You are on page 1of 2

PHÒNG GD & ĐT BA ĐÌNH ĐỀ KIỂM TRA KHẢO SÁT CHẤT LƯỢNG – LẦN 1

TRƯỜNG THCS GIẢNG VÕ NĂM HỌC 2021-2022

Môn: NGỮ VĂN 9


(Đề kiểm tra gồm 01 trang) Ngày kiểm tra: 18/05/2022
Thời gian làm bài: 120 phút
PHẦN I (6.0 điểm): Truyện ngắn “Lặng lẽ Sa Pa” có đoạn:
- Chúng ta vừa qua Sa Pa, bác không nhận ra ư? – Người lái xe bỗng nhiên lại hỏi.
- Có. Tôi có nhận ra. Sa Pa bắt đầu với những rặng đào. Và với những đàn bò lang cổ có đeo chuông ở
các đồng cỏ trong lũng hai bên đường. Chỗ ấy là Tả Phình phải không bác  ? – Nhà họa sĩ trả lời.
- Vâng. Bác không thích dừng lại Sa Pa ạ?
- Thích chứ, thích lắm. Thế nào tôi cũng về ở hẳn đấy. Tôi đã định thế. Nhưng bây giờ chưa phải lúc.
- Bác sợ Sa Pa buồn chứ gì?
- Nhà họa sĩ phá lên cười  :
- Buồn thì ai mà chả sợ? Nó như con gián gặm nhấm người ta? Tốt hơn là tránh nó để làm việc đời.
(SGK Ngữ văn 9, tập một, NXB Giáo dục Việt Nam, 2020, trang
180)
1. Tác giả của truyện “Lặng lẽ Sa Pa” là ai? Trong tác phẩm của mình, tác giả đã khéo léo xây
dựng tình huống truyện để thể hiện sâu sắc chủ đề của tác phẩm, em hãy ghi lại tình huống
truyện đó.
2. Qua đoạn trích trên, em biết được nhân vật ông họa sĩ có suy nghĩ như thế nào về mảnh đất Sa
Pa?
3. Nhận xét về nhân vật anh thanh niên trong tác phẩm “Lặng lẽ Sa Pa”, có ý kiến cho rằng: Vẻ
đẹp tâm hồn của chàng trai 27 tuổi làm công tác khí tượng trên đỉnh Yên Sơn đã được khắc họa
nổi bật và rõ nét qua điểm nhìn của người họa sĩ.
Bằng một đoạn văn 12 câu, có nội dung được trình bày theo phép lập luận tổng hợp – phân tích –
tổng hợp, em hãy làm rõ ý kiến trên. Trong đoạn, có sử dụng một câu mở rộng thành phần và
phép nối để liên kết (gạch chân, chú thích rõ câu mở rộng thành phần và từ ngữ sử dụng làm
phương tiện của phép nối).
4. Vẻ đẹp tâm hồn của anh thanh niên trong tác phẩm nói trên khiến người đọc liên tưởng đến vẻ
đẹp của thế hệ trẻ Việt Nam trong những năm kháng chiến chống Mỹ gian khổ mà hào hùng. Em
hãy ghi lại tên một tác phẩm thơ và một tác phẩm văn xuôi em đã học trong chương trình Ngữ
văn lớp 9 có nội dung viết về thế hệ trẻ thời chống Mỹ.
PHẦN II (4.0 điểm): Đọc phần trích sau và trả lời câu hỏi:
Chuyện dân gian kể rằng loài cóc sở dĩ không có đuôi vì chúng cứ tự hứa với mình là việc lắp đuôi để
đến ngày mai hãy hay. Nhưng mai qua đi, mai nữa qua đi, dự định ấy cứ lần lữa trôi, cuối cùng không
thực hiện được và đến nay nó vẫn chỉ “trơ thân cụ”, không đuôi hoàn không đuôi.
… Ngoại trừ những nguyên nhân bất khả kháng, thì mọi điều kiện khác đều do con người định đoạt.
Mỗi ngày, mỗi lúc đều có việc của ngày đó, lúc đó. Để đến mai sẽ bị dồn ứ như đoàn tàu dồn toa vào
nhau, khó mà không trệch bánh khỏi đường ray số phận.
Bắt đầu, khởi đầu… đó là phút quyết định, là giờ thiêng liêng, là cuộc chiến thắng với chính mình.
Cái đẩy chân để con đò bắt đầu sang sông, cái nút bấm để máy bay cất cánh, cái tia sáng đầu tiên cho
bông hoa nở… Phải có cái đầu tiên ấy mà không được tự buông thả mình, tự dễ dãi với mình mà hoãn đi
hoãn lại như loài cóc trong tục ngữ kia.
Khó lắm thay. Nhưng con người sinh ra là để vượt khó như thế.
(Băng Sơn, Người Việt từ nhà ra đường, NXB Thanh niên, 2009, trang 44 – 45)
1. Nêu phương thức biểu đạt chính của phần trích trên.
2. Chỉ ra và phân tích tác dụng của biện pháp tu từ có trong câu văn in đậm của phần trích.
3. Từ nội dung của phần trích trên cùng với những trải nghiệm của bản thân, em hãy viết đoạn văn
(khoảng 2/3 trang giấy thi) trình bày những suy nghĩ của mình về ý kiến: Muốn thành công, nói
không với trì hoãn.
-------------------------HẾT------------------------------
Ghi chú: Điểm phần I: Câu 1 (1.0 điểm); Câu 2 (1.0 điểm); Câu 3 (3.5 điểm); Câu 4 (0.5 điểm)
Điểm phần II: Câu 1 (0.5 điểm); Câu 2 (1.5 điểm); Câu 3 (2.0 điểm)
Cán bộ coi kiểm tra không giải thích gì thêm.

You might also like