You are on page 1of 7

Nhóm 4 : Trần Minh Hoàng

Hoàng Minh Khôi


Tô Minh Khánh
Thân Hoàng Minh
Chủ đề: Hợp đồng kỳ hạn
I. Tổng quan
1.Khái niệm
Hợp đồng kỳ hạn là một loại hợp đồng thỏa thuận mua hoặc bán một tài sản tại
một thời điểm nhất định trong tương lai với một mức giá đã được xác định ngay
tại thời điểm thỏa thuận hợp đồng.
Hợp đồng kỳ hạn là một loại hợp đồng giao sau, đối lập với hợp đồng giao ngay
(spot contract) – với tài sản thường được giao trong vòng 2 ngày kể từ ngày ký
kết (T+2). Hợp đồng kỳ hạn có thời điểm giao nhận xa hơn so với T+2. Chênh
lệch giữa giá kỳ hạn và giá giao ngay gọi là khoản thặng dư (forward premium)
nếu giá kỳ hạn cao hơn, hoặc khoản chiết khấu (forward discount) nếu giá kỳ hạn
thấp hơn.
Người ta có thể sử dụng hợp đồng kỳ hạn để đầu cơ giá cả trong tương lai, nhưng
thường thì mục đích của hợp đồng là để tránh việc tài sản bị tác động của rủi ro
về giá cả cũng hay lãi suất trong tương lai (hedging).
Tại một thời điểm xác định trong tương lai (vào lúc đó người mua sẽ trả tiền và
người bán sẽ giao tài sản cơ sở)
 Thời điểm xác định trong tương lai gọi là ngày thanh toán hợp đồng
hay ngày đáo hạn.
 Thời gian từ khi ký hợp đồng đến ngày thanh toán gọi là kỳ hạn của
hợp đồng.
Với một mức giá xác định ngay tại thời điểm thỏa thuận hợp đồng
 Giá xác định từ trước và sẽ áp dụng trong ngày thanh toán hợp đồng
gọi là giá kỳ hạn hay giá xác định thanh toán.
   
Các bên tham gia trong hợp đồng gồm có:
 Người mua (Long position): là bên đồng ý mua tài sản nhất định vào
một thời điểm nhất định trong tương lai với mức giá đã được thỏa
thuận hôm nay.
 Người bán (Short position): là bên đồng ý bán tài sản nhất định vào
một thời điểm nhất định trong tương lai với mức giá đã được thỏa
thuận hôm nay.
Ví dụ: 
 Vào ngày 18/3/2023, A ký hợp đồng kỳ hạn mua của B:
o 1 tấn gạo.
o Sau 3 tháng (tức ngày 18/6/2023): T=3.
o Với giá 50 triệu/ tấn.
 B được gọi là người bán kỳ hạn và A là người mua kỳ hạn. Xác lập trạng
thái khi ký hợp đồng kỳ hạn:
o A (người mua) có trạng thái dương.
o B (người bán) có trạng thái âm.
 Chú ý: Các giao dịch làm tăng quyền sở hữu về một tài sản là
trạng thái dương. Các giao dịch làm giảm quyền sở hữu về một
tài sản là trạng thái âm. 
 Tại thời điểm đáo hạn (sau 3 tháng), cho dù giá gạo trên thị trường là bao
nhiêu đi nữa thì: 
o B phải bán cho A một tấn gạo với giá 50 triệu .
o A phải mua một tấn gạo của B với giá đó.
2. Đặc điểm:
 Vào ngày ký kết hợp đồng, 2 bên không thực hiện thanh toán tiền và trao đổi
tài sản cơ sở mà hoạt động này sẽ được thực hiện vào ngày đáo hạn.
 Đến ngày đáo hạn, các bên phải thực hiện theo thỏa thuận trong hợp đồng.
 Hợp đồng kỳ hạn được thỏa thuận và ký kết bởi 2 bên, không qua trung gian
và không phải trả bất kỳ khoản phí nào.
 Tài sản cơ sở là bất kỳ loại tài sản nào mà không cần phải được chuẩn hóa
về khối lượng, chất lượng hay giá trị… như hợp đồng tương lai.
 Hợp đồng kỳ hạn không được niêm yết và giao dịch trên thị trường tập trung
như hợp đồng tương lai và chỉ được giao dịch trên thị trường OTC.
 Người tham gia hợp đồng kỳ hạn có thể đóng vị thế bằng cách mở một vị thế
ngược đối với một hợp đồng kỳ hạn tương tự.
 Không thực hiện ký quỹ.
 Tính thanh khoản của hợp đồng kỳ hạn thấp dẫn đến rủi ro cao hơn.
3. Các loại hợp đồng kỳ hạn:
Hợp đồng kỳ hạn cổ phiếu (equity forward contract): Là loại hợp đồng kỳ hạn với
tài sản cơ sở là cổ phiếu.
Hợp đồng kỳ hạn trái phiếu (forward contract on bond): Là loại hợp đồng kỳ hạn
với tài sản cơ sở là trái phiếu.
Hợp đồng kỳ hạn hàng hóa (commodity forward): Tài sản cơ sở là các loại hàng
hóa thực như lúa; gạo, lúa mì, cà phê, dầu thô;.....
Hợp đồng giao dịch tiền tệ kỳ hạn (currency forward contract): Hợp đồng kỳ hạn
trong đó hai bên cam kết sẽ mua hoặc bán với nhau một lượng ngoại tệ theo một tỷ
giá xác định, vào một thời điểm xác định trong tương lai.
Hợp đồng lãi suất kỳ hạn (forward rate agreement- FRA): Hợp đồng mà hai bên
đồng ý lãi suất sẽ trả được vào một ngày thanh toán trong tương lai.
Hợp đồng kỳ hạn không giao dịch (non-deliverable forward – NDF): Là loại hợp
đồng kỳ hạn được thực hiện bằng thỏa thuận giao dịch tiền mặt (cash settlement)
thay vì giao nhận tài sản gốc (physical delivery).
Tuy nhiên ở Việt Nam hiện nay chỉ có hợp đồng kỳ hạn ngoại hối là phổ biến với
các đối tượng tham gia bao gồm các ngân hàng thương mại, các công ty xuất nhập
khẩu, các tổ chức đầu tư tài chính. Nói ngắn gọi về loại hợp đồng này chính là sự
thỏa thuận của hai bên về việc mua và bán một lượng ngoại tệ với một mức giá
được ấn định trước và việc thanh toán sẽ được thực hiện tại một thời điểm xác định
trong tương lai.
II. Ý nghĩa và rủi ro của hợp đồng kỳ hạn:
* Ý nghĩa
Ý nghĩa cơ bản nhất của hợp đồng kỳ hạn chính là phòng ngừa rủi ro trước sự biến
động thất thường của giá cả hàng hóa, tài sản tài chính hay lãi suất. Doanh nghiệp
sử dụng hợp đồng kỳ hạn để cố định một khoản chi phí, thông thường là chi phí
nguyên vật liệu để phòng ngừa rủi ro leo thang của giá cả.
Đối với các ngân hàng thương mại, các công ty đa quốc gia hay các nhà đầu tư tài
chính, công ty xuất nhập khẩu, những người chịu ảnh hưởng nhiều nhất bởi sự biến
động của tỷ giá hối đoái thì hợp đồng kỳ hạn chính là công cụ tốt để phòng ngừa
rủi ro tỷ giá.
*Rủi ro
Các bên tham gia của hợp đồng kỳ hạn sẽ phải đối mặt với 2 rủi ro chính: rủi ro
thanh khoản và rủi ro thanh toán.
Rủi ro thanh khoản: thị trường hợp đồng kỳ hạn không phát triển bằng hợp đồng
tương lai, đặc biệt là ở Việt Nam. Vì không được niêm yết trên một sàn giao dịch
nào cả mà chỉ là hợp đồng riêng biệt giữa 2 bên nên hợp đồng kỳ hạn không được
trao đổi trên thị trường, dẫn đến tính thanh khoản thấp. Trong trường hợp nhận
thấy rủi ro cao hay nhu cầu đối với tài sản cơ sở thay đổi thì việc chuyển nhượng
hợp đồng hay đóng hợp đồng bằng một vị thế đối lập cũng rất khó khăn.
Rủi ro thanh toán: thứ nhất là không có bất kỳ một khoản tiền ký quỹ nào giữa các
bên, thứ hai là không có trung gian đứng ra làm nhiệm vụ thanh toán bù trừ và lời
lỗ của hợp đồng kỳ hạn sẽ được thanh toán khi hợp đồng đáo hạn, như vậy, rủi ro
thanh toán của hợp đồng kỳ hạn cao trong khi hợp đồng tương lai có thể phòng
ngừa được loại rủi ro này.
III. Hợp đồng kỳ hạn ngoại hối:
1. Khái niệm:
Giao dịch ngoại tệ kỳ hạn (forward) là giao dịch mua hoặc bán ngoại tệ mà việc
chuyển giao ngoại tệ được thực hiện sau một thời hạn nhất định kể từ khi thỏa
thuận hợp đồng.
Lý do xuất hiện loại giao dịch này là để cung cấp phương tiện phòng ngừa rủi ro
hối đoái, tức là rủi ro phát sinh do sự biến động bất thường của tỷ giá gây ra. Với
tư cách là công cụ phòng ngừa rủi ro, hợp đồng có kỳ hạn được sử dụng để cố định
khoản thu nhập hay chi trả theo một tỷ giá cố định đã biết trước, bất chấp sự biến
động tỷ giá trên thị trường.
Đối tượng tham gia:  chủ yếu là các ngân hàng thương mại, các công ty đa quốc
gia, các nhà đầu tư trên thị trường tài chính quốc tế và các công ty xuất nhập khẩu-
những người mà hoạt động của họ thường xuyên chịu ảnh hưởng một cách đáng kể
bởi sự biến động của tỷ giá. Khi có nhu cầu giao dịch ngoại tệ, hai bên ngân hàng
và khách hàng thỏa thuận giao dịch và ký kết hợp đồng giao dịch ngoại tệ kỳ hạn.

2. Tỷ giá kỳ hạn:
Tỷ giá kỳ hạn (forward rate) là tỷ giá áp dụng trong tương lai nhưng được xác định
ở hiện tại. Tỷ giá này áp dụng cho các giao dịch mua bán ngoại tệ có kỳ hạn và
được xác định dựa trên cơ sở tỷ giá giao ngay và lãi suất trên thị trường tiền tệ.

Công thức: Tỷ giá có kỳ hạn = Tỷ giá giao ngay + -  Điểm kỳ hạn  

3. Sử dụng hợp đồng kỳ hạn ngoại hối:


Hợp đồng mua bán ngoại tệ kỳ hạn thường được ngân hàng áp dụng để đáp ứng
nhu cầu ngoại tệ kỳ hạn của khách hàng.

Ví dụ: một nhà xuất khẩu có một hợp đồng xuất khẩu trị giá 1000000 EUR ba
tháng nữa sẽ đến hạn thanh toán. Giả sử thị trường ngoại hối được thả nổi và tỷ giá
EUR/VND ba tháng nữa như thế nào không ai có thể đoán được. EUR có khả năng
lên giá cũng có khả năng xuống giá so với VND. Nếu EUR lên giá so với VND thì
tốt cho nhà xuất khẩu, nhưng nếu EUR xuống giá so với VND thì nhà xuất khẩu sẽ
bị thiệt hại. Để tránh thiệt hại do biến động tỷ giá EUR/VND, nhà xuất khẩu thoả
thuận bán EUR cho ngân hàng theo hợp đồng kỳ hạn. Ngân hàng mua EUR của
nhà xuất khẩu theo tỷ giá mua kỳ hạn được thoả thuận trước và cố định trong suốt
thời hạn giao dịch. Nhờ vậy nhà xuất khẩu tránh được rủi ro tỷ giá. Ngược lại với
nhà xuất khẩu, nhà nhập khẩu lo sợ EUR lên giá sẽ làm cho chi phí nhập khẩu tăng
lên. Để tránh rủi ro tỷ giá, nhà nhập khẩu liên hệ và thỏa thuận mua ngoại tệ, EUR,
kỳ hạn từ ngân hàng. Ngân hàng sẽ bán số ngoại tệ kỳ hạn vừa mua của nhà xuất
khẩu cho nhà nhập khẩu theo tỷ giá bán kỳ hạn. Tỷ giá này là tỷ giá được xác định
trước và cố định trong suốt kỳ hạn giao dịch. Nhờ vậy, nhà nhập khẩu tránh được
rủi ro tỷ giá do tỷ giá biến động.

4. Hạn chế của hợp đồng kỳ hạn ngoại hối:


Giao dịch ngoại tệ kỳ hạn thỏa mãn được nhu cầu mua bán ngoại tệ của khách
hàng mà việc chuyển giao được thực hiện trong tương lai. Tuy nhiên, do giao dịch
kỳ hạn là giao dịch bắt buộc nên khi đến ngày đáo hạn dù bất lợi hai bên vẫn phải
thực hiện hợp đồng. Điều này có nghĩa nếu tại thời điểm giao dịch trong tương lai,
bên mua hợp đồng có bị thiệt hại thì giao dịch vẫn bắt buộc phải diễn ra.

Một điểm hạn chế nữa là hợp đồng kỳ hạn chỉ đáp ứng được nhu cầu khi nào khách
hàng chỉ cần mua hoặc bán ngoại tệ trong tương lai còn ở hiện tại không có nhu
cầu mua hoặc bán ngoại tệ. Đôi khi trên thực tế, khách hàng vừa có nhu cầu mua
bán ngoại tệ ở hiện tại đồng thời vừa có nhu cầu mua bán ngoại tệ ở trong tương
lai. Chẳng hạn, một nhà xuất nhập khẩu hiện tại cần VND để thanh toán các khoản
chi tiêu trong nước nhưng đồng thời cần ngoại tệ để thanh toán hợp đồng nhập
khẩu ba tháng nữa sẽ đến hạn. Đáp ứng nhu cầu này, nhà xuất nhập khẩu có thể
liên hệ với ngân hàng thực hiện hai giao dịch: 

      • Bán ngoại tệ giao ngay để lấy VND chi tiêu trong nước
    • Mua ngoại tệ kỳ hạn để ba tháng sau có ngoại tệ thanh toán hợp đồng nhập
khẩu đến hạn. 
Trong hai giao dịch trên, giao dịch thứ nhất là giao dịch hối đoái giao ngay, giao
dịch thứ hai là giao dịch hối đoái kỳ hạn. Rõ ràng trong tình huống này chỉ với
giao dịch hối đoái giao ngay hay chỉ với giao dịch hối đoái kỳ hạn chưa thể đáp
ứng được nhu cầu giao dịch của khách hàng, mà phải kết hợp cả hai loại giao dịch
này lại với nhau mới đáp ứng được nhu cầu của khách hàng.

You might also like