You are on page 1of 2

PHIẾU BÀI TẬP “HOÀNG LÊ NHẤT THỐNG CHÍ” (NGÔ GIA VĂN PHÁI)

Bài 1. Đọc đoạn văn sau và trả lời các câu hỏi:
- Quân Thanh sang xâm lấn nước ta, hiện ở Thăng Long, các ngươi đã biết chưa? Trong khoảng vũ trụ, đất
nào sao ấy, đều đã phân biệt rõ ràng, phương nam phương bắc chia nhau mà cai trị. Người phương Bắc không
phải nòi giống nước ta, bụng dạ ắt khác. Từ đời nhà Hán đến nay, chúng đã mấy phen cướp bóc nước ta, giết
hại nhân dân, vơ vét của cải, người mình không thể chịu nổi, ai cũng muốn đuổi chúng đi. Đời Hán có Trưng Nữ
Vương, đời Tống có Đinh Tiên Hoàng, Lê Đại Hành, đời Nguyên có Trần Hưng Đạo, đời Minh có Lê Thái Tổ,
các ngài không nỡ ngồi nhìn chúng làm điều tàn bạo, nên đã thuận lòng người, dấy nghĩa quân, đều chỉ đánh
một trận là thắng và đuổi được chúng về phương Bắc. Ở các thời ấy, Bắc Nam riêng phận, bờ cõi lặng yên, các
vua truyền ngôi lâu dài. Từ đời nhà Đinh tới đây, dân ta không đến nỗi khổ như hồi nội thuộc xưa kia. Mọi việc
lợi, hại, được, mất ấy đều là chuyện cũ rành rành của các triều đại trước. Nay người Thanh lại sang, mưu đồ lấy
nước Nam đặt làm quận huyện, không biết trông gương mấy đời Tống, Nguyên, Minh ngày xưa. Vì vậy, ta phải
kéo quân ra đánh đuổi chúng. Các ngươi đều là những kẻ có lương tri lương năng, hãy nên cùng ta đồng tâm
hiệp lực, để dựng nên công lớn. Chớ có quen thói cũ, ăn ở hai lòng, nếu như việc bị phát giác ra, sẽ bị giết chết
ngay tức khắc, không tha một ai, chớ bảo là ta không nói trước!
a. Đoạn trích trên trích trong tác phẩm nào? Tác giả là ai?
b. Lời nói trong đoạn trích trên là lời của nhân vật nào? Nói với ai? Nêu hoàn cảnh của cuộc giao tiếp đó.
c. Xác định phương thức biểu đạt chính được sử dụng trong đoạn văn trên.
d. Nội dung chính của đoạn văn trên là gì? Để làm sáng tỏ nội dung đó, tác giả đã nêu ra những luận cứ nào?
g. Hoàn cảnh ra đời và nội dung của đoạn văn trên gợi em liên tưởng đến tác phẩm nào đã học trong chương
trình Ngữ văn THCS?
h. Viết đoạn văn (khoảng 2/3 trang giấy thi) nêu suy nghĩ của em về hình ảnh những người lính vẫn ngày đêm
canh giữ nơi biên cương Tổ quốc.
Bài 2. Đọc kĩ đoạn văn sau và trả lời các câu hỏi bên dưới.
- Lần này ta ra, thân hành cầm quân, phương lược tiến đánh đã có tính sẵn. Chẳng qua mươi ngày, có thể đuổi
được người Thanh. Nhưng nghĩ chúng là nước lớn gấp mười nước mình, sau khi bị thua một trận, ắt lấy làm
thẹn mà lo mưu báo thù. Như thế thì việc binh đao không bao giờ dứt, không phải là phúc cho dân, nỡ nào mà
làm như vậy. Đến lúc ấy, chỉ có người khéo lời lẽ mới dẹp nổi việc binh đao, không phải Ngô Thì Nhậm thì
không ai làm được. Chờ mười năm nữa, cho ta được yên ổn mà nuôi dưỡng lực lượng, bấy giờ nước giàu quân
mạnh, thì ta có sợ gì chúng?
a. Nhân vật "ta" trong đoạn văn trên là ai? Nhân vật ấy nói những lời này với ai? Nói trong hoàn cảnh nào?
b. Câu văn : "Chờ mười năm nữa, cho ta được yên ổn mà nuôi dưỡng lực lượng, bấy giờ nước giàu quân mạnh,
thì ta có sợ gì chúng?" thuộc kiểu câu gì xét theo mục đích nói?
c. Câu văn in đậm trong đoạn văn trên liên kết với các câu văn đứng trước nó bằng phép liên kết nào? Chỉ ra từ
ngữ thể hiện phép liên kết đó.
d. Từ đoạn văn trên, em thấy nhân vật "ta" có những phẩm chất gì?
e. Lựa chọn một phẩm chất trong những phẩm chất của nhân vật "ta" mà em đã xác định trong câu d, viết đoạn
văn (khoảng 2/3 trang giấy thi) nêu suy nghĩ của em về ý nghĩa của phẩm chất đó với tuổi trẻ hôm nay.
Bài 3. Đọc đoạn trích sau và trả lời câu hỏi:
Nửa đêm ngày mồng 3 tháng giêng, năm Kỷ Dậu (1789), vua Quang Trung tới làng Hà Hồi, huyện
Thượng Phúc, lặng lẽ vây kín làng ấy, rồi bắc loa truyền gọi, tiếng quân lính luân phiên nhau dạ ran để hưởng
ứng, nghe như có hơn vài vạn người. Trong đồn lúc ấy mới biết, ai nấy rụng rời sợ hãi, liền xin ra hàng, lương
thực khí giới đều bị quân Nam lấy hết.
Vua Quang Trung lại truyền lấy sáu chục tấm ván, cứ ghép liền ba tấm làm một bức, bên ngoài lấy rơm
dấp nước phủ kín, tất cả là hai mươi bức. Đoạn kén hạng lính khoẻ mạnh, cứ mười người khênh một bức, lưng
giắt dao ngắn; hai mươi người khác đều cầm binh khí theo sau, dàn thành trận chữ "nhất"; vua Quang Trung
cưỡi voi đi đốc thúc, mờ sáng ngày mồng 5 tiến sát đồn Ngọc Hồi. Quân Thanh nổ súng bắn ra, chẳng trúng
người nào cả. Nhân có gió bắc, quân Thanh bèn dùng ống phun khói lửa ra, khói toả mù trời, cách gang tấc
không thấy gì, hòng làm cho quân Nam rối loạn. Không ngờ trong chốc lát trời bỗng trở gió nam, thành ra quân
Thanh lại tự làm hại mình.
Vua Quang Trung liền gấp rút sai đội khiêng ván vừa che vừa xông thẳng lên trước. Khi gươm giáo
của hai bên đã chạm nhau thì quăng ván xuống đất, ai nấy cầm dao ngắn chém bừa; những người cầm binh khí
theo sau cũng nhất tề xông tới mà đánh.
Quân Thanh chống không nổi, bỏ chạy tán loạn, giày xéo lên nhau mà chết. Tên Thái thú Điền Châu
là Sầm Nghi Đống tự thắt cổ chết
(trích Hoàng Lê nhất thống chí, hồi thứ mười bốn, Ngô gia văn phái)
a. Giải nghĩa nhan đề tác phẩm Hoàng Lê nhất thống chí. Tác phẩm này thuộc thể loại nào?
b. Xác định phương thức biểu đạt được sử dụng trong đoạn trích trên.
c. Viết đoạn văn (khoảng 12 câu) theo mô hình đoạn tổng - phân - hợp, nêu cảm nhận của em về tài dụng binh
của vua Quang Trung được thể hiện qua đoạn trích trên.
Bài 4. Đọc đoạn văn sau và trả lời các câu hỏi bên dưới
Tôn Sĩ Nghị sợ mất mật, ngựa không kịp đóng yên, người không kịp mặc áo giáp, dẫn bọn lính kị mã của
mình chuồn trước qua cầu phao, rồi nhằm hướng bắc mà chạy. Quân sĩ các doanh nghe tin, đều hoảng hồn, tan
tác bỏ chạy, tranh nhau qua cầu sang sông, xô đẩy nhau rơi xuống mà chết rất nhiều. Lát sau cầu lại bị đứt,
quân lính đều rơi xuống nước, đến nỗi nước sông Nhị Hà vì thế mà tắc nghẽn không chảy được nữa.
Vua Lê ở trong điện, nghe tin có việc ấy, vội vã cùng bọn Lê Quýnh, Trịnh Hiến đưa thái hậu ra ngoài.
Cả bọn chạy đến bến sông thì thấy cầu phao đã đứt, thuyền bè cũng không, bèn gấp rút chạy đến bến Nghi Tàm,
thình lình gặp được chiếc thuyền đánh cá, vội cướp lấy rồi chèo sang bờ bắc. [...] Trời nhá nhem tối thì nhà vua
đến cửa ải, theo kịp chỗ nghỉ của Tôn Sĩ Nghị. Một lát, các viên quan khác cũng lục tục theo đến, cùng nhìn
nhau than thở, oán giận chảy nước mắt.
a. Giới thiệu đôi nét về nhân vật Tôn Sĩ Nghị được nhắc đến trong đoạn văn bản trên.
b. Tìm trong đoạn văn bản các từ ngữ, hình ảnh chỉ tâm trạng, hành động của quân, tướng nhà Thanh. Vì sao
chúng lại có tâm trạng, hành động như vậy?
c. Tình cảnh của vua tôi Lê Chiêu Thống hiện lên trong đoạn trích như thế nào?
d. Xác định phương thức biểu đạt chủ yếu và nêu nội dung chính của đoạn văn bản trên.
e. Tình cảm, thái độ của tác giả với quân tướng nhà Thanh và với vua tôi Lê Chiêu Thống có gì khác biệt. Vì sao
có sự khác biệt đó?

You might also like