You are on page 1of 2

TÓM TẮT BẢN ÁN SỐ 1117/2012/LĐ-PT NGÀY 11/9/2012 TAND TPHCM

Tháng 3-2008, ông Nguyễn Ngọc Hùng đã ký hợp đồng làm bảo vệ kiêm sửa chữa điện nước cho
Văn phòng Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) tại TP.HCM, sau đó hai bên ký hợp đồng lao động
không xác định thời hạn. Cuối năm 2008, hai bên ký tiếp phụ lục hợp đồng, thay đổi tên của bên sử
dụng lao động vì lúc này văn phòng chuyển thành cơ quan đại diện Bộ TN&MT tại TP.HCM (gọi tắt là
cơ quan đại diện).

Đầu năm 2010, khu tập thể của cơ quan đại diện mất hai chiếc xe máy. Cơ quan này đã ra văn
bản buộc ông Hùng phải bồi thường cho hai chủ xe mỗi người 10 triệu đồng, trừ vào tiền làm thêm giờ.
Tiếp đó tháng 9-2011, cơ quan ra quyết định chấm dứt hợp đồng lao động với ông Hùng, lý do là ông
không hoàn thành nhiệm vụ, để mất tài sản.

Không đồng ý, ông Hùng khởi kiện ra TAND quận 1 (TP.HCM) yêu cầu tòa hủy quyết định trên,
buộc cơ quan phải nhận ông làm việc trở lại và bồi thường thiệt hại trong những ngày không được làm
việc. Sau đó, ông Hùng thay đổi nội dung khởi kiện, yêu cầu hủy quyết định cho thôi việc, không yêu
cầu trở lại làm việc nhưng cơ quan đại diện phải giải quyết chế độ trợ cấp thôi việc, giao sổ bảo hiểm
xã hội, bảo hiểm thất nghiệp và bồi thường tiền lương những ngày không được làm việc cộng với hai
tháng lương.

Phía cơ quan đại diện thì cho rằng việc chấm dứt hợp đồng của mình là đúng quy định, đã trả trợ
cấp thất nghiệp và sẽ trả sổ bảo hiểm xã hội cho ông Hùng…

Nhận đơn kiện, TAND quận 1 đã xác định cơ quan đại diện là bị đơn. Tháng 7-2012, tòa này xử
sơ thẩm đã chấp nhận yêu cầu của ông Hùng, hủy quyết định cho thôi việc, buộc cơ quan đại diện bồi
thường các khoản như ông Hùng yêu cầu. Sau đó, phía cơ quan đại diện kháng cáo, cho rằng tòa xử
như vậy là không khách quan, đề nghị sửa án sơ thẩm theo hướng bác yêu cầu của ông Hùng.
 Hai tháng sau, tại phiên xử phúc thẩm của TAND TP, đại diện VKSND TP đã cho rằng việc TAND
quận 1 xác định tư cách bị đơn như trên là sai về tố tụng theo Điều 92 BLDS nên đề nghị hủy án để xử
sơ thẩm lại. Theo đại diện VKS, bị đơn trong vụ kiện này phải được xác định là Bộ TN&MT chứ không
thể là cơ quan đại diện.

Theo TAND TP, xét quyết định của bộ trưởng Bộ TN&MT thì cơ quan đại diện của Bộ tại TP.HCM
có các chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức sau: Là một tổ chức giúp việc cho bộ
trưởng, theo dõi tổng hợp tình hình thực hiện nhiệm vụ về lĩnh vực thuộc phạm vi của Bộ trên địa bàn
các tỉnh, thành phía Nam; thực hiện một số nhiệm vụ theo chương trình công tác của Bộ trên địa bàn
được giao phụ trách; phối hợp với các cơ quan đơn vị thuộc Bộ thực hiện công tác chuyên môn được
giao; làm chủ đầu tư các dự án xây dựng của Bộ tại các tỉnh phía Nam được phụ trách; lập dự toán và
tổ chức thực hiện dự toán, quyết toán thu chi ngân sách theo quyết định của Nhà nước và phân cấp
của Bộ; quản lý cán bộ, công chức, người lao động, tài chính, tài sản được giao theo quy định của pháp
luật và phân cấp của Bộ.

Từ đó, tòa nhận định cơ quan đại diện là đơn vị trực thuộc Bộ TN&MT, là cơ quan đại diện hạch
toán báo sổ khi thực hiện dự toán, quyết toán phải theo phân cấp của Bộ, phụ thuộc theo sự phân bổ
ngân sách Nhà nước và phân cấp của Bộ, không phải là cơ quan hạch toán độc lập. Mặc dù trong
quyết định của bộ trưởng Bộ TN&MT có nội dung: “Cơ quan đại diện có tư cách pháp nhân, có con dấu
và tài khoản riêng” nhưng cơ quan này vẫn phải hạch toán báo sổ. Do vậy, cơ quan này có tư cách
pháp nhân nhưng không đầy đủ, vẫn chỉ là một đơn vị phụ thuộc vào pháp nhân là Bộ TN&MT.

Cuối cùng, tòa phúc thẩm đã kết luận: Việc tòa sơ thẩm xác định bị đơn trong vụ án là cơ quan đại
diện là không đúng quy định của pháp luật dân sự. Khi thụ lý vụ án, thấy ông Hùng khởi kiện không
đúng đối tượng, lẽ ra tòa sơ thẩm phải hướng dẫn ông Hùng xác định lại nhưng không làm, đồng thời
chính tòa cũng xác định sai. Do đó để đảm bảo quyền lợi cho ông Hùng, tòa phúc thẩm đã tuyên hủy án
sơ thẩm để giải quyết lại.

You might also like