You are on page 1of 5

THƯƠNG VỢ

- Trần Tế Xương-

I. MỞ BÀI
Ông nghè ông thám vô mây khói
          Đứng lại văn chương một tú tài
(Xuân Diệu)
“Văn học nằm ngoài những quy luật của băng hoại. Chỉ mình nó không thừa nhận cái
chết”. Thơ văn Tú Xương là một trường hợp như vậy. Thể xác của ông hơn 100 năm nay đã hòa
tan làm một cùng với đất mẹ nhưng sự nghiệp văn chương của con người tài hoa ấy chưa bao
giờ ngừng sống và làm lay chuyển lòng người, bất chấp mọi thử thách của thời gian. Tú Xương
được biết đến trước hết là một nhà thơ trào phúng. Chế Lan Viên từng viết: “Tú Xương cười
như mảnh vỡ thủy tinh”. Nhưng thơ ông không chỉ châm biếm, mỉa mai, đả kích dữ dội mà còn
rất trữ tình, có sự kết hợp hài hòa giữa các yếu tố hiện thực, trào phúng và trữ tình, trong đó trữ
tình là gốc. Nói như Nguyễn Tuân thì thơ trào phúng chỉ là “chân trái”, còn “chân phải” của ông
là thơ trữ tình. Tú Xương có cả một mảng thơ viết về vợ. Ông viết về bà Tú với những tình cảm
yêu thương, trân trọng đặc biệt. Trong số các bài thơ viết về vợ của ông, bài thơ “Thương vợ”
được đánh giá là bài thơ hay nhất.
Quanh năm buôn bán ở mom sông,
Nuôi đủ năm con với một chồng.
Lặn lội thân cò khi quãng vắng,
Eo sèo mặt nước buổi đò đông.
Một duyên hai nợ âu đành phận,
Năm nắng mười mưa dám quản công
Cha mẹ thói đời ăn ở bạc,
Có chồng hờ hững cũng như không.
II. THÂN BÀI
1. Khái quát
1.1. Đề tài:
Mặc dù hình ảnh của người phụ nữ luôn là đề tài muôn thuở của văn chương kim cổ
Đông Tây. Tuy nhiên ở Việt Nam thời trung đại, thơ văn viết về người vợ rất ít, viết về người
vợ đang sống lại còn hiếm hoi hơn. Các thi nhân thường chỉ làm thơ khi người bạn trăm năm đã
qua đời, những người vợ thường phải đi vào cõi thiên thu mới được bước vào địa hạt thi ca. Thế
kỉ XIX, chỉ có hai nhà thơ cùng người thành Nam là Nguyễn Khuyến và Tú Xương có thơ viết
về vợ, không ngần ngại nói lên tình cảm thương yêu của mình đối với vợ ngay khi các bà vẫn
còn ở chốn nhân gian. Thương vợ của Tú Xương là bài thơ nổi tiếng hơn cả. Trong bài thơ là
hình ảnh hai con người: một người vợ tần tảo giàu đức hi sinh và một người chồng biết cảm
thông chia sẻ, thương yêu và quý trọng vợ rất mực. Bà Tú có thể đã phải chịu nhiều gánh nặng,
sự nghiệt ngã của cuộc đời nhưng bà lại có niềm hạnh phúc mà bao phụ nữ không có được là
được đi vào thơ với tất cả niềm thương yêu, trân trọng của chồng.
1.2. Hoàn cảnh ra đời:
Tú Xương là bút danh của Trần Tế Xương. Tú Xương thông minh nức tiếng nhưng lận
đận mãi trên con đường khoa cử: "Tám khoa chửa khỏi phạm trường quy", đi thi tám lần mà chỉ
đỗ đến tú tài. Ông chỉ sống 37 năm, nhưng sự nghiệp thơ ca của ông thì bất tử. Tú Xương thuộc
lớp nhà Nho cuối mùa, sống giữa buổi giao thời, trong lúc thời đại phong kiến suy tàn, những
giá trị của quá khứ đang dần mất đi nhưng cái mới chưa kịp hình thành, những nét đẹp truyền
thống đang dần rạn vỡ. Bởi vậy thơ ông đầy tiếng u uất, chua chát. Tú Xương lấy vợ năm ông
16 tuổi, vợ ông là bà Phạm Thị Mẫn. Cuộc đời của Tú Xương là cuộc đời của một nghệ sĩ
nhưng trước hết ông là một nhà trí thức phong kiến, thuộc loại nhà Nho “dài lưng tốn vải” phải
sống nhờ vào người vợ của mình. Mọi việc trong gia đình đều do một tay bà Tú lo liệu. Cũng vì
1
thế ông có nhiều bài thơ viết về vợ đầy thương mến, hóm hỉnh: “Tiền bạc phó cho con mụ
kiếm”, “Hỏi ra quan ấy ăn lương vợ”. Hoặc:
“Có một cô lái, nuôi một thầy đồ
Quần áo rách rưới , ăn uống xô bồ”
Bài thơ Thương vợ cũng được ra đời trong hoàn cảnh như vậy.
1.3. Nhan đề:
Nhan đề Thương vợ chưa nói hết sự sâu sắc trong tình cảm của Tú Xương đối với vợ
cũng như chưa thể hiện được đầy đủ vẻ đẹp nhân bản của hồn thơ Tú Xương. Ở bài thơ này, tác
giả không chỉ thương vợ mà còn biết ơn vợ, không chỉ lên án “thói đời” mà còn tự trách, tự
nhận khuyết điểm và càng thấy mình khiếm khuyết càng thương yêu, quý trọng vợ hơn. Tình
thương yêu, quý trọng vợ là cảm xúc có phần mới mẻ so với những cảm xúc quen thuộc trong
văn học trung đại. Cảm xúc mới mẻ đó lại được diễn tả bằng hình ảnh và ngôn ngữ quen thuộc
của văn học dân gian, chứng tỏ hồn thơ Tú Xương dù mới lạ, độc đáo vẫn rất gần gũi với mọi
người, vẫn có gốc rễ sâu xa trong tâm thức dân tộc.
2. Hai câu đề: Công việc và gánh nặng gia đình của bà Tú
Nếu bà vợ của Nguyễn Khuyến là một phụ nữ “hay lam hay làm, thắt lưng bó que, xắn
váy quai cồng, tất tả chân nam đá chân chiêu, vì tớ đỡ đần trong mọi việc” (câu đối của Nguyễn
Khuyến) thì bà Tú lại là một người phụ nữ:
Quanh năm buôn bán ở mom sông,
Nuôi đủ năm con với một chồng.
Hai câu thơ đã giới thiệu về nghề nghiệp cũng như trách nhiệm nặng nề của bà Tú. Ở
phía Bắc Nam Định hồi ấy, bên bờ sông có cảnh trên bến dưới thuyền, người từ các nơi đổ về
làm ăn, buôn bán và cảnh làm ăn buôn bán của bà Tú cũng diễn ra ở đó. Bà Tú buôn bán chẳng
có cửa hàng, cửa hiệu, quán xá gì và càng không phải buôn to bán lớn. Bởi vì, hai chữ “mom
sông” đã gợi lên hình ảnh một khoảnh đất nhô ra ở bờ sông, có thể nước xuống thì còn, nước
lên thì mất, có thuyền qua thì thành chợ không thì thôi, cũng có thể chợ họp một lát vào buổi
sáng hoặc buổi chiều. Lèo tèo đôi ba gánh hàng, chỗ dành cho người buôn thúng bán bưng,
lưng vốn ít ỏi, lấy công làm lãi, chắc chắn thu nhập chẳng đáng là bao, lại đầy nguy hiểm và bất
trắc. Thế mà công việc khó nhọc ấy, bà Tú không chỉ chịu đựng một hai buổi mà phải theo đuổi
“quanh năm”. Chữ “quanh năm” gợi một thời gian đằng đẵng, là 12 tháng, từ tháng giêng đến
tháng chạp, cũng có nghĩa là hết năm này đến năm khác. Cái công việc nặng nề ấy chẳng làm
cho bà khá hơn lên để có việc khác nhàn nhạ hơn mà quanh năm suốt đời mãi chỉ có thế.
Công việc thì nhọc nhằn, thu nhập thì ít ỏi, nhưng bà Tú lại phải lo lắng cho cả một gia
đình sáu miệng ăn. Từ “nuôi” vốn có nghĩa là chăm sóc hoàn toàn, nghĩa là một mình bà Tú
phải vất vả làm lụng, buôn bán để đủ kế sinh nhai, chăm sóc đầy đủ cho cả sáu người. Chính
xác hơn thì không phải là sáu mà là “năm con với một chồng”, “Năm con” là số nhiều, nhưng
dù sao cũng dễ lo hơn vì nuôi chúng chỉ cần bát cơm, manh áo. Còn ông chồng là “một”, nhưng
có khi phải tiêu phí bằng hoặc hơn cả năm đứa con kia cộng lại. Dù gì cũng mang danh ông Tú
nên cái ăn cái mặc không thể xoàng xĩnh, bình thường mà mỗi bước ra ngoài phải có áo dài,
khăn xếp, phải có đồng chè đồng rượu... Mỗi khi ông lều chõng đi thi, tiền lưng gạo bị lại đổ
lên đầu vợ. Đấy là chưa nói đến việc, ông Tú quen sống nhờ vợ nên thậm chí còn sinh ra mải
vui chơi, hưởng lạc và “hư hỏng”, lên phố đến cao lâu, đi hát cũng tiền vợ nốt:
“Biết thuốc lá, biết chè tàu
Cao lâu biết vị hồng lâu biết mùi”.
(Hỏi ông trời)
Hay:
“Hôm qua anh đến chơi đây,
Giày “giôn” anh dận, “ô Tây” anh cầm”.
(Đi hát mất ô)

2
Nhiều người phải nuôi, nhiều thứ phải lo như thế nhưng lúc nào bà cũng lo “đủ”. Từ
“đủ” nhấn mạnh mức độ của việc chăm sóc, nuôi nấng ấy nghĩa là không chỉ đủ về số lượng mà
còn đủ về chất lượng. Như thế mới biết bà Tú thật là đảm đang tháo vát biết chừng nào. Việc
ông Tú kể về công việc và gánh nặng của bà Tú cho thấy ông Tú đã hiểu biết rất rõ và ghi nhận
công lao của vợ, thể hiện lòng biết ơn sâu sắc của ông với vợ. Đúng như ai đó đã nói “Mỗi lần
người nghệ sĩ độc đáo xuất hiện là một lần thế giới được tạo lập”. Dù xuất thân từ cửa Khổng
sân Trình nhưng Tú Xương không hề nhìn nhận người phụ nữ theo tiêu chuẩn của xã hội phong
kiến như trọng nam khinh nữ, tam tòng tứ đức. Qua con mắt của Tú Xương, bà Tú chính là trụ
cột của gia đình, là người mà ông biết ơn, trân trọng. Đây là cách nhìn nhận về người vợ mà
nhiều người đàn ông thời nay cũng chưa chắc đã có được.
3. Hai câu thực: Tả thực về công việc làm ăn, buôn bán của bà Tú
Để được cái tiếng thơm nuôi đủ năm con một chồng ấy, bà Tú phải đổi bằng biết bao
công sức:
                                       Lặn lội thân cò khi quăng vắng
Eo sèo mặt nước buổi đò đông.
Hai câu thơ đã miêu tả một cách chân thực về công việc làm ăn, buôn bán của bà Tú,
lặn lội ngược xuôi, một mình đường xa, quãng vắng, cãi vã giành giật ngay trên sông, trên
những chuyến đò đông khách. Trong đó:
+ Cụm từ “Lặn lội thân cò” đã sử dụng sáng tạo hình ảnh dân gian, trước hết gợi hình
ảnh con cò trong những câu ca dao quen thuộc:
... Con cò lặn lội bờ sông
Gánh gạo đưa chồng tiếng khóc nỉ non

... Con cò mà đi ăn đêm


Đậu phải cành mềm lộn cổ xuống ao
Hình ảnh “Con cò lặn lội” chăm chỉ kiếm ăn nơi ruộng đồng, bãi sông trong văn học dân
gian vốn đã cho thấy sự tảo tần, lam lũ, vất vả của người phụ nữ nói riêng và của người lao
động nói chung. Nhưng Tú Xương ở đây không sử dụng hình ảnh “con cò” mà lại sử dụng hình
ảnh “thân cò”, không chỉ là con vật cụ thể nữa mà còn là hình ảnh con người, số phận nên càng
gợi sự đáng thương, tội nghiệp. “Thân cò” gợi dáng dấp nhỏ bé, chịu đựng, bơ vơ, côi cút một
mình và số phận, cuộc đời đầy vất vả, tảo tần của bà Tú. Ca dao xưa và nữ sĩ Hồ Xuân Hương
cũng đã từng thở than, ngậm ngùi khi dùng một chữ “thân” bạc mệnh như thế:
Thân em như hạt mưa sa
Hạt vào đài các hạt ra ruộng cày
(Ca dao)

“Thân em vừa trắng lại vừa tròn,


Bảy nổi ba chìm với nước non.”
(Bánh trôi nước)
+ Tú Xương kết hợp lại hình ảnh, ngôn từ của ca dao, sử dụng nghệ thuật đảo ngữ để
biến hình ảnh ca dao từ “Con cò lặn lội” thành “Lặn lội thân cò” một cách sáng tạo. Câu chữ cứ
như những nét vẽ, gam màu nối tiếp nhau, bổ trợ và gia tăng. Đã “lặn lội” lại “thân cò”, rồi lại
còn “khi quãng vắng”. Cụm từ “khi quãng vắng” đã gợi thêm cái không gian làm ăn buôn bán
của bà Tú, là không gian rợn ngợp cảm giác đơn lẻ, không biết nương dựa vào đâu, đầy nguy
hiểm rình rập nơi bờ sông heo hút, giá lạnh. Tất cả đều để nhấn mạnh, khắc sâu hơn nữa nỗi
nhọc nhằn, gian lao của bà Tú trong cuộc mưu sinh, đem đến cho người đọc bao liên tưởng cảm
động về bà Tú, về thân phận của người phụ nữ Việt Nam trong xã hội cũ.
+ Câu thực thứ hai gợi thêm cảnh làm ăn đầy nguy hiểm bà Tú. “Eo sèo” là từ láy tượng
thanh, gợi tả cảnh tranh mua tranh bán, cảnh cãi vã, lời qua tiếng lại, cướp giật. Cảnh làm ăn
buôn bán ấy lại diễn ra trên mặt nước vào buổi đò đông. “Buổi đò đông” ở đây có hai cách hiểu,
3
có thể chỉ con đò chở đầy người, chen chúc, chật chội; cũng có thể chỉ cảnh trên bến dưới
thuyền đông đúc. Cảnh làm ăn, buôn bán kiểu chen lấn, xô đẩy trong hoàn cảnh đông đúc trên
sông nước chứa đầy những sự nguy hiểm càng nhấn mạnh thêm sự khó nhọc, gian nan của bà
Tú. Chỗ đông người thì vã mồ hôi, nơi quãng vắng thì trào nước mắt. Nghệ thuật đối lập đã
nhấn mạnh bát cơm, manh áo mà bà Tú kiếm được “nuôi đủ năm con với một chồng’” là do
phải “lặn lội” trong mưa nắng, phải giành giật “eo sèo”, phải trả giá bao mồ hôi, nước mắt.
Chắc hẳn bà Tú cũng không quên lời dặn của cổ nhân “Sông sâu chớ lội, đò đầy chớ qua”
nhưng vì miếng cơm manh áo gia đình mà phải liều lĩnh đối mặt với chốn hiểm nguy. Ông Tú
cũng phải thấu hiểu nỗi cay cực và trân trọng vợ đến nhường nào mới có thể viết ra những câu
thơ cảm động về người vợ như thế.
4. Hai câu luận
Nếu như ở bốn câu thơ đầu ông Tú đứng ở vị trí, vai trò là người chồng để viết về vợ thì
bốn câu thơ sau ông nhập thân vào trong tâm tư, nỗi niềm của bà Tú để có thể đồng cảm, thấu
hiểu vợ và hơn nữa để nhìn nhận bản thân cũng như về duyên nợ vợ chồng. Trong hai câu luận,
ông Tú bàn về duyên phận của mình với bà Tú, than thở và nói hộ lòng vợ:
“Một duyên hai nợ âu đành phận
Năm nắng mười mưa dám quản công”
Chữ “duyên” theo quan niệm của Phật giáo là việc trời định cho con người gặp gỡ, yêu
thương gắn bó với nhau và trở thành vợ chồng. Chữ duyên và chữ nợ thường được dân gian gắn
với nhau bởi vì người ta thường quan niệm duyên gặp gỡ là do nợ từ kiếp trước. Vậy nên có thể
hiểu “duyên” là duyên số, duyên phận, còn “nợ” là cái nợ đời phải trả. Duyên nợ của bà Tú với
ông Tú thì duyên chỉ có một mà nợ thì có những hai, hạnh phúc thì ít ỏi mà vất vả, cực nhọc lại
rất nhiều. “Nắng”, “mưa” tượng trưng cho những vất vả, khổ cực mà bà Tú phải chịu đựng. Các
số từ theo thứ tự: một, hai, năm, mười được sắp xếp theo sự tăng tiến cho thấy khó khăn chồng
chất khó khăn trên đôi vai của bà Tú. Nhưng vì đã là duyên nợ nên bà Tú dẫu có vất vả cực
nhọc đến đâu cũng “âu đành phận”. Mà đã cam chịu, chấp nhận nên “năm nắng mười mưa dám
quản công”. Các cụm từ “âu đành phận” và “dám quản công” được đặt ở cuối các câu thơ cho
thấy sự nhẫn nhục, chịu đựng tất cả vì chồng con của bà Tú. Bà Tú cũng đâu có than thân bao
giờ, bà chấp nhận tất cả, giấu kín lòng mình với bao nỗi xót xa tủi cực. Nhưng ông Tú vì thấy rõ
sự thiệt thòi, vất vả tảo tần, đức hi sinh cao thượng và lòng vị tha của người bạn đời, hơn nữa vì
tấm lòng thương vợ nên đã cất lên lời nói thay cho vợ.
5. Hai câu kết
Tú Xương không chỉ là một nhà thơ trữ tình mà còn nổi tiếng là nhà thơ trào phúng. Thơ
ông không chỉ là tiếng chửi xã hội phong kiến, bọn quan lại dốt nát mà còn là những vần thơ tự
trào bản thân. Bài thơ cũng mang tính trào lộng rõ nét khi kết lại bằng một tiếng chửi. Xuất phát
từ lòng thương vợ, ông chửi tất cả những gì khiến vợ ông phải khổ. Ông chửi rủa cái cõi đời bạc
bẽo và chửi cả cái vô tích sự của bản thân:
Cha mẹ thói đời ăn ở bạc
Có chồng hờ hững cũng như không.
Ông Tú cũng chẳng dè dặt gì với chữ nghĩa mà dùng luôn cách chửi dân gian “Cha mẹ
thói đời”. Ông không nói đích danh về mình mà khái quát về cái thói đời bạc bẽo và chửi cha
chửi mẹ cái thói đời bạc bẽo ấy. Thói đời đen bạc tượng trưng cho bản chất của xã hội kim tiền
dưới thời thực dân phong kiến và ở thành thị nó càng trở nên xấu xa, tệ hại. Cái thói đời xấu xa
ấy từng được ông thể hiện trong thơ:
“Nhà kia lỗi phép con khinh bố
Mụ nọ chanh chua vợ chửi chồng
Keo cú người đâu như cứt sắt
Tham lam chuyện thở rặt hơi đồng”.
(Đất Vị Hoàng)

4
Hoá ra ông là đệ tử của thánh hiền mà cũng bị nhiễm cái thói đời xấu xa của thói đời. Vì
thế mà ông Tú xót xa, tự trách. Ông tự phê phán mình là ăn ở bạc bẽo, hờ hững với vợ khiến bà
Tú vốn là “Con gái nhà dòng, lấy chồng kẻ chợ”, vốn “Mặt nhẵn nhụi, chân tay trắng trẻo, ai
dám chê rằng béo rằng lùn? Người ung dung, tính hạnh khoan hoà” mà bây giờ trở nên vất vả,
tảo tần, gian nan, cam phận. Ông chửi chính bản thân mình là một người chồng bạc bẽo, hờ
hững, vô tích sự đã không gánh đỡ gì được cho vợ lại còn làm nặng trĩu thêm cái gánh nợ đời
trên vai, khiến bà Tú không vui được với duyên. Duyên nợ của bà Tú với ông cũng đắng chát có
khác nào sự cay đắng trong tình duyên của Hồ Xuân Hương thể hiện trong bài “Làm lẽ”:
Cố đấm ăn xôi, xôi lại hẩm
Cầm bằng làm mướn mướn không công.
Thân này ví biết đường này nhẽ
Thà trước thôi đành ở vậy xong.
Tuy nhiên, có lẽ ông Tú đã nói oan cho mình vì thực lòng ông đâu có bạc bẽo như thói
đời. Chỉ là bởi ông sinh nhầm thời thế, có thực tài nhưng công danh dở dang, thi cử lận đận.
Sống giữa một xã hội dở Tây dở Ta, chữ nho mạt vận, lúc mà “Ông Nghè, ông Cống cũng nằm
co”, mà ông không chịu xu thời nịnh thế để vinh thân phì gia cho nên mới đành phải nhờ vào
vợ. Hơn nữa, nếu ông bạc bẽo, hờ hững với vợ thì đã không có bài Thương vợ thấm thía và cảm
động đến như vậy. Vì vậy, hai câu kết là cả một nỗi niềm thế sự đầy buồn thương, là tiếng nói
của một trí thức giàu nhân cách, nặng tình đời, thương vợ con nhưng phải chịu cảnh thất thế.
III. KẾT LUẬN
Bài thơ “Thương vợ” được viết theo thể thơ thất ngôn bát cú, hình tượng thơ hàm súc,
gợi cảm, ngôn ngữ thơ giản dị, mang đậm chất ca dao; có sự kết hợp tài tình giữa ngôn ngữ dân
gian với ngôn ngữ bác học, hình ảnh gợi trường liên tưởng khá rộng như hình ảnh “thân cò”;
các từ láy, các số từ, phép đối, thành ngữ; cách ngắt nhịp truyền thống trong thơ Đường luật là
4/3 và 2/2/3 làm cho bài thơ trở nên mềm mại, uyển chuyển.
“Thương vợ”của Trần Tế Xương là một bài thơ trữ tình đặc sắc. Bài thơ trước hết làm
hiện lên hình ảnh bà Tú, một người phụ nữ Việt Nam truyền thống rất gần gũi với những người
mẹ, người chị trong mỗi gia đình Việt Nam vất vả, tảo tần chịu thương chịu khó, thương chồng
thương con, giàu đức hi sinh và lòng vị tha cao thượng. Qua đó, thể hiện được ân tình sâu nặng
và tình cảm chân thành của Tú Xương đối với hiền phụ của mình. Trước Tú Xương hiếm có thi
nhân nào mà có những bài thơ viết về vợ hay và lắng đọng, sâu sắc như ông. Thương vợ, ghét
thói đời, bất lực ông đã mài mực bằng giọt lệ của lòng biết ơn để dành tặng những lời thơ thấm
thía là tình cảm chân thành nhất cho người vợ thân yêu.

You might also like