You are on page 1of 8

THE

LOVE INTEREST/ MỐI QUAN HỆ TÌNH CẢM


Nhân vật có quan hệ tình cảm thường được giới thiệu trên màn ảnh như là chiến tích, phần
thưởng danh giá dành cho nhân vật chính diện, điều này trớ trêu thay lại đi ngược với vai
trò của loại nhân vật này. Nếu như biên kịch cho rằng nhân vật có quan hệ tình cảm là thứ gì
đó chỉ để đạt được, chiến thắng, sở hữu được, thì hẳn là biên kịch đã quá xem nhẹ tình yêu
& lãng mạn! Bởi vì khán giả đang được trải nghiệm câu chuyện, hành trình qua góc nhìn của
nhân vật chính diện, thế nên mỗi khi tôi/ tác giả bài viết này/ cần tạo ra một nhân vật có
mối quan hệ tình cảm, tôi luôn tự nhắc nhở mình rằng phải làm cho khán giả “cảm” được
mối quan hệ đặc biệt giống như cái cách mà hai nhân vật đang yêu nhau cuồng si trên màn
ảnh/ trong kịch bản vậy. Mọi người cần có thiện cảm tăng dần đều khi họ được giới thiệu và
theo dõi hành trình của nhân vật. Nếu như khán giả còn “Ồ” lên và đồng điệu với một máy
tính trong phim HER thì điều này hoàn toàn có thể đạt được với bất kỳ biên kịch nào. Một
nhân vật có mối quan hệ tình cảm không đơn thuần chỉ là một anh chàng 6 múi vạm vỡ to
cao hay một cô đào nóng bỏng với bờ ngực căng tròn đầy sức sống (điều mà dù biên kịch có
cố gắng viết ra bao nhiêu cũng có khả năng bị đạo diễn gạt đi và thay đổi theo hướng ông
ta/ cô ta thấy phù hợp).
Ai ai cũng biết rõ lối làm việc của Hollywood: Họ thường tuyển diễn viên cho nhân vật có
quan hệ tình cảm phải trông thật đẹp, thật hấp dẫn khi đứng cạnh nhân vật chính diện. Vậy
nên các biên kịch thân mến, đừng chăm chăm mô tả ngoại hình hút mắt của nhân vật có
quan hệ tình cảm. Đạo diễn và giám đốc phụ trách casting sẽ lo lắng về việc đó. Việc của
biên kịch là tạo nên một nhân vật năng động, thú vị, vui tính, sắc sảo, và hoàn hảo theo cách
riêng của họ dành riêng cho nhân vật chính diện mà thôi, một vai diễn mà khiến cho những
tài tử, những cô đào nóng bỏng nhất của Hollywood phải khổ sở giành giật lấy. Đơn cử như
vai diễn kinh điển “Cheryl” trong phim The Sessions. Cô nàng là một trợ lý điều trị tâm sinh
lý chuyên nghiệp hỗ trợ các bệnh nhân đang cần phục hồi chức năng (professional sex
surrogate) đang có hôn nhân gia đình không mấy hạnh phúc, cho đến khi cô được trả lương
để hỗ trợ một người đàn ông bị bại liệt (nhưng lại rất tuyệt vời và lãng mạn) nếm trải cảm
giác làm tình lần đầu tiên trong đời.


Cheryl giúp một người bị bệnh bại liệt làm tình lần đầu tiên trong đời trong phim The
Sessions
Mọi nhân vật đều phải mang ý nghĩa gì đó trong thiết kế bản lề cho câu chuyện của bạn.
Giống như việc nhân vật phản diện phải là người thử thách, đưa ra phản đề cho cái tiền đề
của câu chuyện thông qua việc thách thức, tạo thêm các thử thách cho hành trình bên ngoài
của nhân vật chính diện, nhân vật có quan hệ tình cảm cần tác động đến hành trình thay đổi
của nhân vật và từ đó tạo động lực cho nhân vật chính diện phát triển tuỳ theo hành trình
nội tâm của anh ta/ cô ta. Mối quan hệ sẽ phải có liên kết nhất định đến một bài học nào đó,
một giá trị cốt lõi, hoặc là trọng tâm của sự phát triển bởi nhân vật chính diện. Vậy nên, khi

tạo nên một nhân vật có mối quan hệ tình cảm, thay vì đặt câu hỏi “Nên có những yếu tố thu
hút gì ở nhân vật này?”, bạn nên bắt đầu với “Nhân vật chính diện của mình thật sự cần
những gì ở một bạn đồng hành trên chuyến hành trình bên ngoài để từ đó giúp hoàn thiện
bản thân nhân vật chính diện hơn nữa?”
Ví dụ: Nhân vật Audrey trong phim Little Shop of Horrors hoàn toàn đối lập với nhân vật
chính diện Seymour, người tự ti, người luôn e ngại sượng sùng đứng lên tranh đấu cho bản
thân. Chỉ đến khi Seymour nhận ra những giá trị tuyệt vời của Audrey (mà cô nào biết) thì
anh mới dũng cảm gạt đi những tự ti của bản thân mà phát triển thành một người trụ cột
dẫn đầu chuẩn mực. Chỉ có tình yêu mới lấp đầy được khoảng cách giữa hai nhân vật (được
tạo ra do mỗi nhân vật đều có khuyết điểm của riẻng mình) và kết nối hai người lại với
nhau ở cuối phim. Đúng như câu thoại kinh điển trong phim Jerry McGuire: tình yêu của em
chính là thứ hoàn thiện đời anh (You complete me).


Dorothy Boyd không đơn thuần là một gương mặt xinh đẹp trong phim Jerry McGuire.
Chính cô đã giúp nhân vật chính diện phát triển, hoàn thiện bản thân hơn nữa
Nhân vật có quan hệ tình cảm chính là “mỏ neo” giúp cân bằng cảm xúc mà biên kịch đặt hy
vọng vào đó dành cho sự phát triển trong tương lai của nhân vật chính diện. Nhân vật có
quan hệ tình cảm sẽ góp phần thay đổi cuộc sống, tạo nên một tương lai mới dành cho nhân
vật chính diện. Nhân vật này phải được thiết kế sao cho cô nàng/ anh chàng đại diện cho tất
thảy những gì mà nhân vật chính diện mong mỏi được tương xứng ở cuối phim, nếu không
làm được như vậy thì biên kịch sẽ khiến khán giả dễ dàng thất vọng khi không có được trải
nghiệm chính xác nhất về giấc mơ Mỹ, về giấc mơ của điện ảnh: bất kỳ ai cũng có thể tìm
thấy, nhận ra, và đạt được những đam mê của bản thân. Vì tình yêu là gì nếu như nó không
mơ hồ như những giấc mộng? Giờ đây, liệu giấc mộng tuyệt đẹp ấy có trở thành hiện thực
hay sẽ vỡ tan, là tuỳ thuộc vào biên kịch, và “gánh nặng” này đã truyền thống từ lúc câu
chuyện tình Romeo & Juliet làm đau đớn biết bao nhiêu người, khiến cho bao con tim phải
thổn thức.


Còn câu chuyện tình nào làm day dứt người xem mãi như cặp đôi trẻ tuổi Juliet và chàng
Romeo?
Nhân vật có quan hệ tình cảm thường được sử dụng như là thước đo cho việc nhân vật
chính đã tiệm cận đến nhường nào trong hành trình phát triển nhân vật. Điều này cũng
đồng nghĩa với việc nhân vật có quan hệ tình cảm là một người luôn đưa ra những góp ý
nhận xét chân tình nhất về các khuyết điểm của nhân vật chính diện để từ đó đặt nặng thử
thách nhân vật chính diện phát triển mạnh mẽ hơn nữa. Cô nàng Rita là một ví dụ tuyệt vời
cho ý trên đối với nam chính Phil phóng viên trong phim Groundhog Day. Khán giả biết rõ
rằng Phil sẽ chẳng thể nào chiếm được trái tim của cô gái mà chàng mê đắm trừ khi bản
thân anh chàng thực sự thay đổi. Vậy nên có thể nói mối quan hệ giữa hai nhân vật này cũng
phải đồng điệu như 2 thái cực Âm-Dương vậy. Chẳng có một nhân vật nào là hoàn hảo
không tì vết, nhưng 2 nhân vật này là cặp đôi hoàn hảo dành cho nhau, và phải được trình
bày sao cho khán giả/ người đọc cũng thật sự đồng cảm theo.
Giống như một nàng thơ trong văn học Hy Lạp cổ đại, nhân vật có mối quan hệ tình cảm
cần:
1) Luôn cổ vũ (hoặc bằng cách nào đó thử thách, tạo cảm hứng, thậm chí là thúc đẩy
đến cực độ) nhân vật chính diện.
2) Bắt buộc nhân vật chính diện phải có những thay đổi nhất định để có được cảm tình
và sự nể trọng của khán giả khi đến cuối phim.
3) Là lý do khiến cho nhân vật chính diện có được cảm tình của khán giả, khán giả phải
luôn dõi theo và mong mỏi nhân vật chính diện là người có được chiến thắng sau
cùng của bộ phim.
Nhân vật có quan hệ tình cảm phải là câu trả lời cho việc khơi nguồn cảm hứng nhân vật
chính diện. Ngạn ngữ xưa từng nói, phụ nữ luôn tìm cách thay đổi người đàn ông mà họ yêu
trở thành người lý tưởng theo chuẩn mực của riêng họ. Người đàn ông cần phải có niềm tin
rằng anh ấy đủ sức thay đổi. Một biên kịch tốt phải biết tận dụng nghệ thuật dựa trên cuộc
sống, nhưng cũng đừng tự đặt giới hạn cho mình phải đi theo những lối mòn sáo rỗng. Và
lưu ý là điều này hoàn toàn có thể áp dụng cho cả nhân vật nam & nữ. Nó có thể áp dụng
trong những bộ phim hoành tráng giả tưởng đặt nặng tính trượng phu như AVATAR
(2009), hay những bộ phim tình cảm diễm lệ dành riêng cho các cô nàng mộng mơ có đôi
chút sến sẩm (như cách hoàng tử Charmont nhờ nàng Ella xinh đẹp tìm cảm hoá giải lời
nguyền thông qua việc chấp nhận lời yêu trong phim Enchanted)…
Giờ qua một chủ đề khác, chỉ vì nhân vật có quan hệ tình cảm truyền cảm hứng mãnh liệt
cho nhân vật chính diện không có nghĩa cả hai luôn luôn nhìn về một hướng, đồng ý với
nhau ở mọi vấn đề, luôn luôn gắn bó với nhau. Nhân vật chính diện có thể chẳng có chút

cảm tình gì với nhân vật có quan hệ tình cảm (the love interest) ở đầu phim, đơn thuần là
anh ta gặp gỡ chạm trán cô nàng mà thôi (và cảm thấy bị kích động). Ví như bộ phim hài
tình cảm năm 1992 về trượt băng nghệ thuật, The Cutting Edge: khi bộ phim càng tiến triển
về sau, người xem được dõi theo những ẩn dụ của 2 chữ “thành công” là như thế nào, hay
chuyến hành trình phát triển nhân vật có ý nghĩa to lớn ra sao, một chuyến hành trình mà
cuối cùng cùng mang 2 người ngã vào vòng tay của nhau.
Một câu chuyện nhàm chán là câu chuyện mà nhân vật chính có được mọi thứ quá dễ dàng.
Phải có sự chật vật, phải có những va chạm, phải có những mâu thuẫn diễn ra mới khiến cho
khán giả mê đắm dõi theo câu chuyện đang được kể. Tương tụ, tình cảm mà nhân vật chính
đạt được cần phải có nhờ vào việc bản thân phấn đấu không ngừng nghỉ để phát triển hơn
nữa. Kể cả khi câu chuyện tình về hai vợ chồng thì mối quan hệ của cả hai cần phải là chất
xúc tác khiến cho nhân vật chính diện hoàn thiện mình trở thành một người chồng/ người
vợ lý tưởng vào cuối phim. Vì cũng giống như ngoài đời, để duy trì được một mối quan hệ
dài lâu cần có sự phấn đấu của cả 2 người, sự kiên nhẫn, sự cảm thông thấu hiểu, sự hy sinh,
và sự thoả hiệp (ý là chưa kể đến chăm sóc con cái, áp lực tài chính, và tiến độ công việc).
Những bộ phim như The Family Man, The Story of Us, và This is 40 nhấn mạnh vào điều
này.


Cô vợ Kate Reynolds của Jack Campbell là người mà anh cần có trong đời để nhắc nhở anh
nhớ những thứ gì mới thật sự quan trọng trong phim The Family Man
Có khá nhiều khía cạnh để một nhân vật dần thay đổi và phát triển bản thân mà từ đó có tác
động nhất định đến một mối quan hệ từ rất lâu trước khi xuất hiện khung hình đầu tiên
trên màn ảnh. Biên kịch cần tạo nên những mâu thuẫn giữa nhân vật chính và tất thảy các
nhân vật khác trong câu chuyện, kể cả nhân vật có mối quan hệ tình cảm. Nếu không có mâu
thuẫn, va chạm, chẳng có câu chuyện nào để xem ở đây cả. Ví dụ, hai người có chung một
mục đích sẽ có mâu thuẫn về việc làm theo cách nào để đạt được mục đích ấy.
Nhân vật có quan hệ tình cảm còn thể hiện giúp người xem hiểu được nhân vật chính diện
sẽ tốt hơn biết bao nhiêu, sẽ được tưởng thưởng những gì trong chuyến hành trình “bên
ngoài” của mình nếu như anh ta thành công trong việc chiếm được tình cảm hoặc cứu mạng
người mà giúp cho anh cảm thấy đồng điệu. Nếu như thiếu đi nhân vật có quan hệ tình cảm,
nhân vật chính sẽ chẳng có được cảm giác hạnh phúc, viên mãn, tròn đầy. Đây là lý do vì sao
mà nhân vật có quan hệ tình cảm thường được biên kịch và đạo diễn đặt vào các tình huống
thập tử nhất sinh (như việc bị trói vào đường ray xe lửa đang băng băng chạy tới trong các
phim Cao Bồi ngày xưa).


Cô nàng Alabama luôn bị săn đuổi, cận kề hiểm nguy từ gã giang hồ Virgil trong phim True
Romance
Nhân vật Clarence Whorley lâm vào hằng sa số rắc rối chỉ để giải thoát cô nàng Alabama
khỏi tên ma cô tàn bạo trong phim True Romance. Cả hành trình của anh chàng chỉ bắt đầu
khi anh quyết định giải cứu người con gái mà anh yêu say đắm. Ngoài ra, chữ “tình yêu” ở
đây không hẳn gói gọn trong phạm trù nam-nữ mà còn có thể mở rộng ra, đơn cử như tình
yêu gia đình trong phim Little Miss Sunshine…
Nếu như nhân vật chính diện thất bại trong việc hoàn thiện bản thân trên chuyến hành
trình phát triển, điều đó đồng nghĩa với việc tương lai của anh ta/ cô ta sẽ trở nên bấp bênh
hơn bao giờ hết. Hãy nhớ lại mọi việc biến chuyển như thế nào trong phim Se7en (1995),
mọi thứ đáng lẽ sẽ diễn ra theo hướng khác nếu nhân vật chính thành công, và nhân vật có
quan hệ tình cảm, người sẽ giúp hoàn thiện nhân vật chính hơn nữa, sẽ là người gặp hiểm
nguy tột cùng.
Một câu hỏi hóc búa khác được đặt ra: liệu nhân vật chính có được về chung một mối với
nhân vật có quan hệ tình cảm hay không? Một số tựa phim nổi tiếng không chọn cái kết
đoàn tụ viên mãn. Ví dụ như Casablanca, cô đào trong phim tìm thấy ý nghĩa của cuộc đời
mình với một người đàn ông theo đuổi một lý tưởng nhất định (chống lại phát xít Đức) thay
vì nhân vật chính Rick, một anh chàng chỉ biết kiếm tiền từ một quán bar. Hay nhìn sang
ông trùm Michael Corleone vào cuối phần 2 phim The Godfather đã ly dị người vợ lâu năm
Kay, trong khi hình mẫu người phụ nữ lý tưởng trong mắt ông lại bị ám sát nhiều năm
trước ở Ý đã góp phần khiến ông thay đổi và trở thành ông trùm như hiện tại. Hay là nhân
vật Rhett quay bước đi vào cuối phim Gone With The Wind đã khiến cho tất thảy người xem
không khỏi tiếc nuối. Thậm chí những văn học từ thời xa xưa như Romeo & Juliet cũng đã
“dạy” cho biên kịch một bài học rằng: khán giả muốn nhân vật chính thành công không có
nghĩa là nhân vật chính BẮT BUỘC phải có được mọi thứ mình muốn. Đa số các phim kinh
điển ở tất cả các thể loại phim đều có một chuyện tình buồn.



Rick có thể không “đoàn tụ” cùng người yêu, như cả anh và cô vẫn mãi nhớ về nhau những
tháng ngày tình cảm mật ngọt khi xưa ở Paris khi vô tình gặp lại nhau ở vùng đất
Casablanca này

Tuy nhiên, nếu như có một kết thúc có hậu cho một câu chuyện tình thì vẫn có thể mang
đến sự thoả mãn nhất định. Một cái kết thành công trong một câu chuyện tình đã trải qua
bao sóng gió và khó khăn, đã khiến cho nhân vật chính phải thay đổi rất nhiều, sẽ khiến cho
khán giả thêm yêu đời hơn. Nó giúp mang đến hy vọng, và giúp cho cảm giác giấc mơ giờ
đây trở thành sự thật. Rằng một ngày nào đó mỗi người trong chúng ta cũng có cơ hội đứng
lên tìm kiểm một tình yêu dành riêng cho mình và quây quần bên nhau. Ví như The Princess
Bride, Sabrina, Roxanne, Taming of the Shrew, The Philadelphia Story, Working Girl, It
Happened One Night, An Officer and a Gentleman.


Nhân vật Wesley đã phải trải qua biển lửa, tra tấn ngục tù, thậm chí là cái chết để cuối cùng
có thể đoàn tụ cùng Buttercup trong phim The Princess Bride

Và lâu thật là lâu, điện ảnh thế giới lại chứng kiến một bộ phim tình cảm thật lạ thường. Ví
như mối quan hệ tình cảm giữa cả hai đã khiến cho cả hai đồng thời thay đổi bản thân mình
trong suốt hành trình nhân vật, điều này thường xuất hiện trong những bộ phim tình cảm
hài hước như When Harry Met Sally và phim Pretty Woman. Cả hai phim này thoáng qua
trông có vẻ là sở hữu 2 nhân vật chính, tuy nhiên cần lưu ý kỹ là 2 phim này sở hữu 2 nhân
vật trung tâm: Sally yêu bạn thân, nhưng niềm tin của cô không bao giờ thay đổi, cô chỉ giúp
cho Harry thấy được ta vừa có thể là bạn thân vừa có thể là người yêu. Như vậy ở đây Harry
mới là nhân vật chính.




Trong phim Pretty Woman, cả hai nhân vật trung tâm đều trải qua hành trình thay đổi bản
thân khá thú vị và đầy ý nghĩa, càng được điểm tô thêm bằng quyết định ở cuối phim của cả
hai nhân vật. Vivian giờ đây không còn phải đứng ở những góc đường tăm tối nữa, và
Edward cũng quyết định thay đổi tính chất công việc, không còn bán tống bán tháo những
công ty mà chung tay gầy dựng nên những doanh nghiệp vững mạnh. Cả hai đều đã quyết
định phải thay đổi cuộc sống hiện tại chứ không còn đơn thuần làm nô lệ cho đồng tiền như
trước nữa. Tuy nhiên ở đây không hề có 2 nhân vật chính mà chỉ có 1. Vì sao ư? Ở cuối hồi
Một (Act One), chính nhân vật Vivian là người đưa ra quyết định sẽ có mối quan hệ dài lâu
với Edward, cô ta là người chấp nhận lời đề nghị của Edward, và cô chỉ cho phép Edward
hôn môi mình khi đến lúc cô cảm thấy thích hợp. Chính những quyết định tại từng thời
điểm của Vivian đã khiến cho Edward dần thay đổi. Như vậy, nhân vật Vivian là nhân vật
chính vì chính cô là người có quyết định dẫn đến thay đổi rõ rệt nhất trong đường dây câu
chuyện.



Giờ, trước khi kết thúc bài viết về nhân vật có quan hệ tình cảm, xin chớ quên rằng có tới 2
loại nhân vật này. Loại mà từ đầu bài viết đến giờ đề cập đến, và loại 2 là loại thường bị lãng
quên, đó là nhân vật gợi dục (LUST INTEREST). Nhân vật này chỉ phục vụ cho một mục đích
duy nhất, và đó là lý do mà chúng ta e ngại, không muốn nhân vật chính diện phải dính đến
nhân vật này. Tuy nhiên nếu biên kịch khéo léo, có thể tạo nên những nhân vật hấp dẫn gây
hứng thú ở người xem, đơn cử như Juno Skinner (phim True Lies), Stacy (phim Wayne’s
World), Amanda Jones (phim Some Kind of Wonderful), Tinker Bell (Peter Pan), Christan
Thompson (The Devil Wears Prada), Pamela (Teen Wolf), Sandy hoặc Les (Tootsie), Avery
Bishop (Jerry McGuire)…
Thường thì loại nhân vật này được dùng để tạo nên những mối tình tay ba, từ đó tạo nên
mâu thuẫn, đặt nên chướng ngại vật cho 2 nhân vật thật sự yêu nhau trong phim. Chúng ta
thường gặp nhan nhản những nhân vật này trong phim như The Phantom of the Opera, the
Hunchback of Notre Dame, Dracula, Creature from the Black Lagoon cho tới những tác
phẩm hài tình cảm như The Wedding Crashers, French Kiss, The Runaway Bride, Bridget
Jones’s Diary…
Chìa khoá chính để hiểu rõ vai trò của nhân vật có có được tình yêu/ nhân vật gợi dục trong
chuyến hành trình phát triển nhân vật của nhân vật chính. Và nếu mà nhân vật chính không
đủ tỉnh táo tập trung vào con đường mà mình đã vạch ra, anh ta có thể sa ngã vào vòng tay
của nhân vật này, người mà thường là:
1) Số phận mà nhân vật chính đang cố né tránh (Arthur, Wayne’s World, Shakespear in
Love)

2) Số phận mà nhân vật chính đang mong mỏi nhưng không nhận ra rằng đó là lựa
chọn sai lầm (Some Kind of Wonderful, Something’s Gotta Give, Lars and the real
girl).
3) Cám dỗ đi lệch khỏi mục tiêu đã vạch ra (Indecent Proposal, Fatal attraction, Wall
Street, Broadcast News)

You might also like