You are on page 1of 34

GIẢI QUYẾT TRANH CHẤP

HỢP ĐỒNG TRONG


BỐI CẢNH DỊCH COVID-19
THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH
PHỤC HỒI VÀ PHÁT TRIỂN
KINH TẾ - XÃ HỘI
Luật sư, nhà báo Trần Văn Chương
Trung tâm Hỗ trợ pháp luật HHDN - NVV Việt Nam
Pháp luật về hợp đồng ở Việt Nam hiện nay được quy định trong nhiều văn bản khác nhau như
Bộ luật dân sự, Bộ luật lao động, Luật thương mại, Luật kinh doanh bảo hiểm... Tuy nhiên, Bộ luật
Dân sự được coi là luật gốc quy định các vấn đề chung, là nền tảng cho pháp luật về hợp đồng để
điều chỉnh các quan hệ hợp đồng được xác lập trên nguyên tắc bình đẳng, tự nguyện, tự thỏa thuận
và tự chịu trách nhiệm.
Trong thời gian vừa qua do đại dịch Covid 19 diễn biến phức tạp, gây ra những tác động nặng nề
chưa từng có đối với các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp NVV, ảnh hưởng tới việc thực hiện các
hợp đồng nói chung và hợp đồng kinh doanh – thương mại nói riêng. Do các yếu tố khách quan tác
động, các tranh chấp hợp đồng phát sinh nhiều hơn, đòi hỏi các bên tham gia vào quan hệ hợp đồng
phải lựa chọn, áp dụng các phương thức phù hợp pháp luật cho phép, để xử lý các tranh chấp có hiệu
quả cao nhất và từng bước phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội.
I. Pháp luật hợp đồng và giải quyết
tranh chấp hợp đồng
1. Khái niệm Hợp đồng
Theo điều 385 Bộ luật Dân sự năm 2015: “Hợp đồng là sự thỏa thuận giữa các bên về việc xác lập, thay đổi, hoặc
chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự.”

Như vậy hợp đồng được hiểu là sự thể hiện ý chí của các bên bằng việc thỏa thuận với nhau về quyền và
nghĩa vụ của các bên, xác định khi nào và trong điều kiện nào thì các quyền và nghĩa vụ này được xác lập,
được thay đổi và chấm dứt. Các chủ thể tham gia hợp đồng có thể là cá nhân hoặc pháp nhân hoặc các chủ
thể khác. Khách thể của hợp đồng chính là đối tượng của hợp đồng, có thể là tài sản, hàng hóa hoặc dịch
vụ... Nguyên tắc quan trọng và được pháp luật bảo vệ là tự do thỏa thuận, bình đẳng và thiện chí trong việc
giao kết, thực hiện hợp đồng. Căn cứ vào các tiêu chí khác nhau mà hợp đồng được phân thành nhiều loại
khác nhau quy định tại Điều 402 Bộ luật Dân sự năm 2015.
2. Tranh chấp hợp đồng và đặc điểm của tranh chấp hợp đồng

Đặc điểm cơ bản của tranh chấp hợp đồng


(i) Phát sinh trực tiếp từ quan hệ hợp đồng, nên luôn luôn thuộc quyền tự định đoạt của các bên
tranh chấp (tức các bên trong hợp đồng).
(ii) Mang yếu tố tài sản (vật chất hay tinh thần) và gắn liền lợi ích các bên trong tranh chấp.
(iii) Nguyên tắc giải quyết tranh chấp hợp đồng là bình đẳng, thỏa thuận
II. Giải quyết tranh chấp hợp đồng trong bối cảnh dịch
Covid-19, thực hiện chương trình phục hồi và phát triển
kinh tế - xã hội

A. Các phương thức giải quyết tranh chấp hợp đồng

Do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, giãn cách xã hội kéo dài đã ảnh hưởng rất nhiều đến sự phát triển
của nền kinh tế xã hội. Các bên tham gia hợp đồng đối mặt với nhiều rủi ro về pháp lý, tài chính, bị phạt hợp
đồng… Thời gian qua do gặp nhiều khó khăn trong thực hiện hợp đồng, các bên tham gia hợp đồng có xu hướng
lấy dịch Covid-19 làm “sự kiện bất khả kháng” hay “hoàn cảnh thay đổi cơ bản” để lý giải nguyên nhân chậm
trễ thực hiện hợp đồng hoặc không thực hiện đúng như cam kết (mà chưa áp dụng mọi biện pháp cần thiết và
khả năng cho phép của mình) để thực hiện, dẫn đến tranh chấp xảy ra kéo dài, ảnh hưởng hoạt động sản xuát
kinh doanh cho cả hai bên
Cơ sở pháp lý và thực tiễn hiện nay ở Việt Nam ghi nhận bốn phương thức giải quyết tranh hợp đồng là:
Thương lượng; Hòa giải; Trọng tài và Tòa án. Các bên có quyền lựa chọn một trong các phương thức giải quyết
phù hợp, để đạt được hiệu quả cao nhất.
1. Giải quyết tranh chấp hợp đồng thông
qua phương thức thương lượng

“Thương lượng là việc bàn bạc nhằm đi đến thỏa thuận giải quyết một vấn đề nào đó giữa các bên“.
Thương lượng là hình thức giải quyết tranh chấp không chính thức, không có sự can thiệp của cơ
quan nhà nước hay bên thứ ba.
Trong 04 phương thức giải quyết tranh chấp hợp đồng nói chung và hợp đồng thương mại nói riêng,
phương thức giải quyết tranh chấp thông qua thương lượng được doanh nghiệp, người dân quan tâm
nhiều hơn và trên thực tế được áp dụng có hiệu quả cao nhất.
Về cơ sở pháp lý: Các hợp đồng khi giao kết 2 bên đều thỏa thuận điều khoản việc giải quyết tranh
chấp bằng thương lượng là lựa chọn đầu tiên khi có vi phạm. Điều 329 LTM-2005 cũng quy định:
“Tranh chấp thương mại trước hết phải được giải quyết thông qua thương lượng giữa các bên”.
Về thục tiễn: Giải quyết bằng thương lượng không đòi hòi thủ tục phức tạp, không bị ràng buộc bởi
các quy định về pháp lý, giữ được bí mật kinh doanh và là hạn chế chi phí nhất so với các phương
thức giải quyết tranh chấp khác. Thành công, mối quan hệ được bảo toàn, thậm trí còn được gắn bó,
nâng cấp giữa các đối tác.
2. Giải quyết tranh chấp hợp đồng thông
qua phương thức hòa giải

Hòa giải là hình thức giải quyết tranh chấp xuất hiện sớm nhất trong lịch sử xã hội loài người trên nhiều lãnh
vực, chứ không riêng đặc trưng gì với tranh chấp hợp đồng.

Ở Việt Nam việc hòa giải tranh chấp hợp đồng được coi trọng, các bên phải tự hòa giải với nhau khi phát
sinh tranh chấp, khi hòa giải không thành mới đưa ra Tòa án hoặc Trọng tài giải quyết. Ngay tại Tòa án, các
bên vẫn có thể tiếp tục hòa giải với nhau. Ở VN, bình quân mỗi năm, số lượng tranh chấp kinh tế được giải
quyết bằng phương thức hòa giải chiếm đến trên dưới 50% tổng số vụ việc mà Tòa án đã phải giải quyết.
Các hình thức hòa giải

– Tự hòa giải: các bên tranh chấp tự bàn bạc để đi đến thống nhất phương án giải quyết tranh chấp không cần tới
sự tác động hay giúp đỡ của bên thứ ba.
– Hòa giải qua trung gian: các bên tranh chấp tiến hành hòa giải với nhau dưới sự hỗ trợ, giúp đỡ của người thứ
ba (người trung gian hòa giải). Trung gian hòa giải có thể là cá nhân, tổ chức hay Tòa án do các bên tranh chấp
chọn lựa hoặc do pháp luật quy định.
– Hòa giải ngoài thủ tục tố tụng: Là việc hòa giải được các bên tiến hành trước khi đưa đơn khởi kiện ra Tòa án
hay Trọng tài.
– Hòa giải trong thủ tục tố tụng: là việc hòa giải được tiến hành tại Tòa án, Trọng tài khi các cơ quan này tiến
hành giải quyết tranh chấp theo đơn kiện của một trrong các bên (hòa giải dưới sự trợ giúp của Tòa án hay Trọng
tài). Tòa án, Trọng tài sẽ ra quyết định công nhận sự thỏa thuận của các bên và quyết định này có giá trị cưỡng
chế thi hành đối với các bên.
3. Giải quyết tranh chấp hợp đồng thông
qua phương thức giải quyết bởi Trọng Tài

- Phương thức giải quyết trọng tài cũng bắt nguồn từ sự thỏa thuận của các bên trên cơ sở tự nguyện. Các bên
thỏa thuận lựa chọn một Trọng tài phù hợp, chỉ định Trọng tài viên để thành lập Hợp đồng (hoặc Ủy ban)
Trọng tài giải quyết tranh chấp. Tính tài phán của Trọng tài thể hiện ở quyết định trọng tài có giá trị cưỡng
chế thi hành.
- Thẩm quyền của Trọng tài được xác định không phụ thuộc vào quốc tịch, địa chỉ trụ sở giao dịch chính của
các bên tranh chấp hay nơi các bên tranh chấp có tài sản hay nơi ký kết hoặc thực hiện hợp đồng.
3. Giải quyết tranh chấp hợp đồng thông
qua phương thức giải quyết bởi Trọng Tài

- Điều kiện để trọng tài có thẩm quyền giải quyết tranh chấp là các bên phải có thỏa thuận Trọng tài. Thỏa
thuận trọng tài là sự nhất trí của các bên đưa ra những tranh chấp đã hoặc sẽ phát sinh giữa họ ra giải quyết
tại trọng tài và phải thể hiện dưới hình thức văn bản và chỉ đích danh một trung tâm trọng tài cụ thể.
- Trọng tài hoạt động theo nguyên tắc xét xử một lần. Phán quyết Trọng tài có tính chung thẩm: các bên
không thể kháng cáo trước Tòa án hoặc các tổ chức nào khác. Các bên tranh chấp phải thi hành phán quyết
Trọng tài trong thời hạn ấn định của phán quyết.
4. Giải quyết tranh chấp hợp đồng theo thủ
tục tố tụng tư pháp
Khi tranh chấp hợp đồng phát sinh, nếu các bên không tự thương lượng, hòa giải với nhau thì có thể được
giải quyết tại Tòa án. Tùy theo tính chất của hợp đồng là kinh tế hay dân sự mà các tranh chấp phát sinh có
thể được Tòa án giải quyết theo thủ tục tố tụng kinh tế hay thủ tục tố tụng dân sự.
Các quyết định của Tòa án có tính cưỡng chế thi hành đối với các bên. Với nguyên tắc 2 cấp xét xử, những
sai sót trong quá trình giải quyết tranh chấp có khả năng được phát hiện khắc phục; án phí Tòa án thấp hơn lệ
phí Trọng tài.
Tuy nhiên, giải quyết tranh chấp hợp đồng qua Tòa án sẽ mất nhiều thời gian vì thủ tục tố tụng Tòa án rất
chặt chẽ.
B. Một số vụ việc và khuyến cáo của
người tư vấn doanh nghiệp
1. Vụ khởi kiện Tòa án không chấp nhận toàn bộ
yêu cầu của nguyên đơn ngày 20/4/2022
1.1. Nội dung vụ việc

Doanh nghiệp (NA) ký với doanh nghiệp (NB) hợp đồng số 17/HĐMBHH-2019 ngày 25/12/2019.
Trong hợp đồng có Điều 4 quy định:
“4. Khi NA giao lô hàng thứ I, NB không cần thanh toán đủ tiền mà được để lại 200 triệu đồng
tiền hàng đã nhận (không căn cứ vào giá trị lô hàng). Khi NA giao hàng đợt thứ hai, NB thanh
toán số tiền nợ 200 triệu đợt thứ I, trả tiền hàng đợt thứ II và cũng được để lại 200 triệu đồng tiền
hàng đã nhận cho đến khi nhận lô hàng thứ 3. Các lần mua tiếp theo (nếu có) đều thực hiện như
trên.”
Sau khi giao nhận hàng 3 lần đúng theo thỏa thuận, đến thời điểm cuối tháng 6/2021 (khi dịch Covid-19 bùng phát
nhiều nơi). Doanh nghiệp NA cho rằng nếu chuyển hàng cho doanh nghiệp NB cũng không có khả năng thanh toán
200 triệu đồng nợ và tiền hàng mới, nên không chuyển lô hàng đợt 4. Mặc dù NB yêu cầu chuyển tiếp lô hàng thứ
tư giá trị 400 triệu đồng (thời điểm này cả 2 địa phương của NA và NB chưa bị dãn cách xã hội).

Bắt đầu từ tháng 7/2021 các địa phương phải thực hiện dãn cách xã hội, việc chuyển hàng gặp trở ngại. Sau nhiều
lần đòi 200 triệu đồng tiền hàng còn nợ, NB không trả, doanh nghiệp NA khởi kiện doanh nghiệp NB ra TAND
Tp.HN nơi có trụ sở NB ngày 05/2/2022.

1.2. Kết quả


Kết quả: Tòa án không chấp nhận toàn bộ yêu cầu của nguyên đơn vì lý do“Doanh nghiệp NB không vi
phạm hợp đồng”.
1.3 Nhận xét về vụ việc
(i) Căn cứ vào hợp đồng số 17/HĐMBHH-2019 ngày 25/12/2019. Điều 4 hai bên đã thỏa thuận: Chỉ khi
nào doanh nghiệp NA giao hàng, doanh nghiệp NB mới phải trả 200 triệu đồng nợ tiên hàng lô trước.
(ii) Mặc dù NB yêu cầu giao hàng (khi đó giao thông vẫn đi lại bình thường từ NA đến NB) nhưng NA lại
không giao hàng mà không có lý do chính đáng. Như vậy chính doanh nghiệp NA đã vi phạm hợp đồng
(đơn phương chấm dứt hợp đồng).
(iii) Trong hợp đồng không có điều khoản nào thỏa thuận khi nào thì các bên có quyền chấm dứt hợp đồng
và giải quyết số tiền hàng nợ hàng như thế nào nếu NA không chuyển hàng cho NB.
2. Vụ việc thuê nhà vào tháng 4/2022

2.1. Nội dung vụ việc

- Tháng 01/2019 Cty TNHH Đầu tư & Thương mại Trần Ninh (Bên B) thuê nhà ông Lê Minh Hải và vợ là bà Trần
Thị Hà (Bên A), P.Phú Lãm, Hà Đông Tầng 1 làm văn phòng, diện tích sử dụng 120 m2 khép kín giá 180 triệu
đồng/năm (15 triệu đồng/tháng) thời hạn thuê 01 năm. Thời điểm này, Bên B đang phải thuê địa điểm khác để làm
kho chứa hàng cách văn phòng hơn 3 km nên gặp nhiều trở ngại trong hoạt động.
- Tháng 01/2020 vợ chồng ông Hải, bà Hà chuyển vào sống với con trong Tp.HCM. Hai bên thanh lý Hợp đồng
thứ nhất và ký Hợp đồng thứ 2. Bên A cho Bên B thuê toàn bộ ngôi nhà diện tích sử dụng 360m2 (trừ 1 phòng 20m2
tầng 3 khóa cửa để đồ đạc và phòng khi gia đình đi về); Giá thuê 350 triệu đồng/năm.
- Hai bên thỏa thuận: Thời hạn thuê là 5 năm (01/01/2020 đến 31/12/2024), thanh toán mỗi năm một lần vào ngày
01/01 là 350 triệu đồng/năm qua chuyển khoản. Để đảm bảo cho hoạt động kinh doanh cho Bên B và cũng là nhu
cầu của Bên A nhằm hạn chế sự biến động thị trường giá cả, Bên B đặt trước một năm tiền thuê nhà là 350 triệu
đồng. Số tiền này là tiền đặt cọc và sẽ thanh toán tiền thuê nhà khi kết thúc năm thứ 5 của hợp đồng. Bên nào đơn
phương chấm dứt hợp đồng trước thời hạn, bên đó phải bồi thường số tiền là 350 triệu đồng.
- Bên B sử dụng tầng 1 làm văn phòng, tầng 2, tầng 3 làm kho chứa hàng và sinh hoạt rất thuận tiện, phù hợp với
nhu cầu hoạt động của đơn vị.
- Bên B sử dụng tầng 1 làm văn phòng, tầng 2, tầng 3 làm kho chứa hàng và sinh hoạt rất thuận tiện, phù
hợp với nhu cầu hoạt động của đơn vị.
- Tháng 7/2021 dịch Covid bùng phát, hoạt động kinh doanh bị ngưng trệ do giãn cách xã hội, hàng hóa
Bên B không bán được, các đại lý không đến nhận hàng. Bên B cho rằng tình hình dịch bệnh có nguy cơ
kéo dài không thể lường trước, ngày 30/11/2021 Bên B yêu cầu Bên A đàm phán lại hợp đồng trong thời
hạn là 30 ngày (từ ngày 01/12/2021 đến ngày 31/12/2021), nhằm tạo điều kiện giảm thiểu các thiệt hại cho
Bên thuê.
- Điều kiện Bên B đặt ra là Bên A phải giảm 70% giá thuê hàng năm (còn 105 triệu đồng/năm) tính từ tháng
01/2022; nếu không sẽ chấm dứt hợp đồng vào ngày 01/01/2022 với lý do hợp đồng bị ảnh hưởng do “hoàn
cảnh thay đổi cơ bản” vì dịch bệnh và yêu cầu Bên A trả lại số tiền đặt cọc 350 triệu đồng.
- Bên A không đồng ý vì cho rằng hợp đồng đã có Điều quy định “Điều 5. Các thỏa thuận trong hợp đồng
này không chịu ảnh hưởng bất kỳ của sự kiện khách quan nào, trừ trường hợp có quy định của pháp luật
hiện hành”.
Do không đạt được thỏa thuận, Bên B có ý định khởi kiện yêu cầu Tòa án giải quyết: Chấm dứt hợp đồng
tại một thời điểm xác định, hoặc sửa đổi hợp đồng để cân bằng quyền và lợi ích hợp pháp của các bên do
hoàn cảnh thay đổi cơ bản và Ben B nhờ luật sư tư vấn.
2.2 Nhận xét về vụ việc
(i) Chưa có cơ sở nào rõ ràng để kết luận rằng dịch Covid-19 làm “hoàn cảnh thay đổi cơ bản”. Nếu Bên B
muốn áp dụng quy định này thì phải chứng minh để thỏa mãn các yếu tố đặc trưng quy định tại Điều 420
BLDS-2015.
(ii) Việc Bên B phải trả tiền thuê mà không thể khai thác như mong muốn có thể được coi là ảnh hưởng
nghiêm trọng hay không buộc Bên B phải chứng minh để thuyết phục Tòa án.
* Căn cứ pháp lý để viện dẫn là Điều 420 BLDS-2015:
- Để xác định thiệt hại thì cần xem xét toàn bộ quan hệ hợp đồng, cả khoảng thời gian hợp đồng đã thực hiện trước khi có sự
thay đổi của hoàn cảnh (từ tháng 01/2020 đến tháng 6/2021). Hoặc phải căn cứ vào điểm d khoản 1 Điều 420 BLDS-2015,
thiệt hại cần được xác định trên cơ sở giả thiết bên bị ảnh hưởng nếu tiếp tục thực hiện hợp đồng (tháng 7/2022 đến ngày
31/12/2024) và thiệt hại đó phải là nghiêm trọng với Bên B.
“d) Việc tiếp tục thực hiện hợp đồng mà không có sự thay đổi nội dung hợp đồng sẽ gây thiệt hại nghiêm trọng cho một bên;”
- Đồng thời Bên B phải chứng minh họ đã áp dụng mọi biện pháp cần thiết trong khả năng cho phép. Đây là điều Bên B
không thể chứng minh vì các các lý do sau:
+ Với DN để hoạt động DN phải đăng ký vốn điều lệ, có cơ sở vật chất và phải tự chịu trách nhiệm bằng tài sản của mình
(vốn ĐL của Cty là 5 tỷ).
+ Hiện tại, Ban GĐ Cty đang sử dụng chiếc xe giá gần 2 tỷ, 2 xe 7 chỗ; 2 xe chở hàng và các tài sản khác. Bên B hoàn toàn
có thể thế chấp tài sản để vay ngân hàng trả số tiền 350 triệu thuê nhà hàng năm. Như vậy, nếu căn cứ vào điểm d khoản 1
Điều 420 BLDS-2015 với Bên B là hoàn toàn không có căn cứ.
“đ) Bên có lợi ích bị ảnh hưởng đã áp dụng mọi biện pháp cần thiết trong khả năng cho phép, phù hợp với tính chất của hợp
đồng mà không thể ngăn chặn, giảm thiểu mức độ ảnh hưởng đến lợi ích.”
(iii) Quy định tại Điều 420 chỉ tạo ra cơ hội cho bên có nguy cơ phải chịu thiệt hại nếu tiếp tục hợp đồng
bằng việc trao cho Bên B quyền yêu cầu bên kia đàm phán lại hợp đồng.
Mặc dù vậy, Bên A (bên không bị ảnh hưởng) không có nghĩa vụ buộc phải đàm phán để đạt kết quả nhất
định, bởi lẽ nguyên tắc quyền tự do hợp đồng vẫn phải được đảm bảo trong mọi trường hợp.
Trong giao kết hợp đồng các bên hoàn toàn có thể thỏa thuận về việc bồi thường, chấm dứt hợp đồng, trách
nhiệm và nghĩa vụ của các bên... mà không phụ thuộc vào các yếu tố khách quan, chỉ cần các thỏa thuận
không trái đạo đức xã hội hay trai với quy định của pháp luật.
(iv) Khi nào có thể coi là có thiệt hại nghiêm trọng cho một bên, khi bên thuê hoàn toàn không thể khai thác
mặt bằng kinh doanh, hay ngay cả khi bên thuê vẫn có thể khai thác nhưng lợi ích bị suy giảm và trong
trường hợp này thì giới hạn là bao nhiêu để coi là có thiệt hại nghiêm trọng là điều rất khó trong thực tế vì
chưa có chuẩn mực hay hướng dẫn nào của cơ quan có thẩm quyền.
Thực tế Bên B vẫn đang khai thác sử dụng 340m2 ngôi nhà (giá trị nhiều chục tỷ đồng của Bên A) làm văn
phòng, kho chứa hàng, sinh hoạt... nếu phải thuê kho chứa hàng chỗ khác cũng không dưới 100 triệu
đồng/tháng. Có chăng lợi ích chỉ bị suy giảm do hoàn cảnh thay đổi do dịch bệnh covid-19, nhưng không
thể coi là “có thiệt hại nghiêm trọng” cho bên thuê nhà.
(v) Tòa án sẽ vướng mắc trong việc quyết định sửa đổi hay chấm dứt hợp đồng. Vì quy định của khoản
3 Điều 420 BLDS-2015: Khi các bên yêu cầu Tòa án chấm dứt hợp đồng thì Tòa án không thể sửa đổi
hợp đồng.
Vì việc sửa đổi hợp đồng bởi Tòa án, là sự can thiệt sâu vào quan hệ giữa các bên. Khi các bên yêu cầu
sửa đổi hợp đồng thì “Tòa án chỉ được quyết định sửa đổi hợp đồng trong trường hợp việc chấm dứt
hợp đồng sẽ gây thiệt hại lớn hơn so với các chi phí để thực hiện hợp đồng nếu được sửa đổi”
Quy định này liên quan tới thẩm quyền của Tòa án, cũng như việc áp dụng trên thực tế việc xác định
thiệt hại trong trường hợp chấm dứt hợp đồng, để so sánh với các chi phí nhằm thực hiện hợp đồng nếu
được sửa đổi với các bên là không đồng nhất và không thể xác định một cách dễ dàng trong thực tế.
(vi) Nếu có tranh chấp xảy ra, cơ quan có thẩm quyền giải quyết tranh chấp phải
ưu tiên áp dụng thỏa thuận của các bên trong hợp đồng.
Trong hợp đồng này có thỏa thuận “Điều 5. Các thỏa thuận trong hợp đồng này
không chịu ảnh hưởng bất kỳ của sự kiện khách quan nào, trừ trường hợp có quy
định của pháp luật hiện hành”.
(vii) Nếu Bên B yêu cầu Tòa án giải quyết thì trong suốt quá trình đàm phán sửa
đổi, chấm dứt hợp đồng, Tòa án giải quyết vụ việc, các bên vẫn phải tiếp tục
thực hiện nghĩa vụ của mình theo hợp đồng và thời gian này không phải là chỉ
vài ba tháng mà có thể hàng năm.
“Khoản 4 Điều 420 BLDS-2015. Trong quá trình đàm phán sửa đổi, chấm dứt
hợp đồng, Tòa án giải quyết vụ việc, các bên vẫn phải tiếp tục thực hiện nghĩa
vụ của mình theo hợp đồng, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.”
(viii) Nếu Bên B đơn phương chấm dứt hợp đồng Bên B phải bồi thường số tiền
là 350 triệu đồng như thoả thuận, cùng với tiền thuê mặt bằng, văn phòng, kho
chứa hàng, duy trì hoạt động và tồn tại cũng không phải là nhỏ.
* Quan điểm của luật sư tư vấn
Từ phân tích trên, người tư vấn khuyên Công ty Trần Ninh không nên yêu cầu
Tòa án giải quyết mà phải kiên trì thương lượng hoặc hòa giải sao cho hai bên
đều có lợi và không ảnh hưởng tới quá trình thực hiện hợp đồng, chờ đợi sau khi
đại dịch được khống chế, đảy lùi để doanh nghiệp ổn định và tiếp tục hoạt động.
* Kết quả
Ngày 15/02/2022, sau nhiều lần thương lượng, hai bên thỏa thuận:
(i) Ông Lê Minh Hải và bà Trần Thị Hà đồng ý giảm giá thuê nhà với tinh thần hỗ trợ Công ty Trần
Ninh 30% giá thuê nhà trong năm 2022 do công ty gặp hoàn cảnh khó khăn của đại dịch với số tiền
cụ thể là 105 triệu đồng (được tính trừ vào tiền thuê nhà năm 2023).
(ii) Từ năm 2023 và những năm tiếp theo đến khi kết thúc hợp đồng (31/12/2024) giá thuê nhà như
đã thỏa thuận (350 triệu/năm).
(iii) Trong mọi trường hợp, bên nào đơn phương chấm dứt hợp đồng trước thời hạn, bên đó phải bồi
thường 350 triệu đồng và những thiệt hại khác nếu có theo quy định của pháp luật hiện hành.
3. Một số khuyến cáo khi doanh nghiệp giao kết hợp đồng

(i) Các điều khoản trong hợp đồng phải chặt chẽ về hiệu lực của hợp đồng, các điều kiện
chấm dứt hợp đồng, giải quyết các khoản tiền vay, nợ (nếu có) cụ thể, rõ ràng.
(ii) Các bên tham gia giao dịch nên tìm một giải pháp an toàn bằng cách xây dựng các
điều khoản trong thỏa thuận chặt chẽ, kể cả các sự kiện bất khả kháng hoặc trở ngại khách
quan dẫn đến “hoàn cảnh thay đổi cơ bản” để có thể phản ứng linh hoạt, dự liệu với sự tác
động bên ngoài không mong muốn ảnh hưởng đến quan hệ hợp đồng, nhất là bài học sau
đại dịch Covid-19 vừa qua.
(iii) Doanh nghiệp cần tham khảo tư vấn của luật sư, chuyên gia pháp lý trước khi ký hợp
đồng và sau khi có tranh chấp xảy ra, đồng thời trong mọi trường hợp khi có xảy ra tranh
chấp, nên kiên trì lựa chọn phương thức giải quyết thông qua thương lượng trước khi sử
dụng các phương thức khác, để hạn chế các rủi ro ở mức thấp nhất và giữ được mối quan
hệ với bạn hàng truyền thống cũng như uy tín của mình./.
Làm nghề tư vấn doanh nghiệp, trong thời gian vừa qua tôi đã tư vấn cho
gần chục vụ liên quan đến tranh chấp và giải quyết tranh chấp về hợp đồng
kinh doanh, thương mại và lao động. Từ thực tiễn tôi rút ra một số kinh
nghiệm và xin được chia sẻ cùng các quý vị. Vì thời gian có hạn tôi xin phép
được dừng tại đây. Hẹn gặp lại các qúy vị trong Hội nghị dự kiến tổ chức
vào ngày 23/9/2022: “Pháp luật về lao động, an sinh xã hội đối với doanh
nghiệp trong bối cảnh phục hồi sản xuất kinh doanh và phát triển kinh
tế - xã hội sau Covid-19”.
Xin trân trọng cảm ơn quý vị đã tham dự
hội nghị hôm nay.
Kính chúc quý vị Mạnh khỏe – Hạnh phúc!

You might also like