You are on page 1of 3

Tôi đã từng sống một cuộc sống không phải là của mình, mà là chắp vá một ước mơ

dang dở của mẹ tôi. Mỗi đêm, tôi chật vật đến mất ngủ. Cảm giác như con tim tôi bị
cắt ra thành hai nửa. Một nửa vẫy gọi tôi đến với tiếng hát của sự tự do, được nói
những gì mình muốn, được làm những gì mình thích, được vẽ và được viết. Một nửa
khuyên tôi nên ngoan ngoãn nghe theo lời mẹ để thay mẹ thực hiện ước mơ. Việc bị
giằng xé giữa hai thái cực khiến tôi bị tổn thương và mất đi niềm tin vào bản thân.
Thế nhưng, trên hành trình tìm lại bản ngã của mình, cái tôi vững vàng của tôi đã
được hồi sinh.

Mẹ tôi vốn xuất thân từ một gia đình nghèo khó đông con. Mặc dù bà yêu say đắm
việc học, và thậm chí bà còn là một người phụ nữ thông minh, thế nhưng điều kiện
gia đình không cho phép mẹ tôi được tiếp tục phát triển bản thân cao xa hơn nữa.
Ước mơ lớn nhất đời mẹ là được học và sống một cuộc sống vật chất đủ đầy, vậy nên
suốt cấp hai của tôi, việc đi học thêm gần như tất cả các ngày trong tuần đã không
còn là điều khó thấy. Nỗi ám ảnh về cái nghèo đã khiến mẹ tôi trở thành “mẹ hổ.”
Những kế hoạch của mẹ tôi lúc nào cũng chi tiết và chỉn chu, nhưng không bao giờ
đề cập đến cảm xúc cá nhân của tôi. Từ việc tôi sẽ được học ở đâu, chơi với những
người như thế nào, đến việc tôi phải mặc quần áo ra sao, lấy người đàn ông như thế
nào…, tất cả đều theo lộ trình mà mẹ đã đề ra. Thế nhưng, đôi khi quá nhiều tình yêu
đi kèm với áp lực lại khiến tôi cảm thấy phổi tôi bị ai giày xéo đến mức thở không
thông.

Suốt mười bảy năm sinh ra ở đời, tôi đã luôn cố gắng làm hài lòng mọi thành viên ở
trong nhà, đặc biệt là mẹ tôi. Chẳng hạn, nếu mẹ tôi cảm thấy khó chịu vì nghĩ rằng
tôi không học đủ số giờ mà mẹ mong muốn, tôi sẽ lặng lẽ gọi điện đến nhà bạn để
huỷ cuộc hẹn đi chơi dù cho chúng tôi đã rất háo hức chờ đến ngày hôm đó. Hoặc giả
như mẹ tôi không thích tôi mặc váy vì cho rằng tôi quá thừa cân để mặc những bộ
quần áo nữ tính, tôi sẽ cố nở một nụ cười hài lòng khi mặc những bộ quần áo rộng
thùng thình mà mẹ mua cho, dù tôi không thích việc phải che giấu cơ thể mình một
cách quá kín đáo. Bất cứ khi nào tôi muốn làm điều gì đó mà mẹ tôi không đánh giá
cao, tôi sẽ cảm thấy mình đang vào vai một kẻ tội đồ hư hỏng. Tuổi thơ sống trong
tình yêu đau thương đã định hình tính cách của tôi thành một người luôn hy sinh
những nhu cầu cá nhân của bản thân để làm hài lòng cha mẹ.

Nhưng mọi thứ đã bước sang một trang khác khi tôi bắt đầu cuộc sống cấp ba. Tôi đã
không còn là một cô gái suốt ngày mặc quần jean và áo thun rộng rãi như những gì
mà mẹ tôi luôn muốn tôi mặc. Tôi chuyển gu ăn mặc trở nên nữ tính hơn, mặc váy
ngắn và đi cả giày cao gót. Trong tôi như có một con người mới trỗi dậy, một con
người không ngại ngùng bộc lộ bản thân thay vì tìm cách che giấu những khiếm
khuyết như trong quá khứ. Mặc dù mẹ tôi bắt tôi ở nhà để tập trung vào học tập nhiều
hơn, nhưng tâm trí của tôi đã không còn dừng ở những kiến thức lý thuyết sách vở
bão hoà. Tôi chuyển sự quan tâm của mình sang các vấn đề xã hội đang xảy ra xung
quanh mình nhiều hơn, vậy nên tôi thích việc đắm chìm trong những video TedTalk
về sang chấn tâm lý hậu stress hơn là quan tâm đến công thức tính diện tích của hình
nón là gì. Để có thể được ra ngoài nhiều hơn, tôi đã nói dối mẹ về việc đăng ký một
lớp học thêm Tiếng Anh sau giờ học. Thế nhưng, tôi lại dùng thời gian đó để làm một
tình nguyện viên năng động tại phòng khám tâm lý PERG. Những tưởng việc âm
thầm làm những điều cấm kỵ sau lưng mẹ tôi sẽ là một giải pháp dài hạn để mâu
thuẫn trong lòng tôi. Tuy nhiên, việc mẹ tôi cấm đoán tôi trở thành một nhà tâm lý
học đã khiến mọi chuyện trở nên tồi tệ hơn tôi nghĩ. Hoá ra những xung đột trong tôi
vẫn còn đó, chỉ là tôi đã lựa chọn cách lờ đi.

Mâu thuẫn nội tâm trong tôi trở nên trầm trọng ngày theo ngày. Trong đầu tôi vang
lên tiếng chửi rủa tôi, rằng tôi là một đứa ích kỷ khi quyết định đặt ước mơ của mình
lên trên ý nguyện của mẹ. “Sẽ ra sao nếu như mình không thành công?” tôi tự hỏi bản
thân. Tôi không muốn trở thành một gánh nặng của gia đình, thế nhưng tôi cũng
không muốn trở thành một người không có giấc mơ. Hai lựa chọn này như hai đòn
gánh đặt nặng lên vai tôi, tạo thành những đêm trắng mất ngủ triền miên.

Và tôi đột nhiên bật khóc nức nở. Cơn sợ hãi xâm lấn não bộ của tôi khi tôi không
còn nhận ra mình của quá khứ nữa. Vài năm về trước, những thông tin mà tôi có
được ở môi trường học tập chỉ là công thức toán học hoặc cách cân bằng phương
trình, tôi không biết được sẽ có những vật cản nào chờ đón tôi trong tương lai. Chính
vì tôi non trẻ, tôi đã nghĩ rằng chỉ cần đi theo con đường của mẹ, tôi sẽ không bao giờ
lạc lối. Vậy mà tại sao càng đi trên con đường ấy, tôi lại cảm thấy mình đã đánh mất
đi chính con người thật của bản thân, đánh mất đi những đam mê, ước ao thực sự để
thoả mãn ước nguyện của người khác. Những thành công của tôi năm cấp hai đều có
sự nỗ lực của mẹ. Nhờ có kế hoạch của mẹ, tôi mới có thể ưỡn ngực tự hào chưa bao
giờ lọt khỏi top 10 học sinh xuất sắc trong lớp suốt chín năm học. Tôi ngoan, tôi nghe
lời, và tôi có được những thứ mà mẹ tôi muốn, đâu tôi chẳng thấy niềm vui này của
tôi tồn tại được lâu. Nhưng khi tôi học cấp ba, lúc mà tôi dành thời gian để phát triển
kỹ năng xã hội nhiều hơn là học tập, tôi mới cảm thấy hạnh phúc hơn bao giờ hết. Tôi
đến mệt mỏi vì không biết đâu mới là con người thật của tôi. Vậy nên tôi chết trong
lòng.

Có rất nhiều nỗi lo âu hiện hữu trong tôi khi tôi nhận ra mình đang than vãn về mẹ.
Về cơ bản, không thành viên nào trong nhà tôi dám đưa ra ý kiến tiêu cực về hành
động của mẹ. Có lẽ tôi đã không còn là đứa con ngoan của mẹ nữa. Tôi đi tìm tiếng
nói bên trong mình. Có một đám tang hiện ra trong đầu tôi, phải rồi, tôi đang nghĩ
đến ngày mình vĩnh biệt trần thế. Tôi tưởng tượng đến việc những người trong đám
tang sẽ nói gì về tôi hoặc họ nghĩ tôi là người ra sao. Họ sẽ chỉ nhớ đến tôi như một
người con gái luôn nghe theo lời phụ huynh, học ngành kế toán như mẹ cô ta yêu cầu,
cưới người đàn ông mà mẹ cô ta ưng ý, và sống một cuộc đời chỉ quay cuồng trong
cơm áo gạo tiền để nuôi con mà không đoái hoài gì đến yêu thương bản thân.

Rồi một ngày tôi sẽ phải chết. Đến khi tôi chết, tôi muốn mọi người nhớ đến tôi với
tư cách một chuyên viên tâm lý đầy vị tha, một người đã được hưởng nền giáo dục
uyên bác để đem lại sự thay đổi tích cực cho cộng đồng về cách nhìn nhận bệnh tâm
lý, người đã cống hiến tuổi trẻ để chữa bệnh cho những người kém may mắn hơn.
Đêm đó, cuối cùng tôi đã tìm ra được cách giải quyết mâu thuẫn bên trong mình.
Tin tưởng vào bản thân và “cứ làm đi” đã trở thành châm ngôn sống của tôi. Cuộc
xung đột nội tâm này đã bắt tôi đối diện với những góc khuất trong cuộc đời của tôi,
để tôi học hỏi từ lỗi sai, trở nên mạnh mẽ hơn, trưởng thành hơn trên con đường theo
đuổi đam mê. Dù mẹ tôi rất giận dữ khi tôi tự ý đi theo định hướng của mình, tôi vẫn
yêu thương mẹ và mong một ngày nào đó, khi mẹ hiểu được những gì tôi đang làm,
mẹ sẽ biết được tôi nghiêm túc với nghề nghiệp này như thế nào. Nhờ trải nghiệm ở
phòng khám tâm lý, tôi nhận ra mình mong muốn được giúp đỡ những lứa tuổi học
sinh vượt qua những giai đoạn bối rối của tuổi dậy thì. Sau nhiều lần tìm hiểu, tôi
nhận ra trường Đại học Sư Phạm sẽ là một bến đỗ mới dành cho tôi. Vậy nên, để có
tiền học đại học, tôi đã mở một mô hình kinh doanh dịch vụ xem bài Tarot. Không
chỉ có thêm thu nhập, việc kinh doanh này khiến tôi được tiếp xúc với nhiều loại
người từ nhiều nơi khác nhau, giúp tôi rèn luyện được khả năng ăn nói và cách hỗ trợ,
tư vấn tâm lý cho người khác.

Từ bỏ việc sống ước mơ của người khác và theo đuổi đam mê của chính mình đã
mang lại cho tôi cuộc sống tự do. Đâu vậy, tôi vẫn tôn trọng những lời khuyên của
mẹ tôi và hy vọng có thể trưởng thành hơn để mẹ không phải lo lắng nhiều. Nhưng
tôi sẽ không đi theo một kế hoạch của người khác bởi vì tôi đang sống một cuộc sống
cho chính mình. Tôi nhất định phải trở thành sinh viên của trường Đại học Sư Phạm
Hà Nội và sẽ tận dụng mọi cơ hội học tập trường mang đến cho tôi mà không hề do
dự. Trong đầu tôi ngập tràn hình ảnh lớp học nghiên cứu về hành vi con người, nơi
tôi được thoải mái phát biểu những lý thuyết mà tôi đã tích lũy được trong thời gian
làm tình nguyện viên và qua những video của các nhà tâm lý học nổi tiếng trên
TedTalk. Dù cho cuộc sống đại học có nhiều khó khăn ở phía trước, tôi tin tưởng
rằng việc học hỏi từ cuộc chiến nội tâm cũ sẽ khiến tôi vững tay lái hơn để có thể một
mình ra ngoài biển khơi giữa giông bão.

You might also like