You are on page 1of 6

Bộ phim: Trăng nơi đáy giếng

Đạo diễn : Nguyễn Vinh Sơn


Thể loại: Chính kịch
Công chiếu: 8.10.2008
Chấm điểm: 4/5

Trăng Nơi Đáy Giếng- Khóc thương cho thân phận người đàn bà

Thân phận người phụ nữ từ ngày xưa vốn đã bị ràng buộc bởi những định
kiến xã hội “ Trọng nam khinh nữ ” hay những cổ tục phong kiến lạc hậu,
chúng ta cũng đã quá quen thuộc với những hình ảnh người phụ nữ, người
vợ trong gia đình luôn đặt chồng mình lên trên hết, hi sinh biết bao nhiêu thứ
chỉ vì tình yêu dành cho chồng, một mực yêu chiều, cung phụng cho chồng
nhưng chỉ nhận lại đắng cay trong “Mùi đu đủ xanh ”. Chúng ta cũng đã nghe
đến hai chữ “ đẻ mướn ” và cũng đã biết được nó để lại bao hệ lụy qua hai
lăng kính của Thân phận một tình yêu (đạo diễn Hải Ninh, 1996) và Đẻ mướn
(đạo diễn Lê Bảo Trung, 2005). Cũng giống một mô típ như vậy nhưng đạo
diễn Nguyễn Vinh Sơn đã sáng tạo bộ phim “ Trăng nơi đáy giếng ” của mình
theo một cách khác, tạo thành một “ chất riêng”- cái riêng ở bộ phim của ông
là sau khi xem xong nó khiến con người ta ám ảnh bởi cái bi kịch của nhân vật
cô giáo Hạnh.

Bộ phim “ Trăng nơi đáy giếng ”do hãng phim Giải Phóng sản xuất dựa theo
truyện của nữ nhà văn Trần Thuỳ Mai và được viết kịch bản chuyển thể thành
phim bởi nhà biên kịch Châu Thổ. Thành công mà bộ phim mang lại là rất lớn,
không chỉ ở trong nước mà còn ở nước ngoài như giải Cánh diều bạc cho
Phim hay nhất, danh hiệu Nữ diễn viên chính xuất sắc cho Hồng Ánh đồng
thời bộ phim cũng được chọn tham gia khá nhiều tại các cuộc liên hoan phim
quốc tế, được đánh giá rất cao

Câu chuyện xoay quanh gia đình cô giáo Hạnh ( Hồng Ánh thủ vai ), một người
phụ nữ tận tụy, chăm lo từng miếng ăn giấc ngủ cho chồng, yêu thương và
chiều chuộng chồng hết mực nhưng vì cô không có khả năng sinh cho chồng
một đứa con nên đã chấp nhận hi sinh, thuê một người đàn bà khác đẻ con
cho chồng. Chồng cô Hạnh là thầy giáo Phương ( Hoàng Cao Đề thủ vai ) hiệu
trưởng của trường THPT Thuận Đạt là một người nhã nhặn nhưng lại ích kỉ.
Khi chuyện ông có vợ bé bị vỡ lẽ ra thì ông lo sợ cái ghế hiệu trưởng của mình
bị lung lay đến mức mất ăn mất ngủ. Vì quá thương chồng nên Hạnh đã làm
đơn ly hôn giả và còn làm giấy đăng kí kết hôn cho chồng và người vợ lẻ
nhưng đau đớn thay chuyện giả lại thành thật. Khi bị người đàn bà đẻ thuê
kia cướp mất chồng, Hạnh hoàn toàn suy sụp khi thấy người chồng mà mình
cung phụng bấy lâu nay lại đành tâm phản bội mình. Khi mọi thứ trở nên vô
nghĩa với cô thì cô tìm đến bà đồng, dành hết phần đời còn lại của mình trong
thế giới tâm linh, thờ cúng chồng con là người âm.

Bi kịch cuộc đời của cô Hạnh lại nằm ở chỗ quá yêu thương chồng, sự hi sinh
đến mù quáng. Từng cử chỉ, hành động của cô qua những thước phim chỉ
hướng đến duy nhất thầy Phương, cái cách mà từ tờ mờ sớm cô Hạnh đã
thức dậy, chăm chút từng hụm chè ngậm hương sen, chờ đến đúng giờ mới
vào đánh thức chồng dậy, đến từng chậu nước ấm rửa mặt, lo từng li từng tí
bát bún giò buổi sáng cho chồng, chén nước mắm giầm ớt xanh cho mỗi buổi
ăn dù chồng cô không ăn chỉ cần ngửi, nâng niu từng nếp áo, li quần mỗi khi
chồng bước ra khỏi cửa. Cô luôn tin tưởng chồng mình dù cho thế nào đi nữa,
luôn tin rằng chồng mình sẽ không bội bạc mặc cho miệng lưỡi thế gian
nhưng cô đâu ngờ rằng người chồng mà mình cung phụng bấy lâu nay lại đi
làm việc nhà cho người vợ mới- trong khi ông chẳng hề động tay vào việc gì
khi ở với cô Hạnh. Việc cô vô tình làm giấy li hôn giả chỉ vì giữ chức hiệu
trưởng cho chồng không khác gì cô đã giết chết chính hạnh phúc của mình,
còn gì đau đớn hơn cảm giác nhường chồng của mình cho người khác chỉ vì
miệng lưỡi thiên hạ trong khi mình lại yêu người đó tha thiết. Những tưởng
sự hi sinh ấy sẽ vun đắp cho hạnh phúc gia đình, cho người chồng mà mình
xem như “ thánh ” bấy lâu nay nhưng tất cả chỉ là hư ảo, tình yêu bị đánh cắp,
hạnh phúc vỡ tan. Người đàn ông mà cô yêu hết mực rốt cuộc cũng chỉ nghĩ
đến hai chữ “ danh vọng ”, chẳng còn đoái hoài tới cảm xúc của cô.

Bi kịch ấy, nỗi đau ấy đã được xoa dịu bởi sự xuất hiện của người chồng ảo vì
vốn dĩ người ấy không bao giờ có thể phụ tình cô mà còn làm hồi sinh cho tâm
hồn mang nhiều vết thương ấy. Khi đã rơi vào tận cùng của sự tuyệt vọng, chỉ
còn ngậm trong lòng nỗi đắng cay, tê tái thì như một sự vô tình hay do sự xui
khiến nào đó mà cô gặp được “ bà đồng ” và “ kết duyên ” với một ông tướng
người âm. Ban đầu cô cho rằng đây chỉ là sự hoang đường và không tin
chuyện ấy nhưng khi đã quá bế tắc và mất niềm tin vào tình yêu thì cô lại tìm
đó như một liều thuốc chữa lành cho con tim mình. Dù cho đây chỉ là người
chồng ảo nhưng nó đã xoa dịu nỗi đau cho người phụ nữ ấy rất nhiều, nỗi
đau ấy là quá lớn, quá mất mát đến nỗi dễ dàng đánh gục con người ta nhưng
khi bước vào thế giới tâm linh thì nó trở thành niềm an ủi. Một số khán giả
sau khi xem xong bộ phim mong muốn một cái kết có hậu hơn, nhân văn hơn
nhưng theo đạo diễn cho rằng : “ Tôi muốn đưa ra một thông điệp cảnh báo
cho mọi người chứ không muốn mọi người có cái nhìn thương hại cho nhân
vật Hạnh…” Riêng tôi cảm thấy đây là một kết thúc đẹp cho cô Hạnh vì cuối
cùng cô được sống trong thế giới của mình, một thế giới nhỏ bé mà cô tạo ra
thu hẹp bản thân lại tách biệt với thế giới bên ngoài nhưng đúng với những gì
mà đạo diễn muốn truyền tải- lời báo động về thực trạng con người sống xã
hội hiện đại ngày nay có xu hướng tự thu hẹp mình lại. Nếu ở phần đầu bộ
phim là hình ảnh một cô Hạnh nhã nhặn, luôn âm thầm chịu đựng thì ở phần
sau bộ phim cô Hạnh ấy đã mạnh mẽ hơn rất nhiều, sẵn sàng hất nước vào
mặt chồng khi ông ta nhục mạ xúc phạm cô. Sự chuyển biến nội tâm trong
tâm lí nhân vật được đẩy lên cao trào hơn, cho thấy cô Hạnh đã quyết định
vứt bỏ những thứ không xứng đáng thuộc về mình, cô vẫn chăm sóc người
chồng và hai đứa con “ ảo ” của mình, vẫn vun vén cho khu vườn nhỏ của
mình

Một không gian Huế cổ kính, hơi thở Huế, nhịp điệu Huế được nhà làm phim
đặc tả lại thông qua những cảnh quay thơ mộng, lắng đọng mà da diết của xứ
Huế. Nó tác động đến tâm lí, tình cảm của nhân vật, quyện vào mỗi ánh mắt,
nụ cười để mang một màu sắc riêng biệt đủ để người xem chiêm nghiệm về
sự nghịch lí, vô lí của nhân vật rồi từ đó nhận ra sự nghịch lí, vô lí của cuộc
đời. Bối cảnh chính mang đậm không gian Huế là một ngôi nhà rường năm
gian cổ kính, tấm rèm trúc lưa thưa, và cả trà ướp hoa sen với một phong
cách pha cầu kỳ, tỉ mỉ. Tín ngưỡng thờ Mẫu lên đồng – một trong những hình
thức tín ngưỡng dân gian khá phổ biến ở Huế cũng xuất hiện trong bộ phim
vẫn được giữ gìn cho tới ngày nay. Âm nhạc chính là “ nguyên liệu ” không
thể thiếu trong mỗi bộ phim và trong “ Trăng nơi đáy giếng ” chúng ta được
thưởng thức những lời hát ru của Huế bằng một chất giọng trầm ấm và dịu
dàng kết hợp với tiếng ghi-ta đệm nhạc Trịnh Công Sơn, khung cảnh biểu diễn
nghệ thuật hát cung đình Nhã nhạc và hát chầu văn tục thờ Mẫu. Dù đó chỉ là
những trường đoạn ngắn nhưng đủ khiến khán giả nhận ra nét Huế trầm
mặc, cổ kính nhưng cũng rất linh thiêng đang hiện hữu trong đó

Nếu như để ý kĩ ta sẽ dễ dàng nhận ra máy quay của đạo diễn đi từ sau ra
trước, ở phần mở đầu của bộ phim, máy quay quay từ đằng sau ra trước
giống như có một người đứng lấp ló, theo dõi cô từ phía sau, cách di chuyển
máy quay từ viễn – cận, nhịp quay và phong cách quay cũng rất phức tạp
nhưng tạo được điểm nhấn cho bộ phim cũng như phong cách riêng của tác
giả. Xuyên suốt bộ phim đạo diễn sử dụng rất nhiều cú máy dài ( long takes )
nhằm làm nổi bật chiều sâu tâm lí nhân vật, có phân đoạn tới tận 3 phút mới
cắt cảnh như ở đầu phim là cảnh cô Hạnh dậy chuẩn bị trà sen cho chồng từ
sáng sớm tinh mơ, cảnh cô Hạnh về nhà Thắm thăm chồng con hay cảnh cô
đạp xe đuổi theo con chó . Hay đặc biệt hơn là cảnh cô Hạnh đóng mở liên tục
những cánh cửa của căn nhà rường là chi tiết cứ lặp đi lặp lại trong phim .
Như đạo diễn đã chia sẻ : “ Thông qua hành động đóng, mở cửa lặp đi lặp lại
mà nhiều người cảm thấy "rất sốt ruột" khi xem thì tâm trạng của Hạnh cũng
bộc lộ, khi hạnh phúc, khi cô đơn, khi giận dữ...” Những cú máy dài như vậy
cũng đòi hỏi người diễn viên phải tập luyện thật kĩ càng nhưng phải diễn sao
cho thật tự nhiên để lột tả được tính cách của nhân vật cô Hạnh : chu đáo, tỉ
mỉ trong mọi cử chỉ, hành động chăm sóc chồng, nhịp phim vì thế mà cũng
chậm rãi, nhẹ nhàng theo phong cách mà đạo diễn mong muốn như phong
cách của Ozu. Âm thanh và tốc độ quay cũng đối nghịch nhau như cảnh cô
Hạnh đi tìm con chó. Nhưng một điểm trừ phải kể đến của bộ phim là chất
lượng hình ảnh, độ tương phản sáng – tối vẫn chưa làm cho người xem cảm
thấy mãn nhãn được. Có thể nói nghệ thuật quay phim của “ Trăng nơi đáy
giếng” đã góp phần làm nên thành công cho bộ phim vì cách quay cũng là một
trong những yếu tố quan trọng để làm ra một bộ phim được đông đảo khán
giả đón nhận
Bộ phim khiến tôi xem xong vẫn còn cảm giác vấn vương, day dứt đến lạ. Dù
cách kết thúc bộ phim nó đã khiến tôi hài lòng nhưng vẫn không thể nào
không thương xót cho thân phận của người đàn bà chỉ biết đến chồng con, coi
đó là cả vũ trụ của cuộc đời mình nhưng rốt cuộc vẫn chỉ là “ giả hoá thực,
thực hoá giả, giả thực thực giả khó lường”. Xin được phép kết thúc bằng
những câu thơ trong trẻo của cô Hạnh làm ở cuối phim:

“ Em tìm kiếm mảnh vườn cho riêng ta


Nơi chỉ có anh và em trong đó
Nơi chỉ có anh cùng em và cây cỏ
Để ta nghe lòng mình khi cơn gió thoảng qua.

Em tìm kiếm mảnh vườn cho riêng ta


Nơi bóng lá xanh chập chờn nắng gió
Nơi anh cùng em bình yên trên thảm cỏ xa cách cuộc đời
Em chỉ kiếm một mảnh vườn riêng thôi bởi cuộc đời không thật…
…bởi tình yêu không ân hận
Để ta nhớ nơi ghi dấu ấn cho tâm hồn
Khi chiều về cây lá cũng bâng khuâng
Em lại thiếu anh ôi thiếu vô chừng
Hãy ở lại cùng em nơi vườn xuân hoang dã
Để nghe tiếng thì thầm của tình yêu nghiệt ngã si mê.”

You might also like