You are on page 1of 162

LỜI CAM ĐOAN

Tôi xin cam đoan đây là công trình nghiên cứu của riêng tôi. Tất cả
những vấn đề được trình bày và giải quyết; những kết luận trong luận án
đều chưa được công bố trong bất kỳ công trình nào khác.

Tác giả luận án

NGUYỄN THỊ TỐ NINH


MỤC LỤC

MỤC LỤC.........................................................................................................................2
MỞ ĐẦU

0.1. Lý do chọn đề tài


Khái niệm hàm ý cùng lý thuyết hàm ngôn hội thoại của H.P. Grice
được đánh giá là một bước tiến quan trọng của ngôn ngữ học, mới ra đời
cách đây non nửa thế kỷ. Tuy nhiên, việc sử dụng hàm ý để chuyển tải
những thông tin mà vì một số lý do nhất định, người ta không tiện hoặc
không nên nói thẳng ra là một hiện tượng bình thường trong thực tế, hẳn đã
có ngay từ những cuộc giao tiếp đầu tiên trong xã hội văn minh. Trong các
công trình của mình, H.P. Grice nhận xét: trong giao tiếp, nhiều khi chúng
ta “nói điều này nhưng thật ra muốn nói một điều khác”. Đồng tình với ý
kiến này, Hoàng Phê – người đầu tiên giới thiệu và vận dụng lý thuyết của
H.P. Grice vào nghiên cứu tiếng Việt, bổ sung: “Hằng ngày sử dụng ngôn
ngữ, lắm khi chúng ta nói một điều này, nhưng lại muốn cho người nghe từ
đó hiểu ra một điều khác, hoặc hiểu thêm một điều khác nữa” [58, 93].
Thậm chí, ông cho rằng: “Khi một lời nói có hàm ngôn thì ý hàm ngôn
thường là quan trọng, thậm chí, có khi hiển ngôn chỉ là dùng để nói hàm
ngôn, ý hàm ngôn là ý chính” [58, 93]. W.A. Davis (2005) cũng khẳng
định vai trò của việc nghiên cứu loại nghĩa hàm ẩn này trong ngôn ngữ học:
“Hàm ngôn hội thoại đã trở thành một trong những chủ đề chính của ngữ
dụng học.”
Không chỉ có tác dụng trong giao tiếp hằng ngày, hàm ý còn có giá trị
sử dụng rất lớn trong các hoạt động chính trị, ngoại giao và sáng tác văn
học. Bởi vậy, từ khi có những phát hiện của H.P. Grice, đặc biệt là từ sau
khi ông hoàn thiện và công bố chúng trong tập bài giảng ở Đại học Harvard
(1967), cuốn Logic và hội thoại (1975) và bài báo Ghi chú thêm về logic và
hội thoại (1978), giới nghiên cứu đã tập trung khai thác rất nhiều vấn đề
xung quanh khái niệm hàm ý, các loại hàm ý và phương thức biểu thị hàm
ý. Tuy nhiên, vấn đề phân loại hàm ý chưa đạt được sự thống nhất cao giữa
các nhà nghiên cứu, việc xem xét phương thức biểu thị hàm ý chủ yếu giới
hạn ở việc sử dụng một số biểu thức ngôn ngữ (tạo hàm ý ngôn ngữ) và
một số biện pháp vi phạm phương châm giao tiếp (tạo hàm ý hội thoại).
Đặc biệt, việc nghiên cứu hàm ý trong sáng tác văn học chưa được đầu tư
thỏa đáng nên kết quả chưa có chiều sâu. Phần lớn các nhà văn, nhà nghiên
1
cứu, phê bình văn học mới dừng ở việc khai thác các chi tiết, hình tượng
nghệ thuật từ kinh nghiệm cá nhân. Ngược lại, phần lớn các nhà ngôn ngữ
học tự bằng lòng giới hạn nghiên cứu của mình trong phạm vi ngôn ngữ
học đơn thuần, chưa làm rõ được mối quan hệ giữa những kiến giải của lý
thuyết hàm ngôn hội thoại với lĩnh vực văn học.
Tình hình trên đòi hỏi phải tiếp tục làm rõ hơn những vấn đề chưa có sự
thống nhất cao, chưa có điều kiện đi sâu để góp phần phát triển nhận thức
chung về hàm ý, phương thức biểu thị hàm ý và khả năng ứng dụng những
kiến giải này vào thực tế. Đó là lý do thúc đẩy chúng tôi thực hiện đề tài
luận án Hàm ý và phương thúc biểu thị hàm ý trong tiếng Việt.
0.2. Tổng quan tình hình nghiên cứu
0.2.1. Về khái niệm hàm ý
Khái niệm “hàm ngôn hội thoại” được Herbert Paul Grice “thai
nghén” từ cuối những năm 50 của thế kỷ XX rồi hoàn thiện trong phác thảo
thuyết hàm ngôn mà ông đưa vào tập bài giảng William James khi đang
giảng dạy tại Đại học Harvard năm 1967. Ngay từ đầu, các vấn đề về hàm
ngôn trong tập bài giảng William James đã có ảnh hưởng rất lớn nhưng có
lẽ phải một thời gian, sau khi cuốn Logic và hội thoại (1975) và bài báo
Ghi chú thêm về logic và hội thoại (1978) ra đời thì thuyết hàm ngôn hội
thoại của Grice mới thực sự trở thành “một trong những chuyên luận kinh
điển” của ngữ dụng học.
Phần lớn công trình Logic và hội thoại của Grice tập trung vào việc
làm rõ sự khác biệt (về mặt trực giác) giữa “cái được diễn tả bằng lời”
trong câu nói và “cái được gợi ý” (hoặc nói bóng gió) trong câu nói. Để chỉ
“cái được gợi ý” này, Grice (1975; 1978) đã sử dụng các thuật ngữ mới là
“hàm ý” (implicate) và “hàm ngôn” (implicature); đồng thời, ông xem phần
được mã hóa ngôn ngữ của phát ngôn là “cái được nói đến”. Ông cho rằng,
tổng số “cái được nói đến trong câu” và “cái được hàm ý” trong cùng một
câu nói đó được gọi là “các ý nghĩa biểu hiện của một phát ngôn” [96].
Phát hiện của Grice đã mở ra một trào lưu mới trong nghiên cứu ngôn
ngữ. W.A. Davis (2005) khẳng định: “Hàm ngôn hội thoại đã trở thành một
trong những chủ đề chính của ngữ dụng học.”
Cho đến nay, có thể nói các công trình nghiên cứu ngữ dụng học đã
đạt được quan niệm thống nhất về hàm ý như sau:
2
(1) Hàm ý là phần nghĩa hàm ẩn (nghĩa hàm ngôn) không được thể
hiện trên bề mặt câu chữ của phát ngôn nhưng được suy ra từ nghĩa tường
minh (nghĩa hiển ngôn) và hoàn cảnh giao tiếp.
Quan niệm này không chỉ được thể hiện trong các tác phẩm của Grice
mà còn được thể hiện rõ trong những tài liệu vận dụng lý thuyết của ông
như các công trình của O. Ducrot (1972), G. Yule (1997), Hoàng Phê
(1989), Nguyễn Đức Dân (1996), Hồ Lê (1996), Cao Xuân Hạo (1998),
Nguyễn Thiện Giáp (2000), Đỗ Hữu Châu (2005),… Chẳng hạn, O. Ducrot
quan niệm: “Thực chất của hàm ngôn là nói mà coi như không nói, nghĩa là
nói một cái gì đó mà không vì thế nhận trách nhiệm là đã có nói, có nghĩa
là vừa có hiệu lực nói năng vừa có sự vô can trong im lặng” (Dẫn theo [58;
98 – 100]); Hồ Lê (1996) viết: “Hàm ý là tất cả những ý nghĩa, tình thái
hàm ẩn mà người phát ngôn ký thác vào phát ngôn nhưng nằm ngoài ý
nghĩa hiển hiện của phát ngôn, trong đó có việc biểu thị những sở chỉ khác
với những sở chỉ mà hiển nghĩa của phát ngôn biểu thị” [44; 335]; Nguyễn
Thiện Giáp (2000) thì giải thích: “Hàm ý chính là những gì người nghe
phải tự suy ra qua phát ngôn, để hiểu đúng và đầy đủ ý nghĩa của phát ngôn
đó” [19; 136].
(2) Hàm ý là phần có giá trị thông tin thuộc nghĩa hàm ẩn, đối lập với
tiền giả định (TGĐ) là phần không có giá trị thông tin.
H.P.Grice (1975) phân biệt nghĩa hàm ẩn tự nhiên (natural meaning)
với nghĩa hàm ẩn không tự nhiên (non-natural meaning). O. Ducrot thống
nhất với quan niệm của Grice nhưng thể hiện sự phân biệt đó bằng các
thuật ngữ “hàm ngôn” và “tiền giả định” (TGĐ). Ông coi TGĐ là một hình
thức hàm ngôn quan trọng, là hàm ngôn nằm trực tiếp trong bản thân
“nghĩa từ ngữ” của lời (Dẫn theo [58; 98]).
Ở Việt Nam, các nhà nghiên cứu đều có chung quan niệm: TGĐ là
loại nghĩa hàm ẩn nhưng là nghĩa hàm ẩn không có giá trị thông báo [10];
[12]; [26]; [58]. Theo các tác giả, sự đối lập giữa “cái đã biết” và “cái mới”
theo phân đoạn thực tại câu sẽ cho phép vạch ra một sự đối lập khác, rộng
hơn, trong cấu trúc ngữ nghĩa của lời; đó là sự đối lập giữa phần không có
giá trị thông báo (gồm có TGĐ và cái đã biết trong hiển ngôn) và phần có
giá trị thông báo (gồm cái mới trong hiển ngôn cùng với hàm ngôn). Vì
vậy, nếu coi TGĐ là hàm ngôn (tức là phần có giá trị thông báo) sẽ “không
3
thể thấy được mối quan hệ có tính quy luật hết sức quan trọng giữa TGĐ,
hiển ngôn và hàm ngôn, mối quan hệ chi phối nội dung của hàm ngôn” [58;
99].
Mặc dù đã đạt được sự thống nhất cơ bản như trên, giữa các nhà
nghiên cứu vẫn còn những khác biệt tương đối lớn và có thể coi đây là
những điểm chưa rõ trong lý thuyết hàm ngôn hội thoại, cần được tiếp tục
nghiên cứu thêm.
Sự khác nhau trước hết là cách dùng thuật ngữ. Khi nghiên cứu thuyết
hàm ngôn hội thoại của Grice cũng như vận dụng nó vào việc tìm hiểu một
vấn đề ngôn ngữ cụ thể, hầu hết các nhà nghiên cứu đều sử dụng thống
nhất thuật ngữ “hàm ý” (implicate) với tư cách động từ và thuật ngữ “hàm
ngôn” (implicature) với tư cách danh từ. Có thể thấy rõ điều này qua một
số phân tích, nhận xét, đánh giá và kết quả nghiên cứu của các nhà ngữ
dụng học như: Harnish (1976), Leech (1983), J. Lyons(1995) W.A. Davis
(1998), (2005), Kent Bach (2005),… Chẳng hạn, trong một nghiên cứu về
hàm ngôn, Harnish (1976) cho rằng câu Bill và Tom di chuyển cái đàn
“hàm ý” (implicates) một cách chung chung rằng “Bill và Tom chuyển cái
đàn cùng với nhau”. Tương tự, Leech (1983: 91) “lưu ý rằng John làm đứt
tay ai đó hàm ý “John không tự cắt vào tay mình” […] Nhưng một lời
khẳng định tương tự như John làm gãy tay thì không thể hàm ý sai (fails to
implicate) là “John không làm gãy tay mình”. Ngược lại, nó hàm ý rằng
“John đã làm gãy tay mình” (Dẫn theo[96]).
Ngoài các thuật ngữ trên, nhiều nhà nghiên cứu còn dùng động từ to
imply thay cho implicate (hàm ý). Chẳng hạn, Jenny Thomas (1995), đã
chứng minh phần nào “sự năng động” giữa hai động từ này: “Học thuyết
của Grice được xây dựng nhằm giải thích quá trình mà bằng cách nào đó,
người nghe đi từ lớp ý 1 đến lớp ý 2, từ điều được nói tới điều được hàm ý
(what is implied)” [144; 60]; hay: “Có hai điều mà chúng ta cần ghi nhớ.
Thứ nhất là, người nói có thể hàm ý (imply) điều mà người ấy biết là không
đúng và người nghe có thể hiểu chính xác điều người nói hàm ý (what a
speaker has implied) mà không nhất thiết tin vào nó. Thứ hai là, thuyết của
Grice cố gắng lý giải quá trình người ta đi từ lớp ý được diễn đạt tới lớp ý
được hàm ý (implied). Nhiều người hiểu lầm công trình của Grice do thực
tế là người ta cứ cho rằng ông đang lý giải cách thức hình thành suy luận,
4
hơn là việc hàm ngôn được tạo ra và hiểu như thế nào” [144; 61). Khi đặt
vấn đề phân biệt các khái niệm “muốn nói”, “nói” và “hàm ý”, các tác giả
Adrian Akmajian, Richard A. Demers, Ann K. Farmer và Robert M.
Harnish (1997) đã viết: “Như chúng ta đã thấy, người nói có thể muốn
truyền đạt nhiều hơn cái mà họ nói. Một loại giao tiếp đặc biệt và thú vị đã
được khảo sát bởi Grice dưới tên gọi hàm ngôn hội thoại (conversational
implicature), gọi như thế là do cái được ám chỉ (what is implied) hay như
Grice thích nói là được hàm ý (implicated)) đã được hàm ý nhờ vào sự việc
người nói và người nghe đang hợp tác đóng góp vào cuộc đàm thoại...” [93;
381).
Trong một số công trình, kể cả công trình của Grice (1975), “hàm ý”
còn được dùng như một danh từ, với hai biến thể “implicating” và
“implication”, trong đó “implication” được sử dụng nhiều hơn cả.
Ở Việt Nam, trong các công trình ngữ dụng học, có tình trạng cùng
một hiện tượng được gọi bằng những thuật ngữ khác nhau và ngược lại,
cùng một thuật ngữ lại được hiểu theo những nội dung khác nhau, phản ảnh
quan niệm rộng, hẹp khác nhau ở mỗi nhà nghiên cứu. Chẳng hạn, thuật
ngữ “hàm ý” được dịch và hiểu tương đương với thuật ngữ “hàm ngôn”
trong ngôn ngữ học nước ngoài nhưng trong nghiên cứu, mỗi tác giả lại đặt
cho loại nghĩa hàm ẩn này một tên gọi khác nhau như: “hàm ngôn”, “ẩn ý”,
“ngụ ý”, “dụng ý”, “hiểu ngầm”, “ám chỉ”,… Có thể thấy rõ điều này qua
các công trình của các tác giả tiên phong trong lĩnh vực ngữ dụng học ở
Việt Nam như Nguyễn Đức Dân (1987), Hoàng Phê (1989), Đỗ Hữu Châu
(2003),…
Cùng với những khác biệt trong sử dụng thuật ngữ, các nhà nghiên
cứu ngữ dụng học còn thể hiện quan niệm khác nhau về phạm vi của hàm
ý. Phần đông các tác giả có xu hướng giới hạn hàm ý ở nghĩa miêu tả
(nghĩa mệnh đề) [10]; [12]; [19]; [26]; [58], chỉ có một số ít tác giả cho
rằng nghĩa tình thái cũng có thể là hàm ý ([31]; [44]).
H.P.Grice và nhiều tác giả nước ngoài theo học thuyết của ông như
Horn (1989), Levinson (1983; 1987b; 2000), George Yule (1997),… hay
một số tác giả theo lý thuyết về tính quan yếu như D. Sperber& D. Wilson
(1995), Carston (2002) và các nhà nghiên cứu ở Việt Nam như Hoàng Phê,
Đỗ Hữu Châu, Nguyễn Đức Dân,… đều thống nhất dựa vào mức độ phụ
5
thuộc vào hoàn cảnh giao tiếp để phân biệt hai loại hàm ý là hàm ý quy ước
và hàm ý hội thoại. Tuy nhiên, theo cách phân loại này, ranh giới giữa
TGĐ, dẫn ý với hàm ý quy ước cũng vẫn còn là vấn đề gây tranh luận trong
các thuyết giao tiếp Hậu Grice và Tân Grice [96]; [130]; [133],… Bên cạnh
đó, sự phân biệt hàm ý quy ước với hàm ý hội thoại tuy rất quan trọng
nhưng vẫn chưa phản ánh được đầy đủ các khía cạnh rất phong phú của
hiện tượng hàm ý trong hoạt động giao tiếp ngôn ngữ của con người. Một
tác giả Việt Nam là Hồ Lê đã đề xuất phân loại hàm ý theo khu vực tình
thái mà người nói ký gửi vào phát ngôn [44; 139 – 143], nhưng theo chúng
tôi, ranh giới của các loại hàm ý trong cách phân loại này rất mờ nhạt,
khiến người học khó nhận diện đối tượng.
0.2.2. Về phương thức biểu thị hàm ý
Theo nhiều công trình nghiên cứu ngữ dụng học, hàm ý được biểu thị
bằng hai phương thức sau:
a) Vi phạm quy tắc ngữ dụng hay quy tắc hội thoại
Hầu hết, các nhà nghiên cứu đều dựa vào các quy tắc ngữ dụng (quy
tắc chiếu vật, chỉ xuất, quy tắc chi phối các hành vi ngôn ngữ…) và các quy
tắc hội thoại – đặc biệt là nguyên tắc cộng tác (cooperative principle) của
H.P.Grice và lý thuyết quan yếu (relevance theory) của D. Sperber và D.
Wilson – làm cơ sở để khái quát phương thức biểu thị hàm ý. Các tác giả
cho rằng: sự vi phạm các nguyên tắc giao tiếp của H.P. Grice và lý thuyết
quan yếu của D. Sperber và D. Wilson là một phương thức hữu hiệu nhất
để tạo hàm ý hội thoại. Chẳng hạn, Đỗ Hữu Châu (2005) coi “hàm ý là các
hành vi ngôn ngữ không được điều khiển đúng quy tắc giao tiếp”; Cao
Xuân Hạo (1998) coi hàm ý là “sản phẩm” của “sự cố tình vi phạm các
nguyên tắc hội thoại”.
b) Sử dụng một số phương tiện từ ngữ và cấu trúc phát ngôn
Việc sử dụng một số phương tiện ngôn ngữ mang tính chất đặc thù
(như: liên từ, phó từ chỉ thời, thể, các động từ tình thái, các cấu trúc phát
ngôn đặc thù…) cũng được các tác giả coi là phương thức biểu thị hàm ý
(hàm ý quy ước). Chẳng hạn, dùng liên từ “và” để nối hai sự tình (mệnh
đề) trong phát ngôn sẽ mang lại cho phát ngôn hàm ý về quan hệ nhân -
quả; dùng phó từ “đi” trong một số trường hợp sẽ biểu thị hàm ý: sự thay
đổi trạng thái của sự vật nằm ngoài mong muốn của người nói [31; 267-
6
272]; dùng một số động từ tình thái trong những điều kiện, hoàn cảnh nhất
định có thể tạo cho câu nói hàm ý “các hành động hay quá trình ấy có diễn
ra thật” hay “hành động hay quá trình ấy không diễn ra” [26; 521 – 533]
hay “câu có chủ đề tương phản, nó có thể mang hàm ý phận cực đảo
(reversed polarity implicature)” (thuật ngữ của Chungmin Lee)” [31; 201].
Hai phương thức biểu thị hàm ý nói trên được khẳng định trong hầu
hết các công trình nghiên cứu về hàm ý. Tuy vậy, các tác giả mới dừng ở
sự trình bày khái quát với một số ví dụ đơn giản. Chắc chắn là nhận thức
này sẽ phải được phát triển với những phân tích sâu hơn, cụ thể hơn.
0.3. Tính thời sự của đề tài
Từ cuối thế kỷ XX, ngôn ngữ học đã chuyển hẳn sang nghiên cứu về
hoạt động của các đơn vị ngôn ngữ trong giao tiếp mà một trong những
trọng tâm là ngữ nghĩa ngữ dụng của các đơn vị này, vì nói như Whorf thì
“thực chất của ngôn ngữ học chính là tìm hiểu nghĩa”([Dẫn theo[58, 94]).
Đến bây giờ, hầu như không có công trình nào về nghĩa chỉ giới hạn phạm
vi nghiên cứu ở hệ thống tĩnh về nghĩa của từ như trước mà không bàn về
nghĩa của từ trong hoạt động giao tiếp, nghĩa của câu/phát ngôn và những
vấn đề ngữ dụng học khác như diễn ngôn, hành vi ngôn ngữ, phương châm
giao tiếp …
Nghiên cứu về hàm ý và các phương thức biểu thị hàm ý là đề tài nằm
trong xu hướng trên. Thực hiện đề tài này, người nghiên cứu có điều kiện
tìm hiểu mối quan hệ giữa hàm ý với các khái niệm khác về nghĩa của
câu/phát ngôn vốn được xác định trên những bình diện phân tích khác như
nghĩa mệnh đề/nghĩa tình thái, chủ đề/thuật đề,… Điều này nói lên tính thời
sự của đề tài.
0.4. Ý nghĩa khoa học và thực tiễn của đề tài
0.4.1. Về phương diện lý luận, đề tài là cơ hội để làm sáng tỏ thêm
những đặc trưng cơ bản của hàm ý trên cả hai phương diện khái niệm và
phương thức biểu thị; góp phần vào việc nghiên cứu quy tắc chung của
giao tiếp – một trong những vấn đề mà ngữ dụng học đặc biệt quan tâm.
0.4.2. Về phương diện thực tiễn, kết quả nghiên cứu của đề tài có thể
được sử dụng để bổ sung cho giáo trình ở bậc đại học, sách giáo khoa ở
trường phổ thông, góp phần hướng dẫn người nói, người viết nâng cao chất
lượng sử dụng ngôn ngữ trong giao tiếp hằng ngày và giúp người đọc có
7
phương pháp tiếp nhận tác phẩm văn học một cách chắc chắn hơn, khoa
học hơn. Kết quả của đề tài cũng có thể là gợi ý cho công việc của những
người sáng tác.
0.5. Đối tượng, phạm vi và nhiệm vụ nghiên cứu
Đối tượng nghiên cứu của luận án này là hàm ý và phương thức biểu thị
hàm ý trong tiếng Việt. Phạm vi nghiên cứu là các hình thức diễn ngôn
khác nhau, từ những cuộc thoại (đối thoại, đơn thoại) đến văn bản, bao gồm
các văn bản báo chí và nghệ thuật. Vì vậy, đơn vị mà chúng tôi dựa vào đó
tìm hiểu đối tượng nghiên cứu không chỉ là đoạn thoại trực tiếp có chứa từ
hoặc phát ngôn thuộc kiểu được xét – phát ngôn có hàm ý, mà còn là các
chi tiết nghệ thuật trong tác phẩm văn chương.
Nhiệm vụ nghiên cứu của luận án là:
- Hệ thống hóa và phát triển các vấn đề lý luận hữu quan về phát ngôn,
cơ cấu nghĩa của phát ngôn, khái niệm hàm ý, ranh giới và mối quan hệ của
hàm ý với các loại nghĩa khác của phát ngôn trong hoạt động giao tiếp trên
cơ sở tư liệu tiếng Việt và những kết quả nghiên cứu mới của giới nghiên
cứu.
- Phân loại hàm ý từ nhiều bình diện khác nhau.
- Hệ thống hóa và bổ sung các phương thức tạo hàm ý trực tiếp, hàm ý
gián tiếp trong tiếng Việt.
0.6. Phương pháp nghiên cứu và nguồn tư liệu
0.6.1. Phương pháp nghiên cứu
Phương pháp nghiên cứu chủ yếu được áp dụng trong luận án này
là phương pháp phân tích ngữ cảnh.
Theo nhận thức chung, ngữ cảnh (hoàn cảnh giao tiếp) bao gồm văn
cảnh xuất hiện phát ngôn được xem xét (tức là những phát ngôn đứng trước
và đứng sau phát ngôn đó), những tri thức nền về ngôn ngữ, văn hóa và
những mảng hiện thực khách quan ngoài ngôn ngữ tạo điều kiện cho việc
tiếp nhận phát ngôn.
Bàn về vai trò của ngữ cảnh trong việc tạo lập và tiếp nhận nghĩa của
phát ngôn, M.A.K. Halliday cho rằng: ‘‘Sự lựa chọn hình thức ngôn ngữ bị
chi phối bởi môi trường văn hóa […]; nghĩa của từ và nghĩa của câu bị quy
định bởi ngôn cảnh.” (Dẫn theo [20, 45]). J.R. Firth viết: ‘‘Tất cả các lời
nói đều bị hạn chế bởi phong tục xã hội, truyền thống văn hóa, giá trị đạo
8
đức’’ (Dẫn theo [20, 45]). Còn Hymes thì khẳng định: ngữ cảnh đóng vai
trò quan trọng trong việc ‘‘giới hạn cách hiểu có thể có được’’ và ‘‘hỗ trợ
cho cách hiểu theo dự định’’ (Dẫn theo [23, 67]).
Bởi vậy, trong luận án này, để xác định hàm ý mà người phát ngôn
muốn gửi đến người nghe (người đọc), các phát ngôn đều được đặt trong
ngữ cảnh mà nó xuất hiện. Ví dụ, để hiểu người nói có hàm ý gì khi dẫn
câu thơ Trẻ em như búp trên cành, cần xem câu ấy xuất hiện trong hoàn
cảnh nào, với những từ ngữ kèm theo nó như thế nào. So sánh:
(1) (Thấy bạn đang đánh con, A nói:)
- Này ông ơi, “trẻ em như búp trên cành” đấy!
(2) (Nghe B tâm sự về sự “đầu tư” cho con cái trong năm học mới:
Chẳng biết quan điểm của ông thế nào chứ với tôi, riêng việc đầu tư cho
học hành của con cái là tôi không tiếc, A đáp:)
- Ừ, “trẻ em như búp trên cành” mà!
(3) (Nghe B kêu ca, phàn nàn về sự tốn kém tiền nong khi con bắt đầu
vào năm học mới, A nói:)
- Trẻ em như búp trên cành đấy!
Ở (1), phát ngôn Trẻ em như búp trên cành có hàm ý nhắc nhở, phê bình
người bạn về cách giáo dục con cái; ở (2), phát ngôn này mang hàm ý đồng
tình với quan điểm của B về việc đầu tư cho chuyện học hành của con cái;
còn ở (3), phát ngôn của A lại là sự chia sẻ và động viên đối với B.

Trong nhiều trường hợp, để hiểu đúng hàm ý của phát ngôn, ta không
chỉ dựa vào hoàn cảnh cụ thể của cuộc giao tiếp mà còn phải dựa vào một
bối cảnh rộng lớn hơn. Ví dụ, để hiểu hàm ý trong lời nhân vật Mai nói với
người yêu cô là Lộc ở trích đoạn dưới đây từ tiểu thuyết Nửa chừng xuân
của Khái Hưng, cần phải đặt phát ngôn của cô vào diễn biến câu chuyện
giữa hai người và bối cảnh xã hội Việt Nam trước Cách mạng Tháng Tám
1945 :
(4) Lộc: - Em cứ đùa! Anh xin em để anh nói chuyện việc nhà với em.
Mai: - Chuyện việc nhà cậu ư? [157, 151]
Chuyện tình giữa hai người tóm tắt như sau: Lộc là con quan Án sát,
yêu Mai – một cô gái nhà nghèo. Khi gặp sự phản đối của mẹ – bà Án, Lộc
hoang mang trước chữ “hiếu” và chữ “tình”. Là một người mang tư tưởng
Âu Tây, Lộc hy vọng sẽ thuyết phục được mẹ mình. Anh nhờ người đóng

9
giả vai bà Án để đến hỏi Mai làm vợ. Một thời gian sau, kế hoạch của Lộc
bị Huy – em trai Mai – phát hiện. Mai sống trong đau khổ, dằn vặt vì bị lừa
dối. Nhưng rồi tình cảm chân thành của Lộc dành cho cô, tình yêu và sự
hàm ơn trong cô đã giúp cô có nghị lực để sống, để “trả ơn” Lộc. Về phần
Lộc, càng ngày anh càng ân hận, áy náy về việc làm của mình. Một hôm,
anh quyết định tổ chức đi chơi để nói hết sự thật với Mai. Dường như đoán
được ý định của Lộc và cũng muốn quên đi nỗi đau, Mai cố gắng cười thật
nhiều và nói chuyện thật nhiều. Nhưng rồi khi nghe câu nói của Lộc, nỗi
đau vì bị xúc phạm ùa về khiến Mai không kìm nổi lòng mình. Việc cô
chuyển cách xưng hô quen thuộc em - anh sang cậu trong hoàn cảnh này đã
tạo cho phát ngôn hàm ý xa cách và báo hiệu sự rạn nứt trong tình cảm của
hai người. Bởi nghĩa gốc của đại từ nhân xưng cậu trong hoàn cảnh cụ thể
này (chỉ người con trai những gia đình tầng lớp trên với ý coi trọng) đã hàm
ý khoảng cách giữa Mai và Lộc bị kéo ra xa (trên cả trục quan hệ và trục vị
thế). Có lẽ ý thức được điều này mà sau câu nói của Mai, vì là người có lỗi
nên Lộc chỉ biết “ứa nước mắt không trả lời” còn Mai lại hối hận xin lỗi Lộc
vì đã “lỡ lời”.
Trong quá trình phân tích ngữ cảnh, ở những chỗ thích hợp, chúng tôi sẽ
sử dụng phối hợp các phương pháp thống kê, phân loại, so sánh.
0.6.2. Nguồn tư liệu
Do gặp khó khăn trong việc tìm tư liệu bằng biện pháp ghi âm, ghi hình
nên ngoài một số tư liệu có được do quan sát thực tế trong giao tiếp hằng
ngày, chúng tôi chủ yếu sử dụng những đoạn thoại mô phỏng đối thoại trực
tiếp ngoài đời thực, một số chi tiết của tác phẩm báo chí, văn chương. Tác
phẩm văn chương được chọn là tác phẩm của một số tác giả tiêu biểu, tác
phẩm được dạy trong nhà trường, tác phẩm được dư luận đánh giá là có văn
phong diễn đạt mới lạ. Trong một số trường hợp cần thiết (để so sánh, đối
chiếu hoặc minh chứng cho quan điểm của tác giả), chúng tôi có mượn lại
một số ví dụ đã dẫn trong các tài liệu nghiên cứu về ngữ dụng học trong,
ngoài nước. Tổng số 185/2.750 tư liệu được chọn để phân tích, miêu tả
trong luận án được lấy từ những nguồn trên.
0.7. Bố cục đề tài
Ngoài phần mở đầu và kết luận, nội dung luận án gồm 3 chương:

10
Chương 1 hệ thống hóa và phát triển một số khái niệm xuất phát làm
cơ sở để triển khai đề tài.
Chương 2 tập trung miêu tả các loại hàm ý, làm chỗ dựa để phân tích
phương pháp biểu thị hàm ý trong chương tiếp theo.
Ở Chương 3, trên cơ sở điểm lại danh sách các phương thức biểu thị đã
được tổng kết trong các công trình ngữ dụng học, chúng tôi mạnh dạn đề
xuất và miêu tả một số phương thức biểu thị hàm ý thường dùng trong
tiếng Việt, gắn với văn hóa Việt.

11
CHƯƠNG 1
CÁC KHÁI NIỆM XUẤT PHÁT

1.1. Phát ngôn


Theo John Lyons, thuật ngữ phát ngôn (tiếng Anh: utterance; tiếng
Pháp: enonce) có thể biểu thị một quá trình hoặc thành phẩm, tức là được
dùng để chỉ hoạt động phát ra câu nói hoặc chính sản phẩm của hoạt động
ấy. Nhưng trong trường hợp bình thường, có thể hiểu phát ngôn “là cái mà
một số nhà triết học ngôn ngữ gọi là thành phẩm (inscription), nghĩa là
chuỗi các ký hiệu được ghi lại trong một loại phương tiện vật chất nào đó.
Ví dụ, một phát ngôn nói thường được ghi lại […] bằng phương tiện âm
thanh; một phát ngôn viết thì được ghi lại bởi một phương tiện thích hợp
nào đó mà thị giác có thể xác định được […]. Phát ngôn có thể được coi
như là tín hiệu (signals) được truyền từ người nói sang người nghe – hay
khái quát hơn, là từ người phát sang người nhận – theo một kênh thích hợp
nào đó.” [40, 53].
Trong hệ thống của John Lyons, phát ngôn là một thành phẩm của hoạt
động giao tiếp tương đương với câu nhưng ở bình diện lời nói. Đây cũng là
quan điểm gặp ở nhiều nhà nghiên cứu khác. Chẳng hạn, các ý kiến của các
tác giả I. I. Kovtunova: “Câu xét về mặt giao tiếp được gọi là phát ngôn”
(Dẫn theo [5, 4 - 5]); Hoàng Trọng Phiến: “Câu là cái trừu tượng còn phát
ngôn là cái cụ thể, câu là bất biến thể, phát ngôn là biến thể, các phát ngôn
làm chức năng hiện thực hóa các mô hình cú pháp của câu, đồng thời là
phương thức tồn tại của mô hình đó.” [60, 13]; Đỗ Hữu Châu: “Khái niệm
phát ngôn không phủ định khái niệm câu. Nói chung, phát ngôn được xây
dựng trên câu. Không có câu thì không có phát ngôn. Tuy nhiên, câu không
trùng với phát ngôn. Một câu có thể ứng với một số phát ngôn” [8, 12];
Diệp Quang Ban: “Phát ngôn được hiểu là một hành động giao tiếp, một
đơn vị thông báo mà người nghe có thể tiếp nhận được trong điều kiện giao
tiếp bằng ngôn ngữ nhất định. Câu là cái tương đối ổn định, nằm trong các
phát ngôn cụ thể và chỉ được rút ra từ các phát ngôn cụ thể qua việc nghiên
cứu chúng. Chính cái tính chất ổn định tương đối giúp ta giữ phát ngôn ở
thế đứng yên để mà nghiên cứu, để mà phân tích và phát hiện ra cái gọi là
câu.” [2, 11 - 12]; Nguyễn Minh Thuyết: “Câu là đơn vị ngôn ngữ, tức là
12
đơn vị trừu tượng chỉ có thể nhận thức được thông qua các biến thể trong
lời nói. Các biến thể này gọi là phát ngôn. Một mô hình trừu tượng của câu
ở bậc ngôn ngữ có thể ứng với một vài phát ngôn. Các phát ngôn này khác
nhau về thành phần từ vựng cụ thể, sự lấp đầy hay bỏ trống các vị trí trong
mô hình, trật tự các thành tố” [22, 266 - 267].
Ngược lại, cũng có những tác giả như Skalicka, Harris,… tuy thống nhất
xếp phát ngôn vào cấp độ lời nói nhưng cho rằng kích thước của nó không
xác định: có thể tương đương với một từ hay cả một cuốn tiểu thuyết (Dẫn
theo [2, 14]). Đây cũng là quan điểm của tập thể tác giả cuốn Từ điển giải
thích thuật ngữ ngôn ngữ học. Theo các tác giả này, phát ngôn là “đơn vị
thông báo có tính hoàn chỉnh về ý và có thể được người nghe tiếp nhận trong
những điều kiện nhất định của giao tiếp ngôn ngữ. Một phát ngôn là một ngữ
đoạn, tương ứng với một xung động nào đấy. Do đó, khối lượng của một
phát ngôn có thể rất khác nhau. Đôi khi phát ngôn chỉ gồm một từ nhưng nó
cũng có thể là một cuốn tiểu thuyết, hay một luận cảo khoa học. Tính trọn
vẹn của phát ngôn đạt được không chỉ nhờ các ký hiệu ngôn ngữ mà còn nhờ
sự kết hợp các ký hiệu ngôn ngữ với những ký hiệu khác có tính phi ngôn
ngữ” [92, 199].
Cuối cùng, có những nhà nghiên cứu quan niệm phát ngôn thuộc cấp độ
ngôn ngữ, có kích thước lớn hơn câu. Chẳng hạn, theo nhà ngôn ngữ học
Tiệp Khắc I. Danex, chúng ta không nên đồng nhất khái niệm phát ngôn
với các hành động lời nói cũng như với câu như là một cấu trúc cú pháp.
Phát ngôn và các sơ đồ của phát ngôn đều thuộc vào hình thức có tính hệ
thống của ngôn ngữ. Phát ngôn được xếp vào một cấp độ đặc biệt của hệ
thống ngôn ngữ đứng trên cấp độ câu (Dẫn theo [5, 5]).
Có thể nhận thấy khái niệm phát ngôn theo cách hiểu thứ 2 và thứ 3 đã
được ngôn ngữ học ngày nay biểu thị bằng một thuật ngữ khác là diễn
ngôn. Bởi vậy, trong công trình này, chúng tôi quan niệm phát ngôn là biến
thể của câu trong hoạt động giao tiếp, tức là một đơn vị thuộc cấp độ lời
nói, có kích thước bằng câu.
1.2. Cơ cấu nghĩa của phát ngôn
Theo Ch. Bally, nghĩa phát ngôn gồm hai thành phần cơ bản: phần ngôn
liệu (dictum) và phần tình thái (modus). Ngôn liệu là thành phần biểu thị
nội dung sự tình ở dạng tiềm năng, còn tình thái là thành phần thể hiện
13
những nhân tố như ý chí, thái độ, sự đánh giá của người nói đối với điều
được nói ra (xét trong quan hệ với thực tế, với người đối thoại và hoàn
cảnh giao tiếp). Tương tự, Fillmore quan niệm cơ cấu nghĩa của phát ngôn
bao gồm hai thành phần: “thành phần mệnh đề (được hiểu như tập hợp
những quan hệ có tính phi thời [tenseless] giữa các động từ và danh từ),
phân biệt với thành phần tình thái gồm các loại ý nghĩa có liên quan đến
toàn bộ câu [the sentence-a-whole] như phủ định, thì, thức và thể.” (Dẫn
theo [31, 88]).
Một số tác giả khác như F. R. Palmer dựa theo lý thuyết hành động lời
nói (theory of speech acts) phân tích cơ cấu nghĩa của phát ngôn thành
hành động tại lời (illocutionary acts) và hành động tạo lời (locutionary
acts). Còn Hare quan niệm nghĩa của phát ngôn gồm 3 thành phần:
phrastic, tropic và neustic. Tuy nhiên, như chính Palmer giải thích, sự đối
lập giữa hành động tại lời với hành động tạo lời rất gần gũi với đối lập giữa
hai thành phần nội dung mệnh đề và tình thái của Ch. Bally: “Trong hành
động tại lời, chúng ta nói về một điều gì đó, còn trong hành động tạo lời,
chúng ta làm một cái gì đó như trả lời câu hỏi, thông báo một phán quyết,
khuyến cáo hoặc hứa hẹn.” (Dẫn theo [31, 88]). Về các thuật ngữ của Hare
thì phrastic tương đương với nội dung mệnh đề hay nội dung sự tình, ngôn
liệu… theo cách gọi của tác giả khác; còn tropic “trong khá nhiều ngôn ngữ
được ngữ pháp hóa (grammaticalization) ở cấp độ thức”, và neustic “thể
hiện sự cam kết, bảo đảm của người nói liên quan đến tính thực hữu, sự
mong muốn,…của nội dung mệnh đề được truyền đạt”, đúng như nhận xét
của J. Lyons (Dẫn theo [31, 89]).
Bên cạnh sự phân biệt nội dung mệnh đề (nghĩa mệnh đề) với tình thái
(nghĩa tình thái) hay hành động tại lời với hành động tạo lời, phrastic với
tropic và neustic, ngữ dụng học còn phát hiện nhiều cặp đối lập khác về
nghĩa, như: đối lập giữa nghĩa chủ đề với nghĩa thuật đề, giữa nghĩa tường
minh với nghĩa hàm ẩn. Trong công trình này, chúng tôi sẽ sử dụng cả ba
cặp đối lập với quan niệm đó là kết quả của những bình diện phân tích khác
nhau đối với nghĩa của phát ngôn, cụ thể là:
- Phân biệt nghĩa mệnh đề với nghĩa tình thái là phân biệt trên cơ sở đối
chiếu nội dung các bộ phận phát ngôn với hiện thực.

14
- Phân biệt nghĩa chủ đề với nghĩa thuật đề là phân biệt trên cơ sở xem
xét quan hệ giữa nội dung các bộ phận phát ngôn với giá trị thông báo của
chúng.
- Phân biệt nghĩa tường minh với nghĩa hàm ẩn là phân biệt trên cơ sở
xem xét quan hệ giữa nội dung các bộ phận phát ngôn với cách thức biểu
hiện chúng.
1.3. Nghĩa mệnh đề và nghĩa tình thái
1.3.1. Nghĩa mệnh đề
Nghĩa mệnh đề (propositional meaning) là một thành tố của nghĩa phát
ngôn, biểu thị nội dung sự tình ở dạng tiềm năng. Nó phản ánh sự tri nhận
và kinh nghiệm của con người về thế giới.
Theo nghĩa hẹp, nghĩa mệnh đề “chính là cái nghĩa đen cơ sở của phát
ngôn do các từ riêng biệt và cấu trúc của phát ngôn tạo ra” [21, 269]. Cách
hiểu này thể hiện rõ trong quan niệm về nghĩa mệnh đề của R. A. Jacobs và
M. A. K. Halliday.
R. A. Jacobs cho rằng mặc dù ngữ cảnh mà phát ngôn tồn tại có ảnh
hưởng căn bản đến việc hiểu nghĩa của một câu (câu đơn – sentence) nhưng
câu vẫn có nội dung mệnh đề độc lập với ngữ cảnh. Ví dụ:
(5) Thoese plums look good! (Những trái mận này trông ngon quá!)
có thể được hiểu theo nhiều cách khác nhau trong những hoàn cảnh khác
nhau mà (5) tồn tại. Nó có thể được hiểu là “muốn ăn mận ngay” (nếu đó là
câu nói của một đứa trẻ háu ăn) hoặc “sẽ dễ bán và bán được giá cao” (nếu
đó là lời của một người đi mua hoa quả về để bán),… Nhưng nghĩa mệnh
đề của (5) vẫn luôn là “những trái mận này trông có vẻ ngon” (Dẫn theo
[77]).
Về hình thức tồn tại (cách thức biểu đạt), Jacobs và Halliday đều cho
rằng nghĩa mệnh đề được biểu đạt một cách rõ ràng, tường minh trên bề
mặt câu chữ (từ và cấu trúc của phát ngôn). Jacobs coi “cái khái niệm mà
động từ biểu đạt chính là trọng tâm của nghĩa mệnh đề của câu” và “mối
liên hệ giữa ngữ trị của động từ và các ý nghĩa (sense) của động từ ấy là
một quan hệ chặt chẽ” (Dẫn theo [77]). Còn Halliday gọi các đơn vị ngôn
ngữ làm nhiệm vụ chuyên chở thông tin là cú (clause), có kích thước tương
ứng với một câu đơn; nghĩa mệnh đề là đơn vị nghĩa cơ sở của một cú. Như
vậy, “đơn vị ngữ pháp tương đối trùng khớp nhất với nghĩa mệnh đề có lẽ
15
là câu đơn hoặc cú, với cấu trúc gồm một động từ, kết hợp với các danh
ngữ bắt buộc và các danh ngữ tùy ý. Nghĩa cốt lõi của cú xuất phát từ nội
dung nghĩa mệnh đề mà cú vị ấy diễn đạt.” (Dẫn theo [77]).
Theo nghĩa rộng, các tác giả cuốn Từ điển Ngôn ngữ học ứng dụng
(Longman Dictionary of Applied Linguistics) coi “nghĩa mệnh đề là thuật
ngữ chỉ toàn bộ nghĩa tường minh và ngầm ẩn của câu […]. Một câu có thể
có một hoặc nhiều nghĩa mệnh đề.” (Dẫn theo [77]). Ví dụ:
(6) Cường, người yêu của Nhung, là một sinh viên khoa chế tạo máy
nhưng lại thích làm thơ
sẽ có ít nhất 4 nghĩa mệnh đề như sau:
- Nhung đã có người yêu.
- Người yêu của Nhung tên là Cường.
- Cường là sinh viên khoa chế tạo máy.
- Cường thích làm thơ.
Trong trường hợp trên, cả 4 nghĩa mệnh đề đều là nghĩa tường minh.
Bên cạnh đó có những trường hợp nghĩa mệnh đề là nghĩa hàm ẩn, chỉ bộc
lộ trong ngữ cảnh nhất định. Ví dụ:
(7) Cô ấy đang đọc tài liệu.
Trong ngữ cảnh trả lời câu hỏi Bác làm ơn cho cháu hỏi cô X có nhà
không ạ? Phát ngôn (7) có nghĩa mệnh đề là Cô X có ở nhà. Trong ngữ
cảnh trả lời câu hỏi Học viên do thầy hướng dẫn đã viết xong luận án
chưa? sẽ có nghĩa mệnh đề là Cô ấy chưa viết luận án. Còn trong ngữ cảnh
trả lời câu hỏi Cậu vào gọi X ra đây cho tớ gặp một chút được không? thì
sẽ có thể có các nghĩa mệnh đề: Tớ ngại lắm (nên tớ không vào gọi X
đâu) / Cậu không thể gặp X vào lúc này được đâu.
Về hình thức biểu đạt, khác với Jacobs và Halliday, các nhà nghiên cứu
theo cách hiểu rộng về nghĩa mệnh đề cho rằng cả câu đơn lẫn câu ghép
đều là đơn vị chuyển tải thông tin nghĩa mệnh đề. (Dẫn theo [77]).
Trong công trình này, chúng tôi hiểu nghĩa mệnh đề là loại nghĩa biểu
thị sự tình, do các từ riêng biệt và cấu trúc cú pháp tạo ra hoặc được suy ra
từ ngữ cảnh. Trong trường hợp nghĩa mệnh đề do các từ riêng biệt và cấu
trúc cú pháp tạo ra (nghĩa tường minh), nó là nghĩa của câu, nhưng vì câu
là bất biến thể của phát ngôn nên nghĩa nó cũng bao hàm trong nghĩa của
phát ngôn. Loại nghĩa mệnh đề đặc trưng của phát ngôn là nghĩa được xác
16
định bởi ngữ cảnh. Điều này cũng phù hợp với nhận xét của J. Lyons:
“Nghĩa của câu (ở một mức độ cao) mang tính độc lập với văn cảnh
(context-independent), trong khi nghĩa của phát ngôn thì không như vậy, có
nghĩa là nghĩa của phát ngôn (ở một mức độ cao hay thấp nào đó) được xác
định bởi chính ngữ cảnh mà phát ngôn đó được nói ra.” [40, 55], mặc dù
chúng tôi không gạt bỏ nghĩa của câu khỏi nghĩa của phát ngôn như quan
niệm của ông.
1.3.2. Nghĩa tình thái
Trong ngôn ngữ học tồn tại nhiều cách định nghĩa khác nhau về nghĩa
tình thái (tình thái, modal meaning). J. Lyons và Palmer nhấn mạnh tính
chất chủ quan của loại nghĩa này: “Tình thái là thái độ của người nói đối
với nội dung mệnh đề mà câu biểu thị hay cái sự tình mà mệnh đề đó miêu
tả” (John Lyons); “Tình thái là thông tin ngữ nghĩa của câu, thể hiện thái
độ hoặc ý kiến của người nói đối với vấn đề được nói đến trong câu”
(Palmer). Liapol tỏ ra cân bằng hơn trong việc xem xét tính chất chủ quan
và tính chất khách quan khi định nghĩa: “Tình thái là phạm trù ngữ nghĩa
chức năng thể hiện các dạng quan hệ khác nhau của phát ngôn với thực tế
cũng như các dạng đánh giá chủ quan khác nhau đối với điều được thông
báo.” (Dẫn theo [31, 92])
Cũng từ quan điểm này mà nhiều nhà nghiên cứu phân biệt hai loại
nghĩa tình thái: tình thái chủ quan và tình thái khách quan.
Tình thái chủ quan bao gồm:
- Các trường hợp thể hiện sự đánh giá, thái độ, lập trường của người nói
với nội dung thông báo (về độ tin cậy, tính hợp pháp của hành động, tính
tích cực hay tiêu cực; về khả năng, tính hiện thực của điều được thông
báo…).
- Các trường hợp thể hiện mục đích phát ngôn của người nói (hay thể
hiện kiểu mục đích tại lời mà người nói thực hiện), thể hiện sự tác động
qua lại giữa người nói và người đối thoại.
Tình thái khách quan bao gồm:
- Các trường hợp khẳng định hoặc phủ định đối với sự tồn tại của sự
tình.

17
- Các trường hợp thể hiện diễn tiến của sự tình, liên quan đến khung ngữ
nghĩa - ngữ pháp của vị từ cũng như mối quan hệ giữa chủ thể được nói
đến trong câu và vị từ.
Tuy nhiên, có thể thấy rằng ngay cả trong trường hợp nghĩa tình thái thể
hiện kết quả đối chiếu sự tình được nêu trong phát ngôn với thực tế thì đó
cũng là một sự đối chiếu qua lăng kính chủ quan của người nói. Chính vì
vậy mà Gak đã bổ sung vào định nghĩa quen thuộc “Tình thái phản ánh mối
quan hệ của người nói đối với nội dung của phát ngôn và nội dung phát
ngôn đối với thực tế.” một nhận xét tinh tế: “Tình thái biểu hiện nhân tố
chủ quan của phát ngôn; đó là sự khúc xạ của một phân đoạn thực tế qua
nhận thức của người nói.” (Dẫn theo [31, 85]). Tính chủ quan chính là điểm
phân biệt tình thái ngôn ngữ với tình thái logic.
Phần lớn nghĩa tình thái được mã hóa trong những hình thức ngôn ngữ
nhất định, phần nào độc lập với hoàn cảnh sử dụng. Bộ phận nghĩa tình thái
này gọi là tình thái của lời, thuộc về nghĩa tường minh của phát ngôn. Bộ
phận còn lại (không được mã hóa bởi các phương tiện ngôn ngữ) chỉ bộc lộ
đầy đủ khi xét đến tình huống sử dụng, gọi là tình thái của hành động phát
ngôn (tình thái của mục đích phát ngôn), thuộc về nghĩa hàm ẩn của phát
ngôn. Ví dụ:
(8) (Thấy con đi học về muộn, mẹ bảo:)
- Con xem hộ mẹ mấy giờ rồi!
Lời nói của mẹ trong hoàn cảnh này được hiểu là một lời trách móc
(Con đi học về muộn quá đấy!) với một thái độ không hài lòng. Đó chính là
nghĩa tình thái hàm ẩn của phát ngôn. Nghĩa này được hình thành từ tình
huống giao tiếp chứ không phải từ các phương tiện chuyên dụng.
Tuy nhiên, theo chúng tôi, ranh giới của hai loại nghĩa tình thái này
không phải bao giờ cũng rõ ràng. Bởi lẽ, thực tế giao tiếp cho thấy, trong
nhiều trường hợp, dựa vào hoàn cảnh giao tiếp, người phát ngôn có thể tạo
tính mơ hồ về tình thái để biểu thị hàm ý về tình thái.
1.4. Nghĩa chủ đề
Khác với nghĩa mệnh đề và nghĩa tình thái về mặt bản chất và chức
năng, nghĩa chủ đề (thematic meaning) “được xem là loại nghĩa có liên
quan đến việc tổ chức thông điệp của câu nói, xét đến trình tự các thành tố
của thông điệp, tiêu điểm và nhấn mạnh”. (G.Leech – Dẫn theo [31, 187]).
18
J. Lyons cho rằng: Trong thực tế, có những phát ngôn đồng nhất về
nghĩa miêu tả và nghĩa tình thái nhưng khác nhau về nghĩa chủ đề (tức là
xuất phát điểm để tổ chức câu nói). Chẳng hạn, so sánh: Cô ấy chưa bao
giờ đặt chân đến Sài Gòn. / Sài Gòn, cô ấy chưa bao giờ đặt chân đến.
Nghĩa chủ đề được xác định bởi cách mà người nói chọn để trình bày điều
đang đề cập đến (tức cái chủ đề của phát ngôn) trong mối quan hệ với
những tiền giả định cụ thể, gắn với ngữ cảnh. [40, 170 - 171].
Trong một công trình nghiên cứu của mình, Nguyễn Văn Hiệp (2008)
đã đặt nghĩa chủ đề trong toàn cảnh các loại nghĩa của câu nói (phát ngôn)
để xem xét và đã rút ra những kết luận đáng chú ý sau:
- Nghĩa chủ đề không thuộc phạm vi nghĩa miêu tả (nghĩa mệnh đề) và
nghĩa tình thái.
- Về bản chất, nghĩa chủ đề thuộc về nghĩa câu hay nghĩa của phát ngôn
còn phụ thuộc vào khung lý thuyết về câu mà người nghiên cứu sử dụng.
Tuy nhiên, “có nhiều cơ sở chứng tỏ rằng bên cạnh phần nghĩa được coi là
nghĩa câu (chủ yếu là phần nghĩa được xác định thông qua điều kiện chân trị
của câu) thì nghĩa chủ đề chủ yếu là vấn đề của phát ngôn, tức là loại nghĩa
thuộc phạm vi dụng học; đó là tính xác định của chủ đề, sự đồng cảm của
người nói, hàm ý phân cực đảo và vai trò của người nói (bao gồm kiến thức
của anh ta về thế giới) trong việc quy gán hình/nền cho các thành tố của sự
tình.” [31, 195 - 196].
Đưa nghĩa chủ đề vào danh sách nghĩa trong cơ cấu nghĩa của phát
ngôn, chúng tôi không có tham vọng bàn bạc sâu về nghĩa chủ đề – loại
nghĩa “còn có rất nhiều khía cạnh” đến nay vẫn “chưa thực sự được làm rõ
trong văn liệu tiếng Việt” [31, 187] mà trên cơ sở những đặc trưng của loại
nghĩa này, chúng tôi có thể đặt vấn đề cho những nghiên cứu ở các chương
sau, chẳng hạn như: Nghĩa chủ đề có mối quan hệ với hàm ý không? Việc
xác lập nghĩa chủ đề có liên quan như thế nào đến việc biểu thị hàm ý trong
tiếng Việt – ngôn ngữ được một số nhà nghiên cứu cho là loại ngôn ngữ
thiên chủ đề (topic-prominent)?...
1.5. Nghĩa tường minh và nghĩa hàm ẩn
1.5.1. Nghĩa tường minh
Nghĩa tường minh (nghĩa câu chữ, nghĩa hiển hiện, hiển nghĩa, hiển
ngôn, explicit meaning) được các nhà ngôn ngữ học giải thích là “ý nghĩa
19
trực tiếp do các yếu tố ngôn ngữ đem lại” [9, 359] , “nghĩa được nói rõ
trong mỗi câu” [12, 191], “nghĩa có thể rút ra từ nghĩa nguyên văn (nghĩa
đen và cả nghĩa bóng) của các từ ngữ có mặt trong câu và từ những mối
quan hệ cú pháp giữa các từ ấy” [21, 115], “cái nghĩa biểu hiện rõ qua
nguyên văn câu nói” [27, 112],…
Trong đề tài này, khái niệm nghĩa tường minh mà chúng tôi sử dụng
tương ứng với các khái niệm nghĩa câu chữ, nghĩa hiển hiện, hiển ngôn,…
của hầu hết các tác giả khác. Tuy nhiên, so với hệ thống quan niệm của tác
giả Cao Xuân Hạo thì nó tương ứng với hiển nghĩa, chứ không tương ứng
với hiển ngôn, bởi vì chúng tôi không coi tiền giả định (điều kiện tiên
quyết để câu nói có thể đúng hoặc sai) là một bộ phận của hiển ngôn như
quan niệm của tác giả (xem: [ 27, 112]).
1.5.2. Nghĩa hàm ẩn
Nghĩa hàm ẩn (hàm ngôn, implicit meaning) là thông tin không được
thể hiện trên bề mặt câu chữ của phát ngôn nhưng có thể nhận biết nhờ suy
ý trên cơ sở hiển ngôn, hoàn cảnh phát ngôn và quy tắc điều khiển hành vi
ngôn ngữ, điều khiển lập luận, điều khiển hội thoại,…
O. Ducrot giải thích rằng thực chất của hàm ngôn là nói mà coi như
không nói, nghĩa là “nói một cái gì đó mà không vì thế nhận trách nhiệm là
đã có nói, có nghĩa là vừa có được hiệu lực của nói năng, vừa có được sự
vô can của im lặng.” (Dẫn theo [58, 100]). Còn theo Hoàng Phê, “khi một
lời nói có hàm ngôn thì ý hàm ngôn thường là quan trọng, thậm chí có khi
hiển ngôn chỉ là dùng để nói hàm ngôn, ý hàm ngôn là ý chính”. [58, 93].
Herbert Paul Grice – người đầu tiên nghiên cứu về nghĩa hàm ẩn, cho
rằng nghĩa hàm ẩn gồm hai thành phần là nghĩa hàm ẩn tự nhiên và nghĩa
hàm ẩn không tự nhiên. (Dẫn theo [9, 361]). Sau H.P. Grice, O. Ducrot
phân biệt hai loại hàm ẩn là tiền giả định (tiền đề, presupposition, viết tắt:
TGĐ) và hàm ngôn. Ông cũng phân biệt loại hàm ngôn là kết quả được rút
ra từ sự suy luận của người nghe dựa vào nội dung khách quan của lời (ví
dụ, nói Trời đẹp là để thông báo “muốn đi chơi”) với loại hàm ngôn là kết
quả suy luận của người nghe từ hành vi nói năng (ví dụ, đang tiếp khách
mà hỏi Mấy giờ rồi? là muốn đề nghị khách ra về). (Dẫn theo [58, 100]).
Khác với O. Ducrot, C.J. Fillmore đồng nhất TGĐ với hàm ngôn. Ông
viết: “Trong ngữ nghĩa của câu, của lời nói có hai cấp bậc thông báo: cấp
20
bậc hàm ngôn hay là TGĐ và cấp bậc hiển ngôn.” (Dẫn theo [58, 98]). Tuy
vậy, hầu hết các tài liệu nghiên cứu ngữ dụng sau này đều đề cập đến TGĐ
và hàm ngôn như là hai khái niệm riêng biệt.
Givón quan niệm: “TGĐ là các giả định về những điều mà theo người
nói thì người nghe có thể chấp nhận không tranh cãi.” (Dẫn theo [23, 54]).
Còn Stalnaker cho rằng: “TGĐ là cái mà người nói xem là cơ sở chung của
những người cùng tham gia hội thoại.” (Dẫn theo [23, 312]). Dưới góc độ
logic - ngôn ngữ học, Nguyễn Đức Dân giải thích: “Câu A có TGĐ là B
nếu giá trị đúng của B là điều kiện cần cho A có giá trị đúng hoặc sai” và
“A có một TGĐ ngữ dụng là B nếu: a) khi phát ngôn A thì người nói đã giả
định rằng B và tin rằng người nghe cũng nghĩ là B; b) B đã được chấp
nhận.” [12, 195 – 197]. Ví dụ:
(9) Ngân chuẩn bị nghiệm thu đề tài cấp Bộ đấy.
Phát ngôn này sẽ không được đánh giá là đúng hay sai nếu thiếu một
trong các TGĐ sau:
- Có một người tên là Ngân.
- Ngân là chủ nhiệm đề tài cấp Bộ.
Hoàng Phê – người đầu tiên giới thiệu lý thuyết của Grice vào Việt Nam
– cho rằng: “Nếu coi TGĐ là hàm ngôn thì sẽ không thấy được mối quan
hệ có tính quy luật hết sức quan trọng giữa TGĐ, hiển ngôn và hàm ngôn,
mối quan hệ chi phối nội dung của hàm ngôn.” [58, 99]. Theo ông, hàm
ngôn có hai lớp nghĩa hàm ẩn khác nhau về mức độ phụ thuộc vào hoàn
cảnh và độ tin cậy của suy ý. Đó là hàm ý và ngụ ý.
Có quan điểm gần với Hoàng Phê, Cao Xuân Hạo (1999) coi TGĐ là
một lớp nghĩa hiển ngôn; còn hàm ngôn, theo ông, bao gồm hàm nghĩa và
ẩn ý.
Phần lớn các nhà Việt ngữ khác như Đỗ Hữu Châu (2003), Nguyễn Đức
Dân (1996, 1998), Nguyễn Thiện Giáp (2000) đều xếp TGĐ vào lớp nghĩa
hàm ngôn và phân loại các nghĩa hàm ngôn khác theo dấu hiệu phụ
thuộc/không phụ thuộc vào hoàn cảnh giao tiếp.
Riêng Hồ Lê (1996) thì phân biệt hai lớp nghĩa hàm ẩn là hàm nghĩa và
hàm ý dựa theo quan hệ về nội dung đối với hiển ngôn: hàm ý (bao gồm:
ngụ ý, ẩn ý, dụng ý) là ý nghĩa hàm ẩn có nội dung khác với hiển ngôn; còn

21
hàm nghĩa là ý nghĩa hàm ẩn bổ sung một phương diện nào đó cho hiển
ngôn.
Ngoài ra, một số nhà nghiên cứu còn đề cập đến thành phần thứ ba của
nghĩa hàm ẩn là dẫn ý (entailment). Dẫn ý vốn là một thuật ngữ thuộc lĩnh
vực logic học, biểu thị mối quan hệ kéo theo giữa các mệnh đề (p và q
chẳng hạn) nếu trị đúng của q tất yếu nảy sinh từ trị đúng của p và trị sai
của q tất yếu nảy sinh từ trị sai của p (tức p kéo theo q).Ví dụ:
(10) - A nhận B vào làm việc tại Công ty X (p)
- B là nhân viên của Công ty X (q)
Ta nói: p ⇒ q (p dẫn ý q) bởi nếu p (A nhận B vào làm việc tại Công ty
X) đúng sự thật thì q (B là nhân viên của Công ty X) tất yếu đúng sự thật.
Do “đặc tính kỹ thuật” của dẫn ý mà thuật ngữ này (entailment) được một
số tác giả dịch là “kéo theo” để biểu thị “những điều rút ra theo logic từ
những cái được khẳng định trong phát ngôn” [21, 126].
Kế thừa kết quả nghiên cứu của các tác giả đi trước, trong công trình
này, chúng tôi quan niệm nghĩa hàm ẩn là những thông tin không được thể
hiện trong ý nghĩa nguyên văn của từ ngữ và các mối quan hệ cú pháp của
câu nhưng có thể nhận biết nhờ suy ý từ hiển ngôn, hoàn cảnh phát ngôn và
quy tắc điều khiển hành vi ngôn ngữ, điều khiển lập luận, điều khiển hội
thoại,… Nghĩa hàm ẩn gồm dẫn ý, TGĐ và hàm ý.
1.6. Hàm ý
1.6.1. Thuật ngữ hàm ý
Trong lý thuyết hàm ngôn hội thoại của Grice (1975; 1978), thuật ngữ
implicate (hàm ý) là một động từ chỉ hành động biểu đạt ngầm một điều gì
đó khác với điều được nói ra bằng hiển ngôn trong một hoàn cảnh giao tiếp
nhất định (gọi là điều được hàm ý). Còn thuật ngữ implicature (hàm ngôn)
là một danh từ, biểu thị điều được hàm ý trong phát ngôn. Hàm ngôn là
“kết quả”, là “sản phẩm” của hoạt động hàm ý.
Về ý nghĩa của các thuật ngữ này, Kent Bach (2006) trong bài báo Mười
cách hiểu sai về hàm ngôn đã viết: “Dù sao, Grice đã rất thận trọng sử dụng
động từ to implicate (hàm ý) chứ không phải là imply (nói bóng gió) để chỉ
điều mà người nói đã làm, và ông đã đặt ra thuật ngữ implicature (hàm
ngôn) để sử dụng thay cho việc ngụ ý cái mà người nói hàm ý. Sự khác
nhau ở đây mang tính chất cơ bản. Nếu một câu đúng thì cái mà nó ngụ ý
22
phải đúng, nhưng người nói có thể nói ra một câu đúng và hàm ý một cái gì
đó sai. Chẳng hạn, bạn có thể nói rằng có một trạm xăng ở gần góc đường
và hàm ý sai là nó đang mở cửa và bán xăng (có thể nó đã đóng cửa vì ban
đêm hoặc có thể hết xăng). Nếu có trạm xăng ở gần góc đường, điều đó
không có nghĩa là trạm xăng đó đang mở cửa và có bán xăng. Nhưng chắc
chắn rằng trạm xăng đó không ở bên kia đường.”
Sự khác biệt giữa hai thuật ngữ implicate (hàm ý) và implicature (hàm
ngôn) được Kent Bach thể hiện qua sự phân biệt giữa infer (suy ra) với
implicate (hàm ý) và giữa inference (suy luận) với implicature (hàm ngôn).
Theo ông, “người nghe có thể cho rằng người nói đang hàm ý điều gì đó
trong khi thực ra anh ta không định thế […]. Cũng rõ ràng như vậy, người
nói có thể hàm ý điều gì đó ngay cả khi người nghe không có ý định suy
luận. Tất nhiên, đây không phải là trường hợp truyền đạt hàm ngôn thành
công, nhưng điều đó không có nghĩa là người nói không hàm ý điều gì, chỉ là
người nói có thể bóng gió điều gì đó mà người nghe không nhận biết được.
Cần chú ý, suy luận ở đây không phải là nói tới sự thật của hàm ngôn mà là
nội dung của nó. Vấn đề là nhận biết điều đang được hàm ý, chứ hoàn toàn
không phải là chấp nhận nó.” [99]
Khi nghiên cứu về thuyết hàm ngôn hội thoại của Grice cũng như vận
dụng nó vào việc tìm hiểu một vấn đề ngôn ngữ cụ thể, hầu hết các nhà
nghiên cứu nước ngoài đều sử dụng thống nhất các thuật ngữ implicate
(hàm ý) và implicature (hàm ngôn) như cách dùng của Grice. Tuy nhiên,
một số nhà nghiên cứu cũng dùng động từ imply (nói bóng gió) để biểu thị
hàm ý và danh từ implication (sự ngụ ý) để biểu thị sản phẩm của hàm ý
(tức hàm ngôn, cái được hàm ý). Chẳng hạn, ý kiến của Jenny Thomas
(1995), nguyên văn tiếng Anh như sau: “I want to interpolate a discussion
of the diference between implicature and inference, implying and inferring
[...] People frequently say inferring when they really mean implying. To
imply is to hint, suggest, or convey some meaning indirectly by mean of
language.” [144, 58] (Tôi muốn bổ sung một tranh luận về sự khác nhau
giữa hàm ngôn và suy luận, giữa hàm ý với suy ra [...] Người ta thường nói
suy ra khi thực ra muốn nói tới hàm ý. Hàm ý là nói bóng gió, gợi ý hoặc
truyền đạt ý một cách gián tiếp bằng phương tiện ngôn ngữ.” Hai động từ
cùng gốc imply và implicate còn được sử dụng rất linh hoạt trong công trình
23
nghiên cứu của nhóm tác giả Adrian Akmajian, Richard A. Demers, Ann K.
Farmer và Robert M. Harnish (1997).
Khác với nước ngoài, ở Việt Nam, các nhà nghiên cứu dùng thuật ngữ
hàm ý để chỉ cả implicate lẫn implicature. Có thể thấy rõ điều này qua so
sánh ba câu trong cùng một công trình của Hoàng Phê (1989): “H.P.Grice
nêu khái niệm conversational implicature (tạm dịch là hàm ý hội thoại) để
chỉ các hiện tượng thường thấy sau đây trong sử dụng ngôn ngữ thường ngày
để giao tiếp: khi nói điều này, thật ra, chúng ta muốn nói điều khác.” [58,
100]; “Thường có hàm ý (implicature) khi người nói có ý thức và nhằm
một mục đích nhất định, không tuân theo đầy đủ các phương châm nói
trên…” [58, 101]; “[…] Khi đó, người nói P nhưng hàm ý (implicate) Q,
nếu Q là cần thiết để cho những phương châm bị vi phạm trở thành không
còn bị vi phạm nữa.” [58, 102].
Mặt khác, thuật ngữ implicaturre (hàm ngôn) cũng được các tác giả
Việt Nam dịch theo rất nhiều cách khác nhau. Ví dụ:
- Dịch là hàm ngôn (một loại nghĩa hàm ẩn trong đối lập với TGĐ) [9,
363]; [10, 669].
- Dịch là hàm nghĩa và ẩn ý [26, 470]; [27, 109]; [44, 335 - 341]
- Dịch là hàm ý với những cách hiểu khác nhau [12]; [26]; [44]; [58]
Để khỏi thay đổi một thuật ngữ đã quen dùng ở Việt Nam suốt hơn 20
năm nay, trong công trình này, chúng tôi tiếp tục sử dụng hàm ý với hai
nghĩa: a) để chỉ cái mà Grice gọi là implicature; và b) để chỉ hành động tạo
ra implicature, tương đương implicate trong tiếng Anh.
1.6.2. Quan niệm về hàm ý
Từ cuối những năm 50 của thế kỷ XX, H.P. Grice đã phát hiện ra một
lớp nghĩa khác của phát ngôn ẩn bên dưới lớp nghĩa được diễn tả trực tiếp
bằng từ ngữ và cấu trúc câu. Đó là “cái mà một người nói hoặc người viết
muốn diễn đạt bằng một dấu hiệu trong một trường hợp nhất định […] có
thể xa rời với nghĩa gốc của dấu hiệu đó” [122, 381].
Tới cuốn Logic và hội thoại (1975), sự khác biệt giữa cái được diễn tả
bằng lời với cái được hàm ý trong phát ngôn ấy được Grice diễn giải rõ ràng
hơn như sau: “Trong một số trường hợp, ý nghĩa quy ước của từ được sử dụng
sẽ quyết định cái được hàm ý, ngoài việc giúp xác định cái được diễn tả bằng
lời. Nếu tôi nói (một cách thiển cận), anh ta là người Anh, do đó, anh ta dũng
24
cảm, là tôi đã tự trói buộc mình theo ý nghĩa của từ ngữ mà tôi dùng, cho rằng
tính chất dũng cảm của anh ta là một kết quả tất yếu (xuất phát từ) của việc
anh ta là người Anh. Nhưng trong khi tôi nói anh ta là người Anh và nói anh
ta dũng cảm, tôi không muốn nói rằng tôi đã nói (theo nghĩa thích hợp nhất)
vì anh ta là người Anh cho nên anh ta dũng cảm, mặc dù tôi đã ngụ ý chắc
chắn và hàm ý điều đó.” [Grice 1975: 44-45. Dẫn theo 95]. Grice cho rằng
tổng số cái được nói đến trong câu và cái được hàm ý trong cùng một câu nói
đó tạo thành “các ý nghĩa biểu hiện của một phát ngôn” [Grice 1978:41 – Dẫn
theo 96].
Lý thuyết hàm ngôn hội thoại của Grice ngay từ đầu đã được chú ý và
trở nên có ảnh hưởng sâu rộng từ sau khi ông đưa vào tập bài giảng ở Đại
học Harvard (1967). Nhiều nhà nghiên cứu đã chia sẻ, áp dụng và phát triển
quan điểm của ông.
Trong một công trình nghiên cứu gần đây, W.A. Davis (2005) đã xác
định rất rõ ràng vị trí của hàm ngôn trong ngữ dụng học: “Hàm ngôn là
điều được ám chỉ, ngụ ý hay gợi ý khác biệt với điều được nói. Hàm ngôn
có thể là một phần nghĩa của câu hay phụ thuộc vào ngữ cảnh giao tiếp, và
có thể theo quy ước hay trái với quy ước. Hàm ngôn hội thoại đã trở thành
một trong những chủ đề chính của ngữ dụng học”. Trong một công trình
trước đó (1998: 2.1, 3.6), ông đã minh họa cho hiện tượng hàm ý trong hội
thoại bằng ví dụ này: “Giả sử có ai đó hỏi Người Etiopia có đạt được huy
chương vàng nào không?, câu trả lời Họ đạt một số huy chương bạc không
hàm ý Họ không đạt được tất cả các huy chương bạc nhưng lại hàm ý Họ
không đạt huy chương vàng nào cả”. Thậm chí, để làm rõ đặc điểm và sự
khác nhau giữa hai thuật ngữ hàm ý, hàm ngôn của Grice, W.A. Davis còn
diễn giải:
“Xét hội thoại:
Alan: Cậu có đi dự tiệc của Paul không?
Barb: Tôi phải đi làm.
Barb không nói rằng cô ấy sẽ không đi mà chỉ ngụ ý điều đó. Grice đã
đưa ra thuật ngữ chuyên môn hàm ý và hàm ngôn cho trường hợp trong đó
cái mà người nói ám chỉ, ngụ ý, hay gợi ý là khác biệt với điều được nói.
Barb hàm ý rằng cô sẽ không đi; điều cô không đi là hàm ngôn của cô.”
[116]
25
Lý thuyết của Grice còn được một số nhà nghiên cứu tóm lược thành
công thức logic. Ví dụ, các tóm lược của Gergely Bottyán và Levinson:
“Khái niệm của Grice (1975 =1989a: 30-31) về hàm ngôn hội thoại có
thể được phát biểu như trong (5)
(5) Một người tham gia P trong cuộc giao tiếp, bằng cách khẳng định
theo nghĩa đen nội dung mệnh đề x, lại hàm ý mệnh đề y khi và chỉ khi:
a. P được cho là vẫn tôn trọng phương châm
b. Mệnh đề y phải xác nhận giả thiết (a)
c. P nghĩ rằng đối tác của anh ta sẽ nhận ra (b)” [96]
Hay: “Nội dung của Grice (1975 =1989a: 30-31):
Nói p, nhưng người phát ngôn U lại hàm ý hội thoại q khi:
(i). U được giả định là đang tuân thủ các phương châm
(ii). Giả thiết q cần phải chứng minh giả thiết (i), và
(iii). U nghĩ rằng người tiếp nhận sẽ nhận ra (ii)” [138, 15]
Riêng về hàm ý, các công trình nghiên cứu đã đạt được một số quan
niệm thống nhất như sau:
(1) Hàm ý là phần có giá trị thông tin thuộc nghĩa hàm ẩn, đối lập với
TGĐ là phần không có giá trị thông tin.
O. Ducrot coi TGĐ là một hình thức hàm ngôn nằm trực tiếp trong bản
thân “nghĩa từ ngữ” của lời (Dẫn theo [58]). Phần lớn các nhà nghiên cứu
đều có chung quan niệm: TGĐ là loại nghĩa hàm ẩn nhưng là nghĩa hàm ẩn
không có giá trị thông báo [xem: [10]; [26] ; [58]. Đặc biệt, đáng chú ý là
ý kiến của Hoàng Phê: “TGĐ là những điều mà người nói coi như người
đối thoại đã biết, không hàm chứa chức năng thông báo, không có giá trị
thông báo […]. Nếu ở đây có hai cấp độ thì đó là cấp độ của cái nói ra trực
tiếp (hiển ngôn) và cái nói ra gián tiếp (hàm ngôn). Có thể nghĩ rằng nói ra
gián tiếp thì cũng như là không nói ra, nhưng thật ra có một sự khác nhau
rất cơ bản. Chính cái không nói ra vì cho là bất tất phải nói (TGĐ) cùng với
cái nói ra trực tiếp (hiển ngôn) là cơ sở cho cái nói ra gián tiếp (hàm ngôn),
người nghe hiểu được hàm ngôn là nhờ dựa vào TGĐ và hiển ngôn […].
Nếu coi TGĐ là hàm ngôn thì sẽ không thấy được mối quan hệ có tính quy
luật hết sức quan trọng giữa TGĐ, hiển ngôn và hàm ngôn, mối quan hệ chi
phối nội dung của hàm ngôn […]. Trong hiển ngôn lại có sự đối lập giữa
cái đã biết và cái mới theo phân đoạn thực tại câu. Sự đối lập này cho phép
26
vạch ra trong cấu trúc ngữ nghĩa của lời một sự đối lập khác rộng hơn giữa
phần không có giá trị thông báo gồm TGĐ và cái đã biết trong hiển ngôn
với phần còn lại có giá trị thông báo, gồm cái mới trong hiển ngôn cùng với
hàm ngôn” [58, 99].
Tuy nhiên, các tác giả Lê Đông (1996), Đỗ Hữu Châu (2005), Nguyễn
Văn Hiệp (2008), trên cơ sở phân tích các cứ liệu cụ thể đã khẳng định:
khi tiền giả định được dùng như một chiến lược giao tiếp thì lúc đó, TGĐ
lại thuộc về hàm ý (tức TGĐ có giá trị thông tin).
(2) Hàm ý là phần thuộc nghĩa hàm ẩn, tuy không được thể hiện trên bề
mặt câu chữ của phát ngôn nhưng được suy ra từ hiển ngôn (nghĩa tường
minh) và hoàn cảnh giao tiếp.
J. Lyons viết: “Một mệnh đề p được cho là hàm ý (chứ không phải là
kéo theo) một mệnh đề q nếu chân trị của q có thể được suy đoán một cách
có lý do từ p trong ngữ cảnh mà p được xác nhận hoặc được biết theo một
cách nào đó, hoặc được giả định là đúng” [40, 185]. Ông giải thích khái
niệm hàm ý bằng một ví dụ cụ thể: “Có một nghĩa thường ngày của từ hàm
ý, theo đó, qua phát ngôn của mình, ta có thể và thường như vậy, ngầm nói
một điều gì đó khác với điều ta nói trên thực tế. Ví dụ, khi được hỏi về tư
cách của A, ta có thể nói: Anh ấy chia sẻ lát bánh mỳ cuối cùng với bạn.
Trên thực tế, ta không nói về người đó rằng anh ta vừa tốt bụng vừa hào
hiệp. Song có thể có cơ sở để cho rằng ta hàm ý điều này.” [40, 282]
Sự thống nhất tương đối cao trong quan niệm về hàm ý giữa các nhà
nghiên cứu là một thực tế nhưng sự khác biệt giữa các tác giả trong quan
niệm về các loại hàm ý và phạm vi tồn tại của hàm ý cũng là một sự thật
không thể phủ nhận.
H.P.Grice (1975) phân biệt ý nghĩa hàm ẩn tự nhiên (natural meaning)
với ý nghĩa hàm ẩn không tự nhiên (non-natural meaning). Theo ông, ý
nghĩa hàm ẩn tự nhiên là “ý nghĩa được suy ra một cách ngẫu nhiên”, còn ý
nghĩa hàm ẩn không tự nhiên là “ý nghĩa được truyền đạt một cách có ý
định” (Dẫn theo [10, 665]).
Ở Việt Nam, Hoàng Phê (1989) dựa vào mức độ phụ thuộc vào hoàn
cảnh và độ tin cậy của sự suy ý để phân loại hàm ý. Ông sử dụng thuật ngữ
hàm ý để chỉ phần nội dung được suy ý trực tiếp, ít phụ thuộc vào ngữ cảnh
và có độ tin cậy của sự suy ý tương đối cao. Hàm ý được ông phân biệt với
27
ngụ ý – phần nội dung hàm ngôn phụ thuộc nhiều vào ngữ cảnh, người
nghe phải suy ý gián tiếp từ hoàn cảnh, từ khả năng nhận thức, khả năng
vận dụng kinh nghiệm sống,… nên độ tin cậy thường không cao [58, 39].
Dựa vào mức độ quan hệ về nội dung đối với hiển ngôn, Hồ Lê (1996)
đối lập hàm ý với hàm nghĩa. Theo ông, hàm ý là ý nghĩa hàm ngôn có nội
dung khác với hiển ngôn, bao gồm: ngụ ý, ẩn ý và dụng ý; còn hàm nghĩa
là ý nghĩa hàm ngôn bổ sung một phương diện nào đó cho hiển ngôn.
Cao Xuân Hạo coi hàm ý là điều mà người nghe rút ra từ phát ngôn như
một hệ quả tất nhiên, gồm hàm nghĩa và ẩn ý. Tác giả viết: “Ngoài hiển
ngôn (với TGĐ và hiển nghĩa) trong câu còn có hàm ngôn là những ý nghĩa
không được biểu đạt trực tiếp qua nguyên văn mà phải suy ra từ quan hệ
giữa các nghĩa trong cấu trúc và từ ngôn cảnh nguyên văn. Nếu ý suy ra
vẫn còn diễn đạt được bằng ít nhiều chữ nghĩa trong nguyên văn thì đó là
hàm nghĩa. Nếu ý suy ra chỉ có thể thấy trong ngôn cảnh, thì người nghe rất
có thể không nhận ra, nhưng nếu nhận ra mà phản ứng chống lại thì người
nói hoàn toàn có thể chối rằng mình không hề nói như thế. Cái ý ẩn kín
đằng sau nguyên văn, không hề được diễn ra bằng lời ấy gọi là ẩn ý” [26,
109 - 110].
Nguyễn Đức Dân (1998a; 1998b) và Đỗ Hữu Châu (2005) gọi hàm ý là
hàm ngôn. Theo các tác giả, hàm ngôn có thể được xác định từ hai con
đường khác nhau: từ sự quy ước của ngôn ngữ và từ mối quan hệ giữa hoàn
cảnh giao tiếp, nghĩa tường minh và TGĐ. Loại hàm ngôn được suy ý từ
ngôn ngữ (đặc biệt là từ sự quy ước của cơ chế ngôn ngữ), không phụ thuộc
vào hoàn cảnh giao tiếp là hàm ngôn ngôn ngữ; loại hàm ngôn được suy ý
từ hiển ngôn, TGĐ và hoàn cảnh tồn tại của phát ngôn, phụ thuộc vào hoàn
cảnh giao tiếp là hàm ngôn dụng học.
Một điểm khác nhau nữa trong quan niệm về hàm ý giữa các tác giả là
phạm vi tồn tại của hàm ý.
Phần lớn các nhà Việt ngữ học đều coi hàm ý là thông tin mà người
nghe (người thụ ngôn) suy ý được từ phát ngôn và hoàn cảnh giao tiếp
(xem: [21]; [26]; [27]; [44]; [58]). Như vậy, hàm ý theo quan niệm này là
“cái của anh”, được phân biệt với TGĐ là “cái của chúng ta” [12, 17]. Khác
với các tác giả trên, Đỗ Hữu Châu [10]; Nguyễn Đức Dân [12, 216 – 219]
và Nguyễn Văn Hiệp [31, 257 - 267] cho rằng hàm ý thuộc về người nói,
28
tức là điều mà người nói (người phát ngôn) muốn gửi đến người nghe
(người thụ ngôn).
Phần đông các tác giả có xu hướng giới hạn hàm ý ở phạm vi nghĩa
miêu tả (nghĩa mệnh đề) (xem: [10]; [11]; [12]; [21]; [26], [27]; [58];…).
Nhưng cũng có một số tác giả coi nghĩa miêu tả và nghĩa tình thái đều
thuộc phạm vi ngữ nghĩa của hàm ý [31, 266-267], [44, 335- 341]
1.6.3. Quan niệm về hàm ý trong luận án
1.6.3.1. Phân biệt hàm ý với các loại nghĩa hàm ẩn khác
Mặc dù còn có những điểm khác biệt nhưng các nhà nghiên cứu đều
thống nhất với nhau là nghĩa hàm ẩn gồm có 3 loại: dẫn ý (entailment),
TGĐ (presupposition) và hàm ý – bao gồm hàm ý quy ước (conventional
implicature) và hàm ý hội thoại (conversational implicature). Một số tác giả
cũng đã nêu ra những tiêu chí phân biệt hàm ý với các loại nghĩa hàm ẩn
khác. Đáng chú ý là 3 tiêu chí mà Nguyễn Văn Hiệp (2008) nêu ra trong
một công trình nghiên cứu của mình trên cơ sở tham khảo, có điều chỉnh
kết quả nghiên cứu của các tác giả Frawley (1992) và J.Lyons (1995). Ba
tiêu chí đó là:
- Tiêu chí về tính hàm chân trị (truth - conditional), tức phụ thuộc vào
chân trị của những gì được nói ra hiển ngôn. Tiêu chí này giúp phân biệt
dẫn ý với tiền giả định và hàm ý.
- Tiêu chí về tính có thể khử bỏ (cancellability). Tiêu chí này giúp phân
biệt một bên là TGĐ và dẫn ý, một bên là hàm ý (gồm hàm ngôn quy ước
và hàm ngôn hội thoại).
- Tiêu chí về sự phụ thuộc vào ngữ cảnh (context-dependent). Tiêu chí
này giúp phân biệt hàm ý hội thoại với các ý nghĩa hàm ẩn còn lại (TGĐ,
dẫn ý và hàm ý quy ước), đặc biệt là phân biệt hàm ý hội thoại với hàm ý
quy ước. [31, 262 – 267]
Những tiêu chí mà chúng tôi nêu ra dưới đây là sự kế thừa và phát triển
các kết quả nghiên cứu nói trên.
1.6.3.1.1. Phân biệt hàm ý với tiền giả định
Trước hết, có thể thấy hàm ý và TGĐ đều là nghĩa hàm ẩn của phát
ngôn bởi chúng đều không được nói ra một cách tường minh và đều không
phụ thuộc vào chân trị của phát ngôn chứa nó (không mang tính hàm chân
trị). Điểm giống nhau này đã được Nguyễn Văn Hiệp (2008) chứng minh
29
qua phân tích một số ví dụ. Chẳng hạn, phát ngôn Con anh Nam học giỏi
nhất lớp có các TGĐ: có một người tên là Nam; anh Nam có con; con anh
Nam là học sinh… Các TGĐ này được giữ nguyên, bất chấp tính đúng hay
sai của phát ngôn (không phụ thuộc vào việc Con anh Nam học giỏi nhất
lớp là đúng hay sai). Hàm ý cũng vậy. Dù mệnh đề trong mỗi vế câu ghép
Nó không chuẩn bị bài kỹ và bị điểm kém đúng hay sai thì quan hệ từ và có
tác dụng nối kết hai mệnh đề cũng mang hàm ý quy ước là quan hệ nhân
quả. Tương tự như vậy, hàm ý Đề nghị mở cửa hay Đề nghị đi chơi đều
không phụ thuộc vào chân trị của phát ngôn Ở đây ngột ngạt quá!. Dù thực
tế là Ở đây không hề ngột ngạt, phát ngôn trên vẫn có thể có những hàm ý
hội thoại này [31, 262].
Tuy nhiên, giữa hàm ý với TGĐ có những điểm khác nhau rõ ràng:
a) TGĐ là một trong những cơ sở để tạo nên ý nghĩa tường minh, còn
hàm ý là điều được suy ra từ nghĩa tường minh và TGĐ của nghĩa tường
minh. Ví dụ:
(11) A: - Uống thuốc X, tôi đã khỏi hẳn bệnh đau đầu
Phát ngôn (11) có ít nhất 2 TGĐ sau:
TGĐ 1: Tôi đã từng bị bệnh đau đầu.
TGĐ 2: Tôi đã uống thuốc X.
Các TGĐ này được xem là cơ sở để người nói có thể nói Uống thuốc X,
tôi đã khỏi hẳn bệnh đau đầu.
Nếu phát ngôn trên tồn tại trong hoàn cảnh người nghe (giả sử là B)
cũng mắc bệnh đau đầu giống như A thì căn cứ vào TGĐ, vào nghĩa tường
minh và hoàn cảnh tồn tại của phát ngôn, B có thể suy ý để hiểu rằng đằng
sau lời thông báo của A về tình hình sức khỏe là lời khuyên Cậu thử uống
thuốc X xem sao.
b) TGĐ được xem là bất tất phải bàn cãi bởi nó có tính bất biến, còn
hàm ý thì không mang đặc điểm này.
Tính bất biến của TGĐ thể hiện ở khả năng không thay đổi khi hành vi
ngôn ngữ thay đổi từ khẳng định sang phủ định, hỏi, cầu khiến,… Ví dụ:
(12) A: - Anh ta đã cai thuốc lá.
A1: - Anh ta không cai được thuốc lá.
A2: - Anh ta đã cai thuốc lá rồi à?
A3: - Hãy cai thuốc lá đi!
30
TGĐ Trước đây anh ta nghiện thuốc lá không thay đổi khi hành vi ngôn
ngữ tạo ra nó (hành vi khẳng định ở phát ngôn A) thay đổi. Ngược lại, các
hàm ý Anh ta có nghị lực, Anh ta khỏe ra hay Anh ta không gặp khó khăn
về tiền nong sẽ bị triệt tiêu khi hành vi khẳng định ở phát ngôn A thay đổi
thành hành vi phủ định ở phát ngôn A1 hoặc thành hành vi hỏi ở phát ngôn
A2 và tồn tại trong hoàn cảnh:
A2: - (Lâu nay cậu gặp C không?) Anh ta cai thuốc lá rồi à?
Các hàm ý trên cũng không bao giờ tồn tại trong phát ngôn Hãy cai
thuốc lá đi! khi phát ngôn này tồn tại trong bất cứ hoàn cảnh nào.
Tính bất biến của TGĐ là cơ sở để một số tác giả cho rằng TGĐ luôn
luôn đúng [10]; [21]. Tuy nhiên, trong giao tiếp thông thường, không ít
trường hợp người nói tạo ra một phát ngôn mà ý nghĩa tường minh dựa trên
TGĐ sai, bịa đặt. Đây là một chiến lược hội thoại, chiến lược gài bẫy TGĐ
nhằm khai thác thông tin ở phía người đối thoại (xem: [17]).
c) TGĐ không thể khử bỏ, trong khi hàm ý có thể dễ dàng bị khử bỏ
trong một số điều kiện, hoàn cảnh nhất định.
Theo Nguyễn Văn Hiệp (2008), “thông tin hàm ẩn mang tính có thể khử
bỏ là loại thông tin mà người nói/người viết có thể khử bỏ, tức là khiến nó
bị vô hiệu bằng cách nói hoặc viết thêm một hoặc vài điều gì đấy” [31,
262].
Dựa trên cơ sở này để thực nghiệm, chúng tôi thấy, TGĐ là loại thông
tin không thể khử bỏ bởi cách nói dựa trên các kết tử đối nghịch (nhưng,
tuy… nhưng…, mặc dù… nhưng…). Ví dụ, không thể khử bỏ TGĐ Trước
đây anh ta nghiện thuốc lá bằng cách nói: Anh ta đã cai thuốc lá nhưng
anh ta chưa hề nghiện thuốc lá.
Trong khi đó, hàm ý lại có thể dễ dàng bị khử. Chẳng hạn, Nguyễn Văn
Hiệp (2008) cho rằng, hàm ý Vì Nam đến muộn nên nhỡ tàu của phát ngôn
Nam đến muộn và nhỡ tàu đã bị khử bằng cách nói: Nam đến muộn và nhỡ
tàu. Nhưng nó nhỡ tàu không phải là vì do nó đến muộn. Tàu còn đến
muộn hơn cả nó. Nó nhỡ tàu là vì nó mải nói chuyện với một cô gái rất
xinh mà nó gặp ở sân ga. [31, 263]
Tương tự, ta cũng có thể khử bỏ hàm ý Đừng xa lánh tôi (Đừng bỏ rơi
tôi) của phát ngôn Lúc này, một lời an ủi rất quan trọng đối với tôi bằng
cách nói: Lúc này, một lời an ủi rất quan trọng đối với tôi. Nhưng tôi nói
31
vậy không phải là để van xin anh đừng bỏ rơi tôi trong lúc này. Tôi nghĩ, ai
cũng có lòng tự trọng và có lẽ đó là điều quan trọng hơn cả. Tôi thà chịu
cô đơn còn hơn van xin để rồi đánh mất lòng tự trọng.
d) TGĐ có ảnh hưởng đến giá trị xác tín, còn hàm ý không có ảnh
hưởng này. Các mệnh đề của phát ngôn sẽ không có giá trị xác tín khi TGĐ
sai; mệnh đề sẽ có giá trị xác tín (tức được đánh giá là đúng) khi và chỉ khi
TGĐ của nó đúng. Trong khi đó, “nếu cái mà người nói nói ra là đúng và
cái mà anh ta hàm ý là sai thì chúng ta vẫn có xu hướng đánh giá phát ngôn
của anh ta là đúng.” [99].
Trở lại với ví dụ (12), chúng ta có thể thấy mệnh đề của phát ngôn Anh
ta đã cai thuốc lá chỉ đúng khi TGĐ Anh ta đã từng nghiện thuốc lá là
đúng (có thật). Nếu TGĐ này không đúng thì phát ngôn trên sẽ không thể
tồn tại. Tuy nhiên, với hàm ý thì tình hình có khác. Hàm ý của một phát
ngôn có thể đúng hoặc có thể sai. Vì vậy, nếu các hàm ý Anh ta khỏe ra
hoặc Anh ta không còn gặp khó khăn về tiền nong hoặc Anh ta có nghị lực,
… là sai sự thật thì nghĩa mệnh đề của phát ngôn vẫn không thay đổi giá trị
xác tín.
e) Nhiều (chứ không phải tất cả) TGĐ được đánh dấu bởi các đơn vị từ
vựng hoặc cấu trúc ngữ pháp cụ thể, còn hàm ý, trái lại, không nhất thiết
phải được đánh dấu bởi các dấu hiệu ngôn ngữ.
Ví dụ, phát ngôn Anh ta đã cai thuốc lá rồi có TGĐ Trước đây anh ta
nghiện thuốc lá. TGĐ này được đánh dấu bằng từ cai nhưng hàm ý Anh ta
khỏe ra hoặc Hiện nay anh ta không gặp khó khăn về tiền nong nữa lại
không được thông báo bằng một dấu hiệu ngôn ngữ nào trong phát ngôn.
f) TGĐ nói chung ít lệ thuộc vào hoàn cảnh giao tiếp, còn hàm ý lệ
thuộc sâu sắc vào hoàn cảnh giao tiếp
Dù tồn tại trong hoàn cảnh nào, phát ngôn Uống thuốc X, tôi đã khỏi
hẳn bệnh đau đầu ở ví dụ (11) vẫn có các TGĐ như đã phân tích. Nội dung
các TGĐ này không thay đổi theo hoàn cảnh tồn tại của phát ngôn. Ngược
lại, nếu phát ngôn đó tồn tại trong hoàn cảnh người nghe (B) chính là người
cho A (người nói) thuốc X thì phát ngôn của A (Uống thuốc X, tôi đã khỏi
hẳn bệnh đau đầu) không còn hàm ý khuyên B uống thuốc X mà là lời
khen thuốc X hoặc là lời cảm ơn B.

32
g) TGĐ không có giá trị thông tin đặc biệt, không phải là cơ sở để phát
triển cuộc thoại (nếu tiếp tục cuộc thoại dựa vào TGĐ thì cuộc thoại sẽ giật
lùi, luẩn quẩn); còn hàm ý, do nằm trong ý định truyền báo của người phát
ngôn nên mang giá trị thông tin và tính năng động hội thoại cao, là cơ sở để
phát triển cuộc thoại.
Trở lại ví dụ (12): A: - Anh ta đã cai thuốc lá. TGĐ Trước đây anh ta
nghiện thuốc lá là điều mà cả A (người nói) và B (người nghe) đều biết nên
nó không phải là cái mới, cái cần bàn bạc, trao đổi, thảo luận trong những
phát ngôn tiếp theo của cuộc thoại. Nhưng hàm ý của phát ngôn trên lại có
thể là chủ đề tiếp theo của cuộc thoại. Vì thế, cuộc thoại có thể diễn biến
tiếp tục như sau:
B: - Thế à? Bây giờ anh ta có khỏe hơn chút nào không?
A: - Mới cai thuốc được một tháng mà anh ta tăng tới 3kg.
Ở đây, cần có sự phân biệt giữa hai khái niệm giá trị thông tin và lượng
tin. TGĐ được xác định thông qua từ ngữ được dùng (các từ, các kết cấu)
như là nội dung hàm ẩn làm điều kiện cần cho phát ngôn để phát ngôn có
thể được đánh giá đúng/sai hay được coi là bình thường. Vì vậy, TGĐ có
thể có lượng tin rất nhiều nhưng lại có vẻ như không có giá trị thông tin đặc
biệt. Lượng tin trong TGĐ mặc dù không quan yếu nhưng lại rất cần thiết
để lý giải giá trị thông tin của phát ngôn.
Một điểm quan trọng từng được các nhà nghiên cứu lưu ý và cũng
không phải là ngoại lệ trong thực tế giao tiếp, đó là trường hợp người nói
dùng TGĐ như một chiến lược giao tiếp đặc biệt, đặt trọng tâm vào thông
tin TGĐ. Trong trường hợp này, TGĐ chính là loại thông tin có giá trị cao
hơn cả (xem: [10]; [12]; [17]; [31])
Như vậy, “không có giá trị thông tin đặc biệt” và “không phải là cơ sở
để phát triển cuộc thoại” không phải là thuộc tính cố hữu, bất biến của
TGĐ. Trong nhiều trường hợp, TGĐ có thể được dùng như một hàm ý, khi
đó, TGĐ có giá trị thông tin rất cao và chắc chắn cuộc thoại sẽ được phát
triển trên cơ sở của TGĐ. Thực tế này là một trong những chỗ đan xen giữa
TGĐ và hàm ý.
1.6.3.1.2. Phân biệt hàm ý với dẫn ý
Theo Nguyễn Văn Hiệp (2008), những điểm khác nhau cơ bản giữa hàm
ý và dẫn ý là:
33
a) Hàm ý không mang tính hàm chân trị còn dẫn ý, ngược lại, mang tính
hàm chân trị. Điều đó có nghĩa là dẫn ý phụ thuộc vào chân trị của phát
ngôn trước nó. Theo đó, dẫn ý Tổng thống chết sẽ có trị đúng khi phát ngôn
Bill giết tổng thống có giá trị đúng và dẫn ý này sẽ có trị sai khi phát ngôn
có trị sai [31, 262].
b) Hàm ý có thể dễ dàng bị khử bỏ trong những điều kiện, hoàn cảnh
thích hợp còn dẫn ý, giống như TGĐ, lại là loại thông tin không thể khử bỏ.
Chẳng hạn phát ngôn A nhận B vào làm việc tại công ty X có dẫn ý: B là
thành viên của công ty X. Dẫn ý này không thể khử bỏ bằng cách nói: A
nhận B vào làm việc tại công ty X nhưng B không phải là thành viên của
công ty X.
c) Nhiều (chứ không phải tất cả) hàm ý phụ thuộc vào ngữ cảnh, còn
dẫn ý không phụ thuộc vào ngữ cảnh. Dù các phát ngôn Bill giết tổng
thống hay A nhận B vào làm việc tại công ty X tồn tại trong hoàn cảnh nào
thì nó vẫn có dẫn ý Tổng thống chết hoặc B là thành viên của công ty X.
Theo chúng tôi, mặc dù có những điểm khác biệt trên nhưng trong thực
tế giao tiếp, nhiều trường hợp, ranh giới giữa hai loại nghĩa hàm ẩn này
cũng rất mập mờ. Điều đó được thể hiện rất rõ khi người tham gia giao tiếp
dùng dẫn ý như một hàm ý trong chiến lược giao tiếp của mình. Chẳng hạn,
xét cuộc hội thoại (13):
A1: - Lâu nay cậu gặp vợ chồng Thái – Kim không?
B1: - Vừa gặp tháng trước. Mà Thái bỏ thói nát rượu rồi đấy.
A2: - Ừ, anh ta không còn nghiện rượu nữa thì cái Kim cũng đỡ khổ.
B2: - Thái bỏ thói nát rượu. Tớ thông báo cho cậu tin này không phải
để cậu biết là bây giờ Thái không nghiện rượu nữa. Bỏ rượu là một việc
rất khó – đặc biệt với người nghiện rượu lâu năm như Thái. Vậy mà cậu ấy
vẫn làm được. Quả là nghị lực phi thường!
Như vậy, dẫn ý của phát ngôn Thái bỏ thói nát rượu đã được người
nghe (A) cho rằng đó là hàm ý mà B muốn mình hiểu nên người nghe (A)
đã chủ động phát triển cuộc thoại theo hướng này (hướng của hàm ý).
Người nói (B) có thể “khử” hàm ý bằng cách nói thêm như ở (B2) nếu
không muốn phát triển cuộc thoại theo “chủ hướng” của A (trong A2).

34
1.6.3.2. Phạm vi tồn tại của hàm ý
Như đã nói, phần đông các nhà nghiên cứu đều có xu hướng giới hạn
hàm ý nói chung, hàm ý quy ước nói riêng, ở phạm vi nghĩa miêu tả (tức
nghĩa mệnh đề). Tuy nhiên, xu hướng này đã bị John Lyons phản đối. Ông
cho rằng “không có lý do gì để giới hạn nó [hàm ý – tác giả luận án chú]
trong trong phạm vi nghĩa mệnh đề hoặc nghĩa miêu tả” [40, 287]. Theo
Nguyễn Văn Hiệp (2008), “thực tế tiếng Việt ủng hộ cho quan niệm như
vậy” [31, 267].
Mặc dù qua câu nói “Không có lý do gì để hạn chế khái niệm hàm ngôn
quy ước trong phạm vi liên từ và tiểu từ” [40, 286], J. Lyons coi những ý
nghĩa được biểu thị bằng liên từ và tiểu từ là hàm ý, nhưng ý kiến đó của
ông cũng cho thấy cần mở rộng phạm vi tìm kiếm hàm ý sang cả trường
hợp nghĩa tình thái không được biểu đạt bởi các phương tiện biểu đạt tình
thái chuyên biệt (1). Chúng tôi quan niệm một khi nghĩa tình thái được biểu
thị bằng các phương tiện chuyên biệt như liên từ và tiểu từ (tức khi liên từ
thực hiện chức năng liên kết các tác tử logic, biểu thị hội của hai mệnh đề)
thì đó là nghĩa tường minh, còn khi nó được biểu thị bằng liên từ, tiểu từ
nhưng liên từ, tiểu từ có chức năng biểu thị mối liên kết chìm – liên kết các
hành vi ngôn ngữ, nó được hàm ý/suy ra từ nghĩa tường minh và từ ngữ cảnh
thì đó là hàm ý.
Tất nhiên, chỉ những ý nghĩa tình thái hàm ẩn nằm trong chủ định của
người phát ngôn, người phát ngôn có thể “phủ nhận trách nhiệm” đối với nó
(tức có thể khử bỏ được) và là “điều người nói gửi tới người nghe, muốn
người nghe hiểu” mới được coi là hàm ý. Tiêu chí này thể hiện rất rõ trong
quan niệm của một số tác giả như Anna Siewierska: “Hiện nay, quan điểm
phổ biến là chỉ thừa nhận, với tư cách là phần lực ngôn trung quan yếu,
mang tính chất ngôn ngữ học những gì mà người nghe, trên cơ sở những đặc
trưng của phát ngôn có thể giải thuyết như là ý định giao tiếp của người
nói…” (Dẫn theo [31, 239-240]) và Cao Xuân Hạo: “Tình thái của hành
động phát ngôn lệ thuộc quá nhiều vào ngôn cảnh (tùy từng tình huống, một
câu trần thuật có thể là một lời khuyên can, một lời trách móc, một lời chê
bai, một lời cảnh cáo…) cho nên tốt hơn cả vẫn là tuân theo các nguyên lý
cổ truyền của ngôn ngữ học sau Saussure: chỉ phân biệt khi nào sự khác
1
Về phương tiện biểu thị tình thái, xem: Nguyễn Minh Thuyết, Nguyễn Văn Hiệp (2005); Nguyễn Văn
Hiệp (2008)
35
nhau trong sở biểu được báo hiệu bằng một sự khác nhau trên hình thức
biểu hiện, tuy không nhất thiết phải có sự tương ứng một đối một giữa hai
bình diện này” [26, 212].
Điều này có thể được minh chứng qua kết quả phân tích của Nguyễn
Văn Hiệp (2008) đối với phát ngôn (14) Dạo này nó béo ra.
Phát ngôn này có thể có nghĩa hàm ẩn đánh giá (tức nghĩa tình thái): Nó
béo như vậy là tốt. Theo Nguyễn Văn Hiệp, thông tin hàm ẩn này thuộc
nghĩa biểu lộ nên không mang tính hàm chân trị, tức không thuộc dẫn ý.
Mặt khác, thông tin này nảy sinh từ việc dùng phó từ (không phải phương
tiện chuyên biệt biểu thị tình thái). Và điều quan trọng là nó có thể được
khử bỏ, chẳng hạn: Dạo này nó béo ra. Nhưng béo ra thì chẳng tốt đẹp gì,
khoa học ngày nay đã chứng minh là càng béo càng dễ mắc bệnh này bệnh
nọ,… [31, 267].
Theo chúng tôi, nghĩa tình thái hàm ẩn Nó béo như vậy là tốt được coi
là hàm ý của phát ngôn (14) ngoài những lý do trên, còn có một lý do khác
không kém phần quan trọng. Đó chính là sự gắn bó với ngữ cảnh của nghĩa
tình thái này. Bởi lẽ, phát ngôn trên, nếu đặt trong hoàn cảnh khác, ví dụ:
(15) A: - Dạo này cái Linh “xuống mã” ghê quá. Hôm qua, gặp nó ở
cổng trường mà tớ không nhận ra.
B: - Ừ, dạo này nó béo ra.
thì nghĩa tình thái hàm ẩn không còn là Nó béo như vậy là tốt nữa mà thay
vào đó là sự đánh giá Vì nó béo ra nên mới xấu (xuống mã) thế đấy. / Béo
ra chẳng tốt chút nào.
Ngoài việc xác định nội hàm khái niệm “tham gia” vào nội dung
của hàm ý, qua tiêu chí này, chúng tôi còn đề cao vai trò của hoàn cảnh
giao tiếp đối với việc tạo lập hàm ý ở người nói và quá trình suy luận để
hiểu hàm ý ở người nghe. Dựa vào hoàn cảnh giao tiếp, người nói có thể
hạn chế đến mức tối đa những nghĩa hàm ẩn ngẫu nhiên, không nằm trong
ý định thông báo và ngược lại, người nghe, trong quá trình suy luận để hiểu
hàm ý của mình cũng có thể phân biệt và loại bỏ loại nghĩa hàm ẩn tự nhiên
này. Chẳng hạn, trong những cuộc giao tiếp có tính chất đặc biệt như ở cơ
quan điều tra, thanh tra, tòa án,… thì các bị can, bị cáo sẽ không tuân thủ
phương châm về lượng và chất, thông tin mà họ khai báo ít khi là sự thật.
Nhưng điều tra viên, thanh tra viên, kiểm sát viên và thẩm phán cũng
36
không thể suy ra từ những phát ngôn vi phạm phương châm giao tiếp đó
hàm ý gì, ngoại trừ hàm ý “lại quả” nếu được bỏ qua hay giảm nhẹ tội
trạng. Tương tự như vậy, trong một số hoàn cảnh giao tiếp, đặc trưng văn
hóa của dân tộc còn giúp người nói hạn chế nghĩa hàm ẩn ngẫu nhiên và
loại bỏ những kết quả suy luận không tương thích với chủ ý của người nói.
Có thể thấy rõ điều này trong văn hóa chào mang đậm phong cách Á Đông
của người Việt. Nếu là người Việt, người nước ngoài hiểu văn hóa Việt sẽ
chẳng ai huy động vốn tri thức, kinh nghiệm sống… để suy luận, tìm ra các
hàm ý của người nói trong cuộc hội thoại tình cờ sau:
(16) A: - Bác đi làm sớm thế ạ?
B: - Cháu đi thi, ra ngõ gặp đàn ông là may lắm đấy nhé!
bởi họ đều hiểu rằng đó chỉ là những hình thức khác nhau của lời chào.
Jenny Thomas (1995) cũng nhận xét rằng người Navajo không bao giờ
nói tên người chết (đặc biệt là người chết do bạo lực hoặc chết sớm) không
phải là họ cố tình không tuân thủ phương châm về lượng để tạo hàm ý mà
thực ra đó là điều kiêng kỵ – một biểu hiện cụ thể của văn hóa Navajo
[144, 77 -78].
Trong chừng mực nào đó, dựa vào tiêu chí “chủ định của người phát
ngôn” để xác định hàm ý cũng là một cách kế thừa quan điểm của H.P.
Grice phân biệt nghĩa hàm ẩn tự nhiên – ý nghĩa được người nghe suy ra
một cách ngẫu nhiên, không nằm trong ý định thông báo của người nói, với
nghĩa hàm ẩn không tự nhiên – ý nghĩa được truyền đạt một cách có ý định,
thuộc chủ định của người nói; chỉ những nghĩa hàm ẩn nằm trong ý định
thông báo của người nói mới là đối tượng được quan tâm trước hết của
ngôn ngữ học nói chung và ngữ dụng học nói riêng (Dẫn theo [10, 665]).
Đối chiếu tiêu chí này với thực tế giao tiếp, chúng tôi thấy, nếu thừa nhận
nội dung suy ý của người nghe độc lập với điều mà người nói muốn nói
(tức hàm ý của người nói) thì nhiều cuộc thoại sẽ rơi vào tình trạng “ông
nói gà, bà nói vịt” và khó có thể được đánh giá là thành công.
Quan niệm hàm ý “là điều người nói muốn người nghe ngầm hiểu” giúp
loại trừ những suy ý thiếu căn cứ của người nghe, đồng thời cũng ngăn
ngừa xu hướng cho rằng bất kỳ phát ngôn nào trong giao tiếp cũng có hàm
ý. Nếu bất kỳ cuộc giao tiếp nào – từ cuộc trao đổi mang tính chất xã giao
thường ngày đến những cuộc đàm phán mang tính chiến lược của hoạt
37
động ngoại giao – cũng đòi hỏi người nghe phải căng óc để tìm ra hàm ý,
rồi tìm cách phản hồi bằng một phát ngôn khác hay bằng hành động thì
người nghe sẽ luôn ở trong trạng thái căng thẳng… Và như vậy, hoạt động
giao tiếp bằng ngôn ngữ có khả năng biến thành một “cực hình” mà con
người luôn sợ đối mặt. Điều này dường như trái với thực tế giao tiếp bởi lẽ,
không phải trong bất kỳ hoạt động giao tiếp nào, người tham gia giao tiếp
cũng trao đổi thông tin với nhau bằng hàm ý. Xét ví dụ (17):
Mai: - (Lan! Trời ơi!) Lâu quá rồi không gặp. Dạo này trông trắng
trẻo, xinh xắn hẳn lên. Thế nào, chuyện chồng con đến đâu rồi? Vẫn anh
chàng cũ chứ hả?
Lan: - Gì mà cứ như súng liên thanh ấy thế? Để người ta còn kịp thở
với chứ!
Phát ngôn của Mai có TGĐ Trước kia Lan không trắng và xinh như bây
giờ. Nhưng nội dung này không phải là điều Mai muốn nói với Lan. Đồng
thời, nó cũng không phải thông tin mà Lan cần tiếp nhận. Thậm chí, trong
hoàn cảnh giao tiếp cụ thể này, Lan có thể không cần bận tâm đến TGĐ đó.
Bởi thế, phát ngôn hồi đáp của Lan, ngoài việc biểu hiện sự vui mừng còn
thể hiện tình cảm (trách yêu) đối với Mai.
Như vậy, tiêu chí nhận diện hàm ý mà chúng tôi đưa ra trong đề tài này
cũng là cơ sở để loại bỏ những nghĩa hàm ẩn giống như TGĐ trong phát
ngôn của Mai ra khỏi phạm trù hàm ý, bởi loại nghĩa hàm ẩn này nằm
ngoài mục đích của người phát ngôn và sự chú ý của người thụ ngôn.
1.7. Điều kiện sử dụng hàm ý trong giao tiếp
1.7.1. Hoàn cảnh giao tiếp
Hoạt động giao tiếp nào cũng diễn ra trong một hoàn cảnh nhất định.
Hoàn cảnh là điều kiện tồn tại của các phát ngôn, đồng thời làm cho các
phát ngôn có hiệu lực ở lời và thể hiện được hàm ý. Khi hoàn cảnh giao
tiếp thay đổi, hiệu lực ở lời của phát ngôn cũng thay đổi, do đó, hàm ý của
phát ngôn cũng không còn giữ nguyên giá trị.
Hiểu theo nghĩa hẹp thì hoàn cảnh giao tiếp là văn cảnh nhưng nếu hiểu
theo nghĩa rộng thì nó bao gồm toàn bộ bối cảnh xã hội và thế giới tâm lý
mà trong đó, ở vào một thời điểm nhất định, người ta sử dụng ngôn ngữ.
Một trong số những quan niệm về hoàn cảnh giao tiếp có tính khái quát
nhất là quan niệm của John Lyons. Theo ông, hoàn cảnh giao tiếp bao gồm:
38
- Những hiểu biết về vai trò và vị thế (gọi tắt là vị thế giao tiếp).
- Những hiểu biết về nghi thức.
- Những hiểu biết về phương tiện (tức về mã hoặc phong cách thích hợp
với đường kênh).
- Những hiểu biết về vấn đề đang được nói tới.
- Những hiểu biết về môi trường xã hội trong đó cuộc giao tiếp đang diễn
ra (dẫn theo [50]).
Ở Việt Nam, tác giả Nguyễn Chí Hòa gọi hoàn cảnh giao tiếp là ngữ
cảnh và phân biệt ba loại ngữ cảnh sau [35, 53]:
- Ngữ cảnh với tư cách là đơn vị ngôn ngữ cho phép xác định ý nghĩa
của các đơn vị (gọi là ngôn cảnh).
- Ngữ cảnh với tư cách là một mảng hiện thực khách quan ngoài ngôn
ngữ nhưng tạo điều kiện cho việc xuất hiện phát ngôn và xác định ý nghĩa
của chúng (gọi là bối cảnh).
- Ngữ cảnh với tư cách là những tri thức riêng của người đối thoại (gọi
là ngữ cảnh riêng).
Hoàn cảnh giao tiếp có vai trò đặc biệt quan trọng đối với sự tồn tại của
phát ngôn và sự hình thành hàm ý. Tuy nhiên, không phải mọi hoàn cảnh
giao tiếp đều tham gia tác động vào quá trình tạo hàm ý. Có những hoàn
cảnh giao tiếp chỉ là môi trường cho hiển ngôn tồn tại. Hoàn cảnh giao tiếp
làm điểm tựa cho hàm ý là những hoàn cảnh đặc biệt. Phần lớn các nhà
nghiên cứu ngữ dụng học đều xếp vào hoàn cảnh đặc biệt này những nhân
tố như: sự chi phối của tính lịch sự, tế nhị, sự mong muốn “giữ thể diện”
cho mình (người nói) và cho người tham gia giao tiếp (người nghe), thậm
chí, giữ “uy tín” cho cả người (hoặc vấn đề) đang được đề cập đến trong
phát ngôn. Quan niệm này được thể hiện một cách cụ thể ở kết quả nghiên
cứu của Cao Xuân Hạo (1998). Tác giả đưa ra một danh sách các nhân tố
chủ yếu đưa đến việc sử dụng hàm ý, bao gồm:
(1) Những lệ cấm đoán có tính truyền thống (những điều kiêng kỵ, có
liên quan đến tín ngưỡng, những phép lịch sự trong cách ăn nói), bài trừ
hoặc khuyến cáo việc sử dụng những từ ngữ sau đây:
- Những từ ngữ trực tiếp xúc phạm đến thần linh, trong đó có những lời thề
độc
- Từ chết
39
- Tên một số thú dữ đáng sợ
- Tên gọi các bộ phận sinh dục và từ ngữ chỉ hoạt động sinh dục
- Tên gọi các cơ quan bài tiết và các từ ngữ chỉ công năng bài tiết
(2) Các quy tắc xã giao, trong đó có việc tránh đặt ý muốn của mình cho
người đối thoại và tránh làm người đối thoại mất thể diện.
(3) Tâm lý không muốn mang tiếng nói xấu, dèm pha hay vu khống
người khác.
(4) Ý muốn trêu chọc, giễu cợt người nghe.
(5) Nhu cầu thẩm mỹ của người tham gia giao tiếp.
Các nhân tố trên thể hiện tính phức tạp của hoạt động giao tiếp xã hội,
của sự tác động lẫn nhau giữa các thành viên trong cùng một cộng đồng
ngôn ngữ, thể hiện tính phức tạp của nền văn hóa dân tộc và của những xu
hướng thẩm mỹ của con người. Chúng thực sự là lý do khiến người ta
không thể nói thẳng điều mình muốn nói bằng những từ ngữ chính xác
được dùng theo nghĩa đen mà bắt người nghe phải hiểu thông qua những
bước suy luận nhiều khi khá lắt léo. Nhưng có phải tất cả các nội dung hàm
ẩn – kết quả của những bước suy luận lắt léo từ các phát ngôn chịu sự chi
phối của các nhân tố trên – đều là hàm ý không?
Chúng ta có thể trả lời câu hỏi này khi xác định sự chi phối của mỗi loại
nhân tố đối với việc tạo lập kiểu phát ngôn và tìm ra được đặc trưng cơ bản
của nội dung hàm ẩn tương ứng. Thực chất của công việc này là xác định
nội dung hàm ẩn của phát ngôn A được tạo lập do sự chi phối của nhân tố
(n), sau đó, tìm những đặc trưng cơ bản của nội dung hàm ẩn này. Nếu nội
dung hàm ẩn của phát ngôn A khi chịu sự chi phối của nhân tố (n) có
những đặc trưng giống với hàm ý thì nội dung hàm ẩn này là hàm ý của
phát ngôn A và nhân tố (n) được coi là “hoàn cảnh đặc biệt”, là lý do khiến
người ta sử dụng hàm ý trong giao tiếp đồng thời là điểm tựa của hàm ý.
Xét từng nhân tố mà Cao Xuân Hạo đã kể ra ở trên, chúng tôi thấy:
Nhân tố (1) là cơ sở của việc tạo lập những nội dung hàm ẩn nhất định.
Những nội dung này dù chịu sự tác động của văn hóa dân tộc nhưng
thường mang tính ổn định (tức nghĩa sự vật hàm ẩn không biến đổi), hơn
nữa, lượng tin của nội dung hàm ẩn này không phải bao giờ cũng nhiều hơn
lượng tin được thể hiện trong hiển ngôn. Điều đó có nghĩa là nội dung hàm
ẩn này chỉ thể hiện đặc trưng văn hóa, tư duy của cộng đồng người sử dụng
40
ngôn ngữ mà không nằm trong chiến lược sử dụng phát ngôn có hàm ý. Vì
vậy, những nội dung này, theo chúng tôi, không phải là hàm ý.
Các nhân tố (2), (3), (4) và (5) mà Cao Xuân Hạo đưa ra là đáng quan
tâm hơn. Có thể nói, các nhân tố này không chỉ thể hiện văn hóa giao tiếp
của mỗi dân tộc mà còn là chiến lược giao tiếp. Không chỉ vì không muốn
mang tiếng là nói xấu, dèm pha hay vu khống người khác người ta mới
chọn cách nói có hàm ý để dễ bề phủ nhận trách nhiệm của mình, mà theo
chúng tôi, sự nể nang, thiếu mạnh dạn trong giao tiếp – đặc biệt là trong
trường hợp đưa ra các ý kiến đánh giá, nhận xét đối tượng và cả cái tâm lý
“một điều nhịn, chín điều lành”, cả vị thế của người tham gia giao tiếp,…
cũng là những hoàn cảnh đặc biệt, là lý do thúc đẩy việc sử dụng hàm ý
trong giao tiếp.
Như đã nói, hoàn cảnh giao tiếp vốn dĩ là một khái niệm không dễ xác
định, vì vậy, việc trả lời cho câu hỏi hoàn cảnh giao tiếp nào là lý do sử
dụng phát ngôn có hàm ý và tham gia vào quá trình hình thành hàm ý,
trong khi quan niệm về hàm ý vẫn còn thiếu sự thống nhất trong giới
nghiên cứu, lại càng không đơn giản chút nào. Trong phạm vi đề tài này,
chúng tôi không có tham vọng giải quyết toàn bộ vấn đề quan hệ giữa hoàn
cảnh giao tiếp với hàm ý của phát ngôn mà căn cứ vào các phát ngôn có
hàm ý và hoàn cảnh giao tiếp cụ thể của những phát ngôn đó để giải thích
lý do của việc sử dụng hàm ý, làm cơ sở giúp người nói tạo lập hàm ý và
người nghe tiếp nhận hàm ý trong giao tiếp.
1.7.2. Nhân vật giao tiếp
Để cuộc giao tiếp bằng phát ngôn có hàm ý thành công (tức là người nói
gửi được hàm ý tới người nghe và người nghe nắm bắt, thậm chí hồi đáp,
“điều hành” nội dung cuộc thoại theo hướng của hàm ý), trước hết phải có
sự cộng tác tích cực giữa người nói với người nghe. Về điều này, chúng ta
có thể chia sẻ với nhận xét của Marina Sbisà (2003): “Hàm ý hội thoại một
điều gì đó cũng như hiểu một hàm ngôn hội thoại là hành động đòi hỏi phải
xem xét người đối thoại như một đối tượng suy nghĩ có khả năng và yêu
thích cộng tác, đến lượt mình, người đó lại xem xét người đối thoại của
mình như một đối tượng suy nghĩ có khả năng và yêu thích cộng tác”
[139].

41
Yêu cầu thứ hai là người nói phải tính đến năng lực giải đoán hàm ý ở
người nghe. Nếu người nói, trong quá trình tạo lập phát ngôn mang hàm ý,
không quan tâm tới năng lực giải đoán hàm ý ở người nghe thì hàm ý rất có
thể sẽ không được nhận biết. Và như vậy, việc dùng hàm ý thất bại.
Về phía người nghe, C.K. Orecchioni cho rằng, trong giao tiếp, họ cũng
sẽ là người nói, nên những yếu tố tham gia vào cơ chế tạo nghĩa hàm ẩn
trong chừng mực nào đó cũng có thể giúp người nghe nắm bắt được nghĩa
hàm ẩn của các phát ngôn mà mình nghe được. Tuy vậy, không phải người
nghe nào, trong bất kỳ cuộc giao tiếp nào cũng đủ năng lực tiếp nhận mọi
thông tin hàm ẩn trong các phát ngôn. Để tiếp nhận được, họ phải có năng
lực ngôn ngữ, năng lực ngữ dụng, tri thức nền và lẽ thường.
Năng lực ngôn ngữ (linguistic competence, ngữ năng), theo Chomsky,
là năng lực bẩm sinh của con người, giúp con người tạo ra những câu đúng
và hiểu được câu nói của người khác (hiểu nghĩa hiển ngôn), tức là giúp
con người thực thi (perfomance) ngôn ngữ.
Năng lực ngữ dụng (pragmatic competence) là năng lực sử dụng ngôn
ngữ trong hoàn cảnh cụ thể. Năng lực này bao gồm những hiểu biết về sự
hoạt động của các quy tắc hội thoại và khả năng vận dụng chúng vào hoạt
động giao tiếp. Có năng lực ngữ dụng, chúng ta mới có thể hiểu đầy đủ vấn
đề (tức không chỉ hiểu nghĩa hiển ngôn mà còn hiểu nghĩa hàm ẩn), mới có
đủ tự tin để tạo lập hay tiếp nhận hàm ý trong quá trình giao tiếp. Những
hiểu biết về hoạt động của các quy tắc giao tiếp bao gồm:
- Hiểu biết về quy tắc chiếu vật và chỉ xuất.
- Hiểu biết về quy tắc hội thoại.
Trong các nội dung kể trên, hiểu biết về quy tắc hội thoại đặc biệt quan
trọng không chỉ đối với nội dung của cuộc hội thoại mà hơn thế, còn ảnh
hưởng tới “quy mô” và sự tồn tại của cuộc thoại. C.K. Orecchioni chia quy
tắc hội thoại thành 3 nhóm chính:
- Các quy tắc điều hành sự luân phiên lượt lời.
- Các quy tắc chi phối cấu trúc hội thoại.
- Các quy tắc chi phối quan hệ liên cá nhân trong hội thoại.
Sau này, Đỗ Hữu Châu đề nghị bổ sung vào quy tắc hội thoại một nhóm
quy tắc nữa – nhóm quy tắc điều hành nội dung của hội thoại, bao gồm
nguyên tắc cộng tác hội thoại của H.P. Grice và nguyên tắc quan yếu của
42
D. Sperber và D. Wilson (xem: [10, 557]). Nguyên tắc cộng tác hội thoại
“bao trùm bốn phạm trù mà Grice gọi là phạm trù lượng, phạm trù chất,
phạm trù quan hệ, phạm trù cách thức theo tinh thần của nhà triết học Kant.
Mỗi phạm trù đó tương ứng với một “tiểu nguyên tắc” mà Grice gọi là
“phương châm”; mỗi phương châm lại gồm một số “tiểu phương châm””
[10, 560]. Trong số các phương châm hội thoại của Grice, phương châm
quan yếu được D. Sperber và D. Wilson nâng lên cương vị một nguyên tắc
bao quát cả giao tiếp và sự tri nhận của con người. Theo đó, nguyên tắc
quan yếu của D. Sperber và D. Wilson là một cơ chế khái quát hóa nhằm
giải thích cơ chế tri nhận làm cơ sở cho hoạt động giao tiếp. Các tác giả cho
rằng, hoạt động thuyết giải các phát ngôn thường trải qua hai giai đoạn:
giai đoạn giải mã phát ngôn để rút ra hình thức logic của phát ngôn đó mà
kết quả của nó sẽ là “đầu vào” cho giai đoạn trung tâm của hoạt động
thuyết giải - giai đoạn suy ý [10, 572]. Trên cơ sở đó, Sperber và Wilson
cho rằng,: “Hiểu một phát ngôn U do một người S nói ra có nghĩa là nắm
bắt được tập hợp những giả thuyết có dụng ý (nằm trong ý định thông tin)
< I >, tập hợp này là động lực thúc đẩy S nói U ra và giúp người nghe H
giải thích U” [10, 574]
Theo K.C. Orecchioni (1995) và G. Yule (1997), tri thức nền
(background knowledge) là năng lực lý giải một cách tự động những điều
không được viết ra hay không được nói ra có thể dựa trên những cấu trúc
tri thức đã cho trước. Những cấu trúc này hoạt động giống như những mô
hình quen thuộc có được từ kinh nghiệm cũ mà chúng ta sử dụng để lý giải
kinh nghiệm mới [119, 85].
Còn lẽ thường (topos) là “chân lý thông thường có tính chất kinh
nghiệm, không có tính tất yếu, bắt buộc như các tiền đề logic, mang tính
đặc thù địa phương hay dân tộc. Nhờ chúng mà ta xây dựng được những
lập luận riêng” [13,91]. Có thể nói, trong chừng mực nào đó, có thể coi lẽ
thường là hoàn cảnh giao tiếp (theo nghĩa rộng). Bởi vì đó “là những chân
lý do cuộc sống mà có, bị chi phối bởi nền văn hóa, đạo đức” [65] và nói
đến lẽ thường là nói đến đặc điểm văn hóa, xã hội, lịch sử… đã được mô
hình hóa thành “một sơ đồ văn hóa” (G. Yule). Chính lẽ thường đã tạo cho
ngôn ngữ cái dấu ấn văn hóa cộng đồng để mỗi dân tộc có cách thức riêng
của mình trong việc tạo lập mã thông báo hay những quy định, quy ước,
43
những cấm kỵ rất riêng trong khi tạo phát ngôn, tham gia vào hoạt động
giao tiếp.
Tiểu kết
Chương 1 thống nhất cách hiểu về những khái niệm xuất phát để nghiên
cứu hàm ý và phương thức biểu thị hàm ý, cụ thể là: phát ngôn, cơ cấu
nghĩa của phát ngôn, nghĩa mệnh đề, nghĩa tình thái, nghĩa tường minh,
nghĩa hàm ẩn, hàm ý và điều kiện sử dụng hàm ý trong giao tiếp.
Trong luận án này, phát ngôn được quan niệm là biến thể của câu trong
hoạt động giao tiếp, tức là một đơn vị thuộc cấp độ lời nói, có kích thước
bằng câu.
Về cơ cấu nghĩa của phát ngôn, luận án sử dụng cả ba cặp đối lập: nghĩa
mệnh đề - nghĩa tình thái, nghĩa chủ đề - nghĩa thuật đề, nghĩa tường minh -
nghĩa hàm ẩn. Nghĩa mệnh đề là nghĩa do các từ riêng biệt và cấu trúc cú
pháp tạo ra, tức là nghĩa của câu, nhưng vì câu là bất biến thể của phát
ngôn nên nghĩa đó cũng bao hàm trong nghĩa của phát ngôn. Nghĩa tình
thái là phạm trù ngữ nghĩa chức năng thể hiện các dạng quan hệ khác nhau
của phát ngôn với thực tế cũng như các dạng đánh giá chủ quan khác nhau
đối với điều được thông báo, thể hiện mục đích phát ngôn của người nói và
sự tác động qua lại giữa người nói với người đối thoại. Bộ phận nghĩa tình
thái được mã hóa trong những hình thức ngôn ngữ nhất định phần nào độc
lập với hoàn cảnh sử dụng thuộc về nghĩa tường minh của phát ngôn. Bộ
phận không được mã hóa bởi các phương tiện ngôn ngữ, chỉ bộc lộ đầy đủ
khi xét đến tình huống sử dụng, gọi là tình thái của hành động phát ngôn
(tình thái của mục đích phát ngôn), thuộc về nghĩa hàm ẩn của phát ngôn.
Đưa nghĩa chủ đề vào cơ cấu nghĩa của phát ngôn, luận án nhằm giải
đáp cho các vấn đề như: Nghĩa chủ đề có mối quan hệ với hàm ý không?
Việc xác lập nghĩa chủ đề có liên quan như thế nào đến việc biểu thị hàm ý,
đặc biệt là trong tiếng Việt – ngôn ngữ được cho là thiên chủ đề?
Khác với nghĩa tường minh - ý nghĩa rút ra từ nghĩa đen, nghĩa bóng
của các từ ngữ có mặt trong câu và quan hệ cú pháp giữa các từ ấy, nghĩa
hàm ẩn là thông tin không được thể hiện trên bề mặt câu chữ của phát ngôn
nhưng có thể nhận biết nhờ suy ý trên cơ sở hiển ngôn, hoàn cảnh phát
ngôn và quy tắc điều khiển hành vi ngôn ngữ, điều khiển lập luận, điều
khiển hội thoại,…
44
Mặc dù còn có những điểm khác biệt nhưng các nhà nghiên cứu đều
thống nhất với nhau là nghĩa hàm ẩn gồm 3 loại: dẫn ý, TGĐ và hàm ý. Có
thể thấy hàm ý, dẫn ý và TGĐ đều là nghĩa hàm ẩn của phát ngôn bởi
chúng đều không được nói ra một cách tường minh. Tuy nhiên, giữa hàm ý,
dẫn ý và TGĐ có những điểm khác nhau rất rõ.
Luận án này không giới hạn việc xác định hàm ý trong phạm vi nghĩa
mệnh đề. Trong trường hợp nghĩa tình thái không được biểu đạt bởi các
phương tiện biểu đạt tình thái chuyên biệt thì nghĩa tình thái đó là hàm ý.
Tất nhiên, chỉ những ý nghĩa tình thái hàm ẩn nằm trong chủ định của
người phát ngôn, tức là “điều người nói gửi tới người nghe, muốn người
nghe hiểu” mới được coi là hàm ý.
Các điều kiện sử dụng hàm ý thường được đề cập là hoàn cảnh giao tiếp
và nhân vật giao tiếp. Hoàn cảnh giao tiếp có vai trò đặc biệt quan trọng đối
với sự tồn tại của phát ngôn và sự hình thành hàm ý. Tuy nhiên, không phải
mọi hoàn cảnh giao tiếp đều tham gia tác động vào quá trình tạo hàm ý.
Hoàn cảnh giao tiếp làm điểm tựa cho hàm ý là những hoàn cảnh đặc biệt.
Để cuộc giao tiếp bằng phát ngôn có hàm ý thành công, trước hết phải có
sự cộng tác tích cực giữa người nói với người nghe. Người nói, trong quá
trình tạo lập phát ngôn mang hàm ý, phải tính đến năng lực giải đoán hàm ý
ở người nghe. Để tiếp nhận được thông tin hàm ẩn trong các phát ngôn,
người nghe phải có năng lực ngôn ngữ, năng lực ngữ dụng, tri thức nền và
lẽ thường.

45
CHƯƠNG 2
CÁC LOẠI HÀM Ý

2.1. Vấn đề phân loại hàm ý trong các tài liệu ngữ dụng học
Như đã trình bày ở Chương 1, bộ phận nghĩa hàm ẩn của phát ngôn mà
chúng tôi gọi là hàm ý được các nhà nghiên cứu nhìn nhận ở những góc độ
khác nhau, bởi thế, mỗi tác giả có một cách phân loại khác nhau. Có thể
thấy một số hướng phân loại như sau:
a) Phân loại hàm ý theo mức độ phụ thuộc vào hoàn cảnh giao tiếp
Đi theo hướng này là H.P. Grice và các nhà nghiên cứu theo học thuyết
của Grice như Horn (1989); Levinson (1983; 1987b; 2002); George Yule
(1997) hay một số nhà lý luận theo tính quan yếu như D. Sperber và D.
Wilson (1995), Carston (1988; 1995; 1998…); ở Việt Nam là Hoàng Phê,
Đỗ Hữu Châu, Nguyễn Đức Dân,…
Các tác giả thuộc xu hướng này chia hàm ý thành hai loại là hàm ý quy
ước (conventional implicature) và hàm ý hội thoại (conversational
implicature).
Hàm ý quy ước là loại hàm ý ít lệ thuộc vào hoàn cảnh giao tiếp, thường
được biểu thị bằng một số phương tiện ngôn ngữ mang tính quy ước (chẳng
hạn: từ, cấu trúc câu chuyên biệt,…). Đó “là loại hàm ngôn nảy sinh do
việc sử dụng những biểu thức nào đó trong phát ngôn chứ không nảy sinh
từ ngữ cảnh” [31, 261]. Nói cách khác, hàm ý quy ước “phụ thuộc vào cái
gì đó khác với những gì mang tính chân trị, trong cách dùng quy ước, của
những dạng thức và biểu thức cụ thể” (xem: [10]; [12]; [40]; [119]).
Hàm ý hội thoại là loại hàm ý phụ thuộc vào hoàn cảnh giao tiếp, được
hình thành nhờ người nói cố ý vi phạm các quy tắc ngữ dụng như quy tắc
chỉ xuất chiếu vật, quy tắc hội thoại,... đặc biệt là vi phạm các phương
châm hội thoại - những “yếu tố” được coi là nền tảng cho cuộc hội thoại
phát triển (xem: [10]; [12]; [40]; [58]; [119]). Ví dụ:
(18) Chị có cuốn “Thành phần câu tiếng Việt” không?
Tùy theo hoàn cảnh giao tiếp cụ thể (ở hiệu sách hay ở thư viện...) mà
phát ngôn trên có hàm ý hội thoại khác nhau. Có thể là:
- Tôi muốn mua cuốn Thành phần câu tiếng Việt (nếu phát ngôn trên
tồn tại trong cuộc giao tiếp với người bán hàng tại hiệu sách).
46
- Tôi muốn mượn cuốn Thành phần câu tiếng Việt (nếu phát ngôn trên
tồn tại trong cuộc giao tiếp giữa bạn đọc với thủ thư hoặc giữa các đồng
nghiệp/đồng môn về vấn đề sách tham khảo).
- Ý kiến/quan điểm của chị sai rồi. Chị nên kiểm chứng lại bằng việc
đọc cuốn Thành phần câu tiếng Việt (nếu phát ngôn tồn tại trong hoàn cảnh
của cuộc tranh luận về chuyên môn có liên quan đến vấn đề thành phần
câu).
Lấy tiêu chí mức độ phụ thuộc vào hoàn cảnh để phân loại hàm ý, các
tác giả đã vạch ra được ranh giới khá rõ ràng giữa hai loại hàm ý. Tuy
nhiên, việc phân chia các loại hàm ý trên thành những tiểu loại nhỏ vẫn còn
là vấn đề gây tranh luận trong các thuyết giao tiếp Hậu Grice và Tân Grice
(xem: [131]; [132]; [133]).
b) Phân loại hàm ý theo khu vực tình thái mà người nói ký gửi vào phát
ngôn
Theo Hồ Lê, lấy “khu vực tình thái mà người phát ngôn ký gửi một cách
hàm ẩn vào phát ngôn” làm tiêu chí, hàm ý sẽ được chia thành 3 loại: ẩn ý,
ngụ ý và dụng ý. Trong đó:
- Ẩn ý là sự kiện ngầm ẩn khác với sự kiện được diễn đạt hiển ngôn
(hiển nghĩa – thuật ngữ của Hồ Lê).
- Ngụ ý là những (nghĩa) tình thái hàm ẩn (những định hướng phát
ngôn, thái độ, tâm trạng, tình cảm…) khác với tình thái được diễn đạt hiển
ngôn (hiển ý – thuật ngữ của Hồ Lê).
- Dụng ý là ý muốn dùng phát ngôn để tác động như thế nào đó đến
người thụ ngôn (người nghe) [44; 139 – 143].
Với cách phân loại này, nội hàm khái niệm hàm ý đã được tác giả mở
rộng sang cả phạm vi nghĩa tình thái. Quan điểm này ở ông gần với J.
Lyons: “Không có lý do gì để giới hạn việc áp dụng khái niệm hàm ngôn
trong phạm vi nghĩa mệnh đề hoặc nghĩa miêu tả […] Những khác biệt về
nghĩa xã hội và nghĩa miêu tả (trong chừng mực chúng được từ vựng hóa
trong ngôn ngữ cụ thể) có thể được xếp vào phạm vi của khái niệm hàm
ngôn quy ước” [40, 287].
Theo chúng tôi, nghĩa hàm ẩn có thể là nghĩa mệnh đề hay nghĩa tình
thái. Nghĩa tường minh hay nghĩa hàm ẩn đều có thể tác động đến người
nghe. Tác động ấy có thể là chia sẻ, khuyên nhủ, yêu cầu,… Vì vậy, cách
47
phân loại của Hồ Lê khiến người học khó nhận diện đối tượng bởi lẽ, ranh
giới của các loại hàm ý trong thực tế rất mờ nhạt. Hơn nữa, việc phân loại
đối tượng phải có tác dụng đối với việc rèn luyện kỹ năng sử dụng ngôn
ngữ nhưng cách phân loại như Hồ Lê dường như không có tác dụng rõ rệt.
Trong chương này, chúng tôi sẽ trình bày một số kết quả phân loại hàm
ý theo những bình diện và tiêu chí khác nhau. Cụ thể là:
- Dựa vào tiêu chí “phương tiện biểu hiện”, hàm ý được chia thành: hàm
ý của từ, hàm ý của toàn phát ngôn.
- Dựa vào tiêu chí “số lượng hàm ý của phát ngôn” (tầng nghĩa), hàm ý
được chia thành: hàm ý đơn và hàm ý phức.
- Dựa vào tiêu chí “quan hệ với nghĩa tường minh”, hàm ý được chia
thành: hàm ý tăng tiến và hàm ý trái ngược.
- Dựa theo tiêu chí “quan hệ với các nghĩa hàm ẩn khác”, hàm ý được
chia thành: hàm ý kiêm chức và hàm ý không kiêm chức.
- Dựa theo tiêu chí “quan hệ với hoàn cảnh”, hàm ý được chia thành:
hàm ý quy ước và hàm ý hội thoại.
2.2. Các loại hàm ý được phân loại theo phương tiện biểu hiện
2.2.1. Hàm ý của từ
2.2.1.1. Khái niệm hàm ý của từ
Hàm ý của từ là vấn đề được đề cập trong hầu hết các nghiên cứu về
ngữ dụng học. Chẳng hạn, H.P. Grice cho rằng cái làm cho một từ “có
nghĩa” xuất phát từ điều mà người nói “muốn nói” bằng cách phát ngôn từ
đó, và “cái mà một người nói hoặc người viết muốn diễn đạt bằng một dấu
hiệu biểu hiện trong một thời điểm nhất định… có thể xa rời với nghĩa gốc
của dấu hiệu đó” [123, 381]. Ví dụ:
(19) That box looks red to me.
Theo ông, hàm ý “sự công nhận kèm một số nghi ngờ hoặc phủ nhận cái
hộp màu đỏ” (tức người nói thừa nhận rằng việc cái hộp có màu đỏ dường
như không thực sự chính xác) không chỉ phát sinh từ nguyên tắc sử dụng
ngôn ngữ mà còn phát sinh từ đặc điểm ngữ nghĩa của cụm từ looks to me”.
Những thuyết giải của ông về ẩn dụ (xem [40]) và đặc biệt, công trình
Studies in the Ways of words (Nghiên cứu từ trong sự hành chức) của ông
sau này là những khẳng định mạnh mẽ về sự hiện diện của một loại hàm ý
liên quan đến hàm ý của từ (xem [123]).
48
Quan niệm của H.P. Grice về hàm ý nói chung, hàm ý ngữ nghĩa nói
riêng được phát triển ở một lĩnh vực đặc thù hơn – mối quan hệ giữa ngôn
ngữ và tác phẩm văn chương – bởi một số tác giả tiêu biểu như Teun. A.
Van Dijk (1976), Michael Hancher (1977), Marilyn Cooper (1977), Mary
Louise Pratt (1977), Peg Griffin (1977),… Chẳng hạn, Griffin nhận thấy
một hiện tượng khá phổ biến là nhiều trẻ em (và cả người lớn) đọc kém vì
họ không nhận ra các hàm ý hội thoại trên các trang văn bản một cách dễ
dàng như khi họ nói ra các từ đó. Nghĩa là, họ có thể đọc từ nhưng không
đọc được ý ngoài lời. Điều này, theo tác giả, cũng có thể xảy ra đối với
những người đọc sành sỏi khi họ tiếp xúc với các văn bản phức tạp [124,
123 - 142].
Ở Việt Nam, thông qua các nghiên cứu về phương thức biểu thị hàm ý,
nhiều nhà nghiên cứu đã khẳng định: “Các từ ngữ đều có thể có những hàm
ý tùy theo ngữ cảnh và tình huống nói năng. Tuy nhiên, cũng có những từ
mang sẵn một hàm ý thường xuyên, không lệ thuộc vào văn cảnh và tình
huống” [26, 480]. Ví dụ:
(20) Hôm cưới Lan, anh Nam cũng đến.
(21) Từ bé đến giờ, chưa từng có ai khen nó như thế.
Ở phát ngôn (20), hư từ cũng có hàm ý: Việc “anh Nam có mặt trong
đám cưới của Lan” là có thực (tức cái “sự tình” gắn với hư từ cũng là hiện
thực). Ở phát ngôn (21), cụm hư từ chưa từng có hàm ý: Việc “có ai đó
(một người khác) khen nó như thế” là “phi hiện thực” (tức cái “sự tình” gắn
với cụm hư từ chưa từng diễn ra cho đến thời đểm phát ngôn).
Nhìn chung, trong các công trình nghiên cứu của mình, các nhà ngữ
dụng học chỉ tập trung nghiên cứu về các từ mang sẵn một hàm ý, không lệ
thuộc vào văn cảnh và tình huống, còn vấn đề hàm ý của từ trong ngữ cảnh,
trong tình huống nói năng chỉ mới dừng lại ở mức độ gợi mở hướng nghiên
cứu.
Trong đề tài này, chúng tôi coi hàm ý của từ là những nghĩa của từ có
thể phụ thuộc hoặc không phụ thuộc vào hoàn cảnh giao tiếp, là tầng
nghĩa thứ hai của từ, đồng thời là điều mà người nói gửi tới người nghe và
muốn người nghe hiểu.

49
2.2.1.2. Hàm ý quy ước của từ
Hàm ý quy ước của từ là loại hàm ý có được do sử dụng từ ngữ đặc biệt
nào đó. Khả năng tạo hàm ý cho phát ngôn của từ - đặc biệt là những phó
từ, trợ từ hay các liên từ (kết từ) - đã được các nhà ngôn ngữ học nghiên
cứu ở nhiều phương diện khác nhau khi đề cập đến hàm ý ngôn ngữ (hay
hàm ý quy ước) (xem: [9], [12], [13], [14], [25]; [31]). Chẳng hạn, Đỗ Hữu
Châu cho rằng: “Hàm ẩn quy ước là ý nghĩa của hàm ẩn được diễn đạt bởi
các tín hiệu quy ước […]. Các tín hiệu quy ước này, trước hết là các từ ngữ.
Ví dụ “làm ơn”, “hộ”,…” [9, 381]. Ví dụ:
(22) Làm ơn cho tôi hỏi từ đây đến Văn Miếu – Quốc Tử Giám còn bao
nhiêu km?
(Hàm ý: Đề nghị cho biết khoảng cách (/độ dài quãng đường) từ vị trí
xác định (đây) đến Văn Miếu – Quốc Tử Giám).
Trên quan điểm của logic học, Nguyễn Đức Dân (1998a) đã nghiên cứu
về hàm ý ngôn ngữ liên quan tới các hư từ [12, 191 – 193; 285 – 315]. Ông
khẳng định: “Từ có thể hiện sự đánh giá ít về đối tượng được đề cập tới so
với mức thông thường hoặc trong một quan hệ đối chiếu nào đó. Nét nghĩa ít
này mang tính khái quát, nó đại diện cho các nét rẻ, thấp, ít, nhẹ… Từ những
thể hiện sự đánh giá nhiều về đối tượng được đề cập so với mức thông
thường hoặc trong một quan hệ đối chiếu nào đó. Nét nghĩa nhiều này cũng
mang lại tính khái quát, nó đại diện có các nét đắt, cao, nhiều, nặng…” [12,
286]. Ví dụ:
(23) (Du là người rất hay mua sách. Hễ thấy quyển nào mới xuất bản là
anh mua ngay. Một hôm, Du mua một quyển Baudelaire. Thụ - người bạn
thân ngủ cùng giường với anh cầm quyển sách lên xong rồi kêu lên:)
A (Thụ): - Anh mua làm gì cái thứ đồ cổ này? Tôi thấy nhà có
Fleurs du Mal rồi kia mà?
B (Du): - Có một quyển khổ to thôi. Mua thêm một quyển khổ nhỏ
này để xem trong màn. Vả lại, chỉ có một cắc, mua mà vất đi…
[151, 261]
Theo nghĩa gốc, chỉ biểu thị phạm vi được hạn định, không có gì thêm
hoặc không có ai khác nữa [59, 153]. Trong phát ngôn của Du, chỉ mang
hàm ý đánh giá: quyển sách khổ nhỏ của Baudelaire giá một cắc là rẻ.
Cũng tương tự như vậy với từ những. Ví dụ:
50
(24) (Gần đến ngày nhập trường, ông Đầu xứ Anh đi tìm mua bút cho
em. Cô Phương, chủ cửa hàng là một người đanh đá, chua ngoa có tiếng.
Có một lần, một cậu học trò vào hàng chọn bút. Cô đưa bút Song Lan,
Thanh Chi… rồi đến Trúc Lan, người thư sinh […] cứ lắc đầu hoài, chê
xấu. Anh chàng nhất định hỏi mua bằng được cái thứ bút Tảo Thiên Quân
mới chịu lấy. Thấy thầy khóa ăn mặc đồ vải xuềnh xoàng, cô Phương ‘‘ra
giọng bỉ thử:”)
A (cô Phương): - Có Tảo Thiên Quân lông trắng nhưng mà những
hai quan một chiếc. [177, 161]
Theo nghĩa gốc, những dùng để chỉ một số lượng nhiều, không xác định
hoặc biểu thị cho ý nhấn mạnh số lượng quá nhiều [59, 729]. Trong ví dụ
trên, những mang nghĩa gốc (nhiều) nhưng nghĩa gốc này kết hợp với hoàn
cảnh (cô Phương là người đanh đá; “thấy thầy khoá ăn mặc đồ vải xuềnh
xoàng” nên cô “ra giọng bỉ thử”…) tạo cho phát ngôn của cô Phương hàm
ý loại bút đó đắt lắm, anh có đủ tiền mua không mà hỏi. Hàm ý này tương
đồng với nét nghĩa đánh giá về lượng mang tính khái quát của hư từ những
trong nghiên cứu của Nguyễn Đức Dân và các nhà ngôn ngữ khác.
Từ lập trường của ngữ pháp chức năng, Cao Xuân Hạo (1998) ngoài
việc nghiên cứu về hàm ý trong một số vị từ tình thái tiếng Việt [26, 520 –
523] còn chú trọng tới hàm ý của một số hư từ tiêu biểu như: đã, chưa,
đang, sẽ, rồi, những, chỉ, mãi… [26, 480 – 490, 536 – 572]. Ông nhấn
mạnh: “Đáng chú ý nhất là hàm ý chứa đựng trong những từ tình thái đặt
trước vị từ làm trung tâm ngữ nghĩa cho ngữ vị từ và thường được gọi là
phó từ hay trợ từ như: bèn, toan, định, suýt, nỡ, trót… Trong các từ tình
thái này có một số từ chứa đựng một hàm ý nói rằng sự việc do vị từ làm
bổ ngữ cho nó (đi sau nó) có diễn ra thật (hàm thực) hay không diễn ra
(hàm hư); lại có những từ không chứa đựng một hàm ý nào như vậy. Chẳng
hạn: “các từ toan, suýt, hòng đều hàm ý là cái việc do vị từ đi sau biểu thị
không xảy ra” […] hoặc “vị từ dùng với đã, rồi (hay chưa) chỉ một sự việc
xảy ra trước khi nói (hay trong thời điểm được chọn làm mốc) vốn là kết
quả của sự việc ấy”. Hay: “một số từ tình thái như những, chỉ, mới… làm
cho câu có thêm hàm ý đánh giá về lượng” [26, 480 – 488]. Ví dụ:
(25) a. Nhà còn những năm cân gạo.
b. Nhà chỉ có năm cân gạo mà thôi.
51
Từ những ở (25a) tạo cho phát ngôn hàm ý “Nhà còn năm cân gạo, và
tôi thấy thế là nhiều”. Từ chỉ ở (25b) tạo cho phát ngôn hàm ý: “Nhà còn
năm cân gạo, và tôi thấy như thế là ít” (Dẫn theo [26, 488])
Khác với Cao Xuân Hạo, từ cách tiếp cận của ngữ nghĩa cú pháp,
Nguyễn Văn Hiệp đã nghiên cứu việc sử dụng các liên từ, các quán ngữ
tình thái, các phó từ chỉ thời thể,… trong việc tạo hàm ý quy ước trong
tiếng Việt. Tác giả cho rằng hàm ý của nhóm vị từ hàm thực là một loại
tiền giả định (Nguyễn Đức Dân gọi là tiền giả định từ vựng) và hàm ý của
nhóm vị từ hàm hư là dẫn ý [31, 267 - 272]. Theo tác giả, trong những
trường hợp dùng hợp lý, việc sử dụng từ ngữ có thể tạo hàm ý quy ước
trong tiếng Việt. Cụ thể: các liên từ (và, song, nhưng…), các phó từ chỉ thời
thể (vẫn, lại, ra, đi,…), các quán ngữ tình thái (huống gì, nữa là,…)… nếu
biết dùng hợp lý đều có khả năng đem lại cho phát ngôn những hàm ý quy
ước nhất định. Ví dụ:
(26) Nó học không xuất sắc lắm nhưng nhất định không chịu đi du học
ở Hàn Quốc.
(Hàm ý: Người nói ngạc nhiên về việc nó không chịu đi du học ở Hàn
Quốc khi nó chưa phải là sinh viên thực sự xuất sắc).
Dù được nảy sinh do việc sử dụng những biểu thức nào đó trong phát
ngôn (chứ không nảy sinh từ hoàn cảnh giao tiếp) nhưng trong những
“trường hợp dùng hợp lý, ở những hoàn cảnh nhất định cùng một cách sử
dụng ngôn ngữ, ta có thể có hơn một hàm ý quy ước. Các nhà ngôn ngữ
học coi đây là “hiện tượng đa nghĩa của những từ tạo nên hàm ngôn quy
ước” [31, 272]. Ví dụ:
(27) Bố mẹ đã nói đến mức đấy rồi mà em vẫn làm theo ý mình à?
Phó từ vẫn trong phát ngôn trên có thể mang lại hàm ý quy ước:
- Người nói không hài lòng về sự tồn tại của việc được nói đến.
- Đánh giá đối tượng được nói đến (Chẳng hạn: Em quả là cô bé
bướng bỉnh).
hay ở ví dụ (24), phát ngôn của cô Phương (“Có Tảo Thiên Quân lông
trắng nhưng mà những hai quan một chiếc”) ngoài hàm ý “loại bút đó đắt
lắm” còn có hàm ý coi thường người nghe (thầy khóa), chẳng hạn: Liệu
anh có đủ tiền mua không mà đòi xem?

52
Như trên đã nói, hàm ý quy ước của từ đã được các nhà ngôn ngữ học
quan tâm ở nhiều phương diện khác nhau và đã có những thành quả nghiên
cứu không thể phủ nhận. So với mảng nghiên cứu về hàm ý hội thoại, hàm
ý quy ước của từ đã được các nhà ngôn ngữ học nghiên cứu công phu, tỉ mỉ
và cụ thể hơn rất nhiều. Các kết luận rút ra ở các công trình nghiên cứu hầu
như nhận được sự đồng thuận của người học, ít gây tranh luận trong giới
nghiên cứu. Bởi thế, trong đề tài này, chúng tôi quan tâm nhiều hơn tới
hàm ý hội thoại của từ - loại hàm ý vốn chỉ được đề cập ở tầm khái quát
trong các công trình nghiên cứu về ngữ dụng học.
2.2.1.3. Hàm ý hội thoại của từ
Khác với hàm ý quy ước, hàm ý hội thoại của từ được hình thành từ sự
kết hợp giữa việc sử dụng từ ngữ với hoàn cảnh giao tiếp. Qua khảo sát,
chúng tôi thấy sự chi phối của hoàn cảnh giao tiếp thường mang lại cho từ
những loại hàm ý sau:
a) Hàm ý về khoảng cách mối quan hệ giữa những người tham gia giao
tiếp
Trong giao tiếp, khi một trong số những người tham gia giao tiếp đột
ngột chuyển đổi cách xưng hô thông thường thì trong cách xưng hô mới
bao giờ cũng ẩn chứa hàm ý về sự thay đổi mối quan hệ giữa những người
tham gia giao tiếp (thường là khoảng cách giữa các nhân vật bị kéo ra xa
hay xích lại gần trên cả hai trục: trục quan hệ thân sơ và quan hệ vị thế).
a1. Hàm ý về khoảng cách mối quan hệ giữa các nhân vật giao tiếp bị
kéo ra xa. Ví dụ:
(28) (Tình yêu của Lộc và Mai bị bà Án – mẹ của Lộc – kịch liệt
phản đối. Để chia lìa tình cảm của con trai mình với Mai, bà Án đã dùng rất
nhiều thủ đoạn nhằm tác động đến tình cảm của Lộc. Còn với Mai, bà trực
tiếp đến gặp và đề nghị cô chấm dứt mối quan hệ với Lộc:)
a. Đem chuyện mẹ con tôi ra để nói với cô, tôi thực lấy làm ái ngại. Vì
một là cô không muốn hiểu, hai là cô không đáng nghe […] [158, 173]
b. Cái đó tùy cô! Nhưng đến tháng tám này, thế nào tôi cũng cưới vợ cho
con tôi. Tôi cam đoan với cô rằng thế nào tôi cũng cưới được vợ cho
con tôi. [158, 178]

53
c. […] Đấy cô nghĩ xem, nếu quả cô yêu con tôi và cô giàu lòng hy sinh
thì chả còn sự hy sinh nào to bằng, quý bằng, cao thượng bằng sự hy
sinh này. Vì cô sẽ giúp cho tương lai của người yêu cô. [158, 179]
Các phát ngôn của bà Án tồn tại trong hoàn cảnh Lộc đã mượn người
giả vờ đóng vai bà Án đến hỏi Mai làm vợ cho Lộc và Mai đã có thai. Theo
phong tục, Mai xứng đáng được gọi theo “danh phận” của chồng: mợ
Tham. Hơn ai hết, bà Án hiểu rất rõ điều đó nhưng trong thâm tâm, bà
không chấp nhận Mai là con dâu (vì Mai nghèo, gia đình không môn đăng
hộ đối…) và quan trọng hơn, mục đích của bà trong lần gặp gỡ này là nhằm
“chia loan rẽ thúy” nên bên cạnh cách ăn nói “có gang có thép” và “chỉ cốt
bày mưu” để đưa Mai vào tròng, bà Án còn ngầm gửi thông điệp “cô
không thể và không bao giờ là con dâu của tôi” qua cách xưng hô tôi - cô
đối với Mai. Hàm ý này đã được Mai hiểu và nhắc lại với bà Án sau sáu
năm bị bà ruồng rẫy.
Cũng tương tự, khi Mai dùng từ cậu thay thế cho cách gọi em – anh
thông thường trong phát ngôn hồi đáp Lộc ở ví dụ (4) (mục 0.6.1).
(29) (Bà Huyện trước kia vay tiền để mua chức cho chồng, nay
chồng mất chức mà bà vẫn chưa trả được nợ. Chủ nợ đến nhà bà Huyện đòi
nợ. Ban đầu, còn xưng hô chị - em nhưng khi biết bà Huyện vẫn chưa thể
thanh toán được nợ cho mình, chủ nợ liền đổi giọng:)
Này, do đồng tiền của đứa nào mà người ấy được vác mặt lên bảnh
chọe làm bà lớn thì chớ quên. Mua danh ba vạn bán danh chẳng được
đồng nào đâu. [172, 509]
Việc thay đổi cách xưng hô từ đại từ xác định (chị - em) sang những
cụm từ phiếm chỉ (đứa nào – người ấy) trong hoàn cảnh này đã tạo hàm ý
mỉa mai, đe dọa đối với bà huyện qua cái thông điệp hàm ẩn: “Không chị -
em gì với bà nữa!”
a2. Hàm ý về khoảng cách mối quan hệ giữa các nhân vật giao tiếp
xích lại gần hơn
Qua khảo sát, chúng tôi thấy, việc sử dụng đại từ nhân xưng tạo hàm ý
về khoảng cách mối quan hệ giữa các nhân vật giao tiếp xích lại gần hơn
thường được sử dụng trong chiến lược giao tiếp nhằm bày tỏ, thể hiện tình
cảm tốt đẹp của người phát ngôn đối với người nghe trong hoàn cảnh muốn

54
thể hiện sự đồng cảm, chia sẻ hoặc gây thiện cảm nhằm hiện thực hóa mục
đích giao tiếp. Ví dụ:
(30) (Sau bảy, tám năm ở tù, Chí Phèo trở về làng với bộ dạng của một
kẻ lưu manh thực thụ. Về làng hôm trước, hôm sau hắn đã ngồi ở chợ uống
rượu với thịt chó từ trưa đến xế chiều. Say khướt, hắn xách một cái vỏ chai
đến cổng nhà Bá Kiến gây sự. Lý Cường – con trai Bá Kiến – dùng sự hách
dịch của quyền uy để áp chế Chí Phèo nhưng không thành, trái lại, càng
làm cho tình thế trở nên căng thẳng… Và rồi, mọi việc đã được giải quyết
êm xuôi bởi “chiến thuật” của một kẻ “khôn róc đời” – Bá Kiến:)
- Anh Chí ơi! Sao anh lại làm thế? [151, 40]
- […] Ai, chứ anh với nó còn có họ kia đấy! [151, 41]
Bá Kiến gọi Chí Phèo là “anh”, đồng nghĩa với việc lão rất tôn trọng
Chí, hơn thế, lão còn công khai nhận họ hàng với Chí, dù trong thâm tâm,
không bao giờ Bá Kiến nghĩ thế… Chí cũng có một thoáng nghi ngờ: “Cái
thằng Bá Kiến này, già đời đục khoét, còn đớn cái nước gì mà chịu lép như
trấu thế”… Nhưng rồi cái chiến thuật xử nhũn của Bá Kiến đã phát huy tác
dụng. Sự ngọt ngào đã làm mềm nhũn, làm vô hiệu hóa con quỷ làng Vũ
Đại: dù không biết thực hư họ hàng thế nào nhưng lòng Chí cũng dịu lại,
hắn từ bỏ ngay ý định lu loa, ăn vạ.
(31) (Sau cuộc “hội kiến” lần thứ nhất, bà Án đã đạt mục đích của
mình: Mai bỏ Lộc ra đi không một lời từ biệt, để lại trong Lộc những mối
nghi ngờ và bao sự hiểu lầm không tốt đẹp về Mai. Để rồi chàng vâng lời
mẹ cưới con gái quan tuần như để làm tròn chữ “hiếu” với mẹ và trả thù sự
“vong ân bội nghĩa” đối với Mai. Sáu năm trôi qua, như một sự báo ứng, bà
Án đã già mà không có cháu để “nối dõi tông đường”. Thêm nữa, con dâu
bà mỗi ngày một trở nên hỗn láo với bà… Những điều “đau buồn” đó khiến
bà không thể không nhớ đến Mai. Nỗi khát khao có cháu nối dõi đã khiến
bà đủ can đảm bước qua lòng tự trọng để tìm Mai. Mục đích của bà trong
lần “hội kiến” thứ hai này là bằng mọi cách và bằng mọi giá phải đón được
cháu về. Để đạt được mục đích này, một trong những “chiến thuật” mà bà
dùng là gây thiện cảm với Mai. Không chỉ nói lời xin lỗi và tỏ rõ sự hối
hận, bà còn thản nhiên gọi Mai là mợ:)
a. […] Tôi lên đây là vì sự hối hận bắt buộc phải xin lỗi mợ. [158,
258]
55
b. Nay tôi muốn chuộc lại những điều lầm lỗi của tôi, mà ở đời chỉ
mình mợ có thể giúp tôi được việc ấy. [158, 258]
c. Mợ ạ, một ngày là nghĩa. Huống hồ đã ăn ở với nhau có con, có
cái. Mợ cũng chẳng nên giận cậu ấy nữa, chẳng nên oán tôi nữa. [158,
259]
Bà Án thản nhiên đến mức trơ trẽn gọi Mai là “mợ” như thể từ trong
thẳm sâu trái tim của bà, Mai thực sự là con dâu của bà, là vợ của Lộc. Hơn
ai hết, Mai đọc được từ tâm địa xấu xa của bà Án cái thông điệp hàm ẩn
nhằm phục vụ cho ý đồ đen tối ấy. Bởi thế, Mai đã phản ứng: “Tôi xin cụ
đừng gọi tôi là mợ. Tôi không phải, tôi không còn là con dâu cụ, mà cũng
không bao giờ cụ thèm nhận tôi là con dâu cụ, cụ nhớ điều ấy cho. Vậy, cụ
cứ dùng chữ cô cũng đủ lắm rồi.” [158, 259]
b) Hàm ý về thái độ, sự đánh giá của người phát ngôn
Trên số liệu khảo sát, chúng tôi thấy: khác với loại hàm ý về khoảng
cách mối quan hệ giữa những người tham gia giao tiếp, loại hàm ý này –
hàm ý về thái độ, sự đánh giá của người phát ngôn – có thể được tạo bởi sự
kết hợp giữa hoàn cảnh giao tiếp với việc sử dụng một cách hợp lý các từ
thuộc lớp hư từ, thực từ. Thậm chí, các nghĩa chuyển của từ cũng tham gia
khá tích cực vào việc hình thành nên loại hàm ý này.
b1. Hàm ý về thái độ của người phát ngôn
Loại hàm ý này có thể được tạo bởi việc dùng hợp lý một số từ thuộc
lớp thực từ hoặc hư từ trong những hoàn cảnh giao tiếp nhất định. Ví dụ:
(32) (Sau cái chết của Bá Nhỡ, cô Tơ đã bỏ nghề hát để đi tu và trở
thành sư thầy Tuệ Không. Nhân vật “tôi” không đồng tình với việc làm đó,
bởi theo nhân vật này “thái độ của sư thầy là một chuyện đánh bạc và cái
thời khắc biểu của nhà chùa chỉ là những ngày tháng của bệnh nhân trầm
trệ”. Trong một lần “hầu chuyện” sư thầy Tuệ Không, nhân vật “tôi” lại
tiếp tục thể hiện “chính kiến” của mình:)
“Sư thầy bỏ chùa Đàn, sư thầy tìm ra quét lá ăn mày sư tổ ở ngoài tỉnh
Đông. Rồi sư thầy gửi mình ở Quỳnh Lâm, Dật Yên, ở chùa Keo, chùa
Dận, Yên Tử, chùa Cói. Sư thầy tu, kể cũng tốn nhiều chùa !” [177, 240].
Nghĩa gốc của từ tốn là phải dùng vào công việc gì một số lượng lớn
nào đó / dùng mất nhiều, không tương xứng với kết quả [59, 1012].

56
Trong hoàn cảnh này, việc sư thầy Tuệ Không đi tu ở chùa Đàn, chùa
Dật Yên, chùa Keo,… không phải là sư thầy đã “dùng một số lượng lớn các
ngôi chùa vào việc tu”. Nói cách khác, việc đi tu không phải là để dùng hay
sử dụng hay làm “tiêu hao” một lượng chùa nào đó cho nên khả năng kết
hợp từ giữa “tu” và “tốn” là không thể xảy ra. Tuy nhiên, khi trình bày
“chính kiến” của mình, Nguyễn Tuân đã không ngần ngại sử dụng sự kết
hợp bất thường này – “tu tốn chùa” để gửi gắm hàm ý về thái độ mỉa mai,
giễu cợt trước việc làm không nghiêm túc, không kiên trì,… của sư thầy
Tuệ Không.
(33) (Cùng là những người theo nghiệp văn chương nhưng Hoàng và
Độ lại mang quan điểm khác nhau, đặc biệt trong cách nhìn nhận, đánh giá
con người và cuộc kháng chiến của dân tộc. Sự khác nhau ấy của hai nhân
vật được thể hiện rất rõ trong lời tâm sự của Hoàng trong một lần gặp gỡ
ngắn ngủi giữa họ:)
Nói ví dụ ngay như cái thằng chủ tịch ủy ban khu phố ở Hà Nội lúc
chưa đánh nhau. Nó là một anh hàng cháo lòng. Bán cháo lòng thì nó biết
đánh tiết canh, chứ biết làm ủy ban thế nào mà bắt nó làm ủy ban? [151,
117]
Xét phát ngôn trên trong hoàn cảnh gặp gỡ của hai nhân vật (tại nhà của
Hoàng, khi cả Hoàng và Độ đang trao đổi về “người nhà quê”) thì cách gọi
nó (chỉ người thuộc hàng dưới hoặc ngang hàng) mà Hoàng dành cho
người làm lãnh đạo (vốn xuất thân từ người lao động) trong cuộc kháng
chiến đã phần nào thể hiện thái độ, cách nhìn nhận,… của cá nhân anh đối
với người lao động: chê bai, giễu cợt những yếu kém của họ.
(34) (Sau khi ở tù về, hành động đầu tiên của Chí khiến người ta ví
hắn như “con quỷ làng Vũ Đại” là hành động Chí dùng mảnh chai rạch mặt
ăn vạ tại nhà Bá Kiến. Đó cũng là lần đầu tiên Chí dám “tuyên chiến” với
“kẻ thù” của mình:)
- Tao chỉ liều chết với bố con nhà mày đấy thôi. Nhưng tao mà chết
thì có thằng sạt nghiệp mà rũ tù chưa biết chừng.
[151, 40]
(35) (Sau khi đi lính về, biết rằng vợ mình ở nhà có nhờ lý Kiến dẫn
đi lĩnh tiền, một hôm, Binh Chức vác dao đến nhà lý Kiến:)

57
- Hồi tôi còn tại ngũ, tôi gửi về nhà có trăm. Không biết vợ tôi có
tiêu pha gì, hay là cho trai mà không còn đồng nào cả. Tôi hỏi thì nó bảo:
Ở nhà, đàn bà con gái một mình, không dám giữ tiền, được đồng nào mang
gửi ông Lý cả. Tôi sợ nó bịa nên đã trói sẵn ở nhà. Bây giờ tôi đến thưa
với ông, tính toán xem được bao nhiêu cho đem về nuôi cháu. Thiếu một
đồng thì tôi không để yên cho chúng nó.[151, 45]
(36) (Chí Phèo lại vác dao đến nhà Bá Kiến. Lần này, điệu bộ của
hắn trông rất hiền lành. Hắn đến để xin cụ Bá cho đi ở tù với một điều
kiện:)
- Vâng, bẩm cụ, không được thì con phải đâm chết dăm ba thằng,
rồi cụ bắt con giải huyện.[151, 49]
Đặt phát ngôn (34) trong hoàn cảnh Bá Kiến là kẻ chủ mưu trong việc
đẩy Chí vào tù, Bá Kiến hiểu rất rõ rằng: Đó là một lời thách thức. Lời
thách thức ấy hướng tới đối tượng bố con nhà mày, có thằng mà với người
khác có thể “mơ hồ về vật quy chiếu” nhưng với cụ Bá, đó chính là bố con
nhà cụ! Hoàn cảnh trên cũng là cơ sở để Chí chuyển tải hàm ý và để cụ Bá
hiểu rõ hàm ý của Chí ở phát ngôn (36). Lời thưa gửi rất lễ phép của Chí
trước đó (Bẩm cụ, từ ngày cụ bắt con đi ở tù, con lại sinh ra thích đi ở tù;
bẩm có thế, con có dám nói gian thì trời tru đất diệt, bẩm, quả đi ở tù
sướng quá. Đi ở tù còn có cơm để mà ăn, bây giờ về làng về nước, một
thước cắm dùi không có, chẳng làm gì nên ăn. Bẩm cụ, con lại đến kêu cụ,
cụ lại cho con đi ở tù…) nói lên cái “khát vọng cơm áo” và cũng là lời vạch
tội Bá Kiến. Những phát ngôn này chính là hoàn cảnh để xác định đối
tượng mơ hồ (dăm ba thằng) và giải mã hàm ý (thông điệp) mà Chí muốn
gửi đến Bá Kiến trong phát ngôn (36).
Tương tự, ở phát ngôn (35), Binh Chức đã đưa vào phát ngôn các yếu tố
mang tính chất “nêu hoàn cảnh” để người đối thoại – với tư cách là “người
trong cuộc” – bị rơi vào tình trạng “có tật giật mình”, từ đó giải mã đúng
hàm ý của cụm từ chúng nó mà Binh Chức muốn gửi gắm.
Ngoài nghĩa gốc, trong nhiều trường hợp, nghĩa chuyển của một số từ
thuộc các lớp hư từ hoặc thực từ cũng tham gia tạo hàm ý trong những
hoàn cảnh giao tiếp nhất định. Loại hàm ý này được một số nhà nghiên cứu
gọi là hàm ý của hàm ý [12, 241] hoặc hàm ý qua hai lần suy ý [54] . Ví
dụ:
58
(37) (Hoàng tâm sự với Độ:)
a. Lại còn các ông ủy ban với các bố tự vệ nữa mới chết chứ! Họ nói
vừa ngố vừa nhặng xị […].[151, 113 - 114]
b. Tôi kể cho anh nghe chuyện này thế nào anh cũng cho là bịa […].
Chờ mãi mới thấy một ông thanh niên nghễu nghện vác một bó tre đi tới
[…]. [151, 114 - 115]
c. Nhưng anh vẫn không thể chối được rằng họ có nhiều cái ngố không
chịu được. Tôi thấy có rất nhiều ông tự vệ hay cả quốc quân nữa, táy máy
nghịch súng hay lựu đạn làm chết người như bỡn […].[151, 117]
(38) (Nhà văn Vũ Trọng Phụng khắc họa chân dung các nhân vật của
mình:)
a. Cụ là người dân bảo hộ trung thành, một viên chức gương mẫu,
một người cha nhân từ vì sợ sệt và vâng lời con cái như một người nô lệ.
Cụ lại còn nghiện thuốc phiện nữa, điều ấy mới thật tỏ ra cụ hoàn toàn là
người Việt Nam. [173, 58 - 59].
b. […] Thành thử khách sạn Bồng Lai cũng được nổi tiếng y như
đường Cổ Ngư và hồ Trúc Bạch. Những người Việt Nam hoàn toàn, những
người Việt Nam biết tự trọng thì phải có bổn phận là khách hàng của
khách sạn ấy ít nhất một lần nếu không muốn bị những bậc tri thức tân tiến
khinh bỉ là người vong bản, vong quốc… [173, 86].
c. […] Thế là việc làm cho đời một người con gái tử tế bị mang tiếng
của Xuân đã đạt được kết quả hoàn toàn rực rỡ. Nó chỉ còn phải gánh vác
cái trách nhiệm nặng nề là làm hại nốt một vị quả phụ đã thủ tiết luôn với
hai đời chồng luôn nữa mà thôi. [173, 122].
d. Cho nên lúc nó về nhà, sau khi hỏi học trò Phước và học trò đáp rất
thông thái rằng “Em chã! Em chã!” nó yên chí rằng cái trình độ trí thức
ấy cũng đã tấn tới khá cao nên hỏi đến bà mẹ. [173, 182].
Ở ví dụ (37), các từ ông, bố không còn mang nghĩa gốc (chỉ người lớn
tuổi, có quan hệ huyết thống/họ hàng với người phát ngôn, được kính
trọng…) mà cách gọi tên theo kiểu kết hợp giữa từ chỉ quan hệ thứ bậc theo
tôn ti, trật tự trong gia đình với từ chỉ nghề nghiệp hoặc từ chỉ người trẻ
tuổi đã tạo nên nghĩa chuyển cho chúng (tương đương với các từ lão,
thằng,…). Nghĩa chuyển này kết hợp với hoàn cảnh giao tiếp bổ sung cho

59
phát ngôn của Hoàng hàm ý tình thái: giễu cợt, mỉa mai những yếu kém,
những thói rởm đời “đã ngố lại còn nhặng xị” của người nông dân.
Ở ví dụ (38), nghĩa gốc của các từ ngữ thông thái, nhân từ, người Việt
Nam biết tự trọng, bậc trí thức tân tiến đều mang tính tích cực (nghĩa tốt).
Nhưng trong văn cảnh của tác phẩm, sự thông thái (“có kiến thức sâu và
rộng”) [59, 953] của cậu Phước được thể hiện bằng câu nói vô nghĩa: “Em
chã! Em chã!”; sự nhân từ (“có lòng thương người và hiền lành” [59, 711])
của cụ cố Hồng được thể hiện bởi sự sợ sệt và vâng lời con cái như một
người nô lệ. Và, trách nhiệm nặng nề mà Xuân Tóc Đỏ phải gánh vác
không phải là “phần việc quan trọng được giao phải làm tròn, nếu kết quả
không tốt thì phải gánh chịu hậu quả” [59, 1020] mà lại là “làm hại nốt một
vị quả phụ đã thủ tiết luôn với hai đời chồng”. Cũng như vậy, bậc trí thức
tân tiến và người Việt Nam biết tự trọng lẽ ra phải là những người có “ý
thức, lề lối mới và tiến bộ [59, 899], những người “biết coi trọng và giữ gìn
phẩm cách, danh dự của mình” [59, 1077] nhưng lại là những khách hàng
ít ra một lần của khách sạn Bồng Lai – cái khách sạn “trong đó có đủ các
bộ phận có thể ban hạnh phúc cho tất cả những người Việt Nam nào thừa
xu tiền”, nơi “có đến hơn chục thiếu nữ đi bán ái tình, những con gà mái
thượng hạng xa xỉ”. Như vậy, những từ ngữ có tính tích cực như thông
thái, nhân từ, trách nhiệm nặng nề,… trong hoàn cảnh cụ thể này đã được
dùng để biểu thị những nghĩa tiêu cực (những việc làm, những hành động
xấu xa, đáng bị lên án). Nghĩa chuyển này đã cùng với hoàn cảnh tạo nên
hàm ý của các phát ngôn chứa chúng: thái độ phê phán của tác giả đối với
cái xã hội mà ở đó có những con người, những việc làm, những giá trị…
xấu, đẹp lẫn lộn.
b2. Hàm ý về sự đánh giá của người phát ngôn
Khi đi vào hoạt động giao tiếp, mỗi cách sử dụng từ trong một hoàn
cảnh nhất định đều có thể hàm ý một sự thông báo về cách (nội dung) đánh
giá khác nhau của người phát ngôn. Ví dụ:
(39) (Thấy thầy khóa ăn mặc đồ vải xuềnh xoàng mà vẫn cứ đòi mua
bút Tảo Thiên Quân, cô Phương ra giọng bỉ thử:
A (cô Phương): - Có Tảo Thiên Quân lông trắng nhưng mà những (1)
hai quan một chiếc).

60
B (thầy khoá): - Phải, Tảo Thiên Quân lông trắng, có thứ nào những (2)
năm sáu quan một quản, cô lấy cho tôi chọn.
[177, 161]
Nếu như từ những (1) tạo cho phát ngôn (A) hàm ý coi thường thầy
khoá (Loại bút đó đắt lắm, anh có tiền mua không mà đòi xem) thì từ
những (2) tồn tại trong phát ngôn anh khóa nhại lại cô Phương đã tạo cho
phát ngôn hàm ý khẳng định và đánh giá: Hai quan chưa là gì với tôi. Cô
không nên coi thường người khác.
Ở một hoàn cảnh khác:
(40) (Ông bà Tú quyết định làm nhà cho Nguyễn. Để trông coi việc làm
nhà, bà Tú đã đi từ Thanh Hóa ra Hà Nội. Bà tính chi li tất cả mọi việc, kể
cả việc ăn uống:)
Bà Tú tính kỹ lắm rồi. Gà để cúng vào ba kỳ sóc vọng trong cái thời hạn
tháng rưỡi giời ở luôn ngoài ấy trông nom việc làm nhà cho đến lúc hoàn
thành. Còn đôi vịt thì để làm cho thợ ăn vào hôm xong nhà. Hiệp thợ mộc
một con. Hiệp thợ nề một con. Chẳng biết bà cụ mượn bao nhiêu thợ tất cả
mà chỉ cho người ta ăn những hai con vịt.
[177, 452]
Về mặt ngôn ngữ, từ những ở trích đoạn trên được dùng trái với khả năng
kết hợp từ bình thường: đúng ra phải nói là “mỗi hai con vịt”. Theo Givón,
những kết hợp bất thường đều mang nghĩa hài hước, mỉa mai. Nếu coi việc
đọc hiểu trích đoạn trên là một cuộc giao tiếp giữa tác giả (vai speaker –
người nói, người viết) và bạn đọc (vai hearer – người nghe, người đọc) thì
bạn đọc cần hiểu từ những tuy vẫn có nghĩa khái quát là “nhiều” nhưng đặt
trong kết hợp từ bất thường và hoàn cảnh cụ thể của câu chuyện lại mang
hàm ý phê phán tính keo kiệt của bà Tú : Đãi hai hiệp thợ bằng hai con vịt là
quá ít! Bà Tú quả là người keo kiệt.
Trong thực tế giao tiếp – nhất là giao tiếp bằng văn bản, giao tiếp qua
tác phẩm văn chương, “hiện tượng” một phát ngôn đồng thời tồn tại ở hai
cuộc thoại không còn là hiện tượng lạ. Tuy nhiên, việc nhận ra hiện tượng
đó và xác định được tầng nghĩa chìm của phát ngôn trong mối quan hệ với
hoàn cảnh của mỗi cuộc hội thoại dường như vẫn chưa thể là thói quen cần
thiết của mỗi người khi tiếp xúc với tác phẩm văn chương. Ví dụ:

61
(33) Nói ví dụ ngay như cái thằng chủ tịch ủy ban khu phố ở Hà Nội
lúc chưa đánh nhau. Nó là một anh hàng cháo lòng. Bán cháo lòng thì nó
biết đánh tiết canh, chứ biết làm ủy ban thế nào mà bắt nó vào ủy ban?
[151,117]
Khi phát ngôn (33) của Hoàng được nhân vật “tôi” (Độ) kể lại trong tác
phẩm “Đôi mắt” thì phát ngôn ấy tồn tại trong một hoàn cảnh giao tiếp
khác, một cuộc thoại khác – cuộc thoại giữa nhà văn và bạn đọc. Trong
hoàn cảnh mới này, tư cách người phát ngôn của Độ đã tạo cho từ nó trong
phát ngôn của Hoàng một hàm ý khác – hàm ý đánh giá về Hoàng: Hoàng
là người có thành kiến với người lao động bởi anh vẫn dùng “đôi mắt cũ”
để nhìn nhận, đánh giá họ.
Hàm ý về sự đánh giá của người nói cũng có thể được tạo nên bởi sự
kết hợp giữa nghĩa chuyển của từ và hoàn cảnh giao tiếp. Ví dụ:
(41) (So với khi ở ấp Mê Thảo, giờ Lịnh đã có nhiều thay đổi:)
Lịnh vẫn là người say cái Đẹp, say cái Say. Nhưng sau cái thời kì hỗn
loạn ở Mê Thảo, giờ Lịnh là người tình nhân của Cách Mệnh, Lịnh chỉ
nhận những chén mà công cuộc trao cho, thưởng cho mỗi lúc phá một cái
gì để dựng một cái gì. [177, 238 - 238]
Trong hoàn cảnh này, các từ tình nhân, chén có hai nghĩa cùng tồn tại
do cách chơi chữ tạo ra. Trong mối quan hệ với câu thứ nhất, các từ này
vẫn được dùng với nghĩa gốc của chúng. Nhưng khi được đặt cạnh những
từ ngữ như Cách Mệnh, công cuộc trao cho chúng lại mang nghĩa mới
(tình nhân: người tôn thờ Cách Mệnh; chén: nhiệm vụ/công việc). Nghĩa
mới này đã kết hợp với hoàn cảnh giao tiếp để hình thành hàm ý đánh giá
của tác giả: Lịnh là người con trung thành của Cách Mệnh.
2.2.2. Hàm ý của toàn phát ngôn
2.2.2.1. Khái niệm hàm ý của toàn phát ngôn
Trong đề tài này, chúng tôi coi hàm ý của toàn phát ngôn là nghĩa mệnh
đề hoặc nghĩa tình thái hàm ẩn của một phát ngôn cụ thể gắn với một kiểu
cấu trúc cụ thể hoặc một hoàn cảnh giao tiếp cụ thể và là nội dung đích
thực mà người nói hướng đến người nghe, muốn người nghe hiểu.
Theo quan niệm này, hàm ý của toàn phát ngôn được chúng tôi phân
biệt với hàm ý của từ bởi những tiêu chí sau:

62
- Là nội dung hàm ẩn của toàn phát ngôn. Phương tiện ngôn ngữ biểu
thị loại hàm ý này là phát ngôn chứ không phải từ hoặc ngữ.
- Phụ thuộc vào kiểu cấu trúc đặc thù của phát ngôn hoặc vào hoàn cảnh
giao tiếp. Việc sử dụng phát ngôn mang hàm ý dẫu nằm trong “chiến lược
giao tiếp” nhưng việc “triển khai chiến lược” này ở các nhân vật giao tiếp
không phải bao giờ cũng giống nhau. Có người sử dụng các kiểu cấu trúc
đặc thù, có người vận dụng cách lập luận, có người cố tình vi phạm các
phương châm hội thoại,… nhằm tạo hàm ý.
Phát ngôn mang hàm ý tạo lập theo các phương thức này đã được
nghiên cứu rất thành công ở hầu hết các công trình ngữ dụng học. Trong
chương này, về hàm ý của phát ngôn, chúng tôi chỉ đặt vấn đề miêu tả sơ
bộ hàm ý của phát ngôn tồn tại trong giao tiếp trực tiếp và giao tiếp gián
tiếp. Vấn đề hàm ý của cấu trúc phát ngôn sẽ được chúng tôi trình bày rõ
hơn ở chương 3, khi bàn về phương thức biểu thị hàm ý.
Qua khảo sát tư liệu, chúng tôi thấy vấn đề phát ngôn mang hàm ý trở
nên phức tạp hơn trong giao tiếp gián tiếp. Trong phần lớn các cuộc giao
tiếp, những người tham gia thường sử dụng phát ngôn mang hàm ý để thể
hiện quan điểm của mình. Tuy nhiên, cũng có không ít cuộc thoại mà ở đó,
người nói – với tư cách là người thuật chuyện – đã sử dụng phát ngôn mang
hàm ý của nhân vật trong câu chuyện để thể hiện ý kiến, quan điểm của
mình (nhân vật trong câu chuyện trở thành “người phát ngôn” cho người
thuật chuyện). Vấn đề đặt ra là: Trong những trường hợp ấy, liệu hàm ý của
phát ngôn có còn “nguyên giá trị”? Nếu có sự thay đổi thì sự thay đổi ấy sẽ
“dịch chuyển” theo “cơ chế” nào? Việc miêu tả các loại hàm ý của phát
ngôn của đề tài phần nào được gợi mở theo hướng tiếp cận đó.
2.2.2.2. Các loại hàm ý của toàn phát ngôn
a) Hàm ý mệnh đề
(42) (Ông Tư Mốt là người sống rất chí tình với mảnh đất Cà Tha. Ở dải
cù lao xa lắc này, đời sống vô cùng khó khăn và nguy hiểm. Không ít
người đã bỏ cù lao ra đi... Giữa lúc ấy, Văn – một trí thức nơi thành thị – về
nhận công tác tại trạm xá của cù lao. Trong sự nỗ lực để níu giữ Văn ở lại
với mảnh đất cù lao, ông Tư Mốt đã kể lại cho Văn nghe chuyện ông đã
từng có nhà ở thành phố, rồi bỏ thành phố, trở về gắn bó với mảnh đất này.

63
Câu chuyện ông kể như một sự thăm dò thái độ của Văn. Khi Văn hỏi lý do
của sự chọn lựa đó, ông bảo:)
Vì cái đất này cần mình.
[178, 21]
Đặt câu nói trong hoàn cảnh câu chuyện và trong văn cảnh cụ thể (sau
phát ngôn, ông Tư “lén dò xem thằng nhỏ có bắt được cái ý nghĩa ngầm ẩn
mà ông gửi gắm không”), người nghe (người đọc) hiểu được điều ông Tư
muốn nói với Văn (hàm ý): Cậu hãy ở lại đây. Sự có mặt của cậu có ý
nghĩa rất lớn với cù lao này.
(43) (Phận và Thăng yêu nhau. Hôm nay, Phận ra ga đón Thăng. Cơn
mưa ập đến, họ phải đứng trú mưa trong sân ga:)
Phận: - Anh đói chưa?
Thăng: - Anh có thể đứng bên em thế này mãi. [153, 231]
Thăng không trả lời trực tiếp câu hỏi của người yêu mà đáp lại bằng một
câu nói đầy hàm ý. Nghe lời đáp ấy, chắc chắn, Phận sẽ hiểu được vị trí của
cô trong lòng Thăng, hiểu được tình cảm chân thành mà Thăng dành cho
cô.
Ngoài việc giúp người phát ngôn “nói được nhiều hơn lối nói hiển
ngôn”, phát ngôn mang hàm ý còn thể hiện tính lịch sự, góp phần giảm nhẹ
những điều đau thương, mất mát hoặc thô lỗ. Ví dụ:
(44) (Trong một trận đánh, Hòa – người yêu của Quỳ – bị thương rất
nặng. Quỳ tìm đến trạm phẫu thuật thăm anh. Tại đây, chị gặp bác sĩ
Thương:)
Quỳ: - Tình hình anh ấy thế nào hả đồng chí?
Thương: - Đồng chí và tôi, chúng ta sẽ cố gắng hết sức. [153, 154]
Phát ngôn hồi đáp của Thương là câu trả lời gián tiếp về tình trạng sức
khỏe của Hòa: vết thương của anh ấy rất nguy kịch, anh ấy khó có thể qua
khỏi. Lối nói hàm ý của Thương giúp Quỳ tránh được cú sốc tinh thần,
đồng thời cảm nhận được sự chia sẻ, động viên từ phía người nói.
Trong hoạt động ngoại giao, giao tiếp đóng vai trò vô cùng quan trọng.
Cục diện chính trị, quân sự nhiều khi phụ thuộc vào sự thành bại của hoạt
động này. Trong lĩnh vực giao tiếp nhạy cảm ấy, việc sử dụng phát ngôn
mang hàm ý được coi là một trong những chiến lược giao tiếp hữu hiệu.

64
(45) (Khi cuộc đàm phán Pháp - Việt tại Đà Lạt không đem lại kết quả
rõ ràng, Chủ tịch Hồ Chí Minh quyết định lên đường sang thăm Pháp với tư
cách là Thượng khách của chính phủ Pháp. Sau khi kí tạm ước, Chủ tịch
quyết định về nước bằng đường biển. Chiều 17/9, Chủ tịch lên chiến hạm
Dumont d’Urville. Ngày 18/10, chiến hạm tiến vào vịnh Cam Ranh. Đô
đốc Thierry d’Argenlieu mời Người vào căn cứ hải quân Cam Ranh (nơi
ông ta mặc nhiên coi như đã là của Pháp) để trao đổi về việc thi hành tạm
ước 14/9. Một chiếc tàu nhỏ ra đón Chủ tịch lên chiếc thiết giáp hạm
Suffren để hội kiến với đô đốc Hải quân D’Argenlieu và tướng tư lệnh lục
quân Morliere. Mục đích của người Pháp là phô trương lực lượng và sức
mạnh của mình nên quân Pháp kéo hết các loại cờ, giương hết tất cả các
loại súng theo lễ nghi đón nguyên thủ quốc gia. Đô đốc Thierry
d’Argenlieu và tùy tùng quân phục chỉnh tề, kiếm ngù màu sắc lòe loẹt ra
đón. Sau phần nghi lễ, viên đô đốc mời Chủ tịch Hồ Chí Minh vào bàn tiệc.
Trong buổi chiêu đãi, viên đô đốc bố trí Bác ngồi giữa ông ta và Morliere
rồi đắc ý bóng gió:)
Đô đốc Thierry d’Argenlieu: - Thưa Chủ tịch, Ngài đang bị đóng khung
(encadre’) giữa Lục quân và Hải quân đó.
Bác Hồ (thản nhiên cười): - Nhưng thưa đô đốc, chính bức họa
(tableau) mới làm cho khung tranh có chút giá trị. [168, 213]
Trong hoàn cảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh vừa kí tạm ước 14/9 với Pháp –
bản tạm ước mà xét trên phương diện ngoại giao của ta là một bước lùi
mang tính chiến thuật nhưng đối với Pháp lại là một bước tiến rõ ràng, cuộc
gặp gỡ giữa đô đốc Hải quân D’Argenlieu và tướng tư lệnh Lục quân
Morliere với Bác là một hoạt động ngoại giao mang tính chiến lược (ít ra
cũng được xác định từ phía Pháp). Có lẽ vì thế, “đồng hành” cùng với
những câu nói vui đùa, cởi mở... là những cuộc đấu trí giữa những người
trong cuộc – những người tham gia giao tiếp. Phát ngôn của đô đốc Hải
quân D’Argenlieu và của Chủ tịch Hồ Chí Minh xuất hiện trong cái “phông
nền” của sự phô trương lực lượng, sức mạnh quân đội Pháp, của sự sắp đặt
vị trí các nhân vật trong buổi tiệc và cả thái độ “đắc ý” của đô đốc
D’Argenlieu,... Tất cả những yếu tố ấy là cơ sở để Chủ tịch Hồ Chí Minh
“giải mã” tầng nghĩa chìm (hàm ý) trong phát ngôn của D’Argenlieu:
Nước Ngài đã bị bao vây bởi lực lượng quân đội hùng mạnh của Pháp.
65
Nhưng Chủ tịch đã tận dụng ngay biểu tượng “bức họa” và “khung” tranh
trong câu ví von bóng bẩy của D’Argenlieu để thể hiện hàm ý mạnh mẽ của
mình: Dẫu hùng mạnh đến mấy, quân đội của các ông cũng chỉ góp phần
tôn thêm giá trị của dân tộc chúng tôi mà thôi. Chính hàm ý này đã khiến
cho “tất cả tướng tá trong quân đội Pháp choáng váng, từ lúc ấy cho đến
cuối buổi tiệc không ai dám nói bóng gió gì nữa”. [168, 214]
Trong hoạt động trả lời phỏng vấn – đặc biệt là trả lời phỏng vấn của
báo chí nước ngoài, việc sử dụng phát ngôn có hàm ý cũng góp phần không
nhỏ cho sự thắng lợi trên mặt trận ngoại giao. Ví dụ:
(46) (Trong một chuyến thăm Pháp của Chủ tịch Hồ Chí Minh, có một
nhà báo phương Tây hỏi:)
Nhà báo: - Chủ tịch có đưa nước mình theo chủ nghĩa cộng sản không?
Hồ Chủ tịch: - Tôi nghiên cứu các trường phái triết học và thấy rằng
nhiều lãnh tụ lên cầm quyền rất thương dân và mong muốn cho dân sung
sướng, ngay chúa Giêsu cũng nói: Mọi người phải thương yêu, đùm bọc
nhau. Thế nhưng còn chiến tranh thì còn đau thương, tang tóc. Nên con
đường mà nhân dân chúng tôi đi là làm sao để không có những đau
thương, tang tóc đó, là để có độc lập, tự do.
[166, 208]
(47) (Chủ tịch Hồ Chí Minh trả lời điện phỏng vấn của ông Walter
Briggs – phóng viên báo New Repuplic, Christian, Science Monitor và
Chicago Tribune)
Walter Briggs: - Cụ có phải là một người cộng sản nữa không?
Hồ Chủ tịch: - Tôi luôn luôn là một người yêu nước, đấu tranh cho độc
lập và thống nhất thật sự của Tổ quốc tôi. [166, 83]
Trong các phát ngôn trên, Chủ tịch Hồ Chí Minh không trả lời thẳng
vào câu hỏi nhưng nêu rõ mục tiêu của cuộc đấu tranh mà Người và dân tộc
Việt Nam tiến hành. Đặt trong hoàn cảnh đối phương luôn xuyên tạc, khiến
nhiều người không hiểu và sợ chủ nghĩa cộng sản, cách trả lời ấy vừa để
tránh rơi vào “bẫy” của người hỏi, vừa có hàm ý rất sâu sắc: Tôi và đồng
bào tôi đang đấu tranh vì độc lập, tự do. Nếu các vị bảo tôi là cộng sản thì
đó là chủ nghĩa cộng sản của chúng tôi.
b. Hàm ý tình thái

66
(48) (Đoài là công chức ngành giáo dục; Khiêm là nhân viên lò mổ
thuộc công ty thực phẩm. Dù là anh em ruột nhưng Đoài và Khiêm luôn coi
nhau như là kẻ thù, luôn hằn học và tìm mọi cơ hội để mạt sát lẫn nhau.
Mỗi ngày đi làm về, Khiêm thường mang khi bộ lòng, khi cân thịt (do ăn
cắp được) đóng góp vào bữa ăn gia đình. Một buổi sáng, trước khi đi làm,
Đoài lấy cơm, thịt cho vào cặp lồng để ăn trưa. Và Đoài không thể không
tận dụng cơ hội:)
Đoài (1): - Có chút đạm này là đủ hai nghìn ca – lo để làm việc cả ngày
đây. Cũng nhờ chú Khiêm nhà mình vừa khéo vừa nhanh.
Khiêm: - Khéo với nhanh cái gì?
Đoài (2): - Ấy là tôi nói chú khéo xử sự với người mà nhanh xử sự với
lợn.
[181, 43]
Bề ngoài, phát ngôn (1) và (2) của Đoài là một lời khen nhưng thực chất
là một lời mạt sát, châm biếm, hạ nhục độc địa: Khiêm là một tay ăn cắp
đại tài. Qua những phát ngôn này, người đọc (người nghe) còn có thể nhận
thấy bản chất lưu manh được ẩn giấu một cách kín đáo trong phát ngôn
hàm ý của Đoài – kẻ được mang danh là “có học”.
Trong giao tiếp, không chỉ lời chê mà lời khen nhiều khi cũng phải được
thể hiện một cách tế nhị bằng hàm ý vì những lời khen trực tiếp dễ bị người
đối thoại cho là thiếu chân thành, do đó có thể phản tác dụng. Nói bằng
hàm ý, người phát ngôn sẽ thực hiện được mục đích của mình một cách
hiệu quả hơn. Ví dụ:
(49) (Một nhóm người rời nông thôn lên rừng xẻ gỗ. Đứng đầu nhóm
người này là người đàn ông có tên là Đặng Xuân Bường. Họ phải làm việc
trong rừng sâu nhưng không nhận được sự quan tâm chu đáo của chủ.
Bường quyết định bán đi một nửa số gỗ mà họ xẻ được. Nhờ sự “dẫn mối”
của người công nhân có tên là Trần Quang Hạnh mà công việc của Bường
diễn ra trót lọt. Bường trả công cho anh công nhân đó và bảo:)
Bác Hạnh ạ! Bác phải đổi tên là Trần Đức Hạnh.
[181, 109]
Bằng lối nói có hàm ý khen, Bường không chỉ đạt được mục đích cảm ơn
mà còn khiến Hạnh cảm nhận được sự đánh giá cao của Bường đối với
mình.
67
Sử dụng phát ngôn mang hàm ý đánh giá, người nói thực sự đã “nói
được nhiều hơn” lối nói hiển ngôn. Ví dụ:
(50) (Trong cuộc “hội kiến” lần thứ nhất, bà Án tìm đủ lý lẽ để thuyết
phục Mai chấm dứt mối quan hệ với Lộc. Một trong những “chiến thuật”
của bà là đánh vào lòng tự trọng của Mai. Bà cho rằng nếu bà để cho con
trai bà kết hôn với Mai thì “không những nó mất chỗ nương tựa mà nó lại
mang tiếng chơi bời, bậy bạ, lấy người không xứng đánh, tránh sao được
nốt xấu trong lý lịch” [158, 179]. Nhưng Mai lại phân tích cho bà thấy, cô
không phải là người bậy bạ, hơn nữa gia đình cô cũng là gia đình gia giáo
“cha con cũng đỗ đạt, nhà con cũng là một nhà đời đời theo Nho giáo”
[158, 179]. Đuối lý, bà đã án xúc phạm Mai:)
Bà Án: […] Thôi, tôi hiểu rồi, cô chẳng yêu con tôi đâu. Chẳng qua cô
chỉ muốn làm bà lớn đấy thôi. Phải, bà Tham rồi ít nữa lại bà Huyện… To
lắm!
Mai: - Bẩm bà lớn còn kém bà Án một tí.[158, 179]
Chồng của bà Án là quan Án sát. Mai đã gọi mẹ của Lộc theo đúng
“danh phận” của chồng bà (bà Án). Theo lẽ thường, đây là cách gọi thể
hiện sự tôn kính. Tuy nhiên, trong hoàn cảnh cụ thể này, cách gọi trên đã
hàm ý mỉa mai và đánh giá bà Án: Nếu tôi là người tham lam, cơ hội như
bà nghĩ (lấy con trai bà chỉ vì muốn làm bà lớn) thì chắc trước kia, bà cũng
xấu xa, bỉ ổi như tôi, thậm chí còn hơn tôi (vì muốn làm bà Án, mà danh
phận bà Án còn lớn hơn bà Tham, bà Huyện). Hiểu được hàm ý này nên
ngay sau câu nói của Mai, bà án “hầm hầm tức giận, đập tay xuống bàn” và
quát Mai: “À, ra con này hỗn thực!”.
Bên cạnh tác dụng thể hiện sự đánh giá của người phát ngôn đối với
điều được nói hoặc những người có liên quan, hàm ý còn có thể bộc lộ
những tâm trạng sâu kín của họ. Ví dụ:
(51) (Trong cuộc tìm kiếm con, ông Năm Nhỏ đã gặp những cuộc đời,
những con người, những số phận trớ trêu. Một trong số đó là Diễm Thương
– cô gái bị cha mẹ bỏ rơi từ nhỏ, lớn lên giữa “bụi bặm” cuộc đời và trở
thành tiếp viên nhà hàng… Diễm Thương bị bắt và đưa lên truyền hình
trong một phóng sự chống tệ nạn xã hội… Sau việc đó, Thàn – một chàng
trai tốt bụng – có dịp đưa Diễm Thương về ra mắt gia đình. Cả nhà Thàn
hết hồn hết vía khi nhận ra Diễm Thương chính là cô gái trên truyền hình
68
hôm trước. Diễm Thương không buồn, trái lại, cô ngạo nghễ cười và tâm
sự với ông Năm Nhỏ:)
Tui mắc cười quá ông Năm à, tui lên ti vi để cha mẹ nhìn mà họ không
biết tui là ai, còn người dưng liếc ngang là nhớ liền. [178, 12 - 13]
Câu nói của Diễm Thương với vẻ tỉnh khô, thậm chí có vẻ thú vị, hồn
nhiên vì những phát hiện bất ngờ nhưng đặt vào cảnh ngộ của nhân vật,
người nghe mới hiểu hết những tầng nghĩa đầy đau xót: nó vừa trách móc,
vừa oán hận những con người mang tiếng là đấng sinh thành nhưng vô tình,
vô trách nhiệm, vừa khao khát yêu thương, vừa đắng cay, tủi phận cho sự
trớ trêu của số kiếp mình – sinh ra nhưng bị ruồng bỏ, bị vứt ra lề cuộc đời,
trở thành vô thừa nhận,... Thì ra đằng sau câu nói tưởng như bông đùa của
cô lại là một tiếng thở dài não nề, xa xót của một kẻ chơi vơi, không có lối
về. Và cũng chính tầng nghĩa chìm (hàm ý) của câu nói ấy đã lý giải một
điều: đằng sau vẻ ngoài bất cần, chai sạn của Diễm Thương là một cảnh
ngộ éo le, một trái tim mỏng manh, yếu đuối, khát khao hơi ấm đến tái tê,...
Khi phát ngôn mang hàm ý được thuật lại bởi một nhân vật giao tiếp
khác, tại một hoàn cảnh giao tiếp khác, tất yếu hàm ý sẽ có sự thay đổi. Ví
dụ:
(52) (Trong truyện “Đôi mắt”, nhà văn Nam Cao để nhân vật Độ thuật
lại câu chuyện hỏi thăm đường của anh Hoàng:)
[…] Bây giờ anh ta mới bảo:
Ông cứ đi lối này, đến chỗ có một cây đa to thì rẽ về tay phải, đi một
quãng lại rẽ về tay trái, qua một cánh đồng, vào đường gạch làng Ngò,
vòng ra đằng sau đình, rẽ về tay phải, đi một quãng nữa thì đến chợ”. Đại
khái thế chứ không phải hoàn toàn đúng thế. Chỉ biết là nó lôi thôi rắc rối,
nhiều bên phải, bên trái quá, đến nỗi tôi không tài nào nhận ra được. Anh
ta bày cho tôi một cách: đứng đợi đấy, gặp ai gánh hàng đi chợ thì đi theo.
Tôi cho là phải. Anh ta cười bảo: “Thôi thế chào ông. Cháu vô phép ông đi
trước. Cháu vội lắm. Cháu phải vác ngay bó tre này lên Thượng để làm
công tác phá hoại, cản cơ giới hóa tối tân của địch. Cuộc trường kỳ kháng
chiến của ta phải chia làm ba giai đoạn phòng ngự, giai đoạn cầm cự, giai
đoạn tổng phản công. Giai đoạn phòng ngự nghĩa là…” Anh ta cứ thế, đọc
thuộc lòng cho tôi nghe cả một bài dài đến năm trang giấy.
[151, 115]
69
Trong hoàn cảnh này, phát ngôn được thuật lại của Hoàng vừa mang
hàm ý của Hoàng về anh thanh niên vừa mang hàm ý đánh giá của nhà văn
về thái độ của Hoàng. Theo ông, những nhận xét, đánh giá của Hoàng về
người nông dân không phải hoàn toàn sai nhưng cách nhìn của Hoàng tỏ ra
phiến diện và thiếu thiện ý. Anh ta chỉ thấy người thanh niên đọc thuộc
lòng bài “ba giai đoạn” như một con vẹt (tức chỉ nhìn thấy cái ngố bề
ngoài) mà không thấy thái độ vui vẻ của anh thanh niên khi vác bó tre để
làm nhiệm vụ ngăn quân thù, không nhìn thấy cái “nguyên cớ đẹp đẽ bên
trong”: anh thanh niên muốn bộc lộ niềm kiêu hãnh hồn nhiên của mình về
việc mình được đóng góp cho sự nghiệp cao cả cũng như việc mình nhiều
hiểu biết lý luận mới.
Tương tự, ở (53):
(Nghe Độ nhắc đến tên một số nhân vật kháng chiến cũ của Pháp và cho
rằng họ tiêu biểu hơn Đờ Gôn, Hoàng gạt đi:)
- Bằng thế nào được Hồ Chí Minh […] Ông Cụ làm những việc đó cừ
quá đến nỗi tôi cứ cho rằng dù dân mình có tồi đi nữa ông Cụ xoay rồi
cũng cứ độc lập như thường… [151, 120]
Nếu như trong các cuộc thoại ở (33), (37), (52), Hoàng chê bai, hạ thấp
vai trò của quần chúng cách mạng (tiêu biểu là tầng lớp nông dân) thì ở
cuộc thoại này, Hoàng lại đề cao vai trò của lãnh tụ. Do đã được nhà văn
thuật lại nên phát ngôn (53) không còn ý nghĩa khẳng định tài năng của Hồ
Chí Minh như ở hiển ngôn mà thay vào đó là sự đánh giá của nhà văn về tư
tưởng, con người Hoàng: Hoàng là người mang tư tưởng cũ và hiểu biết
chưa đầy đủ về thực tế của dân tộc nên anh vẫn dùng “đôi mắt cũ” của
mình để “nhìn” lãnh tụ, “nhìn” cuộc kháng chiến.
Tóm lại, là đơn vị cơ bản của giao tiếp, các phát ngôn mang hàm ý nói
chung, các phát ngôn với tư cách là chi tiết nghệ thuật mang hàm ý nói
riêng, không chỉ truyền tải “điều muốn nói” của người phát ngôn tới người
nghe mà còn phản ảnh chân thực tính cách, số phận, tâm hồn… thậm chí,
cả “nhân sinh quan” của nhân vật giao tiếp.
2.3. Các loại hàm ý được phân loại theo số lượng hàm ý của phát
ngôn (theo tầng nghĩa)
2.3.1. Hàm ý đơn
Hàm ý đơn là loại hàm ý duy nhất của phát ngôn.

70
Theo khảo sát của chúng tôi, phần lớn hàm ý quy ước (hàm ý của từ,
của một số kiểu cấu trúc câu đặc thù) thuộc loại này. Ví dụ:
(54) a. Căn nhà này giá những một tỷ cơ á?
b. Con bác An thi đại học được những 29.5 điểm.
c. Nó bị mất cắp những 20 triệu đồng.
Hàm ý của các phát ngôn trên được ẩn đằng sau nét nghĩa đánh giá về
lượng (nhiều/nhiều hơn mức bình thường) của từ “những”. Ở phát ngôn
(54a) là thái độ ngạc nhiên (trước sự đắt quá mức của ngôi nhà); ở phát
ngôn (54b) là thái độ đề cao, thán phục; ở phát ngôn (54c) là sự tiếc nuối,
cảm thông, chia sẻ.
(55) a. Với em chồng, cô ấy còn cư xử như thế, huống gì với người
dưng.
b. Với em chồng, cô ấy còn tham lam như thế nữa là!
Theo Hoàng Phê, kiểu câu “X còn V, huống gì Y” và “X còn V nữa là”
luôn có hàm ý là một kết luận logic: “với Y nhất định có khả năng V” [12,
71]. Cả (55a) và (55b) đều có TGĐ là: em của chồng là người nhà, do đó
phải được đối xử tốt. Căn cứ vào TGĐ này và vào hiển ngôn – đặc biệt là
sự có mặt của quán ngữ tình thái huống gì/nữa là – người nghe có thể dễ
dàng suy ý ra hàm ý của phát ngôn: Cô ấy là người tham lam/cư xử tệ bạc
với tất cả mọi người.
Hàm ý đơn cũng có thể là hàm ý hội thoại, trong đó đáng chú ý nhất là
những tín hiệu thẩm mỹ mang tính biểu tượng. Việc suy ý từ những tín hiệu
này với suy ý từ một số từ và cấu trúc câu đặc biệt có đặc điểm chung là
đều dựa trên quy ước của cộng đồng – một đằng là quy ước về văn hóa, còn
một đằng là quy ước về ngôn ngữ. Ví dụ:
(56) (Trong tác phẩm Tắt đèn, chị Dậu mang con và chó đến bán cho
nhà Nghị Quế giữa lúc ông bà Nghị đang dùng bữa. Dưới đây là hình ảnh
của ông Nghị dưới ngòi bút của nhà văn Ngô Tất Tố:)
“Ông Nghị đâm chéo đôi đũa qua mặt mâm, bưng bát canh trợn mắt húp
một cái đến “soạt”. Rồi ông vừa nhai, vừa nuốt, vừa giục thằng nhỏ lấy
tăm…” […] Dứt mạch diễn thuyết, ông Nghị bưng tách nước uống một hớp
lớn, súc miệng òng ọc mấy cái rồi nhổ toẹt xuống nền nhà…”. [176, 35 -36]

71
Đặt trong mối quan hệ với văn hóa của người Việt, các tín hiệu thẩm mĩ
về hành động của Nghị Quế biểu thị nếp sống thô lỗ, ngược với chuẩn mực
văn hóa và với những điều người ta hình dung về một ông dân biểu.
(57) (Đoàn làm phim về nhà báo, liệt sĩ Nguyễn Thọ về quê hương ông
để tìm kiếm tư liệu hiện thực cho bộ phim của mình. Họ tìm đến nhà dì
Thấm, vợ của liệt sĩ Nguyễn Thọ. Ông Mười, người chồng mới của dì
Thấm không muốn khơi lại quá khứ đau buồn để nước mắt vợ mình lại
chảy… Với suy nghĩ đó, ông kiên quyết cự tuyệt, không hợp tác với đoàn
làm phim, mặc cho mọi người hiểu lầm ông là người cố chấp, vô tình, tàn
nhẫn… Khách đến, ông bỏ ra ngoài một mình xẻ gỗ…)
“Khách ra về thì trời đổ cơn mưa, mưa mà vẫn nắng chang chang trên
đầu, trời hầm hập nóng”. [178, 78]
Ở ví dụ trên, các tín hiệu thẩm mĩ về thiên nhiên (trời đổ mưa, mưa mà
vẫn nắng chang chang…) tưởng chừng như chẳng ăn nhập gì với các nhân
vật, các sự việc được nhắc đến trong tác phẩm. Tuy nhiên, nếu xét ý nghĩa
của “mưa”, “nắng” trong hoạt động giao tiếp giữa nhà văn – bạn đọc và
việc “tuân thủ” các phương châm hội thoại trong quá trình tham gia giao
tiếp, chúng ta thấy: Không phải ngẫu nhiên mà tác giả “tạo” ra sự thay đổi
bất thường của thiên nhiên vào đúng thời điểm “khách ra về”; cũng không
phải ngẫu nhiên mà có sự kết hợp kỳ lạ giữa mưa và nắng, giữa nóng và
lạnh… Hiện tượng không bình thường này là cơ sở để lý giải cho cái thông
điệp ẩn chứa đằng sau tín hiệu thẩm mĩ về sự bất thường của thiên nhiên:
Có một sự giằng xé đến rớm máu diễn ra trong nội tâm của nhân vật (ông
Mười). Đó là tâm lý nửa đồng tình nửa không đồng tình với việc quay
phim, thể hiện tâm trạng vừa yếu mềm mà cũng vừa sắt đá của ông Mười.
(58) (Mở đầu tác phẩm Mồng mười tháng Tám, tác giả Đức Ban đã sử
dụng các hình tượng nghệ thuật:)
“Ngoài rìa thị xã, về phía mặt trời lặn, có một ngôi nhà nhỏ nằm cô
đơn giữa một bãi cây trinh nữ. Những cây trinh nữ mọc từ thuở nảo nào,
thân xám mốc, khía lá oằn èo và hoa nhỏ tím ngát cả bốn mùa… Góc sân,
cái sân đất nhăm nhít kẽ nứt có hai cây dâu già, cành lưa thưa, lá rơi rụng
xuống bậu cửa sổ bay vào tận chân giường…”.[148, 20]
Đọc những dòng trên, độc giả không thể thờ ơ trước các chi tiết đặc tả
hiện thực khách quan. Không phải ngẫu nhiên mà tác giả Đức Ban “xây”
72
nên một ngôi nhà nhỏ “đơn côi giữa một bãi cây trinh nữ” (chứ không phải
một vùng đồi hay một thung lũng nào khác); cũng không phải ngẫu nhiên
tác giả đặc tả cái vẻ ngoài xấu xí (thân xám mốc, khía lá oằn èo) của cây
trinh nữ để làm nền cho hồn hoa “tím ngát cả bốn mùa”… Và, chắc chắn
rằng cũng không phải ngẫu nhiên mà ngôi nhà đơn côi ấy chỉ có “hai cây
dâu già, cành lưa thưa, lá rơi rụng…”. Mỗi độc giả có thể có những liên
tưởng khác nhau từ những chi tiết nghệ thuật đó nhưng có lẽ liên tưởng về
lòng chung thủy, khát khao hạnh phúc (xuất phát từ màu hoa trinh nữ tím
ngát cả bốn mùa) và số phận khắc nghiệt của những người phụ nữ (cây
trinh nữ “thân xám mốc”, “lá oằn èo”; “cái sân đất nhăn nhít kẽ nứt” và
“cây dâu già cành lưa thưa…”) là những liên tưởng chung nhất của độc giả.
(59) (Trong truyện ngắn Mùa trái cóc ở miền Nam, để làm nổi bật bản
chất xấu xa, đê tiện của Toàn – một kẻ cơ hội và thủ đoạn – Nguyễn Minh
Châu đã miêu tả dáng đi của Toàn:)
“Nửa người trên mềm oặt như thân rắn nhoài về phía trước, nửa người
dưới từ thắt lưng trở xuống vẫn cứng và thẳng đơ như một chiếc compa”.
[153, 529]
Người đọc không khó khăn suy ra hàm ý của các biểu tượng “rắn”,
“chiếc compa” khi đặt dáng đi của Toàn trong mối quan hệ, trong cách ứng
xử với các nhân vật khác như thủ trưởng Thái, nhà báo Phác và những
người lính Z8…): Ở Toàn vừa có sự “nhún nhường”, “bợ đỡ” đến độ hèn
nhát (trong mối quan hệ với cấp trên) vừa có sự kiên quyết đến độc đoán,
lạnh lùng (trong mối quan hệ với cấp dưới, chẳng hạn, đối với nhà báo
Phác và những người lính Z8). Có thể nói, Toàn là một con người nham
hiểm, độc ác, sẵn sàng “nhả nọc độc” bất cứ lúc nào.
2.3.2. Hàm ý phức
Nếu như hàm ý đơn là loại hàm ý duy nhất của phát ngôn thì hàm ý
phức là loại hàm ý có nhiều tầng, trong đó một số hàm ý được suy ra từ
những hàm ý khác.
Tiêu biểu cho hàm ý phức là hàm ý của phát ngôn trong những hoạt
động giao tiếp đặc biệt, tức là những giao tiếp mà ở đó, người nói có thể
“nói riêng một điều nào đó với một hoặc một số đối tượng nào đó (có khi
không phải là người đối thoại trực tiếp)” hoặc “nói trước mọi người” bằng

73
hàm ý mà “tin chắc là ngoài đối tượng mình nhằm, không ai có thể hiểu
được” [58, 118].
Trên cơ sở chỉ ra sự khác nhau giữa các cuộc thoại, tác giả Đỗ Hữu
Châu đã đề cập đến một kiểu giao tiếp đặc biệt – kiểu giao tiếp mà ở đó
“cặp vai nói/nghe đồng thời thuộc những lớp khác nhau”. Chẳng hạn, trong
một vở kịch, ít nhất có hai lớp vai nói/nghe: Các diễn viên (trong vai các
nhân vật) nói với nhau và tác giả kịch bản nói với công chúng xem kịch
[10, 538]. Như vậy, yếu tố tạo nên tính đặc biệt của hoạt động giao tiếp
chính là khả năng tồn tại đồng thời của phát ngôn/sự việc, sự kiện trong
nhiều cuộc thoại (cuộc giao tiếp). Qua khảo sát, chúng tôi thấy, kiểu giao
tiếp mang tính chất đặc biệt này xuất hiện phổ biến trong giao tiếp gián tiếp
– đặc biệt là trong các tác phẩm văn chương. Ví dụ:
(52) (Sau một thời gian dài xa cách, Độ đến thăm Hoàng ở nhà riêng
của anh. Một trong những vấn đề mà hai người trao đổi nhiều nhất trong
buổi gặp gỡ ấy là vấn đề về “người nhà quê”. Hoàng tỏ ra rất bức xúc về
vấn đề này. Anh đã dẫn ra khá nhiều “dẫn chứng tiêu biểu” để thể hiện
quan điểm của mình. Một trong những dẫn chứng đó là câu chuyện hỏi
thăm đường của anh:)
“[…] Bây giờ anh ta mới bảo:
“Ông cứ đi lối này, đến chỗ một cây đa to thì rẽ về tay phải, đi một
quãng lại rẽ về tay trái, qua một cánh đồng, vào đường gạch làng Ngò,
vòng ra đằng sau đình, rẽ về tay phải, đi một quãng nữa thì đến chợ”. Đại
khái thế chứ không phải hoàn toàn đúng thế. Chỉ biết là nó lôi thôi, rắc rối,
nhiều bên phải, bên trái quá đến nỗi tôi không tài nào nhận ra được. Anh
ta bày cho tôi một cách: đứng đợi đấy, gặp ai gánh hàng chợ đi thì đi theo.
Tôi cho là phải. Anh ta cười bảo: “Thôi thế chào ông. Cháu vô phép ông đi
trước. Cháu vội lắm. Cháu phải vác bó tre này lên Thượng để làm công tác
phá hoại, cản cơ giới tối tân của địch. Cuộc trường kỳ kháng chiến của ta
phải chia làm ba giai đoạn phòng ngự, giai đoạn cầm cự, giai đoạn tổng
phản công. Giai đoạn phòng ngự nghĩa là…”. Anh ta cứ thế, đọc thuộc
lòng cho tôi nghe cả một bài dài đến năm trang giấy”.[151, 115]
Có thể thấy, trong lời anh Hoàng thuật lại cuộc nói chuyện với anh nông
dân vác tre có (tồn tại) ba cuộc thoại khác nhau với ba người nói và ba
người nghe khác nhau. Cuộc thoại thứ nhất là cuộc thoại giữa anh nông dân
74
và anh Hoàng. Trong cuộc thoại này, với tư cách là người phát ngôn, anh
thanh niên đã đưa ra một lượng thông tin nhiều hơn mức cần thiết, thậm chí
còn “đi” chệch đề tài hỏi đường – chỉ đường (vi phạm phương châm quan
hệ); nhiều thông tin anh đưa ra là không cần thiết cho cuộc thoại (vi phạm
phương châm lượng). Sự “nhiệt tình quá mức” của anh đã hàm chứa một ý
nghĩa sâu xa, cao đẹp và có lẽ, đó cũng chính là “cái nguyên cớ đẹp đẽ bên
trong”: Anh muốn bộc lộ niềm kiêu hãnh về việc làm của mình (được cống
hiến công sức cho sự nghiệp giải phóng đất nước) và về việc mình có nhiều
hiểu biết lý luận mới.
Ở cuộc thoại thứ hai – cuộc thoại giữa Hoàng và Độ, lời nói của anh
thanh niên đã được Hoàng thuật lại. Ẩn sau lời “thuật chuyện” là sự đánh
giá, là thái độ của anh đối với anh thanh niên trong câu chuyện nói riêng và
quần chúng cách mạng nói chung: Họ là những người ngu độn, lố bịch và
hài hước,...
Cuộc thoại thứ ba là cuộc thoại giữa nhà văn và bạn đọc. Ở cuộc thoại
này, một lần nữa câu chuyện về việc hỏi thăm đường lại được nhà văn
“thuật lại” với bạn đọc. Lời thuật chuyện tưởng chừng như rất khách quan
ấy thực chất lại ẩn chứa một sự soi sáng, sự định hướng để bạn đọc hiểu
sâu sắc hơn thực chất “đôi mắt” của Hoàng: Anh ta là người phiến diện và
thiếu thiện ý khi nhìn nhận, đánh giá về quần chúng cách mạng
Một ví dụ khác:
(60) (Khi Xuân Tóc Đỏ nghe bà vợ nhà mỹ thuật – người từng khen hắn
“có học thức”, “phong nhã quá” – mách rằng Victor Ban đã nói xấu hắn là
“con nhà hạ lưu, vô học thức, làm nghề nhặt ban quần, ngày xưa thổi loa
quảng cáo thuốc lậu…”, Xuân Tóc Đỏ không hề lúng túng, ngược lại, với
sự liều lĩnh, trơ tráo của kẻ vô học, hắn lên mặt, cố tình nói những điều
hoàn toàn đúng sự thực nhưng lại khiến người nghe hiểu ngược lại:)
a. Tôi là ai, đã có anh Văn Minh, bà Phó Đoan, ông Phán dây thép, và
bạn nữa, hiểu rõ cái học thức của tôi. [173, 137]
(Đến nhà cụ cố tổ, nó tiếp tục:)
b. Hỏi thăm làm gì? Tôi thì danh giá quái gì! Hạ lưu, nhặt ban quần,
không đứng đắn, chỉ đáng nhổ vào mặt. [173, 139]
(Trước mặt vị hôn phu bị hối hôn của Tuyết, Xuân hùng hổ:)

75
c. Còn tôi, tôi chỉ là con nhà hạ lưu mà thôi. Ngày xưa bán phá sa, bán
dầu trên xa điện, làm lính chạy hiệu rạp hát! Chỉ có thế mà lấy được con
gái cụ Hồng đấy! Ông muốn làm gì thì làm! [173, 162]
Các phát ngôn trên của Xuân Tóc Đỏ cũng tồn tại đồng thời trong 2
cuộc giao tiếp: cuộc giao tiếp giữa Xuân Tóc Đỏ với người nghe (là vợ nhà
mỹ thuật/mọi người trong gia đình cụ cố tổ/vị hôn phu bị hối hôn của
Tuyết) và cuộc giao tiếp giữa nhà văn với bạn đọc. Ở cuộc giao tiếp thứ
nhất, các phát ngôn của Xuân mang tính chiến lược rất rõ. Hắn không ngại
nhắc lại lời người khác (của Victor Ban) về thân phận thấp hèn của mình
một cách thách thức, có lúc kiêu ngạo, hợm hĩnh một cách lố bịch nhằm
khiến người nghe hiểu nhầm (tức giải mã sai biểu thức chiếu vật) theo
hướng có lợi cho hắn. Và hắn đã đạt được mục đích giao tiếp của mình –
người nghe đã tiếp nhận cái thông điệp ngầm ẩn mà hắn muốn gửi gắm:
Tôi không phải là hạng người như Victor Ban nói. Bởi thế, sau khi nghe
những phát ngôn của hắn, cụ bà “lấm lét nhìn Xuân một cách sợ hãi”; còn
Tuyết thì “sung sướng, yên trí rằng người sêu tết của cô đã nói nhảm,
Victor Ban đã vu oan”. Và vị hôn phu bị hối hôn của Tuyết lại khiếp đảm
bởi “anh ta nghĩ hẳn cái nòi giống của Xuân là danh giá cực kỳ và hẳn
Victor Ban đã nói nhảm thì Xuân mới dám nhắc lại những lời nói nhảm kia
một cách ngạo nghễ thế.”… Điều đó có nghĩa là bà vợ nhà mỹ thuật và tất
cả những người từng nghe Xuân nói không một chút nghi ngờ – nói chính
xác hơn là không dám nghi ngờ – cái “học thức” của Xuân Tóc Đỏ.
Ở cuộc giao tiếp thứ hai – cuộc giao tiếp giữa nhà văn với bạn đọc, các
phát ngôn của Xuân mang hàm ý của nhà văn về chân dung nhân vật Xuân
Tóc Đỏ: hắn luôn biết dùng thái độ trơ trẽn của một kẻ vô học làm thủ đoạn
đối phó với hoàn cảnh và khai thác vận may của mình. Hàm ý này được
suy ý dựa trên hoàn cảnh tồn tại của phát ngôn và các phương châm hội
thoại – đặc biệt là phương châm quan yếu.
Có thể lý giải sự tồn tại của hàm ý phức trong tác phẩm văn chương nói
riêng và trong các hành động giao tiếp gián tiếp dựa trên sơ đồ tín hiệu
thẩm mỹ của L. Hjelmslev (Dẫn theo [1, 21]):
CBH Âm thanh
CBH Tín hiệu ngôn ngữ
CĐBH Ý nghĩa ngôn ngữ
Tín hiệu thẩm mỹ
(THTM) 76
CĐBH Ý nghĩa thẩm mỹ
Có thể thấy rõ quan điểm của L.Hjelmslev về ngôn ngữ liên hội
(language associatief) thông qua sơ đồ này là: hợp thể CBH và CĐBH (bậc
1) của tín hiệu ngôn ngữ khi đi vào tác phẩm văn chương sẽ trở thành CBH
cho một CĐBH mới. CĐBH mới này là ý nghĩa thẩm mỹ của tín hiệu thẩm
mỹ trong tác phẩm (tín hiệu bậc 2). Trong nhiều trường hợp, tín hiệu thẩm
mỹ bậc 2 này lại trở thành CBH cho một ý nghĩa thẩm mỹ của một tín hiệu
thẩm mỹ mới hơn (tín hiệu bậc 3)... Tất nhiên, quá trình “chuyển biến” từ
CBH và CĐBH bậc 1 sang CBH và CĐBH bậc 2, bậc 3,... phụ thuộc vào
nhiều yếu tố: hoàn cảnh giao tiếp, đặc trưng của tín hiệu ngôn ngữ (CBH,
CĐBH), ngữ năng – đặc biệt là năng lực tri nhận ngôn ngữ của cả người
nói và người nghe. Như vậy, giữa tín hiệu thẩm mỹ - phương tiện văn học,
và tín hiệu ngôn ngữ thông thường – chất liệu của tác phẩm văn chương,
luôn có sự khác biệt. Sự khác biệt này là kết quả sáng tạo của nhà văn và
ngữ năng của bạn đọc. Đó là minh chứng xác đáng cho nhận định của Ch.
Bally: “Giữa cách dùng ngôn ngữ hằng ngày và ngôn ngữ của nhà văn có
một vực thẳm không qua được” (Dẫn theo [68, 9]).
Trường hợp thứ hai dễ nhận ra hàm ý phức là những phát ngôn vừa có
hàm ý mệnh đề vừa có hàm ý tình thái. Nguyễn Đức Dân đã mô tả loại hàm
ý mà chúng tôi gọi là hàm ý phức này như sau: Từ “phán đoán cần thiết A
sẽ suy ra phán đoán A, từ phán đoán A sẽ suy ra phán đoán có thể A. Như
vậy, nếu hàm ý là một câu tường thuật thì có thể suy ra một câu tình thái…
Câu tình thái này là hàm ý của hàm ý” [12, 241]. Ví dụ:
(61) (A đi về muộn mà không gọi điện/dặn vợ là B ăn cơm trước. B chờ
cơm rất lâu. A về nhà hỏi:
A: - Ba mẹ con ăn cơm chưa?)
B: - Bây giờ anh mới về thì mẹ con em ăn vào lúc nào?
Đằng sau hình thức của một phát ngôn “hỏi” (HVTT) là sự khẳng định
“B chưa ăn cơm” và thái độ trách móc, dằn dỗi của B (HVGT).

77
Ngoài hoàn cảnh giao tiếp, trong một số trường hợp, người nghe có thể
dựa vào các biểu thức ngữ vi đặc thù để nhận biết HVGT.
(62) Dự án X không khả thi đâu mà đầu tư vào đó.
Theo Nguyễn Đức Dân, kiểu cấu trúc câu “X không A đâu mà B” (trong
đó A và B là 2 động từ) luôn có hàm ý: “Không B” và hàm ý tình thái
“Đừng B” [12, 243].
(63) (Trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội về trách nhiệm của Bộ
trong việc duyệt chi khống cho doanh nghiệp, dẫn đến thất thoát tài sản nhà
nước, Bộ trưởng Tài chính biện luận: Vì chủ đầu tư và nhà thầu đều đã ký
nên Kho bạc Nhà nước duyệt chi. Nghe Bộ trưởng giải thích, một đại biểu
xuất thân là giáo sư Ngữ văn phản bác:)
- Nói đơn giản như Bộ trưởng thì tôi cũng có thể làm Giám đốc Kho
bạc.[189]
Phát ngôn trên có ít nhất 2 tiền đề mà người nghe có thể dựa vào để suy
ý:
Tiền đề 1: Tôi không tin là có quy định đơn giản như thế.
Tiền đề 2: Quy định đó không đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước.
Từ hai tiền đề này, người nghe có thể xác định được hàm ý của (63): Bộ
trưởng trả lời chưa đúng sự thật. Và từ hàm ý này, theo quy tắc suy luận
logic tình thái, người nghe có thể tiếp tục suy ý để xác định “tầng nghĩa
chìm” cuối cùng: Bộ trưởng chưa dám nhận trách nhiệm.
(64) (Về công tác “kiêm nhiệm” của Bộ trưởng Tài chính, một đại biểu
Quốc hội chất vấn:)
- Có nơi đâu trên thế giới này và ở Việt Nam này nữa, một vị Bộ trưởng
được kiêm Chủ tịch Hội đồng Quản trị của một công ty?[191]
Dựa vào tiền đề (là Bộ trưởng thì không được làm Chủ tịch Hội đồng
Quản trị của bất kỳ một công ty nào), người nghe dễ dàng suy ra hàm ý:
Việc một Bộ trưởng làm Chủ tịch Hội đồng Quản trị của một công ty là
không thể có.
Căn cứ vào hoàn cảnh thực tế (đúng là Bộ trưởng đang kiêm nhiệm
chức Chủ tịch Hội đồng Quản trị của Tổng công ty đầu tư và kinh doanh
vốn nhà nước – SCIC) và quy tắc suy luận logic tình thái, người nghe có
thể tiếp tục suy ý từ hàm ý này để xác định hàm ý tình thái: Việc vừa làm

78
Bộ trưởng vừa làm Chủ tịch Hội đồng Quản trị của một công ty là vừa đá
bóng vừa thổi còi, trái đạo lý và trái pháp luật.
2.4. Các loại hàm ý phân loại theo quan hệ với nghĩa tường minh
2.4.1. Hàm ý tăng tiến
Đây là loại hàm ý đồng hướng với nghĩa tường minh. Chính do đặc
trưng của hàm ý nói chung (nói được nhiều hơn lối nói tường minh) và đặc
trưng riêng của hàm ý tăng tiến (đồng hướng với nghĩa tường minh) mà
trong nhiều trường hợp, hàm ý tăng tiến và nghĩa tường minh có thể thay
thế cho nhau, không ảnh hưởng đến việc duy trì hội thoại. Ví dụ:
(65) (Ngày 23/11/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký quyết định thành lập
Ủy ban thanh tra đặc biệt do ông Bùi Bằng Đoàn làm trưởng ban, ông Cù
Huy Cận làm phó trưởng ban. Khi được giao nhiệm vụ, ông Cù Huy Cận
mới 26 tuổi. Biết được ý định của Chủ tịch, ông Cù Huy Cận rụt rè: )
- Nhưng thưa Cụ, con còn ít tuổi. [170, 6]
Trong hoàn cảnh này, phát ngôn của ông Cù Huy Cận mang hàm ý: Cháu
chưa đủ kinh nghiệm, đủ năng lực để đảm đương trọng trách, cháu sợ mình
không hoàn thành nhiệm vụ. Hàm ý này đồng hướng với nghĩa tường minh
của phát ngôn, bởi “Khôn đâu có trẻ, khỏe đâu có già”.
Căn cứ vào hoàn cảnh thực tế (ông Cù Huy Cận mới 26 tuổi) và theo “lẽ
thường” (người ít tuổi thường ít kinh nghiệm), Chủ tịch Hồ Chí Minh đã
suy ra hàm ý ấy và hỏi lại: “Chú sợ thiếu chững chạc chứ gì?”.
Cuộc hội thoại giữa Chủ tịch Hồ Chí Minh và ông Cù Huy Cận vẫn có
thể tiếp tục nếu dùng hiển ngôn thay cho hàm ý (hiển ngôn hóa hàm ý). Tất
nhiên, trong trường hợp này, phát ngôn của ông Cù Huy Cận không còn
hàm ý nên câu hỏi của Chủ tịch Hồ Chí Minh dành cho ông sẽ không còn
nữa. Có thể thấy rõ hơn đặc điểm này khi so sánh cặp ví dụ sau:
(66) a) A: - Tại sao Lan lại đồng ý lấy Nam khi nó yêu Ngọc nhiều như
vậy nhỉ?
B: - Nhà Nam giàu hơn nhà Ngọc.
A: - Đàn bà bao giờ cũng thực tế.
Trong cuộc giao tiếp này, A sẽ dễ dàng suy ý để xác định được điều B
muốn nói: Lan là người hám của.
Hàm ý này có thể được thay thế bằng nghĩa tường minh và việc duy trì
cuộc thoại không hề bị ảnh hưởng:
79
b) A: - Tại sao Lan lại đồng ý lấy Nam khi nó yêu Ngọc nhiều như vậy
nhỉ?
B: - Vì nó hám của chứ sao nữa!
A: - Đàn bà bao giờ cũng thực tế.
Có thể thấy rõ hơn đặc trưng của hàm ý tăng tiến trong các ví dụ sau:
(67) (Lực là chồng cũ của Thai. Tình cờ, anh đến chụp hình tại hiệu ảnh
của Quảng và tại đây anh biết Quảng là chồng hiện tại của Thai… Một
hôm, Quảng đến tận nơi Lực ở để tìm anh, mang theo những tấm ảnh:)
Quảng1: - Ông Lực ạ, tên tôi là Quảng, tiện thể, tôi có mang ảnh cho
ông. Đẹp lắm, rất “nét”.
Lực: - Ông làm nhanh thế ư?
Quảng2: - Đối với ông, tôi không thể coi như một khách hàng bình
thường.
[153, 487]
Phát ngôn thứ 2 của Quảng ở ví dụ (64) lý giải lý do tại sao ảnh của Lực
lại được “làm nhanh thế” (vì ông không phải là khách hàng bình thường).
Hoàn cảnh quá khứ và hiện tại của hai người đàn ông (Lực và Quảng) đã
giúp họ hiểu hơn ai hết điều họ cần hiểu về nhau và cần nói với nhau: Tôi
nói ông không phải là khách hàng bình thường. Điều đó không phải vì ông
là thủ trưởng, trưởng đoàn chính sách. Chỉ đơn giản một điều là tôi đã nhận
ra ông. Ông chính là anh bộ đội trong ảnh – là Lực, chồng cũ của Thai – vợ
tôi bây giờ… Ông không cần phải giấu diếm hay lảng tránh tôi. Rõ ràng,
với lối nói mang hàm ý này, Quảng dễ dàng nói ra cái điều mà cả anh và
Lực đều không ai muốn động đến. Các hàm ý này đều có thể được thay thế
bằng hiển ngôn trong hoàn cảnh giao tiếp mà nó tồn tại nhằm duy trì cuộc
thoại theo mục đích mà “chủ ngôn” đã định. Tất nhiên, khi đã “hiển ngôn
hóa” hàm ý thì tính lịch sự, tế nhị trong giao tiếp sẽ giảm đi rất nhiều hoặc
không còn nữa. So sánh :
(68) a) (Bường và một toán thợ xẻ làm việc trong rừng sâu. Do sự đối
đãi không chu đáo của chủ, Bường có ý định bán trộm số gỗ vừa xẻ. Bường
nhờ anh công nhân nông trường gọi xe ô tô. Anh công nhân đồng ý.)
Bường: - […] Bác tên gì? Em tên là Đặng Xuân Bường (1)
Anh công nhân: - Tôi tên là Trần Quang Hạnh.
Bường: - Bác có cái tên thật đẹp. Đừng làm xấu cái tên nhé! (2)
80
Anh công nhân: - Được rồi, bốn hôm nữa sẽ có ô tô vào đấy.
[181, 105 ]
(68) b) A: - Bác tên gì? Em tên là Đặng Xuân Bường.
B: - Tôi tên là Trần Quang Hạnh.
A: - Bác có cái tên thật đẹp. Nhưng bác nhớ là phải giữ lời hứa đấy
nhé!
B: - Được rồi, bốn hôm nữa sẽ có ô tô vào đấy.
2.4.2. Hàm ý trái ngược
Hàm ý trái ngược là loại hàm ý nghịch hướng với nghĩa mệnh đề hoặc
nghĩa tình thái của hiển ngôn. Bởi thế, loại hàm ý này khó có khả năng
được “hiển ngôn hóa” trong lời nói (tức nó ít có khả năng thay thế cho phát
ngôn tường minh). Xét các ví dụ sau:
(69) (Sau khi vô tình lọt được vào xã hội thượng lưu, Xuân Tóc Đỏ đã
khám phá ra bản chất của cái thế giới ấy – thế giới của bọn người đểu giả,
ngu muội và rỗng tuếch,… Đồng thời, với sự láu cá của một kẻ vô học,
Xuân cũng đã nhận ra một điều: có thể sử dụng cái “gót chân Asin” của
bọn người trong xã hội thượng lưu để tận dụng mọi cơ hội mà ngoi lên và
củng cố địa vị của mình. Ngược lại, trong đám người “bát nháo” của xã hội
thượng lưu ấy cũng không ít kẻ nhận ra cái chân tướng của Xuân. Tuy vậy,
không ai dám lật tẩy hắn bởi “gót chân Asin” của họ đang bị Xuân nắm
giữ. Trong số đó, chỉ có cụ Hồng là người muốn nhổ vào mặt, tát vào mặt
Xuân khi nhận ra bản chất “xỏ lá ba que” của hắn. Biết tin này, Xuân rất
tức tối nhưng vẫn cố giữ vẻ bình tĩnh của một con vẹt. Hắn đến nhà cụ
Hồng và hỏi thăm mọi người:)
a. - Từ độ tôi không lại giúp thì cửa hàng vẫn đông khách đấy chứ?
[173, 139].
b. - Bẩm, sau khi tôi chữa khỏi cho cụ thì cụ không còn đau yếu gì
nữa, không phải mời thầy chạy thuốc gì nữa đấy chứ? [173, 218]
Đặt phát ngôn của Xuân trong hoàn cảnh tồn tại của nó và cái cử chỉ
hất hàm “đầy vẻ trịch thượng” của hắn, hẳn người nghe hiểu được rằng:
đằng sau lời hỏi thăm thông thường với ý đồ tốt (nghĩa tường minh) thực
chất là sự kể công, là lời trách khéo đầy mỉa mai về sự đối xử không tốt mà
Xuân “dành” cho các thành viên trong gia đình cụ cố Hồng.

81
(70) (Bà Hoàng là một người đàn bà sống rất vương giả dưới chế độ
Mỹ – Ngụy. Miền Nam được giải phóng, bà tỏ ra bất mãn và có thái độ bất
hợp tác với chế độ mới. Nhân dịp cuối năm, bà mời đến nhà rất nhiều nhân
vật có vai vế, tiếng tăm dưới chế độ cũ để tuyên bố một việc quan trọng.
Trong cuộc nói chuyện, bà cho khách (ông Độ) biết bà đã bán một bộ bàn
ăn, một tủ sách kèm theo cái quạt trần với giá một nghìn đồng. Khi được
hỏi bán cho ai, bà tiếp lời:)
- Cô Hảo! “Em đưa chị một nghìn tiêu tạm, còn bao nhiêu cho em
xin!”. Cán bộ miền Bắc đến là khéo! [163, 9]
Trong hoàn cảnh bà Hoàng là một người bất mãn, thậm chí, ác cảm với
chế độ xã hội mới thì phát ngôn của bà có hàm ý mỉa mai, chê trách: Chế
độ mới có tốt đẹp gì! Cán bộ thì bắt nạt, ăn bớt của dân một cách công
khai, khéo léo đến mức không ai bắt bẻ được. Hàm ý này hoàn toàn trái
ngược với nghĩa tường minh – một lời khen.
(71) (Trong toán thợ xẻ do Bường dẫn đầu có một người tên là Ngọc –
nhân vật xưng “tôi”. Một lần, chứng kiến cảnh Bường giở trò bỉ ổi đối với
Quy (cô gái 17 tuổi, con gái ông Thuyết, giám đốc nông trường), không
kìm được lòng căm ghét, Ngọc đã xông vào đánh nhau với Bường để cứu
cô bé. Đứng trước đối thủ, Bường nói:)
- Thế nào? Tiến lên đi chứ,công tử bột! Hãy mang chiến thắng về nộp
dưới chân nàng Đuyxinea ở làng Tôbôdô! [181, 114]
Dưới hình thức là một lời khuyến khích động viên nhưng thực ra, phát
ngôn của Bường là một lời thách đấu mang sắc thái chế nhạo, mỉa mai và
coi thường, mạt sát đối thủ (Ngọc): Mày chỉ là một tên hiệp sĩ rởm đời,
ngông cuồng, ngu xuẩn, thích xen vào chuyện người khác. Dù thế nào đi
nữa thì cuối cùng mày cũng sẽ chịu thất bại thảm hại như anh chàng hiệp sĩ
ngu ngốc, rồ dại xứ Mantra.
(72) (Trong trận bóng giữa hai câu lạc bộ Hoàng Anh Gia Lai và Tài
chính Dầu khí Sông Lam Nghệ An, ở một pha tranh chấp bóng, cầu thủ Lê
Công Vinh (mang áo số 9 – Sông Lam Nghệ An) bị phạm lỗi và ngã nhưng
trọng tài không thổi còi cho Sông Lam Nghệ An hưởng quả phạt. Kết quả
trận đấu là 3 – 2 nghiêng về đội Hoàng Anh Gia Lai. Kết thúc trận đấu, cầu
thủ Lê Công Vinh bắt tay trọng tài và giữa họ có một cuộc thoại ngắn:)
Lê Công Vinh: - Anh bắt hay lắm!
82
Trọng tài: - Chúng ta còn gặp nhau nhiều! [186]
Đặt trong hoàn cảnh mang tính chất “nhạy cảm” của trận đấu, cả phát
ngôn của Lê Công Vinh và phát ngôn của trọng tài đều mang hàm ý. Hàm ý
này hoàn toàn trái ngược với nghĩa tường minh. Đằng sau lời khen có vẻ
như “chân thành” của Lê Công Vinh là lời mỉa mai cay độc (Sau này, trong
chương trình truyền hình trực tiếp bình luận thể thao chuyên đề vào lúc
22h15’ ngày 25/3/08 trên VTC1, ông Nguyễn Văn Mùi, Chủ tịch hội đồng
trọng tài, cũng hiểu như vậy). Đằng sau lời đáp “nhã nhặn” và “lịch sự” của
trọng tài, Lê Công Vinh và những người khác cho rằng “trọng tài đe dọa Lê
Công Vinh và đội bóng của anh” [186].
(73) (Bày tỏ những suy nghĩ, những băn khoăn, lo lắng, hy vọng… về
trận lượt về chung kết AFF Cup 2008 (diễn ra ngày 28/12/2008) của đội
tuyển Việt Nam, tác giả Hồ Việt nhắc lại những cái “dớp” mà đội tuyển Việt
Nam phải vượt qua trên sân Mỹ Đình, trong đó có trận chung kết SEA Game
2003:)
“Đến chung kết SEAGame 2003, Việt Nam lại khuyết vị trí cực kỳ quan
trọng là hậu vệ cánh trái khi Lê Văn Trương bị treo giò. Người thay anh là
Lê Đức Tuấn ngồi dự bị quá nhiều nên đã bị khớp, không theo nổi diễn
biến của trận đấu và là nguyên nhân để thủng lưới bàn thua đầu tiên”.
[187]
Phát ngôn của phóng viên Hồ Việt là một lời “kể” rất chân thành, ở đó,
“người nghe” cảm nhận được sự cảm thông của người nói (việc “không
theo nổi diễn biến của trận đấu” của cầu thủ Lê Đức Tuấn là do anh bị
“bệnh” khớp). Nhưng ẩn đằng sau lớp nghĩa tường minh ấy là sự đánh giá,
mỉa mai về khả năng cũng như năng lực của cầu thủ Lê Đức Tuấn.
Nếu đặt phát ngôn trên trong mối quan hệ với lời bình luận ở phía sau
(“Tại trận lượt đi chung kết AFF Cup 2008, Việt Nam cũng đã không có
hậu vệ cánh phải Đoàn Việt Cường, nhưng đây cũng là lần đầu tiên, sự
vắng mặt tưởng chừng là “định mệnh” ấy đã không còn ứng nghiệm. Tài
năng của huấn luyện viên Calisto trong việc truyền lửa cho cầu thủ đã xóa
đi khoảng cách giữa dự bị và chính thức”) thì ngoài hàm ý mỉa mai năng
lực của cầu thủ Lê Đức Tuấn, phát ngôn còn có hàm ý châm biếm khả năng
cầm quân của huấn luyện viên người Áo – A.F. Riedl tại SEAGame 2003.

83
2.5. Các loại hàm ý phân loại theo quan hệ với các nghĩa hàm ẩn
khác
2.5.1. Hàm ý kiêm chức
Như đã trình bày ở mục 1.6.3.1.1 và 1.6.3.1.2, TGĐ và dẫn ý vốn không
phụ thuộc vào ngữ cảnh nhưng trong những tình huống giao tiếp cụ thể,
người nói có thể sử dụng TGĐ và dẫn ý như một loại hàm ý (tức TGĐ và
dẫn ý đồng thời là hàm ý). Ví dụ:
(74) A: - Sao? Thế đã gặp Bọ Muỗm chưa?
B: - Nó đánh tôi gãy một càng rồi.
[155, 17]
(75) A: - Này, chồng nó lương cao thế mà hôm kia tao vẫn thấy nó đi
vay tiền mày ạ.
B: - Giời ạ! Nó đưa con đi viện, bị kẻ gian móc túi lấy mất ví. Mày
không biết gì à?
Phát ngôn (74B) có một chuỗi dẫn ý: Nó đánh tôi gãy một càng rồi à
Tôi và nó đã có một hành động vật lý trực tiếp với nhau (e1) à Tôi và nó
đã gặp nhau (e2). Trong tình huống giao tiếp cụ thể này, dẫn ý (e2) chính là
hàm ý của phát ngôn (74B).
Tương tự, phát ngôn (75B) (Nó đưa con đi viện, bị kẻ gian móc túi lấy
mất ví) có dẫn ý: “Nó mất hết tiền”. Dẫn ý này – trong mối quan hệ với
hoàn cảnh giao tiếp và với các phát ngôn chứa nó – cũng chính là hàm ý
của (75B).
Tương tự, người phát ngôn có thể sử dụng TGĐ như hàm ý (tức TGĐ cũng
chính là hàm ý). Ví dụ:
(76) (Sau khi xem danh sách dự thi kết thúc học phần do giáo viên
nộp, cán bộ giáo vụ hỏi:)
A: - Sao danh sách dự thi môn Ngữ pháp tiếng Việt không có tên của
sinh viên Nguyễn Thu Hương?
B: - Hương nghỉ học quá nhiều.
(77) (Sinh viên đến gặp cố vấn học tập để tham khảo ý kiến về việc
đăng ký học các học phần của học kỳ 2. Sau khi nghe sinh viên trình bày,
cố vấn học tập hỏi:)
A: - Học phần “Tiếng Anh chuyên ngành” em học từ học kỳ 3 rồi cơ
mà!
84
B: - Nhưng thưa cô, em bị điểm F ạ.
(78) A: - Cô ta thế nào, có xinh không?
B: - Thị Nở phải gọi bằng chị (Dẫn theo [70])
(79 A: - Em chỉ sợ anh quên.
B: - Anh đâu phải thứ Sở Khanh. (Dẫn theo [70])
Để cuộc thoại (76) và (77) tồn tại, TGĐ về quy chế học tập (“nghỉ quá
nhiều”, “bị điểm F”) trở thành cái “nền” không thể thiếu. Nhân vật B trong
cả 2 hội thoại này đều hiểu rõ và cho rằng A cũng hiểu, theo quy chế học
tập thì nghỉ quá nhiều sẽ không đủ điều kiện dự thi (nên không có tên trong
danh sách dự thi); nếu bị điểm F thì sẽ phải học và thi lại (nên sinh viên
mới học lại vào sau học kỳ 3). Các TGĐ này cũng chính là nội dung ngầm
ẩn, là điều mà người nói muốn gửi đến người nghe (hàm ý).
Tương tự, TGĐ về “Thị Nở” và “Sở Khanh” ở (78) và (79) vừa là cơ sở
để người nghe hiểu rõ nội dung ngầm ẩn của phát ngôn vừa chính là nội
dung thông báo ngầm ẩn của các phát ngôn chứa nó.
2.5.2. Hàm ý không kiêm chức
Hàm ý không kiêm chức là toàn bộ các hàm ý không đồng thời đảm
nhận vai trò dẫn ý hay tiền giả định.
2.6. Các loại hàm ý phân loại theo mức độ phụ thuộc vào hoàn cảnh
giao tiếp
2.6.1. Hàm ý quy ước
Các nhà ngôn ngữ gọi loại hàm ý này là hàm ý khái quát, hàm ý ngôn
ngữ. Đây là loại hàm ý không bị chi phối bởi hoàn cảnh giao tiếp mà chủ
yếu được hình thành và tiếp nhận trên cơ sở các ký hiệu ngôn ngữ mang
tính quy ước và khả năng mở rộng ý nghĩa người nghe.
2.6.1.1. Hàm ý được suy ý từ một số từ ngữ mang tính đặc thù
Như đã trình bày ở 2.2.1.2, trong tiếng Việt, ở những trường hợp dùng
hợp lý, việc sử dụng từ ngữ có thể tạo ra hàm ý quy ước [31, 267] và từ
ngữ được coi là một trong những tín hiệu quy ước biểu đạt một cách hữu
hiệu các ý nghĩa hàm ẩn quy ước [9, 381]. Như vậy, người nghe có thể suy
ý một cách trực tiếp từ một số từ ngữ mang tính đặc thù để xác định và hiểu
hàm ý.
a) Hàm ý được suy ý từ các quy ước về thang độ

85
Theo H.P. Grice, “nguyên tắc chung chi phối việc sử dụng ngôn ngữ”
(về sau được tác giả gọi là “phương châm về lượng”) là “một người không
nên đưa ra một phát biểu yếu hơn một phát biểu khác trừ khi có lí do chính
đáng để làm như thế” [123, 26]. Từ “lí do chính đáng” này, người ta có thể
tìm ra hàm ý.
Trong các công trình nghiên cứu của khuynh hướng Tân Grice ([119],
[129], [130], [131], [139]), các từ ngữ quy ước được coi là yếu tố thúc đẩy
tạo nên các hàm ý về thang độ – loại hàm ý được “sinh ra” bởi các mối
quan hệ dẫn ý một phía (unilateral entailment relations) giữa các thế đối lập
từ vựng. Chẳng hạn, tương ứng với các từ tất cả (all), hầu hết (most), nhiều
(many), một số (some),… là các hàm ý về thang độ: không (ai/vật gì)
(none), ít/nhiều (few/not many), không phải tất cả (not all),…
b) Hàm ý được suy ý từ các từ tình thái
Theo Cao Xuân Hạo, một số từ tình thái quy ước về lượng (những, mỗi,
có, chỉ…) khi đi kèm với tổ hợp “số từ + danh từ chỉ sự vật/chỉ thời gian”
sẽ tạo cho phát ngôn hàm ý đánh giá về lượng [26, 488 – 490]. Ví dụ:
(80)
a. Mỗi bữa nó ăn những ba bát cơm.
b. Đưa con đi viện mà trong ví nó chỉ có 200 nghìn.
c. Chiếc cặp này giá có 200 nghìn.
d. Mới (có) tháng 4 mà trời đã nắng như đổ lửa.
Mỗi phát ngôn ở ví dụ (80) đều mang những hàm ý đánh giá về lượng
khác nhau dựa trên quan điểm chủ quan của người nói. Ở (80a) là hàm ý:
(Tôi thấy) ăn ba bát cơm mỗi bữa là nhiều; ở phát ngôn (80b) là hàm ý: đưa
con đi viện chỉ có 200 nghìn trong ví là quá ít (có thể sẽ không đủ để trang
trải mọi chi phí); ở (80c) là hàm ý: giá chiếc cặp 200 nghìn là rẻ; ở (80d) là
hàm ý: hiện tượng “trời nắng như đổ lửa” xẩy ra vào thời điểm tháng tư là
quá sớm, không phù hợp với quy luật tự nhiên.
Hàm ý cũng có thể được suy ý từ các vị từ tình thái.
Theo Givón, các vị từ tình thái “là vị từ chính, biểu thị sự bắt đầu, sự kết
thúc, sự kéo dài, sự thành công, sự thất bại, sự cố gắng, ý định, nghĩa vụ bắt
buộc hoặc khả năng đối với sự tình được miêu tả ở bổ ngữ” và là “chủ thể
ngữ pháp của cú chính bắt buộc cũng là chủ thể ngữ pháp của cú phụ” (dẫn
theo [31, 271]).
86
Dựa trên tham số về tính hiện thực, các vị từ tình thái thường được chia
thành 3 nhóm chính: vị từ hàm thực, vị từ hàm hư và vị từ vô hàm [26,
481]. Trong đề tài này, chúng tôi đồng ý với quan niệm của tác giả Nguyễn
Văn Hiệp khi coi hàm ý của nhóm vị từ hàm thực là một loại TGĐ và hàm
ý của nhóm vị từ hàm hư là những dẫn ý [31, 271]. Theo chúng tôi, hàm ý
của nhóm vị từ hàm thực và hàm ý của nhóm vị từ hàm hư sẽ là những hàm
ý đích thực khi chúng được dùng như những “chiến lược giao tiếp”, phụ
thuộc vào hoàn cảnh giao tiếp. Ví dụ:
(81) Hắn đã vứt xác nạn nhân xuống sông hòng che giấu tội lỗi.
“Hòng” thuộc nhóm vị từ hàm hư. Theo Cao Xuân Hạo, phát ngôn có
động từ thuộc nhóm này luôn có hàm ý: các hành động, trạng thái,… mà vị
từ bổ ngữ của chúng biểu thị là không tồn tại, không có thật. Như vậy, phát
ngôn trên có hàm ý: Việc “hắn che giấu tội lỗi” không thể thực hiện được.
Theo chúng tôi, nghĩa hàm ẩn trên là TGĐ của phát ngôn. Chỉ khi đặt phát
ngôn trong hoàn cảnh “lời bình luận về một vụ án”, TGĐ đó sẽ là cơ sở để
người nghe suy ý, tìm ra hàm ý đánh giá của phát ngôn: Hắn là kẻ vô lương
tâm. Tương tự, có thể thấy rõ hơn điều này qua các ví dụ (119), (146).
c) Hàm ý được suy ý từ các liên từ
Liên từ đã được các nhà ngữ pháp học nghiên cứu dưới góc độ là
phương tiện liên kết để tạo câu. Ở góc độ này, mặt liên kết “chìm” – sự liên
kết không thể hiện trên bề mặt của bình diện câu – của liên từ chưa được
quan tâm một cách thỏa đáng. Từ bình diện ngữ dụng, các nhà ngôn ngữ
học đã quan tâm đến vai trò liên kết các hành vi ngôn ngữ của liên từ. Theo
đó, vai trò tạo sự liên kết giữa các hành vi ngôn ngữ của liên từ – đặc biệt
là liên kết các hành vi mượn lời – đã được khẳng định trong các công trình
nghiên cứu của các tác giả như: Hoàng Phê (1989), J. Lyons (1995),
Nguyễn Đức Dân (1998), Nguyễn Văn Hiệp (2008),… Các nghiên cứu trên
đã cho thấy: có thể coi các liên từ như những “tín hiệu quy ước” để tạo lập
hoặc suy luận nhằm tìm ra hàm ý. Chẳng hạn, J. Lyons cho rằng, khi phát
ngôn “ Anh ta nghèo song trung thực”, người nói có thể hàm ý: việc một
người vừa nghèo vừa trung thực là không bình thường [ 40, 283 - 284].
Một số ví dụ khác:
(82) Cô ấy lớn lên trong một gia đình không hạnh phúc và là người
nghị lực.
87
(83) A là cán bộ nhưng không quan liêu.
Liên từ và ở (82) đã mang lại cho phát ngôn hàm ý: hoàn cảnh gia đình
là nguyên nhân (yếu tố) hình thành nên phẩm chất “giàu nghị lực” của cô
ấy; liên từ nhưng ở (83) lại mang đến cho phát ngôn hàm ý về sự đánh giá
chủ quan của người nói (người nói ngạc nhiên về sự có mặt đồng thời của
hai yếu tố: là cán bộ và không quan liêu/người nói cho rằng việc một người
“làm cán bộ” mà “không quan liêu” là không bình thường hoặc A là cán bộ
tốt ).
Tuy nhiên, cần phân biệt việc sử dụng liên từ để tạo hàm ý với trường
hợp dùng liên từ để thực hiện chức năng liên kết các tác tử logic, biểu thị
hội của hai mệnh đề, chẳng hạn: “Hôm nay là thứ 2 và tên tôi là Nam”
(xem: [31, 268]) hay “Tớ là Khánh Thư nhưng ở nhà mẹ thường gọi tớ là
Bi Ve”. Muốn vậy, khi sử dụng liên từ vào mục đích tạo hàm ý, người nói
cần lưu ý lựa chọn để các sự tình đưa vào phát ngôn có mối quan hệ tương
thích nào đó về nghĩa.
2.6.1.2. Hàm ý được suy ý từ cấu trúc câu (kiểu phát ngôn)
a) Hàm ý được suy ý từ cấu trúc so sánh
(84) (Những kẻ “ghen ăn tức ở” trong làng bình phẩm về Trạch Văn
Đoành mỗi khi thấy bóng dáng hắn ở đình làng:)
[…] Cái đầu của hắn rũ rượi như đầu đứa chết trôi […] cái áo
bađơxuy của hắn tã như cái áo thằng đánh giậm.
[151, 164]
(85) Đàn ông nông nổi giếng khơi
Đàn bà sâu sắc như cơi đựng trầu.
(Ca dao)
Sự vật chuẩn so sánh ở (84) (đứa chết trôi, thằng đánh giậm) chính là
“lai lịch”, là “nguồn gốc” của Trạch Văn Đoành (bố của Trạch Văn Đoành
bị chết đuối; và “đánh giậm” là nghề của hắn khi chưa đăng lính). Bởi thế,
sự so sánh trong phát ngôn bình giá này đã “gửi” tới người nghe – đặc biệt
là nhân vật Trạch Văn Đoành – cái “thông điệp” ngầm ẩn không mấy thiện
chí: Thái độ móc máy, xỏ xiên và thóa mạ Trạch Văn Đoành.
Khác với ví dụ (84), sự vật chuẩn so sánh ở (85) là những sự vật cụ thể,
gần gũi với đời sống hàng ngày của con người (cái giếng khơi và cái cơi
đựng trầu). Sự hiểu biết về đặc điểm của hai sự vật chuẩn so sánh này đã
88
giúp người đọc (/ người nghe) hiểu đúng hơn các thông điệp ngầm ẩn của
câu ca dao: Đàn ông là những người sâu sắc, còn đàn bà – vốn “nữ nhi
thường tình” nên bao giờ cũng nhẹ dạ, cả tin, kém sâu sắc hơn. Thông điệp
này của câu ca dao dường như trở thành một “lẽ thường” của cuộc sống.
Có lẽ vì thế, khi gặp một đối tượng trái với “lẽ thường”, người ta cảm thấy
thất vọng, và đó là hàm ý chê của câu ca dao: Em tưởng nước giếng sâu /
Em nối sợi gầu dài / Ai ngờ giếng cạn / Em tiếc hoài sợi dây.
b) Hàm ý được suy ý từ một số cấu trúc câu đặc thù
Một trong những yếu tố tạo nên tính “đặc thù” của một số kiểu cấu trúc
câu chính là các cặp từ nối. Trong tiếng Việt, quan hệ điều kiện – kết quả
được biểu hiện thông qua cặp từ nối “nếu – thì”, quan hệ nguyên nhân – kết
quả được biểu hiện qua cặp từ nối “vì – nên”, các quy luật nhân quả được
biểu hiện qua cặp từ “cứ A là B”, “hễ A thì B”,… Mặc dù sử dụng những
cặp liên từ khác nhau nhưng xét về mặt logic, các kiểu câu này đều thể hiện
kiểu phán đoán kéo theo nên chúng được gọi là các câu biểu hiện quan hệ
nhân quả (gọi tắt là câu nhân quả) [12, 235]. Để xác định được hàm ý trong
các kiểu cấu trúc này, người đọc phải hiểu, phải suy luận dựa trên các tiền
đề (hiển ngôn hay hàm ẩn). Một trong những tiền đề quan trọng, cần yếu
nhất để tạo lập/suy luận hàm ý là cả người nói lẫn người nghe phải thấy
được tính đúng, sai hiển nhiên của một tiền đề. Ví dụ:
(86) Nếu nó thi đỗ Đại học Bách khoa thì tao đi đầu xuống đất.
Ngoài tiền đề tường minh (Nếu nó thi đỗ Đại học Bách khoa thì tao đi
đầu xuống đất), phát ngôn trên còn có một tiền đề ngầm ẩn (không bao giờ
xẩy ra chuyện “đi đầu xuống đất” hoặc việc “tao đi đầu xuống đất” không
bao giờ xảy ra). Tiền đề thứ 2 hoàn toàn sai. Vì vậy, phát ngôn có hàm ý:
Nó không bao giờ thi đỗ Đại học Bách khoa.
Kiểu cấu trúc câu nhân quả thường được sử dụng trong các phát ngôn có
hành vi thề, bác bỏ, khuyên răn,… Chẳng hạn:
(87) Em mà yêu H thì em không phải là em nữa.
(Hàm ý: Không bao giờ em yêu H).
(88) Nếu con quyết định chuyển công tác vào trong ấy thì hãy lạy
sống bố con đi đã.
(Hàm ý: Không nên chuyển công tác vào trong ấy).
c) Hàm ý suy ý từ các hành vi ngôn ngữ gián tiếp (HVGT)
89
Hành vi ngôn ngữ gián tiếp (HVGT) là hành vi có mục đích phát ngôn
và dạng thức biểu hiện không trùng nhau. Ví dụ: Phát ngôn “Anh đi đâu
đấy?” có dạng thức hỏi được sử dụng để biểu thị hành vi chào. Dạng thức
biểu hiện hành vi này chính là hành vi tại lời trực tiếp (HVTT) còn mục
đích phát ngôn (chào) là HVGT.
Chẳng hạn, tiếng Việt thường sử dụng biểu thức ngữ vi hỏi để thực hiện
một số hành vi gián tiếp như: chào (ví dụ: Bác đang làm gì đấy ạ?), khẳng
định (ví dụ: Không mày hót thì còn thằng nào vào đây?), phủ định (ví dụ:
Tôi mà làm như thế à?), từ chối (ví dụ: Cậu còn chẳng ăn thua thì tớ là cái
thá gì?), mệnh lệnh (ví dụ: Mày có xéo đi cho khuất mắt tao không?),...
Vấn đề đặt ra là, các phát ngôn có HVGT đã được dùng lặp lại nhiều lần
trong cùng một ngữ cảnh có phải là phát ngôn mang hàm ý? Có phải tất cả
các HVGT đều là hàm ý không? Theo chúng tôi, nội dung của các HVGT
cũng là nội dung hàm ẩn sau câu chữ nhưng không phải tất cả chúng đều là
hàm ý – đặc biệt khi các HVGT được dùng trong hoạt động giao tiếp nghi
thức. Ví dụ:
(89)
a. Tôi không biết lấy gì để đền đáp công ơn của anh.
b. Gia đình tôi làm phiền anh nhiều quá.
c. Ra ngõ gặp trai, cô đi thi là làm bài tốt lắm đấy nhé!
Dựa vào hoàn cảnh giao tiếp, người nghe tìm ra điều mà người phát
ngôn muốn nói với mình không mấy khó khăn. Cụ thể: ở (89a), người đối
thoại đã làm một việc gì đó giúp đỡ người phát ngôn và người phát ngôn đã
bày tỏ tình cảm của mình bằng hành vi “cảm ơn” gián tiếp; ví dụ (89b) là
một lời “xin lỗi” hoặc “cảm ơn” dưới hình thức than phiền. Còn phát ngôn
(89c) là một lời chào kèm theo lời chúc.
Như vậy, khi được sử dụng trong hoạt động giao tiếp nghi thức, các
HVGT – với tư cách là nội dung của những phát ngôn nghi thức – cũng
hướng đến chức năng thiết lập tiếp xúc, xác định quan hệ thân thiện, bộc lộ
thái độ lịch sự đối với đối tượng giao tiếp, làm cho đối tượng giao tiếp có
phản ứng đối đáp tích cực và hoạt động giao tiếp theo ý định mong muốn
của chủ thể giao tiếp [39], [71, 102]. Tuy nhiên, khác với hàm ý, nội dung
hàm ẩn của các phát ngôn nghi thức này không hướng đến chức năng nhận
thức, phản ánh những thông tin về thực tế khách quan – dù chúng chịu sự
90
chi phối, sự quy định của xã hội – đặc biệt là những đặc trưng mang đậm
bản sắc văn hóa, mang tính quy ước của văn hóa dân tộc. Bởi thế, như đã
trình bày ở mục 1.6.3.2, trong đề tài này, chúng tôi không coi những nội
dung hàm ẩn của phát ngôn nghi thức – dù đó là HVGT – là hàm ý.
2.6.2. Hàm ý hội thoại
Loại hàm ý này còn được gọi là hàm ý ngữ dụng. Đây là loại hàm ý phụ
thuộc vào hoàn cảnh giao tiếp. Nói cụ thể hơn, hoàn cảnh giao tiếp, các quy
tắc hội thoại – đặc biệt là phương châm hội thoại của H.P.Grice và nguyên
tắc quan yếu của D. Sperber và D. Wilson là những yếu tố quan trọng
trong quá trình hình thành/xác định loại hàm ý này. Ví dụ:
(90)
a) (Thầy giáo hỏi học sinh khi học sinh xin phép vào lớp vì đến muộn:)
- Bây giờ là mấy giờ rồi?
b) ( Từ nhà cái Tí trở về, Hải Cò vừa “đưa đầu vô nhà”, ba cậu đã “đón
đầu” bằng tiếng quát:)
- Con có biết bây giờ là mấy giờ rồi không? [146, 76]

Cùng là phát ngôn hỏi về thời gian nhưng ở (90a) là lời nhắc nhở của
thầy giáo “Em đi học muộn quá đấy” còn ở (90b) lại là lời trách mắng kèm
thái độ tức giận của người làm cha khi ngóng con về muộn mà không rõ lý
do.
Tiểu kết

Trong các tài liệu ngữ dụng học, hàm ý được phân loại dựa trên hai căn
cứ khác nhau:
- Dựa theo mức độ phụ thuộc vào hoàn cảnh giao tiếp, hàm ý được chia
thành hàm ý quy ước và hàm ý hội thoại. Hàm ý quy ước là loại hàm ý
được ít lệ thuộc vào hoàn cảnh giao tiếp. Còn hàm ý hội thoại là loại hàm ý
phụ thuộc vào hoàn cảnh giao tiếp.
- Dựa theo khu vực tình thái mà người nói ký gửi vào phát ngôn, hàm ý
được chia thành ba loại: ẩn ý, ngụ ý và dụng ý.
Từ gợi ý của những cách phân loại trên và tư liệu thu thập được, luận án
phân loại và mô tả hàm ý theo những tiêu chí như sau:
- Theo phương tiện biểu hiện, hàm ý được chia thành hai loại là hàm ý
của từ và hàm ý của toàn phát ngôn. Hàm ý của từ là loại hàm ý do một từ
91
(hư từ hoặc thực từ) biểu thị. Còn hàm ý của toàn phát ngôn là hàm ý được
tạo ra từ toàn bộ tín hiệu ngôn ngữ trong phát ngôn trong hoàn cảnh giao
tiếp nhất định.
- Theo số lượng, hàm ý được chia thành hai loại là hàm ý đơn và hàm ý
phức. Nếu như hàm ý đơn là loại hàm ý duy nhất của phát ngôn thì hàm ý
phức là loại hàm ý có nhiều tầng, trong đó một số hàm ý được suy ra từ
những hàm ý khác.
- Theo quan hệ với nghĩa tường minh, hàm ý được chia thành hai loại là
hàm ý tăng tiến và hàm ý trái ngược. Hàm ý tăng tiến là loại hàm ý đồng
hướng với nghĩa tường minh. Còn hàm ý trái ngược là loại hàm ý nghịch
hướng với nghĩa tường minh.
- Theo quan hệ với các nghĩa hàm ẩn khác, hàm ý được chia thành hai
loại: hàm ý kiêm chức (hàm ý là dẫn ý, hàm ý là TGĐ) và hàm ý không
kiêm chức (các hàm ý còn lại). Dẫn ý và TGĐ vốn không phụ thuộc vào
ngữ cảnh nhưng trong những tình huống giao tiếp cụ thể, người nói có thể
sử dụng dẫn ý và TGĐ như một loại hàm ý. Đó là hai loại hàm ý chúng tôi
mới bổ sung so với hai loại đã được các nhà nghiên cứu xác định là hàm ý
quy ước và hàm ý hội thoại.
- Theo mức độ phụ thuộc vào hoàn cảnh giao tiếp hàm ý được chia
thành: hàm ý quy ước, hàm ý hội thoại.
Kết quả nghiên cứu ở chương này đã thuyết giải phần nào mối quan hệ
giữa việc nghiên cứu hàm ý với phân tích tác phẩm văn chương. Việc phân
tích, miêu tả hàm ý theo những tiêu chí khác nhau sẽ là những gợi ý giúp
người dạy – học ngữ văn nhận diện hàm ý trong tác phẩm văn chương,
nâng cao năng lực giải thích, vận dụng kiến thức ngôn ngữ học về hàm ý
vào việc dạy – học văn theo hướng tích hợp; có những biện giải có cơ sở
khoa học hơn, chặt chẽ hơn trong quá trình cảm thụ, phân tích tác phẩm.

92
CHƯƠNG 3
PHƯƠNG THỨC BIỂU THỊ HÀM Ý TRONG TIẾNG VIỆT

3.1. Khái niệm “phương thức biểu thị hàm ý”


Trong đề tài này, chúng tôi hiểu phương thức biểu thị hàm ý là cách
thức lựa chọn và sử dụng các yếu tố ngôn ngữ phù hợp với hoàn cảnh giao
tiếp cụ thể để tạo hàm ý cho phát ngôn.
Với quan niệm này, phương thức biểu thị hàm ý sẽ được phân biệt với
chiến thuật giao tiếp.
Cách thức sử dụng các yếu tố ngôn ngữ trong chiến thuật giao tiếp là để
đạt được hiệu quả giao tiếp ở mức cao nhất, hay nói cách khác là để tăng
hiệu lực của phát ngôn. Ví dụ:
(91) (Trong lúc người cha đang làm việc, ở phòng khách, đứa con trai 6
tuổi nô đùa ầm ĩ. Người cha muốn được yên tĩnh. Để đạt được mục đích
này, người cha phải “cân nhắc”, lựa chọn một trong những cách nói sau:)
a. Này con, đừng làm ồn để cho bố làm việc.
b. Con có thể ra chỗ khác chơi để cho bố làm việc được không?
c. Nếu con làm ồn, bố sẽ có roi đấy!
Cả 3 phát ngôn đều có thể giúp người cha đạt được mục đích giao tiếp
của mình. Lựa chọn phát ngôn nào là tùy thuộc vào mối quan hệ cụ thể
giữa người phát ngôn (cha) và người tiếp nhận phát ngôn (con), thậm chí,
tùy thuộc cả tâm lý của người phát ngôn tại thời điểm nói cụ thể… Tuy
nhiên, xét về mặt hiệu quả giao tiếp (đặt trong mối quan hệ với tâm lý
người tiếp nhận phát ngôn – cậu bé 6 tuổi) thì phát ngôn (91c) có hiệu lực
cao hơn hẳn so với phát ngôn (91a) và (91b). Chắc chắn rằng, khi tiếp nhận
phát ngôn (91c), cậu bé sẽ im lặng ngay tức khắc.
Một vài ví dụ khác:
(92) (Cô gái trẻ, xinh đẹp cùng đồng hành với một chàng trai trên một
quãng đường dài. Qua trò chuyện, chàng trai muốn biết cô gái đã có chồng
chưa. Để đạt được mục đích này, chàng trai có thể sử dụng một trong số
các phát ngôn sau:)
a. Xin lỗi, bạn/ em đã lập gia đình chưa?
b. Chồng bạn/ em công tác ở đâu?
c. Để cho vợ đi đường xa thế này chắc là chồng bạn/ em lo lắng lắm
nhỉ?
93
Nhưng nếu chọn phát ngôn (92c), chàng trai vừa thể hiện được tính lịch
sự trong giao tiếp (quan tâm đến người khác) vừa đạt được mục đích giao
tiếp và hơn thế, kiểu phát ngôn này sẽ hạn chế đến mức tối đa kiểu trả lời
“nói dối cho vui” của cô gái.
(93) (Khách đến chơi, gặp lúc chủ nhà vừa chở con đi chợ mua sắm về.
Chủ nhà chỉ vào cậu con trai của mình và bảo:
- Đấy ông xem! Mới vào lớp 1 mà đã tốn bao nhiêu tiền cho nó. Nào là
tiền quần áo đồng phục, tiền xây dựng trường, tiền sách vở, lại cả tiền học
bán trú nữa chứ!
Để động viên chủ nhà, giúp chủ nhà “giải toả” được tâm lý về “gánh
nặng cơm áo”, khách có thể nói:)
a. Thời buổi bây giờ là thế! Nuôi được đứa con nên người đâu phải đơn
giản.
b. Thế đấy! Nhưng chẳng biết sau này chúng nó có biết cho không?
c. Con cái càng lớn, cha mẹ càng vất vả về kinh tế. Đó là “quy luật”
rồi.
Nhưng có lẽ cách nói:
d. “Trẻ em như búp trên cành” mà!
là tỏ ra có hiệu lực hơn cả. Với phát ngôn này, người nói không chỉ giúp
người nghe (chủ nhà) không cảm thấy tiếc tiền mà hơn thế, còn khơi gợi
được ở người nghe ý thức về trách nhiệm của người làm cha, làm mẹ; ý
thức về sự cần được nâng niu, chăm sóc từ những “bước đi đầu đời của đứa
con”.
Khác với chiến thuật giao tiếp, cách thức sử dụng các yếu tố ngôn ngữ
trong phương thức biểu thị hàm ý nhằm tạo tầng nghĩa thứ hai – hàm ngôn –
cho phát ngôn. Nghĩa hàm ngôn này là nội dung đích thực mà người nói
muốn gửi đến người nghe. Như vậy, cách thức sử dụng các yếu tố ngôn ngữ
của phương thức biểu thị hàm ý không chỉ hướng tới mục đích tăng hiệu lực
của phát ngôn nhằm đạt kết quả giao tiếp cao nhất mà còn để diễn đạt một
cách hàm ẩn điều muốn nói nhưng vì lý do nào đó mà không thể nói tường
minh với mong muốn người nghe nhận, hiểu được nội dung ngầm ẩn ấy. Ví
dụ:
(1) (Thấy bạn đang đánh con, A nói:)
- Này ông ơi, “trẻ em như búp trên cành” mà!

94
(2) (Nghe B tâm sự về sự “đầu tư” cho con cái trong năm học mới:
chẳng biết quan điểm của ông thế nào chứ với tôi, riêng việc đầu tư cho học
hành của con cái là tôi không tiếc. Tiền xây dựng, tiền quần áo đồng phục,
tiền quỹ… nộp ngay khi có thông báo; tiền mua sách vở, sách tham khảo,
nếu cần, có ngay… A nói:)
- Ừ, “trẻ em như búp trên cành” mà!
(3) (Nghe B kêu ca, phàn nàn về sự tốn kém tiền nong khi con bắt đầu
vào năm học mới, A nói:)
- Trẻ em như búp trên cành mà!
Ở (1), phát ngôn “trẻ em như búp trên cành” có hàm ý nhắc nhở, phê
bình người bạn về cách giáo dục con cái (chẳng hạn: ông giáo dục con ông
kiểu ấy là “phản khoa học” rồi); ở (2), phát ngôn này mang hàm ý khác –
khen, khuyến khích B về những việc anh ta đã làm cho con cái nói chung
và “quan điểm” của anh ta về việc “đầu tư cho học hành” của con cái nói
riêng; ở (3), phát ngôn của A lại là sự cảm thông, chia sẻ đối với B (Việc
quan tâm chăm sóc con cái – đặc biệt khi chúng bắt đầu tới trường – là lẽ
thường tình. Là cha mẹ, ai cũng phải trải qua những thời điểm vất vả như
ông thôi…). Đó chính là những điều mà người nói muốn gửi tới người
nghe, muốn người nghe hiểu – là hàm ý. Nhờ những hàm ý này mà hiệu lực
của phát ngôn nói riêng, hiệu quả của hoạt động giao tiếp nói chung có thể
đạt ở mức cao nhất. So sánh các tình huống giao tiếp ở (1), (2) và (3) với:
(94) (Thấy bạn đang đánh con, A nói:)
- Này ông ơi, ông dạy con kiểu đấy là phản khoa học rồi.
(95) (Nghe bạn tâm sự về sự “đầu tư” cho con cái, A nói:)
- Ông đang “đầu tư” đúng hướng đấy. Tôi cũng thống nhất quan điểm của
ông.
(96) (Nghe bạn phàn nàn về sự tốn kém khi con bắt đầu vào năm học
mới, A nói:)
a. Thời buổi bây giờ là thế. Nuôi được một đứa con nên người đâu phải
đơn giản.
b. Nuôi con ăn học tốn kém là chuyện thường tình. Ai làm cha mẹ chẳng
phải trải qua những khó khăn, vất vả như ông.
Các cuộc giao tiếp ở (1) và (94) hướng tới mục đích giao tiếp: muốn bạn
không đánh con và không dạy con theo phương pháp “đòn roi” ấy nữa; các
cuộc giao tiếp (2) và (95) hướng tới mục đích: khen B và bày tỏ thái độ tán
thành của mình đối với việc làm của B; ở (3) và (96) nhằm mục đích bày tỏ
sự cảm thông, chia sẻ đối với “hoàn cảnh” thực tại của B… Để đạt được các
95
mục đích giao tiếp này, người phát ngôn có thể lựa chọn ít nhất một trong hai
tình huống (ở các cặp thoại tương ứng). Tuy nhiên, với việc sử dụng phát
ngôn có hàm ý như ở (1), người nói sẽ tránh được cho người nghe trạng thái
bị ức chế về mặt tâm lý vì đã có “kẻ” “dám can thiệp” vào việc riêng của
mình. Ngược lại, người nói cũng hạn chế (loại bỏ) được cho mình khả năng bị
phản ứng theo hướng tiêu cực: “Con tôi, tôi dạy. Không phải việc của gia đình
ông!”. Tương tự, người được khen hay người được động viên, chia sẻ ở các
cuộc thoại (2), (93) bao giờ cũng tránh được cảm giác ngượng ngùng, mất thể
diện như khi nhận phát ngôn ở các cuộc thoại (94), (96). Như vậy, việc sử
dụng lối nói có hàm ý sẽ làm gia tăng hiệu quả giao tiếp. Và đó cũng là cơ sở
để chúng ta khẳng định rằng việc lựa chọn phát ngôn có hàm ý để đưa vào
hoạt động giao tiếp cụ thể cũng là một trong những chiến thuật giao tiếp.

Hoạt động giao tiếp nào cũng hướng tới một mục đích nhất định. Vì thế,
chiến thuật giao tiếp rất cần thiết trong mỗi cuộc thoại. Nó có thể xuất hiện
trong tất cả các cuộc thoại, trong mọi hoàn cảnh giao tiếp. Ngược lại,
không phải thông tin cần trao đổi nào của cuộc thoại cũng đều là hàm ý.
Việc trao đổi thông tin bằng hàm ý diễn ra trong những cuộc thoại đặc biệt,
những hoàn cảnh giao tiếp đặc biệt – khi người tham gia giao tiếp không
thể nói thẳng, nói thật những điều mình muốn nói. Vì thế, phương thức
biểu thị hàm ý chỉ xuất hiện, tồn tại trong một số điều kiện, hoàn cảnh giao
tiếp đặc biệt. Chẳng hạn: vị thế của người phát ngôn (người nói) thấp hơn
so với người đối thoại; người nói là người chịu ơn người đối thoại rất
nhiều; cuộc thoại có sự tham gia của người thứ ba và người nói không
muốn người thứ ba biết được những thông tin mà mình sắp truyền đạt,…
3.2. Điểm lại danh sách các phương thức biểu thị hàm ý
H. P. Grice và các nhà ngữ dụng học đã nêu ra hai phương thức biểu thị
hàm ý sau:
3.2.1. Phương thức biểu thị hàm ý khái quát (generalized
implication)
Để biểu thị loại hàm ý này, theo H. P. Grice và các nhà ngữ dụng học,
người phát ngôn có thể sử dụng các phương tiện hoặc dựa vào các điều
kiện sau đây:
a) Sử dụng các tín hiệu ngôn ngữ mang tính quy ước.

96
a1. Sử dụng các từ ngữ quy ước
- Sử dụng các từ làm ơn, hộ; ví dụ:
(97) Làm ơn cho tôi gặp chị A được không? (Phát ngôn khi gọi điện
thoại).
- Sử dụng các liên từ (và, nhưng, song,...)
(98) Nó ăn nhiều nhưng không béo được.
- Sử dụng các phó từ chỉ thời thể (vẫn, lại, ra, đi,… )
(99) Mới dùng “thực phẩm chức năng” có một tháng mà thân hình nó
gọn đi trông thấy.
- Sử dụng các từ tình thái (bèn, toan, định,…)
(100) Được tin, Nam bèn phóng xe về nhà (hàm ý: việc “Nam phóng xe
về nhà” có diễn ra thật). (Dẫn theo [26, 481 – 482])
a2. Sử dụng các kiểu cấu trúc phát ngôn đặc thù
- Sử dụng kiểu cấu trúc so sánh
+ Sử dụng kiểu cấu trúc so sánh A hơn/ kém/ giống/ như B (trong đó, B
là sự vật “chuẩn” để so sánh mà cả người nói và người nghe đã biết; A và B
phải có đặc điểm đồng nhất về phạm trù) ; ví dụ:
(101) Cán cân công bằng chỉ như cán cân anh hàng thịt, thế nào chả
ngang được. [NNL11, 159]
+ Sử dụng các kiểu cấu trúc so sánh A không bằng B; A bằng B; A kém
B
(102) Chất lượng của thời trang hãng UNI không bằng chất lượng của
hãng thời trang NEM.
+ Sử dụng các kiểu cấu trúc so sánh A không kém gì B và A không hơn
gì B
(103) Huy học không kém gì Khang.
- Sử dụng kiểu cấu trúc A nhưng B
(104) H học không giỏi lắm nhưng bố làm Giám đốc.
- Sử dụng kiểu cấu trúc A còn V huống gì B và A còn V nữa là
(105) Nó còn đi xe máy từ Hà Nội về tận Nghệ An nữa là!
- Sử dụng kiểu cấu trúc P, trừ phi Q
(106) A sẽ không đỗ đại học, trừ phi A có điều kiện để quay cóp.
- Sử dụng kiểu cấu trúc câu nhân - quả theo những cơ chế xác định

97
+ Sử dụng kiểu cấu trúc câu nhân - quả: Nếu A thì B (trong đó B là điều
“phi hiện thực”)
(107) Bao giờ chạch đẻ ngọn đa
Sáo đẻ dưới nước thì ta lấy mình. (Ca dao)
+ Sử dụng kiểu cấu trúc chất vấn (dùng từ mà nối quan hệ nhân - quả).
(108) Có bao giờ tha thứ một tội như thế mà không sợ nhục? (Dẫn theo
[12, 243]).
b) Sử dụng phát ngôn có sự kết hợp ngôn từ không bình thường
(109) (Thấy con đang nghịch cát, quần áo lấm lem, người mẹ quát:)
- Con có muốn ăn roi không?
c) Tạo sự liên kết giữa các từ cùng đứng đầu (hoặc cùng đứng cuối) câu
trong chuỗi phát ngôn
(110) Cụ già thong thả buông cần trúc
Hồ rộng mênh mông nước một vùng.
Muôn vạn đài sen xô song biếc
Tuổi già vui thú với non sông … (Dẫn theo [44])
d) Dựa vào khả năng mở rộng ý nghĩa của người nghe để lựa chọn
thông tin đưa vào phát ngôn
(111) Anh ta có 3 người con.
( Hàm ý: Anh ta có và chỉ có 3 người con). (Dẫn theo [9, 342])
- Dựa vào thang độ để tạo lập phát ngôn.
(112) Tôi đang nghiên cứu về hàm ý của phát ngôn (và) tôi đã đọc
được một số (some) tài liệu mang tính chất lý luận.
- Xây dựng lập luận không đầy đủ
(113) Sắc đẹp không ngẫu nhiên mà có. Hãy dùng sản phẩm X.
- Sử dụng cấu trúc câu trùng ngôn.
(114) Chiến tranh là chiến tranh. (Dẫn theo [26, 510])
Ngoài những phương thức trên, theo các nhà ngữ dụng học Việt Nam,
các lối nói bóng gió, nói cạnh khóe, nói kháy,… cũng là những phương
thức biểu thị hàm ý (xem: [10], [13], [44]).
3.2.2. Phương thức biểu thị hàm ý hội thoại đặc thù (particular
implicature)
Hàm ý hội thoại đặc thù còn có tên gọi là hàm ý hội thoại, hàm ý ngữ
dụng.
98
Đối với hàm ý hội thoại đặc thù – loại hàm ý phụ thuộc vào hoàn cảnh
giao tiếp và “biến đổi” theo từng hoàn cảnh giao tiếp – H. P. Grice, G. Yule
và các nhà nghiên cứu ngữ dụng ở Việt Nam đều cho rằng: sự cố tình vi
phạm các quy tắc hội thoại – đặc biệt là các phương châm hội thoại – trong
quá trình tạo lập phát ngôn là phương thức hữu hiệu để biểu thị nó (xem:
[10],[13], [120]).
(115) A: - Bu bảo thế có dơ không?
B: - Thế mới đẹp mặt cái giống mỏng môi! (Cứ để người ta đánh,
người ta xé nó) [183, 107]
Có thể biểu thị loại hàm ý này theo những cách sau:
3.2.2.1. Sử dụng phát ngôn P, trừ phi Q trong một số hoàn cảnh cụ thể
Đưa ra phương thức này, Hoàng Phê muốn chứng minh cho quan điểm
của mình: “Cùng một kiểu câu nhưng khi thành lời cụ thể thì tùy hoàn cảnh
của phát ngôn mà nó có thể có những hàm ý rất khác nhau, thậm chí, có thể
trái ngược nhau, để thực hiện mục đích nói năng khác nhau” [58, 92].
Theo tác giả, ngoài hàm ý mang tính “cố định” (quy ước) được suy ra từ
cấu trúc phát ngôn như đã nêu ở mục (3.2.1), phát ngôn P, trừ phi Q khi tồn
tại trong những hoàn cảnh giao tiếp khác nhau sẽ mang những hàm ý khác
nhau. Chẳng hạn:
- Nếu phát ngôn P, trừ phi Q nảy sinh trong hoàn cảnh “có nhiều khả
năng không Q” (-Q) thì phát ngôn mang hàm ý duy nhất: có nhiều khả năng
không P (-P).
- Nếu phát ngôn trên tồn tại trong hoàn cảnh “như mọi người đều biết, Q
là không bình thường, là một khả năng không hiện thực (hầu như không có
khả năng Q)” thì nó mang hàm ý mang tính khẳng định tương đối dứt
khoát: khả năng P.
(116) Nó không bao giờ xem ti vi trừ phi có bóng đá (mà hiện thực là
“hôm nay có bóng đá” (q), vậy hàm ý của phát ngôn sẽ là: hôm nay nó sẽ
xem ti vi (- p)) [58, 94].
3.2.2.2. Cố tình vi phạm quy tắc chiếu vật chỉ xuất
Theo Đỗ Hữu Châu, trong giao tiếp, cặp xưng hô nào cũng quy định
quan hệ giao tiếp trong suốt cuộc thoại nhưng khi một người trong số đó
(những người tham gia giao tiếp) đột ngột chuyển đổi cách xưng hô thông
thường thì trong cách xưng hô mới bao giờ cũng ẩn chứa những hàm ý về
99
sự thay đổi quan hệ giữa những người tham gia giao tiếp (xem [9, 336]).
Chẳng hạn: sự chuyển đổi cặp xưng hô “anh - em” trong quan hệ vợ chồng
thành “anh - tôi” hoặc “mày - tao” báo hiệu sự thay đổi, sự rạn nứt về mặt
tình cảm trong mối quan hệ giữa hai người.
3.2.2.3. Cố tình vi phạm các quy tắc hội thoại
Trong hội thoại, những phát ngôn được tạo bởi sự cố ý vi phạm các quy
tắc hội thoại như quy tắc điều hành luân phiên lượt lời, quy tắc chi phối các
quan hệ liên cá nhân, quy tắc điều hành nội dung của hội thoại – đặc biệt là
vi phạm các phương châm hội thoại thuộc nguyên tắc cộng tác (cooperative
principle) của H. P. Grice và nguyên tắc quan yếu (relevance theory) của
D. Sperber và D. Wilson đều là những phát ngôn có hàm ý hội thoại.
Thông thường, loại hàm ý này được suy ra từ hiển ngôn và hoàn cảnh giao
tiếp, đặc biệt là hoàn cảnh giao tiếp.
a) Sử dụng tiền giả định (TGĐ)
(117) (Thấy bạn mình (người đã có vợ) đang “cợt nhả” với một cô gái, A
hỏi:)
- Thế nào, cháu nhỏ của anh đã đỡ chưa?
Trong trường hợp này, đối với cô gái, phát ngôn A có hàm ý Anh ta có
vợ con rồi, còn đối với chàng trai, phát ngôn trên có hàm ý Anh đã có vợ
con rồi mà còn đi tán tỉnh thế à? [11, 118].
b) Sử dụng hành vi ngôn ngữ gián tiếp
(118) (Dù A đã dặn con rất nhiều lần rằng không nên chơi với bạn B vì
B rất hư nhưng dạo này A thấy con hay đi chơi với B. Một lần, con gái vừa
khóc vừa về mách A là bị bạn B đánh. A nói:)
- Con còn nhớ mẹ dặn con điều gì không?
Phát ngôn hỏi của A mang hàm ý trách móc kèm theo thái độ bực bội,
thất vọng: Con không nghe lời mẹ nên bây giờ con bị bạn đánh là điều
không thể tránh khỏi. Chính vì hiểu được hàm ý đó mà con gái của A, thay
vì trả lời đúng nội dung tường minh của câu hỏi, đã vòng tay xin lỗi mẹ.
3.2.3. Nhận xét chung
Qua việc điểm lại danh sách các phương thức biểu thị hàm ý, chúng tôi
thấy:
a) Phần lớn các phương thức biểu thị hàm ý mà các tác giả đã miêu tả là
những phương thức biểu thị loại hàm ý độc lập, cố định trong mọi hoàn
100
cảnh giao tiếp (hàm ý quy ước). Mặc dù các tác giả đã có những kiến giải
khá tỉ mỉ và thận trọng nhưng qua đối chiếu với cơ sở ngữ nghĩa của cấu
trúc cũng như thực tế sử dụng ngôn ngữ, chúng tôi thấy vẫn còn một số vấn
đề cần được thảo luận thêm. Chẳng hạn:
a1. Loại hàm ý được biểu thị bởi phương thức sử dụng vị từ tình thái mà
Cao Xuân Hạo đề xuất thực chất là các TGĐ hoặc dẫn ý (xem [31, 271). Ví
dụ:
(119) (Bé Khánh Linh về quê chơi. Một hôm, bé gọi điện mách mẹ:)
- Hôm qua, anh Khang dám cãi lại bác An mẹ ạ.
Cao Xuân Hạo cho rằng phát ngôn có chứa vị từ thuộc nhóm hàm thực
luôn mang hàm ý: hành động/trạng thái/tính chất… mà vị từ bổ ngữ của
chúng biểu thị đã tồn tại thực. Như vậy, (119) có hàm ý: việc anh Khang
cãi lại bác An là có thật (đã tồn tại).
Chúng tôi thống nhất quan điểm của tác giả Nguyễn Văn Hiệp (2008),
coi loại nội dung ngầm ẩn trên (mà Cao Xuân Hạo gọi là hàm ý) là TGĐ.
TGĐ này cùng với hoàn cảnh tồn tại của phát ngôn (119) là cơ sở để người
mẹ suy ý, đi tìm ra điều con muốn nói: Anh Khang hư (vì đã làm một việc
mà lẽ ra một người làm con không được phép).
a2. Loại hàm ý được biểu thị bằng phương thức mà tác giả Hồ Lê đề
xuất (tạo sự liên kết giữa các từ cùng đứng đầu hoặc cùng đứng cuối câu
trong chuỗi phát ngôn), theo chúng tôi, khó có thể được coi là hàm ý bởi
thực chất đây chỉ là vấn đề tạo mã và giải mã của tín hiệu.
a3. Một số bài nghiên cứu, một số giáo trình được đưa vào giảng dạy ở
bậc đại học, cao đẳng trong những năm gần đây có đưa ra một số phương
thức biểu thị hàm ý như: đổi vị trí các từ trong câu, tạo phát ngôn có nghĩa
đối lập với phát ngôn trao trong một ngữ cảnh cụ thể, suy luận… (xem:
[45], [46], [47]). Với các ví dụ minh chứng như sau:
(120) A (sờ lên cổ áo, bắt được con rận, sợ bạn cười, vội vứt xuống đất):
- Tưởng là con rận, hóa ra không phải.
B (cúi xuống nhặt con rận ở dưới đất lên):
- Tưởng là không phải, hóa ra con rận.
(121) (B được mọi người tôn trọng nên A sinh lòng đố kỵ. Một hôm, A
gặp B và “chào hỏi”:)
A: - Trông từ xa, tôi cứ ngỡ ông là con lừa.
101
B: - Còn tôi, trông từ xa, tôi lại cứ ngỡ là con người.
(Dẫn theo [45, 65])
Theo chúng tôi, bản thân việc thay đổi vị trí các từ trong câu như ở
(120) không thể là phương thức biểu thị hàm ý. Bởi lẽ, đó chỉ là cách tạo ra
một kết cấu (construction) khác, với một nghĩa khác dựa trên nguyên lý
hình tuyến của ngôn ngữ. Nói cách khác, đó là trường hợp cùng một kiểu
kết cấu nhưng do hoàn cảnh giao tiếp mà người nói có thể “hiện thực hóa”
theo trật tự thành tố này hay trật tự thành tố khác. Kết quả của quá trình
hiện thực hóa này sẽ tạo cho câu nói một loại nghĩa khác với nghĩa của kết
cấu ban đầu. Nghĩa này chỉ là yếu tố tham gia tạo hàm ý khi đặt nó trong
mối quan hệ với những TGĐ nhất định và những hoàn cảnh giao tiếp nhất
định.
Tương tự, nghĩa hàm ẩn của phát ngôn B ở (121) mà tác giả Đỗ Thị
Kim Liên coi là hàm ý (Ông tưởng tôi là con lừa thì tôi là con người, còn
tôi tưởng ông là con người thì ông là con lừa), theo chúng tôi, chỉ là một
loại TGĐ được suy ra từ điều kiện dùng của từ “ngỡ” (“Ngỡ” hay “tưởng”
cho biết mệnh đề bổ ngữ đi sau nó không đúng ; điều kiện dùng của hai
động từ này là mệnh đề bổ ngữ phải sai).
Việc coi “suy luận” là một phương thức biểu thị hàm ý, theo chúng tôi,
cũng khó có thể chấp nhận. Bởi lẽ, “suy luận” hay “suy ý” là một “thao
tác” được thực hiện chủ yếu từ phía người nghe để xác định (hiểu) hàm ý.
Tất nhiên, trong quá trình tạo lập phát ngôn mang hàm ý, người nói cũng
cần “định hình” các cơ sở suy luận có thể để đưa vào phát ngôn các “chỉ
dẫn” suy luận nhằm giúp người nghe xác định chính xác điều mình muốn
gửi gắm một cách ngầm ẩn.
b) Các nghiên cứu về phương thức biểu thị hàm ý hội thoại của các tác
giả chưa trả lời thỏa đáng cho vấn đề: Có phải tất cả các phát ngôn mà
người nói cố tình vi phạm nguyên tắc giao tiếp đều là phát ngôn có hàm ý
và nội dung ngầm ẩn sau những phát ngôn này đều là hàm ý? Trong khi đó,
quan sát thực tế giao tiếp chúng tôi thấy: Việc người nói cố tình vi phạm
các nguyên tắc giao tiếp trong quá trình tạo lập phát ngôn giao tiếp thực sự
là một trong những phương thức hữu hiệu nhất để biểu thị các hàm ý hội
thoại nhưng không phải cứ vi phạm nguyên tắc giao tiếp là để tạo hàm ý.
Cụ thể:
102
b1. Sự cố tình vi phạm các nguyên tắc giao tiếp nhiều khi chỉ là chiến
thuật giao tiếp chứ không để nói những điều không thể nói thẳng nói một
cách trực tiếp. Có thể thấy rõ điều này qua văn hóa chào hỏi mang bản sắc
văn hóa Việt, đặc biệt, qua lối chào hỏi gián tiếp trong hoạt động giao tiếp
phi chính thức và thân mật. Cụ thể, các nhân vật giao tiếp có thể dùng phát
ngôn hỏi (ví dụ: Bác đi làm sớm thế ạ?), phát ngôn xác nhận (khẳng định sự
có mặt của đối tượng giao tiếp), phát ngôn khen, chúc mừng,... để chào đối
tượng giao tiếp của mình (xem [39]). Như vậy, phát ngôn chào hỏi gián tiếp
giống như những công thức giao tiếp được lặp đi lặp lại nhiều lần trong môi
trường giao tiếp nhất định, dần dần trở thành dấu hiệu ngôn hành cho hành
vi ngôn ngữ mà phát ngôn thể hiện. Lúc đó, nội dung mà chúng biểu thị
không còn là hàm ý nữa bởi chúng đã mang tính ổn định trong hoạt động
giao tiếp.
Việc “cố tình vi phạm các nguyên tắc giao tiếp” không phải bao giờ
cũng để biểu thị hàm ý mà có thể chỉ là một chiến thuật giao tiếp nào đó.
Đây là hiện tượng tương đối phổ biến trong giao tiếp. Ví dụ:
* Vi phạm phương châm lượng
(122) (Khi được tin báo về một vụ hiếp dâm xảy ra ở nhà bà Phó Đoan,
hai viên cảnh sát đến nhà bà Phó Đoan để làm nhiệm vụ. Tại đây, Xuân
Tóc Đỏ đã trổ tài giới thiệu :)
- Đây là thầy Min Đơ, cảnh binh hạng tư, Chiến công Bội tinh, giải
nhất Hà Nội - Đồ Sơn, giải nhì Hà Nội - Hà Đông, một cái tương lai của
cảnh sát giới! [...] Còn đây, ông Min Toa, cúp BoyLandry, Mélia June, sự
vẻ vang của sở Cẩm Hà Nội, cái hy vọng của Đông Dương...
- Đây là bà Phán, một phụ nữ đã rất thủ tiết với hai đời chồng, một bậc
mẹ hiền, có công với làng thể thao”. [173, 167]
Trong cuộc giao tiếp trên, rõ ràng Xuân Tóc Đỏ đã cung cấp một lượng
tin quá nhiều (vi phạm phương châm lượng). Tuy nhiên, lời giới thiệu với
quá nhiều lượng tin thừa ấy của Xuân trong hoàn cảnh này chỉ là chiến
thuật giao tiếp, nhằm lấp liếm cái việc làm không chính đáng của hắn với
bà Phó Đoan khi bị phát giác. Quả thực, chiến thuật giao tiếp của Xuân đã
đạt hiệu quả khi hai viên cảnh sát vừa được “hưởng hạnh phúc” (trước lời
tâng bốc của Xuân) vừa “hoàn thành nhiệm vụ” với cái biên bản phạt tội
thả rông chó ra đường (chứ không phải biên bản điều tra về một vụ hiếp
103
dâm như đã được báo và khi nhận nhiệm vụ); còn bà Phó Đoan lại khỏi
mang tiếng thất tiết với hai đời chồng cũ và Xuân Tóc Đỏ không bị phạt tù.
* Vi phạm phương châm chất và quy tắc tôn trọng thể diện trong hội
thoại
(123) (Sau lời “diễn thuyết” của Xuân Tóc Đỏ, cụ Hồng kính cẩn hỏi
Xuân:)
- Bẩm ngài, ngài làm gì mà giỏi về y lý như vậy thế ạ?
(Xuân chưa kịp đáp thì Văn Minh đã vội đứng lên đỡ lời:)
- Một sinh viên trường thuốc, bạn con, con quên chưa giới thiệu với ba.
[173, 63]
Phát ngôn của Văn Minh đã vi phạm hai quy tắc hội thoại (quy tắc luân
phiên lượt lời nhằm tôn trọng thể diện người đối thoại và phương châm
chất trong nguyên tắc cộng tác của Grice). Vì sĩ diện mà Văn Minh đã nói
dối, đã “khoác” lên mình kẻ vô học – Xuân Tóc Đỏ, tấm áo choàng lịch
lãm, danh giá – sinh viên trường thuốc. Hơn thế, người bị Văn Minh lừa
dối lại chính là cha đẻ của mình. Mặc dù vậy, phát ngôn của Văn Minh
cũng không biểu thị hàm ý gì trong cuộc hội thoại.
* Vi phạm phương châm quan hệ
(124) Min Đơ, Min Toa: - Mặc kệ! Các ngài có lỗi vấp phải người nhà
nước, làm ngăn trở người nhà nước trong lúc thừa hành chức vụ...
Xuân Tóc Đỏ: - Me sừ Xuân, giáo sư quần vợt, cái hy vọng của Bắc
Kỳ.
[...]
Xuân Tóc Đỏ: - Té ra chúng mình là bạn đồng chí!
Min Đơ, Min Toa: - Phải lắm! Phải lắm! Nhưng cũng có thể cứ phạt
như thường!
Xuân Tóc Đỏ: - Chúng ta cùng làm việc cho tương lai thể thao, nòi
giống vẻ vang. [173, 156 – 157]
Cuộc thoại giữa Xuân Tóc Đỏ và hai thầy cảnh sát Min Đơ và Min Toa
ở (124) đã vi phạm phương châm quan hệ (các nhân vật – đặc biệt là Xuân
Tóc Đỏ – sử dụng những phát ngôn không tương ứng). Lời thoại của các
nhân vật giao tiếp rất xa lạ, hầu như không liên quan gì đến nhau bởi lẽ, tất
cả đều dùng chiến thuật “đánh trống lảng” để theo đuổi mục đích riêng của
mình: hai thầy cảnh sát luôn tâm niệm một điều, làm thế nào để phạt người
104
đã đi “đâm sầm” vào mình để hoàn thành chỉ tiêu đặt ra một cách lớn nhất.
Còn Xuân Tóc Đỏ, những câu trả lời “lạc đề” của hắn đã chứng tỏ hắn cố
tình giới thiệu, quảng cáo về mình, về thể thao... với mục đích lờ đi việc bị
phạt và phải nộp phạt.
* Vi phạm phương châm cách thức
(125) (Chủ tịch Hồ Chí Minh trả lời phỏng vấn của phóng viên A.
Steele, Mỹ)
Phóng viên: - Cụ có thể ước lượng cho biết số lính Pháp và lính ngoại
quốc bị quân đội Việt Minh bắt được không?
Hồ Chí Minh: - Trừ một số lính thuộc địa Pháp tình nguyện giúp chúng
tôi, chúng tôi trả tất cả tù binh sau khi giải thích cho họ hiểu rằng cuộc
chiến tranh thuộc địa là một công việc điên rồ. [166, 102]
Trong bối cảnh chiến tranh, câu trả lời của Chủ tịch Hồ Chí Minh là một
lựa chọn khôn ngoan. Dù vi phạm phương châm cách thức, nhưng nó
không tạo hàm ý mà chỉ là chiến thuật giao tiếp nhằm giữ bí mật và tranh
thủ sự đồng tình, ủng hộ của nhân dân các nước trên thế giới, trong đó có
nhân dân Pháp và thuộc địa. Có thể so sánh với trường hợp khác để thấy rõ
điều này - phóng viên dùng câu hỏi tương tự nhưng về một lĩnh vực khác, ít
nhạy cảm hơn nên được trả lời hiển ngôn:
(126) Phóng viên: - Cụ có thể ước lượng cho biết số vũ khí và quân
trang mà quân đội Việt Minh đã bắt được của Pháp là bao nhiêu không?
Trong số vũ khí đó có bao nhiêu vũ khí Mỹ?
Hồ Chí Minh: - 3/4 số vũ khí quân đội Việt Nam đang dùng là những vũ
khí bắt được của Pháp. Một số lớn vũ khí tối tân là của Mỹ. [166, 96]
b2. Hiện tượng người nói cố tình vi phạm nguyên tắc giao tiếp nhằm tạo
hàm ý nhưng người nghe không thể suy ý hoặc suy ý lệch lạc điều mà
người nói muốn gửi gắm cũng không phải là không phổ biến trong giao
tiếp. Điều suy ý lệch lạc này, theo chúng tôi, không nên coi là hàm ý bởi
như ở chương 1 chúng tôi đã trình bày, nó không nằm trong chủ định của
người nói. Ví dụ:
(127) (Sau khi nhận ra Lực là chồng cũ của Thai – vợ mình. Quảng tìm
đến Lực để nói chuyện. Lực hỏi Quảng tại sao lại nhận ra mình.)

105
Quảng: - Tôi muốn nói…muốn tâm sự với ông rằng, tôi cũng đã từng
trải qua cái hoàn cảnh của một anh chồng bị cắm sừng. Lúc ở tù về, tôi đã
gặp người đàn ông khác ăn ở ngay trong nhà mình.
Lực: - Vì vậy mà ông thường có cái tinh ý… đối với những người đàn
ông khác chăng? [153, 489]
Trong phát ngôn của Quảng, sự vi phạm quy tắc chiếu vật (dùng biểu
thức chiếu vật người chồng bị cắm sừng để chỉ người đàn ông có vợ ngoại
tình) đã tạo cho phát ngôn hàm ý: Tôi (Quảng) rất hiểu, cảm thông với tâm
trạng của anh (Lực). Nhưng người nghe (Lực) đã không “bám” vào biểu
thức chiếu vật này (người chồng bị cắm sừng) để suy ý mà lại dựa vào biểu
thức chiếu vật khác – người đàn ông khác. Nếu trong phát ngôn của
Quảng, biểu thức người đàn ông khác chỉ kẻ đã cắm sừng Quảng, là người
tình của vợ Quảng thì trong phát ngôn của Lực, biểu thức ấy (người đàn
ông khác) lại được Lực suy ý và hiểu là: Quảng nghĩ Lực là một trong
những người đàn ông khác mà Quảng đã gặp ở nhà anh ta. Hàm ý này
không nằm trong chủ định của Quảng (tức không phải điều mà Quảng
muốn gửi gắm) nên khi hiểu được hàm ý ấy trong câu nói của Lực, Quảng
vội vàng đáp: “Ông hiểu hơi sai…Thai không bao giờ như người vợ trước
của tôi, trước sau, Thai vẫn là người vợ đứng đắn, trung thành.”
c) Nhiều trường hợp, người nói không cố tình vi phạm các nguyên tắc
giao tiếp nhưng người nghe lại suy luận từ hoàn cảnh giao tiếp và từ ngôn
ngữ để hiểu theo nghĩa ngầm ẩn vừa suy ý được. Theo chúng tôi, không
nên coi nghĩa ngầm ẩn này là hàm ý bởi nó cũng không phải là điều mà
người nói muốn chuyển đến người nghe. Ví dụ:
(128) (Bà Thư goá chồng. Một mình bà tần tảo nuôi hai con khôn lớn.
Hai cô gái của bà đi lấy chồng, không hay về thăm mẹ. Bà sống trong cô
đơn và nghèo khó nên thường hay gắt gỏng với mọi người. Ai nói gì động
chạm đến bà, dù không có ý gì bà vẫn suy ra đủ điều, nào là người ta chèn
ép bà, khinh bà nghèo,… Chiều nay, bà bê bếp than ra nhóm, khói than bay
mù mịt. Chị Thái nhã nhặn nói:)
A (Chị Thái): - Bác Thư ơi, bác ngừng đun than vài hôm được không?
Mẹ cháu vừa từ Nam ra đang còn mệt. Mùi than này ngập khí các bon, độc
lắm, mẹ cháu không chịu được.

106
B1 (Bà Thư): - Gớm, biết bên nhà có cháu ở Tây, Tàu, Sài Gòn, Sài mú
rồi…!
(Chị Thái lại đề nghị bà Thư chuẩn bị đồ ăn đem sang chị nấu nướng
giúp, vừa nhanh, vừa tiện, bà lại không vất vả thổi, quạt với thái độ chân
thành. Bà Thư ngẩng phắt dậy te tái:)
B2 (Bà Thư): - Chị khinh tôi nghèo ư, định bố thí cho tôi ư, tôi có
nghèo cũng chẳng mảy may vác rá sang nhà chị, chị đừng cậy nhiều tiền
nhiều của. [154]
Có thể thấy, ở (128), cả hai phát ngôn của (A) đều không có hàm ý
nhưng người nghe (B) đã suy ra hàm ý hoàn toàn khác với nội dung hiển
ngôn.
3.3. Thử đề xuất một danh sách các phương thức biểu thị hàm ý
Trong đề tài này, chúng tôi chỉ xem xét, đánh giá một số phương thức
biểu thị hàm ý ngữ dụng – loại hàm ý luôn gắn với hoàn cảnh giao tiếp.
Như đã biết, các phương châm thuộc nguyên tắc cộng tác của H. P.
Grice và lý thuyết quan yếu của D. Sperber và D. Wilson là các “công
thức” khái quát giúp người học, nghiên cứu giải thích được vô số những
biểu hiện cụ thể của phát ngôn có hàm ý. Bàn về nguyên tắc cộng tác của
H.P. Grice, một số tác giả cho rằng trong bốn phương châm của Grice
(lượng, chất, quan yếu và cách thức) thì phương châm quan yếu là quan
trọng nhất, và thực chất chỉ có phương châm này mà thôi. Cơ sở để các nhà
nghiên cứu lý giải điều này là : Tại sao lại phải nói đầy đủ ? Nếu không suy
được hàm ý thì việc nói không đầy đủ này trở nên khó hiểu, tức không có
lý do. Như vậy, phương châm lượng có thể được giải thích bằng phương
châm quan yếu. Tương tự, có thể đặt câu hỏi : “Tại sao lại nói ngớ ngẩn
thế ?”, “Tại sao lại nói không rõ ràng thế ?”… Và như vậy, các phương
châm chất và cách thức cũng được giải thích theo phương châm quan yếu.
Với lý thuyết quan yếu, Wilson và Sperber cũng đã chứng minh rằng
“tất cả phương châm hội thoại của Grice đều có thể quy về nguyên tắc quan
yếu” [9, 254].
Trong đề tài này, chúng tôi không có tham vọng tìm hiểu, chứng minh
cho quan điểm của các tác giả mà chỉ vận dụng những hiểu biết về phương
châm hội thoại của Grice, lý thuyết quan yếu của Sperber và Wilson để đưa

107
ra và lý giải về một số phương thức biểu thị hàm ý trong tiếng Việt. Kết
quả nghiên cứu sẽ góp phần lý giải 2 vấn đề :
- Có thể vận dụng kiến thức ngôn ngữ học, đặc biệt là tín hiệu học, vào
việc cụ thể hóa ý tưởng của Grice cũng như Wilson và Sperber được
không?
- Tính “phổ quát” của hai nguyên tắc trên (nguyên tắc cộng tác và
nguyên tắc quan yếu) đối với tiếng Việt trong môi trường văn hoá Việt như
thế nào?
3.3.1. Sử dụng các phương tiện ngôn ngữ đặc thù
3.3.1.1. Sử dụng từ ngữ đặc thù
Từ nguồn tư liệu khảo sát được, chúng tôi thấy tiếng Việt thường sử
dụng từ ngữ theo những cách sau để tạo hàm ý hội thoại:
a) Sử dụng từ ngữ không phù hợp với nghĩa thông thường (vốn có)
(129) Vì lẽ cũng như các ông Vua Thuốc Lậu biết tự trọng khác, nghĩa
là không bao giờ chữa cho các bệnh nhân khỏi như lời cam đoan, ông mới
2 năm đã trở nên đại phú. [173, 88]
Một trong những nét nghĩa cơ bản nhất, thông thường nhất của từ tự
trọng là “coi trọng và giữ gìn phẩm cách của mình”. Nhưng trong hoàn
cảnh này, nhà văn Vũ Trọng Phụng đã đưa ra một cách hiểu khác về tự
trọng: “nghĩa là không bao giờ chữa cho các bệnh nhân khỏi bệnh như lời
cam đoan”. Theo cách hiểu này, từ tự trọng mang nghĩa tương đương với
vô sỉ, và khi kết hợp với hoàn cảnh, nó đã tạo hàm ý mỉa mai của tác giả.
Có thể hiểu rõ hơn về phương thức này qua ví dụ (38)
b. Sử dụng đại từ xưng hô không phù hợp với mối quan hệ trong thực tế
giao tiếp
Việc nhân vật giao tiếp sử dụng/chuyển đổi cách xưng hô không phù
hợp với mối quan hệ trong giao tiếp cũng là cách thức để tạo hàm ý. Hàm ý
do phương thức này tạo nên có thể là:
b1. Hàm ý về thái độ của người phát ngôn
(130) (Tên cai lệ – người nhà lý trưởng đến trói và bắt anh Dậu. Chị
Dậu đã thể hiện thái độ của mình qua cách xưng hô với cai lệ:)
A1:- Cháu van ông, nhà cháu vừa mới tỉnh được một lúc, ông tha cho…
(Hình như tức quá không thể chịu được, chị Dậu liều mạng cự lại:)
A2: - Chồng tôi đau ốm, ông không được phép hành hạ
108
(Cai lệ tát vào mặt chị một cái bốp, rồi hắn nhảy vào cạnh anh Dậu. Chị
Dậu nghiến hai hàm răng:)
A3: - Mày đánh chồng bà đi, bà cho mày xem! [176, 108]
Phát ngôn của chị Dậu có sự biến đổi về ngôi giao tiếp. Ở phát ngôn
(A1), chị xưng cháu, gọi cai lệ bằng ông (TGĐ chị ở vị thế thấp); chị coi
cai lệ là bề trên còn mình chỉ dân đen, yếu thế. Lúc này, cai lệ đang nắm
trong tay quyền sinh, quyền sát đối với chồng chị. Chị xưng hô như vậy
nhằm tác động vào tâm lý, cầu xin sự ban ơn cho chồng. Nhưng trước hành
động của tên cai lệ, chị đã nâng vị thế của mình lên ngang hàng với hắn
(chị dùng cặp từ xưng hô tôi - ông). Khi mâu thuẫn lên đến đỉnh điểm, chị
Dậu đã xưng bà, gọi mày (chị nâng vị thế của mình lên thành bề trên của
cai lệ) khiến từ bà không còn mang nét nghĩa tình thái vốn có (gần gũi,
thân mật) mà mang nét nghĩa tình thái mới – thái độ thách thức của người
nói đối với người nghe. Đó cũng chính là hàm ý mà từ bà mang lại cho
phát ngôn chứa nó trong hoàn cảnh cụ thể này.
b2. Hàm ý về khoảng cách mối quan hệ giữa những người tham gia giao
tiếp
(131) (Khát vọng có cháu đích tôn để nối dõi tông đường đã khiến bà An
có đủ can đảm bước qua lòng tự trọng để tìm đến Mai – cô gái bị bà chối bỏ,
ruồng rẫy cách đây 6 năm – với mong muốn đón cháu nội của bà (con trai
của Mai) về nhà. Mục đích này đã được bà “triển khai” bằng “chiến lược”
giao tiếp “làm mềm lòng đối phương” qua cách xưng hô tôi - mợ với hàm ý
thân mật, gần gũi. Đáp lại, Mai cũng hết sức nhã nhặn – ngay cả trong cách
xưng hô:)
- Bẩm cụ, bao giờ con quên được cụ… Con chỉ hơi lấy làm lạ một tí
thôi… [158, 255]
- Chả mấy khi cụ lên chơi, thế nào cũng xin cụ chiếu cố xơi với chị em
cháu một bữa cơm xoàng.
- Hay cụ chê nhà chúng cháu nghèo. Cụ khinh chúng cháu là con nhà
hà tiện. [158, 256]
- Bẩm cụ, chuyện gì thế? Cụ làm con lo quá! [158, 257]
Hơn ai hết, Mai thấm thía một điều: nỗi đắng cay, tủi nhục mà cô phải
trải qua trong 6 năm trời và cả quãng đời sau này của cô đều do bà Án gây
ra. Bởi thế, cách xưng hô tôi - mợ mà bà Án dùng nhằm mục đích gì cũng
109
không phải là điều khó “giải mã” đối với cô. Có lẽ vì thế, Mai đã chọn cách
xưng hô cũng hết sức mềm mỏng, lịch sự không kém bà Án: cụ - con, cụ -
cháu. Và chỉ có người trong cuộc – Mai và bà Án – mới hiểu được rằng:
trong hoàn cảnh này, các cặp từ xưng hô ấy đã không còn mang nghĩa gốc
(tức không chỉ những người có quan hệ huyết thống hoặc để gọi/xưng với ý
tôn kính người già mà đã chuyển thành nghĩa trung hòa hoặc từ mang nét
nghĩa tiêu cực). Nghĩa chuyển này kết hợp với hoàn cảnh giao tiếp (mối
quan hệ giữa bà Án và Mai trong quá khứ; mục đích “đen tối” của bà Án
hiện tại…) đã hình thành nên hàm ý về khoảng cách giữa bà Án và Mai bị
kéo ra xa (chẳng hạn, gửi tới bà Án cái thông điệp: tôi với bà không thể trở
thành người trong một gia đình). Hiểu được thông điệp hàm ẩn này của
Mai nên bà án đã xác định: “bên địch đã khai thế công” và “khiêu chiến”
mà mình thì “chưa sẵn sàng tiếp ứng”.
Cũng có khi việc dùng đại từ xưng hô không phù hợp với mối quan hệ
trong thực tế sẽ tạo hàm ý về khoảng cách giữa các nhân vật được kéo lại
gần nhau hơn.
(132) (Bà đã già và muốn đi chùa Hương một lần cuối cùng. Đi với bà
còn có cô cháu gái mới 16 tuổi nhưng rất đẹp, người bó gọn trong bộ quần
áo Jean để lộ những đường cong khêu gợi,… Hai bà cháu lên xe ngựa ở
Vân Đình. Cùng chuyến xe có một người đàn ông trạc 40 tuổi. Cô cháu gái
bắt chuyện với người đàn ông:)
A: - Này chú, sao chú không đi ô tô mà lại đi xe ngựa?
B (mỉm cười, hai khoé mép hơi trễ xuống vẻ ăn chơi, từng trải): - Là vì
em đó, thấy em lên xe ngựa là anh lên theo. [171, 448]
Hiểu được hàm ý trong phát ngôn của người đàn ông, cô cháu gái cười
khanh khách: “Cái chú này thật ỡm ờ. Chú bao nhiêu tuổi mà dám gọi em
xưng anh…”
c. Sử dụng cách kết hợp từ trái với kết hợp thông thường
Mối quan hệ ngữ nghĩa giữa các từ sẽ quy định cách kết hợp từ để tạo
thành phát ngôn (câu) và ngược lại, cách kết hợp từ sẽ chi phối ngữ nghĩa
của các từ. Vận dụng điều này, trong giao tiếp, không ít trường hợp người
nói cố tình sử dụng cách kết hợp từ trái với cách kết hợp thông thường để
gửi gắm hàm ý.
(133) (Tít của một bài báo): Paris và những phát ngôn thiếu i-ốt. [188]
110
(134) (Tít của một bài báo): 10 lớn hơn 13 (Dẫn theo [15])
Ở ví dụ (133), giữa phát ngôn và thiếu i-ốt không có liên quan gì với
nhau. Nhưng tại sao tác giả lại tạo nên sự kết hợp bất thường, thậm chí vô
lý như vậy? Để (133) quan yếu với hoàn cảnh giao tiếp, chúng ta phải suy
ý. Dựa vào tiền giả định về i-ốt và thiếu i-ốt, chúng ta thấy: con người cần
một lượng i-ốt nhất định; nếu thiếu i-ốt thì người ta sẽ đần độn, ngu dốt.
Như vậy, sự kết hợp bất thường này đã tạo cho (133) hàm ý: Paris Hilton
đã có những phát ngôn ngu dốt.
Cũng như vậy ở (134), sự bất thường đến mức ngược đời của cái tít báo
10 lớn hơn 13 sẽ gây sự chú ý của người đọc, lôi cuốn người đọc tìm ra sự
hợp lý sau cái vẻ ngược đời ấy. Đặt tít báo này trong hoàn cảnh giao tiếp
(nội dung bài báo), người đọc mới lý giải được sự quan yếu của nó. Bài báo
nói về việc Nguyễn Thị Thanh An đoạt danh hiệu vô địch cờ vua khu vực
3.2a châu Á (giải cờ vua gồm 13 nước tham gia, trong đó có 10 nước Đông
Nam Á) nhưng không được khen thưởng về thành tích này. Bởi lẽ, trong
quy chế khen thưởng chỉ có quy định khen thưởng cho khu vực Đông Nam
Á, Châu Á và thế giới mà không có quy định khen thưởng cho khu vực
3.2a Châu Á. Xét về phạm vi (quy mô của giải) thì giải khu vực 3.2a Châu
Á sẽ rộng (lớn) hơn giải khu vực Đông Nam Á. Điều này đồng nghĩa với
việc thi đấu ở khu vực càng rộng thì đẳng cấp càng cao và càng cần được
khen thưởng. Tuy nhiên, do trong quy chế không có quy định cho giải
thưởng này mà lãnh đạo ngành thể dục, thể thao đã để tồn tại một việc vô
lý. Hoàn cảnh này đã góp phần lý giải sự bất hợp lý trong cách kết hợp
ngôn ngữ 10 lớn hơn 13 bằng hàm ý phê phán cách làm việc rập khuôn,
máy móc trong công tác khen thưởng của ngành thể thao.
Tương tự như vậy, khi tác giả Vũ Trọng Phụng “đặt” vào nhân vật của
mình phát ngôn sau:
(135) Thật là một lang băm có danh vọng. [173, 61]
Lang băm là từ để chỉ những ông thầy thuốc có tay nghề kém, chữa
bệnh một cách bậy bạ để kiếm tiền. Đã là lang băm thì làm gì có danh
vọng. Nói cách khác, từ lang băm không thể kết hợp với từ danh vọng. Vậy
mà trong hoàn cảnh này, Văn Minh lại khen “thật là một lang băm có danh
vọng”. Rõ ràng, thái độ mỉa mai, châm biếm đã được tác giả gửi gắm qua
phát ngôn có sự kết hợp bất thường này.
111
d. Sử dụng liên từ và tình thái từ
Trong thực thế giao tiếp, không ít trường hợp, người phát ngôn dựa vào
hoàn cảnh giao tiếp, sử dụng liên từ để tạo hàm ý hội thoại. Ví dụ:
(136) Tạp chí này mà in mỗi 5 vạn bản.
(137) A: - Kỳ vừa rồi K được nhận học bổng sinh viên nghèo vượt khó
đấy.
B: - Cái gì? Nhà cậu ta có những 2 mảnh đất ở ngay trung tâm thành
phố cơ đấy!
Liên từ mà biểu thị mối quan hệ tương phản và các hư từ những , mỗi đã
cùng với hoàn cảnh giao tiếp tạo nên hàm ý cho các phát ngôn. Chẳng hạn,
ở (136) là hàm ý: Tạp chí có chất lượng tốt / Có giá trị sử dụng cao/ Sẽ
không đủ để phát hành / Sẽ bị lỗ vốn (do in quá ít)…; ở (137), từ những
mang nghĩa gốc (chỉ số nhiều) nhưng trong trường hợp cụ thể này đã cùng
với hoàn cảnh giao tiếp tạo cho phát ngôn hàm ý: Nhà K không nghèo / K
là người không trung thực.
3.3.1.2. Sử dụng một số kiểu cấu trúc câu (kiểu phát ngôn) đặc thù
Sử dụng một số kiểu cấu trúc câu (phát ngôn) đặc thù, người nói không
chỉ tạo được hàm ý cho phát ngôn mà còn tạo nên các “chỉ dẫn” cho người
nghe suy ý, xác định hàm ý của phát ngôn.
Ngoài kiểu cấu trúc so sánh và các kiểu cấu trúc câu đặc thù (cấu trúc
nhân quả, cấu trúc X không A đâu mà B, cấu trúc X còn V huống gì Y, X
còn V nữa là…) như đã trình bày ở 2.6.1.2, trong giao tiếp, người Việt còn
sử dụng một số kiểu cấu trúc câu (phát ngôn) khác để biểu thị hàm ý trong
một số hoàn cảnh giao tiếp nhất định. Chẳng hạn:
- Cấu trúc không ngờ A lại V
Cấu trúc không ngờ A lại V có chứa tiền giả định: những điều đã diễn ra
là những điều hoàn toàn trái ngược với hoặc chưa nằm trong ý nghĩ hoặc
mong muốn của người phát ngôn. Người Việt đã sử dụng tiền giả định của
kiểu cấu trúc này trong những hoàn cảnh giao tiếp cụ thể nhằm tạo ra hàm
ý về thái độ (thái độ thán phục, thất vọng hay sự cảm thông, chia sẻ với
người nghe, tiếc nuối về những gì đã xảy ra). Ví dụ:
(138) Không ngờ chị lại đối xử với tôi như thế!
(139) Không ngờ anh ta lại làm việc đó!
- Cấu trúc muốn A thì phải V
112
Cấu trúc muốn A thì phải V có tiền giả định: V là điều kiện cần và đủ để
A xảy ra (tức là có V thì có A). Từ tiền giả định này, có thể suy ra hàm ý
quy ước của phát ngôn có cấu trúc muốn A thì phải V là để đề cao vai trò
của V. Tuy nhiên, trong những hoàn cảnh giao tiếp nhất định, hàm ý của
cấu trúc này cũng có thể thay đổi. So sánh:
(140) a. (Thấy A dắt con đến trường với vẻ mặt giận dữ. B hỏi:
B1: - Có chuyện gì đấy hả chị?
A: - Tôi phải báo cho thầy hiệu trưởng mới được. Ai đời cô giáo trông
trẻ, dạy dỗ kiểu gì mà để mặt mũi bé Bi trầy xước thế này).
B2: - Chẳng qua là không may thôi chị ạ. Không cô giáo nào muốn học
sinh của mình bị thế đâu. Chị đừng làm to chuyện lên thế. Muốn con hay
chữ phải yêu lấy thầy chị ạ.
Chỉ cần B2 thay đổi thì phát ngôn sẽ mang một hàm ý khác:
b. B2: - Rõ khổ! Thế từ khi bé Bi đi lớp, chị đã đến nhà riêng thăm cô
giáo lần nào chưa? Muốn con hay chữ phải yêu lấy thầy chị ạ.
Ở (140a), cấu trúc muốn A thì phải V trong phát ngôn của B2 có hàm ý:
Chị nên tôn trọng cô giáo. Nhưng ở (140b), các yếu tố mang tính “chỉ dẫn”
trong phát ngôn của B2 trở thành một “hoàn cảnh” tồn tại mới của cấu trúc
muốn A thì phải V, tác động và làm thay đổi hàm ý của cấu trúc này. Rõ
ràng, người nghe (A) không thể tiếp nhận từ (B2) hàm ý cần phải “tôn sư
trọng đạo” như ở (140a) nữa mà thay vào đó là một thái độ, một sự đánh
giá mạng tính chất “đổ thêm dầu vào lửa”: Cô giáo của bé Bi là người
không tận tâm với trẻ.
- Cấu trúc không có X thì đố dám Y (tương đương với không X thì không
Y)
Kiểu cấu trúc này chứa tiền giả định: X là điều kiện cần để có Y, nếu có
Y hẳn có X. Phát ngôn có kiểu cấu trúc này có hàm ý quy ước là khẳng
định/đề cao vai trò của X. Chẳng hạn:
(141) Không thầy đố mày làm nên.
luôn có hàm ý quy ước khẳng định/đề cao vai trò người thầy. Tuy nhiên,
ở những hoàn cảnh giao tiếp khác nhau, phát ngôn trên lại có những hàm ý
khác nhau (một lời khuyên phải sống “trước sau như một” / Lời khen về
một người thầy cụ thể, khen người nghe thật may mắn khi được học với

113
một người thầy như thế / Lời trách móc/nhắc nhở người nghe phải sống sao
cho phải đạo với thầy…).
3.3.2. Vi phạm phương châm hội thoại, quy tắc quan yếu
Cả H. P. Grice, D. Sperber và D. Wilson đều thống nhất rằng để tìm ra
hàm ý, người nghe cần phải trải qua giai đoạn (sử dụng thao tác) suy ý.
Theo Grice, chỉ khi nào các phương châm hội thoại bị vi phạm (bị coi
thường) thì người nghe mới cần suy ý để tìm ra hàm ý. Nhưng Wilson và
Sperber lại cho rằng khi tiếp nhận các phát ngôn – kể cả các phát ngôn tuân
thủ các phương châm hội thoại một cách nghiêm ngặt nhất – người nghe
đều phải trải qua giai đoạn suy ý. Sự khác nhau này bắt nguồn từ cách hiểu
về “quan yếu” của mỗi tác giả. Grice cho rằng quan yếu là “tính chất của
phát ngôn, xét trong quan hệ với các phát ngôn khác, chủ yếu là tiền ngôn
trong ngôn cảnh với hướng và đích của cuộc thoại. Không đối chiếu phát
ngôn đang xem xét với tiền ngôn thì không thể kết luận rằng nó có quan
yếu hay không” [9, 243 - 344]. Khác với Grice, Wilson và Sperber coi quan
yếu là “tính chất của bản thân một thông tin đối với tri nhận của người
tham gia hội thoại. Nó là tính tự có của phát ngôn” [9, 244] và “một phát
ngôn chỉ quan yếu khi nó có hiệu lực nào đó với ngữ cảnh” [9, 247]. Như
vậy, theo Grice, khi muốn biểu thị hàm ý nào đó, trong quá trình tạo lập
phát ngôn, người nói cần phải dựa vào hoàn cảnh giao tiếp để “cố tình vi
phạm” (coi thường) ít nhất là một trong bốn phương châm hội thoại (lượng,
chất, quan hệ, cách thức). Còn theo Wilson và Sperber, “người nói làm hết
sức mình để làm cho phát ngôn càng quan yếu càng tốt” (Dẫn theo [9,
249]). Để phát ngôn đạt tính quan yếu tối ưu, người nói cần tuân thủ quy
tắc “một phát ngôn chứa lượng tin càng thấp thì càng quan yếu” (Dẫn theo
[9, 252]).
Theo Jenny Thomas (1995), trong những tình huống mà Grice chú ý
phân tích, người nói cố ý quên, không tuân thủ phương châm hội thoại
không phải chủ định lừa dối hoặc khiến người nghe hiểu sai lệch ý mà là
muốn gợi cho người nghe tìm một ý khác ngoài (hoặc thêm vào) ý trong lời
nói. Ông gọi ý bổ sung ấy là “hàm ngôn hội thoại” (conversational
implicature) và gọi quá trình hình thành hàm ngôn đó là “coi thường
phương châm” (flouting a maxim) [144, 65]. Liên quan đến quá trình hình
thành hàm ngôn, Grice chủ trương phân biệt các hình thức không tuân thủ
114
phương châm hội thoại: coi thường phương châm (flouting a maxim), vi
phạm phương châm (violating a maxim), lựa chọn không tuân thủ phương
châm (opting out of a maxim) và xâm phạm phương châm (inpringing a
maxim). Sau này, nhiều tác giả đã cho rằng cần phải thêm hình thức thứ 5 –
tạm hoãn tuân thủ phương châm (suspending a maxim)). Trong các hình
thức trên, “coi thường phương châm” là cách thức thể hiện rõ nhất mục
đích tạo hàm ý ở người nói; “vi phạm phương châm” là sự không tuân thủ
phương châm một cách kín đáo khiến người nghe hiểu lời nói theo một
cách khác (tức tạo hàm ngôn với mục đích lừa dối) [144, 72]; “xâm phạm
phương châm” là sự không tuân thủ phương châm mà không có ý định tạo
hàm ngôn hay không có ý lừa dối. Nói cách khác, sự không tuân thủ này có
nguyên do từ sự không hoàn chỉnh trong diễn đạt ngôn từ (có thể do khả
năng ngôn ngữ chưa hoàn chỉnh của người nói, chẳng hạn, ở trẻ em hoặc ở
người học ngoại ngữ; do khả năng diễn đạt bị ảnh hưởng theo một cách nào
đó, chẳng hạn, do căng thẳng, say xỉn hoặc quá hào hứng,…; do hạn chế về
năng lực, về nhận thức,…); “lựa chọn không tuân thủ phương châm” là
cách biểu thị sự miễn cưỡng hợp tác về mặt phương châm được yêu cầu
trong hội thoại, thường xuất hiện khi người nói không thể đáp lời theo cách
thông thường (có thể vì lý do liên quan đến đạo đức hay luật pháp), khi
người nói muốn tránh tạo một hàm ngôn sai sự thật hoặc tỏ ra thiếu hợp tác
(chẳng hạn, khi nhà báo từ chối tiết lộ thông tin từ một nguồn giấu tên, một
sĩ quan cảnh sát từ chối tiết lộ tên của một nạn nhân ngoại trừ thông báo
cho người nhà nạn nhân…); “tạm hoãn tuân thủ phương châm” là tình
huống không cần chọn phương châm không tuân thủ khi có những sự việc
xảy ra mà cả hai phía tham gia hội thoại đều không mong đợi sẽ hoàn thành
trọn vẹn đoạn hội thoại. Việc hoãn thực hiện phương châm có thể là do đặc
trưng văn hoá hoặc được thực hiện trong những trường hợp cụ thể nhất
định (chẳng hạn, trong các phiên toà, trong cuộc thẩm vấn, trong các bài
điếu văn, cáo phó,…) [144, 72 – 79]. Có thể nói, sự phân biệt trên của
Grice là một trong những minh chứng cho quan niệm “có nhiều trường hợp
người nói quên tuân thủ phương châm mặc dù họ chẳng có ý tạo hàm ngôn
gì cả” [144, 72].
Trong đề tài này, như đã đề cập ở chương 1, chúng tôi thống nhất quan
điểm của Grice, chỉ coi cách thức “coi thường phương châm” và “vi phạm
115
phương châm” là phương thức biểu thị hàm ý và gọi chung là phương thức
“cố tình vi phạm phương châm”.
Vấn đề đặt ra là: Tiếng Việt đã vận dụng phương châm hội thoại của
Grice và lý thuyết quan yếu của Sperber và Wilson vào việc tạo lập phát
ngôn nhằm biểu thị hàm ý như thế nào?
3.3.2.1. Cố tình vi phạm phương châm lượng – quan yếu về ngữ dụng
Theo phương thức này, trong quá trình tạo lập phát ngôn, người nói cố
tình vi phạm phương châm lượng (cung cấp lượng tin thừa, thiếu hoặc
thông tin không mới,…) nhằm tạo ra những hệ quả đối với hành động, cách
xử sự, thậm chí, cả suy nghĩ của người tham gia giao tiếp (người nghe).
Tiếng Việt thường tạo hàm ý theo phương thức này bằng những cách
sau:
a) Cung cấp lượng tin ít hơn mức cần thiết
(142) A: - Thưa cụ, đây có đúng là mật ong nguyên chất không ạ?
B (đưa tay vạch một đường ngay cổ chai):
- Đúng vớ, từ đây trở lên đúng là mật ong nguyên chất.
(Dẫn theo [26])
Câu trả lời cung cấp lượng tin ít hơn mức cần thiết nhưng vẫn là của
người thực thà. Nó gián tiếp xác nhận chỉ có một phần rất ít mật ong, từ cổ
chai trở lên là nguyên chất thôi.
Tiếng Việt thường “cung cấp lượng tin ít hơn mức cần thiết” theo những
cách sau:
a1) Tạo khung thời gian để hạn định nội dung mệnh đề
Theo phương thức này, người nói tạo phát ngôn bằng cách đưa thông tin
vào trong một khung thời gian cụ thể để người nghe có căn cứ suy ra hàm
ý.
Một số nhà nghiên cứu gọi phương thức này là phương thức tạo hàm ý
phủ định hiệu lực của nhận định bên ngoài giới hạn thời gian. Theo đó, “dù
người nói cố ý hay không, việc giới hạn một nhận định trong một thời gian,
một không gian hay một hoàn cảnh nhất định hầu như bao giờ cũng chứa
đựng hàm ý phủ định hiệu lực của nhận định đó bên ngoài phạm vi của giới
hạn ấy” [26, 153]. Vấn đề đặt ra là: Có phải bất kì phát ngôn nào được tạo
lập theo phương thức này (hạn định nội dung mệnh đề trong một khung
thời gian cụ thể) đều có hàm ý phủ định hiệu lực của nội dung mệnh đề
116
không? Để tạo được loại hàm ý này, ngoài phương thức tạo lập phát ngôn,
người phát ngôn còn phải quan tâm tới những yếu tố nào khác nữa? Xét
một số ví dụ:
(143) a. (Vợ chết, để lại cho B đàn con dại. B phải làm việc vất vả đề
kiếm tiền nuôi con. Sức khoẻ của B ngày càng giảm sút. Mỗi lần gặp B,
mọi người nhìn nhau ái ngại:)
- Trước kia ông ấy khỏe lắm.
b. (Con cái đã trưởng thành nhưng B vẫn quyết tâm ly dị vợ để “làm lại
cuộc đời” với một phụ nữ khác, bất chấp sự phản đối của mọi người. Cuộc
sống mới khó khăn và vất vả hơn nên sức khoẻ của B giảm sút rõ rệt. Gặp
B, mọi người nhìn nhau ái ngại:)
- Trước kia ông ấy khỏe lắm.
(144) (Viên phó thuyền trưởng của một chiếc tàu viễn dương nọ có thói
nát rượu. Một hôm, thuyền trưởng ghi vào nhật kí của tàu: “Hôm nay phó
thuyền trưởng lại say rượu”. Hôm sau, đến phiên trực của mình, viên phó
thuyền trưởng đọc thấy câu này trong nhật kí của tàu, giận lắm, liền viết
vào trang tiếp theo:)
- Hôm nay thuyền trưởng không say rượu.
Theo chúng tôi, sự tồn tại các ý nghĩa ngầm ẩn mang tính phủ định hiệu
lực của nội dung mệnh đề của các phát ngôn trên là không thể phủ nhận.
Nhưng không phải tất cả các ý nghĩa ngầm ẩn này đều là hàm ý. Cụ thể:
Cùng một phát ngôn “Trước kia ông ấy khoẻ lắm” nhưng khi tồn tại
trong hoàn cảnh (143a), nó có hàm ý tình thái (sự cảm thông, xót xa của
người phát ngôn đối với B); khi tồn tại trong hoàn cảnh (143b), hàm ý của
phát ngôn này lại hoàn toàn khác – một chút xót xa xen lẫn sự trách móc
của người nói đối với B: tự ông chuốc lấy sự vất vả cho mình.
Khi đọc dòng nhật ký của viên phó thuyền trưởng ở (144) hầu như tất cả
mọi người đều suy ý rằng: “Những hôm khác thuyền trưởng đều say rượu”
– dù là trong thực tế, thuyền trưởng không uống rượu bao giờ. Tất nhiên,
phải đặt trong hoàn cảnh giao tiếp cụ thể (ở ví dụ 144), nội dung ngầm ẩn
“những ngày khác thuyền trưởng đều say rượu” mới được coi là hàm ý.
Trong hoàn cảnh này, phó thuyền trưởng vừa “xỏ xiên” thuyền trưởng vừa
có thể phủ nhận trách nhiệm về sự “xỏ xiên” đó: tôi phản ánh đúng sự thật

117
– “hôm nay anh không say rượu; còn tôi không có ý định cho rằng những
ngày khác anh đều say rượu”.
Hàm ý xỏ xiên trong dòng nhật ký của viên phó thuyền trưởng không
chỉ được hình thành từ hoàn cảnh ra đời của dòng nhật ký mà hơn thế, nó
còn phụ thuộc vào một yếu tố quan trọng: kiểu cấu trúc của dòng nhật ký.
Thoạt nghe, mọi người đều có chung nhận định rằng kiểu cấu trúc của
dòng nhật ký hàng hải này giống kiểu cấu trúc của các phát ngôn (143) –
kiểu cấu trúc “khung thời gian cụ thể + nội dung mệnh đề”. Điểm giống
nhau nổi bật giữa các phát ngôn này là sự hạn định của khung thời gian đã
khiến chúng thiếu thông tin (dấu hiệu của sự coi thường/cố tình vi phạm
phương châm lượng). Như vậy, xét về nguyên tắc giao tiếp, dòng nhật ký
của viên phó thuyền trưởng, lời bình luận của mọi người đều đã vi phạm
nguyên tắc “nói hết sự thật”. Lẽ ra, mọi người phải nói “Trước đây ông ấy
khoẻ lắm. Vậy mà bây giờ trông ông ấy thật đáng thương”; và viên phó
thuyền trưởng cũng phải nói “Hôm nay, cũng như mọi hôm, thuyền trưởng
không say rượu”. Nhưng nếu viết như thế, các phát ngôn trên sẽ không có
giá trị thông tin mới – thậm chí là phi lý (đối với nhật ký hàng hải ở ví dụ
144). Mặc dù vậy (thiếu lượng tin), các phát ngôn trên vẫn quan yếu bởi
các thông điệp ngầm ẩn mà chúng chuyển tải tới người nghe đã tỏ ra có
hiệu lực thực sự đối với hoàn cảnh giao tiếp (chúng giúp người nghe lý giải
và giải quyết được các vấn đề tưởng chừng như không đơn giản: Tại sao lại
nói thế? Nói thế nhằm mục đích gì?,...)
Từ những phân tích trên, có thể thấy: Việc đưa nội dung mệnh đề vào
trong một khung thời gian nhất định thực sự là một phương thức hữu hiệu
đề biểu thị hàm ý. Tuy nhiên, đây không phải là phương thức “đặc thù” để
biểu thị loại hàm ý “phủ định hiệu lực của nội dung mệnh đề hiển ngôn bên
ngoài phạm vi khung thời gian hạn định”. Để tạo hàm ý này, ngoài yếu tố
hoàn cảnh, khi tạo lập phát ngôn, người nói cần đặt trong khung thời gian
những nội dung mệnh đề không đầy đủ thông tin (tức không nói đầy đủ sự
thật/cung cấp thiếu lượng tin)
a2. Tạo phát ngôn điều chỉnh nội dung mệnh đề
Theo phương thức này, người nói tạo phát ngôn bằng cách dựa vào nội
dung mệnh đề của phát ngôn mà mình vừa nhận được (phát ngôn trao) để

118
điều chỉnh (theo chiều hướng giảm) lượng tin sao cho phù hợp với mục
đích giao tiếp của mình. Ví dụ:
(145) A: - Em nghe nói em Khánh Linh nhà cô vừa xinh, vừa ngoan và
lại học giỏi.
B: - Tôi có con gái tên là Khánh Linh
Ở (145), B đã dựa vào phát ngôn trao của A để điều chỉnh lượng tin
(theo chiều hướng giảm) trong phát ngôn của mình nhằm gửi tới A thông
điệp: Con gái tôi không có ngoại hình và những đức tính như em biết. Như
vậy, sự điều chỉnh nội dung mệnh đề khiến phát ngôn đáp thiếu hoặc thừa
thông tin. Sự cố tình cung cấp thiếu hoặc thừa thông tin đã tạo hàm ý cho
phát ngôn của B và chính các hàm ý đã khiến cho các phát ngôn của B trở
nên có hiệu lực với hoàn cảnh (tức quan yếu).
a3. Tạo phát ngôn so sánh có kiểu cấu trúc trùng ngôn
Bản chất của phương thức này là so sánh một đối tượng với chính nó.
Bởi vậy, lượng tin (xét theo nghĩa tường minh) trong các phát ngôn này
thường ít hơn mức cần thiết. Hơn nữa, sự so sánh “luẩn quẩn” (so sánh với
chính nó) hẳn có lý do. Tính “có lý do” sẽ giải thích cho sự quan yếu của
phát ngôn được tạo bởi cách thức này.
(146) Ông đã sang Pháp học sáu, bảy năm và sau khi về nước thì đâm
ra ghét văn bằng như những du học sinh về nước mà không có một mảnh
bằng nào cả. [173, 14]
Người đọc (nghe) chỉ có thể lý giải cho sự “luẩn quẩn” của lối so sánh
trong các phát ngôn trên khi căn cứ vào vị từ tình thái hàm thực đâm ra để
hiểu được TGĐ: Văn Minh từng là một du học sinh ở Pháp sáu, bảy năm
nhưng khi về nước không có một mảnh bằng và vẫn tỏ ra huênh hoang về
học thức của mình.
Như vậy, khắc họa chân dung nhân vật bằng cách so sánh với bản chất
của chính nhân vật, Vũ Trọng Phụng đã khéo léo vạch trần sự giả dối của
những người được coi là giới “thượng lưu trí thức” trong xã hội thời bấy
giờ. Đó chính là hàm ý (của nhà văn) được gửi gắm qua các phát ngôn
nghe có vẻ “luẩn quẩn” và cũng chính là yếu tố khiến các phát ngôn “luẩn
quẩn” trở nên quan yếu.
a4. Sử dụng phát ngôn có kiểu cấu trúc trùng ngôn.
(147) (Nhưng) chị là đàn bà cơ mà!
119
Tùy theo hoàn cảnh, phát ngôn này có thế có hàm ý nhắc nhở, trách
móc hay khích lệ.
b) Tạo phát ngôn có chứa (/cung cấp) lượng tin nhiều hơn mức cần thiết
(148) A: - Con đã làm xong bài tập Toán và Tiếng Việt chưa?
B: - Cả bài tập tiếng Anh rồi ạ.
Ở (148), B đã điều chỉnh lượng tin (theo chiều hướng tăng) nhằm mục
đích gửi thông tin tới A: con đã làm xong bài tập Toán và Tiếng Việt.
(149) A : - Bác có thấy con lợn cưới của tôi chạy qua đây không ?
B: - Từ khi mặc chiếc áo mới đứng đây đến giờ, tôi chả thấy con
lợn nào cả.
[147, 39]
So với yêu cầu tìm con lợn và cho biết không thấy con lợn nào chạy
qua, cả người hỏi A lẫn người trả lời B đều cung cấp thừa thông tin. Sự cố
tình vi phạm phương châm về lượng ở đây cho thấy hai anh chàng đều
thích khoe của và đó là điều làm nên tính hài của câu chuyện.
(150) (Bà khách nghĩ ngợi một lúc lâu, đoạn dè dặt nói:
- Tôi muốn... may một bộ quần áo kiểu mới.
Bà Văn Minh liến thoắng:)
- Vâng, chính thế, bây giờ ai cũng phải cải cách y phục cho hợp thời
trang. Cái lối trang điểm cổ làm cho người ta chóng già, ta phải thay đi
mới được. Thưa bà, nếu bà không biết những thuật để giữ gìn sắc đẹp thì
khó mà giữ được hạnh phúc gia đình, vì các cô thiếu nữ ngày nay ăn mặc
lối mới cả, thật là một sự cạnh tranh ghê gớm. [173, 38 – 39]
Trước lời đề nghị cùng thái độ dè dặt của bà khách, Văn Minh vợ đã
nâng cách giao tiếp thông thường – giao tiếp bằng hiển ngôn, lên tầm
nghệ thuật – giao tiếp bằng hàm ý. Thay vì câu trả lời thẳng vào vấn đề
may quần áo (vải gì, kiểu gì, màu sắc gì…), Văn Minh vợ chuyển hướng
cuộc thoại sang một lĩnh vực khác – cách ăn mặc, trang điểm cổ, nghệ thuật
giữ gìn hạnh phúc gia đình, nguyên nhân (nguy cơ) hạnh phúc gia đình bị
tan vỡ… Theo Văn Minh vợ, tất cả đều bắt nguồn từ cách ăn mặc, trang
điểm. Đưa vào phát ngôn của mình một lượng tin thừa như vậy, Văn Minh
vợ chỉ muốn gửi tới bà khách thông điệp: Quyết định (sự lựa chọn) thay đổi
cách ăn mặc của chị là hoàn toàn hợp lí… Từ đó, hiện thực hóa được mục
đích thuyết phục bà khách may quần áo ở cửa hiệu mình.
120
3.3.2.2. Cố tình vi phạm về phương châm chất – quan yếu về ngữ
dụng
Phương thức này được “hiện thực hóa” khi người nói nói điều gì đó
không đúng hoặc điều mà người ấy nói thiếu chứng cứ. Nói cách khác, cố
tình vi phạm phương châm chất là cách thức mà người nói cố tình nói
những điều mâu thuẫn với lẽ thường, không đúng sự thật.
Tiếng Việt thường tạo hàm ý theo phương thức này bằng những cách
sau:
a) Sử dụng ngữ điệu
Việc sử dụng ngữ điệu không chỉ giúp người nói trực tiếp bộc lộ thái độ,
tình cảm, trạng thái hay thói quen mà còn hàm chứa một nội dung ngầm ẩn
khác ngoài nghĩa tường minh. Chẳng hạn:
Sử dụng kiểu phát ngôn có ngữ điệu mạnh, tăng tiến thường tạo cho
phát ngôn hàm ý mỉa mai hay sự đánh giá.
(151) (Nhấm là dì của Nguyệt nhưng hai người xấp xỉ tuổi nhau (đều
gần 30). Dì Nhấm ở nhà, Nguyệt đi làm xa. Nhân một lần về quê, Nguyệt
sang nhà dì chơi thì thấy dì đã có em bé. Ngạc nhiên vì chưa nghe tin dì
Nhấm lấy chồng, Nguyệt hỏi lại đầu đuôi. Khi nghe dì kể lại là dì chỉ yêu
và lấy người ta trong vòng một tháng. Nguyệt ngạc nhiên thốt lên:)
- Một tháng! [185, 10]
Nguyệt là một cô gái luôn cân nhắc cẩn thận trong chuyện tình cảm nên
việc dì Nhấm “yêu và lấy người ta trong vòng một tháng” đối với Nguyệt là
việc “khó chấp nhận” được. Tuy nhiên, vì là cháu nên Nguyệt không dám
bày tỏ thẳng thắn sự đánh giá của mình. Nguyệt đã sử dụng ngữ điệu phát
ngôn cùng với hoàn cảnh giao tiếp để tạo nên tính quan yếu cho phát ngôn
thông qua hàm ý (dự ước quan yếu): Sao dì yêu nhanh và lấy người ta dễ
dàng vậy!
Tương tự như vậy, ở ví dụ (67), việc bà Hoàng dùng ngữ điệu nhắc lại
câu nói của cô Hảo (cán bộ miền Bắc) khi bản thân bà là người bất mãn,
thậm chí có ác cảm với chế độ xã hội mới, phát ngôn của bà có hàm ý mỉa
mai, chê trách chế độ.
b) Nói mát

121
Đặc trưng nổi bật của loại phát ngôn này là nội dung ngầm ẩn, đặc biệt
là nghĩa tình thái, bao giờ cũng ngược (đối lập) với nghĩa hiển ngôn. Bởi
thế, lối “nói mát” còn được gọi là “nói mỉa”, “nói ngược”.
Do cơ chế sử dụng ngôn ngữ đặc trưng 2, đặc biệt là cơ chế sử dụng từ
tình thái và cơ chế phát ngôn (các phát ngôn “nói mát” được phát âm với
ngữ điệu riêng, khác hẳn với ngữ điệu khen thực sự) nên người nghe tiếp
nhận nội dung ngầm ẩn này một cách rất nhanh và rất tự nhiên. Ví dụ:
(152) (Con bị điểm kém, mẹ nói:)
- Giỏi nhỉ !
Thấy con bị điểm kém mà mẹ vẫn khen giỏi. Như vậy, phát ngôn của
mẹ mâu thuẫn với lẽ thường, không đúng sự thật (tức người mẹ đã nói
một câu vi phạm phương châm về chất). Nói cách khác, người mẹ đã dựa
vào “thông tin” do ngữ cảnh đem lại để làm cho phát ngôn của mình quan
yếu. Người nghe (người con) sẽ căn cứ vào nguyên tắc giao tiếp, căn cứ
vào hoàn cảnh giao tiếp để tìm ra “dự ước quan yếu” (tức hàm ý). Trong
hoàn cảnh cụ thể này, phát ngôn của người mẹ mang hàm ý: Sao con lại
học kém đến thế / Mẹ không ngờ con lại học kém đến thế.
Một số ví dụ khác:
(153) (Sau khi ông Sự đưa quan điểm “nàm ông thầy nà khó nắm”,
thầy Khiển – người vốn coi thường tài, đức của ông Sự – đã “tranh thủ
thời cơ” để thể hiện thái độ của mình:)
- Ông nói như Thánh dạy vậy! [165, 143]
(154) (Lâm – con trai Thứ trưởng Cẩm – là cán bộ ngân hàng, do
nghiện ma túy, ham chơi bời nên đã rút tiền ngân hàng ra đánh bạc. Ông
Hòa – Giám đốc Công an Tỉnh, và ông Trác – Giám đốc Ngân hàng, nơi
Lâm công tác đều là bạn của Thứ trưởng Cẩm. Hai ông đã đến nhà nói
chuyện với ông nội Lâm và vợ chồng Thứ trưởng Cẩm, khuyên gia đình
nên động viên Lâm ra tự thú để được hưởng khoan hồng. Ông nội Lâm
nhất trí với quan điểm này và bảo vợ chồng Thứ trưởng đưa con ra tự thú.
Nghe bố chồng nói vậy, bà Dung (vợ Thứ trưởng Cẩm) quay sang chồng
nói:)
- Còn mình, còn lời vàng ý ngọc nào nữa thì nói ra nốt đi. [175]

2
Theo Mai Ngọc Chừ (2000), trong tiếng Việt, từ được dùng để nói mát thường là tính từ hoặc động từ.
122
Trong thẳm sâu trái tim của một người mẹ, bà Dung không muốn xa
con. Ngay cả khi con trai phạm tội, bà vẫn bênh vực, chiều chuộng và tìm
mọi cách để bao che cho việc làm sai trái của con. Bởi vậy, khi nghe bố
chồng và bạn của chồng nói chuyện đưa Lâm ra tự thú, bà không thể đồng
ý nhưng vẫn không dám ra mặt phản đối. Sự cố tình vi phạm phương châm
chất đã tạo hàm ý (mỉa mai bố chồng) cho phát ngôn của bà Dung. Mặt
khác, dù không muốn nghe bất kỳ lời khuyên nào nói đến chuyện đưa Lâm
ra tự thú nhưng sau khi nghe lời khuyên của bố chồng, bà Dung vẫn gọi
những lời đó là “lời vàng ý ngọc”, hơn nữa, còn giục chồng “nói nốt”
những lời tương tự. Chính sự bất thường này đã khiến phát ngôn của bà
Dung trở nên quan yếu. Và hàm ý (dự ước quan yếu) “mỉa mai bố chồng”
đã giải thích cho tính có lý do của việc nói ra câu này.
c) Nói bóng
Giống như nói mát, nói mỉa, lối nói bóng cũng là một cách nói ngược.
Chỉ có điều, khác với nói mát, nói mỉa, nội dung nói ngược ngầm ẩn của lối
nói bóng là nội dung mệnh đề. Nội dung này không phụ thuộc vào cơ chế
phát ngôn (ngữ điệu) hay các từ tình thái mà phụ thuộc phần lớn vào hoàn
cảnh giao tiếp và chịu sự chi phối rất lớn của hoàn cảnh giao tiếp. Hoàn
cảnh tạo nên nghĩa ngược lại cho lối nói bóng có thể là những điều kiện,
những lý do cụ thể mà người nói đưa vào trong phát ngôn. Ví dụ:
(155) Nhà em cách bốn quả đồi
Cách ba ngọn suối, cách đôi cánh rừng
Nhà em xa cách quá chừng
Em van anh đấy, anh đừng thương em. [149]
Trong câu ca trên, cô gái đã kín đáo dựng nên một hoàn cảnh chẳng có
gì là khó khăn đối với người đang yêu để làm chỗ dựa cho cái điều mình
muốn nói. Hoàn cảnh đó đã nói hộ cô cái khát khao cháy bỏng mà cô
không thể nói bằng hiển ngôn: “Anh đừng xa em”. Và cũng chỉ căn cứ vào
hoàn cảnh ấy – những khó khăn được “liệt kê” trong phát ngôn – người
nghe (chàng trai) mới có thể hiểu hết nỗi lòng của cô gái, mới không thất
vọng trước câu trả lời có vẻ “thẳng thắn” của cô. Nhờ có hoàn cảnh giao
tiếp được “tạo dựng” trong phát ngôn, cô gái có đủ lý lẽ để biện minh cho
điều muốn nói ngầm ẩn của mình. Cô có thể bày tỏ tình cảm của mình đối

123
với chàng trai mà vẫn không làm mất đi cái vẻ đẹp kín đáo nơi tâm hồn của
người thiếu nữ phương Đông.
Hoàn cảnh tạo nên nghĩa ngược lại của lối nói bóng cũng có thể là những
yếu tố “phi ngôn ngữ” – những yếu tố nằm ngoài phát ngôn – như mối quan
hệ giữa người phát ngôn với người nghe; thái độ, sự biểu hiện tình cảm mà
người nói dành cho người nghe từ trước và ngay trong thời điểm tồn tại của
phát ngôn,... Hoàn cảnh này là yếu tố giúp người nghe giải mã những điều
kiện, những lý do mà người nói đưa ra trong phát ngôn, từ đó tìm ra các
nghĩa ngược lại (hàm ý) của phát ngôn. Dùng lối nói hình ảnh, có thể coi
“kiểu” hoàn cảnh này là ánh mắt níu kéo của cô gái khi bảo người yêu “Hãy
đi đi” để rồi nếu chàng trai nào đó thực hiện đúng yêu cầu của cô gái, chắc
chắn sẽ bị trách:
“Sao mà anh ngốc thế
Không nhìn vào mắt em”
Có thể xác định rõ hơn nội dung và “cơ chế”của phương thức này qua
các ví dụ sau:
(156) (Là người có tật nói ngọng “l” và “n”, hơn nữa lại suy đồi về đạo
đức nhưng ông Sự lại hay lên mặt với những người trí thức, coi “kẻ” có học
đều là Việt gian, gián điệp. Thầy Khiển – Hiệu trưởng trường Trung học,
cũng không nằm ngoài danh sách bị tình nghi đó. Sau khi phải chịu đựng
sự “trả hận” một cách thâm thúy của thầy Khiển ở trên lớp, ông Sự “nhìn
chằng chằng vào mắt” thầy, nhếch mép kẻ cả: “Thế mới biết nàm ông thầy
nà khó nắm!”. Sau câu đáp đầy mỉa mai của thầy Khiển, ông Sự trợn mắt:
- Khó nà ở chỗ nào ông giáo có biết không?
Thầy Khiển lễ phép:)
a. Thầy Khiển: - Dạ, ở chỗ phải tri kỷ, tri bỉ. Tức là phải biết sự kém
cỏi, bỉ tiện của mình.
(Ông Sự: - Phải giỏi chính sách! Chính sách! Hiểu chưa?)
b. Thầy Khiển: - Vâng, phải giỏi chính sách và ... chính tả nữa ạ. [165, 143]
Ở phát ngôn (156a), thầy Khiển nhắc đến cái “phẩm chất” tối thiểu cần
có ở mỗi con người có nhân cách – phải “biết cái kém cỏi, bỉ tiện của
mình”, nhưng lại không có ở ông Sự và cho rằng đó là điều khó nhất để
làm một người thầy; ở phát ngôn (156b), thầy Khiển nhắc tới “tiêu chuẩn”
của một người thầy là ... “giỏi chính tả” – lại một “tiêu chuẩn” mà ông Sự
124
không hề có và cũng lại là điều trái lẽ thường! Sự cố tình vi phạm phương
châm về chất này đã hình thành nên dự ước quan yếu cho các phát ngôn
trên. Và các dự yếu quan ước ấy cũng chính là những thông điệp ngầm ẩn,
là hàm ý mà thầy Khiển (người phát ngôn) muốn gửi đến ông Sự (người
thụ ngôn): “Ông không đủ tư cách của một người thầy” (ở ví dụ 156a) và
“Ông còn nói ngọng, chưa dạy được người đâu” (ở ví dụ 156b).
(157) (Tại phiên thảo luận của Quốc hội về việc xây dựng đường sắt
cao tốc Bắc - Nam, một đại biểu ủng hộ phương án xây dựng đường sắt cao
tốc đưa ra luận cứ: Các nước có chỉ số IQ cao đều làm đường sắt cao tốc.
Việt Nam ta là dân tộc có chỉ số IQ cao cũng nên làm. Một đại biểu khác là
giáo sư, tiến sĩ hóm hỉnh:)
- Tôi thuộc nhóm có chỉ số IQ thấp. Vì vậy, tôi không đồng tình xây
dựng đường sắt cao tốc. [190]
Việc một giáo sư, tiến sĩ “có chỉ số IQ thấp” và tự khẳng định điều đó
trước công chúng là trái với lẽ thường. Chính điều này đã tạo nên tính quan
yếu cho phát ngôn của đại biểu và hình thành nên hàm ý (dự ước quan yếu)
cho phát ngôn: gắn việc xây dựng/không xây dựng đường sắt cao tốc với
chỉ số IQ cao hay thấp là phi lý.
d) Nói lái
Nói lái là một hình thức của nghệ thuật chơi chữ. Khác với các hình
thức chơi chữ khác (dùng từ đồng âm, gần âm, dùng cách chiết tự, dùng từ
cùng nghĩa,...) nhằm mục đích nhấn mạnh nội dung được nói bằng hiển
ngôn, được dùng phổ biến trong các tác phẩm nghệ thuật 3, hình thức chơi
chữ bằng cách nói lái được sử dụng tương đối phổ biến trong hội thoại
nhằm diễn tả những điều mà người nói muốn gửi tới người nghe nhưng
không thể diễn tả bằng hiển ngôn. Theo phương thức này (nói lái), điều
muốn nói được người phát ngôn khéo léo che giấu đằng sau hình thức nói
lái hai hoặc ba từ nào đó đi liền nhau trong phát ngôn. Ví dụ:

(158)
Chùa Quán Sứ
Quán Sứ sao mà cảnh vắng teo
3
Xem: Trương Xuân Tiếu. Nghệ thuật chơi chữ trong thơ nôm đường luật Hồ Xuân Hương. Kỷ yếu “Ngữ
học trẻ 99”.
125
Hỏi thăm sư cụ đáo nơi neo
Chầy kình tiểu để suông không đấm
Tràng hạt vãi lần đếm lại đeo. [159, 14]
(156)
Kiếp tu hành
Cái kiếp tu hành nặng đá đeo
Vị gì một chút tẻo tèo teo
Thuyền từ cũng muốn về Tây Trúc
Trái gió cho nên phải lộn lèo. [159, 28]
Bằng cách nói lái (lái đôi hoặc lái ba), Hồ Xuân Hương (ở ví dụ (158)
và (159)) đã cố tình nói những điều mâu thuẫn với lẽ thường (nói về nhà
chùa, về sư mà lại nói tục). Chính điều trái với “lẽ thường” này đã “lột mặt
nạ” những vị “sư hổ mang”.
So với các phương thức biểu thị hàm ý khác phương thức biểu thị hàm ý
bằng cách nói lái ít có tính “cơ động” hơn nhưng chúng tôi vẫn coi một số
trường hợp nói lái là phương thức biểu thị hàm ý bởi vì:
- Nội dung ngầm ẩn trong các phát ngôn có sử dụng biện pháp tu từ nói
lái trong quá trình tạo lập hầu hết khác nghĩa với nội dung hiển ngôn. Nội
dung ngầm ẩn này thường thay đổi khi phát ngôn “nói lái” tồn tại trong
những hoàn cảnh khác nhau. Chẳng hạn: cách nói lái ở ví dụ (158) và (159)
không đặt trong hoàn cảnh “bài thơ viết về nhà chùa” thì nghĩa ngầm ẩn
của cách nói lái đó vẫn tồn tại nhưng hàm ý đả kích “sư hổ mang” sẽ không
tồn tại mà thay vào đó là một hàm ý khác, thậm chí, phát ngôn không có
hàm ý.
- Trong nhiều trường hợp, khi có sự “phản ứng” của người nghe về nội
dung ngầm ẩn, người phát ngôn vẫn có đầy đủ “lý lẽ thuyết phục” để phủ
nhận trách nhiệm của mình về nội dung đó.
Tuy nhiên, cần phân biệt phương thức này với lối nói lái trong câu đố.

e) Tạo giá trị thông báo cho tiền giả định


(75) A: - Cô ta thế nào, có xinh không?
B: - Thị Nở phải gọi bằng chị.
(76) A: - Em chỉ sợ anh quên.
B: - Anh đâu phải thứ Sở Khanh. (Dẫn theo [70])

126
Để cuộc thoại (75) và (76) tồn tại, TGĐ về “Thị Nở”, “Sở Khanh” trở
thành cái “nền” không thể thiếu. Nhân vật B trong cả hai cuộc thoại đều
hiểu rõ và cho rằng A cũng hiểu rõ Thị Nở và Sở Khanh là nhân vật như
thế nào. TGĐ này giúp A hiểu nội dung ngầm ẩn của phát ngôn B.
TGĐ trong các ví dụ đã dẫn là cơ sở để người nghe suy luận ra hàm ý
của phát ngôn, là phương tiện để người phát ngôn tạo lập những phát ngôn
có thể nói được nhiều hơn những gì định nói. Trong một số hoàn cảnh giao
tiếp nhất định, nội dung của TGĐ chính là hàm ý của phát ngôn.
Vậy có thể tạo hàm ý bằng TGĐ như thế nào? Xét các ví dụ sau:
(160) (Gặp A đang ngồi với người yêu trong quán nước, biết A không
hút thuốc lá bao giờ nhưng B vẫn lấy thuốc lá mời A, A từ chối. B nói:)
B1: - Cậu bỏ thuốc từ bao giờ thế?
hoặc B2: - Cậu bỏ thuốc rồi à?
Trong hoàn cảnh này, TGĐ “Trước kia A hút thuốc lá” đã trở thành hàm
ý (trêu đùa) của phát ngôn B1 (hoặc B2): “Sao hôm nay cậu lịch sự thế”.
Thậm chí, hai phát ngôn này còn có thể có hàm ý (thông báo với cô gái
rằng) “Trước kia A hút thuốc lá (nhưng hôm nay có em nên A giả vờ không
hút)”.
(161) (Ông Kháng bảo: “Xin lỗi, tôi không được trang bị kiến thức
giống như của bác”. Đáp lại lời ông Kháng, Bường bảo:)
- Bác Kháng ạ, mời bác về bú tí mẹ. [181, 288]
Phát ngôn của Bường có TGĐ: Bác là trẻ con (vì chỉ có trẻ con mới bú
mẹ). Xét về tuổi tác, bác Kháng không thể là trẻ con. Như vậy, phát ngôn
của Bường mâu thuẫn với lẽ thường (vi phạm phương châm chất). Điều
này đã khiến phát ngôn của Bường trở nên quan yếu. Người nghe dễ dàng
nhận ra hàm ý (dự ước quan yếu) trong phát ngôn của Bường: Trình độ văn
hóa của bác chẳng khác nào một đứa trẻ, quá non kém.
Trong một số hoàn cảnh giao tiếp nhất định, người phát ngôn có thể đưa
ra những phát ngôn có tính giả thiết để chuyển tải hàm ý. Điều được suy ra
ở kiểu phát ngôn này chính là TGĐ. Ví dụ:
(162) (Chồng Băng Sương là một người đàn ông bất tài lại hay rượu
chè. Băng Sương phải gồng mình lên để làm việc, kiếm tiền, chăm sóc gia
đình, nuôi con ăn học. Cô luôn khao khát có một chỗ dựa vững chắc cho
cuộc đời mình vì ngay từ nhỏ đã thiếu tình cảm, sự chăm sóc, che chở của
127
cha. Thất vọng về chồng, một lần, cô tâm sự cùng chị bạn làm cùng cơ
quan:)
- Giá mà có một người đàn ông xứng đáng để hy sinh, để chăm sóc hết
mình! [157, 190]
Cấu trúc Giá mà A có TGĐ “A không có thực”. Căn cứ vào TGĐ, người
nghe có thể suy ý để xác định hàm ý cho kiểu phát ngôn này: Thể hiện sự
khát khao về một thứ không có được ở hiện thực. Trong hoàn cảnh cụ thể
này, phát ngôn của Băng Sương có hàm ý: Chồng em là người đàn ông kém
cỏi, không thể là chỗ dựa vững chắc cho cuộc đời em. Dù đã cố gắng, em
vẫn không sao sống toàn tâm, toàn ý với anh ta được.
f) Sử dụng lối nói ẩn dụ
(163) - Irắc là Việt Nam của Bush.
Tùy theo hoàn cảnh tồn tại mà phát ngôn (163) mang hàm ý khác nhau.
Đó có thể là: Irắc là mối quan ngại lớn nhất (khó khăn lớn nhất) của Bush
(trong hoàn cảnh Mỹ (đứng đầu là tổng thống G.Bush) đang chuẩn bị/đã
thực hiện kế hoạch tấn công Irắc); Irắc là bài học nhớ đời của tổng thống
Bush (trong hoàn cảnh cuộc tấn công của Mỹ ở Irắc đang bị “sa lầy”.)
Tương tự, phát ngôn ở ví dụ (41) có sử dụng ẩn dụ “tình nhân”, “chén”.
Những ẩn dụ này khiến cho nội dung phát ngôn mâu thuẫn với lẽ thường và
phát ngôn trở nên quan yếu với hoàn cảnh giao tiếp. Đó cũng là cơ sở để
hình thành nên hàm ý: Lịnh là người gắn bó với Cách mệnh, sẵn sàng nhận
nhiệm vụ do Cách mệnh giao phó.
3.3.2.3. Cố tình vi phạm phương châm quan hệ – quan yếu về đề tài
Theo phương thức này, người nói có thể tạo hàm ý bằng cách đưa ra
một lời đáp không rõ ràng, không liên quan gì tới chủ đề đang nói (chẳng
hạn, bằng cách thay đổi chủ ngữ hoặc công khai không đáp lại theo mục
đích mà người kia muốn đạt được khi đặt câu hỏi...). Ví dụ:
(164) Đông: - Ba có đi chợ hoa không ba?
Ông Bằng: - Mấy hôm nay ba có hứng thú làm việc. Vào tuổi ba,
tạo được hứng thú khó lắm. [164, 60]
Thoạt nghe, câu trả lời của ông Bằng không ăn nhập gì với câu hỏi của
Đông (tức ông Bằng đã vi phạm phương châm quan hệ) nhưng Đông vẫn
tìm thấy câu trả lời thỏa đáng từ phát ngôn của ông Bằng: Ba không đi chợ
hoa. Nội dung ngầm ẩn này chính là hàm ý.
128
Vậy, trong giao tiếp tiếng Việt, người nói thường cố tình vi phạm
phương châm quan hệ (tạo tính quan yếu về đề tài cho phát ngôn) bằng
cách nào?
Dựa trên nguồn tư liệu khảo sát được, chúng tôi thấy, để thực hiện “thao
tác” “cố tình vi phạm phương châm quan hệ” trong quá trình tạo lập phát
ngôn tham gia vào hoạt động giao tiếp, người nói thường sử dụng TGĐ
theo cách: coi TGĐ như một yếu tố mang tính “chỉ dẫn” để người nghe căn
cứ vào đó mà tìm hàm ý.
a) Sử dụng TGĐ
a1. Sử dụng TGĐ bách khoa
Theo phương thức này, người phát ngôn dựa vào những hiểu biết của
con người, sử dụng nó làm “tiền đề” để “chỉ dẫn” cho người nghe suy ý.
Những hiểu biết đó có thể là:
- Hiểu biết về những điều phi lý
(165) (Đáp lại lời tỏ tình của chàng trai, cô gái đã “hứa”:)
Bao giờ từ giã cõi đời
Thì em mới dám nhận lời yêu anh
Bao giờ màu lá hết xanh
Biển không còn sóng mới đành cùng nhau.
Cái tri thức thông thường nhất mà ai cũng có thể hiểu là: Khi đã “từ giã
cõi đời” thì không thể nhận lời yêu; “xanh” là màu đặc trưng cơ bản nhất
của lá cây, và biển không bao giờ hết sóng. Bởi thế, chuyện “nhận lời yêu”
khi đã chết, khi màu xanh không phải là đặc trưng của lá ... chỉ là chuyện ...
cổ tích! Những tiền đề phi lý trên chính là “chỉ dẫn” để người nghe suy ý
và nhận ra một điều: Sẽ chẳng bao giờ có chuyện em yêu anh.
Một số ví dụ khác:
(166) (Ba mẹ Ng đều đã hơn 70 tuổi và họ sống với nhau rất hạnh phúc.
Một hôm, người yêu cũ từ thời trai trẻ của ba Ng đến chơi. Hiện giờ bà đã
góa chồng. Mẹ Ng nhận thấy sau nhiều năm gặp lại, mối ân tình đầu tiên
giữa chồng mình và người phụ nữa kia chưa hẳn đã hết. Bà liền nảy ý định:
Mời người yêu cũ của chồng đến nhà ở để chăm sóc cho chồng mình, còn
bản thân bà sẽ vào Nam sống với con gái lớn. Ban đầu, ông không đồng ý,
nhưng bà kiên quyết quá, vả lại, thực lòng ông vẫn còn vương vấn với mối
tình đầu nên ông đã nghe theo sự sắp đặt của vợ. Lúc đầu, hai người sống
129
rất vui vẻ. Ông thấy mình trẻ lại bởi những cử chỉ âu yếm, chiều chuộng
của người yêu cũ. Nhưng một thời gian sau, ông thấy mệt mỏi, không có
thời gian cho riêng mình vì bà lúc nào cũng ồn ào, nhiều khi như trẻ con,...
Thậm chí, có khi bà còn bá cổ ông mà hôn chùn chụt không để ý gì đến con
cháu trong nhà. Ông thấy khó chịu và nhẹ nhàng nhắc nhở:)
- Gia đình anh là nhà nho, còn hơi phong kiến, không sống lối Âu Tây
đâu! [174, 82]
Phát ngôn của ba Ng dường như không phù hợp với hoàn cảnh (tức
không quan yếu). Tại sao ông lại làm như vậy? Mục đích của ông là gì?
Dựa trên thực tế (TGĐ) người phương Tây vốn thoải mái trong việc thể
hiện tình cảm, ông đã đưa vào phát ngôn của mình một “dấu hiện chỉ dẫn”
nhằm giúp người nghe suy ý để hiểu thông điệp mà mình muốn gửi gắm:
bà cần sống ý tứ, kín đáo hơn kẻo cả tôi và bà đều trở thành kẻ lố bịch.
Chính cái thông điệp ngầm ẩn này đã giải thích cho tính có lý do của
việc ba Ng nói ra câu nói này.
a2. Sử dụng TGĐ ngữ dụng
Theo phương thức này, khi tạo lập phát ngôn trong giao tiếp, người phát
ngôn phải căn cứ vào điều kiện dùng của câu nói, vào cái nền để hội thoại
được tiến hành bình thường và để câu nói được chấp nhận. Ví dụ:
(167) (Lý làm cùng cơ quan với vợ một vị Thứ trưởng. Cậy chồng làm
to, vợ Thứ trưởng thường lên mặt với mọi người. Tết đến, chị ta mua đến
cơ quan một cây quất rất to để khoe với mọi người. Ai cũng khen để lấy
lòng. Lý tức lắm. Cô quyết cho bà vợ thứ trưởng một “vố” cho bõ ghét. Cô
mua một cây quất to hơn, đẹp hơn, đắt hơn đến cơ quan cho mọi người
ngắm. Bà vợ Thứ trưởng tức giận, “cảnh cáo” Lý:)
A (vợ Thứ trưởng): - Lý này, cậu tiêu pha, sắm sửa thế nào chứ không
chị em người ta dị nghị đấy.
B (Lý): - Chị ạ, Trạng chết Chúa cũng băng hà, em đâu có sợ, chị!
[164, 46]
(168) (Nghe mẹ chồng nói với Đông, chồng cô: “Này, thằng Đông kia,
chết mẹ thì hết mẹ, chứ hết vợ này lấy được vợ khác, con ạ.”, Lý không
vừa, đáp lại:)
- Thưa mẹ, mẹ nói lại với ba con câu ấy để ba con nghĩ xem thế nào đã,
có phải hay hơn không ạ? [164, 46]
130
Ở (167), tiền giả định “việc làm của cậu (tiêu pha, mua sắm) đã có ảnh
hưởng không tốt cho cậu” trở thành cơ sở suy ý: Cậu mà chạy đua với tớ
thì chỉ thiệt mà thôi!
Tương tự, tiền giả định bách khoa của câu thành ngữ “Trạng chết Chúa
cũng băng hà” cũng trở thành chỉ dẫn để suy ý: Chị lo cho chị đi đã. Ở
(168), tiền giả định “bà cũng là vợ” là cơ sở để người nghe suy ra hàm ý:
Bà đừng quá quắt quá! Bà nói thế mà không nghĩ đến mình à?
Một ví dụ khác:
(169) (Ông A và ông B là hàng xóm của nhau. Con ông A học giỏi hơn
nên vào đại học, con ông B lười học nên vào trung cấp rồi đi làm công
nhân. Sau 5 năm học đại học, con ông A thi trượt tốt nghiệp, theo học
ngoại ngữ để xin làm ở một công ty nước ngoài.
Mùng 2 Tết, ông A và ông B cùng đi chúc Tết xóm giềng. Đến nhà nào
ông A cũng khoe: “Con tôi đang học cao học”. Khi đến nhà cô H, ông A
vẫn khoe như vậy. Trước khi ra về, ông B chúc tết gia đình cô H và cháu K
(con cô H) – đang học năm cuối trường đại học mà con ông A đã từng
học:)
- Riêng cháu K, bác chúc cháu học giỏi, thi tốt. Đừng như các anh chị
khoá trước.
Hơn ai hết, ông A là người hiểu về kết quả thi tốt nghiệp của các anh chị
khoá trước – khoá của con trai ông. Tiền giả định này là cơ sở để ông A
suy ý và hiểu thêm hàm ý: Con ông trượt tốt nghiệp, ông tưởng tôi không
biết hay sao mà còn huênh hoang?
b) Nói lạc đề
(170) A: - Luận văn cô ta viết có tốt không?
B: - Bản thảo của cô ta viết khá sạch sẽ.
Câu trả lời của B là một cách “đánh trống lảng” để khỏi phải nói ra một
sự thật phũ phàng: luận văn của cô ta không đạt yêu cầu.
c) Sử dụng phát ngôn chứa yếu tố tượng trưng
Trong những hoàn cảnh nhất định, người ta có thể sử dụng những yếu tố
tượng trưng để tạo hàm ý cho phát ngôn. Ví dụ:
(171) (Thụy và Trường cùng lớn lên trong một gia đình nhưng mãi đến
khi cha mất, họ mới biết mình không phải là anh em ruột. Họ đem lòng yêu
nhau nhưng rồi Thụy không muốn gây cho Trường thêm nỗi khổ nên bỏ đi
131
cùng Hoan. Một thời gian sau, Thụy chết vì bệnh hiểm nghèo. Khi Hoan
đến nhà Trường, nhìn thấy bức tranh Trường vẽ Thụy – Thụy ngồi một
mình, mắt nhìn xa xăm, trên tay cầm một chiếc lá khô… Ngắm tranh, Hoan
nói:)
- Mỹ nhân phải đi với hoa hồng. [169, 57]
Hoa hồng tượng trưng cho cái đẹp. Thụy – trong mắt của Trường và
Hoan – cũng rất đẹp. Trường đã cố gắng thể hiện vẻ đẹp của Thụy theo
quan niệm thẩm mỹ của anh. Tuy nhiên, lời bình của Hoan có vẻ như đối
lập với quan niệm đó. Điều này hẳn có lý do! Hàm ý “Cậu chưa thể hiện
đúng vẻ đẹp của Thụy” đã giải thích cho tính chính đáng của việc nói ra
câu nói đó của Hoan.
Phương thức này được dùng khá phổ biến trong hoạt động giao tiếp
thông qua các chi tiết nghệ thuật trong tác phẩm văn chương nhằm chuyển
tải thông điệp (thường là tư tưởng, tình cảm… với sự việc, hiện tượng phản
ánh trong tác phẩm) của tác giả tới người đọc (chẳng hạn, các ví dụ 57, 58,
59).
d) Tạo chủ đề tương phản cho phát ngôn
Khả năng “mang lại cho câu một hàm ý nào đó” của chủ đề đã được
khẳng định trong một số công trình nghiên cứu của Lee Chungmin (1999),
Nguyễn Văn Hiệp (2008),… Tuy nhiên, cũng theo các tác giả, nếu không
đặt câu trong những hoàn cảnh thích hợp, nếu chủ đề trong câu không phải
là chủ đề tương phản,… có thể câu nói sẽ không mang hàm ý; chỉ khi câu
nói có chủ đề tương phản, nó mới có thể mang hàm ý phân cực đảo (thuật
ngữ của Lee Chungmin 1999) hay hàm ngôn tiền giả định (thuật ngữ của
Nguyễn Văn Hiệp) (xem:[30], [31, 200 - 202], [134, 317 - 319]).
Theo phương thức này, trong hoàn cảnh giao tiếp nhất định, việc người
nói đặt một ngữ đoạn ở đầu câu với tư cách là chủ đề tương phản (biểu thị
một đối tượng nằm trong tập hợp đã được nói đến) sẽ mang đến cho phát
ngôn một hàm ý TGĐ. Ví dụ:
(172) A: - Thành tích của đoàn thể thao Việt Nam tại Seagame 26 thế
nào?
B: - Đội điền kinh, đội Wushu, đội thể dục dụng cụ giành được 21
Huy chương vàng.

132
Ngữ đoạn “đội điền kinh, đội Wushu, đội thể dục dụng cụ” đóng vai trò
chủ đề tương phản đã tạo hàm ý TGĐ cho phát ngôn: Ngoài 21 Huy
chương vàng của các đội điền kinh, Wushu, thể dục dụng cụ, các đội còn
lại trong đoàn thể thao Việt Nam không giành được Huy chương vàng.
(173) A: - Số phận của 40 hành khách trên chuyến xe X thế nào?
B: - Một số người đã được cứu sống.
Thay vì phải nói “Họ đã/tất cả 40 người đã…”, B sử dụng ngữ đoạn
“một số người” với tư cách một chủ đề tương phản nhằm tạo hàm ý: Không
phải tất cả 40 người được cứu sống”.
3.3.2.4. Cố tình vi phạm phương châm cách thức – quan yếu về lập
luận
Theo phương thức này, khi tham gia vào hoạt đông giao tiếp, người nói
không đi thẳng vào vấn đề cần trao đổi, bàn luận mà cố tính nói dài dòng,
vòng vèo, mơ hồ, thậm chí tối nghĩa, không dứt khoát mà thể hiện trạng
thái ỡm ờ, nửa như nói ra, nửa như không nói ra.
Tiếng Việt thường hiện thực hoá phương thức này bằng cách sử dụng
một số kiểu phát ngôn sau:
a) Sử dụng phát ngôn mơ hồ về vật quy chiếu
Một biểu thức ngôn ngữ có thể có từ một đến n sự quy chiếu đối với các
sự vật, hiện tượng trong thực tế khách quan và ngược lại, hai biểu thức
ngôn ngữ chỉ có thể có một sự quy chiếu.
Vận dụng đặc trưng về sự quy chiếu này của ngôn ngữ, trong nhiều
hoàn cảnh giao tiếp đặc biệt, người nói có thể tạo cho phát ngôn của mình
tính mơ hồ về vật quy chiếu để gửi tới người nghe thông điệp của mình. Ví
dụ:
(174) (Ông Sự – người mới được đề bạt Phó trưởng Ty Giáo dục – vốn
có tật nói ngọng “l” và “n”, thêm vào đó, ông còn có tật xấu hay sờ soạng
nữ nhân viên trong cơ quan nên ông “được” đặt tục danh là “Sự sờ nặng”.
Là cán bộ kém cỏi về học thức, suy đồi về đạo đức nhưng ông Sự lại hay
lên mặt với những người tản cư, “dị ứng” với người trí thức, coi mọi “kẻ”
có học đều là Việt gian, gián điệp. Thầy Khiển - giáo viên, kiêm Hiệu
trưởng trường trung học của xã, cũng không nằm ngoài “danh sách” bị tình
nghi là gián điệp, dù dưới con mắt của mọi người dân, thầy là người tài
năng và tốt bụng. Trong lần đoàn cán bộ của Ty Giáo dục do ông Sự dẫn
133
đầu vào dự giờ, thầy Khiển đã vận dụng triệt để “tính ưu việt” của hoàn
cảnh để “trả mối hận xưa nay” đối với ông Sự, thông qua các phát ngôn
mang tính chất mơ hồ về sự quy chiếu được thầy sử dụng một cách hợp lý
trong giờ giảng của mình. Thầy giảng bài thật “khúc triết, văn hoa” nhưng
thỉnh thoảng lại làm như vô tình hất hàm về phía ông Sự và hai ông trong
Ty Giáo dục, hỏi một cách trịnh thượng:)
a.- Có hiểu thật không mà sao lầm lì thế, các cậu? [165, 141]
(Trong giờ hóa học, thầy nói toàn tiếng Nghệ An. Kết thúc giờ dạy, thầy
nói:)
b. - Tiếng Nghệ cũng hay lắm chứ, ở đời, đừng có bao giờ nghĩ chỉ có
mình là hay, là đẹp, các em à! [165, 142]
Hoàn cảnh giao tiếp đã tạo cho các từ các cậu, các em ở phát ngôn
(174a), (174b) tính mơ hồ về đối tượng quy chiếu. Đây là “hệ quả” tất yếu
của việc cố tình vi phạm quy tắc sử dụng chỉ dẫn lập luận (hất hàm về phía
ông Sự nhưng lại đưa câu hỏi cho học sinh.) Các cậu, các em ở các phát
ngôn này vừa có thể là học trò của thầy Khiển, vừa có thể là ông Sự. Chính
vì thế, ngoài nghĩa hiển ngôn, các phát ngôn (174a), (174b) còn có một
tầng nghĩa chìm – điều mà thầy Khiển thực sự muốn nói trong hoàn cảnh
không thể nói (do vị thế giữa thầy và ông Sự mà thầy không thể nói thẳng,
nói thật những suy nghĩ của mình). Tầng nghĩa chìm này có nội dung hoàn
toàn trái ngược với hiển ngôn. Nếu hiển ngôn là lời dạy bảo của một thầy
giáo đối với học sinh thì tầng nghĩa chìm (hàm ý) của phát ngôn là lời chế
nhạo sự dốt nát (ví dụ 174a) và huênh hoang (ví dụ 174b) của ông Sự.
Có thể hiểu rõ hơn về phương thức này qua các ví dụ (34), (35), (36).
b) Sử dụng lối nói vòng
Cơ sở của nói vòng là lối nói đồng nghĩa lâm thời trong một hoàn cảnh
nhất định.Với lối nói vòng, ta có thể nói được điều mà ta không thể nói
bằng hiển ngôn.Ví dụ:
(175) (Quê Tâm ở tận miền Nam nhưng đơn vị Tâm đóng quân ở làng
của Mận – vùng ven biển miền Trung. Tình yêu giữa Tâm và Mận nảy nở
nhưng Tâm chưa kịp thổ lộ tình cảm với Mận thì đơn vị Tâm được lệnh
chuyển quân. Ngày chia tay, Tâm hỏi Mận:)
- Mận có thích miền Nam không?

134
- Mận có yêu miền Nam không?

- Sau này Mận về miền Nam chơi nhé! [180, 472]
Bằng lối nói vòng, trong hoàn cảnh giao tiếp cụ thể này, Tâm đã tế nhị
dò hỏi tình cảm của Mận đối với mình, đồng thời bày tỏ tình yêu của mình
đối với Mận. Miền Nam – quê hương của Tâm – trong hoàn cảnh cụ thể
này cũng mang tính chỉ dẫn lập luận giúp người nghe suy ý để hiểu đó
chính là Tâm. Lối nói vòng dựa trên sự chuyển đổi nghĩa lâm thời trong
hoàn cảnh giao tiếp cụ thể này đã giúp người phát ngôn (Tâm) nói được
điều khó nói nhất.
c) Sử dụng lối nói bâng quơ
Ngoài ba tình huống giao tiếp phổ biến – giao tiếp chính thức, giao tiếp
không chính thức và giao tiếp nửa chính thức 4, trong thực tế giao tiếp, ta
còn gặp các tình huống giao tiếp đặc biệt như: độc thoại, nói bâng quơ.
Khác với độc thoại (người nói ‘‘phân thân’’ để vừa là người nói, vừa là
người nghe – người đối thoại), nói bâng quơ là tình huống giao tiếp mà
người nói dường như nói với chính mình (hoặc nói với người thứ 2) nhưng
cốt để người khác (người thứ 3) nghe.Tính chất đặc biệt của tình huống
giao tiếp này là: Sự hiện diện của người nghe là có thực nhưng người nói
vẫn làm như không hề hay biết, bởi thế, phát ngôn của người nói được coi
là không có liên quan gì với các phát ngôn khác (nếu có) và cũng mang tính
mơ hồ về nghĩa.Ví dụ:
(176) (Khi người vợ có thai được hai tháng, những cơn ốm nghén hành
hạ cô đến mức đối với cô, những việc nhẹ nhàng cũng trở nên quá sức.
Chồng cô lại lo làm ăn suốt ngày nên không thể giúp đỡ cô trong việc gia
đình. Thấy cô như vậy, mẹ chồng khó chịu ra mặt. Bà nói bâng quơ:)
- Đến phải thuê người làm. [182]
(177) (Về làm dâu, cô gái tỏ ra hoang phí trong chi tiêu. Do sợ mang
tiếng “mẹ chồng, nàng dâu’’ nên mẹ chồng cô không muốn góp ý thẳng
thắn với cô. Càng ngày, sự hoang phí của cô càng làm mẹ chồng khó chịu.
Một hôm, vừa dọn dẹp thức ăn thừa, bà vừa nói một mình:)
- Đến phải đi ăn mày.
4
Về khái niệm giao tiếp chính thức, giao tiếp không chính thức, giao tiếp nửa chính thức, xem: Phạm
Thị Thành. 1995. Nghi thức lời nói tiếng Việt hiện đại qua các phát ngôn: Chào, cảm ơn, xin lỗi. Luận án
PTS.
135
Với phát ngôn (176), bà mẹ chồng có thể “rủa’’con dâu là kẻ “vô tích
sự’’, là kẻ “ăn bám’’; với phát ngôn (177), bà mẹ chồng có thể “trách’’con
dâu là người “hoang phí, không biết lo toan, tính toán’’nhưng trong cả hai
trường hợp, bà mẹ chồng vẫn có thể “rũ bỏ trách nhiệm” về lời trách mắng
để giữ được “thanh danh” của một “hiền mẫu”.
d) Sử dụng phát ngôn vi phạm quy tắc hiện diện của các thành phần lập
luận
d1. Sử dụng phát ngôn mang tính chất luận điểm
Theo phương thức này, dựa vào hoàn cảnh giao tiếp, người nói có thể
đưa vào các phát ngôn của mình những yếu tố mang tính chất luận điểm mà
không đưa ra các luận cứ. Luận cứ chính là điều mà người phát ngôn muốn
nói (hàm ý). Ví dụ:
(178) (Có một người phụ nữ đã lớn tuổi vừa từ Pháp trở về. Sau 45 năm
xa quê, lần này bà trở về con phố nhỏ thời niên thiếu mà bà đã sống. Dãy
bàng gắn bó với mối tình đầu của bà nay không còn nữa. Gặp lại người yêu
cũ sau bao năm xa cách, bà vẫn cảm nhận được tình cảm ấm áp ông dành
cho bà. Ông không trách bà nhưng bà biết, ông vẫn không hiểu vì sao bà lại
bỏ ông đi, để lại ông đơn lẻ trong nỗi đau của một tình yêu tan vỡ. Khi bà
hỏi vì sao họ lại chặt dãy bàng đi mà không để lại một cây nào làm kỷ
niệm. Ông kể lại, họ có để lại một cây đẹp nhất ở góc phố nhưng rồi mưa
bão dập vùi, cây bàng đó đã không thể sống sót. Ông bùi ngùi nói:)
- Lẻ loi thì khó sống lắm bà ạ! [167, 14]
Phát ngôn chỉ mang tính chất luận điểm nhưng chất chứa cả nỗi lòng ưu
tư của chủ thể phát ngôn: Không chỉ cây bàng kia bị quật ngã đâu mà cả tôi
nữa. Từ khi bà bỏ tôi đi, việc thích nghi với cuộc sống đối với tôi thật khó
khăn.
Hàm ý đó sẽ thay đổi thành một lời khuyên “Phải biết đoàn kết, gắn bó
với tập thể” khi phát ngôn trên tồn tại trong hoàn cảnh “là lời dặn của bố
khi đưa con lên trường nhập học”
d2. Sử dụng phát ngôn mang tính chất kết luận về vấn đề đưa ra cần bàn
bạc
Theo phương thức này, khi tạo lập phát ngôn tham gia vào hoạt động
giao tiếp, người nói không đưa ra luận cứ mà chỉ đưa ra kết luận. Sự vắng
mặt của luận cứ trong các phát ngôn của người nói sẽ khiến người nghe
136
cảm thấy bất thường. Bởi thế, người nghe thấy cần phải xác định tính quan
yếu cho phát ngôn bằng cách đi tìm dự ước quan yếu (hàm ý). Ví dụ:
(179) (Ông Đại là kĩ sư hóa – tốt nghiệp tại Đức – về nước từ thời Pháp
thuộc. Tính cách ông ngang ngạnh, không chịu phục tùng nên không được
trọng dụng. Ông rất ghét những kẻ đã dốt còn hay khoe mẽ. Một hôm, có
một thanh niên – con một gia đình có thế lực – đến nhà ông chơi với con
gái ông và thao thao đủ thứ chuyện ra chiều hiểu biết lắm nhưng kỳ thực lại
không đâu vào đâu. Ông Đại kiên nhẫn ngồi nghe cả giờ rồi chợt hỏi:
- Các cụ xưa có ba cách học để thành tài: “Sinh nhi tri” – đẻ ra đã biết;
“miễn nhi tri” – ráng học mà biết; “khốn nhi tri” – chịu gian nan, khốn khó
để biết. Vậy, cậu thuộc loại nào? Anh chàng kia ngẩn ra, chưa biết trả lời
thế nào. Nếu nhận mình sinh ra đã biết thì khoác lác quá, còn ráng sức học
để biết thì lại tầm thường quá… Ông Đại trả lời thay:)
- Tôi thuộc loại thứ ba cậu ạ! Tôi phải vật lộn với chữ nghĩa mới nhét nổi
chúng vào đầu! Bẩm sinh tôi vốn ngu, học mãi mới sáng ra chút ít! [163, 26]
Phát ngôn của ông Đại là một câu kết luận, đánh giá về năng lực của
chính ông nhưng thực chất là để ám chỉ năng lực của người đối thoại (cậu
thanh niên – công tử nhà giàu). Đó cũng chính là hàm ý mỉa mai mà ông
gửi tới cậu ta: chữ nghĩa chẳng vào đâu mà lúc nào cũng ra vẻ ta đây là
người hiểu biết lắm! Đã dốt lại còn hay khoe mẽ!
(Có lẽ hiểu được hàm ý này nên cậu con trai con nhà “ quý tộc” kia
không dám tới chơi nhà ông Đại nữa khiến cô con gái của ông cứ tiếc mãi
vì tuy anh ta có khoe khoang một chút nhưng bù lại, anh ta hiền lành, lại là
con nhà tỷ phú!)
3.4. Về hiện tượng “lệch pha” trong giao tiếp
Việc sử dụng hàm ý trong giao tiếp là một hiện tượng phổ biến trong
đời sống. Chính hiện tượng này đã góp phần nâng hoạt động giao tiếp lên
tầm nghệ thuật. Giao tiếp đạt tầm nghệ thuật là khi những người tham gia
giao tiếp có kỹ năng tạo lập hàm ý và hiểu nhanh, hiểu đúng, hiểu trúng
hàm ý trong câu nói của người đối thoại. Tuy nhiên, hàm ý – từ góc độ của
người nghe (người thụ ngôn) – là kết quả của sự suy ý, do đó, tất yếu, hàm
ý sẽ mang tính chất chủ quan, lệ thuộc vào hoàn cảnh sử dụng; thêm nữa,
từ một phát ngôn – căn cứ vào hoàn cảnh giao tiếp – có thể suy ra không

137
chỉ một hàm ý. Bởi thế, hiện tượng “lệch pha” trong giao tiếp là một thực tế
không thể phủ nhận.
Như đã trình bày ở chương 1, hàm ý có vai trò quan trọng trong việc
định hướng và phát triển cuộc thoại. Vì vậy, chúng ta cần xem xét, đánh giá
hiện tượng lệch pha trong giao tiếp nhằm tìm ra giải pháp khắc phục một
trong những yếu tố dẫn đến sự thất bại trong giao tiếp. Những vấn đề cần
giải quyết là: Thế nào là hiện tượng “lệch pha” trong giao tiếp? Nguyên
nhân của hiện tượng này? Cần có giải pháp nào để hạn chế đến mức tối đa
hiện tượng này?
3.4.1. Dấu hiệu của sự “lệch pha” trong giao tiếp
Sự “lệch pha” trong giao tiếp là hiện tượng các nhân vật tham gia giao
tiếp (người nói, người nghe) không hiểu ý nhau trong quá trình phát – nhận
thông tin. Có thể khái quát thành một số trường hợp “không hiểu ý nhau”
như sau:
a) Người nói dùng hàm ý nhưng người nghe không nhận biết được
(180) (Quyết định bán con để lấy tiền nộp sưu cho chồng, cứu chồng
thoát khỏi cảnh đánh đập dã man, chị Dậu như đứt đi từng khúc ruột.
Không dám nói thẳng cái sự thật quá đau lòng và phũ phàng ấy với con, chị
Dậu đã dùng lối nói có hàm ý:)
- Thôi u không ăn, để phần con. Con chỉ được ăn ở nhà bữa này nữa
thôi. U không muốn ăn phần của con. Con cứ ăn thật no, không phải
nhường nhịn cho u. [176, 64]
Cái Tý còn quá nhỏ để hiểu được hàm ý trong phát ngôn của mẹ nó (Mẹ
đã bán con cho cụ Nghị rồi) dù nó ý thức được sự vô lý trong phát ngôn
của mẹ (Con chỉ được ăn ở nhà bữa này nữa thôi). Bởi thế, nó mới “xám
mặt lại mà hỏi bằng giọng luống cuống: Vậy thì bữa sau con ăn ở đâu?”
(181) (Thấy B mê cá độ bóng đá, có khi thua đến hàng trăm triệu. A
hỏi:)
A: - Cậu có mấy căn nhà ở Hà Nội ?
B: - Tớ chỉ có một căn để ở chứ mấy!
Trong hoàn cảnh này, A gửi tới B hàm ý “cá độ bóng đá nhiều như vậy
có lúc không còn nhà mà ở” nhưng B không hiểu nên đáp lại lời A theo
nghĩa tường minh.

138
b) Người nói không dùng hàm ý nhưng người nghe lại suy ý và nhận
biết nó
(182) (Ở Thể thao hội quán, Xuân “bĩu môi mà rằng”:)
- Xin ngài nói tiếng ta cũng đủ! [173, 154]
Vì dốt nên khi nghe nhà trí thức nói tiếng tây, Xuân không hiểu gì, đành
nói liều. Một lời đề nghị hoàn toàn tường minh của Xuân Tóc Đỏ nhưng
nhà trí thức lại suy ý và cho rằng Xuân “cảnh cáo” mình vì tội “khinh tiếng
mẹ đẻ” để rồi tự bản thân nhà trí thức cảm thấy bẽ mặt, xấu hổ.
c) Người nói gửi hàm ý X nhưng người nghe lại suy ý ra hàm ý Y
Khi tiếp nhận phát ngôn của A (có hàm ý X), B hiểu A đang gửi “thông
điệp” ngầm ẩn tới mình nhưng trong quá trình suy ý, B lại hiểu rằng thông
điệp ngầm ẩn mà A gửi tới mình là Y (hoàn toàn khác với X). Ví dụ:
(127) (Sau khi nhận ra Lực chính là người chồng cũ của Thai (vợ Quảng
bây giờ), Quảng tìm đến Lực để nói chuyện. Trả lời câu hỏi “tại sao lại
nhận ra tôi” của Lực, Quảng nói:)
Quảng: – Tôi muốn nói … muốn tâm sự với ông rằng, tôi cũng đã từng
trải qua cái hoàn cảnh của một anh chồng bị cắm sừng. Lúc ở tù về, tôi đã
gặp người đàn ông khác ăn ở ngay trong nhà mình.
Lực: - Vì vậy mà ông thường có có cái tinh ý … đối với những người
đàn ông khác chăng? [153, 489]
Ví dụ này đã được phân tích ở 3.2.3. Lực đã hiểu sai ý của Quảng. Biết
vậy nên Quảng vội vàng đáp: “Ông hiểu hơi sai … Thai không bao giờ như
vợ trước của tôi, trước sau Thai vẫn là người vợ đứng đắn, thủy chung”.
Cũng có khi người nghe hiểu hàm ý của người phát ngôn theo một
phạm vi khác nhau, có khi lớn (nhiều) hơn, cũng có khi bé (ít) hơn. Ví dụ:
(183) (Chứng kiến cuộc sống có tính chất “địa ngục trần gian” của
người đàn bà hàng chài, Chánh án Đẩu tìm cách cứu chị khỏi tình trạng
“cùng quẫn” ấy. Tại tòa án, Chánh án Đẩu nói với người đàn bà:)
A: - Chị không sống nổi với cái lão đàn ông vũ phu ấy đâu. Chị nghĩ thế
nào?
(Người đàn bà hốt hoảng quay về phía Đẩu, chắp tay vái lia lịa:)
B: - Con lạy quý tòa! [153, 342]
Phát ngôn của Chánh án Đẩu như một lời khuyên, một sự gợi ý tìm lối
thoát cho người đàn bà. Trong hoàn cảnh giao tiếp này, Chánh án Đẩu đã
139
cố tình vi phạm nguyên tắc giao tiếp (cung cấp lượng tin nhiều hơn mức
cần thiết; nói những điều mâu thuẫn với lẽ thường – một Chánh án không
được đưa ra những phát ngôn mang tính chất “mớm cung” như thế) nhằm
gửi hàm ý: Chị nên bỏ chồng đi, chúng tôi sẽ tạo thuận lợi cho chị trong
việc này. Tuy nhiên, người đàn bà nghĩ Chánh án Đẩu đang ép bà bỏ chồng
(sự suy ý của bà lớn hơn thông điệp mà chánh án Đẩu gửi) nên mới có thái
độ “hốt hoảng” và hành động “chắp tay vái lia lịa”. Thái độ và hành động
ấy trở thành “chỉ dẫn” để người nghe suy ý, hiểu đúng điều mà bà muốn
nói: Tôi không thể bỏ ông ta, đừng bắt tôi phải bỏ chồng!
Đây cũng chính là yếu tố làm nên tính có lý do cho sự tồn tại của phát
ngôn có vẻ như “ngớ ngẩn” của người đàn bà hàng chài.
3.4.2. Một số nguyên nhân
- Về hình thức: các phát ngôn bị/được người nghe hiểu nhầm đều có dấu
hiệu của sự coi thường/vi phạm các phương châm hội thoại (có lượng tin
nhiều/ít hơn so với yêu cầu; có vẻ không chân thực (tức mâu thuẫn với lẽ
thường) hoặc không phù hợp với hoàn cảnh…). Tất cả những điều đó khiến
người nghe, khi tiếp nhận phát ngôn, đều cố gắng tìm ra tính quan yếu (tính
có lý do) cho phát ngôn bằng cách đi tìm câu trả lời cho các câu hỏi như:
Tại sao lại cung cấp lượng tin nhiều/ít thế? Tại sao lại nói “ngớ ngẩn” thế?
Nói như thế nhằm mục đích gì?,... Đây là nguyên nhân dẫn đến hiện tượng
“người nói không dùng hàm ý nhưng người nghe lại suy ý và nhận biết nó”.
- Về sự phù hợp (quan yếu): Các phát ngôn gây ra hiện tượng “lệch
pha” thường được phát ngôn trong một bối cảnh không có sự tương đồng
giữa những người đối thoại về nhận thức, văn hóa, tâm lý,... Chẳng hạn, ở
ví dụ (128), chị Thái nói chuyện và đề nghị bà Thư với thái độ chân thành
và đầy thiện chí. Tuy nhiên, khi đưa ra phát ngôn của mình, chị Thái chưa
chú ý đến sự tương đồng về tâm lý (bà Thư sống cô đơn, nghèo khó nên
hay tự ty), về hoàn cảnh (chị Thái đề nghị bà Thư ngừng đun than và đưa
đồ ăn sang chị nấu giúp tại thời điểm bà đang nhóm bếp, khói bay mù
mịt…). Bởi thế, dù chân thành đến mấy, lòng tốt của chị Thái cũng bị bà
Thư hiểu nhầm (bà cho rằng chị Thái chê bà nghèo khó, coi thường bà).
Một vài ví dụ khác:

140
(184) (Bố đi công tác, một mình mẹ phải lo dọn dẹp nhà cửa, làm cơm
tất niên. Hai chị em Khánh Linh, Khánh Thư chơi ở ngoài phòng khách,
trêu chọc nhau rồi khóc. Mẹ gọi cả hai chị em vào và bảo:)
- Hai chị em dắt nhau đi một vòng quanh xóm, hỏi xem gia đình các bác
chuẩn bị Tết đến đâu rồi!
(Bé Khánh Thư (3 tuổi) dắt tay chị Khánh Linh và giục: Đi! Chị!; còn
Khánh Linh (8 tuổi) thì vòng tay xin lỗi mẹ).
(185) A1 (con): - Mẹ ơi, con bị đau họng.
B1 (mẹ): - Vào lấy nước đá uống nữa đi!
(Buổi tối, trước khi lên phòng học, A mở tủ lạnh lấy đá pha nước uống)
B2: - Lại uống nước đá, rồi lại kêu đau họng.
A2: - Con chẳng hiểu mẹ thế nào, khi thì bảo con lấy nước đá uống, khi
con lấy nước đá uống thì lại mắng.
Ở (184), người mẹ dùng phát ngôn có hàm ý (một mình mẹ phải lo công
việc, tết nhất, các con chẳng giúp gì được lại còn làm phiền mẹ) để nhắc
nhở các con nhưng vì Khánh Thư còn quá bé, chưa đủ ngữ năng để suy ý,
hiểu điều mẹ muốn nói nên bé hiểu lời mẹ theo nghĩa tường minh; còn
Khánh Linh lớn hơn, ngữ năng đã phát triển ở mức độ nhất định nên nhận
ra điều mẹ nói (vì thế, bé mới vòng tay xin lỗi mẹ). Tương tự, ở (185), phát
ngôn B1 của mẹ có hàm ý mỉa mai (vì con uống nhiều nước đá nhiều nên
mới viêm họng). Hàm ý này không được A nhận biết (do có sự chênh lệch
về ngữ năng giữa hai mẹ con). Nhưng khi mẹ sử dụng phát ngôn B2 – cũng
có hàm ý (uống nước đá nhiều, bị viêm họng thì đừng có mà kêu), nhưng ở
phát ngôn này, do có sự gắn kết chặt chẽ với hoàn cảnh, do dấu hiệu “chỉ
dẫn” hàm ý rõ hơn (từ “lại” có TGĐ: sự việc nói đến đã xảy ra nhiều lần)
nên người con đã nhận ra hàm ý trong phát ngôn B2 của mẹ.
3.4.3. Giải pháp khắc phục
Từ những phân tích sơ bộ trên, theo chúng tôi, trong giao tiếp, để hạn
chế đến mức tối đa hiện tượng “lệch pha” giữa các nhân vật giao tiếp, mỗi
người khi tham gia giao tiếp, cần lưu ý những điểm sau:
- Khi sử dụng hàm ý vào hoạt động giao tiếp, phải xác định rõ đối tượng
tiếp nhận và đặc điểm của họ (về vị trí xã hội, trình độ văn hóa, kinh
nghiệm sống, quan điểm, ngữ năng, tâm lý,…).

141
- Phải đặc biệt quan tâm đến hoàn cảnh giao tiếp (hoàn cảnh không gian,
thời gian, nói trước đám đông hay nói với một người…), đến quan hệ giữa
người nói với người nghe (quan hệ gia đình, quan hệ xã hội), tới mục đích
giao tiếp cần đạt,… để tìm cách nói sao cho hiệu quả nhất. Về phía người
nghe, phải luôn tự đặt câu hỏi “Nói thế để làm gì? Có ý gì? Hiểu như vậy
có đúng không?”…, đồng thời, tìm câu trả lời thích hợp nhằm khẳng định
tính quan yếu cho phát ngôn mà mình vừa tiếp nhận.
- Khi tham gia giao tiếp, mỗi người cần xác định khi nào có thể dùng
hàm ý, khi nào không thể. Có thể nói, tạo lập và tiếp nhận hàm ý là những
kĩ năng mà con người cần luyện tập thường xuyên để hoạt động giao tiếp
được nâng lên tầm nghệ thuật. Muốn vậy, theo chúng tôi, ngay từ bậc phổ
thông, học sinh cần được làm quen (thực hành) với giao tiếp bằng hàm ý;
đặc biệt, ở bậc THPT, học sinh cần được thực hành tạo hàm ngôn trong
hoạt động giao tiếp (vì ở tuổi này học sinh có đủ năng lực về ngôn ngữ và
trí tuệ để “xử lý” một số tình huống trong cuộc sống thông qua giao tiếp
bằng ngôn ngữ).
Tiểu kết
Phương thức biểu thị hàm ý là cách thức lựa chọn và sử dụng các yếu
tố ngôn ngữ phù hợp với hoàn cảnh giao tiếp cụ thể để tạo hàm ý cho phát
ngôn. Khác với chiến thuật giao tiếp, cách thức sử dụng các yếu tố ngôn
ngữ trong phương thức biểu thị hàm ý không chỉ nhằm tăng hiệu quả, hiệu
lực của phát ngôn mà nhằm tạo tầng nghĩa thứ hai cho phát ngôn.
Theo H. P. Grice và các nhà ngữ dụng học, người ta có thể sử dụng hai
phương thức biểu thị hàm ý sau:
- Phương thức biểu thị hàm ý khái quát, cụ thể là sử dụng các tín hiệu
ngôn ngữ mang tính quy ước, các kiểu cấu trúc phát ngôn đặc thù. Ngoài
những phương thức trên, theo các nhà ngữ dụng học Việt Nam, các lối nói
bóng gió, nói cạnh khóe, nói kháy,… cũng là những cách biểu thị hàm ý
thuộc phương thức này.
- Phương thức biểu thị hàm ý hội thoại đặc thù, cụ thể là cố tình vi
phạm các quy tắc hội thoại, đặc biệt là các phương châm hội thoại, như: sử
dụng phát ngôn P, trừ phi Q trong một số hoàn cảnh cụ thể, vi phạm quy
tắc chiếu vật chỉ xuất, vi phạm phương châm về lượng, phương châm về
chất, phương châm quan hệ, phương châm cách thức trong hội thoại.
142
Qua việc điểm lại danh sách các phương thức biểu thị hàm ý, có thể
thấy:
- Phần lớn các phương thức biểu thị hàm ý được tổng kết là những
phương thức biểu thị hàm ý quy ước.
- Một số loại nghĩa hàm ẩn được nêu thực chất không phải hàm ý.
- Việc người nói cố tình vi phạm các quy tắc, phương châm giao tiếp là
một trong những phương thức hữu hiệu nhất để biểu thị hàm ý hội thoại
nhưng không phải mọi vi phạm nguyên tắc giao tiếp đều nhằm tạo hàm ý.
Có khi chúng chỉ là một chiến thuật giao tiếp
Trên cơ sở gợi ý của các nhà nghiên cứu và những tư liệu tiếng Việt đã
thu thập được, luận án đề xuất một số phương thức biểu thị hàm ý ngữ
dụng – loại hàm ý luôn gắn với hoàn cảnh giao tiếp, như sau :
- Sử dụng các phương tiện ngôn ngữ đặc thù, cụ thể là sử dụng một số
từ ngữ đặc thù (từ ngữ không phù hợp với nghĩa thông thường, đại từ xưng
hô không phù hợp với mối quan hệ trong thực tế giao tiếp, liên từ và tính
thái từ), một số kiểu cấu trúc câu (phát ngôn) đặc thù (cấu trúc so sánh, cấu
trúc nhân quả, cấu trúc X không A đâu mà B, cấu trúc X còn V huống gì Y,
X còn V nữa là, cấu trúc không ngờ A lại V, cấu trúc muốn A thì phải V, cấu
trúc không X thì không Y hoặc không có X thì đố dám Y ).
- Cố ý vi phạm phương châm hội thoại, quy tắc quan yếu, cụ thể là: vi
phạm phương châm về lượng – quan yếu về ngữ dụng (cung cấp lượng tin
ít hơn mức cần thiết, tạo khung thời gian để hạn định nội dung mệnh đề,
tạo phát ngôn điều chỉnh nội dung mệnh đề, tạo phát ngôn so sánh có kiểu
cấu trúc trùng ngôn, cung cấp lượng tin nhiều hơn mức cần thiết) ; vi phạm
về phương châm về chất – quan yếu về ngữ dụng (bằng ngữ điệu, nói mát,
nói bóng, nói lái, ẩn dụ, tạo giá trị thông báo cho TGĐ) ; vi phạm phương
châm quan hệ – quan yếu về đề tài (sử dụng TGĐ, nói lạc đề, sử dụng phát
ngôn chứa yếu tố tượng trưng, tạo chủ đề tương phản cho phát ngôn); vi
phạm phương châm cách thức – quan yếu về lập luận (sử dụng phát ngôn
mơ hồ về vật quy chiếu, sử dụng lối nói vòng, sử dụng lối nói bâng quơ, sử
dụng phát ngôn vi phạm quy tắc hiện diện của các thành phần lập luận).
Việc sử dụng hàm ý trong giao tiếp là một hiện tượng phổ biến trong
đời sống. Tuy nhiên, việc các nhân vật tham gia giao tiếp không hiểu hàm ý
của nhau là chuyện hoàn toàn có thể xảy ra. Những biểu hiện chính của sự
143
“lệch pha” này là : người nói dùng hàm ý nhưng người nghe không nhận
biết được ; người nói không có hàm ý nhưng người nghe lại suy ra nó ;
người nói gửi hàm ý X nhưng người nghe lại suy ý ra hàm ý Y.
Theo chúng tôi, hiện tượng “lệch pha” trong giao tiếp xảy ra do một số
nguyên nhân sau :
- Các phát ngôn bị hiểu nhầm đều có dấu hiệu vi phạm phương châm
hội thoại khiến người nghe cố gắng tìm ra hàm ý ẩn dưới vi phạm đó.
- Các phát ngôn bị hiểu nhầm thường được phát ngôn trong bối cảnh
những người tham gia giao tiếp không có sự tương đồng về nhiều mặt.
Để hạn chế tối đa hiện tượng “lệch pha” giữa các nhân vật giao tiếp,
người nói cần quan tâm đến hoàn cảnh giao tiếp, đến quan hệ giữa người
nói với người nghe, đến trạng thái tâm lý, khả năng tiếp nhận của người
nghe và mục đích giao tiếp cần đạt. Về phía người nghe, phải luôn gắn phát
ngôn tiếp nhận được với hoàn cảnh giao tiếp, vị trí xã hội và quan hệ giữa
người nói với người nghe, trạng thái tâm lý, thói quen nói năng của người
nói và mục đích giao tiếp để không bỏ qua nhưng cũng không hiểu sai
thông tin mà người nói thực sự muốn gửi cho mình.

144
KẾT LUẬN

Hàm ý và phương thức biểu thị hàm ý là một trong những vấn đề trọng
tâm của ngữ dụng học. Tuy nhiên, kết quả nghiên cứu về lĩnh vưc này chưa
thực sự tương xứng với vị trí của nó. Số lượng các công trình chuyên
nghiên cứu về hàm ý còn khá nhỏ so với số lượng các công trình nghiên
cứu về các vấn đề ngữ dụng khác nhưng sự mâu thuẫn, sự bất đồng trong
quan niệm về các vấn đề cơ bản như khái niệm, tiêu chí nhận diện, phương
thức biểu thị,… lại không nhỏ. Bởi vậy, nghiên cứu về hàm ý và phương
thức biểu thị hàm ý trong tiếng Việt , tuy không phải là lĩnh vực mới mẻ
nhưng có ý nghĩa thời sự sâu sắc.
Nghiên cứu về hàm ý và phương thức biểu thị hàm ý, chúng tôi tập
trung giải quyết những vấn đề cơ bản sau:
1. Thống nhất cách hiểu về những khái niệm xuất phát để nghiên cứu
hàm ý và phương thức biểu thị hàm ý, cụ thể là: phát ngôn, cơ cấu nghĩa
của phát ngôn, nghĩa mệnh đề, nghĩa tình thái, nghĩa tường minh, nghĩa
hàm ẩn, hàm ý và điều kiện sử dụng hàm ý trong giao tiếp.
Chúng tôi quan niệm phát ngôn là biến thể của câu trong hoạt động giao
tiếp, tức là một đơn vị thuộc cấp độ lời nói, có kích thước bằng câu.
Về cơ cấu nghĩa của phát ngôn, chúng tôi sử dụng cả ba cặp đối lập:
nghĩa mệnh đề - nghĩa tình thái, nghĩa chủ đề - nghĩa thuật đề, nghĩa tường
minh - nghĩa hàm ẩn. Nghĩa mệnh đề là nghĩa do các từ riêng biệt và cấu
trúc cú pháp tạo ra, tức là nghĩa của câu, nhưng vì câu là bất biến thể của
phát ngôn nên nghĩa đó cũng bao hàm trong nghĩa của phát ngôn. Nghĩa
tình thái là phạm trù ngữ nghĩa chức năng thể hiện các dạng quan hệ khác
nhau của phát ngôn với thực tế cũng như các dạng đánh giá chủ quan khác
nhau đối với điều được thông báo, thể hiện mục đích phát ngôn của người
nói và sự tác động qua lại giữa người nói với người đối thoại. Bộ phận nghĩa
tình thái được mã hóa trong những hình thức ngôn ngữ nhất định phần nào
độc lập với hoàn cảnh sử dụng thuộc về nghĩa tường minh của phát ngôn. Bộ
phận không được mã hóa bởi các phương tiện ngôn ngữ, chỉ bộc lộ đầy đủ
khi xét đến tình huống sử dụng, gọi là tình thái của hành động phát ngôn
(tình thái của mục đích phát ngôn), thuộc về nghĩa hàm ẩn của phát ngôn.

145
Đưa nghĩa chủ đề vào cơ cấu nghĩa của phát ngôn, luận án nhằm giải
đáp cho các vấn đề như: Nghĩa chủ đề có mối quan hệ với hàm ý không?
Việc xác lập nghĩa chủ đề có liên quan như thế nào đến việc biểu thị hàm ý,
đặc biệt là trong tiếng Việt – ngôn ngữ được cho là thiên chủ đề?
Khác với nghĩa tường minh - ý nghĩa rút ra từ nghĩa đen, nghĩa bóng
của các từ ngữ có mặt trong câu và quan hệ cú pháp giữa các từ ấy, nghĩa
hàm ẩn là thông tin không được thể hiện trên bề mặt câu chữ của phát ngôn
nhưng có thể nhận biết nhờ suy ý trên cơ sở hiển ngôn, hoàn cảnh phát
ngôn và quy tắc điều khiển hành vi ngôn ngữ, điều khiển lập luận, điều
khiển hội thoại,…
Mặc dù còn có những điểm khác biệt nhưng các nhà nghiên cứu đều
thống nhất với nhau là nghĩa hàm ẩn gồm 3 loại: dẫn ý, TGĐ và hàm ý. Có
thể thấy hàm ý, dẫn ý và TGĐ đều là nghĩa hàm ẩn của phát ngôn bởi
chúng đều không được nói ra một cách tường minh. Tuy nhiên, giữa hàm ý,
dẫn ý và TGĐ có những điểm khác nhau rất rõ.
Chúng tôi không giới hạn việc xác định hàm ý trong phạm vi nghĩa
mệnh đề. Trong trường hợp nghĩa tình thái không được biểu đạt bởi các
phương tiện biểu đạt tình thái chuyên biệt thì nghĩa tình thái đó là hàm ý.
Tất nhiên, chỉ những ý nghĩa tình thái hàm ẩn nằm trong chủ định của
người phát ngôn, tức là “điều người nói gửi tới người nghe, muốn người
nghe hiểu” mới được coi là hàm ý.
Các điều kiện sử dụng hàm ý thường được đề cập là hoàn cảnh giao tiếp và
nhân vật giao tiếp. Hoàn cảnh giao tiếp có vai trò đặc biệt quan trọng đối với
sự tồn tại của phát ngôn và sự hình thành hàm ý. Tuy nhiên, không phải mọi
hoàn cảnh giao tiếp đều tham gia tác động vào quá trình tạo hàm ý. Hoàn cảnh
giao tiếp làm điểm tựa cho hàm ý là những hoàn cảnh đặc biệt. Để cuộc giao
tiếp bằng phát ngôn có hàm ý thành công, trước hết phải có sự cộng tác tích
cực giữa người nói với người nghe. Người nói, trong quá trình tạo lập phát
ngôn mang hàm ý, phải tính đến năng lực giải đoán hàm ý ở người nghe. Để
tiếp nhận được thông tin hàm ẩn trong các phát ngôn, người nghe phải có
năng lực ngôn ngữ, năng lực ngữ dụng, tri thức nền và lẽ thường.
2. Phân loại hàm ý.
Trong các tài liệu ngữ dụng học, hàm ý được phân loại dựa trên hai căn
cứ khác nhau:
146
- Dựa theo mức độ phụ thuộc vào hoàn cảnh giao tiếp, hàm ý được chia
thành hàm ý quy ước và hàm ý hội thoại. Hàm ý quy ước là loại hàm ý
được ít lệ thuộc vào hoàn cảnh giao tiếp. Còn hàm ý hội thoại là loại hàm ý
phụ thuộc vào hoàn cảnh giao tiếp.
- Dựa theo khu vực tình thái mà người nói ký gửi vào phát ngôn, hàm ý
được chia thành ba loại: ẩn ý, ngụ ý và dụng ý.
Từ gợi ý của những cách phân loại trên và tư liệu thu thập được, luận án
phân loại và mô tả hàm ý theo những tiêu chí như sau:
- Theo phương tiện biểu hiện, hàm ý được chia thành hai loại là hàm ý
của từ và hàm ý của toàn phát ngôn. Hàm ý của từ là loại hàm ý do một từ
(hư từ hoặc thực từ) biểu thị. Còn hàm ý của toàn phát ngôn là hàm ý được
tạo ra từ toàn bộ tín hiệu ngôn ngữ trong phát ngôn trong hoàn cảnh giao
tiếp nhất định.
- Theo số lượng, hàm ý được chia thành hai loại là hàm ý đơn và hàm ý
phức. Nếu như hàm ý đơn là loại hàm ý duy nhất của phát ngôn thì hàm ý
phức là loại hàm ý có nhiều tầng, trong đó một số hàm ý được suy ra từ
những hàm ý khác.
- Theo quan hệ với nghĩa tường minh, hàm ý được chia thành hai loại là
hàm ý tăng tiến và hàm ý trái ngược. Hàm ý tăng tiến là loại hàm ý đồng
hướng với nghĩa tường minh. Còn hàm ý trái ngược là loại hàm ý nghịch
hướng với nghĩa tường minh.
- Theo quan hệ với các nghĩa hàm ẩn khác, hàm ý được chia thành hai
loại: hàm ý kiêm chức (hàm ý là dẫn ý, hàm ý là TGĐ) và hàm ý không
kiêm chức (các hàm ý còn lại). Dẫn ý và TGĐ vốn không phụ thuộc vào
ngữ cảnh nhưng trong những tình huống giao tiếp cụ thể, người nói có thể
sử dụng dẫn ý và TGĐ như một loại hàm ý. Đó là hai loại hàm ý chúng tôi
mới bổ sung so với hai loại đã được các nhà nghiên cứu xác định là hàm ý
quy ước và hàm ý hội thoại.
- Theo mức độ phụ thuộc vào hoàn cảnh giao tiếp hàm ý được chia
thành: hàm ý quy ước, hàm ý hội thoại.
Kết quả nghiên cứu ở chương này đã thuyết giải phần nào mối quan hệ
giữa việc nghiên cứu hàm ý với phân tích tác phẩm văn chương. Việc phân
tích, miêu tả hàm ý theo những tiêu chí khác nhau sẽ là những gợi ý giúp
người dạy – học ngữ văn nhận diện hàm ý trong tác phẩm văn chương,

147
nâng cao năng lực giải thích, vận dụng kiến thức ngôn ngữ học về hàm ý
vào việc dạy – học văn theo hướng tích hợp; có những biện giải có cơ sở
khoa học hơn, chặt chẽ hơn trong quá trình cảm thụ, phân tích tác phẩm.
3. Các phương thức biểu thị hàm ý
Chúng tôi quan niệm phương thức biểu thị hàm ý là cách thức lựa chọn
và sử dụng các yếu tố ngôn ngữ phù hợp với hoàn cảnh giao tiếp cụ thể để
tạo hàm ý cho phát ngôn. Khác với chiến thuật giao tiếp, cách thức sử dụng
các yếu tố ngôn ngữ trong phương thức biểu thị hàm ý không chỉ nhằm
tăng hiệu quả, hiệu lực của phát ngôn mà nhằm tạo tầng nghĩa thứ hai cho
phát ngôn.
Theo H. P. Grice và các nhà ngữ dụng học, người ta có thể sử dụng hai
phương thức biểu thị hàm ý sau:
- Phương thức biểu thị hàm ý khái quát, cụ thể là sử dụng các tín hiệu
ngôn ngữ mang tính quy ước, các kiểu cấu trúc phát ngôn đặc thù. Ngoài
những phương thức trên, theo các nhà ngữ dụng học Việt Nam, các lối nói
bóng gió, nói cạnh khóe, nói kháy,… cũng là những cách biểu thị hàm ý
thuộc phương thức này.
- Phương thức biểu thị hàm ý hội thoại đặc thù, cụ thể là cố tình vi
phạm các quy tắc hội thoại, đặc biệt là các phương châm hội thoại, như: sử
dụng phát ngôn P, trừ phi Q trong một số hoàn cảnh cụ thể, vi phạm quy
tắc chiếu vật chỉ xuất, vi phạm phương châm về lượng, phương châm về
chất, phương châm quan hệ, phương châm cách thức trong hội thoại.
Qua việc điểm lại danh sách các phương thức biểu thị hàm ý, có thể
thấy:
- Phần lớn các phương thức biểu thị hàm ý được tổng kết là những
phương thức biểu thị hàm ý quy ước.
- Một số loại nghĩa hàm ẩn được nêu thực chất không phải hàm ý.
- Việc người nói cố tình vi phạm các quy tắc, phương châm giao tiếp là
một trong những phương thức hữu hiệu nhất để biểu thị hàm ý hội thoại
nhưng không phải mọi vi phạm nguyên tắc giao tiếp đều nhằm tạo hàm ý.
Có khi chúng chỉ là một chiến thuật giao tiếp
Trên cơ sở gợi ý của các nhà nghiên cứu và những tư liệu tiếng Việt đã
thu thập được, luận án đề xuất một số phương thức biểu thị hàm ý ngữ
dụng – loại hàm ý luôn gắn với hoàn cảnh giao tiếp, như sau :
148
- Sử dụng các phương tiện ngôn ngữ đặc thù, cụ thể là sử dụng một số
từ ngữ đặc thù (từ ngữ không phù hợp với nghĩa thông thường, đại từ xưng
hô không phù hợp với mối quan hệ trong thực tế giao tiếp, liên từ và tính
thái từ), một số kiểu cấu trúc câu (phát ngôn) đặc thù (cấu trúc so sánh, cấu
trúc nhân quả, cấu trúc X không A đâu mà B, cấu trúc X còn V huống gì Y,
X còn V nữa là, cấu trúc không ngờ A lại V, cấu trúc muốn A thì phải V, cấu
trúc không X thì không Y hoặc không có X thì đố dám Y ).
- Cố ý vi phạm phương châm hội thoại, quy tắc quan yếu, cụ thể là: vi
phạm phương châm về lượng – quan yếu về ngữ dụng (cung cấp lượng tin
ít hơn mức cần thiết, tạo khung thời gian để hạn định nội dung mệnh đề,
tạo phát ngôn điều chỉnh nội dung mệnh đề, tạo phát ngôn so sánh có kiểu
cấu trúc trùng ngôn, cung cấp lượng tin nhiều hơn mức cần thiết) ; vi phạm
về phương châm về chất – quan yếu về ngữ dụng (bằng ngữ điệu, nói mát,
nói bóng, nói lái, ẩn dụ, tạo giá trị thông báo cho TGĐ) ; vi phạm phương
châm quan hệ – quan yếu về đề tài (sử dụng TGĐ, nói lạc đề, sử dụng phát
ngôn chứa yếu tố tượng trưng, tạo chủ đề tương phản cho phát ngôn); vi
phạm phương châm cách thức – quan yếu về lập luận (sử dụng phát ngôn
mơ hồ về vật quy chiếu, sử dụng lối nói vòng, sử dụng lối nói bâng quơ, sử
dụng phát ngôn vi phạm quy tắc hiện diện của các thành phần lập luận).
Việc sử dụng hàm ý trong giao tiếp là một hiện tượng phổ biến trong
đời sống. Tuy nhiên, việc các nhân vật tham gia giao tiếp không hiểu hàm ý
của nhau là chuyện hoàn toàn có thể xảy ra. Những biểu hiện chính của sự
“lệch pha” này là : người nói dùng hàm ý nhưng người nghe không nhận
biết được ; người nói không có hàm ý nhưng người nghe lại suy ra nó ;
người nói gửi hàm ý X nhưng người nghe lại suy ý ra hàm ý Y.
Hiện tượng “lệch pha” trong giao tiếp xảy ra do một số nguyên nhân
sau :
- Các phát ngôn bị hiểu nhầm đều có dấu hiệu vi phạm phương châm
hội thoại khiến người nghe cố gắng tìm ra hàm ý ẩn dưới vi phạm đó.
- Các phát ngôn bị hiểu nhầm thường được phát ngôn trong bối cảnh
những người tham gia giao tiếp không có sự tương đồng về nhiều mặt.
Để hạn chế tối đa hiện tượng “lệch pha” giữa các nhân vật giao tiếp,
người nói cần quan tâm đến hoàn cảnh giao tiếp, đến quan hệ giữa người
nói với người nghe, đến trạng thái tâm lý, khả năng tiếp nhận của người
149
nghe và mục đích giao tiếp cần đạt. Về phía người nghe, phải luôn gắn phát
ngôn tiếp nhận được với hoàn cảnh giao tiếp, vị trí xã hội và quan hệ giữa
người nói với người nghe, trạng thái tâm lý, thói quen nói năng của người
nói và mục đích giao tiếp để không bỏ qua nhưng cũng không hiểu sai
thông tin mà người nói thực sự muốn gửi cho mình.
Nghiên cứu về hàm ý và phương thức biểu thị hàm ý trong tiếng Việt là
một công việc hết sức phức tạp bởi nó liên quan đến hoàn cảnh giao tiếp.
Do dung lượng của luận án, do những hạn chế về tri thức và phương pháp
của người nghiên cứu, luận án chỉ dừng lại ở việc xác định khái niệm hàm
ý, phân loại hàm ý và miêu tả một số phương thức biểu thị hàm ý thường
dùng trong giao tiếp của người Việt. Danh sách các phương thức biểu thị
hàm ý có thể còn nhiều khoảng trống, bởi lẽ, ngoài sự hạn chế về năng lực,
người nghiên cứu còn phải đối mặt với một thực tế như Đỗ Hữu Châu đã
khái quát: “Hiệu lực giao tiếp của một ngôn ngữ không thể quy về chỉ một
số những cách dùng của ngôn ngữ đó. Những quy ước về cách dùng của
một ngôn ngữ dù có được phát hiện ra chi tiết đến đâu cũng không bao giờ
đầy đủ bởi vì sự tuân thủ quy ước trong giao tiếp luôn đi kèm với sự phá vỡ
quy ước như hình với bóng” [10, 688] . Để giải quyết triệt để vấn đề này,
ngoài yếu tố thời gian còn đòi hỏi một quá trình trải nghiệm chuyên môn,
một bản lĩnh, một trình độ nghiên cứu nhất định mà bản thân người nghiên
cứu còn phải tiếp tục nỗ lực phấn đấu.

150
A. TÀI LIỆU THAM KHẢO

TÀI LIỆU TIẾNG VIỆT


[1] Phạm Thị Kim Anh. 2005. Tín hiệu thẩm mĩ thuộc trường nghĩa “cây” trong
thơ Việt Nam. Hà Nội, Luận án Tiến sĩ.
[2] Diệp Quang Ban. 1989. Ngữ pháp tiếng Việt. HN.
[3] Dương Hữu Biên. 1997. Vài ghi nhận về lôgic và hàm ý. Ngôn ngữ, số 1.
[4] Dương Hữu Biên. 2000. Giáo trình ngữ nghĩa học thực hành tiếng Việt. Hà
Nội, NXB Văn hóa thông tin.
[5] Phan Mậu Cảnh. 1996. Các phát ngôn đơn phần tiếng Việt. Hà Nội, Luận án
PTS.
[6] Nguyễn Tài Cẩn. 1975. Ngữ pháp tiếng Việt: tiếng, từ ghép, đoản ngữ. NXB
ĐH và THCN.
[7] Nguyễn Hữu Cầu. 1999. Bình diện ngữ dụng trong dạy tiếng. Kỷ yếu
“Những vấn đề ngữ dụng học”. Hội Ngôn ngữ học.
[8] Đỗ Hữu Châu. 1983. Ngữ nghĩa học hệ thống và ngữ nghĩa học hoạt động.
T/c Ngôn ngữ, số 1.
[9] Đỗ Hữu Châu. 2003. Đại cương ngôn ngữ học. Hà Nội, NXB Giáo dục.
[10] Đỗ Hữu Châu. 2005. Tuyển tập Đỗ Hữu Châu (tập 2). Hà Nội, NXB Giáo
dục.
[11] Nguyễn Đức Dân. 1987. Lôgic - Ngữ nghĩa - Cú pháp. Hà Nội, NXB Giáo
dục.
[12] Nguyễn Đức Dân. 1998a. Lôgic và tiếng Việt. Hà Nội, NXB Giáo dục.
[13] Nguyễn Đức Dân. 1998b. Ngữ dụng học, tập 1. Hà Nội, NXB Giáo dục.
[14] Nguyễn Đức Dân. 1999.. Một số vấn đề về tam thoại. Kỷ yếu “Những vấn
đề Ngữ dụng học”. Hội ngôn ngữ học Việt Nam.
[15] Nguyễn Đức Dân. 2007. Ngôn ngữ báo chí – Những vấn đề cơ bản.
NXBGD.
[16] Nguyễn Dương. 1996. Im lặng – Một hành vi ngôn ngữ. Luận văn tốt nghiệp
Đại học Tổng hợp TP Hồ Chí Minh.
[17] Lê Đông. 1996. Ngữ nghĩa – Ngữ dụng câu hỏi chính danh. Hà Nội, Luận
án PTS, 1996.
[18] Hà Minh Đức (chủ biên). 2002. Lý luận văn học. NXB Giáo dục.
[19] Nguyễn Thiện Giáp. 2000. Dụng học Việt ngữ. NXB Đại học Quốc gia.
[20] Nguyễn Thiện Giáp. 2009. Các phương pháp nghiên cứu ngôn ngữ.
NXBGD
[21] Nguyễn Thiện Giáp. 2010. 777 khái niệm Ngôn ngữ học. NXBĐHQGHN.
151
[22] Nguyễn Thiện Giáp, Đoàn Thiện Thuật, Nguyễn Minh Thuyết,. 2005. Dẫn
luận ngôn ngữ học. NXB Giáo dục.
[23] Gilliam Brow – Geogre Yule (Trần Thuần dịch). 2006. Phân tích diễn ngôn.
NXB ĐHQG.
[24] Dương Tuyết Hạnh. 1999. Nhận diện và xác định cấu trúc chức năng của
tham thoại. Kỷ yếu “Những vấn đề ngữ dụng học”. Hà Nội, Hội Ngôn ngữ học
Việt Nam.
[25] Cao Xuân Hạo. 1991. Tiếng Việt – Sơ thảo ngữ pháp chức năng. TPHCM,
NXB Khoa học – Xã hội.
[26] Cao Xuân Hạo. 1998. Tiếng Việt – Mấy vấn đề ngữ âm – ngữ pháp – ngữ
nghĩa. Hà Nội, NXB Giáo dục.
[27] Cao Xuân Hạo (chủ biên). 1999. Ngữ pháp chức năng tiếng Việt, quyển I,
Câu trong tiếng Việt. Hà Nội, NXB Giáo dục.
[28] Trần Anh Hào. 1999. Sự vi phạm “lẽ thường” và tiếng cười trong ngôn ngữ
truyện ngắn Nguyễn Công Hoan. Kỷ yếu “Ngữ học trẻ 99”. Hội Ngôn ngữ học
Việt Nam.
[29] Nguyễn Văn Hiệp. 2006a. Về hàm ngôn quy ước (trên tư liệu tiếng Việt).
Tạp chí Ngôn ngữ, số 2/2006.
[30] Nguyễn Văn Hiệp. 2006b. Nghĩa chủ đề và những cách tiếp cận nghĩa chủ
đề. Tạp chí Ngôn ngữ, số 11/2006
[31] Nguyễn Văn Hiệp. 2008. Cơ sở ngữ nghĩa phân tích cú pháp. NXB Giáo
dục.
[32] Nguyễn Thị Ngân Hoa. 2005. Sự phát triển của ý nghĩa hệ thống biểu tượng
trang phục trong ngôn ngữ thơ ca Việt Nam. Hà Nội, Luận án Tiến sĩ.
[33] Trần Thị Hoa. 1999. Bước đầu khảo sát đặc điểm ngữ nghĩa – ngữ dụng của
câu hỏi tu từ. Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn Hà Nội, Luận văn Cử nhân.
[34] Nguyễn Hòa. 1999. Lực ngôn trung và các kiểu câu. Kỷ yếu “Những vấn đề
Ngữ dụng học”. Hội Ngôn ngữ học Việt Nam.
[35] Nguyễn Chí Hòa. 1991. Phát ngôn ngữ cảnh. Tạp chí Khoa học, số 6.
[36] Nguyễn Chí Hòa. 1998. Bước đầu khảo sát phép lặp trong hội thoại. Kỷ yếu
“Ngữ học trẻ 98”. Hội Ngôn ngữ học Việt Nam.
[37] Nguyễn Chí Hòa. 1999. Một vài đặc điểm của phát ngôn có phần dư được
hình thành bằng phương thức lặp. Kỷ yếu “Ngữ học trẻ 99”. Hội Ngôn ngữ học
Việt Nam.
[38] Trần Thế Hùng. 1999. Tính đa kênh và vai trò của các yếu tố kèm lời và phi
lời trong giao tiếp trực diện (hội thoại). Kỷ yếu “Những vấn đề Ngữ dụng học”.
Hội ngôn ngữ học Việt Nam.
152
[39] Vũ Thị Thanh Hương. 2005. Văn hóa chào hỏi của người Việt. In trong:
“Những vấn đề ngôn ngữ học”. NXBKHXH.
[40] John Lyons (Nguyễn Văn Hiệp dịch). 2006. Ngữ nghĩa học dẫn luận. NXB
Giáo dục.
[41] Đinh Trọng Lạc. 1995. 99 phương tiện và biện pháp tu từ tiếng Việt. Hà
Nội, NXB Giáo dục.
[42] Hồ Lê. 1979. Vấn đề lôgic ngữ nghĩa và thông tin trong lời nói. Ngôn ngữ
số 2.
[43] Hồ Lê. 1993. Cú pháp tiếng Việt, quyển 3. Hà Nội, NXB Khoa học Xã hội.
[44] Hồ Lê. 1996. Quy luật ngôn ngữ, quyển 2: Tính quy luật của cơ chế ngôn
giao. Hà Nội, NXB Khoa học Xã hội.
[45] Đỗ Thị Kim Liên. 1999a. Những phương thức cấu tạo hàm ngôn trong hội
thoại. Kỷ yếu “Những vấn đề ngữ dụng học”. Hà Nội, Hội Ngôn ngữ học.
[46] Đỗ Thị Kim Liên. 2005. Giáo trình Ngữ dụng học NXB Đại học Quốc gia
[47] Nguyễn Thị Hồng Loan. 2008. Kỷ yếu ngữ học trẻ.
[48] Nguyễn Văn Lộc. 2007. Một số vấn đề Ngữ pháp tiếng Việt (Tài liệu giảng
dạy cho học viên Cao học). ĐHSP Thái Nguyên.
[49] Nguyễn Thị Lương. 1995. Một số tiểu từ tình thái dứt câu tiếng Việt với
phép lịch sự trong giao tiếp. Ngôn ngữ, số 2.
[50] Từ Thu Mai. 2000. Nghĩa hàm ẩn hội thoại trong truyện cười dân gian Việt
Nam với sự vi phạm ngữ cảnh giao tiếp. Kỷ yếu “Ngữ học trẻ 2000”. Hội Ngôn
ngữ học Việt Nam.
[51] Nguyễn Thị Thúy Nga. 1999. Bước đầu khảo sát một số phương tiện Ngôn
ngữ biểu hiện tình thái bất thường trong tiếng Việt. Đại học Khoa học Xã hội và
Nhân văn Hà Nội, Luận văn Cử nhân.
[52] Vũ Đức Nghiệu, Nguyễn Văn Hiệp. 2009. Dẫn luận Ngôn ngữ học. NXB
ĐHQGHN
[53] V. S. Panfilov (Nguyễn Thủy Minh dịch). 2008.Cơ cấu ngữ pháp tiếng Việt.
NXB Giáo dục
[54] Hoàng Phê. 1981. Ngữ nghĩa của lời. Ngôn ngữ, số 3+4.
[55] Hoàng Phê. 1982. Tiền giả định và hàm ý tiềm tàng trong ngữ nghĩa của từ.
Ngôn ngữ, số 2.
[56] Hoàng Phê. 1982. Lôgic của ngôn ngữ tự nhiên. Ngôn ngữ, số 4.
[57] Hoàng Phê. 1985. Thử vận dụng logic mờ nghiên cứu một số vấn đề ngữ
nghĩa. Ngôn ngữ, số 1.
[58] Hoàng Phê. 1989. Lôgic ngôn ngữ học. Hà Nội, NXB Khoa học Xã hội.
[59] Hoàng Phê (chủ biên). 2002. Từ điển tiếng Việt. NXB Đà Nẵng.
153
[60] Hoàng Trọng Phiến. 1981. Đặc trưng ngôn ngữ nói tiếng Việt. In trong:
Mấy vấn đề ngôn ngữ học Việt Nam. Hà Nội, NXB Khoa học Xã hội.
[61] Hoàng Trọng Phiến. 1980. Ngữ pháp tiếng Việt – Câu. Hà Nội, NXB ĐH và
THCN.
[62] Trương Thục Phương. 1992. Liên kết ngữ dụng trong lời nói. Hà Nội, Luận
văn tốt nghiệp Đại học Tổng hợp Hà Nội.
[63] Nguyễn Anh Quế. 1998. Hư từ trong tiếng Việt hiện đại. Hà Nội, NXB Giáo
dục.
[64] Đặng Thị Hảo Tâm. 1999. Quy tắc quan yếu và việc lý giải các hành vi
ngôn ngữ gián tiếp từ phía người tiếp nhận. Kỷ yếu “Ngữ học trẻ 98”. Hội Ngôn
ngữ học Việt Nam.
[65] Đặng Thị Hảo Tâm. 1999. Nghĩa hàm ẩn: Các ngữ năng cần yếu để tạo lập,
lý giải, phản hồi. Kỷ yếu “Những vấn đề ngữ dụng học”. Hội Ngôn ngữ học Việt
Nam.
[66] Đặng Thị Hảo Tâm. 2003. Cơ sở lý giải nghĩa hàm ẩn của hành vi ngôn ngữ
gián tiếp trong hội thoại. Hà Nội, Luận án Tiến sĩ
[67] Chu Thị Thanh Tâm. 1995. Đề tài diễn ngôn: Sự cộng tác hội thoại để hình
thành đề tài diễn ngôn và các hành vi đẫn nhập đề tài diễn ngôn. Hà Nội, Luận
án PTS.
[68] Đào Thản. 1998. Từ ngôn ngữ văn chương đến ngôn ngữ nghệ thuật.
NXBKHXH
[69] Nguyễn Kim Thản. 1964. Nghiên cứu về Ngữ pháp tiếng Việt – tập 2. NXB
KHXK.
[70] Nguyễn Thị Việt Thanh. 1999. Hệ thống liên kết lời nói. Hà Nội, NXB Giáo
dục.
[71] Phạm Thị Thành. 1995. Nghi thức lời nói tiếng Việt qua các phát ngôn:
chào, cảm ơn, xin lỗi. Hà Nội, Luận án PTS.
[72] Phạm Văn Thấu. 1997. Hiệu lực ở lời gián tiếp: Cơ chế và sự biểu hiện.
Ngôn ngữ, số 1.
[73] Phạm Văn Thấu. 2000. Cấu trúc liên kết của cặp thoại. Hà Nội, Luận án
Tiến sĩ.
[74] Trần Ngọc Thêm. 1981. Suy nghĩ về một phương pháp phân tích văn bản
thơ. T/c Văn học, số 5.
[75] Trần Ngọc Thêm. 1999. Văn hóa giao tiếp và nghệ thuật ngôn từ. In trong:
Tìm về bản sắc văn hóa Việt Nam. Hà Nội, NXB Khoa học Xã hội.
[76] Nguyễn Thị Thìn. 2000. Câu nghi vấn tiếng Việt: một số kiểu câu nghi vấn
thường không dùng để hỏi. Hà Nội, Luận án Tiến sĩ.
154
[77] Nguyễn Xuân Thơm. 2009. Về khái niệm mệnh đề nghĩa trong ngôn ngữ
học Anh. T/c Khoa học và Công nghệ, Đại học Đà Nẵng, số 3 (32).
[78] Phạm Thị Thủy. 1999. Bước đầu khảo sát câu hỏi tiếng Việt như là một
hình thức biểu hiện kiểu hành vi gián tiếp khuyến lệnh. Đại học Khoa học Xã hội
và Nhân văn Hà Nội, Luận văn Cử nhân.
[79] Nguyễn Minh Thuyết. 1995. Các tiền phó từ chỉ thời – thể trong tiếng Việt.
Ngôn ngữ, số 2.
[80] Nguyễn Minh Thuyết, Nguyễn Văn Hiệp. 1997. Thành phần câu tiếng Việt.
Hà Nội, NXB ĐH Quốc gia.
[81] Nguyễn Việt Tiến. 1999. Về hiện tượng đồng nghĩa ngữ dụng. Kỷ yếu
“Những vấn đề Ngữ dụng học”. Hội Ngôn ngữ học Việt Nam.
[81] Huỳnh Công Tín. 1999. Nói quá trong truyện Bác Ba Phi. Kỷ yếu “Ngữ học
trẻ 99”. Hội Ngôn ngữ học.
[83] Phạm Văn Tình. 1997. Ngữ trực thuộc tỉnh lược trong tiếng Việt. Kỷ yếu
“Ngữ học trẻ 97”. Hội Ngôn ngữ học Việt Nam.
[84] Phạm Văn Tình. 1999. Về khái niệm tỉnh lược. Ngôn ngữ, số 9.
[85] Phạm Văn Tình. 2000. Tỉnh lược yếu tố trong cấu trúc – một số thủ pháp
trong các truyện cười. Ngôn ngữ và đời sống, số 4.
[86] Phạm Văn Tình. 2001. Im lặng – một dạng tỉnh lược ngữ dụng. Kỷ yếu
“Ngữ học trẻ 2001”. Hội ngôn ngữ học Việt Nam.
[87] Bùi Minh Toán. 1999. Từ trong hoạt động giao tiếp tiếng Việt. Hà Nội,
NXB Giáo dục.
[88] Nguyễn Đức Tồn. 2008. Đặc trưng văn hóa - dân tộc của ngôn ngữ và tư
duy. NXB Khoa học xã hội
[89] Nguyễn Thế Truyền. 1998. Nghĩa ẩn dụ khẩu ngữ dưới góc nhìn phong
cách học. Kỷ yếu “Ngữ học trẻ 98”. Hội Ngôn ngữ học Việt Nam.
[90] Lê Anh Xuân. 1999. Câu trả lời gián tiếp: Chối cãi và thanh minh. Ngôn
ngữ và đời sống, số 6.
[91] Lê Anh Xuân. 2000. Các dạng trả lời gián tiếp cho câu hỏi chính danh.
Ngôn ngữ, số 4.
[92] Nguyễn Như Ý (chủ biên). 1996. Từ điển giải thích thuật ngữ ngôn ngữ học.
Hà Nội, NXB Giáo dục.
TÀI LIỆU THAM KHẢO TIẾNG ANH
[93] Adrian A. Kanajian, Richard A. Demers, Ann K. Farmer, Robert M.
Harnish. 1995. Linguistics: An introduction to language and communication. The
MIT Press.
[94] Anne L. Bezuidenhout and Robin K. 2004. Implicature, Relevance and
155
Depault Pragmatic Inference. Palgrave.
[95] Ash Asudeh. 2008. Pragmatic: Presupposition and conventional
implicature.
[96] Gergely Bottyán. The operationality of Grice’s test for implicature. In:
http://www.nytud.hu/cescl/proceedings/Gergely_Bottyan_CESCL.pdf
[97] Back, K. 1994. Conversational implicature. Mind and language.
[98] Back, K. 2002. Quantification, Qualification, and Context: A Reply to
Stanley and Szabo. Mind and Language..
[99] Back, K. 2006. The top 10 misconceptions about implicature. In B. Birner
and G. Ward (eds.), Drawing the Boundaries of Meaning: Neo-Gricean Studies
in Pragmatics and Semantics in Honor of Laurence R. Horn, 21-30. Amsterdam:
Benjamin.
[100] Blakemore, D. 1987a. Semantic Constraints on Relevance. Oxford: Basil
Blackwell.
[101] Blakemore, D. 1992. Understanding utterances. Oxford: Basil Blackwell.
[102] Carston, R. 1987. Being explicit. Behavioral and Brain Sciences.
[103] Carston, R. 1988. Implicature, explicature, and truth-conditional
semantics. In R. Kempson (ed.), Mental Representations: The Interface Between
Language and Reality. Cambridge: Cambridge U. Press.
[104] Carston, R. 1995. Quantity maxims and generalized implicatures. Lingua
[105] Carston, R. 1998a. Informativeness, relevance and scalar implicature. In
R. Carston & S. Uchida (eds.), Relevance Theory: Applications and Implications.
Amsterdam: John Benjamins.
[106] Carston, R. 1998b. Pragmatics and the Explicit-Implicit Distinction.
Unpublished Ph.D. dissertation, University College London, London.
[107] Carston, R. 2002. Thoughts and Utterances: The Pragmatics of Explicit
Communication. Oxford: Blackwell.
[108] Carston, R. 2004. Relevance theory and the saying-implicating distinction.
In Horn and Ward..
[109] Carston, R. 2005. Relevance theory, Grice, and the neo-Griceans: A
response to Laurence Horn’s “Current issues in neo-Gricean pragmatics.”
Intercultural Pragmatics..
[110] Chierchia, Gennaro and Sally McConnell-Ginet. 2000. Conversational
implicature. In Meaning and grammar: An introduction to semantics. Cambridge,
MA: The MIT Press.
[111] Chierchia, Gennaro, Stephen Crain, Maria Teresa Guasti, Andrea Gualmini
and Luisa Meroni. 2001. The acquisition of disjunction: Evidence for a
156
grammatical view of scalar implicatures. BUCLD 25 Proceedings. Somerville:
Cascadilla.
[112] Chierchia, Gennaro. 2004. Scalar implicatures, polarity phenomena, and
the syntax/pragmatics interface. In A. Belletti (ed.), Structures and Beyond.
Oxford: Oxford U. Press.
[113] Cooper, Marilyn. 1977. “Implicatures in Fictional Conservations from
Days of Our Lives and Mary Hartman, Mary Hartman.”
[114] Davis, W. A. 1998. Implicature: Intention, Convention, and Principle in
the failure of Gricean Theory. Cambridge: Cambridge University Press.
[115] Davis, W. A. 2003. Meaning, Expression, and Thought. New York:
Cambridge University Press.
[116] Davis. W. A.2005. Implicature
(http://plato.stanford.edu/entries/implicature)
[117] Frawley, W. 1992. Linguistic Semantics – LEA.
[118] Gazdar, G. (1979a). Pragmatics: Implicature, Presupposition, and Logical
Form. New York: Academic Press.
[119] Geogre Yule. 1997. Pragmatic. Oxford University Press.
[120] Green, M. S. 2002. Review of Implicature: Intention, Convention, and
Principle in the Failure of Gricean Theory, by Wayne A. Davis. Philosophy and
Phenomenological Research.
[121] Givón. 1993. English grammar: A function – based introduction. John
Benjamins publishing company Amsterdam/Philadelphia.
[122] Grice, H. P. 1957. Meaning. Philosophical Review.
[123] Grice, H. P. 1989. Studies in the Ways of Word., Cambridge, MA: Harvard
University Press .
[124] Griffin, Peg. 1977. “Reading and Pragmatics: Symbiosis.” Linguistic
Theory: What Can It Say About Reading?., ed. Roger W. Shuy (Newark, Del.:
International reading Association)
[125] Halliday, M.A.K. 1985. An introduction to Functional Grammar, Edward
Amold.
[126] Hancher, Michael. 1977. “Beyond a speech – Act theory of Literary
Discourse”.
[127] Harcher, Michael. 1978. Grice’s “Implicature” and Literary Interpretation:
Background and Preface.
[128] Hirschberg, Julia. 1985. A Theory of Scalar Implicature. U. of
Pennsylvania dissertation. Revised version published New York: Garland, 1991.

157
[129] Horn, Laurence. R. 1989. A Natural History of Negation. Chicago:
University of Chicago Press.
[130] Horn, Laurence. R. 2004. Implicature. In Horn and Ward (eds.), 3-28.
[131] Horn, Laurence. R. 2007a. Neo-Gricean pragmatics: a Manichaean
manifesto. In N. Burton-Roberts (ed.), Pragmatics, 158-83. Basingstoke:
Palgrave.
[132] Horn, Laurence R. 2007b + 40: Issues in the investigation of implicature.
[133] Kate Kearns. 2000. Implicature and semantic change. In
http://plato.stanford.edu/entries/implicature/
[134] Lee Chungmin. 1999. Contrastive topic: A locus of the interface. In The
Semantics/ Pragmatics Interface from different Point of View 1, K. Turner.
London: Elsevier
[135] Levinson, S. C. 1983. Conversational implicature. In Pragmatics.
Cambridge: Cambridge University Press.
[136] Levinson, S. C. 1987a. Implicature explicated? Behavioral and Brain
Sciences.
[137] Levinson, S. C. 1987b. Minimization and conversational imference. In J.
Verschueren & M. Bertuccelli – Papi (Eds), The Pragmatic Perspective.
Amsterdam: John Benjamins.
[138] Levinson, S. C. 2002. Presumptive Meanings: The Theory of Generalized
Conversational Implicature. University of Chicago Press. Cambridge, MA: MIT
Press.
[139] Marina Sbisà. 2003. Two conceptions of rationality in Grice’s theory of
implycature. In http://plato.stanford.edu/entries/implicature/
[140] Palmer, F. D. 1986. Mood and modality. Cambrige University Press.
[141] Pratt, Mary Louise. 1977. Toward a Speech Act Theory of Literary
Discourse. Bloomington: University of Indiana Press.
[142] Roderick A Jacobs. 1993. A grammar for English Language Professionals
OUP.
[143] Sperber, D. and Wilson, D. 1995. Relevance, Oxford: Blackwell, first ed.
1986.
[144] Thomas, J. 1995. Meaning in interaction: an introduction to Pragmatics.
[145] Van Dijk, Teun A. 1976. “Pragmatics and Poetics.” Pragmatics of
Language and Literature, ed. Teun A. Van Dijk (Amsterdam: North-Holland)

158
B.XUẤT XỨ CÁC VÍ DỤ
[146] Nguyễn Nhật Ánh. .2011. Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ. NXB Trẻ
[147] Nguyễn Hữu Ái. 2006. 101 truyện cười dân gian Việt Nam. NXB Văn hóa
– Thông tin
[148] Đức Ban. 1998. Mồng mười tháng Tám. Truyện ngắn hay 1997. NXB Hội
Nhà văn.
[149] Nguyễn Bính. 1996. Xa cách. Nguyễn Bính – Thơ và đời. NXB Hội Nhà
văn.
[150] Nguyễn Anh Biên. 2001. Quá trình dịu êm. Truyện ngắn Việt Nam thời kỳ
đổi mới (tập 2). NXB Hội Nhà văn.
[151] Hà Minh Đức (sưu tầm và giới thiệu). 2004. Nam Cao toàn tập (tập 1)
NXB CAND
[152] Hà Minh Đức (sưu tầm và giới thiệu). 2004. Nam Cao toàn tập (tập 2)
NXB CAND.
[153] Dương Phong (tuyển chọn). 2008. Nguyễn Minh Châu tuyển tập NXB
Văn học.
[154] Nguyễn Hồng Hạnh. 2000. Tắt lửa tối đèn. Tạp chí VNQĐ số 8/2000
[155] Tô Hoài. 1986. Võ sĩ Bọ Ngựa. NXB Hà Nội
[156] Dương Dương (tuyển chọn). 2006. Nguyễn Công Hoan tuyển tập. NXB
Văn học
[157] Nguyễn Xuân Hưng. 2003. Người đàn ông bé nhỏ. Truyện ngắn tình yêu.
NXB Văn hóa – Thông tin
[158] Khái Hưng. 1991. Nửa chừng xuân. NXB ĐH và THCN.
[159] Nhóm Trí thức Việt (tuyển chọn và giới thiệu). 2011. Hồ Xuân Hương thơ
và đời NXB Văn học
[160] Trương Thị Thanh Hiền. 2003. Tác phẩm. Truyện ngắn tình yêu. NXB
Văn hóa – Thông tin
[161] Trang Thế Hy. 2000. Người bào chế thuốc giảm đau. Truyện ngắn Việt
Nam thời kỳ đổi mới (tập 1). NXB Hội Nhà văn.
[162] Nguyễn Kiều. 2000. Chim khách kêu. Truyện ngắn hay 1999. NXB Thanh
Hóa.
[163] Nguyễn Khải . 1982. Gặp gỡ cuối năm. NXB TP. Hồ Chí Minh.
[164] Ma Văn Kháng. 2007. Mùa lá rụng trong vườn NXB Lao Động.
[165] Ma Văn Kháng. 1998. Thầy Khiển. Truyện ngắn hay 1997. NXB Hội Nhà
văn.
[166] Nguyễn Sông Lam, Nguyễn Lam Châu (tuyển chọn). 2008. Hồ Chí Minh
trả lời phỏng vấn báo chí. NXB Thanh Niên.
159
[167] Thùy Linh. 2001. Bóng câu qua cửa sổ. Tạp chí VNQĐ số 2/2001
[168] Đỗ Hoàng Linh. 2008. Hồ Chí Minh - 474 ngày độc lập đầu tiên. NXB
Thanh Niên.
[169] Trần Diệu Linh. 2000. Thời gian của Thụy. Tạp chí VNQĐ số 7/2000
[170] Anh Ngọc.2000. Năm ấy tôi 26 tuổi. Tạp chí VNQĐ số 8/2000
[171] Hà Phạm Phú. 2001. Chùa Hương. Truyện ngắn Việt Nam thời kỳ đổi mới
(tập 2). NXB Hội Nhà văn
[172] Vũ Trọng Phụng toàn tập – tập 3 – NXB văn học H. 2004
[173] Vũ Trọng Phụng. Số đỏ. NXB Văn học. 1998
[174] Lê Nguyên Phương. 2003. Tình cũ. Truyện ngắn tình yêu. NXB Văn hóa –
Thông tin.
[175] Vũ Hồng Sơn. Chạy án. Kịch bản phim
[176] Ngô Tất Tố. 2010. Tắt đèn. NXB Văn hóa – Thông tin.
[177] Dương Phong (biên soạn). Nguyễn Tuân tuyển tập. NXB Văn học.
[178] Nguyễn Ngọc Tư. Cánh đồng bất tận. NXB Trẻ. 2008
[179] Nguyễn Quang Thân. 1994. Cây bạch đàn vô danh. Tuyển tập 10 truyện
ngắn hay. NXB Hà Nội .
[180] Nguyễn Khắc Trường (giới thiệu). 2005. Nguyễn Thi toàn tập. NXB Hội
Nhà văn.
[181] Nguyễn Huy Thiệp . 2004. Truyện ngắn. NXB Hội Nhà văn.
[182] Trần Văn Thước. 1998. Một năm làm vợ. Truyện ngắn hay 1997. NXB Hội
Nhà văn.
[183] Vũ Thị Thường. 1986. Con yêu con ghét. Truyện ngắn Việt Nam 1945 –
1985. NXB Văn học.
[184] Vương Trọng. 2000. Khách trong nhà. Tạp chí VNQĐ số 6/2000
[185] Quỳnh Vân.2000. Điều giản dị Tạp chí VNQĐ số 8/2000
[186] Thể thao - VTC1, ngày 25/3/2008
[187] Thể thao hàng ngày , ngày 27/12/2008
[188] http://ngoisao.net/News/Hau-truong/2009/9/3B9CBA0B
[189] Chương trình thời sự 19h ngày 17/11/2007
[190] Chương trình thời sự 19h ngày 8/6/2010
[191] Chương trình thời sự 19h ngày 10/6/2010

160

You might also like