You are on page 1of 7

TRƯỜNG TH PHAN ĐÌNH PHÙNG

ĐỀ CƯƠNG ÔN TẬP MÔN KHOA HỌC LỚP 4


CUỐI HỌC KÌ I - NĂM HỌC 2021-2022
Họ và tên……………………………………….Lớp:……..

Câu 1: Con người cần gì để sống?


Trả lời: Con người cần thức ăn, nước uống, không khí, ánh sáng và nhiệt độ phù
hợp để duy trì sự sống. Ngoải các yếu tố trên, con người cần có các điều kiện vật chất
như nhà ở, quần áo, đồ dùng... và các điều kiện tinh thần như tình cảm, vui chơi, giải trí...
cho cuộc sống của mình.
Câu 2: Trong quá trình sống, cơ thể lấy những gì từ môi trường và thải ra
môi trường những gì ?
Trả lời:Trong quá trình sống, con người lấy thức ăn, nước, không khí từ môi
trường và thải ra môi trường những chất thừa, cặn bã. Quá trình đó được gọi là quá trình
trao đổi chất.
Câu 3: Hãy kể tên một số thức ăn chứa nhiều chất bột đường mà em biết. Nêu
vai trò của chất bột đường đối với cơ thể.
Trả lời:
- Một số thức ăn chứa nhiều chất bột đường: gạo, ngô (bắp), bánh quy, bánh mì,
mì sợi, bún, khoai lang, khoai tây,, chuối, ...
- Vai trò của chất bột đường đối với cơ thể: Chất bột đường cung cấp năng lượng
cần thiết cho mọi hoạt động và duy trì nhiệt độ của cơ thể.
Câu 4. Tại sao cần ăn phối hợp nhiều loại thức ăn và thường xuyên thay đổi
món ăn?
Trả lời: Để có sức khỏe tốt, chúng ta phải ăn phối hợp nhiều loại thức ăn và
thường xuyên thay đổi món vì không có một loại thức ăn nào có thể cung cấp đủ các chất
cần thiết cho hoạt động sống của cơ thể. Tất cả những chất mà cơ thể cần đều phải lấy từ
nhiều nguồn thức ăn khác nhau.
Câu 5. Chất đạm có vai trò như thế nào đối với cơ thể? Nêu một số thức ăn
chứa nhiều chất đạm.
Trả lời:
- Vai trò của chất đạm đối với cơ thể là: Chất đạm giúp xây dựng và đổi mới cơ
thể, tạo ra những tế bào mới làm cho cơ thể lớn lên, thay thế những tế bào già bị huỷ hoại
trong hoạt động sống của con người.
- Một số thức ăn chứa nhiều chất đạm: đậu nành, thịt lợn, thịt bò, trứng gà, cá, đậu
phụ, tôm, cua,...
Câu 6: Nêu vai trò của vi-ta-min đối với cơ thể? Nêu một số ví dụ về việc
thiếu vi-ta-min cơ thể chúng ta sẽ bị bệnh.
Trả lời: Vai trò của vi-ta-min đối với cơ thể chúng ta là:
- Vi-ta-min  là những chất không tham gia trực tiếp vào việc xây dựng cơ thể hay
cung cấp năng lượng. Tuy nhiên, chúng rất cần cho hoạt động sống của cơ thể. Nếu
thiếu vi-ta-min, cơ thể sẽ bị bệnh.
Ví dụ: Thiếu vi-ta-min A sẽ mắc bệnh khô mắt, quáng gà; thiếu vi-ta-min D sẽ
mắc bệnh còi xương ở trẻ em và loãng xương ở người lớn; thiếu vi-ta-min C sẽ mắc bệnh
chảy máu chân răng; thiếu vi-ta-min B1 sẽ bị phù, …
Câu 7: Gia đình em thường bảo quản thức ăn bằng cách nào? Cho ví dụ.
Trả lời: Gia đình em thường bảo quản thức ăn bằng cách:
+ Ướp lạnh - giữ thức ăn trong tủ lạnh (thịt, cá, rau,...).
+ Phơi khô (Cá, tôm, mực, củ cải, măng, miến, bánh đa, mộc nhĩ, …).

Câu 8: Trong cuộc sống hằng ngày, chúng ta nên và không nên làm gì để
phòng tránh tai nạn đuối nước?
Trả lời: Một số việc chúng ta nên và không nên làm để phòng tránh tai nạn đuối
nước trong cuộc sống hằng ngày là:
+ Những việc nên làm:
- Giếng, chum, vại, bể nước phải có nắp đậy.
- Chấp hành các qui định về an toàn khi tham gia giao thông đường thủy.
- Chỉ tập bơi hoặc bơi ở nơi có người lớn và phương tiện cứu hộ.
- Tuân thủ các quy định của bể bơi và khu vực bơi....
+ Những việc không nên làm:
- Chơi đùa gần hồ, ao, sông, suối,...
- Lội qua suối, cống, rãnh nước khi trời mưa, lũ, dông bão,...
- Đi tập bơi và đi tắm biển không có người lớn đi cùng, không có phương tiện cứu
hộ.
Câu 9: Nước tồn tại ở những thể nào? Nêu tính chất của nước ở thể lỏng?
Trả lời:
- Nước tồn tại ở ba thể: rắn, lỏng và khí.
- Tính chất của nước ở thể lỏng: Nước là một chất lỏng trong suốt, không màu,
không mùi, không vị, không có hình dạng nhất định. Nước chảy từ cao xuống thấp, lan ra
khắp mọi phía, thấm qua một số vật và hòa tan được một số chất.

Câu 10: Vì sao chúng ta cần phải tiết kiệm nước? Nêu những việc em đã làm
ở nhà và ở trường để góp phần tiết kiệm nước.
Trả lời:
+ Chúng ta cần phải tiết kiệm nước vì: Phải tốn nhiều công sức, tiền của mới có
nước sạch để dùng. Vì vậy, không được lãng phí nước. Tiết kiệm nước là để dành tiền
cho mình và cũng là để có nước cho nhiều người khác được dùng.
+ Những việc em đã làm ở nhà và ở trường để góp phần tiết kiệm nước là:..............
...............................................................................................................................................
...............................................................................................................................................
...............................................................................................................................................
Câu 11. Nêu tính chất của không khí. Không khí gồm những thành phần nào?
Trả lời:
- Tính chất của không khí: Không khí trong suốt, không màu, không mùi, không
vị, không có hình dạng nhất định. Không khí có thể bị nén lại hoặc giãn ra.
- Không khí gồm hai thành phần chính là ô xi và ni- tơ. Ngoài ra, trong không
khí còn có các thành phần khác như khí các-bô-nic, hơi nước, bụi, vi khuẩn.
****************************************************
TRƯỜNG TH PHAN ĐÌNH PHÙNG

ĐỀ CƯƠNG ÔN TẬP MÔN ĐỊA LÝ LỚP 4


CUỐI HỌC KÌ I - NĂM HỌC 2021-2022

Họ và tên……………………………………….Lớp:……..

Câu 1. Nêu một số đặc điểm tiêu biểu về địa hình, khí hậu ở Hoàng Liên Sơn?
Trả lời: Một số đặc điểm tiêu biểu về địa hình, khí hậu ở Hoàng Liên Sơn là:
+ Hoàng Liên Sơn nằm giữa sông Hồng và sông Đà. Đây là dãy núi cao và đồ sộ
nhất nước ta, có nhiều đỉnh nhọn, sườn núi rất dốc, thung lũng hẹp và sâu.
+ Khí hậu ở những nơi cao lạnh quanh năm.

Câu 2. Người dân ở Hoàng Liên Sơn làm những nghề gì? Nghề nào là chính?
Trả lời:
- Người dân ở Hoàng Liên Sơn làm những nghề là:
+ Trồng trọt: Trồng lúa, ngô, chè, trồng rau và cây ăn quả,.... trên nương rẫy,
ruộng bậc thang.
+ Làm các nghề thủ công: dệt, thêu, đan, rèn, đúc,...
+ Khai thác khoáng sản: a-pa-tít, đồng, chì, kẽm,…
+ Khai thác lâm sản: gỗ, mây, nứa,...
- Nghề nông là nghề chính của người dân ở Hoàng Liên Sơn.

Câu 3. Nêu một số đặc điểm tiêu biểu về địa hình của vùng trung du Bắc Bộ?
Trả lời: Một số đặc điểm tiêu biểu về địa hình của vùng trung du Bắc Bộ là:
- Trung du Bắc Bộ là vùng đồi với các đỉnh tròn, sườn thoải, xếp cạnh nhau như
bát úp.
- Vùng Trung du Bắc bộ có nét riêng biệt, mang những dấu hiệu vừa của đồng
bằng vừa của miền núi.

Câu 4. Trung du Bắc Bộ thích hợp cho việc trồng những loại cây gì? Nêu tác
dụng của việc trồng rừng ở vùng trung du Bắc Bộ.
Trả lời:
- Trung du Bắc Bộ thích hợp cho việc trồng những loại cây ăn quả (cam, chanh,
dứa, vải,....) và cây công nghiệp (nhất là cây chè).
- Tác dụng của việc trồng rừng ở vùng trung du Bắc Bộ là: để che phủ đồi, ngăn
cản tình trạng đất đang bị xấu đi.
Câu 5. Nêu một số đặc điểm chủ yếu về các dân tộc ở Tây Nguyên.
Trả lời: Một số đặc điểm chủ yếu về các dân tộc ở Tây Nguyên là:
- Tây Nguyên có nhiều dân tộc cùng chung sống nhưng đây là nơi thưa dân nhất
nước ta. Các dân tộc ở Tây Nguyên sống tập trung thành các buôn, sinh hoạt tập thể ở
nhà rông. Người dân nơi đây rất yêu thích nghệ thuật và sáng tạo ra nhiều loại nhạc cụ
dân tộc độc đáo.

Câu 6. Kể tên những loại cây trồng và vật nuôi chính ở Tây Nguyên?
Trả lời: Những loại cây trồng chính và vật nuôi chính ở Tây Nguyên là:
+ Trồng cây công nghiệp lâu năm trên đất bazan (cao su, cà phê, hồ tiêu, chè,...)
+ Chăn nuôi trâu, bò trên đồng cỏ.

Câu 7. Nêu đặc điểm về địa hình, sông ngòi của đồng bằng Bắc Bộ.
Trả lời: Một số đặc điểm về địa hình, sông ngòi của đồng bằng Bắc Bộ là:
Đồng bằng Bắc Bộ có dạng hình tam giác, với đỉnh ở Việt Trì, cạnh đáy là đường
bờ biển. Đây là đồng bằng châu thổ lớn thứ hai của nước ta, do sông Hồng và sông Thái
Bình bồi đắp nên. Đồng bằng có bề mặt khá bằng phẳng, nhiều sông ngòi; ven các sông
có đê để ngăn lũ.

*************************
TRƯỜNG TH PHAN ĐÌNH PHÙNG
ĐỀ CƯƠNG ÔN TẬP MÔN LỊCH SỬ LỚP 4
CUỐI HỌC KÌ I - NĂM HỌC 2021-2022

Họ và tên……………………………………….Lớp:……..

Câu 1. Nước Văn lang ra đời vào thời gian nào và ở khu vực nào trên đất
nước ta? Đứng đầu nhà nước Văn Lang là ai?
Trả lời: Khoảng 700 năm TCN, ở khu vực sông Hồng, sông Mã và sông Cả, nơi
người Lạc Việt sinh sống, nước văn Lang đã ra đời. Kinh đô đặt ở Phong Châu (Phú
Thọ). Đứng đầu nhà nước có vua, gọi là Hùng Vương.

Câu 2. Nêu những nét chính về đời sống vật chất và tinh thần của người Lạc
Việt.
Trả lời: Những nét chính về đời sống vật chất và tinh thần của người Lạc Việt là:
- Người Lạc Việt biết làm ruộng, ươm tơ, dệt lụa, đúc đồng làm vũ khí và công cụ
sản xuất.
- Người Lạc Việt ở nhà sàn, họp nhau thành các làng, bản. Cuộc sống ở làng bản
giản dị, vui tươi, hòa hợp với thiên nhiên; có tục nhuộm răng, ăn trầu; ngày lễ hội thường
đua thuyền, đấu vật, ....

Câu 3. Em hãy kể lại tình hình nước ta sau khi Ngô Quyền mất. Đinh Bộ Lĩnh
đã có công gì trong buổi đầu độc lập của đất nước?
Trả lời:
- Tình hình nước ta sau khi Ngô Quyền mất: Sau khi Ngô Quyền mất, đất nước rơi
vào cảnh loạn lạc. Các thế lực cát cứ địa phương nổi dậy chia cắt đất nước, gây "loạn 12
sứ quân".
- Đinh Bộ Lĩnh đã có công trong buổi đầu độc lập của đất nước là: Đinh Bộ Lĩnh
đã tập hợp nhân dân dẹp loạn 12 sứ quân, thống nhất đất nước (năm 968).

Câu 4. Những sự việc nào cho ta thấy dưới thời Lý, đạo Phật rất thịnh đạt?
Trả lời: Những sự việc cho ta thấy dưới thời Lý, đạo Phật rất thịnh đạt là:
- Đạo Phật được truyền bá rộng rãi trong cả nước.
- Nhiều vua nhà Lý theo đạo Phật.
- Thời Lý, chùa mọc lên khắp kinh thành, làng xã.
- Triều đình bỏ tiền ra xây dựng hàng trăm ngôi chùa.
- Nhân dân cũng đóng góp tiền của xây dựng chùa
- Nhiều nhà sư đã được giữ cương vị quan trọng trong triều đình.
Câu 5. Nhà Trần ra đời trong hoàn cảnh nào?
Trả lời: Nhà Trần ra đời trong hoàn cảnh:
Đến cuối thế kỷ XII, nhà Lý ngày càng suy yếu. Đầu năm 1226, lý Chiêu Hoàng
nhường ngôi cho chồng là Trần Cảnh, nhà Trần được thành lập từ đây.

Câu 6. Nhà Trần đã có những việc làm gì để củng cố, xây dựng đất nước?
Trả lời: Những việc làm của nhà Trần để củng cố, xây dựng đất nước là: Chú ý
xây dựng lực lượng quân đội, chăm lo bảo vệ đê điều, khuyến khích nông dân sản xuất,
khai khẩn đất hoang.

Câu 7. Khi giặc Mông- Nguyên vào Thăng Long, vua tôi nhà Trần đã dùng kế
gì để đánh giặc?
Trả lời:
Cả ba lần, khi giặc Mông- Nguyên vào Thăng Long, vua tôi nhà Trần đều chủ
động rút khỏi kinh thành Thăng Long. Quân Mông- Nguyên vào được Thăng Long,
nhưng không tìm thấy một bóng người, một chút lương ăn. Chúng điên cuồng phá phách,
nhưng chỉ thêm mệt mỏi và đói khát. Chính lúc đó, quân ta tấn công quyết liệt vào thăng
Long và giành thắng lợi.

Câu 8. Nêu những nét chính trong truyền thống lịch sử và truyền thống văn
hóa của các dân tộc bản địa Kon Tum.
Trả lời: Những nét chính trong truyền thống lịch sử và truyền thống văn hóa của
các dân tộc bản địa Kon Tum là:
Nhân dân các dân tộc tỉnh Kon Tum có truyền thống đoàn kết, cần cù trong lao
động, dũng cảm trong đấu tranh, đã sáng tạo ra những giá trị văn hóa đặc sắc, góp phần
làm phong phú nền văn hóa dân tộc Việt Nam.

==========****===========

You might also like