You are on page 1of 143

LUẬT AN TOÀN, VỆ SINH LAO ĐỘNG 2015

Luật số: 84/2015/QH13 ngày 25 tháng 06 năm 2015

Căn cứ Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam;

Quốc hội ban hành Luật an toàn, vệ sinh lao động.

Chương I QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Luật này quy định việc bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động; chính sách, chế độ đối với
người bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; trách nhiệm và quyền hạn của các tổ
chức, cá nhân liên quan đến công tác an toàn, vệ sinh lao động và quản lý nhà nước
về an toàn, vệ sinh lao động.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

1. Người lao động làm việc theo hợp đồng lao động; người thử việc; người học nghề,
tập nghề để làm việc cho người sử dụng lao động.

2. Cán bộ, công chức, viên chức, người thuộc lực lượng vũ trang nhân dân.

3. Người lao động làm việc không theo hợp đồng lao động.

4. Người lao động Việt Nam đi làm việc tại nước ngoài theo hợp đồng; người lao
động nước ngoài làm việc tại Việt Nam.

5. Người sử dụng lao động.

6. Cơ quan, tổ chức và cá nhân khác có liên quan đến công tác an toàn, vệ sinh lao
động.

Những người quy định tại các khoản 1, 2, 3 và 4 Điều này sau đây gọi chung là người
lao động.

Điều 3. Giải thích từ ngữ

Trong Luật này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:

1. Cơ sở sản xuất, kinh doanh là doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ gia đình và các tổ chức
hoạt động sản xuất, kinh doanh.

2. An toàn lao động là giải pháp phòng, chống tác động của các yếu tố nguy hiểm
nhằm bảo đảm không xảy ra thương tật, tử vong đối với con người trong quá trình lao
động.
3. Vệ sinh lao động là giải pháp phòng, chống tác động của yếu tố có hại gây bệnh
tật, làm suy giảm sức khỏe cho con người trong quá trình lao động.

4. Yếu tố nguy hiểm là yếu tố gây mất an toàn, làm tổn thương hoặc gây tử vong cho
con người trong quá trình lao động.

5. Yếu tố có hại là yếu tố gây bệnh tật, làm suy giảm sức khỏe con người trong quá
trình lao động.

6. Sự cố kỹ thuật gây mất an toàn, vệ sinh lao động là hư hỏng của máy, thiết bị, vật
tư, chất vượt quá giới hạn an toàn kỹ thuật cho phép, xảy ra trong quá trình lao động
và gây thiệt hại hoặc có nguy cơ gây thiệt hại cho con người, tài sản và môi trường.

7. Sự cố kỹ thuật gây mất an toàn, vệ sinh lao động nghiêm trọng là sự cố kỹ thuật
gây mất an toàn, vệ sinh lao động lớn, xảy ra trên diện rộng và vượt khả năng ứng
phó của cơ sở sản xuất, kinh doanh, cơ quan, tổ chức, địa phương hoặc liên quan đến
nhiều cơ sở sản xuất, kinh doanh, địa phương.

8. Tai nạn lao động là tai nạn gây tổn thương cho bất kỳ bộ phận, chức năng nào của
cơ thể hoặc gây tử vong cho người lao động, xảy ra trong quá trình lao động, gắn liền
với việc thực hiện công việc, nhiệm vụ lao động.

9. Bệnh nghề nghiệp là bệnh phát sinh do điều kiện lao động có hại của nghề nghiệp
tác động đối với người lao động.

10. Quan trắc môi trường lao động là hoạt động thu thập, phân tích, đánh giá số liệu
đo lường các yếu tố trong môi trường lao động tại nơi làm việc để có biện pháp giảm
thiểu tác hại đối với sức khỏe, phòng, chống bệnh nghề nghiệp.

Điều 4. Chính sách của Nhà nước về an toàn, vệ sinh lao động

1. Tạo điều kiện thuận lợi để người sử dụng lao động, người lao động, cơ quan, tổ
chức, cá nhân khác có liên quan thực hiện các biện pháp bảo đảm an toàn, vệ sinh lao
động trong quá trình lao động; khuyến khích người sử dụng lao động, người lao động
áp dụng các tiêu chuẩn kỹ thuật, hệ thống quản lý tiên tiến, hiện đại và áp dụng công
nghệ tiên tiến, công nghệ cao, công nghệ thân thiện với môi trường trong quá trình
lao động.

2. Đầu tư nghiên cứu, ứng dụng khoa học và công nghệ về an toàn, vệ sinh lao động;
hỗ trợ xây dựng phòng thí nghiệm, thử nghiệm đạt chuẩn quốc gia phục vụ an toàn,
vệ sinh lao động.

3. Hỗ trợ phòng ngừa tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp trong các ngành, lĩnh vực
có nguy cơ cao về tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; khuyến khích các tổ chức xây
dựng, công bố hoặc sử dụng tiêu chuẩn kỹ thuật tiên tiến, hiện đại về an toàn, vệ sinh
lao động trong quá trình lao động.
4. Hỗ trợ huấn luyện an toàn, vệ sinh lao động cho người lao động làm việc không
theo hợp đồng lao động làm các công việc có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn, vệ sinh
lao động.

5. Phát triển đối tượng tham gia bảo hiểm tai nạn lao động tự nguyện; xây dựng cơ
chế đóng, hưởng linh hoạt nhằm phòng ngừa, giảm thiểu, khắc phục rủi ro cho người
lao động.

Điều 5. Nguyên tắc bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động

1. Bảo đảm quyền của người lao động được làm việc trong điều kiện an toàn, vệ sinh
lao động.

2. Tuân thủ đầy đủ các biện pháp an toàn, vệ sinh lao động trong quá trình lao động;
ưu tiên các biện pháp phòng ngừa, loại trừ, kiểm soát các yếu tố nguy hiểm, yếu tố có
hại trong quá trình lao động.

3. Tham vấn ý kiến tổ chức công đoàn, tổ chức đại diện người sử dụng lao động, Hội
đồng về an toàn, vệ sinh lao động các cấp trong xây dựng, thực hiện chính sách, pháp
luật, chương trình, kế hoạch về an toàn, vệ sinh lao động.

Điều 6. Quyền và nghĩa vụ về an toàn, vệ sinh lao động của người lao động

1. Người lao động làm việc theo hợp đồng lao động có quyền sau đây:

a) Được bảo đảm các điều kiện làm việc công bằng, an toàn, vệ sinh lao động; yêu
cầu người sử dụng lao động có trách nhiệm bảo đảm điều kiện làm việc an toàn, vệ
sinh lao động trong quá trình lao động, tại nơi làm việc;

b) Được cung cấp thông tin đầy đủ về các yếu tố nguy hiểm, yếu tố có hại tại nơi làm
việc và những biện pháp phòng, chống; được đào tạo, huấn luyện về an toàn, vệ sinh
lao động;

c) Được thực hiện chế độ bảo hộ lao động, chăm sóc sức khỏe, khám phát hiện bệnh
nghề nghiệp; được người sử dụng lao động đóng bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh
nghề nghiệp; được hưởng đầy đủ chế độ đối với người bị tai nạn lao động, bệnh nghề
nghiệp; được trả phí khám giám định thương tật, bệnh tật do tai nạn lao động, bệnh
nghề nghiệp; được chủ động đi khám giám định mức suy giảm khả năng lao động và
được trả phí khám giám định trong trường hợp kết quả khám giám định đủ điều kiện
để điều chỉnh tăng mức hưởng trợ cấp tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp;

d) Yêu cầu người sử dụng lao động bố trí công việc phù hợp sau khi điều trị ổn định
do bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp;

đ) Từ chối làm công việc hoặc rời bỏ nơi làm việc mà vẫn được trả đủ tiền lương và
không bị coi là vi phạm kỷ luật lao động khi thấy rõ có nguy cơ xảy ra tai nạn lao
động đe dọa nghiêm trọng tính mạng hoặc sức khỏe của mình nhưng phải báo ngay
cho người quản lý trực tiếp để có phương án xử lý; chỉ tiếp tục làm việc khi người
quản lý trực tiếp và người phụ trách công tác an toàn, vệ sinh lao động đã khắc phục
các nguy cơ để bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động;

e) Khiếu nại, tố cáo hoặc khởi kiện theo quy định của pháp luật.

2. Người lao động làm việc theo hợp đồng lao động có nghĩa vụ sau đây:

a) Chấp hành nội quy, quy trình và biện pháp bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động tại
nơi làm việc; tuân thủ các giao kết về an toàn, vệ sinh lao động trong hợp đồng lao
động, thỏa ước lao động tập thể;

b) Sử dụng và bảo quản các phương tiện bảo vệ cá nhân đã được trang cấp; các thiết
bị bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động tại nơi làm việc;

c) Báo cáo kịp thời với người có trách nhiệm khi phát hiện nguy cơ xảy ra sự cố kỹ
thuật gây mất an toàn, vệ sinh lao động, tai nạn lao động hoặc bệnh nghề nghiệp; chủ
động tham gia cấp cứu, khắc phục sự cố, tai nạn lao động theo phương án xử lý sự cố,
ứng cứu khẩn cấp hoặc khi có lệnh của người sử dụng lao động hoặc cơ quan nhà
nước có thẩm quyền.

3. Người lao động làm việc không theo hợp đồng lao động có quyền sau đây:

a) Được làm việc trong điều kiện an toàn, vệ sinh lao động; được Nhà nước, xã hội và
gia đình tạo điều kiện để làm việc trong môi trường an toàn, vệ sinh lao động;

b) Tiếp nhận thông tin, tuyên truyền, giáo dục về công tác an toàn, vệ sinh lao động;
được huấn luyện an toàn, vệ sinh lao động khi làm các công việc có yêu cầu nghiêm
ngặt về an toàn, vệ sinh lao động;

c) Tham gia và hưởng bảo hiểm tai nạn lao động theo hình thức tự nguyện do Chính
phủ quy định.

Căn cứ vào điều kiện phát triển kinh tế - xã hội, khả năng ngân sách nhà nước trong
từng thời kỳ, Chính phủ quy định chi tiết về việc hỗ trợ tiền đóng bảo hiểm tai nạn
lao động theo hình thức tự nguyện;

d) Khiếu nại, tố cáo hoặc khởi kiện theo quy định của pháp luật.

4. Người lao động làm việc không theo hợp đồng lao động có nghĩa vụ sau đây:

a) Chịu trách nhiệm về an toàn, vệ sinh lao động đối với công việc do mình thực hiện
theo quy định của pháp luật;

b) Bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động đối với những người có liên quan trong quá
trình lao động;

c) Thông báo với chính quyền địa phương để có biện pháp ngăn chặn kịp thời các
hành vi gây mất an toàn, vệ sinh lao động.
5. Cán bộ, công chức, viên chức, người thuộc lực lượng vũ trang nhân dân có quyền
và nghĩa vụ về an toàn, vệ sinh lao động như đối với người lao động quy định tại
khoản 1 và khoản 2 Điều này, trừ trường hợp văn bản quy phạm pháp luật áp dụng
riêng với đối tượng này có quy định khác.

6. Người học nghề, tập nghề để làm việc cho người sử dụng lao động có quyền và
nghĩa vụ về an toàn, vệ sinh lao động như đối với người lao động quy định tại khoản
1 và khoản 2 Điều này.

7. Người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam có quyền và nghĩa vụ về an
toàn, vệ sinh lao động như đối với người lao động quy định tại khoản 1 và khoản 2
Điều này; riêng việc tham gia bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp được thực
hiện theo quy định của Chính phủ.

Điều 7. Quyền và nghĩa vụ về an toàn, vệ sinh lao động của người sử dụng lao
động

1. Người sử dụng lao động có quyền sau đây:

a) Yêu cầu người lao động phải chấp hành các nội quy, quy trình, biện pháp bảo đảm
an toàn, vệ sinh lao động tại nơi làm việc;

b) Khen thưởng người lao động chấp hành tốt và kỷ luật người lao động vi phạm
trong việc thực hiện an toàn, vệ sinh lao động;

c) Khiếu nại, tố cáo hoặc khởi kiện theo quy định của pháp luật;

d) Huy động người lao động tham gia ứng cứu khẩn cấp, khắc phục sự cố, tai nạn lao
động.

2. Người sử dụng lao động có nghĩa vụ sau đây:

a) Xây dựng, tổ chức thực hiện và chủ động phối hợp với các cơ quan, tổ chức trong
việc bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động tại nơi làm việc thuộc phạm vi trách nhiệm
của mình cho người lao động và những người có liên quan; đóng bảo hiểm tai nạn lao
động, bệnh nghề nghiệp cho người lao động;

b) Tổ chức huấn luyện, hướng dẫn các quy định, nội quy, quy trình, biện pháp bảo
đảm an toàn, vệ sinh lao động; trang bị đầy đủ phương tiện, công cụ lao động bảo
đảm an toàn, vệ sinh lao động; thực hiện việc chăm sóc sức khỏe, khám phát hiện
bệnh nghề nghiệp; thực hiện đầy đủ chế độ đối với người bị tai nạn lao động, bệnh
nghề nghiệp cho người lao động;

c) Không được buộc người lao động tiếp tục làm công việc hoặc trở lại nơi làm việc
khi có nguy cơ xảy ra tai nạn lao động đe dọa nghiêm trọng tính mạng hoặc sức khỏe
của người lao động;
d) Cử người giám sát, kiểm tra việc thực hiện nội quy, quy trình, biện pháp bảo đảm
an toàn, vệ sinh lao động tại nơi làm việc theo quy định của pháp luật;

đ) Bố trí bộ phận hoặc người làm công tác an toàn, vệ sinh lao động; phối hợp với
Ban chấp hành công đoàn cơ sở thành lập mạng lưới an toàn, vệ sinh viên; phân định
trách nhiệm và giao quyền hạn về công tác an toàn, vệ sinh lao động;

e) Thực hiện việc khai báo, điều tra, thống kê, báo cáo tai nạn lao động, bệnh nghề
nghiệp, sự cố kỹ thuật gây mất an toàn, vệ sinh lao động nghiêm trọng; thống kê, báo
cáo tình hình thực hiện công tác an toàn, vệ sinh lao động; chấp hành quyết định của
thanh tra chuyên ngành về an toàn, vệ sinh lao động;

g) Lấy ý kiến Ban chấp hành công đoàn cơ sở khi xây dựng kế hoạch, nội quy, quy
trình, biện pháp bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động.

Điều 8. Quyền, trách nhiệm của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức thành
viên của Mặt trận và các tổ chức xã hội khác

1. Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức thành viên của Mặt trận và các tổ chức xã
hội khác trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có quyền và trách nhiệm sau
đây:

a) Phối hợp với các cơ quan liên quan tổ chức tuyên truyền, phổ biến, huấn luyện về
an toàn, vệ sinh lao động; phát triển các dịch vụ an toàn, vệ sinh lao động;

b) Tham gia ý kiến, giám sát, phản biện xã hội trong việc xây dựng chế độ chính
sách, pháp luật về an toàn, vệ sinh lao động theo quy định của pháp luật;

c) Tham gia cùng với các cơ quan quản lý nhà nước đề xuất giải pháp cải thiện điều
kiện lao động, phòng, chống tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, triển khai công tác
nghiên cứu khoa học;

d) Vận động đoàn viên, hội viên thực hiện công tác bảo đảm an toàn, vệ sinh lao
động;

đ) Phát hiện và kiến nghị với cơ quan nhà nước có thẩm quyền xử lý kịp thời các
hành vi vi phạm pháp luật về an toàn, vệ sinh lao động.

2. Tổ chức đại diện người sử dụng lao động thực hiện quyền và trách nhiệm quy định
tại khoản 1 Điều này; có trách nhiệm tham gia Hội đồng an toàn, vệ sinh lao động
theo quy định tại Điều 88 của Luật này; vận động người sử dụng lao động tổ chức đối
thoại tại nơi làm việc, thương lượng tập thể, thỏa ước lao động tập thể, thực hiện các
biện pháp cải thiện điều kiện lao động nhằm bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động tại
nơi làm việc.

Điều 9. Quyền, trách nhiệm của tổ chức công đoàn trong công tác an toàn, vệ
sinh lao động
1. Tham gia với cơ quan nhà nước xây dựng chính sách, pháp luật về an toàn, vệ sinh
lao động. Kiến nghị cơ quan nhà nước có thẩm quyền xây dựng, sửa đổi, bổ sung
chính sách, pháp luật có liên quan đến quyền, nghĩa vụ của người lao động về an
toàn, vệ sinh lao động.

2. Tham gia, phối hợp với cơ quan nhà nước thanh tra, kiểm tra, giám sát việc thực
hiện chính sách, pháp luật về an toàn, vệ sinh lao động có liên quan đến quyền, nghĩa
vụ của người lao động; tham gia xây dựng, hướng dẫn thực hiện, giám sát việc thực
hiện kế hoạch, quy chế, nội quy và các biện pháp bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động
cải thiện điều kiện lao động cho người lao động tại nơi làm việc; tham gia điều tra tai
nạn lao động theo quy định của pháp luật.

3. Yêu cầu cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân có trách nhiệm thực hiện ngay
biện pháp bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động, thực hiện các biện pháp khắc phục, kể
cả trường hợp phải tạm ngừng hoạt động khi phát hiện nơi làm việc có yếu tố có hại
hoặc yếu tố nguy hiểm đến sức khỏe, tính mạng của con người trong quá trình lao
động.

4. Vận động người lao động chấp hành quy định, nội quy, quy trình, biện pháp bảo
đảm an toàn, vệ sinh lao động.

5. Đại diện tập thể người lao động khởi kiện khi quyền của tập thể người lao động về
an toàn, vệ sinh lao động bị xâm phạm; đại diện cho người lao động khởi kiện khi
quyền của người lao động về an toàn, vệ sinh lao động bị xâm phạm và được người
lao động ủy quyền.

6. Nghiên cứu, ứng dụng khoa học, công nghệ, đào tạo, huấn luyện về an toàn, vệ
sinh lao động; kiến nghị các giải pháp chăm lo cải thiện điều kiện lao động, phòng
ngừa tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp cho người lao động.

7. Phối hợp với cơ quan nhà nước tổ chức phong trào thi đua về an toàn, vệ sinh lao
động; tổ chức phong trào quần chúng làm công tác an toàn, vệ sinh lao động; tổ chức
và hướng dẫn hoạt động của mạng lưới an toàn, vệ sinh viên.

8. Khen thưởng công tác an toàn, vệ sinh lao động theo quy định, của Tổng Liên đoàn
Lao động Việt Nam.

Điều 10. Quyền, trách nhiệm của công đoàn cơ sở trong công tác an toàn, vệ sinh
lao động

1. Tham gia với người sử dụng lao động xây dựng và giám sát việc thực hiện kế
hoạch, quy định, nội quy, quy trình, biện pháp bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động, cải
thiện điều kiện lao động.

2. Đại diện cho tập thể người lao động thương lượng, ký kết và giám sát việc thực
hiện điều khoản về an toàn, vệ sinh lao động trong thỏa ước lao động tập thể; có trách
nhiệm giúp đỡ người lao động khiếu nại, khởi kiện khi quyền, lợi ích hợp pháp, chính
đáng bị xâm phạm.
3. Đối thoại với người sử dụng lao động để giải quyết các vấn đề liên quan đến
quyền, nghĩa vụ của người lao động, người sử dụng lao động về an toàn, vệ sinh lao
động.

4. Tham gia, phối hợp với người sử dụng lao động tổ chức kiểm tra công tác an toàn,
vệ sinh lao động; giám sát và yêu cầu người sử dụng lao động thực hiện đúng các quy
định về an toàn, vệ sinh lao động; tham gia, phối hợp với người sử dụng lao động
điều tra tai nạn lao động và giám sát việc giải quyết chế độ, đào tạo nghề và bố trí
công việc cho người bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp.

5. Kiến nghị với người sử dụng lao động, cơ quan, tổ chức có thẩm quyền thực hiện
các biện pháp bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động, khắc phục hậu quả sự cố kỹ thuật
gây mất an toàn, vệ sinh lao động, tai nạn lao động và xử lý hành vi vi phạm pháp
luật về an toàn, vệ sinh lao động.

6. Tuyên truyền, vận động người lao động, người sử dụng lao động thực hiện tốt các
quy định của pháp luật, tiêu chuẩn, quy chuẩn, quy trình, biện pháp bảo đảm an toàn,
vệ sinh lao động tại nơi làm việc. Phối hợp với người sử dụng lao động tổ chức tập
huấn, huấn luyện an toàn, vệ sinh lao động cho cán bộ công đoàn và người lao động.

7. Yêu cầu người có trách nhiệm thực hiện ngay biện pháp bảo đảm an toàn, vệ sinh
lao động, kể cả trường hợp phải tạm ngừng hoạt động nếu cần thiết khi phát hiện nơi
làm việc có nguy cơ gây nguy hiểm đến sức khỏe, tính mạng của người lao động.

8. Tham gia Đoàn điều tra tai nạn lao động cấp cơ sở theo quy định tại khoản 1 Điều
35 của Luật này; tham gia, phối hợp với người sử dụng lao động để ứng cứu, khắc
phục hậu quả sự cố kỹ thuật gây mất an toàn, vệ sinh lao động, tai nạn lao động;
trường hợp người sử dụng lao động không thực hiện nghĩa vụ khai báo theo quy định
tại Điều 34 của Luật này thì công đoàn cơ sở có trách nhiệm thông báo ngay với cơ
quan quản lý nhà nước có thẩm quyền theo quy định tại Điều 35 của Luật này để tiến
hành điều tra.

9. Phối hợp với người sử dụng lao động tổ chức các phong trào thi đua, phong trào
quần chúng làm công tác an toàn, vệ sinh lao động và xây dựng văn hóa an toàn lao
động tại nơi làm việc; quản lý, hướng dẫn hoạt động của mạng lưới an toàn, vệ sinh
viên.

10. Những cơ sở sản xuất, kinh doanh chưa thành lập công đoàn cơ sở thì công đoàn
cấp trên trực tiếp cơ sở thực hiện quyền, trách nhiệm quy định tại Điều này khi được
người lao động ở đó yêu cầu.

Điều 11. Quyền, trách nhiệm của Hội nông dân Việt Nam

1. Tham gia với cơ quan nhà nước xây dựng chính sách, pháp luật về an toàn, vệ sinh
lao động cho nông dân. Kiến nghị với cơ quan nhà nước có thẩm quyền xây dựng,
sửa đổi, bổ sung chính sách, pháp luật có liên quan đến quyền, nghĩa vụ của người
lao động là nông dân về an toàn, vệ sinh lao động.
2. Tham gia, phối hợp với cơ quan nhà nước trong việc thanh tra, kiểm tra, giám sát
việc thực hiện chế độ, chính sách, pháp luật về an toàn, vệ sinh lao động có liên quan
đến quyền và nghĩa vụ của người lao động là nông dân; tham gia điều tra tai nạn lao
động khi người bị tai nạn lao động là nông dân.

3. Tham gia hoạt động tuyên truyền, huấn luyện về an toàn, vệ sinh lao động cho
nông dân.

4. Phối hợp với cơ quan nhà nước trong việc chăm lo cải thiện điều kiện lao động,
phòng ngừa tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp cho nông dân.

5. Vận động nông dân tham gia phong trào bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động cho
nông dân theo quy định của pháp luật.

Điều 12. Các hành vi bị nghiêm cấm

1. Che giấu, khai báo hoặc báo cáo sai sự thật về tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp;
không thực hiện các yêu cầu, biện pháp bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động gây tổn
hại hoặc có nguy cơ gây tổn hại đến người, tài sản, môi trường; buộc người lao động
phải làm việc hoặc không được rời khỏi nơi làm việc khi có nguy cơ xảy ra tai nạn
lao động đe dọa nghiêm trọng sức khỏe, tính mạng của họ hoặc buộc người lao động
tiếp tục làm việc khi các nguy cơ đó chưa được khắc phục.

2. Trốn đóng, chậm đóng tiền bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; chiếm
dụng tiền đóng, hưởng bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; gian lận, giả
mạo hồ sơ trong việc thực hiện bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; không
chi trả chế độ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp cho người lao động; quản
lý, sử dụng Quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp không đúng quy định
của pháp luật; truy cập, khai thác trái pháp luật cơ sở dữ liệu về bảo hiểm tai nạn lao
động, bệnh nghề nghiệp.

3. Sử dụng máy, thiết bị, vật tư có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn, vệ sinh lao động
không được kiểm định hoặc kết quả kiểm định không đạt yêu cầu hoặc không có
nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, hết hạn sử dụng, không bảo đảm chất lượng, gây ô nhiễm
môi trường.

4. Gian lận trong các hoạt động kiểm định, huấn luyện an toàn, vệ sinh lao động,
quan trắc môi trường lao động, giám định y khoa để xác định mức suy giảm khả năng
lao động khi bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; cản trở, gây khó khăn hoặc làm
thiệt hại đến quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng về an toàn, vệ sinh lao động của
người lao động, người sử dụng lao động.

5. Phân biệt đối xử về giới trong bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động; phân biệt đối xử
vì lý do người lao động từ chối làm công việc hoặc rời bỏ nơi làm việc khi thấy rõ có
nguy cơ xảy ra tai nạn lao động đe dọa nghiêm trọng tính mạng hoặc sức khỏe của
mình; phân biệt đối xử vì lý do đã thực hiện công việc, nhiệm vụ bảo đảm an toàn, vệ
sinh lao động tại cơ sở của người làm công tác an toàn, vệ sinh lao động, an toàn, vệ
sinh viên, người làm công tác y tế.
6. Sử dụng lao động hoặc làm công việc có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn, vệ sinh
lao động khi chưa được huấn luyện về an toàn, vệ sinh lao động.

7. Trả tiền thay cho việc bồi dưỡng bằng hiện vật.

Chương II CÁC BIỆN PHÁP PHÒNG, CHỐNG CÁC YẾU TỐ NGUY HIỂM,
YẾU TỐ CÓ HẠI CHO NGƯỜI LAO ĐỘNG

Mục 1. THÔNG TIN, TUYÊN TRUYỀN, GIÁO DỤC, HUẤN LUYỆN AN


TOÀN, VỆ SINH LAO ĐỘNG

Điều 13. Thông tin, tuyên truyền, giáo dục về an toàn, vệ sinh lao động

1. Người sử dụng lao động phải thông tin, tuyên truyền, giáo dục về an toàn, vệ sinh
lao động, các yếu tố nguy hiểm, yếu tố có hại và các biện pháp bảo đảm an toàn, vệ
sinh lao động tại nơi làm việc cho người lao động; hướng dẫn quy định về an toàn, vệ
sinh lao động cho người đến thăm, làm việc tại cơ sở của mình.

2. Nhà sản xuất phải cung cấp thông tin về các biện pháp bảo đảm an toàn, vệ sinh
lao động kèm theo sản phẩm, hàng hóa có khả năng gây mất an toàn cho người sử
dụng trong quá trình lao động.

3. Cơ quan, tổ chức, hộ gia đình có nhiệm vụ tổ chức thực hiện việc tuyên truyền,
phổ biến kiến thức và kỹ năng về an toàn, vệ sinh lao động cho người lao động của
mình; tuyên truyền, vận động xóa bỏ hủ tục, thói quen mất vệ sinh, gây hại, nguy
hiểm cho sức khỏe bản thân và cộng đồng trong quá trình lao động.

Căn cứ vào điều kiện cụ thể của địa phương, hằng năm, Ủy ban nhân dân các cấp có
trách nhiệm chỉ đạo, tổ chức thực hiện thông tin, tuyên truyền, giáo dục về an toàn,
vệ sinh lao động cho người lao động làm việc không theo hợp đồng lao động tại địa
phương.

4. Cơ quan thông tin đại chúng có trách nhiệm thường xuyên tổ chức thông tin, tuyên
truyền, phổ biến chính sách, pháp luật và kiến thức về an toàn, vệ sinh lao động, lồng
ghép thông tin về phòng ngừa tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp với các chương
trình, hoạt động thông tin, truyền thông khác.

Điều 14. Huấn luyện an toàn, vệ sinh lao động

1. Người quản lý phụ trách an toàn, vệ sinh lao động, người làm công tác an toàn, vệ
sinh lao động, người làm công tác y tế, an toàn, vệ sinh viên trong cơ sở sản xuất,
kinh doanh phải tham dự khóa huấn luyện an toàn, vệ sinh lao động và được tổ chức
huấn luyện an toàn, vệ sinh lao động cấp giấy chứng nhận sau khi kiểm tra, sát hạch
đạt yêu cầu.

Trường hợp có thay đổi về chính sách, pháp luật hoặc khoa học, công nghệ về an
toàn, vệ sinh lao động thì phải được huấn luyện, bồi dưỡng, cập nhật kiến thức, kỹ
năng về an toàn, vệ sinh lao động.
2. Người sử dụng lao động tổ chức huấn luyện cho người lao động làm công việc có
yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn, vệ sinh lao động và cấp thẻ an toàn trước khi bố trí
làm công việc này.

3. Người lao động làm việc không theo hợp đồng lao động phải được huấn luyện về
an toàn, vệ sinh lao động khi làm công việc có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn, vệ
sinh lao động và được cấp thẻ an toàn.

Nhà nước có chính sách hỗ trợ học phí cho người lao động quy định tại khoản này
khi tham gia khóa huấn luyện. Mức, đối tượng và thời gian hỗ trợ do Chính phủ quy
định chi tiết tùy theo điều kiện phát triển kinh tế - xã hội trong từng thời kỳ.

4. Người sử dụng lao động tự tổ chức huấn luyện và chịu trách nhiệm về chất lượng
huấn luyện về an toàn, vệ sinh lao động cho người lao động không thuộc đối tượng
quy định tại các khoản 1, 2 và 3 Điều này, người học nghề, tập nghề, người thử việc
trước khi tuyển dụng hoặc bố trí làm việc và định kỳ huấn luyện lại nhằm trang bị đủ
kiến thức, kỹ năng cần thiết về bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động trong quá trình lao
động, phù hợp với vị trí công việc được giao.

5. Việc huấn luyện về an toàn, vệ sinh lao động quy định tại Điều này phải phù hợp
với đặc điểm, tính chất của từng ngành nghề, vị trí công việc, quy mô lao động và
không gây khó khăn đến hoạt động sản xuất, kinh doanh. Căn cứ vào điều kiện cụ thể
của cơ sở sản xuất, kinh doanh, người sử dụng lao động chủ động tổ chức huấn luyện
riêng về an toàn, vệ sinh lao động hoặc kết hợp huấn luyện các nội dung về an toàn,
vệ sinh lao động với huấn luyện về phòng cháy, chữa cháy hoặc nội dung huấn luyện
khác được pháp luật chuyên ngành quy định.

6. Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành Danh mục công việc có
yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn, vệ sinh lao động sau khi có ý kiến của các bộ quản
lý ngành, lĩnh vực có liên quan.

7. Tổ chức huấn luyện an toàn, vệ sinh lao động là đơn vị sự nghiệp công lập, doanh
nghiệp kinh doanh dịch vụ huấn luyện an toàn, vệ sinh lao động theo quy định của
pháp luật đầu tư và Luật này.

Trường hợp doanh nghiệp tự huấn luyện an toàn, vệ sinh lao động cho các đối tượng
quy định tại các khoản 1, 2 và 3 Điều này thì phải đáp ứng điều kiện hoạt động như
đối với tổ chức huấn luyện an toàn, vệ sinh lao động.

8. Chính phủ quy định chi tiết về cơ quan có thẩm quyền cấp, điều kiện về cơ sở vật
chất, kỹ thuật, tiêu chuẩn về người huấn luyện an toàn, vệ sinh lao động, trình tự, thủ
tục, hồ sơ cấp mới, cấp lại, gia hạn, thu hồi Giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động
của tổ chức huấn luyện an toàn, vệ sinh lao động quy định tại khoản 7 Điều này; việc
huấn luyện, tự huấn luyện về an toàn, vệ sinh lao động.

Mục 2. NỘI QUY, QUY TRÌNH VÀ CÁC BIỆN PHÁP BẢO ĐẢM AN TOÀN,
VỆ SINH LAO ĐỘNG TẠI NƠI LÀM VIỆC
Điều 15. Nội quy, quy trình bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động

Người sử dụng lao động căn cứ pháp luật, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia,
quy chuẩn kỹ thuật địa phương về an toàn, vệ sinh lao động và điều kiện hoạt động
sản xuất, kinh doanh, lao động để xây dựng, ban hành và tổ chức thực hiện nội quy,
quy trình bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động.

Điều 16. Trách nhiệm của người sử dụng lao động trong việc bảo đảm an toàn,
vệ sinh lao động tại nơi làm việc

1. Bảo đảm nơi làm việc phải đạt yêu cầu về không gian, độ thoáng, bụi, hơi, khí độc,
phóng xạ, điện từ trường, nóng, ẩm, ồn, rung, các yếu tố nguy hiểm, yếu tố có hại
khác được quy định tại các quy chuẩn kỹ thuật liên quan và định kỳ kiểm tra, đo
lường các yếu tố đó; bảo đảm có đủ buồng tắm, buồng vệ sinh phù hợp tại nơi làm
việc theo quy định của Bộ trưởng Bộ Y tế.

2. Bảo đảm máy, thiết bị, vật tư, chất được sử dụng, vận hành, bảo trì, bảo quản tại
nơi làm việc theo quy chuẩn kỹ thuật về an toàn, vệ sinh lao động, hoặc đạt các tiêu
chuẩn kỹ thuật về an toàn, vệ sinh lao động đã được công bố, áp dụng và theo nội
quy, quy trình bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động tại nơi làm việc.

3. Trang cấp đầy đủ cho người lao động các phương tiện bảo vệ cá nhân khi thực hiện
công việc có yếu tố nguy hiểm, yếu tố có hại; trang bị các thiết bị an toàn, vệ sinh lao
động tại nơi làm việc.

4. Hằng năm hoặc khi cần thiết, tổ chức kiểm tra, đánh giá các yếu tố nguy hiểm, yếu
tố có hại tại nơi làm việc để tiến hành các biện pháp về công nghệ, kỹ thuật nhằm loại
trừ, giảm thiểu yếu tố nguy hiểm, yếu tố có hại tại nơi làm việc, cải thiện điều kiện
lao động, chăm sóc sức khỏe cho người lao động.

5. Định kỳ kiểm tra, bảo dưỡng máy, thiết bị, vật tư, chất, nhà xưởng, kho tàng.

6. Phải có biển cảnh báo, bảng chỉ dẫn bằng tiếng Việt và ngôn ngữ phổ biến của
người lao động về an toàn, vệ sinh lao động đối với máy, thiết bị, vật tư và chất có
yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn, vệ sinh lao động tại nơi làm việc, nơi lưu giữ, bảo
quản, sử dụng và đặt ở vị trí dễ đọc, dễ thấy.

7. Tuyên truyền, phổ biến hoặc huấn luyện cho người lao động quy định, nội quy,
quy trình về an toàn, vệ sinh lao động, biện pháp phòng, chống yếu tố nguy hiểm, yếu
tố có hại tại nơi làm việc có liên quan đến công việc, nhiệm vụ được giao.

8. Xây dựng, ban hành kế hoạch xử lý sự cố, ứng cứu khẩn cấp tại nơi làm việc; tổ
chức xử lý sự cố, ứng cứu khẩn cấp, lực lượng ứng cứu và báo cáo kịp thời với người
có trách nhiệm khi phát hiện nguy cơ hoặc khi xảy ra tai nạn lao động, sự cố kỹ thuật
gây mất an toàn, vệ sinh lao động tại nơi làm việc vượt ra khỏi khả năng kiểm soát
của người sử dụng lao động.
Điều 17. Trách nhiệm của người lao động trong việc bảo đảm an toàn, vệ sinh
lao động tại nơi làm việc

1. Chấp hành quy định, nội quy, quy trình, yêu cầu về an toàn, vệ sinh lao động của
người sử dụng lao động hoặc cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành liên quan
đến công việc, nhiệm vụ được giao.

2. Tuân thủ pháp luật và nắm vững kiến thức, kỹ năng về các biện pháp bảo đảm an
toàn, vệ sinh lao động tại nơi làm việc; sử dụng và bảo quản các phương tiện bảo vệ
cá nhân đã được trang cấp, các thiết bị an toàn, vệ sinh lao động tại nơi làm việc
trong quá trình thực hiện các công việc, nhiệm vụ được giao.

3. Phải tham gia huấn luyện an toàn, vệ sinh lao động trước khi sử dụng các máy,
thiết bị, vật tư, chất có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn, vệ sinh lao động.

4. Ngăn chặn nguy cơ trực tiếp gây mất an toàn, vệ sinh lao động, hành vi vi phạm
quy định an toàn, vệ sinh lao động tại nơi làm việc; báo cáo kịp thời với người có
trách nhiệm khi biết tai nạn lao động, sự cố hoặc phát hiện nguy cơ xảy ra sự cố, tai
nạn lao động hoặc bệnh nghề nghiệp; chủ động tham gia ứng cứu, khắc phục sự cố,
tai nạn lao động theo phương án xử lý sự cố, ứng cứu khẩn cấp hoặc khi có lệnh của
người sử dụng lao động hoặc cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

Điều 18. Kiểm soát các yếu tố nguy hiểm, yếu tố có hại tại nơi làm việc

1. Người sử dụng lao động phải tổ chức đánh giá, kiểm soát yếu tố nguy hiểm, yếu tố
có hại tại nơi làm việc để đề ra các biện pháp kỹ thuật an toàn, vệ sinh lao động,
chăm sóc sức khỏe cho người lao động; thực hiện các biện pháp khử độc, khử trùng
cho người lao động làm việc ở nơi có yếu tố gây nhiễm độc, nhiễm trùng.

2. Đối với yếu tố có hại được Bộ trưởng Bộ Y tế quy định giới hạn tiếp xúc cho phép
để kiểm soát tác hại đối với sức khỏe người lao động thì người sử dụng lao động phải
tổ chức quan trắc môi trường lao động để đánh giá yếu tố có hại ít nhất một lần trong
một năm. Đơn vị tổ chức quan trắc môi trường lao động phải có đủ điều kiện về cơ
sở, vật chất, trang thiết bị và nhân lực.

3. Đối với yếu tố nguy hiểm thì người sử dụng lao động phải thường xuyên kiểm
soát, quản lý đúng yêu cầu kỹ thuật nhằm bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động tại nơi
làm việc và ít nhất một lần trong một năm phải tổ chức kiểm tra, đánh giá yếu tố này
theo quy định của pháp luật.

4. Ngay sau khi có kết quả quan trắc môi trường lao động để đánh giá yếu tố có hại
và kết quả kiểm tra, đánh giá, quản lý yếu tố nguy hiểm tại nơi làm việc, người sử
dụng lao động phải:

a) Thông báo công khai cho người lao động tại nơi quan trắc môi trường lao động và
nơi được kiểm tra, đánh giá, quản lý yếu tố nguy hiểm;
b) Cung cấp thông tin khi tổ chức công đoàn, cơ quan, tổ chức có thẩm quyền yêu
cầu;

c) Có biện pháp khắc phục, kiểm soát các yếu tố nguy hiểm, yếu tố có hại tại nơi làm
việc nhằm bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động, chăm sóc sức khỏe cho người lao động.

5. Chính phủ quy định chi tiết về việc kiểm soát yếu tố nguy hiểm, yếu tố có hại tại
nơi làm việc và điều kiện hoạt động của tổ chức quan trắc môi trường lao động bảo
đảm phù hợp với Luật đầu tư, Luật doanh nghiệp.

Điều 19. Biện pháp xử lý sự cố kỹ thuật gây mất an toàn, vệ sinh lao động
nghiêm trọng và ứng cứu khẩn cấp

1. Người sử dụng lao động phải có phương án xử lý sự cố kỹ thuật gây mất an toàn,
vệ sinh lao động nghiêm trọng, ứng cứu khẩn cấp và định kỳ tổ chức diễn tập theo
quy định của pháp luật; trang bị phương tiện kỹ thuật, y tế để bảo đảm ứng cứu, sơ
cứu kịp thời khi xảy ra sự cố kỹ thuật gây mất an toàn, vệ sinh lao động nghiêm
trọng, tai nạn lao động.

2. Trách nhiệm xử lý sự cố kỹ thuật gây mất an toàn, vệ sinh lao động nghiêm trọng,
ứng cứu khẩn cấp:

a) Người sử dụng lao động phải ra lệnh ngừng ngay hoạt động của máy, thiết bị, việc
sử dụng vật tư, chất, hoạt động lao động tại nơi làm việc có nguy cơ gây tai nạn lao
động, sự cố kỹ thuật gây mất an toàn, vệ sinh lao động nghiêm trọng; không được
buộc người lao động tiếp tục làm công việc hoặc trở lại nơi làm việc nếu các nguy cơ
xảy ra tai nạn lao động đe dọa nghiêm trọng tính mạng hoặc sức khỏe của người lao
động chưa được khắc phục; thực hiện các biện pháp khắc phục, các biện pháp theo
phương án xử lý sự cố kỹ thuật gây mất an toàn, vệ sinh lao động nghiêm trọng, ứng
cứu khẩn cấp để tổ chức cứu người, tài sản, bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động cho
người lao động, người xung quanh nơi làm việc, tài sản và môi trường; kịp thời thông
báo cho chính quyền địa phương nơi xảy ra sự cố hoặc ứng cứu khẩn cấp;

b) Sự cố kỹ thuật gây mất an toàn, vệ sinh lao động nghiêm trọng xảy ra ở cơ sở sản
xuất, kinh doanh, địa phương nào thì người sử dụng lao động, địa phương đó có trách
nhiệm huy động khẩn cấp nhân lực, vật lực và phương tiện để kịp thời ứng phó sự cố
theo quy định của pháp luật chuyên ngành;

c) Sự cố kỹ thuật gây mất an toàn, vệ sinh lao động nghiêm trọng xảy ra liên quan
đến nhiều cơ sở sản xuất, kinh doanh, địa phương thì người sử dụng lao động, chính
quyền địa phương nơi xảy ra sự cố có trách nhiệm ứng phó và báo cáo cơ quan cấp
trên trực tiếp theo quy định của pháp luật chuyên ngành.

Trường hợp vượt quá khả năng ứng phó của các cơ sở sản xuất, kinh doanh, địa
phương thì phải khẩn cấp báo cáo cơ quan cấp trên trực tiếp để kịp thời huy động các
cơ sở sản xuất, kinh doanh, địa phương khác tham gia ứng cứu; cơ sở sản xuất, kinh
doanh, địa phương được yêu cầu huy động phải thực hiện và phối hợp thực hiện biện
pháp ứng cứu khẩn cấp trong phạm vi, khả năng của mình.
3. Chính phủ quy định chi tiết Điều này.

Điều 20. Cải thiện điều kiện lao động, xây dựng văn hóa an toàn lao động

1. Người sử dụng lao động phải thường xuyên phối hợp với Ban chấp hành công
đoàn cơ sở để tổ chức cho người lao động tham gia hoạt động cải thiện điều kiện lao
động, xây dựng văn hóa an toàn lao động tại nơi làm việc.

2. Khuyến khích người sử dụng lao động áp dụng các tiêu chuẩn kỹ thuật, hệ thống
quản lý tiên tiến, hiện đại và áp dụng công nghệ tiên tiến, công nghệ cao, công nghệ
thân thiện với môi trường vào hoạt động sản xuất, kinh doanh nhằm cải thiện điều
kiện lao động, bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động cho người lao động.

Mục 3. CHẾ ĐỘ BẢO HỘ LAO ĐỘNG, CHĂM SÓC SỨC KHỎE NGƯỜI
LAO ĐỘNG

Điều 21. Khám sức khỏe và điều trị bệnh nghề nghiệp cho người lao động

1. Hằng năm, người sử dụng lao động phải tổ chức khám sức khỏe ít nhất một lần cho
người lao động; đối với người lao động làm nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy
hiểm hoặc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm, người lao động là người khuyết
tật, người lao động chưa thành niên, người lao động cao tuổi được khám sức khỏe ít
nhất 06 tháng một lần.

2. Khi khám sức khỏe theo quy định tại khoản 1 Điều này, lao động nữ phải được
khám chuyên khoa phụ sản, người làm việc trong môi trường lao động tiếp xúc với
các yếu tố có nguy cơ gây bệnh nghề nghiệp phải được khám phát hiện bệnh nghề
nghiệp.

3. Người sử dụng lao động tổ chức khám sức khỏe cho người lao động trước khi bố
trí làm việc và trước khi chuyển sang làm nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy
hiểm hơn hoặc sau khi bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp đã phục hồi sức khỏe,
tiếp tục trở lại làm việc, trừ trường hợp đã được Hội đồng y khoa khám giám định
mức suy giảm khả năng lao động.

4. Người sử dụng lao động tổ chức khám sức khỏe cho người lao động, khám phát
hiện bệnh nghề nghiệp tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh bảo đảm yêu cầu, điều kiện
chuyên môn kỹ thuật.

5. Người sử dụng lao động đưa người lao động được chẩn đoán mắc bệnh nghề
nghiệp đến cơ sở khám bệnh, chữa bệnh đủ điều kiện chuyên môn kỹ thuật để điều trị
theo phác đồ điều trị bệnh nghề nghiệp do Bộ trưởng Bộ Y tế quy định.

6. Chi phí cho hoạt động khám sức khỏe, khám phát hiện bệnh nghề nghiệp, điều trị
bệnh nghề nghiệp cho người lao động do người sử dụng lao động chi trả quy định tại
các khoản 1, 2, 3 và 5 Điều này được hạch toán vào chi phí được trừ khi xác định thu
nhập chịu thuế theo Luật thuế thu nhập doanh nghiệp và hạch toán vào chi phí hoạt
động thường xuyên đối với cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp không có hoạt động
dịch vụ.

Điều 22. Nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm

1. Nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm và nghề, công việc đặc biệt nặng
nhọc, độc hại, nguy hiểm được phân loại căn cứ vào đặc điểm, điều kiện lao động đặc
trưng của mỗi nghề, công việc.

2. Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành Danh mục nghề, công
việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm và nghề, công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại,
nguy hiểm sau khi có ý kiến của Bộ Y tế; quy định tiêu chuẩn phân loại lao động theo
điều kiện lao động.

3. Người sử dụng lao động thực hiện đầy đủ các chế độ bảo hộ lao động và chăm sóc
sức khỏe đối với người lao động làm nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm
và nghề, công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm theo quy định của pháp
luật.

Điều 23. Phương tiện bảo vệ cá nhân trong lao động

1. Người lao động làm công việc có yếu tố nguy hiểm, yếu tố có hại được người sử
dụng lao động trang cấp đầy đủ phương tiện bảo vệ cá nhân và phải sử dụng trong
quá trình làm việc.

2. Người sử dụng lao động thực hiện các giải pháp về công nghệ, kỹ thuật, thiết bị để
loại trừ hoặc hạn chế tối đa yếu tố nguy hiểm, yếu tố có hại và cải thiện điều kiện lao
động.

3. Người sử dụng lao động khi thực hiện trang cấp phương tiện bảo vệ cá nhân phải
bảo đảm các nguyên tắc sau đây:

a) Đúng chủng loại, đúng đối tượng, đủ số lượng, bảo đảm chất lượng theo tiêu
chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia;

b) Không phát tiền thay cho việc trang cấp phương tiện bảo vệ cá nhân; không buộc
người lao động tự mua hoặc thu tiền của người lao động để mua phương tiện bảo vệ
cá nhân;

c) Hướng dẫn, giám sát người lao động sử dụng phương tiện bảo vệ cá nhân;

d) Tổ chức thực hiện biện pháp khử độc, khử trùng, tẩy xạ bảo đảm vệ sinh đối với
phương tiện bảo vệ cá nhân đã qua sử dụng ở những nơi dễ gây nhiễm độc, nhiễm
trùng, nhiễm xạ.

4. Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội quy định về chế độ trang cấp
phương tiện bảo vệ cá nhân trong lao động.
Điều 24. Bồi dưỡng bằng hiện vật

1. Người lao động làm việc trong điều kiện có yếu tố nguy hiểm, yếu tố có hại được
người sử dụng lao động bồi dưỡng bằng hiện vật.

2. Việc bồi dưỡng bằng hiện vật theo nguyên tắc sau đây:

a) Giúp tăng cường sức đề kháng và thải độc của cơ thể;

b) Bảo đảm thuận tiện, an toàn, vệ sinh thực phẩm;

c) Thực hiện trong ca, ngày làm việc, trừ trường hợp đặc biệt do tổ chức lao động
không thể tổ chức bồi dưỡng tập trung tại chỗ.

3. Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội quy định việc bồi dưỡng bằng
hiện vật.

Điều 25. Thời giờ làm việc trong điều kiện có yếu tố nguy hiểm, yếu tố có hại

1. Người sử dụng lao động có trách nhiệm bảo đảm thời gian tiếp xúc với yếu tố nguy
hiểm, yếu tố có hại của người lao động nằm trong giới hạn an toàn được quy định
trong quy chuẩn kỹ thuật quốc gia tương ứng và các quy định của pháp luật có liên
quan.

2. Thời giờ làm việc đối với người lao động làm nghề, công việc đặc biệt nặng nhọc,
độc hại, nguy hiểm được thực hiện theo quy định của pháp luật lao động.

Điều 26. Điều dưỡng phục hồi sức khỏe

Hằng năm, khuyến khích người sử dụng lao động tổ chức cho người lao động làm
nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm, người lao động làm nghề, công việc
đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm và người lao động có sức khỏe kém được
điều dưỡng phục hồi sức khỏe.

Điều 27. Quản lý sức khỏe người lao động

1. Người sử dụng lao động phải căn cứ vào tiêu chuẩn sức khỏe quy định cho từng
loại nghề, công việc và kết quả khám sức khỏe để sắp xếp công việc phù hợp cho
người lao động.

2. Người sử dụng lao động có trách nhiệm lập và quản lý hồ sơ sức khỏe của người
lao động, hồ sơ sức khỏe của người bị bệnh nghề nghiệp; thông báo kết quả khám sức
khỏe, khám phát hiện bệnh nghề nghiệp để người lao động biết; hằng năm, báo cáo
về việc quản lý sức khỏe người lao động thuộc trách nhiệm quản lý cho cơ quan quản
lý nhà nước về y tế có thẩm quyền.

Mục 4. QUẢN LÝ MÁY, THIẾT BỊ, VẬT TƯ, CHẤT CÓ YÊU CẦU NGHIÊM
NGẶT VỀ AN TOÀN, VỆ SINH LAO ĐỘNG
Điều 28. Máy, thiết bị, vật tư, chất có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn, vệ sinh
lao động

1. Máy, thiết bị, vật tư, chất có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn, vệ sinh lao động là
máy, thiết bị, vật tư, chất trong điều kiện lưu giữ, vận chuyển, bảo quản, sử dụng hợp
lý, đúng mục đích và đúng theo hướng dẫn của nhà sản xuất nhưng trong quá trình
lao động, sản xuất vẫn tiềm ẩn khả năng xảy ra tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp,
gây hậu quả nghiêm trọng đến sức khỏe, tính mạng con người.

2. Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành Danh mục các loại
máy, thiết bị, vật tư, chất có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn, vệ sinh lao động trên cơ
sở đề nghị của các bộ quy định tại Điều 33 của Luật này.

Điều 29. Lập phương án bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động khi xây dựng mới,
mở rộng hoặc cải tạo công trình, cơ sở để sản xuất, sử dụng, bảo quản, lưu giữ
máy, thiết bị, vật tư, chất có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn, vệ sinh lao động

1. Trong hồ sơ trình cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép xây dựng mới, mở rộng
hoặc cải tạo công trình, cơ sở để sản xuất, sử dụng, bảo quản, lưu giữ máy, thiết bị,
vật tư, chất có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn, vệ sinh lao động, chủ đầu tư, người sử
dụng lao động phải có phương án bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động đối với nơi làm
việc của người lao động và môi trường.

2. Phương án bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động phải có các nội dung chủ yếu sau
đây:

a) Địa điểm, quy mô công trình, cơ sở;

b) Liệt kê, mô tả chi tiết các hạng mục trong công trình, cơ sở;

c) Nêu rõ những yếu tố nguy hiểm, yếu tố có hại, sự cố có thể phát sinh trong quá
trình hoạt động;

d) Các biện pháp cụ thể nhằm loại trừ, giảm thiểu yếu tố nguy hiểm, yếu tố có hại;
phương án xử lý sự cố kỹ thuật gây mất an toàn, vệ sinh lao động nghiêm trọng, ứng
cứu khẩn cấp.

Điều 30. Sử dụng máy, thiết bị, vật tư, chất có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn,
vệ sinh lao động

1. Các loại máy, thiết bị, vật tư có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn, vệ sinh lao động
phải có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, trong thời hạn sử dụng, bảo đảm chất lượng, phải
được kiểm định theo quy định tại khoản 1 Điều 31 của Luật này, trừ trường hợp luật
chuyên ngành có quy định khác.

2. Khi đưa vào sử dụng hoặc không còn sử dụng, thải bỏ các loại máy, thiết bị, vật tư,
chất có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn, vệ sinh lao động, tổ chức, cá nhân phải khai
báo với cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung
ương (sau đây gọi chung là cấp tỉnh) tại nơi sử dụng theo thẩm quyền quy định tại
khoản 1 và khoản 2 Điều 33 của Luật này, trừ trường hợp luật chuyên ngành có quy
định khác.

3. Trong quá trình sử dụng máy, thiết bị, vật tư có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn, vệ
sinh lao động, tổ chức, cá nhân có trách nhiệm định kỳ kiểm tra, bảo dưỡng, lập và
lưu giữ hồ sơ kỹ thuật an toàn máy, thiết bị, vật tư theo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia
tương ứng.

4. Việc sử dụng chất có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn, vệ sinh lao động thực hiện
theo quy định của pháp luật về hóa chất và pháp luật chuyên ngành.

Điều 31. Kiểm định máy, thiết bị, vật tư có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao
động

1. Các loại máy, thiết bị, vật tư có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động phải
được kiểm định trước khi đưa vào sử dụng và kiểm định định kỳ trong quá trình sử
dụng bởi tổ chức hoạt động kiểm định kỹ thuật an toàn lao động.

2. Việc kiểm định các loại máy, thiết bị, vật tư có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao
động phải bảo đảm chính xác, công khai, minh bạch.

3. Chính phủ quy định chi tiết về cơ quan có thẩm quyền cấp, điều kiện về cơ sở vật
chất, kỹ thuật, trình tự, thủ tục, hồ sơ cấp mới, cấp lại, gia hạn, thu hồi Giấy chứng
nhận đủ điều kiện hoạt động của tổ chức hoạt động kiểm định kỹ thuật an toàn lao
động; tiêu chuẩn kiểm định viên đáp ứng các yêu cầu kiểm định của đối tượng kiểm
định; việc kiểm định máy, thiết bị, vật tư có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động.

Điều 32. Quyền và nghĩa vụ của tổ chức hoạt động kiểm định kỹ thuật an toàn
lao động

1. Tổ chức hoạt động kiểm định kỹ thuật an toàn lao động là đơn vị sự nghiệp công
lập hoặc doanh nghiệp cung ứng dịch vụ kiểm định kỹ thuật an toàn lao động.

2. Tổ chức hoạt động kiểm định kỹ thuật an toàn lao động có quyền sau đây:

a) Thực hiện hoạt động kiểm định theo hợp đồng cung cấp dịch vụ kiểm định;

b) Từ chối cung ứng dịch vụ kiểm định khi không bảo đảm điều kiện an toàn khi thực
hiện hoạt động kiểm định máy, thiết bị, vật tư;

c) Kiến nghị, khiếu nại, tố cáo hành vi cản trở hoạt động kiểm định;

d) Yêu cầu tổ chức, cá nhân có đối tượng đề nghị được kiểm định cung cấp các tài
liệu, thông tin phục vụ hoạt động kiểm định.

3. Tổ chức hoạt động kiểm định kỹ thuật an toàn lao động có nghĩa vụ sau đây:
a) Cung ứng dịch vụ kiểm định trong phạm vi, đối tượng được quy định trong Giấy
chứng nhận đủ điều kiện hoạt động kiểm định;

b) Thực hiện kiểm định theo quy trình kiểm định;

c) Chịu trách nhiệm về kết quả kiểm định, bồi thường thiệt hại do hoạt động kiểm
định gây ra theo quy định của pháp luật; thu hồi kết quả kiểm định đã cấp khi phát
hiện sai phạm;

d) Hằng năm, báo cáo cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền quản lý lĩnh vực theo
quy định tại khoản 1, khoản 2 Điều 33 của Luật này và cơ quan quản lý nhà nước về
lao động tình hình hoạt động kiểm định đã thực hiện theo quy định của pháp luật;

đ) Lưu giữ hồ sơ kiểm định.

Điều 33. Trách nhiệm của các bộ trong việc quản lý nhà nước đối với máy, thiết
bị, vật tư, chất có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn, vệ sinh lao động

1. Các bộ có trách nhiệm quản lý nhà nước đối với máy, thiết bị, vật tư và chất có yêu
cầu nghiêm ngặt về an toàn, vệ sinh lao động theo phạm vi như sau:

a) Bộ Y tế chịu trách nhiệm quản lý nhà nước đối với máy, thiết bị, vật tư, chất có
yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn, vệ sinh lao động liên quan đến thực phẩm, dược
phẩm, vắc xin, sinh phẩm y tế, mỹ phẩm, nguyên liệu sản xuất thuốc, thuốc cho
người, hóa chất gia dụng, chế phẩm diệt côn trùng, diệt khuẩn, trang thiết bị y tế;

b) Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chịu trách nhiệm quản lý nhà nước đối
với máy, thiết bị, vật tư, chất có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn, vệ sinh lao động
liên quan đến cây trồng, vật nuôi, phân bón, thức ăn chăn nuôi, thuốc bảo vệ thực vật,
thuốc thú y, chế phẩm sinh học dùng trong nông nghiệp, lâm nghiệp, diêm nghiệp,
thủy sản, công trình thủy lợi, đê điều;

c) Bộ Giao thông vận tải chịu trách nhiệm quản lý nhà nước đối với máy, thiết bị, vật
tư, chất có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn, vệ sinh lao động liên quan đến phương
tiện giao thông vận tải, phương tiện, thiết bị xếp dỡ, thi công vận tải chuyên dùng,
phương tiện, thiết bị thăm dò, khai thác trên biển, công trình hạ tầng giao thông;

d) Bộ Công Thương chịu trách nhiệm quản lý nhà nước đối với máy, thiết bị, vật tư,
chất có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn, vệ sinh lao động có liên quan đến thiết bị áp
lực, thiết bị nâng đặc thù chuyên ngành công nghiệp, hóa chất, vật liệu nổ công
nghiệp, trang thiết bị khai thác mỏ, dầu khí, trừ các thiết bị, phương tiện thăm dò,
khai thác trên biển;

đ) Bộ Xây dựng chịu trách nhiệm quản lý nhà nước đối với máy, thiết bị, vật tư, chất
có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn, vệ sinh lao động sử dụng trong thi công xây
dựng;
e) Bộ Khoa học và Công nghệ chịu trách nhiệm quản lý nhà nước đối với lò phản ứng
hạt nhân, vật liệu hạt nhân, vật liệu hạt nhân nguồn, chất phóng xạ, thiết bị bức xạ;

g) Bộ Thông tin và Truyền thông chịu trách nhiệm quản lý nhà nước đối với các loại
máy, thiết bị sử dụng trong phát thanh, truyền hình;

h) Bộ Quốc phòng chịu trách nhiệm quản lý nhà nước đối với phương tiện, trang thiết
bị quân sự, vũ khí đạn dược, khí tài, sản phẩm phục vụ quốc phòng, công trình quốc
phòng;

i) Bộ Công an chịu trách nhiệm quản lý nhà nước đối với trang thiết bị phòng cháy,
chữa cháy; trang thiết bị kỹ thuật, vũ khí đạn dược, khí tài, công cụ hỗ trợ, trừ trường
hợp quy định tại điểm h khoản này;

k) Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chịu trách nhiệm quản lý nhà nước đối với
phương tiện bảo vệ cá nhân cho người lao động và các loại máy, thiết bị, vật tư, chất
có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn, vệ sinh lao động không thuộc quy định tại các
điểm a, b, c, d, đ, e, g, h và i khoản này.

2. Căn cứ vào tình hình phát triển kinh tế - xã hội và yêu cầu quản lý nhà nước, Bộ
Lao động - Thương binh và Xã hội có trách nhiệm phối hợp với bộ quản lý ngành,
lĩnh vực có liên quan để trình Chính phủ quyết định phân công cụ thể cơ quan chịu
trách nhiệm quản lý đối với máy, thiết bị, vật tư, chất có yêu cầu nghiêm ngặt về an
toàn, vệ sinh lao động mới, chưa được quy định tại khoản 1 Điều này hoặc máy, thiết
bị, vật tư, chất có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn, vệ sinh lao động có liên quan đến
phạm vi quản lý của nhiều bộ mà chưa được xác định rõ thuộc thẩm quyền quản lý
của bộ nào quy định tại khoản 1 Điều này.

3. Các bộ căn cứ vào thẩm quyền quản lý nhà nước đối với các loại máy, thiết bị, vật
tư, chất có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn, vệ sinh lao động quy định tại khoản 1 và
khoản 2 Điều này và Danh mục các loại máy, thiết bị, vật tư, chất có yêu cầu nghiêm
ngặt về an toàn, vệ sinh lao động quy định tại khoản 2 Điều 28 của Luật này có trách
nhiệm như sau:

a) Xây dựng chi tiết Danh mục các loại máy, thiết bị, vật tư, chất có yêu cầu nghiêm
ngặt về an toàn, vệ sinh lao động thuộc thẩm quyền quản lý gửi Bộ trưởng Bộ Lao
động - Thương binh và Xã hội ban hành;

b) Ban hành các quy trình kiểm định máy, thiết bị, vật tư và quản lý chất có yêu cầu
nghiêm ngặt về an toàn, vệ sinh lao động thuộc thẩm quyền quản lý sau khi có ý kiến
của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội;

c) Tổ chức kiểm tra hoạt động kiểm định thuộc thẩm quyền quản lý nhà nước theo
quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này.

d) Hằng năm, gửi Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội báo cáo về việc quản lý
máy, thiết bị, vật tư, chất có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn, vệ sinh lao động quy
định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này, trừ trường hợp luật chuyên ngành có quy định
khác.

4. Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với các bộ có liên quan rà
soát Danh mục các loại máy, thiết bị, vật tư, chất có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn,
vệ sinh lao động để sửa đổi, bổ sung phù hợp với sự phát triển kinh tế - xã hội, khoa
học công nghệ, quản lý trong từng thời kỳ.

Chương III CÁC BIỆN PHÁP XỬ LÝ SỰ CỐ KỸ THUẬT GÂY MẤT AN


TOÀN, VỆ SINH LAO ĐỘNG VÀ TAI NẠN LAO ĐỘNG, BỆNH NGHỀ
NGHIỆP

Mục 1. KHAI BÁO, THỐNG KÊ, BÁO CÁO, ĐIỀU TRA SỰ CỐ KỸ THUẬT
GÂY MẤT AN TOÀN, VỆ SINH LAO ĐỘNG, TAI NẠN LAO ĐỘNG, BỆNH
NGHỀ NGHIỆP

Điều 34. Khai báo tai nạn lao động, sự cố kỹ thuật gây mất an toàn, vệ sinh lao
động

1. Việc khai báo tai nạn lao động, sự cố kỹ thuật gây mất an toàn, vệ sinh lao động
thực hiện như sau:

a) Khi xảy ra hoặc có nguy cơ xảy ra tai nạn lao động, sự cố kỹ thuật gây mất an toàn,
vệ sinh lao động tại nơi làm việc thì người bị tai nạn hoặc người biết sự việc phải báo
ngay cho người phụ trách trực tiếp, người sử dụng lao động biết để kịp thời có biện
pháp xử lý, khắc phục hậu quả xảy ra;

b) Đối với các vụ tai nạn quy định tại điểm a khoản này làm chết người hoặc làm bị
thương nặng từ hai người lao động trở lên thì người sử dụng lao động có trách nhiệm
khai báo ngay với cơ quan quản lý nhà nước về lao động cấp tỉnh nơi xảy ra tai nạn;
trường hợp tai nạn làm chết người thì phải đồng thời báo ngay cho cơ quan Công an
huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc trung
ương (sau đây gọi chung là cấp huyện);

c) Đối với các vụ tai nạn, sự cố xảy ra trong các lĩnh vực phóng xạ, thăm dò, khai
thác dầu khí, các phương tiện vận tải đường sắt, đường thủy, đường bộ, đường hàng
không và các đơn vị thuộc lực lượng vũ trang nhân dân, người sử dụng lao động có
trách nhiệm thực hiện khai báo theo quy định của luật chuyên ngành;

d) Khi xảy ra tai nạn lao động làm chết người hoặc bị thương nặng đối với người lao
động làm việc không theo hợp đồng lao động thì gia đình nạn nhân hoặc người phát
hiện có trách nhiệm khai báo ngay với Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn (sau đây
gọi chung là cấp xã) nơi xảy ra tai nạn lao động để kịp thời có biện pháp xử lý.

Trường hợp xảy ra tai nạn lao động chết người, tai nạn lao động làm bị thương nặng
từ hai người lao động trở lên thì Ủy ban nhân dân cấp xã có trách nhiệm báo cáo ngay
với cơ quan Công an cấp huyện và cơ quan quản lý nhà nước về lao động cấp tỉnh nơi
xảy ra tai nạn để kịp thời có biện pháp xử lý.
Trường hợp xảy ra sự cố kỹ thuật gây mất an toàn, vệ sinh lao động liên quan đến
người lao động làm việc không theo hợp đồng lao động thì người phát hiện có trách
nhiệm kịp thời khai báo với Ủy ban nhân dân cấp xã tại nơi xảy ra sự cố kỹ thuật và
việc báo cáo thực hiện theo quy định tại Điều 19 và Điều 36 của Luật này.

2. Trong phạm vi trách nhiệm của mình, cơ quan, tổ chức có thẩm quyền phải xem
xét, giải quyết tin báo về tai nạn lao động, sự cố kỹ thuật gây mất an toàn, vệ sinh lao
động, thông báo kết quả giải quyết tin báo cho cơ quan, tổ chức, cá nhân đã báo tin
khi có yêu cầu và phải áp dụng các biện pháp cần thiết để bảo vệ quyền, lợi ích hợp
pháp, chính đáng của người đã báo tin.

Điều 35. Điều tra vụ tai nạn lao động, sự cố kỹ thuật gây mất an toàn, vệ sinh lao
động, sự cố kỹ thuật gây mất an toàn, vệ sinh lao động nghiêm trọng

1. Người sử dụng lao động có trách nhiệm thành lập Đoàn điều tra tai nạn lao động
cấp cơ sở để tiến hành điều tra tai nạn lao động làm bị thương nhẹ, tai nạn lao động
làm bị thương nặng một người lao động thuộc thẩm quyền quản lý của mình, trừ
trường hợp đã được điều tra theo quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều này hoặc tai
nạn lao động được cơ quan nhà nước có thẩm quyền điều tra theo quy định của pháp
luật chuyên ngành.

Thành phần Đoàn điều tra tai nạn lao động cấp cơ sở gồm có:

1. người sử dụng lao động hoặc người đại diện được người sử dụng lao động ủy
quyền bằng văn bản làm Trưởng đoàn và các thành viên là
2. đại diện Ban chấp hành công đoàn cơ sở hoặc đại diện tập thể người lao động
khi chưa thành lập tổ chức công đoàn cơ sở,
3. người làm công tác an toàn lao động,
4. người làm công tác y tế
5. và một số thành viên khác.

Trường hợp tai nạn lao động làm bị thương nặng một người lao động làm việc không
theo hợp đồng lao động thì Ủy ban nhân dân cấp xã nơi xảy ra tai nạn lao động phải
lập biên bản ghi nhận sự việc và báo cáo Ủy ban nhân dân cấp huyện nơi xảy ra tai
nạn.

2. Cơ quan quản lý nhà nước về lao động cấp tỉnh có trách nhiệm thành lập Đoàn
điều tra tai nạn lao động cấp tỉnh để tiến hành điều tra tai nạn lao động chết người, tai
nạn lao động làm bị thương nặng từ hai người lao động trở lên, kể cả người lao động
làm việc không theo hợp đồng lao động, trừ trường hợp quy định tại khoản 4 Điều
này; điều tra lại vụ tai nạn lao động đã được Đoàn điều tra tai nạn lao động cấp cơ sở
đã điều tra khi có khiếu nại, tố cáo hoặc khi xét thấy cần thiết.

Thành phần Đoàn điều tra tai nạn lao động cấp tỉnh gồm có đại diện của Thanh tra
chuyên ngành về an toàn, vệ sinh lao động thuộc cơ quan quản lý nhà nước cấp tỉnh
làm Trưởng đoàn và các thành viên là đại diện Sở Y tế, đại diện Liên đoàn Lao động
cấp tỉnh và một số thành viên khác.
3. Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội hoặc cơ quan nhà nước có thẩm
quyền thành lập Đoàn điều tra tai nạn lao động cấp trung ương để tiến hành điều tra
các vụ tai nạn lao động khi xét thấy tính chất nghiêm trọng của tai nạn lao động hoặc
mức độ phức tạp của việc điều tra tai nạn lao động vượt quá khả năng xử lý của Đoàn
điều tra tai nạn lao động cấp tỉnh; điều tra lại vụ tai nạn lao động đã được Đoàn điều
tra tai nạn lao động cấp tỉnh có trách nhiệm điều tra.

Thành phần Đoàn điều tra tai nạn lao động cấp trung ương gồm có đại diện Bộ Lao
động - Thương binh và Xã hội, đại diện Bộ Y tế, đại diện Tổng Liên đoàn Lao động
Việt Nam và một số thành viên khác.

4. Đối với các vụ tai nạn, sự cố quy định tại điểm c khoản 1 Điều 34 của Luật này,
việc thực hiện điều tra theo quy định của pháp luật chuyên ngành, pháp luật về lao
động và có sự phối hợp của Thanh tra an toàn, vệ sinh lao động.

5. Người sử dụng lao động và các cá nhân liên quan đến tai nạn lao động, sự cố kỹ
thuật gây mất an toàn, vệ sinh lao động, sự cố kỹ thuật gây mất an toàn, vệ sinh lao
động nghiêm trọng phải có nghĩa vụ hợp tác với Đoàn điều tra, cung cấp đầy đủ
thông tin, tài liệu có liên quan và không được từ chối hoặc cản trở quá trình điều tra.

Trường hợp tai nạn trên đường đi và về từ nơi ở đến nơi làm việc thì cơ quan nhà
nước có thẩm quyền có trách nhiệm cung cấp cho Đoàn điều tra một trong các giấy tờ
sau đây:

a) Biên bản khám nghiệm hiện trường và sơ đồ hiện trường vụ tai nạn;

b) Biên bản điều tra tai nạn giao thông;

c) Trường hợp không có các giấy tờ quy định tại điểm a, điểm b khoản này thì phải
có văn bản xác nhận bị tai nạn của cơ quan Công an xã, phường, thị trấn nơi xảy ra
tai nạn theo đề nghị của người lao động hoặc thân nhân của người lao động.

6. Thời hạn điều tra vụ tai nạn lao động thuộc thẩm quyền của Đoàn điều tra tai nạn
lao động cấp cơ sở, cấp tỉnh và cấp trung ương quy định tại các khoản 1, 2 và 3 Điều
này được tính từ thời điểm nhận tin báo, khai báo tai nạn lao động đến khi công bố
biên bản điều tra tai nạn lao động như sau:

a) Không quá 04 ngày đối với tai nạn lao động làm bị thương nhẹ người lao động;

b) Không quá 07 ngày đối với tai nạn lao động làm bị thương nặng một người lao
động;

c) Không quá 20 ngày đối với tai nạn lao động làm bị thương nặng từ hai người lao
động trở lên;

d) Không quá 30 ngày đối với tai nạn lao động chết người; không quá 60 ngày đối
với tai nạn lao động cần phải giám định kỹ thuật hoặc giám định pháp y. Trường hợp
các vụ tai nạn có dấu hiệu tội phạm do cơ quan điều tra tiến hành điều tra nhưng sau
đó ra quyết định không khởi tố vụ án hình sự thì thời hạn điều tra được tính từ khi
Đoàn điều tra tai nạn lao động nhận được đầy đủ tài liệu, đồ vật, phương tiện có liên
quan đến vụ tai nạn.

Đối với tai nạn lao động được quy định tại các điểm b, c và d của khoản này có tình
tiết phức tạp thì được gia hạn thời gian điều tra một lần nhưng thời hạn gia hạn không
vượt quá thời hạn quy định tại các điểm này; Trưởng đoàn điều tra phải báo cáo việc
gia hạn và được sự đồng ý của người ban hành quyết định thành lập Đoàn điều tra tai
nạn lao động đối với tai nạn lao động quy định tại các điểm b, c và d khoản này.

7. Trong quá trình điều tra tai nạn lao động quy định tại các khoản 1, 2 và 3 Điều này
mà phát hiện có dấu hiệu tội phạm, Đoàn điều tra phải báo cáo bằng văn bản, kèm
theo các tài liệu, chuyển giao đồ vật, phương tiện liên quan (nếu có) cho cơ quan điều
tra để xem xét, khởi tố vụ án hình sự theo quy định của pháp luật về tố tụng hình sự.

Thời hạn giải quyết đối với kiến nghị khởi tố thực hiện theo quy định của pháp luật
về tố tụng hình sự; trường hợp cơ quan điều tra ra quyết định không khởi tố vụ án, thì
trong thời hạn 05 ngày, kể từ khi ra quyết định không khởi tố vụ án hình sự, cơ quan
điều tra có trách nhiệm cung cấp và chuyển giao cho Đoàn điều tra tai nạn lao động
các tài liệu, đồ vật, phương tiện liên quan đến vụ tai nạn lao động.

8. Biên bản điều tra tai nạn lao động phải được công bố công khai tại cuộc họp dưới
sự chủ trì của Trưởng đoàn điều tra tai nạn lao động và các thành viên tham dự là
thành viên của Đoàn điều tra, người sử dụng lao động hoặc người đại diện được
người sử dụng lao động ủy quyền bằng văn bản, đại diện tổ chức công đoàn, người bị
nạn hoặc đại diện thân nhân người bị nạn, người biết sự việc, người có liên quan đến
vụ tai nạn; trường hợp xảy ra tai nạn lao động chết người còn có đại diện cơ quan
Công an, Viện kiểm sát nhân dân cùng cấp.

Biên bản điều tra tai nạn lao động và biên bản cuộc họp công bố biên bản điều tra tai
nạn lao động phải gửi đến các cơ quan có thành viên trong Đoàn điều tra tai nạn lao
động, cơ quan quản lý nhà nước về lao động, người sử dụng lao động của cơ sở xảy
ra tai nạn lao động và các nạn nhân hoặc thân nhân người bị tai nạn lao động.

9. Trách nhiệm công bố biên bản điều tra tai nạn lao động và các thông tin cần thiết
khác liên quan đến tai nạn lao động như sau:

a) Người sử dụng lao động có trách nhiệm công bố thông tin nếu việc điều tra vụ tai
nạn lao động quy định tại khoản 1 Điều này thuộc trách nhiệm của người sử dụng lao
động; Ủy ban nhân dân cấp xã công bố thông tin nếu vụ tai nạn lao động do Ủy ban
nhân dân cấp xã lập biên bản;

b) Trưởng đoàn điều tra tai nạn lao động hoặc cơ quan nhà nước chủ trì thực hiện
điều tra các vụ tai nạn lao động quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều này có trách
nhiệm công bố thông tin;
c) Trưởng đoàn điều tra tai nạn lao động hoặc cơ quan nhà nước chủ trì thực hiện
điều tra các vụ tai nạn lao động có trách nhiệm công bố thông tin, trừ trường hợp
pháp luật chuyên ngành có quy định khác.

Sau khi nhận được biên bản điều tra tai nạn lao động và biên bản cuộc họp công bố
biên bản điều tra tai nạn lao động, người sử dụng lao động phải thực hiện niêm yết
công khai, đầy đủ thông tin để người lao động của cơ sở xảy ra tai nạn lao động biết;
trường hợp tai nạn lao động xảy ra đối với người lao động làm việc không theo hợp
đồng lao động thì Ủy ban nhân dân cấp xã phải niêm yết công khai để nhân dân biết;

d) Trưởng đoàn điều tra hoặc cơ quan nhà nước chủ trì thực hiện điều tra tai nạn, sự
cố theo quy định tại khoản 4 Điều này, điều tra sự cố kỹ thuật gây mất an toàn, vệ
sinh lao động và sự cố kỹ thuật gây mất an toàn, vệ sinh lao động nghiêm trọng có
trách nhiệm công bố công khai biên bản điều tra và các thông tin cần thiết khác liên
quan sau khi hết thời hạn điều tra, trừ trường hợp pháp luật chuyên ngành có quy
định khác.

10. Trường hợp vượt quá thời hạn điều tra đối với tai nạn lao động, sự cố kỹ thuật
gây mất an toàn, vệ sinh lao động và sự cố kỹ thuật gây mất an toàn, vệ sinh lao động
nghiêm trọng quy định tại Điều này mà gây thiệt hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của
người lao động, người sử dụng lao động thì phải bồi thường theo quy định của pháp
luật.

11. Chính phủ quy định chi tiết về phân loại, khai báo, điều tra, báo cáo tai nạn lao
động, sự cố kỹ thuật gây mất an toàn, vệ sinh lao động, sự cố kỹ thuật gây mất an
toàn, vệ sinh lao động nghiêm trọng và việc giải quyết chế độ tai nạn lao động cho
người lao động trong trường hợp vụ tai nạn lao động có quyết định khởi tố vụ án hình
sự.

Điều 36. Thống kê, báo cáo tai nạn lao động, sự cố kỹ thuật gây mất an toàn, vệ
sinh lao động nghiêm trọng

1. Người sử dụng lao động phải thống kê, báo cáo tai nạn lao động, sự cố kỹ thuật
gây mất an toàn, vệ sinh lao động nghiêm trọng tại cơ sở của mình và định kỳ 06
tháng, hằng năm, báo cáo cơ quan quản lý nhà nước về lao động cấp tỉnh, trừ trường
hợp pháp luật chuyên ngành có quy định khác.

2. Định kỳ 06 tháng, hằng năm, Ủy ban nhân dân cấp xã thống kê, báo cáo tai nạn lao
động, sự cố kỹ thuật gây mất an toàn, vệ sinh lao động nghiêm trọng liên quan đến
người lao động làm việc không theo hợp đồng lao động quy định tại điểm d khoản 1
Điều 34 của Luật này với Ủy ban nhân dân cấp huyện để tổng hợp, báo cáo cơ quan
quản lý nhà nước về lao động cấp tỉnh.

3. Cơ quan quản lý nhà nước về lao động cấp tỉnh có trách nhiệm báo cáo các vụ tai
nạn lao động, sự cố kỹ thuật gây mất an toàn, vệ sinh lao động nghiêm trọng được
thống kê, báo cáo theo quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này với Bộ Lao động -
Thương binh và Xã hội như sau:
a) Báo cáo nhanh các vụ tai nạn lao động chết người, sự cố kỹ thuật gây mất an toàn,
vệ sinh lao động nghiêm trọng xảy ra trên địa bàn;

b) Định kỳ 06 tháng, hằng năm, gửi báo cáo tình hình tai nạn lao động, sự cố kỹ thuật
gây mất an toàn, vệ sinh lao động nghiêm trọng và công tác an toàn lao động trên địa
bàn.

4. Định kỳ 06 tháng, hằng năm, Bộ Y tế thống kê các trường hợp người bị tai nạn lao
động khám và điều trị tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh và gửi Bộ Lao động - Thương
binh và Xã hội tổng hợp.

5. Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội tổ chức, hướng dẫn việc thu thập, lưu trữ,
tổng hợp, cung cấp, công bố, đánh giá về tình hình tai nạn lao động, sự cố kỹ thuật
gây mất an toàn, vệ sinh lao động nghiêm trọng; tổ chức xây dựng, quản lý cơ sở dữ
liệu về an toàn lao động trong phạm vi cả nước.

Điều 37. Thống kê, báo cáo về bệnh nghề nghiệp

1. Tất cả người lao động bị mắc bệnh nghề nghiệp phải được thống kê và báo cáo
theo quy định của Bộ trưởng Bộ Y tế.

Danh mục bệnh nghề nghiệp do Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành sau khi lấy ý kiến của
Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, tổ chức
đại diện người sử dụng lao động, tổ chức xã hội có liên quan và được rà soát sửa đổi,
bổ sung phù hợp với thay đổi về môi trường lao động, thiết bị, công nghệ.

2. Hằng năm, người sử dụng lao động phải báo cáo, thống kê về phòng, chống bệnh
nghề nghiệp cho cơ quan quản lý nhà nước về y tế cấp tỉnh để tổng hợp, báo cáo Bộ
Y tế.

3. Hằng năm, Bộ Y tế gửi báo cáo thống kê, đánh giá về bệnh nghề nghiệp, tình hình
thực hiện công tác phòng, chống bệnh nghề nghiệp cho Bộ Lao động - Thương binh
và Xã hội tổng hợp, báo cáo Chính phủ.

4. Bộ Y tế tổ chức, hướng dẫn việc thu thập, lưu trữ, tổng hợp, cung cấp, công bố,
đánh giá về tình hình bệnh nghề nghiệp; tổ chức xây dựng, quản lý cơ sở dữ liệu về
phòng, chống bệnh nghề nghiệp; tổ chức điều tra bệnh nghề nghiệp.

Mục 2. TRÁCH NHIỆM CỦA NGƯỜI SỬ DỤNG LAO ĐỘNG ĐỐI VỚI
NGƯỜI LAO ĐỘNG BỊ TAI NẠN LAO ĐỘNG, BỆNH NGHỀ NGHIỆP

Điều 38. Trách nhiệm của người sử dụng lao động đối với người lao động bị tai
nạn lao động, bệnh nghề nghiệp

Người sử dụng lao động có trách nhiệm đối với người lao động bị tai nạn lao động,
bệnh nghề nghiệp như sau:
1. Kịp thời sơ cứu, cấp cứu cho người lao động bị tai nạn lao động và phải tạm ứng
chi phí sơ cứu, cấp cứu và điều trị cho người lao động bị tai nạn lao động hoặc bệnh
nghề nghiệp;

2. Thanh toán chi phí y tế từ khi sơ cứu, cấp cứu đến khi điều trị ổn định cho người bị
tai nạn lao động hoặc bệnh nghề nghiệp như sau:

a) Thanh toán phần chi phí đồng chi trả và những chi phí không nằm trong danh mục
do bảo hiểm y tế chi trả đối với người lao động tham gia bảo hiểm y tế;

b) Trả phí khám giám định mức suy giảm khả năng lao động đối với những trường
hợp kết luận suy giảm khả năng lao động dưới 5% do người sử dụng lao động giới
thiệu người lao động đi khám giám định mức suy giảm khả năng lao động tại Hội
đồng giám định y khoa;

c) Thanh toán toàn bộ chi phí y tế đối với người lao động không tham gia bảo hiểm y
tế;

3. Trả đủ tiền lương cho người lao động bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp phải
nghỉ việc trong thời gian điều trị, phục hồi chức năng lao động;

4. Bồi thường cho người lao động bị tai nạn lao động mà không hoàn toàn do lỗi của
chính người này gây ra và cho người lao động bị bệnh nghề nghiệp với mức như sau:

a) Ít nhất bằng 1,5 tháng tiền lương nếu bị suy giảm từ 5% đến 10% khả năng lao
động; sau đó cứ tăng 1% được cộng thêm 0,4 tháng tiền lương nếu bị suy giảm khả
năng lao động từ 11% đến 80%;

b) Ít nhất 30 tháng tiền lương cho người lao động bị suy giảm khả năng lao động từ
81% trở lên hoặc cho thân nhân người lao động bị chết do tai nạn lao động, bệnh
nghề nghiệp;

5. Trợ cấp cho người lao động bị tai nạn lao động mà do lỗi của chính họ gây ra một
khoản tiền ít nhất bằng 40% mức quy định tại khoản 4 Điều này với mức suy giảm
khả năng lao động tương ứng;

6. Giới thiệu để người lao động bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp được giám định
y khoa xác định mức độ suy giảm khả năng lao động, được điều trị, điều dưỡng, phục
hồi chức năng lao động theo quy định pháp luật;

7. Thực hiện bồi thường, trợ cấp đối với người bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp
trong thời hạn 05 ngày, kể từ ngày có kết luận của Hội đồng giám định y khoa về
mức suy giảm khả năng lao động hoặc kể từ ngày Đoàn điều tra tai nạn lao động công
bố biên bản điều tra tai nạn lao động đối với các vụ tai nạn lao động chết người;

8. Sắp xếp công việc phù hợp với sức khỏe theo kết luận của Hội đồng giám định y
khoa đối với người lao động bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp sau khi điều trị,
phục hồi chức năng nếu còn tiếp tục làm việc;
9. Lập hồ sơ hưởng chế độ về tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp từ Quỹ bảo hiểm tai
nạn lao động, bệnh nghề nghiệp theo quy định tại Mục 3 Chương này;

10. Tiền lương để làm cơ sở thực hiện các chế độ bồi thường, trợ cấp, tiền lương trả
cho người lao động nghỉ việc do bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp được quy định
tại các khoản 3, 4 và 5 Điều này là tiền lương bao gồm mức lương, phụ cấp lương và
các khoản bổ sung khác thực hiện theo quy định của pháp luật về lao động.

11. Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội quy định chi tiết các khoản 3, 4
và 5 Điều này.

Điều 39. Trách nhiệm của người sử dụng lao động về bồi thường, trợ cấp trong
những trường hợp đặc thù khi người lao động bị tai nạn lao động

1. Trường hợp người lao động bị tai nạn lao động khi thực hiện nhiệm vụ hoặc tuân
theo sự điều hành của người sử dụng lao động ở ngoài phạm vi cơ quan, doanh
nghiệp, tổ chức, hợp tác xã, nếu do lỗi của người khác gây ra hoặc không xác định
được người gây ra tai nạn, thì người sử dụng lao động vẫn phải bồi thường cho người
lao động theo quy định tại khoản 4 Điều 38 của Luật này.

2. Trường hợp người lao động bị tai nạn khi đi từ nơi ở đến nơi làm việc hoặc từ nơi
làm việc về nơi ở theo tuyến đường và thời gian hợp lý, nếu do lỗi của người khác
gây ra hoặc không xác định được người gây ra tai nạn thì người sử dụng lao động trợ
cấp cho người lao động theo quy định tại khoản 5 Điều 38 của Luật này.

3. Trường hợp người sử dụng lao động đã mua bảo hiểm tai nạn cho người bị tai nạn
lao động tại các đơn vị hoạt động kinh doanh dịch vụ bảo hiểm, thì người bị tai nạn
lao động được hưởng các khoản chi trả bồi thường, trợ cấp theo hợp đồng đã ký với
đơn vị kinh doanh dịch vụ bảo hiểm. Nếu số tiền mà đơn vị kinh doanh dịch vụ bảo
hiểm trả cho người bị tai nạn lao động thấp hơn mức quy định tại khoản 4 và khoản 5
Điều 38 của Luật này, thì người sử dụng lao động phải trả phần còn thiếu để tổng số
tiền người bị tai nạn lao động hoặc thân nhân của người bị tai nạn lao động nhận
được ít nhất bằng mức bồi thường, trợ cấp được quy định tại khoản 4 và khoản 5
Điều 38 của Luật này.

4. Nếu người sử dụng lao động không đóng bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề
nghiệp cho người lao động thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc theo
quy định của Luật bảo hiểm xã hội, thì ngoài việc phải bồi thường, trợ cấp theo quy
định tại Điều 38 của Luật này, người sử dụng lao động phải trả khoản tiền tương ứng
với chế độ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp theo quy định tại Mục 3
Chương này khi người lao động bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; việc chi trả có
thể thực hiện một lần hoặc hằng tháng theo thỏa thuận của các bên, trường hợp không
thống nhất thì thực hiện theo yêu cầu của người lao động.

5. Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội quy định chi tiết Điều này.

Điều 40. Trường hợp người lao động không được hưởng chế độ từ người sử
dụng lao động khi bị tai nạn lao động
1. Người lao động không được hưởng chế độ từ người sử dụng lao động quy định tại
Điều 38 và Điều 39 của Luật này nếu bị tai nạn thuộc một trong các nguyên nhân sau:

a) Do mâu thuẫn của chính nạn nhân với người gây ra tai nạn mà không liên quan đến
việc thực hiện công việc, nhiệm vụ lao động;

b) Do người lao động cố ý tự hủy hoại sức khỏe của bản thân;

c) Do sử dụng ma túy, chất gây nghiện khác trái với quy định của pháp luật.

2. Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội quy định chi tiết Điều này.

Mục 3. CHẾ ĐỘ BẢO HIỂM TAI NẠN LAO ĐỘNG, BỆNH NGHỀ NGHIỆP

Điều 41. Nguyên tắc thực hiện chế độ đối với người bị tai nạn lao động, bệnh
nghề nghiệp từ Quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp

1. Quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp là quỹ thành phần của Quỹ bảo
hiểm xã hội; việc đóng, hưởng, quản lý và sử dụng quỹ thực hiện theo quy định của
Luật này và Luật bảo hiểm xã hội.

2. Mức đóng bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp được tính trên cơ sở tiền
lương tháng của người lao động và do người sử dụng lao động đóng.

3. Mức hưởng trợ cấp, mức hỗ trợ cho người bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp
được tính trên cơ sở mức suy giảm khả năng lao động, mức đóng và thời gian đóng
vào Quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp.

4. Việc thực hiện bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp phải đơn giản, dễ
dàng, thuận tiện, bảo đảm kịp thời và đầy đủ quyền lợi cho người tham gia bảo hiểm
tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp.

Điều 42. Sử dụng Quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp

1. Trả phí khám giám định thương tật, bệnh tật do tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp
đối với các trường hợp đủ điều kiện hưởng theo quy định tại Điều 45 và Điều 46 của
Luật này; trả phí khám giám định đối với trường hợp người lao động chủ động đi
khám giám định mức suy giảm khả năng lao động theo quy định tại điểm b khoản 1
và khoản 3 Điều 47 của Luật này mà kết quả khám giám định đủ điều kiện để điều
chỉnh tăng mức hưởng trợ cấp tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp.

2. Chi trợ cấp một lần, trợ cấp hằng tháng, trợ cấp phục vụ.

3. Chi hỗ trợ phương tiện trợ giúp sinh hoạt, dụng cụ chỉnh hình.

4. Chi dưỡng sức, phục hồi sức khỏe.

5. Chi hỗ trợ phòng ngừa, chia sẻ rủi ro về tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp.
6. Hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp cho người bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp
khi trở lại làm việc.

7. Chi phí quản lý bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp thực hiện theo quy
định của Luật bảo hiểm xã hội.

8. Chi đóng bảo hiểm y tế cho người nghỉ việc hưởng trợ cấp bảo hiểm tai nạn lao
động, bệnh nghề nghiệp hằng tháng.

Điều 43. Đối tượng áp dụng chế độ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp

1. Đối tượng áp dụng chế độ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp theo quy
định tại Mục này là người lao động tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc theo quy định
tại các điểm a, b, c, d, đ, e và h khoản 1 Điều 2 và người sử dụng lao động quy định
tại khoản 3 Điều 2 của Luật bảo hiểm xã hội.

2. Trường hợp người lao động giao kết hợp đồng lao động với nhiều người sử dụng
lao động thì người sử dụng lao động phải đóng bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề
nghiệp theo từng hợp đồng lao động đã giao kết nếu người lao động thuộc đối tượng
phải tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc. Khi bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp thì
người lao động được giải quyết chế độ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp
theo nguyên tắc đóng, hưởng do Chính phủ quy định.

Điều 44. Mức đóng, nguồn hình thành Quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh
nghề nghiệp

1. Người sử dụng lao động hằng tháng đóng tối đa 1% trên quỹ tiền lương làm căn cứ
đóng bảo hiểm xã hội của người lao động quy định tại Điều 43 của Luật này vào Quỹ
bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp.

2. Nguồn hình thành Quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp bao gồm:

a) Khoản đóng thuộc trách nhiệm của người sử dụng lao động quy định tại khoản 1
Điều này;

b) Tiền sinh lời của hoạt động đầu tư từ quỹ theo quy định tại Điều 90 và Điều 91 của
Luật bảo hiểm xã hội;

c) Các nguồn thu hợp pháp khác.

3. Căn cứ vào khả năng bảo đảm cân đối Quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề
nghiệp, Chính phủ quy định chi tiết mức đóng vào quỹ quy định tại khoản 1 Điều
này.

Điều 45. Điều kiện hưởng chế độ tai nạn lao động

Người lao động tham gia bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp được hưởng
chế độ tai nạn lao động khi có đủ các điều kiện sau đây:
1. Bị tai nạn thuộc một trong các trường hợp sau đây:

a) Tại nơi làm việc và trong giờ làm việc, kể cả khi đang thực hiện các nhu cầu sinh
hoạt cần thiết tại nơi làm việc hoặc trong giờ làm việc mà Bộ luật lao động và nội quy
của cơ sở sản xuất, kinh doanh cho phép, bao gồm nghỉ giải lao, ăn giữa ca, ăn bồi
dưỡng hiện vật, làm vệ sinh kinh nguyệt, tắm rửa, cho con bú, đi vệ sinh;

b) Ngoài nơi làm việc hoặc ngoài giờ làm việc khi thực hiện công việc theo yêu cầu
của người sử dụng lao động hoặc người được người sử dụng lao động ủy quyền bằng
văn bản trực tiếp quản lý lao động;

c) Trên tuyến đường đi từ nơi ở đến nơi làm việc hoặc từ nơi làm việc về nơi ở trong
khoảng thời gian và tuyến đường hợp lý;

2. Suy giảm khả năng lao động từ 5% trở lên do bị tai nạn quy định tại khoản 1 Điều
này;

3. Người lao động không được hưởng chế độ do Quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh
nghề nghiệp chi trả nếu thuộc một trong các nguyên nhân quy định tại khoản 1 Điều
40 của Luật này.

Điều 46. Điều kiện hưởng chế độ bệnh nghề nghiệp

1. Người lao động tham gia bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp được hưởng
chế độ bệnh nghề nghiệp khi có đủ các điều kiện sau đây:

a) Bị bệnh nghề nghiệp thuộc Danh mục bệnh nghề nghiệp do Bộ trưởng Bộ Y tế ban
hành theo quy định tại khoản 1 Điều 37 của Luật này;

b) Suy giảm khả năng lao động từ 5% trở lên do bị bệnh quy định tại điểm a khoản
này.

2. Người lao động khi đã nghỉ hưu hoặc không còn làm việc trong các nghề, công
việc có nguy cơ bị bệnh nghề nghiệp thuộc Danh mục bệnh nghề nghiệp do Bộ
trưởng Bộ Y tế ban hành theo quy định tại khoản 1 Điều 37 của Luật này mà phát
hiện bị bệnh nghề nghiệp trong thời gian quy định thì được giám định để xem xét,
giải quyết chế độ theo quy định của Chính phủ.

Điều 47. Giám định mức suy giảm khả năng lao động

1. Người lao động bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp được giám định hoặc giám
định lại mức suy giảm khả năng lao động khi thuộc một trong các trường hợp sau
đây:

a) Sau khi bị thương tật, bệnh tật lần đầu đã được điều trị ổn định còn di chứng ảnh
hưởng tới sức khỏe;

b) Sau khi thương tật, bệnh tật tái phát đã được điều trị ổn định;
c) Đối với trường hợp thương tật hoặc bệnh nghề nghiệp không có khả năng điều trị
ổn định theo quy định của Bộ trưởng Bộ Y tế thì người lao động được làm thủ tục
giám định trước hoặc ngay trong quy trình điều trị.

2. Người lao động được giám định tổng hợp mức suy giảm khả năng lao động khi
thuộc một trong các trường hợp sau đây:

a) Vừa bị tai nạn lao động vừa bị bệnh nghề nghiệp;

b) Bị tai nạn lao động nhiều lần;

c) Bị nhiều bệnh nghề nghiệp.

3. Người lao động quy định tại điểm b khoản 1 Điều này được giám định lại tai nạn
lao động, bệnh nghề nghiệp sau 24 tháng, kể từ ngày người lao động được Hội đồng
giám định y khoa kết luận tỷ lệ suy giảm khả năng lao động liền kề trước đó; trường
hợp do tính chất của bệnh nghề nghiệp khiến người lao động suy giảm sức khỏe
nhanh thì thời gian giám định được thực hiện sớm hơn theo quy định của Bộ trưởng
Bộ Y tế.

Điều 48. Trợ cấp một lần

1. Người lao động bị suy giảm khả năng lao động từ 5% đến 30% thì được hưởng trợ
cấp một lần.

2. Mức trợ cấp một lần được quy định như sau:

a) Suy giảm 5% khả năng lao động thì được hưởng năm lần mức lương cơ sở, sau đó
cứ suy giảm thêm 1% thì được hưởng thêm 0,5 lần mức lương cơ sở;

b) Ngoài mức trợ cấp quy định tại điểm a khoản này, còn được hưởng thêm khoản trợ
cấp tính theo số năm đã đóng vào Quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp,
từ một năm trở xuống thì được tính bằng 0,5 tháng, sau đó cứ thêm mỗi năm đóng
vào quỹ được tính thêm 0,3 tháng tiền lương đóng vào quỹ của tháng liền kề trước
tháng bị tai nạn lao động hoặc được xác định mắc bệnh nghề nghiệp; trường hợp bị
tai nạn lao động ngay trong tháng đầu tham gia đóng vào quỹ hoặc có thời gian tham
gia gián đoạn sau đó trở lại làm việc thì tiền lương làm căn cứ tính khoản trợ cấp này
là tiền lương của chính tháng đó.

3. Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội quy định chi tiết việc tính hưởng
trợ cấp tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp trong trường hợp người lao động thay đổi
mức hưởng trợ cấp do giám định lại, giám định tổng hợp.

Điều 49. Trợ cấp hằng tháng

1. Người lao động bị suy giảm khả năng lao động từ 31% trở lên thì được hưởng trợ
cấp hằng tháng.
2. Mức trợ cấp hằng tháng được quy định như sau:

a) Suy giảm 31% khả năng lao động thì được hưởng bằng 30% mức lương cơ sở, sau
đó cứ suy giảm thêm 1% thì được hưởng thêm 2% mức lương cơ sở;

b) Ngoài mức trợ cấp quy định tại điểm a khoản này, hằng tháng còn được hưởng
thêm một khoản trợ cấp tính theo số năm đã đóng vào Quỹ bảo hiểm tai nạn lao động,
bệnh nghề nghiệp, từ một năm trở xuống được tính bằng 0,5%, sau đó cứ thêm mỗi
năm đóng vào quỹ được tính thêm 0,3% mức tiền lương đóng vào quỹ của tháng liền
kề trước tháng bị tai nạn lao động hoặc được xác định mắc bệnh nghề nghiệp; trường
hợp bị tai nạn lao động ngay trong tháng đầu tham gia đóng vào quỹ hoặc có thời
gian tham gia gián đoạn sau đó trở lại làm việc thì tiền lương làm căn cứ tính khoản
trợ cấp này là tiền lương của chính tháng đó.

3. Việc tạm dừng, hưởng tiếp trợ cấp tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp hằng tháng,
trợ cấp phục vụ thực hiện theo quy định tại Điều 64 của Luật bảo hiểm xã hội; hồ sơ,
trình tự giải quyết hưởng tiếp trợ cấp tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp hằng tháng
thực hiện theo quy định tại Điều 113 và Điều 114 của Luật bảo hiểm xã hội. Trường
hợp tạm dừng hưởng theo quy định tại điểm c khoản 1 Điều 64 của Luật bảo hiểm xã
hội thì cơ quan bảo hiểm xã hội phải thông báo bằng văn bản và nêu rõ lý do; việc
quyết định chấm dứt hưởng phải căn cứ vào kết luận, quyết định của cơ quan nhà
nước có thẩm quyền.

4. Người đang hưởng trợ cấp tai nạn lao động hằng tháng khi chuyển đến ở nơi khác
trong nước có nguyện vọng hưởng trợ cấp tại nơi cư trú mới thì có đơn gửi cơ quan
bảo hiểm xã hội nơi đang hưởng. Trong thời hạn 05 ngày, kể từ ngày nhận được đơn,
cơ quan bảo hiểm xã hội có trách nhiệm giải quyết; trường hợp không giải quyết thì
phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.

5. Người đang hưởng trợ cấp tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp hằng tháng khi ra
nước ngoài để định cư được giải quyết hưởng trợ cấp một lần; mức trợ cấp một lần
bằng 03 tháng mức trợ cấp đang hưởng. Hồ sơ, trình tự giải quyết trợ cấp một lần
thực hiện theo quy định tại khoản 2, khoản 3 Điều 109 và khoản 4 Điều 110 của Luật
bảo hiểm xã hội.

6. Mức hưởng trợ cấp tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp hằng tháng, trợ cấp phục vụ
được điều chỉnh mức hưởng theo quy định của Luật bảo hiểm xã hội.

Điều 50. Thời điểm hưởng trợ cấp

1. Thời điểm hưởng trợ cấp quy định tại các điều 48, 49 và 52 của Luật này được tính
từ tháng người lao động điều trị ổn định xong, ra viện hoặc từ tháng có kết luận của
Hội đồng giám định y khoa trong trường hợp không điều trị nội trú; trường hợp giám
định tổng hợp mức suy giảm khả năng lao động quy định tại khoản 2 Điều 47 của
Luật này, thời điểm trợ cấp được tính kể từ tháng người lao động điều trị xong, ra
viện của lần điều trị đối với tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp sau cùng hoặc từ
tháng có kết luận giám định tổng hợp của Hội đồng giám định y khoa trong trường
hợp không điều trị nội trú.
Trường hợp bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp mà sau đó không xác định được
thời điểm điều trị ổn định xong, ra viện thì thời điểm hưởng trợ cấp tai nạn lao động,
bệnh nghề nghiệp được tính từ tháng có kết luận của Hội đồng giám định y khoa;
trường hợp bị nhiễm HIV/AIDS do tai nạn rủi ro nghề nghiệp thì thời điểm hưởng trợ
cấp tính từ tháng người lao động được cấp Giấy chứng nhận bị nhiễm HIV/AIDS do
tai nạn rủi ro nghề nghiệp.

2. Trường hợp người lao động được đi giám định mức suy giảm khả năng lao động
quy định tại điểm b khoản 1 và khoản 2 Điều 47 của Luật này thì thời điểm hưởng trợ
cấp mới được tính từ tháng có kết luận của Hội đồng giám định y khoa.

Điều 51. Phương tiện trợ giúp sinh hoạt, dụng cụ chỉnh hình

1. Người lao động bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp mà bị tổn thương các chức
năng hoạt động của cơ thể thì được cấp tiền để mua các phương tiện trợ giúp sinh
hoạt, dụng cụ chỉnh hình theo niên hạn căn cứ vào tình trạng thương tật, bệnh tật và
theo chỉ định của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, cơ sở chỉnh hình, phục hồi chức năng
bảo đảm yêu cầu, điều kiện chuyên môn, kỹ thuật.

2. Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội quy định chi tiết về loại phương
tiện trợ giúp sinh hoạt, dụng cụ chỉnh hình, niên hạn, mức tiền mua phương tiện trợ
giúp sinh hoạt, dụng cụ chỉnh hình và hồ sơ, trình tự thực hiện.

Điều 52. Trợ cấp phục vụ

Người lao động bị suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên mà bị liệt cột sống
hoặc mù hai mắt hoặc cụt, liệt hai chi hoặc bị bệnh tâm thần thì ngoài mức hưởng quy
định tại Điều 49 của Luật này, hằng tháng còn được hưởng trợ cấp phục vụ bằng mức
lương cơ sở.

Điều 53. Trợ cấp khi người lao động chết do tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp

Thân nhân người lao động được hưởng trợ cấp một lần bằng ba mươi sáu lần mức
lương cơ sở tại tháng người lao động bị chết và được hưởng chế độ tử tuất theo quy
định của Luật bảo hiểm xã hội khi thuộc một trong các trường hợp sau đây:

1. Người lao động đang làm việc bị chết do tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp;

2. Người lao động bị chết trong thời gian điều trị lần đầu do tai nạn lao động, bệnh
nghề nghiệp;

3. Người lao động bị chết trong thời gian điều trị thương tật, bệnh tật mà chưa được
giám định mức suy giảm khả năng lao động.

Hồ sơ hưởng chế độ tử tuất trong trường hợp người lao động bị chết do tai nạn lao
động, bệnh nghề nghiệp thực hiện theo quy định tại khoản 1 Điều 111 của Luật bảo
hiểm xã hội.
Điều 54. Dưỡng sức, phục hồi sức khỏe sau khi điều trị thương tật, bệnh tật

1. Người lao động sau khi điều trị ổn định thương tật do tai nạn lao động hoặc bệnh
tật do bệnh nghề nghiệp, trong thời gian 30 ngày đầu trở lại làm việc mà sức khỏe
chưa phục hồi thì được nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe từ 05 ngày đến 10 ngày
cho một lần bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp.

Trường hợp chưa nhận được kết luận giám định mức suy giảm khả năng lao động của
Hội đồng giám định y khoa trong thời gian 30 ngày đầu trở lại làm việc thì người lao
động vẫn được giải quyết chế độ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe cho người lao động
sau khi điều trị thương tật, bệnh tật theo quy định tại khoản 2 Điều này nếu Hội đồng
giám định y khoa kết luận mức suy giảm khả năng lao động đủ điều kiện hưởng chế
độ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp.

2. Số ngày nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe quy định tại khoản 1 Điều này do
người sử dụng lao động và Ban chấp hành công đoàn cơ sở quyết định, trường hợp
đơn vị sử dụng lao động chưa thành lập công đoàn cơ sở thì do người sử dụng lao
động quyết định. Thời gian nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe được quy định như
sau:

a) Tối đa 10 ngày đối với trường hợp bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp có mức
suy giảm khả năng lao động từ 51% trở lên;

b) Tối đa 07 ngày đối với trường hợp bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp có mức
suy giảm khả năng lao động từ 31% đến 50%;

c) Tối đa 05 ngày đối với trường hợp bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp có mức
suy giảm khả năng lao động từ 15% đến 30%.

3. Người lao động quy định tại khoản 1 Điều này được hưởng 01 ngày bằng 30%
mức lương cơ sở.

Điều 55. Hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp cho người bị tai nạn lao động, bệnh
nghề nghiệp khi trở lại làm việc

1. Trường hợp người bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp được người sử dụng lao
động sắp xếp công việc mới thuộc quyền quản lý theo quy định tại khoản 8 Điều 38
của Luật này, nếu phải đào tạo người lao động để chuyển đổi nghề nghiệp thì được hỗ
trợ học phí.

2. Mức hỗ trợ không quá 50% mức học phí và không quá mười lăm lần mức lương cơ
sở; số lần hỗ trợ tối đa đối với mỗi người lao động là hai lần và trong 01 năm chỉ
được nhận hỗ trợ một lần.

Điều 56. Hỗ trợ các hoạt động phòng ngừa, chia sẻ rủi ro về tai nạn lao động,
bệnh nghề nghiệp
1. Hằng năm, Quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp dành tối đa 10%
nguồn thu để hỗ trợ các hoạt động phòng ngừa, chia sẻ rủi ro về tai nạn lao động,
bệnh nghề nghiệp.

2. Các hoạt động phòng ngừa, chia sẻ rủi ro về tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp
được hỗ trợ bao gồm:

a) Khám bệnh, chữa bệnh nghề nghiệp;

b) Phục hồi chức năng lao động;

c) Điều tra lại các vụ tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp theo yêu cầu của cơ quan
bảo hiểm xã hội;

d) Huấn luyện về an toàn, vệ sinh lao động cho người tham gia bảo hiểm tai nạn lao
động, bệnh nghề nghiệp và thuộc đối tượng quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều 14
của Luật này.

3. Việc hỗ trợ các hoạt động quy định tại điểm a và điểm b khoản 2 Điều này không
bao gồm phần chi phí do Quỹ bảo hiểm y tế đã chi trả theo quy định của Luật bảo
hiểm y tế hoặc chi phí do người sử dụng lao động đã hỗ trợ theo quy định tại khoản 2
Điều 38 của Luật này.

4. Chính phủ quy định chi tiết điều kiện hỗ trợ, hồ sơ, mức hỗ trợ, thời gian hỗ trợ,
trình tự, thủ tục hỗ trợ, cơ quan có thẩm quyền quyết định việc hỗ trợ, việc tổ chức
thực hiện chính sách hỗ trợ quy định tại Điều 55 và Điều 56 của Luật này và phải bảo
đảm cân đối Quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp.

Điều 57. Hồ sơ hưởng chế độ tai nạn lao động

1. Sổ bảo hiểm xã hội.

2. Giấy ra viện hoặc trích sao hồ sơ bệnh án sau khi đã điều trị tai nạn lao động đối
với trường hợp nội trú.

3. Biên bản giám định mức suy giảm khả năng lao động của Hội đồng giám định y
khoa.

4. Văn bản đề nghị giải quyết chế độ tai nạn lao động theo mẫu do Bảo hiểm xã hội
Việt Nam ban hành sau khi thống nhất ý kiến với Bộ Lao động - Thương binh và Xã
hội.

Điều 58. Hồ sơ hưởng chế độ bệnh nghề nghiệp

1. Sổ bảo hiểm xã hội.


2. Giấy ra viện hoặc trích sao hồ sơ bệnh án sau khi điều trị bệnh nghề nghiệp; trường
hợp không điều trị nội trú tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh thì phải có giấy khám bệnh
nghề nghiệp.

3. Biên bản giám định mức suy giảm khả năng lao động của Hội đồng giám định y
khoa; trường hợp bị nhiễm HIV/AIDS do tai nạn rủi ro nghề nghiệp thì thay bằng
Giấy chứng nhận bị nhiễm HIV/AIDS do tai nạn rủi ro nghề nghiệp.

4. Văn bản đề nghị giải quyết chế độ bệnh nghề nghiệp theo mẫu do Bảo hiểm xã hội
Việt Nam ban hành sau khi thống nhất ý kiến với Bộ Lao động - Thương binh và Xã
hội.

Điều 59. Giải quyết hưởng chế độ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp

1. Người sử dụng lao động nộp hồ sơ cho cơ quan bảo hiểm xã hội trong thời hạn 30
ngày, kể từ ngày nhận được đầy đủ hồ sơ hưởng chế độ bảo hiểm tai nạn lao động,
bệnh nghề nghiệp theo quy định tại Điều 57 và Điều 58 của Luật này.

2. Trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ, cơ quan bảo hiểm xã hội có
trách nhiệm giải quyết hưởng chế độ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp;
trường hợp không giải quyết thì phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.

Điều 60. Giải quyết hưởng trợ cấp dưỡng sức, phục hồi sức khỏe sau tai nạn lao
động, bệnh nghề nghiệp

1. Người sử dụng lao động lập danh sách người đã hưởng chế độ bảo hiểm tai nạn lao
động, bệnh nghề nghiệp mà sức khỏe chưa phục hồi và nộp cho cơ quan bảo hiểm xã
hội trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày người lao động được xác định là sức khỏe
chưa phục hồi theo quy định tại khoản 1 Điều 54 của Luật này.

2. Trong thời hạn 10 ngày, kể từ khi nhận danh sách, cơ quan bảo hiểm xã hội có
trách nhiệm giải quyết chế độ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe cho người lao động và
chuyển tiền cho đơn vị sử dụng lao động; trường hợp không giải quyết thì phải trả lời
bằng văn bản và nêu rõ lý do.

3. Trong thời hạn 05 ngày, kể từ ngày nhận được tiền do cơ quan bảo hiểm xã hội
chuyển đến, người sử dụng lao động có trách nhiệm chi trả tiền trợ cấp cho người lao
động.

Điều 61. Giải quyết hưởng chế độ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp
chậm so với thời hạn quy định

1. Trường hợp vượt quá thời hạn giải quyết hưởng chế độ bảo hiểm tai nạn lao động,
bệnh nghề nghiệp được quy định tại Điều 59 và khoản 1 Điều 60 của Luật này thì
phải giải trình bằng văn bản và nêu rõ lý do.

2. Trường hợp giải quyết hưởng chế độ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp
và chi trả tiền trợ cấp chậm so với thời hạn quy định, gây thiệt hại đến quyền, lợi ích
hợp pháp của người hưởng thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật, trừ
trường hợp do lỗi của bản thân người lao động hoặc của thân nhân của người lao
động được hưởng chế độ tử tuất.

Điều 62. Hồ sơ, trình tự khám giám định mức suy giảm khả năng lao động để
giải quyết chế độ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp

1. Hồ sơ, trình tự khám giám định mức suy giảm khả năng lao động để giải quyết chế
độ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp do Bộ trưởng Bộ Y tế quy định.

2. Việc khám giám định mức suy giảm khả năng lao động phải bảo đảm chính xác,
công khai, minh bạch. Hội đồng giám định y khoa chịu trách nhiệm về tính chính xác
của kết quả giám định của mình theo quy định của pháp luật.

Chương IV BẢO ĐẢM AN TOÀN, VỆ SINH LAO ĐỘNG ĐỐI VỚI MỘT SỐ
LAO ĐỘNG ĐẶC THÙ

Điều 63. An toàn, vệ sinh lao động đối với lao động nữ, lao động chưa thành
niên, lao động là người khuyết tật

Những quy định về an toàn, vệ sinh lao động đối với lao động nữ, lao động chưa
thành niên, lao động là người khuyết tật thực hiện theo quy định của Bộ luật lao
động, Luật người khuyết tật và Luật này.

Điều 64. Điều kiện sử dụng người lao động cao tuổi làm nghề, công việc nặng
nhọc, độc hại, nguy hiểm

1. Chỉ sử dụng người lao động cao tuổi làm nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy
hiểm, đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm có ảnh hưởng xấu tới sức khỏe người
lao động cao tuổi khi có đủ các điều kiện sau đây:

a) Người lao động cao tuổi có kinh nghiệm, tay nghề cao với thâm niên nghề nghiệp
từ đủ 15 năm trở lên; có chứng nhận hoặc chứng chỉ nghề hoặc được công nhận là
nghệ nhân theo quy định của pháp luật;

b) Người lao động cao tuổi có đủ sức khỏe làm nghề, công việc nặng nhọc, độc hại,
nguy hiểm theo tiêu chuẩn sức khỏe do Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành sau khi có ý kiến
của bộ chuyên ngành;

c) Chỉ sử dụng không quá 05 năm đối với từng người lao động cao tuổi;

d) Có ít nhất một người lao động không phải là người lao động cao tuổi cùng làm
việc;

đ) Có sự tự nguyện của người lao động cao tuổi khi bố trí công việc.

2. Chính phủ quy định chi tiết Điều này.


Điều 65. An toàn, vệ sinh lao động trong trường hợp cho thuê lại lao động

1. Doanh nghiệp cho thuê lại lao động có trách nhiệm sau đây:

a) Thỏa thuận với bên thuê lại lao động trong việc bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp
về an toàn, vệ sinh lao động của người lao động thuê lại nhưng không được thấp hơn
so với người lao động của bên thuê lại lao động có cùng trình độ, làm cùng công việc
hoặc công việc có giá trị như nhau; đưa các nội dung đã thỏa thuận trên vào hợp đồng
cho thuê lại lao động và thực hiện nghĩa vụ của người sử dụng lao động theo quy
định của Bộ luật lao động và Luật này;

b) Phối hợp và kiểm tra bên thuê lại lao động thực hiện việc bảo đảm an toàn, vệ sinh
lao động cho người lao động thuê lại. Trường hợp bên thuê lại lao động không thực
hiện đầy đủ các cam kết về bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động trong hợp đồng cho
thuê lại lao động đã ký kết, doanh nghiệp cho thuê lại lao động phải chịu trách nhiệm
trong việc bảo đảm đầy đủ quyền lợi của người lao động thuê lại;

c) Lưu giữ hồ sơ về an toàn, vệ sinh lao động có liên quan đến người lao động thuê
lại; thực hiện báo cáo tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp theo quy định tại Điều 36
và Điều 37 của Luật này.

2. Bên thuê lại lao động có trách nhiệm sau đây:

a) Thực hiện đầy đủ các cam kết trong hợp đồng thuê lại lao động; không được phân
biệt đối xử về an toàn, vệ sinh lao động đối với người lao động thuê lại so với người
lao động của mình;

b) Khi xảy ra tai nạn lao động, sự cố kỹ thuật gây mất an toàn, vệ sinh lao động đối
với người lao động thuê lại, phải kịp thời sơ cứu, cấp cứu cho nạn nhân, đồng thời
thông báo ngay với doanh nghiệp cho thuê lao động và thực hiện khai báo, điều tra
theo quy định tại Điều 34 và Điều 35 của Luật này;

c) Tổ chức huấn luyện an toàn, vệ sinh lao động cho người lao động thuê lại theo quy
định của Luật này, trừ trường hợp doanh nghiệp cho thuê lại lao động đã tổ chức
huấn luyện phù hợp với công việc mà người lao động thuê lại được giao; định kỳ 6
tháng, hằng năm, tổng hợp tình hình tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp của người
lao động thuê lại gửi doanh nghiệp cho thuê lại lao động;

d) Phối hợp với doanh nghiệp cho thuê lại lao động trong việc điều tra tai nạn lao
động; lưu giữ các hồ sơ về an toàn, vệ sinh lao động có liên quan đến người lao động
thuê lại.

3. Người lao động thuê lại phải tuân thủ nội quy, quy trình và biện pháp bảo đảm an
toàn, vệ sinh lao động của bên thuê lại lao động.

4. Chính phủ quy định chi tiết về an toàn, vệ sinh lao động trong trường hợp cho thuê
lại lao động; trách nhiệm của doanh nghiệp cho thuê lại lao động, bên thuê lại lao
động đối với người lao động thuê lại, bảo đảm quyền và lợi ích của người lao động
thuê lại phù hợp với quy định của Bộ luật lao động và Luật này.

Điều 66. An toàn, vệ sinh lao động tại nơi có nhiều người lao động thuộc nhiều
người sử dụng lao động cùng làm việc

Tại nơi làm việc có nhiều người lao động thuộc nhiều người sử dụng lao động cùng
làm việc thì chủ dự án hoặc chủ đầu tư phải tổ chức để những người sử dụng lao động
cùng lập văn bản xác định rõ trách nhiệm của từng người trong việc bảo đảm an toàn,
vệ sinh lao động cho người lao động và cử người để phối hợp kiểm tra an toàn, vệ
sinh lao động.

Điều 67. An toàn, vệ sinh lao động đối với người lao động Việt Nam đi làm việc ở
nước ngoài

1. Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài quy định tại Điều này bao gồm
người lao động Việt Nam thực hiện nhiệm vụ ở nước ngoài do người sử dụng lao
động cử đi và người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng theo
quy định của Luật người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.

2. Người sử dụng lao động phải tuân thủ các quy định về an toàn, vệ sinh lao động
của pháp luật nước sở tại và phải tuân thủ các quy định sau đây:

a) Bảo đảm thực hiện đầy đủ các biện pháp an toàn, vệ sinh lao động, chế độ bảo
hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp và các trách nhiệm của người sử dụng lao
động đối với người lao động được quy định tại Luật này; trường hợp quy định của
nước sở tại về những chế độ này có lợi hơn cho người lao động thì thực hiện theo quy
định của nước sở tại;

b) Phối hợp với cơ quan có thẩm quyền của nước sở tại trong việc tiến hành điều tra
tai nạn, bệnh tật xảy ra cho người lao động;

c) Đối với tai nạn lao động chết người, tai nạn lao động nặng thì phải cung cấp hồ sơ,
tài liệu có liên quan đến vụ tai nạn lao động cho Thanh tra an toàn, vệ sinh lao động
của cấp tỉnh ở Việt Nam tại nơi đặt trụ sở chính của người sử dụng lao động.

3. Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài phải tuân theo quy định của
pháp luật Việt Nam, pháp luật nước sở tại, trừ trường hợp Điều ước quốc tế mà Cộng
hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên có quy định khác.

Điều 68. An toàn, vệ sinh lao động đối với lao động là người giúp việc gia đình

1. Người sử dụng lao động có trách nhiệm hướng dẫn cách sử dụng máy, thiết bị, đồ
dùng, các biện pháp phòng, chống cháy, nổ trong gia đình có liên quan đến công việc
của lao động là người giúp việc gia đình; thực hiện các chế độ có liên quan đến bảo
đảm an toàn và chăm sóc sức khỏe của lao động là người giúp việc gia đình.
2. Lao động là người giúp việc gia đình có trách nhiệm chấp hành đúng hướng dẫn sử
dụng máy, thiết bị, đồ dùng và phòng, chống cháy, nổ.

3. Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội quy định chi tiết các nội dung về
an toàn, vệ sinh lao động được áp dụng đối với lao động là người giúp việc gia đình.

Điều 69. An toàn, vệ sinh lao động đối với người lao động nhận công việc về làm
tại nhà

1. Người lao động khi thỏa thuận bằng văn bản với người sử dụng lao động về việc
giao công việc về làm tại nhà trên cơ sở căn cứ vào việc người lao động bảo đảm
được yêu cầu về an toàn, vệ sinh lao động đối với công việc được giao tại nhà.

2. Nếu xảy ra tai nạn lao động khi làm việc tại nhà, thì người lao động hoặc thân nhân
của họ phải báo cáo ngay để người sử dụng lao động biết.

Trường hợp người bị tai nạn lao động đã tham gia bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh
nghề nghiệp thì được giải quyết các chính sách, chế độ liên quan đến người bị tai nạn
lao động, bệnh nghề nghiệp theo quy định của Luật này.

Trường hợp người bị tai nạn lao động là người thuộc diện không phải tham gia bảo
hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp thì người sử dụng lao động có trách nhiệm
giải quyết quyền lợi cho người lao động theo quy định tại các khoản 1, 2, 3, 4, 5, 6, 7,
8 và 10 Điều 38 của Luật này.

3. Người sử dụng lao động có trách nhiệm kiểm tra việc bảo đảm an toàn, vệ sinh lao
động đối với nơi làm việc của người lao động nhận công việc về làm tại nhà; thực
hiện các cam kết trong thỏa thuận với người lao động nhận công việc về làm tại nhà;
báo cáo tai nạn lao động xảy ra khi làm việc tại nhà của người lao động cùng với báo
cáo chung về tai nạn lao động quy định tại Điều 36 của Luật này.

Điều 70. An toàn, vệ sinh lao động đối với học sinh, sinh viên, người học nghề,
tập nghề, thử việc

1. Cơ sở giáo dục, cơ sở dạy nghề chịu trách nhiệm bảo đảm các điều kiện về an toàn,
vệ sinh lao động cho học sinh, sinh viên, người học nghề trong thời gian thực hành,
học nghề như đối với người lao động quy định tại các điều 15, 16, 18, 19, 20, 23, 24,
25 và khoản 1 Điều 27 của Luật này.

2. Người sử dụng lao động chịu trách nhiệm thực hiện các quy định về an toàn, vệ
sinh lao động đối với người học nghề, tập nghề, thử việc như đối với người lao động
tại Luật này, kể cả trường hợp bị tai nạn lao động.

3. Học sinh, sinh viên, người học nghề trong thời gian thực hành, học nghề, tập nghề
phải tuân thủ các quy định về an toàn, vệ sinh lao động của cơ sở giáo dục, cơ sở dạy
nghề.
Trường hợp học sinh, sinh viên trong thời gian thực hành bị tai nạn lao động thì được
hỗ trợ theo quy định của Chính phủ.

Chương V BẢO ĐẢM AN TOÀN, VỆ SINH LAO ĐỘNG ĐỐI VỚI CƠ SỞ


SẢN XUẤT, KINH DOANH

Điều 71. Thực hiện công tác an toàn, vệ sinh lao động trong các cơ sở sản xuất,
kinh doanh

1. Cơ sở sản xuất, kinh doanh khi tổ chức thực hiện công tác an toàn, vệ sinh lao
động ngoài việc phải tuân thủ các quy định, về an toàn, vệ sinh lao động tại các
chương I, II, III và IV của Luật này còn phải thực hiện các quy định tại Chương này.

2. Ban quản lý khu kinh tế, khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao có
trách nhiệm chỉ đạo tổ chức công tác an toàn, vệ sinh lao động đối với các cơ sở sản
xuất, kinh doanh trong phạm vi quản lý; phối hợp tổ chức kiểm tra hoạt động về an
toàn, vệ sinh lao động và báo cáo về hoạt động an toàn, vệ sinh lao động với cơ quan
quản lý nhà nước về lao động trong phạm vi quản lý, trừ trường hợp pháp luật chuyên
ngành có quy định khác.

3. Căn cứ vào quy mô, tính chất lao động, nguy cơ tai nạn lao động, bệnh nghề
nghiệp, điều kiện lao động, Chính phủ quy định chi tiết việc áp dụng quy định về an
toàn, vệ sinh lao động của Luật này đối với các cơ sở khác, ban quản lý khu kinh tế,
khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao quy định tại khoản 2 Điều này phù
hợp với điều kiện lao động, tổ chức, bộ máy, chức năng, nhiệm vụ và các quy định
khác của pháp luật chuyên ngành có liên quan.

Điều 72. Bộ phận an toàn, vệ sinh lao động

1. Căn cứ vào quy mô, tính chất lao động, nguy cơ tai nạn lao động, bệnh nghề
nghiệp, điều kiện lao động mà người sử dụng lao động phải bố trí người làm công tác
an toàn, vệ sinh lao động hoặc thành lập bộ phận quản lý công tác an toàn, vệ sinh lao
động tại cơ sở.

Chính phủ quy định chi tiết khoản này.

2. Người làm công tác an toàn, vệ sinh lao động hoặc bộ phận an toàn, vệ sinh lao
động có nhiệm vụ tham mưu, giúp người sử dụng lao động tổ chức thực hiện công tác
an toàn, vệ sinh lao động tại cơ sở sản xuất, kinh doanh, bao gồm các nội dung chủ
yếu sau đây:

a) Xây dựng nội quy, quy trình, biện pháp bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động; phòng,
chống cháy, nổ;

b) Xây dựng, đôn đốc việc thực hiện kế hoạch an toàn, vệ sinh lao động hằng năm;
đánh giá rủi ro và xây dựng kế hoạch ứng cứu khẩn cấp;
c) Quản lý và theo dõi việc khai báo, kiểm định máy, thiết bị, vật tư, chất có yêu cầu
nghiêm ngặt về an toàn, vệ sinh lao động;

d) Tổ chức thực hiện hoạt động thông tin, tuyên truyền, huấn luyện về an toàn, vệ
sinh lao động; sơ cứu, cấp cứu, phòng, chống bệnh nghề nghiệp cho người lao động;

đ) Tổ chức tự kiểm tra về an toàn, vệ sinh lao động; điều tra tai nạn lao động, sự cố
kỹ thuật gây mất an toàn, vệ sinh lao động theo quy định của pháp luật;

e) Chủ trì, phối hợp bộ phận y tế tổ chức giám sát, kiểm soát yếu tố nguy hiểm, yếu
tố có hại;

g) Tổng hợp và đề xuất với người sử dụng lao động giải quyết kiến nghị của đoàn
thanh tra, đoàn kiểm tra và người lao động về an toàn, vệ sinh lao động;

h) Phối hợp với Ban chấp hành công đoàn cơ sở hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ của
an toàn, vệ sinh viên;

i) Tổ chức thi đua, khen thưởng, xử lý kỷ luật, thống kê, báo cáo công tác an toàn, vệ
sinh lao động.

3. Người làm công tác an toàn, vệ sinh lao động, bộ phận an toàn, vệ sinh lao động có
quyền sau đây:

a) Yêu cầu người phụ trách bộ phận sản xuất ra lệnh đình chỉ công việc hoặc có thể
quyết định tạm đình chỉ công việc trong trường hợp khẩn cấp khi phát hiện các nguy
cơ xảy ra tai nạn lao động để thực hiện các biện pháp bảo đảm an toàn, vệ sinh lao
động, đồng thời phải báo cáo người sử dụng lao động;

b) Đình chỉ hoạt động của máy, thiết bị không bảo đảm an toàn hoặc đã hết hạn sử
dụng;

c) Được người sử dụng lao động bố trí thời gian tham dự lớp huấn luyện, bồi dưỡng
nâng cao nghiệp vụ về an toàn, vệ sinh lao động theo quy định của pháp luật.

4. Người làm công tác an toàn, vệ sinh, lao động phải có chuyên môn, nghiệp vụ về
kỹ thuật và có hiểu biết về thực tiễn hoạt động sản xuất, kinh doanh của cơ sở.

5. Trường hợp cơ sở sản xuất, kinh doanh không bố trí được người hoặc không thành
lập được bộ phận an toàn, vệ sinh lao động theo quy định tại khoản 1 và khoản 4
Điều này thì phải thuê các tổ chức có đủ năng lực theo quy định của pháp luật thực
hiện các nhiệm vụ an toàn, vệ sinh lao động theo quy định tại khoản 2 Điều này.

Điều 73. Bộ phận y tế

1. Căn cứ vào quy mô, tính chất lao động, nguy cơ tai nạn lao động, bệnh nghề
nghiệp, điều kiện lao động mà người sử dụng lao động phải bố trí người làm công tác
y tế hoặc thành lập bộ phận y tế chịu trách nhiệm chăm sóc và quản lý sức khỏe của
người lao động.

Chính phủ quy định chi tiết khoản này.

2. Người làm công tác y tế, bộ phận y tế có nhiệm vụ tham mưu, giúp người sử dụng
lao động và trực tiếp thực hiện việc quản lý sức khỏe của người lao động, với nội
dung chủ yếu sau đây:

a) Xây dựng phương án, phương tiện sơ cứu, cấp cứu, thuốc thiết yếu và tình huống
cấp cứu tai nạn lao động, tổ chức tập huấn công tác sơ cứu, cấp cứu cho người lao
động tại cơ sở;

b) Xây dựng kế hoạch và tổ chức khám sức khỏe, khám phát hiện bệnh nghề nghiệp,
giám định y khoa xác định mức suy giảm khả năng lao động khi bị tai nạn lao động,
bệnh nghề nghiệp, điều dưỡng và phục hồi chức năng lao động, tư vấn các biện pháp
phòng, chống bệnh nghề nghiệp; đề xuất, bố trí vị trí công việc phù hợp với sức khỏe
người lao động;

c) Tổ chức khám bệnh, chữa bệnh thông thường tại cơ sở và sơ cứu, cấp cứu người bị
nạn khi xảy ra tai nạn lao động, sự cố kỹ thuật gây mất an toàn, vệ sinh lao động theo
quy định;

d) Tuyên truyền, phổ biến thông tin về vệ sinh lao động, phòng, chống bệnh nghề
nghiệp, nâng cao sức khỏe tại nơi làm việc; kiểm tra việc chấp hành điều lệ vệ sinh,
tổ chức phòng, chống dịch bệnh, bảo đảm an toàn, vệ sinh thực phẩm cho người lao
động tại cơ sở; tổ chức thực hiện bồi dưỡng hiện vật theo quy định;

đ) Lập và quản lý thông tin về công tác vệ sinh, lao động tại nơi làm việc; tổ chức
quan trắc môi trường lao động để đánh giá các yếu tố có hại; quản lý hồ sơ sức khỏe
người lao động, hồ sơ sức khỏe của người bị bệnh nghề nghiệp (nếu có);

e) Phối hợp với bộ phận an toàn, vệ sinh lao động thực hiện các nhiệm vụ có liên
quan quy định tại khoản 2 Điều 72 của Luật này.

3. Người làm công tác y tế, bộ phận y tế có quyền sau đây:

a) Yêu cầu người phụ trách bộ phận sản xuất ra lệnh đình chỉ công việc hoặc có thể
quyết định việc tạm đình chỉ công việc trong trường hợp khẩn cấp khi phát hiện các
dấu hiệu vi phạm hoặc các nguy cơ gây ảnh hưởng sức khỏe, bệnh tật, ốm đau cho
người lao động, đồng thời phải báo cáo người sử dụng lao động về tình trạng này;
quản lý trang thiết bị y tế, thuốc phục vụ sơ cứu, cấp cứu tại nơi làm việc; hướng dẫn
sơ cứu, cấp cứu cho người lao động tại cơ sở;

b) Đình chỉ việc sử dụng các chất không bảo đảm quy định về an toàn, vệ sinh lao
động;
c) Được người sử dụng lao động bố trí thời gian tham gia các cuộc họp, hội nghị và
giao dịch với cơ quan y tế địa phương hoặc y tế bộ, ngành để nâng cao nghiệp vụ và
phối hợp công tác.

4. Người làm công tác y tế ở cơ sở phải có trình độ chuyên môn về y tế và chứng chỉ
chứng nhận chuyên môn về y tế lao động.

5. Trường hợp cơ sở không bố trí được người làm công tác y tế hoặc không thành lập
được bộ phận y tế theo quy định tại khoản 1 và khoản 4 Điều này thì phải có hợp
đồng với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh đủ năng lực theo quy định của Bộ trưởng Bộ Y
tế để thực hiện các nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe người lao động quy định tại khoản 2
Điều này.

Điều 74. An toàn, vệ sinh viên

1. Mỗi tổ sản xuất trong các cơ sở sản xuất, kinh doanh phải có ít nhất một an toàn,
vệ sinh viên kiêm nhiệm trong giờ làm việc. Người sử dụng lao động ra quyết định
thành lập và ban hành quy chế hoạt động của mạng lưới an toàn, vệ sinh viên sau khi
thống nhất ý kiến với Ban chấp hành công đoàn cơ sở nếu cơ sở sản xuất, kinh doanh
đã thành lập Ban chấp hành công đoàn cơ sở.

2. An toàn, vệ sinh viên là người lao động trực tiếp, am hiểu chuyên môn và kỹ thuật
an toàn, vệ sinh lao động; tự nguyện và gương mẫu trong việc chấp hành các quy
định an toàn, vệ sinh lao động và được người lao động trong tổ bầu ra.

3. An toàn, vệ sinh viên hoạt động dưới sự quản lý và hướng dẫn của Ban chấp hành
công đoàn cơ sở, trên cơ sở quy chế hoạt động của mạng lưới an toàn, vệ sinh viên;
phối hợp về chuyên môn, kỹ thuật an toàn, vệ sinh lao động trong quá trình thực hiện
nhiệm vụ với người làm công tác an toàn, vệ sinh lao động hoặc bộ phận quản lý
công tác an toàn, vệ sinh lao động, người làm công tác y tế hoặc bộ phận y tế tại cơ
sở.

4. An toàn, vệ sinh viên có nghĩa vụ sau đây:

a) Đôn đốc, nhắc nhở, hướng dẫn mọi người trong tổ, đội, phân xưởng chấp hành
nghiêm chỉnh quy định về an toàn, vệ sinh lao động, bảo quản các thiết bị an toàn,
phương tiện bảo vệ cá nhân; nhắc nhở tổ trưởng, đội trưởng, quản đốc chấp hành quy
định về an toàn, vệ sinh lao động;

b) Giám sát việc thực hiện tiêu chuẩn, quy chuẩn, quy trình, nội quy an toàn, vệ sinh
lao động, phát hiện những thiếu sót, vi phạm về an toàn, vệ sinh lao động, những
trường hợp mất an toàn, vệ sinh của máy, thiết bị, vật tư, chất và nơi làm việc;

c) Tham gia xây dựng kế hoạch an toàn, vệ sinh lao động; tham gia hướng dẫn biện
pháp làm việc an toàn đối với người lao động mới đến làm việc ở tổ;
d) Kiến nghị với tổ trưởng hoặc cấp trên thực hiện đầy đủ các chế độ bảo hộ lao
động, biện pháp bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động và khắc phục kịp thời những
trường hợp mất an toàn, vệ sinh của máy, thiết bị, vật tư, chất và nơi làm việc;

đ) Báo cáo tổ chức công đoàn hoặc thanh tra lao động khi phát hiện vi phạm về an
toàn, vệ sinh lao động tại nơi làm việc hoặc trường hợp mất an toàn của máy, thiết bị,
vật tư, chất có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn, vệ sinh lao động đã kiến nghị với
người sử dụng lao động mà không được khắc phục.

5. An toàn, vệ sinh viên có quyền sau đây:

a) Được cung cấp thông tin đầy đủ về biện pháp mà người sử dụng lao động tiến hành
để bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động tại nơi làm việc;

b) Được dành một phần thời gian làm việc để thực hiện các nhiệm vụ của an toàn, vệ
sinh viên nhưng vẫn được trả lương cho thời gian thực hiện nhiệm vụ và được hưởng
phụ cấp trách nhiệm.

Mức phụ cấp trách nhiệm do người sử dụng lao động và Ban chấp hành công đoàn cơ
sở thống nhất thỏa thuận và được ghi trong quy chế hoạt động của mạng lưới an toàn,
vệ sinh viên;

c) Yêu cầu người lao động trong tổ ngừng làm việc để thực hiện các biện pháp bảo
đảm an toàn, vệ sinh lao động, nếu thấy có nguy cơ trực tiếp gây sự cố, tai nạn lao
động và chịu trách nhiệm về quyết định đó;

d) Được học tập, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, phương pháp
hoạt động.

Điều 75. Hội đồng an toàn, vệ sinh lao động cơ sở

1. Căn cứ vào quy mô, tính chất lao động, nguy cơ tai nạn lao động, bệnh nghề
nghiệp, điều kiện lao động mà người sử dụng lao động thành lập Hội đồng an toàn, vệ
sinh lao động cơ sở.

Chính phủ quy định chi tiết khoản này.

2. Hội đồng an toàn, vệ sinh lao động cơ sở có nhiệm vụ và quyền hạn sau đây:

a) Tư vấn, phối hợp với người sử dụng lao động trong việc xây dựng nội quy, quy
trình, kế hoạch và các biện pháp bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động tại cơ sở sản xuất,
kinh doanh;

b) Hằng năm, tổ chức đối thoại tại nơi làm việc giữa người lao động, người sử dụng
lao động nhằm chia sẻ thông tin, tăng cường sự hiểu biết và thúc đẩy cải thiện các
điều kiện làm việc công bằng, an toàn cho người lao động; nâng cao hiệu quả thực
hiện chính sách, pháp luật về an toàn, vệ sinh lao động tại cơ sở sản xuất, kinh doanh;
c) Tổ chức kiểm tra tình hình thực hiện công tác an toàn, vệ sinh lao động tại cơ sở
sản xuất, kinh doanh;

d) Yêu cầu người sử dụng lao động thực hiện các biện pháp xử lý, khắc phục nếu
phát hiện thấy nguy cơ mất an toàn, vệ sinh lao động.

3. Thành phần của Hội đồng an toàn, vệ sinh lao động cơ sở bao gồm:

a) Đại diện người sử dụng lao động làm Chủ tịch Hội đồng;

b) Đại diện của Ban chấp hành công đoàn cơ sở hoặc đại diện tập thể người lao động
nơi chưa có tổ chức công đoàn làm Phó Chủ tịch Hội đồng;

c) Người làm công tác an toàn, vệ sinh lao động ở cơ sở sản xuất, kinh doanh là ủy
viên thường trực kiêm thư ký Hội đồng;

d) Người làm công tác y tế ở cơ sở sản xuất, kinh doanh;

đ) Các thành viên khác có liên quan.

Thành phần của Hội đồng an toàn, vệ sinh lao động cơ sở phải bảo đảm tỷ lệ thành
viên nữ tham gia phù hợp với nguyên tắc bình đẳng giới, điều kiện thực tế ở cơ sở sản
xuất, kinh doanh.

Điều 76. Kế hoạch an toàn, vệ sinh lao động

1. Hằng năm, người sử dụng lao động phải xây dựng và tổ chức triển khai kế hoạch
an toàn, vệ sinh lao động. Đối với các công việc phát sinh trong năm kế hoạch thì
phải bổ sung nội dung phù hợp vào kế hoạch an toàn, vệ sinh lao động.

2. Việc lập kế hoạch an toàn, vệ sinh lao động phải được lấy ý kiến Ban chấp hành
công đoàn cơ sở và dựa trên các căn cứ sau đây:

a) Đánh giá rủi ro về an toàn, vệ sinh lao động tại nơi làm việc; việc kiểm soát yếu tố
nguy hiểm, yếu tố có hại và kế hoạch ứng cứu khẩn cấp;

b) Kết quả thực hiện công tác an toàn, vệ sinh lao động năm trước;

c) Nhiệm vụ, phương hướng kế hoạch sản xuất, kinh doanh và tình hình lao động của
năm kế hoạch;

d) Kiến nghị của người lao động, của tổ chức công đoàn và của đoàn thanh tra, đoàn
kiểm tra.

3. Kế hoạch an toàn, vệ sinh lao động phải có các nội dung chủ yếu sau đây:

a) Biện pháp kỹ thuật an toàn lao động và phòng, chống cháy, nổ;
b) Biện pháp về kỹ thuật vệ sinh lao động, phòng, chống yếu tố có hại và cải thiện
điều kiện lao động;

c) Trang cấp phương tiện bảo vệ cá nhân cho người lao động;

d) Chăm sóc sức khỏe người lao động;

đ) Thông tin, tuyên truyền, giáo dục, huấn luyện về an toàn, vệ sinh lao động.

Điều 77. Đánh giá nguy cơ rủi ro về an toàn, vệ sinh lao động

1. Đánh giá nguy cơ rủi ro về an toàn, vệ sinh lao động là việc phân tích, nhận diện
nguy cơ và tác hại của yếu tố nguy hiểm, yếu tố có hại tại nơi làm việc nhằm chủ
động phòng, ngừa tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp và cải thiện điều kiện lao động.

2. Người sử dụng lao động phải tổ chức đánh giá và hướng dẫn người lao động tự
đánh giá nguy cơ rủi ro về an toàn, vệ sinh lao động trước khi làm việc, thường xuyên
trong quá trình lao động hoặc khi cần thiết.

3. Các ngành, nghề có nguy cơ cao về tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, việc đánh
giá nguy cơ rủi ro về an toàn, vệ sinh lao động phải được áp dụng bắt buộc và đưa
vào trong nội quy, quy trình làm việc.

4. Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội quy định chi tiết khoản 2 và
khoản 3 Điều này sau khi có ý kiến của Bộ trưởng Bộ Y tế.

Điều 78. Kế hoạch ứng cứu khẩn cấp

1. Căn cứ vào nguy cơ xảy ra tai nạn lao động, bệnh tật tại nơi làm việc và quy định
pháp luật, người sử dụng lao động phải xây dựng kế hoạch ứng cứu khẩn cấp tại nơi
làm việc.

2. Kế hoạch ứng cứu khẩn cấp phải có các nội dung chủ yếu sau đây:

a) Phương án sơ tán người lao động ra khỏi khu vực nguy hiểm;

b) Biện pháp sơ cứu, cấp cứu người bị nạn;

c) Biện pháp ngăn chặn, khắc phục hậu quả do sự cố gây ra;

d) Trang thiết bị phục vụ ứng cứu;

đ) Lực lượng ứng cứu tại chỗ; phương án phối hợp với các lực lượng bên ngoài cơ
sở; phương án diễn tập.

3. Trình tự, thủ tục, thẩm quyền phê duyệt kế hoạch ứng cứu khẩn cấp được thực hiện
theo quy định của pháp luật.

Điều 79. Tổ chức lực lượng ứng cứu


1. Nơi làm việc có yếu tố nguy hiểm, yếu tố có hại có nguy cơ gây tai nạn lao động
thì người sử dụng lao động có trách nhiệm tổ chức lực lượng ứng cứu chuyên trách
hoặc bán chuyên trách theo quy định và tổ chức huấn luyện sơ cứu, cấp cứu cho
người lao động.

2. Lực lượng ứng cứu phải được trang bị phương tiện kỹ thuật, y tế để bảo đảm ứng
cứu, sơ cứu, cấp cứu kịp thời và phải được huấn luyện.

3. Bộ trưởng Bộ Y tế quy định chi tiết việc tổ chức, trang thiết bị và huấn luyện cho
lực lượng sơ cứu, cấp cứu tại nơi làm việc.

Điều 80. Tự kiểm tra an toàn, vệ sinh lao động

1. Người sử dụng lao động phải lập kế hoạch và tổ chức thực hiện việc tự kiểm tra
định kỳ, đột xuất về an toàn, vệ sinh lao động tại cơ sở.

2. Nội dung, hình thức và thời hạn tự kiểm tra cụ thể phải bảo đảm hiệu quả, phù hợp
với tính chất lao động, nguy cơ tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, điều kiện lao
động của cơ sở.

3. Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội quy định chi tiết Điều này sau
khi có ý kiến của Bộ trưởng Bộ Y tế.

Điều 81. Thống kê, báo cáo về an toàn, vệ sinh lao động

1. Hằng năm, người sử dụng lao động phải thực hiện thống kê, báo cáo về an toàn, vệ
sinh lao động tại nơi làm việc như sau:

a) Báo cáo về công tác an toàn, vệ sinh lao động với cơ quan quản lý nhà nước về lao
động và cơ quan quản lý nhà nước về y tế cấp tỉnh, trừ trường hợp pháp luật chuyên
ngành có quy định khác;

b) Thống kê, báo cáo tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, sự cố kỹ thuật gây mất an
toàn, vệ sinh lao động nghiêm trọng theo quy định tại Điều 36 và Điều 37 của Luật
này.

2. Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội quy định chi tiết điểm a khoản 1
Điều này sau khi có ý kiến của Bộ trưởng Bộ Y tế.

Chương VI QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC VỀ AN TOÀN, VỆ SINH LAO ĐỘNG

Điều 82. Nội dung quản lý nhà nước về an toàn, vệ sinh lao động

1. Ban hành và tổ chức thực hiện văn bản quy phạm pháp luật về an toàn, vệ sinh lao
động; xây dựng, ban hành hoặc công bố tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về
an toàn, vệ sinh lao động, quy chuẩn kỹ thuật địa phương về an toàn, vệ sinh lao động
theo thẩm quyền được phân công quản lý.
2. Tuyên truyền, phổ biến và giáo dục pháp luật về an toàn, vệ sinh lao động.

3. Theo dõi, thống kê, cung cấp thông tin về tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; xây
dựng chương trình, hồ sơ quốc gia an toàn, vệ sinh lao động.

4. Quản lý tổ chức và hoạt động của tổ chức dịch vụ trong lĩnh vực an toàn, vệ sinh
lao động.

5. Tổ chức và tiến hành nghiên cứu, ứng dụng khoa học, công nghệ về an toàn, vệ
sinh lao động.

6. Thanh tra, kiểm tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo và xử lý vi phạm pháp luật về an
toàn, vệ sinh lao động.

7. Bồi dưỡng, huấn luyện về an toàn, vệ sinh lao động.

8. Hợp tác quốc tế về an toàn, vệ sinh lao động.

Điều 83. Trách nhiệm quản lý nhà nước về an toàn, vệ sinh lao động

1. Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về an toàn, vệ sinh lao động.

2. Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chịu trách nhiệm trước Chính phủ thống
nhất thực hiện quản lý nhà nước về an toàn, vệ sinh lao động.

3. Các bộ, cơ quan ngang bộ trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách
nhiệm thực hiện quản lý nhà nước về an toàn, vệ sinh lao động.

4. Ủy ban nhân dân các cấp trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình thực hiện
quản lý nhà nước về an toàn, vệ sinh lao động.

Điều 84. Trách nhiệm quản lý nhà nước về an toàn, vệ sinh lao động của Bộ
trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội

1. Chủ trì xây dựng, trình cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành hoặc ban hành
theo thẩm quyền và tổ chức thực hiện pháp luật, chính sách, kế hoạch về an toàn, vệ
sinh lao động, chương trình quốc gia về an toàn, vệ sinh lao động; lập hồ sơ quốc gia
về an toàn, vệ sinh lao động.

2. Ban hành Danh mục các loại máy, thiết bị, vật tư, chất có yêu cầu nghiêm ngặt về
an toàn, vệ sinh lao động theo quy định tại khoản 2 Điều 28 của Luật này; chủ trì
thực hiện công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động huấn luyện an toàn, vệ sinh
lao động và hoạt động kiểm định các loại máy, thiết bị, vật tư có yêu cầu nghiêm ngặt
về an toàn lao động.

3. Xây dựng hoặc tham gia ý kiến theo thẩm quyền các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ
thuật quốc gia về an toàn, vệ sinh lao động theo quy định tại Điều 87 của Luật này.
4. Theo dõi, tổng hợp, cung cấp thông tin về an toàn, vệ sinh lao động; thống kê về an
toàn, vệ sinh lao động theo quy định của pháp luật về thống kê.

5. Chủ trì tổ chức thực hiện tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về an toàn, vệ
sinh lao động; phòng ngừa sự cố kỹ thuật gây mất an toàn, vệ sinh lao động, tai nạn
lao động, bệnh nghề nghiệp.

6. Trình Chính phủ quyết định biện pháp xử lý trong trường hợp cần thiết để bảo vệ
quyền, lợi ích chính đáng về bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp của người
lao động.

7. Thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm pháp luật về an toàn, vệ sinh lao động; thực
hiện, phối hợp điều tra tai nạn lao động, sự cố kỹ thuật gây mất an toàn, vệ sinh lao
động; kiến nghị với Bộ Công an, Viện kiểm sát nhân dân tối cao điều tra, xử lý tai
nạn lao động có dấu hiệu tội phạm.

8. Hợp tác quốc tế về an toàn, vệ sinh lao động.

Điều 85. Trách nhiệm quản lý nhà nước về an toàn, vệ sinh lao động của Bộ
trưởng Bộ Y tế

1. Xây dựng, trình cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành hoặc ban hành theo
thẩm quyền văn bản quy phạm pháp luật về quan trắc môi trường lao động; đánh giá,
kiểm soát, quản lý các yếu tố có hại tại nơi làm việc; quản lý, tổ chức quan trắc môi
trường lao động.

2. Xây dựng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về an toàn, vệ sinh lao động đối
với các yếu tố vệ sinh lao động trong môi trường lao động; tham gia ý kiến về nội
dung vệ sinh lao động theo thẩm quyền quy định tại khoản 5 Điều 87 của Luật này.

3. Hướng dẫn theo thẩm quyền công tác quản lý vệ sinh lao động, phòng, chống bệnh
nghề nghiệp.

4. Hướng dẫn việc khám sức khỏe người lao động, khám phát hiện bệnh nghề nghiệp,
giám định mức suy giảm khả năng lao động, điều trị, phục hồi chức năng đối với
người lao động bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, quản lý hồ sơ sức khỏe lao
động.

5. Phối hợp với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội xây dựng nội dung huấn luyện
về vệ sinh lao động; tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về vệ sinh lao động.

6. Xây dựng, ban hành và định kỳ rà soát sửa đổi, bổ sung Danh mục bệnh nghề
nghiệp theo quy định tại khoản 1 Điều 37 của Luật này; tổ chức giám định bệnh nghề
nghiệp; xây dựng và ban hành tiêu chuẩn sức khỏe cho từng loại nghề, công việc sau
khi có ý kiến của các bộ, ngành có liên quan.
7. Theo dõi, tổng hợp, cung cấp thông tin về công tác vệ sinh lao động; thống kê, xây
dựng cơ sở dữ liệu về bệnh nghề nghiệp; quản lý sức khỏe người lao động tại nơi làm
việc.

8. Phối hợp với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội xây dựng tiêu chí đánh giá cho
Danh mục nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm và đặc biệt nặng nhọc, độc
hại, nguy hiểm.

9. Phối hợp với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội thanh tra, kiểm tra chấp hành
pháp luật về vệ sinh lao động theo quy định của pháp luật.

10. Hằng năm, gửi Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội báo cáo về tình hình thực
hiện chính sách, pháp luật về an toàn, vệ sinh lao động trong lĩnh vực quản lý.

Điều 86. Trách nhiệm quản lý nhà nước về an toàn, vệ sinh lao động của Ủy ban
nhân dân các cấp

1. Xây dựng, trình cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành hoặc ban hành theo
thẩm quyền văn bản quy phạm pháp luật, quy chuẩn kỹ thuật địa phương.

2. Chịu trách nhiệm quản lý an toàn, vệ sinh lao động tại địa phương; xây dựng và tổ
chức thực hiện chính sách, pháp luật về an toàn, vệ sinh lao động tại địa phương.

3. Hằng năm, báo cáo về tình hình thực hiện chính sách, pháp luật an toàn, vệ sinh
lao động tại địa phương với Hội đồng nhân dân cùng cấp hoặc báo cáo đột xuất theo
yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định của pháp luật.

4. Hằng năm, bố trí nguồn lực tổ chức tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về
an toàn, vệ sinh lao động trên địa bàn phù hợp với điều kiện cụ thể của địa phương;
ưu tiên việc tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về an toàn, vệ sinh lao động
cho người lao động làm việc không theo hợp đồng lao động tại địa phương.

5. Thanh tra, kiểm tra, xử lý theo thẩm quyền các hành vi vi phạm pháp luật về an
toàn, vệ sinh lao động tại địa phương.

Điều 87. Trách nhiệm xây dựng, công bố các tiêu chuẩn quốc gia về an toàn, vệ
sinh lao động và xây dựng, ban hành các quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về an
toàn, vệ sinh lao động

1. Bộ Khoa học và Công nghệ phê duyệt kế hoạch xây dựng tiêu chuẩn quốc gia về
an toàn, vệ sinh lao động và công bố tiêu chuẩn quốc gia về an toàn, vệ sinh lao động.

2. Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan ngang
bộ có liên quan tổ chức lập kế hoạch xây dựng các quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về an
toàn, vệ sinh lao động.

3. Bộ, cơ quan ngang bộ chủ trì xây dựng các tiêu chuẩn quốc gia về an toàn, vệ sinh
lao động và xây dựng, ban hành quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về an toàn, vệ sinh lao
động trong phạm vi quản lý được Chính phủ phân công sau khi có ý kiến thống nhất
của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội; trường hợp không thống nhất ý kiến, cơ
quan chủ trì xây dựng tiêu chuẩn quốc gia, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia báo cáo Thủ
tướng Chính phủ xem xét, quyết định.

Việc thẩm định tiêu chuẩn quốc gia, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về an toàn, vệ sinh
lao động do Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức thực hiện theo quy định của Luật
tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật.

4. Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội xây dựng các tiêu chuẩn quốc gia, ban hành
quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về an toàn, vệ sinh lao động thuộc thẩm quyền quản lý
theo quy định tại khoản 3 Điều này; có trách nhiệm phối hợp với các bộ, cơ quan
ngang bộ trình Thủ tướng Chính phủ quyết định phân công trách nhiệm xây dựng tiêu
chuẩn quốc gia, xây dựng và ban hành quy chuẩn kỹ thuật quốc gia mới hoặc liên
quan đến phạm vi quản lý của nhiều bộ, cơ quan ngang bộ.

5. Bộ Y tế xây dựng tiêu chuẩn quốc gia về an toàn, vệ sinh lao động ban hành quy
chuẩn kỹ thuật quốc gia về an toàn, vệ sinh lao động thuộc thẩm quyền quản lý theo
quy định tại Điều 85 của Luật này; có ý kiến thống nhất về nội dung vệ sinh lao động
trong quá trình các bộ, cơ quan ngang bộ xây dựng các tiêu chuẩn quốc gia, quy
chuẩn kỹ thuật quốc gia về an toàn, vệ sinh lao động.

Điều 88. Hội đồng quốc gia về an toàn, vệ sinh lao động, Hội đồng an toàn, vệ
sinh lao động cấp tỉnh

1. Hội đồng quốc gia về an toàn, vệ sinh lao động là tổ chức tư vấn cho Chính phủ
trong việc xây dựng mới hoặc sửa đổi, bổ sung chính sách, pháp luật về an toàn, vệ
sinh lao động. Hội đồng do Thủ tướng Chính phủ thành lập, bao gồm đại diện Bộ Lao
động - Thương binh và Xã hội, Bộ Y tế, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Hội
nông dân Việt Nam, tổ chức đại diện người sử dụng lao động, các bộ, ngành có liên
quan và một số chuyên gia, nhà khoa học về lĩnh vực an toàn, vệ sinh lao động.

2. Hội đồng an toàn, vệ sinh lao động cấp tỉnh là tổ chức tư vấn cho Ủy ban nhân dân
trong việc tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật về an toàn, vệ sinh lao động tại địa
phương. Hội đồng do Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thành lập, bao gồm đại diện
Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Sở Y tế, Liên đoàn Lao động, Hội nông dân,
một số doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức và chuyên gia, nhà khoa học về lĩnh vực an
toàn, vệ sinh lao động tại địa phương.

3. Hằng năm, Hội đồng an toàn, vệ sinh lao động có trách nhiệm tổ chức đối thoại
nhằm chia sẻ thông tin, tăng cường sự hiểu biết giữa người sử dụng lao động, người
lao động, tổ chức công đoàn, tổ chức đại diện người sử dụng lao động và các cơ quan
nhà nước để thúc đẩy việc cải thiện các điều kiện làm việc công bằng, an toàn cho
người lao động, nâng cao hiệu quả xây dựng, thực hiện chính sách, pháp luật về an
toàn, vệ sinh lao động.
4. Chính phủ quy định chi tiết việc thành lập, chức năng, nhiệm vụ, tổ chức và hoạt
động của Hội đồng quốc gia về an toàn, vệ sinh lao động và Hội đồng an toàn, vệ
sinh lao động cấp tỉnh.

Điều 89. Thanh tra an toàn, vệ sinh lao động

1. Thanh tra an toàn, vệ sinh lao động là thanh tra chuyên ngành thuộc cơ quan thực
hiện quản lý nhà nước về lao động cấp trung ương và cấp tỉnh.

2. Việc thanh tra an toàn, vệ sinh lao động trong các lĩnh vực phóng xạ, thăm dò, khai
thác dầu khí, các phương tiện vận tải đường sắt, đường thủy, đường bộ, đường hàng
không và các đơn vị thuộc lực lượng vũ trang nhân dân do các cơ quan quản lý nhà
nước về lĩnh vực đó thực hiện với sự phối hợp của thanh tra an toàn, vệ sinh lao
động.

3. Chính phủ quy định chi tiết về tổ chức và hoạt động của thanh tra an toàn, vệ sinh
lao động quy định tại khoản 1 Điều này và cơ chế phối hợp liên ngành quy định tại
khoản 2 Điều này.

Điều 90. Xử lý vi phạm pháp luật về an toàn, vệ sinh lao động

1. Người nào vi phạm, pháp luật về an toàn, vệ sinh lao động thì tùy theo tính chất,
mức độ vi phạm mà bị xử lý vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình
sự; nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường và khắc phục hậu quả theo quy định của
pháp luật.

2. Người nào lợi dụng chức vụ, quyền hạn vi phạm quy định của Luật này, xâm phạm
lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân thì tùy theo tính
chất, mức độ vi phạm, mà bị xử lý kỷ luật hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự; nếu
gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật.

3. Người sử dụng lao động có hành vi trốn đóng, chậm đóng bảo hiểm tai nạn lao
động, bệnh nghề nghiệp, chiếm dụng tiền đóng, hưởng bảo hiểm tai nạn lao động,
bệnh nghề nghiệp quy định tại khoản 2 Điều 12 của Luật này từ 30 ngày trở lên thì
ngoài việc phải đóng đủ số tiền chưa đóng, chậm đóng và bị xử lý theo quy định của
pháp luật, còn phải nộp số tiền lãi bằng hai lần mức lãi suất đầu tư Quỹ bảo hiểm xã
hội bình quân của năm trước liền kề tính trên số tiền, thời gian chậm đóng; nếu không
thực hiện thì theo yêu cầu của người có thẩm quyền, ngân hàng, tổ chức tín dụng
khác, kho bạc nhà nước có trách nhiệm trích từ tài khoản tiền gửi của người sử dụng
lao động để nộp số tiền chưa đóng, chậm đóng và lãi của số tiền này vào tài khoản
của cơ quan bảo hiểm xã hội.

4. Chính phủ quy định chi tiết về hành vi, hình thức và mức xử phạt các hành vi vi
phạm hành chính trong lĩnh vực an toàn, vệ sinh lao động quy định trong Luật này.

Điều 91. Cơ chế phối hợp về an toàn, vệ sinh lao động

1. Cơ chế phối hợp về an toàn, vệ sinh lao động được thực hiện như sau:
a) Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan ngang
bộ, Cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thực hiện các nội dung phối
hợp quy định tại khoản 2 Điều này trong phạm vi trách nhiệm của mình;

b) Cơ quan quản lý nhà nước về an toàn, vệ sinh lao động các cấp phối hợp với tổ
chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ
chức xã hội - nghề nghiệp và các tổ chức khác trong công tác an toàn, vệ sinh lao
động theo lĩnh vực có liên quan.

2. Nội dung phối hợp về an toàn, vệ sinh lao động bao gồm:

a) Xây dựng chính sách, pháp luật về an toàn, vệ sinh lao động; tiêu chuẩn, quy
chuẩn kỹ thuật về an toàn, vệ sinh lao động;

b) Xây dựng chương trình, hồ sơ quốc gia về an toàn, vệ sinh lao động;

c) Điều tra tai nạn lao động; tai nạn, sự cố kỹ thuật gây mất an toàn, vệ sinh lao động;
chính sách, chế độ đối với người lao động bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp;

d) Thông tin, tuyên truyền, giáo dục, huấn luyện, thống kê, báo cáo về an toàn, vệ
sinh lao động; kiểm định các loại máy, thiết bị, vật tư có yêu cầu nghiêm ngặt về an
toàn lao động;

đ) Thanh tra, kiểm tra, giám sát về an toàn, vệ sinh lao động và xử lý vi phạm pháp
luật về an toàn, vệ sinh lao động;

e) Khen thưởng về an toàn, vệ sinh lao động;

g) Nghiên cứu, ứng dụng khoa học, công nghệ về an toàn, vệ sinh lao động.

3. Chính phủ quy định chi tiết Điều này.

Chương VII ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 92. Hiệu lực thi hành

1. Luật này có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 7 năm 2016.

2. Các quy định về bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp tại Mục 3 Chương
III, khoản 4 Điều 84, điểm b khoản 1 và điểm a khoản 2 Điều 86, các điều 104, 105,
106, 107, 116 và 117 của Luật bảo hiểm xã hội số 58/2014/QH13 hết hiệu lực kể từ
ngày Luật này có hiệu lực thi hành.

3. Tổ chức hoạt động kiểm định kỹ thuật an toàn lao động, tổ chức huấn luyện an
toàn, vệ sinh lao động hoạt động trước ngày Luật này có hiệu lực thi hành tiếp tục
hoạt động cho đến hết thời hạn của giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động đã được
cấp.

Điều 93. Quy định chi tiết


Chính phủ, cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định chi tiết các điều, khoản được
giao trong Luật.

Luật này đã được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XIII, kỳ
họp thứ 9 thông qua ngày 25 tháng 6 năm 2015.

  CHỦ TỊCH QUỐC HỘI

Nguyễn Sinh Hùng


 
NGHỊ ĐỊNH 37/2016/NĐ-CP ngày 15 tháng 5 năm 2016 QUY ĐỊNH CHI TIẾT
VÀ HƯỚNG DẪN THI HÀNH MỘT SỐ ĐIỀU CỦA LUẬT AN TOÀN, VỆ SINH
LAO ĐỘNG VỀ BẢO HIỂM TAI NẠN LAO ĐỘNG, BỆNH NGHỀ NGHIỆP BẮT
BUỘC

Căn cứ Luật tổ chức Chính phủ ngày 19 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Luật an toàn, vệ sinh lao động ngày 25 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Luật bảo hiểm xã hội ngày 20 tháng 11 năm 2014;

Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội,

Chính phủ ban hành Nghị định quy định chi Tiết và hướng dẫn thi hành một số Điều
của Luật an toàn, vệ sinh lao động về bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp
bắt buộc.

Chương I QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi Điều chỉnh

Nghị định này quy định chi Tiết và hướng dẫn thi hành một số Điều của Luật an toàn,
vệ sinh lao động về bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp đối với người lao
động giao kết hợp đồng lao động với người sử dụng lao động; quyền và trách nhiệm
của các cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân có liên quan trong triển khai thực hiện các
chế độ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp bắt buộc.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

1. Cán bộ, công chức, viên chức và người lao động Việt Nam làm việc theo hợp đồng
lao động thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp bắt
buộc, bao gồm:

a) Cán bộ, công chức, viên chức theo quy định của pháp luật về cán bộ, công chức và
viên chức;

b) Sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp quân đội nhân dân; sĩ quan, hạ sĩ quan nghiệp
vụ, sĩ quan, hạ sĩ quan chuyên môn kỹ thuật công an nhân dân; người làm công tác cơ
yếu hưởng lương như đối với quân nhân;

c) Hạ sĩ quan, chiến sĩ quân đội nhân dân; hạ sĩ quan, chiến sĩ công an nhân dân phục
vụ có thời hạn; học viên quân đội, công an, cơ yếu đang theo học được hưởng sinh
hoạt phí;

d) Công nhân quốc phòng, công nhân công an, người làm công tác khác trong tổ chức
cơ yếu;
đ) Người làm việc theo hợp đồng lao động không xác định thời hạn và hợp đồng lao
động có thời hạn từ đủ 03 tháng trở lên và người làm việc theo hợp đồng lao động có
thời hạn từ đủ 01 tháng đến dưới 03 tháng. Không bao gồm người lao động là người
giúp việc gia đình;

e) Người quản lý doanh nghiệp, người quản lý Điều hành hợp tác xã có hưởng tiền
lương.

2. Người sử dụng lao động theo quy định tại Khoản 3 Điều 2 Luật bảo hiểm xã hội.

3. Người lao động đã nghỉ hưu hoặc không còn làm việc trong các nghề, công việc có
nguy cơ bị bệnh nghề nghiệp.

4. Cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề
nghiệp.

Các đối tượng quy định tại Khoản 1 và Khoản 3 Điều này sau đây gọi tắt là người lao
động.

Điều 3. Giải thích từ ngữ

1. Cơ sở khám bệnh, chữa bệnh nghề nghiệp là cơ sở y tế có đủ Điều kiện hoạt động
theo quy định của pháp luật về khám bệnh, chữa bệnh.

2. Phục hồi chức năng lao động là quá trình áp dụng biện pháp y học, kỹ thuật phục
hồi chức năng, biện pháp giáo dục và xã hội học để phục hồi chức năng lao động.

3. Đơn vị phục hồi chức năng lao động là cơ sở y tế có đủ Điều kiện hoạt động phục
hồi chức năng lao động theo quy định của pháp luật về khám bệnh, chữa bệnh.

Chương II QUỸ BẢO HIỂM TAI NẠN LAO ĐỘNG, BỆNH NGHỀ NGHIỆP
VÀ MỘT SỐ CHẾ ĐỘ KHI BỊ TAI NẠN LAO ĐỘNG, BỆNH NGHỀ NGHIỆP

Điều 4. Mức đóng và phương thức đóng của người sử dụng lao động

Mức đóng vào Quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp quy định tại Khoản
3 Điều 44 Luật an toàn, vệ sinh lao động được quy định như sau:

1. Người sử dụng lao động hằng tháng đóng như sau:

a) Mức 1% trên quỹ tiền lương đóng bảo hiểm xã hội của người lao động quy định tại
các Điểm a, b, d, đ và e Khoản 1 Điều 2 Nghị định này.

Trường hợp người sử dụng lao động là doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh cá
thể, tổ hợp tác hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp, diêm
nghiệp trả lương theo sản phẩm hoặc khoán được thực hiện hằng tháng, 03 tháng
hoặc 06 tháng một lần.
b) Mức 1% trên mức lương cơ sở đối với mỗi người lao động quy định tại Điểm c
Khoản 1 Điều 2 Nghị định này.

2. Từ ngày 01 tháng 01 năm 2018 trở đi, Chính phủ quyết định mức đóng thấp hơn
mức đóng quy định tại Khoản 1 Điều này.

Điều 5. Chế độ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp đối với người lao
động giao kết hợp đồng lao động với nhiều người sử dụng lao động

Chế độ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp đối với người lao động giao kết
hợp đồng lao động với nhiều người sử dụng lao động quy định tại Khoản 2 Điều 43
Luật an toàn, vệ sinh lao động được quy định như sau:

1. Hưởng trợ cấp tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp hằng tháng hoặc một lần được
tính trên cơ sở tổng các mức tiền lương làm căn cứ đóng vào quỹ tai nạn lao động,
bệnh nghề nghiệp của tất cả các hợp đồng lao động tại thời Điểm xảy ra tai nạn lao
động, bệnh nghề nghiệp, nhưng không quá mức tối đa theo quy định của pháp luật
bảo hiểm xã hội.

2. Chế độ hỗ trợ đào tạo chuyển đổi nghề nghiệp; khám bệnh, chữa bệnh nghề
nghiệp; huấn luyện an toàn, vệ sinh lao động và phục hồi chức năng lao động quy
định tại Nghị định này và các chế độ bảo hiểm xã hội theo quy định của pháp luật về
bảo hiểm xã hội.

Điều 6. Giám định cho người lao động phát hiện bị bệnh nghề nghiệp khi đã
nghỉ hưu hoặc không còn làm việc trong các nghề, công việc có nguy cơ bị bệnh
nghề nghiệp

Người lao động khi đã nghỉ hưu hoặc không còn làm việc trong các nghề, công việc
có nguy cơ bị bệnh nghề nghiệp mà phát hiện bị bệnh nghề nghiệp quy định tại
Khoản 2 Điều 46 Luật an toàn, vệ sinh lao động được quy định như sau:

1. Đối tượng quy định tại Khoản 3 Điều 2 Nghị định này mà phát hiện bị bệnh nghề
nghiệp do yếu tố tác hại của nghề cũ gây nên trong Khoảng thời gian bảo đảm kể từ
ngày nghỉ hưu, chuyển việc khác hoặc thôi việc thì được chủ động đi khám phát hiện
và giám định mức suy giảm khả năng lao động do mắc bệnh nghề nghiệp.

2. Người bị bệnh nghề nghiệp theo quy định tại Khoản 1 Điều này được Quỹ bảo
hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp hỗ trợ kinh phí khám bệnh, chữa bệnh nghề
nghiệp theo quy định tại Mục 1 và Mục 2 Chương IV Nghị định này.

3. Hồ sơ hưởng chế độ bệnh nghề nghiệp đối với người lao động phát hiện bị bệnh
nghề nghiệp khi đã nghỉ hưu, thôi việc, chuyển việc khác không còn làm việc trong
các nghề, công việc có nguy cơ bị bệnh nghề nghiệp gồm:

a) Sổ bảo hiểm xã hội đối với người lao động đang làm việc hoặc bản sao quyết định
hưởng chế độ hưu trí đối với người lao động đã nghỉ hưu;
b) Hồ sơ khám bệnh nghề nghiệp;

c) Biên bản giám định mức suy giảm khả năng lao động của Hội đồng Giám định y
khoa;

d) Văn bản đề nghị giải quyết chế độ bệnh nghề nghiệp.

4. Trình tự, hồ sơ giải quyết chế độ trợ cấp một lần hoặc hằng tháng theo hướng dẫn
của Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội.

5. Thời gian bảo đảm đối với từng bệnh nghề nghiệp và trình tự, hồ sơ khám giám
định mức suy giảm khả năng lao động đối với người lao động theo hướng dẫn của Bộ
trưởng Bộ Y tế.

Chương III HỖ TRỢ ĐÀO TẠO CHUYỂN ĐỔI NGHỀ NGHIỆP CHO NGƯỜI
LAO ĐỘNG BỊ TAI NẠN LAO ĐỘNG, BỆNH NGHỀ NGHIỆP

Điều 7. Điều kiện hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp cho người bị tai nạn lao động,
bệnh nghề nghiệp khi trở lại làm việc

Người lao động được hỗ trợ kinh phí đào tạo nghề để chuyển đổi công việc sau khi bị
tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp quy định tại Điều 55 Luật an toàn, vệ sinh lao
động khi có đủ các Điều kiện sau đây:

1. Suy giảm khả năng lao động do bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp từ 31% trở
lên;

2. Được người sử dụng lao động sắp xếp công việc mới thuộc quyền quản lý phù hợp
với sức khỏe, nguyện vọng của người lao động nhưng công việc đó cần phải đào tạo
nghề để chuyển đổi công việc.

Điều 8. Mức và thẩm quyền quyết định hỗ trợ đào tạo chuyển đổi nghề nghiệp

1. Học phí quy định tại Khoản 2 Điều 55 được tính trên cơ sở giá dịch vụ đào tạo
nghề theo quy định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

2. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội quyết định cụ thể mức hỗ trợ cho từng đối
tượng nhưng không quá 50% mức học phí và không quá 15 lần mức lương cơ sở.

Điều 9. Hồ sơ đề nghị hỗ trợ

1. Văn bản của người sử dụng lao động đề nghị hỗ trợ kinh phí đào tạo chuyển đổi
nghề nghiệp cho người lao động bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp theo mẫu do
Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành.

2. Bản sao chứng từ thanh toán các chi phí đào tạo theo quy định.

Điều 10. Trình tự giải quyết hỗ trợ kinh phí đào tạo chuyển đổi nghề nghiệp
1. Người sử dụng lao động nộp hồ sơ theo quy định tại Điều 9 Nghị định này cho Sở
Lao động - Thương binh và Xã hội, mang theo bản chính chứng từ thanh toán để đối
chiếu với bản sao.

2. Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ theo quy định,
Sở Lao động - Thương binh và Xã hội quyết định mức hỗ trợ. Trường hợp không hỗ
trợ thì phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.

3. Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ khi nhận được quyết định hỗ trợ, cơ quan
bảo hiểm xã hội có trách nhiệm giải quyết hỗ trợ chi phí đào tạo chuyển đổi nghề
nghiệp.

Chương IV ĐIỀU KIỆN, MỨC, HỒ SƠ VÀ TRÌNH TỰ HỖ TRỢ KHÁM


BỆNH, CHỮA BỆNH NGHỀ NGHIỆP, HUẤN LUYỆN AN TOÀN, VỆ SINH
LAO ĐỘNG VÀ PHỤC HỒI CHỨC NĂNG LAO ĐỘNG

Mục 1. ĐIỀU KIỆN, MỨC, HỒ SƠ VÀ TRÌNH TỰ HỖ TRỢ KHÁM BỆNH


NGHỀ NGHIỆP

Điều 11. Điều kiện hỗ trợ khám bệnh nghề nghiệp cho người lao động

Người lao động được hỗ trợ chi phí khám bệnh nghề nghiệp theo quy định tại Điểm a
Khoản 2 Điều 56 Luật an toàn, vệ sinh lao động quy định như sau:

1. Đối với đối tượng quy định tại Khoản 1 Điều 2 Nghị định này có đủ Điều kiện sau
đây:

a) Người lao động có thời gian đóng bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp đủ
từ 12 tháng trở lên và đang tham gia tính đến tháng liền kề trước của tháng đề nghị hỗ
trợ kinh phí khám bệnh nghề nghiệp cho người lao động;

b) Người sử dụng lao động thực hiện quan trắc môi trường lao động theo quy định;

c) Người lao động được đề nghị hỗ trợ kinh phí khám bệnh nghề nghiệp là người đã
được phát hiện bệnh nghề nghiệp tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh nghề nghiệp đủ
Điều kiện.

2. Đối với đối tượng quy định tại Khoản 3 Điều 2 Nghị định này khi đi khám phát
hiện bệnh nghề nghiệp phải còn trong thời gian bảo đảm bệnh nghề nghiệp theo quy
định của Bộ trưởng Bộ Y tế.

Điều 12. Mức hỗ trợ kinh phí khám bệnh nghề nghiệp

1. Mức hỗ trợ bằng 50% chi phí khám bệnh nghề nghiệp tính theo biểu giá khám
bệnh nghề nghiệp do Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành tại thời Điểm người lao động khám
bệnh nghề nghiệp sau khi đã được bảo hiểm y tế chi trả, nhưng không quá 1/3 mức
lương cơ sở/người/lần khám.
2. Số lần hỗ trợ tối đa đối với mỗi người lao động là 02 lần và trong 01 năm chỉ được
nhận hỗ trợ 01 lần.

3. Người lao động có thời gian làm việc trong các nghề, công việc có nguy cơ bị bệnh
nghề nghiệp đã nghỉ hưu, thôi việc hoặc chuyển sang đơn vị khác được Quỹ bảo hiểm
tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp chi trả 100% mức chi khám bệnh nghề nghiệp.

Điều 13. Hồ sơ đề nghị hỗ trợ kinh phí khám bệnh nghề nghiệp

1. Đối với trường hợp đủ Điều kiện quy định tại Khoản 1 Điều 11 Nghị định này, hồ
sơ bao gồm:

a) Văn bản đề nghị hỗ trợ kinh phí khám bệnh nghề nghiệp cho người lao động theo
mẫu do Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành;

b) Bản sao có chứng thực kết quả quan trắc môi trường lao động;

c) Hồ sơ xác định mắc bệnh nghề nghiệp của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh nghề
nghiệp đủ Điều kiện.

2. Đối với trường hợp đủ Điều kiện quy định tại Khoản 2 Điều 11 Nghị định này, hồ
sơ bao gồm:

a) Văn bản đề nghị hỗ trợ kinh phí khám bệnh nghề nghiệp cho người lao động theo
mẫu do Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành;

b) Bản sao có chứng thực kết quả quan trắc môi trường lao động trong thời gian
người lao động làm việc tại đơn vị có nguy cơ bị bệnh nghề nghiệp (nếu có);

c) Hồ sơ xác định mắc bệnh nghề nghiệp của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh nghề
nghiệp đủ Điều kiện;

d) Bản sao chứng từ thanh toán các chi phí khám bệnh nghề nghiệp theo quy định.

Điều 14. Trình tự giải quyết hỗ trợ kinh phí khám bệnh nghề nghiệp

1. Đối với trường hợp đủ Điều kiện quy định tại Khoản 1 Điều 11 Nghị định này,
người sử dụng lao động nộp hồ sơ theo quy định tại Khoản 1 Điều 13 Nghị định này
cho Sở Lao động - Thương binh và Xã hội.

2. Đối với trường hợp đủ Điều kiện quy định tại Khoản 2 Điều 11 Nghị định này,
người lao động nộp hồ sơ theo quy định tại Khoản 2 Điều 13 Nghị định này cho Sở
Lao động - Thương binh và Xã hội, mang theo bản chính chứng từ thanh toán để đối
chiếu với bản sao.

3. Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ theo quy định,
Sở Lao động - Thương binh và Xã hội quyết định việc hỗ trợ. Trường hợp không hỗ
trợ thì phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.
4. Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được quyết định hỗ trợ, cơ quan
bảo hiểm xã hội có trách nhiệm giải quyết hỗ trợ chi phí khám bệnh nghề nghiệp.

Mục 2. ĐIỀU KIỆN, MỨC, HỒ SƠ VÀ TRÌNH TỰ HỖ TRỢ CHỮA BỆNH


NGHỀ NGHIỆP

Điều 15. Điều kiện hỗ trợ kinh phí chữa bệnh nghề nghiệp cho người lao động

Người lao động được hỗ trợ chữa bệnh nghề nghiệp theo quy định tại Điểm a Khoản
2 Điều 56 Luật an toàn, vệ sinh lao động quy định như sau:

1. Đối với đối tượng quy định tại Khoản 1 Điều 2 Nghị định này có đủ Điều kiện sau
đây:

a) Đã được chẩn đoán bị bệnh nghề nghiệp tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh nghề
nghiệp đủ Điều kiện;

b) Đã tham gia bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp cho người lao động đủ
12 tháng trở lên và đang được tham gia tính đến tháng liền kề trước của tháng đề nghị
hỗ trợ kinh phí khám bệnh nghề nghiệp cho người lao động;

c) Người sử dụng lao động đóng bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp cho
người lao động trong thời gian người lao động làm các nghề, công việc có nguy cơ bị
bệnh nghề nghiệp;

d) Người sử dụng lao động đã tổ chức khám, phát hiện bệnh nghề nghiệp cho người
lao động theo quy định.

2. Đối với đối tượng quy định tại Khoản 3 Điều 2 Nghị định này đã đóng bảo hiểm
tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp trong thời gian làm việc trong các nghề, công việc
có nguy cơ bị bệnh nghề nghiệp và trong thời gian bảo đảm bệnh nghề nghiệp.

Điều 16. Mức hỗ trợ kinh phí chữa bệnh nghề nghiệp

1. Mức hỗ trợ bằng 50% chi phí chữa bệnh nghề nghiệp tính theo biểu giá chữa bệnh
nghề nghiệp tại thời Điểm người lao động chữa bệnh nghề nghiệp theo quy định của
Bộ trưởng Bộ Y tế sau khi đã được bảo hiểm y tế chi trả, nhưng không quá 10 lần
mức lương cơ sở/người.

2. Số lần hỗ trợ tối đa đối với mỗi người lao động là 02 lần và trong 01 năm chỉ được
nhận hỗ trợ 01 lần.

Điều 17. Hồ sơ đề nghị hỗ trợ kinh phí chữa bệnh nghề nghiệp

1. Văn bản đề nghị hỗ trợ kinh phí chữa bệnh nghề nghiệp cho người lao động theo
mẫu do Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành;
2. Bản sao có chứng thực hồ sơ xác định mắc bệnh nghề nghiệp của cơ sở khám
bệnh, chữa bệnh nghề nghiệp đủ Điều kiện;

3. Bản sao giấy ra viện hoặc trích sao hồ sơ bệnh án sau khi chữa bệnh nghề nghiệp;

4. Bản sao chứng từ thanh toán chi phí chữa bệnh nghề nghiệp.

Điều 18. Trình tự giải quyết hỗ trợ kinh phí chữa bệnh nghề nghiệp

1. Trường hợp đủ Điều kiện quy định tại Điều 15 Nghị định này, nộp hồ sơ theo quy
định tại Điều 17 Nghị định này cho Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, mang theo
bản chính chứng từ thanh toán để đối chiếu với bản sao.

2. Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ theo quy định,
Sở Lao động - Thương binh và Xã hội quyết định việc hỗ trợ. Trường hợp không hỗ
trợ thì phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.

3. Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được quyết định hỗ trợ, cơ quan
bảo hiểm xã hội có trách nhiệm giải quyết hỗ trợ chi phí chữa bệnh nghề nghiệp.

Mục 3. ĐIỀU KIỆN, MỨC, HỒ SƠ VÀ TRÌNH TỰ HỖ TRỢ PHỤC HỒI


CHỨC NĂNG LAO ĐỘNG

Điều 19. Điều kiện hỗ trợ kinh phí phục hồi chức năng cho người lao động

Người lao động được hỗ trợ kinh phí phục hồi chức năng lao động theo quy định tại
Điểm b Khoản 2 Điều 56 Luật an toàn, vệ sinh lao động quy định như sau:

1. Được cơ sở khám bệnh, chữa bệnh chỉ định phục hồi chức năng lao động;

2. Suy giảm khả năng lao động từ 31% trở lên do tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp.

Điều 20. Mức hỗ trợ kinh phí phục hồi chức năng lao động

1. Mức hỗ trợ kinh phí phục hồi chức năng lao động tối đa bằng 50% chi phí phục hồi
chức năng lao động sau khi đã được bảo hiểm y tế chi trả, nhưng không vượt quá 02
lần mức lương cơ sở/người/lượt.

2. Số lần hỗ trợ tối đa đối với mỗi người lao động là 02 lần và trong 01 năm chỉ được
nhận hỗ trợ 01 lần.

Điều 21. Hồ sơ đề nghị hỗ trợ kinh phí phục hồi chức năng lao động

1. Văn bản đề nghị hỗ trợ kinh phí phục hồi chức năng lao động cho người lao động
theo mẫu do Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành;

2. Bản sao có chứng thực Biên bản giám định mức suy giảm khả năng lao động của
Hội đồng giám định Y khoa;
3. Bản sao có chứng thực giấy chuyển viện đến đơn vị phục hồi chức năng lao động
của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh đối với trường hợp phải chuyển viện; đối với trường
hợp bệnh viện có khoa phục hồi chức năng, bản sao có chứng thực bệnh án có nội
dung chuyển bệnh nhân về khoa phục hồi chức năng;

4. Bản sao chứng từ thanh toán chi phí phục hồi chức năng, không bao gồm kinh phí
cho trang thiết bị hỗ trợ phục hồi chức năng.

Điều 22. Trình tự giải quyết hỗ trợ kinh phí phục hồi chức năng cho người lao
động

1. Người lao động nộp hồ sơ theo quy định tại Điều 21 Nghị định này cho Sở Lao
động - Thương binh và Xã hội, mang theo bản chính chứng từ thanh toán để đối
chiếu với bản sao.

2. Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ theo quy định,
Sở Lao động - Thương binh và Xã hội quyết định việc hỗ trợ. Trường hợp không hỗ
trợ thì phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.

3. Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được quyết định hỗ trợ, cơ quan
bảo hiểm xã hội có trách nhiệm giải quyết hỗ trợ chi phí chữa bệnh nghề nghiệp.

Mục 4. ĐIỀU KIỆN, MỨC, HỒ SƠ VÀ TRÌNH TỰ HỖ TRỢ HUẤN LUYỆN


AN TOÀN, VỆ SINH LAO ĐỘNG

Điều 23. Điều kiện hỗ trợ huấn luyện an toàn, vệ sinh lao động

Người sử dụng lao động được hỗ trợ kinh phí huấn luyện an toàn, vệ sinh lao động
quy định tại Khoản 4 Điều 56 Luật an toàn, vệ sinh lao động khi có đủ các Điều kiện
sau:

1. Thực hiện đúng quy định pháp luật về bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề
nghiệp và huấn luyện an toàn, vệ sinh lao động;

2. Người lao động được hỗ trợ huấn luyện an toàn, vệ sinh lao động là người lao động
có thời gian đóng bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp theo quy định đủ từ
12 tháng trở lên tính đến tháng đề nghị hỗ trợ kinh phí huấn luyện an toàn, vệ sinh lao
động.

Điều 24. Mức hỗ trợ kinh phí huấn luyện an toàn, vệ sinh lao động

1. Mức hỗ trợ kinh phí huấn luyện an toàn, vệ sinh lao động được tính trên cơ sở các
đối tượng tham gia huấn luyện an toàn, vệ sinh lao động theo mức tối đa như sau:

a) Không quá 01 lần mức lương cơ sở/người đối với người làm công tác an toàn, vệ
sinh lao động;
b) Không quá 1/2 mức lương cơ sở/người đối với người lao động làm công việc có
yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn, vệ sinh lao động;

c) Không quá 1/4 mức lương cơ sở/người đối với người quản lý phụ trách an toàn, vệ
sinh lao động; người làm công tác y tế; an toàn, vệ sinh viên.

2. Mức hỗ trợ tối đa bằng 30% mức giá dịch vụ huấn luyện an toàn, vệ sinh lao động
theo quy định.

Điều 25. Hồ sơ đề nghị hỗ trợ

1. Văn bản đề nghị hỗ trợ kinh phí huấn luyện cho người lao động theo mẫu do Bộ
trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành;

2. Văn bản chứng minh thực hiện đúng các quy định pháp luật về bảo hiểm tai nạn
lao động, bệnh nghề nghiệp và huấn luyện an toàn, vệ sinh lao động;

3. Bản sao chứng từ thanh toán chi phí huấn luyện an toàn, vệ sinh lao động.

Điều 26. Trình tự giải quyết hỗ trợ kinh phí huấn luyện an toàn, vệ sinh lao động

1. Người sử dụng lao động nộp hồ sơ theo quy định tại Điều 25 Nghị định này cho Sở
Lao động - Thương binh và Xã hội, mang theo bản chính chứng từ thanh toán để đối
chiếu với bản sao.

2. Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ của người sử
dụng lao động, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội quyết định hỗ trợ kinh phí
huấn luyện an toàn, vệ sinh lao động. Trường hợp không hỗ trợ thì phải trả lời bằng
văn bản và nêu rõ lý do.

3. Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được quyết định hỗ trợ, cơ quan
bảo hiểm xã hội có trách nhiệm giải quyết hỗ trợ kinh phí huấn luyện an toàn, vệ sinh
lao động.

Mục 5. ĐIỀU KIỆN, MỨC, HỒ SƠ VÀ TRÌNH TỰ HỖ TRỢ ĐIỀU TRA LẠI


CÁC VỤ TAI NẠN LAO ĐỘNG, BỆNH NGHỀ NGHIỆP THEO YÊU CẦU
CỦA CƠ QUAN BẢO HIỂM XÃ HỘI

Điều 27. Điều kiện hỗ trợ

Điều kiện chi hỗ trợ chi phí Điều tra lại các vụ tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp
theo đề nghị của cơ quan bảo hiểm xã hội quy định tại Điểm c Khoản 2 Điều 56 Luật
an toàn, vệ sinh lao động được quy định như sau:

1. Các vụ tai nạn lao động và trường hợp bệnh nghề nghiệp được cơ quan có thẩm
quyền tổ chức Điều tra lại khi có yêu cầu của cơ quan bảo hiểm xã hội;
2. Các vụ tai nạn lao động và trường hợp bệnh nghề nghiệp Điều tra lại không thuộc
các trường hợp khiếu nại, tố cáo thuộc trách nhiệm giải quyết của cơ quan quản lý
nhà nước.

Điều 28. Nội dung chi và mức hỗ trợ

Quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp chi trả 100% kinh phí chi cho việc
Điều tra lại các vụ tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp về công tác phí, thuê chuyên
gia và phí trưng cầu giám định theo quy định hiện hành.

Điều 29. Hồ sơ hỗ trợ

1. Quyết định thành lập đoàn Điều tra tai nạn lao động hoặc bệnh nghề nghiệp;

2. Biên bản Điều tra lại các vụ tai nạn lao động hoặc bệnh nghề nghiệp;

3. Bản sao có chứng thực chứng từ thanh quyết toán chứng minh chi phí cho việc
Điều tra theo quy định của pháp luật.

Điều 30. Trình tự hỗ trợ

1. Cơ quan Bảo hiểm xã hội có văn bản đề nghị cơ quan quản lý nhà nước có thẩm
quyền Điều tra lại các vụ tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp.

2. Căn cứ vào đề nghị của cơ quan bảo hiểm xã hội, cơ quan quản lý nhà nước có
thẩm quyền thuộc ngành Lao động - Thương binh và Xã hội xem xét, quyết định
thành lập đoàn Điều tra tai nạn lao động; cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền
thuộc ngành Y tế xem xét, quyết định thành lập đoàn Điều tra bệnh nghề nghiệp.

3. Cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền thành lập đoàn Điều tra có trách nhiệm
lập kế hoạch, dự toán kinh phí cần hỗ trợ gửi cơ quan bảo hiểm xã hội để tạm ứng tối
đa 80% kinh phí Điều tra.

4. Sau khi tiến hành Điều tra lại, cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền thành lập
đoàn Điều tra quy định tại Khoản 2 Điều này gửi hồ sơ quyết toán theo quy định tại
Điều 29 Nghị định này về cơ quan bảo hiểm xã hội.

5. Cơ quan bảo hiểm xã hội có trách nhiệm quyết toán chi phí hỗ trợ Điều tra lại các
vụ tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp trong thời hạn 07 ngày làm việc, kể từ khi
nhận được đủ hồ sơ hợp lệ.

Chương V QUYỀN, TRÁCH NHIỆM CỦA NGƯỜI LAO ĐỘNG, NGƯỜI SỬ


DỤNG LAO ĐỘNG VÀ CÁC CƠ QUAN, TỔ CHỨC

Điều 31. Quyền và trách nhiệm của cơ quan bảo hiểm xã hội

1. Quyền của cơ quan bảo hiểm xã hội


a) Kiểm tra việc đóng, hưởng các chế độ hỗ trợ đối với người lao động và người sử
dụng lao động.

b) Từ chối yêu cầu chi trả các chế độ hỗ trợ không đúng quy định của pháp luật.

c) Kiến nghị với cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền xây dựng, sửa đổi, bổ sung
chế độ, chính sách, pháp luật về hỗ trợ phòng ngừa tai nạn lao động, bệnh nghề
nghiệp; quản lý, sử dụng Quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; xử lý vi
phạm pháp luật về bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp hoặc kiến nghị với
cơ quan nhà nước có thẩm quyền xử lý vi phạm pháp luật về bảo hiểm tai nạn lao
động, bệnh nghề nghiệp theo quy định của pháp luật.

d) Yêu cầu Điều tra lại các trường hợp tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp.

đ) Các quyền khác theo quy định của pháp luật.

2. Trách nhiệm của cơ quan bảo hiểm xã hội

a) Tuyên truyền, phổ biến chế độ, chính sách, pháp luật về bảo hiểm tai nạn lao động,
bệnh nghề nghiệp; hướng dẫn thủ tục thanh toán chi phí hỗ trợ khám bệnh, chữa
bệnh, đào tạo chuyển đổi nghề nghiệp cho người lao động, huấn luyện an toàn, vệ
sinh lao động và phục hồi chức năng lao động.

b) Thực hiện việc chi trả chi phí hỗ trợ khám bệnh, chữa bệnh, đào tạo chuyển đổi
nghề nghiệp cho người lao động, huấn luyện an toàn, vệ sinh lao động và phục hồi
chức năng lao động; Điều tra lại tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp.

c) Ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề
nghiệp; lưu trữ hồ sơ hỗ trợ khám bệnh, chữa bệnh, đào tạo chuyển đổi nghề nghiệp
cho người lao động, huấn luyện an toàn, vệ sinh lao động và phục hồi chức năng lao
động; Điều tra lại tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp theo quy định của pháp luật.

d) Quản lý, sử dụng Quỹ bảo hiểm tai nạn lao động theo quy định của pháp luật.

đ) Tổ chức thực hiện công tác thống kê, kế toán về bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh
nghề nghiệp.

e) Định kỳ 06 tháng, báo cáo Hội đồng quản lý bảo hiểm xã hội và hằng năm, báo cáo
Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội về tình hình thực hiện chế độ bảo hiểm tai nạn
lao động, bệnh nghề nghiệp bắt buộc; báo cáo Bộ Tài chính về tình hình quản lý và
sử dụng Quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp bắt buộc.

Hằng năm, cơ quan bảo hiểm xã hội tại địa phương báo cáo Ủy ban nhân dân cùng
cấp về tình hình thực hiện chế độ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp bắt
buộc trong phạm vi địa phương quản lý đồng thời gửi cho Sở Lao động - Thương
binh và xã hội địa phương.
g) Cung cấp đầy đủ và kịp thời thông tin về thực hiện chế độ bảo hiểm tai nạn lao
động, bệnh nghề nghiệp bắt buộc theo yêu cầu của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm
quyền và người lao động hoặc tổ chức đại diện.

h) Giải quyết khiếu nại, tố cáo về việc thực hiện chế độ bảo hiểm tai nạn lao động,
bệnh nghề nghiệp bắt buộc.

i) Thực hiện trách nhiệm khác theo quy định của pháp luật.

Điều 32. Trách nhiệm của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội

1. Chủ trì, phối hợp với các cơ quan có liên quan tổ chức tiếp nhận hồ sơ, quyết định
mức hỗ trợ và kinh phí, chi phí hỗ trợ về đào tạo chuyển đổi nghề, khám bệnh, chữa
bệnh nghề nghiệp, phục hồi chức năng lao động và huấn luyện an toàn, vệ sinh lao
động.

2. Chủ trì, phối hợp với các cơ quan có liên quan tổ chức thông tin, tuyên truyền
chính sách, pháp luật về bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp.

3. Chủ trì, phối hợp với các cơ quan chức năng trong quá trình Điều tra lại các vụ tai
nạn lao động và phối hợp với ngành y tế Điều tra bệnh nghề nghiệp theo yêu cầu của
cơ quan bảo hiểm xã hội.

4. Lập kế hoạch hỗ trợ huấn luyện an toàn lao động, vệ sinh lao động; triển khai kế
hoạch huấn luyện an toàn, vệ sinh lao động.

5. Thanh tra, kiểm tra việc thực hiện pháp luật về bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh
nghề nghiệp.

6. Giải quyết khiếu nại, tố cáo về bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp theo
quy định của pháp luật.

7. Kiến nghị với cơ quan có thẩm quyền xây dựng, sửa đổi, bổ sung chế độ, chính
sách, pháp luật về bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp và xử lý vi phạm
pháp luật về bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp.

8. Báo cáo định kỳ hằng năm và đột xuất với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội,
Ủy ban nhân dân cấp tỉnh theo quy định của pháp luật.

9. Thực hiện trách nhiệm khác theo quy định của pháp luật.

Điều 33. Trách nhiệm của Sở Y tế

1. Phối hợp với các cơ quan có liên quan tổ chức thông tin, tuyên truyền chính sách,
pháp luật về bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp.

2. Chỉ đạo thực hiện khám bệnh, chữa bệnh nghề nghiệp; phục hồi chức năng lao
động và Điều tra bệnh nghề nghiệp.
3. Chủ trì Điều tra bệnh nghề nghiệp và phối hợp với các cơ quan chức năng trong
quá trình Điều tra lại các vụ tai nạn lao động theo yêu cầu của cơ quan bảo hiểm xã
hội.

4. Giải quyết khiếu nại, tố cáo của tổ chức, cá nhân về việc khám bệnh, chữa bệnh
nghề nghiệp và phục hồi chức năng lao động theo quy định của pháp luật.

5. Cung cấp tài liệu, thông tin liên quan về việc khám bệnh, chữa bệnh nghề nghiệp
và phục hồi chức năng lao động theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

6. Thực hiện trách nhiệm khác theo quy định của pháp luật.

Điều 34. Trách nhiệm của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội

1. Căn cứ khả năng đảm bảo cân đối Quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề
nghiệp và tần suất tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp của các doanh nghiệp, cơ sở
sản xuất kinh doanh, đơn vị tham gia bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp
bắt buộc, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội trình Chính phủ quyết định mức
đóng hằng năm đối với các đối tượng trước ngày 15 tháng 01 hàng năm kể từ năm
2018.

2. Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với Bảo hiểm xã hội Việt
Nam quyết định và chịu trách nhiệm trước Chính phủ về kế hoạch hỗ trợ của Quỹ bảo
hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp trên cơ sở đề nghị của các Sở Lao động -
Thương binh và Xã hội và báo cáo của cơ quan bảo hiểm xã hội.

3. Chủ trì, phối hợp với các cơ quan có liên quan tổ chức thông tin, tuyên truyền
chính sách, pháp luật về bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp.

4. Thanh tra, kiểm tra việc thực hiện pháp luật về bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh
nghề nghiệp.

5. Giải quyết khiếu nại, tố cáo về bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp theo
quy định của pháp luật.

6. Báo cáo định kỳ hằng năm và đột xuất với Chính phủ việc triển khai chính sách
bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp.

Điều 35. Trách nhiệm của Bộ Y tế

1. Phối hợp với các cơ quan có liên quan tổ chức thông tin, tuyên truyền chính sách,
pháp luật về bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp.

2. Chỉ đạo, hướng dẫn việc tổ chức, thực hiện khám bệnh, chữa bệnh nghề nghiệp;
phục hồi chức năng lao động và Điều tra bệnh nghề nghiệp theo yêu cầu của cơ quan
bảo hiểm xã hội.
3. Chỉ đạo, hướng dẫn, thanh tra, kiểm tra đảm bảo chất lượng khám bệnh, chữa bệnh
nghề nghiệp và phục hồi chức năng nghề nghiệp.

4. Giải quyết khiếu nại, tố cáo của tổ chức, cá nhân về khám bệnh, chữa bệnh nghề
nghiệp và phục hồi chức năng lao động theo quy định của pháp luật.

Điều 36. Trình tự phê duyệt đối tượng, kế hoạch hỗ trợ kinh phí huấn luyện an
toàn, vệ sinh lao động

1. Hằng năm, người sử dụng lao động có nhu cầu hỗ trợ huấn luyện an toàn, vệ sinh
lao động phải có văn bản đề nghị các đối tượng cần hỗ trợ huấn luyện đến Sở Lao
động - Thương binh và Xã hội nơi đóng trụ sở chính của đơn vị để xem xét.

2. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội có trách nhiệm tổng hợp đề xuất hỗ trợ huấn
luyện an toàn, vệ sinh lao động của các doanh nghiệp trên địa bàn gửi Bộ Lao động -
Thương binh và Xã hội tổng hợp, phê duyệt.

3. Căn cứ phê duyệt của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Sở Lao động -
Thương binh và Xã hội lập kế hoạch triển khai và thông báo tới các doanh nghiệp có
đối tượng được hỗ trợ và cơ quan Bảo hiểm xã hội cấp tỉnh.

Chương VI TỔ CHỨC THỰC HIỆN VÀ ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 37. Hiệu lực thi hành

1. Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01 tháng 7 năm 2016.

2. Người đang hưởng chế độ trợ cấp tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; người bị tai
nạn lao động, bệnh nghề nghiệp Điều trị xong, ra viện trước ngày 01 tháng 7 năm
2016 thì vẫn thực hiện theo quy định của Luật bảo hiểm xã hội năm 2014 và các văn
bản quy định chi Tiết, hướng dẫn thi hành chế độ tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp
ban hành trước ngày 01 tháng 01 năm 2016.

3. Thời gian đóng bảo hiểm xã hội từ ngày 30 tháng 6 năm 2016 trở về trước được
tính là thời gian tham gia bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp theo quy định
tại Nghị định này, trừ đối tượng chỉ tham gia vào quỹ hưu trí và tử tuất theo quy định
của pháp luật về bảo hiểm xã hội.

4. Người làm việc theo hợp đồng lao động có thời hạn từ đủ 01 tháng đến dưới 03
tháng được áp dụng từ ngày 01 tháng 01 năm 2018.

Điều 38. Tổ chức thực hiện

1. Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội có trách nhiệm hướng dẫn và
triển khai thực hiện Nghị định này.
2. Hằng năm, Bảo hiểm xã hội Việt Nam có trách nhiệm báo cáo tình hình sử dụng
Quỹ Bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp cho Bộ Lao động - Thương binh
và Xã hội.

3. Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Bộ trưởng Bộ Công an căn cứ chức năng, nhiệm vụ có


trách nhiệm hướng dẫn, tổ chức thực hiện Nghị định này, sau khi có ý kiến thống
nhất của Bộ trưởng Lao động - Thương binh và Xã hội.

4. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính
phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các cấp và tổ chức, cá nhân khác có liên quan chịu
trách nhiệm thi hành Nghị định này.

TM. CHÍNH PHỦ


Nơi nhận: THỦ TƯỚNG
- Ban Bí thư Trung ương Đảng;
- Thủ tướng, các Phó Thủ tướng
Chính phủ;
- Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan
thuộc Chính phủ; Nguyễn Xuân Phúc
- HĐND, UBND các tỉnh, thành phố
trực thuộc Trung ương;
- Văn phòng Trung ương và các Ban
của Đảng;
- Văn phòng Tổng Bí thư;
- Văn phòng Chủ tịch nước;
- Văn phòng Quốc hội;
- Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban
của Quốc hội;
- Tòa án nhân dân tối cao;
- Viện Kiểm sát nhân dân tối cao;
- Ủy ban Giám sát tài chính Quốc
gia;
- Kiểm toán Nhà nước;
- Ngân hàng Chính sách xã hội;
- Ngân hàng Phát triển Việt Nam;
- Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ
quốc Việt Nam;
- Cơ quan Trung ương của các đoàn
thể;
- VPCP: BTCN; các PCN, Trợ lý
TTg, TGĐ Cổng TTĐT, các Vụ,
Cục, đơn vị trực thuộc, Công báo;
- Lưu: VT, KGVX (3b).
 
NGHỊ ĐỊNH 39/2016/NĐ-CP Hà Nội, ngày 15 tháng 5 năm 2016
QUY ĐỊNH CHI TIẾT THI HÀNH MỘT SỐ ĐIỀU CỦA LUẬT AN TOÀN, VỆ
SINH LAO ĐỘNG
Căn cứ Luật tổ chức Chính phủ ngày 19 tháng 6 năm 2015;
Căn cứ Bộ luật lao động ngày 18 tháng 6 năm 2012;
Căn cứ Luật An toàn, vệ sinh lao động ngày 25 tháng 6 năm 2015;
Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội;
Chính phủ ban hành Nghị định quy định chi Tiết thi hành một số Điều của Luật An
toàn, vệ sinh lao động.
Chương I QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi Điều chỉnh
Nghị định này quy định chi Tiết một số Điều của Luật An toàn, vệ sinh lao động về
kiểm soát các yếu tố nguy hiểm, yếu tố có hại tại nơi làm việc; khai báo, Điều tra,
thống kê và báo cáo tai nạn lao động, sự cố kỹ thuật gây mất an toàn, vệ sinh lao
động và sự cố kỹ thuật gây mất an toàn, vệ sinh lao động nghiêm trọng; an toàn, vệ
sinh lao động đối với một số lao động đặc thù; an toàn, vệ sinh lao động đối với cơ sở
sản xuất, kinh doanh; quản lý nhà nước về an toàn, vệ sinh lao động.
Điều 2. Đối tượng áp dụng
1. Người lao động làm việc theo hợp đồng lao động; người thử việc; người học nghề,
tập nghề để làm việc cho người sử dụng lao động.
2. Người lao động làm việc không theo hợp đồng lao động.
3. Người lao động Việt Nam đi làm việc tại nước ngoài theo hợp đồng; người lao
động nước ngoài làm việc tại Việt Nam.
4. Người sử dụng lao động.
5. Cơ quan, tổ chức và cá nhân khác có liên quan đến công tác an toàn, vệ sinh lao
động.
Đối tượng quy định tại Khoản 1, 2 và 3 Điều này sau đây gọi chung là người lao
động.
Chương II KIỂM SOÁT CÁC YẾU TỐ NGUY HIỂM, YẾU TỐ CÓ HẠI TẠI
NƠI LÀM VIỆC
Điều 3. Nguyên tắc kiểm soát các yếu tố nguy hiểm, yếu tố có hại tại nơi làm việc
Kiểm soát các yếu tố nguy hiểm, yếu tố có hại tại nơi làm việc theo quy định tại Điều
18 Luật An toàn, vệ sinh lao động, người sử dụng lao động phải bảo đảm các nguyên
tắc sau đây:
1. Thường xuyên theo dõi, giám sát các yếu tố nguy hiểm, yếu tố có hại tại nơi làm
việc;
2. Phải có người hoặc bộ phận được phân công chịu trách nhiệm về kiểm soát các yếu
tố nguy hiểm, yếu tố có hại tại nơi làm việc; đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh,
phải quy định việc kiểm soát các yếu tố nguy hiểm, yếu tố có hại đến từng tổ, đội,
phân xưởng;
3. Lưu hồ sơ về kiểm soát các yếu tố nguy hiểm, yếu tố có hại phù hợp quy định Luật
An toàn, vệ sinh lao động, các Điều 4, 5, 6 và 7 Nghị định này và quy định pháp luật
chuyên ngành;
4. Công khai kết quả kiểm soát các yếu tố nguy hiểm, yếu tố có hại cho người lao
động được biết;
5. Có quy trình kiểm soát các yếu tố nguy hiểm, yếu tố có hại tại nơi làm phù hợp với
Điều 18 Luật An toàn, vệ sinh lao động, các Điều 4, 5, 6 và 7 Nghị định này và quy
định pháp luật chuyên ngành.
Điều 4. Nội dung kiểm soát các yếu tố nguy hiểm, yếu tố có hại tại nơi làm việc
1. Nhận diện và đánh giá các yếu tố nguy hiểm, yếu tố có hại.
2. Xác định Mục tiêu và các biện pháp phòng, chống các yếu tố nguy hiểm, yếu tố có
hại.
3. Triển khai và đánh giá hiệu quả các biện pháp phòng, chống các yếu tố nguy hiểm,
yếu tố có hại.
Điều 5. Nhận diện và đánh giá các yếu tố nguy hiểm, yếu tố có hại
1. Phân tích đặc Điểm Điều kiện lao động, quy trình làm việc có liên quan và kết quả
kiểm tra nơi làm việc.
2. Khảo sát người lao động về những yếu tố có thể gây tổn thương, bệnh tật, làm suy
giảm sức khỏe của họ tại nơi làm việc.
3. Trường hợp không nhận diện, đánh giá được đầy đủ, chính xác bằng cảm quan thì
phải sử dụng máy, thiết bị phù hợp để đo, kiểm các yếu tố nguy hiểm, yếu tố có hại;
lập hồ sơ vệ sinh môi trường lao động đối với các yếu tố có hại, phòng chống bệnh
nghề nghiệp theo mẫu quy định tại Phụ lục I ban hành kèm theo Nghị định này.
Điều 6. Xác định Mục tiêu và biện pháp phòng, chống các yếu tố nguy hiểm, yếu
tố có hại
1. Căn cứ vào việc nhận diện, đánh giá các yếu tố nguy hiểm, yếu tố có hại, người sử
dụng lao động xác định Mục tiêu và các biện pháp phù hợp để phòng, chống tác hại
của các yếu tố nguy hiểm, yếu tố có hại tại nơi làm việc, theo thứ tự ưu tiên sau đây:
a) Loại trừ các yếu tố nguy hiểm, yếu tố có hại ngay từ khâu thiết kế nhà xưởng, lựa
chọn công nghệ, thiết bị, nguyên vật liệu;
b) Ngăn chặn, hạn chế sự tiếp xúc, giảm thiểu tác hại của các yếu tố nguy hiểm, yếu
tố có hại bằng việc sử dụng các biện pháp kỹ thuật và áp dụng các biện pháp tổ chức,
hành chính (thông tin, tuyên truyền, giáo dục, huấn luyện an toàn, vệ sinh lao động;
xây dựng nội quy, quy trình làm việc an toàn, vệ sinh lao động; chế độ bảo hộ lao
động, chăm sóc sức khỏe người lao động; quản lý máy, thiết bị, vật tư, chất có yêu
cầu nghiêm ngặt về an toàn, vệ sinh lao động).
2. Xác định rõ thời gian, địa Điểm và nguồn lực để thực hiện Mục tiêu, biện pháp
phòng, chống các yếu tố nguy hiểm, yếu tố có hại.
Điều 7. Triển khai và đánh giá hiệu quả các biện pháp phòng, chống các yếu tố
nguy hiểm, yếu tố có hại
1. Người sử dụng lao động hướng dẫn người lao động biện pháp phòng, chống các
yếu tố nguy hiểm, yếu tố có hại tại nơi làm việc.
2. Người sử dụng lao động phải lập kế hoạch và tổ chức kiểm tra, đánh giá hiệu quả
các biện pháp phòng, chống yếu tố nguy hiểm, yếu tố có hại ít nhất 01 lần/năm; đối
với cơ sở sản xuất, kinh doanh, phải được kiểm tra, đánh giá đến cấp tổ, đội, phân
xưởng.
3. Việc kiểm tra biện pháp phòng, chống các yếu tố nguy hiểm, yếu tố có hại tại nơi
làm việc gồm các nội dung sau đây:
a) Tình trạng an toàn, vệ sinh lao động của máy, thiết bị, nhà xưởng, kho tàng và nơi
làm việc;
b) Việc sử dụng, bảo quản phương tiện bảo vệ cá nhân; phương tiện phòng cháy,
chữa cháy; các loại thuốc thiết yếu, phương tiện sơ cứu, cấp cứu tại chỗ;
c) Việc quản lý, sử dụng máy, thiết bị, vật tư, chất có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn,
vệ sinh lao động;
d) Kiến thức và khả năng của người lao động trong xử lý sự cố, ứng cứu khẩn cấp;
đ) Việc thực hiện chế độ bảo hộ lao động, chăm sóc sức khỏe người lao động;
e) Việc thực hiện kiến nghị của các đoàn thanh tra, kiểm tra an toàn, vệ sinh lao động,
Điều tra tai nạn lao động.
4. Việc đánh giá hiệu quả biện pháp phòng, chống yếu tố nguy hiểm, yếu tố có hại tại
nơi làm việc gồm các nội dung sau đây:
a) Việc tổ chức triển khai các biện pháp phòng, chống yếu tố nguy hiểm, yếu tố có
hại tại nơi làm việc;
b) Kết quả cải thiện Điều kiện lao động.
Điều 8. Biện pháp xử lý sự cố kỹ thuật gây mất an toàn, vệ sinh lao động nghiêm
trọng và ứng cứu khẩn cấp
1. Phương án xử lý sự cố kỹ thuật gây mất an toàn, vệ sinh lao động nghiêm trọng
quy định tại Khoản 1 Điều 19 Luật An toàn, vệ sinh lao động phải có các nội dung
sau đây:
a) Lực lượng tham gia xử lý sự cố tại chỗ và nhiệm vụ của từng thành viên tham gia;
lực lượng hỗ trợ từ các cơ sở sản xuất, kinh doanh lân cận;
b) Phương tiện kỹ thuật phải có theo quy định của pháp luật chuyên ngành; thiết bị đo
lường cần thiết dùng trong quá trình xử lý sự cố (các thiết bị này phải được kiểm
định, hiệu chuẩn theo quy định hiện hành của pháp luật về đo lường);
c) Cách thức, trình tự xử lý sự cố.
2. Phê duyệt hoặc gửi cơ quan có thẩm quyền phê duyệt và định kỳ tổ chức diễn tập
phương án xử lý sự cố kỹ thuật gây mất an toàn, vệ sinh lao động nghiêm trọng theo
quy định của pháp luật chuyên ngành.
3. Kịp thời thông báo cho chính quyền địa phương khi xảy ra sự cố kỹ thuật gây mất
an toàn, vệ sinh lao động nghiêm trọng theo quy định tại Điều 26 Nghị định này.
Chương III KHAI BÁO, ĐIỀU TRA, BÁO CÁO TAI NẠN LAO ĐỘNG, SỰ
CỐ KỸ THUẬT GÂY MẤT AN TOÀN, VỆ SINH LAO ĐỘNG NGHIÊM
TRỌNG
Điều 9. Phân loại tai nạn lao động
1. Tai nạn lao động làm chết người lao động (sau đây gọi tắt là tai nạn lao động chết
người) là tai nạn lao động mà người lao động bị chết thuộc một trong các trường hợp
sau đây:
a) Chết tại nơi xảy ra tai nạn;
b) Chết trên đường đi cấp cứu hoặc trong thời gian cấp cứu;
c) Chết trong thời gian Điều trị hoặc chết do tái phát của vết thương do tai nạn lao
động gây ra theo kết luận tại biên bản giám định pháp y;
d) Người lao động được tuyên bố chết theo kết luận của Tòa án đối với trường hợp
mất tích.
2. Tai nạn lao động làm người lao động bị thương nặng (sau đây gọi tắt là tai nạn lao
động nặng) là tai nạn lao động làm người lao động bị ít nhất một trong những chấn
thương được quy định tại Phụ lục II ban hành kèm theo Nghị định này.
3. Tai nạn lao động làm người lao động bị thương nhẹ (sau đây gọi tắt là tai nạn lao
động nhẹ) là tai nạn lao động không thuộc trường hợp quy định tại Khoản 1 và Khoản
2 Điều này.
Điều 10. Thời gian, nội dung khai báo tai nạn lao động
1. Khi biết tin xảy ra tai nạn lao động chết người hoặc làm bị thương nặng từ 02
người lao động trở lên, người sử dụng lao động của cơ sở xảy ra tai nạn phải khai báo
theo quy định tại Điểm b Khoản 1 Điều 34 Luật An toàn, vệ sinh lao động như sau:
a) Khai báo bằng cách nhanh nhất (trực tiếp hoặc điện thoại, fax, công điện, thư điện
tử) với Thanh tra Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, nơi xảy ra tai nạn; trường
hợp tai nạn làm chết người đồng thời báo ngay cho cơ quan Công an huyện, quận, thị
xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây
gọi tắt là Công an cấp huyện);
b) Nội dung khai báo theo mẫu quy định tại Phụ lục III ban hành kèm theo Nghị định
này.
2. Khi biết tin xảy ra tai nạn lao động chết người hoặc làm bị thương nặng từ 02
người lao động trở lên trong các lĩnh vực phóng xạ, thăm dò, khai thác dầu khí, các
phương tiện vận tải đường sắt, đường thủy, đường bộ, đường hàng không và các đơn
vị thuộc lực lượng vũ trang nhân dân theo quy định tại Điểm c Khoản 1 Điều 34 Luật
An toàn, vệ sinh lao động, ngoài việc thực hiện khai báo theo quy định của luật
chuyên ngành, người sử dụng lao động của cơ sở để xảy ra tai nạn phải khai báo như
sau:
a) Khai báo bằng cách nhanh nhất (trực tiếp hoặc điện thoại, fax, công điện, thư điện
tử) với Thanh tra Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, nơi xảy ra tai nạn và với Bộ
quản lý ngành lĩnh vực đó theo thẩm quyền quy định tại Khoản 2 Điều 21 Nghị định
này, trừ trường hợp luật chuyên ngành có quy định khác; trường hợp tai nạn làm chết
người thì phải đồng thời báo ngay cho Công an cấp huyện;
b) Nội dung khai báo được thực hiện theo mẫu quy định tại Phụ lục III ban hành kèm
theo Nghị định này.
3. Khi xảy ra tai nạn lao động đối với người lao động làm việc không theo hợp đồng
lao động, thì việc khai báo theo quy định tại Điểm d Khoản 1 Điều 34 Luật An toàn,
vệ sinh lao động được thực hiện như sau:
a) Ngay sau khi biết sự việc người lao động bị chết hoặc bị thương nặng do tai nạn
lao động, gia đình nạn nhân hoặc người phát hiện có trách nhiệm khai báo ngay với
Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn (sau đây gọi tắt là Ủy ban nhân dân cấp xã) nơi
xảy ra tai nạn lao động;
b) Khi nhận được tin xảy ra tai nạn lao động làm chết người hoặc làm bị thương nặng
từ 02 người lao động trở lên, Ủy ban nhân dân cấp xã, nơi xảy ra tai nạn phải báo
bằng cách nhanh nhất (trực tiếp hoặc điện thoại, fax, công điện, thư điện tử) với
Thanh tra Sở Lao động - Thương binh và Xã hội và Công an cấp huyện theo mẫu quy
định tại Phụ lục IV ban hành kèm theo Nghị định này.
Điều 11. Quyết định thành lập Đoàn Điều tra tai nạn lao động
1. Đoàn Điều tra tai nạn lao động cấp cơ sở
a) Khi biết tin xảy ra tai nạn lao động nhẹ hoặc tai nạn lao động làm bị thương nặng
01 người lao động thuộc thẩm quyền quản lý của người sử dụng lao động quy định tại
Khoản 1 Điều 35 Luật An toàn, vệ sinh lao động, người sử dụng lao động phải thành
lập ngay Đoàn Điều tra tai nạn lao động cấp cơ sở theo mẫu quy định tại Phụ lục V
ban hành kèm theo Nghị định này.
b) Đối với các vụ tai nạn lao động xảy ra tại nơi thuộc thẩm quyền quản lý của người
sử dụng lao động, nhưng nạn nhân là người lao động thuộc quyền quản lý của người
sử dụng lao động khác, thì người sử dụng lao động tại nơi xảy ra tai nạn có trách
nhiệm thành lập Đoàn Điều tra tai nạn lao động cấp cơ sở, đồng thời mời đại diện
người sử dụng lao động của nạn nhân tham gia Đoàn Điều tra.
2. Đoàn Điều tra tai nạn lao động cấp tỉnh
a) Khi nhận được tin báo xảy ra tai nạn làm chết người hoặc làm từ 02 người bị tai
nạn nặng trở lên thuộc thẩm quyền Điều tra, Thanh tra Sở Lao động - Thương binh và
Xã hội cử người đến hiện trường trong thời hạn 02 giờ và thông báo cho các cơ quan
cử người tham gia Đoàn Điều tra tai nạn lao động cấp tỉnh.
b) Đối với các vụ tai nạn quy định tại Điểm b Khoản 3 Điều 19 Nghị định này, sau
khi nhận đủ hồ sơ, tài liệu có liên quan đến vụ tai nạn lao động, Thanh tra Sở Lao
động - Thương binh và Xã hội thông báo cho các cơ quan cử người tham gia Đoàn
Điều tra tai nạn lao động cấp tỉnh, tiến hành Điều tra và lập biên bản xác minh tai nạn
lao động.
c) Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội quyết định thành lập Đoàn Điều
tra tai nạn lao động cấp tỉnh theo đề nghị của Chánh Thanh tra Sở Lao động - Thương
binh và Xã hội theo mẫu quy định tại Phụ lục VI ban hành kèm theo Nghị định này.
3. Đoàn Điều tra tai nạn lao động cấp trung ương
Việc thành lập Đoàn Điều tra tai nạn lao động cấp trung ương theo Khoản 3 Điều 35
Luật An toàn, vệ sinh lao động được quy định như sau:
a) Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội quyết định thành lập Đoàn Điều
tra tai nạn lao động cấp trung ương, trừ các vụ tai nạn lao động được quy định tại
Điểm c Khoản 1 Điều 34 Luật An toàn, vệ sinh lao động;
b) Thủ trưởng cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định của pháp luật chuyên
ngành hoặc Bộ trưởng các bộ quy định tại Khoản 1 và Khoản 2 Điều 21 Nghị định
này thành lập Đoàn Điều tra tai nạn lao động cấp trung ương để Điều tra các vụ tai
nạn lao động xảy ra trong các lĩnh vực quy định tại Điểm c Khoản 1 Điều 34 Luật An
toàn, vệ sinh lao động;
c) Quyết định thành lập Đoàn Điều tra tai nạn lao động cấp trung ương theo mẫu quy
định tại Phụ lục VII ban hành kèm theo Nghị định này.
Điều 12. Nhiệm vụ của thành viên Đoàn Điều tra tai nạn lao động
1. Trưởng Đoàn Điều tra tai nạn lao động có nhiệm vụ sau đây:
a) Quyết định tiến hành việc Điều tra ngay, kể cả trường hợp vắng một trong các
thành viên Đoàn Điều tra;
b) Phân công cụ thể nhiệm vụ đối với từng thành viên trong Đoàn Điều tra;
c) Tổ chức thảo luận về kết quả Điều tra vụ tai nạn lao động; quyết định và chịu trách
nhiệm về quyết định của mình đối với kết quả Điều tra tai nạn lao động;
d) Tổ chức, chủ trì cuộc họp công bố Biên bản Điều tra tai nạn lao động.
2. Các thành viên Đoàn Điều tra tai nạn lao động có nhiệm vụ sau đây:
a) Thực hiện nhiệm vụ do Trưởng đoàn phân công và tham gia vào hoạt động chung
của Đoàn Điều tra;
b) Có quyền nêu và bảo lưu ý kiến; trường hợp không thống nhất với quyết định của
Trưởng đoàn Điều tra tai nạn lao động thì báo cáo lãnh đạo cơ quan cử tham gia
Đoàn Điều tra;
c) Không được Tiết lộ thông tin, tài liệu trong quá trình Điều tra khi chưa công bố
Biên bản Điều tra tai nạn lao động.
Điều 13. Quy trình, thủ tục Điều tra tai nạn lao động của Đoàn Điều tra tai nạn
lao động cấp cơ sở
Đoàn Điều tra tai nạn lao động cấp cơ sở Điều tra theo quy trình, thủ tục sau đây:
1. Thu thập dấu vết, chứng cứ, tài liệu có liên quan đến vụ tai nạn lao động.
2. Lấy lời khai của nạn nhân, người biết sự việc hoặc người có liên quan đến vụ tai
nạn lao động theo mẫu quy định tại Phụ lục VIII ban hành kèm theo Nghị định này.
3. Đề nghị giám định kỹ thuật, giám định pháp y (nếu xét thấy cần thiết).
4. Phân tích kết luận về: diễn biến, nguyên nhân gây ra tai nạn lao động; kết luận về
vụ tai nạn lao động; mức độ vi phạm và đề nghị hình thức xử lý đối với người có lỗi
trong vụ tai nạn lao động; các biện pháp khắc phục và phòng ngừa tai nạn lao động
tương tự hoặc tái diễn.
5. Lập Biên bản Điều tra tai nạn lao động theo mẫu quy định tại Phụ lục IX ban hành
kèm theo Nghị định này.
6. Tổ chức cuộc họp và lập Biên bản cuộc họp công bố Biên bản Điều tra tai nạn lao
động theo mẫu quy định tại Phụ lục XI kèm theo Nghị định này.
7. Thành phần cuộc họp công bố Biên bản Điều tra tai nạn lao động bao gồm:
a) Trưởng đoàn Điều tra tai nạn lao động;
b) Người sử dụng lao động hoặc người được người sử dụng lao động ủy quyền bằng
văn bản;
c) Thành viên Đoàn Điều tra tai nạn lao động;
d) Người bị nạn hoặc đại diện thân nhân người bị nạn, người biết sự việc hoặc người
có liên quan đến vụ tai nạn;
đ) Đại diện Ban chấp hành công đoàn cơ sở hoặc Ban chấp hành Công đoàn cấp trên
trực tiếp cơ sở ở nơi chưa thành lập Công đoàn cơ sở.
8. Thành viên dự họp có ý kiến không nhất trí với nội dung Biên bản Điều tra tai nạn
lao động thì được ghi ý kiến và ký tên vào Biên bản cuộc họp công bố Biên bản Điều
tra tai nạn lao động.
9. Trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày họp công bố Biên bản Điều tra tai nạn
lao động, Đoàn Điều tra tai nạn lao động cấp cơ sở gửi Biên bản Điều tra tai nạn lao
động, Biên bản cuộc họp công bố Biên bản Điều tra tai nạn lao động tới người bị tai
nạn lao động hoặc thân nhân người bị nạn; Thanh tra Sở Lao động - Thương binh và
Xã hội, nơi người sử dụng lao động có người bị nạn đặt trụ sở chính; Thanh tra Sở
Lao động - Thương binh và Xã hội, nơi xảy ra tai nạn lao động.
Điều 14. Quy trình, thủ tục Điều tra tai nạn lao động của Đoàn Điều tra tai nạn
lao động cấp tỉnh
Đoàn Điều tra tai nạn lao động cấp tỉnh Điều tra theo quy trình, thủ tục sau đây:
1. Thực hiện các nội dung như quy định tại các Khoản 1, 2, 3 và 4 Điều 13 Nghị định
này.
2. Lập Biên bản Điều tra tai nạn lao động theo mẫu quy định tại Phụ lục X ban hành
kèm theo Nghị định này.
3. Tổ chức cuộc họp và lập Biên bản cuộc họp công bố Biên bản Điều tra tai nạn lao
động theo mẫu quy định tại Phụ lục XI ban hành kèm theo Nghị định này tại cơ sở
hoặc tại trụ sở Ủy ban nhân cấp xã nơi xảy ra tai nạn.
4. Thành phần cuộc họp công bố Biên bản Điều tra tai nạn lao động gồm:
a) Trưởng đoàn Điều tra tai nạn lao động;
b) Thành viên đoàn Điều tra tai nạn lao động;
c) Người sử dụng lao động hoặc người được người sử dụng lao động ủy quyền bằng
văn bản trong trường hợp người lao động bị tai nạn làm việc theo hợp đồng lao động;
đại diện Ủy ban nhân dân cấp xã, nơi xảy ra tai nạn trong trường hợp người lao động
bị tai nạn làm việc không theo hợp đồng lao động;
d) Người bị nạn hoặc đại diện thân nhân người bị nạn, người biết sự việc, người có
liên quan đến vụ tai nạn;
đ) Đại diện Ban chấp hành công đoàn cơ sở hoặc Ban chấp hành Công đoàn cấp trên
trực tiếp cơ sở ở nơi chưa thành lập Công đoàn cơ sở trong trường hợp người lao
động bị tai nạn làm việc theo hợp đồng lao động;
e) Mời đại diện cơ quan Công an, Viện Kiểm sát nhân dân đã tham gia Điều tra trong
trường hợp xảy ra tai nạn lao động chết người.
5. Thành viên dự họp có ý kiến không nhất trí với nội dung Biên bản Điều tra tai nạn
lao động thì được ghi ý kiến và ký tên vào Biên bản cuộc họp công bố Biên bản Điều
tra tai nạn lao động; người sử dụng lao động hoặc người được người sử dụng lao
động ủy quyền bằng văn bản ký tên, đóng dấu (nếu có) vào Biên bản cuộc họp công
bố Biên bản Điều tra tai nạn lao động.
6. Trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày họp công bố Biên bản Điều tra tai nạn
lao động, Đoàn Điều tra tai nạn lao động gửi Biên bản Điều tra tai nạn lao động, Biên
bản cuộc họp công bố Biên bản Điều tra tai nạn lao động tới các cơ quan có thành
viên trong Đoàn Điều tra tai nạn lao động, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội,
người sử dụng lao động và nạn nhân hoặc thân nhân người bị nạn.
Điều 15. Quy trình, thủ tục Điều tra tai nạn lao động của Đoàn Điều tra tai nạn
lao động cấp trung ương
Đoàn Điều tra tai nạn lao động cấp trung ương Điều tra theo quy trình, thủ tục sau
đây:
1. Sau khi có quyết định thành lập Đoàn Điều tra tai nạn lao động, Trưởng đoàn Điều
tra tai nạn lao động thông báo ngay cho các cơ quan thuộc thành phần Đoàn Điều tra
tai nạn lao động tham gia Điều tra tai nạn lao động;
2. Đoàn Điều tra tai nạn lao động đến ngay nơi xảy ra tai nạn, yêu cầu người sử dụng
lao động, cơ quan có thẩm quyền cung cấp các tài liệu, hồ sơ, phương tiện có liên
quan đến vụ tai nạn và phối hợp với Công an cấp huyện hoặc cấp tỉnh tiến hành Điều
tra tại chỗ để lập biên bản khám nghiệm hiện trường, khám nghiệm thương tích, thu
thập dấu vết, chứng cứ, tài liệu có liên quan đến vụ tai nạn;
3. Thực hiện nội dung như quy định tại Khoản 2, Khoản 3 và 4 Điều 14 Nghị định
này;
4. Thành viên dự họp có ý kiến chưa nhất trí với nội dung Biên bản Điều tra tai nạn
lao động thì được ghi ý kiến và ký tên của mình vào Biên bản cuộc họp công bố Biên
bản Điều tra tai nạn lao động; người sử dụng lao động hoặc người được người sử
dụng lao động ủy quyền bằng văn bản ký tên, đóng dấu (nếu có) vào Biên bản cuộc
họp công bố Biên bản Điều tra tai nạn lao động;
5. Trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày họp công bố biên bản Điều tra tai nạn
lao động, Đoàn Điều tra tai nạn lao động cấp trung ương gửi Biên bản Điều tra tai
nạn lao động và Biên bản cuộc họp công bố Biên bản Điều tra tai nạn lao động tới
các cơ quan có thành viên trong Đoàn Điều tra tai nạn lao động, người sử dụng lao
động và nạn nhân hoặc thân nhân người bị nạn; trường hợp vụ tai nạn lao động được
Điều tra theo quy định tại Khoản 1 và 2 Điều 21 Nghị định này thì đồng thời phải gửi
Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội.
Điều 16. Hồ sơ vụ tai nạn lao động
1. Người sử dụng lao động có trách nhiệm lập Hồ sơ vụ tai nạn lao động. Hồ sơ bao
gồm bản chính hoặc bản sao các tài liệu sau đây:
a) Biên bản khám nghiệm hiện trường (nếu có);
b) Sơ đồ hiện trường;
c) Ảnh hiện trường, ảnh nạn nhân;
d) Biên bản khám nghiệm tử thi hoặc khám nghiệm thương tích, trừ trường hợp mất
tích theo tuyên bố của Tòa án;
đ) Biên bản giám định kỹ thuật, giám định pháp y, kết luận giám định tư pháp (nếu
có);
e) Biên bản lấy lời khai của nạn nhân, người biết sự việc hoặc người có liên quan đến
vụ tai nạn lao động;
g) Biên bản Điều tra tai nạn lao động;
h) Biên bản cuộc họp công bố biên bản Điều tra tai nạn lao động;
i) Giấy chứng thương của cơ sở y tế được Điều trị (nếu có);
k) Giấy ra viện của cơ sở y tế được Điều trị (nếu có).
2. Trong một vụ tai nạn lao động, nếu có nhiều người bị tai nạn lao động thì mỗi
người bị tai nạn lao động được lập một bộ hồ sơ riêng.
3. Lưu trữ hồ sơ tai nạn lao động
a) Người sử dụng lao động lưu trữ hồ sơ tai nạn lao động theo quy định tại Khoản 8
Điều 18 Nghị định này.
b) Cơ quan thành lập Đoàn Điều tra tai nạn lao động cấp tỉnh, cấp trung ương lưu trữ
hồ sơ vụ tai nạn lao động theo quy định của pháp luật về lưu trữ.
Điều 17. Điều tra lại tai nạn lao động khi có khiếu nại, tố cáo
1. Trong thời hạn 90 ngày, kể từ ngày công bố biên bản Điều tra tai nạn lao động, nếu
có khiếu nại, tố cáo theo đúng quy định của pháp luật thì việc Điều tra lại tai nạn lao
động thực hiện như sau:
a) Trong thời hạn 10 ngày làm việc kể từ ngày nhận được đơn khiếu nại, tố cáo, cơ
quan thành lập Đoàn Điều tra tai nạn lao động có trách nhiệm xem xét, giải quyết
khiếu nại, tố cáo theo đúng trình tự, thủ tục, thẩm quyền được quy định tại Luật
Khiếu nại, Luật Tố cáo;
b) Trường hợp người khiếu nại, tố cáo không nhất trí với ý kiến trả lời của cơ quan,
tổ chức có trách nhiệm giải quyết nêu tại Điểm a, Khoản này mà vẫn tiếp tục khiếu
nại, tố cáo thì cơ quan có thẩm quyền Điều tra theo quy định tại Khoản 2, Khoản 3
Điều 35 Luật An toàn, vệ sinh lao động thành lập Đoàn Điều tra tai nạn lao động để
tiến hành Điều tra lại tai nạn lao động, đồng thời thông báo bằng văn bản kết quả
Điều tra lại cho người khiếu nại hoặc tố cáo biết; trường hợp không tiến hành Điều
tra lại thì phải nêu rõ lý do;
c) Cơ sở để xảy ra tai nạn và Đoàn Điều tra tai nạn lao động cấp cơ sở có trách nhiệm
cung cấp đầy đủ tài liệu, đồ vật, phương tiện có liên quan đến vụ tai nạn lao động cho
Đoàn Điều tra lại tai nạn lao động cấp tỉnh;
d) Đoàn Điều tra tai nạn lao động cấp tỉnh có trách nhiệm cung cấp đầy đủ tài liệu, đồ
vật, phương tiện có liên quan đến vụ tai nạn lao động cho Đoàn Điều tra lại tai nạn
lao động cấp trung ương;
đ) Kết luận của Đoàn Điều tra lại tai nạn lao động cấp trung ương là kết luận cuối
cùng.
2. Biên bản Điều tra tai nạn lao động trước sẽ hết hiệu lực pháp lý khi biên bản Điều
tra lại được công bố.
Điều 18. Trách nhiệm của người sử dụng lao động của cơ sở xảy ra tai nạn lao
động
1. Kịp thời tổ chức sơ cứu, cấp cứu người bị nạn.
2. Khai báo tai nạn lao động theo quy định tại Điều 10 Nghị định này.
3. Giữ nguyên hiện trường vụ tai nạn lao động chết người, tai nạn lao động nặng theo
nguyên tắc sau đây:
a) Trường hợp phải cấp cứu người bị nạn, ngăn chặn những rủi ro, thiệt hại có thể xảy
ra cho người khác mà làm xáo trộn hiện trường thì người sử dụng lao động của cơ sở
xảy ra tai nạn lao động phải có trách nhiệm vẽ lại sơ đồ hiện trường, lập biên bản,
chụp ảnh, quay phim hiện trường (nếu có thể);
b) Chỉ được xóa bỏ hiện trường và mai táng tử thi (nếu có) sau khi đã hoàn thành các
bước Điều tra theo quy định của Nghị định này và được sự đồng ý bằng văn bản của
Đoàn Điều tra tai nạn lao động cấp tỉnh hoặc cơ quan công an.
4. Cung cấp ngay tài liệu, đồ vật, phương tiện có liên quan đến vụ tai nạn theo yêu
cầu của Đoàn Điều tra tai nạn lao động cấp trên và chịu trách nhiệm trước pháp luật
về những tài liệu, đồ vật, phương tiện đó.
5. Tạo Điều kiện cho người lao động liên quan đến vụ tai nạn cung cấp thông tin cho
Đoàn Điều tra tai nạn lao động khi được yêu cầu.
6. Thành lập Đoàn Điều tra tai nạn lao động cấp cơ sở để Điều tra các vụ tai nạn lao
động thuộc thẩm quyền quy định tại Khoản 1 Điều 35 Luật An toàn, vệ sinh lao động
và Khoản 1 Điều 11 Nghị định này.
7. Thông báo đầy đủ thông tin liên quan về tai nạn lao động tới tất cả người lao động
thuộc cơ sở của mình.
8. Hoàn chỉnh hồ sơ và lưu trữ hồ sơ tai nạn lao động cho người lao động trong thời
gian như sau:
a) 15 năm đối với vụ tai nạn lao động chết người;
b) Đến khi người bị tai nạn lao động nghỉ hưu đối với vụ tai nạn lao động khác.
9. Thanh toán các Khoản chi phí phục vụ cho việc Điều tra tai nạn lao động kể cả
việc Điều tra lại tai nạn lao động theo quy định tại Điểm a Khoản 1 Điều 27 Nghị
định này, trừ trường hợp tai nạn lao động được Điều tra lại theo yêu cầu của cơ quan
Bảo hiểm xã hội.
10. Thực hiện các biện pháp khắc phục và giải quyết hậu quả do tai nạn lao động gây
ra; tổ chức rút kinh nghiệm; thực hiện và báo cáo kết quả thực hiện các kiến nghị ghi
trong biên bản Điều tra tai nạn lao động; xử lý theo thẩm quyền những người có lỗi
để xảy ra tai nạn lao động.
Điều 19. Khai báo, Điều tra, báo cáo tai nạn lao động đối với người lao động Việt
Nam đi làm việc ở nước ngoài
1. Ngoài việc phải tuân thủ pháp luật của nước sở tại, người sử dụng lao động, người
lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài còn phải thực hiện việc khai báo, Điều
tra, báo cáo theo quy định tại Điều này khi xảy ra tai nạn lao động đối với người lao
động trong các trường hợp sau đây:
a) Người lao động đi làm việc theo hợp đồng đưa người lao động đi làm việc ở nước
ngoài với doanh nghiệp trúng thầu, nhận thầu hoặc tổ chức, cá nhân đầu tư ra nước
ngoài có đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo Luật Người lao động Việt
Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng;
b) Người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng đưa người lao động đi làm
việc ở nước ngoài theo hình thức thực tập nâng cao tay nghề với doanh nghiệp đưa
người lao động đi làm việc dưới hình thức thực tập nâng cao tay nghề theo Luật
Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng;
c) Người lao động Việt Nam thực hiện nhiệm vụ ở nước ngoài do người sử dụng lao
động giao phù hợp với các quy định của pháp luật Việt Nam đối với các công việc
sau đây: tham dự hội nghị, hội thảo, học tập ngắn hạn, nghiên cứu thực tế ở nước
ngoài.
2. Việc khai báo đối với các trường hợp quy định tại Khoản 1 Điều này được quy
định như sau:
a) Khi xảy ra tai nạn lao động thì người bị nạn hoặc người lao động Việt Nam đi làm
việc tại nước ngoài cùng với nạn nhân biết sự việc phải báo ngay cho người sử dụng
lao động biết;
b) Đối với các vụ tai nạn lao động chết người hoặc làm từ hai người bị thương nặng
trở lên xảy ra cho người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài thì trong thời
hạn 05 ngày làm việc kể từ khi nhận được tin báo tai nạn, phải khai báo bằng cách
nhanh nhất (trực tiếp hoặc điện thoại, fax, công điện, thư điện tử) với Thanh tra Sở
Lao động - Thương binh và Xã hội ở Việt Nam tại nơi đặt trụ sở chính của người sử
dụng lao động; nội dung khai báo theo mẫu quy định tại Phụ lục III ban hành kèm
theo Nghị định này.
3. Việc Điều tra, xác minh đối với các trường hợp quy định tại Khoản 1 Điều này
được quy định như sau:
a) Người lao động Việt Nam bị tai nạn khi thực hiện nhiệm vụ do người sử dụng lao
động giao tại địa Điểm và thời gian hợp lý thì được hưởng chế độ bồi thường, trợ cấp
theo quy định tại Điều 38 và Điều 39 Luật An toàn, vệ sinh lao động;
b) Đối với các vụ tai nạn lao động chết người hoặc làm từ hai người bị thương nặng
trở lên xảy ra cho người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài, trong thời hạn
05 ngày kể từ khi kết thúc Điều tra, người sử dụng lao động phải cung cấp hồ sơ, tài
liệu có liên quan đến vụ tai nạn lao động theo quy định tại Khoản 4 Điều này cho
Thanh tra Sở Lao động - Thương binh và Xã hội ở Việt Nam tại nơi đặt trụ sở chính
của người sử dụng lao động để xem xét và lập biên bản xác minh tai nạn lao động
theo mẫu quy định tại Phụ lục X ban hành kèm theo Nghị định này.
4. Người sử dụng lao động phải lập, lưu giữ hồ sơ, tài liệu có liên quan đến vụ tai nạn
lao động, bao gồm:
a) Quyết định của cơ sở cử người lao động đi làm việc ở nước ngoài;
b) Bản dịch có chứng thực và bản sao biên bản khám nghiệm hiện trường của cơ
quan có thẩm quyền của nước ngoài;
c) Bản dịch và bản sao sơ đồ hiện trường của cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài;
ảnh hiện trường; ảnh nạn nhân;
d) Bản dịch có chứng thực và bản sao biên bản khám nghiệm tử thi hoặc khám
nghiệm thương tích;
đ) Bản dịch có chứng thực biên bản lấy lời khai của nạn nhân, người biết sự việc hoặc
người có liên quan đến vụ tai nạn (nếu có);
e) Bản dịch có chứng thực và bản sao giấy chứng nhận tai nạn của cơ quan có thẩm
quyền của nước ngoài;
g) Bản dịch có chứng thực và bản sao giấy chứng thương của cơ sở y tế nước ngoài
hoặc giấy chứng thương của cơ sở y tế Việt Nam;
h) Bản dịch có chứng thực và bản sao giấy ra viện của cơ sở y tế nước ngoài hoặc
giấy ra viện của cơ sở y tế Việt Nam, nếu Điều trị ở Việt Nam.
Điều 20. Phối hợp Điều tra tai nạn lao động chết người và tai nạn lao động khác
có dấu hiệu tội phạm
1. Việc phối hợp Điều tra tai nạn lao động chết người thực hiện như sau:
a) Khi phát hiện hoặc nhận được tin báo tai nạn lao động chết người, Đoàn Điều tra
tai nạn lao động cấp tỉnh có trách nhiệm phối hợp với cơ quan Cảnh sát Điều tra có
thẩm quyền Điều tra ban đầu thực hiện việc sau đây: khám nghiệm hiện trường, khám
nghiệm tử thi, lấy lời khai, thu thập hồ sơ và tài liệu liên quan; đồng thời thông báo
cho Viện Kiểm sát nhân dân cùng cấp để kiểm sát việc khám nghiệm hiện trường,
khám nghiệm tử thi;
b) Cơ quan đến nơi xảy ra tai nạn lao động trước có trách nhiệm thông báo cho cơ
quan đến sau (cơ quan Cảnh sát Điều tra thông báo cho Đoàn Điều tra tai nạn lao
động cấp tỉnh thông qua Thanh tra Sở Lao động - Thương binh và Xã hội). Sau khi
thông báo, nếu Đoàn Điều tra tai nạn lao động cấp tỉnh chưa đến kịp, cơ quan Cảnh
sát Điều tra vẫn tiến hành khám nghiệm hiện trường, khám nghiệm tử thi, lấy lời
khai, thu thập hồ sơ và tài liệu liên quan theo quy định của pháp luật và có trách
nhiệm thông báo cho Đoàn Điều tra tai nạn lao động cấp tỉnh những công việc mà cơ
quan Cảnh sát Điều tra đã tiến hành thuộc phạm vi quan hệ phối hợp quy định tại
Điểm a Khoản này;
c) Khi Cơ quan Cảnh sát Điều tra, Viện Kiểm sát nhân dân đề nghị, Đoàn Điều tra tai
nạn lao động cấp tỉnh có trách nhiệm cung cấp thông tin, tài liệu chuyên môn về an
toàn, vệ sinh lao động và thông tin, tài liệu phục vụ việc Điều tra, giải quyết vụ tai
nạn lao động;
d) Sau khi kết thúc lập biên bản khám nghiệm hiện trường và khám nghiệm tử thi, Cơ
quan Cảnh sát Điều tra cung cấp bản sao biên bản khám nghiệm hiện trường, bản sao
biên bản khám nghiệm tử thi cho Đoàn Điều tra tai nạn lao động cấp tỉnh;
đ) Trong thời hạn 10 ngày làm việc, kể từ khi kết thúc việc phối hợp Điều tra ban
đầu, Đoàn Điều tra tai nạn lao động cấp tỉnh có công văn gửi Cơ quan Cảnh sát Điều
tra và Viện Kiểm sát nhân dân tham gia phối hợp, ghi rõ quan Điểm về nguyên nhân,
lỗi của người có liên quan và tai nạn này là tai nạn lao động hay không;
e) Trong thời hạn 10 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được công văn của Đoàn Điều
tra tai nạn lao động cấp tỉnh, Cơ quan Cảnh sát Điều tra có văn bản trả lời vụ tai nạn
này là tai nạn lao động hay không hoặc chưa xác định rõ;
g) Trường hợp Cơ quan Cảnh sát Điều tra xác định là tai nạn lao động thì Đoàn Điều
tra tai nạn lao động cấp tỉnh tiến hành Điều tra, kết luận theo quy định tại Điều 14
Nghị định này và thông báo kết quả đến Cơ quan cảnh sát Điều tra, Viện Kiểm sát
nhân dân cùng cấp;
h) Trường hợp Cơ quan Cảnh sát Điều tra chưa xác định là tai nạn lao động thì Đoàn
Điều tra tai nạn lao động cấp tỉnh tạm dừng việc Điều tra tai nạn cho đến khi có kết
luận của Cơ quan Cảnh sát Điều tra.
2. Việc phối hợp Điều tra tai nạn lao động có dấu hiệu tội phạm thực hiện như sau:
a) Trong quá trình Điều tra tai nạn lao động theo thẩm quyền quy định tại các Khoản
1, 2 và 3 Điều 35 Luật An toàn, vệ sinh lao động và các Điều 13, 14, 15, 17, 19, 21 và
22 Nghị định này, nếu phát hiện tình Tiết có dấu hiệu tội phạm, thì Đoàn Điều tra tai
nạn lao động gửi văn bản kiến nghị khởi tố, kèm theo bản chính các tài liệu, chuyển
giao đồ vật, phương tiện liên quan (nếu có) cho Cơ quan Cảnh sát Điều tra để xem
xét, khởi tố vụ án hình sự theo quy định của pháp luật; đồng thời gửi văn bản kiến
nghị đến Viện Kiểm sát nhân dân cùng cấp;
b) Cơ quan Cảnh sát Điều tra có trách nhiệm giải quyết kiến nghị khởi tố và thông
báo kết quả giải quyết theo quy định của pháp luật.
3. Trách nhiệm của Cơ quan Cảnh sát Điều tra trong trường hợp quyết định không
khởi tố vụ án hình sự đối với vụ tai nạn lao động như sau:
a) Trong thời hạn 24 giờ, kể từ khi ra quyết định không khởi tố vụ án hình sự đối với
vụ tai nạn lao động, Cơ quan Cảnh sát Điều tra có trách nhiệm gửi cho Viện Kiểm sát
nhân dân cùng cấp quyết định không khởi tố này và tài liệu có liên quan;
b) Trong vòng 03 ngày, kể từ ngày nhận được văn bản đồng ý không khởi tố của
Viện Kiểm sát nhân dân, Cơ quan Cảnh sát Điều tra gửi quyết định không khởi tố vụ
án hình sự đối với vụ tai nạn lao động này, đồng thời tiến hành bàn giao tài liệu, đồ
vật, phương tiện liên quan đến vụ án cho Đoàn Điều tra tai nạn lao động đối với vụ
án được kiến nghị theo Điểm a Khoản 2 Điều này, hoặc cho cơ quan có thẩm quyền
thành lập Đoàn Điều tra tai nạn lao động tương ứng với vụ tai nạn lao động theo quy
định tại các Khoản 1, 2 và 3 Điều 35 Luật An toàn, vệ sinh lao động, Điều 21 Nghị
định này.
4. Trách nhiệm của Cơ quan Cảnh sát Điều tra trong trường hợp quyết định khởi tố
vụ án hình sự đối với vụ tai nạn lao động như sau:
a) Trong thời hạn 24 giờ, kể từ khi ra quyết định khởi tố vụ án hình sự đối với vụ tai
nạn lao động, Cơ quan Cảnh sát Điều tra gửi quyết định khởi tố này kèm theo tài liệu
liên quan cho Viện Kiểm sát nhân dân cùng cấp; đồng thời gửi bản sao quyết định
khởi tố này cho Sở Lao động-Thương binh và Xã hội;
b) Trong thời hạn 02 ngày, kể từ ngày có kết luận Điều tra, Cơ quan Cảnh sát Điều
tra gửi bản kết luận Điều tra đến Viện Kiểm sát nhân dân cùng cấp, Sở Lao động -
Thương binh và Xã hội;
c) Trong vòng 03 ngày, kể từ ngày nhận được văn bản đồng ý đình chỉ Điều tra của
Viện Kiểm sát nhân dân, Cơ quan Cảnh sát Điều tra tiến hành bàn giao tài liệu, đồ
vật, phương tiện liên quan đến vụ án cho Đoàn Điều tra tai nạn lao động đối với vụ
án được đề nghị theo quy định tại Điểm a Khoản 2 Điều này, hoặc cho cơ quan có
thẩm quyền thành lập Đoàn Điều tra tai nạn lao động theo quy định tại các Khoản 1,
2 và 3 Điều 35 Luật An toàn, vệ sinh lao động, Điều 21 Nghị định này.
5. Khi tiến hành giao nhận tài liệu, đồ vật, phương tiện liên quan đến vụ tai nạn lao
động quy định tại Điểm a Khoản 2, Điểm b Khoản 3, Điểm c Khoản 4 Điều này phải
lập biên bản bàn giao. Các tài liệu, đồ vật, phương tiện bàn giao gồm có:
a) Quyết định không khởi tố vụ án hình sự trong trường hợp quy định tại Điểm b
Khoản 3 Điều này;
b) Biên bản khám nghiệm hiện trường;
c) Sơ đồ hiện trường;
d) Ảnh hiện trường, ảnh nạn nhân (nếu có);
đ) Biên bản xem xét dấu vết trên thân thể; biên bản khám nghiệm tử thi (nếu có);
e) Biên bản lấy lời khai của nạn nhân (nếu có), của người làm chứng và những người
có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ tai nạn lao động;
g) Kết quả trưng cầu giám định tư pháp (nếu có);
h) Đồ vật, phương tiện liên quan đến vụ tai nạn lao động (nếu có) thuộc diện được
phép chuyển giao theo quy định của pháp luật, kèm theo biên bản thu giữ, tạm giữ.
6. Định kỳ hằng năm, Cơ quan công an cấp tỉnh thông báo cho Sở Lao động -
Thương binh và Xã hội tình hình tai nạn lao động có dấu hiệu tội phạm đã khởi tố,
không khởi tố, đình chỉ Điều tra và đề nghị truy tố.
7. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, cơ quan Công an cấp tỉnh và Viện Kiểm sát
nhân dân cấp tỉnh xây dựng quy chế phối hợp Điều tra tai nạn lao động chết người và
tai nạn lao động khác có dấu hiệu tội phạm.
Điều 21. Điều tra tai nạn lao động trong các lĩnh vực đặc thù
Tai nạn lao động xảy ra trong các lĩnh vực phóng xạ, thăm dò, khai thác dầu khí, các
phương tiện vận tải đường sắt, đường thủy, đường bộ, đường hàng không và các đơn
vị thuộc lực lượng vũ trang nhân dân thì việc Điều tra tai nạn thực hiện như sau:
1. Điều tra tai nạn theo quy định của pháp luật chuyên ngành.
2. Đối với các vụ tai nạn lao động chết người và tai nạn lao động làm từ hai người lao
động bị thương nặng trở lên mà pháp luật chuyên ngành không quy định việc Điều tra
tai nạn lao động, thì các cơ quan Điều tra theo thẩm quyền như sau:
a) Bộ Khoa học và Công nghệ thành lập Đoàn Điều tra tai nạn lao động để Điều tra
các vụ tai nạn lao động xảy ra trong lĩnh vực phóng xạ;
b) Bộ Giao thông vận tải thành lập Đoàn Điều tra tai nạn lao động để Điều tra các vụ
tai nạn lao động xảy ra trên các phương tiện vận tải đường sắt, đường thủy, đường bộ,
đường hàng không; các thiết bị, phương tiện thăm dò, khai thác dầu khí trên biển;
c) Bộ Công Thương thành lập Đoàn Điều tra tai nạn lao động để Điều tra các vụ tai
nạn lao động xảy ra trong lĩnh vực thăm dò, khai thác dầu khí, trừ trường hợp xảy ra
trên các thiết bị, phương tiện thăm dò, khai thác dầu khí trên biển;
d) Bộ Quốc phòng, Bộ Công an thành lập Đoàn Điều tra tai nạn lao động để Điều tra
các vụ tai nạn lao động xảy ra trong các đơn vị thuộc lực lượng vũ trang nhân dân
thuộc thẩm quyền quản lý;
đ) Đoàn Điều tra tai nạn lao động quy định tại các Điểm a, b, c và d Khoản này phối
hợp với Thanh tra Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, nơi xảy ra tai nạn lao động,
hoặc Thanh tra Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội để thực hiện Điều tra; quy
trình, thủ tục Điều tra thực hiện theo quy định tại Điều 15 Nghị định này.
3. Đối với các vụ tai nạn lao động nhẹ, tai nạn lao động làm một người lao động bị
thương nặng mà pháp luật chuyên ngành không quy định việc Điều tra tai nạn lao
động thì người sử dụng lao động tiến hành Điều tra tai nạn lao động theo quy định tại
Khoản 1 Điều 11 và Điều 13 Nghị định này.
4. Biên bản Điều tra tai nạn lao động theo mẫu quy định tại Phụ lục IX và Phụ lục X
ban hành kèm theo Nghị định này.
Điều 22. Điều tra tai nạn lao động làm bị thương một người lao động chuyển
thành tai nạn lao động chết người
Đối với vụ tai nạn lao động làm bị thương người lao động thuộc thẩm quyền Điều tra
của người sử dụng lao động, nhưng sau đó người lao động bị chết trong thời gian
Điều trị hoặc do tái phát của chính vết thương do tai nạn lao động gây ra thì việc phối
hợp Điều tra được quy định như sau:
1. Đoàn Điều tra tai nạn lao động cấp cơ sở có trách nhiệm bàn giao toàn bộ hồ sơ
liên quan đến tai nạn lao động đang Điều tra cho Đoàn Điều tra tai nạn lao động cấp
tỉnh;
2. Trường hợp Đoàn Điều tra tai nạn lao động cấp cơ sở chưa Điều tra hoặc chưa
hoàn thành việc Điều tra thì Đoàn Điều tra tai nạn lao động cấp tỉnh tiếp tục Điều tra
theo quy trình, thủ tục Điều tra tai nạn lao động chết người quy định tại Điều 14 Nghị
định này;
3. Trường hợp Đoàn Điều tra tai nạn lao động cấp cơ sở đã hoàn thành Điều tra vụ tai
nạn lao động thì Đoàn Điều tra tai nạn lao động cấp tỉnh xem xét hồ sơ vụ tai nạn lao
động nhận được và đánh giá kết quả Điều tra của Đoàn Điều tra tai nạn lao động cấp
cơ sở; khi xét thấy cần thiết thì tiến hành Điều tra lại và lập biên bản Điều tra đối với
vụ tai nạn lao động này theo quy định tại Điều 17 Nghị định này.
Điều 23. Điều tra tai nạn giao thông liên quan đến lao động
Trường hợp người lao động bị tai nạn giao thông khi đang thực hiện công việc, nhiệm
vụ lao động hoặc khi đi từ nơi ở đến nơi làm việc hoặc đi từ nơi làm việc về nơi ở thì
Đoàn Điều tra tai nạn lao động có thẩm quyền quy định tại các Khoản 1, 2, 3 và 4
Điều 35 Luật An toàn, vệ sinh lao động, Điều 11 và Điều 21 Nghị định này tiến hành
xác minh, lập biên bản Điều tra tai nạn lao động căn cứ vào một trong các văn bản,
tài liệu sau đây:
1. Hồ sơ giải quyết tai nạn giao thông của cơ quan cảnh sát giao thông;
2. Văn bản xác nhận bị tai nạn của cơ quan công an cấp xã nơi xảy ra tai nạn;
3. Văn bản xác nhận bị tai nạn của chính quyền địa phương nơi xảy ra tai nạn.
Điều 24. Thời Điểm, mẫu báo cáo tai nạn lao động
Việc báo cáo tai nạn lao động theo quy định tại Điều 36 Luật An toàn, vệ sinh lao
động được thực hiện như sau:
1. Người sử dụng lao động gửi báo cáo tổng hợp tình hình tai nạn lao động về Sở Lao
động - Thương binh và Xã hội, nơi đặt trụ sở chính của người sử dụng lao động; báo
cáo gửi trước ngày 05 tháng 7 hằng năm đối với báo cáo 6 tháng đầu năm và trước
ngày 10 tháng 01 năm sau đối với báo cáo năm theo mẫu quy định tại Phụ lục XII
ban hành kèm theo Nghị định này. Báo cáo gửi bằng một trong các hình thức sau đây:
trực tiếp, fax, đường bưu điện, thư điện tử.
2. Ủy ban nhân dân cấp xã báo cáo tai nạn lao động, sự cố kỹ thuật gây mất an toàn,
vệ sinh lao động nghiêm trọng liên quan đến người lao động làm việc không theo hợp
đồng lao động xảy ra trên địa bàn theo quy định tại Khoản 2 Điều 36 Luật An toàn,
vệ sinh lao động với Ủy ban nhân dân cấp huyện theo mẫu quy định Phụ lục XVI ban
hành kèm theo Nghị định này trước ngày 05 tháng 7 đối với báo cáo 6 tháng đầu năm
và trước ngày 05 tháng 01 năm sau đối với báo cáo năm.
3. Ủy ban nhân dân cấp huyện tổng hợp tai nạn lao động, sự cố kỹ thuật gây mất an
toàn, vệ sinh lao động nghiêm trọng liên quan đến người lao động làm việc không
theo hợp đồng lao động xảy ra trên địa bàn, báo cáo Sở Lao động - Thương binh và
Xã hội theo mẫu quy định Phụ lục XVI ban hành kèm theo Nghị định này trước ngày
10 tháng 7 đối với báo cáo 6 tháng đầu năm và trước ngày 10 tháng 01 năm sau đối
với báo cáo năm.
4. Trách nhiệm báo cáo của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội như sau:
a) Báo cáo nhanh các vụ tai nạn lao động chết người, tai nạn lao động nặng làm bị
thương từ hai người lao động trở lên về Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội theo
mẫu quy định tại Phụ lục XIII ban hành kèm theo Nghị định này;
b) Tổng hợp tình hình tai nạn lao động xảy ra trong 6 tháng đầu năm và một năm trên
địa bàn tỉnh; gửi báo cáo tổng hợp tình hình tai nạn lao động theo mẫu quy định tại
Phụ lục XIV và Phụ lục XV ban hành kèm theo Nghị định này về Bộ Lao động -
Thương binh và Xã hội (Cục An toàn lao động) và Cục Thống kê tỉnh trước ngày 15
tháng 7 đối với báo cáo 6 tháng đầu năm và trước ngày 25 tháng 01 năm sau đối với
báo cáo năm.
5. Các cơ quan chủ trì thực hiện Điều tra tai nạn lao động trong lĩnh vực đặc thù theo
quy định tại Khoản 4 Điều 35 Luật An toàn, vệ sinh lao động và Điều 21 Nghị định
này có trách nhiệm báo cáo tình hình tai nạn lao động thuộc thẩm quyền Điều tra, gửi
Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội trước ngày 15 tháng 7 đối với báo cáo 6 tháng
đầu năm và trước ngày 25 tháng 01 năm sau đối với báo cáo năm theo mẫu quy định
tại Phụ lục XVII ban hành kèm theo Nghị định này.
Điều 25. Cung cấp thông tin về trường hợp người bị tai nạn lao động khám và
Điều trị tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh
1. Cơ sở khám bệnh, chữa bệnh thống kê trường hợp tai nạn lao động khám và Điều
trị tại cơ sở, gửi Sở Y tế trước ngày 05 tháng 7 đối với báo cáo 6 tháng đầu năm và
trước ngày 10 tháng 01 năm sau đối với báo cáo năm theo mẫu quy định tại Phụ lục
XVIII ban hành kèm theo Nghị định này.
2. Sở Y tế tổng hợp người bị tai nạn lao động khám và Điều trị tại cơ sở khám bệnh,
chữa bệnh trên địa bàn theo mẫu quy định tại Phụ lục XIX ban hành kèm theo Nghị
định, gửi Bộ Y tế trước ngày 15 tháng 7 đối với báo cáo 6 tháng đầu năm và trước
ngày 25 tháng 01 năm sau đối với báo cáo năm.
3. Bộ Y tế gửi báo cáo tổng hợp về người bị tai nạn lao động khám và Điều trị tại cơ
sở khám bệnh, chữa bệnh đến Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội trước ngày 31
tháng 7 đối với số liệu 6 tháng đầu năm và trước ngày 15 tháng 02 năm sau đối với số
liệu năm theo mẫu quy định tại Phụ lục XX ban hành kèm theo Nghị định này.
Điều 26. Khai báo, Điều tra, báo cáo sự cố kỹ thuật gây mất an toàn, vệ sinh lao
động và sự cố kỹ thuật gây mất an toàn, vệ sinh lao động nghiêm trọng
1. Khi xảy ra sự cố làm chết người hoặc làm bị thương nặng từ 02 người trở lên mà
nạn nhân không phải là người lao động thuộc quyền quản lý hoặc có người lao động
bị nạn nhưng chưa rõ thương vong thì người sử dụng lao động của cơ sở để xảy ra sự
cố phải khai báo bằng cách nhanh nhất với thanh tra Sở Lao động - Thương binh và
Xã hội, nơi xảy ra sự cố, với Công an cấp huyện nếu nạn nhân bị chết theo theo mẫu
quy định tại Phụ lục III ban hành kèm theo Nghị định này.
2. Ngoài việc khai báo theo quy định tại Khoản 1 Điều này, các sự cố kỹ thuật gây
mất an toàn, vệ sinh lao động và sự cố kỹ thuật gây mất an toàn, vệ sinh lao động
nghiêm trọng phải được khai báo, Điều tra, thống kê và báo cáo theo quy định của
pháp luật chuyên ngành.
3. Đối với những sự cố kỹ thuật gây mất an toàn, vệ sinh lao động nghiêm trọng mà
pháp luật chuyên ngành không quy định việc khai báo thì thực hiện như sau:
a) Người phát hiện hoặc nhận được tin báo xảy ra sự cố kỹ thuật gây mất an toàn, vệ
sinh lao động nghiêm trọng báo ngay cho người sử dụng lao động của cơ sở để xảy ra
sự cố hoặc Ủy ban nhân dân cấp xã nơi xảy ra sự cố. Người sử dụng lao động, Ủy
ban nhân dân cấp xã có trách nhiệm báo ngay về Ủy ban nhân dân cấp huyện nơi xảy
ra sự cố;
b) Đối với sự cố kỹ thuật gây mất an toàn, vệ sinh lao động nghiêm trọng xảy ra liên
quan đến nhiều cơ sở sản xuất, kinh doanh, địa phương thì người sử dụng lao động,
địa phương nơi xảy ra sự cố có trách nhiệm báo ngay về Ủy ban nhân dân cấp huyện
và Ủy ban nhân dân cấp tỉnh.
4. Sau khi tiến hành Điều tra sự cố kỹ thuật gây mất an toàn, vệ sinh lao động nghiêm
trọng theo quy định của pháp luật chuyên ngành, cơ quan nhà nước có thẩm quyền
chủ trì Điều tra gửi kết quả hoặc kết luận, biên bản Điều tra tới Sở Lao động -
Thương binh và Xã hội cấp tỉnh nơi xảy ra sự cố, Bộ Lao động - Thương binh và Xã
hội và các cơ quan có liên quan.
Điều 27. Chi phí Điều tra tai nạn lao động
1. Chi phí Điều tra tai nạn lao động đối với người lao động làm việc theo hợp đồng
lao động như sau:
a) Người sử dụng lao động chịu trách nhiệm chi trả các chi phí bao gồm: dựng lại
hiện trường; chụp, in, phóng ảnh hiện trường và nạn nhân; trưng cầu giám định kỹ
thuật, giám định pháp y (khi cần thiết); khám nghiệm tử thi; in ấn các tài liệu liên
quan đến vụ tai nạn lao động; phương tiện đi lại tại nơi xảy ra tai nạn lao động phục
vụ quá trình Điều tra tai nạn lao động; tổ chức cuộc họp công bố biên bản Điều tra tai
nạn lao động;
b) Cơ quan có thẩm quyền Điều tra tai nạn lao động, cơ quan cử người tham gia Điều
tra tai nạn lao động chi trả các Khoản công tác phí cho người tham gia theo quy định
của pháp luật của thành viên Đoàn Điều tra tai nạn lao động;
c) Chi phí Điều tra tai nạn lao động từ người sử dụng lao động được hạch toán vào
chi phí sản xuất, kinh doanh và là chi phí hợp lý để tính thuế, nộp thuế thu nhập
doanh nghiệp theo quy định của Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp; trường hợp người
sử dụng lao động là đơn vị sự nghiệp, chi phí Điều tra tai nạn lao động được hạch
toán vào chi phí, giá dịch vụ sự nghiệp và là chi phí hợp lý để tính thuế, nộp thuế theo
quy định; trường hợp người sử dụng lao động là cơ quan hành chính, kinh phí Điều
tra tai nạn lao động được bố trí trong chi hoạt động thường xuyên của cơ quan, đơn
vị.
2. Chi phí hợp lý liên quan đến Điều tra tai nạn lao động của người lao động làm việc
không theo hợp đồng lao động do Ủy ban nhân dân cấp xã và cơ quan nhà nước có
thẩm quyền Điều tra tai nạn lao động chi trả, hạch toán trong chi hoạt động thường
xuyên của cơ quan, đơn vị.
Điều 28. Giải quyết chế độ tai nạn lao động cho người lao động trong trường
hợp vụ tai nạn lao động có quyết định khởi tố vụ án hình sự
Việc giải quyết chế độ tai nạn lao động cho người lao động trong trường hợp vụ tai
nạn lao động có quyết định khởi tố vụ án hình sự theo Khoản 11 Điều 35 Luật An
toàn, vệ sinh lao động quy định như sau:
1. Trường hợp đã hết thời hạn Điều tra mà cơ quan Cảnh sát Điều tra không xác định
được người gây ra tai nạn hoặc vụ án hình sự bị đình chỉ thì người sử dụng lao động
và cơ quan bảo hiểm xã hội phải thực hiện đầy đủ các trách nhiệm đối với người lao
động bị nạn theo quy định tại Luật An toàn, vệ sinh lao động như đối với trường hợp
tai nạn lao động xảy ra không hoàn toàn do lỗi của chính người lao động gây ra;
2. Trường hợp cơ quan Cảnh sát Điều tra ra quyết định khởi tố bị can mà người lao
động bị nạn không phải là bị can, thì người sử dụng lao động và cơ quan bảo hiểm xã
hội vẫn phải thực hiện đầy đủ các trách nhiệm đối với người lao động bị nạn theo quy
định tại Luật An toàn, vệ sinh lao động như đối với trường hợp tai nạn lao động xảy
ra không hoàn toàn do lỗi của chính người lao động gây ra.
Chương IV AN TOÀN, VỆ SINH LAO ĐỘNG ĐỐI VỚI LAO ĐỘNG LÀ
NGƯỜI CAO TUỔI, NGƯỜI LAO ĐỘNG THUÊ LẠI, HỌC SINH, SINH
VIÊN, NGƯỜI LÀM VIỆC TRONG LĨNH VỰC NGHỆ THUẬT, THỂ DỤC
THỂ THAO
Điều 29. Điều kiện sử dụng người lao động cao tuổi làm nghề, công việc nặng
nhọc, độc hại, nguy hiểm
1. Chỉ sử dụng người lao động cao tuổi làm các nghề, công việc nặng nhọc, độc hại,
nguy hiểm có ảnh hưởng xấu tới sức khỏe người lao động cao tuổi khi có đủ các Điều
kiện sau đây:
a) Người lao động cao tuổi phải là người có kinh nghiệm, với thâm niên nghề nghiệp
từ đủ 15 năm trở lên; trong đó có ít nhất 10 năm hành nghề liên tục tính đến trước
thời Điểm ký hợp đồng lao động với người lao động cao tuổi;
b) Người lao động cao tuổi là người có tay nghề cao, có chứng nhận hoặc chứng chỉ
nghề hoặc được công nhận là nghệ nhân theo quy định của pháp luật; người sử dụng
lao động phải tổ chức kiểm tra, sát hạch trước khi ký hợp đồng lao động;
c) Người lao động cao tuổi phải có đủ sức khỏe theo tiêu chuẩn sức khỏe do Bộ
trưởng Bộ Y tế ban hành sau khi có ý kiến của bộ chuyên ngành tương ứng với nghề,
công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm; được người sử dụng lao động tổ chức khám
sức khỏe định kỳ ít nhất 02 lần trong 01 năm;
d) Chỉ sử dụng không quá 05 năm đối với từng người lao động cao tuổi;
đ) Phải bố trí ít nhất 01 người lao động không phải là người lao động cao tuổi cùng
làm với người lao động cao tuổi khi triển khai công việc tại một nơi làm việc;
e) Có đơn của người lao động cao tuổi về sự tự nguyện làm việc để người sử dụng lao
động xem xét trước khi ký hợp đồng lao động.
2. Người sử dụng lao động có nhu cầu sử dụng người lao động cao tuổi làm các nghề,
công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm phải lập phương án, gửi Bộ có thẩm quyền
quản lý ngành với các nội dung cơ bản sau đây:
a) Chức danh nghề, công việc, kèm theo mô tả đặc Điểm Điều kiện lao động của
nghề, công việc sử dụng người lao động cao tuổi;
b) Đề xuất và đánh giá từng Điều kiện cụ thể sử dụng người cao tuổi quy định tại
Khoản 1 Điều này.
3. Bộ quản lý ngành quy định chức danh nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy
hiểm được sử dụng người lao động cao tuổi và Điều kiện cụ thể trong ngành, lĩnh vực
thuộc thẩm quyền quản lý.
4. Việc sử dụng người cao tuổi làm các nghề, công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại,
nguy hiểm phải thực hiện quy định tại các Khoản 1, 2 và 3 Điều này như đối với
người lao động cao tuổi làm các nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm.
Điều 30. Nội dung về an toàn, vệ sinh lao động trong hợp đồng cho thuê lại lao
động giữa doanh nghiệp cho thuê lại lao động với bên thuê lại lao động
1. Trong hợp đồng cho thuê lại lao động giữa doanh nghiệp cho thuê lại lao động với
bên thuê lại lao động theo quy định tại Điểm a Khoản 1 Điều 65 Luật An toàn, vệ
sinh lao động gồm nội dung chính sau đây:
a) Khám sức khỏe trước khi bố trí vị trí việc làm, khám sức khỏe định kỳ, khám bệnh
nghề nghiệp;
b) Huấn luyện an toàn, vệ sinh lao động;
c) Phương tiện bảo vệ cá nhân trong lao động;
d) Khai báo, Điều tra, thống kê, báo cáo tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp;
đ) Chế độ cho người lao động thuê lại bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp;
e) Phối hợp và kiểm tra bên thuê lại lao động thực hiện việc bảo đảm an toàn, vệ sinh
lao động đối với người lao động thuê lại.
2. Nội dung về an toàn, vệ sinh lao động trong hợp đồng cho thuê lại lao động phải
bảo đảm theo nguyên tắc sau đây:
a) Không được có những quyền, lợi ích thấp hơn những nội dung trong hợp đồng lao
động mà doanh nghiệp cho thuê lại lao động đã ký với người lao động thuê lại;
b) Nội dung về bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động cho người lao động thuê lại không
được thấp hơn so với người lao động của bên thuê lại lao động trong cùng một Điều
kiện làm việc.
Điều 31. Trách nhiệm của doanh nghiệp cho thuê lại lao động đối với người lao
động thuê lại
Trách nhiệm về bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động của doanh nghiệp cho thuê lại lao
động theo Khoản 1 Điều 65 Luật An toàn, vệ sinh lao động quy định như sau:
1. Phải bảo đảm đầy đủ quyền, lợi ích của người lao động thuê lại thuộc trách nhiệm
của người sử dụng lao động quy định tại Luật An toàn, vệ sinh lao động. Trường hợp
bên thuê lại lao động không cam kết hoặc không thực hiện đầy đủ các cam kết về bảo
đảm an toàn, vệ sinh lao động trong hợp đồng cho thuê lại lao động đã ký, thì doanh
nghiệp cho thuê lại lao động phải chịu trách nhiệm trong việc bảo đảm đầy đủ quyền,
lợi ích của người lao động thuê lại;
2. Phối hợp với bên thuê lại lao động trong việc Điều tra tai nạn lao động làm bị
thương nhẹ, tai nạn lao động làm bị thương nặng một người lao động thuê lại thuộc
thẩm quyền Đoàn Điều tra tai nạn lao động cơ sở; thực hiện các chế độ đối với người
lao động bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp theo quy định tại các Khoản 2, 3, 4, 5,
6, 7, 8, 9 và 10 Điều 38 và Điều 39 Luật An toàn, vệ sinh lao động;
3. Lưu giữ hồ sơ về an toàn, vệ sinh lao động có liên quan đến người lao động thuê
lại; thực hiện báo cáo tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp theo quy định tại các Điều
36 và 37 Luật An toàn, vệ sinh lao động và Điều 24 Nghị định này;
4. Thông báo cho người lao động thuê lại các các nội dung về bảo đảm an toàn, vệ
sinh lao động trong hợp đồng cho thuê lại lao động; cử người thường xuyên giám sát,
phối hợp và kiểm tra việc bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động cho người lao động thuê
lại của bên thuê lại lao động;
5. Thực hiện đầy đủ các cam kết khác về an toàn, vệ sinh lao động thuộc trách nhiệm
của doanh nghiệp cho thuê lại lao động ghi trong hợp đồng thuê lại lao động.
Điều 32. Trách nhiệm bảo đảm về an toàn, vệ sinh lao động của bên thuê lại lao
động đối với người lao động thuê lại
Trách nhiệm bảo đảm về an toàn, vệ sinh lao động của bên thuê lại lao động theo
Khoản 2 Điều 65 Luật An toàn, vệ sinh lao động được quy định như sau:
1. Thực hiện trách nhiệm, quyền hạn của người sử dụng lao động đối với công tác an
toàn, vệ sinh lao động theo quy định tại Điều 7 Luật An toàn, vệ sinh lao động và các
nội dung hướng dẫn tại Nghị định này; không được phân biệt đối xử về an toàn, vệ
sinh lao động đối với người lao động thuê lại so với người lao động của mình.
2. Thực hiện chế độ trang bị phương tiện bảo vệ cá nhân trong lao động, khám sức
khỏe và khám phát hiện bệnh nghề nghiệp cho người lao động thuê lại theo quy định
tại các Điều 21 và 23 Luật An toàn, vệ sinh lao động.
3. Thông báo, hướng dẫn cho người lao động thuê lại biết nội quy lao động, các yếu
tố nguy hiểm, yếu tố có hại và các biện pháp bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động tại
nơi làm việc.
4. Tổ chức huấn luyện an toàn, vệ sinh lao động cho người lao động thuê lại theo quy
định tại Điều 14 Luật An toàn, vệ sinh lao động. Trường hợp doanh nghiệp cho thuê
lại lao động đã tổ chức huấn luyện cho người lao động thuê lại, bên thuê lại lao động
có trách nhiệm huấn luyện bổ sung những nội dung phù hợp với thực tế Điều kiện lao
động tại nơi người lao động thuê lại làm việc như đối với người lao động của bên
thuê lại lao động được hướng dẫn.
5. Khi xảy ra tai nạn lao động, sự cố kỹ thuật gây mất an toàn, vệ sinh lao động đối
với người lao động thuê lại, bên thuê lại lao động có trách nhiệm như sau:
a) Kịp thời sơ cứu, cấp cứu cho người bị nạn;
b) Khai báo theo quy định tại Điều 34 Luật An toàn, vệ sinh lao động và Khoản 1
Điều 10 Nghị định này;
c) Thành lập Đoàn Điều tra tai nạn lao động cấp cơ sở, đối với các vụ tai nạn thuộc
thẩm quyền theo quy định tại Khoản 1 Điều 11 Nghị định này; chủ trì, phối hợp với
doanh nghiệp cho thuê lại lao động để Điều tra tai nạn lao động; thực hiện các chế độ
đối với người lao động bị nạn đúng theo cam kết trong hợp đồng cho thuê lại lao
động.
6. Khi phát hiện người lao động thuê lại bị bệnh nghề nghiệp, bên thuê lại lao động
phải kịp thời thông báo ngay với doanh nghiệp cho thuê lao động để thực hiện các
chế độ đối với người lao động bị bệnh nghề nghiệp đúng theo cam kết trong hợp
đồng cho thuê lại lao động.
7. Tổng hợp tình hình tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp của người lao động thuê lại
gửi doanh nghiệp cho thuê lại lao động để thực hiện báo cáo định kỳ theo quy định tại
các Điều 36 và 37 Luật An toàn, vệ sinh lao động và Điều 24 Nghị định này.
8. Lưu và sao gửi các hồ sơ về an toàn, vệ sinh lao động có liên quan đến người lao
động thuê lại đến doanh nghiệp thuê lại lao động.
Điều 33. Hỗ trợ của cơ sở giáo dục, cơ sở dạy nghề đối với học sinh, sinh viên bị
tai nạn lao động trong thời gian thực hành
Trách nhiệm hỗ trợ của cơ sở giáo dục, cơ sở dạy nghề đối với học sinh, sinh viên bị
tai nạn lao động trong thời gian thực hành theo Khoản 3 Điều 70 Luật An toàn, vệ
sinh lao động được quy định như sau:
1. Kịp thời sơ cứu, cấp cứu cho học sinh, sinh viên bị tai nạn.
2. Thanh toán chi phí y tế từ khi sơ cứu, cấp cứu đến khi Điều trị ổn định cho học
sinh, sinh viên bị tai nạn như sau:
a) Tạm ứng và thanh toán phần chi phí đồng chi trả và những chi phí không nằm
trong danh Mục do bảo hiểm y tế chi trả đối với học sinh, sinh viên tham gia bảo
hiểm y tế;
b) Thanh toán toàn bộ chi phí y tế đối với học sinh, sinh viên không tham gia bảo
hiểm y tế.
3. Giới thiệu để học sinh, sinh viên bị tai nạn lao động được giám định y khoa xác
định mức độ tổn thương cơ thể tại Hội đồng giám định y khoa và thanh toán phí
khám, giám định mức độ tổn thương cơ thể.
4. Hỗ trợ 01 lần bằng tiền cho học sinh, sinh viên bị tai nạn lao động với mức như
sau:
a) Ít nhất bằng 0,6 lần mức lương cơ sở nếu bị suy giảm từ 5% đến 10% khả năng lao
động; sau đó cứ tăng 1% mức suy giảm khả năng lao động được hỗ trợ thêm 0,16 lần
mức lương cơ sở nếu bị suy giảm khả năng lao động từ 11% đến 80%;
b) Ít nhất bằng 12 lần mức lương cơ sở cho học sinh, sinh viên bị suy giảm khả năng
lao động từ 8 % trở lên hoặc cho thân nhân học sinh, sinh viên bị chết do tai nạn lao
động;
c) Thực hiện hỗ trợ đối với học sinh, sinh viên bị tai nạn lao động trong thời hạn 05
ngày, kể từ ngày có kết luận của Hội đồng giám định y khoa về mức suy giảm khả
năng lao động hoặc kể từ ngày có giấy báo tử đối với trường hợp bị chết do tai nạn.
5. Hồ sơ, thủ tục để học sinh, sinh viên bị tai nạn lao động hưởng hỗ trợ của cơ sở
giáo dục, cơ sở dạy nghề theo quy định tại các Khoản 2, 3 và 4 Điều này như hồ sơ,
thủ tục để người lao động bị tai nạn lao động hưởng trợ cấp từ người sử dụng lao
động.
6. Đối với những trường hợp học sinh, sinh viên là người lao động do người sử dụng
lao động cử đi học thì cơ sở giáo dục, cơ sở dạy nghề có trách nhiệm:
a) Thực hiện trách nhiệm đối với học sinh, sinh viên quy định tại Khoản 1 Điều này;
b) Phối hợp với người sử dụng lao động để khai báo, Điều tra, báo cáo tai nạn lao
động theo đúng quy định tại Luật An toàn, vệ sinh lao động và Nghị định này.
Điều 34. An toàn, vệ sinh lao động đối với người lao động làm việc trong lĩnh vực
nghệ thuật, thể dục thể thao
1. Việc bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động, xây dựng và thực hiện chính sách, chế độ
về tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp đối với người lao động làm việc trong lĩnh vực
nghệ thuật, thể dục thể thao phải phù hợp với tính chất nghề nghiệp theo các yếu tố
đặc thù cơ bản sau đây:
a) Tuổi đời, tuổi nghề, quá trình học nghề, tập nghề;
b) Thời gian, địa Điểm luyện tập, tập huấn, thi đấu, biểu diễn;
c) Tiền lương, tiền công, bảo hiểm xã hội;
d) Các Điều kiện khách quan như thời Tiết, khán giả.
2. Căn cứ vào quy định tại Khoản 1 Điều này, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và
Du lịch quy định về an toàn, vệ sinh lao động đối với người lao động làm việc trong
lĩnh vực nghệ thuật, thể dục thể thao sau khi có ý kiến thống nhất của Bộ trưởng Bộ
Lao động - Thương binh và Xã hội.
Chương V AN TOÀN, VỆ SINH LAO ĐỘNG ĐỐI VỚI CƠ SỞ SẢN XUẤT,
KINH DOANH
Điều 35. Trách nhiệm ban quản lý khu kinh tế, khu công nghiệp, khu chế xuất,
khu công nghệ cao đối với công tác an toàn, vệ sinh lao động
Trách nhiệm ban quản lý khu kinh tế, khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ
cao đối với công tác an toàn, vệ sinh lao động theo Khoản 2 Điều 71 Luật An toàn, vệ
sinh lao động được quy định như sau:
1. Tuyên truyền, phổ biến, đôn đốc các cơ sở sản xuất, kinh doanh trong phạm vi
quản lý thực hiện các quy định của pháp luật về an toàn, vệ sinh lao động;
2. Tổ chức kiểm tra việc thực hiện công tác an toàn, vệ sinh lao động đối với các cơ
sở sản xuất kinh doanh trong phạm vi quản lý, trừ trường hợp pháp luật chuyên ngành
có quy định khác;
3. Phối hợp với các đoàn kiểm tra, thanh tra an toàn, vệ sinh lao động, đoàn Điều tra
tai nạn lao động khi được yêu cầu;
4. Tổng hợp, báo cáo công tác an toàn, vệ sinh lao động và tình hình tai nạn lao động,
bệnh nghề nghiệp của các cơ sở sản xuất, kinh doanh trong phạm vi quản lý về Sở
Lao động - Thương binh và Xã hội khi được ủy quyền theo quy định của pháp luật.
Điều 36. Tổ chức bộ phận an toàn, vệ sinh lao động
Việc tổ chức bộ phận an toàn, vệ sinh lao động theo Khoản 1 Điều 72 Luật An toàn,
vệ sinh lao động được quy định như sau:
1. Đối với cơ sở sản xuất, kinh doanh hoạt động trong các lĩnh vực, ngành nghề khai
khoáng, sản xuất than cốc, sản xuất sản phẩm dầu mỏ tinh chế, sản xuất hóa chất, sản
xuất kim loại và các sản phẩm từ kim loại, sản xuất sản phẩm từ khoáng phi kim, thi
công công trình xây dựng, đóng và sửa chữa tàu biển, sản xuất, truyền tải và phân
phối điện, người sử dụng lao động phải tổ chức bộ phận an toàn, vệ sinh lao động bảo
đảm các yêu cầu tối thiểu sau đây:
a) Cơ sở sản xuất, kinh doanh sử dụng dưới 50 người lao động phải bố trí ít nhất 01
người làm công tác an toàn, vệ sinh lao động theo chế độ bán chuyên trách;
b) Cơ sở sản xuất, kinh doanh sử dụng từ 50 đến dưới 300 người lao động phải bố trí
ít nhất 01 người làm công tác an toàn, vệ sinh lao động theo chế độ chuyên trách;
c) Cơ sở sản xuất, kinh doanh sử dụng từ 300 đến dưới 1.000 người lao động, phải bố
trí ít nhất 02 người làm công tác an toàn, vệ sinh lao động theo chế độ chuyên trách;
d) Cơ sở sản xuất, kinh doanh sử dụng sử dụng trên 1.000 người lao động phải thành
lập phòng an toàn, vệ sinh lao động hoặc bố trí ít nhất 03 người làm công tác an toàn,
vệ sinh lao động theo chế độ chuyên trách.
2. Đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh hoạt động trong các lĩnh vực, ngành nghề
khác với lĩnh vực, ngành nghề quy định tại Khoản 1 Điều này, người sử dụng lao
động phải tổ chức bộ phận an toàn, vệ sinh lao động tại cơ sở bảo đảm các yêu cầu tối
thiểu sau đây:
a) Cơ sở sản xuất, kinh doanh sử dụng dưới 300 người lao động, phải bố trí ít nhất 01
người làm công tác an toàn, vệ sinh lao động theo chế độ bán chuyên trách;
b) Cơ sở sản xuất, kinh doanh sử dụng từ 300 đến dưới 1.000 người lao động, phải bố
trí ít nhất 01 người làm công tác an toàn, vệ sinh lao động theo chế độ chuyên trách;
c) Cơ sở sản xuất, kinh doanh sử dụng sử dụng trên 1.000 người lao động, phải thành
lập phòng an toàn, vệ sinh lao động hoặc bố trí ít nhất 2 người làm công tác an toàn,
vệ sinh lao động theo chế độ chuyên trách.
3. Người làm công tác an toàn, vệ sinh lao động theo chế độ chuyên trách quy định
tại các Khoản 1 và 2 Điều này phải đáp ứng một trong các Điều kiện sau đây:
a) Có trình độ đại học thuộc các chuyên ngành khối kỹ thuật; có ít nhất 01 năm kinh
nghiệm làm việc trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh của cơ sở;
b) Có trình độ cao đẳng thuộc các chuyên ngành khối kỹ thuật; có ít nhất 03 năm kinh
nghiệm làm việc trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh của cơ sở;
c) Có trình độ trung cấp thuộc các chuyên ngành khối kỹ thuật hoặc trực tiếp làm các
công việc kỹ thuật; có 05 năm kinh nghiệm làm việc trong lĩnh vực sản xuất, kinh
doanh của cơ sở.
4. Người làm công tác an toàn, vệ sinh lao động theo chế độ bán chuyên trách quy
định tại các Khoản 1 và 2 Điều này phải đáp ứng một trong các Điều kiện sau đây:
a) Có trình độ đại học thuộc các chuyên ngành khối kỹ thuật;
b) Có trình độ cao đẳng thuộc các chuyên ngành khối kỹ thuật; có ít nhất 01 năm kinh
nghiệm làm việc trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh của cơ sở;
c) Có trình độ trung cấp thuộc các chuyên ngành khối kỹ thuật hoặc trực tiếp làm các
công việc kỹ thuật; có 03 năm kinh nghiệm làm việc trong lĩnh vực sản xuất, kinh
doanh của cơ sở.
Điều 37. Tổ chức bộ phận y tế
Việc tổ chức bộ phận y tế quy định tại Khoản 1 Điều 73 Luật An toàn, vệ sinh lao
động được quy định như sau:
1. Đối với những cơ sở sản xuất, kinh doanh trong các lĩnh vực, ngành nghề chế biến,
bảo quản thủy sản và các sản phẩm từ thủy sản, khai khoáng, sản xuất sản phẩm dệt,
may, da, giày, sản xuất than cốc, sản xuất hóa chất, sản xuất sản phẩm từ cao su và
plastic, tái chế phế liệu, vệ sinh môi trường, sản xuất kim loại, đóng và sửa chữa tàu
biển, sản xuất vật liệu xây dựng, người sử dụng lao động phải tổ chức bộ phận y tế tại
cơ sở bảo đảm các yêu cầu tối thiểu sau đây:
a) Cơ sở sản xuất, kinh doanh sử dụng dưới 300 người lao động phải có ít nhất 01
người làm công tác y tế có trình độ trung cấp;
b) Cơ sở sản xuất, kinh doanh sử dụng từ 300 đến dưới 500 người lao động phải có ít
nhất 01 bác sĩ/y sĩ và 01 người làm công tác y tế có trình độ trung cấp;
c) Cơ sở sản xuất, kinh doanh sử dụng từ 500 đến dưới 1.000 người lao động phải có
ít nhất 01 bác sĩ và mỗi ca làm việc phải có 01 người làm công tác y tế có trình độ
trung cấp;
d) Cơ sở sản xuất, kinh doanh sử dụng từ 1.000 lao động trở lên phải thành lập cơ sở
y tế theo hình thức tổ chức phù hợp quy định của pháp luật về khám bệnh, chữa bệnh.
2. Đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh hoạt động trong các lĩnh vực, ngành nghề
khác với lĩnh vực, ngành nghề quy định tại Khoản 1 Điều này, người sử dụng lao
động phải tổ chức bộ phận y tế tại cơ sở bảo đảm các yêu cầu tối thiểu sau đây:
a) Cơ sở sản xuất, kinh doanh sử dụng dưới 500 người lao động ít nhất phải có 01
người làm công tác y tế trình độ trung cấp;
b) Cơ sở sản xuất, kinh doanh sử dụng từ 500 đến dưới 1.000 người lao động ít nhất
phải có 01 y sỹ và 01 người làm công tác y tế trình độ trung cấp;
c) Cơ sở sản xuất, kinh doanh sử dụng trên 1.000 người lao động phải có 01 bác sỹ và
1 người làm công tác y tế khác.
3. Người làm công tác y tế ở cơ sở quy định tại các Khoản 1 và 2 Điều này phải đáp
ứng đủ các Điều kiện sau đây:
a) Có trình độ chuyên môn y tế bao gồm: bác sỹ, bác sỹ y tế dự phòng, cử nhân Điều
dưỡng, y sỹ, Điều dưỡng trung học, hộ sinh viên;
b) Có chứng chỉ chứng nhận chuyên môn về y tế lao động.
4. Người sử dụng lao động phải thông báo thông tin của người làm công tác y tế cơ
sở theo mẫu tại Phụ lục XXI ban hành kèm theo Nghị định này với Sở Y tế cấp tỉnh,
nơi cơ sở có trụ sở chính.
5. Trường hợp cơ sở không bố trí được người làm công tác y tế hoặc không thành lập
được bộ phận y tế theo quy định tại các Khoản 1, 2 và 3 Điều này, cơ sở sản xuất,
kinh doanh thực hiện theo quy định sau đây:
a) Ký hợp đồng với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh đủ năng lực theo quy định sau đây:
cung cấp đủ số lượng người làm công tác y tế theo quy định tại các Khoản 1, 2 và 3
Điều này; có mặt kịp thời tại cơ sở sản xuất, kinh doanh khi xảy ra các trường hợp
khẩn cấp trong thời hạn 30 phút đối với vùng đồng bằng, thị xã, thành phố và 60 phút
đối vùng núi, vùng sâu, vùng xa;
b) Thông báo thông tin cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trên theo mẫu tại Phụ lục XXII
ban hành kèm theo Nghị định này với Sở Y tế cấp tỉnh, nơi cơ sở có trụ sở chính.
Điều 38. Tổ chức hội đồng an toàn, vệ sinh lao động cơ sở
Việc tổ chức hội đồng an toàn, vệ sinh lao động cơ sở theo Khoản 1 Điều 75 Luật An
toàn, vệ sinh lao động được quy định như sau:
1. Người sử dụng lao động phải thành lập Hội đồng an toàn, vệ sinh lao động lao
động cơ sở trong các trường hợp sau đây:
a) Cơ sở sản xuất, kinh doanh thuộc các lĩnh vực, ngành nghề quy định tại Khoản 1
Điều 36 Nghị định này và sử dụng từ 300 người lao động trở lên;
b) Cơ sở sản xuất, kinh doanh hoạt động trong các lĩnh vực, ngành nghề khác với cơ
sở sản xuất, kinh doanh quy định tại Điểm a Khoản này, có sử dụng từ 1.000 người
lao động trở lên;
c) Tập đoàn kinh tế, Tổng công ty nhà nước.
2. Cơ sở sản xuất, kinh doanh khác với cơ sở sản xuất, kinh doanh quy định tại
Khoản 1 Điều này thành lập Hội đồng an toàn, vệ sinh lao động nếu thấy cần thiết và
đủ Điều kiện để hoạt động.
Chương VI QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC VỀ AN TOÀN, VỆ SINH LAO ĐỘNG
Mục 1. XÂY DỰNG CÁC TIÊU CHUẨN QUỐC GIA, XÂY DỰNG VÀ BAN
HÀNH QUY CHUẨN QUỐC GIA VỀ AN TOÀN, VỆ SINH LAO ĐỘNG
Điều 39. Trách nhiệm xây dựng và ban hành quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về an
toàn, vệ sinh lao động
Phân công xây dựng và ban hành quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về an toàn, vệ sinh lao
động của các Bộ theo Khoản 3 Điều 87 Luật An toàn, vệ sinh lao động như sau:
1. Bộ Y tế
a) An toàn, vệ sinh lao động đối với các yếu tố vệ sinh lao động trong môi trường lao
động, trừ các yếu tố phóng xạ, bức xạ quy định tại Điểm a Khoản 6 Điều này.
b) An toàn lao động đối với trang thiết bị y tế có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao
động.
2. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
a) An toàn, vệ sinh lao động (trừ máy, thiết bị, vật tư có yêu cầu nghiêm ngặt về an
toàn lao động) đối với: nông sản, lâm sản, thủy sản, muối; gia súc, gia cầm, vật nuôi;
vật tư nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản; phân bón; sản phẩm trong nuôi trồng, thu
hoạch, chế biến, bảo quản, vận chuyển nông sản, lâm sản, thủy sản, muối; phụ gia,
hóa chất sử dụng trong nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản; thuốc bảo vệ thực vật,
động vật; công trình thủy lợi, đê Điều.
b) An toàn lao động đối với máy, thiết bị, vật tư có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn
lao động trong nhóm máy, thiết bị, vật tư nông nghiệp, lâm nghiệp, diêm nghiệp, thủy
sản.
3. Bộ Giao thông vận tải
a) An toàn, vệ sinh lao động (trừ máy, thiết bị, vật tư có yêu cầu nghiêm ngặt về an
toàn lao động) đối với: các loại phương tiện giao thông, phương tiện, thiết bị xếp dỡ,
thi công chuyên dùng trong giao thông vận tải (trừ phương tiện phục vụ vào Mục
đích quốc phòng, an ninh và tàu cá); trang bị, thiết bị kỹ thuật chuyên ngành giao
thông vận tải; phương tiện, thiết bị thăm dò, khai thác trên biển.
b) An toàn lao động đối với máy, thiết bị có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động
trong nhóm máy, thiết bị sau: phương tiện giao thông vận tải phải thực hiện đăng
kiểm theo quy định của pháp luật trong lĩnh vực giao thông vận tải; phương tiện, thiết
bị xếp dỡ, thi công chuyên dùng trong giao thông vận tải; phương tiện, thiết bị thăm
dò, khai thác trên biển.
4. Bộ Công Thương
a) An toàn, vệ sinh lao động (trừ máy, thiết bị, vật tư có yêu cầu nghiêm ngặt về an
toàn lao động) đối với: công nghiệp cơ khí, luyện kim; sản xuất, truyền tải, phân phối
điện; năng lượng mới, năng lượng tái tạo; khai thác than; khai thác, chế biến, vận
chuyển, phân phối, tồn chứa dầu khí và sản phẩm dầu khí, trừ phương tiện, thiết bị
thăm dò, khai thác trên biển.
b) An toàn lao động đối với các máy, thiết bị, vật tư có yêu cầu nghiêm ngặt về an
toàn lao động trong nhóm máy, thiết bị, vật tư sau: vật liệu nổ công nghiệp; thiết bị
áp lực, thiết bị nâng đặc thù chuyên ngành công nghiệp; trang thiết bị khai thác mỏ,
dầu khí, trừ thiết bị, phương tiện thăm dò, khai thác trên biển.
c) An toàn, vệ sinh lao động đối với hóa chất (bao gồm cả hóa dược), trừ trường hợp
quy định tại Điểm a Khoản 1 và Điểm c Khoản 10 Điều này.
5. Bộ Xây dựng
a) An toàn, vệ sinh lao động trong việc lập biện pháp kỹ thuật và tổ chức thi công xây
dựng công trình.
b) An toàn lao động đối với máy, thiết bị, vật tư có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn
lao động sử dụng trong thi công xây dựng.
6. Bộ Khoa học và Công nghệ
a) An toàn, vệ sinh lao động đối với lò phản ứng hạt nhân, vật liệu hạt nhân, vật liệu
hạt nhân nguồn, chất phóng xạ, thiết bị bức xạ.
b) Tổ chức thẩm định dự thảo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về an toàn, vệ sinh lao
động theo quy định của Luật Tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật.
7. Bộ Thông tin và Truyền thông
a) An toàn, vệ sinh lao động (trừ các máy, thiết bị có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn
lao động) đối với công trình viễn thông; mạng lưới viễn thông, điện tử và công nghệ
thông tin.
b) An toàn lao động đối với loại máy, thiết bị có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao
động trong nhóm máy, thiết bị viễn thông; thiết bị phát, thu phát sóng vô tuyến điện.
c) An toàn, vệ sinh lao động đối với tần số vô tuyến điện có trong môi trường lao
động, trừ trường hợp quy định tại Điểm a Khoản 1 Điều này.
8. Bộ Quốc phòng
a) An toàn, vệ sinh lao động đối với phương tiện, trang thiết bị quân sự, vũ khí đạn
dược, sản phẩm phục vụ quốc phòng, công trình quốc phòng không thuộc đối tượng
bí mật quốc gia.
b) An toàn lao động đối với các loại máy, thiết bị, vật tư có yêu cầu nghiêm ngặt về
an toàn lao động chuyên sử dụng cho Mục đích quốc phòng, đặc thù quân sự.
9. Bộ Công an
a) An toàn, vệ sinh lao động đối với trang thiết bị kỹ thuật, vũ khí đạn dược, khí tài,
công cụ hỗ trợ, vật liệu nổ và các loại sản phẩm khác sử dụng cho lực lượng Công an
nhân dân không thuộc đối tượng bí mật quốc gia, trừ trường hợp quy định tại Điểm a
Khoản 8 Điều này.
b) An toàn lao động đối với máy, thiết bị phòng cháy, chữa cháy có yêu cầu nghiêm
ngặt về an toàn lao động.
10. Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội
a) An toàn, vệ sinh lao động đối với phương tiện bảo vệ cá nhân cho người lao động;
đồ dùng, thiết bị kỹ thuật trong cơ sở dạy nghề; sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ, quá
trình, môi trường không quy định tại Điểm a Khoản 1, Điểm a Khoản 2, Điểm a
Khoản 3, Điểm a Khoản 4, Điểm a Khoản 5, Điểm a Khoản 6, Điểm a Khoản 7,
Điểm a Khoản 8, Điểm a Khoản 9 Điều này, trừ sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ, quá
trình, môi trường không được Thủ tướng Chính phủ phân công theo quy định tại
Điểm d Khoản này;
b) An toàn lao động đối với máy, thiết bị, vật tư có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn
lao động, trừ máy, thiết bị, vật tư quy định tại Điểm b Khoản 1, Điểm b Khoản 2,
Điểm b Khoản 3, Điểm b Khoản 4, Điểm b Khoản 5, Điểm a Khoản 6, Điểm b Khoản
7, Điểm b Khoản 8, Điểm b Khoản 9 Điều này và trừ máy, thiết bị, vật tư có yêu cầu
nghiêm ngặt về an toàn lao động không được Thủ tướng Chính phủ phân công theo
quy định tại Điểm d Khoản này;
c) An toàn, vệ sinh lao động cho người lao động tham gia hoạt động hóa chất; quản lý
việc sử dụng hóa chất trong các cơ sở dạy nghề;
d) Chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan ngang bộ trình Thủ tướng Chính phủ quyết
định phân công trách nhiệm xây dựng và ban hành quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về an
toàn, vệ sinh lao động đối với sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ, quá trình, môi trường
mới hoặc liên quan đến phạm vi quản lý của nhiều bộ, cơ quan ngang bộ phát sinh
trong quá trình Điều hành, quản lý.
11. Các bộ, cơ quan ngang bộ trong quá trình xây dựng dự thảo quy chuẩn kỹ thuật
quốc gia về an toàn, vệ sinh lao động phải tổ chức lấy ý kiến rộng rãi, công khai của
tổ chức, cá nhân có liên quan; lấy ý kiến của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội,
Bộ Y tế trước khi gửi Bộ Khoa học và Công nghệ thẩm định.
12. Việc xây dựng quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về an toàn, vệ sinh lao động phải đảm
bảo tính thống nhất, đồng bộ trong toàn hệ thống.
13. Các cơ quan thông báo và Điểm hỏi đáp về hàng rào kỹ thuật trong thương mại
thuộc các Bộ có trách nhiệm cung cấp thông tin về các văn bản quy phạm pháp luật
liên quan đến hoạt động tiêu chuẩn đo lường chất lượng trong lĩnh vực an toàn, vệ
sinh lao động cho Bộ Khoa học và Công nghệ để đảm bảo việc thực thi nghĩa vụ
minh bạch hóa trong WTO và các Hiệp định thương mại tự do khác mà Việt Nam là
thành viên.
Điều 40. Xây dựng tiêu chuẩn quốc gia về an toàn, vệ sinh lao động
1. Các bộ, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ có trách nhiệm xây dựng dự thảo tiêu chuẩn
quốc gia về an toàn, vệ sinh lao động trong phạm vi ngành, lĩnh vực được phân công
quản lý.
2. Các tổ chức, cá nhân có quyền đề nghị, góp ý về quy hoạch, kế hoạch xây dựng
tiêu chuẩn quốc gia về an toàn, vệ sinh lao động; góp ý kiến cho dự thảo tiêu chuẩn
quốc gia; chủ trì biên soạn hoặc tham gia biên soạn dự thảo tiêu chuẩn quốc gia về an
toàn, vệ sinh lao động để đề nghị Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức thẩm định,
công bố.
Mục 2. HỘI ĐỒNG QUỐC GIA AN TOÀN, VỆ SINH LAO ĐỘNG, HỘI
ĐỒNG AN TOÀN, VỆ SINH LAO ĐỘNG CẤP TỈNH
Điều 41. Hội đồng quốc gia về an toàn, vệ sinh lao động
Việc thành lập, chức năng, nhiệm vụ, tổ chức và hoạt động của Hội đồng quốc gia về
an toàn, vệ sinh lao động theo Điều 88 Luật An toàn, vệ sinh lao động được quy định
như sau:
1. Thủ tướng Chính phủ quyết định việc thành lập Hội đồng quốc gia về an toàn, vệ
sinh lao động trên cơ sở đề nghị của Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã
hội.
2. Hội đồng quốc gia về an toàn, vệ sinh lao động là tổ chức tư vấn cho Chính phủ về
việc xây dựng mới hoặc sửa đổi, bổ sung chính sách, pháp luật về an toàn, vệ sinh lao
động.
3. Hội đồng quốc gia về an toàn, vệ sinh lao động gồm các thành viên sau đây:
a) Chủ tịch Hội đồng là Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội;
b) Phó chủ tịch Hội đồng bao gồm các thành viên sau đây: Thứ trưởng Bộ Lao động -
Thương binh và Xã hội; Thứ trưởng Bộ Y tế; Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động
Việt Nam;
c) Ủy viên hội đồng bao gồm các thành viên là đại diện lãnh đạo các Bộ: Khoa học và
Công nghệ, Công an, Quốc phòng, Nội vụ, Công Thương, Xây dựng, Giao thông vận
tải, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; lãnh đạo Liên minh Hợp tác xã Việt Nam,
Hội Nông dân Việt Nam, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam và một số cơ
quan, tổ chức, chuyên gia, nhà khoa học theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ.
4. Hội đồng quốc gia về an toàn, vệ sinh lao động hoạt động theo quy định sau đây:
a) Hằng năm, Hội đồng tổ chức đối thoại nhằm chia sẻ thông tin, tăng cường sự hiểu
biết giữa người sử dụng lao động, người lao động, tổ chức công đoàn, tổ chức đại
diện người sử dụng lao động và các cơ quan nhà nước trong việc xây dựng mới, sửa
đổi, bổ sung chính sách, pháp luật về an toàn, vệ sinh lao động;
b) Chủ tịch Hội đồng quốc gia về an toàn, vệ sinh lao động quy định quy chế làm
việc của Hội đồng, đơn vị thường trực và bộ phận thư ký của Hội đồng;
c) Chủ tịch Hội đồng được mời thêm chuyên gia, nhà khoa học, nhà nghiên cứu để
tham vấn ý kiến hoặc tham gia các cuộc họp của Hội đồng;
d) Kinh phí hoạt động của Hội đồng quốc gia về an toàn, vệ sinh lao động (không bao
gồm lương và các Khoản phụ cấp theo lương của các thành viên Hội đồng) do ngân
sách trung ương bảo đảm, được tổng hợp và bố trí trong dự toán ngân sách hằng năm
của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội.
Điều 42. Hội đồng an toàn, vệ sinh lao động cấp tỉnh
Việc thành lập, chức năng, nhiệm vụ, tổ chức và hoạt động của Hội đồng an toàn, vệ
sinh lao động cấp tỉnh theo Điều 88 Luật An toàn, vệ sinh lao động được quy định
như sau:
1. Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định việc thành lập Hội đồng an toàn, vệ
sinh lao động cấp tỉnh trên cơ sở đề nghị của Giám đốc Sở Lao động - Thương binh
và Xã hội.
2. Hội đồng an toàn, vệ sinh lao động cấp tỉnh là tổ chức tư vấn cho Ủy ban nhân dân
cấp tỉnh trong việc tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật về an toàn, vệ sinh lao
động tại địa phương, với các nội dung chính sau đây:
a) Biện pháp chỉ đạo, Điều hành thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp
luật của Nhà nước về an toàn, vệ sinh lao động tại địa phương;
b) Xây dựng Chương trình an toàn, vệ sinh lao động trong phạm vi địa phương và
đưa vào kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội;
c) Chính sách hỗ trợ cho người lao động làm việc không theo hợp đồng lao động tại
địa phương.
3. Hội đồng an toàn, vệ sinh lao động cấp tỉnh gồm các thành viên sau đây:
a) Chủ tịch Hội đồng là Phó chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh hoặc Giám đốc Sở
Lao động - Thương binh và Xã hội;
b) Phó chủ tịch Hội đồng bao gồm Giám đốc hoặc Phó giám đốc Sở Lao động -
Thương binh và Xã hội, đại diện lãnh đạo Sở Y tế, đại diện lãnh đạo Liên đoàn Lao
động cấp tỉnh;
c) Thành viên Hội đồng bao gồm đại diện lãnh đạo các Sở: Công Thương, Xây dựng,
Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Giao thông vận tải, Khoa học và Công nghệ;
lãnh đạo Bảo hiểm xã hội cấp tỉnh, Liên minh Hợp tác xã, Hội Nông dân cấp tỉnh và
đại diện một số doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức, chuyên gia, nhà khoa học khác theo
quyết định của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh.
4. Hoạt động của Hội đồng an toàn, vệ sinh lao động cấp tỉnh gồm các nội dung cơ
bản sau đây:
a) Hằng năm, Hội đồng tổ chức đối thoại nhằm chia sẻ thông tin, tăng cường sự hiểu
biết giữa người sử dụng lao động, người lao động, tổ chức công đoàn, tổ chức đại
diện người sử dụng lao động và các cơ quan nhà nước trong việc tổ chức thực hiện
chính sách, pháp luật về an toàn, vệ sinh lao động tại địa phương;
b) Chủ tịch Hội đồng an toàn, vệ sinh lao động cấp tỉnh quy định quy chế làm việc
của Hội đồng, cơ quan giúp việc và bộ phận thư ký của Hội đồng;
c) Chủ tịch Hội đồng được mời thêm các chuyên gia, nhà khoa học, nhà nghiên cứu
để tham vấn ý kiến hoặc tham gia các cuộc họp của Hội đồng;
d) Kinh phí hoạt động của Hội đồng an toàn, vệ sinh lao động cấp tỉnh (không bao
gồm lương và các Khoản phụ cấp theo lương của các thành viên Hội đồng) do ngân
sách địa phương bảo đảm theo phân cấp của pháp luật về ngân sách nhà nước.
Mục 3. PHỐI HỢP THANH TRA, KIỂM TRA VỀ AN TOÀN, VỆ SINH LAO
ĐỘNG
Điều 43. Phối hợp thanh tra, kiểm tra về an toàn, vệ sinh lao động
1. Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan ngang
bộ, cơ quan thuộc Chính phủ thực hiện thanh tra, kiểm tra, giám sát về an toàn, vệ
sinh lao động; xử lý theo thẩm quyền các hành vi vi phạm pháp luật về an toàn, vệ
sinh lao động.
2. Cơ quan quản lý nhà nước về các lĩnh vực phóng xạ, thăm dò, khai thác dầu khí,
các phương tiện vận tải đường sắt, đường thủy, đường bộ, đường hàng không và các
đơn vị thuộc lực lượng vũ trang thông báo kế hoạch thanh tra an toàn, vệ sinh lao
động trong các lĩnh vực này về Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và Sở Lao
động - Thương binh và Xã hội địa phương nơi tổ chức thanh tra để phối hợp triển
khai.
3. Thanh tra an toàn, vệ sinh lao động của Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội thanh
tra đột xuất về an toàn, vệ sinh lao động trong các lĩnh vực quy định tại Khoản 2 Điều
này trong những trường hợp sau đây:
a) Theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ;
b) Khi có phát hiện các nguy cơ mất an toàn, vệ sinh lao động gây tai nạn hoặc ảnh
hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe người lao động;
c) Theo đề nghị của bộ quản lý ngành, lĩnh vực.
4. Các bộ, cơ quan ngang bộ khi thực hiện kiểm tra về an toàn, vệ sinh lao động trong
trong phạm vi, nhiệm vụ, quyền hạn quản lý nhà nước của mình thì mời đại diện Bộ
Lao động - Thương binh và Xã hội tham gia; gửi kết quả kiểm tra, kiến nghị cho
Thanh tra an toàn, vệ sinh lao động của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội.
5. Thanh tra an toàn, vệ sinh lao động của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội có
trách nhiệm xử lý, giải quyết kết quả kiểm tra, kiến nghị về an toàn, vệ sinh lao động
của các bộ, cơ quan ngang bộ theo thẩm quyền; thông báo kết quả cho cơ quan gửi
kiến nghị.
6. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quy định việc phối hợp giữa các Sở, Ban, ngành thuộc
địa phương trong thanh tra, kiểm tra về an toàn, vệ sinh lao động tại địa phương.
Mục 4. XÂY DỰNG CHƯƠNG TRÌNH QUỐC GIA, HỒ SƠ QUỐC GIA VỀ
AN TOÀN, VỆ SINH LAO ĐỘNG
Điều 44. Xây dựng Chương trình quốc gia về an toàn, vệ sinh lao động
1. Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp các bộ, cơ quan ngang bộ,
cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh và các cơ quan có liên quan xây
dựng Chương trình quốc gia về an toàn, vệ sinh lao động theo từng giai đoạn 05 năm,
trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
2. Việc xây dựng Chương trình quốc gia về an toàn, vệ sinh lao động phải lấy ý kiến
Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, tổ chức đại diện người sử dụng lao động và các
bộ, cơ quan ngang bộ.
Điều 45. Phối hợp xây dựng Hồ sơ quốc gia, tổ chức thông tin, tuyên truyền về
an toàn, vệ sinh lao động
1. Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan ngang
bộ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã
hội - nghề nghiệp, các cơ quan liên quan xây dựng, cập nhật hằng năm công bố Hồ sơ
quốc gia về an toàn, vệ sinh lao động theo định kỳ tối đa 05 năm 01 lần. Hồ sơ quốc
gia về an toàn, vệ sinh lao động được cập nhật hằng năm và ít nhất; phải gồm những
thông tin sau đây:
a) Chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước trong công tác an toàn, vệ sinh lao
động;
b) Hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật về an toàn, vệ sinh lao động;
c) Tổ chức bộ máy làm công tác quản lý nhà nước về an toàn, vệ sinh lao động; hệ
thống các cơ quan nghiên cứu, đào tạo về an toàn, vệ sinh lao động;
d) Cơ chế phối hợp giữa các cơ quan quản lý nhà nước, tổ chức công đoàn, tổ chức
đại diện người sử dụng lao động và các tổ chức liên quan;
đ) Các chương trình, sự kiện an toàn, vệ sinh lao động cấp quốc gia và cấp tỉnh;
e) Các hoạt động thanh tra, kiểm tra, tuyên truyền. Phổ biến pháp luật về an toàn, vệ
sinh lao động;
g) Các hoạt động dịch vụ trong lĩnh vực an toàn, vệ sinh lao động;
h) Các dữ liệu về tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, sự cố kỹ thuật gây mất an toàn,
vệ sinh lao động.
2. Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan ngang
bộ, Cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh tổ chức các hoạt động thông
tin, tuyên truyền về an toàn vệ sinh lao động.
Mục 5. NGHIÊN CỨU, ỨNG DỤNG KHOA HỌC KỸ THUẬT VỀ AN TOÀN,
VỆ SINH LAO ĐỘNG
Điều 46. Nghiên cứu, ứng dụng khoa học, công nghệ về an toàn, vệ sinh lao động
1. Bộ Khoa học và Công nghệ quản lý thống nhất việc nghiên cứu và ứng dụng khoa
học kỹ thuật về an toàn lao động, vệ sinh lao động.
2. Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp Bộ Khoa học và Công
nghệ và các cơ quan liên quan nghiên cứu, đề xuất xây dựng phòng thí nghiệm, thử
nghiệm đạt chuẩn Quốc gia phục vụ an toàn, vệ sinh lao động.
Chương VII ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH
Điều 47. Hiệu lực thi hành
1. Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01 tháng 7 năm 2016.
2. Các quy định tại Điều 9, 10, 11, 12, 13 và 14 của Nghị định số 45/2013/NĐ-CP
ngày 10 tháng 5 năm 2013 của Chính phủ quy định chi Tiết một số Điều của Bộ luật
lao động về thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi và an toàn lao động, vệ sinh lao
động, Điểm a, b và c Khoản 6 Điều 34 Nghị định số 59/2015/NĐ-CP ngày 18 tháng 6
năm 2015 của Chính phủ về quản lý dự án đầu tư xây dựng hết hiệu lực kể từ ngày
Nghị định này có hiệu lực.
Điều 48. Trách nhiệm thi hành
1. Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội hướng dẫn thi hành Nghị định
này.
2. Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ hướng dẫn thi hành Điều, Khoản được
giao trong Nghị định này và biện pháp thực hiện chức năng quản lý nhà nước về an
toàn, vệ sinh lao động trong phạm vi, nhiệm vụ, quyền hạn của mình.
3. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy
ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chịu trách nhiệm thi hành Nghị định này./.
PHỤ LỤC KÈM THEO TM. CHÍNH PHỦ
THỦ TƯỚNG

Nguyễn Xuân Phúc


NGHỊ ĐỊNH 44/2016/NĐ-CP ngày 15 tháng 5 năm 2016 QUY ĐỊNH CHI TIẾT
MỘT SỐ ĐIỀU CỦA LUẬT AN TOÀN, VỆ SINH LAO ĐỘNG VỀ HOẠT ĐỘNG
KIỂM ĐỊNH KỸ THUẬT AN TOÀN LAO ĐỘNG, HUẤN LUYỆN AN TOÀN, VỆ
SINH LAO ĐỘNG VÀ QUAN TRẮC MÔI TRƯỜNG LAO ĐỘNG
Căn cứ Luật tổ chức Chính phủ ngày 19 tháng 6 năm 2015;
Căn cứ Luật an toàn, vệ sinh lao động ngày 25 tháng 6 năm 2015;
Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội;
Chính phủ quy định chi tiết một số Điều của Luật an toàn, vệ sinh lao động về hoạt
động kiểm định kỹ thuật an toàn lao động, huấn luyện an toàn, vệ sinh lao động và
quan trắc môi trường lao động.
Chương I QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi Điều chỉnh
Nghị định này quy định chi tiết một số Điều của Luật an toàn, vệ sinh lao động về
hoạt động kiểm định kỹ thuật an toàn lao động; huấn luyện an toàn, vệ sinh lao động
và quan trắc môi trường lao động.
Điều 2. Đối tượng áp dụng
1. Người sử dụng lao động, người lao động theo quy định tại Điều 2 Luật an toàn, vệ
sinh lao động.
2. Đơn vị sự nghiệp, doanh nghiệp và các tổ chức, cá nhân khác có liên quan đến hoạt
động kiểm định kỹ thuật an toàn lao động; huấn luyện an toàn, vệ sinh lao động và
quan trắc môi trường lao động.
Điều 3. Giải thích từ ngữ
Trong Nghị định này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:
1. Đối tượng kiểm định là máy, thiết bị, vật tư có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao
động thuộc Danh mục do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành.
2. Người huấn luyện cơ hữu là người huấn luyện an toàn, vệ sinh lao động làm việc
theo hợp đồng có thời hạn từ 12 tháng trở lên hoặc không xác định thời hạn.
3. Nhóm huấn luyện là nhóm các đối tượng huấn luyện có cùng đặc điểm chung về
công việc, yêu cầu về an toàn, vệ sinh lao động và được phân loại theo quy định tại
Nghị định này.
Chương II HOẠT ĐỘNG KIỂM ĐỊNH KỸ THUẬT AN TOÀN LAO ĐỘNG
Điều 4. điều kiện cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động kiểm định kỹ
thuật an toàn lao động
1. Tổ chức là đơn vị sự nghiệp, doanh nghiệp được cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện
hoạt động kiểm định kỹ thuật an toàn lao động phải đáp ứng đủ các điều kiện sau
đây:
a) Được thành lập theo quy định của pháp luật, được phép cung ứng dịch vụ kiểm
định kỹ thuật an toàn lao động.
b) Bảo đảm thiết bị, dụng cụ phục vụ kiểm định cho từng đối tượng thuộc phạm vi
kiểm định, theo yêu cầu tại quy trình kiểm định, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về an
toàn, vệ sinh lao động.
c) Có đủ tài liệu kỹ thuật về từng đối tượng thuộc phạm vi kiểm định theo quy trình
kiểm định.
d) Có ít nhất 02 kiểm định viên làm việc theo hợp đồng từ 12 tháng trở lên thuộc tổ
chức để thực hiện kiểm định đối với mỗi đối tượng thuộc phạm vi đề nghị cấp Giấy
chứng nhận đủ điều kiện hoạt động kiểm định.
đ) Người phụ trách kỹ thuật hoạt động kiểm định của tổ chức phải tốt nghiệp đại học
chuyên ngành kỹ thuật và đã trực tiếp thực hiện việc kiểm định kỹ thuật an toàn lao
động tối thiểu 03 năm.
2. Các thiết bị, tài liệu, nhân lực nêu tại các điểm b, c, d và đ Khoản 1 Điều này chỉ
được sử dụng để làm điều kiện đề nghị cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động
kiểm định kỹ thuật an toàn lao động đối với một tổ chức.
Điều 5. Hồ sơ, thủ tục cấp, gia hạn, cấp lại Giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt
động kiểm định kỹ thuật an toàn lao động
1. Hồ sơ cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động kiểm định kỹ thuật an toàn lao
động bao gồm:
a) Đơn đề nghị cấp Giấy chứng nhận;
b) Bản sao Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp đối với doanh nghiệp hoặc quyết
định thành lập đối với đơn vị sự nghiệp;
c) Danh mục thiết bị, dụng cụ phục vụ kiểm định;
d) Danh mục tài liệu kỹ thuật;
đ) Tài liệu về kiểm định viên bao gồm:
- Bản sao Chứng chỉ kiểm định viên;
- Bản sao hợp đồng làm việc hoặc hợp đồng lao động.
e) Tài liệu về người phụ trách kỹ thuật hoạt động kiểm định bao gồm:
- Bản sao bằng đại học;
- Văn bản chứng minh kinh nghiệm kiểm định.
2. Hồ sơ gia hạn Giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động kiểm định kỹ thuật an toàn
lao động bao gồm:
a) Đơn đề nghị gia hạn Giấy chứng nhận;
b) Giấy chứng nhận đã được cấp;
c) Tài liệu quy định tại các điểm b, c, d, đ và e Khoản 1 Điều này trong trường hợp có
sự thay đổi.
3. Hồ sơ cấp lại Giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động kiểm định kỹ thuật an toàn
lao động được quy định như sau:
a) Đối với trường hợp bổ sung, sửa đổi Giấy chứng nhận, hồ sơ bao gồm:
- Đơn đề nghị bổ sung, sửa đổi Giấy chứng nhận;
- Giấy chứng nhận đã được cấp;
- Tài liệu chứng minh thay đổi về điều kiện cấp Giấy chứng nhận.
b) Đối với Giấy chứng nhận bị mất, hỏng, hồ sơ bao gồm:
- Đơn đề nghị cấp lại Giấy chứng nhận;
- Giấy chứng nhận đã được cấp trong trường hợp bị hỏng.
4. Mẫu các thành phần hồ sơ tại các Khoản 1, 2 và 3 Điều này được quy định tại Phụ
lục Ia ban hành kèm theo Nghị định này.
5. Trình tự, thủ tục cấp, gia hạn, cấp lại Giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động
kiểm định kỹ thuật an toàn lao động được quy định như sau:
a) Tổ chức có nhu cầu cấp, gia hạn, cấp lại Giấy chứng nhận gửi cơ quan có thẩm
quyền theo quy định tại Khoản 1 Điều 6 Nghị định này 01 bộ hồ sơ đăng ký cấp, gia
hạn, cấp lại Giấy chứng nhận; nộp phí thẩm định theo quy định của Bộ Tài chính.
Đối với trường hợp gia hạn, ít nhất 30 ngày trước khi hết thời hạn trong Giấy chứng
nhận, tổ chức gửi hồ sơ đến cơ quan có thẩm quyền theo quy định tại Khoản 1 Điều 6
Nghị định này.
b) Trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ theo quy định, cơ quan có thẩm
quyền có trách nhiệm thẩm định và cấp, gia hạn, cấp lại Giấy chứng nhận; trường hợp
không cấp, gia hạn, cấp lại Giấy chứng nhận thì phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý
do.
Điều 6. Thẩm quyền cấp, gia hạn, cấp lại, thu hồi Giấy chứng nhận đủ điều kiện
hoạt động kiểm định kỹ thuật an toàn lao động
1. Thẩm quyền cấp, gia hạn, cấp lại, thu hồi Giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động
kiểm định kỹ thuật an toàn lao động được quy định tại Phụ lục Ib ban hành kèm theo
Nghị định này.
2. Mẫu Giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động kiểm định kỹ thuật an toàn lao động
theo quy định tại Phụ lục la ban hành kèm theo Nghị định này.
Điều 7. Thời hạn của Giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động kiểm định kỹ
thuật an toàn lao động
1. 05 năm đối với Giấy chứng nhận cấp mới hoặc gia hạn.
2. Trường hợp cấp lại là thời gian còn lại của Giấy chứng nhận đã được cấp.
Điều 8. Thu hồi Giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động kiểm định kỹ thuật an
toàn lao động
Giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động kiểm định kỹ thuật an toàn lao động bị thu
hồi một trong các trường hợp sau đây:
1. Hết thời hạn đình chỉ hoạt động kiểm định mà không khắc phục được các nguyên
nhân bị đình chỉ.
2. Hoạt động kiểm định trong thời gian bị đình chỉ.
3. Giả mạo hoặc khai man các tài liệu trong hồ sơ cấp, gia hạn, cấp lại Giấy chứng
nhận.
Điều 9. Tiêu chuẩn kiểm định viên
1. Có trình độ đại học trở lên, thuộc chuyên ngành kỹ thuật phù hợp với đối tượng
kiểm định;
2. Có đủ sức khỏe đáp ứng yêu cầu công việc;
3. Có ít nhất 02 năm làm kỹ thuật kiểm định hoặc làm công việc thiết kế, sản xuất,
lắp đặt, sửa chữa, vận hành, bảo trì về đối tượng kiểm định;
4. Đã hoàn thành khóa huấn luyện và sát hạch đạt yêu cầu về nghiệp vụ kiểm định kỹ
thuật an toàn lao động với đối tượng kiểm định hoặc có thời gian thực hiện kiểm định
đối tượng kiểm định trên 10 năm tính đến thời điểm Nghị định này có hiệu lực.
Điều 10. Chứng chỉ kiểm định viên
1. Chứng chỉ kiểm định viên được cấp cho cá nhân bảo đảm tiêu chuẩn của kiểm định
viên theo quy định tại Điều 9 Nghị định này.
2. Chứng chỉ kiểm định viên được cơ quan có thẩm quyền cấp lại trong trường hợp
sau đây:
a) Bổ sung, sửa đổi nội dung chứng chỉ kiểm định viên;
b) Chứng chỉ kiểm định viên hết hạn;
c) Chứng chỉ kiểm định viên bị mất hoặc hỏng;
d) Cấp lại sau khi chứng chỉ kiểm định viên bị thu hồi. Chứng chỉ kiểm định viên chỉ
được xem xét cấp lại sau thời hạn ít nhất 06 tháng, kể từ ngày bị thu hồi.
3. Cơ quan có thẩm quyền cấp chứng chỉ kiểm định viên là cơ quan chuyên môn
thuộc các bộ có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động kiểm định
quy định tại Phụ lục Ib ban hành kèm theo Nghị định này; việc cấp chứng chỉ kiểm
định viên được thực hiện theo đối tượng kiểm định thuộc phạm vi quản lý của từng
bộ.
Điều 11. Hồ sơ đề nghị cấp chứng chỉ kiểm định viên
1. Đơn đề nghị cấp chứng chỉ kiểm định viên;
2. Bản sao văn bằng tốt nghiệp đại học của người đề nghị cấp chứng chỉ có chứng
thực hoặc xuất trình bản chính để đối chiếu;
3. Tài liệu chứng minh tiêu chuẩn quy định tại Khoản 3 và 4 Điều 9 Nghị định này;
4. Giấy chứng nhận sức khỏe trong khoảng thời gian 06 tháng, kể từ ngày đề nghị;
5. Bản sao chứng minh nhân dân hoặc hộ chiếu hoặc thẻ căn cước công dân;
6. 02 ảnh màu cỡ 3x4 của người đề nghị cấp chứng chỉ chụp trong khoảng thời gian
06 tháng, kể từ ngày đề nghị.
Điều 12. Hồ sơ cấp lại chứng chỉ kiểm định viên
1. Trường hợp bổ sung, sửa đổi nội dung chứng chỉ kiểm định viên, hồ sơ bao gồm:
a) Đơn đề nghị cấp lại chứng chỉ kiểm định viên;
b) Bản gốc chứng chỉ đã được cấp;
c) Tài liệu chứng minh sự phù hợp của yêu cầu bổ sung, sửa đổi;
d) 02 ảnh màu cỡ 3x4 của người đề nghị cấp lại chứng chỉ chụp trong khoảng thời
gian 6 tháng, kể từ ngày đề nghị.
2. Hồ sơ đề nghị cấp lại chứng chỉ kiểm định viên khi hết hạn bao gồm:
a) Đơn đề nghị cấp lại chứng chỉ kiểm định viên;
b) Bản gốc chứng chỉ đã được cấp;
c) Kết quả sát hạch trước khi cấp lại;
d) Giấy chứng nhận sức khỏe trong khoảng thời gian 06 tháng, kể từ ngày đề nghị.
3. Trường hợp chứng chỉ kiểm định viên bị hỏng hoặc mất, hồ sơ bao gồm:
a) Đơn đề nghị cấp lại chứng chỉ kiểm định viên;
b) Bản sao chứng chỉ kiểm định viên (nếu có) hoặc số hiệu kiểm định viên đã được
cấp;
c) 02 ảnh màu cỡ 3x4 của người đề nghị cấp lại chứng chỉ chụp trong khoảng thời
gian 06 tháng, kể từ ngày đề nghị.
4. Chứng chỉ kiểm định viên bị thu hồi được xem xét để cấp lại, hồ sơ bao gồm:
a) Đơn đề nghị cấp lại chứng chỉ kiểm định viên;
b) Báo cáo việc thực hiện các yêu cầu, kiến nghị của cơ quan có thẩm quyền về khắc
phục sai phạm;
c) Văn bản chứng minh đã hoàn thành khóa huấn luyện và sát hạch đạt yêu cầu về
nghiệp vụ kiểm định kỹ thuật an toàn lao động với đối tượng kiểm định tổ chức sau
thời điểm quyết định thu hồi chứng chỉ có hiệu lực đối với trường hợp quy định tại
các điểm c và đ Khoản 2 Điều 14 Nghị định này;
d) 02 ảnh màu cỡ 3x4 của người đề nghị cấp lại chứng chỉ chụp trong khoảng thời
gian 06 tháng, kể từ ngày đề nghị.
5. Mẫu các thành phần hồ sơ tại Điều 11, các Khoản 1, 2, 3 và 4 Điều này được quy
định tại Phụ lục Ic ban hành kèm theo Nghị định này.
Điều 13. Trình tự cấp, cấp lại và thời hạn của chứng chỉ kiểm định viên
1. Cá nhân có nhu cầu cấp, cấp lại chứng chỉ kiểm định viên lập 01 bộ hồ sơ, gửi cơ
quan có thẩm quyền quy định tại Khoản 3 Điều 10 Nghị định này để đề nghị cấp, cấp
lại chứng chỉ kiểm định viên. Hồ sơ đề nghị cấp chứng chỉ kiểm định viên có thể gửi
cùng với hồ sơ đề nghị cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động kiểm định kỹ
thuật an toàn lao động.
2. Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được đủ hồ sơ theo quy định, cơ
quan có thẩm quyền có trách nhiệm cấp chứng chỉ cho kiểm định viên; trường hợp
không cấp, cấp lại thì phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.
3. Mẫu chứng chỉ kiểm định viên được quy định tại Phụ lục Ic ban hành kèm theo
Nghị định này.
4. Chứng chỉ kiểm định viên có thời hạn là 05 năm.
Điều 14. Quản lý, sử dụng chứng chỉ kiểm định viên
1. Kiểm định viên có trách nhiệm xuất trình chứng chỉ kiểm định viên theo yêu cầu
của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền và với tổ chức, cá nhân có đối tượng đề
nghị được kiểm định; chỉ được kiểm định đối với đối tượng kiểm định trong phạm vi
ghi trên chứng chỉ kiểm định viên.
2. Chứng chỉ kiểm định viên bị thu hồi trong các trường hợp sau đây:
a) Giả mạo hoặc khai man các tài liệu trong hồ sơ cấp, cấp lại chứng chỉ kiểm định
viên;
b) Tự ý tẩy xóa, sửa chữa nội dung chứng chỉ;
c) Không làm việc tại bất kỳ tổ chức kiểm định nào từ 12 tháng trở lên;
d) Kiểm định ngoài phạm vi ghi trên chứng chỉ kiểm định viên;
đ) Thực hiện kiểm định không đúng quy trình kiểm định.
3. Cơ quan có thẩm quyền cấp là cơ quan có thẩm quyền ra quyết định thu hồi chứng
chỉ kiểm định viên.
Điều 15. Trách nhiệm của Tổ chức kiểm định kỹ thuật an toàn lao động
1. Công bố biên bản kiểm định với tổ chức, cá nhân sử dụng các loại máy, thiết bị,
vật tư có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động. Dán tem kiểm định hoặc thể hiện
thông tin kiểm định lên đối tượng kiểm định và cấp cho tổ chức, cá nhân sử dụng đối
tượng kiểm định Giấy chứng nhận kết quả kiểm định (01 bản) chậm nhất sau 05 ngày
làm việc, kể từ ngày công bố biên bản nếu kết quả kiểm định đạt yêu cầu.
2. Trong trường hợp đối tượng kiểm định không đạt yêu cầu và phát hiện đối tượng
có nguy cơ dẫn đến sự cố, tai nạn lao động thì không cấp Giấy chứng nhận kết quả
kiểm định và thông báo cho cơ sở biết để có biện pháp khắc phục.
3. Hằng năm, từ ngày 01 đến ngày 10 tháng 12 báo cáo tình hình hoạt động kiểm
định kỹ thuật an toàn lao động với cơ quan có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận đủ
điều kiện hoạt động kiểm định kỹ thuật an toàn lao động.
4. Đảm bảo độc lập, khách quan trong cung ứng dịch vụ kiểm định.
5. Cử kiểm định viên tham dự các lớp bồi dưỡng nghiệp vụ kiểm định kỹ thuật an
toàn lao động.
6. Nộp Giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động kiểm định kỹ thuật an toàn lao động
và các chứng chỉ kiểm định viên bị thu hồi về cơ quan có thẩm quyền cấp Giấy chứng
nhận đủ điều kiện hoạt động kiểm định kỹ thuật an toàn lao động.
7. Không cung ứng dịch vụ kiểm định trong thời gian bị đình chỉ hoặc bị thu hồi Giấy
chứng nhận đủ điều kiện hoạt động kiểm định kỹ thuật an toàn lao động; không sử
dụng kiểm định viên đang bị thu hồi chứng chỉ kiểm định viên để thực hiện kiểm
định.
8. Mẫu Giấy chứng nhận kết quả kiểm định; mẫu tem kiểm định; mẫu báo cáo tình
hình hoạt động kiểm định được quy định tại Phụ lục Id ban hành kèm theo Nghị định
này.
Điều 16. Trách nhiệm của tổ chức, cá nhân sử dụng các loại máy, thiết bị, vật tư
có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động
1. Lựa chọn tổ chức hoạt động kiểm định kỹ thuật an toàn lao động để kiểm định lần
đầu trước khi đưa vào sử dụng hoặc kiểm định định kỳ trong quá trình sử dụng các
loại máy, thiết bị, vật tư có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động; chỉ được đưa
vào sử dụng các loại máy, thiết bị, vật tư có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động
được kiểm định đạt yêu cầu.
2. Khai báo với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tại địa phương trong khoảng
thời gian 30 ngày trước hoặc sau khi đưa vào sử dụng các loại máy, thiết bị, vật tư có
yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động, trừ pháp luật chuyên ngành có quy định
khác.
3. Lưu giữ hồ sơ kỹ thuật an toàn của đối tượng kiểm định theo quy định tại quy
chuẩn kỹ thuật quốc gia về an toàn, vệ sinh lao động. Trong trường hợp chuyển
nhượng (hoặc cho thuê lại) các đối tượng kiểm định, người bán (hoặc cho thuê lại)
phải bàn giao đầy đủ hồ sơ kỹ thuật an toàn cho người mua (hoặc thuê lại).
4. Tạo điều kiện cho tổ chức kiểm định thực hiện kiểm định, chuẩn bị đầy đủ các tài
liệu kỹ thuật liên quan đến các đối tượng kiểm định để cung cấp cho kiểm định viên
và cử người đại diện chứng kiến quá trình kiểm định.
5. Thực hiện các kiến nghị của tổ chức kiểm định trong việc đảm bảo an toàn trong
quá trình sử dụng các đối tượng kiểm định. Không được tiếp tục sử dụng các đối
tượng kiểm định có kết quả kiểm định không đạt yêu cầu hoặc quá thời hạn kiểm
định.
6. Quản lý, sử dụng, loại bỏ đối tượng kiểm định theo đúng quy định tại các quy
chuẩn kỹ thuật quốc gia về an toàn, vệ sinh lao động và theo hướng dẫn của nhà sản
xuất.
7. Mẫu công văn khai báo sử dụng máy, thiết bị, vật tư có yêu cầu nghiêm ngặt về an
toàn lao động được quy định tại Phụ lục Iđ ban hành kèm theo Nghị định này.
Chương III HOẠT ĐỘNG HUẤN LUYỆN AN TOÀN, VỆ SINH LAO ĐỘNG
Mục 1. ĐỐI TƯỢNG, NỘI DUNG VÀ YÊU CẦU CHUNG TRONG HOẠT
ĐỘNG HUẤN LUYỆN
Điều 17. Đối tượng tham dự khóa huấn luyện an toàn, vệ sinh lao động
Đối tượng tại Điều 14 Luật an toàn, vệ sinh lao động được quy định thành các nhóm
sau đây:
1. Nhóm 1: Người quản lý phụ trách công tác an toàn, vệ sinh lao động bao gồm:
a) Người đứng đầu đơn vị, cơ sở sản xuất, kinh doanh và phòng, ban, chi nhánh trực
thuộc; phụ trách bộ phận sản xuất, kinh doanh, kỹ thuật; quản đốc phân xưởng hoặc
tương đương;
b) Cấp phó của người đứng đầu theo quy định tại điểm a Khoản 1 Điều này được giao
nhiệm vụ phụ trách công tác an toàn, vệ sinh lao động.
2. Nhóm 2: Người làm công tác an toàn, vệ sinh lao động bao gồm:
a) Chuyên trách, bán chuyên trách về an toàn, vệ sinh lao động của cơ sở;
b) Người trực tiếp giám sát về an toàn, vệ sinh lao động tại nơi làm việc.
3. Nhóm 3: Người lao động làm công việc có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn, vệ sinh
lao động là người làm công việc thuộc Danh mục công việc có yêu cầu nghiêm ngặt
về an toàn, vệ sinh lao động do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành.
4. Nhóm 4: Người lao động không thuộc các nhóm theo quy định tại các Khoản 1, 2,
3 và 5 Điều này, bao gồm cả người học nghề, tập nghề, thử việc để làm việc cho
người sử dụng lao động.
5. Nhóm 5: Người làm công tác y tế.
6. Nhóm 6: An toàn, vệ sinh viên theo quy định tại Điều 74 Luật an toàn, vệ sinh lao
động.
Điều 18. Nội dung huấn luyện an toàn, vệ sinh lao động
1. Huấn luyện nhóm 1
a) Hệ thống chính sách, pháp luật về an toàn, vệ sinh lao động;
b) Nghiệp vụ công tác an toàn, vệ sinh lao động bao gồm: Tổ chức bộ máy, quản lý
và thực hiện quy định về an toàn, vệ sinh lao động ở cơ sở; phân định trách nhiệm và
giao quyền hạn về công tác an toàn, vệ sinh lao động; kiến thức cơ bản về yếu tố
nguy hiểm, có hại, biện pháp phòng ngừa, cải thiện điều kiện lao động; văn hóa an
toàn trong sản xuất, kinh doanh.
2. Huấn luyện nhóm 2
a) Hệ thống chính sách, pháp luật về an toàn, vệ sinh lao động;
b) Nghiệp vụ công tác an toàn, vệ sinh lao động: Tổ chức bộ máy, quản lý và thực
hiện quy định về an toàn, vệ sinh lao động ở cơ sở; xây dựng nội quy, quy chế, quy
trình, biện pháp bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động; phân định trách nhiệm và giao
quyền hạn về công tác an toàn, vệ sinh lao động; văn hóa an toàn trong sản xuất, kinh
doanh; kiến thức cơ bản về yếu tố nguy hiểm, có hại, biện pháp phòng ngừa, cải thiện
điều kiện lao động; xây dựng, đôn đốc việc thực hiện kế hoạch an toàn, vệ sinh lao
động hằng năm; phân tích, đánh giá rủi ro và xây dựng kế hoạch ứng cứu khẩn cấp;
xây dựng hệ thống quản lý về an toàn, vệ sinh lao động; nghiệp vụ công tác tự kiểm
tra; công tác Điều tra tai nạn lao động; những yêu cầu của công tác kiểm định, huấn
luyện và quan trắc môi trường lao động; quản lý máy, thiết bị, vật tư, chất có yêu cầu
nghiêm ngặt về an toàn, vệ sinh lao động; hoạt động thông tin, tuyên truyền, huấn
luyện về an toàn, vệ sinh lao động; sơ cấp cứu tai nạn lao động, phòng chống bệnh
nghề nghiệp cho người lao động; công tác thi đua, khen thưởng, kỷ luật, thống kê,
báo cáo công tác an toàn, vệ sinh lao động;
c) Nội dung huấn luyện chuyên ngành: Kiến thức tổng hợp về máy, thiết bị, vật tư,
chất phát sinh yếu tố nguy hiểm, có hại; quy trình làm việc an toàn với máy, thiết bị,
vật tư, chất có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn, vệ sinh lao động.
3. Huấn luyện nhóm 3
a) Hệ thống chính sách, pháp luật về an toàn, vệ sinh lao động;
b) Kiến thức cơ bản về an toàn, vệ sinh lao động: Chính sách, chế độ về an toàn, vệ
sinh lao động đối với người lao động; kiến thức cơ bản về yếu tố nguy hiểm, có hại
tại nơi làm việc và phương pháp cải thiện điều kiện lao động; chức năng, nhiệm vụ
của mạng lưới an toàn, vệ sinh viên; văn hóa an toàn trong sản xuất, kinh doanh; nội
quy an toàn, vệ sinh lao động, biển báo, biển chỉ dẫn an toàn, vệ sinh lao động và sử
dụng thiết bị an toàn, phương tiện bảo vệ cá nhân; nghiệp vụ, kỹ năng sơ cứu tai nạn
lao động, phòng chống bệnh nghề nghiệp;
c) Nội dung huấn luyện chuyên ngành: Kiến thức tổng hợp về máy, thiết bị, vật tư,
chất phát sinh các yếu tố nguy hiểm, có hại và phương pháp phân tích, đánh giá, quản
lý rủi ro liên quan đến công việc có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn, vệ sinh lao động
mà người được huấn luyện đang làm; quy trình làm việc an toàn, vệ sinh lao động; kỹ
thuật an toàn, vệ sinh lao động liên quan đến công việc của người lao động.
4. Huấn luyện nhóm 4
a) Kiến thức cơ bản về an toàn, vệ sinh lao động: Quyền và nghĩa vụ của người sử
dụng lao động, người lao động; chính sách, chế độ về an toàn, vệ sinh lao động đối
với người lao động; kiến thức cơ bản về yếu tố nguy hiểm, có hại tại nơi làm việc và
phương pháp cải thiện điều kiện lao động; chức năng, nhiệm vụ của mạng lưới an
toàn, vệ sinh viên; văn hóa an toàn trong sản xuất, kinh doanh; nội quy an toàn, vệ
sinh lao động, biển báo, biển chỉ dẫn an toàn, vệ sinh lao động và sử dụng các thiết bị
an toàn, phương tiện bảo vệ cá nhân, nghiệp vụ, kỹ năng sơ cứu tai nạn lao động,
phòng chống bệnh nghề nghiệp.
b) Huấn luyện trực tiếp tại nơi làm việc: Quy trình làm việc và yêu cầu cụ thể về an
toàn, vệ sinh lao động tại nơi làm việc.
5. Huấn luyện nhóm 5:
a) Hệ thống chính sách, pháp luật về an toàn, vệ sinh lao động;
b) Nghiệp vụ công tác an toàn, vệ sinh lao động bao gồm: Tổ chức bộ máy, quản lý
và thực hiện quy định về an toàn, vệ sinh lao động ở cơ sở; phân định trách nhiệm và
giao quyền hạn về công tác an toàn, vệ sinh lao động; kiến thức cơ bản về yếu tố
nguy hiểm, có hại, biện pháp phòng ngừa, cải thiện điều kiện lao động; văn hóa an
toàn trong sản xuất, kinh doanh;
c) Huấn luyện cấp Chứng chỉ chứng nhận chuyên môn về y tế lao động: Yếu tố có hại
tại nơi làm việc; tổ chức quan trắc môi trường lao động để đánh giá yếu tố có hại; lập
hồ sơ vệ sinh lao động tại nơi làm việc; các bệnh nghề nghiệp thường gặp và biện
pháp phòng chống; cách tổ chức khám bệnh nghề nghiệp, khám bố trí việc làm,
chuẩn bị hồ sơ giám định bệnh nghề nghiệp; tổ chức và kỹ năng sơ cứu, cấp cứu;
phòng chống dịch bệnh tại nơi làm việc; an toàn thực phẩm; quy trình lấy và lưu mẫu
thực phẩm; tổ chức thực hiện bồi dưỡng hiện vật và dinh dưỡng cho người lao động;
nâng cao sức khỏe nơi làm việc, phòng chống bệnh không lây nhiễm tại nơi làm việc;
kiến thức, kỹ năng, phương pháp xây dựng kế hoạch, phương án, trang bị phương
tiện và điều kiện cần thiết để thực hiện công tác vệ sinh lao động; phương pháp
truyền thông giáo dục về vệ sinh lao động, phòng chống bệnh nghề nghiệp; lập và
quản lý thông tin về vệ sinh lao động, bệnh nghề nghiệp tại nơi làm việc; lập và quản
lý hồ sơ sức khỏe người lao động, hồ sơ sức khỏe của người bị bệnh nghề nghiệp.
Công tác phối hợp với người làm công tác an toàn, vệ sinh lao động hoặc bộ phận
quản lý công tác an toàn, vệ sinh lao động để thực hiện nhiệm vụ liên quan theo quy
định tại Điều 72 Luật an toàn, vệ sinh lao động.
6. Huấn luyện nhóm 6:
Người lao động tham gia mạng lưới an toàn, vệ sinh viên ngoài nội dung huấn luyện
an toàn, vệ sinh lao động theo quy định còn được huấn luyện bổ sung về kỹ năng và
phương pháp hoạt động của an toàn, vệ sinh viên.
Điều 19. Thời gian huấn luyện
Thời gian huấn luyện lần đầu tối thiểu được quy định như sau:
1. Nhóm 1, nhóm 4: Tổng thời gian huấn luyện ít nhất là 16 giờ, bao gồm cả thời gian
kiểm tra.
2. Nhóm 2: Tổng thời gian huấn luyện ít nhất là 48 giờ, bao gồm cả thời gian huấn
luyện lý thuyết, thực hành và kiểm tra.
3. Nhóm 3: Tổng thời gian huấn luyện ít nhất là 24 giờ, bao gồm cả thời gian kiểm
tra.
4. Nhóm 5: Tổng thời gian huấn luyện ít nhất là 56 giờ, bao gồm cả thời gian kiểm
tra. Trong đó, thời gian huấn luyện cấp Chứng chỉ chứng nhận chuyên môn y tế lao
động ít nhất là 40 giờ, nội dung huấn luyện cấp giấy chứng nhận an toàn, vệ sinh lao
động ít nhất là 16 giờ.
5. Nhóm 6: Tổng thời gian huấn luyện ít nhất là 4 giờ ngoài nội dung đã được huấn
luyện về an toàn, vệ sinh lao động.
Điều 20. Chương trình khung và chương trình, tài liệu huấn luyện
1. Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì phối hợp với các bộ, ngành liên quan
ban hành Chương trình khung chi tiết huấn luyện chuyên ngành, đặc thù theo Chương
trình khung huấn luyện quy định tại Phụ lục IV ban hành kèm theo Nghị định này.
2. Tổ chức huấn luyện, doanh nghiệp tự huấn luyện căn cứ chương trình khung huấn
luyện, xây dựng chương trình, tài liệu huấn luyện phù hợp với đặc điểm, điều kiện và
yêu cầu thực tế huấn luyện.
Điều 21. Huấn luyện, bồi dưỡng, cập nhật kiến thức, kỹ năng về an toàn, vệ sinh
lao động và huấn luyện định kỳ
1. Huấn luyện cập nhật kiến thức, kỹ năng về an toàn, vệ sinh lao động theo quy định
tại Khoản 1 Điều 14 Luật an toàn, vệ sinh lao động
Ít nhất 02 năm một lần, kể từ ngày Giấy chứng nhận huấn luyện, Thẻ an toàn có hiệu
lực, người được huấn luyện phải tham dự khóa huấn luyện để ôn lại kiến thức đã
được huấn luyện và cập nhật mới kiến thức, kỹ năng về an toàn, vệ sinh lao động.
Thời gian huấn luyện ít nhất bằng 50% thời gian huấn luyện lần đầu. Người làm công
tác y tế thực hiện việc cập nhật kiến thức theo quy định tại điểm c Khoản 3 Điều 73
Luật an toàn, vệ sinh lao động.
2. Huấn luyện định kỳ theo quy định tại Khoản 4 Điều 14 Luật an toàn, vệ sinh lao
động
Người lao động thuộc nhóm 4 được huấn luyện định kỳ ít nhất mỗi năm 01 lần để ôn
lại kiến thức đã được huấn luyện và cập nhật mới kiến thức, kỹ năng về an toàn, vệ
sinh lao động. Thời gian huấn luyện định kỳ bằng 50% thời gian huấn luyện lần đầu.
3. Huấn luyện khi có sự thay đổi về công việc; thay đổi về thiết bị, công nghệ và huấn
luyện sau thời gian nghỉ làm việc
a) Thay đổi công việc hoặc thay đổi thiết bị, công nghệ: Trước khi giao việc phải
được huấn luyện nội dung về an toàn, vệ sinh lao động phù hợp với công việc mới
hoặc thiết bị, công nghệ mới.
Trường hợp đối tượng đã được huấn luyện trong thời hạn dưới 12 tháng kể từ khi
chuyển sang làm công việc mới hoặc kể từ khi có sự thay đổi thiết bị, công nghệ thì
nội dung huấn luyện lại được miễn phần đã được huấn luyện.
b) Trở lại làm việc sau thời gian nghỉ làm việc
Cơ sở ngừng hoạt động hoặc người lao động nghỉ làm việc từ 06 tháng trở lên thì
trước khi trở lại làm việc, người lao động được huấn luyện lại nội dung như đối với
huấn luyện lần đầu. Thời gian huấn luyện lại bằng 50% thời gian huấn luyện lần đầu.
Mục 2. NGƯỜI HUẤN LUYỆN AN TOÀN, VỆ SINH LAO ĐỘNG
Điều 22. Tiêu chuẩn người huấn luyện an toàn, vệ sinh lao động
Người huấn luyện an toàn, vệ sinh lao động (sau đây gọi tắt là người huấn luyện) phải
đáp ứng các tiêu chuẩn sau:
1. Huấn luyện nội dung hệ thống pháp Luật an toàn, vệ sinh lao động
Người huấn luyện nội dung hệ thống pháp Luật an toàn, vệ sinh lao động là người có
trình độ đại học trở lên, ít nhất 05 năm làm công việc xây dựng chính sách, pháp luật,
quản lý, thanh tra, kiểm tra về an toàn, vệ sinh lao động tại cơ quan có chức năng,
nhiệm vụ liên quan trực tiếp đến công tác an toàn, vệ sinh lao động.
2. Huấn luyện nội dung nghiệp vụ công tác an toàn, vệ sinh lao động và nội dung
kiến thức cơ bản về an toàn, vệ sinh lao động
Người huấn luyện nội dung nghiệp vụ công tác an toàn, vệ sinh lao động và nội dung
kiến thức cơ bản về an toàn, vệ sinh lao động là người có trình độ đại học trở lên
chuyên ngành kỹ thuật và đáp ứng một trong các tiêu chuẩn sau:
a) Có ít nhất 05 năm làm công việc xây dựng chính sách, pháp luật, quản lý, thanh
tra, kiểm tra về an toàn, vệ sinh lao động tại cơ quan có chức năng, nhiệm vụ liên
quan trực tiếp đến công tác an toàn, vệ sinh lao động;
b) Có ít nhất 07 năm làm công việc về an toàn, vệ sinh lao động ở đơn vị sự nghiệp,
doanh nghiệp và phải tham gia khóa huấn luyện về chuyên môn và nghiệp vụ huấn
luyện.
3. Huấn luyện lý thuyết chuyên ngành
Người huấn luyện lý thuyết chuyên ngành là người có trình độ đại học trở lên phù
hợp với chuyên ngành huấn luyện và đáp ứng một trong các tiêu chuẩn sau:
a) Có ít nhất 05 năm làm công việc xây dựng chính sách, pháp luật, quản lý, thanh
tra, kiểm tra về an toàn, vệ sinh lao động tại cơ quan có chức năng, nhiệm vụ liên
quan trực tiếp đến công tác an toàn, vệ sinh lao động;
b) Có ít nhất 05 năm làm công việc có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn, vệ sinh lao
động và tham gia khóa huấn luyện về chuyên môn và nghiệp vụ huấn luyện.
4. Huấn luyện thực hành:
a) Huấn luyện thực hành nhóm 2: Người huấn luyện có trình độ từ cao đẳng trở lên,
phù hợp với chuyên ngành huấn luyện, thông thạo công việc thực hành đối với máy,
thiết bị, hóa chất, công việc được áp dụng thực hành theo chương trình khung huấn
luyện;
b) Huấn luyện thực hành nhóm 3: Người huấn luyện có trình độ trung cấp trở lên phù
hợp với chuyên ngành huấn luyện; có ít nhất 05 năm làm công việc có yêu cầu
nghiêm ngặt về an toàn, vệ sinh lao động, hoặc làm công việc có liên quan đến công
tác an toàn, vệ sinh lao động ở cơ sở phù hợp với công việc huấn luyện;
c) Huấn luyện thực hành nhóm 4: Người huấn luyện có trình độ trung cấp kỹ thuật trở
lên, phù hợp với chuyên ngành huấn luyện hoặc người có thời gian làm việc thực tế ít
nhất 05 năm;
d) Huấn luyện thực hành sơ cứu, cấp cứu tai nạn lao động: Người huấn luyện có trình
độ từ cao đẳng chuyên ngành y trở lên và có ít nhất 3 năm kinh nghiệm trực tiếp tham
gia công tác sơ cứu, cấp cứu hoặc có trình độ bác sĩ;
đ) Người huấn luyện thực hành bảo đảm tiêu chuẩn theo quy định tại các điểm a, b và
c Khoản này, đồng thời phải tham gia khóa huấn luyện về nghiệp vụ huấn luyện an
toàn, vệ sinh lao động hoặc có ít nhất 5 năm làm công việc xây dựng chính sách,
pháp luật, quản lý, thanh tra, kiểm tra về an toàn, vệ sinh lao động tại các cơ quan có
chức năng, nhiệm vụ liên quan trực tiếp đến công tác an toàn, vệ sinh lao động.
5. Huấn luyện nội dung chuyên môn về y tế lao động
Người huấn luyện phải có trình độ bác sĩ trở lên và đáp ứng một trong các tiêu chuẩn
sau:
a) Có ít nhất 05 năm làm công việc xây dựng chính sách, pháp luật, quản lý, thanh
tra, kiểm tra về an toàn, vệ sinh lao động tại cơ quan có chức năng, nhiệm vụ liên
quan trực tiếp đến công tác an toàn, vệ sinh lao động;
b) Có ít nhất 05 năm làm công việc trong lĩnh vực có liên quan đến bệnh nghề
nghiệp, vệ sinh lao động, sơ cứu, cấp cứu, dinh dưỡng, phòng chống dịch, an toàn vệ
sinh thực phẩm.
6. Định kỳ 02 năm, người huấn luyện phải tham dự khóa tập huấn cập nhật kiến thức,
thông tin, chính sách, pháp luật, khoa học, công nghệ về an toàn, vệ sinh lao động ít
nhất một lần; trừ người huấn luyện chuyên môn vệ sinh lao động, y tế lao động, sơ
cứu, cấp cứu tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp.
Điều 23. Xác định thời gian đã làm việc hoặc thời gian đã làm công việc huấn
luyện về an toàn, vệ sinh lao động
1. Cơ quan, đơn vị sự nghiệp, doanh nghiệp, tổ chức khác có trách nhiệm xác nhận
thời gian người lao động đã làm việc hoặc đã làm công việc huấn luyện về an toàn, vệ
sinh lao động tại đơn vị mình.
2. Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội quy định chi tiết Khoản 1 Điều này.
Mục 3. GIẤY CHỨNG NHẬN HUẤN LUYỆN, THẺ AN TOÀN VÀ CHỨNG
CHỈ CHỨNG NHẬN CHUYÊN MÔN VỀ Y TẾ LAO ĐỘNG
Điều 24. Quản lý việc cấp Giấy chứng nhận huấn luyện, Thẻ an toàn, và Chứng
chỉ chứng nhận chuyên môn về y tế lao động
1. Cấp Giấy chứng nhận huấn luyện
a) Tổ chức huấn luyện, doanh nghiệp đủ điều kiện tự huấn luyện cấp Giấy chứng
nhận huấn luyện cho người được huấn luyện thuộc các nhóm 1, 2, 5 và 6 sau khi
kiểm tra, sát hạch đạt yêu cầu;
b) Giấy chứng nhận huấn luyện theo Mẫu số 08 Phụ lục II ban hành kèm theo Nghị
định này.
2. Cấp Thẻ an toàn
a) Người sử dụng lao động cấp Thẻ an toàn cho người được huấn luyện thuộc nhóm 3
sau khi kiểm tra đạt yêu cầu. Tổ chức huấn luyện cấp Thẻ an toàn cho người lao động
làm việc không theo hợp đồng lao động;
b) Thẻ an toàn theo Mẫu số 06 Phụ lục II ban hành kèm theo Nghị định này.
3. Cấp Chứng chỉ chứng nhận chuyên môn về y tế lao động
a) Tổ chức huấn luyện; doanh nghiệp tự huấn luyện; cơ sở y tế bao gồm cơ sở giáo
dục chuyên nghiệp dạy nghề y tế, các cơ sở giáo dục khác có đào tạo mã ngành thuộc
khối ngành khoa học sức khỏe, viện nghiên cứu thuộc hệ y tế dự phòng ở cấp trung
ương có chức năng đào tạo, trung tâm đào tạo nhân lực y tế cấp Chứng chỉ chứng
nhận chuyên môn về y tế lao động cho người được huấn luyện nội dung chuyên môn
về y tế lao động sau khi kiểm tra đạt yêu cầu;
b) Chứng chỉ chứng nhận chuyên môn về y tế lao động theo Mẫu số 07 Phụ lục II ban
hành kèm theo Nghị định này.
4. Sổ theo dõi người thuộc nhóm 4 được huấn luyện
a) Người sử dụng lao động ghi kết quả huấn luyện của người được huấn luyện thuộc
nhóm 4 vào Sổ theo dõi công tác huấn luyện tại cơ sở sản xuất, kinh doanh.
b) Sổ theo dõi công tác huấn luyện theo Mẫu số 11 Phụ lục II ban hành kèm theo
Nghị định này.
5. Tổ chức huấn luyện, doanh nghiệp đủ điều kiện tự huấn luyện và cơ sở sản xuất,
kinh doanh lập sổ theo dõi cấp Giấy chứng nhận huấn luyện, Thẻ an toàn, Chứng chỉ
chứng nhận chuyên môn về y tế lao động; Sổ theo dõi người thuộc nhóm 4 được huấn
luyện theo các mẫu số 09, 10 và 11 Phụ lục II ban hành kèm theo Nghị định này.
Điều 25. Thời hạn cấp, cấp mới Giấy chứng nhận huấn luyện, Thẻ an toàn,
Chứng chỉ chứng nhận chuyên môn về y tế lao động
1. Giấy chứng nhận huấn luyện, Thẻ an toàn có thời hạn 02 năm. Chứng chỉ chứng
nhận chuyên môn về y tế lao động có thời hạn 05 năm.
2. Trong vòng 30 ngày, trước khi Giấy chứng nhận huấn luyện, Thẻ an toàn, Chứng
chỉ chứng nhận chuyên môn về y tế lao động hết hạn, người sử dụng lao động lập
danh sách những người được cấp kèm theo kết quả huấn luyện hoặc giấy tờ chứng
minh việc cập nhật kiến thức, kỹ năng về an toàn, vệ sinh lao động theo quy định tại
Khoản 1 Điều 21 Nghị định này gửi Tổ chức huấn luyện, cơ sở y tế hoặc doanh
nghiệp tự huấn luyện theo quy định tại Điều 26 và Điều 29 Nghị định này. Nếu kết
quả huấn luyện đạt yêu cầu thì được cấp Giấy chứng nhận huấn luyện, Thẻ an toàn,
Chứng chỉ chứng nhận chuyên môn về y tế lao động mới theo quy định tại Nghị định
này.
Mục 4. TỔ CHỨC HUẤN LUYỆN, DOANH NGHIỆP TỰ HUẤN LUYỆN AN
TOÀN, VỆ SINH LAO ĐỘNG
Điều 26. Phân loại tổ chức huấn luyện và điều kiện cấp Giấy chứng nhận đủ điều
kiện hoạt động
1. Tổ chức huấn luyện được phân loại theo đặc điểm, tính chất phức tạp của đối
tượng huấn luyện như sau:
a) Hạng A huấn luyện nhóm 1, 4 và 6;
b) Hạng B huấn luyện nhóm 1, 3, 4 và 6;
c) Hạng C huấn luyện nhóm 1, 2, 3, 4 và 6;
2. Tổ chức được cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động Hạng A bảo đảm điều
kiện sau đây:
a) Có hoặc hợp đồng thuê, liên kết để có trụ sở hợp pháp theo quy định của pháp luật;
b) Có hoặc hợp đồng thuê, liên kết để có ít nhất:
- 02 phòng học lý thuyết; mỗi phòng có diện tích ít nhất từ 30m2 trở lên;
- 01 phòng thực hành được trang bị thiết bị cơ bản phục vụ công tác huấn luyện sơ
cứu, cấp cứu tai nạn lao động.
c) Có ít nhất 05 người huấn luyện cơ hữu huấn luyện nội dung pháp luật, nội dung
nghiệp vụ, trong đó có 01 người huấn luyện sơ cứu, cấp cứu tai nạn lao động;
d) Có chương trình, tài liệu huấn luyện phù hợp với đối tượng huấn luyện và được
xây dựng theo chương trình khung huấn luyện quy định tại Nghị định này;
đ) Người phụ trách huấn luyện phải có trình độ đại học trở lên.
3. Tổ chức được cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động Hạng B bảo đảm điều
kiện sau đây:
a) Bảo đảm điều kiện theo quy định tại Khoản 2 Điều này;
b) Có hoặc hợp đồng thuê, liên kết để có máy, thiết bị, hóa chất, phòng, xưởng, khu
thực hành bảo đảm yêu cầu về an toàn, vệ sinh lao động phù hợp với chuyên ngành
đăng ký huấn luyện; trong đó phòng, xưởng thực hành có diện tích tối thiểu 40 m 2,
khu huấn luyện thực hành có diện tích tối thiểu 300 m2;
c) Có ít nhất 05 người huấn luyện cơ hữu huấn luyện nội dung chuyên ngành, thực
hành; trong đó có ít nhất 03 người huấn luyện chuyên ngành phù hợp với chuyên
ngành đăng ký huấn luyện và 01 người huấn luyện sơ cứu, cấp cứu tai nạn lao động.
4. Tổ chức được cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động Hạng C bảo đảm điều
kiện sau đây:
a) điều kiện quy định tại Khoản 3 Điều này;
b) Có máy, thiết bị tối thiểu phục vụ huấn luyện thực hành chuyên ngành cơ bản
gồm: Thiết bị nâng, thiết bị chịu áp lực, thiết bị thực hành làm việc trong không gian
hạn chế, làm việc trên cao, thiết bị gia công cơ khí, hàn, cắt kim loại, thiết bị thực
hành an toàn điện, thực hành an toàn hóa chất. Máy, thiết bị, vật tư, hóa chất, nơi
huấn luyện thực hành phải bảo đảm yêu cầu về an toàn, vệ sinh lao động theo quy
định của pháp luật; khu huấn luyện thực hành bảo đảm diện tích ít nhất 500m2.
5. Tổ chức huấn luyện, doanh nghiệp tự huấn luyện được huấn luyện đối với nhóm 5
khi bảo đảm điều kiện hoạt động Hạng A hoặc Hạng B hoặc Hạng C theo quy định
tại các Khoản 2, 3 và 4 Điều này và bảo đảm thêm điều kiện sau đây:
a) Ít nhất 5 người huấn luyện có trình độ bác sĩ trở lên và có ít nhất 5 năm kinh
nghiệm trong lĩnh vực có liên quan đến bệnh nghề nghiệp, vệ sinh lao động, sơ cứu,
cấp cứu, dinh dưỡng, phòng chống dịch, an toàn vệ sinh thực phẩm;
b) Đủ trang thiết bị và cơ sở vật chất để phục vụ cho việc huấn luyện lý thuyết, thực
hành theo chương trình học; có trang thiết bị thực hành liên quan đến dinh dưỡng, lấy
mẫu kiểm tra an toàn thực phẩm, sơ cứu, cấp cứu;
c) Có tài liệu huấn luyện về y tế lao động, sơ cứu, cấp cứu theo quy định của Bộ
trưởng Bộ Y tế.
6. Cơ sở y tế theo quy định tại điểm a Khoản 3 Điều 24 Nghị định này bảo đảm điều
kiện theo quy định tại các điểm a, b và c Khoản 5 Điều này được huấn luyện về y tế
lao động; cơ sở y tế từ tuyến huyện trở lên được huấn luyện sơ cứu, cấp cứu cho
người lao động.
7. Hợp đồng thuê, liên kết quy định tại Điều này còn thời hạn ít nhất 05 năm, kể từ
ngày nộp đơn xin cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động và có đăng ký nộp
thuế với cơ quan thuế.
8. Cơ sở vật chất và nhân lực theo quy định tại các Khoản 2, 3, 4 và 5 Điều này chỉ
được sử dụng để làm điều kiện đề nghị cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động
huấn luyện an toàn, vệ sinh lao động đối với một tổ chức.
Điều 27. Thẩm quyền cấp, cấp lại, gia hạn, thu hồi Giấy chứng nhận đủ điều
kiện hoạt động của Tổ chức huấn luyện
1. Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội có
thẩm quyền cấp, cấp lại, gia hạn, thu hồi Giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động của
Tổ chức huấn luyện.
2. Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội có thẩm quyền cấp mới, cấp lại, gia hạn, thu
hồi Giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động đối với các tổ chức huấn luyện sau đây:
a) Tổ chức huấn luyện do các bộ, ngành, cơ quan trung ương, các tập đoàn, tổng công
ty nhà nước thuộc bộ, ngành, cơ quan trung ương quyết định thành lập;
b) Tổ chức huấn luyện Hạng B và C;
c) Tổ chức huấn luyện nhóm 5 theo quy định tại Khoản 5 Điều 26 Nghị định này.
3. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có
thẩm quyền cấp, cấp lại, gia hạn, thu hồi Giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động đối
với Tổ chức huấn luyện. Hạng A do cơ quan có thẩm quyền cấp tỉnh, thành phố trực
thuộc trung ương quyết định thành lập; doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp do địa
phương quản lý.
Điều 28. Hồ sơ, thủ tục cấp mới, cấp lại, gia hạn Giấy chứng nhận đủ điều kiện
hoạt động của Tổ chức huấn luyện, công nhận cơ sở y tế đủ điều kiện huấn luyện
cấp chứng chỉ chứng nhận về y tế lao động
1. Hồ sơ cấp mới Giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động bao gồm:
a) Đơn đề nghị cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động theo Mẫu số 01 Phụ lục
II ban hành kèm theo Nghị định này;
b) Bản thuyết minh về quy mô huấn luyện và các điều kiện, giải pháp thực hiện theo
Mẫu số 02 Phụ lục II ban hành kèm theo Nghị định này;
c) Bản sao Quyết định thành lập hoặc Giấy chứng nhận đầu tư hoặc Giấy chứng nhận
đầu tư đồng thời là Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp đối với doanh nghiệp
thành lập trước ngày 01 tháng 7 năm 2015;
d) Bản sao quyết định bổ nhiệm hoặc giao nhiệm vụ người đứng đầu, người phụ trách
công tác huấn luyện;
đ) Danh mục về cơ sở vật chất; danh sách người quản lý, người huấn luyện kèm theo
hồ sơ, tài liệu sau đây:
- Bản sao có chứng thực hồ sơ, giấy tờ chứng minh đủ điều kiện huấn luyện của
người huấn luyện;
- Bản sao có chứng thực hồ sơ, giấy tờ về cơ sở vật chất liên quan gồm quyết định
giao cơ sở vật chất của cơ quan có thẩm quyền, hợp đồng, hóa đơn mua, giấy tờ cho,
tặng, sang nhượng, mượn hợp pháp; hợp đồng thuê, hợp đồng liên kết huấn luyện
trong trường hợp Tổ chức huấn luyện thuê hoặc liên kết với cơ sở khác để bảo đảm
điều kiện về máy, thiết bị huấn luyện theo quy định tại Điều 26 Nghị định này;
- Chương trình chi tiết, tài liệu huấn luyện an toàn, vệ sinh lao động.
2. Hồ sơ cấp lại Giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động bao gồm:
a) Trường hợp Giấy chứng nhận bị hỏng, mất:
- Văn bản giải trình lý do đề nghị cấp lại;
- Bản sao Giấy chứng nhận đã cấp (nếu có).
b) Trường hợp sửa đổi, bổ sung phạm vi hoạt động:
- Văn bản đề nghị sửa đổi, bổ sung phạm vi hoạt động;
- Giấy chứng nhận đã cấp;
- Hồ sơ, giấy tờ chứng minh năng lực về người huấn luyện, chương trình huấn luyện,
cơ sở vật chất tương ứng với nội dung phạm vi đề nghị bổ sung phạm vi hoạt động.
3. Hồ sơ gia hạn Giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động bao gồm:
- Văn bản đề nghị gia hạn Giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động;
- Hồ sơ, tài liệu quy định tại các điểm c, d và đ Khoản 1 Điều này.
4. Trình tự cấp mới, cấp lại, gia hạn Giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động
a) Tổ chức có nhu cầu cấp mới, cấp lại, gia hạn Giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt
động lập 01 bộ hồ sơ gửi cơ quan có thẩm quyền theo quy định tại Điều 27 Nghị định
này để thẩm định, cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động; nộp phí thẩm định
theo quy định của Bộ Tài chính.
Đối với hồ sơ đề nghị gia hạn, Tổ chức huấn luyện gửi đến cơ quan có thẩm quyền
chậm nhất 30 ngày trước khi hết thời hạn quy định trong Giấy chứng nhận.
b) Trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, cơ quan có thẩm quyền
phải tiến hành thẩm định và cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động. Trường
hợp không cấp thì phải thông báo bằng văn bản cho tổ chức đề nghị và nêu rõ lý do.
5. Trình tự công bố cơ sở y tế đủ điều kiện huấn luyện cấp chứng chỉ chứng nhận về
y tế lao động
a) Trước khi huấn luyện cấp chứng chỉ chứng nhận về y tế lao động, người đứng đầu
cơ sở y tế gửi Bộ Y tế (đối với các tổ chức thuộc quản lý của các Bộ, ngành) hoặc Sở
Y tế (đối với các tổ chức thuộc quản lý của tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương) nơi
tổ chức đặt trụ sở chính hồ sơ đề nghị công bố đủ điều kiện huấn luyện cấp chứng chỉ
chứng nhận về y tế lao động;
Hồ sơ đề nghị gồm văn bản tương tự như Khoản 1 Điều này.
b) Trong thời gian 30 ngày, kể từ ngày tiếp nhận đủ hồ sơ, Bộ Y tế hoặc Sở Y tế công
bố đủ điều kiện huấn luyện cấp chứng chỉ chứng nhận về y tế lao động trên cổng
thông tin điện tử của Bộ Y tế hoặc Sở Y tế. Trường hợp không bảo đảm điều kiện thì
trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.
Điều 29. Doanh nghiệp tự huấn luyện an toàn, vệ sinh lao động
1. Người sử dụng lao động có trách nhiệm tổ chức huấn luyện và tự chịu trách nhiệm
về chất lượng huấn luyện cho người lao động nhóm 4 theo một trong các hình thức
sau đây:
a) Tự tổ chức huấn luyện nếu bảo đảm điều kiện về người huấn luyện theo quy định
tại Nghị định này;
b) Thuê tổ chức huấn luyện.
2. Trình tự xem xét, đánh giá điều kiện hoạt động của doanh nghiệp tự huấn luyện an
toàn; vệ sinh lao động được quy định như sau:
a) Doanh nghiệp có nhu cầu tự huấn luyện an toàn, vệ sinh lao động lập 01 bộ hồ sơ
chứng minh đủ điều kiện hoạt động như đối với Tổ chức huấn luyện, trừ điều kiện
quy định tại điểm a Khoản 2 Điều 26 của Nghị định này, gửi cơ quan có thẩm quyền
theo quy định tại Điều 27 Nghị định này.
b) Trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, cơ quan có thẩm quyền
xem xét, thông báo cho doanh nghiệp về những điều kiện chưa bảo đảm theo quy
định.
Hết thời hạn 30 ngày, cơ quan có thẩm quyền không có thông báo về việc doanh
nghiệp không bảo đảm đủ điều kiện hoạt động huấn luyện thì doanh nghiệp được tự
huấn luyện trong phạm vi đã đề nghị.
c) Sau thời hạn 05 năm, kể từ ngày được đánh giá đủ điều kiện hoạt động tự huấn
luyện, doanh nghiệp gửi hồ sơ tới cơ quan có thẩm quyền để được xem xét, đánh giá
lại điều kiện hoạt động nếu có nhu cầu tiếp tục tự huấn luyện.
Điều 30. Mẫu, thời hạn cấp mới, cấp lại, gia hạn Giấy chứng nhận đủ điều kiện
hoạt động
1. Giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động
a) Giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội
cấp theo Mẫu số 03 Phụ lục II ban hành kèm theo Nghị định này;
b) Giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động do Sở Lao động - Thương binh và Xã hội
cấp theo Mẫu số 04 Phụ lục II ban hành kèm theo Nghị định này.
2. Thời hạn Giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động là 05 năm đối với trường hợp
cấp mới hoặc gia hạn. Trường hợp cấp lại thời hạn là thời gian còn lại của Giấy
chứng nhận đủ điều kiện hoạt động đã được cấp.
Điều 31. Thu hồi Giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động
Giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động bị thu hồi trong các trường hợp sau đây:
1. Hết thời hạn đình chỉ hoạt động huấn luyện hoặc thời hạn tước quyền sử dụng Giấy
chứng nhận đủ điều kiện hoạt động theo quyết định xử phạt của cơ quan có thẩm
quyền mà không khắc phục vi phạm dẫn đến bị xử phạt.
2. Tiến hành hoạt động huấn luyện trong thời gian bị cơ quan có thẩm quyền đình chỉ
hoạt động hoặc tước quyền sử dụng Giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động.
Mục 5. HUẤN LUYỆN CHO NGƯỜI LAO ĐỘNG LÀM VIỆC KHÔNG THEO
HỢP ĐỒNG LAO ĐỘNG
Điều 32. Hỗ trợ huấn luyện người lao động làm công việc có yêu cầu nghiêm
ngặt về an toàn, vệ sinh lao động
1. Đối tượng được ưu tiên hỗ trợ chi phí huấn luyện an toàn, vệ sinh lao động là
người lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, hộ đồng bào dân
tộc thiểu số, người có công với cách mạng và thân nhân chủ yếu của người có công
với cách mạng làm việc không theo hợp đồng lao động khi làm công việc có yêu cầu
nghiêm ngặt về an toàn, vệ sinh lao động.
2. Nguyên tắc hỗ trợ
a) Hỗ trợ chi phí huấn luyện 01 lần đối với 01 công việc có yêu cầu nghiêm ngặt về
an toàn, vệ sinh lao động;
b) Tham gia đầy đủ chương trình huấn luyện và sát hạch đạt yêu cầu, được cấp Thẻ
an toàn;
c) Hỗ trợ trực tiếp cho người lao động hoặc thông qua Tổ chức huấn luyện an toàn,
vệ sinh lao động.
3. Mức hỗ trợ theo chi phí thực tế của khóa huấn luyện an toàn, vệ sinh lao động
nhưng không quá 50% mức lương cơ sở/người/khóa huấn luyện theo quy định của
Chính phủ tại thời điểm huấn luyện.
4. Nguồn kinh phí hỗ trợ được bố trí trong dự toán chi thường xuyên của cơ quan Lao
động - Thương binh và Xã hội theo phân cấp ngân sách nhà nước hiện hành.
5. Cơ quan Lao động - Thương binh và Xã hội các cấp lập dự toán kinh phí hỗ trợ
huấn luyện hằng năm, gửi cơ quan tài chính cùng cấp để trình cấp có thẩm quyền bố
trí kinh phí hỗ trợ huấn luyện cho đối tượng quy định tại Khoản 1 Điều này trong dự
toán ngân sách nhà nước. Việc lập dự toán, phân bổ, giao dự toán, quyết toán kinh
phí hỗ trợ huấn luyện thực hiện theo quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước.
6. Cơ quan Lao động - Thương binh và Xã hội tổ chức huấn luyện an toàn, vệ sinh
lao động cho người lao động trên cơ sở kinh phí được duyệt.
Chương IV HOẠT ĐỘNG QUAN TRẮC MÔI TRƯỜNG LAO ĐỘNG
Mục 1. TỔ CHỨC HOẠT ĐỘNG QUAN TRẮC MÔI TRƯỜNG LAO ĐỘNG
Điều 33. điều kiện của tổ chức hoạt động quan trắc môi trường lao động
Tổ chức hoạt động quan trắc môi trường lao động bảo đảm điều kiện sau đây:
1. Đơn vị sự nghiệp hoặc doanh nghiệp cung ứng dịch vụ quan trắc môi trường lao
động.
2. Có đủ nhân lực thực hiện hoạt động quan trắc môi trường lao động như sau:
a) Người trực tiếp phụ trách quan trắc môi trường lao động có trình độ như sau:
- Trình độ từ đại học trở lên thuộc lĩnh vực y tế, môi trường, hóa sinh;
- Có tối thiểu 02 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực quan trắc môi trường lao động hoặc
05 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực y học dự phòng;
- Có chứng chỉ đào tạo về quan trắc môi trường lao động.
b) Có ít nhất 05 người làm việc theo hợp đồng có thời hạn từ 12 tháng trở lên hoặc
hợp đồng không xác định thời hạn có trình độ như sau:
- Trình độ chuyên môn từ trung cấp trở lên thuộc các lĩnh vực y tế, môi trường, hóa
sinh; trong đó có ít nhất 60% số người có trình độ từ đại học trở lên;
- Có chứng chỉ đào tạo về quan trắc môi trường lao động.
3. Có cơ sở vật chất, trang thiết bị, dụng cụ, hóa chất và năng lực bảo đảm yêu cầu tối
thiểu như sau:
a) Quan trắc yếu tố có hại trong môi trường lao động
- Đo, thử nghiệm, phân tích tại hiện trường và trong phòng thí nghiệm các yếu tố vi
khí hậu, bao gồm: nhiệt độ, độ ẩm, tốc độ gió và bức xạ nhiệt;
- Đo, thử nghiệm, phân tích tại hiện trường và trong phòng thí nghiệm yếu tố vật lý,
bao gồm: ánh sáng, tiếng ồn, rung theo dải tần, phóng xạ, điện từ trường, bức xạ tử
ngoại;
- Đánh giá yếu tố tiếp xúc nghề nghiệp, bao gồm: yếu tố vi sinh vật, gây dị ứng, mẫn
cảm, dung môi;
- Đánh giá gánh nặng lao động và một số chỉ tiêu tâm sinh lý lao động Ec-gô-nô-my:
Đánh giá gánh nặng lao động thể lực; đánh giá căng thẳng thần kinh tâm lý; đánh giá
Ec-gô-nô-my vị trí lao động.
- Lấy mẫu, bảo quản, đo, thử nghiệm tại hiện trường và phân tích trong phòng thí
nghiệm của 70% yếu tố sau đây:
+ Bụi hạt; phân tích hàm lượng silic trong bụi, bụi kim loại, bụi than, bụi talc, bụi
bông và bụi amiăng;
+ Các yếu tố hóa học tối thiểu NOx, SOx, CO, CO2, dung môi hữu cơ (benzen và
đồng đẳng - toluen, xylen), thủy ngân, asen, TNT, nicotin, hóa chất trừ sâu;
b) Có kế hoạch và quy trình bảo quản, sử dụng an toàn, bảo dưỡng và kiểm định, hiệu
chuẩn thiết bị theo quy định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền hoặc quy định của
nhà sản xuất;
c) Có quy trình sử dụng, vận hành thiết bị lấy và bảo quản mẫu, đo, thử nghiệm và
phân tích điều kiện lao động;
d) Có trụ sở làm việc, đủ diện tích để bảo đảm chất lượng công tác quan trắc môi
trường lao động, điều kiện phòng thí nghiệm phải đạt yêu cầu về chất lượng trong
bảo quản, xử lý, phân tích mẫu;
đ) Trang bị đầy đủ phương tiện bảo vệ cá nhân khi thực hiện quan trắc môi trường lao
động;
e) Có biện pháp bảo đảm vệ sinh công nghiệp, an toàn phòng cháy, chữa cháy, an
toàn sinh học, an toàn hóa học và tuân thủ nghiêm ngặt việc thu gom, vận chuyển bảo
quản và xử lý chất thải theo đúng quy định của pháp luật.
Điều 34. Hồ sơ, thủ tục công bố đủ điều kiện thực hiện hoạt động quan trắc môi
trường lao động
1. Hồ sơ công bố đủ điều kiện thực hiện hoạt động quan trắc môi trường lao động
được lập thành 01 bộ gồm các giấy tờ sau:
a) Văn bản đề nghị công bố đủ điều kiện thực hiện hoạt động quan trắc môi trường
lao động của tổ chức theo mẫu quy định tại Mẫu số 01 Phụ lục số III ban hành kèm
theo Nghị định này;
b) Hồ sơ công bố đủ điều kiện quan trắc môi trường lao động theo hướng dẫn quy
định tại Mẫu số 02 Phụ lục số III ban hành kèm theo Nghị định này.
2. Thủ tục công bố đủ điều kiện thực hiện quan trắc môi trường lao động:
a) Trước khi thực hiện quan trắc môi trường lao động, người đứng đầu tổ chức thực
hiện quan trắc môi trường lao động gửi Bộ Y tế (đối với các tổ chức thuộc quản lý
của các Bộ, ngành) hoặc Sở Y tế (đối với các tổ chức thuộc quản lý của tỉnh, thành
phố trực thuộc trung ương) nơi tổ chức đặt trụ sở hồ sơ công bố đủ điều kiện thực
hiện quan trắc môi trường lao động theo quy định tại Khoản 1 Điều này;
b) Trong thời gian 30 ngày, kể từ ngày tiếp nhận hồ sơ, Bộ Y tế hoặc Sở Y tế công bố
đủ điều kiện quan trắc môi trường lao động trên cổng thông tin điện tử của Bộ Y tế
hoặc Sở Y tế. Trường hợp không bảo đảm điều kiện thì trả lời bằng văn bản và nêu rõ
lý do.
c) Hồ sơ công bố đủ điều kiện quan trắc môi trường lao động trực tuyến được quy
định như sau:
- Bảo đảm hồ sơ và nội dung giấy tờ như hồ sơ bằng bản giấy và được chuyển sang
dạng văn bản điện tử. Tên văn bản điện tử phải được đặt tương ứng với tên loại giấy
tờ trong hồ sơ bằng bản giấy;
- Thông tin văn bản đề nghị công bố, hồ sơ công bố phải đầy đủ và chính xác theo
thông tin văn bản điện tử;
- Tổ chức đề nghị công bố đủ điều kiện quan trắc môi trường lao động trực tuyến
phải thực hiện lưu giữ hồ sơ bằng bản giấy.
3. Trong quá trình hoạt động, tổ chức quan trắc môi trường lao động có trách nhiệm
bảo đảm điều kiện đã công bố quy định tại Điều 33 Nghị định này.
4. Tổ chức chỉ được thực hiện quan trắc môi trường lao động sau khi đã được công
bố đủ điều kiện thực hiện quan trắc môi trường lao động quy định tại điểm b Khoản 2
Điều này.
Mục 2. QUY ĐỊNH VỀ HOẠT ĐỘNG QUAN TRẮC MÔI TRƯỜNG LAO
ĐỘNG
Điều 35. Nguyên tắc thực hiện quan trắc môi trường lao động
1. Thực hiện quan trắc đầy đủ yếu tố có hại được liệt kê trong Hồ sơ vệ sinh lao động
do cơ sở lao động lập.
Đối với nghề, công việc nặng nhọc độc hại nguy hiểm và đặc biệt nặng nhọc độc hại
nguy hiểm, khi quan trắc môi trường lao động phải thực hiện đánh giá gánh nặng lao
động và một số chỉ tiêu tâm sinh lý lao động Ec-gô-nô-my quy định tại Khoản 3 Điều
33 Nghị định này.
2. Quan trắc môi trường lao động thực hiện theo đúng kế hoạch đã lập giữa cơ sở lao
động và tổ chức đủ điều kiện thực hiện quan trắc môi trường lao động.
3. Quan trắc môi trường lao động bảo đảm như sau:
a) Thực hiện trong thời gian cơ sở lao động đang tiến hành hoạt động sản xuất, kinh
doanh;
b) Lấy mẫu theo phương pháp lấy mẫu cá nhân và vị trí lấy mẫu được đặt tại vùng có
khả năng ảnh hưởng đến người lao động;
c) Đối với quan trắc môi trường lao động bằng phương pháp phát hiện nhanh khi kết
quả có nghi ngờ, tổ chức quan trắc môi trường lao động lấy mẫu, phân tích bằng
phương pháp phù hợp tại phòng xét nghiệm đủ tiêu chuẩn.
4. Yếu tố có hại cần quan trắc, đánh giá được bổ sung cập nhật trong Hồ sơ vệ sinh
lao động trong trường hợp sau đây:
a) Có thay đổi về quy trình công nghệ, quy trình sản xuất hoặc khi thực hiện cải tạo,
nâng cấp cơ sở lao động mà có nguy cơ phát sinh yếu tố nguy hại mới đối với sức
khỏe người lao động;
b) Tổ chức quan trắc môi trường lao động đề xuất bổ sung khi thực hiện quan trắc
môi trường lao động;
c) Theo yêu cầu của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền.
5. Tổ chức thực hiện quan trắc môi trường lao động được thanh toán chi phí quan trắc
môi trường lao động; đánh giá tiếp xúc nghề nghiệp, báo cáo và phí quản lý do người
sử dụng lao động chi trả theo quy định của pháp luật.
6. Tổ chức quan trắc môi trường lao động báo cáo Bộ Y tế hoặc Sở Y tế về yếu tố có
hại mới được phát hiện, phát sinh tại cơ sở lao động mà chưa có quy định về giới hạn
cho phép.
Điều 36. Căn cứ xây dựng kế hoạch quan trắc môi trường lao động
1. Hồ sơ vệ sinh lao động của cơ sở lao động, quy trình sản xuất kinh doanh và số
lượng người lao động làm việc tại bộ phận có yếu tố có hại để xác định số lượng yếu
tố có hại cần quan trắc, số lượng mẫu cần lấy và vị trí lấy mẫu đối với mỗi yếu tố có
hại.
2. Số người lao động làm nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm và đặc biệt
nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm tại cơ sở lao động.
3. Yếu tố vi sinh vật, dị nguyên, yếu tố gây dị ứng, ung thư và các yếu tố có hại khác
có khả năng gây ảnh hưởng đến sức khỏe người lao động mà chưa được xác định
trong Hồ sơ vệ sinh lao động.
Điều 37. Quy trình thực hiện quan trắc môi trường lao động
1. Trước khi thực hiện quan trắc môi trường lao động, tổ chức quan trắc môi trường
lao động đảm bảo máy móc, thiết bị phục vụ quan trắc môi trường lao động được
hiệu chỉnh, hiệu chuẩn theo đúng quy định của pháp luật.
2. Thực hiện đúng và đầy đủ quy trình quan trắc môi trường lao động đã cam kết.
3. Thông báo trung thực kết quả quan trắc môi trường lao động cho người sử dụng
lao động.
4. Trường hợp kết quả quan trắc môi trường lao động không bảo đảm, cơ sở lao động
thực hiện như sau:
a) Triển khai biện pháp cải thiện điều kiện lao động, giảm thiểu yếu tố có hại và
phòng chống bệnh nghề nghiệp;
b) Tổ chức khám sức khỏe phát hiện sớm bệnh nghề nghiệp và bệnh liên quan đến
nghề nghiệp cho người lao động ở các vị trí có môi trường lao động không đảm bảo;
c) Bồi dưỡng bằng hiện vật cho người lao động theo quy định của pháp luật về lao
động.
Điều 38. Quản lý, lưu trữ kết quả quan trắc môi trường lao động
1. Kết quả quan trắc môi trường lao động lập theo Mẫu số 04 Phụ lục III ban hành
kèm theo Nghị định này và được lập thành 02 bản: 01 bản gửi cơ sở lao động đã ký
hợp đồng thực hiện quan trắc môi trường lao động và 01 bản lưu tại tổ chức thực hiện
quan trắc môi trường lao động.
2. Thời gian lưu giữ kết quả quan trắc môi trường lao động thực hiện theo quy định
của pháp luật.
Chương V TỔ CHỨC THỰC HIỆN
Điều 39. Trách nhiệm của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội
1. Tổ chức thông tin, tuyên truyền, hướng dẫn thực hiện Nghị định này trên các
phương tiện thông tin đại chúng ở trung ương; tổ chức tập huấn, hướng dẫn các bộ,
ngành, địa phương, tổ chức, đoàn thể liên quan trong triển khai thực hiện và thanh
tra, kiểm tra thực hiện Nghị định này.
2. Quy định cụ thể hình thức, nội dung, chương trình và việc tổ chức thực hiện huấn
luyện, bồi dưỡng, sát hạch về chuyên môn và nghiệp vụ huấn luyện của người huấn
luyện an toàn, vệ sinh lao động; việc tập huấn cập nhật thông tin, chính sách, pháp
luật, khoa học, kỹ thuật về an toàn, vệ sinh lao động cho người huấn luyện, người
đứng đầu tổ chức huấn luyện; biện pháp quản lý, triển khai hoạt động huấn luyện an
toàn, vệ sinh lao động.
3. Xây dựng cơ sở dữ liệu về kiểm định kỹ thuật an toàn lao động, huấn luyện an
toàn, vệ sinh lao động.
4. Thực hiện quản lý nhà nước đối với máy, thiết bị, vật tư, chất có yêu cầu nghiêm
ngặt về an toàn, vệ sinh lao động theo thẩm quyền tại Phụ lục Ib ban hành kèm theo
Nghị định này.
5. Quy định cụ thể hình thức, nội dung, chương trình và việc tổ chức thực hiện huấn
luyện, bồi dưỡng, sát hạch nghiệp vụ kiểm định máy, thiết bị, vật tư, chất có yêu cầu
nghiêm ngặt về an toàn, vệ sinh lao động đối với đối tượng kiểm định thuộc thẩm
quyền quản lý; biện pháp quản lý, triển khai hoạt động kiểm định kỹ thuật an toàn lao
động.
6. Cấp mới, gia hạn, cấp lại Giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động kiểm định kỹ
thuật an toàn lao động, Giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động huấn luyện an toàn,
vệ sinh lao động và cấp, cấp lại chứng chỉ kiểm định viên thuộc thẩm quyền quản lý.
Công bố Tổ chức đủ điều kiện hoạt động kiểm định an toàn lao động và Tổ chức đủ
điều kiện hoạt động huấn luyện an toàn, vệ sinh lao động; Tổ chức hoạt động kiểm
định an toàn lao động và Tổ chức hoạt động huấn luyện an toàn, vệ sinh lao động bị
đình chỉ, thu hồi giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động.
7. Hướng dẫn, tổ chức thực hiện chính sách hỗ trợ huấn luyện cho người lao động ở
khu vực không có hợp đồng lao động khi làm công việc có yêu cầu nghiêm ngặt về
an toàn, vệ sinh lao động.
8. Chủ trì, phối hợp tổ chức thanh tra, kiểm tra hằng năm và đột xuất đối với tổ chức
hoạt động kiểm định kỹ thuật an toàn lao động, huấn luyện an toàn, vệ sinh lao động
và công tác kiểm định kỹ thuật an toàn lao động, huấn luyện an toàn vệ sinh lao động,
quan trắc môi trường lao động tại cơ sở sản xuất, kinh doanh.
9. Chủ trì, phối hợp với cơ quan có thẩm quyền giải quyết khiếu nại, tố cáo liên quan
đến hoạt động kiểm định kỹ thuật an toàn lao động, huấn luyện an toàn, vệ sinh lao
động, quan trắc môi trường lao động theo quy định của pháp luật.
10. Hằng năm, hướng dẫn địa phương xây dựng kế hoạch, dự toán nhu cầu kinh phí
hỗ trợ huấn luyện cho người lao động theo quy định tại Điều 32 Nghị định này và
tổng hợp nhu cầu kinh phí gửi Bộ Tài chính để trình cấp có thẩm quyền quyết định
kinh phí hỗ trợ theo quy định pháp luật về ngân sách nhà nước; dự kiến phân bổ kinh
phí hỗ trợ huấn luyện gửi cấp có thẩm quyền quyết định và hướng dẫn tổ chức thực
hiện.
Điều 40. Trách nhiệm của Bộ Y tế
1. Chủ trì quản lý, kiểm tra về công tác cấp Chứng chỉ chứng nhận chuyên môn về y
tế lao động, huấn luyện sơ cứu, cấp cứu tại nơi làm việc; công bố đơn vị y tế đủ điều
kiện cấp chứng chỉ y tế lao động, đơn vị y tế thực hiện huấn luyện sơ cứu, cấp cứu tại
nơi làm việc theo thẩm quyền quản lý.
Chỉ đạo Sở Y tế thực hiện công tác quản lý, kiểm tra công bố đơn vị y tế đủ điều kiện
cấp Chứng chỉ chứng nhận chuyên môn về y tế lao động, đơn vị y tế thực hiện huấn
luyện sơ cứu, cấp cứu tại nơi làm việc trên địa bàn quản lý.
2. Phối hợp với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội xây dựng Chương trình khung
chi tiết huấn luyện về y tế lao động, sơ cứu, cấp cứu tại nơi làm việc, vệ sinh lao
động, bệnh nghề nghiệp.
3. Quy định, tổ chức thực hiện, quản lý hoạt động quan trắc môi trường lao động tại
cơ sở lao động.
4. Xây dựng cơ sở dữ liệu về hoạt động quan trắc môi trường lao động; công bố Tổ
chức quan trắc môi trường lao động đủ điều kiện hoạt động; Tổ chức quan trắc môi
trường bị đình chỉ, bị xử lý hành vi vi phạm hành chính trên trang thông tin điện tử
của Bộ Y tế.
5. Chỉ đạo quan trắc môi trường lao động tại khu công nghiệp, cụm công nghiệp có
nguy cơ cao gây bệnh nghề nghiệp.
6. Phối hợp với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, địa phương thực hiện thanh
tra, kiểm tra hoạt động quan trắc môi trường lao động, huấn luyện về vệ sinh lao
động, huấn luyện sơ cứu, cấp cứu tại nơi làm việc, kiểm định máy, thiết bị, vật tư có
yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động theo thẩm quyền được giao.
7. Phối hợp với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, địa phương tổ chức thông tin,
tuyên truyền, quy định chi tiết Nghị định này.
8. Hằng năm, tổng hợp kết quả hoạt động quan trắc môi trường lao động gửi Bộ Lao
động - Thương binh và Xã hội tổng hợp báo cáo Chính phủ.
Điều 41. Trách nhiệm của Bộ Tài chính
1. Chủ trì, phối hợp với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội tổng hợp nhu cầu kinh
phí hỗ trợ huấn luyện nguồn ngân sách trung ương, căn cứ khả năng cân đối ngân
sách, trình cấp có thẩm quyền quyết định kinh phí hỗ trợ theo quy định pháp luật về
ngân sách nhà nước.
2. Chủ trì, phối hợp với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và các Bộ quản lý
ngành, lĩnh vực quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý, sử dụng phí thẩm định
điều kiện kinh doanh dịch vụ kiểm định kỹ thuật an toàn lao động, phí thẩm định điều
kiện kinh doanh dịch vụ huấn luyện an toàn, vệ sinh lao động.
Điều 42. Trách nhiệm của các bộ quản lý ngành, lĩnh vực
1. Quy định cụ thể hình thức, nội dung, chương trình và việc tổ chức thực hiện huấn
luyện, bồi dưỡng, sát hạch nghiệp vụ kiểm định máy, thiết bị, vật tư, chất có yêu cầu
nghiêm ngặt về an toàn, vệ sinh lao động đối với đối tượng kiểm định thuộc thẩm
quyền quản lý; biện pháp quản lý, triển khai hoạt động kiểm định kỹ thuật an toàn lao
động thuộc thẩm quyền.
2. Phối hợp với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội xây dựng Chương trình khung
chi tiết huấn luyện chuyên ngành.
3. Phối hợp với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Y tế thanh tra, kiểm tra
hoạt động kiểm định kỹ thuật an toàn lao động, huấn luyện an toàn, vệ sinh lao động,
sơ cứu, cấp cứu tại nơi làm việc, quan trắc môi trường lao động.
4. Cấp, gia hạn, cấp lại, thu hồi Giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động kiểm định
kỹ thuật an toàn lao động và cấp, cấp lại chứng chỉ kiểm định viên thuộc thẩm quyền
quản lý.
5. Trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày cấp, gia hạn, cấp lại, thu hồi Giấy chứng nhận
đủ điều kiện hoạt động kiểm định kỹ thuật an toàn lao động, các Bộ thông báo bằng
văn bản cho Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội về tổ chức được cấp, gia hạn, cấp
lại, bị thu hồi.
6. Thực hiện quản lý nhà nước đối với máy, thiết bị, vật tư, chất có yêu cầu nghiêm
ngặt về an toàn, vệ sinh lao động theo thẩm quyền tại Phụ lục Ib ban hành kèm theo
Nghị định này.
7. Trước ngày 25 tháng 12 hằng năm hoặc đột xuất, tổng hợp báo cáo gửi Bộ Lao
động - Thương binh và Xã hội về tình hình hoạt động kiểm định máy, thiết bị, vật tư
có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động thuộc thẩm quyền quản lý.
Điều 43. Trách nhiệm của Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc
Trung ương
1. Quản lý, tổ chức thực hiện công tác kiểm định kỹ thuật an toàn lao động, huấn
luyện an toàn, vệ sinh lao động, quan trắc môi trường lao động trên địa bàn quản lý.
2. Chỉ đạo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Sở Y tế và các ngành liên quan
phối hợp với tổ chức chính trị - xã hội tại địa phương thanh tra, kiểm tra, hướng dẫn
thực hiện công tác kiểm định kỹ thuật an toàn lao động, huấn luyện an toàn, vệ sinh
lao động và quan trắc môi trường lao động.
3. Tổng hợp nhu cầu hỗ trợ huấn luyện cho người lao động làm việc không theo hợp
đồng lao động khi làm công việc có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn, vệ sinh lao động
tại địa phương, trình Hội đồng nhân dân cùng cấp quyết định.
Điều 44. Trách nhiệm của Tổ chức hoạt động kiểm định kỹ thuật an toàn lao
động, Tổ chức huấn luyện an toàn, vệ sinh lao động và Tổ chức quan trắc môi
trường lao động
1. Bảo đảm về điều kiện trong quá trình hoạt động theo quy định của tại Nghị định
này.
2. Trước 15 tháng 12 hằng năm, Tổ chức hoạt động kiểm định kỹ thuật an toàn lao
động báo cáo bằng văn bản kết quả hoạt động về Bộ Lao động - Thương binh và Xã
hội, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội nơi có trụ sở chính và nơi có hoạt động và
cơ quan có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động kiểm định theo
mẫu quy định tại Phụ lục Ic ban hành kèm theo Nghị định này, đồng thời gửi thư điện
tử tới Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội theo địa chỉ
antoanlaodong@molisa.gov.vn.
3. Trước 15 tháng 12 hằng năm, Tổ chức huấn luyện an toàn, vệ sinh lao động, doanh
nghiệp tự huấn luyện an toàn, vệ sinh lao động báo cáo bằng văn bản kết quả hoạt
động về Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và Sở Lao động - Thương binh và Xã
hội nơi có trụ sở chính theo Mẫu số 05 Phụ lục II ban hành kèm theo Nghị định này,
đồng thời gửi thư điện tử tới Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội theo địa chỉ
antoanlaodong@molisa.gov.vn.
4. Trước ngày 15 tháng 12 hằng năm, Tổ chức hoạt động quan trắc môi trường lao
động báo cáo bằng văn bản kết quả hoạt động về Bộ Y tế hoặc Sở Y tế nơi công bố
đủ điều kiện quan trắc môi trường lao động, đồng thời gửi thư điện tử tới Bộ Y tế
theo địa chỉ baocaoytld@moh.gov.vn.
Báo cáo Bộ Y tế hoặc Sở Y tế về yếu tố nguy hại mới được phát hiện, phát sinh tại cơ
sở lao động khi thực hiện quan trắc môi trường lao động, đồng thời đề xuất bổ sung
Hồ sơ vệ sinh lao động của cơ sở lao động.
5. Khi có thay đổi về địa chỉ trụ sở, chi nhánh, Tổ chức hoạt động kiểm định kỹ thuật
an toàn lao động, huấn luyện an toàn, vệ sinh lao động và quan trắc môi trường lao
động thông báo bằng văn bản cho cơ quan có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận đủ
điều kiện hoạt động ít nhất 07 ngày làm việc trước khi thực hiện thay đổi về địa chỉ
trụ sở, chi nhánh.
6. Khi có nhu cầu thay đổi đối tượng kiểm định kỹ thuật an toàn lao động, huấn luyện
an toàn, vệ sinh lao động hoặc quan trắc môi trường lao động, tổ chức có trách nhiệm
đề nghị về việc sửa đổi, bổ sung. Khi chấm dứt hoạt động, Tổ chức hoạt động kiểm
định kỹ thuật an toàn lao động, huấn luyện an toàn, vệ sinh lao động và quan trắc môi
trường lao động phải gửi thông báo tới cơ quan có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận
hoặc công bố đủ điều kiện hoạt động biết.
7. Lưu giữ đầy đủ hồ sơ pháp lý, tài liệu liên quan đến hoạt động kiểm định kỹ thuật
an toàn lao động, huấn luyện an toàn, vệ sinh lao động và quan trắc môi trường lao
động.
8. Định kỳ 02 năm, người đứng đầu Tổ chức huấn luyện an toàn, vệ sinh lao động
phải tham dự khóa tập huấn để cập nhật kiến thức về chính sách, pháp luật, khoa học,
công nghệ do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội tổ chức.
9. Định kỳ 02 năm, người đứng đầu Tổ chức quan trắc môi trường lao động phải
tham dự khóa tập huấn để cập nhật kiến thức về chính sách, pháp luật, khoa học, công
nghệ có liên quan do Bộ Y tế tổ chức.
Điều 45. Trách nhiệm của cơ sở sản xuất, kinh doanh
1. Tổ chức rà soát, phân nhóm đối tượng cần huấn luyện, Danh mục máy, thiết bị, vật
tư có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn, vệ sinh lao động và Danh mục những nơi làm
việc có nguy cơ mất an toàn, vệ sinh lao động; lập kế hoạch và tổ chức kiểm định kỹ
thuật an toàn lao động, huấn luyện an toàn, vệ sinh lao động và quan trắc môi trường
lao động theo quy định của pháp luật. Cập nhật Hồ sơ vệ sinh lao động về nội dung
liên quan đến yếu tố có hại cần thực hiện quan trắc môi trường lao động khi có thay
đổi về quy trình công nghệ, quy trình sản xuất, khi thực hiện cải tạo, nâng cấp cơ sở
lao động có nguy cơ phát sinh yếu tố nguy hại mới đối với sức khỏe người lao động.
2. Xây dựng chương trình, tài liệu huấn luyện chi tiết trên cơ sở chương trình khung
huấn luyện nhóm 4 và tổ chức huấn luyện cho người lao động. Trường hợp cơ sở
không trực tiếp huấn luyện mà thuê tổ chức huấn luyện thì tổ chức huấn luyện có
trách nhiệm xây dựng chương trình, tài liệu huấn luyện, trong đó bắt buộc phải có nội
dung huấn luyện phù hợp với yêu cầu đặc thù của cơ sở sản xuất, kinh doanh.
3. Trước ngày 31 tháng 12 hằng năm, gửi báo cáo về công tác kiểm định kỹ thuật an
toàn lao động, huấn luyện an toàn, vệ sinh lao động và quan trắc môi trường lao động
về cơ quan quản lý nhà nước tại địa phương nơi cơ sở sản xuất, kinh doanh có trụ sở
chính và nơi có người lao động đang làm việc như sau:
a) Báo cáo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội về công tác kiểm định kỹ thuật an
toàn lao động, huấn luyện an toàn, vệ sinh lao động trong báo cáo tình hình thực hiện
công tác an toàn, vệ sinh lao động tại cơ sở;
b) Báo cáo Sở Y tế về việc thực hiện công tác quan trắc môi trường lao động tại cơ
sở.
4. Chi trả đầy đủ tiền lương và bảo đảm quyền lợi khác cho đối tượng thuộc quyền
quản lý trong thời gian tham dự huấn luyện theo quy định của pháp luật.
5. Thanh toán chi phí kiểm định kỹ thuật an toàn lao động, huấn luyện an toàn, vệ
sinh lao động, quan trắc môi trường lao động, đánh giá điều kiện tự huấn luyện an
toàn, vệ sinh lao động và được hạch toán vào chi phí sản xuất, kinh doanh.
6. Trường hợp sử dụng người lao động theo hình thức khoán việc, thông qua nhà
thầu, thuê lại lao động, người sử dụng lao động (trong trường hợp cho thuê lại lao
động là người sử dụng lao động của bên thuê lại lao động) phải chịu trách nhiệm tổ
chức huấn luyện an toàn, vệ sinh lao động cho người lao động theo quy định tại Nghị
định này.
7. Lưu giữ hồ sơ, tài liệu gồm: Hồ sơ, kết quả kiểm định máy, thiết bị có yêu cầu
nghiêm ngặt về an toàn, vệ sinh lao động; chương trình huấn luyện chi tiết, tài liệu
huấn luyện, danh sách người được huấn luyện, kết quả kiểm tra, sát hạch, bản sao
giấy tờ chứng minh đủ điều kiện của người huấn luyện; hồ sơ, kết quả quan trắc môi
trường lao động.
Chương VI ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH
Điều 46. Quy định chuyển tiếp
1. Tổ chức hoạt động kiểm định kỹ thuật an toàn lao động, huấn luyện an toàn, vệ
sinh lao động đã được cấp Giấy chứng nhận hoặc công nhận đủ điều kiện hoạt động
trước ngày Nghị định này có hiệu lực tiếp tục hoạt động cho đến hết thời hạn hoạt
động đã được công nhận. Khi thực hiện kiểm định, huấn luyện phải bảo đảm điều
kiện quy định tại Nghị định này.
2. Chứng chỉ Kiểm định viên, Giấy chứng nhận giảng viên huấn luyện, Chứng nhận,
Chứng chỉ huấn luyện đã cấp trước ngày Nghị định này có hiệu lực có giá trị đến khi
hết hạn.
3. Hoạt động huấn luyện an toàn, vệ sinh lao động thuộc chương trình, dự án của Nhà
nước hoặc của tổ chức quốc tế tại Việt Nam bảo đảm điều kiện tổ chức huấn luyện
theo quy định tại Nghị định này, người tham dự huấn luyện được cấp Giấy chứng
nhận huấn luyện, thẻ an toàn hoặc công nhận kết quả huấn luyện theo quy định tại
Nghị định này.
4. Tổ chức, đơn vị đã hoạt động đo, kiểm tra môi trường lao động trước ngày Nghị
định này có hiệu lực được tiếp tục hoạt động nhưng phải hoàn thành việc công bố đủ
điều kiện quan trắc môi trường lao động trước ngày 01 tháng 7 năm 2017.
Điều 47. Hiệu lực thi hành
1. Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01 tháng 7 năm 2016.
2. Nội dung quy định về hoạt động kiểm định kỹ thuật an toàn lao động tại các Điều
15, 16, 17, 18, 19, 20, 21, 22, 23 và 24 mục 3; hoạt động huấn luyện an toàn lao
động, vệ sinh lao động quy định tại điểm d Khoản 1 Điều 25 Nghị định số
45/2013/NĐ-CP ngày 10 tháng 5 năm 2013 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng
dẫn thi hành một số Điều của Bộ luật Lao động về thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ
ngơi và an toàn lao động, vệ sinh lao động hết hiệu lực thi hành kể từ ngày Nghị định
này có hiệu lực.
3. Hoạt động kiểm định kỹ thuật an toàn lao động, huấn luyện an toàn, vệ sinh lao
động và quan trắc môi trường lao động trong lĩnh vực an ninh, quốc phòng được áp
dụng quy định tại Nghị định này, trừ trường hợp văn bản quy phạm pháp luật thuộc
lĩnh vực này có quy định khác.
4. Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban
nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao có trách
nhiệm triển khai thực hiện Nghị định này./.
PHỤ LỤC KÈM THEO TM. CHÍNH PHỦ
THỦ TƯỚNG

Nguyễn Xuân Phúc


THÔNG TƯ Số: 53/2016/TT-BLĐTBXH ngày 28 tháng 12 năm 2016 BAN
HÀNH DANH MỤC CÁC LOẠI MÁY, THIẾT BỊ, VẬT TƯ, CHẤT CÓ YÊU
CẦU NGHIÊM NGẶT VỀ AN TOÀN, VỆ SINH LAO ĐỘNG
Căn cứ Luật an toàn, vệ sinh lao động số 84/2015/QH13 ngày 25 tháng 6 năm 2015;
Căn cứ Nghị định số 44/2016-NĐ-CP ngày 15 tháng 5 năm 2016 của Chính phủ quy
định chi tiết một số điều của Luật an toàn, vệ sinh lao động về hoạt động kiểm định
kỹ thuật an toàn lao động, huấn luyện an toàn, vệ sinh lao động và quan trắc môi
trường lao động;
Căn cứ Nghị định số 106/2012/NĐ-CP ngày 20 tháng 12 năm 2012 của Chính phủ
quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Lao động -
Thương binh và Xã hội;
Theo đề nghị của Cục trưởng Cục An toàn lao động;
Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành Thông tư Ban hành Danh
mục các loại máy, thiết bị, vật tư, chất có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn, vệ sinh lao
động.
Điều 1. Danh mục các loại máy, thiết bị, vật tư, chất có yêu cầu nghiêm ngặt về
an toàn, vệ sinh lao động
Ban hành kèm theo Thông tư này Danh mục các loại máy, thiết bị, vật tư, chất có yêu
cầu nghiêm ngặt về an toàn, vệ sinh lao động.
Điều 2. Tổ chức thực hiện
1. Căn cứ vào tình hình phát triển kinh tế - xã hội và yêu cầu quản lý nhà nước, các
Bộ theo thẩm quyền quản lý đối với máy, thiết bị, vật tư, chất có yêu cầu nghiêm ngặt
về an toàn, vệ sinh lao động quy định tại Điều 33 Luật an toàn vệ sinh lao động khi
có đề nghị sửa đổi, bổ sung Danh mục thì gửi công văn về Bộ Lao động - Thương
binh và Xã hội, với các nội dung sau:
- Tên máy, thiết bị, vật tư, chất cần sửa đổi, bổ sung vào Danh mục, bao gồm cả tên
khoa học và tên giao dịch thương mại (nếu có);
- Đánh giá sự cần thiết, tính khả thi, tác động của việc sửa đổi, bổ sung các loại máy,
thiết bị, vật tư, chất vào Danh mục (kèm theo dự thảo các quy trình kiểm định, nếu
có).
2. Cục An toàn lao động, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội có trách nhiệm tổng
hợp, báo cáo Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội các đề xuất, sửa đổi, bổ sung
Danh mục các loại máy, thiết bị, vật tư, chất có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn, vệ
sinh lao động của các Bộ theo quy định.
3. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương
có trách nhiệm phối hợp với các cơ quan liên quan phổ biến, hướng dẫn thực hiện
Thông tư này tới các doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức, hợp tác xã, hộ gia đình và cá
nhân có sử dụng máy, thiết bị, vật tư, chất có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn, vệ sinh
lao động trên địa bàn; tổng hợp, báo cáo Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội hàng
năm về tình hình thực hiện Thông tư này cùng với báo cáo tình hình thực hiện công
tác an toàn lao động, vệ sinh lao động trên địa bàn.
Điều 3. Hiệu lực thi hành
1. Thông tư này có hiệu lực kể từ ngày 12 tháng 02 năm 2017.
2. Thông tư số 05/2014/TT-BLĐTBXH ngày 06 tháng 3 năm 2014 của Bộ Lao động
- Thương binh và Xã hội về việc ban hành danh mục máy, thiết bị, vật tư có yêu cầu
nghiêm ngặt về an toàn lao động hết hiệu lực kể từ ngày Thông tư này có hiệu lực.
3. Trong quá trình thực hiện, nếu có vướng mắc, các cơ quan, tổ chức, cá nhân kịp
thời phản ánh bằng văn bản về Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội để xem xét,
giải quyết./.
 
KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG

Doãn Mậu Diệp


 
DANH MỤC
CÁC LOẠI MÁY, THIẾT BỊ, VẬT TƯ, CHẤT CÓ YÊU CẦU NGHIÊM
NGẶT VỀ AN TOÀN, VỆ SINH LAO ĐỘNG
(Ban hành kèm theo Thông tư số 53/2016/TT-BLĐTBXH ngày 28 tháng 12 năm
2016 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội)
STT MÁY, THIẾT BỊ, VẬT TƯ, CHẤT CÓ YÊU CẦU NGHIÊM NGẶT VỀ
AN TOÀN, VỆ SINH LAO ĐỘNG
Mục I Các loại máy, thiết bị, vật tư có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động
1 Nồi hơi các loại (bao gồm cả bộ quá nhiệt và bộ hâm nước) có áp suất làm
việc định mức của hơi trên 0,7 bar; nồi đun nước nóng có nhiệt độ môi chất
trên 115°C.
2 Nồi gia nhiệt dầu.
3 Hệ thống đường ống dẫn hơi nước, nước nóng cấp I và II có đường kính ngoài
từ 51mm trở lên, các đường ống dẫn cấp III và cấp IV có đường kính ngoài từ
76mm trở lên theo phân loại tại Tiêu chuẩn Việt Nam TCVN 6158:1996 và
TCVN 6159:1996.
4 Các bình chịu áp lực có áp suất làm việc định mức cao hơn 0,7 bar (không kể
áp suất thủy tĩnh) theo phân loại tại Tiêu chuẩn Việt Nam TCVN 8366:2010
và các bình chịu áp lực có áp suất làm việc định mức trên 210 bar.
5 Bồn, bể (xi téc), thùng dùng để chứa, chuyên chở khí hóa lỏng, khí dầu mỏ
hóa lỏng, khí thiên nhiên nén hoặc các chất lỏng có áp suất làm việc cao hơn
0,7 bar hoặc chất lỏng hay chất rắn dạng bột không có áp suất nhưng khi tháo
ra dùng khí có áp suất cao hơn 0,7 bar theo phân loại tại Tiêu chuẩn Việt Nam
TCVN 8366:2010.
6 Các loại chai dùng để chứa, chuyên chở khí nén, khí hóa lỏng, khí thiên nhiên
nén, khí dầu mỏ hóa lỏng, khí hòa tan có áp suất làm việc cao hơn 0,7 bar.
7 Hệ thống cung cấp, hệ thống điều chế, hệ thống nạp khí nén, khí hóa lỏng, khí
dầu mỏ hóa lỏng, khí hòa tan.
8 Hệ thống đường ống dẫn khí đốt cố định, đường ống, dẫn khí đốt trên biển;
Hệ thống đường ống dẫn khí y tế.
9 Hệ thống lạnh các loại theo phân loại tại Tiêu chuẩn Việt Nam TCVN
6104:2015, trừ hệ thống lạnh có môi chất làm việc bằng nước, không khí; hệ
thống lạnh có lượng môi chất nạp vào nhỏ hơn 5kg đối với môi chất làm lạnh
thuộc nhóm 1, nhỏ hơn 2,5kg đối với môi chất lạnh thuộc nhóm 2, không giới
hạn lượng môi chất nạp đối với môi chất lạnh thuộc nhóm 3.
10 Cần trục các loại: cần trục ô tô, cần trục bánh hơi, cần trục bánh xích, cần trục
tháp, cần trục đường sắt, cần trục chân đế.
11 Cầu trục các loại: Cầu trục lăn, cầu trục treo.
12 Cổng trục các loại: Cổng trục, bán cổng trục.
13 Trục cáp chở hàng; Trục cáp chở người; Trục cáp trong các máy thi công, trục
tải giếng nghiêng, trục tải giếng đứng.
14 Pa lăng điện; Palăng kéo tay có tải trọng nâng từ 1.000kg trở lên.
15 Xe tời điện chạy trên ray.
16 Tời điện dùng để nâng tải, kéo tải theo phương nghiêng; bàn nâng; sàn nâng;
sàn nâng dùng để nâng người làm việc trên cao; tời nâng người làm việc trên
cao.
17 Tời tay có tải trọng nâng từ 1.000kg trở lên.
18 Xe nâng hàng dùng động cơ có tải trọng nâng từ 1.000kg trở lên.
19 Xe nâng người: Xe nâng người tự hành, xe nâng người sử dụng cơ cấu truyền
động thủy lực, xích truyền động bằng tay nâng người lên cao quá 2m.
20 Máy vận thăng nâng hàng; máy vận thăng nâng hàng kèm người; máy vận
thăng nâng người; máy vận thăng sử dụng trong thi công xây dựng.
21 Thang máy các loại.
22 Thang cuốn; băng tải chở người.
23 Sàn biểu diễn di động.
24 Các thiết bị trò chơi: tàu lượn, đu quay, máng trượt mang theo người lên cao
từ 2m trở lên, tốc độ di chuyển của người từ 3m/s so với sàn cố định trừ các
phương tiện thi đấu thể thao.
25 Hệ thống cáp treo chở người.
26 Tời, trục tải có tải trọng nâng từ 1.000kg trở lên sử dụng trong khai thác hầm
lò.
27 Cột chống thủy lực đơn, giá khung di động và dàn chống tự hành cấu tạo từ
các cột chống thủy lực đơn sử dụng trong việc chống giữ lò trong khai thác
hầm lò.
28 Động cơ đốt trong (thể tích Cac-te trên 0,6 m3 hoặc đường kính xi lanh trên
200mm).
29 Máy biến áp phòng nổ.
30 Động cơ điện phòng nổ.
31 Thiết bị phân phối, đóng cắt phòng nổ (khởi động từ, khởi động mềm,
Aptomat, máy cắt điện tự động, biến tần, rơ le dòng điện rò).
32 Thiết bị điều khiển phòng nổ (bảng điều khiển, hộp nút nhấn).
33 Máy phát điện phòng nổ.
34 Cáp điện phòng nổ.
35 Đèn chiếu sáng phòng nổ.
36 Máy nổ mìn điện.
37 Hệ thống cốp pha trượt.
38 Hệ thống cốp pha leo.
39 Hệ giàn thép ván khuôn trượt.
40 Máy khoan, máy ép cọc, đóng cọc chuyên dùng có hệ thống tời nâng.
41 Máy bơm bê tông.
42 Máy thi công công trình hầm, ngầm: Máy và thiết bị trong các công nghệ đào
hở; máy và thiết bị trong các công nghệ đào kín; máy thi công tuyến ngầm
bằng công nghệ khiên và tổ hợp khiên; máy làm bê tông công trình ngầm.
43 Hệ giàn giáo thép; thanh, cột chống tổ hợp.
44 Sàn treo nâng người sử dụng trong thi công xây dựng.
45 Đài phát thanh có công suất phát cực đại từ 150W trở lên.
46 Đài truyền hình có công suất phát cực đại từ 150W trở lên.
Mục IICác loại máy, thiết bị, vật tư có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động
đặc thù quân sự
1 Các loại thuốc nổ.
2 Phương tiện nổ (kíp nổ, dây nổ, dây cháy chậm,...).
3 Cáp và cáp quang cẩu bộ thiết bị 3f-24.40; 3f-24.50; ƃFMИ 468929.058.
4 Quang cẩu bộ thiết bị 3f-10.36-04.
5 Thiết bị thử tải 8E088.
6 Thiết bị MC-35004/Bộ thiết bị MC-35030.
7 Bộ xe nâng chuyển tên lửa K350-110.
8 Trạm sấy và làm lạnh YXHC f55-70MЭ.
9 Giá đỡ tháo dỡ K350-60.
10 Đòn gánh cẩu K350-14-01.
11 Hệ thống chai, mạng đường ống dẫn Nitơ.
12 Hệ thống trạm, mạng tồn trữ, chiết nạp, điều chế Nitơ lỏng-khí có độ tinh
khiết cao đến 98%.
13 Bình khí Nitơ xe bệ phóng 9Õ-117M.
14 Bộ cáp cẩu công ten nơ tên lửa.
15 Thanh cẩu tên lửa P-15UÕY9513-0.
16 Cáp cẩu công ten nơ tên lửa; động cơ phóng Õ9510-10A; đầu đạn Õ9590-0;
đầu đạn trong hòm C1.42-00.
17 Máy nén khí ДK-9M và ЭK-9.
18 Thiết bị an định thuốc phóng, thuốc nổ (Thiết bị an định Linter; thiết bị an
định Hecxozen; thiết bị an định Nitro Xelulo (NC).
19 Thiết bị phản ứng thuộc dây chuyền sản xuất thuốc phóng, thuốc nổ (thiết bị
tạo NitroGlyxerin (NG); thiết bị tạo NitroXelulo (NC); Thiết bị tạo
Dinitrotoluen (DNT); thiết bị chế tạo axít Tetraxen; thiết bị chế tạo axít
Stipnat chì).
20 Thiết bị chịu áp lực chứa nguyên liệu chế tạo vật liệu nổ (thùng áp suất vận
chuyển Na2CO3; thùng áp suất vận chuyển DNT; thùng áp suất vận chuyển
Na2SO4; thùng áp suất vận chuyển Na2SO3.
21 Thiết bị nhồi, nén thuốc nổ thuộc dây truyền sản xuất thuốc phóng, thuốc nổ:
Thiết bị bằng cơ khí (máy nén tinh, máy nén 10 vị trí); thiết bị bằng thủy lực
(máy nén thủy lực, thiết bị nén thuốc hạt lửa, máy ép thuốc đen).
22 Thiết bị hỗn lô thuốc phóng, thuốc nổ được dây truyền thuốc phóng, thuốc nổ:
Thiết bị trộn thùng quay (máy trộn thuốc dây dẫn nổ, máy nghiền trộn thuốc
đen 3 phần, máy nghiền trộn Amonit, máy trộn bột tan với thuốc); thiết bị trộn
dạng lắc (máy sang thuốc TEN, máy khử bụi chọn hạt thuốc đen, máy tạo hạt
thuốc đen, máy sàng thuốc gợi nổ); thiết bị trộn dạng cánh đảo (máy trộn
thuốc hỗn hợp, máy trộn hỗn hợp thuốc nổ ướt, máy trộn gôm với thuốc).
23 Thiết bị lắp ráp, rung xóc đạn, hạt lửa: Máy thử chấn động; máy thử va đập;
máy rút, tóp đạn; thiết bị tháo ngòi và ống đuôi đạn B40.
24 Máy đánh rỉ đạn.
25 Thiết bị kẹp đạn bằng khí nén.
26 Buồng tăng, giảm áp suất; bình lọc khí cao áp; buồng áp suất sử dụng trong
huấn luyện và điều dưỡng cho đặc công nước.
27 Trạm khí nén YKC; VZ20/350; trạm ôxy AKZC 75M; trạm Azốt UGZCIA.
28 Cần trục các loại dùng: Nâng hạ ngư lôi, tên lửa, nâng hạ xuồng trên tàu, đảo.
29 Xà cẩu đạn tên lửa.
30 Hệ thống nâng hạ bộ cầu phà PMP (tời để nâng hạ).
31 Thiết bị nâng hạ bom, đạn (Palăng điện; Pa lăng kéo tay có trọng tải nâng từ
500 kg trở lên).
32 Tời điện, tời thủ công dùng để nâng tải, kéo tải trong các xưởng sản xuất
thuốc phóng, thuốc nổ.
33 Xe nâng bom, đạn.
34 Xe cẩu ghế dù.
 
 
THÔNG TƯ Số: 13/2016/TT-BLĐTBXH ngày 16 tháng 6 năm 2016 BAN
HÀNH DANH MỤC CÔNG VIỆC CÓ YÊU CẦU NGHIÊM NGẶT VỀ AN
TOÀN, VỆ SINH LAO ĐỘNG
Căn cứ Luật an toàn, vệ sinh lao động số 84/2015/QH13 ngày 25 tháng 6 năm 2015;
Căn cứ Nghị định số 106/2012/NĐ-CP ngày 20 tháng 12 năm 2012 của Chính phủ
quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Lao động -
Thương binh và Xã hội;
Theo đề nghị của Cục trưởng Cục An toàn lao động,
Sau khi có ý kiến của các bộ quản lý ngành, lĩnh vực có liên quan, Bộ trưởng Bộ Lao
động - Thương binh và Xã hội ban hành Thông tư ban hành Danh Mục công việc có
yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn, vệ sinh lao động.
Điều 1. Danh Mục công việc có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn, vệ sinh lao động
1. Ban hành kèm theo Thông tư này Danh Mục công việc có yêu cầu nghiêm ngặt về
an toàn, vệ sinh lao động.
2. Thông tư này áp dụng đối với các đối tượng quy định tại Điều 2 Luật an toàn, vệ
sinh lao động trừ đối tượng là người lao động Việt Nam đi làm việc tại nước ngoài
theo hợp đồng.
Điều 2. Điều Khoản thi hành
1. Thông tư này có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 8 năm 2016. Danh Mục công việc có
yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn, vệ sinh lao động ban hành kèm theo Thông tư này
thay thế Danh Mục công việc có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động, vệ sinh
lao động ban hành kèm theo Thông tư số 27/2013/TT-BLĐTBXH ngày 18 tháng 10
năm 2013 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội.
2. Danh Mục công việc có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động, vệ sinh lao động
ban hành kèm theo Thông tư số 27/2013/TT-BLĐTBXH ngày 18 tháng 10 năm 2013
của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội tiếp tục thực hiện đến ngày 31 tháng 7
năm 2016.
3. Trong quá trình thực hiện, nếu có vướng mắc đề nghị phản ánh về Bộ Lao động -
Thương binh và Xã hội để nghiên cứu, giải quyết./.
 
  KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG

Doãn Mậu Diệp


 
PHỤ LỤC DANH MỤC CÔNG VIỆC CÓ YÊU CẦU NGHIÊM NGẶT VỀ AN
TOÀN, VỆ SINH LAO ĐỘNG
(Ban hành kèm theo Thông tư số 13/2016/TT-BLĐTBXH ngày 16 tháng 6 năm 2016
của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội)
1. Chế tạo, lắp ráp, vận hành, bảo dưỡng, sửa chữa, tháo dỡ, kiểm tra, kiểm định kỹ
thuật an toàn lao động, giám sát hoạt động máy, thiết bị thuộc Danh Mục máy, thiết
bị, vật tư, chất có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn, vệ sinh lao động do Bộ Lao động -
Thương binh và Xã hội ban hành.
2. Trực tiếp sản xuất, sử dụng, bảo quản, vận chuyển hóa chất nguy hiểm, độc hại
theo phân loại của Hệ thống hài hòa toàn cầu về phân loại và ghi nhãn hóa chất.
3. Thử nghiệm, sản xuất, sử dụng, bảo quản, vận chuyển các loại thuốc nổ và phương
tiện nổ (kíp, dây nổ, dây cháy chậm...).
4. Vận hành, bảo dưỡng, sửa chữa, tháo dỡ, kiểm tra, giám sát hoạt động máy, thiết bị
sử dụng trong thi công xây dựng gồm: máy đóng cọc, máy ép cọc, khoan cọc nhồi,
búa máy, tàu hoặc máy hút bùn, máy bơm; máy phun hoặc bơm vữa, trộn vữa, bê
tông; trạm nghiền, sang vật liệu xây dựng; máy xúc, đào, ủi, gạt, lu, đầm rung, san;
các loại kích thủy lực; vận hành xe tự đổ có tải trọng trên 5 tấn.
5. Lắp ráp, vận hành, sửa chữa, bảo dưỡng, vệ sinh các loại máy mài, cưa, máy phay,
máy bào, máy tiện, uốn, xẻ, cắt, xé chặt, đột, dập, đục, đập, tạo hình, nạp liệu, ra liệu,
nghiền, xay, trộn, cán, ly tâm, sấy, sàng, sàng tuyển, ép, xeo, chấn tôn, tráng, cuộn,
bóc vỏ, đóng bao, đánh bóng, băng chuyền, băng tải, súng bắn nước, súng khí nén;
máy in công nghiệp.
6. Làm khuôn đúc, luyện, cán, đúc, tẩy rửa, mạ, đánh bóng kim loại, làm sạch bề mặt
kim loại; các công việc luyện quặng, luyện cốc; làm các công việc ở khu vực lò quay
sản xuất xi măng, lò nung hoặc buồng đốt vật liệu chịu lửa, vật liệu xây dựng, luyện
đất đèn; vận hành, sửa chữa, kiểm tra, giám sát, cấp liệu, ra sản phẩm, phế thải các lò
thiêu, lò nung, lò luyện.
7. Các công việc làm việc trên cao cách mặt bằng làm việc từ 2 mét trở lên, trên sàn
công tác di động, nơi cheo leo nguy hiểm.
8. Các công việc trên sông, trên biển, lặn dưới nước.
9. Chế tạo, vận hành, sửa chữa, bảo dưỡng, kiểm tra máy, thiết bị trong hang hầm,
hầm tàu, phương tiện thủy.
10. Các công việc làm việc có tiếp xúc bức xạ ion hóa.
11. Các công việc có tiếp xúc điện từ trường tần số cao ở dải tần số từ 30 GHz tới
300 GHz.
12. Các công việc làm việc ở các nơi thiếu dưỡng khí hoặc có khả năng phát sinh các
khí độc như hầm, đường hầm, bể, giếng, đường cống và các công trình ngầm, các
công trình xử lý nước thải, rác thải.
13. Các công việc làm vệ sinh công nghiệp, vệ sinh môi trường, vệ sinh chuồng trại.
14. Khảo sát địa chất, địa hình, thực địa biển, địa vật lý; Khảo sát, thăm dò, khai thác
khoáng sản, khai thác dầu khí; Chế tạo, sử dụng, vận hành, bảo dưỡng, sửa chữa các
công trình, thiết bị, hóa chất, dung dịch dùng trong lĩnh vực khai thác khoáng sản,
khai thác dầu khí, các sản phẩm của dầu khí trên biển và trên đất liền.
15. Các công việc trực tiếp thi công xây dựng công trình gồm xây dựng và lắp đặt
thiết bị đối với công trình xây dựng mới; sửa chữa, cải tạo, di rời, tu bổ, phục hồi; phá
dỡ công trình; bảo hành, bảo trì công trình xây dựng.
16. Các công việc làm về thi công, lắp đặt, vận hành, bảo dưỡng, sửa chữa thiết bị
điện; thi công, lắp đặt, vận hành, bảo dưỡng, sửa chữa hệ thống điện.
17. Các công việc làm về hàn, cắt kim loại./.

You might also like