You are on page 1of 3

“Hãy xúc động hồn thơ cho ngọn bút có thần”

Cảm xúc của con người là một phạm trù phức tạp và đa dạng đến mức khó hiểu. Và những cảm xúc ấy
lại nuôi dưỡng một nguồn cảm hứng thi ca khổng lồ, không ai ngờ đến khoảnh khắc xuất thần của hồn
thơ mình và không ai đoán được giây phút một thi phẩm ra đời. Đúng vậy, đó là một lần mà hồn thơ của
Lâm Thị Mỹ Dạ rung lên và “ngọn bút” của người “có thần” đã cho ra đời thi phẩm “Biển”. Bài thơ là một
bản giao hòa giữa con người và thiên nhiên hùng vĩ, thiên nhiên rộng lớn, xa xôi, nhưng cũng thật gần
gũi, bao dung, chở che và là nguồn cảm hứng tuyệt vời cho thi ca. Bài thơ không chỉ là bức tranh thiên
nhiên tuyệt đẹp mà còn ẩn chứa nhiều bài học triết lí nhân sinh sâu sắc để tôi và bạn khi đã đọc một lần
sẽ không thôi suy ngẫm về nó. Tác phẩm tạo nên dấu ấn mạnh mẽ bởi nội dung chủ đề ý nghĩa cùng hình
thức nghệ thuật vô cùng đặc sắc.

Mở đầu bài thơ là bức tranh thiên nhiên về biển cả bao la:

“Biển trời soi mắt nhau

Cho sao về với sóng

Biển có trời thêm rộng

Trời xanh cho biển xanh”

Đọc khổ thơ này ta dễ dàng hình dung được khung cảnh thiên nhiên nơi biển cả và bầu trời đối mặt
nhau, cả hai nhìn thấy nhau trong đôi mắt của mình. Biện pháp tu từ nhân hóa “soi mắt nhau”, đã thổi
hồn cho biển cả, biển bây giờ không chỉ là biển mà là thực thể trữ tình chủ đạo của bài thơ, biển cả và
bầu trời không tồn tại tách rời nhau mà luôn song hành và hỗ trợ nhau. “Sao về với sóng” biển cả và bầu
trời như hòa quyện vào nhau thành một thể đồng nhất, sao có thể đến gần với sóng, ánh sao sáng phản
chiếu mình dưới làn sóng trong vắt. Biển và trời dường như không có khoảng cách biển cũng là trời và
ngược lại, chúng tồn tại như một đôi bạn tri kỉ. Biển sẽ chỉ là biển nếu không có trời, sẽ chỉ là một vùng
không gian bị giởi hạn bởi đường chân trời nếu không có bầu trời xanh, trời làm cho biển rộng hơn và
màu xanh của biển, đó cũng chính là màu sắc mà bầu trời phản chiếu xuống. Biển sẽ chẳng đẹp, chẳng
đa dạng, chẳng lung linh, chẳng rực rỡ và chẳng diệu kì nếu không có bầu trời. Biện pháp tu từ nhân hóa
được sử dụng trong bài thơ cùng cách dùng từ tinh tế của nhà thơ đã không chỉ vẽ nên khung cảnh thiên
nhiên hùng vĩ giữa biển và bầu trời mà còn gửi gắm một bài học nhân sinh ý nghĩa, chúng ta sẽ chẳng là
gì nếu chỉ tồn tại độc lập, đó là bài học về sự tương trợ lẫn nhau và cùng nhau chúng ta tôn lên vẻ đẹp
của cả hai.

Đến khổ thơ thứ hai, biển cả lại càng hiện lên với vẻ đẹp và tầm quan trọng của mình:

“Mặt trời lên đến đâu

Cũng lên từ phía biển

Nơi ánh sáng bắt đầu

Tỏa triệu vòng yêu mến”

Mặt trời của muôn loài, ánh sáng của nhân loại, nơi cuộc sống bắt đầu có nơi bắt nguồn là từ biển. Biển
cả, nơi nguồn sáng bắt đầu, và tỏa đi muôn nơi. Sẽ chẳng ở đâu ta thấy ánh sáng đó đẹp, lung linh, ấm
áp và diệu kì như là khi ta ngắm nhìn từ biển. Ánh sáng ấy như là một vòng tay tràn đầy ôm ấp vạn vật
trên thế gian. Không có ánh sáng con người sẽ chết, và không có ánh sáng thì cuộc sống chẳng thể bắt
đầu. Và nơi đó, ánh sáng bắt đầu từ biển. Đâu đó thấp thoáng một bài học nhân sinh sâu sắc dành cho
mỗi chúng ta, phải chăng đó là sự nhắc nhớ dành cho con người về cội nguồn của bản thân, về lòng biết
ơn và hướng bản thân về nơi ta bắt đầu.

Dòng cảm xúc ấy còn được tiếp nối sang khổ thơ thứ ba, nơi biển cả bao la về cả không gian và cả trong
tấm lòng:

“Biển ơi! Biển thẳm sâu

Dạt dào mà không nói

Biển ơi cho ta hỏi

Biển mặn từ bao giờ”

Tác giả đã trực tiếp bộc lộ cảm xúc của mình mà câu cảm thán và cách nói nhân hóa “Biển ơi!”. Chẳng
phải đến bây giờ biển mới “thẳm sâu”, “dạt dào” chẳng qua là biển “không nói”. Biện pháp tu từ nhân
hóa, biển cả như thể một người mẹ hiền, tình yêu to lớn, dạt dào mà chẳng bao giờ nói ra. Đó chẳng
phải là tình yêu đôi lứa mãnh liệt, thề non hẹn biển nhưng dễ xóa nhòa dễ phôi phai. Đó chỉ là một tình
yêu thầm lặng, không dễ để nhận thấy nhưng to lớn vô ngần và không bao giờ cạn như biển cả vậy, ngàn
năm, triệu năm và tình yêu ấy vẫn còn mãi ở đấy, vĩnh hằng và bất diệu. Câu hỏi tu từ “Biển mặn từ bao
giờ”. Chẳng ai biết biển có từ bao giờ, chỉ biết rằng từ lúc bắt đầu biển đã mặn. Một cái gì đó không có
bắt đầu rõ ràng và không có điểm dừng kết thúc, biển mặn là mãi mãi, biển mặn là trường tồn. Mọi thứ
có thể mất đi, nhưng sự bao la và sự mặn thẳm sâu từ lòng biển thì còn mãi, đó chỉ có thể là tình yêu của
mẹ. Tôi không chắc mình có hiểu đúng ý của tác giả hay không, nhưng ở đây tôi cảm nhận được tình yêu
to lớn của biển và đó cũng như người mẹ của tôi, người mẹ của hàng triệu người trong nhân loại.

Nhà thơ thật tài tình, tôi cảm nhận được vô hạn thông điệp mà bà muốn gửi gắm, và ở đây, khổ thơ thứ
tư lại là một bài học sâu sắc mà phải ngẫm rất lâu, tôi mới giật mình cảm nhận được:

“Nhặt chi con ốc vàng

Sóng xô vào tận bãi

Những cái gì dễ dãi

Có bao giờ bền lâu”

Nhà thơ quả là tài tình, mượn chuyện loài vật để nói chuyện con người. “Con ốc vàng” thứ ta dễ dàng
đạt được, thứ đã được sóng đánh “xô vào tận bãi” đến ngay dưới chân ta, chỉ cần một cái cúi người nó
đã thuộc về ta. Thế nhưng, giá trị mà nó mang lại chẳng khác nào con số không, vẻ đẹp nhất thời sẽ chỉ
làm ta vui mắt trong một khoảnh khắc và rồi điều “dễ dãi” ấy chẳng thể “bền lâu”. Bài học cuộc sống sâu
sắc này được truyển tải một cách tinh tế, sống động và giàu sức gợi qua các từ ngữ hình ảnh cùng biện
pháp tu từ ẩn dụ đầy ngụ ý và sâu sắc. Muốn đạt được điều mình muốn, chỉ có nỗ lực không ngừng mới
có thể mang lại mà thôi, nếu ta không cố bỏ công sức ra để cố gắng thì điều ta đạt được chỉ là những
điều mang giá trị nhất thời mà thôi.

Giá trị và vẻ đẹp của biển cả lại một lần nữa được khẳng định là củng cố không khổ thơ cuối cùng:

“Biển chìm trong đêm thâu


Để chân trời lại rạng

Khát khao điều mới lạ

Ta đẩy thuyền ra khơi

Dù bão giông vất cả

Không quản gì biển ơi!”

Khổ thơ là một lời nhắn nhủ nhẹ nhàng đến biển hay cũng là dành cho chính tác giả và tất cả độc giả,
những con người luôn không ngừng cố gắng và theo đuổi ước mơ của riêng mình. Đó là một chân lí hiển
nhiên: sau “đêm thâu” thì ngày mai là chân trời mới “lại rạng”. Cuộc đời con người cũng vậy, không có
thành công nào mà không đi lên từ thất bại, từ những đêm tối mù mịt. Hình ảnh của biển nhẹ nhàng
hiện lên nhưng lại ẩn chứa rất nhiều ý nghĩa sâu xa về con người. Làm được điều này, tác giả thật sự tài
ba. Và ở đâu đó trong “đêm thâu” ý chí và khát khao mãnh liệt của con người đã dẫn lối con người “đẩy
thuyền ra khơi” khám phá điều mới lạ. Đây không phải chỉ là câu chuyện về biển mà đó còn là câu
chuyện về con người. Biển cả luôn đồng hành cùng con người trong mọi cuộc hành trình của cuộc đời,
trong công cuộc khám phá và chinh phục thiên nhiên. Biển vẫn luôn ở đấy hỗ trợ con người, vượt lên
mọi khó khăn, “giông bão”. “Không quản gì biển ơi!” câu cảm thán bộc lộ cảm xúc cùng cách nói nhân
hóa, biển không quản vất vả, chúng ta cũng vậy, không có khó khăn nào mà con người không thể đạt
được, bằng sức mạnh của mình và bằng sự hỗ trợ của biển cả, tất cả chúng ta rồi sẽ đều đạt được những
gì mình khao khát. Tiến lên!

Bài thơ không chỉ là một bài thơ, nó là một bản nhạc, là một tuyệt tác nghệ thuật. Thể thơ năm chữ cùng
cách ngắt nhịp và gieo vần linh hoạt đã tạo nên tính nhạc cho thơ. Ở đó, không chỉ có nội dung ý nghĩa
mà hình thức nghệ thuật đặc sắc cũng đặc biệt làm nên thành công của bài thơ. Cách dùng từ tinh tế,
hợp lí và sự đa tầng trong nghĩa của thơ đã làm cho bài thơ càng trở nên sâu sắc. Hơn nữa, các biện
pháp tu từ đã tạo nên sự gần gũi giữa con người với thiên nhiên và biển cả. Trước bài thơ, với tôi, biển
chỉ là biển, sau bài thơ, biển là một chân trời rộng lớn, là nơi kì diệu và bí ẩn nhưng cũng thật gần gũi và
bao la. Những dòng thơ khép lại, tâm hồn của tôi lại được mở rộng ra vô ngần. Chủ đề về biển chẳng
phải là mới trong thơ ca, ta từng bắt gặp “Sóng” của Xuân Quỳnh, “Sóng và biển” của Xuân Diệu. Nhưng
“Biển” của nữ nhà thơ lại là một bản hòa ca hoàn toàn mới lạ, độc đáo và cũng ghi đầy dấu ấn của Lâm
Thị Mỹ Dạ. Tác phẩm không chỉ ghi lại dấu ấn mạnh mẽ trong lòng độc giả mà còn đưa bà đến một vị thế
cao hơn trong lòng độc giả. Quả là một thi phẩm lay động lòng người.

“Thơ chỉ bật ra trong tim khi cuộc sống đã tràn đầy”. Quả thật, tôi cảm nhận được cuộc sống sâu sắc qua
từng dòng thơ của “Biển”. Ở đó, thiên nhiên không chỉ là thiên nhiên mà nó còn nói lên chân thật cuộc
sống của con người. Phải là một người yêu biển, một tấm lòng nhạy cảm trước thiên nhiên thì tác giả
mới có thể bật ra những dòng thơ sâu sắc và ý vị như vậy. Văn học mà cụ thể là thơ là như vậy, nếu
không dùng cả con tim thì ta chẳng thể nào hiểu hết được, thật may mắn khi tôi được đọc những dòng
này và thật may mắn khi trái tim tôi đã phần nào đôi chút nhận ra những gì mà nhà thơ khéo léo lồng
ghép. Và cũng từ đó, tình yêu dành cho văn học, cho thơ ca, cho thiên nhiên, cho cuộc sống và cho con
người trong tôi được thắp lên sáng bừng.

You might also like