You are on page 1of 4

(Dân trí) - "Đất nước ta đang phát triển, nền kinh tế đang chuyển đổi,

nên các chính sách phải có bước đi, lộ trình phù hợp, tránh giật cục,
chuyển trạng thái đột ngột", Thủ tướng Phạm Minh Chính lưu ý.
Định hướng này được Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh khi chủ
trì phiên họp Chính phủ chuyên đề xây dựng pháp luật tháng 4, cho ý
kiến vào dự án Luật Đất đai (sửa đổi) và Luật Nhà ở (sửa đổi).

Với dự án Luật Đất đai (sửa đổi), đến nay đã có trên 12 triệu lượt ý kiến
góp ý, tập trung vào 4 nhóm nội dung lớn và có nhiều vướng mắc như:
Bồi thường, hỗ trợ, tái định cư; giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích
sử dụng đất; tài chính đất đai, giá đất; quy hoạch, kế hoạch sử dụng
đất…

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại phiên họp (Ảnh: VGP/Nhật
Bắc).
Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh đây là dự án luật rất quan
trọng, có phạm vi điều chỉnh rộng, đối tượng nhiều, nội dung khó,
phức tạp, nhạy cảm, tác động lớn đến đời sống nhân dân và các hoạt
động phát triển kinh tế - xã hội.

Dự án Luật được Quốc hội cho ý kiến lần thứ 2 tại kỳ họp thứ 5 và dự
kiến xem xét, thông qua trong 3 kỳ họp.

Người đứng đầu Chính phủ quán triệt các cơ quan cần nghiên cứu, tiếp
thu tối đa các ý kiến của nhân dân về dự án luật theo tinh thần không
cầu toàn, không nóng vội, tôn trọng thực tiễn khách quan. Với những
vấn đề mới, còn nhiều ý kiến khác nhau, Thủ tướng Phạm Minh Chính
gợi ý có thể thực hiện thí điểm để đánh giá tổng kết, mở rộng dần.

Với các nội dung còn ý kiến khác nhau, Thủ tướng lưu ý cần phân tích
rõ ưu, nhược điểm của từng phương án trình cấp có thẩm quyền, thể
hiện rõ quan điểm với phương án. "Đất nước ta đang phát triển, nền
kinh tế đang chuyển đổi, nên các chính sách phải có bước đi, lộ trình
phù hợp, tránh giật cục, chuyển trạng thái đột ngột", Thủ tướng Phạm
Minh Chính nhấn mạnh.

Trong quá trình chỉnh lý dự thảo luật, Thủ tướng yêu cầu quán triệt
nguyên tắc phát huy tối đa các nguồn lực về cơ chế, chính sách đất đai;
đồng thời có công cụ kiểm tra, giám sát phù hợp, chặt chẽ, tránh bị lợi
dụng, phòng chống tham nhũng, tiêu cực.

Cũng theo yêu cầu của Thủ tướng Phạm Minh Chính, các đơn vị cần rà
soát, cắt giảm tối đa thủ tục hành chính rườm rà, tạo điều kiện cho
người dân và doanh nghiệp thuận lợi trong giao dịch, sử dụng đất;
tránh phiền hà, tăng chi phí về thủ tục tuân thủ các quy định.
Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì phiên họp Chính phủ chuyên đề
xây dựng pháp luật tháng 4 (Ảnh: VGP/Nhật Bắc).
Về dự án Luật Nhà ở (sửa đổi), các đại biểu tập trung thảo luận về việc
tiếp thu, giải trình ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đối với dự án
Luật và về một số nội dung cụ thể như sở hữu nhà chung cư có thời
hạn; quyền sử dụng đất gắn với nhà ở do cá nhân nước ngoài sở hữu
tại Việt Nam; hình thức sử dụng đất để phát triển nhà ở thương mại;
chính sách phát triển nhà ở xã hội, nhà lưu trú công nhân, nhà ở cho
lực lượng vũ trang…

Theo Thủ tướng Phạm Minh Chính, đây là những nội dung quan trọng,
phức tạp, có tính nhạy cảm, ảnh hưởng sâu rộng đến người dân và xã
hội nên cần được nghiên cứu để tiếp thu một cách nghiêm túc, cẩn
thận. 

Thủ tướng cũng nêu ý kiến về một số vấn đề cụ thể, trong đó, lưu ý
thiết kế các chính sách  nhằm tạo điều kiện, khuyến khích đầu tư, phát
triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân… bảo đảm công khai, minh bạch,
phòng chống tham nhũng, tiêu cực, lợi ích nhóm.

Thủ tướng Phạm Minh Chính giao cơ quan chủ trì soạn thảo hai dự án
luật trên là Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Xây dựng tiếp tục phối
hợp chặt chẽ với các bộ, cơ quan; chủ động truyền thông về các chính
sách để tạo sự đồng thuận; chọn lọc, tiếp thu ý kiến để tiếp tục hoàn
thiện các dự án luật.

Lãnh đạo Chính phủ giao Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà tiếp tục quan
tâm, trực tiếp chỉ đạo để hoàn thiện các dự án Luật theo phân công,
trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 5 sắp tới.






You might also like