng đầy đủ bao gồm cả http://- hoặc https://-
. Ví dụ: Tìm kiếm thông tin chỉ mục của Yahoo cho địa chỉ URL của site:
wallmart.com. Tại hộp Search của máy tìm kiếm Yahoo, người dùng
nhập vào truy vấn sau đây:
url:https://www.walmart.com
Kết quả tìm kiếm được hiển thị như sau:

Hình 4.14: Kết quả tìm kiếm trên Yahoo với cú pháp url
Kết quả tìm kiềm cho thấy chỉ có một kết quả duy nhất được hiển thị
trong cơ sở dữ liệu chỉ mục của Yahoo là thông tin về địa chỉ
walmart.com. Cú pháp này thích hợp cho những người làm SEO web khi
muốn kiếm tra trang của mình đã được lập cơ sở dữ liệu chỉ mục trong
các máy tìm kiếm hay chưa.
+ Cú pháp inurl: Tìm kiếm từ khóa hoặc một chủ đề nào đó trong địa
chỉ URL của các trang web. Cú pháp này hoạt động cũng tương tự như
inurl của máy tìm kiếm Google. Ví dụ: Tìm kiếm thông tin về digital

110
marketing trong địa chỉ URL của các trang web. Tại hộp Search của
máy tìm kiếm Yahoo, người dùng nhập vào truy vấn sau đây:
inurl:“digital marketing”
Kết quả tìm kiếm được hiển thị như hình 4.15. Kết quả tìm kiếm
được hiển thị cho thấy mỗi kết quả trong danh sách đều chứa đựng từ
khóa digital marketing trong địa chỉ URL của các trang web (phần chữ
màu xanh lá cây của mỗi kết quả được trả về).

Hình 4.15: Kết quả tìm kiếm trên Yahoo với cú pháp inurl

Cú pháp inurl phối hợp tốt với cú pháp site và các cú pháp khác của
máy tìm kiếm toàn bộ văn bản. Tuy nhiên, kết quả phù hợp nhất với truy
vấn của người dùng khi kết hợp hai cú pháp này trong máy tìm kiếm
Yahoo chỉ nằm trong giới hạn 3 kết quả đầu tiên trong danh sách kết quả
tìm kiếm được trả về (trừ các kết quả quảng cáo). Ví dụ: Tìm kiếm thông
tin về digital marketing trong địa chỉ URL của các trang web thuộc lĩnh
vực giáo dục. Tại hộp Search của máy tìm kiếm Yahoo, người dùng nhập
vào truy vấn sau đây:
inurl:“internet marketing” site:edu.vn
Kết quả tìm kiếm được hiển thị như sau:

111
Hình 4.16: Kết quả tìm kiếm trên Yahoo
cú pháp inurl phối hợp với cú pháp site
Kết quả tìm kiếm cho thấy chỉ có kết quả 1 và 3 là đáp ứng được yêu
cầu truy vấn của người dùng trong ví dụ này.
+ Cú pháp intitle: Tìm kiếm các thông tin hoặc chủ đề cụ thể trong
tiêu đề của các trang web. Hay nói cách khác cú pháp này chuyên tìm
kiếm trong tiêu đề của các trang web cho các truy vấn của người dùng.
Cú pháp này hoạt động giống như cú pháp intitle của máy tìm kiếm
Google. Ví dụ: Tìm kiếm thông tin về xu hướng thương mại điện tử
trong tiêu đề của các trang web. Tại hộp Search của máy tìm kiếm
Yahoo, người dùng nhập vào truy vấn sau đây:
intitle:“xu hướng thương mại điện tử”
Kết quả tìm kiếm được hiển thị như sau:

Hình 4.17: Kết quả tìm kiếm trên Yahoo với cú pháp intitle

112
Kết quả tìm kiếm cho thấy các bài viết có tiêu đề về xu hướng
thương mại điện tử của các trang web.
Ngoài ra, cú pháp intitle có thể phối hợp rất tốt với cú pháp site. Tuy
nhiên, để đảm bảo tính chính xác người dùng chỉ nên sử dụng các kết quả
tìm kiếm được hiển thị ở 3 vị trí đầu tiên trong danh sách kết quả trả về,
tất nhiên trừ các kết quả quảng cáo. Ví dụ: Tìm kiếm xu hướng thương
mại điện tử trong các trang web của site vnexpress.net. Tại hộp Search
của máy tìm kiếm Yahoo, người dùng nhập vào truy vấn sau đây:
intitle:“xu hướng thương mại điện tử” site:vnexpress.net
Kết quả tìm kiếm được hiển thị như hình 4.18. Kết quả tìm kiếm
được hiển thị cho thấy chỉ 3 kết quả đầu tiên là chính xác với yêu cầu tìm
kiếm của người dùng.

Hình 4.18: Kết quả tìm kiếm trên Yahoo cú pháp intitle phối hợp
với site
Lưu ý: Các cú pháp của máy tìm kiếm toàn bộ văn bản của Yahoo có
thể phối hợp với nhau nhưng không thể phối hợp một cú pháp của máy
tìm kiếm toàn bộ văn bản với cú pháp của chỉ số phụ thuộc tìm kiếm.
Điều này có nghĩa là không thể phối hợp với cú pháp t và cú pháp u.

113
4.3. Những lệnh tìm kiếm đặc biệt của Yahoo – Yahoo’s Shortcuts
Trong tâm trí của người dùng máy tìm kiếm thì Google và Bing là
những tượng đài không thể vượt qua. Nhưng Yahoo cũng có một lớp những
sự tìm kiếm đặc biệt gọi là những Yahoo’s shortcuts. Những shortcut này
đưa ra một sự đa dạng trong tìm kiếm cho những kiểu thông tin đặc biệt mà
thông thường xuất hiện ở những vị trí đầu trong danh sách những kết quả
tìm kiếm tự nhiên. Sau đây là một số shortcut của Yahoo mà người dùng có
thể sử dụng để tìm kiếm thông tin mình cần trong thực tế.
4.3.1. Tìm kiếm định nghĩa hoặc khái niệm - Yahoo define
Shortcut define được sử dụng để tìm kiếm các khái niệm, định nghĩa
về một thuật ngữ nào đó được tra cứu từ nhiều nguồn khác nhau, chẳng
hạn như trong từ điển, từ vựng, các nguồn khác... Ví dụ: Tìm kiếm các
khái niệm, cách hiểu về government. Tại hộp Search của máy tìm kiềm
Yahoo, người dùng nhập vào truy vấn sau đây:
define government
Kết quả tìm kiếm được hiển thị như sau:

Hình 4.19: Kết quả tìm kiếm trên Yahoo define


Kết quả tìm kiếm liệt kê một loạt cách hiểu về thuật ngữ
government được truy xuất từ nhiều nguồn khác nhau như:
dictionary.com; merriam-webster.com; thefreedictionary.com; en.wikip
edia.org; en.oxforddictionaries.com...

114
4.3.2. Tìm kiếm từ Bách khoa toàn thư – Yahoo Encyclopedia
Sử dụng shortcut Encyclopedia người dùng sẽ nhận được thông tin
hồi đáp từ Yahoo truy xuất từ các nguồn Bách khoa toàn thư trên thế giới
về một chủ đề được chỉ định bằng việc tìm kiếm chủ đề đó cộng thêm với
từ facts. Ví dụ: Tìm kiếm thông tin về nền văn minh Maya tra cứu từ các
nguồn chính thống trên thế giới. Tại hộp Search của máy tìm kiếm
Yahoo, người dùng nhập vào truy vấn sau đây:
“mayan civilization” facts
Kết quả tìm kiếm được hiển thị như sau:

Hình 4.20: Kết quả tìm kiếm trên Yahoo Encyclopedia


Kết quả tìm kiếm cho thấy các thông tin về nền văn minh Maya được
truy xuất từ nhiều nguồn bách khoa từ điển trên thế giới như: Wikipedia,
encyclopedia, thoughtco, ancient-code, dkfindout...
4.3.3. Tỷ giá hối đoái – Yahoo Exchange rates
Shortcut này được sử dụng khi người dùng muốn nhận được tỷ giá
hối đoái giữa hai loại tiền tệ khác nhau. Nói cách khác người dùng có thể
chuyển đổi và biết được tỷ giá hối đoái hiện hành giữa hai loại tiền tệ bất
kỳ với Yahoo Exchange rates bằng cách sử dụng từ convert và hai loại
tiền tệ mà người dùng muốn chuyển đổi. Ví dụ: Tìm kiếm tỷ giá hối đoái
giữa đồng Yên Nhật với đồng Euro. Tại hộp Search của máy tìm kiếm
Yahoo, người dùng nhập vào truy vấn sau đây:
convert yen euro

115
Kết quả tìm kiếm được hiển thị như sau:

Hình 4.21: Kết quả tìm kiếm trên Yahoo Exchange rates
Kết quả tìm kiếm cho thấy có nhiều nguồn khác nhau về tỷ giá giữa
hai loại tiền tệ này để người dùng có thể tham khảo. Nhấn vào kết quả
tìm kiếm tự nhiên đầu tiên có địa chỉ
https://www.xe.com/currencyconverter/convert/?From=JPY&To=EUR,
tỷ giá được hiển thị như sau:

Hình 4.22: Kết quả tìm kiếm thứ nhất trên Yahoo Exchange rates

116
Kết quả thứ nhất cho thấy 1 Yên Nhật đổi được 0,00757485 Euro.
Khi người dùng nhấn vào kết quả thứ hai trong danh sách kết quả
hiển thị có địa chỉ: https://themoneyconverter.com/JPY/EUR.aspx, tỷ giá
được hiển thị như sau:

Hình 4.23: Kết quả tìm kiếm thứ hai trên Yahoo Exchange rates

Kết quả thứ hai cho thấy giá trị 1 Yên Nhật bằng 0,00757 Euro.
4.3.4. Tìm kiếm tình hình tài chính, cổ phiếu – Yahoo Stocks
Shortcut này của máy tìm kiếm Yahoo cho phép người dùng tìm
kiếm các thông tin về tình hình tài chính, cổ phiếu, thông tin chứng
khoán của một công ty bất kỳ trên thị trường chứng khoán NewYork.
Bằng cách sử dụng từ quote và một ký hiệu mã chứng khoán hoặc tên
của một công ty bất kỳ trên thị trường chứng khoán New York, người
dùng có thể tìm thấy những thông tin này và đặc biệt là một biểu đồ mô
tả xu hướng biến động của mã chứng khoán đó. Ví dụ: Tìm kiếm thông
tin về tình hình biến động của công ty Apple trên thị trường chứng
khoán NewYork. Tại hộp Search của máy tìm kiếm Yahoo, người dùng
nhập vào truy vấn sau đây: quote AAPL hoặc quote Apple. Kết quả tìm
kiếm được hiển thị như sau:

117
Hình 4.24: Kết quả tìm kiếm trên Yahoo Stocks
Kết quả hiển thị cho thấy nhiều nguồn cung cấp khác nhau về thông
tin biến động tài chính, chứng khoán của công ty Apple. Khi người dùng
nhấn vào kết quả tìm kiếm đầu tiên tại địa chỉ:
https://finance.yahoo.com/quote/AAPL/ biểu đồ và thông tin chi tiết về
biến động của công ty Apple trên thị trường chứng khoán NewYork được
hiển thị như sau:

118
Hình 4.25: Kết quả tìm kiếm Apple trên Yahoo Stocks
Khi người dùng nhấn vào kết quả tìm kiếm thứ hai trong danh sách
tại địa chỉ: https://www.marketwatch.com/investing/stock/aapl, thông tin
biến động tài chính của công ty Apple được hiển thị như sau:

Hình 4.26: Kết quả tìm kiếm thông tin chi tiết về tài chính
trên Yahoo Stocks

119
Khi người dùng nhấn vào kết quả tìm kiếm thứ ba trong danh sách tại
địa chỉ: https://www.nasdaq.com/symbol/aapl, thông tin biến động tài
chính, chứng khoán của Apple được hiển thị như sau:

Hình 4.27: Kết quả tìm kiếm thông tin chi tiết về tài chính,
chứng khoán trên Yahoo Stocks
4.3.5. Tìm kiếm múi giờ - Yahoo Time zone
Shortcut này được sử dụng để giúp người dùng tìm thấy thời gian
hiện thời của bất kỳ một địa điểm nào trên trái đất bằng cách sử dụng từ
khóa time và tên một địa điểm muốn biết giờ địa phương. Ví dụ: Tìm
kiếm giờ hiện tại của Nevada. Tại hộp Search của máy tìm kiếm Yahoo,
người dùng nhập vào truy vấn sau đây:
time Nevada
Kết quả tìm kiếm được hiển thị như sau:

Hình 4.28: Kết quả tìm kiếm múi giờ trên Yahoo Time

120
Nhấn vào kết quả tìm kiếm tự nhiên đầu tiên được hiển thị tại địa chỉ:
https://www.timeanddate.com/worldclock/usa/las-vegas, kết quả giờ địa
phương Nevada được hiển thị như sau:

Hình 4.29: Kết quả tìm kiếm giờ địa phương lần 1 trên Nevada
Nhấn vào kết quả tìm kiếm tự nhiên thứ hai trong danh sách kết quả được
hiển thị tại địa chỉ: https://www.worldtimeserver.com/current_time_in_US-
NV.aspx, giờ địa phương của Nevada được hiển thị như sau:

Hình 4.30: Kết quả tìm kiếm giờ địa phương lần 2 trên Nevada

121
4.3.6. Tìm kiếm lời bài hát của bất kỳ ca khúc nào – Yahoo lyrics
Shortcut này được sử dụng để tìm lời bát hát bất kỳ của ca sĩ nào đó
theo yêu cầu bằng cách gõ tên ca sĩ hoặc tên bài hát kết hợp với từ khóa
lyrics. Các yêu cầu tìm lời bài hát trên máy tìm kiếm Yahoo sẽ được
chuyển ngay sang dịch vụ lyrics - cũng của Yahoo mà người dùng có thể
tin tưởng tuyệt đối vào kết quả tìm được. Ví dụ: Tìm kiếm lời bài hát của
ca sĩ Lam Trường. Tại hộp Search của máy tìm kiếm Yahoo, người dùng
nhập vào truy vấn sau đây: Lam Trường lyrics. Kết quả tìm kiếm được
hiển thị như sau:

Hình 4.31: Kết quả tìm kiếm bài hát trên Yahoo lyrics
Nhấn vào kết quả tìm kiếm tự nhiên đầu tiên tại địa chỉ:
https://mp3.zing.vn/album/Lo-Lam-Lam-Truong/ZWZAIEDZ.html trong
danh sách kết quả tìm kiếm được hiển thị, người dùng nhận được lời các
bài hát trong Album của ca sĩ Lam Trường:

122
Hình 4.32: Kết quả tìm kiếm tên bài hát của một ca sĩ cụ thể
trên Yahoo lyrics
Người dùng cũng có thể thu hẹp sự tìm kiếm hơn nữa khi sử dụng tên
bài hát và tên ca sĩ cùng một lúc kết hợp với lyrics. Ví dụ: Tìm kiếm lời
bài hát Mãi mãi của ca sĩ Lam Trường. Tại hộp Search của máy tìm kiếm
Yahoo, người dùng nhập vào truy vấn sau đây:
Mãi mãi Lam Trường lyrics

Hình 4.33: Kết quả tìm kiếm tên bài hát kết hợp tên ca sĩ
trên Yahoo lyrics

123
Trong danh sách kết quả cho thấy một loạt trang web có chứa đựng
lời bài hát Mãi mãi của Lam Trường được hiển thị. Người dùng cũng có
thể sử dụng dấu nháy kép để gom các cụm từ tìm kiếm khi thực hiện tìm
kiếm với lyrics.
4.3.7. Tìm kiếm thông tin về một chủ đề hoặc công ty bất kỳ trên một
site được chỉ định trước
Shortcut này cho phép người dùng tìm kiếm các thông tin về một chủ
đề bất kỳ hoặc một công ty bất kỳ trên một website duy nhất đã được chỉ
định trước. Bằng cách sử dụng từ khóa:
!{tên website được chỉ định} {tên công ty hoặc chủ đề mà người dùng
quan tâm}
Ví dụ: Tìm các thông tin về Google trên trang wikipedia.com. Tại hộp Search
của máy tìm kiếm Yahoo, người dùng nhập vào truy vấn sau đây:
!wiki Google
Kết quả tìm kiếm được hiển thị như sau:

Hình 4.34: Ví dụ thứ nhất về tìm kiếm thông tin theo một chủ đề
trên một site được chỉ định trước
Kết quả tìm kiếm cho thấy các thông tin về Google được tìm thấy chỉ
trong site wikipedia.com.

124
Hoặc người dùng có thể tìm kiếm các thông tin về chủ đề cụ thể,
chẳng hạn cách mạng công nghiệp trong site của Wikipedia.com. Tại hộp
Search của máy tìm kiếm Yahoo, người dùng nhập vào truy vấn sau đây:
!wiki industrial revolution
Kết quả tìm kiếm được hiển thị như sau:

Hình 4.35: Ví dụ thứ hai về tìm kiếm thông tin theo một chủ đề
trên một site được chỉ định trước
Kết quả tìm kiếm hiển thị những thông tin về cách mạng công nghiệp
được liệt kê trong site của wikipedia.com.

4.4. Những thuộc tính tìm kiếm không mạng của Yahoo
Trung tâm tìm kiếm của Yahoo chính là chỉ số phụ thuộc tìm kiếm
được của nó, nhưng điều đó không có nghĩa chỉ số này là tất cả của
Yahoo. Yahoo được tạo ra bởi một số lượng khổng lồ các thuộc tính,
trong đó một số thuộc tính tìm kiếm có định hướng và một số thì không
định hướng. Những thuộc tính định hướng được biểu hiện ở những
shortcut của máy tìm kiếm Yahoo, còn những thuộc tính tìm kiếm không
định hướng bao trùm một sự phong phú trên diện rộng của nền tảng trên
Web. Những thuộc tính không định hướng còn được gọi là thuộc tính tìm
kiếm không mạng của Yahoo, cụ thể:

125
4.4.1. Yahoo Daily News – https://yahoo.com/news/
Tin tức khắp nơi trên thế giới được bao gồm trong một số lượng
khổng lồ những phạm trù, bao gồm cả sự tìm kiếm được và sự duyệt. Để
biết được hiện nay những người lướt Web hứng thú với điều gì, kiểm tra
những kết quả đầu tiên trong danh sách kết quả tự nhiên. Được đánh giá
là một trong những trang cung cấp tin tức hàng đầu thế giới, tất cả các
nội dung thông tin đa phương tiện cũng như những truyện dưới dạng văn
bản đều được bao gồm ở đây. Nếu người dùng có thể tìm thấy mọi thông
tin được cập nhật thuộc mọi lĩnh vực của đời sống, kinh tế, chính trị, xã
hội tại thuộc tính này.

Hình 4.36: Giao diện của Yahoo Daily News


4.4.2. Yahoo Local – http://local.yahoo.com
Yahoo Local là một thuộc tính quan trọng để doanh nghiệp tham gia
nhằm tăng khả năng hiển thị trực tuyến của doanh nghiệp cho những
người tìm kiếm địa phương. Yahoo Local hoàn toàn miễn phí, dễ quản lý
và dễ tạo. Người dùng có thể duyệt bởi quốc gia, bang hay tìm kiếm bởi
mã quốc gia. Thông tin được cung cấp bao gồm những bản đồ, thời tiết,
những chỗ để ăn cơm và cửa hàng, tên và địa chỉ doanh nghiệp và thông
tin khác. Đối với những công ty có nền tảng địa phương nên xem xét việc
tham gia với Yahoo Local. Mặc dù Yahoo không còn là máy tìm
kiếm khổng lồ như trước đây nhưng Yahoo Local là một bổ sung tuyệt

126
vời cho chiến lược địa phương trực tuyến của doanh nghiệp. Doanh
nghiệp có thể truy cập vào đây để thiết lập danh sách doanh nghiệp của
mình trên Yahoo Local nhằm gia tăng sự hiển thị trực tuyến và giúp
người dùng địa phương tìm kiếm doanh nghiệp dễ dàng hơn.
Việc gửi trang web của doanh nghiệp tới Yahoo Local thật dễ dàng
và chỉ mất vài phút. Thực hiện theo năm bước dưới đây để bắt đầu:
Bước 1: Đăng ký để liệt kê doanh nghiệp miễn phí tại đây. Người
dùng thực hiện đăng ký cho doanh nghiệp cũng có thể lựa chọn danh
sách nâng cao - Enhanced Listing với mức phí $ 9,95 mỗi tháng thay
cho danh sách cơ bản – Basic Listing. Với danh sách nâng cao cung cấp
cho doanh nghiệp đăng tải khẩu hiệu hoặc tôn chỉ của mình, nhiều ảnh
hơn và mô tả doanh nghiệp chi tiết hơn. Doanh nghiệp có thể thấy hai lựa
chọn trong ảnh chụp màn hình bên dưới. Nếu doanh nghiệp muốn chọn
danh sách miễn phí đầu tiên (đề xuất), chỉ cần nhấn nút đăng ký Sign Up
màu vàng.

Hình 4.37: Giao diện của Yahoo Local

127
Bước 2: Đăng nhập vào Yahoo. Sau khi người dùng đăng ký để liệt
kê doanh nghiệp của mình, người dùng sẽ được đưa đến giao diện đăng
nhập vào Yahoo. Người dùng có tùy chọn đăng nhập bằng Yahoo ID của
mình, thông qua Google hoặc thông qua Facebook. Ngoài ra còn có một
nơi mà người dùng có thể đăng ký một Yahoo ID nếu người dùng quan
tâm. Tuy nhiên hầu hết chỉ cần sử dụng các tài khoản Google hoặc
Facebook. Dù bằng cách nào, tất cả đều dẫn đến cùng một nơi.
Bước 3: Nhập tất cả thông tin cơ bản của người dùng – Account
Contact Information cũng như thông tin cơ bản cho doanh nghiệp –
Business Information mà người dùng định đăng ký để liệt kê vào danh
sách của Yahoo Local. Điều này bao gồm tên, địa chỉ, thông tin liên hệ,
trang web doanh nghiệp, v.v.

Hình 4.38: Hướng dẫn đăng ký thông tin trên Yahoo Local
Bước 4: Thêm thông tin doanh nghiệp tùy chọn như giờ làm việc,
ngôn ngữ được nói tại doanh nghiệp, liên kết truyền thông xã hội, v.v.

128
Hình 4.39: Hướng dẫn thêm thông tin doanh nghiệp
trên Yahoo Local
Bước 5: Sau đó, người dùng có thể nhấn danh sách xem trước –
Preview Listing như được hiển thị ở trên, hãy xem danh sách và đảm
bảo rằng tất cả theo ý thích, sau đó xác minh danh sách của mình. Người
dùng sẽ cần phải đồng ý với "Điều khoản dịch vụ" và sau đó nhấn
Submit Information.

Hình 4.40: Xác minh thông tin của Yahoo Local

129
Danh sách doanh nghiệp của người dùng sau đó sẽ được Yahoo xem
xét và người dùng sẽ được thông báo khi doanh nghiệp đang hoạt
động. Người dùng thậm chí có thể chọn cách nhận được mã xác minh của
mình - bằng tin nhắn văn bản, cuộc gọi điện thoại hoặc qua thư điện
tử. Toàn bộ quá trình khá là dễ dàng, cho phép người dùng địa phương có
thể tìm kiếm doanh nghiệp đã đăng ký một cách trực tuyến và đồng thời
cũng giúp cho các doanh nghiệp làm marketing hiện diện địa phương để
khách hàng dễ dàng tìm thấy hơn.
4.4.3. Yahoo Calendar
Lịch Yahoo được truy cập tại địa chỉ:
https://www.calendar.yahoo.com. Vào tháng 10 năm 2008, Yahoo đã
phát hành Yahoo Calendar Beta cho công chúng. Nó có một giao diện
được thiết kế lại hoàn toàn tương tự như Yahoo Mail hoàn toàn mới. Nó
cũng bao gồm hỗ trợ cho các tiêu chuẩn mở, hỗ trợ đăng ký cho bất kỳ
lịch công cộng dựa trên iCalendar, tích hợp Flickr, chức năng kéo và thả
và tự động đồng bộ hóa Outlook. Nó được phát hành như một phiên bản
ổn định vào tháng 11 năm 2010.

Hình 4.41: Giao diện của Yahoo Calendar


Lịch Yahoo có các tính năng của lịch 100 năm. Các tính năng báo thức
khác nhau cho phép người dùng gửi tin nhắn tới nhiều nguồn bao gồm:
+ Thiêt bị di động.
+ Yahoo Messenger.

130
+ Khả năng đồng bộ lịch của người dùng với các thiết
bị Palm và Microsoft Office Outlook , CalDAV và một số điện thoại di
động đã bật SyncML.
+ Chia sẻ lịch biểu giữa những người dùng. Cơ chế này cho phép
một số phương thức chia sẻ khác nhau bao gồm chia sẻ công khai lịch
của người dùng, chia sẻ lịch của mình với một Nhóm Yahoo cụ thể và
chia sẻ lịch của mình với một người dùng Yahoo khác.
+ Tự động đọc, tích hợp và tái xuất bản các sự kiện công khai và cá
nhân được cung cấp từ Eventful , Upcoming , Evite , Bookwhen và các
trang web khác.
+ Sự kiện được lưu trữ trực tuyến, vì vậy trong trường hợp lỗi ổ cứng
của người dùng, không có dữ liệu nào bị mất. Chia sẻ lịch cũng khả dụng.
Lịch Yahoo là một dịch vụ thư mục lịch dựa trên web từ Yahoo. Nó có
thể đọc các nguồn cấp dữ liệu lịch và sự kiện được cung cấp từ các trang
web sử dụng các giao diện lập trình lịch Yahoo đã xuất bản. Trong khi
người dùng không bắt buộc phải có tài khoản Yahoo Mail, họ được yêu
cầu phải có Yahoo ID để sử dụng phần mềm. Đây là một trong những nhà
cung cấp lịch trực tuyến lớn nhất, phục vụ hàng triệu người dùng và cho
phép người dùng có thể tìm kiếm, chuyển đổi bất kỳ loại lịch nào, chẳng
hạn từ lịch Greogry sang lịch Julian hoặc các loại lịch khác...
4.4.4. Yahoo Finance
Được truy cập tại địa chỉ: https://finance.yahoo.com/, Yahoo
Finance. Yahoo! Tài chính cung cấp khả năng tải xuống thông tin giá cổ
phiếu chuẩn vào Excel. Trái với các trang web tài chính khác, Yahoo
Finance không có bất kỳ quảng cáo nào. Yahoo Finance cung cấp một
phương tiện tuyệt vời và đơn giản để tải xuống báo giá chứng khoán
hoàn toàn miễn phí. Yahoo Finance là một trong những sản phẩm được
yêu thích nhất trong ngành, nó tự xưng là phần còn lại của thế giới, khi
cung cấp dữ liệu tài chính xuất sắc về các công ty đang hoạt động ngoài
Hoa Kỳ.
Theo kết quả của trang web, hàng triệu nhà đầu tư có khả năng phân
tích thị trường một cách độc lập, đã phục vụ cho họ một cách gián tiếp từ
các nhà môi giới và các nhà quản lý tiền có tay nghề cao.

131
Hình 4.42: Giao diện của Yahoo Finance
Người dùng có thể thực hiện tìm kiếm dễ dàng trên Yahoo Finance
để tải về biểu đồ biến động chứng khoán một cách dễ dàng và những
thông tin có liên quan đến tình hình tài chính của một công ty bất kỳ
ngoài Hoa Kỳ. Bằng cách truy cập vào địa chỉ: http://www.finance.
yahoo.com, sau đó nhập từ khóa về công ty mà người dùng muốn tìm
kiếm trên Yahoo Finance. Bây giờ người dùng có thể xem biểu đồ biến
động chứng khoán về kết quả tìm kiếm hoặc nhiều thông tin tài chính
khác của công ty trên Yahoo Finance.
4.4.5. Yahoo Maps – https://maps.yahoo.com/b/
Yahoo Maps tại địa chỉ: https://maps.yahoo.com/b/ là một cổng bản
đồ trực tuyến miễn phí được cung cấp bởi Yahoo. Dữ liệu chi tiết về
mạng lưới đường phố hiện có sẵn cho Hoa Kỳ, Canada, Puerto Rico,
Quần đảo Virgin và hầu hết các quốc gia Châu Âu. Phần còn lại của thế
giới được lập bản đồ đường biên giới quốc gia, thành phố và vùng nước.
Hình ảnh vệ tinh có độ phân giải thấp có sẵn trên toàn thế giới. Độ phân
giải 1–2 mét có sẵn cho hầu hết các quốc gia liền kề Hoa Kỳ và khi chọn
các thành phố trên toàn thế giới.
Yahoo Maps cho phép người dùng thực hiện các tìm kiếm bản đồ,
chỉ đường lái xe, tình hình thời tiết của hầu hết quốc gia trên thế giới với
các tính năng đáng chú ý sau đây:

132
+ Sổ Địa chỉ: Người dùng có thể lưu trữ danh sách các địa chỉ đường
phố thường được sử dụng, khiến người dùng không cần phải nhập lại
chúng. Địa chỉ được nhập gần đây có thể được thu hồi nhanh chóng bằng
cách chọn một địa chỉ từ danh sách thả xuống.

Hình 4.43: Giao diện của Yahoo Maps


+ Lưu lượng truy cập trực tiếp: Điểm đánh dấu sự cố giao thông và
điều kiện đường cao tốc hiện tại có thể được xem trên bản đồ.
+ Tìm trên bản đồ: Tìm kiếm địa phương theo tên hoặc loại doanh
nghiệp có thể được nhập vào hộp "Tìm kiếm trên bản đồ" để định vị nó
trong chế độ xem bản đồ hiện tại. Danh sách các loại danh mục sở thích
có thể nhấp cũng có sẵn. Kết quả có thể được tinh chỉnh thêm theo xếp
hạng của người dùng hoặc danh mục có liên quan.
+ Chỉ đường lái xe: Chỉ đường lái xe có thể được hiển thị trên bản đồ
hoặc ở dạng có thể in, với bản đồ tùy chọn từng chặng hoặc dưới dạng
văn bản đơn giản. Các liên kết đến chỉ đường lái xe có thể được gửi qua
email và chỉ đường văn bản được gửi tới điện thoại di động. Hướng dẫn
lái xe đa điểm: Có thể nhập nhiều địa chỉ và sắp xếp lại theo cách thủ
công cho các chỉ đường lái xe phức tạp.
+ Bản đồ có thể kéo: Chế độ xem bản đồ có thể được điều khiển
bằng cách kéo bằng chuột hoặc chạm vào các phím mũi tên. Mức thu

133
phóng có thể được điều khiển thông qua con lăn chuột, phím "Page Up" /
"Page Down" hoặc thanh thu phóng của bản đồ.
+ Tiện ích: Một số tiện ích con trên bản đồ bao gồm tiện ích điều
hướng, loại điều khiển bản đồ (vệ tinh & lai) và điều khiển mức thu phóng.
+ Hình ảnh vệ tinh: Hình ảnh vệ tinh được gắn nhãn và không gắn
nhãn có sẵn trên toàn thế giới.
+ Bản đồ toàn cảnh: Bản đồ tổng quan có thể thu gọn cung cấp ngữ cảnh,
với vùng màu xám có thể kéo được điều khiển chế độ xem bản đồ chính.
+ Bảo hiểm quốc tế: Bên ngoài Hoa Kỳ và Canada, Bản đồ
Yahoo Maps có thể nhận ra tên thành phố, tỉnh và quốc gia và cung cấp
chế độ xem bản đồ hoặc vệ tinh quy mô nhỏ.
+ Nhấp chuột phải để đặt điểm tham chiếu: có thể đặt điểm xuất phát,
điểm đến hoặc điểm giữa bằng cách nhấp chuột phải vào vị trí mong
muốn trên bản đồ.
+ Các điểm đánh dấu có thể kéo: Bất kỳ điểm đánh dấu nào cũng có
thể được kéo đến khu vực nhập văn bản “Nhận bản đồ” để thêm vị trí đó
vào tuyến đường.

BÀI TẬP CHƯƠNG 4

Hãy sử dụng máy tìm kiếm Yahoo để thực hiện các tìm kiếm sau
đây:
1. Tìm kiếm các từ khóa “hoa hậu trái đất”; “hoa hậu đại dương”
nằm trong tiêu đề của các website.
2. Tìm kiếm tất cả các thông tin liên quan đến công ty: yahoo; apple;
ibm; netscape.
3. Tìm kiếm tất cả các thông tin về “trẻ hóa làn da” nằm trong site:
vnexpress.net bằng cách sử dụng cú pháp chỉ số phụ thuộc tìm kiếm.
4. Tìm kiếm tất cả các thông tin về “phẫu thuật thẩm mĩ”; “hotgirl”
nằm trong tiêu đề của các site sau đây mà không bao gồm các miền con
của nó: vietbao.com; dantri.com
5. Tìm kiếm tất cả các site có đặt liên kết tới: thegioididong.com;
shopee.vn; page “Đại học Thương mại”.

134
6. Tìm kiếm từ khóa “trang sức nữ” trong tiêu đề của tất cả các site
mà đường dẫn url có chứa đựng từ “cao cấp” giới hạn trong site:
trangsucbac.vn mà không bao gồm những miền con của nó.
7. Tìm kiếm từ khóa “vòng đeo tay” nằm trong đường dẫn url của
các website mà tiêu đề của các website này có chứa đựng từ “cực hot”.
8. Tìm kiếm từ khóa “gỗ sưa cao cấp” trong tiêu đề của website:
bigshop.vn mà đường dẫn url có chứa đựng từ “trang sức”.
9. Tìm kiếm các thông tin về “thời kỳ phục hưng”; “Leonardo
devinci” trong từ điển Bách khoa toàn thư.
10. Chuyển đổi giữa các loại đơn vị tiền tệ sau đây: 1257 USD sang
VNĐ; 2143 EUR sang bảng Anh; 297856 Yên Nhật sang Đô la
Singapore.
12. Tìm hiểu các thông tin về tình hình tài chính, cổ phiếu của các
công ty FLC Groups; VinGroups; SunGroups.
13. Tìm kiếm thời gian hiện tại của các địa phương sau: Nevada,
Osaka, Ohio; Las Vegas; London.

135
CHƯƠNG 5
MÁY TÌM KIẾM BING

5.1. Khái quát vài nét về máy tìm kiếm Bing


5.1.1. Sự hình thành và tìm kiếm mặc định của máy tìm kiếm Bing
Bing (trước đây là Live Search, Windows Live Search và MSN
Search) là bộ máy tìm kiếm web (được quảng cáo là một bộ máy "ra
quyết định", đại diện cho công nghệ tìm kiếm hiện nay của Microsoft.
Được Giám đốc Điều hành của Microsoft Steve Ballmer tiết lộ vào ngày
28 tháng 5 năm 2009 tại hội nghị All Things D tại San Diego, Bing là
một sự thay thế cho Live Search; bộ máy tìm kiếm này được đưa lên trực
tuyến hoàn toàn vào ngày 3 tháng 6 năm 2009.

Hình 5.1: Giao diện máy tìm kiếm Bing


Tiền thân của máy tìm kiếm Bing được xuất hiện dưới tên gọi của
các máy tìm kiếm thông dụng dưới đây:
MSN Search
MSN Search đã là một bộ máy tìm kiếm của Microsoft bao gồm một
bộ máy tìm kiếm, sắp chỉ mục, và web crawler. MSN Search ra mắt đầu
tiên vào năm 1998 và dùng kết quả tìm kiếm do Inktomi trả về. Vào đầu

136
năm 1999, MSN Search ra mắt một phiên bản hiển thị danh sách từ
Looksmart phối hợp với các kết quả từ Inktomi ngoại trừ một thời điểm
ngắn trong năm 1999 khi trang này sử dụng kết quả từ AltaVista. Kể từ
khi Microsoft nâng cấp MSN Search để có thể trả về kết quả của bộ máy
tìm kiếm do chính Microsoft xây dựng (danh sách các địa chỉ web với
những bản xem thử nội dung trùng hợp với truy vấn của người dùng), chỉ
mục của nó được cập nhật hàng tuần hoặc thậm chí hàng ngày. Việc nâng
cấp bắt đầu dưới dạng chương trình beta vào tháng 11 năm 2004 (dựa
trên vài năm nghiên cứu), và ra mắt bản beta vào tháng 2 năm 2005. Tìm
kiếm hình ảnh do bên thứ ba thực hiện, Picsearch. Dịch vụ cũng bắt đầu
cung cấp kết quả tìm kiếm của nó cho các cổng máy tìm kiếm khác nhằm
cạnh tranh mạnh hơn trên thị trường.
Windows Live Search
Bản beta công cộng đầu tiên của Windows Live Search được tiết lộ
vào ngày 8 tháng 3 năm 2006, bản cuối cùng phát hành vào ngày 11
tháng 9 năm 2006 thay thế hoàn toàn MSN Search. Bộ máy tìm kiếm mới
cho người dùng khả năng tìm những loại thông tin cụ thể bằng cách dùng
các tab tìm kiếm bao gồm Web, tin tức, hình ảnh, âm nhạc, máy tính để
bàn, nội bộ, và Microsoft Encarta. Windows Live Search đặt mục tiêu sẽ
có trên 2,5 tỷ truy vấn trên toàn cầu mỗi tháng "hữu ích hơn với việc
cung cấp cho người dùng sự truy cập cải tiến vào thông tin và những câu
trả lời chính xác hơn cho câu hỏi của họ". Một trình đơn cấu hình cũng
có để thay đổi bộ máy tìm kiếm mặc định trong Internet Explorer.
Trong quá trình chuyển đổi từ MSN Search sang Windows Live
Search, Microsoft đã ngưng sử dụng Picsearch làm nhà cung cấp tìm
kiếm hình ảnh cho họ và bắt đầu thực hiện tự tìm kiếm hình ảnh, sử dụng
giải thuật tìm kiếm hình ảnh của riêng mình.
Live Search
Vào ngày 21 tháng 3 2007, có thông báo rằng Microsoft sẽ tách sự
phát triển Live Search ra khỏi gia đình dịch vụ Windows Live. Live
Search sẽ được tích hợp và trở thành một phần của Live Search and Ad
Platform dẫn đầu bởi Satya Nadella, một phần của nhánh Platform và Hệ
thống của Microsoft. Là một phần của sự thay đổi này, Live Search sẽ
được thống nhất với Microsoft adCenter.

137
Một loạt quá trình tái cấu trúc và hợp nhất các kết quả tìm kiếm từ
Microsoft đã được thực hiện khi bộ máy mang nhãn hiệu Live Search.
Vào ngày 23 tháng 5 năm 2008, Microsoft thông báo ngưng Live
Search Books và Live Search Academic và tích hợp tất cả kết quả tìm
kiếm học thuật và sách vào bộ tìm kiếm bình thường, do đó nó cũng
đóng luôn Live Search Books Publisher Program. Không lâu sau đó,
Windows Live Expo được ngưng vào ngày 31 tháng 7 năm 2008. Live
Search Macros, một dịch vụ cho phép người dùng tạo bộ máy tìm kiếm
điều chỉnh của họ hoặc sử dụng các macro khác do người khác tạo ra,
cũng bị ngưng ngay sao đó. Vào ngày 15 tháng 5 năm 2009, Live
Product Upload, một dịch vụ cho phép các thương gia tải thông tin sản
phẩm của họ lên Live Search Products, bị dừng. Sự tái cấu trúc cuối
cùng xảy ra với Live Search QnA khi dịch vụ này chuyển tên thành
MSN QnA vào ngày 18 tháng 2 năm 2009, tuy nhiên nó cũng bị dừng
vào ngày 21 tháng 5 năm 2009.
Microsoft nhận ra rằng sẽ vẫn tồn tại vấn đề về nhãn hiệu khi nào từ
"Live" vẫn còn nằm trong tên dịch vụ. Với nỗ lực tạo ra một định danh
mới cho các dịch vụ tìm kiếm của Microsoft, Live Search được chính
thức thay thế bằng Bing vào ngày 3 tháng 6 năm 2009.
Giống như Google và Yahoo, máy tìm kiếm Bing được mặc định tìm
kiếm AND. Thử tìm kiếm một cụm từ bao gồm nhiều từ khóa mà mỗi từ
khóa tách ra đều có nghĩa độc lập trên máy tìm kiếm Bing và quan sát kết
quả trả về cho thấy mỗi kết quả đều bao gồm đầy đủ các từ khóa của cụm
từ đó.
Ví dụ: Tìm kiếm thông tin về thị trường bất động sản Hà Nội.
Tại hộp Search của máy tìm kiếm Bing, người dùng nhập vào truy
vấn sau đây: thị trường bất động sản Hà Nội. Kết quả tìm kiếm được
hiển thị như sau:

138
Hình 5.2: Mặc định tìm kiếm AND của máy tìm kiếm Bing
Kết quả tìm kiếm được hiển thị cho thấy mỗi kết quả đều bao gồm
đầy đủ các từ khóa trong cụm từ thị trường bất động sản Hà Nội có thể
chứa đựng trong tiêu đề, đường dẫn URL hoặc nội dung văn bản của các
trang web.
Khác với máy tìm kiếm Google, máy tìm kiếm Bing cần phải được
thiết lập trước khi thực hiện tìm kiếm để cho kết quả chính xác nhất.
Thiết lập Bing khá đơn giản và được tiến hành theo các bước sau đây:
B1: Người dùng truy cập vào Bing tại địa chỉ: https://bing.com/ và

nhấn chuột vào nút ở góc trên bên tay phải của giao diện
Bing.com.
B2: Trong hộp thoại hiện ra người dùng chọn Settings

Hình 5.3: Hướng dẫn thiết lập máy tìm kiếm Bing – Bước 2

139
B3: Trong Settings người dùng chọn Country/Region.

Hình 5.4: Hướng dẫn thiết lập máy tìm kiếm Bing – Bước 3
B4: Tại giao diện Coutry/Region người dùng chọn United States -
English

Hình 5.5: Hướng dẫn thiết lập máy tìm kiếm Bing – Bước 4
Sau khi cài đặt xong, máy tìm kiếm Bing sẽ mất khoảng vài giây để
reset và người dùng sẽ sử dụng được toàn bộ các đặc tính tìm kiếm của
Bing với các ngôn ngữ khác nhau thậm chí cả các truy vấn bằng tiếng
Việt một cách dễ dàng.

140
5.1.2. Các toán tử và từ bổ nghĩa cơ bản của Bing
Cũng tương tự như máy tìm kiếm Google, Microsoft cũng đưa vào
Bing một số toán tử và từ bổ nghĩa nhằm giúp người dùng thực hiện công
việc tìm kiếm dễ dàng hơn. Dưới đây là một số toán tử và từ bổ nghĩa cơ
bản của máy tìm kiếm Bing:
+ Toán tử + : Nhìn chung toán tử + được sử dụng khi người dùng
muốn máy tìm kiếm hiểu rằng từ khóa đứng sau dấu + nhất định phải
xuất hiện trong kết quả tìm kiếm được trả về. Tuy nhiên, đối với máy tìm
kiếm Bing, mặc dù toán tử + có thể sử dụng được giống như máy tìm
kiếm khác nhưng kết quả có thể tương đồng với việc không sử dụng.
Ví dụ: Tìm kiếm từ khóa thương mại điện tử xuyên biên giới.
- Khi không sử dụng toán tử +. Tại hộp Search của máy tìm kiếm
Bing, người dùng nhập vào truy vấn sau đây: thương mại điện tử xuyên
biên giới. Danh sách kết quả tìm kiếm được hiển thị cho thấy có tổng số
36.500 kết quả cung cấp thông tin về thương mại điện tử xuyên biên
giới như minh họa ở hình bên dưới.

Hình 5.6: Tìm kiếm cụm từ không sử dụng toán tử +


- Khi sử dụng toán tử +. Tại hộp Search của máy tìm kiếm Bing,
người dùng nhập vào truy vấn sau đây: +thương +mại +điện +tử
+xuyên +biên +giới

141
Hình 5.7: Tìm kiếm cụm từ có sử dụng toán tử +
Kết quả được hiển thị bao gồm 36.500 kết quả với cách sắp xếp
giống hệt như khi chưa sử dụng toán tử +.
+ Toán tử - : Được sử dụng để loại trừ các thông tin không cần thiết
trong truy vấn mà người dùng muốn máy tìm kiếm Bing thực hiện. Hay
nói cách khác, người dùng sử dụng toán tử - khi muốn máy tìm kiếm
Bing loại trừ các thông tin về từ khóa xuất hiện đằng sau dấu – trong
danh sách các kết quả tìm kiếm trả về.
Ví dụ: Tìm kiếm thông tin về các loại hoa quả nhiệt đới, loại trừ
thông tin về quả mãng cầu. Tại hộp Search của máy tìm kiếm Bing,
người dùng nhập vào truy vấn sau đây: hoa quả nhiệt đới –mãng cầu
Kết quả tìm kiếm được hiển thị như sau:

Hình 5.8: Tìm kiếm với toán tử - của máy tìm kiếm Bing

142
Danh sách kết quả tìm kiếm liệt kê các trang web có chứa đựng
thông tin về các loại hoa quả nhiệt đới nhưng không có thông tin về quả
mãng cầu.
+ Dấu nháy kép “ ”: Dấu nháy kép “ ” được sử dụng khi người
dùng muốn tìm kiếm chính xác chủ đề nội dung thông tin mình cần tìm.
Hay nói cách khác dấu nháy kép được sử dụng khi người dùng muốn
máy tìm kiếm Bing hiểu rằng mọi từ khóa trong dấu nháy kép đều phải
được tìm kiếm một cách chính xác và xuất hiện tuần tự trong mỗi kết quả
tìm kiếm được trả về.
Ví dụ: Tìm kiếm các thông tin chính xác về thanh toán di động
Apple Pay. Tại hộp Search của máy tìm kiếm Bing, người dùng nhập
vào truy vấn sau đây:
“thanh toán di động Apple Pay”
Kết quả tìm kiếm được hiển thị như sau:

Hình 5.9: Tìm kiếm với dấu “ ” trên Bing


Danh sách kết quả tìm kiếm được hiển thị cho thấy mỗi kết quả đều
xuất hiện thông tin về cụm từ thanh toán di động Apple Pay được xuất
hiện một cách tuần tự và chính xác.
+ Từ bổ nghĩa NOT: Từ bổ nghĩa NOT được sử dụng khi người
dùng muốn máy tìm kiếm Bing hiểu rõ ý định tìm kiếm của mình để loại
bỏ một yếu tố nào đó trong kết quả tìm kiếm.

143
Ví dụ: Tìm kiếm thông tin về virus chứ không phải virus máy tính.
Tại hộp Search của máy tìm kiếm Bing, người dùng nhập vào truy vấn
sau đây:
Virus NOT computer

Hình 5.10: Tìm kiếm với từ bổ nghĩa NOT trên Bing


+ Từ bổ nghĩa OR: Từ bổ nghĩa OR được sử dụng cho phép người
dùng diễn đạt ý muốn tìm kiếm với máy tìm kiếm Bing khi tìm kiếm hoặc
chủ đề này hoặc chủ đề kia, hoặc thông tin này hoặc thông tin kia. Bản
chất của máy tìm kiếm Bing được mặc định tìm kiếm AND, vì vậy nếu
không có từ bổ nghĩa OR, khi người dùng viết hai chủ đề tìm kiếm cùng
lúc vào máy tìm kiếm Bing, kết quả trả về sẽ là danh sách các trang web
mà mỗi trang web đều chứa đựng đồng thời cả hai chủ đề tìm kiếm đó.
Ví dụ: Tìm kiếm thông tin về Apple Pay hoặc Samsung Pay.
Tại hộp Search của máy tìm kiếm Bing, người dùng nhập vào truy vấn
sau đây:
Apple Pay OR Samsung Pay
Kết quả tìm kiếm được hiển thị như sau:

144
Hình 5.11: Tìm kiếm với từ bổ nghĩa OR trên Bing
5.2. Những cú pháp đặc biệt của máy tìm kiếm Bing
Nhiều khi Bing.com cung cấp những kết quả tìm kiếm có thể không
liên quan đến những gì người dùng cần. Tìm qua từng trang web rất mệt
mỏi và mất thời gian. Hãy sử dụng những cú pháp đặc biệt được xem như
tìm kiếm nâng cao của Bing để giới hạn kết quả tìm kiếm. Đừng gõ
khoảng cách sau dấu hai chấm ở những cú pháp đặc biệt này.
5.2.1. Cú pháp ip
Cú pháp này được sử dụng để tìm kiếm các trang web hoặc từ khóa
về một chủ đề theo một địa chỉ ip cụ thể. Cú pháp người dùng nhập vào
hộp Search của máy tìm kiếm Bing như sau: ip:<địa chỉ ip của trang
web> hoặc: <từ khóa, chủ đề cần tìm kiếm> ip:<địa chỉ ip của trang
web>
Ví dụ: Tìm kiếm thông tin về thủ thuật facebook trong địa chỉ IP sau
đây: 222.255.28.220. Tại hộp Search của máy tìm kiếm Bing, người dùng
nhập vào truy vấn sau đây: “thủ thuật facebook” ip:222.255.28.220.
Kết quả tìm kiếm được hiển thị như sau:

145
Hình 5.12: Tìm kiếm với cú pháp ip trên Bing
Kết quả tìm kiếm được hiển thị cho thấy những thông tin về thủ
thuật facebook được tìm kiếm chỉ giới hạn trong địa chỉ ip của website
quản trị mạng.
Có thể thấy cú pháp ip của máy tìm kiếm Bing được sử dụng khá
giống với site của Google và Yahoo trong việc giới hạn kết quả tìm kiếm
chỉ trong một site cụ thể. Tuy nhiên, khi tìm kiếm với Bing sẽ có nhiều
lúc người dùng chỉ biết địa chỉ tên miền của website mà không biết được
địa chỉ ip của website đó. Vậy làm thế nào để có thể tìm kiếm địa chỉ
ip từ địa chỉ tên miền và sau đó có thể sử dụng cú pháp ip. Có hai cách
để biết được địa chỉ ip của một website bất kỳ từ địa chỉ tên miền của nó.
+ Cách 1:
B1: Người dùng có thể sử dụng công cụ Command Prompt của
Windows bằng cách vào Start ÆPrograms ÆAccessories Æ Command
Prompt.

146
Hình 5.13: Hướng dẫn lấy địa chỉ ip bằng NSlookup – Bước 1
B2: Tại cửa sổ của Command Prompt người dùng nhập vào lệnh
NSlookup. Sau đó nhập vào địa chỉ tên miền của một website gõ Enter và
lấy địa chỉ ip của site đó ngay bên dưới.

Hình 5.14: Hướng dẫn lấy địa chỉ ip bằng NSlookup – Bước 2
+ Cách 2: Vào thanh tìm kiếm của Windows, người dùng nhập vào
truy vấn cmd rồi nhấn Enter để truy cập vào cửa sổ của Command
Prompt. Sau đó người dùng nhập vào ping và tên miền của website bất
kỳ để lấy địa chỉ ip của website đó.

147
Hình 5.15: Hướng dẫn lấy địa chỉ ip bằng ping
5.2.2. Cú pháp filetype
Cú pháp này được sử dụng để tìm kiếm tài liệu theo yêu cầu với một
định dạng file cụ thể. Với cú pháp này ta có thể tìm kiếm được một số
định dạng file tài liệu phổ biến như pdf, doc, xls, ppt… Tại hộp Search
của máy tìm kiếm Bing, người dùng gõ vào ô tìm kiếm như sau:
<tên tài liệu> filetype:<định dạng mong muốn>
Ví dụ: Tìm kiếm các tài liệu về thương mại điện tử với định dạng
file là pdf, ppt.
- Tại hộp Search của máy tìm kiếm Bing, người dùng nhập vào truy
vấn sau đây: “thương mại điện tử” filetype:pdf. Kết quả tìm kiếm được
hiển thị như sau:

Hình 5.16: Tìm kiếm file PDF với cú pháp filetype trên Bing
Danh sách kết quả được hiển thị liệt kê tất cả các trang web có chứa
đựng các file tài liệu về thương mại điện tử với định dạng pdf.

148
- Tại hộp Search của máy tìm kiếm Bing, người dùng nhập vào truy
vấn sau đây: “thương mại điện tử” filetype:ppt. Kết quả tìm kiếm được
hiển thị như sau:

Hình 5.17: Tìm kiếm file định dạng PPT với cú pháp filetype trên
Bing
Kết quả tìm kiếm liệt kê các trang web có tài liệu về thương mại
điện tử được định dạng ppt.
5.2.3. Cú pháp contains
Cú pháp này được sử dụng để tìm kiếm các trang web chứa đựng bài
hát với định dạng loại file theo yêu cầu. Người dùng nhập vào hộp
Search của máy tìm kiếm Bing như sau:
<tên bài hát> contains:<định dạng mong muốn>
Ví dụ: Tìm kiếm bài hát Như giấc chiêm bao với định dạng mp3.
Tại hộp Search của máy tìm kiếm Bing, người dùng nhập vào truy vấn
sau đây: “Như giấc chiêm bao” contains:mp3.
Kết quả tìm kiếm được hiển thị như sau:

Hình 5.18: Tìm kiếm với cú pháp contains trên Bing

149
Kết quả tìm kiếm liệt kê danh sách các trang web có bài hát Như
giấc chiêm bao với định dạng file mp3.
5.2.4. Cú pháp prefer
Cú pháp này được sử dụng để nhấn mạnh sự tìm kiếm những thông
tin gắn liền với một phạm vi hay lĩnh vực cụ thể. Người dùng nhập vào
hộp Search của máy tìm kiếm Bing như sau:
<tên tài liệu> prefer:<phạm vi hay lĩnh vực mong muốn>
Ví dụ: Tìm kiếm thông tin về Mobile commerce nhưng nhấn mạnh
mong muốn vào các thông tin của Mobile Apps.
Tại hộp Search của máy tìm kiếm Bing, người dùng nhập vào truy vấn
sau đây:
“mobile commerce” prefer:mobile apps
Kết quả tìm kiếm được hiển thị như hình 5.18. Kết quả tìm kiếm
được hiển thị cho thấy những trang web thông tin về các ứng dụng của
thương mại di động.

Hình 5.19: Tìm kiếm với cú pháp Prefer trên Bing

150
5.2.5. Cú pháp site
Cú pháp này được sử dụng để tìm kiếm thông tin trong một site cụ
thể nào đó hoặc một nhóm tên miền nào đó. Người dùng nhập vào hộp
Search của máy tìm kiếm Bing như sau :
<từ khóa tìm kiếm> site:<địa chỉ site/nhóm tên miền>
Ví dụ: Tìm kiếm thông tin về cách mạng công nghiệp 4.0 giới hạn
tìm kiếm trong site baomoi.com.
Tại hộp Search của máy tìm kiếm Bing, người dùng nhập vào truy
vấn sau đây: cách mạng công nghiệp 4.0 site:baomoi.com. Kết quả tìm
kiếm được hiển thị như sau :

Hình 5.20: Tìm kiếm với cú pháp site trên Bing


Kết quả tìm kiếm hiển thị tất cả các bài viết về cách mạng công
nghiệp 4.0 trên một site duy nhất là baomoi.com.
+ Tương tự như cú pháp site của máy tìm kiếm Google, cú pháp site
của máy tìm kiếm Bing cũng cho phép người dùng tìm kiếm thông tin
trong một miền đặc thù.
Ví dụ: Vẫn là tìm kiếm thông tin về cách mạng công nghiệp 4.0
nhưng trong các site thuộc lĩnh vực giáo dục.
Tại hộp Search của máy tìm kiếm Bing, người dùng nhập vào truy
vấn sau đây: cách mạng công nghiệp 4.0 site:edu.vn. Kết quả tìm kiếm
được hiển thị như sau:

151
Hình 5.21: Tìm kiếm thông tin giới hạn trong một miền đặc thù
với cú pháp site trên Bing
Kết quả tìm kiếm liệt kê tất cả các bài viết về cách mạng công
nghiệp 4.0 trong các site thuộc lĩnh vực giáo dục có đuôi: edu.vn
5.2.6. Cú pháp feed và hasfeed
Cú pháp này được sử dụng để tìm kiếm các trang web có chứa RSS
feed theo một từ khóa hoặc một chủ đề cụ thể. Người dùng nhập vào hộp
Search của máy tìm kiếm Bing như sau:
feed:<từ khóa hoặc chủ đề>
hasfeed:<từ khóa hoặc chủ đề> site:<địa chỉ site cụ thể>
Ví dụ: Tìm kiếm các feed về hạt dinh dưỡng trên các trang web đã
được lưu vào cơ sở dữ liệu của Bing.
Tại hộp Search của máy tìm kiếm Bing, người dùng nhập vào truy
vấn sau đây: feed:“hạt dinh dưỡng”. Kết quả tìm kiếm được hiển thị
như sau:

152
Hình 5.22: Tìm kiếm với cú pháp feed trên Bing
Ví dụ: Tìm kiếm thông tin RSS feed về hạt dinh dưỡng trong site
muaquaoccho.vn
Tại hộp Search của máy tìm kiếm Bing, người dùng nhập vào truy
vấn sau đây: site:muaquaoccho.vn hasfeed: “hạt dinh dưỡng”. Kết
quả tìm kiếm được hiển thị như sau:

Hình 5.23: Tìm kiếm phối hợp giữa cú pháp site và feed trên Bing
5.2.7. Cú pháp loc
Cú pháp này được sử dụng để tìm kiếm thông tin theo yêu cầu trong
phạm vi quốc gia hay khu vực cụ thể. Người dùng nhập vào hộp Search
của máy tìm kiếm Bing như sau:
<từ khóa tìm kiếm> loc:<ký hiệu quốc gia hay khu vực mong muốn>

153
Ví dụ: Tìm kiếm thông tin về thủ thuật facebook trong phạm vi khu
vực quốc gia Việt Nam.
Tại hộp Search của máy tìm kiếm Bing, người dùng nhập vào truy
vấn sau đây: “thủ thuật facebook” loc:VN. Kết quả tìm kiếm được hiển
thị như sau:

Hình 5.24: Tìm kiếm với cú pháp loc trên Bing


Kết quả tìm kiếm hiển thị các thông tin về thủ thuật facebook được
giới hạn tìm kiếm trong khu vực quốc gia Việt Nam.
5.2.8. Cú pháp url
Cú pháp này được sử dụng để tìm kiếm các webpage của một địa chỉ
url cụ thể đã được Bing.com lập chỉ mục và chỉ trả về một kết quả duy
nhất. Cú pháp này cho phép kiểm tra xem một địa chỉ web bất kỳ đã
được lập chỉ mục trong cơ sở dữ liệu của máy tìm kiếm Bing hay chưa.
Điều này rất có ý nghĩa khi làm SEO cho một website nào đó. Người
dùng nhập vào hộp Search của máy tìm kiếm Bing để thể hiện cú pháp
url như sau:
url:<địa chỉ url cụ thể>
Ví dụ: Tìm kiếm xem địa chỉ url của Đại học Thương Mại đã được
Bing lập chỉ mục hay chưa?

154
Tại hộp Search của máy tìm kiếm Bing, người dùng nhập vào truy
vấn sau đây: url:tmu.edu.vn. Kết quả tìm kiếm được hiển thị như sau:

Hình 5.25: Tìm kiếm với cú pháp url trên Bing


Kết quả tìm kiếm được hiển thị cho thấy địa chỉ url của Đại học
Thương Mại đã được lập chỉ mục trong cơ sở dữ liệu của máy tìm kiếm
Bing.
5.3. Những lệnh tìm kiếm đặc biệt của Bing
5.3.1. Tìm kiếm thông tin về thời tiết
Lệnh tìm kiếm này cho phép người dùng có thể tìm kiếm thông tin
thời tiết của một địa phương bất kỳ bằng cách sử dụng tên địa phương đó
với từ weather hoặc forecast. Người dùng nhập vào hộp Search của máy
tìm kiếm Bing như sau:
<tên địa phương> weather
Hoặc <tên địa phương> forecast
Ví dụ: Tìm kiếm thông tin về tình hình thời tiết hiện thời của Las
Vegas.
Tại hộp Search của máy tìm kiếm Bing, người dùng nhập vào truy
vấn sau đây: Las Vegas weather. Kết quả tìm kiếm được hiển thị như
sau:

155
Hình 5.26: Tìm kiếm với lệnh weather trên Bing
Hoặc tìm kiếm với forecast về thời tiết của NewYork:

Hình 5.27: Tìm kiếm với lệnh forecast trên Bing


5.3.2. Giải phương trình toán học/phép toán
Với máy tìm kiếm Bing, người dùng có thể sử dụng cú pháp solve để
giải các phương trình toán học đơn giản hoặc các phép toán với thời gian
tính toán rất nhanh. Đây là lệnh tìm kiếm đặc biệt của Bing khác hoàn
toàn so với các máy tìm kiếm khác. Đề thực hiện giải phương trình,
người dùng nhập vào hộp Search của máy tìm kiếm như sau:

156
solve <phương trình/phép toán muốn thực hiện>
Ví dụ: Giải phương trình 2x2 – 3x + 1 = 0.
Tại hộp Search của máy tìm kiếm Bing, người dùng nhập vào
truy vấn sau đây: solve 2x^2 – 3x + 1. Kết quả tìm kiếm được hiển
thị như sau:

Hình 5.28: Giải phương trình toán học với lệnh solve trên Bing

Kết quả tìm kiếm cho thấy hai nghiệm của phương trình 2x2 – 3x + 1
= 0 là x1 = 0.5 và x2 = 1.

5.3.3. Tìm thông tin cổ phiếu


Lệnh tìm kiếm này được sử dụng cho phép người dùng tìm kiếm
thông tin về tình hình tài chính, cổ phiếu của một công ty theo yêu cầu
bằng cách sử dụng tên công ty với từ quote hoặc stock. Để tìm kiếm,
người dùng nhập vào hộp Search của máy tìm kiếm Bing như sau: <tên
công ty> quote Hoặc <tên công ty> stock
Ví dụ: Tìm kiếm thông tin về tình hình tài chính, biến động cổ phiếu
của công ty FLC (Flah&Crum). Tại hộp Search của máy tìm kiếm Bing,
người dùng nhập vào truy vấn sau đây: FLC quote. Kết quả tìm kiếm
được hiển thị như sau:

157
Hình 5.29: Tìm kiếm với lệnh quote trên Bing
Hoặc tìm kiếm với stock về tình hình tài chính cổ phiếu của công ty
Apple. Tại hộp Search của máy tìm kiếm Bing, người dùng nhập vào truy
vấn sau đây: AAPL stock. Kết quả tìm kiếm được hiển thị như sau:

Hình 5.30: Tìm kiếm với lệnh stock trên Bing


5.3.4. Chuyển đổi tiền tệ
Lệnh này cho phép người dùng có thể tìm kiếm tỷ giá hối đoái giữa
hai loại tiền tệ bất kỳ. Hay nói cách khác lệnh này thực hiện việc chuyển
đổi tiền tệ hoặc đơn vị đo theo yêu cầu bằng cách sử dụng từ convert với
hai đơn vị tiền tệ. Để thực hiện chuyển đổi, người dùng nhập vào hộp
Search của máy tìm kiếm Bing như sau:
convert <đơn vị tiền tệ thứ nhất> to <đơn vị tiền tệ thứ hai>

158
Ví dụ: Chuyển đổi 100 Euro thành đồng Việt Nam theo tỷ giá hiện hành.
Tại hộp Search của máy tìm kiếm Bing, người dùng nhập vào truy
vấn sau đây: convert 100 euro to vnd. Kết quả tìm kiếm được hiển thị
như sau:

Hình 5.31: Tìm kiếm với lênh convert trên Bing


Kết quả cho thấy 100 EURO theo tỷ giá hiện hành bằng 2.699.460,9
VNĐ
5.3.5. Chuyển đổi đơn vị đo thể tích, chiều dài, khối lượng, nhiệt độ
Lệnh tìm kiếm đặc biệt này cho phép người dùng sử dụng để tìm
kiếm sự chuyển đổi về khoảng cách, khối lượng, thể tích, nhiệt độ theo
yêu cầu cụ thể bằng cách sử dụng với từ in. Để thực hiện chuyển đổi các
đơn vị kể trên, người dùng nhập vào truy vấn sau đây: <đơn vị muốn
chuyển đổi> in <đơn vị mong muốn>
+ Ví dụ: Người dùng muốn quy đổi 50 độ F sang độ C.
Tại hộp Search của máy tìm kiếm Bing, người dùng nhập vào truy vấn
sau đây: 50 degrees f in Celsius. Kết quả tìm kiếm được hiển thị như sau:

159
Hình 5.32: Tìm kiếm chuyển đổi đơn vị đo nhiệt độ với lệnh in
trên Bing
Kết quả hiển thị cho thấy 50 độ F bằng 10 độ C.
+ Ví dụ: Cho biết 5124 dặm tương đương với bao nhiêu km.
Tại hộp Search của máy tìm kiếm Bing, người dùng nhập vào truy
vấn sau đây: 5124 miles in km. Kết quả tìm kiếm được hiển thị như sau:

Hình 5.33: Tìm kiếm chuyển đổi đơn vị đo chiều dài với lệnh in
trên Bing
Kết quả hiển thị cho thấy 5124 dặm tương đương với 8246,27866 km.

160
+ Ví dụ: Tìm kiếm 3287 gallons tương đương với bao nhiêu lít. Tại
hộp Search của máy tìm kiếm Bing, người dùng nhập vào truy vấn sau
đây: 3287 gallons in litters. Kết quả tìm kiếm được hiển thị như sau:

Hình 5.34: Tìm kiếm chuyển đổi đơn vị đo thể tích với lệnh in
trên Bing
Như vậy 3287 gallons tương đương với 12442,6485 lít.
5.3.6. Theo dõi tình trạng chuyến bay và tìm vé máy bay giá rẻ
Lệnh tìm kiếm này được sử dụng cho phép người dùng theo dõi tình
trạng các chuyến bay bằng cách nhập mã số của chuyến bay vào ô tìm kiếm
của Bing.com; hoặc tìm vé máy bay giá rẻ. Tại hộp Search của máy tìm
kiếm Bing, người dùng nhập vào truy vấn sau đây: <mã số chuyến bay>
Ví dụ: Tìm kiếm thông tin về chuyến bay VN173. Tại hộp Search
của máy tìm kiếm Bing, người dùng nhập vào truy vấn sau đây: vn173.
Kết quả tìm kiếm được hiển thị như sau:

161
Hình 5.35: Tìm kiếm thông tin chuyến bay trên Bing
+ Người dùng cũng có thể tìm vé máy bay giá rẻ với lệnh tìm kiếm
đặc biệt sau đây: <Flights from> <tên địa phương 1> to <tên địa
phương 2>
Ví dụ: Tìm kiếm vé máy bay giá rẻ từ Hà Nội đi Đà Nẵng. Tại hộp
Search của máy tìm kiếm Bing, người dùng nhập vào truy vấn sau đây:
flights from Hà Nội to Đà Nẵng. Kết quả tìm kiếm được hiển thị như sau:

Hình 5.36: Tìm kiếm chuyến bay giá rẻ với lệnh Flights
from < > to trên Bing

162
Danh sách kết quả tìm kiếm liệt kê các trang web về vé máy bay giá
rẻ để người dùng có thể tham chiếu.
5.3.7. Theo dõi gói hàng chuyển phát nhanh
Lệnh tìm kiếm này được sử dụng cho phép người dùng theo dõi tình
trạng các gói hàng chuyển phát nhanh của các công ty DHL, UPS… bằng
cách nhập mã số của gói hàng đó. Để thực hiện lệnh này, người dùng
nhập vào hộp Search của máy tìm kiếm Bing như sau: <tên công ty>
<mã số gói hàng>
Ví dụ: Tìm kiếm thông tin về gói hàng DHL 2710172150. Nhấn vào
kết quả đầu tiên để biết thông tin về gói hàng này.

Hình 5.37: Tìm kiếm thông tin gói hàng trên Bing

5.3.8. Tìm kiếm khách sạn trong thành phố


Lệnh tìm kiếm này cho phép người dùng sử dụng để tìm kiếm các
khách sạn trong một địa phương cụ thể theo yêu cầu với việc sử dụng từ
khóa hotels. Để thực hiện tìm kiếm, người dùng nhập vào hộp Search của
máy tìm kiếm Bing truy vấn sau đây: <tên địa phương> hotels
Ví dụ: Tìm kiếm các khách sạn tại Hà Nội.
Tại hộp Search của máy tìm kiếm Bing, người dùng nhập vào truy
vấn: Hanoi hotels. Kết quả tìm kiếm được hiển thị như sau:

163
Hình 5.38: Tìm kiếm với lệnh hotels trên Bing
Kết quả tìm kiếm hiển thị các khách sạn tại Hà Nội với mức giá
phòng cụ thể cho từng khách sạn.
5.3.9. Tìm thông tin thống kê
Với máy tìm kiếm Bing, người dùng có thể tìm kiếm thống kê của
nhiều chỉ số khác nhau. Trong hộp Search của máy tìm kiếm Bing, người
dùng gõ những gì muốn tìm kiếm thông tin về thống kê như: population
(dân số), number of cars (số xe hơi),…
+ Ví dụ: Tìm kiếm thống kê dân số của Hoa Kỳ.
Tại hộp Search của máy tìm kiếm Bing, người dùng nhập vào truy
vấn sau đây: population of USA 2018. Kết quả tìm kiếm được hiển thị
như sau:

164
Hình 5.39: Tìm kiếm thống kê số lượng dân số trên Bing
Kết quả tìm kiếm hiển thị dự đoán thống kê về dân số Mỹ năm 2018
vào khoảng 327,876 triệu người.
+ Ví dụ: Tìm kiếm thống kê về số lượng xe hơi tại Hoa Kỳ.
Tại hộp Search của máy tìm kiếm Bing, người dùng nhập vào truy vấn:
number of cars in US 2017. Kết quả tìm kiếm được hiển thị như sau:

Hình 5.40: Tìm kiếm thống kê số lượng xe hơi trên Bing


Trong danh sách kết quả trả về,n gười dùng nhấp chuột vào kết quả
bất kỳ để nhận được các thống kê về số lượng xe hơi tại Mỹ.

165
BÀI TẬP CHƯƠNG 5

Hãy sử dụng máy tìm kiếm Bing để thực hiện các tìm kiếm sau đây:
1. Tìm kiếm thông tin về “Thương mại điện tử” nhưng không bao
gồm “Thanh toán điện tử” trên các website có tên miền .com.vn
2. Tìm kiếm tài liệu dưới dạng PDF về “Cách mạng công nghiệp 4.0”
hoặc “Cách mạng công nghiệp lần thứ 4”
3. Tìm kiếm bài hát “Happy New Year” trên các website tại Việt Nam
4. Tìm kiếm các trang web có chưa RSS feed về “Thương mại điện
tử” hoặc “Đại học Thương mại”
5. Chuyển đổi 500 đồng tiền EURO sang tiền Yên Nhật
6. Tìm kiếm thông tin về dân số của Việt Nam trong năm 2016
7. Tìm kiếm trang web dhtm.edu.vn theo địa chỉ IP
8. Tìm kiếm tài liệu dạng *.doc về “Cách mạng công nghiệp 4.0”
thuộc lĩnh vực giáo dục
9. Tìm kiếm xem trang web dhtm.edu.vn đã được Bing lập chỉ mục
hay chưa?
10. Tìm kiếm file định dạng PowerPoint về “Thương mại điện tử”
trên các website có tên miền .vn.
11. Tìm kiếm chủ đề “cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư” từ các
trang web có địa chỉ IP sau đây: 151.101.52.230; 111.65.248.132;
118.102.1.120; 123.31.19.90
12. Tìm kiếm các tài liệu theo các chủ đề sau đây với định dạng pdf:
“Mobile marketing”; “Mobile ticketing”; “Securities in Mobile commerce”.
13. Tìm kiếm “social media”; “social media marketing” nhấn mạnh
sự liên quan tới hoạt động kinh doanh trực tuyến của doanh nghiệp.
14. Tìm xem các site sau đây có bao nhiêu page được Bing lập chỉ
mục: vietnamnet.vn; cnn.com; chodientu.vn; vatgia.com
15. Giải các phương trình sau đây: 2x^2 + 5x +10 = 40; 5x^2 + 3x +
8 = 0; 4y^2 + 6y + 7 = 9

166
16. Chuyển đổi tiền tệ của các quốc gia sau đây ra Việt Nam đồng:
100 USD; 2578 JPY; 3547 GBP; 2018 EUR; 191927 SGD.
17. Tìm giá cổ phiếu hiện thời của các tập đoàn sau đây: IBM; Cisco
Systems; Yahoo; Sony; Samsung.
18. Chuyển đổi các đơn vị sau đây: 1000km chuyển đổi ra dặm; 1500
độ F ra độ C; 1278kg chuyển đổi ra pound; 25712 pound chuyển đổi ra
ounce; 72391 gallon ra lít.
19*. Tìm kiếm theo dõi 2 bưu phẩm chuyển phát nhanh bất kỳ của
các công ty Fedex; DHL bằng cách sử dụng máy tìm kiếm Bing.com
20. Tìm kiếm các thông tin về lịch trình hoặc vé máy bay giá rẻ từ
các chuyến bay WN1572; VJ525; VN 7173; VN165.
21. Tìm kiếm thông tin về vé máy bay giá rẻ của các chuyến bay từ
NewYork tới Hà Nội hoặc TP Hồ Chí Minh; từ Tokyo tới TP Hồ Chí
Minh; từ Hong Kong tới Hà Nội.
22. Tìm kiếm “Facebook marketing guide” trong các site thuộc lĩnh
vực giáo dục tại Mỹ hoặc Anh với định dạng văn bản là pdf hoặc ppt.

167
CHƯƠNG 6
MÁY TÌM KIẾM AOL

6.1. Khái quát vài nét về máy tìm kiếm AOL


6.1.1. Sự hình thành và tìm kiếm mặc định của máy tìm kiếm AOL
Máy tìm kiếm AOL tại địa chỉ: https://www.aol.com hoặc
https://www.search.aol.com trước đây là một công ty được biết đến với
tên gọi AOL Inc, ban đầu có tên là America Online. AOL là một cổng
thông tin web và nhà cung cấp dịch vụ tìm kiếm trực tuyến có trụ sở
tại thành phố New York. Nó là một thương hiệu được quảng cáo
bởi Oath, một chi nhánh của tập đoàn Verizon Communications. AOL là
một trong những công ty tiên phong đầu tiên của Internet vào giữa những
năm 1990 và là thương hiệu được công nhận nhất trên web tại Hoa
Kỳ. Ban đầu nó cung cấp dịch vụ quay số cho hàng triệu người Mỹ, cũng
như cung cấp một cổng tìm kiếm web, e-mail, tin nhắn tức thời và là
một trình duyệt web sau khi mua Netscape. Đến năm 1995, AOL có
khoảng 20 triệu người dùng hoạt động.
Ở thời kỳ đỉnh cao của sự phát triển phổ biến, AOL đã mua tập đoàn
truyền thông Time Warner trong vụ sáp nhập lớn nhất trong lịch sử Hoa
Kỳ. AOL nhanh chóng từ chối sau đó, một phần là do sự suy giảm của
dial-up và tăng băng thông rộng. AOL cuối cùng đã được tách ra từ Time
Warner năm 2009. Dưới sự lãnh đạo của mình, công ty đã đầu tư vào các
thương hiệu truyền thông, dịch vụ tìm kiếm và công nghệ quảng cáo.
Vào ngày 23 tháng 6 năm 2015, Verizon đã mua lại AOL với giá 4,4
tỷ đô la. Trong những tháng tiếp theo, AOL cũng đã thỏa thuận
với Microsoft để gia tăng sức mạnh tìm kiếm. Tìm kiếm AOL cung cấp
danh sách toàn diện và quyền truy cập một lần nhấp vào các kết quả web,
hình ảnh, video, bản đồ và các nội dung khác có liên quan. Người dùng
có được trải nghiệm tìm kiếm hoàn chỉnh: nhiều kết quả trong một lần
thử, mà không cần thực hiện các tìm kiếm bổ sung. Máy tìm kiếm AOL
cũng không phân biệt chữ hoa và chữ thường, điều này rất thuận tiện cho

168
người dùng khi thực hiện sự tìm kiếm thông tin hoặc chủ đề bất kỳ mà
không phải lo lắng về cách viết chữ hoa khi nhập cụm từ tìm kiếm.
Chẳng hạn trong hộp Search của máy tìm kiếm AOL người dùng nhập
vào global health partner hoặc GLOBAL HEALTH PARTNER hoặc
Global Health Partner đều cho ra cùng một kết quả.
Điều mà người dùng trên Internet đánh giá cao nhất về máy tìm kiếm
AOL là các tính năng dễ sử dụng của máy tìm kiếm này. Ở bên phải kết
quả tìm kiếm của người dùng là kết quả web nhóm (một cách khác để đặt
cụm từ này sẽ là các đề xuất được nhóm) cho nhiều tìm kiếm liên quan
đến hơn. Chẳng hạn như khi người dùng tìm kiếm các máy ảnh camera,
góc bên phải sẽ hiển thị một loạt tìm kiếm có liên quan như: best camera
for photography, cheap digital camera, use camera on this pc,
download camera, camera for sale best buy... Kết quả được tài trợ
(đây là quảng cáo trả phí) ở phía trên bên trái và kết quả tìm kiếm tự
nhiên ở ngay bên dưới các kế quả quảng cáo trả phí. Người dùng có thể
nhận thấy giao diện của kết quả tìm kiếm được trả về sắp xếp khá giống
với máy tìm kiếm Google (Minh họa như hình bên dưới).

Hình 6.1: Tìm kiếm từ khóa camera trên AOL


Giống như Google và Bing, máy tìm kiếm AOL là một máy tìm kiếm
toàn bộ văn bản và được mặc định tìm kiếm là AND. Người dùng có thể
thực hiện một truy vấn tìm kiếm với một cụm từ và không sử dụng bất kỳ
toán tử hay từ bổ nghĩa nào để thấy rõ điều này. Ví dụ: Tìm kiếm thông

169
tin về thị trường chứng khoán phái sinh. Tại hộp Search của máy tìm
kiếm AOL, người dùng nhập vào truy vấn sau đây: thị trường chứng
khoán phái sinh. Kết quả tìm kiếm được hiển thị như sau:

Hình 6.2: Tìm kiếm chứng tỏ AOL được mặc định AND
Kết quả tìm kiếm được hiển thị cho thấy, cách sắp xếp khá giống với
máy tìm kiếm Google, trong bất cứ kết quả nào được trả về đều chứa
đựng các thông tin và bao gồm đầy đủ các từ khóa trong cụm từ thị
trường chứng khoán phái sinh. Chẳng hạn như kết quả thứ nhất thị
trường chứng khoán phái sinh xuất hiện trong nội dung văn bản, từ
khóa chứng khoán phái sinh xuất hiện trong tiêu đề và đường dẫn URL.
Kết quả thứ hai, từ khóa chứng khoán phái sinh xuất hiện trong tiêu đề
và đường dẫn URL và thị trường xuất hiện trong nội dung văn bản...
Đối với các kết quả khác cũng tương tự như vậy. Do đó, máy tìm kiếm
AOL được mặc định tìm kiếm AND.
6.1.2. Các toán tử và từ bổ nghĩa cơ bản của AOL
Không phải ngẫu nhiên mà trong các máy tìm kiếm nói chung và
máy tìm kiếm AOL nói riêng lại cần sử dụng các toán tử và từ bổ nghĩa.
Mục đích sử dụng là để giúp người dùng khi thực hiện tìm kiếm biểu đạt
yêu cầu của mình để các máy tìm kiếm có thể cho ra kết quả chính xác
theo mong muốn của người dùng. Đối với máy tìm kiếm AOL, các toán
tử và từ bổ nghĩa cơ bản được sử dụng bao gồm:
+ Toán tử ( + ): Được sử dụng khi người dùng muốn máy tìm kiếm
AOL hiểu rằng, mọi từ khóa đứng sau dấu + cần phải được hiển thị trong

170
bất kỳ kết quả tìm kiếm nào được trả về. Hay nói cách khác, máy tìm
kiếm AOL sẽ hiểu rằng từ khóa đứng sau dấu + là những từ khóa quan
trọng và là mong muốn của người dùng, do đó nó sẽ cố gắng trả về các
kết quả phù hợp với truy vấn đó. Ví dụ: Tìm kiếm thông tin về biệt thự
nhưng muốn nhấn mạnh sự liên quan tới khu vực Hồ Tây mà không phải
các nơi khác. Tại hộp Search của máy tìm kiếm AOL người dùng nhập
vào truy vấn sau đây: biệt thự +Hồ Tây. Kết quả tìm kiếm được hiển thị
như sau:

Hình 6.3: Tìm kiếm với toán tử + trên AOL


Kết quả tìm kiếm được hiển thị cho thấy các thông tin liên quan đến
biệt thự ở khu vực Hồ Tây mà không phải các khu vực khác.
+ Toán tử ( – ): Được sử dụng khi người dùng muốn máy tìm kiếm
AOL hiểu rằng, mọi từ khóa đứng sau dấu – không được phép hiển thị
trong bất kỳ kết quả tìm kiếm nào được trả về. Hay nói cách khác, máy
tìm kiếm AOL sẽ hiểu rằng những từ khóa đứng sau dấu – là những từ
khóa không mong muốn, không phải vấn đề mà người dùng quan tâm, do
đó những từ này cần được loại trừ khỏi kết quả tìm kiếm. Ví dụ: Tìm
kiếm các thông tin về Antivirus nhưng loại trừ các thông tin về Firewall
(tường lửa). Tại hộp Search của máy tìm kiếm AOL, người dùng nhập
vào truy vấn sau đây: Antivirus –Firewall. Kết quả tìm kiếm được hiển
thị như sau:

171
Hình 6.4: Tìm kiếm với toán tử - trên AOL
Kết quả tìm kiếm được hiển thị cho thấy các thông tin về Antivirus
mà không có thông tin về firewall.
Giống như Google, hai toán tử ( + ) và ( – ) có thể được sử dụng kết
hợp với nhau khi người dùng muốn tìm kiếm thông tin một tổng thể và
loại trừ những phần tử trong tổng thể đó ra khỏi kết quả tìm kiếm.
+ Từ bổ nghĩa OR: Do máy tìm kiếm AOL được mặc định tìm kiếm
AND nên nếu muốn máy tìm kiếm AOL hiểu rõ yêu cầu tìm kiếm của
người dùng muốn tìm kiếm hoặc chủ đề này hoặc chủ đề kia, hoặc thông
tin này hoặc thông tin kia, hoặc cái này hoặc cái kia thì cần phải sử dụng
từ bổ nghĩa OR. Ví dụ: Tìm kiếm thông tin về nhà đất hoặc biệt thự. Tại
hộp Search của máy tìm kiếm AOL, người dùng nhập vào truy vấn sau
đây: nhà đât OR biệt thự. Kết quả tìm kiếm được hiển thị như sau:

Hình 6.5: Tìm kiếm với từ bổ nghĩa OR trên AOL

172
Kết quả tìm kiếm được hiển thị cho thấy tất cả các trang có chứa
đựng thông tin về nhà đất hoặc biệt thự được liệt kê trong danh sách.
+ Từ bổ nghĩa NOT: Tương tự như việc sử dụng toán tử -, từ bổ
nghĩa NOT được sử dụng để giúp người dùng loại trừ những thông tin
không liên quan hoặc không muốn xuất hiện trong danh sách kết quả tìm
kiếm của AOL. Ví dụ: Tìm kiếm các thông tin về Industry 4.0 nhưng
không xuất hiện các thông tin về biotechnology. Tại hộp Search của máy
tìm kiếm AOL, người dùng nhập vào truy vấn sau đây:
industry 4.0 NOT biotechnology
Kết quả tìm kiếm được hiển thị như sau:

Hình 6.6: Tìm kiếm với từ bổ nghĩa NOT trên AOL


Kết quả tìm kiếm được hiển thị cho thấy các liên kết chứa thông tin
về industry 4.0 nhưng không chứa đựng tin tức về biotechnology.
+ Dấu nháy kép “ ”: Dấu nháy kép được sử dụng khi người dùng
biểu đạt nhu cầu để máy tìm kiếm AOL hiểu rằng người dùng muốn tìm
kiếm chính xác và tuần tự cụm từ trong dấu nháy kép đó trong bất kỳ kết
quả nào được trả về. Ví dụ: Tìm kiếm thanh toán di động. Tại hộp
Search của máy tìm kiếm AOL, người dùng nhập vào truy vấn sau đây:
“thanh toán di động”. Kết quả tìm kiếm được hiển thị như sau:

173
Hình 6.7: Tìm kiếm với dấu nháy kép “ ” trên AOL
Kết quả tìm kiếm được hiển thị cho thấy bất cứ kết quả nào đều bao
gồm thanh toán di động được sắp xếp một cách tuần tự với thanh toán
đứng trước và di động đứng sau.
6.2. Những cú pháp đặc biệt của máy tìm kiếm AOL
6.2.1. Cú pháp site
Cú pháp site được sử dụng để hạn chế các kết quả tìm kiếm được
máy tìm kiếm AOL trả về chỉ nằm trong một site cụ thể hoặc một miền
đặc thù đã được xác định trước. Hay nói cách khác, cú pháp site cho
phép người dùng thực hiện tìm kiếm một thông tin, một chủ đề bất kỳ chỉ
trong một site cụ thể hoặc một miền đặc thù.
Miền đặc thù là miền đại diện cho một lĩnh vực hoặc phạm vi nào đó,
chẳng hạn: miền đại diện cho lĩnh vực giáo dục là edu, miền đại diện cho
các tổ chức là org, miền đại diện cho các cơ quan chính phủ là gov... Ví
dụ: Tìm kiếm các video for cats từ site youtube. Tại hộp Search của
máy tìm kiếm AOL, người dùng nhập vào truy vấn sau đây:
“video for cats” site:youtube.com
Kết quả tìm kiếm được hiển thị như sau:

174
Hình 6.8: Tìm kiếm với cú pháp site trên AOL
Kết quả tìm kiếm được hiển thị cho thấy tất cả những thông tin bao
gồm cả video và tin tức về video for cats được tìm kiếm chỉ trong duy
nhất site youtube.com mà không bị chệch sang các site khác.
Đối với tìm kiếm trong một miền đặc thù. Ví dụ: Tìm kiếm các thông
tin về hóa đơn điện tử trong các site của cơ quan chính phủ Việt Nam.
Tại hộp Search của máy tìm kiếm AOL, người dùng nhập vào truy vấn
sau đây:
“hóa đơn điện tử” site:gov.vn
Kết quả tìm kiếm được hiển thị như sau:

Hình 6.9: Tìm kiếm trong miền đặc thù với cú pháp site trên AOL

175
Kết quả tìm kiếm được hiển thị cho thấy tất cả các trang có đuôi
.gov.vn chứa đựng các thông tin về hóa đơn điện tử được liệt kê ở đây.
6.2.2. Cú pháp filetype
Cú pháp filetype được sử dụng để tìm kiếm các tài liệu hoặc văn bản
theo chủ đề cụ thể với định dạng file được xác định trước. Cú pháp này
có thể tìm kiếm các loại định dạng file khác nhau như: pdf, doc, xls, txt...
Ví dụ: Tìm kiếm Báo cáo chỉ số thương mại điện tử với định dạng văn
bản là pdf. Tại hộp Search của máy tìm kiếm AOL, người dùng nhập vào
truy vấn sau đây:
“Báo cáo chỉ số thương mại điện tử” filetype:pdf
Kết quả tìm kiếm được hiển thị như sau:

Hình 6.10: Tìm kiếm với cú pháp filetype trên AOL


Kết quả tìm kiếm hiển thị cho thấy các trang chứa đựng Báo cáo chỉ
số thương mại điện tử với định dạng văn bản pdf được liệt kê ở đây.
Tuy nhiên, khác với kết quả được thể hiện rõ ràng của Google, ở đây
người dùng cần chú ý đến đường dẫn URL của các trang được liệt kê
trong kết quả tìm kiếm để thấy được định dạng văn bản pdf của các báo
cáo này.

176
6.2.3. Cú pháp link
Cú pháp link được sử dụng để tìm kiếm các trang web có đặt liên kết
tới một địa chỉ URL xác định trước. Ví dụ: Tìm kiếm các trang web có
đặt liên kết tới địa chỉ site của Bộ Công Thương Việt Nam. Tại hộp
Search của máy tìm kiếm AOL, người dùng nhập vào truy vấn sau đây:
link:http://www.moit.gov.vn
Kết quả tìm kiếm được hiển thị như hình 6.11. Kết quả tìm kiếm
được hiển thị cho thấy có 55 trang web khác nhau đặt liên kết tới site của
Bộ Công Thương Việt Nam.

Hình 6.11: Tìm kiếm với cú pháp link trên AOL


Ngoài ra, khác với máy tìm kiếm Google hoặc Bing, cú pháp link
máy tìm kiếm AOL còn được sử dụng để tìm kiếm các trang có liên kết
tới một cụm từ hoặc một chủ đề cụ thể được xác định trước. Ví dụ: Tìm
kiếm tất cả các trang có liên kết tới thông tin về big data (dữ liệu lớn).
Tại hộp Search của máy tìm kiếm AOL, người dùng nhập vào truy vấn
sau đây: link:“big data”. Kết quả tìm kiếm được hiển thị như sau:

177
Hình 6.12: Tìm kiếm với cú pháp filetype trên AOL
6.2.4. Cú pháp intitle
Cú pháp intitle được sử dụng để tìm kiếm các thông tin hoặc chủ đề
theo yêu cầu nằm trong tiêu đề bài viết của các trang web. Hay nói cách
khác, cú pháp này liệt kê tất cả các trang web trong cơ sở dữ liệu của
AOL mà tiêu đề của các trang này có chứa đựng thông tin hoặc từ khóa
theo truy vấn của người dùng. Ví dụ: Tìm kiếm thông tin về virtual
reality trong bài viết của các trang web. Tại hộp Search của máy tìm
kiếm AOL, người dùng nhập vào truy vấn sau đây: intitle:“virtual
reality”. Kết quả tìm kiếm được hiển thị như sau:

Hình 6.13: Tìm kiếm với cú pháp intitle trên AOL

178
Danh sách các kết quả tìm kiếm được hiển thị cho thấy bất kỳ kết quả
nào cũng đều bao gồm tiêu đề các bài viết về virtual reality.
Ngoài ra cú pháp intitle có thể phối hợp rất tốt với cú pháp site trong
việc tìm kiếm các bài viết về một chủ đề cụ thể giới hạn trong một địa chỉ
URL cho trước hoặc một miền đặc thù. Ví dụ: Tìm kiếm các bài viết về
virtual reality trong tất cả các trang web thuộc lĩnh vực giáo dục. Tại
hộp Search của máy tìm kiếm AOL, người dùng nhập vào truy vấn sau
đây: intitle:“virtual reality” site:edu. Kết quả tìm kiếm được hiển thị
như sau:

Hình 6.14: Tìm kiếm phối hợp giữa cú pháp intitle


với cú pháp site trên AOL
Kết quả tìm kiếm liệt kê tất cả các bài viết có tiêu đề về virtual
reality trong các trang web có đuôi .edu
6.2.5. Cú pháp inurl
Cú pháp inurl được sử dụng để tìm kiếm thông tin về một chủ đề nào
đó trong đường dẫn URL của các trang web. Nói cách khác, người dùng
sử dụng cú pháp inurl là muốn máy tìm kiếm AOL liệt kê tất cả các trang
web trong cơ sở dữ liệu của AOL mà địa chỉ URL có chứa đựng từ khóa
hoặc cụm từ theo yêu cầu truy vấn của người dùng. Ví dụ: Tìm kiếm các
địa chỉ URL có chứa đựng thông tin về trí tuệ nhân tạo artificial

179
intelligence. Tại hộp Search của máy tìm kiếm AOL, người dùng nhập
vào truy vấn sau đây:
inurl:“artificial intelligence”
Kết quả tìm kiếm được hiển thị như sau:

Hình 6.15: Tìm kiếm với cú pháp inurl trên AOL

Kết quả tìm kiếm cho thấy các trang có địa chỉ URL màu xanh lá cây chứa
đựng từ artificial intelligence được hiển thị. Chẳng hạn: kết quả tìm kiếm
thứ nhất tại địa chỉ: https://www.accenture.com/ t20160928T230416
__w__/us-en/_acnmedia/PDF-32/AI_in_Management_ Report.pdf, trong
địa chỉ URL này có chứa đựng thông tin về AI in Management Report.
Kết quả thứ hai tại địa chỉ: http://www.cin.ufpe.br/~tfl2/artificial-
intelligence-modern-approach.9780131038059.25368.pdf, trong địa chỉ
URL này có chứa đựng thông tin về artificial intelligence modern
approach. Tương tự như vậy đối với các địa chỉ URL khác cũng chứa
đựng thông tin về từ khóa artificial intelligence.
Giống như cú pháp intitle, cú pháp inurl của máy tìm kiếm AOL có
thể làm việc tốt khi phối hợp với cú pháp site.

180
6.2.6. Cú pháp related
Cú pháp related cho phép người dùng tìm kiếm trong cơ sở dữ liệu
của máy tìm kiếm AOL những trang web có nội dung tương tự hoặc có
liên quan tới một địa chỉ URL được xác định trước. Cú pháp này rất mạnh
trong việc tìm kiếm các nhà cung cấp đối với cùng một loại sản phẩm, dịch
vụ để so sánh giá cả, điều kiện dịch vụ hoặc tìm kiếm các đối thủ cạnh
tranh trong cùng lĩnh vực với mình. Ví dụ: Tìm kiếm các trang web có nội
dung tương tự hoặc có liên quan tới địa chỉ URL của yahoo finance.
Tại hộp Search của máy tìm kiếm AOL, người dùng nhập vào truy
vấn: related:finance.yahoo.com. Kết quả tìm kiếm được hiển thị như sau:

Hình 6.16: Tìm kiếm với cú pháp related trên AOL


Kết quả tìm kiếm được hiển thị cho thấy những trang có nội dung
tương tự hoặc liên quan đến finance.yahoo.com như: money.cnn.com;
google.com/finance; msn.com/en-us/money/stockdetails; nasdaq.com; se
ekingalpha.com...
6.3. Các lệnh tìm kiếm đặc biệt của AOL
6.3.1. Lệnh convert
+ Lệnh convert được sử dụng cho phép người dùng tìm kiếm sự
chuyển đổi một định dạng văn bản bất kỳ sang một định dạng khác.

181
Ví dụ: Người dùng muốn chuyển đổi một đoạn văn bản dưới định
dạng file chuẩn pdf sang định dạng file word. Tại hộp Search của máy
tìm kiếm AOL, người dùng nhập vào truy vấn sau đây:
convert pdf to word hoặc convert pdf to doc
Kết quả tìm kiếm được hiển thị như sau:

Hình 6.17: Tìm kiếm với lệnh convert trên AOL


Theo danh sách kết quả tìm kiếm được hiển thị liệt kê các trang
chuyển đổi trực tuyến từ file pdf sang word. Chẳng hạn kết quả thứ nhất
tại địa chỉ: https://www.pdftoword.com/, sau khi người dùng nhấp chuột
để truy cập, giao diện của trang này hiển thị như sau:

Hình 6.18: Tìm kiếm với lệnh convert trên AOL – Kết quả thứ nhất

182
Người dùng muốn chuyển đổi file bất kỳ từ pdf sang Word rất đơn giản
chỉ việc chọn file có định dạng pdf muốn chuyển đổi và sau đó điền thông
tin địa chỉ email mà người dùng muốn file sau khi chuyển đổi xong được
chuyển tới. Sau khi xong người dùng chỉ việc nhấn vào nút “Convert Now”.
+ Người dùng cũng có thể sử dụng lệnh convert của máy tìm kiếm
AOL để thực hiện chuyển đổi giữa các đơn vị tiền tệ khác nhau tương tự
như cú pháp tỷ giá hối đoái của yahoo.
Ví dụ: Người dùng muốn biết tỷ giá hiện tại giữa đồng đô la Mỹ với
đồng Euro. Tại hộp Search của máy tìm kiếm AOL, người dùng nhập vào
truy vấn sau đây: convert US dollars to Euro. Kết quả tìm kiếm được
hiển thị như sau:

Hình 6.19: Tìm kiếm chuyển đổi giữa các đơn vị tiền tệ
với lệnh convert trên AOL
Theo kết quả tìm kiếm cho thấy ngay tỷ giá của 1 USD bằng 0,868
Euro. Với lệnh convert người dùng cũng có thể thực hiện chuyển đổi
ngay lập tức một khối lượng đơn vị tiền tệ nhất định sang một loại tiền tệ
khác, chẳng hạn như: chuyển đổi 1085 USD sang Yên Nhật hoặc sang
đồng đô la Singapore...
+ Lệnh convert của máy tìm kiếm AOL cũng được sử dụng trong
trường hợp người dùng muốn quy đổi giữa các đơn vị đo thể tích.
Ví dụ: Người dùng muốn tìm kiếm thông tin xem 1000 gallons tương
đương với bao nhiêu lít nước. Tại hộp Search của máy tìm kiếm AOL,
người dùng nhập vào truy vấn sau đây: convert 1000 gallons to litters.
Kết quả tìm kiếm được hiển thị:

183
Hình 6.20: Tìm kiếm chuyển đổi giữa các đơn vị đo thể tích
với lệnh convert trên AOL
Kết quả tìm kiếm được hiển thị liệt kê những trang cho phép chuyển đổi
đơn vị một cách trực tuyến. Chẳng hạn tại kết quả đầu tiên, người dùng truy
cập vào địa chỉ: https://www.theunitconverter.com/gallon-to-liter-conversion/
1000-gallon-to-liter.html. Giao diện của trang này được hiển thị như bên dưới
và kết quả của việc chuyển đổi xuất hiện ngay tại giao diện chính của trang
này. Theo đó, 1000 gallons tương đương với 3785,41178 lít

Hình 6.21: Tìm kiếm chuyển đổi giữa các đơn vị đo thể tích
với lệnh convert trên AOL – Kết quả thứ nhất
+ Người dùng cũng có thể thực hiện chuyển đổi giữa các đơn vị đo
chiều dài bằng lệnh convert.
Ví dụ: Người dùng muốn biết 1854 dặm tương đương với bao nhiêu
kilomet. Tại hộp Search của máy tìm kiếm AOL, người dùng nhập vào
truy vấn sau đây: convert 1854 miles to kilometers. Kết quả tìm kiếm
được hiển thị như sau:

184
Hình 6.22: Tìm kiếm chuyển đổi giữa các đơn vị đo chiều dài
với lệnh convert trên AOL
Kết quả tìm kiếm được hiển thị liệt kê danh sách các trang web chuyển
đổi đơn vị đo chiều dài trực tuyến. Chẳng hạn người dùng truy cập vào kết
quả tìm kiếm thứ nhất tại địa chỉ: https://www.theunit converter.com/miles-
to-kilometers-conversion/1854-miles-to-kilometers.html, giao diện trang
web hiển thị kết quả chuyển đổi cho thấy: 1854 dặm tương đương với
2983,72378km.

Hình 6.23: Tìm kiếm chuyển đổi giữa các đơn vị đo chiều dài
với lệnh convert trên AOL – Kết quả thứ nhất
+ Lệnh convert còn được sử dụng để tìm kiếm các phần mềm
chuyển đổi giữa các định dạng khác nhau của file audio hoặc video.
Ví dụ: Người dùng muốn tìm kiếm phần mềm chuyển đổi video với
định dạng file X sang DVD.

185
Tại hộp Search của máy tìm kiếm AOL, người dùng nhập vào truy
vấn sau đây: convert x to dvd. Kết quả tìm kiếm được hiển thị như sau:

Hình 6.24: Tìm kiếm chuyển đổi giữa các định dạng khác nhau của
file audio hoặc video với lệnh convert trên AOL
Kết quả tìm kiếm được hiển thị liệt kê danh sách các trang web cung
cấp phần mềm chuyển đổi file X sang DVD. Chẳng hạn, kết quả thứ nhất
tại địa chỉ: http://www.vso-software.fr/products/convert_x_to_dvd/, sau
khi người dùng truy cập, giao diện của trang này được hiển thị như sau:

Hình 6.25: Tìm kiếm chuyển đổi giữa các định dạng khác nhau của
file audio hoặc video với lệnh convert trên AOL – Kết quả thứ nhất

186
Trong trang này, người dùng có hai lựa chọn tải miễn phí bản dùng
thử 7 ngày hoặc mua bản quyền với giá 44,99 USD.
6.3.2. Lệnh phonebook
Lệnh phonebook cho phép tìm kiếm số điện thoại, địa chỉ email, địa
chỉ nhà của một người bất kỳ tại Mỹ. Vì sợ động chạm đến quyền riêng
tư đối với các thông tin cá nhân nên với nhiều máy tìm kiếm lệnh này
không hoạt động, tuy nhiên với AOL lệnh này vẫn hoạt động khá tốt và
cung cấp kết quả chính xác, đặc biệt là những kết quả tại trang đầu tiên
của danh sách kết quả trả về. Tuy nhiên, người dùng có thể phải trả phí
để nhận được các thông tin cá nhân một cách chi tiết của những người
mình muốn tìm hiểu.
Ví dụ: Tìm kiếm số điện thoại, địa chỉ liên hệ của những người có
tên Tim Cook.
Tại hộp Search của máy tìm kiếm AOL, người dùng nhập vào truy
vấn sau đây: phonebook Tim Cook. Kết quả tìm kiếm được hiển thị như
sau:

Hình 6.26: Tìm kiếm với lệnh phonebook trên AOL

Kết quả tìm kiếm liệt kê các trang web có chứa đựng thông tin về số điện
thoại, địa chỉ của những người có tên Tim Cook. Chẳng hạn, người dùng
truy cập vào kết quả thứ tư tại địa chỉ: https://www.spokeo.com/Tim-Cook,
giao diện trang web này được hiển thị như sau:

187
Hình 6.27: Tìm kiếm với lệnh phonebook trên AOL – Kết quả thứ tư
Trong trang web này có thống kê chi tiết về 3.417 người có tên Tim
Cook được liệt kê tại đây. Và người dùng muốn nhận được kết quả về
người Tim Cook nào trong danh sách này chỉ việc bấm vào “See Results”.
6.3.3. Tìm kiếm an toàn
Nếu hầu hết người dùng đều nghĩ rằng Google và Bing là tất cả của
tìm kiếm trên web, đó là một sai lầm. Theo một nghiên cứu của McAfee
Site Advisor Group về mặt trả về các kết quả tìm kiếm an toàn cho người
dùng, Google chỉ đứng thứ hai và AOL đứng thứ nhất.
Nhiều người dùng không muốn có các trang web dành cho người lớn
được bao gồm trong kết quả tìm kiếm của họ, đặc biệt nếu con họ sử
dụng máy tính. Tìm kiếm AOL cung cấp cho người dùng tính năng Tìm
kiếm an toàn - , ngăn chặn các trang web chứa nội dung khiêu dâm rõ
ràng xuất hiện trong kết quả tìm kiếm. Không có bộ lọc nào hiệu quả
100%, nhưng Tìm kiếm an toàn loại bỏ hầu hết các trang web không phù
hợp khỏi kết quả tìm kiếm của người dùng.
Để bật / tắt tính năng Tìm kiếm an toàn, người dùng tiến hành
theo các bước sau đây:
B1: Truy cập vào AOL Search tại địa chỉ: https://search.aol.com/
hoặc https://aol.com/
B2: Nhập từ khóa vào hộp Search và nhấp vào nút Search. Ví dụ: tìm
kiếm kiss trong máy tìm kiếm AOL với kết quả được hiển thị như sau:

188
Hình 6.28: Tìm kiếm kiss trên AOL
B3: Ngay bên dưới hộp Search của máy tìm kiếm AOL có mục
SafeSearch (Tìm kiếm an toàn).
B4: Trong phần SafeSearch (Tìm kiếm an toàn), chọn tùy chọn
người dùng thích và sau đó nhấp vào nút SAVE SETTING. Các tùy
chọn có sẵn được liệt kê như hình dưới đây:

Hình 6.29: Thiết lập tìm kiếm an toàn trên AOL

189
+ Strict (Nghiêm ngặt) - Lọc hình ảnh và video người lớn khỏi kết
quả tìm kiếm và những liên kết văn bản tới nội dung khiêu dâm. Tùy
chọn này sẽ không hiển thị nội dung người lớn khi tìm kiếm của người
dùng chứa cụm từ truy vấn dành cho người lớn.
+ Moderate (Trung bình) - Lọc hình ảnh và video người lớn khỏi kết
quả tìm kiếm của người dùng.
+ Off (Tắt) - Tùy chọn này sẽ hiển thị nội dung người lớn khi tìm
kiếm của người dùng chứa cụm từ truy vấn dành cho người lớn.
Sau khi lựa chọn xong, người dùng nhấp vào Save để lưu lại và AOL sẽ
bắt đầu hiển thị kết quả theo tùy chọn Tìm kiếm an toàn của người dùng.
6.3.4. Tìm kiếm tình hình thời tiết
Máy tìm kiếm AOL cho phép người dùng có thể tìm kiếm tình hình
thời tiết của bất kỳ nơi nào trên trái đất bằng việc kết hợp lệnh weather
với tên một địa phương.
Ví dụ: Người dùng muốn tìm kiếm thông tin về tình hình thời tiết tại
Toronto.
Tại hộp Search của máy tìm kiếm AOL, người dùng nhập vào truy vấn
sau đây:
weather toronto
Kết quả tìm kiếm được hiển thị cho biết thông tin thời tiết cụ thể và
hiện thời tại Toronto.

Hình 6.30: Tìm kiếm với lệnh weather trên AOL

190
6.3.5. Tìm kiếm theo khoảng thời gian
Giống như Google, máy tìm kiếm AOL cho phép người dùng có thể
thực hiện truy vấn một chủ đề, một thông tin cụ thể trong một khoảng
thời gian được xác định trước. Có 4 mức thời gian để người dùng có thể
lựa chọn khi tìm kiếm đó là:
+ Anytime (Bất kỳ thời gian nào): Khi lựa chọn mức này thì thông
tin hoặc chủ đề mà người dùng cần tìm kiếm sẽ được máy tìm kiếm AOL
tìm kiếm trong cơ sở dữ liệu của nó mà không kể thông tin hoặc chủ đề
đó được xuất hiện vào khoảng thời gian nào trên web.
+ Past day (1 ngày trước hoặc 24h trước): Khi lựa chọn mức này thì
thông tin hoặc chủ đề cần tìm kiếm sẽ được máy tìm kiếm AOL tìm trong cơ
sở dữ liệu được chỉ số hóa, lập chỉ mục từ 24h trước đến bây giờ của nó.
+ Past week (1 tuần trước): Khi lựa chọn mức này thì thông tin hoặc
chủ đề cần tìm kiếm của người dùng sẽ được máy tìm kiếm AOL tìm
trong cơ sở dữ liệu được lập chỉ mục của nó trong khoảng thời gian 1
tuần trước trở lại đây.
+ Past month (1 tháng trước): Khi lựa chọn mức này thì thông tin
hoặc chủ đề cần tìm kiếm của người dùng sẽ được máy tìm kiếm AOL
tìm trong cơ sở dữ liệu được lập chỉ mục của nó trong khoảng thời gian 1
tháng trước trở lại đây.
Ví dụ: Tìm kiếm thông tin về “bán hàng trực tuyến” trong khoảng
thời gian 1 tháng trở lại đây.
Tại hộp Search của máy tìm kiếm AOL, người dùng nhập vào truy
vấn sau đây:
“bán hàng trực tuyến”
Máy tìm kiếm AOL hiển thị kết quả như sau:

191
Hình 6.31: Tìm kiếm theo khoảng thời gian Anytime trên AOL
Nhấp chuột vào mục Anytime và người dùng chọn Past month, kết
quả xuất hiện như sau:

Hình 6.32: Tìm kiếm theo khoảng thời gian Past month trên AOL
Có thể thấy khi truy vấn với Anytime số lượng kết quả về bán hàng
trực tuyến là 575.000 kết quả, còn khi giới hạn tìm kiếm theo thời gian
với Past month số lượng kết quả chỉ còn 4.200.
6.3.6. Tìm kiếm vị trí và chỉ đường
Máy tìm kiếm AOL cho phép người dùng có thể tìm kiếm vị trí hay
địa chỉ cụ thể và chỉ đường để có thể đi đến địa chỉ đó tương tự như

192
Google Maps. AOL sử dụng Mapquest để hướng dẫn và đưa ra gợi ý cho
người dùng khi các tìm kiếm “Hotels”, “Food”, “Shopping”, “Coffee”,
“Grocery”, “Gas”.
Ví dụ: Tìm kiếm vị trí và chỉ đường tới Trường THPT Nevada.
Tại hộp Search của máy tìm kiếm AOL, người dùng nhập vào truy
vấn sau:
Nevada High School
Kết quả tìm kiếm được hiển thị như sau:

Hình 6.33: Tìm kiếm theo vị trí và chỉ đường trên AOL – Bước 1
Người dùng nhấp chuột vào tab More ngay bên dưới hộp Search của
máy tìm kiếm AOL và chọn Maps, kết quả tìm kiếm được hiển thị như sau:

Hình 6.34: Tìm kiếm theo vị trí và chỉ đường trên AOL – Bước 2

193
Kết quả tìm kiếm từ Mapquest cho thấy địa chỉ cụ thể, số điện thoại
liên hệ và chỉ đường đi đến vị trí của Nevada High School. Ngoài ra,
Mapquest của AOL còn đưa ra các chỉ dẫn gợi ý cho các tìm kiếm về
Hotels”, “Food”, “Shopping”, “Coffee”, “Grocery”, “Gas”.
Nếu người dùng muốn tìm hiểu thêm về những nhà hàng hoặc khách
sạn tại Nevada, người dùng có thể nhấp chuột vào các gợi ý kể trên để
biết thêm thông tin chi tiết. Chẳng hạn, người dùng nhấp vào “Hotels”,
kết quả được hiển thị như sau:

Hình 6.35: Tìm kiếm khách sạn tại Nevada trên AOL
Trong khung của kết quả tìm kiếm hiển thị danh sách những khách
sạn và có cả mức giá tương ứng cho người dùng có thể lựa chọn tại
Nevada. Ngoài ra còn có một nút Check Pricing cho phép người dùng có
thể biết được mức giá của các khách sạn tại Nevada với các ngày lưu trú
tương ứng.

194
BÀI TẬP CHƯƠNG 6

Hãy sử dụng máy tìm kiếm AOL để thực hiện các tìm kiếm sau đây:
1. Hãy tìm kiếm các thông tin về hoạt động thương mại nhưng loại
trừ thông tin về hoạt động thương mại nội địa.
2. Tìm kiếm thông tin về nhà chung cư hoặc thông tin về căn hộ cao
cấp tại Hà Nội.
3. Tìm kiếm thông tin về công nghệ trí tuệ nhân tạo hoặc thông tin về
công nghệ phân tích dự đoán.
4. Tìm kiếm các thông tin về mạng Internet nhưng không bao gồm
các thông tin về Internet vạn vật.
5. Tìm kiếm thông tin về quản lý thị trường viễn thông nhưng không
bao gồm các thông tin về dịch vụ viễn thông.
6. Tìm kiếm thông tin về thanh toán không dùng tiền mặt, du lịch
nghỉ dưỡng trong các site của cơ quan chính phủ.
7. Tìm kiếm thông tin về công nghệ blockchain, dữ liệu lớn với định
dạng văn bản pdf trong các site của các tổ chức.
8. Tìm kiếm tất cả các trang web có đặt liên kết tới website của Đại
học Thương Mại, website Adayroi và tiki.vn
9. Tìm kiếm tất cả các trang web có liên kết tới các từ khóa sau đây:
Apple Pay, NFC technology, doanh nghiệp Việt Nam.
10. Tìm kiếm tất cả các bài viết về trends of electronic marketing
trong các site thuộc lĩnh vực giáo dục.
11. Tìm kiếm thông tin về smart home (nhà thông minh) trong địa
chỉ URL của các site tổ chức.
12. Tìm kiếm các site bán laptop hoặc máy ảnh kỹ thuật số tại thị
trường Việt Nam để có thể so sánh giá, điều kiện dịch vụ giữa các site
này.
13. Hãy cho biết tỷ giá hiện thời giữa những đồng tiền sau đây: 1543
USD sang Yên Nhật; 1436 Euro sang Đô la Úc; 8124 Bảng Anh sang Đô
la Singapore.

195
14. Hãy cho biết kết quả chuyển đổi của những đơn vị đo thể tích sau
đây: 5438 gallons sang lít; 8176 ounce ra lít; 7512 lít ra m3.
15. Hãy cho biết kết quả chuyển đổi của những đơn vị đo chiều dài
sau đây: 1587 inch ra cm; 3128 km ra dặm.
16. Hãy cho biết kết quả chuyển đổi của những đơn vị đo nhiệt độ sau
đây: 1500 độ C sang độ F; 3716 độ F sang độ K; 147 độ oR sang độ oRa.
17. Hãy thực hiện tìm kiếm an toàn với các từ khóa nhạy cảm sau
đây: hymen; sex; adolescent.
18. Tìm kiếm tình hình thời tiết của các địa phương sau đây: Tokyo;
Ohio; Hà Nội; Viên Chăn; Nam Ninh; Lasvegas.
19. Tìm kiếm các thông tin về lừa đảo qua mạng trong thời gian từ 1
tháng trước trở lại đây.
20. Tìm kiếm thông tin về tất cả các khách sạn (giá phòng, địa chỉ)
xung quanh các địa điểm sau đây: Đà Nẵng, Hội An, Quảng Bình.

196
CHƯƠNG 7
MÁY TÌM KIẾM ODP, GIGABLAST VÀ KỸ THUẬT
TĂNG TỐC TRÌNH DUYỆT

7.1. Khái quát vài nét về máy tìm kiếm ODP


7.1.1. Sự hình thành và tìm kiếm mặc định của máy tìm kiếm ODP
Theo Wikipedia, dự án thư mục mở (Open Directory Project,ODP),
còn được biết tới với tên DMOZ (viết tắt của directory.mozilla.org, - tên
miền gốc của dự án), là một dự án thư mục website đa ngôn ngữ mởđược
điều hành và hoạt động bởi cộng đồng các tình nguyện viên làm nhiệm
vụ biên tập nội dung.Dmoz sử dụng việc một hệ thống phân cấp thư mục
để liệt kê các website. Các website có chủ đề tương tự nhau có thể được
liệt kê vào các thư mục mà có thể chứa các thư mục nhỏ hơn. Chặng
đường tồn tại và phát triển của DMOZ được diễn ra trong một thời gian
dài và đã kết thúc vào năm 2017 khi chuyển hẳn giao diện tìm kiếm sang
địa chỉ: http://www.odp.org.

Hình 7.1: Giao diện trang chủ của máy tìm kiếm ODP (DMOZ)

197
DMOZ được thành lập tại Hoa Kỳ vào năm 1998 bởi Rich Skrenta
và Bob Truel , lúc này cả hai đều là kỹ sư cho Sun Microsystems. Chris
Tolles là người đứng đầu tiếp thị các sản phẩm bảo mật mạngtại Sun
Microsystems cũng là người đồng sáng lập Gnuhoo (tiền thân của
DMOZ) cùng với Bryn Dole và Jeremy Wenokur. Cấu trúc danh mục
ban đầu của thư mục Gnuhoo dựa trên cấu trúc của các nhóm tin Usenet
rồi tồn tại từ trước.Thư mục Gnuhoo được phát hành vào ngày 5 tháng 6
năm 1998.
Sau khi Richard Stallman phản đối việc sử dụng "Gnu" trong tên,
Gnuhoo đã được đổi thành NewHoo. Tuy nhiên, Yahoo! sau đó phản đối việc
sử dụng "Hoo" trong tên, do đó, cái tên được đề xuất thay là ZURL. Trước khi
chuyển sang ZURL, NewHoo đã được Netscape Communications
Corporation mua lại vào tháng 10 năm 1998 và trở thành Dự án Thư mục Mở.
Netscape đã phát hành dữ liệu Open Directory theo Giấy phép Thư mục Mở.
Netscape đã được AOL mua lại ngay sau đó và DMOZ là một trong những tài
sản được đưa vào vụ mua lại.
Vào thời điểm Netscape đảm nhận quản lý, Dự án Thư mục Mở có
khoảng 100.000 URL được lập chỉ mục với sự đóng góp từ khoảng 4500
biên tập viên. Vào ngày 5 tháng 10 năm 1999, số lượng URL được
DMOZ lập chỉ mục đã đạt một triệu. Theo ước tính không chính thức,
các URL trong DMOZ đánh số 1,6 triệu vào tháng 4 năm 2000, vượt qua
các URL trong thư mục của Yahoo!. DMOZ đã đạt được các mốc mốc
lập chỉ mục hai triệu URL vào ngày 14 tháng 8 năm 2000, ba triệu danh
sách vào ngày 18 tháng 11 năm 2001 và bốn triệu vào ngày 3 tháng 12
năm 2003. Tính đến tháng 4 năm 2013, đã có 5.169.995 trang web được
liệt kê trong hơn 1.017.500 danh mục. Vào ngày 31 tháng 10 năm 2015,
có 3.996.412 trang web được liệt kê trong 1.026.706 danh mục.
Vào tháng 1 năm 2006, DMOZ đã bắt đầu xuất bản các báo cáo trực
tuyến để thông báo cho công chúng về sự phát triển của dự án. Báo cáo
đầu tiên được bao gồm trong năm 2005. Báo cáo hàng tháng được phát
hành sau đó cho đến tháng 9 năm 2006. Các báo cáo này cung cấp thông
tin chi tiết hơn về chức năng của thư mục so với các thống kê được đơn
giản hóa được cung cấp trên trang đầu của thư mục. Số lượng danh sách
và danh mục được trích dẫn trên trang chủ bao gồm các danh mục "Kiểm

198
tra" và "Dấu trang" nhưng chúng không được bao gồm trong vùng chứa
RDF được cung cấp cho người dùng. Có khoảng 7330 biên tập viên hoạt
động trong tháng 8 năm 2006. 75.151 biên tập viên đã đóng góp vào thư
mục kể từ ngày 31 tháng 3 năm 2007. Kể từ tháng 4 năm 2013, số lượng
người biên tập đóng góp đã tăng lên 97.584.
Vào ngày 20 tháng 10 năm 2006, máy chủ chính của DMOZ bị lỗi
nghiêm trọng đã ngăn các biên tập viên làm việc trên thư mục cho đến
ngày 18 tháng 12 năm 2006. Trong thời gian đó, một thư mục cũ hơn
được hiển thị cho công chúng. Vào ngày 13 tháng 1 năm 2007, các biểu
mẫu Đề xuất trang web và Danh sách cập nhật lại được cung cấp. Để
tránh bị gián đoạn trong tương lai, hệ thống đã lưu trú trên cấu hình dự
phòng của hai máy chủ Intel từ đó trở đi. Giao diện của trang web đã
được nâng cấp vào năm 2016, mang nhãn hiệu "DMOZ 3.0" nhưng AOL
đã ngưng nó vào năm sau.
Khi DMOZ trở nên nổi tiếng hơn, hai thư mục web lớn khác do các
tình nguyện viên biên soạn và được tài trợ bởi Go.com và Zeal nổi lên, cả
hai hiện tại đều không còn tồn tại. Mô hình chỉnh sửa của DMOZ đã trực
tiếp truyền cảm hứng cho ít nhất ba dự án tình nguyện mở khác: trang
web âm nhạc MusicMoz, một thư mục nhà hàng nội dung mở được gọi là
ChefMoz và một bách khoa toàn thư được gọi là Open Site. Cuối cùng,
theo Larry Sanger, DMOZ là một phần của nguồn cảm hứng cho dự án
Nupedia, trong đó Wikipedia phát triển. Tuy nhiên, DMOZ đã đóng cửa
vào ngày 17 tháng 3 năm 2017 vì AOL không còn muốn hỗ trợ dự án
nữa. Hiện nay, máy tìm kiếm DMOZ đã chuyển hẳn hoạt động sang địa
chỉ http://www.odp.org
7.1.2. Các toán tử và từ bổ nghĩa cơ bản của máy tìm kiếm ODP
a. Toán tử -
Toán tử này được sử dụng với mục đích loại bỏ từ khóa ra khỏi kết
quả tìm. Tại hộp Search của máy tìm kiếm, người dùng nhập vào truy
vấn như sau: <từ khóa muốn tìm> -<từ khóa muốn loại>
Ví dụ: người dùng muốn tìm kiếm từ khóa windows nhưng loại trừ
microsoft ra khỏi kết quả tìm kiếm, tại hộp Search của máy tìm kiếm,
người dùng nhập vào truy vấn: Windows –Microsoft. Kết quả tìm kiếm
được hiển thị như sau:

199
Hình 7.2: Tìm kiếm với toán tử - trên ODP
b. Dấu nháy kép “ ”
Dấu nháy kép được sử dụng với mục đích trích dẫn mệnh đề
trong “ ” ở trong kết quả tìm kiếm hoặc khi muốn tìm kiếm chính xác.
Tại hộp Search của máy tìm kiếm, người dùng nhập vào truy vấn như
sau: “từ khóa tìm kiếm”.
Ví dụ muốn tìm kiếm cụm từ Microsoft Windows, tại hộp Search
của máy tìm kiếm, người dùng nhập vào truy vấn: “NFC technology”.
Kết quả tìm kiếm được hiển thị như sau:

Hình 7.3: Tìm kiếm với dấu nháy kép “ ” trên ODP

200
c. Dấu *
Toán tử này được sử dụng với mục đích gộp các từ nguyên. Tại hộp
Search của máy tìm kiếm, người dùng nhập vào truy vấn như sau: <từ
khóa 1>*<từ khóa 2>
Ví dụ: người dùng muốn tìm kiếm software và Windows, ta gõ vào
tìm kiếm: software*Windows.
Kết quả tìm kiếm được hiển thị như sau:

Hình 7.4: Tìm kiếm với dấu * trên ODP


7.1.3. Các cú pháp đặc biệt của máy tìm kiếm ODP
a. Cú pháp t
Cú pháp t được dùng để tìm kiếm các từ tìm kiếm hoặc mệnh đề
tìm kiếm trong các tiêu đề của các site. Tại hộp Search của máy tìm
kiếm, người dùng nhập vào truy vấn như sau:
t:<từ khóa tìm kiếm>
Ví dụ: người dùng muốn tìm kiếm cụm từ real estate trong tiêu đề
của các site, tại hộp Search của máy tìm kiếm, người dùng nhập vào truy
vấn: t:real estate. Kết quả tìm kiếm được hiển thị như sau:

201
Hình 7.5: Tìm kiếm với cú pháp t trên ODP
b. Cú pháp u
Cú pháp u được dùng để tìm kiếm thông tin về các URL của site, hay
nói cách khác là cú pháp này không được sử dụng để tìm kiếm các từ
khóa mà chỉ sử dụng để tìm thấy các công ty đặc thù trên Internet. Tại
hộp Search của máy tìm kiếm, người dùng nhập vào truy vấn như sau:
u:<tên công ty muốn tìm kiếm>
Ví dụ: người dùng muốn tìm kiếm thông tin của Google, tại hộp
Search của máy tìm kiếm, người dùng nhập vào truy vấn như sau:
u:google. Kết quả tìm kiếm được hiển thị như sau:

202
Hình 7.6: Tìm kiếm với cú pháp u trên ODP
c. Cú pháp d
Cú pháp d được dùng để tìm kiếm các từ tìm kiếm hoặc mệnh đề tìm
kiếm trong sự mô tả các site. Tại hộp Search của máy tìm kiếm, người
dùng nhập vào truy vấn như sau: d:<từ khóa tìm kiếm> Ví dụ: người
dùng muốn tìm kiếm từ khóa information technology trong mô tả của
các site, tại hộp Search của máy tìm kiếm, người dùng nhập vào truy vấn:
d:information technology. Kết quả tìm kiếm sẽ hiển thị như sau:

Hình 7.7: Tìm kiếm với cú pháp d trên ODP

203
7.2. Khái quát vài nét về máy tìm kiếm Gigablast
7.2.1. Sự hình thành và tìm kiếm mặc định của máy tìm kiếm Gigablast
Gigablast bắt đầu như một máy tìm kiếm web độc lập nhỏ có trụ sở
tại New Mexico. Nó được thành lập vào năm 2000 bởi Matt Wells, trước
đây là của Infoseek.Năm 2015, nó tuyên bố đã lập chỉ mục hơn 12 tỷ
trang web và nhận được hàng tỷ truy vấn mỗi tháng. Mã nguồn của máy
tìm kiếm được viết bằng ngôn ngữ lập trình C và C ++. Nó được phát
hành dưới dạng phần mềm nguồn mở theo Giấy phép Apache phiên bản
2, vào tháng 7 năm 2013.

Hình 7.8: Giao diện trang chủ của Gigablast


Gigablast đã cung cấp kết quả tìm kiếm cho các công ty khác như
Ixquick, Clusty, Zuula, Snap, và Blingo. Năm 2003, phóng viên của tờ
New York Times, Lee Dembart đã nói rằng "Gigablast có những người
theo đuổi", nhưng cho rằng kết quả tìm kiếm của Google hoàn thiện
hơn.Gigablast hỗ trợ các tìm kiếm chuyên biệt khác nhau và các toán tử
đại số Boolean. Nó cũng hỗ trợ một tính năng liên quan đến khái niệm
được gọi là Giga Bits và một tính năng tìm kiếm blog.

204
Khác với Google, Gigablast là máy tìm kiếm mặc định OR. Với mặc
định tìm kiếm này, Gigablast sẽ cho kết quả với từng từ có trong cụm từ
tìm kiếm. Ví dụ ta tìm kiếm cụm từ Microsoft Office 2016 enterprise thì
kết quả tìm kiếm sẽ trả về ở mỗi kết quả có một hoặc một vài từ trong
cụm từ tìm kiếm chứ không bắt buộc có tất cả như Google. Kết quả tìm
kiếm được hiển thị như sau:

Hình 7.9: Tìm kiếm chứng minh Gigablast được mặc định OR
7.2.2. Các toán tử và từ bổ nghĩa cơ bản của máy tìm kiếm Gigablast
a. Toán tử -
Toán tử - được sử dụng để loại trừ từ khóa trong kết quả tìm kiếm
của Gigablast. Tại hộp Search của máy tìm kiếm, người dùng nhập vào
truy vấn như sau:
<từ khóa tìm kiếm> -<từ khóa loại bỏ>
Ví dụ: người dùng muốn tìm kiếm các kết quả liên quan đến Apple
nhưng loại bỏ kết quả liên quan đến iphone, tại hộp Search của máy tìm
kiếm, người dùng nhập vào truy vấn: Apple –iphone. Kết quả tìm kiếm
được hiển thị như sau:

205
Hình 7.10: Tìm kiếm với toán tử - trên Gigablast
b. Từ bổ nghĩa AND và NOT (AND NOT)
+ Từ bổ nghĩa AND được sử dụng khi ta muốn tìm kiếm đồng thời 2
từ khóa khác nhau và mỗi kết quả tìm kiếm được trả về đều phải có hai từ
khóa này. Tại hộp Search của máy tìm kiếm Gigablast, người dùng nhập
vào truy vấn như sau:
<từ khóa 1> AND <từ khóa 2>
Ví dụ: người dùng muốn tìm kiếm đồng thời thông tin về Sony và
HTC, taị hộp Search của máy tìm kiếm Gigablast, người dùng nhập vào
truy vấn sau đây:
Sony AND HTC.
Kết quả tìm kiếm như sau:

206
Hình 7.12: Tìm kiếm với từ bổ nghĩa AND trên Gigablast
+ Từ bổ nghĩa NOT hoặc AND NOT được sử dụng với nghĩa tương
tự, khi người dùng muốn máy tìm kiếm loại bỏ thông tin không cần thiết
trong kết quả tìm kiếm. Tại hộp Search của máy tìm kiếm Gibablast,
người dùng nhập vào truy vấn sau đây:
<từ khóa tìm kiếm> AND NOT <từ khóa loại bỏ>
Ví dụ: người dùng muốn tìm kiếm các kết quả liên quan đến từ khóa
Android nhưng loại bỏ kết quả liên quan đến Google, tại hộp Search của
máy tìm kiếm, người dùng nhập vào truy vấn:
Android AND NOT Google.
Kết quả tìm kiếm được hiển thị như sau:

207
Hình 7.11: Tìm kiếm với từ bổ nghĩa AND NOT trên Gigablast
c. Dấu nháy kép “ ”
Toán từ này được sử dụng khi muốn tìm kiếm chính xác một cụm từ
nào đó. Taị hộp Search của máy tìm kiếm Gigablast, người dùng nhập
vào truy vấn như sau: “từ khóa tìm kiếm”.
Ví dụ: người dùng muốn tìm kiếm cụm từ “thương mại điện tử”, tại
hộp Search của máy tìm kiếm, người dùng nhập vào truy vấn: “thương
mại điện tử”.
Kết quả tìm kiếm được hiển thị như sau:

Hình 7.13: Tìm kiếm với dấu nháy kép “ ” trên Gigablast

208
7.2.3. Các cú pháp đặc biệt của máy tìm kiếm Gigablast
a. Cú pháp suburl
Cú pháp này dùng để tìm kiếm các từ tìm kiếm hoặc mệnh đề tìm
kiếm trong các URL của các site. Tại hộp Search của máy tìm kiếm
Gigablast, người dùng nhập vào truy vấn như sau:
suburl:<từ khóa tìm kiếm>
Ví dụ: người dùng muốn tìm kiếm từ khóa e-commerce trong url của
các site, tại hộp Search của máy tìm kiếm, người dùng nhập vào truy vấn:
suburl:e-retailing
Kết quả tìm kiếm được hiển thị như sau:

Hình 7.14: Tìm kiếm với cú pháp suburl trên Gigablast


b. Cú pháp site
Cú pháp này dùng để tìm kiếm từ khóa hoặc mệnh đề tìm kiếm trong
một site xác định hoặc trong một tên miền cấp cao. Tại hộp Search của
máy tìm kiếm, người dùng nhập vào truy vấn như sau:
<từ khóa tìm kiếm> site:<tên miền>

209
Ví dụ: người dùng muốn tìm kiếm cụm từ e-commerce trong các site có
tên miền edu, tại hộp Search của máy tìm kiếm, người dùng nhập vào truy
vấn: e-commerce site:edu. Kết quả tìm kiếm được hiển thị như sau:

Hình 7.15: Tìm kiếm với cú pháp site trên Gigablast


c. Cú pháp url
Cú pháp này dùng để tìm kiếm toàn bộ các thông tin về một URL. Tại
hộp Search của máy tìm kiếm, người dùng nhập vào truy vấn như sau:
url:<tên miền muốn tìm>
Ví dụ: người dùng muốn tìm kiếm thông tin về url của trang msn.com,
tại hộp Search của máy tìm kiếm, người dùng nhập vào truy vấn:
url:https://www.msn.com
Kết quả tìm kiếm được hiển thị như sau:

210
Hình 7.16: Kết quả tìm kiếm sử dụng cú pháp url trên Gigablast
d. Cú pháp intitle
Cú pháp này dùng để tìm kiếm các từ tìm kiếm hoặc mệnh đề tìm
kiếm trong các tiêu đề của các site. Tại hộp Search của máy tìm kiếm,
người dùng nhập vào truy vấn như sau:
intitle:<từ khóa tìm kiếm>
Ví dụ: người dùng muốn tìm kiếm cụm từ big data trong tiêu đề của
các site, tại hộp Search của máy tìm kiếm, người dùng nhập vào truy vấn:
intitle:big data
Kết quả tìm kiếm được hiển thị như sau:

211
Hình 7.17: Tìm kiếm với cú pháp intitle trên Gigablast
e. Cú pháp IP
Cú pháp này dùng để tìm kiếm các từ khóa hoặc mệnh đề tìm kiếm
từ một địa chỉ IP xác định. Tại hộp Search của máy tìm kiếm, người dùng
nhập vào truy vấn như sau:
<từ khóa> ip:<địa chỉ IP>
Ví dụ: người dùng muốn tìm kiếm từ khóa e-commerce từ địa chỉ IP
31.13.95.36, tại hộp Search của máy tìm kiếm, người dùng nhập vào truy vấn:
e-commerce IP:31.13.95.36
Kết quả tìm kiếm được hiển thị như sau:

Hình 7.18: Tìm kiếm với cú pháp IP trên Gigablast

212
f. Cú pháp link
Cú pháp này dùng để tìm kiếm các trang được liên kết tới một URL
xác định. Tại hộp Search của máy tìm kiếm, người dùng nhập vào truy
vấn như sau:
link:<địa chỉ URL của website>
Ví dụ: người dùng muốn tìm kiếm các trang được liên kết tới trang
amazon.com, tại hộp Search của máy tìm kiếm, người dùng nhập vào
truy vấn:
link:https://www.amazon.com
Kết quả tìm kiếm được hiển thị như sau:

Hình 7.19: Tìm kiếm với cú pháp link trên Gigablast


g. Cú pháp filetype
Cú pháp này dùng để tìm kiếm các định dạng của văn bản trong các
trang Web, bao gồm các kiểu: doc, xls, ppt, pdf, txt, ps (Postscript)… Tại
hộp Search của máy tìm kiếm, người dùng nhập vào truy vấn như sau:
<từ khóa tìm kiếm> filetype:<định dạng>
Ví dụ: người dùng muốn tìm kiếm văn bản về e-commerce dưới định
dạng file là PowerPoint, tại hộp Search của máy tìm kiếm, người dùng
nhập vào truy vấn:

213
e-commerce filetype:ppt
Kết quả tìm kiếm như sau:

Hình 7.20: Tìm kiếm với cú pháp filetype trên Gigablast


7.3. Kỹ thuật tăng tốc trình duyệt
7.3.1. Tắt scripting
Để tắt được scripting, ta chọn Tools – Internet Options, chọn Security,
sau đó chọn Custom Options. Quan sát các danh sách và chọn scripting.
Chuyển tất cả các mục này tới tùy chọn Disable hoặc ít nhất là Prompt.
Ví dụ về tắt Scripting trên trình duyệt IE

Hình 7.21: Tắt scripting trên trình duyệt IE

214
7.3.2. Tắt java
Đa số những trình duyệt sẽ có một tùy chọn để tắt Java, trừ những
trình duyệt chỉ có văn bản như Lynx và phiên bản không Java của Opera.
Ở đây tác giả sẽ hướng dẫn tắt Java trên trình duyệt Chrome:
- Nhập chrome://plugins vào thanh địa chỉ rồi bấm Enter. Trên trang
xuất hiện hiển thị danh sách các plugin đã được cài đặt vào trong trình
duyệt, ta kéo thanh cuộn ở bên phải, tìm đến plugin có tên là Java có
dòng chữ bên dưới là Next Generation Java Plug-in, rồi bấm vào liên kết
Vô hiệu hóa (hoặc Disable) bên cạnh.
Ví dụ về tắt Java trên trình duyệt Chrome:

Hình 7.22: Tắt Java trên trình duyệt Chrome


7.3.3. Tắt tự động nhắc mật khẩu
Tắt những tùy chọn tự động nhớ những mật khẩu (Auto-remember
Passwords) sao cho không một ai sử dụng trình duyệt của các người dùng
sau người dùng có thể đăng nhập tới những website mà người dùng vừa
đăng nhập.
Ví dụ về tắt tự động nhắc mật khẩu trên trình duyệt IE:

215
Hình 7.23: Tắt tự động nhắc mật khẩu trên trình duyệt IE
7.3.4. Tắt popup
Các trình chặn Pop-up này vẫn còn được sử dụng ở một số site. Một
vài trình duyệt và toolbars đưa ra cho người dùng lựa chọn để chỉ mở các
cửa sổ Pop-up mà người dùng chỉ rõ- chúng được sử dụng hợp pháp trên
nhiều site.
Ví dụ về tắt Popup trên trình duyệt IE:

Hình 7.24: Tắt popup trên trình duyệt IE

216
7.3.5. Tắt plugins
Với Java bị vô hiệu hóa, các chương trình Java không thể khởi động,
và với ActiveX bị vô hiệu hóa, người dùng thường không thấy phim
Flash. Khi đã tắt những Plugin này, dễ dàng nhận thấy sự tăng tốc độ
duyệt và tìm kiếm lên rất nhiều.
Ví dụ về tắt Plugins trên trình duyệt IE

Hình 7.25: Tắt plugins trên trình duyệt IE


7.3.6. Tắt các hình ảnh
Việc lướt Web tới một site nào đó có quá nhiều các hình ảnh sẽ khiến
cho mất rất nhiều thời gian, do đó để tăng tốc độ của trình duyệt, sử dụng
một số các công cụ hoặc phương pháp để tắt bớt các hình ảnh.
Ví dụ về tắt hình ảnh trên trình duyệt IE:

Hình 7.26: Tắt các hình ảnh trên trình duyệt IE

217
BÀI TẬP CHƯƠNG 7
Hãy sử dụng máy tìm kiếm Gigablast để thực hiện các tìm kiếm sau:
1. Tìm kiếm về “điện thoại thông minh” nhưng bỏ qua thương hiệu
NOKIA
2. Tìm kiếm tài liệu dưới dạng file WORD về “cách mạng công
nghiệp 4.0”
3. Tìm kiếm “social media marketing” trong website của các tổ chức.
4. Tìm kiếm thông tin về “thị trường thương mại điện tử” trong tiêu
đề các website thuộc lĩnh vực giáo dục.
5. Tìm kiếm các trang được liên kết tới địa chỉ url của website
www.walmart.com.
6. Tìm kiếm thông tin về website www.amazon.com
7. Tìm kiếm từ khóa “mạng xã hội” trong url của các website của cơ
quan chính phủ.
8. Tìm kiếm chính xác, đúng thứ tự cụm từ Cách mạng công nghiệp
lần thứ 4
9. Tìm kiếm về điện thoại thông minh nhưng ưu tiên kết quả tìm
kiếm về điện thoại Android
10. Tìm kiếm thông tin về Google nhưng bỏ qua từ khóa “máy tìm
kiếm”.
11. Tìm kiếm thông tin về “characteristics of AI” với định dạng văn
bản là pdf.
12. Tìm kiếm thông tin về “protect consumers in e-retailing” trong
tiêu đề của các trang web.
13. Tìm kiếm thông tin về “blockchain workshop” trong tiêu đề các
bài viết đăng trên các site của các tổ chức.
14. Tìm kiếm thông tin về “mobile commerce” trong địa chỉ URL
của các trang thuộc site: emarketer.com
15. Tìm kiếm thông tin về “Big data” trong địa chỉ URL của các
trang web của các tổ chức với định dạng tài liệu tìm được là pdf.

218
Hãy sử dụng máy tìm kiếm ODP để tìm kiếm những thông tin
sau đây:
1. Tìm kiếm thông tin về các công ty sau đây: amazon; walmart;
ebay; etoys.
2. Tìm kiếm các từ khóa sau đây: artificial intelligent; e-strategy
trong sự mô tả của các site.
3. Tìm kiếm thông tin sau đây: market of B2C; B2B marketing trong
tiêu đề của các trang web.
4. Tìm kiếm các thông tin về các từ nối với các từ khóa sau đây:
mobile; marketing; securities.
5. Tìm kiếm các thông tin về Thanh toán điện tử nhưng loại trừ thông
tin về Thanh toán di động.

219
DANH MỤC CÁC THUẬT NGỮ

AOL là một cổng thông tin web và nhà cung cấp dịch vụ tìm kiếm trực
tuyến có trụ sở tại thành phố New York. 145 - 169
Bing (trước đây là Live Search, Windows Live Search và MSN Search)
là bộ máy tìm kiếm web (được quảng cáo là một bộ máy "ra quyết định",
đại diện cho công nghệ tìm kiếm hiện nay của Microsoft. 118 - 143
Cổng thông tin là một website cung cấp các nội dung thông tin và dịch
vụ tiện ích cho người dùng, thường có máy tìm kiếm của riêng mình và
được tổ chức theo thứ bậc. 13
Máy tìm kiếm trên Internet (Internet search engine) là các website đặc
biệt, được thiết kế để giúp mọi người tìm kiếm thông tin được lưu trên
các site khác nhau. 14 -21
Cú pháp Cache (còn gọi là cú pháp bộ nhớ đệm) cho phép cung cấp một
bức tranh về một trang web trông như thế nào từ lần cuối cùng Google
chỉ số hóa trang web này. 35 - 36
Cú pháp contains được sử dụng để tìm kiếm các trang web chứa đựng
bài hát với định dạng loại file theo yêu cầu. 129
Cú pháp daterange cho phép người dùng tìm kiếm những thông tin
hoặc chủ đề nào đó theo yêu cầu trên các trang web đã được chỉ số hóa
bởi Google trong một phạm vi ngày tháng nhất định. 37 - 41
Cú pháp Employee là cú pháp được dùng để tìm kiếm những người
dùng đang làm việc ở một công ty hoặc một tổ chức nào đó. 58
Cú pháp Event named là cú pháp được sử dụng để tìm kiếm sự kiện
theo tên. Cú pháp này giúp tìm kiếm những sự kiện đã, đang và sẽ diễn ra
trong thời gian tới. 59
Cú pháp Favorite interests of là cú pháp được dùng để tìm kiếm sở
thích (Interests) của một ai đó hoặc của một nhóm người nào đó có đặc
điểm chung. 72
Cú pháp feed và hasfeed được sử dụng để tìm kiếm các trang web có
chứa RSS feed theo một từ khóa hoặc một chủ đề cụ thể. 132

220
Cú pháp filetype được sử dụng để tìm kiếm các thông tin, các văn bản,
tài liệu theo yêu cầu định dạng cho trước. 41 – 42, 128 – 129
Cú pháp Games played by là cú pháp này được dùng để tìm kiếm
những trò chơi (Games) được yêu thích bởi một ai đó hoặc của một nhóm
người nào đó có đặc điểm chung. 76
Cú pháp Group named là cú pháp này được sử dụng để tìm kiếm những
nhóm người dùng theo tên. 60
Cú pháp Groups joined by là cú pháp được dùng để tìm kiếm những
Group được tham gia bởi một ai đó hoặc của một nhóm người nào đó có
đặc điểm chung. 73
Cú pháp inanchor chuyên tìm kiếm các từ khóa truy vấn của người
dùng trong các liên kết mấu neo (link anchor) của trang Web. 34 - 35
Cú pháp info cung cấp thông tin nào đó về một địa chỉ site được xác
định trước, bao gồm một danh sách hiện thời cho URL đó nếu có, một
link tới bộ đệm của trang, một link tới các trang khác tương tự nó, cuối
cùng là một link tới những trang chứa đựng URL như văn bản text. 37
Cú pháp intext chỉ tìm kiếm từ khóa truy vấn của người dùng trong nội
dung văn bản mà bỏ qua các tiêu đề, hoặc địa chỉ web cũng như các link.
32 - 33
Cú pháp intitle và tùy chọn tìm kiếm bổ sung allintitle được sử dụng để
tìm kiếm những thông tin, chủ đề nằm trong tiêu đề của các trang Web.
30, 97-98, 153-154, 183
Cú pháp inurl và tùy chọn tìm kiếm bổ sung allinurl được sử dụng để
tìm kiếm các từ khóa xác định trước về một lĩnh vực hoặc chủ đề cụ thể
mà những từ khóa này nằm trong đường dẫn URL của các trang Web. 31,
95-96, 155
Cú pháp ip được sử dụng để tìm kiếm các trang web hoặc từ khóa về
một chủ đề theo một địa chỉ ip cụ thể. 126, 183-184
Cú pháp link cho phép tìm kiếm tất cả những trang Web có liên kết tới
một địa chỉ web mà người dùng xác định trước. 35, 94, 152-153
Cú pháp loc được sử dụng để tìm kiếm thông tin theo yêu cầu trong
phạm vi quốc gia hay khu vực cụ thể. 133

221
Cú pháp hostname: Được sử dụng để tìm thấy những chủ đề cần tìm
kiếm giới hạn trong các trang web của một site xác định. 93
Cú pháp Movies liked by là cú pháp được dùng để tìm kiếm những bộ
phim được yêu thích bởi một ai đó hoặc của một nhóm người nào đó có
đặc điểm chung. 75
Cú pháp Musicians liked by là cú pháp được dùng để tìm kiếm những
bài hát (Music) hoặc ca sĩ, nhóm nhạc được yêu thích bởi một ai đó hoặc
của một nhóm người nào đó có đặc điểm chung. 77
Cú pháp Nearby là cú pháp này được sử dụng để tìm kiếm những địa
điểm ở gần người tìm kiếm. 64
Cú pháp Page named là cú pháp được sử dụng để tìm kiếm các Page
theo tên. 60-61
Cú pháp Pages liked by là cú pháp được sử dụng để tìm kiếm những
trang (Pages) được yêu thích bởi một ai đó hoặc bởi một nhóm người có
đặc điểm chung nào đó. 71
Cú pháp People named giúp tìm kiếm những người dùng Facebook
theo tên. Kết quả trả về có thể là người dùng hoặc không phải là người
dùng của người dùng tìm kiếm. 56
Cú pháp Photos taken in là cú pháp này được sử dụng để tìm kiếm
những bức ảnh được chụp ở một địa điểm nào đó. 62
Cú pháp People who checked in at là Cú pháp được sử dụng để tìm
kiếm người dùng đã check in ở một địa điểm nào đó. 57
Cú pháp People who like là Cú pháp được sử dụng để tìm kiếm những
người dùng yêu thích một trang nào đó. 58-59
Cú pháp Place named là cú pháp được sử dụng để tìm kiếm các địa
điểm theo tên. 61
Cú pháp Places visited by là cú pháp này được dùng để tìm kiếm những
địa điểm đã được check-in bởi một ai đó hoặc của một nhóm người nào
đó có đặc điểm chung. 74
Cú pháp Post about được sử dụng để tìm kiếm những nội dung (có thể
là bài đăng, ảnh, pages,…) về một từ khóa nào đó trên Facebook từ bất kì
người dùng, nhóm người dùng hoặc một trang nào đó. 55

222
Cú pháp Posts tagged with là cú pháp này được sử dụng để tìm kiếm
những bài đăng có đánh dấu (tag) một người nào đó hoặc một page. 63
Cú pháp prefer được sử dụng để nhấn mạnh sự tìm kiếm những thông
tin gắn liền với một phạm vi hay lĩnh vực cụ thể. 130
Cú pháp related cho phép tìm thấy những website có nội dung tương tự
hoặc liên quan tới một địa chỉ site cụ thể được xác định trước. 36-37, 156
Cú pháp t được sử dụng để giới hạn sự tìm kiếm tới tiêu đề của những
thông tin theo yêu cầu của người dùng. Hay nói cách khác người dùng sử
dụng cú pháp t để biểu đạt cho máy tìm kiếm Yahoo hiểu rằng chủ đề
hoặc cụm từ cần tìm kiếm cần phải xuất hiện trong tiêu đề của các kết
quả tìm kiếm được trả về. 90, 175
Cú pháp u là cú pháp giới hạn sự tìm kiếm tới URL. Không được sử
dụng cú pháp u để tìm kiếm các từ khóa, nhưng thay vào đó cú pháp này
lại có thể tìm thấy các công ty đặc thù trên Internet. 91, 175-176
Cú pháp url là tìm kiếm một URL đặc thù trong cơ sở dữ liệu tìm kiếm
của Yahoo. 133-134, 182
Cú pháp site là cú pháp khá đặc biệt và thường được sử dụng để hạn chế
sự tìm kiếm tới một miền đặc biệt hoặc một miền cấp cao. Cú pháp site
được sử dụng để giúp người dùng thể hiện yêu cầu tìm kiếm thông tin
hoặc chủ đề nào đó mà mong muốn các kết quả trả về của máy tìm kiếm
Google chỉ hiện thị các thông tin hoặc chủ đề này trong một site cụ thể
hoặc một miền cấp cao được xác định trước. 28-29, 91-93, 130-131, 150-
151
Cú pháp Video taken in là cú pháp được sử dụng để tìm kiếm những
video clip được thực hiện tại một địa điểm nào đó. 62-63
Dấu nháy kép “ ” được sử dụng khi người dùng muốn tìm kiếm chính
xác chủ đề nội dung thông tin mình cần tìm. 124
Dự án thư mục mở (Open Directory Project - ODP), còn được biết tới
với tên DMOZ (viết tắt của directory.mozilla.org, - tên miền gốc của dự
án), là một dự án thư mục website đa ngôn ngữ mởđược điều hành và
hoạt động bởi cộng đồng các tình nguyện viên làm nhiệm vụ biên tập nội
dung.Dmoz sử dụng việc một hệ thống phân cấp thư mục để liệt kê các
website. 171-172

223
Facebooks Trends là việc nghiên cứu về xu hướng người dùng mạng xã
hội Facebook. 78
Google Shopping trước đây là Google Product Search, Google Products
và Froogle là một dịch vụ của Google được Craig Nevill Manning là một
nhà nghiên cứu cao cấp tại Google phát minh, cho phép người dùng tìm
kiếm các sản phẩm trên trang web mua sắm trực tuyến và so sánh giá
giữa các nhà cung cấp khác nhau trên Internet. 49-50
Google News Dịch vụ cung cấp tin tức này của Google bao gồm các tin
bài xuất hiện trong vòng 30 ngày qua trên các trang web tin tức khác
nhau. 45-46
Lệnh convert được sử dụng cho phép người dùng tìm kiếm sự chuyển
đổi một định dạng văn bản bất kỳ sang một định dạng khác. 156-161
Lệnh database được sử dụng để tìm kiếm trong cơ sở dữ liệu thậm chí
của cả những trang web ẩn khi sử dụng máy tìm kiếm Google. 44-45
Lệnh phonebook được sử dụng để tìm thấy số điện thoại, địa chỉ cụ thể
và cả bản đồ dẫn đường tới địa chỉ nhà của một người hoặc một công ty
nào đó khi cú pháp này được kết hợp với tên của cá nhân hoặc tên của
công ty. 44, 161-162
Lệnh stock được sử dụng để tìm kiếm các thông tin về tình hình tài
chính, cổ phiếu của một công ty bất kỳ đã niêm yết trên sàn chứng khoán
NASDAQ. 43, 136
Socialbakers là công ty phân tích truyền thông xã hội toàn cầu cung cấp
nền tảng phần mềm tiếp thị mang tên Socialbakers Solutions. 80-81
Từ bổ nghĩa OR được sử dụng cho phép người dùng diễn đạt ý muốn
tìm kiếm với máy tìm kiếm khi tìm kiếm hoặc chủ đề này hoặc chủ đề
kia, hoặc thông tin này hoặc thông tin kia. 21, 88, 125, 148-149
Từ bổ nghĩa NOT được sử dụng khi người dùng muốn máy tìm kiếm
hiểu rõ ý định tìm kiếm của mình để loại bỏ một yếu tố nào đó trong kết
quả tìm kiếm. 149, 179
Toán tử + được sử dụng khi người dùng muốn máy tìm kiếm hiểu rằng
từ khóa đứng sau dấu + nhất định phải xuất hiện trong kết quả tìm kiếm
được trả về. 122, 147

224
Toán tử - được sử dụng để loại trừ các thông tin không cần thiết trong
truy vấn mà người dùng muốn máy tìm kiếm Bing thực hiện. 123, 148,
173-178
Yahoo Calendar hỗ trợ đăng ký cho bất kỳ lịch công cộng dựa trên
iCalendar, tích hợp Flickr, chức năng kéo và thả và tự động đồng bộ hóa
Outlook. 113
Yahoo Daily News là một trong những trang cung cấp tin tức hàng đầu
thế giới, tất cả các nội dung thông tin đa phương tiện cũng như những
truyện dưới dạng văn bản. 109
Yahoo define được sử dụng để tìm kiếm các khái niệm, định nghĩa về
một thuật ngữ nào đó được tra cứu từ nhiều nguồn khác nhau, chẳng hạn
như trong từ điển, từ vựng, các nguồn khác. 98-99
Yahoo Encyclopedia là nguồn Bách khoa toàn thư trên thế giới về một
chủ đề được chỉ định bằng việc tìm kiếm chủ đề đó trên Yahoo cộng
thêm với từ facts. 99
Yahoo Exchange rates được sử dụng khi người dùng muốn nhận được
tỷ giá hối đoái giữa hai loại tiền tệ khác nhau. 100-101
Yahoo Local là một thuộc tính quan trọng để doanh nghiệp tham gia
nhằm tăng khả năng hiển thị trực tuyến của doanh nghiệp cho những
người tìm kiếm địa phương. 109-112
Yahoo Finance cung cấp một phương tiện tuyệt vời và đơn giản để tải
xuống báo giá chứng khoán hoàn toàn miễn phí. 114-115, 156
Yahoo lyrics được sử dụng để tìm lời bát hát bất kỳ của ca sĩ nào đó theo
yêu cầu bằng cách gõ tên ca sĩ hoặc tên bài hát kết hợp với từ khóa
lyrics. 106-107
Yahoo Maps là một cổng bản đồ trực tuyến miễn phí được cung cấp
bởi Yahoo. 115-116
Yahoo Stocks cho phép người dùng tìm keiems các thông tin về tình
hình tài chính, cổ phiếu, thông tin chứng khoán của một công ty bất kỳ
trên thị trường chứng khoán NewYork. 102-104
Yahoo Time zone được sử dụng để giúp người dùng tìm thấy thời gian
hiện thời của bất kỳ một địa điểm nào trên trái đất bằng cách sử dụng từ
khóa time và tên một địa điểm muốn biết giờ địa phương. 104

225
DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. J. Barker (2006), Finding Information on the Internet: A Tutorial,


University of California at Berkeley, USA.
2. J. Battelle (2005), The Search, Nicholas Brealey Publishing, London.
3. Deakin University Library (2006), Searching the Internet. Retrieved
October 3, 2006, from
http://www.deakin.edu.au/library/tutorials/smartsearcher/internet.html
4. A. Feldman (2006), Searching the Internet, Association for
Progressive Communications.
5. S. Chakrabarti (2003), Mining the web, Morgan Kaufmann Publishers,
USA.
6. David P. Habib and Robert L. Balliot (2003), How to Search the World
Wide Web: A Tutorial for Beginners and Non-Experts, Middletown
Public Library.
7. M. Huckerby (2006), The Net for Journalists: A practical guide to the
Internet for journalists in developing countries, UNESCO.
8. G. Hurst and C. Brown (2006), A Good Place to Start: The IDS
knowledge services guide to finding development information online,
IDS, London.
9. Ian H. Witten et al (2007), Web Dragon: Inside the Myths of Search
Engine Technology, Morgan Kaufmann Publishers, USA.

226
MỤC LỤC

LỜI NÓI ĐẦU.........................................................................................3


CHƯƠNG 1. TỔNG QUAN VỀ TÌM KIẾM THÔNG TIN
TRÊN INTERNET................................................................................. 7
1.1. Khái niệm và đặc điểm của tìm kiếm thông tin trên Internet..... 7
1.1.1. Khái niệm tìm kiếm thông tin trên Internet.....................................7
1.1.2. Đặc điểm của tìm kiếm thông tin trên Internet................................8
1.2. Những vấn đề thường gặp phải trong tìm kiếm, tập hợp, phân
loại và xử lý thông tin trên Internet.......................................................8
1.2.1. Tìm kiếm thông tin..........................................................................8
1.2.2. Tập hợp thông tin..........................................................................10
1.2.3. Phân loại và xử lý dữ liệu..............................................................13
1.3. Khái quát về máy tìm kiếm trên Internet.....................................15
1.3.1. Khái niệm và nhiệm vụ của các máy tìm kiếm..............................15
1.3.2. Các bộ phận cấu thành và nguyên tắc hoạt động của máy
tìm kiếm...................................................................................................16
1.3.3. Phân loại các máy tìm kiếm và cách sử dụng tương ứng với từng
loại máy tìm kiếm....................................................................................19
1.3.4. Sự tìm kiếm mặc định của các máy tìm kiếm................................22
1.4. Những toán tử cơ bản và những từ bổ nghĩa của các máy
tìm kiếm..................................................................................................23
1.4.1. Những toán tử cơ bản....................................................................23
1.4.2. Những từ bổ nghĩa của các máy tìm kiếm.....................................24
BÀI TẬP CHƯƠNG 1.............................................................................26
CHƯƠNG 2. MÁY TÌM KIẾM GOOGLE.........................................27
2.1. Khái quát về máy tìm kiếm Google...............................................27
2.1.1. Sự hình thành và tìm kiếm mặc định của máy tìm kiếm Google...27
2.1.2. Các toán tử và từ bổ nghĩa cơ bản của Google..............................28

227
2.2. Những cú pháp đặc biệt của Google.............................................32
2.2.1. Cú pháp site...................................................................................33
2.2.2. Cú pháp intitle và tùy chọn tìm kiếm bổ sung allintitle.................34
2.2.3. Cú pháp inurl và tùy chọn tìm kiếm bổ sung allinurl....................36
2.2.4. Cú pháp intext................................................................................37
2.2.5. Cú pháp inanchor...........................................................................39
2.2.6. Cú pháp link...................................................................................40
2.2.7. Cú pháp cache................................................................................41
2.2.8. Cú pháp related..............................................................................42
2.2.9. Cú pháp info..................................................................................43
2.2.10. Cú pháp daterange.......................................................................43
2.2.11. Cú pháp filetype...........................................................................48
2.3. Những lệnh tìm kiếm đặc biệt của Google....................................49
2.3.1. Lệnh stock......................................................................................49
2.3.2. Lệnh phonebook.............................................................................50
2.3.3. Lệnh database.................................................................................51
2.4. Những thuộc tính tìm kiếm không mạng của Google..................52
2.4.1. Google News..................................................................................52
2.4.2. Google Groups...............................................................................53
2.4.3. Google Images...............................................................................55
2.4.4. Google Special Searches................................................................56
2.4.5. Google Shopping...........................................................................58
BÀI TẬP CHƯƠNG 2.............................................................................60
CHƯƠNG 3. MÁY TÌM KIẾM FACEBOOK GRAPH SEARCH VÀ
FACEBOOK TRENDS.........................................................................62
3.1. Máy tìm kiếm Facebook Graph Search........................................62
3.1.1. Khái quát về Facebook Graph Search............................................62
3.1.2. Các cú pháp đặc biệt của Facebook Graph Search........................64
3.2. Facebook Trends.............................................................................90
3.2.1. Statista............................................................................................90
3.2.2. Socialbakers...................................................................................93

228
BÀI TẬP CHƯƠNG 3.............................................................................96
CHƯƠNG 4. MÁY TÌM KIẾM YAHOO............................................98
4.1. Khái quát về máy tìm kiếm Yahoo................................................98
4.1.1. Sự hình thành và tìm kiếm mặc định của máy tìm kiếm Yahoo....98
4.1.2. Các toán tử và từ bổ nghĩa cơ bản của Yahoo.............................100
4.2. Những cú pháp đặc biệt của Yahoo............................................104
4.2.1. Những cú pháp cho chỉ số Phụ thuộc tìm kiếm...........................104
4.2.2. Những cú pháp cho máy tìm kiếm toàn bộ văn bản.....................106
4.3. Những lệnh tìm kiếm đặc biệt của Yahoo – Yahoo’s
Shortcuts...............................................................................................114
4.3.1. Tìm kiếm định nghĩa hoặc khái niệm - Yahoo define.................114
4.3.2. Tìm kiếm từ Bách khoa toàn thư – Yahoo Encyclopedia............115
4.3.3. Tỷ giá hối đoái – Yahoo Exchange rates.....................................115
4.3.4. Tìm kiếm tình hình tài chính, cổ phiếu – Yahoo Stocks..............117
4.3.5. Tìm kiếm múi giờ - Yahoo Time zone........................................120
4.3.6. Tìm kiếm lời bài hát của bất kỳ ca khúc nào – Yahoo lyrics.......122
4.3.7. Tìm kiếm thông tin về một chủ đề hoặc công ty bất kỳ trên một site
được chỉ định trước................................................................................124
4.4. Những thuộc tính tìm kiếm không mạng của Yahoo.................125
4.4.1. Yahoo Daily News – https://yahoo.com/news/............................126
4.4.2. Yahoo Local – http://local.yahoo.com.........................................126
4.4.3. Yahoo Calendar...........................................................................130
4.4.4. Yahoo Finance.............................................................................131
4.4.5. Yahoo Maps – https://maps.yahoo.com/b/..................................132
BÀI TẬP CHƯƠNG 4...........................................................................134
CHƯƠNG 5. MÁY TÌM KIẾM BING..............................................136
5.1. Khái quát vài nét về máy tìm kiếm Bing.....................................136
5.1.1. Sự hình thành và tìm kiếm mặc định của máy tìm kiếm Bing.....136
5.1.2. Các toán tử và từ bổ nghĩa cơ bản của Bing................................141
5.2. Những cú pháp đặc biệt của máy tìm kiếm Bing.......................145
5.2.1. Cú pháp ip....................................................................................145

229
5.2.2. Cú pháp filetype...........................................................................148
5.2.3. Cú pháp contains..........................................................................149
5.2.4. Cú pháp prefer.............................................................................150
5.2.5. Cú pháp site.................................................................................151
5.2.6. Cú pháp feed và hasfeed..............................................................152
5.2.7. Cú pháp loc..................................................................................153
5.2.8. Cú pháp url...................................................................................154
5.3. Những lệnh tìm kiếm đặc biệt của Bing......................................155
5.3.1. Tìm kiếm thông tin về thời tiết....................................................155
5.3.2. Giải phương trình toán học/phép toán.........................................156
5.3.3. Tìm thông tin cổ phiếu.................................................................157
5.3.4. Chuyển đổi tiền tệ........................................................................158
5.3.5. Chuyển đổi đơn vị đo thể tích, chiều dài, khối lượng, nhiệt độ...159
5.3.6. Theo dõi tình trạng chuyến bay và tìm vé máy bay giá rẻ...........161
5.3.7. Theo dõi gói hàng chuyển phát nhanh.........................................163
5.3.8. Tìm kiếm khách sạn trong thành phố...........................................163
5.3.9. Tìm thông tin thống kê................................................................164
BÀI TẬP CHƯƠNG 5..........................................................................166
CHƯƠNG 6. MÁY TÌM KIẾM AOL................................................168
6.1. Khái quát vài nét về máy tìm kiếm AOL....................................168
6.1.1. Sự hình thành và tìm kiếm mặc định của máy tìm kiếm AOL....168
6.1.2. Các toán tử và từ bổ nghĩa cơ bản của AOL................................170
6.2. Những cú pháp đặc biệt của máy tìm kiếm AOL......................174
6.2.1. Cú pháp site.................................................................................174
6.2.2. Cú pháp filetype...........................................................................176
6.2.3. Cú pháp link.................................................................................177
6.2.4. Cú pháp intitle..............................................................................178
6.2.5. Cú pháp inurl................................................................................179
6.2.6. Cú pháp related............................................................................181
6.3. Các lệnh tìm kiếm đặc biệt của AOL..........................................181
6.3.1. Lệnh convert................................................................................181

230
6.3.2. Lệnh phonebook...........................................................................187
6.3.3. Tìm kiếm an toàn.........................................................................188
6.3.4. Tìm kiếm tình hình thời tiết.........................................................190
6.3.5. Tìm kiếm theo khoảng thời gian..................................................191
6.3.6. Tìm kiếm vị trí và chỉ đường.......................................................192
BÀI TẬP CHƯƠNG 6...........................................................................195
CHƯƠNG 7. MÁY TÌM KIẾM ODP, GIGABLAST VÀ KỸ THUẬT
TĂNG TỐC TRÌNH DUYỆT..............................................................197
7.1. Khái quát vài nét về máy tìm kiếm ODP....................................197
7.1.1. Sự hình thành và tìm kiếm mặc định của máy tìm kiếm ODP.....197
7.1.2. Các toán tử và từ bổ nghĩa cơ bản của máy tìm kiếm ODP.........199
7.1.3. Các cú pháp đặc biệt của máy tìm kiếm ODP..............................201
7.2. Khái quát vài nét về máy tìm kiếm Gigablast............................204
7.2.1. Sự hình thành và tìm kiếm mặc định của máy tìm kiếm
Gigablast................................................................................................204
7.2.2. Các toán tử và từ bổ nghĩa cơ bản của máy tìm kiếm Gigablast..205
7.2.3. Các cú pháp đặc biệt của máy tìm kiếm Gigablast......................209
7.3. Kỹ thuật tăng tốc trình duyệt......................................................214
7.3.1. Tắt scripting.................................................................................214
7.3.2. Tắt java........................................................................................215
7.3.3. Tắt tự động nhắc mật khẩu...........................................................215
7.3.4. Tắt popup .....................................................................................216
7.3.5. Tắt plugins...................................................................................217
7.3.6. Tắt các hình ảnh...........................................................................217
BÀI TẬP CHƯƠNG 7..........................................................................218
DANH MỤC CÁC THUẬT NGỮ........................................................220
DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO...............................................226

231
NHÀ XUẤT BẢN HÀ NỘI
Số 4, Tống Duy Tân, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội
Điện thoại: (024)38252916. Fax: (024)39289143
____________________

HƯỚNG DẪN THỰC HÀNH


TÌM KIẾM THÔNG TIN TRÊN MẠNG INTERNET

Chịu trách nhiệm xuất bản:


Tổng Giám đốc- Tổng Biên tập
LÊ TIẾN DŨNG

Biên tập: ĐẶNG THỊ TÌNH


Trình bày: DUY NỘI
Bìa: PHẠM DUY
Sửa bản in: VĂN QUÝ - MAI THANH

Đối tác liên kết xuất bản: Trường Đại học Thương Mại

______________________________________________________________________
In 500 cuốn, khổ 16x24 cm, tại Công ty TNHH sản xuất thương mại Hưng Hà
Địa chỉ: số 9 TT điện tử Sao Mai, Nghĩa Đô, Cầu Giấy, Hà Nội
Số xác nhận đăng ký xuất bản: 1331-2019/CXBIPH/07-84/HN.
Quyết định xuất bản số: 472/QĐ-HN ngày 27/5/2019.
ISBN: 978-604-55-4087-9. In xong và nộp lưu chiểu năm 2019.

232

You might also like