You are on page 1of 7

BÀI GIẢNG THỨ NHẤT:

SỰ CẦN THIẾT PHẢI CÓ HIỂU BIẾT TÂM LINH SÂU


SẮC
[…]
Giờ đây khi sắp sửa trình bày một phương pháp giáo dục có thể
xem là mới, tôi muốn nói điều này: Ngày nay, cái mới lạ được
nhiều người tìm kiếm chỉ bởi nó mới; thế nhưng, ai cố gắng
vươn đến cái mới trong bất cứ lĩnh vực nào của văn hóa trước
tiên đều phải giành được tư cách làm điều đó qua việc học tôn
trọng cái cũ.
Nơi đây ở Oxford tôi cảm nhận sức mạnh của những gì sống
trong các truyền thống xưa truyền cảm hứng cho mọi thứ như
thế nào. Một người cảm nhận được điều này có lẽ có quyền nói
về cái mới; bởi lẽ, một cái mới muốn duy trì được chính nó thì
phải có gốc rễ nơi [những gì trong] quá khứ [mà] đáng tôn kính.
Một bi kịch và thất bại lớn của thời đại chúng ta chính là cứ
muốn hết cái mới này đến cái mới khác, trong khi thật ít người
có khuynh hướng chính đáng là tạo ra cái mới từ trong cái xưa.
[…] Những gì tôi sẽ trình bày ở đây về giáo dục và giảng dạy
là dựa trên kiến thức tâm linh-khoa học – mà việc xây dựng nó
tôi đã lấy làm công trình cả đời mình.
Khoa học tâm linh này đã được xây dựng ban đầu chỉ bởi nó
cần được xây dựng; trong những năm gần đây các bằng hữu mới
bước ra mang nó vào những lĩnh vực cụ thể của đời sống. Emil
Molt từ Stuttgart – vốn đã quen thuộc với công việc đã và đang
diễn ra ở Goetheanum (Dornach, Thụy Sĩ) của khoa học tâm
linh Anthroposophy – mong muốn nhìn thấy nó được áp dụng
vào giáo dục trẻ em ở trường. Điều này đã dẫn đến việc thành
lập trường Waldorf ở Stuttgart.
Phương pháp sư phạm và giáo khoa của trường Waldorf này là
dựa trên nền tảng tâm linh đã nói – mà tôi khẳng định rằng phải
dẫn đến một sự đổi mới giáo dục phù hợp với tinh thần của thời
đại chúng ta: đổi mới sao cho nền giáo dục đáp ứng được những
nhu cầu được đặt ra bởi các nhiệm vụ và giai đoạn phát triển của
nhân loại thời kì này.
Nền giáo dục và chương trình giảng dạy đang bàn hoàn toàn
dựa vào kiến thức về con người – nhưng là một kiến thức nhắm
đến bao hàm mọi phần tâm linh (không nhận biết được bằng ngũ
quan thông thường) của toàn bộ bản thể con người từ khi sinh
đến khi chết, mọi yếu tố là minh chứng trường tồn rằng con
người thuộc về thế giới tâm linh.
Trong thời đại này, đời sống tâm linh chủ yếu của chúng ta vốn
đến từ những thời kì cổ đại, được nối tiếp bởi truyền thống.
Song song với đời sống tâm linh này – mà chúng ta mỗi ngày
một tương tác ít dần đi – là đời sống do những khám phá xuất
sắc của khoa học tự nhiên hiện đại đem lại. Trong một thời đại
đã và đang sống những nhà khoa học tự nhiên hàng đầu, khi
đang trình bày về đời sống tâm linh chúng ta cũng không thể
phớt lờ đóng góp có ảnh hưởng mạnh mẽ đến kiến thức của con
người mà khoa học tự nhiên mang lại.
Song, tuy khoa học tự nhiên có thể cho chúng ta hiểu rõ cơ thể
vật chất cùng những chức năng sinh lí trong cuộc đời vật chất
của con người, nó lại chưa hề thành công – dù có phát triển đến
đâu – trong việc chạm đến phần tâm linh vốt là cốt lõi của đời
sống con người, bởi nó được tiến hành bằng phương pháp thí
nghiệm dùng những công cụ bên ngoài và bằng quan sát bởi các
giác quan thông thường. Tôi không nói thế với ý chê bai. Đóng
góp to lớn của khoa học tự nhiên là nó đã duy nhất trong lịch sử
nhìn vào thế giới tự nhiên mà hoàn toàn không để ý đến bất cứ
yếu tố tâm linh nào ở đó. [Lời bàn 1]
Lời bàn 1: Ngành “khoa học tự nhiên” như được biết đến ngày
nay – ngành đã phát triển chuyên biệt tách khỏi các ngành được
gọi là “khoa học xã hội và nhân văn” – vốn có tuổi đời khá trẻ
trong lịch sử nhân loại Lùi xa hơn vào lịch sử, các nhà khoa học
thường am tường nhiều lĩnh vực không phân biệt “tự nhiên” hay
“xã hội”, chẳng hạn Pythagoras (thế kỉ 5-6 trước Công nguyên)
thường được biết đến là nhà toán học nhưng ông cũng là triết gia
và nhà huyền học có nhiều giảng dạy về chính trị và tâm linh,
Aristotle (thế kỉ 4 trước CN) viết về vật lí, sinh học, đạo đức
học, thẩm mĩ học, âm nhạc, tâm lí học, ngôn ngữ học, chính trị
và triết học, hay Galen (thế kỉ 2-3 sau CN), được cho là nhà
nghiên cứu y học lỗi lạc nhất lịch sử cổ đại) là y sĩ, nhà phẫu
thuật cũng là nhà triết học. Đến thời Phục Hưng vẫn có những
nhân vật am hiểu nhiều lĩnh vực tương tự như vậy, mà Leonardo
da Vinci là một ví dụ nổi bật. Người ta có thể nhìn vào những
tiểu sử này và chỉ nghĩ rằng họ là những cá nhân kiệt xuất,
nhưng không thấy phản ánh ở đây mối quan hệ khắng khít hầu
như không tách rời giữa các lĩnh vực khác nhau của tri thức
nhân loại (ta có thể tự hỏi: vì sao ngày nay chẳng còn nghe nói
đến nhà khoa học nào như vậy nữa, mà chỉ là những người xuất
sắc trong một hay cùng lắm là vài lĩnh vực?)
Nhưng cũng bởi sự hoàn toàn không để ý đó mà những kiến
thức về con người có được nơi tâm lí học và nhân chủng học
không giúp chúng ta lĩnh hội một cách thiết thực cái tâm linh.
Trong nền văn minh hiện đại này, chúng ta cũng có một đời
sống tâm linh được đa dạng các tôn giáo và tín ngưỡng duy trì
và giúp lan tỏa, nhưng văn hóa tâm linh này không có khả năng
cho chúng ta sự tin tưởng chắc chắn [“conviction”] về cái vĩnh
hằng và bất tử, về thế giới chúng ta thuộc về nhưng không cảm
nhận được bằng giác quan thường, khi cảm giác cô quạnh của
cuộc sống vật chất và thế giới quan vật chất khiến chúng ta tự
hỏi: “Đâu là hiện thực vĩnh cửu, tâm linh ẩn mình sau thế giới
cảm nhận được bằng giác quan?” [Ghi chú 2]
Ghi chú 2: Xem thêm bài “Làm thế nào để vượt qua sự thiếu
thốn nơi tâm hồn trong thời hiện đại?”
https://www.facebook.com/groups/1011527472258558/1561823
420562291/
Chúng ta có thể có tin rằng trước khi chào đời mình đã ở giữa
lòng những thế giới tâm linh, thiêng liêng. Chúng ta có thể đi
đến tin phần tâm linh của mình sẽ trải nghiệm những gì sau khi
bước qua ngưỡng cửa cái chết. Chúng ta có thể hệ thống hóa,
chính thức hóa những điều chúng ta tin như thế và hệ thống đó
sẽ sưởi ấm trái tim cùng làm hân hoan tinh thần ta. Chúng ta có
thể tự nhủ: “Trong tổng thể vũ trụ này con người là một thực thể
có tầm vóc hơn rất nhiều cuộc sống vật chất giữa sinh và tử
này.” Nhưng những gì chúng ta đạt được theo cách này mãi vẫn
chỉ là một niềm tin [“beliefs”], vẫn chỉ là điều chúng ta nghĩ và
cảm thấy. Mỗi ngày một khó khăn hơn chính là việc áp dụng
vào thực tế những khám phá quan trọng và nguyên lí của khoa
học tự nhiên trong khi vẫn mang giữ những niềm tin tâm linh
kiểu đã nói. Chúng ta biết qua những điều tâm linh, nhưng
chúng ta không còn hiểu cách sử dụng chúng, cách làm bất cứ
thứ gì với chúng, cách đem những lí tưởng tâm linh vào thấm
đẫm công việc và đời sống thường ngày của mình.
Lĩnh vực nào của cuộc sống đòi hỏi nhiều nhất ở chúng ta hiểu
biết tâm linh? Chính là trong giáo dục. Trong lĩnh vực này
chúng ta phải lĩnh hội con người tổng thể, mà con người tổng
thể bao gồm thể xác, tâm hồn và linh hồn. Muốn giáo dục chúng
ta phải có khả năng làm việc với các mặt tâm linh. Ở mọi thời
đại trong lịch sử, con người đã luôn phải lưu ý đến thế giới tâm
linh và hoạt động dựa trên sức mạnh của nó; giờ đây, bởi chúng
ta đã tiến những bước xa như thế trong khoa học [khảo sát
những khía cạnh] bên ngoài, yêu cầu phải làm việc với những
khía cạnh tâm linh bên trong là khẩn cấp hơn lúc nào hết. Cho
nên vấn đề xã hội của thời nay trên hết và quan trọng hơn hết
chính là vấn đề giáo dục. Chúng ta hoàn toàn có lí do để hỏi:
Phải làm gì để cơ cấu và tổ chức xã hội bớt bi kịch, bớt đầy đe
dọa? [Lời bàn 3] Và không có câu trả lời nào khác ngoài rằng
trước tiên, chúng ta phải đưa vào cuộc sống thực tế, vào cộng
đồng xã hội những người được giáo dục thông qua kiến thức và
hoạt động sáng tạo [có nguồn gốc từ thế giới] tâm linh.
Lời bàn 3: Mình tin rằng phải nhìn thế giới đúng như thực
trạng của nó thì mới mong nhận được động lực thật sự để nỗ lực
tâm linh. Mình không có mục đích chỉ trích một cá nhân cụ thể
nào – bởi ai nói như thế thì mình cũng sẽ có cùng phản ứng –
nhưng mình cho rằng nói kiểu “thế giới của niềm vui và hòa
bình/sự thanh thản nằm ngay đầu ngón tay, chúng ta chỉ cần
chạm lấy nó” tuy nghe rất động viên, rất lạc quan, rất yên ủi
nhưng thật sự cũng rất, ừm, Luciferic.
Loại kiến thức tôi đang mô tả có điều kiện cần là chúng ta
không ngừng đối phó với cuộc sống. [Lời bàn 4] Nó đi tìm cái
tâm linh bên trong cuộc sống và lấy đó làm nền tảng của giáo
dục xuyên suốt những giai đoạn đời khác nhau. Ở trẻ con, phần
tâm linh gần với phần thể xác hơn ở người lớn; chúng ta có thể
thấy phần vật chất được định hình bởi phần tâm linh. Khoa học
tự nhiên hiện đại đã quan sát thấy bộ não của một trẻ vừa lọt
lòng có thể ví như khối đất sét mà một nhà điêu khắc cầm lấy để
tạo hình. Đến khi trẻ bảy tuổi bắt đầu đi học tiểu học, bộ não của
nó đã trở thành một công trình nghệ thuật tuyệt vời – nhưng là
một công trình nghệ thuật cần phải được tiếp tục tác động và cải
thiện mãi đến khi rời ghế nhà trường. Những năng lực tâm linh
sâu kín hoạt động tạo hình cơ thể người, và với tư cách các nhà
giáo dục chúng ta được yêu cầu đóng góp vào quá trình đó.
Nhưng chúng ta phải làm nhiều hơn chỉ quan sát bản thể vật
chất; tuy chúng ta không bao giờ được làm ngơ phần thể xác,
chúng ta phải quan sát nơi đó hoạt động của những yếu tố tâm
linh. Chúng ta được yêu cầu phải làm việc với linh hồn của đứa
trẻ – [mà để như thế] phải liên hệ bản thân không chỉ với tự
nhiên, mà còn với trật tự tâm linh của thế giới. [Lời bàn 5]
Lời bàn 4: Cho nên một người rút lui khỏi cuộc sống dù dưới
hình thức nào cũng là đang không tự tạo điều kiện để mình nhận
lấy và đào sâu kiến thức đó!
Lời bàn 5: Cho nên “thuận tự nhiên” mà tự nhiên chỉ như
chúng ta quan sát thấy bằng ngũ quan thông thường là không
thật sự đúng đắn hay có ý nghĩa. “Tự nhiên/Thiên nhiên” là gì?
Từ đâu có? Đâu thật sự là những “qui luật tự nhiên” (và cũng vì
sao có chúng)? Vì sao con người nên “thuận” theo chúng?
Thuận tự nhiên có phải là sống như muôn loài khác trong thiên
nhiên hoang dã? v.v. Bao nhiêu là câu hỏi.
Khi đối diện nghiêm túc với giáo dục, chúng ta được yêu cầu
không chỉ công nhận [sự tồn tại của] Đấng Tối cao [“God”] để
có được sự thanh thản trong tâm hồn, mà còn phải khiến xảy ra
điều Ngài muốn cho xảy ra, phải biến thành hành động những kế
hoạch Ngài đã định. [Lời bàn 6] Để làm được những điều này
cần phải có một nền tảng tâm linh cho giáo dục. Nền tảng tâm
linh này là đề tài tôi sẽ trình bày trong những ngày tiếp theo.
Lời bàn 6: Mình cảm nhận sâu sắc điều này khi “dấn thân” vào
con đường giáo dục Waldorf từ chỗ một người hoàn toàn
không có bất cứ niềm tin tâm linh nào. Vì sao ta lại bị giáo dục
Waldorf thu hút? Vì sao nó truyền cảm hứng cho ta? Vì sao ta
cứ bước tới dù vấp phải bao nhiêu là khó khăn, dù luôn là thiểu
số ít ỏi? Vì sao ta nên làm theo những nguyên lí này hay
phương pháp kia (mà Steiner nói và ta thấy chí lí, khiến ta cảm
động) dù thứ nào cũng có vẻ “không bình thường”? v.v. Hỏi tới
nơi thì đúng là chỉ có thừa nhận God (cùng những khái niệm
tâm linh khác như karma) như Steiner nói mới có nổi “peace of
soul.”

(còn tiếp)

You might also like