You are on page 1of 24

ĐẠI HỌC QUỐC GIA HÀ NỘI

TRƯỜNG ĐẠI HỌC KINH TẾ

BÀI NGHIÊN CỨU


ĐỀ TÀI:

THỰC TRẠNG VÀ TIỀM NĂNG PHÁT TRIỂN CỦA NGÀNH


LOGISTICS TẠI VIỆT NAM GIAI ĐOẠN 2018-2020

Giảng viên hướng dẫn: Th.S. Nguyễn Thị Phan Thu


Sinh viên thực hiện: Trần Thị Thu Trang
Lớp: QH-2019-E KTQT CLC 4
Hệ: Chính quy

Hà Nội, tháng 12 năm 2020

1
MỤC LỤC

DANH MỤC BẢNG........................................................................................................ 4

DANH MỤC HÌNH ẢNH ............................................................................................... 4

MỞ ĐẦU ......................................................................................................................... 5

1. Tính cấp thiết ........................................................................................................... 5

2. Tổng quan tài liệu .................................................................................................... 5

3. Khoảng trống của đề tài .......................................................................................... 8

4. Mục tiêu nghiên cứu ................................................................................................ 9

5. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu ........................................................................... 9

6. Câu hỏi nghiên cứu .................................................................................................. 9

7. Phương pháp nghiên cứu ........................................................................................ 9

8. Kết cấu của đề tài .................................................................................................. 10

CHƯƠNG 1: CƠ SỞ LÝ LUẬN VỀ NGÀNH LOGISTICS ...................................... 11

1.1. Khái niệm ............................................................................................................ 11

1.2. Vai trò của Logistics ........................................................................................... 12

CHƯƠNG 2: THỰC TRẠNG CỦA NGÀNH LOGISTICS TẠI VIỆT NAM TRONG
GIAI ĐOẠN 2018-2020 ................................................................................................ 14

2.1. Tình hình hoạt động logistics tại Việt Nam ....................................................... 14

2.2. Đánh giá tình hình hoạt động logistics Việt Nam .............................................. 18

2.2.1. Những thành tựu đạt được .............................................................................. 18

2.2.2. Những mặt hạn chế......................................................................................... 19

CHƯƠNG 3: DỰ BÁO TIỀM NĂNG CỦA NGÀNH LOGISTICS VÀ MỘT SỐ KIẾN


NGHỊ CHO VIỆT NAM............................................................................................... 20

3.1. Dự báo tiềm năng của ngành logistics giai đoạn 2021-2025 .............................. 20

3.2. Một số kiến nghị cho Việt Nam .......................................................................... 20


2
3.2.1. Về phía Chính phủ .......................................................................................... 20

3.2.2. Về phía doanh nghiệp ..................................................................................... 21

KẾT LUẬN.......................................................................................................................22
TÀI LIỆU THAM KHẢO................................................................................................23

3
DANH MỤC BẢNG
Bảng 2.1: Bảng xếp hạng LPI của Việt Nam qua các năm .............................................. 15
Bảng 2.2: Vận chuyển hàng hóa 9 tháng đầu năm 2018 .................................................. 16

DANH MỤC HÌNH ẢNH


Hình 2. 1: Khối lượng hàng hóa luận chuyển của Việt Nam từ năm 2010-2018 .............. 14
Hình 2. 2: Tổng lượng vận chuyển hàng hóa của Việt Nam các tháng năm 2019 và 2020
....................................................................................................................................... 17
Hình 2.3: Vận chuyển hàng hóa bằng đường hàng không các tháng năm 2019 và 2020 .. 18

4
MỞ ĐẦU
1. Tính cấp thiết
Logistics hiện nay đang là ngành phát triển nhất tại Việt Nam, đóng vai trò không
thể thiếu trong hoạt động sản xuất, lưu thông và phân phối các sản phẩm, dịch vụ. Vì vậy,
logistics đóng vai trò như “người trung gian” để đưa hàng hóa từ nhà sản xuất đến tay người
tiêu dùng.

Mặc dù là một lĩnh vực còn rất mới mẻ nhưng ngành logistics tại Việt Nam cũng đã
khẳng định được tầm quan trọng của mình trong nền kinh tế, dặc biệt là trong thương mại
quốc tế. Trong báo cáo mới đây của Tổng cục Thống kê năm 2019, GDP Việt Nam tăng
trưởng 7,02% cùng với giá trị xuất khẩu tăng 8,1%, đạt 263,45 tỷ USD, nhập khẩu tăng 7%
với 253,51 tỷ USD. Dự báo đến hết năm 2020, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam ước tính
đạt mức 300 tỷ, số lượng hàng hóa qua hệ thống cảng biển ngày càng nhiều, do vậy tiềm
năng phát triển của ngành logistics Việt Nam là rất lớn. Bên cạnh đó, dưới sự bùng nổ của
thương mại điện tử thì ngành logistics cho thấy được tầm quan trọng của mình trong dịch
vụ giao nhận hàng hóa.

Bên cạnh những thành tựu đạt được thì ngành logistics tại Việt Nam cũng phải đối
mặt với không ít những thách thức về cơ sở hạ tầng,thủ tục hải quan, chi phí logistics còn
cao, nguồn nhân lực còn hạn chế và chưa đáp ứng được nhu cầu,...

Vì vậy, bài nghiên cứu “ Thực trạng và tiềm năng phát triển của ngành logistics tại
Việt Nam giai đoạn 2018-2025” nhằm tìm hiểu tình hình phát triển của ngành logistics,
phân tích những hạn chế, thách thức của lĩnh vực này, từ đó đưa ra các giải pháp cấp thiết
cho ngành dịch vụ logistics tại Việt Nam.

2. Tổng quan tài liệu


Bài báo “Logistics Việt Nam trong cách mạng công nghiệp 4.0: Cơ hội và thách
thức”(2018) của tác giả Đinh Thu Phương đã đưa ra một số kiến thức nền tảng về logistics
trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, chỉ ra xu hướng phát triển cũng như cơ hội và thách
thức cho ngành logistics qua đó đưa ra một số giải pháp để logistics Việt Nam bắt kịp xu
thế của thế giới.

5
“Tham gia FTAs thế hệ mới: Cơ hội và thách thức đối với ngành dịch vụ logistics
Việt Nam” (2019) của tác giả Hà Văn Hội đã chỉ rõ những cơ hội và thachs thức đối với
ngành logistics khi các Hiệp định Thương mại tự do thế hệ mới có hiệu lực. Đồng thời đưa
ra các giải pháp đối với Việt Nam tận dụng cơ hội và vượt qua thách thức để tham gia sân
chơi toàn cầu một cách hiệu quả.

Bài viết “Hoạt động logistics trong các doanh nghiệp bán lẻ Việt Nam: vấn đề và
giải pháp” (2019) của tác giả Đặng Thị Hương và Vũ Thị Minh Hiền đã chỉ ra một số vấn
đề còn tồn tại về hoạt động logistics của các doanh nghiệp bán lẻ Việt Nam, khảo sát thực
tế hoạt động logistics cảu chuỗi siêu thị và của hàng Vinmart. Trên cơ sở đó đề xuất một số
giải pháp thúc đẩy hoạt động logistics để góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của các
doanh nghiệp bán lẻ tại Việt Nam.

“Xu hướng phát triển của logistics Việt Nam dưới tác động của cuộc cách mạng
công nghiệp 4.0 và ứng dụng vào hoạt động xuất nhập khẩu Bình Dương” (2019) của Đồng
Văn Hướng và các tác giả đã trình bày các giai đoạn phát triển của các cuộc cách mạng
công nghiệp dấn dễ sự phát triển các giai đoạn của ngành logistics, chỉ ra các xu hướng của
ngành logistics đồng thời cũng đưa ra một số khuyến nghị giúp phát triển hiệu quả các dịch
vụ trong ngành logistics.

“Đẩy mạnh hoạt động cung ứng dịch vụ logistics bên thứ ba của doanh nghiệp Việt
Nam” (2015) của tác giả Nguyễn Xuân Minh và Phan Hồng Trang đã chỉ ra thực trạng hoạt
động cung ứng dịch vụ logistics bên thứ ba tại các doanh nghiệp logistics Việt Nam và đề
xuất các giải pháp nhằm thúc đẩy mạnh mẽ hoạt động logistics bên thứ ba tại các doanh
nghiệp Việt Nam.

“Đào tạo và phát triển nguồn nhân lực logistics tại Việt Nam từ nay đến năm 2025”
(2019) của tác giả Lê Va Xi và Trần Văn Ngọc đã tập trung phân tích về thực trạng đào tạo
và phát triển nguồn nhân lực logistics tại Việt Nam từ năm 2019 đến 2025, qua đó đề xuất
một số giải pháp giúp phát triển nguồn nhân lực logistics một cách hiệu quả.

“Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực logistics thông qua việc kết nối cơ sở đào tạo
với các doanh nghiệp logistics” (2020) của tác giả Nguyễn Minh Quang và Văn Công Vũ
6
đã nêu lên thực trạng của nguồn nhân lực Logistics ở Việt Nam, từ đó đưa ra một số giải
pháp giúp tăng cường sự kết nối giữa các trường đại học và các doanh nghiệp logistics trong
vấn đề đào tạo nguồn nhân lực.

Bài nghiên cứu “Phát triển logistics xanh tại Việt Nam trong điều kiện hội nhập kinh
tế quốc tế” (2015) của tác giả Lê Thị Bắc đã hệ thống hóa các lý thuyết và nghiên cứu về
lĩnh vực logistics xanh, đánh giá thực trạng phát triển logistics xanh tại Việt Nam, đồng
thời từ nhưng kinh nghiệm quốc tế bài nghiên cứu cũng đã đưa ra bài học và một số giải
pháp để phát triển Logistics xanh tại Việt Nam.

“Nâng cao năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp logistics Việt Nam trong bối
cảnh Việt Nam hội nhập kinh tế quốc tế” (2016) của tác giả Sầm Thị Quỳnh phân tích năng
lực cạnh tranh của các doanh nghiệp logistics Việt Nam trong bối cảnh hội nhập quốc tế từ
đó đưa ra một số kiến nghị giúp nâng cao năng lực cạnh tranh cho các doanh nghiệp.

“Phát triển dịch vụ logistics trong giao nhận, vận tải hàng hóa xuất nhập khẩu: Kinh
nghiệm quốc tế và bài học cho Việt Nam” (2017) của tác giả Nguyễn Thị Hà Ly đã phân
tích thực trạng tổng thể ngành Logistics, nghiên cứu những kinh nghiệm của các quốc gia
khác, qua đó đưa ra một số giải pháp giúp phát triển ngành logistics trong giao nhận, vận
tải hàng hóa xuất nhập khẩu.

“Assessing the National Logistics System of Vietnam” (2015) của Ruth Banomyong
và các tác giả đã phân tích thực trạng cũng như bất cập còn tồn đọng trong hệ thống logistics
tại Việt Nam, qua đó giúp các nhà đầu tư nước ngoài, các nhà cung cấp dịch vụ logistics
quốc tế muốn cung cấp dịch vụ của họ tại Việt Nam hiểu được bối cảnh logistics trong
nước. Hơn nữa những phát hiện này cũng hữu ích cho các nhà hoạch định chính sách ở Việt
Nam về cách cải thiện hệ thống logistics quốc gia.

Bài ngiên cứu “Assessment of National Logistics Competence in Taiwan, Vietnam,


and Malaysia” (2012) của tác giả Chin-Shan Lu và Chi-Chang Lin đã kiểm tra năng lực
logistics quốc gia ở Đài Loan, Việt Nam và Malaysia qua việc sử dụng câu trả lời khảo sát
của 495 doanh nghiệp sản xuất, phân tích mức độ hài lòng của doanh nghiệp để đánh giá
năng lực logistics quốc gia quan trọng cân fđược cải thiện ở 3 nước này.
7
“Efficient Logistics: A Key to Vietnam's Competitiveness” (2014) của Luis C.
Blancas và các tác giả đã chỉ ra những thành tựu mà ngành logistics Việt Nam đạt được,
những hạn chế đã được khắc phục, đồng thời cũng đưa ra sáng kiến chính nhằm nâng cao
độ tin cậy và hiệu quả chi phí của vận tải và hậu cần trong chuỗi cung ứng trong nước và
quốc tế của Việt Nam.

Bài viết “Proposals for improving the Logistics Performance Index” (2019) của tác
giả Ruslan Beysenbaev và Yuri Dus đã chỉ ra hiệu suất logistics dựa trên một cuộc khảo sát
toàn cầu của các chuyên gia logistics để có cái nhìn chủ quan về hệ thống logistics của các
quốc gia khác nhau. Đồng thời đề xuất các cách cải thiện chỉ số hiệu suất logistics mà Ngân
hàng Thế giới công bố.

“Weighing the Key Factors to Improve Vietnam's Logistics System” (2018) của tác
giả Viet Linh Dang và Gi Tae Yeo đã chỉ ra các yếu tố ảnh hưởng đến việc cải thiện hệ
thống logistics của Việt Nam cũng như đưa ra các hướng đi của Chính phủ Việt Nam trong
việc đưa ra các quy định phù hợp để cải thiện hệ thống logistics. Đồng thời bài nghiên cứu
cũng đề ra một số chiến lược giúp các bên liên quan trong lĩnh vực logistics đạt được mực
tiêu của Chính phủ.

3. Khoảng trống của đề tài


Nhìn chung, cho tới nay đã có rất nhiều tài liệu nghiên cứu liên quan đến ngành
logistics trong và ngoài nước. Các bài viết đã nêu ra các nội dung cơ bản về lĩnh vưc
logistics đồng thời cũng chỉ ra xu hướng phát triển của ngành dịch vụ logistics, từ đó đưa
ra các giải pháp cho Chính phủ và các doanh nghiệp. Tuy nhiên do lĩnh vực logistics mới
phát triển mạnh mẽ trong những năm gần đây nên số lượng bài nghiên cứu đi sâu vào phân
tích tiềm năng phát triển cho lĩnh vực này còn hạn chế, số liệu mới nhất cũng chưa được
cập nhật. Các giải pháp đưa ra cũng mới chỉ chú trọng đến cải thiện nguồn nhân lực logistics
và một số giải pháp đưa ra cũng chưa thực sử phù hợp cho ngành dịch vụ này ở Việt Nam
trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế. Do đó, bài nghiên cứu này sẽ tập trung phân tích
tiềm năng phát triển cho ngnahf logistics tại Việt Nam. Từ đó đưa ra các kiến nghị thích
hợp giúp chính phủ và doanh nghiệp phát triển ngành logistics một cách hiệu quả.

8
4. Mục tiêu nghiên cứu
Bài nghiên cứu được thược hiện với 3 mục tiêu:

Thứ nhất, từ thực trạng của ngành logistics Việt Nam trong giai đoạn 2018-2020,
chỉ ra được những thành quả cũng như hạn chế mà ngành logistics đang gặp phải.

Thứ hai, dự đoán tiềm năng phát triển và thách thức đặt ra đối vơi ngành logistics
tại Việt Nam trong giai đoạn 2021 - 2023.

Thứ ba, đưa ra các hàm ý cho Việt Nam, góp phần thúc đẩy sự phát triển của ngành
logistics trong thời gian tới.

5. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu


➢ Đối tượng nghiên cứu: Ngành logistics
➢ Phạm vi nghiên cứu:
❖ Không gian: Việt Nam
❖ Thời gian: Giai đoạn 2018 – 2025

6. Câu hỏi nghiên cứu


• Vai trò của logistics đối với doanh nghiệp và nền kinh tế Việt Nam.
• Tình hình của ngành logistics Việt Nam giai đoạn 2018-2020.
• Tiềm năng phát triển đối với ngành Logistics tại Việt Nam trong thời gian tới.
• Đề xuất, kiến nghị giúp thúc đẩy sử phát triển của ngành logistics tại Việt Nam.

7. Phương pháp nghiên cứu


Phương pháp thu thập tài liệu: bài nghiên cứu sử dụng phương pháp thu thập dữ liệu thứ
cấp từ nhiều nguồn thông tin khác nhau như số liệu của Tổng cục Thống kê, Bộ Công
thương, Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam (VLA), các tạp chí kinh tế, các
bài luận án, luận văn,... trong và ngoài nước.

Phương pháp kế thừa: kế thừa có chọn lọc từ các bài nghiên cứu trước đây

Phương pháp xử lý thông tin: thông tin được sử dụng trực tiếp và tổng hợp bằng nhiều công
cụ như bảng biểu, đồ thị,... để đánh giá thực trạng, xu hướng thay đổi của đối tượng nghiên
cứu theo thời gian.
9
Phương pháp so sánh, đối chiếu: so sánh mức độ tăng trưởng của các dịch vụ thuộc ngành
logistics qua các năm.

8. Kết cấu của đề tài


Bài nghiên cứu gồm 3 chương:

Chương 1: cơ sở lý luận về ngành logistics: trong chương này bài nghiên cứu giới
thiệu các khái niệm về logistics và vai trò của logistics đối với doanh nghiệp cũng như đối
với tổng thề nền kinh tế.

Chương 2: Thực trạng của ngành logistics tại Việt Nam trong giai đoạn 2018-
2020: phân tích tình hình của ngành logistics tại Việt Nam giai đoạn 2018-2020, chỉ ra
thành tựu và hạn chế mà ngành logistics gặp phải.

Chương 3: Dự báo tiềm năng của ngành Logistics và một số kiến nghị cho Việt
Nam: dự đoán tình hình của ngành logistics Việt Nam giai đoạn 2021-2025 và đưa ra một
số kiến nghị cho Việt Nam giúp phát triển ngành logistics một cách hiệu quả.

10
CHƯƠNG 1: CƠ SỞ LÝ LUẬN VỀ NGÀNH LOGISTICS
1.1. Khái niệm
Logistics: Logistics được hiểu là hoạt đông theo chuỗi dịch vụ từ giai đoạn tiền sản
xuất cho tới khi hang hóa tới tay người tiêu dùng cuối cùng. Theo Hội đông quản lý của
Hoa Kỳ (Councils of Logistics Management) thì: “ Logistics là quá trình lập kế hoạch, tổ
chức thực hiện và kiểm soát quá trình lưu chuyển, dự trữ hàng hóa, dịch vụ và những thông
tin liên quan từ điểm xuất phát đầu tiên cho đến nơi tiêu thụ cuối cùng sao cho hiệu quả và
phù hợp với yêu cầu khách hàng”.

Cũng tại điều 233 Luật Thương mại Việt Nam năm 2005: “Dịch vụ logistics là hoạt
động thương mại, theo đó thương nhân tổ chức thực hiện một hoặc nhiều công đoạn bao
gồm nhận hàng, vận chuyển, lưu kho, lưu bãi, làm thủ tục hải quan, các thủ tục giấy tờ
khác, tư vấn khách hàng, đóng gói bao bì, ghi ký mã hiệu, giao hàng hoặc các dịch vụ khác
có liên quan tới hàng hóa theo thỏa thuận với khách hàng để hưởng thù lao”.

Phân loại Logistics: có 2 cách phân loại logistics

• Theo hình thức: Logistics được chia làm 5 loại:


- Logistics bên thứ nhất (1PL – First Party Logistics): là hình thức doanh
nghiệp sản xuất chịu mọi trách nhiệm trong hoạt động lưu trữ, vận chuyển từ
đầu vào đến đầu ra.
- Logistics bên thứ hai (2PL – Second Party Logistics): đây là một chuỗi
những người cung cấp dịch vụ cho hoạt động đơn lẻ cho chuỗi hoạt động
logistics nhằm đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp nhưng chua tích hợp với
hoạt động logistics (chỉ đảm nhận một khâu trong chuỗi logistics).
- Logistics bên thứ ba (3PL – Third Party Logistics): doanh nghiệp sản xuất
chủ động thuê ngoài dịch vụ quản lý logistics và thực hiện một số hoạt động
của logistics.
- Logistics bên thứ tư (4PL – Fourth Party Logistics): doanh nghiệp sản xuất
thuê toàn bộ dịch vụ logistics bên ngoài quản lý từ phân phối, điều hành để
tạo ra một chuỗi logistics hoạt động hiệu quả.

11
- Logistics bên thứ năm (5PL – Fifth Party Logistics): các nhà cung cấp dịc
vụ logistics cung cấp dịch vụ trên cơ sở nền tảng là thương mại điện tử.
• Theo quá trình: Logistics được chia làm 3 loại:
- Logistics đầu vào (inbound logistics): là các dịch vụ đảm bảo cung ứng các
yếu tố đầu vào một cách tối ưu về cả vị trí, thời gian và chi phí cho quá trình
sản xuất.
- Logistics đầu ra (outbound logistics): là các dịch vụ đảm bảo cung cấp thành
phẩm đến tay người tiêu dùng một cách tối ưu về cả vị trí, thời gian và chi
phí nhằm đem lại lợi nhuận tối đa cho doanh nghiệp.
- Logistics ngược (reverse logistics): là các dịch vụ cung ứng đảm bảo quá
trình thu hồi phế phẩm, phế liệu,... các yếu tố ảnh hưởng đến môi trường phát
sinh từ quá trình sản xuất, phân phối và tiêu dùng trở về để tái chế hoặc xử
lý.

1.2. Vai trò của Logistics


Đối với doanh nghiệp:

• Giúp giải quyết cả đầu vào lẫn đầu ra cho doanh nghiệp một cách hiệu quả, tối ưu
hoá quá trình vận chuyển nguyên vật liệu, hàng hoá, dịch vụ…

• Nâng cao hiệu quả trong quản lý, giảm thiểu chi phí trong quá trình sản xuất, phân
phối hàng hoá, gia tăng sức cạnh tranh cho doanh nghiệp.

• Tạo ra những lợi ích về thời gian và địa điểm cho việc phân phối và tiêu dùng sản
phẩm trong bối cảnh thị trường tiêu thụ và nguồn cung ứng ngày càng có khoảng
cách xa về địa lý của xu hướng toàn cầu hoá hiện nay.

• Giúp doanh nghiệp vận chuyển hàng hoá và đáp ứng dịch vụ cho khách hàng hiệu
quả, nhanh chóng. Việc xây dựng những phương án tối ưu trong dự trữ, vận chuyển,
mua hàng... và sự phát triển của hệ thống thông tin hiện đại sẽ là những điều kiện tốt
để đưa hàng hoá đến nơi khách hàng yêu cầu nhanh nhất.

• Tạo ra lợi thế cạnh tranh cho doanh nghiệp trong hoạt động sản xuất kinh doanh qua
việc bán hàng ở mức chi phí thấp hơn nhờ vào hệ thống logistics hiệu quả. Uy tín
12
của doanh nghiệp cũng được nâng cao với việc cung cấp dịch vụ cho khách hàng ở
mức độ tốt và hoàn thiện hơn.

Đối với nền kinh tế:

Logistics là công cụ kết nối các lĩnh vực hoạt động của nền kinh tế như cung cấp,
sản xuất… góp phần tiết kiệm và giảm chi phí lưu thông trong phân phối hàng hóa, nâng
cao tính cạnh tranh cho sản phẩm từ đó giúp thúc đẩy thương mại và hợp tác kinh tế với
các nước trong khu vực nói chung và các nước trên thế giới nói riêng.

13
CHƯƠNG 2: THỰC TRẠNG CỦA NGÀNH LOGISTICS TẠI VIỆT NAM TRONG
GIAI ĐOẠN 2018-2020
2.1. Tình hình hoạt động logistics tại Việt Nam
Ngành logistics tại Việt Nam đang trên đà phát triển mạnh mẽ. Mặc dù vẫn là một
lĩnh vực mới mẻ nhưng logistics cũng đã đạt được những thành tựu to lớn.

Cụ thể, theo thống kê của Bộ Công thương trong năm 2018, cả nước có khoảng 3000
doanh nghiệp cung cấp dịch vụ logistics, hoạt động trong nhiều lĩnh vực vận tải từ đường
bộ, đường thủy, đường hàng không,...cho đến giao nhận, kho bãi, đại lý hải quan, giám
định, kiểm nghiệm hàng hóa, bốc dỡ hàng hóa.... Trong năm này, ngành logistics tăng
trưởng khoảng từ 12-14% so với năm 2017. Cũng theo số liệu của Tổng cục Thống kê, khối
lượng hàng hóa luân chuyển trong năm 2018 là 70566 triệu tấn, tăng 7107 triệu tấn so với
năm trước.

Hình 2. 1: Khối lượng hàng hóa luận chuyển của Việt Nam từ năm 2010-2018

Nguồn: Tổng cục Thống kê

Năm 2018 cũng đánh dấu sự phát triển vượt bậc của ngành logistics tại Việt Nam.
Theo báo cáo của Ngân hàng Thế Giới (WB), chỉ số hoạt động logistics (LPI) của Việt Nam
đứng thứ 39/160 nước tham gia nghiên cứu, tăng 25 bậc so với năm 2016 và vươn lên đứng
thứ 3 trong các nước ASEAN. Đây cũng chính là thứ hạng cao nhất mà Việt Nam đạt được
14
kể từ khi WB thực hiện việc xếp hạng LPI từ năm 2007 đến nay. Trong đó, nổi bật nhất là
năng lực dịch vụ (xếp hạng 33, tăng 29 bậc) và khả năng theo dõi, truy xuất hàng hóa (xếp
hạng 34, tăng 41 bậc).

Bảng 2.1: Bảng xếp hạng LPI của Việt Nam qua các năm

Theo
Thứ Năng
Điểm Hải Hạ Vận tải dõi và Thời
Năm hạng lực
LPI quan tầng quốc tế truy gian
LPI logistics
xuất
2018 39 3.27 2.95 3.01 3.16 3.4 3.45 3.67
2016 64 2.98 2.75 2.7 3.12 2.88 2.84 3.5
2014 48 3.15 2.81 3.11 3.22 3.09 3.19 3.49
2012 53 3 2.65 2.68 3.14 2.68 3.16 3.64
2010 53 2.96 2.68 2.56 3.04 2.89 3.1 3.44
2007 53 2.89 2.89 2.5 3 2.8 2.9 3.22
Nguồn: Ngân hàng Thế giới

Trong năm 2018, doanh nghiệp đã áp dụng thành công ứng dụng công nghệ thông
tin vào lĩnh vực logistics với tỉ lệ từ 15-20% vào năm 2015-2016 đã tăng lên 40-50% vào
2017-2018 (theo khảo sát của Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam VLA).

Năm 2018 cũng là một năm tăng trưởng mạnh mẽ của dịch vụ vận tải. Theo Tổng
cục thống kê, trong 9 tháng đầu năm 2018, lượng hàng hóa vận chuyển trong nước lên tới
1.185.753,3 nghìn tấn, tăng 10% so với cùng kỳ năm ngoái, lượng hàng hóa vận chuyển
quốc tế là 25.449,5 nghìn tấn, tăng 3,2% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, tỉ lệ thị phần
hàng hóa được vận tải bằng đường bộ vẫn là lớn nhất, chiếm khoảng 75%. Hàng hóa xuất,
nhập khẩu vẫn được vận chuyển phổ biến nhất bằng đường biển, chiếm đến 90%.

15
Bảng 2.2: Vận chuyển hàng hóa 9 tháng đầu năm 2018

Chỉ tiêu Lượng (nghìn tấn) So cùng kỳ (%)

Tổng 1.211.202,8 109,9

Theo khu vực

Trong nước 1.185.753,3 110,0

Ngoài nước 25.449,5 103,2

Theo loại hình

Đường bộ 934.736,1 110,8

Đường thủy nội địa 214.316,2 107,5

Đường biển 57.729,6 105,2

Đường sắt 4.155 100,8

Đường hàng không 265,8 118,6


Nguồn: Tổng cục Thống kê

Năm 2018, số lượng các công ty tham gia dịch vụ bưu chính - chuyển phát, chủ yếu
tham gia vào khâu giao hàng chặng cuối, phục vụ cho TMĐT gia tăng nhanh chóng. Năm
2018 đánh dấu sự bùng nổ của TMĐT, nhờ đó mà nhu cầu logistics cho TMĐT cũng tăng
đáng kể. Số liệu của Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết tính đến 9/8/2018, số lượng
công ty được cấp phép cho dịch vụ bưu chính - chuyển phát đã tăng lên 356 công ty (tăng
29% so với số lượng công ty được cấp phép vào cuối năm 2017).

Sang đến năm 2019, các ngành dịch vụ vận tải, kho bãi, giao nhận và dịch vụ liên
quan khác đều có mức tăng trưởng khả quan. Dịch vụ vận tải hàng hóa trong 8 tháng năm
2019 đạt 1.102,7 triệu tấn, tăng 8,8% so với cùng kỳ năm trước.Trong đó, vận tải trong
nước đạt 1.080,5 triệu tấn, tăng 8,9%, vận tải ngoài nước đạt 22,2 triệu tấn, tăng 3,2%. Loại
hình vận tải đường bộ chiếm đến 75% trong vận tải nội địa. Dịch vụ kho bãi cũng gia tăng
nhanh chóng nhờ các ngành sản xuất phát triển và người dân tăng chi tiêu tiêu dùng.

16
Ngành dịch vụ logistics trong năm 2020 có những thay đổi lớn do ảnh hưởng của
đại dịch COVID-19. Đại dịch bùng nổ kéo theo những hệ quả tiêu cực cho ngành logistics
tại Việt Nam. Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, trong 10 tháng năm 2020, số lượng
doanh nghiệp vận tải, kho bãi được thành lập mới giảm 5,5% so với cùng kỳ năm 2019 (đạt
4.513 doanh nghiệp). Đồng thời cũng có 555 doanh nghiệp vận tải, kho bãi đã hoàn tất thủ
tục giải thể. Dịch vụ vận tải hàng hóa trong 10 tháng năm 2020 đạt 1,43 tỷ tấn hàng,
tăng 3,7% so với tháng trước nhưng lại giảm 8,7% so với cùng kỳ năm trước. Vận tải trong
nước đạt 1403 triệu tấn, giảm 7,9% so với cùng kỳ năm trước, vận tải quốc tế đạt 26,3 triệu
tấn, giảm 18,6% so với cùng kỳ năm 2019.

Hình 2. 2: Tổng lượng vận chuyển hàng hóa của Việt Nam các tháng năm 2019 và 2020

Nguồn: Bộ Công thương

Xét theo cơ cấu trong nước và ngoài nước thì trong 10 tháng năm 2020 vận chuyển
hàng hóa trong nước vẫn chiếm tỷ trọng chính (98,45%) trong khi vận tải ngoài nước chỉ
chiếm một phần rất nhỏ (1,55%).

Trong số các phương thức vận tải thì hàng không là ngành chịu ảnh hưởng nhiều
nhất bởi đại dịch Covid-19 vẫn có diễn biến phức tạp.Tính chung 10 tháng năm 2020 vận
tải hàng hóa đường hàng không đạt 223,8 nghìn tấn, giảm 38,5%.

17
Hình 2.3: Vận chuyển hàng hóa bằng đường hàng không các tháng năm 2019 và 2020

Nguồn: Bộ Công thương

2.2. Đánh giá tình hình hoạt động logistics Việt Nam
2.2.1. Những thành tựu đạt được
Trong những năm qua, hoạt động logistics tại Việt Nam diễn ra rất sôi nổi. Tốc độ
phát triển của ngành logistics trong nước những năm gần đây đạt khoảng 14%-16%, với
quy mô hơn 40 tỷ USD/năm (theo VLA).

Các doanh nghiệp logistics đã nỗ lực không ngừng trong việc tiên phong đẩy mạnh
nghiên cứu ứng dụng công nghệ 4.0 vào chuỗi quy trình vận hành, tối ưu hóa chi phí và
nguồn lực của doanh nghiệp, giám sát và tăng cường chất lượng dịch vụ, nhằm gia tăng lợi
thế cạnh tranh.

Về hạ tầng logistics, kết cấu hạ tầng giao thông có những bước phát triển mạnh, với
nhiều tuyến đường cao tốc, cầu lớn đã và đang được nâng cấp xây dựng, tập trung vào các
công trình có tính kết nối, lan tỏa, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội. Cùng với tiến
trình mở cửa và hội nhập, lượng hàng hóa sản xuất, lưu thông trong nước và xuất nhập khẩu
những năm qua tăng trưởng mạnh mẽ, là tiền đề thúc đẩy phát triển dịch vụ logistics.

18
2.2.2. Những mặt hạn chế
Bên cạnh những thành tựu đạt được, ngành logistics hiện nay vẫn còn tồn tại một số
mặt hạn chế:

- Quy mô doanh nghiệp còn hạn chế: Có tới 50% số doanh nghiệp trong lĩnh vực
logistics đăng ký ở loại hình Công ty TNHH một thành viên (theo số liệu của VLA). So với
các doanh nghiệp lớn, có vốn nước ngoài hay công ty đa quốc gia thì những doanh nghiệp
nhỏ sẽ không thể cạnh tranh được và vì thế sẽ khó thu hút được nguồn nhân lực có chất
lượng.

- Cơ sở hạ tầng logistics ở Việt Nam còn mang tính rời rạc và thường tập trung vào
các phương thức đơn lẻ như quy hoạch mạng lưới đường bộ, quy hoạch hệ thống cảng,....

- Chi phí logistics còn rất cao: theo WB chi phí logistics của Việt Nam năm 2018
tương đương với khoảng 20,9% GDP (trong đó, chi phí vận tải chiếm tới 60%), gấp đôi so
với các nền kinh tế phát triển (Trung Quốc chiếm 19% GDP, Thái Lan khoảng 18%, Nhật
Bản khoảng 11%, các nước thuộc khối EU khoảng 10%).

- Quy trình thủ tục hải quan còn nhiều chồng chéo và cứng nhắc làm chậm tốc độ
luân chuyển hàng hóa.

19
CHƯƠNG 3: DỰ BÁO TIỀM NĂNG CỦA NGÀNH LOGISTICS VÀ MỘT SỐ
KIẾN NGHỊ CHO VIỆT NAM
3.1. Dự báo tiềm năng của ngành logistics giai đoạn 2021-2025
Hiện nay, Việt Nam được đánh giá có nhiều cơ hội để thúc đẩy phát triển ngành
Logistics. Cụ thể, hệ thống hạ tầng giao thông đường bộ, cảng hàng không, cảng biển, kho
bãi, hạ tầng thương mại, trung tâm logistics không ngừng được mở rộng với quy mô lớn,
rộng khắp. Cùng với đó, các dịch vụ đi kèm đã, đang đáp ứng kịp thời những yêu cầu hết
sức đa dạng của thị trường. Các thủ tục, thời gian thông quan đối với hàng xuất khẩu cũng
đã cải thiện đáng kể.

Việc ký hết Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA) đã tạo tạo điều
kiện thuận lợi, thông thoáng cho ngành dịch vụ logistics phát triển, đẩy mạnh đầu tư trong
nước và hợp tác quốc tế.

Đến năm 2025, kỳ vọng đặt ra cho ngành logistics là tỷ trọng đóng góp của ngành
dịch vụ logistics vào GDP đạt 8%-10%, tốc độ tăng trưởng dịch vụ đạt 15%-20%, tỷ lệ thuê
ngoài dịch vụ logistics đạt 50%-60%, chi phí logistics giảm xuống tương đương 16%-20%
GDP.

3.2. Một số kiến nghị cho Việt Nam


3.2.1. Về phía Chính phủ
Chính phủ cần tiếp tục hoàn thiện chính sách, pháp luật về dịch vụ logistics, sửa đổi
một số quy định, bổ sung về dịch vụ logistics tại Luật Thương mại, tạo cơ sở pháp lý thuận
lợi cho hoạt động logistics. Sửa đổi, ban hành mới các chính sách, pháp luật điều chỉnh dịch
vụ logistics, vận tải đa phương thức, vận tải xuyên biên giới. Bao quát toàn diện các dịch
vụ logistics, nội luật hóa các cam kết quốc tế về logistics...để tạo cơ hội phát triển bền vững
cho ngành này tại Việt Nam.

Tiếp tục hoàn thiện kết cấu hạ tầng logistics, bằng việc tiếp tục rà soát các quy hoạch,
kế hoạch, đảm bảo tính đồng bộ của hạ tầng giao thông và dịch vụ vận tải với mục tiêu phát
triển ngành dịch vụ logistics.
20
Cần ban hành các chính sách hỗ trợ thúc đẩy ngành dịch vụ logistics phát triển. Theo
đó, xây dựng chính sách hỗ trợ phát triển dịch vụ logistics tại địa phương hiệu quả, phù hợp
với đặc điểm kinh tế - xã hội của từng địa phương. Hỗ trợ doanh nghiệp dịch vụ logistics,
đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và vừa, thuận lợi trong việc tiếp cận các nguồn vốn trong
và ngoài nước, phát triển thị trường, đào tạo, tiếp cận thông tin.

Chính phủ cũng cần hỗ trợ, định hướng cho các trường đại học mở ngành học về
logistics/quản trị chuỗi cung ứng và cần được đào tạo chính quy, bài bản, có hệ thống thì
nguồn nhân lực mới được cung ứng một cách bền vững và có chất lượng.

Dịch Covid-19 gây ảnh hưởng nặng nề đến các doanh nghiệp nói chung và các doanh
nghiệp dịch vụ logistics nói riêng. Chứng phủ cần nỗ lực tập trung tháo gỡ khó khăn, đẩy
mạnh sản xuất và xuất khẩu hàng hóa, qua đó tận dụng hiệu quả các FTA mới, giảm bớt
thiệt hại do dịch bệnh để nhanh chóng khôi phục đà tăng trưởng.

3.2.2. Về phía doanh nghiệp


Doanh nghiệp cần ứng dụng triệt để công nghệ thông tin đặc biệt là thương mại điện
tử vào quá trình hoạt động kinh doanh dịch vụ logistics.

Thiết lập cơ chế liên kết hữu hiệu giữa các doanh nghiệp xuất nhập khẩu và logistics.
Để có sự liên kết thường xuyên và hữu hiệu, các doanh nghiệp logistics cần chủ động nắm
vững nghiệp vụ chuyên ngành thương mại, các quy tắc, các hiệp định thương mại song
phương, đa phương mà Việt Nam đã ký kết.Thường xuyên trao đổi thông tin có liên quan
để giúp cho các doanh nghiệp xuất nhập khẩu và logistics nắm bắt tình hình, hỗ trợ nghiệp
vụ tiến tới xây dựng cổng thông tin giao dịch logistics tại mỗi khu vực phục vụ.

Doanh nghiệp phải chú trọng hơn trong việc đào tạo nguồn nhân lực logistcs bằng
việc nâng cao trình độ chuyên môn, tay nghề, tạo điều kiện cho người lao động học tập,
làm việc tích lũy kiến thức, kinh nghiệm từ thực tiễn; ứng dụng khoa học công nghệ trong
việc thực hiện các quy trình, thủ tục hải quan; xác định rõ mục tiêu đào tạo, xây dựng kế
hoạch đào tạo....

21
KẾT LUẬN
1. Dự kiến đóng góp của đề tài
Bài nghiên cứu đem đến cái nhìn tổng quan về thực trạng của ngành logistics tại Việt
Nam trong giai đoạn 2018-2020, chỉ ra những thành tựu và hạn chế của ngành logistics.
Đồng thời bài nghiên cứu cũng chỉ ra tiềm năng của lĩnh vực này trong thời gian tới, từ đó
đề ra những giải pháp, kiến nghị cho Chính phủ cũng như doanh nghiệp phát triển hiệu quả
ngành dịch vụ logistics tại Việt Nam.

2. Hạn chế của đề tài


Do thời gian nghiên cứu còn hạn chế, bài nghiên cứu chưa thu thập được nhiều bộ
số liệu cụ thể để đánh giá sâu tình hình phát triển của ngành logistics tại Việt Nam. Vì vậy
việc đánh giá tiềm năng của ngành logistics chưa thực cụ thể, đồng thời các giải pháp đưa
ra còn mang tính lý thuyết. Bên cạnh đó, bài nghiên cứu mới chỉ sử dụng phương pháp định
tính, thu thập, kế thừ từ những tài liệu tham khảo trước dây mà chưa có những khảo sát
thực tế về lĩnh vực Logistics.

3. Hướng phát triển của đề tài


Tiếp tục đi sâu nghiên cứu tiềm năng phát triển của ngành dịch vụ logistics tại Việt
Nam trong thời gian tới bằng việc thu thập nhiều bộ dữ liệu hơn, tiến hành khảo sát thực tế,
sử dụng phương pháp định lượng để nghiên cứu sâu hơn về lĩnh vực logistics. Từ đó đưa
ra những kiến nghị thực tế, chính xác hơn cho Chính phủ và các doanh nghiệp.

22
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Ánh Ngọc – Thanh Hải. (2020). Diễn đàn Logistics Việt Nam 2020: Cắt giảm chi phí,
nâng cao năng lực cạnh tranh. Có tại: http://kinhtedothi.vn/dien-dan-logistics-viet-
nam-2020-cat-giam-chi-phi-nang-cao-nang-luc-canh-tranh-402764.
2. Đào Lê. (2020). Ngành logistics trước nhiều thách thức. Có tại:
http://www.baodongnai.com.vn/tieu-diem/202005/nganh-logistics-truoc-nhieu-thach-
thuc-3005004/
3. Dịch vụ logistics là gì? Các dịch vụ logistic chủ yếu tại Việt Nam?. Có
tại:https://luatxduonggia.vn/cac-dich-vu-logistic-chu-
yeu/#:~:text=C%C3%A1c%20d%E1%BB%8Bch%20v%E1%BB%A5%20logistics%
20ch%E1%BB%A7,v%C3%A0%20l%E1%BA%ADp%20k%E1%BA%BF%20ho%
E1%BA%A1ch%20b%E1%BB%91c
4. Đức Phong.(2020). 5 bất cập đang “cản chân” ngành logistics Việt Nam. Có tại:
https://haiquanonline.com.vn/5-bat-cap-dang-can-chan-nganh-logistics-viet-nam-
122394.
5. Hà Anh. (2019). Tăng sức cạnh tranh ngành logistics Việt Nam. Có tại:
https://nhandan.com.vn/nhan-dinh/tang-suc-canh-tranh-nganh-logistics-viet-nam-
360180.
6. Logistics Việt: 4 xu hướng, 5 thách thức và những lưu ý. Có tại:
https://bvsc.com.vn/News/20191223/730151/logistics-viet-4-xu-huong-5-thach-thuc-
va-nhung-luu-y.
7. Nhiều tiềm năng cho ngành logistics Việt Nam. Có tại:
http://www.atmglobaltrans.com.vn/tin-tuc/news-event/nhieu-tiem-nang-cho-nganh-
logistics-viet-nam-757.
8. Phạm Trung Hải (2019). Phát triển ngành dịch vụ logistics tại Việt Nam. Có tại:
http://tapchitaichinh.vn/nghien-cuu-trao-doi/phat-trien-nganh-dich-vu-logistics-tai-
viet-nam-306129.
9. Phan Trang. (2020). Tạo mọi điều kiện thuận lợi để phát triển ngành logistics. Có tại:
http://baochinhphu.vn/Kinh-te/Tao-moi-dieu-kien-thuan-loi-de-phat-trien-nganh-
logistics/415180.

23
10. Tạp chí Công thương. (2020). Chi phí logistics cao: Rào cản lớn đối với các doanh
nghiệp. Có tại: https://moit.gov.vn/tin-chi-tiet/-/chi-tiet/chi-phi-logistics-cao-rao-can-
lon-%C4%91oi-voi-cac-doanh-nghiep-11388-16.
11. Thanh Nguyễn. (2019). 2 xu thế chủ đạo trong phát triển logistics Việt Nam. Có tại:
https://haiquanonline.com.vn/2-xu-the-chu-dao-trong-phat-trien-logistics-viet-nam-
115772.
12. Thực trạng & định hướng phát triển ngành Logistics tại Việt Nam. Có tại:
http://justintimevn.com/chi-tiet-tin/Thuc-trang-dinh-huong-phat-trien-nganh-
Logistics-tai-Viet-Nam-206.
13. Tổng kết báo cáo logistics Việt Nam 2018. Có tại:https://vi.abivin.com/post/tong-ket-
bao-cao-logistics-viet-nam-2018
14. Tổng kết báo cáo Logistics Việt Nam năm 2019. Có
tại:https://vi.abivin.com/post/tong-ket-bao-cao-logistics-viet-nam-2019
15. Tổng kết báo cáo Logistics Việt Nam năm 2020. Có
tại:https://vi.abivin.com/post/tong-ket-bao-cao-logistics-viet-nam-2020
16. Vai trò của logistics đối với nền kinh tế. Có tại: http://blogxuatnhapkhau.com/vai-tro-
cua-logistics-doi-voi-nen-kinh-
te/#:~:text=Logistics%20l%C3%A0%20c%C3%B4ng%20c%E1%BB%A5%20k%E1
%BA%BFt,n%C6%B0%E1%BB%9Bc%20tr%C3%AAn%20th%E1%BA%BF%20gi
%E1%BB%9Bi%20n%C3%B3i
17. Vũ Minh Quân. (2018). Tình hình các doanh nghiệp trong lĩnh vực Logistics tại Việt
Nam. Có tại: https://dangkykinhdoanh.gov.vn/vn/tin-tuc/599/4868/tinh-hinh-cac-
doanh-nghiep-trong-linh-vuc-logistics-tai-viet-nam.

24

You might also like