You are on page 1of 7

TÍNH DÂN TỘC TRONG TÁC PHẨM VĂN HỌC

1. Định nghĩa:
Tính dân tộc không được định nghĩa một cách rõ ràng. Nhưng nó sẽ được định
nghĩa như thế này. Một tác phẩm văn học sẽ có hai mặt: nội dung & hình thức.
Tính dân tộc sẽ được thể hiện ở cả hai mặt đó. Tức là xem xét về nội dung & hình
thức thể hiện một tác phẩm nếu như nói về nội dung tác phẩm đó đi vào nói được
những vấn đề thể hiện đượ đúng tâm lý, cách nghĩ, tư tưởng, tình cảm của một dân
tộc. Còn về hình thức thể hiện nó mang đậm nét về văn hóa dân gian ở những yếu
tố từ văn học cổ truyền trước đây thì được xem xét là một tác phẩm mang tính dân
tộc.
Trước đây người ta thường quy tính dân tộc vào hình thức thể hiện. Nhưng khi
ta tìm hiểu “Hịch tướng sĩ” của Trần Quốc Tuấn hoặc trong đoạn trích “Lẽ ghét
thương” của Nguyễn Đình Chiểu, rõ ràng những tác phẩm này thể hiện tính dân tộc
ở mặt hình thức bởi vì “Hịch tướng sĩ” được viết bằng thể hịch của Trung Quốc,
những điển cố được sử dụng cũng hoàn toàn là của Trung Quốc. “Lẽ ghét thương”
cũng vậy, điển cố từ những lẽ ghét thương của Nguyễn Đình Chiểu tất cả đều của
Trung Quốc. Rõ ràng, tính dân tộc không chỉ được xem xét ở góc độ hình thức mà
ta còn thấy trong “Hịch tướng sĩ” tinh thần yêu nước truyền thống trước giờ của
người Việt Nam. Trong “Lẽ ghét thương”, quan niệm yêu ghét dân gian được thể
hiện rất rõ ràng, rạch ròi khác hẳn những quan niệm đạo đức của Nho giáo. Hơn
nữa, “Truyện Kiều” – một tác phẩm mang đậm tính dân tộc của Việt Nam thì
người ta xem xét không chỉ ở thể lục bát mà bối cảnh, nhân vật… là của nước
ngoài. Nhưng Nguyễn Du đã xử lí rất hay khiến cho người đọc hình dung được
rằng cô Kiều không phải là một cô gái, một kĩ nữ của Trung Quốc mà là một cô gái
thuần Việt & cách nghĩ, cách xử lý rất Việt Nam.
 Chính điều đó giúp cho chúng ta nhận thức được tính dân tộc được thể hiện
ở cả hai mặt: nội dung & hình thức.

2. Đề tài:
- Đề tài là một khái niệm về loại của hiện tượng đời sống được miêu tả. Có bao
nhiêu loại hiện tượng đời sống thì có bấy nhiêu đề tài. Tuy nhiên, cần thấy rõ, đề
tài mang dấu ấn rõ rệt của đời sống khách quan nhưng nó cũng là sự ghi nhận
dấu ấn chủ quan của nhà văn. Bản chất đề tài không mang tính tư tưởng nhưng
cách thức lựa chọn đề tài trong tính hệ thống của quá trình sáng tác đã mang tính
tư tưởng. Bởi vì, việc lựa chọn đề tài này chứ không phải đề tài khác để thể hiện
đã cho thấy, nhà văn coi chính đề tài ấy là quan trọng hơn cả, đáng quan tâm hơn
cả trong cái thời điểm sáng tác đó. Qua sự lựa chọn ấy, nhà văn đã thể hiện khá
rõ tính khuynh hướng trong lập trường tư tưởng của mình.

- Khái niệm loại của đề tài không chỉ bắt nguồn từ bản chất xã hội của tính chất
mà còn gắn liền với loại hiện tượng lịch sử xuất hiện trong đời sống và có âm
vang trong đời sống tinh thần một thời, hoặc trong thời đại nào đó. Nội dung của
tác phẩm văn học có tính dân tộc là những đề tài được khai thác trong cuộc sống
dân tộc như thiên nhiên, cảnh sắc, diện mạo, con người Việt Nam. Nói đến
người mẹ, ta không thể quên hình ảnh người mẹ trong thơ Tố Hữu:

Bầm ra ruộng cấy bầm run

Chân lội xuống bùn tay cấy mạ non

Mạ non bầm cấy mấy đon

Ruột gan bầm lại thương con mấy lần

Mưa phùn ướt áo tư thân

Mưa bao nhiêu hạt thương bầm bấy nhiêu....

(Bầm ơi! - Tố Hữu)

Chiếc áo chàm, chiếc áo nâu nhuộm bùn giản dị được đưa vào các tác phẩm
văn học như một biếu tượng cho người dân, cho quê hương Việt Nam:

Áo chàm đưa buổi phân li

Cầm tay nhau biết nói gì hôm nay.

(Việt Bắc - Tố Hữu)


Bác Hồ đó chiếc áo nâu giản dị

Màu quê hương bền bỉ đậm đà.

(Sáng tháng năm - Tó Hữu)

Một trong phong tục tập quán tốt đẹp nhất của nhân dân Việt
Nam là Ăn quả nhớ kẻ trồng cây, tưởng nhớ đến người đã
khuất:

Đốt nén hương thơm mát dạ Người

Hãy về vui chút mẹ Tơm ơi!

(Mẹ Tơm - Tố Hữu)

Ðề tài có tính khách quan vì bản thân nó chưa thể hiện tính tư tưởng. Những nhà
văn có lập trường tư tưởng khác nhau, thậm chí đối nghịch nhau vẫn có thể cùng
viết về một đề tài. Raxun Gamzatôp từng viết:

“Ðừng nói: trao cho tôi đề tài.

Hãy nói: Trao cho tôi đôi mắt”.

Chế Lan Viên có lần nói về thơ Tố Hữu: “Hãy đi tìm tình cảm, tư tưởng
công nhân hơn là đi tìm ống khói trong thơ Tố Hữu.”

- Tính khách quan của đề tài cũng chỉ mang tính tương đối vì xét đến cùng, đề
tài ít nhiều cũng gắn bó với thế giới tinh thần của nhà văn. Sự quan tâm và hứng
thú của nhà văn đối với một loại đề tài nhất định nào đó nhiều khi cũng xuất
phát từ chỗ đứng, quan điểm tư tưởng, thậm chí từ khuynh hướng chính trị của
nhà văn đó.

3. Chủ đề:
- Chủ đề là vấn đề chủ yếu, trung tâm, là phương diện chính yếu của đề tài. Nói
cách khác, chủ đề là những vấn đề được nhà văn tập trung soi rọi, tô đậm, nêu
lên trong tác phẩm mà nhà văn cho là quan trọng nhất. Nếu đề tài là một nhân tố
tương ứng với đối tượng miêu tả của tác phẩm thì chủ đề lại là một bộ phận
quan trọng của tác phẩm theo một chiều tư tưởng nhất định.

- Có thể nêu lên một số chủ đề của các tác phẩm: Tắt đèn của Ngô Tất Tố tập
trung phản ánh số phận bi thảm của người nông dân do chế độ sưu thuế, sự bóc
lột tàn khốc trong xã hội thực dân nửa phong kiến. Chí phèo của Nam Cao lại
tập trung tô đậm vấn đề tha hóa, biến chất của một bộ phận nông dân và ước mơ
làm người lương thiện của họ. Trong Truyện Kiều, Nguyễn Du nêu bật lên số
phận bi kịch của người phụ nữ, những ước mơ vươn tới hạnh phúc, vấn đề đấu
tranh để thực hiện tự do và công lí. Qua Vợ nhặt, Kim Lân đã phản ánh cuộc
sống khốn khổ của nhân dân ta trong nạn đói khủng khiếp năm 1945 và tình
cảm hướng về cách mạng của họ đồng thời nêu lên một vấn đề có ý nghĩa nhân
bản sâu sắc: Ðó là cái tình trong cuộc sống đời thường của những người lao
động trong một hoàn cảnh gần như hoàn toàn bế tắc. Trong Mùa lạc, Nguyễn
Khải quan tâm đến sự thay đổi số phận của những con người đã từng chịu nhiều
bất hạnh trong xã hội cũ, nay đã tìm lại được niềm vui, hạnh phúc và chỗ đứng
trong xã hội mới.

- Chủ đề luôn được xây dựng từ một đề tài nhất định. Nói cách khác, chủ đề
không phải là một cái gì bên trên, bên ngoài đề tài mà xuất phát từ ý đồ, từ
những gợi ý của những hiện tượng cuộc sống cụ thể thông qua cái nhìn, quan
niệm của nhà văn. Chủ đề thể hiện sự thống nhất hữu cơ giữa hiện thực khách
quan và tư tưởng chủ quan của nhà văn. Vì vậy, cùng viết về một đề tài gần gũi,
nhà văn vẫn nêu lên được những vấn đề sâu sắc khác nhau tùy thuộc vào tài
năng, khả năng thâm nhập đời sống và lí tưởng thẩm mĩ của nhà văn.

4. Tư tưởng:
Trong tất cả các yếu tố tạo thành tác phẩm, tư tưởng có vai trò quan trọng nhất
vì nó có tác dụng chỉ đạo đối với toàn bộ tác phẩm. Tư tưởng quy định phạm
vi của đề tài; tạo ra ý nghĩa của chủ đề; chi phối sự hoạt động và mối liên hệ
giữa các nhân vật; dẫn dắt quá trình phát triển của cốt truyện và tứ thơ; lựa
chọn hình thức kết cấu, ngôn ngữ, loại thể và các biện pháp thể hiện sao cho
thật phù hợp với nó…, tất cả được thực hiện thông qua ý thức năng động, tích
cực của tác giả trong qúa trình sáng tạo. Nói một cách hình ảnh, tư tưởng tác
phẩm giống như một thứ trung tâm bên trong mà mọi chất liệu, mọi yếu tố tạo
thành tác phẩm đều bị hút vào đó như những mảnh sắt bị hút vào một thanh
nam châm; đồng thời, nó tổ chức các chất liệu, các yếu tố đó thành một khối
hoàn chỉnh, thống nhất cùng hướng về một mục tiêu nhất định – đó là ý nghĩa
xã hội của tác phẩm (tác phẩm muốn nhắn gửi người đọc điều gì? Điều đó có
tác động như thế nào đối với đời sống của toàn xã hội và cuộc sống của từng
con người?). Thấu hiểu sâu sắc điều đó, Belinsky đã viết: “Trong những tác
phẩm nghệ thuật chân chính, tư tưởng đâu phải là một khái niệm trừu tượng
được thể hiện một cách giáo điều, mà nó là linh hồn của chúng, nó chan hòa
trong chúng như ánh sáng chan hòa trong pha lê”. Nhà văn Korolenko nói một
cách ngắn gọn hơn: “Tư tưởng là linh hồn của tác phẩm văn học”. Tư tưởng
thương người như thể thương thân, niềm tự hào về cộng đồng, tiền nhân... Đặc
biệt, truyền thống yêu nước của người Việt dường như có tính bản năng:

Ơi Việt Nam! Tổ quốc thân yêu

Trong khổ đau Người đẹp hơn nhiều

Như người mẹ sớm chiều gánh nặng

Nhẫn nại nuôi con suốt đời im lặng

Biết đau thương nên chẳng nhiều lời

Gì quý hơn giá trị trên đời?

Ta hiểu vì sao ta chiến đấu

Ta hiểu vì sao ta hiến máu...

(Xuân 67 - Tố Hữu)

5. Tính cách nhân vật:


- Khái niệm tính cách và tính cách điển hình là những mức độ khác nhau
về chất lượng tư tưởng – nghệ thuật của sự thể hiện con người trong tác
phẩm văn học. Chẳng hạn, trong truyện “Chí Phèo” có rất nhiều nhân vật
như Bá Kiến, bà ba vợ Bá Kiến, Lí Cường, Thị Nở, bà cô Thị Nở, anh đi
thả ống lươn, bà chủ quán, Đội Tảo, Binh Chức, Năm Thọ, Chí Phèo, Tự
Lãng, anh thuyền chài, những người đi chợ buổi sớm v.v…; nhưng trong
số đó rõ ràng chỉ các nhân vật như Bá Kiến, Lí Cường, Thị Nở, Binh Chức,
Năm Thọ, Chí Phèo mới là các nhân vật có tính cách (còn gọi là tính cách
nhân vật, hoặc nói gọn hơn là tính cách); và trong các tính cách ấy chỉ có
Bá Kiến, Chí Phèo mới xứng đáng là những tính cách điển hình (hay nhân
vật điển hình).

- Tính cách có một vai trò hết sức quan trọng đối với cả nội dung và hình
thức của tác phẩm văn học. Đối với nội dung, tính cách có nhiệm vụ cụ thể
hóa sự thực hiện của chủ đề tư tưởng tác phẩm, hay nói cụ thể hơn, thông
qua sự hoạt động và mối quan hệ giữa các tính cách, người đọc sẽ đi đến
một sự khái quát hóa về mặt nhận thức tư tưởng. Tính cách cũng là nhân tố
chủ yếu tạo nên diễn biến của các sự kiện trong qúa trình phát triển của cốt
truyện. Cũng qua hệ thống tính cách, người đọc có thể đánh giá khả năng
biểu hiện nội dung của các yếu tố hình thức như ngôn ngữ, kết cấu, những
quy luật loại thể, các biện pháp thể hiện… Tóm lại, có thể nói như Heghen:
“Tính cách là điểm trung tâm của mối quan hệ giữa nội dung và hình
thức”, còn Đôtxtoiepxki thì khẳng định: “Đối với nhà văn, toàn bộ vấn đề
là ở tính cách”.

- Thực ra cũng cần phải nói tới một cách hiểu khác về khái niệm “tính
cách”. Chẳng hạn, đọc “Tam quốc diễn nghĩa” người ta nhận xét: “Tào
Tháo là nhân vật có tính cách đa nghi, gian hùng, Lưu Bị có tính cách
khoan dung, độ lượng, thương người”…, ở đó khái niệm “tính cách” được
hiểu là những đặc điểm, những phẩm chất nào đó của nhân vật được thể
hiện tương đối rõ nét. Nhưng như đã nói ở trên, chủ yếu khái niệm “tính
cách” được dùng theo cách hiểu sau đây: Tính cách cũng là nhân vật,
nhưng là nhân vật được thể hiện với một chất lượng tư tưởng và nghệ thuật
cao hơn, tuy chưa đạt đến mức độ là những điển hình.

6. Cốt truyện:
- Tính dân tộc thể hiện ở mọi yếu tố từ nội dung cho đến hình thức của sáng
tác văn học. Về nội dung, dễ dàng nhận thấy trước hết, tính dân tộc biểu
hiện trong sự phản ánh "màu sắc" dân tộc của thiên nhiên, của đời sống vật
chất và tinh thần của xã hội. Đọc sáng tác của một dân tộc, ta như sống
cuộc sống của dân tộc đó với những đặc điểm của một thế giới riêng.

- Tuy nhiên, tính dân tộc của văn học không biểu hiện ở những vật thể,
đường nét, màu sắc có thể nắm bắt được. Nội dung căn bản của tính dân tộc
là ở tinh thần dân tộc thể hiện ở tính cách dân tộc và cái nhìn dân tộc đối
với cuộc đời. Đó là những yếu tố tương đối bền vững được hình thành và
phát triển trong những hoàn cảnh địa lí và con đường phát triển lịch sử
riêng của dân tộc, là một phẩm chất chỉnh thể biểu hiện trong một phức hợp
liên kết các phẩm chất nhất định.

- Tính dân tộc còn biểu hiện ở hình thức văn học. Mỗi nền văn học dân tộc
có hệ thống thể loại truyền thống, có các phương tiện miêu tả, biểu hiện
riêng, nhất là có ngôn ngữ dân tộc thể hiện bản sắc riêng trong tư duy và
tâm hồn dân tộc mình.

- Tính dân tộc còn thể hiện ở quá trình phát triển lịch sử độc đáo của văn
học cùng các đặc sắc do quá trình lịch sử ấy mang lại. Ví dụ có thể nhận
thấy sự khác biệt về văn học dân tộc giữa chủ nghĩa hiện thực Nga và chủ
nghĩa hiện thực Pháp thế kỷ XIX.

- Tính dân tộc của văn học mang nội dung lịch sử và phải được xem xét
theo quan điểm lịch sử. Nó được hình thành trong cả một quá trình lâu dài
mà những cái mốc quan trọng là sự hình thành dân tộc và sự vận dụng ngôn
ngữ dân tộc làm ngôn ngữ văn học.

You might also like