You are on page 1of 10

BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO

TRƯỜNG ĐẠI HỌC SƯ PHẠM HÀ NỘI

BÀI TIỂU LUẬN/BÀI TẬP LỚN


HỌC PHẦN: TÂM LÝ HỌC GIÁO DỤC - PSYC 101
Học kỳ 1 năm học 2021-2022

Chủ đề số: 07

Vận dụng lý luận về động cơ học tập vào hình thành và phát triển động cơ học
tập cho học sinh Trung học phổ thông

Họ và tên: Nguyễn Phương Thảo

Khoa: Quản lý giáo dục (K71)

Mã SV: 715906053

HÀ NỘI-2021
Tên chủ đề: Vận dụng lý luận về động cơ học tập vào hình thành và phát triển
động cơ học tập cho học sinh Trung học phổ thông

1. MỞ ĐẦU

Vài năm trở lại đây, các chương trình giáo dục phổ thông đang dần có sự chuyển
mình tích cực và tiến bộ cả về mặt nội dung lẫn phương pháp giảng dạy. Trong
đó, chú trọng đầu tư một cách bài bản vào công tác định hướng học tập cho các
em như: Để công việc học tập diễn ra hiệu quả, chúng ta cần chú trọng vào các
yếu tố nào? … Các câu hỏi trên lần lượt là các vấn đề được đặt ra trong việc
hình thành và phát triển động cơ học tập cho học sinh.

Vậy để hiểu rõ động cơ học tập là gì? Làm thế nào để xây dựng cũng như nuôi
dưỡng động cơ học tập tích cực trong học sinh? … thì bài viết sau sẽ tập trung
trình bày lý luận động cơ học tập và cách áp dụng lý luận đó vào thực tiễn giảng
dạy.

2. NỘI DUNG NGHIÊN CỨU

2.1. Lý luận về động cơ học tập

2.1.1. Động cơ học tập

Động cơ học tập là nhân tố thúc đẩy thực hiện các hành động, khiến người học
có khát khao chinh phục đối tượng học tập, được cấu thành từ hai yếu tố: động
lực học tập thúc đẩy hành động mà then chốt là nhu cầu học của đối tượng và sự
lối cuốn, hấp dẫn trong nội dung giảng dạy.

_ Động lực học tập:

Nhu cầu học tập là nhân tố cốt lõi, trọng yếu trong sự cấu thành động lực học
tập, tỉ lệ thuận với sự chủ động, tự giác trong việc học. Tuy nhiên ngoài đó ra
còn có một số nhân tố tham gia khác như: mong muốn đạt được điểm cao, bằng

1
bạn bằng bè, không để mất mặt; sự kỳ vọng, áp lực từ gia đình; sợ bị thầy cô
trách phạt, xấu hổ trước tập thể; …

_ Đối tượng học tập:

Đối tượng học tập có nguồn gốc từ bên ngoài, là thứ hấp dẫn, lôi cuốn tạo sự
hứng thú, tò mò, say mê trong người học, khiến người học khát khao muốn
chiếm lĩnh và làm chủ nó.

Các nhân tố cấu thành đối tượng học gồm: nội dung bài giảng; phương pháp
giảng dạy; những phần quà khích lệ từ phụ huynh, thầy cô; sự tôn trọng của bạn
bè; sự trách phạt, la mắng từ phụ huynh, thầy cô; … Trong đó, nội dung kiến
thức bài giảng mang tính quyết định. Để có nội dung học tập hấp dẫn cần:

- Đáp ứng đúng nhu cầu, nguyên vọng, năng lực nhận thức của người học,
cố tác dụng khích thích sản sinh nhu cầu được học ở học sinh.
- Cần trình bày nội dung từ từ theo tiến trình bài giảng, tránh xuất hiện dồn
dập ngay từ đầu
- Trong suốt tiến trình học tập, mục tiêu đặt ra là phải nắm rõ chất liệu học
tập, tức là, hình thành, phát triển trong học sinh những mục tiêu đã định.

2.1.2. Phân loại động cơ học tập

Căn cứ vào nhiều yếu tố khác nhau, người ta có thể phân chia động cơ học tập
thành nhiều loại. Nếu dựa vào nguồn gốc thì về cơ bản có hai loại động cơ sau:
động cơ trong và động cơ ngoài.

_ Động cơ học tập bên trong: là động cơ có mối quan hệ mật thiết, trực tiếp ảnh
hưởng từ các hoạt động diễn ra trong quá trình học, đem đến cho người học sự
hứng khởi, tạo sự thách thức. Khi được thúc đẩy từ các động cơ bên trong, học
sinh ít chịu những tác động về áp lực từ phía thầy cô, gia đình, vì chính những
thành công đạt được trong quá trình nỗ lực học tập là phần thưởng vô cùng trân
quý. Từ đó, làm tăng xu thế tích cực của hoạt động học.

2
_ Động cơ học tập bên ngoài: gần như không chịu tác động từ các đối tượng
trong quá trình học, mà thường được tạo sau khi học sinh đạt được kết quả, kết
thúc quá trình học, như: những phần thưởng khen ngợi, sự trách phạt, lời khen
từ cha mẹ, thầy cô, bè bạn, … Học sinh vì thế mà chỉ thường để tâm đến xem
phần thưởng đó là gì, lời khen đó ra sao, … lâu dần, sẽ sinh ra chán ngán phần
thưởng/sự trách phạt đó. Vì vậy về cơ bản, động cơ học tập bên ngoài sẽ làm
giảm đáng kể xu thế tích cực, tự giác trong học tập.

_ Sự chuyển hoá giữa động cơ bên trong và bên ngoài: Tuy thuộc vào tình hình
cụ thể, điều kiện nhất định trong quá trình học mà các động cơ bên trong và bên
ngoài có sự hoán chuyển lẫn nhau.

2.1.3. Các yếu tố tạo và hình thành động cơ học tập cho học sinh

2.1.3.1. Mục tiêu phấn đấu trong học tập

Mỗi con người chúng ta luôn có xu hướng nhắm vào mục tiêu phía trước và
muốn đạt được nó. Do đó, việc xác lập các mục tiêu cụ thể, rõ ràng trong quá
trình học tập sẽ âm thầm tạo ra trong chúng ta một động cơ học tập nhất định.
Để giải thích cho sự khẳng định trên, chúng ta căn cứ vào bốn lý do sau:

Thứ nhất, khi đã có mục tiêu, chúng ta sẽ xác định rõ ràng các bước phải thực
hiện, những nhiệm vụ phải làm để đạt được mục tiêu. Hướng sự quan tâm chú ý
cho các hành động đó.

Thứ hai, mục tiêu giúp chúng ta khơi dậy nội lực và sức mạnh tiềm tàng trong cá
nhân, tận dụng tối đa sự cố gắng nỗ lực để hoàn thành mục tiêu.

Thứ ba, gia tăng sự bền bỉ, sức chịu đựng, sự kiên trì của con người để cố đạt
đươc mục tiêu.

Thứ tư, khích thích tư duy, óc sáng tạo để đưa ra những sang kiến mới, phương
sách mới nhằm giải quyết khó khăn ngăn trở trên con đường đi đến mục tiêu.

3
2.1.3.2. Một số quan niệm, cách nhìn nhận vấn đề

_ Thành công và thất bại: Học sinh nhìn nhận những nguyên do của thành công
hay thất bại theo hai chiều hướng: một là, do những nguyên nhân từ phía cá
nhân, có thể qua nỗ lực mà cải biến, khiến bản thân nhận thức rằng mình có thể
đứng lên, học từ thất bại để lần tới làm tốt hơn thì khi đó cũng là lúc động cơ
học tập trong học sinh được gia cường ngày một lớn; hai là, cũng là từ cá nhân
nhưng những sai lầm, thất bại đó là không thể thay đổi, cải biến được, vô tình
dẫn đến cách nhìn nhận rằng bản thân ngu ngốc, kém cỏi, từ đó làm giảm động
cơ học của bản thân, cam chịu thất bại.

_ Năng lực: Một bộ phận học sinh cho rằng năng lực của bản thân vô cùng nổi
trội, tự cao, cho rằng mình thật xuất sắc, thì những học sinh này lại có tâm lý
ngần ngại các thách thức, không dám đối mặt với thất bại mà luôn đổ lỗi cho
hoàn cảnh khách quan. Một số khác lại cho rằng năng lực cần có thời gian để
rèn luyện, qua thực tế mà tích luỹ, mở rộng kỹ năng, năng lực. Những học sinh
này lại thường có khuynh hướng dám nghĩ dám làm dám chịu thất bại, lấy thất
bại bàn đạp hữu hiệu để tiến gần hơn đến thành công.

Ngoài hai yếu tố kể trên có vai trò định hướng, chủ đạo trong quá trình hình
thành và phát triển động cơ học tập cho học sinh còn có sự ảnh hưởng từ một số
yếu tố khác như: thái độ tự tin về khả năng thực hiện được và hoàn thành tốt
công việc học tập; độc lập, tự chủ về suy nghĩ, hành vi, … trong quá trình học
tập.

2.2. Vận dụng lý luận vào hình thành và phát triển động cơ học tập cho học
sinh Trung học phổ thông

2.2.1. Thực trạng động cơ học tập của học sinh Trung học phổ thông hiện
nay

4
Dựa trên các tài liệu liên quan được thu thập trong quá trình tìm hiểu, cũng như
kinh nghiệm chủ quan xuất phát từ trải nghiệm thực tế, sau đây là một số động
cơ học tập của học sinh Trung học phổ thông hiện nay:

_ Học vì bị thu hút, hấp dẫn bởi những nội dung bài giảng thú vị, kiến thức
phong phú, tri thức uyên thâm, bài học triết lý giáo dục đạo đức, nhân cách, …
vô cùng thiết thực, hữu ích.

_ Học vì để tích luỹ tri thức, hoàn thiện kỹ năng cơ bản, làm nền tảng, cơ sở tiến
lên các cấp học cao hơn, giúp bản thân có cơ hội thăng tiến trong công việc.

_ Học vì phục vụ mục tiêu gần: đủ điểm qua các kì thi khảo sát hay có trong tay
bằng tốt nghiệp cấp 3 thấy tự tin hơn vì bản thân đã học hết phổ thông.

_ Học vì được vui vẻ bên bạn bè, được gặp người mình thầm thích, người yêu,

_ Học vì có sự thúc ép, áp lực từ phía gia đình, làm hài lòng cha mẹ, vui lòng
thầy cô nếu không sẽ phải đối mặt với sự trách phạt …

Những hiện trạng trên phần nào cho thấy, công tác giáo dục đào tạo, phát triển
động cơ học tập tích cực, khơi dậy sự tự tin và tự chủ trong học sinh chưa nhận
được sự quan tâm đúng mức, kịp thời và còn yếu kém về mặt tổ chức, thực hiện.

Chính vì vậy, mà ngày nay dù có tích cực cải cách, đổi mới nhưng ngành giáo
dục vẫn vấp phải nhiều ý kiến trái chiều từ dư luận xã hội với nhiều bê bối như:
chạy điểm, bệnh thành tích, gian lận trong thi cử, … Những vấn nạn đó xuất
phát từ chính các cơ chế chính sách còn nhiều bất cập, thiếu hợp lí, chưa thực sự
chú trọng vào các vấn đề thực tiễn đặt ra.

2.2.2. Một số đề xuất giải pháp giúp tăng cường động cơ học tập trong học
sinh Trung học phổ thông

5
Để khơi dậy, xây dựng và nuôi dưỡng động cơ học tập trong học sinh, người
giáo viên cần thực hiện một số biện pháp mang tính hệ thống, toàn diện, tác
động đến tất cả các yếu tố có liên quan.

2.2.2.1. Tác động đến các nhân tố bên trong cá nhân (động cơ học tập bên
trong), khiến các em xuất hiện nhu cầu, hứng thú học tập

Tạo ra trong học sinh nhu cầu muốn được tìm hiểu, khám phá, ra sức chăm chỉ
say mê nghiên cứu, coi quá trình học tập là niềm vui, coi kết quả đạt được như
một sự động viên, khích lệ to lớn. Muốn làm được vậy, thì biện pháp trước mắt
cần làm là đặt ra yêu cầu, tiêu chuẩn cho giờ học, giúp giáo viên chủ động nắm
bắt diễn biến tình huống xảy ra.

Tuy nhiên, biện pháp trên chỉ có tác dụng tạm thời, không mang tính lâu dài.
Nếu muốn xây dựng và phát triển động cơ học tập lâu dài thì cần:

_ Bước đầu giúp học sinh định hình một cách cụ thể, rõ ràng những mục tiêu cần
đạt. Trong suốt quá trình học tập, cần liên tục theo dõi, bám sát tình hình, kịp
thời chỉ ra những thiếu sót, khích lệ sự tiến bộ, để từ đó xây dựng trong học sinh
niềm tin vào năng lực, tạo sự tự tin, giúp các em dám đối đầu với thách thức.

_ Tiếp đó cần giáo dục học sinh hiểu đầy đủ, đúng đắn vai trò, giá trị và ý nghĩa
to lớn của việc học tập, tích luỹ tri thức đối với công việc và cuộc sống của bản
thân trong tương lai. Điều này giúp củng cố vững chắc động cơ học tập tích cực
của học sinh.

2.2.2.2. Các hoạt động học tập cần được làm mới một cách toàn diện, khiến nó
trở nên lý thú, hấp dẫn, tránh gây sự nhàm chán, áp lực trong học sinh

Giáo viên cần có sự thay đổi một cách căn bản và toàn diện cả về nội dung, hình
thức, phương pháp giảng dạy lẫn cách đánh giá năng lực và trình đô của học
sinh

_ Nội dung bài giảng:

6
+ Phù hợp với năng lực nhận thức tư duy, trình độ hiểu biết cũng như nhu
cầu của đối tượng học

+ Lồng ghép nhiều hình ảnh, video minh hoạ sinh động để làm nổi bật nội
dung chính của bài giảng. Thêm nữa, cần tích cực sưu tầm, biên soạn nhiều ví
dục thực tế phù hợp với tâm lí lứa tuổi Trung học phổ thông, hữu ích và dễ dàng
vận dụng lý thuyết vào giải quyết những khúc mắc trong cuộc sống.

_ Phương pháp giảng dạy:

+ Cập nhật thường xuyên các phương pháp học tập tiến bộ, tích cực, áp
dụng một cách sáng tạo, có chọn lọc, khiến mỗi giờ học đều là sân chơi bổ ích,
tạo cơ hội cho các em thoải mái tư duy sáng tạo, đưa ra các quan điểm đánh giá,
được trải nghiệm những điều mới lạ, lý thú.

+ Trong quá trình giảng bài, cần lưu ý: Không giảng một cách “thao thao
bất tuyệt”. Hơn hết cần tạo điểm nhấn, xen thêm các câu hỏi, tình huống gây
mâu thuẫn nhằm kích thích óc tư duy, sáng tạo, sự tìm tòi, khám phá. Giúp học
sinh hiểu kỹ, hiểu sâu vấn đề, đưa các em vào thế chủ động, làm chủ kiến thức.

_ Cách thức đánh giá năng lực, kết quả học tập

Rất cần sự đánh giá một cách toàn diện, thực chất về năng lực của học sinh
trong suốt quá trình học tập từ thái độ ý thức đến năng lực nhận thức tư duy thay
vì chỉ tập trung vào kết quả bài kiểm tra. Tạo điều kiện cho giáo viên có sự
khách quan tương đối, hơn nữa có thể đưa ra lời động viên/trách phạt kịp thời,
để học sinh thấy được chỗ hay chỗ dở của bản thân, khắc phục và ngày càng có
sự tiến bộ.

2.2.2.3. Tạo không khí lớp học, môi trường sư phạm lành mạnh, thân thiện

_ Quan hệ thầy và trò: Trước hết mỗi giáo viên cần trang bị cho bản thân những
kiến thức kỹ năng chuyên môn vững vàng, đủ khả năng giải đáp những khúc
mắc học sinh gặp phải trong quá trình học. Đồng thời, chú trọng bồi dưỡng,

7
hoàn thiện nhân cách người giáo viên nhân dân, là tấm gương mẫu mực, khiến
học trò luôn tôn trọng, yêu quý.

_ Quan hệ bạn bè: Ngoài việc học sinh tự hình thành và duy trì các mối quan hệ
bên lề học tập thì giáo viên cũng góp phần không nhỏ để mối quan hệ này ngày
càng bền chặt:

+ Đưa ra các quy định, quy tắc, yêu cầu rõ ràng trong giờ học về cách cư
xử, ứng xử, giao tiếp giữa học sinh với học sinh.

+ Bồi dưỡng, vun đắp cho các em tinh thần trách nhiệm với tập thể, biết
đoàn kết, tương trợ lẫn nhau lúc khó khăn, hoạn nạn; khích lệ, cổ vũ, cùng nhau
tiến bộ trong học tập.

+ Tổ chức cho học sinh tham gia các buổi hoạt động ngoại khoá, đi dã
ngoại, tham quan du lịch, … Như vậy, vừa giúp học sinh củng cố kiến thức lý
thuyết, trau dồi kỹ năng thực hành, vừa giúp tạo sự sẻ chia, gắn kết giữa học
sinh với nhau hơn.
3. KẾT LUẬN

Động cơ học tập giữ một vai trò quyết định, then chốt trong suốt quá trình rèn
luyện học tập của học sinh. Có động cơ học tập tích cực, sẽ tạo cho các em
nguồn năng lượng nội sinh mạnh mẽ, đưa các em vượt qua mọi thách thức, tiến
gần hơn đến thành công.

Chính bởi ý nghĩa đó, người giáo viên cần chú trọng vào hình thành và phát
triển động cơ học tập cho học sinh, coi đó như điều kiện cần và đủ để các hoạt
động nghiên cứu học tập diễn ra một cách thuận lợi, đạt hiệu suất cao. Do đó,
việc xây dựng kế hoạch cũng như công tác triển khai thực hiện cần có sự đầu tư
bài bản từ hình thức đến nội dung, xem xét cẩn trọng đến mọi khía cạnh của vấn
đề một cách sâu sắc, toàn diện.

TÀI LIỆU THAM KHẢO CHÍNH

8
1. Nguyễn Thị Thuý Dung (2021). Tạo động lực học tập cho học sinh – Một
năng lực cần thiết của giáo viên phổ thông đáp ứng giáo dục 4.0. Tạp chí
Khoa học giáo dục Việt Nam, 16, 1-5.
2. Ngô Thị Thảo (2018). Thực trạng động cơ học tập của học sinh tại Trung
tâm Giáo dục Thường xuyên tỉnh Hòa Bình. Tạp chí giáo dục, 8, 68-71.
3. Lê Minh Nguyệt, Trần Quốc Thành, Khúc Năng Toàn và cộng sự (2021).
Hướng dẫn học Tâm lí học giáo dục, Nhà xuất bản Đại học Sư Phạm, Hà
Nội.

You might also like