You are on page 1of 2

DƯỚI BÓNG HOÀNG LAN

Thạch Lam
` Tố Hữu từng quan niệm: “cuộc đời là nơi xuất phát và cũng là nơi đi tới của
văn học” bởi cuộc đời chính là mảnh đất màu mỡ khơi nguồn những trang văn vàng,
là nguồn tri thức bao la cho con người. Vì thế mà mỗi tác phẩm ta đọc, thường sẽ luôn
gắn liền với cuộc sống xung quanh, gắn với những điều bình dị, giản đơn với biết bao
cảm xúc cá nhân của người viết. Tác giả trực tiếp gửi gắm tâm tư tình cảm của mình
vào hình ảnh, sự vật, sự việc và nhân vật để có hồn, để làm sống dậy tác phẩm của
mình. Và cứ như thế, “Dưới bóng hoàng lan” của Thạch Lam được viết nên với chủ
đề: hạnh phúc bắt đầu từ những điều giản dị qua nhân vật Thanh.
Nói đến Thạch Lam là nhắc đến nhà văn của sự tinh tế, của những khám phá
nhỏ nhặt nhất trong đời sống. Các sáng tác của ông đều mang một nét đặc trưng không
trùng lặp ai bởi không có cốt truyện hoặc nếu có, cốt truyện thường rất đơn giản. Ông
viết nên trang văn của mình bằng những đường nét đơn sơ, thưa thoáng nhưng rất đỗi
chân thực với cảm xúc của mình. “Dưới bóng hoàng lan” được in trong tập “Nắng
trong vườn”. Truyện được sáng tác khi tác giả ở phố huyện Cẩm Giàng với mong
muốn cho độc giả cảm nhận được hạnh phúc từ những điều giản đơn trong cuộc sống.
Chủ đề của tác phẩm được tác giả thể hiện ngay giây phút Thanh trở về nhà.
Lúc đặt chân vào khu vườn của bà, anh cảm thấy “mát hẳn cả người” và rồi anh “trở
nên nghẹn họng”. Khung cảnh thiện nhiên đẹp đến lạ thường qua hình ảnh "ánh sáng
lọt qua vòm cây xuống nhảy múa theo chiều gió" cùng "mùi lá non phảng phất". Sao
lạ thường nhỉ? Phải chăng cái hình ảnh vốn quen thuộc với người miền quê lại không
thể tìm thấy được ở nơi Thanh sống-nơi xô bồ, tấp nập? Rồi anh cứ từng bước từng
bước một đi dọc theo bức tường hoa thấp dẫn đến đầu nhà. Đôi chân trĩu nặng bước
lên thềm, nhìn vào nhà, anh thấy "bóng tối dịu và man mát". Khi đã quen rồi, Thanh
thấy mọi thứ không có gì thay đổi, vẫn y nguyên như ngày anh đi. Cảnh tượng ấy
khiến anh không thể nói thành lời, anh “nghẹn họng”. Sao phải “nghẹn họng” cơ chứ?
Mọi thứ vẫn vậy cơ mà? Hay cái nút thắt làm nghẹn lại cổ họng anh là thời gian? Đã
quá lâu kể từ ngày anh rời xa nơi quê nhà và đến một nơi khác, nơi chốn phồn hoa đô
thị tấp nập. Đã quá lâu kể từ khi anh được chơi đùa cùng bà ở khu vườn nhỏ này. Và
cũng đã quá lâu anh mới được nhìn lại hình ảnh vốn rất quen thuộc với mình nhưng
nay sao xa lạ quá! Nghẹn chứ nhỉ? Cái nghẹn ấy, là sự ồn ào, ở ngoài kia bị thắt lại
trong tâm hồn của người con đi xa nay được trở về mái nhà thân yêu hay đó còn là sự
cô đọng lại của biết bao trạng thái cảm xúc được dồn nén quá lâu. Để rồi, đứa cháu ấy
nghẹn ngào hạnh phúc từ những hình ảnh vô cùng bình dị mà bấy lâu nay anh đã vô
tình bỏ lỡ.
Không những thế, chủ đề của tác phẩm còn được Thạch Lam khắc họa rõ nét
hơn ở chi tiết người bà lại gần chăm sóc cho Thanh. Người bà cứ chậm rãi, từng bước
tiến “lại gần săn sóc buông màn, nhìn cháu và xua đuổi muỗi.”và rồi “chàng cảm động
gần ứa nước mắt.” Buông màn, nhìn đứa cháu của mình và chỉ xua đuổi muỗi thôi mà,
sao lại khiến cho con người ta ứa nước mắt cơ chứ? Ta gọi đó là những hình ảnh vô
cùng bình dị mà thiêng liêng. Bởi vì sao? Nó bình dị bởi hầu hết đứa cháu nào cũng
được người bà của mình quan tâm và săn sóc như vậy. Nhưng với riêng Thanh,
khoảnh khắc mà được bà buông mùng xuống và đuổi muỗi cho, nó thiêng liêng lắm,
bởi đã rất lâu rồi anh mới được bà che chở, được nằm trọn trong tình yêu thương của
một người đã từng vừa làm cha, vừa làm mẹ Thanh. Xúc động chứ nhỉ? Sao lại không
cơ chứ? Giọt nước mắt cứ thế dâng trào, ứa ra đôi mắt Thanh. Nó ứa ra thôi, chứ
chẳng phải rơi thành dòng bởi đó là sự dồn nén của cảm xúc, của niềm hạnh phúc hay
của tình bà cháu. Thanh chẳng dám để nó rơi. Lỡ bà thấy thì sao? Bà lo cho đứa cháu
này nữa ư? Hay bà xót cho Thanh-đứa cháu bé bỏng ngày nào của bà? Thương nhỉ?
Cái cảm giác mà một đứa trẻ ngày ấy cảm nhận được, giờ đây lại dâng trào hơn, xúc
đọng hơn qua Thanh-đứa cháu được bà nuôi lớn bằng cả tấm lòng. Mồ côi cha mẹ,
thiếu thốn tình cảm, đời sống vật chất có thể thiếu này thiếu kia nhưng chắc chắn rằng
tình bà cháu của Thanh và bà luôn đong đầy, dạt dào và chưa một lần nhạt phai. Chỉ
một cái buông màn, một lần nhìn đứa cháu đã khôn lớn và những lần xua đuổi muỗi
cho cháu cũng đủ để làm cho Thanh xúc động mà hạnh phúc. Và như thế, bức tranh
hạnh phúc được cấu thành từ những điều giản đơn được Thạch Lam tô đậm thêm lần
nữa qua nhân vật Thanh.
Như vậy, chuyến về quê, về lại mái nhà thân yêu của Thanh đã làm cho anh bồi
hồi, xúc cảm trước phong cảnh thiên nhiên an tĩnh và tác giả còn cho Thanh một vé
trở về tuổi thơ, trở về vòng tay yêu thương của bà, được bà săn sóc như ngày còn thuở
nhỏ. Cứ như thế, giá trị nhân văn sâu sắc dạt dào khắp trang văn của Thạch Lam qua
nhân vật Thanh.
Không những thế, từ nhân vật Thanh ta còn biết được phong cách sáng tác và
con người Thạch Lam . Ông là nhà văn của sự bình dị và tinh tế. Văn chương của ông
nhẹ nhàng và trong trẻo nhưng vẫn bám sát vào hiện thực cuộc sống. Mọi sự vật, hình
ảnh hiện lên hết sức tự nhiên và cốt truyện đơn giản, thậm chí là không có nhưng lại
có sức làm nặng trĩu tâm tư, suy nghĩ cho bạn đọc.
Và cuối cùng, trước giây phút gấp lại truyện ngắn ấy, tác giả cũng gieo vào tâm
trí độc giả biết bao điều hay. Thạch Lam làm thay đổi sự nhận thức và giúp cho bạn
đọc tự đơn giản hóa sự hạnh phúc, hạnh phúc nó không xuất phát từ những thứ xa hoa
mà chỉ đơn giản là những điều xung quanh chúng ta, nó gần gũi như vậy đấy!
Đúng như cách mà nhà văn Thạch Lam nói: “Công việc của nhà văn là phát
hiện cái đẹp ở chỗ không ai ngờ tới, mang đến cho người đọc một bài học trông nhìn
và thưởng thức”. Ta thấy điều đó càng được khắc họa rõ nét qua ngôn từ bình dị, đời
thường và tư tưởng sâu sắc chất chứa trong áng văn của ông-người nghệ sĩ với trái tim
tha thiết suốt đời đi tìm và phụng sự cái đẹp. Ông đã để lại cho văn đàn nhiều tác
phẩm có giá trị, đặc biệt không thể không kể đến tác phẩm “Dưới bóng hoàng lan” và
nhân vật Thanh với chủ đề: hạnh phúc bắt đầu từ những điều giản dị.

You might also like