You are on page 1of 19

Bài 1.

ĐẠI CƯƠNG VỀ HỆ THỐNG KINH LẠC

MỤC TIÊU
1. Phân tích được chức năng của hệ thống kinh lạc và tác dụng chữa bệnh của đường kinh
và huyệt.
2. Nêu được nội dung các nghiên cứu về sự hiện diện của huyệt và đường kinh.
3. Mô tả được vòng tuần hoàn của 12 đường kinh chính và sự thịnh suy của khí huyết trong
ngày ở từng đường kinh chính.
4. Phân tích được cách sử dụng đường kinh và huyệt theo quy ước quốc tế.

1. KHÁI NIỆM HỆ THỐNG KINH LẠC


Trong Y học cổ truyền, cùng với các học thuyết kinh điển khác như học thuyết Âm dương,
Ngũ hành, Tạng tượng, Thiên nhân hợp nhất…, học thuyết Kinh lạc cũng đóng một vai trò vô cùng
quan trọng. Không những là cốt lõi trong cơ sở lý luận của châm cứu và các phương pháp điều trị
không dùng thuốc khác, học thuyết Kinh lạc còn giúp giải thích một cách cụ thể và trực quan các
triệu chứng trong bệnh học y học cổ truyền, giải thích mối liên quan giữa các bộ phận trong cơ thể
dựa vào việc mô tả chi tiết hệ thống kinh lạc.
Kinh lạc là tên gọi chung của kinh mạch và lạc mạch trong cơ thể. Kinh là đường thẳng, lạc
là đường ngang và xuất phát từ kinh mạch chia ra như cái lưới đi khắp mọi nơi trong cơ thể.
Kinh lạc phân bố khắp toàn cơ thể, là đường vận hành của âm dương, khí huyết, tân dịch, tạo
thành một hệ thống liên lạc khắp toàn thân, tạo thành một thể thống nhất cho cơ thể từ ngũ tạng,
lục phủ, cân mạch, cơ nhục, xương cốt…
Giữa kinh lạc và tạng phủ có mối liên hệ mật thiết, mỗi tạng hoặc mỗi phủ đều có liên quan
với 1 hoặc nhiều đường kinh. Sự liên lạc giữa các tổ chức cơ quan trong cơ thể đều phải thông qua
hệ kinh lạc.
2. ĐẶC ĐIỂM CỦA HỆ THỐNG KINH LẠC
2.1. Các kinh mạch và lạc mạch trong hệ kinh lạc
Bảng 1. 1. Hệ thống kinh lạc

Thái âm Thủ thái âm phế


Tam âm Thiếu âm Thủ thiếu âm tâm
Quyết âm Thủ quyết âm tâm bào
Tay
Thái dương: Thủ thái dương tiểu trường
Tam dương Thiếu dương Thủ thiếu dương tam tiêu
Dương minh Thủ dương minh đại trường
12 Kinh
chính Thái âm Túc thái âm tỳ
Tam âm Thiếu âm Túc thiếu âm thận
Kinh Quyết âm Túc quyết âm ca
mạch Chân
Thái dương Túc thái dương bàng quang
Tam dương Thiếu dương Túc thiếu dương đởm
Dương minh Túc dương minh vị
Hệ 12 Kinh biệt
thống
Kinh 12 Kinh cân
lạc Nhâm mạch – Đốc mạch
Xung mạch – Đới mạch
8 mạch kỳ kinh
Âm kiểu – Dương kiểu
Âm duy – Dương duy
1 nhánh từ Kinh tỳ
2 nhánh từ Bát mạch kỳ kinh (Nhâm –
4 lạc mạch xuất phát từ thân mình
Đốc)
1 nhánh từ Kinh vị
Tôn lạc nhánh dọc từ Lạc mạch
Lạc Các lạc thứ Phủ lạc nhánh phụ của Tôn lạc
mạch Huyết lạc nhánh ngang từ Phù lạc

Phần phụ của hệ thống Kinh lạc (phân


12 khu bì bộ
định bởi đường kinh) bao phủ ngoài da

Kinh mạch: 12 kinh chính, 8 mạch kỳ kinh, 12 kinh biệt.


Lạc mạch: 15 biệt lạc, các phù lạc và tôn lạc.
Kinh cân: 12 kinh cân
Bì bộ: 12 bì bộ (vùng da) tương ứng với đường đi của 12 kinh chính
Trong tất cả các kinh mạch và lạc mạch đó thì 12 kinh chính là thành phần chủ yếu, các kinh
mạch khác được xem như là những kinh phụ.
2.2. Đặc điểm của 12 kinh chính
2.2.1. Về ý nghĩa tên của 12 kinh chính

正经- zhengjing - chính kinh, “正” được dịch là “chính” (các kinh chính), nhưng cũng được
hiểu là “thẳng” và “trực tiếp”.
Thái: nghĩa là lớn hơn, cao nhất. Chỉ các hoạt động của dương khí, âm khí trong các kinh thái
dương và thái âm phát triển và đạt đến mức độ tối đa. Tại đây, chúng đạt được mức độ cực đại và
bắt đầu giảm xuống.
Thiếu: nghĩa là ít hoặc nhỏ hơn. Chỉ âm khí hoặc dương khí trong các kinh thiếu dương và
thiếu âm ít hơn so với trong các kinh thái dương hoặc thái âm.
Minh: có nghĩa là trong sạch, tươi sáng, rạng rỡ, tỏa sáng. Tuy nhiên không ngụ ý chỉ dương khí
trong dương minh kinh nhiều nhất. Tố Vấn - Thiên chí chân yếu đại luận viết: “lưỡng dương tương
hợp cố viết minh” ngụ ý dương minh là sự hợp lại của dương khí.
Quyết: có nghĩa là “tuyệt đối”, “cuối cùng”, “cạn kiệt”, và cũng có nghĩa là “đảo ngược”. Âm
khí trong kinh quyết âm đại diện cho giai đoạn cuối của Âm; nơi Âm chuyển đổi thành Dương.
Cấu tạo tên đường kinh bao gồm:
- Bản chất của khí (Âm hoặc Dương) đi trong kinh.
- Tính chất hoặc cường độ (thái, thiếu, quyết, minh) của khí Âm hoặc Dương.
- Đầu mút mà đường kinh bắt đầu hoặc kết thúc. Do đó, các kinh Âm hoặc
Dương bắt đầu hoặc kết thúc tại tay mang tên của các kinh chính tay (thủ kinh
chính). Các kinh Âm và Dương kết thúc hoặc bắt đầu tại chân mang tên của các
kinh chính chân (túc kinh chính).
2.2.2. Sự phân chia âm dương và phân bố ở tay chân của 12 kinh chính
Mười hai đường kinh chính được phân thành 2 loại là kinh âm và kinh dương. Các kinh này
đi dọc theo chiều dài cơ thể và phân bố đồng đều giữa tay và chân.
Ba kinh âm ở tay gồm kinh Thủ thái âm Phế, kinh Thủ thiếu âm Tâm và kinh Thủ quyết âm
Tâm bào.
Ba kinh dương ở tay gồm kinh Thủ dương minh Đại trường, kinh Thủ thái dương Tiểu trường
và kinh Thủ thiếu dương Tam tiêu.
Ba kinh âm ở chân gồm kinh Túc thái âm Tỳ, kinh Túc thiếu âm Thận và kinh Túc quyết âm
Can.
Ba kinh dương ở chân gồm kinh Túc dương minh Vị, kinh Túc thái dương Bàng quang và
kinh Túc thiếu dương Đởm.
2.2.3. Sự liên quan giữa đường kinh chính và tạng phủ
Mỗi đường kinh chính đều có mối quan hệ trực thuộc với 1 tạng hoặc 1 phủ nhất định. Tên
của đường kinh được đặt theo tên của tạng phủ mà nó trực thuộc. Các kinh âm có quan hệ với tạng,
các kinh dương có quan hệ với phủ.
Các đường kinh chính cũng có mối liên lạc với tạng hoặc phủ có quan hệ biểu lý với tạng
phủ mà nó quan hệ. Các cặp đường kinh trực thuộc các cặp tạng phủ có quan hệ biểu lý sẽ có
mối quan hệ biểu lý với nhau. Các cặp đường kinh có quan hệ biểu lý gồm Phế – Đại trường,
Tâm – Tiểu trường, Tâm bào – Tam tiêu, Tỳ – Vị, Can – Đởm, Thận – Bàng quang.
2.2.4. Lộ trình của đường kinh chính

Hình 1.1. Tổng quan về lộ trình của các đường kinh

Mỗi kinh chính đều có vùng phân bố nhất định ở bên ngoài và lộ trình bên trong để liên hệ
với các tạng phủ.
Trên lộ trình của mỗi2 đường kinh đều có những phân nhánh để nối liền với kinh có quan hệ
biểu lý với nó.
Lộ trình của 12 đường kinh chính đi theo một vòng khép kín liên tục qua từng đường kinh.
Khí huyết đi trong đường kinh theo nguyên tắc “âm thăng dương giáng”. Để cho âm dương
và khí huyết được vận hành một cách điều hòa, liên tục khắp cơ thể thì chiều di chuyển trong 12
kinh chính tuân theo quy tắc sau đây:
- Kinh âm ở tay đi từ ngực lên đến bàn ngón tay
- Kinh dương ở tay đi từ ngón tay xuống vai rồi qua vùng đầu mặt
- Kinh dương ở chân từ vùng đầu mặt đi qua vùng thân mình xuống bàn ngón
chân
- Kinh âm ở chân đi từ chân lên vùng bụng ngực.
Theo quy tắc “âm nội dương ngoại”. Hoàng Đế Nội kinh - Linh khu có viết các kinh chính
khi đi bên ngoài da thì đường kinh dương ở tay sẽ đi ở mặt ngoài của chi trên, kinh âm ở tay sẽ đi
ở phần mặt trong của chi trên (theo mô hình kinh lạc). Nhưng do trong mô hình kinh lạc 2 tay giơ
lên và hướng phần lòng bàn tay vào trong khác với tư thế tay trong giải phẫu là hai tay xuôi lòng
bàn tay hướng ra phía trước nên vị trí theo quy ước giải phẫu sẽ thay đổi. Hiện nay ta thống nhất
việc xác định vị trí kinh lạc theo mô hình giải phẫu như sau: các đường kinh dương ở tay đi dọc
theo phần mặt sau của chi trên bao gồm phần da bao phủ các cơ duỗi và phần mu bàn tay, các
đường kinh âm ở tay đi dọc theo mặt trước của chi trên bao gồm phần da bao phủ các cơ gấp và
phần lòng bàn tay.

Hình 1.2. Sơ đồ vị trí nông sâu và mối quan hệ của hệ thống thông kinh lạc
2.2.5. Huyệt trên đường kinh
Trên 12 đường kinh chính và mạch Nhâm, mạch Đốc có các huyệt. Huyệt được xem như là
nơi khí huyết tập trung nhiều nhất trên cơ thể. Huyệt trên 12 đường kinh chính cùng với huyệt trên
2 mạch Nhâm Đốc đóng vai trò chủ đạo trong các phương pháp điều trị không dùng thuốc. Thông
qua việc tác động trực tiếp vào các huyệt này mà các phương pháp điều trị Y học cổ truyền phát
huy tác dụng.
2.2.5.1. Huyệt đầu và huyệt cuối của lục kinh

Hình 1.3. Huyệt đầu – cuối của lục kinh

2.2.5.2. Huyệt căn và huyệt kết của lục kinh


Linh Khu - Thiên Căn kết viết: “Cửu châm chi huyền, yếu tại chung thủy, cố năng tri chung
thủy, nhất ngôn nhi tất, bất tri chung thủy, châm đạo hàm tuyệt”. Dịch nghĩa: Sự kỳ diệu của việc
trị bệnh bằng cửu châm là ở chỗ hiểu được nơi bắt đầu và kết thúc của kinh mạch. Nếu hiểu được
nơi bắt đầu và kết thúc thì chỉ cần một câu nói cũng có thể hiểu hết được châm đạo; nếu không
hiểu thì châm đạo thất truyền. Theo đó kiến thức về huyệt căn huyệt kết có vai trò rất quan trọng
đối với người làm châm cứu.
Cũng theo Thiên Căn kết, mỗi kinh có 1 huyệt căn huyệt và 1 huyệt kết.
Huyệt căn: tại căn huyệt, kinh khí thấp nhất, đây được xem là nơi kết thúc khí dương và bắt
đầu khí âm. Tất cả căn huyệt nằm ở chân
Bảng 1.2. Huyệt căn của ba kinh dương ở tay
(Huy ệt cuối c ủa mỗi đường kinh dương)
Thái dương (T.Tr ➡ BQ) BQ-67 (Chí âm)
Thiếu dương (T.T ➡ Đởm) Đởm-44 (Túc khiếu âm)
Dương minh (Đ.Tr ➡ Vị) Vị-45 (Lệ đoài)

Bảng 1.3. Huyệt căn của ba kinh âm ở chân


(Huy ệt đầu tiên của mỗi đường kinh âm)

Thái âm (Tỳ ➡ Phế) Tỳ-1 (Ẩn bạch)


Quyết âm (Can ➡ T.B) Can-1 (Đại đôn)
Thiếu âm (Thận ➡ Tâm) Thận-1 (Dũng tuyền)

Huyệt kết: là huyệt mà ở đó khí cực thịnh nhất. Đây là huyệt kết nối đường kinh ở
tay và đường kinh ở chân.
Huyệt kết của ba kinh dương: Đây là huyệt liên kết các đường kinh dương ở tay hoặc
chân và thuộc vùng đầu.

Bảng 1.4. Huyệt kết của ba kinh dương ở chân

Thái dương (B.Q ➡ T.Tr) BQ-1 (Tình minh)


Thiếu dương (Đởm ➡ T.T) T.T-21 (Nhĩ môn)*
Dương minh (Vị ➡ Đ.Tr) Vị-1 (Thừa khấp)**
* Theo Nguyễn Văn Nghị (1996) và Solinas et al. (1998), ở đây là huyệt Đởm-2 (Thính hội)
** Theo Nguyễn Văn Nghị (1996) và Solinas et al. (1998), ở đây là huyệt Vị-8 (Đầu duy)

Huyệt kết của ba kinh âm: đây là huyệt liên kết các đường kinh âm ở tay hoặc chân
và thuộc vùng ngực hoặc bụng.

Bảng 1.5. Huyệt kế của ba kinh âm ở chân

Thái âm (Tỳ ➡ Phế) Nhâm-12 (Trung quản)


Quyết âm (Can ➡ T.B) Nhâm-18 (Ngọc đường)
Thiếu âm (Thận ➡ Tâm) Nhâm-23 (Liêm tuyền)

3. TÁC DỤNG CỦA HỆ THỐNG KINH LẠC


3.1. Chức năng của hệ thống kinh lạc
Về mặt sinh lý, kinh mạch là nơi tuần hoàn của khí huyết đi nuôi dưỡng toàn thân để duy trì
hoạt động bình thường của cơ thể, làm trơn khớp, nhuận gân xương (theo “Linh khu - Bản tạng
luận”). Đồng thời các kinh lạc còn là con đường liên lạc giữa các tạng phủ với nhau, giữa tạng phủ
bên trong và các quan khiếu bên ngoài.
Về mặt bệnh học, kinh mạch là con đường mà tà khí bệnh tật theo đó xâm nhập vào bên trong
cơ thể, truyền bệnh từ tạng phủ này sang tạng phủ khác, dọc theo đường kinh từ vị trí này sang vị
trí khác.
Ngoài ra kinh lạc còn là con đường mà qua đó bệnh tật hoặc những rối loạn của tạng phủ
tương ứng biểu hiện ra bên ngoài.
3.2. Ứng dụng trong chẩn đoán bệnh của hệ kinh lạc
3.2.1. Các đường kinh chính
Ở trong, liên lạc với tạng phủ tương ứng, tạng phủ có quan hệ biểu lý, tạng phủ nối với nhau
qua một nhánh của kinh lạc.
Bên ngoài, các đường kinh chính có liên lạc với các huyệt và phần bì bộ ở ngoài da, các quan
khiếu tương ứng. Dựa vào biểu hiện tại các bộ phận có mối liên quan này có thể chẩn đoán được
bệnh tại các tạng phủ, kinh lạc tương ứng.
Ngoài ra, người thầy thuốc Y học cổ truyền còn dựa vào đặc tính thịnh suy theo thời gian
trong ngày của 12 kinh chính để chẩn đoán bệnh. Giờ vượng của đường kinh, bệnh lý hư chứng sẽ
giảm độ nặng, bệnh lý thực chứng sẽ tăng độ nặng của triệu chứng. Ngược lại, vào giờ suy của
đường kinh thì bệnh lý hư chứng sẽ tăng độ nặng còn bệnh lý thực chứng sẽ giảm độ nặng.
3.2.2. Các kinh cân
Linh khu - Thiên Kinh cân giải thích về vấn đề này như sau: “Kinh cân có nhiệm vụ nối liền
đến trăm hài cốt; do đó nó thắt chặt, liên lạc toàn thân và đều có chỗ định vị của nó. Tuy rằng kinh
cần có những đường vận hành tương đồng với kinh mạch, thế nhưng những chỗ kết, chỗ thịnh của
kinh cân đều nằm ở các khoảng của khê cốc. Đó là vì cân khí hội nhau ở những khớp xương. Cân
thuộc Mộc, hoa của nó ở trảo, vì thế 12 kinh cân đều khởi lên từ những móng tay chân, sau đó
chúng thịnh lên ở phụ cốt, kết ở khuỷu tay và cổ tay, ràng buộc vào đầu gối, liên hệ với cơ nhục,
lên trên đến cổ và gáy, chấm dứt ở đầu và mặt. Trên đây là con đường đi đại lược của kinh cân
trong thân thể”.
Chức năng của kinh cân là hỗ trợ cho xương khớp, cơ nhục cử động được hài hòa, vì vậy mà
các bệnh lý thuộc hệ kinh cân thường gây ảnh hưởng đến vận động của tứ chi. Những biểu hiện
bệnh kinh điển: bệnh do hàn tà thì các cân cơ co rút (chuyển cân), khi bệnh do nhiệt thì các cân cơ
dãn ra.
Hiện nay, nghiên cứu về kinh cân đang tập trung vào việc ứng dụng điều trị các bệnh lý cơ
xương khớp như thoái hóa khớp, đau xơ cơ, bệnh lý phần mềm quanh khớp.
Vì Can chủ cân nên các bệnh lý về hệ kinh cân đều liên quan đến tạng Can và kinh túc quyết
âm Can.
Bộ phận sinh dục là nơi hội của cân nên 3 kinh cân âm ở chân và kinh cân túc dương minh Vị
đều giao hội nhau tại vị trí này.
3.2.3. Các kinh biệt
Các kinh biệt là những nhánh thông bên trong có chức năng liên lạc, nối liền giữa các bộ phận,
tạng phủ với nhau. Bao gồm cả những nhánh chìm của 12 đường kinh chính. Kinh biệt không có
các huyệt xác định nên biểu hiện bệnh chỉ thông qua những rối loạn chức năng của tạng phủ cũng
như sự không hòa hợp về hoạt động giữa các tạng phủ với nhau. Khác với biểu hiện bệnh của 12
đường kinh chính, bệnh ở kinh biệt thường biểu hiện thành từng cơn.
Ví dụ 1: lý thuyết Y học cổ truyền rất chú trọng đến mối quan hệ giữa Tâm và Thận. Khảo sát
12 kinh chính chúng ta thấy sự tuần hành của kinh Túc Thiếu âm Thận có đến Tâm, ngược lại kinh
chính Thủ Thiếu âm Tâm lại không có phân bố đến Thận. Thế nhưng, kinh biệt Túc Thái dương
Bàng quang có con đường vào bàng quang, tán ra ở Thận rồi lại tán ra ở Tâm. Đây chính là con
đường đã nối liên quan hệ giữa Tâm và Thận.
Ví dụ 2: vị có ảnh hưởng đến Tâm. Tố vấn - Thiên Nghịch điều luận viết: “Vị bất hòa thì ngủ
không yên giấc”. Khảo sát 12 kinh chính, ta thấy kinh Vị không có nhánh đến Tâm và ngược lại
kinh chính Tâm cũng không có nhánh đến Vị. Tuy nhiên, nếu khảo sát hệ thống kinh biệt thì thấy
kinh biệt Vị có đến Tỳ, lên trên lại thông với Tâm, làm thông được con đường nối liền giữa Tâm
và Vị. Nhờ thế mà phương pháp hòa vị khí để an tâm thần là có cơ sở.
3.2.4. Đối với lạc mạch
Bao gồm 15 đại lạc và 365 tôn lạc tách ra từ các đại lạc này để phân bố khắp cơ thể. Biểu hiện
bệnh lý của lạc mạch khác nhau tùy thuộc vào lộ trình, vị trí lạc mạch và tình trạng bệnh cụ thể.
3.3. Tác dụng chữa bệnh của hệ kinh lạc
Về mặt điều trị, khi ta tác động vào hệ thống kinh lạc bằng các thủ thuật như châm, cứu, xoa
bóp, bấm huyệt… sẽ mang lại tác dụng điều trị hoặc phòng bệnh.
Theo nguyên lý của Y học cổ truyền, cơ thể khỏe mạnh thì các kinh lạc phải được sơ thông.
Tuần hành của âm dương khí huyết tại các kinh lạc lại chịu sự chi phối của mạch khí lưu hành tại
các huyệt. Vì vậy tác động vào các huyệt có thể đem lại hiệu quả chữa bệnh. Nguyên lý quan trọng
nhất trong châm cứu là “điều khí”. Khí điều thì huyết hòa, huyết hòa thì khí huyết lưu thông và
âm dương trở lại cân bằng.
Linh khu - Thiên Bản tạng viết: “Huyết hòa thì kinh mạch lưu thông, âm dương được nuôi
dưỡng tốt, gân xương được khỏe mạnh, cứng cáp, hoạt động của khớp được linh hoạt. Khi âm
dương ở nơi nào đó trong cơ thể mất cân bằng thì nơi đó có bệnh, muốn chữa thì phải làm cho
huyết hòa để điều hòa lại cân bằng âm dương.”
Linh khu - Thiên Cửu châm thập nhị nguyên viết: “Mục đích chủ yếu của châm là phải đắc
khí thì mới có kết quả”. Sau khi đã châm kim chính xác vào huyệt đạo, thông qua chức năng tuần
hành khí huyết để điều chỉnh khí huyết “phù chính khu tà”, khiến cơ thể đạt âm dương bình hòa
thì bệnh tật tiêu tán.
Các dược liệu khi uống vào cơ thể cũng nhờ vào hệ thống kinh lạc mà đi về được các kinh lạc
và tạng phủ tương ứng để chữa bệnh (sự quy kinh của thuốc).
- Đối với đường kinh chính
Việc điều trị dựa theo nguyên tắc “tuần kinh thủ huyệt 1”, “kinh mạch sở thông, chủ trị sở
cập2”.
Huyệt ở đường kinh nào thì có tác dụng chữa bệnh ở tạng phủ mà đường kinh đó có quan hệ
trực tiếp.
Ví dụ: huyệt trên kinh Phế có tác dụng chữa bệnh của bộ máy hô hấp, huyệt trên kinh Vị có
tác dụng chữa bệnh của bộ máy tiêu hóa.
Ngoài ra còn có thể dùng các huyệt trên đường kinh có quan hệ biểu lý với kinh bị bệnh để
chữa.
Ví dụ: huyệt trên kinh Tỳ có thể chữa bệnh ở kinh Vị và ngược lại.
Nếu hai kinh mạch có quan hệ biểu lý cùng bị bệnh thì chọn các huyệt nguyên lạc của cả hai
đường kinh này để điều trị.
Khi điều trị các bệnh tại tổ chức cân, cơ nhục, tủy, xương, mạch, tạng, phủ, khí, huyết và bệnh
theo vùng của cơ thể thì chọn huyệt dựa theo bát hội huyệt và lục tổng huyệt.
Các đường kinh có tác dụng chữa bệnh tại nơi nó đi qua và những vùng lân cận như da, cân,
cơ, xương và tạng phủ. Đường kinh bị bệnh gây ra những rối loạn tại bộ phận nằm trên lộ trình
của đường kinh đó. Ngược lại, bộ phận nào của cơ thể bị bệnh thì phần kinh lạc nuôi dưỡng bộ
phận đó cũng sẽ có những rối loạn về tuần hoàn của âm dương, khí huyết. Vì vậy việc điều trị tại
hệ kinh lạc có tác dụng cả trong “gốc” và “ngọn” của bệnh (tiêu và bản).
Các huyệt ở các vùng từ khuỷu tay đến bàn tay, từ gối đến bàn chân có tác dụng toàn thân.
Huyệt ở kinh dương chữa các bệnh thuộc dương chứng và phần dương (sốt cao, mạch nhanh,
bệnh ở vùng đầu…). Huyệt ở kinh âm chữa những bệnh thuộc âm chứng và phần âm (mất ngủ,
mệt mỏi suy nhược, bệnh ở bộ máy sinh dục…).
Các đường kinh cùng tên ở tay và chân có thể cùng dùng để chữa cho một chứng bệnh (đồng
khí tương cầu3). Thí dụ: Đau nửa đầu, đau vai gáy dùng huyệt ở kinh Thủ thiếu dương Tam tiêu ở
tay (Ngoại quan, Dương trì) và kinh Túc thiếu dương Đởm ở chân (Dương lăng tuyền, Huyền
chung) để chữa.
- Đối với kinh cân
Theo nguyên lý “dĩ thống vi du 4” (chỗ đau là huyệt). Kinh cân bị bệnh thì thường ít có biểu
hiện ở tạng phủ. Điều trị thường tập trung chữa bệnh tại điểm đau, A thị huyệt. Thủ pháp thường
dùng công tà nhanh, châm có thể kết hợp cứu.
- Đối với kinh biệt

1
循经取穴Tìm huyệt theo đường kinh: chọn huyệt điều trị theo biện chứng kinh lạc
2
经脉所通, 主治所及Kinh mạch đi qua nơi nào thì điều trị bệnh nơi đó
3
Kinh đồng danh: thủ túc thái dương, thủ túc thiếu dương, thủ túc dương minh, thủ túc thái âm, thủ túc thiếu âm,
thủ túc quyết âm. Kinh đồng danh được gọi là đồng khí.
4
Linh khu - Thiên kinh cân: “以痛为腧”
Do không có huyệt được xác định nên điều trị chỉ dựa vào chức năng liên lạc giữa tạng phủ
và các đường kinh của hệ kinh biệt. Phương pháp này thường được thực hiện gián tiếp thông qua
tác động trên huyệt của 12 kinh chính.
Ví dụ 1: đường vận hành của kinh chính Thủ Quyết âm Tâm bào không đến hầu họng nhưng
huyệt Giản sử và Đại lăng lại có thể điều trị đau họng. Bởi vì đường kinh biệt của Thủ Quyết âm
Tâm bào có phân nhánh đến hầu họng.
Ví dụ 2: bệnh trĩ thuộc kinh Túc Thái dương Bàng quang, nhưng đường vận hành của kinh
chính này không đến hậu môn, nhưng kinh biệt của kinh Túc Thái dương Bàng quang có nhánh
vào hậu môn, nên chọn huyệt Thừa sơn để điều trị trĩ.

4. NGHIÊN CỨU VỀ HUYỆT VÀ ĐƯỜNG KINH


Tuy châm cứu đã được Tổ chức Y tế Thế giới công nhận là một phương pháp điều trị hiệu quả
với những nghiên cứu lâm sàng nhưng bằng chứng ở cấp độ tế bào, mô học và giải phẫu vẫn còn
chưa đầy đủ. Chẳng hạn, kinh lạc và các huyệt đi sâu tới lớp nào phía dưới da, nằm tại vị trí của
phần cơ, mạc hay dây thần kinh nào thì vẫn chưa được mô tả một cách rõ ràng và thống nhất. Vì
vậy việc chứng minh sự tồn tại của các tổ chức, cấu tạo tương ứng với các đường kinh lạc và huyệt
sẽ đóng vai trò quan trọng giúp làm sáng tỏ về cơ sở vật chất của hệ thống kinh lạc, đồng thời giải
thích các cơ chế sinh ra hiện tượng sinh bệnh lý của hệ kinh lạc.
Cho đến nay, sự hiện diện của hệ kinh lạc mới chỉ được các nhà khoa học ghi nhận gián tiếp
thông qua hiệu quả của các phương pháp điều trị bằng Y học cổ truyền như châm cứu, bấm huyệt…
và những đặc điểm về điện sinh vật.
4.1. Nghiên cứu về hệ kinh lạc
Nghiên cứu về hệ kinh lạc được khởi nguồn từ việc xem xét các đặc tính của hệ kinh lạc và
đối chiếu với những cấu trúc cơ thể theo Y học hiện đại. Dựa vào hình dạng mạng lưới và chức
năng dẫn truyền vật chất và năng lượng (điện), hệ thần kinh và hệ tuần hoàn được cho là có quan
hệ gần gũi nhất với hệ kinh lạc theo Y học cổ truyền. Dễ thấy rằng, hoạt động của hệ mạch máu
có sự liên kết trong ngoài với các nội tạng bên trong cơ thể và các cấu trúc bên ngoài như da, cơ….
Các đường dẫn truyền thần kinh cũng có mối liên hệ với các cơ quan bên trong cơ thể thông
qua hệ thần kinh thực vật, các đường dẫn truyền thần kinh còn đóng vai trò kết nối giữa cảm giác
bên trong của tạng phủ và cảm giác bề mặt da, điều được thể hiện rõ qua hiện tượng đau quy chiếu.
Cùng với nhau, hệ thần kinh và hệ tuần hoàn tác động qua lại và đóng vai trò tương tự chức
năng của hệ kinh lạc theo mô tả của Y học cổ truyền. Ngoài những chức năng sinh lý đã được công
nhận rộng rãi, đặc tính điện từ trường của hệ thần kinh và tuần hoàn cũng có những tương tác đặc
biệt hiện tượng này gợi ý đến nhiều giả thiết giải thích cho sự tồn tại của hệ kinh lạc cũng như tác
dụng chữa bệnh của châm cứu.
4.2. Nghiên cứu về các huyệt
4.2.1. Nghiên cứu về số lượng huyệt
Có sự thay đổi qua các thời đại và ngày càng nhiều vì có nhiều huyệt mới được tìm thấy sau
này. Theo sách “Linh khu” (thế kỷ II TCN) có 160 huyệt, sách “Châm cứu giáp ất kinh” (thế kỷ
III) có 347 huyệt, theo sách “Đồng nhâm du huyệt đồ kinh” (thế kỷ VI) có 354 huyệt.
Nghiên cứu hiện đại bằng nhiều phương pháp khác nhau đã xác định thống nhất có 361 huyệt
trên đường kinh, ngoài ra còn có các huyệt nằm ngoài đường kinh.
4.2.2. Nghiên cứu về đặc điểm của các điểm huyệt
Các điểm huyệt châm cứu đã được các nhà nghiên cứu gọi là các điểm sinh học tích cực (Liên
Xô cũ), các điểm sống (Mỹ - Anh).
Các điểm sinh học tích cực được mô tả có đặc điểm như sau: nhiệt độ cao hơn so với xung
quanh, nhạy cảm với đau hơn, chuyển hoá cơ năng tăng, trao đổi oxy tăng, dòng điện ra vào dễ
dàng hơn, có tổ chức liên kết tốt hơn, những đặc tính về điện học này được cho rằng có liên quan
đến mật độ cao của các liên kết khe tại mô vùng huyệt.
4.2.3. Nghiên cứu về mô học tại vùng huyệt
Năm 1960, Kim Bon Han (Triều Tiên) công bố rằng huyệt có cấu trúc về tổ chức học riêng
biệt. Tuy nhiên công bố này không được khoa học tiên tiến thừa nhận.
Năm 1986, theo L.Susanov, các nhà nghiên cứu đã dùng nhiều biện pháp hiện đại để kiểm tra
nhiều lần tại các điểm huyệt nhưng cũng không phát hiện ra sự thay đổi nào về hình thái học ở
phía dưới da của huyệt.
4.2.4. Nghiên cứu điện trở da vùng huyệt
Da vùng huyệt có điện trở thấp hơn (hay là lượng thông điện cao hơn) những vùng xung quanh
một cách rõ rệt.
Khi di chuyển điện trở trên da dọc theo tuyến đi của các đường kinh, nhiều nhà nghiên cứu đã
phát hiện dọc theo đường kinh điện trở da thấp hơn so với vùng phụ cận. Điều này lại không có
khi nghiên cứu trên tử thi.
4.2.5. Nghiên cứu bằng phương pháp tiêm đồng vị phóng xạ
Nghiên cứu bằng cách làm nổi bật các thành phần hóa học khác biệt ở tại các điểm huyệt. Kết
quả là các thành phần ion ở tại các điểm huyệt có số lượng lớn hơn những nơi khác. Từ đó người
ta đưa ra giả thuyết về sự di chuyển xuyên tổ chức liên kết chất tạo keo của các thành phần hóa
học dưới dạng ion hóa.
Năm 1984, Darras cùng cộng sự dùng cách tiêm vào huyệt chất phóng xạ thalli, kết quả là
thuốc không phân tán một cách ngẫu nhiên mà dịch chuyển theo một hướng nhất định, hướng dịch
chuyển chất phóng xạ có sự liên quan đến lộ trình của đường kinh (mà các sách kinh điển đã mô
tả) ở khu vực đó.
Nghiên cứu sau đó của Darras cùng cộng sự bằng cách dùng chất techneti có hoạt tính phóng
xạ, tiêm một lượng nhỏ vào huyệt và phát tia gamma nhấp nháy thấy đường kinh hiện ra rất rõ nét
trên màn chiếu. Trái lại, trên cơ thể mắc bệnh, đường kinh hiện ra kém đều đặn hơn.
Khi tiêm các chất có tính phóng xạ vào huyệt, người ta đã thu được kết quả có sức thuyết phục
là đường kinh không trùng với các hệ thống mạch máu và mạch bạch huyết cũng như hệ thần kinh.
Lộ trình của đường kinh không tương ứng với bất kỳ một cấu trúc giải phẫu nào mà hiện nay được
biết.
Tốc độ di chuyển của các chất phóng xạ được tiêm vào đã thay đổi một cách có ý nghĩa thống
kê, tùy thuộc vào tình trạng bệnh lý của cơ thể tương ứng với đường kinh. Trường hợp viêm thì
tốc độ di chuyển gia tăng, trường hợp bệnh kiểu suy nhược thì tốc độ di chuyển bị chậm lại.
4.2.6. Nghiên cứu bằng hiệu ứng Kirlian

Hình 1.4. Ảnh chụp ngón tay bằng kỹ thuật chụp ảnh Kirlian

Dùng dòng điện cao tần có điện áp cao cho qua cơ thể sinh vật, người ta kiểm tra được tính
dẫn điện cao tần của cơ thể bằng kỹ thuật quang phổ (hay kỹ thuật chụp ảnh của Kirlian). Kết quả
có nhiều điểm phát quang sáng chói (khác hẳn những vùng xung quanh) phù hợp với vị trí của
huyệt.
Hiện tượng phát quang trong hiệu ứng Kirlian thay đổi nhịp điệu giữa ngày và đêm (cực đại
lúc 2 giờ sáng, cực tiểu lúc 12 giờ trưa), giữa trước và sau điều trị bệnh (bệnh thuộc hư chứng thì
trước điều trị phát quang kém, sau điều trị phát quang nhiều hơn).

4.2.7. Nghiên cứu về hình thù và diện tích vùng huyệt


Năm 1984, nghiên cứu của Đỗ Công Huỳnh, Cao Xuân Đường, Trần Lê, Nguyễn Duy Lương
(Học viện quân y), dùng kim châm trên mặt da đánh dấu các điểm không đau và ít đau trên da.
Kết quả đã xác định được hình thù, diện tích khác nhau của các huyệt vị và nhận thấy rằng đa
số các huyệt có hình bầu dục, bề rộng khoảng 1,5 mm và bề dài gấp 1,5 lần chiều rộng và có khi
gấp 2-3 lần (như Túc tam lý).
Vị trí và diện tích huyệt xác định bằng phương pháp này hoàn toàn phù hợp với kết quả thu
được bằng các máy dò huyệt.

5. VÒNG TUẦN HOÀN CỦA CÁC ĐƯỜNG KINH


5.1. Khí huyết trong các đường kinh không giống nhau
Theo Nội kinh - Thiên 24 huyết khí hình chí luận:
Kinh có nhiều khí, nhiều huyết là dương minh (Đại trường, Vị).
Kinh có nhiều khí, ít huyết gồm thiếu dương (Tam tiêu, Đởm), thiếu âm (Tâm, Thận), thái âm
(Phế, Tỳ).
Kinh có ít khí, nhiều huyết gồm thái dương (Tiểu trường, Bàng quang), quyết âm (Tâm bào,
Can).
5.2. Sự tuần hoàn của khí huyết trong các đường kinh
Một cách tổng quát, đường tuần hoàn khí huyết trong mười hai kinh chính như sau:
- Ba kinh âm ở tay đi từ bên trong ngực ra bàn tay.
- Ba kinh dương ở tay đi từ bàn tay vào trong và lên đầu.
- Ba kinh dương ở chân đi từ đầu xuống bàn chân.
- Ba kinh âm ở chân đi từ bàn chân lên bụng ngực.

Hình 1.5. Đường vận hành của các kinh âm và kinh dương
Khí huyết vận hành trong các kinh mạch, kinh sau tiếp kinh trước và tạo thành một đường
tuần hoàn kín đi khắp cơ thể. Bắt đầu là ở kinh Phế và kết thúc là ở kinh Can, sau đó tiếp tục
chuyển sang kinh Phế để bắt đầu vòng tuần hoàn mới.
5.3. Sự thịnh suy của khí huyết trong từng đường kinh trong ngày5
Từ 3 giờ đến 5 giờ: giờ Dần (giờ của Phế).
Từ 5 giờ đến 7 giờ: giờ Mão (giờ của Đại trường).
Từ 7 giờ đến 9 giờ: giờ Thìn (giờ của Vị).
Từ 9 giờ đến 11 giờ: giờ Tỵ (giờ của Tỳ).
Từ 11 giờ đến 13 giờ: giờ Ngọ (giờ của Tâm).
Từ 13 giờ đến 15 giờ: giờ Mùi (giờ của Tiểu trường).
Từ 15 giờ đến 17 giờ: giờ Thân (giờ của Bàng quang).
Từ 17 giờ đến 19 giờ: giờ Dậu (giờ của Thận).
Từ 19 giờ đến 21 giờ: giờ Tuất (giờ của Tâm bào).
Từ 21 giờ đến 23 giờ: giờ Hợi (giờ của Tam tiêu).
Từ 23 giờ đến 1 giờ: giờ Tý (giờ của Đởm).
Từ 1 giờ đến 3 giờ: giờ Sửu (giờ của Can).

6. CÁCH SỬ DỤNG TÊN ĐƯỜNG KINH VÀ HUYỆT VỊ THEO QUY ƯỚC QUỐC TẾ
Hiện nay khoa châm cứu phát triển rộng rãi khắp nơi, không chỉ ở các nước phương Đông mà
ở cả các nước phương Tây. Trong “Hội nghị quốc tế nghiên cứu khoa Y học Đông phương và khoa
Châm cứu” các nước đã thống nhất về việc đánh số đường kinh và huyệt vị theo danh pháp quốc
tế để tiện lợi cho việc trao đổi thông tin và hợp tác về ngành Châm cứu.
- Các đường kinh được thống nhất bằng tên theo số thứ tự La mã, hoặc là bằng tiếng Anh,
tiếng Pháp.
- Các huyệt trên đường kinh được đánh số từ 1 ở nơi bắt đầu đường kinh.
- Ký hiệu của 1 huyệt gồm tên đường kinh viết tắt và số thứ tự của huyệt.
Ví dụ: huyệt Trung phủ là huyệt đầu tiên của đường kinh Phế, ký hiệu là I-1 (hoặc Phế-1, P-
1, L-1).

5
Cách nhớ giờ thịnh của 12 kinh chính: “Phế dần, đại mão, vị thìn cung/Tỳ tị, Tâm ngọ, Tiểu mùi trung/Thân Bàng,
dậu Thận, Tâm bào tuất/Hợi Tam, tý Đảm, sửu Can thông”
Bảng 1.6. Tên các đường kinh theo quy ước quốc tế

Tên
Tên Tiếng Việt Tên Tiếng Pháp Tên Tiếng Anh Tên Tiếng Trung
La Mã
Kinh Thái âm Phế Méridien des Poumons Lung meridian (L)
I 手太阴肺经
(P)
Kinh Dương minh Méridien du Gros Large Intestine
II 手阳明大肠经
Đại trường Intestin (GI) meridian (LI)
Kinh Dương minh Vị Méridien de l'Estomac Stomach meridian
III 足阳明胃经
(E) (ST)
Kinh Thái âm Tỳ Méridien de la Rate- Spleen meridian
IV 足太阴脾经
Pancréas (Rp) (SP)
V Kinh Thiếu âm Tâm Méridien du Coeur (C) Heart meridian (H) 手少阴心经
Kinh Thái dương Méridien de la l'Intestin Small intestine
VI Tiểu trường grêle (IG) meridian (SI) 手太阳小肠经

Kinh Thái dương Méridien de la Vessie Bladder meridian


VII 足太阳膀胱经
Bàng quang (V) (BL)
Kinh Thiếu âm Thận Méridien des Reins (R) Kidney meridian
VII 足少阴肾经
(K)
Kinh Quyết âm Tâm Méridien du maitre du Pericardium
IX 手厥阴阴心包经
bào Coeur (MC) meridian (P)
Kinh Thiếu dương Méridien des Troisfoyer Triple Energizer
X 手少阳三焦经
Tam tiêu (TR) meridian (TE)
Kinh Thiếu dương Méridien de la Vesicule Gallbader meridian
XI 手少阳胆经
Đởm Biliaire (VB) (GB)
XII Kinh Quyết âm Can Méridien de la Foie (F) Liver meridian (Liv) 手厥阴肝经
Mạch Nhâm Vaisseau - conception Jenn-mo meridian
XIII 任脉
(VC) (J)
Mạch Đốc Vaisseau - gouverneur Tou-mo meridian
XIV 督脉
(VG) (T)

TÀI LIỆU THAM KHẢO


1. Bộ Y tế (2007) – Châm cứu học, tập I – Nhà xuất bản Y học.
2. Chang, S. (2012). The meridian system and mechanism of acupuncture—a comparative review.
Part 1: the meridian system. Taiwanese Journal of Obstetrics and Gynecology, 51(4), 506-514.
3. Ebrahim, Hoosain; Williams, Robin (1982). Kirlian photography—an appraisal. Journal of
Visual Communication in Medicine, 5(3), 84–91.
4. Hoàng Quý (2014), Châm cứu học Trung Quốc, Nhà xuất bản văn hóa thông tin.
5. Hồ Hữu Lương (2009), Huyệt châm cứu trong thần kinh học, Nhà xuất bản Y học.
6. Trịnh Thị Diệu Thường (2018), Châm cứu học 1, Nhà xuất bản Y học.
7. Tiến Thành (dịch) (2017), Hoàng Đế Nội Kinh - Linh Khu, Nhà xuất bản Hồng Đức
8. Trường Đại học Y Hà Nội - Khoa Y học cổ truyền (2012), Bài giảng Y học cổ truyền, Nhà xuất
bản Y học.

CÂU HỎI LƯỢNG GIÁ


1. Các huyệt từ khuỷu tay đến bàn tay, từ gối đến bàn chân có tác dụng chữa bệnh toàn thân, cụ
thể như sau: chọn câu sai?
A. Chữa được bệnh ở tạng phủ có quan hệ trực tiếp với đường kinh đó.
B. Huyệt ở kinh âm chữa được các chứng dương (sốt cao, mạch nhanh…) và
ngược lại.
C. Chữa được bệnh ở kinh có quan hệ biểu lý.
D. Các đường kinh có cùng tên ở tay và chân có thể chữa được cùng một chứng bệnh.
2. Các điểm sinh học tích cực có vị trí tương ứng với vị trí của huyệt được mô tả với các đặc điểm
sau:
A. Nhiệt độ da thấp hơn so với xung quanh.
B. Ít nhạy cảm với cảm giác đau.
C. Tiêu thụ oxy ít hơn các nơi khác.
D. Dòng điện ra vào dễ dàng hơn.
3. Nghiên cứu về hình thù và diện tích vùng huyệt ở Học viện quân y cho thấy đa số các huyệt có
hình:
A. Tròn.
B. Chữ nhật.
C. Bầu dục.
D. Thoi.
4. Đường kinh có khí nhiều, huyết nhiều là:
A. Kinh dương minh (vị, đại trường).
B. Kinh thái dương (tiểu trường, bàng quang).
C. Kinh thiếu âm (tâm, thận).
D. Kinh quyết âm (tâm bào, can).
5. Huyệt có ký hiệu quốc tế là XII-1 có nghĩa là:
A. Huyệt thứ 1 của kinh can.
B. Huyệt thứ 12 của kinh can.
C. Huyệt thứ 1 của kinh phế.
D. Huyệt thứ 12 của kinh phế.
6. Hãy sử dụng học thuyết kinh lạc để giải thích mối quan hệ của Tâm và Thận.
7. Trình bày thứ tự đường đi theo giờ thịnh của 12 đường kinh.
8. Hãy liệt kê những chức năng của hệ thống kinh lạc.
9. Những lý thuyết và phương pháp thực nghiệm nào đã được sử dụng để khảo sát hệ thống kinh
lạc và huyệt vị.
10. Trình bày cách đặt tên của đường kinh và huyệt vị theo quy ước quốc tế.
11. Trình bày sự tương đồng của hệ kinh lạc và hệ thần kinh trong Y học hiện đại.
Mô tả đường đi và mức độ nhiều ít của khí huyết trong các đường kinh.

You might also like