You are on page 1of 6

Nhân gian rộng lớn đến thế nào khi những muộn sầu của con

người lại chẳng thể ôm hết, thế giới mênh mông ra làm sao khi ở đời
những nỗi buồn lại chẳng hề vơi đi. Là thi sĩ, có ai mà không dốc lòng
mình xuống những phận đời, phận người đâu? Ngỡ tưởng rằng mọi
nỗi đau đều có thể tự chữa lành, nhưng rồi đến một khắc ta chợt
nhận ra bản thân mình đã bị tổn thương quá nhiều. Chỉ khi tâm tĩnh
và tim về với văn chương thì con người mới được cảm hóa, an ủi, và
vỗ về như Lê Ngọc Trà đã từng nói: "Nghệ thuật bao giờ cũng là tiếng
nói tình cảm của con người, là sự tự giãi bày và gửi gắm tâm tư." Là
thi sĩ, có ai mà không dốc lòng mình xuống những phận đời, phận
người đâu?

Bằng ý nghĩa đó, họ chọn giao phó lòng mình vào ngòi bút để
tìm kiếm sự đồng điệu trong tâm hồn như một liều thuốc giảm đau.
Tác giả Nguyễn Bính - người vẫn còn mang nỗi đau, lại đi chữa lành
vết thương cho kẻ khác bằng tình yêu và sự hi sinh thầm lặng trong
tác phẩm "Mùa xuân xanh" của mình. Bài thơ ấy được in vào năm
1937 trong tập 'Một nghìn cửa sổ ' với chủ đề thể hiện vẻ đẹp căng
tràn, tươi mới của mùa xuân và mối giao hòa giữa thiên nhiên và con
người, từ đó tạo cho con người sự hứng khởi, vui tươi và rộn rã.
Đồng thời nó còn là một minh chứng tiêu biểu rằng Nguyễn Bính
thường xuyên sử dụng các thể thơ truyền thống như lục bát và thất
ngôn, kết hợp với ngôn từ mượt mà, giản dị tạo nên những câu thơ
ngọt ngào như những câu ca dao dao duyên.

Ngày đọc tác phẩm "Mùa xuân xanh" của Nguyễn Bính, tội tự
hỏi: Liệu Phạm Văn Học có thật sự hợp lý khi nói: "Nguyễn Bính là con
chim sơn ca hót cái giọng rất riêng từ hương đồng cỏ nội"? Hãy cùng
nhau đọc những áng thơ đầy sắc xuân để biết được câu trả lời:
"Mùa xuân là cả một mùa xanh

Giời ở trên cao gió ở cành

Lúa ở đồng tôi và lúa ở

Đồng nàng và lúa ở đồng quanh

Cỏ nằm trên mộ đợi thanh minh

Tôi đợi người yêu đến tự tình

Khỏi lũy tre làng tôi nhận thấy

Bắt đầu là cái thắt lưng xanh."

Có lẽ người yêu văn chương sẽ không quên đi nhà thơ của


"Chân quê" với những bài thơ xuân bừng sáng cả trời quê. Nếu như
"Mưa xuân" có cái dịu dàng, thổn thức, phập phồng của cô thôn nữ
bên khung cửi khi "hội chèo làng Đặng đi ngang ngõ" thì "Mùa xuân
xanh" lại là cái xốn xang thấp thỏm trong tâm hồn chàng trai chốn
"vườn chanh".

Không gian của từng câu chữ trong đoạn này choáng ngợp một
màu xanh rời rợi:

"Mùa xuân là cả một mùa xanh

Giời ở trên cao gió ở cành

Lúa ở đồng tôi và lúa ở

Đồng nàng và lúa ở đồng quanh"


Ấy là màu xanh mát dịu của trời, màu xanh nõn nà của những
cành lá non tơ trên cành, và màu xanh mơn mởn của lúa xuân. Chao
ôi, màu xanh bao quanh tứ phía, đặc biệt màu xanh của lúa đã khiến
chàng thi sĩ của chân quê không thể liệt kê được hết.

"Cỏ nằm trên mộ đợi thanh minh

Tôi đợi người yêu đến tự tình"

Đến cả ngôi mộ - biểu trưng cho sự tàn tạ, héo úa cũng được rải
lên một màu xanh tươi roi rói của cỏ. Dù là "nằm trên mộ" nhưng
những cọng cỏ ấy dường như cũng đang rất hồi hộp đợi chờ những
ngày thanh minh để kết duyên cùng nắng mới. Bao trùm lên tất cả là
màu xanh, màu xanh của mùa xuân làm nền cho bức tranh "tự tình"
của "tôi" với "người yêu". Thật lãng mạn quá, thơ mộng quá! Màu
xanh vốn là màu của sự sống, màu của biết bao niềm tin yêu, hy vọng,
tương lai. Đặt cảnh "tự tình" đôi lứa trong nền cảnh ấy thì còn gì đẹp
hơn?

Trong những phút giây đợi chờ ấy, "tôi" lại nhận ra một nét
xanh góp thêm vào bức tranh vốn đã rặt các điệu xanh, tưởng như
không còn có gì làm cho nó xanh thêm nữa, ấy vậy mà, lại thấy một
sắc xanh mềm mại, dịu dàng, quen thuộc của "lũy tre làng". Điều vô
cùng thú vị mà sản phẩm văn học này đem đến cho người đọc ấy là,
cái giật mình của người nghệ sĩ khi phát hiện ra:

"Khỏi lũy tre làng tôi nhận thấy

Bắt đầu là cái thắt lưng xanh"

Rõ ràng lắm, từ đầu đến đây, dù không gian kia có cao rộng đến
đâu, có xanh đến đâu, có đẹp đến đâu cũng không thể lấn át cái màu
xanh rất riêng, dù nhỏ nhoi thôi - màu xanh của cái "thắt lưng" người
con gái. "Người yêu" của "tôi" đấy!

Nàng đang đến để "tự tình" với "tôi". Sau bao hồi hộp, phấp
phỏng, bao nhiêu hy vọng xốn xang đợi chờ, thế rồi nàng cũng đến.
"Cái thắt lưng xanh" ấy là dấu hiệu của sự đột phá, của sự sống, của
tình yêu không gì có thể ngăn trở. Không phải là "tôi" tìm đến, mà là
"tôi đợi người yêu đến tự tình".

Chẳng còn nghi ngờ gì nữa, hai người họ đã có hẹn rồi đấy. Đặt
bài thơ vào thời điểm ra đời của nó, khoảng gần tám mươi năm về
trước, ta mới thấy bài thơ thể hiện một sự đột phá. Đột phá trong
tình yêu nam nữ. Khi mà cả xã hội còn nặng nề với lối tư duy cổ kính
"cọc không đi tìm trâu", thì "cái thắt lưng xanh" "khỏi lũy tre làng" mà
tôi nhận thấy không lẫn vào đâu được mới mạnh dạn làm sao, tự tin
làm sao! Vì thế mà, cái nền của buổi "tự tình" này là màu xanh với hy
vọng rằng, "mùa xuân xanh" ấy sẽ cho họ nên duyên.

Mong cho màu xanh của mùa xuân đó sẽ đem lại tự do, hạnh
phúc cho tình yêu đôi lứa! Đấy, phải chăng là ước mơ của nhà văn
chốn chân quê miền Nam, ước muốn âyz dành cho tất cả những
chàng trai, những cô gái nơi quê nhà được tự do đến với nhau, thoát
ra khỏi những lề thói xưa cũ o ép đầy oan khổ, trái ngang?

"Mùa xuân xanh" là một bài thơ đẹp, nhỏ xinh mà ẩn chứa
những niềm hy vọng thầm kín. Bài thơ đẹp bởi nó mang màu xanh
thiên nhiên, cây lá rất thân thuộc của nông thôn Việt Nam xưa nay.
Cái độc đáo của mạch suối nguồn tâm tư ấy nằm ở vẻ xanh của nền,
vẻ xanh của cảnh, không tạo nên những gam màu tương phản mà
vẫn thu hút sự chú ý của người đọc. Giời xanh thế, lá xanh thế, lúa
xanh thế, tre xanh thế mà cũng chỉ đủ làm nền cho "cái thắt lưng
xanh". Màu xanh ấy là mùa xuân đang cựa mình sinh sôi, là tình yêu
đang dâng hương đem sự sống cho đời. Mùa xuân mà nhà thơ gửi
gắm "cái thắt lưng xanh" táo bạo ấy đến nay càng trở nên xanh mãi.
Mùa xuân bừng sáng của tình yêu lứa đôi!

Trong khi hầu hết các thi sĩ trong phong trào Thơ mới chịu ảnh
hưởng của thơ phương Tây, Nguyễn Bính lại gắn bó và hấp thụ tinh
hoa ca dao, dân ca, truyện thơ dân gian cả về nội dung lẫn hình thức.
Hình ảnh những cô thôn nữ trong trắng, những chàng trai quê chất
phác luôn được Nguyễn Bính mô tả trong tình yêu lãng mạn nhưng
đều dang dở, chua xót. Chính vì vậy mà đã gần một thế kỷ trôi qua,
cây bút nghiêm cẩn với thiên chức của mình như ông vẫn được người
đọc say mê bởi những vần thơ tuyệt bút của mình!

Có lẽ thẳm sâu trong trái tim mỗi con người yêu mến văn
chương, đều sẽ là mãi mãi tồn tại một tên tuổi không thể nào bị xóa
nhòa đi được. Bởi người họa sĩ vẽ đời qua trang viết đó đã cảm hóa
được trái tim của họ, xoa dịu những lần họ bỏng rát tâm hồn hay chia
vui với những niềm hạnh phúc mà trần thế trao cho. Và nhà văn
Nguyễn Bính là một người xứng danh với niềm vinh dự lớn lao ấy. Với
tác phẩm "Mùa xuân xanh", ông đã để lại trong thế giới tinh thần của
độc giả một ngọn đuốc, mà ánh sáng từ ngọn lúc ấy đã chiếu lại rọi
thẳm sâu trên mọi nẻo đường đời, giúp bạn đọc trân trọng hơn giá trị
sống cao đẹp và mực thước xung quanh.

Mở cửa ngắm nhìn thế giới, rồi nhìn lại chính mình. Tôi thấy bản
thân thật may mắn vì luôn có góc nhìn tích cực về mọi vấn đề trong
cuộc sống. Tôi luôn tự nhắc nhở bản thân phải sống như hạt mầm,
bám rễ vào lòng đất, hướng về ánh mặt trời - nơi tràn đầy ánh sáng
và sự sống - thay vì cứ nhìn vào những mảng tối quẩn quanh. Sự nhắc
nhớ của Nguyễn Bính không chỉ là trải nghiệm sẽ giúp ta trưởng
thành hơn, mà còn là kinh nghiệm chỉ có được khi tự bản thân mình
lăn lộn trong cuộc sống. Hơn nữa năm tháng vẫn trôi qua, lịch sử vẫn
còn đó và vẻ đẹp của người Việt Nam sẽ trở thành linh hồn của cả
dân tộc và góp phần làm cho các tác phẩm của nhà thơ Nguyễn Bính
nói chung và tác phẩm "Mùa xuân xanh" nói riêng trở nên rực rỡ,
sáng ngời cho đến ngày hôm nay và mãi mãi về sau!

You might also like