You are on page 1of 7

2.1.

Xác định cha, mẹ con khi cha mẹ có hôn nhân hợp pháp - căn cứ, thủ
tục, đánh giá về quy định của luật và thực tiễn áp dụng
2.1.1. Căn cứ, thủ tục
Trong trường hợp này, trước hết cần xác định được rằng quan hệ hôn nhân
giữa cha mẹ là hợp pháp. Đứa trẻ đã được khai sinh và được xác định là con
chung của hai vợ chồng nhưng một trong hai bên nghi ngờ đứa trẻ không phải
con mình hoặc cả hai bên cùng nghi ngờ đứa trẻ không phải con mình. Khi đó,
căn cứ xác định quan hệ cha, mẹ, con được xác định theo nguyên tắc suy đoán
pháp lý được quy định tại Điều 88 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 về
những trường hợp được coi là con chung của vợ chồng. Theo đó, việc xác định
quan hệ giữa cha, mẹ, con dựa trên các căn cứ như sau:
* Căn cứ vào thời kỳ hôn nhân
Theo khoản 13 Điều 3 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định:
“Thời kỳ hôn nhân là khoảng thời gian tồn tại quan hệ vợ chồng, được tính từ
ngày đăng ký kết hôn đến ngày chấm dứt hôn nhân.” Thời kì hôn nhân được
xem là một trong những căn cứ quan trọng nhất để có thể xác định tính đương
nhiên hoặc không đương nhiên trong việc xác định cha, mẹ, con. Khi hai bên
nam nữ xác lập quan hệ hôn nhân thì việc xác định cha, mẹ, con được căn cứ
trước hết trên cơ sở pháp lý, tức là thời kỳ hôn nhân. Trong trường hợp này thì
huyết thống không còn mang ý nghĩa quyết định trong việc xác định cha, mẹ,
con.1
Thời kỳ hôn nhân là khoảng thời gian tồn tại quan hệ vợ chồng, được tính từ
thời điểm bắt đầu hôn nhân do hai bên nam, nữ đăng kí kết hôn đến thời điểm
chấm dứt hôn nhân do ly hôn hoặc do một bên vợ, chồng chết, bị tuyên bố chết.
Tuy nhiên, thời điểm bắt đầu thời kì hôn nhân vẫn tồn tại trường hợp ngoại
lệ đó là: trường hợp có yêu cầu hủy việc kết hôn trái pháp luật thì lúc này thời
kỳ hôn nhân sẽ được xác định theo điểm b khoản 2 Điều 4 Thông tư liên tịch số
01/2016/TTLT- TANDTC- VKSNDTC- BTP ngày 06/01/2016 đã đưa ra hướng
dẫn thi hành một số quy định của Luật Hôn nhân và gia đình như sau:
“2. Trường hợp tại thời điểm kết hôn, hai bên kết hôn không có đủ điều kiện
kết hôn nhưng sau đó có đủ điều kiện kết hôn quy định tại Điều 8 của Luật hôn
nhân và gia đình thì Tòa án xử lý như sau:

1 Xác định cha, mẹ, con theo Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 và thực tiễn áp dụng tại
thành phố Hoà Bình : luận văn thạc sĩ Luật học / Nguyễn Chí Tùng ; TS. Bùi Minh Hồng
hướng dẫn
a) Nếu hai bên kết hôn cùng yêu cầu Tòa án công nhận quan hệ hôn nhân
thì Tòa án quyết định công nhận quan hệ hôn nhân đó kể từ thời điểm các bên
kết hôn có đủ điều kiện kết hôn.”

Có thể thấy được rằng, thời kỳ hôn nhân được tính kể từ thời điểm hai bên
đăng ký kết hôn hoặc được tính vào thời điểm mà các bên kết hôn trái pháp luật
nhưng được Tòa án công nhận hôn nhân. Và thời điểm kết thúc hôn nhân là khi
mà vợ, chồng chết được xác định theo ngày thực tế vợ hoặc chồng chết được ghi
trong giấy chứng tử. Nếu như trường hợp chấm dứt hôn nhân do ly hôn thì ngày
chấm dứt sẽ là ngày mà bản án hoặc quyết định của Tòa án có hiệu lực pháp
luật. Cuối cùng là trường hợp chấm dứt hôn nhân khi có quyết định của Tòa án
tuyên bố vợ hoặc chồng chết thì ngày chết xác định theo Quyết định của Tòa án
và đó cũng chính là ngày mà hôn nhân chấm dứt.
* Căn cứ vào sự kiện sinh đẻ
Quá trình thụ thai, sinh đẻ của con người thể hiện chức năng đặc trưng là
duy trì nòi giống, do đó pháp luật gắn sự kiện sinh đẻ trong việc xác định cha,
mẹ, con. Theo đó, Điều 88 quy định những trường hợp sau được coi là con
chung của vợ chồng: con được sinh ra trước ngày đăng ký kết hôn và được cha
mẹ thừa nhận, con do người vợ thụ thai trước ngày đăng ký kết hôn và sinh ra
trong thời kỳ hôn nhân, con do người vợ thụ thai và sinh ra trong thời kỳ hôn
nhân, con do người vợ thụ thai trong thời kỳ hôn nhân và sinh ra sau khi hôn
nhân chấm dứt trong một thời hạn luật định tối đa là 300 ngày. Như vậy, trong
việc xác định cha, mẹ, con, pháp luật chú trọng vào “thời điểm sinh đẻ” và “thời
điểm có thai” của người vợ, theo đó các trường hợp người vợ sinh con bất kể
thời điểm nào trong thời kỳ hôn nhân hoặc sinh con trong khoảng thời gian được
suy đoán là đã có thai trong thời kỳ hôn nhân (300 ngày kể từ ngày chấm dứt
hôn nhân) thì con sinh ra đều được xác định là con chung của vợ chồng. Quy
định này có ý nghĩa quan trọng trong việc xác định cha, mẹ, con, góp phần bảo
vệ quyền và lợi ích chính đáng của phụ nữ và trẻ em.2
* Căn cứ vào sự thừa nhận của cha mẹ về con chung của vợ chồng
Đây là một trường hợp đặc biệt và chỉ áp dụng khi người vợ sinh con trước
ngày đăng kí kết hôn. Theo Điều 88 quy định: “Con sinh ra trước ngày đăng ký
kết hôn và được cha mẹ thừa nhận là con chung của vợ chồng”. Trong trường
hợp này, người phụ nữ đã thực hiện toàn bộ quá trình sinh đẻ trước khi kết hôn
và sau khi kết hôn, cả vợ và chồng đều thừa nhận đó là con chung của họ. Sự

2 Bình luận Luật Hôn nhân và Gia đình (Biên soạn theo các tài liệu mới nhất), LS Nguyễn
Linh Chi, Nhà xuất bản Lao Động, 2018.
thừa nhận của vợ chồng đối với con chung phải được thể hiện bằng văn bản khi
làm thủ tục đăng ký khai sinh cho con và ghi thông tin về người cha trong giấy
khai sinh của người con.
Các quy định tại Khoản 1 Điều 88 thể hiện nguyên tắc suy đoán pháp lý
trong việc xác định cha, mẹ, con. Quy định này cho phép mặc nhiên xác định
con sinh ra trong những trường hợp được Luật quy định là con chung của vợ
chồng. Do đó, vợ, chồng không phải xuất trình các chứng cử chứng minh về
quan hệ cha - con, quan hệ mẹ - con của mình, trừ trường hợp xảy ra tranh chấp.
Điều này được thể hiện rõ nét khi làm thủ tục đăng ký khai sinh cho con, trong
đó người đi đăng ký khai sinh không phải xuất trình chứng cứ chứng minh về
quan hệ cha, mẹ và con mà chỉ phải nộp tờ khai theo mẫu quy định và giấy
chứng sinh cho cơ quan đăng ký hộ tịch.
Việc quy định có tính nguyên tắc như trên đã tạo ra sự ràng buộc trách
nhiệm giữa vợ và chồng trong việc sinh con và buộc họ phải chịu trách nhiệm
về mối quan hệ của mình trong thời kì hôn nhân, tránh việc đùn đẩy trách nhiệm
chứng minh cho người khác, làm mất tính ổn định cũng như gắn kết của gia
đình. Đồng thời, điều luật cũng quy định các bên có quyền không thừa nhận con
nhưng phải có trách nhiệm chứng minh và phải do Tòa xác định việc chấp nhận
hay không chấp nhận yêu cầu của họ.3
Về thủ tục xác định quan hệ cha - mẹ - con, có thể chia thành hai trường hợp
như sau:
Trường hợp không có tranh chấp: việc xác định cha, mẹ cho con sẽ được
thực hiện theo thủ tục hành chính được quy định trong Luật Hộ tịch năm 2014
Trường hợp có tranh chấp: việc xác định cha mẹ con được thực hiện theo
thủ tục quy định tại Bộ luật tố tụng dân sự. Theo đó, người có yêu cầu xác định
cha mẹ con yêu cầu ra Tòa án và nộp kèm giấy tờ chứng minh cho yêu cầu của
mình để Tòa án xem xét giải quyết theo quy định.
2.1.2. Đánh giá thực tiễn áp dụng quy định trên thực tế
a) Ưu điểm
Quy định tại Điều 88 đã bảo vệ được quyền và lợi ích của phụ nữ và trẻ
em trong việc xác định mối quan hệ cha, mẹ, con.
Trong quan hệ hôn nhân và gia đình thì quan hệ cha, mẹ con là phức tạp hơn
cả và thường nảy sinh những vấn đề dễ dẫn đến các tranh chấp. Vì vậy để tạo cơ
sở pháp lý cho việc giải quyết trên , luật đã quy định cụ thể các nguyên tắc về
xác định cha, mẹ con và các quy định khác liên quan. Với việc quy định có tính
nguyên tắc như trên đã tạo ra sự ràng buộc trách nhiệm giữa vợ và chồng trong
việc sinh con và buộc họ phải chịu trách nhiệm về mối quan hệ của mình trong
3 Thực tiễn áp dụng quy định về thẩm quyền giải quyết việc xác định cha mẹ con http://fdvn.vn/thuc-
tien-ap-dung-quy-dinh-ve-tham-quyen-giai-quyet-viec-xac-dinh-cha-me-con/
thời kì hôn nhân, tránh được việc đùn đẩy trách nhiệm chứng minh cho người
khác, làm mất tính ổn định cũng như sự gắn kết của gia đình truyền thống.
Với quy định tại khoản 1 : “con sinh ra trước ngày đăng ký kết hôn và được
cha mẹ thừa nhận là con chung của vợ chồng” đã đảm bảo quyền lợi tốt nhất
cho con. Tuy nhiên trong trường hợp này, mối quan hệ cha, mẹ và con không
phải được đương nhiên xác lập mà pháp luật tôn trọng sự tự nguyện thừa nhận
của người vợ và người chồng. Nếu người chồng không tự nguyện thừa nhận thì
quan hệ này không được đương nhiên xác lập, người mẹ muốn xác định chồng
mình là cha của con thì phải chứng mình được điều đó.
Thông qua nội dung của quy định này có thể thấy được tư tưởng xuyên suốt
của Nhà nước ta là bảo vệ một cách triệt để quyền và lợi ích của phụ nữ và trẻ
em trong việc xác định mối quan hệ cha, mẹ và con. Trên cơ sở mốc thời gian
được tính từ thời điểm kết hôn đến khi hôn nhân chấm dứt, nếu việc thành thai
phát sinh trước thời điểm kết hôn thì pháp luật dựa trên điều kiện sinh đẻ để xác
định cha, mẹ, con. Ngược lại, nếu sự kiện sinh đẻ xảy ra sau khi hôn nhân đã
chấm dứt thì căn cứ để xác định lại là thời điểm thụ thai. Nguyên tắc suy đoán
trên được hầu hết các nước trên thế giới vận dụng để xác định quan hệ cha, mẹ,
con kể cả con trong thời kì hôn nhân và ngoài giá thú. Ví dụ , pháp luật dân sự
của cộng hòa Pháp có quy định rất chi tiết và đầy đủ những nguyên tắc suy
đoán quan hệ cha - con chính thức (trong thời kì hôn nhân), theo đó “nếu con
được thụ thai trong thời kì hôn nhân thì người chồng là cha đứa trẻ”.4

b) Những điểm vướng mắc, bất cập


Thứ nhất, về quy định tại Khoản 1 Điều 88: “Con được sinh ra trong thời
hạn 300 ngày kể từ thời điểm chấm dứt hôn nhân được coi là con do người
vợ có thai trong thời kỳ hôn nhân.”.
Về nguyên tắc, thời điểm chấm dứt hôn nhân là thời điểm mà bản án hoặc
quyết định thuận tình ly hôn của toà án có hiệu lực pháp luật; hoặc thời điểm
một bên vợ, chống chết, hoặc thời điểm xác định ngày chết của vợ, chồng hay
ngày quyết định tuyên bố chết có hiệu lực pháp luật. Tuy nhiên, trên thực tế, vẫn
có trường hợp trong thời hạn 300 ngày theo luật định, người vợ vẫn có thể có
thai với người khác mà không phải là chồng mình. Cụ thể, đối với trường hợp
khi người chồng bị tuyên bố chết trở về và được khôi phục quan hệ hôn nhân thì
coi như thời kỳ hôn nhân không gián đoạn “quan hệ hôn nhân được khôi phục,
kể từ thời điểm kết hôn”. Do đó, việc xác định cha, mẹ, con vẫn được áp dụng
nguyên tắc suy đoán pháp lý được quy định tại điều 88 Luật Hôn nhân và gia

4 Điều 312, bộ luật dân sự nước cộng hòa Pháp.


đình năm 2014. Như vậy, nếu người vợ ở nhà vẫn sinh con trong thời gian
không bị tuyên bố chết, thậm chí người vợ đang chung sống với người khác và
đang có thai với người khác thì những đứa trẻ đó vẫn là con chung của vợ
chồng. Điều này về thực tế là không hợp lý, có thể xảy ra những tranh chấp xác
định lại quan hệ cha con. Do đó, cần xem xét cụ thể các trường hợp có thể xảy
ra đối với thời hạn 300 ngày theo luật định.
Thứ hai, cần bổ sung quy định cụ thể về khái niệm “có tranh chấp” trong
việc xác định cha, mẹ, con trong các VBPL về lĩnh vực hôn nhân và gia đình
hiện hành. Chính bởi việc thiếu định nghĩa về cụm từ này, trên thực tế Cơ quan
hộ tịch và Tòa án ở nhiều nơi vẫn còn lúng túng trong việc xác định thẩm quyền
để giải quyết khi có vụ việc yêu cầu5.
Ví dụ: Do cuộc sống hôn nhân giữa chị T và chồng hợp pháp là anh H
không hạnh phúc nên từ năm 2010, vợ chồng anh chị đã sống ly thân. Sau một
thời gian quan hệ tình cảm với anh Vũ TH, chị T có thai và sinh con vào ngày
09/6/2014, tên dự sinh của cháu là Vũ Hải PH. Giữa chị T và chồng cũ vẫn
chưa làm thủ tục ly hôn. Đã rất nhiều lần anh TH và chị T đến Ủy ban nhân dân
phường nơi chị H cư trú để làm Giấy khai sinh cho con mang họ của anh TH
nhưng không được vì cán bộ địa chính hướng dẫn anh, chị phải khởi kiện ra
Tòa án để được giải quyết vì đây là trường hợp có tranh chấp. Không am hiểu
quy định của pháp luật cũng như không muốn khởi kiện ra Tòa án vì cho rằng
giữa anh chị không có tranh chấp gì về con, hai người đều đồng nhất việc cháu
PH là con chung của anh chị, anh H thì không có ý kiến. Tháng 2 năm 2020,
anh Vũ TH đã phải khởi kiện đến Tòa án để có căn cứ làm giấy khai sinh cho
con đi học.
Tình huống trên đặt ra vấn đề là cần phải xác định như thế nào là “có tranh
chấp” để từ đó xác định được thẩm quyền giải quyết thuộc cơ quan nào, đồng
thời đảm bảo được sự thống nhất trong các văn bản quy phạm pháp luật khi áp
dụng vào thực tiễn, tránh sự bất cập, lúng túng khi không thực sự rõ ràng trong
các xác định tư cách tham gia tố tụng, tư cách xác lập quan hệ pháp lý giữa các
bên với nhau.

Thứ ba, nguyên tắc suy đoán pháp lý tại Điều 88 vẫn chưa dự liệu được
hết các trường hợp có thể xảy ra trên thực tế, cụ thể là trường hợp người phụ
nữ sau khi chấm dứt hôn nhân ngay sau đó đã kết hôn với người khác và
sinh con.

Ví dụ: Sau một khoảng thời gian chung sống không hạnh phúc, anh A và chị B
quyết định thực hiện thủ tục ly hôn. Tới tháng 5/2001, anh A và chị B được Toà
án giải quyết ly hôn bằng một bản án có hiệu lực pháp luật. Sau đó 3 tháng, chị
B kết hôn với anh C vào tháng 8/2001. Tháng 1/2002, chị B sinh cháu K. Sau
5 Nguyễn Thị Lan (2008), Xác định cha, mẹ, con trong pháp luật Việt Nam, Luận án Tiến sĩ Luật học, Trường
Đại học Luật Hà Nội.
dó, cả anh A và anh C đều nhận cháu K là con của mình dẫn đến tranh chấp về
quan hệ cha - con.
Trong trường hợp trên, nếu dựa vào nguyên tắc suy đoán tại Điều 88 thì có thể
cả anh A và anh C đều được xác định là cha của cháu K vì chị B đã thụ thai
trong thời kỳ hôn nhân với anh A nhưng lại sinh con trong thời kỳ hôn nhân với
anh C. Do đó, nhà làm luật cần đưa ra giải pháp phù hợp cho thực trạng này.
2.1.3. Kiến nghị hoàn thiện pháp luật

Thứ nhất, hiện nay, trong pháp luật dân sự, tố tụng dân sự có quy định về
các trường hợp thông báo tìm kiếm người vắng mặt, tuyên bố mất tích, tuyên bố
chết, đây là những thủ tục cần thiết để đảm bảo quyền và lợi ích của những
người có quyền và lợi ích liên quan với người bị tuyên bố mất tích, tuyên bố
chết. Vì vậy, đối với việc xác định cha, mẹ, con, khi xác định về thời gian mang
thai tối đa (300 ngày) cần áp dụng trong những thời điểm đặc biệt, ví dụ như
thời điểm đối với người bị xác định là mất tích, bị xác định là chết. Trường hợp
người chồng đã bỏ nhà đi biệt tích trong một thời gian dài mà người vợ ở nhà
vẫn sinh con thì đứa trẻ vẫn là con chung của vợ chồng vì vẫn được sinh ra
trong thời kì hôn nhân. Nếu có yêu cầu xác định lại vấn đề này, người khởi kiện
phải có chứng cứ và phải được Toà án xác định.

Như vậy, trong trường hợp này cần xác định 300 ngày được bắt đầu kể từ
ngày người chồng chết trên thực tế (ngày chết thực tế sẽ được ghi trong giấy
khai tử) hoặc ngày chết của người chồng được xác định trong quyết định có hiệu
lực về tuyên bố chết của toà án; ngày bắt đầu mất tích được xác định trong quyết
định có hiệu lực về tuyên bố mất tích của toà án; ngày bản án hoặc quyết định li
hôn có hiệu lực pháp luật của tòa án (thậm chí có thể áp dụng thời gian 300
ngày trong trường hợp huỷ việc kết hôn trái pháp luật, thời điểm 300 ngày bắt
đầu kể từ ngày quyết định huỷ việc kết hôn trái pháp luật có hiệu lực pháp luật,
trong khoảng thời gian này nếu người phụ nữ sinh con thì người đàn ông trong
hôn nhân trái pháp luật trước đây đương nhiên được xác định là cha của đứa con
đó).

Thứ hai, cần xác định 180 ngày bắt đầu kể từ ngày thực tế người bị tuyên
bố mất tích trở về thay vì căn cứ vào ngày quyết định huỷ bỏ quyết định tuyên
bố mất tích có hiệu lực pháp luật (đối với trường hợp chưa li hôn với người mất
tích); ngày thực tế người bị chết trở về chứ không căn cứ vào ngày quyết định
huỷ bỏ quyết định tuyên bố chết có hiệu lực pháp luật (đối với trường hợp người
ở nhà chưa kết hôn với người khác) vì trong các trường hợp này thời kì hôn
nhân bị gián đoạn trong một thời gian nhất định.

Thứ ba, theo khoản 2 điều 88 Luật hôn nhân và gia đình đã quy định:
“Trong trường hợp cha, mẹ không thừa nhận con thì phải có chứng cứ và phải
được Tòa án xác định”. Như vậy, pháp luật đã quy định quyền yêu cầu xác định
lại quan hệ cha mẹ và con cho người cha, người mẹ của đứa con, nhưng lại
không quy định đứa con có quyền xác định lại quan hệ đó . Vì vậy, nên quy định
thêm trường hợp này để đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp cho các chủ thể
trong mối quan hệ cha, mẹ, con.

Tài liệu tham khảo:


Xác định cha, mẹ, con tại Toà án nhân dân và thực tiễn áp dụng : luận văn thạc sĩ Luật học /
Lại Ngọc Lan ; PGS. TS. Nguyễn Thị Lan hướng dẫn
Trần, T. P. (2015). Xác định cha, mẹ, con theo pháp luật Việt Nam. Luận văn thạc sỹ, Đại học
Quốc gia Hà Nội, Việt Nam.

https://repository.vnu.edu.vn/flowpaper/simple_document.php?
subfolder=98/34/41/
&doc=98344137714971174243323583485846141150&bitsid=bcc39eb7-
9136-4555-b910-51d0ae13a11b&uid=

You might also like