You are on page 1of 8

CÁC LÝ THUYẾT TIẾP BIẾN VĂN HOÁ VÀ

PHƯƠNG HƯỚNG VẬN DỤNG TRONG NGHIÊN CỨU VĂN HOÁ

Lý Tùng Hiếu*
Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn
Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh

TÓM TẮT
Hình thành trong thế kỷ XX ở phương Tây, các lý thuyết về tiếp biến văn hoá đã
có những đóng góp quan trọng về những hệ quả xảy ra do quá trình tiếp biến văn hoá,
và đặt ra những lựa chọn khác nhau cho các cá nhân và các nhóm người nhập cư, các
tộc người thiểu số khi đối diện với nền văn hoá chủ nhà hoặc nền văn hoá ưu thế. Các
kết luận về các dạng thức tiếp biến văn hoá và chiến lược tiếp biến văn hoá của các
nhà nghiên cứu ấy cho đến nay vẫn còn nguyên giá trị.
Để có thể vận dụng các lý thuyết về tiếp biến văn hoá trong nghiên cứu văn hoá
và văn hoá Việt Nam, chúng tôi cho rằng, cần phân biệt hai đối tượng của việc vận
dụng là các nhóm xã hội và các cá nhân, xem xét tác động của tiếp biến văn hoá trên
cả hai chiều hướng tích cực và tiêu cực. Và cuối cùng, trong bối cảnh Việt Nam là một
quốc gia đa tộc người trong đó có một tộc người ưu thế, chúng tôi ủng hộ việc dành
cho các cá nhân và các nhóm xã hội quyền lựa chọn những chiến lược tiếp biến văn
hoá thích hợp với nhu cầu văn hoá của chính họ.
Từ khóa: tiếp biến văn hoá; văn hoá chủ nhà; văn hoá ưu thế; dạng thức tiếp
biến văn hoá; chiến lược tiếp biến văn hoá.
ABSTRACT
Theories of acculturation and directions of application in cultural research
Formed in the twentieth century in the West, theories of acculturation made
important contributions to the consequences of acculturation process, and set different
options for individuals and immigrant groups, ethnic minorities in the face of host
culture or dominant culture. Conclusions on the forms of acculturation and strategies
of acculturation of these researchers have remained so valuable.
In order to be able to apply theories of acculturation in Vietnamese cultural
and cultural research, the author argues that it is necessary to distinguish between the
two objects of the application that are social groups and individuals, and to consider
the impact of acculturation on both positive and negative trends. And finally, in the
context of Vietnam being a multi-ethnic nation with a dominant ethnic group, the
author advocates giving individuals and social groups the right to choose strategies of
acculturation in line with their own cultural needs.
Keywords: acculturation; host culture; dominant culture; form of
acculturation; acculturation strategy.

*
Nhà riêng: 392/8/110 Cao Thắng, P.12, Q.10, TP. Hồ Chí Minh. Cơ quan: Trường Đại học
Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh, 10-12 Đinh Tiên
Hoàng, quận 1, TP.HCM. Email: lytunghieu@gmail.com. Điện thoại: 0909.530.241.
1
-----------------------------------------

1. ĐẶT VẤN ĐỀ
Hình thành từ đầu thế kỷ XX, các lý thuyết về tiếp biến văn hoá (acculturation)
đã có một quá trình phát triển phong phú qua công trình nghiên cứu của nhiều nhà xã
hội học, triết học, nhân học, tâm lý học phương Tây, như William Isaac Thomas,
Florian Witold Znaniecki, Robert Redfield, Ralph Linton, Melville Jean Herskovits,
David L. Sam, John W. Berry…
Trong bối cảnh hội nhập và toàn cầu hoá hôm nay, người nghiên cứu văn hoá
Việt Nam không thể quay lưng với các lý thuyết khoa học mà giá trị đã được thừa
nhận trong nghiên cứu văn hoá. Trong bài này, vận dụng phương pháp phân tích - tổng
hợp tư liệu và phương pháp so sánh, chúng tôi sẽ tóm lược nội dung kèm theo nhận
định về giá trị đóng góp của các lý thuyết về tiếp biến văn hoá, để từ đó chọn lọc, đúc
kết những luận điểm phù hợp, có thể vận dụng vào việc nghiên cứu văn hoá và văn
hoá Việt Nam.

2. GIÁ TRỊ ĐÓNG GÓP CỦA CÁC LÝ THUYẾT VỀ TIẾP BIẾN VĂN HOÁ
2.1. William Isaac Thomas và Florian Witold Znaniecki với “ba dạng thức
tiếp biến văn hoá”
Năm 1918-1920, lý thuyết tâm lý học về tiếp biến văn hoá đầu tiên đã được hai
nhà khoa học của Trường Đại học Chicago là nhà xã hội học Mỹ William Isaac
Thomas (1863-1947) và nhà triết học, xã hội học Ba Lan Florian Witold Znaniecki
(1882-1958) đề xuất trong công trình The Polish peasant in Europe and America:
monograph of an immigrant group (Nông dân Ba Lan ở châu Âu và Mỹ: Chuyên khảo
về một nhóm người nhập cư, 5 bộ, 1918, 1919, 1920). Đây là một công trình nghiên
cứu đồ sộ, trong đó các tác giả đã phân tích hoàn cảnh của vùng nông thôn Ba Lan và
lý do thúc đẩy người Ba Lan di cư, và kết luận về sự biến đổi của những người nhập
cư ấy, chỉ ra rằng người Ba Lan nhập cư sẽ không trở thành người Mỹ mà là người Mỹ
gốc Ba Lan (Polish-Americans), một tộc người (ethnic group) mới, khi nền văn hoá
của họ biến đổi cho phù hợp với bối cảnh nước Mỹ nhưng vẫn giữ lại một số đặc trưng
độc đáo. Các tác giả đã nỗ lực khám phá mối quan hệ giữa các cá nhân và xã hội, tập
trung vào các nhóm như các gia đình và xóm giềng, và các mối liên kết cộng đồng, mà
các tác giả tin là chìa khoá để thay đổi xã hội. Họ lập luận rằng cộng đồng người Ba
Lan ít chịu tác động bởi các chính sách của chính phủ Mỹ, và chịu tác động nhiều hơn
bởi văn hoá riêng của họ và các mối liên kết xã hội. Các tác giả nhấn mạnh tầm quan
trọng của các nhóm, và cho rằng những trường hợp các cá nhân bị cô lập khỏi một
nhóm là do tình trạng thiếu tổ chức xã hội.
Đóng góp quan trọng liên quan đến lý thuyết tiếp biến văn hoá của công trình
này là, từ việc nghiên cứu những người Ba Lan nhập cư ở Chicago, William Isaac
Thomas và Florian Witold Znaniecki đã phác hoạ ba dạng thức tiếp biến văn hoá,
tương ứng với ba loại hình nhân cách:

2
(1) Loại hình Bohemian: người nhập cư chấp nhận nền văn hoá chủ nhà và từ
bỏ văn hoá gốc.
(2) Loại hình Philistine: người nhập cư không chấp nhận nền văn hoá chủ nhà
nhưng vẫn giữ được văn hoá gốc.
(3) Loại hình sáng tạo (creative-type): người nhập cư có khả năng thích ứng với
văn hoá chủ nhà trong khi vẫn giữ được văn hoá gốc.
Trong tiếng Anh, khái niệm “Bohemian” nguyên nghĩa là cư dân của xứ
Bohemia ở miền Tây nước Cộng hoà Czech ngày nay, về sau dùng để chỉ những người
không theo chuẩn mực xã hội, đặc biệt là những người có liên quan đến nghệ thuật;
còn khái niệm “Philistine” nguyên nghĩa là cư dân của xứ Philistia ở miền Tây Nam
Palestine vào thế kỷ XII trước Công nguyên, về sau dùng để chỉ những người sống
thiên về vật chất, không quan tâm đến các giá trị văn hoá và nghệ thuật. Việc sử dụng
hai thuật ngữ “Bohemian” và “Philistine” cho thấy William Isaac Thomas và Florian
Witold Znaniecki không đánh giá cao hai dạng thức tiếp biến văn hoá này, và dành
thiện cảm cho dạng thức tiếp biến văn hoá thứ ba mà hai ông gọi là “loại hình sáng
tạo” [Thomas, William Isaac & Znaniecki, Florian, 1919].
2.2. John W. Berry với mô hình chiến lược tiếp biến văn hoá “four-fold”
Từ cuối thế kỷ XX, lý thuyết tiếp biến văn hoá đã tiếp tục phát triển với các
công trình nghiên cứu của John W. Berry, Giáo sư danh dự (Professor Emeritus) về
tâm lý học tại Đại học Queen ở Canada: “Psychology of acculturation” (“Tâm lý học
tiếp biến văn hoá”, trong Cross-cultural perspectives. Current theory and research in
motivation (Những quan điểm xuyên văn hoá. Lý thuyết và nghiên cứu hiện hành về
động lực), John J. Berman (Ed), Nebraska Symposium on Motivation, Vol. 37,
pp. 201-234, Lincoln, NE, US: University of Nebraska Press, 1989); “Immigration,
Acculturation, and Adaptation” (“Sự nhập cư, tiếp biến văn hoá, và sự thích nghi”,
trong Applied Psychology (Tâm lý học ứng dụng), Vol. 46, Issue 1
January 1997, pp. 5-34, Wiley-Blackwell), v.v. Với các công trình ấy, John W. Berry
được xem là một trong những người sáng lập chuyên ngành tâm lý học tiếp biến văn
hoá (acculturation psychology), bao gồm tâm lý học xuyên văn hoá (cross-cultural
psychology) và tâm lý học liên văn hoá (intercultural psychology).
Một trong những lý thuyết nổi tiếng của John W. Berry [1997: 5-34] là mô hình
“four-fold” (nghĩa đen là “bốn nếp gấp”) của các chiến lược tiếp biến biến văn hoá
(acculturation strategies). Mô hình này phân loại các chiến lược tiếp biến văn hoá theo
hai hướng. Hướng thứ nhất liên quan đến việc duy trì hoặc từ chối văn hoá bản địa
hoặc văn hoá thiểu số của một cá nhân. Hướng thứ hai liên quan đến việc chấp nhận
hoặc từ chối văn hoá của nhóm ưu thế hoặc văn hoá chủ nhà. Từ đó mà xuất hiện bốn
chiến lược tiếp biến văn hoá:
(1) Sự đồng hoá (Assimilation): xảy ra khi các cá nhân chấp nhận các chuẩn
mực văn hoá của nền văn hoá chiếm ưu thế hoặc văn hoá chủ nhà, vượt lên văn hoá
gốc của mình.
(2) Sự chia tách (Separation): xảy ra khi các cá nhân từ chối nền văn hoá chiếm
ưu thế hoặc văn hoá chủ nhà, trong thiện ý bảo tồn văn hoá gốc của mình. Sự chia tách

3
này thường được tạo điều kiện thuận lợi bởi sự nhập cư vào các phần đất tách ra của
các tộc người (ethnic enclaves).
(3) Sự hoà nhập (Integration): xảy ra khi các cá nhân có thể chấp nhận các
chuẩn mực văn hoá của nền văn hoá chiếm ưu thế hoặc văn hoá chủ nhà, trong khi duy
trì văn hoá gốc của mình. Sự hoà nhập dẫn đến và thường đồng nghĩa với sự song tồn
văn hoá (biculturalism).
(4) Sự cô lập (Marginalization): xảy ra khi các cá nhân từ chối cả nền văn hoá
gốc của họ và nền văn hoá chiếm ưu thế hoặc văn hoá chủ nhà. Thuật ngữ
“marginalization” (nghĩa đen là “sự ra rìa”), nói lên tình trạng bất lợi, xuống hạng về
mặt xã hội, bị cách ly khỏi nhịp điệu phát triển xã hội của các cá nhân ấy. Đó là quá
trình mà các cá nhân hoặc dân chúng bị ngăn chặn một cách có hệ thống (hoặc không
được tiếp cận đầy đủ) các quyền, cơ hội và nguồn lực khác nhau thường dành sẵn cho
các thành viên của một nhóm khác và là nền tảng cho hội nhập xã hội và tuân thủ các
quyền con người trong nhóm đó (thí dụ như nhà ở, việc làm, chăm sóc sức khoẻ, tham
gia dân chủ, thủ tục pháp lý công bằng)1.
Các nghiên cứu của John W. Berry [1997: 5-34] gợi ý rằng chiến lược tiếp biến
văn hoá tương ứng của các cá nhân có thể khác nhau giữa các lãnh vực hoạt động
riêng tư và công cộng của họ. Thí dụ, một cá nhân có thể từ chối các giá trị và chuẩn
mực của nền văn hoá chiếm ưu thế trong cuộc sống riêng tư của mình (tức là chia tách,
separation), nhưng ngược lại ông ta có thể thích nghi với nền văn hoá chiếm ưu thế đó
trong đời sống công cộng của mình (tức là hoà nhập hoặc đồng hoá, integration or
assimilation).

3. VẬN DỤNG CÁC LÝ THUYẾT VỀ TIẾP BIẾN VĂN HOÁ


3.1. Đối tượng vận dụng của các lý thuyết về tiếp biến văn hoá
Ngày nay, các nhà khoa học trong các lãnh vực tâm lý học, nhân học, xã hội
học… đã phát triển hàng trăm lý thuyết khác nhau về tiếp biến văn hoá. Mặc dù các
định nghĩa và bằng chứng cho thấy tiếp biến văn hoá dẫn đến một quá trình biến đổi
hai chiều, việc nghiên cứu và các lý thuyết của các học giả phương Tây chủ yếu vẫn
tập trung vào việc điều chỉnh và thích nghi của các nhóm thiểu số như người nhập cư,
người tỵ nạn và người bản địa nhằm đáp ứng với nhóm đa số thống trị trong quá trình
tiếp xúc. Ở cấp độ nhóm, những ảnh hưởng dễ nhận thấy nhất của tiếp biến văn hoá
thường bao gồm những biến đổi về thực phẩm, trang phục và ngôn ngữ. Về lâu dài,
tiếp biến văn hoá thường dẫn đến những biến đổi văn hoá, phong tục, tập quán, tôn
1
Ở phương Tây, thuật ngữ “marginalization” hay “social marginalization” (nghĩa đen là “sự
ra rìa về mặt xã hội”) đã được sử dụng trong các lãnh vực giáo dục, xã hội học, tâm lý học,
chính trị học và kinh tế học. Trái ngược với “marginalization” hay “social marginalization”
là thuật ngữ “social inclusion” (nghĩa đen là “sự bao gồm về mặt xã hội”), được hiểu là hành
động quả quyết nhằm thay đổi những hoàn cảnh và thói quen dẫn đến sự cô lập về mặt xã
hội. Ở Việt Nam, các nhà nghiên cứu đã phiên dịch “social marginalization” để tạo ra thuật
ngữ “loại trừ xã hội”, và phiên dịch “social inclusion” để tạo ra thuật ngữ “bao gồm xã hội”.
Đó là những cách dịch sai cả về ngữ pháp và ngữ nghĩa của tiếng Việt, khiến cho những
thuật ngữ tiếng Việt này trở nên khó hiểu và không phản ánh được nghĩa gốc của chúng
trong khoa học phương Tây.
4
giáo, chế độ ăn uống, chăm sóc sức khoẻ và các thể chế xã hội khác. Ảnh hưởng của
tiếp biến văn hoá có thể được nhìn thấy ở nhiều cấp độ khác nhau ở cả nền văn hoá
gốc và nền văn hoá chủ nhà.
Các nghiên cứu của các học giả phương Tây đương đại cũng tập trung vào các
chiến lược khác nhau của tiếp biến văn hoá, các biến thể trong tiếp biến văn hoá ảnh
hưởng đến các cá nhân, và sự can thiệp nhằm làm cho quá trình này trở nên dễ dàng
hơn. Ở cấp độ cá nhân, quá trình tiếp biến văn hoá là quá trình hoà nhập xã hội mà
thông qua đó các cá nhân người nước ngoài tiếp nhận các giá trị, phong tục, quy tắc,
thái độ và hành vi của nền văn hoá chủ nhà. Quá trình này được kết nối với những biến
đổi trong hành vi thường nhật cũng như nhiều biến đổi về sức khoẻ tâm lý và thể chất.
Lý thuyết tâm lý học xuyên văn hoá đã cho thấy mối liên kết quan trọng giữa bối cảnh
văn hoá và sự phát triển hành vi cá nhân. Với mối quan hệ này, việc nghiên cứu xuyên
văn hoá đã tăng cường điều tra những gì xảy đến cho các cá nhân đã phát triển trong
một bối cảnh văn hoá khi họ cố gắng tái thiết lập cuộc sống của họ trong một môi
trường khác. Những hậu quả tâm lý lâu dài của quá trình tiếp biến văn hoá này rất biến
thiên, phụ thuộc vào các biến số xã hội và cá nhân cư trú trong xã hội gốc và xã hội
nơi họ đến định cư.
3.2. Tác động tích cực và tiêu cực của tiếp biến văn hoá
Ở Việt Nam, từ cuối thế kỷ XX, các lý thuyết tiếp biến văn hoá đã được vận
dụng và trở thành một hệ thống lý thuyết có giá trị khoa học cao, giúp ích cho việc
nghiên cứu, giảng dạy của các ngành dân tộc học, nhân học, văn hoá học. Vận dụng
các lý thuyết tiếp biến văn hoá vào trường hợp Việt Nam, chúng ta có thể thấy rằng,
tiếp biến văn hoá có tác dụng tích cực, vì nó giúp cho các cộng đồng và các cá nhân
thích nghi tốt hơn với những môi trường văn hoá mới. “Tiếp xúc văn hoá giúp phát
hiện những dấu ấn, những yếu tố văn hoá nội sinh và ngoại sinh tác động lẫn nhau.
Trong văn hoá Việt Nam, các các yếu tố ngoại sinh được Việt Nam hoá, còn các yếu tố
nội sinh được hiện đại hoá. Văn hoá dân gian và văn hoá bác học không tách rời nhau
như quan điểm nhị nguyên. Thí dụ, dòng nhạc trữ tình trước đây bị cấm, nay tồn tại
song hành với dòng nhạc hành khúc, trong khi âm nhạc dân tộc được hiện đại hoá.
Tính dân tộc và tính hiện đại có cả trong các yếu tố nội sinh và các yếu tố ngoại sinh”
[Phạm Đức Dương, 2011].
Để cho một quá trình tiếp biến văn hoá diễn ra một cách tự nhiên và thuận lợi,
nó cần phải thoả mãn hai điều kiện: thời gian tiếp xúc và sự tương hợp giữa các bên
tiếp xúc. Trong quá trình tiếp xúc giữa hai nền văn hoá, để cho nền văn hoá tiếp nhận
có thể chấp nhận các sản phẩm văn hoá, giá trị văn hoá mới, cần phải có thời gian. Và
để được chấp nhận, những yếu tố văn hoá mới du nhập không thể mâu thuẫn đối chọi
mà cần phải phù hợp hoặc sẽ được biến đổi cho phù hợp với văn hoá truyền thống của
cộng đồng người tiếp nhận. “Để giải thích sự phức tạp của quá trình giao lưu văn hoá,
H. G. Barnett [1940] phân biệt hình thức biểu hiện, chức năng và ý nghĩa của các đặc
trưng văn hoá và nêu ra ba đặc điểm phụ bổ sung: một, dạng thức càng ‘lạ’ (xa cách
với văn hoá tiếp nhận) thì càng khó tiếp nhận; hai, các dạng thức biến chuyển dễ hơn
các chức năng; ba, một đặc trưng văn hoá dù dạng thức và chức năng như thế nào vẫn
dễ được chấp nhận và hội nhập tốt hơn nếu mang ý nghĩa phù hợp với nền văn hoá tiếp
nhận” [Trần Ngọc Khánh, 2011].

5
Nhưng tiếp biến văn hoá cũng có mặt đáng quan ngại, vì nó có tác dụng làm
biến đổi văn hoá tộc người. Trong ngắn hạn, những biến đổi do tiếp biến văn hoá có
thể gây ra sự rạn nứt, đổ vỡ, suy vong của các thành quả tổ chức cộng đồng, tôn giáo,
phong tục tập quán, v.v. của tộc người. Về lâu dài, những biến đổi do tiếp biến văn hoá
có thể dẫn tới sự đồng hoá, làm tiêu vong cả tộc người, hình thành tộc người mới.
“Tiếp xúc văn hoá khác với giao lưu văn hoá. Giao lưu có thể làm giàu bản sắc văn
hoá. Tiếp xúc có thể làm biến đổi cơ cấu văn hoá của một dân tộc. Thí dụ, tiếp xúc văn
hoá với Đông Nam Á làm hình thành văn hoá Việt; tiếp xúc văn hoá giữa Việt với Hán
làm hình thành mô hình văn hoá nhà nước Đại Việt; tiếp xúc văn hoá giữa Việt và
Pháp làm hình thành xã hội Việt Nam cận hiện đại; tiếp xúc văn hoá với chủ nghĩa xã
hội làm hình thành xã hội Việt Nam hôm nay” [Phạm Đức Dương, 2011].
Do đó, khi một tộc người nhìn thấy nguy cơ bị đồng hoá do tiếp biến văn hoá,
phản ứng thông thường của họ là đề kháng lại các yếu tố văn hoá mới. Phản ứng đề
kháng của nền văn hoá tiếp nhận sẽ tăng lên trong trường hợp quá trình tiếp biến văn
hoá diễn ra theo cách cưỡng bức, khi chủ nhân của những yếu tố văn hoá mới có nhân
số áp đảo, có tiềm lực văn hoá, kinh tế và quân sự mạnh, và thi hành một chính sách
đồng hoá cưỡng bức. Nhưng trên lý thuyết, như John W. Berry [1997: 5-34] đã chỉ ra,
sự đề kháng nền văn hoá chiếm ưu thế hoặc văn hoá chủ nhà hoặc cả nền văn hoá gốc
của chính mình sẽ dẫn đến hậu quả chia tách (separation) hoặc cô lập
(marginalization), làm cho văn hoá bị đình trệ và suy thoái. Còn trên thực tế, ít có nền
văn hoá thiểu số nào có thể đề kháng lâu dài trước tác động của quá trình tiếp biến văn
hoá cưỡng bức, và họ sẽ nhanh chóng hoặc lần hồi bị đồng hoá (assimilation) trong
quá trình hoà nhập xã hội. Do đó, như các nhà nghiên cứu đã đúc kết, về mặt lịch sử,
tiếp biến văn hoá là sự thay đổi trực tiếp nền văn hoá của một bên thông qua sự thống
trị về văn hoá của bên còn lại, nhờ vào việc chinh phục bằng quân sự hay chính trị.
3.3. Quyền lựa chọn chiến lược tiếp biến văn hoá
Để tránh nguy cơ bị diệt vong văn hoá, cũng theo John W. Berry [1997: 5-34],
chiến lược tiếp biến văn hoá thích hợp là hoà nhập (integration): chủ thể của nền văn
hoá tiếp nhận nỗ lực bảo tồn văn hoá gốc của mình, đồng thời chấp nhận các chuẩn
mực văn hoá của nền văn hoá chiếm ưu thế hoặc văn hoá chủ nhà. Tức là, nền văn hoá
tiếp nhận phải có sức mạnh văn hoá nội tại, đồng thời phải có khả năng chọn lọc,
chuyển hoá những yếu tố văn hoá mới du nhập để bồi bổ cho sức mạnh văn hoá nội tại
của mình. Để làm được điều ấy, nền văn hoá tiếp nhận cần nhận thức được những điều
bất cập, bất túc cần phải điều chỉnh, bổ sung trong văn hoá của mình, và nhận thức
được giá trị của những yếu tố văn hoá mới đáp ứng tốt nhất các mục đích, nhu cầu, lợi
ích sinh tồn và phát triển của mình.
Vấn đề đặt ra là: Ai có quyền lựa chọn một chiến lược tiếp biến văn hoá thích
hợp cho các cá nhân và các cộng đồng?
Như lý thuyết tâm lý học xuyên văn hoá đã chỉ ra, tiếp biến văn hoá khởi đi từ
phản ứng của các cá nhân trước những ảnh hưởng của nền văn hoá chiếm ưu thế hoặc
văn hoá chủ nhà, trong tâm thế giằng co giữa ý muốn bảo tồn văn hoá gốc của mình
đồng thời cũng muốn hoà nhập vào xã hội nơi họ đến định cư để thuận lợi cho cuộc
sống. Nếu như ý muốn bảo tồn thắng thế, cá nhân ấy sẽ tự tạo ra sự chia tách
(separation) hoặc sự cô lập (marginalization). Nếu như ý muốn hoà nhập thắng thế, cá

6
nhân ấy sẽ đồng hoá (assimilation) hoặc hoà nhập (integration) vào nền văn hoá chiếm
ưu thế hoặc văn hoá chủ nhà, hình thành trạng thái song tồn văn hoá (biculturalism).
Đối với các cộng đồng người cũng vậy. Trong bối cảnh toàn cầu hoá và tin học hoá
ngày nay, các dân tộc, các tộc người hầu như đều bị giằng co giữa hai lựa chọn: bảo
tồn văn hoá và hội nhập. Vậy họ sẽ tự mình lựa chọn hướng đi, hay ai đó không phải
họ sẽ lựa chọn thay cho họ? Tất nhiên là nên để cho họ tự lựa chọn hướng đi, xuất phát
từ mục đích, nhu cầu, lợi ích của chính mình.
Nói cách khác, cần tôn trọng quyền văn hoá của các dân tộc, các tộc người mà
trước hết là quyền được sống trong nền văn hoá của mình. Đối với các giá trị và
truyền thống văn hoá, hãy để cho các dân tộc, các tộc người được quyền lựa chọn giữa
bảo tồn và hội nhập, hoặc cả hai. Như một nhận định của Nguyễn Tấn Đắc [1999: 20-
37]: “Mỗi dân tộc tộc người đều có nền hoặc vốn văn hoá của mình. Mỗi nền hoặc vốn
văn hoá đó đều có đặc điểm và giá trị của nó, vừa là thành quả vừa là môi trường sống
văn hoá của mỗi dân tộc tộc người, đều có quyền tồn tại như nhau, ít ra là về mặt lý
thuyết và luật pháp. Không thể nhân danh một nền văn hoá lớn hơn, phát triển hơn của
dân tộc chủ thể bắt những dân tộc khác sống theo mình, đồng hoá với mình, từ bỏ nền
văn hoá và lối sống của họ. Đồng hoá văn hoá là thái độ tệ hại nhất trong quan hệ giữa
các dân tộc tộc người”.

4. KẾT LUẬN
Hình thành trong thế kỷ XX ở phương Tây trên cơ sở các công trình khảo sát
thực tiễn rất công phu, các lý thuyết về tiếp biến văn hoá đã có những đóng góp quan
trọng về những hệ quả xảy ra do quá trình tiếp biến văn hoá, và đặt ra những lựa chọn
khác nhau cho các cá nhân và các nhóm người nhập cư, các tộc người thiểu số khi đối
diện với nền văn hoá chủ nhà hoặc nền văn hoá ưu thế. Các kết luận về các dạng thức
tiếp biến văn hoá và chiến lược tiếp biến văn hoá của các nhà nghiên cứu ấy cho đến
nay vẫn còn nguyên giá trị.
Để có thể vận dụng các lý thuyết về tiếp biến văn hoá trong nghiên cứu văn hoá
và văn hoá Việt Nam, chúng tôi cho rằng, cần phân biệt hai đối tượng của việc vận
dụng là các nhóm xã hội và các cá nhân, xem xét tác động của tiếp biến văn hoá trên
cả hai chiều hướng tích cực và tiêu cực. Và cuối cùng, trong bối cảnh Việt Nam là một
quốc gia đa tộc người trong đó có một tộc người ưu thế, chúng tôi ủng hộ việc dành
cho các cá nhân và các nhóm xã hội quyền lựa chọn những chiến lược tiếp biến văn
hoá thích hợp với nhu cầu văn hoá của chính họ.

TÀI LIỆU THAM KHẢO


1. Berry, John W. (1990), “Psychology of acculturation” (Tâm lý học tiếp biến văn hoá),
trong Berman, John J. (Ed), Nebraska Symposium on Motivation, 1989: Cross-cultural
perspectives. Current theory and research in motivation (Những quan điểm xuyên văn
hoá. Lý thuyết và nghiên cứu hiện hành về động lực), Vol. 37, pp. 201-234, Lincoln, NE,
US: University of Nebraska Press.
2. Berry, John W. (1997), “Immigration, Acculturation, and Adaptation” (“Sự nhập cư, tiếp
biến văn hoá, và sự thích nghi”), Applied Psychology (Tâm lý học ứng dụng), Vol. 46,
Issue 1 January 1997, pp. 5-34, Wiley-Blackwell.

7
3. Lý Tùng Hiếu (2016), “Lịch sử tiếp biến văn hoá ở Việt Nam”, Tạp chí Khoa học Xã hội
Việt Nam, số 1 (98) - 2016, trang 53-61.
4. Nguyễn Tấn Đắc (1999), “Từ nhu cầu văn hoá đến quyền văn hoá của các dân tộc (trường
hợp Tây Nguyên)”, Những vấn đề văn hoá, văn học & ngôn ngữ học, Viện Khoa học Xã
hội tại TP. Hồ Chí Minh, NXB Khoa học Xã hội, trang 20-37.
5. Phạm Đức Dương (2011), “Văn hoá, đối tượng văn hoá và phương pháp nghiên cứu liên
ngành”, báo cáo chuyên đề tại Khoa Văn hoá học, Trường Đại học Văn hoá TP. Hồ Chí
Minh, Lý Tùng Hiếu lược ghi, www.vanhoahoc.edu.vn, 9/9/2011.
6. Thomas, William Isaac & Znaniecki, Florian (1919), The Polish peasant in Europe and
America: monograph of an immigrant group (Nông dân Ba Lan ở châu Âu và Mỹ: Chuyên
khảo về một nhóm người nhập cư), The University of Chicago Press.
7. Trần Ngọc Khánh (2011), “Mấy cơ sở tiếp cận lý thuyết nghiên cứu văn hoá”,
www.vanhoahoc.edu.vn, 04/09/2011.
-----------------------------------------------------
Nguồn: Lý Tùng Hiếu (2018), “Các lý thuyết tiếp biến văn hoá và phương hướng vận dụng
trong nghiên cứu văn hoá”, Các lý thuyết nghiên cứu văn hoá phương Tây và vận
dụng vào nghiên cứu văn hoá Việt Nam, nhiều tác giả, kỷ yếu hội thảo khoa học,
Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn - Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh
tổ chức, 29/11/2018, 209 trang, trang 80-89.

You might also like