You are on page 1of 4

CHIỀU TỐI

Hồ Chí Minh

I. KIẾN THỨC TRỌNG TÂM


1. Phân tích cảnh và tình trong bài thơ.
2. Nghệ thuật của bài thơ: kết hợp giữa cổ điển và hiện đại (vẻ đẹp trong thơ Bác).

II. PHÂN TÍCH


1. Phân tích cảnh và tình trong bài thơ:
a. Khái quát tác gia Hồ Chí Minh và bài thơ Chiều tối:
- Tác giả:
- Tác phẩm:
+ Nhật kí trong tù có nhiều bài thơ viết về cảnh đi đường, cảnh chuyển lao,…Chiều tối là
một bài thơ như thế. Bác viết bài thơ này xuất phát từ một buổi chiều tối trên con đường
chuyển lao, chặng cuối cùng của một ngày đày ải. Thông thường khi thơ được viết vào thời
điểm này thường mang một tâm trạng chán chường, mệt mỏi bởi vì sau lưng là cả một
chặng đi đường vất vả, còn trước mặt là những gian lao, nguy hiểm mới đang chờ, lại là
nhà tù, giam cầm, xiềng xích,…Nhưng qua bài Chiều tối, ta thấy thi hứng đến với Bác một
cách tự nhiên.
+ Qua bài Chiều tối cũng như nhiều bài thơ khác trong Nhật kí trong tù, ta lại thấy toát lên
vẻ đẹp tâm hồn của Bác: tâm hồn yêu thiên nhiên, luôn hướng tới con người, hướng tới
cuộc sống, tâm hồn lạc quan, nhân hậu; vẻ đẹp thơ Bác: sự kết hợp giữa cổ điển và hiện
đại.
b. Hai câu thơ đầu: Cảnh núi rừng khi chiều tối và tâm trạng của tác giả.
“Quyện điểu qui lâm tầm túc thụ
Cô vân mạn mạn độ thiên không”
(Chim mỏi về rừng tìm chốn ngủ
Chòm mây trôi nhẹ giữa tầng không)
- Cảnh vật:
+ Được gợi lên với bút pháp ước lệ quen thuộc của thơ cổ. Trong thơ cổ khi nói về buổi chiều,
người ta thường dùng cánh chim trong hoàng hôn. Đây cũng là bút pháp nghệ thuật lấy không
gian để tả thời gian. Ta đã bắt gặp điều này trong bài thơ Tràng giang của Huy Cận:
“Lớp lớp mây cao đùn núi bạc
Chim nghiêng cánh nhỏ bóng chiều sa”
Tác giả đã sử dụng hình ảnh ước lệ trong thơ cổ: cánh chim trong hoàng hôn. Đúng là thơ
xưa khi miêu tả buổi chiều thường điểm xuyến bằng cánh chim trong hoàng hôn.
Trong ca dao cũng có câu: “Chim bay về núi tối rồi”.
Câu thơ trong Truyện Kiều của Nguyễn Du: “Chim hôm thoi thót về rừng”.
Trong thơ Bà Huyện Thanh Quan:
“Ngàn mai gió cuốn chim bay mỏi,
Dặm liễu sương xa khách bước rồi”
Tất cả đều là hình ảnh cách chim trong hoàng hôn. Đó là nghệ thuật lấy không gian để gợi tả
thời gian.
Trong bài thơ Chiều tối cũng thế, tác giả cũng đã vẽ trên nền trời chiều đường bay, hình
ảnh của cánh chim chiều. Tuy nhiên, bút pháp ước lệ ấy lại nói rất đúng hoàn cảnh và tâm
trạng của Bác, ước lệ nhưng không rơi vào chung chung. Đọc hai câu thơ, ta thấy được hình
ảnh người tù đang bị áp giải giữa núi rừng khi buổi chiều tối đang dần buông, ngẩng đầu lên
quan sát và nhận ra trên bầu trời ấy cánh chim bay ngang qua bầu trời.

1|THPT NGUYỄN THỊ MINH KHAI – Ngữ văn 11 – Thầy Hồ Hoài Khanh
Câu thơ đúng tâm trạng của nhân vật trữ tình: “Cô vân mạn mạn độ thiên không”. Bản
dịch đã không dịch được hai chữ “cô vân”: chòm mây đơn lẻ, và không dịch được hai chữ
“mạn mạn”: trôi lững lờ, trôi chậm chạp. Trên bầu trời biết bao nhiêu chòm mây mà bây giờ
chỉ còn một chòm mây đơn lẻ. Đây không phải là cánh chim bay đơn thuần mà là cánh chim
bay mệt mỏi (quyện điểu). Rõ ràng cảnh đã được nhìn qua tâm trạng và cảnh mang tâm trạng.
Người tù sau một ngày lê bước mỏi mệt cho nên cảm nhận cánh chim mỏi mệt, một mình trên
đất khách quê người cho nên nhà thơ cảm nhận được sự cô đơn, lẻ loi.

- Tâm trạng, vẻ đẹp tâm hồn Bác:


+ Giữa con người và cảnh vật có sự cảm thông, đồng điệu vì cảnh được cảm nhận qua tâm
trạng, mang tâm trạng. Đây là tâm hồn yêu thiên nhiên: luôn tìm đến sự hòa hợp giữa con
người và thiên nhiên. Người tù mệt mỏi sau một ngày lê bước trên đường xa nên cảm nhận
một cánh chim mỏi mệt bay về rừng tìm chốn ngủ. Con người đang tha hương nơi đất khách
đồng điệu với chòm mây đơn lẻ. Tình yêu thiên nhiên luôn hướng tới sự đồng điệu giữa
con người và thiên nhiên. Thơ Bác hay có những đồng điệu như thế. Trong bài Giải đi sớm
với câu thơ đầu là sự đồng cảm giữa thiên nhiên khắc nghiệt nhưng sau đó vầng trăng đã
trở thành một người bạn đồng hành:
“Gà gáy một lần đêm chửa tan
Chòm sao nâng nguyệt vượt lên ngàn”
Bên cạnh đó còn là sự gắn bó với cuộc đời, cuộc sống. Tâm hồn Bác luôn hướng về sự
sống. Ta có thể thấy rõ điều này qua sự so sánh thơ Bác với thơ Đường. Trong thơ Lí Bạch,
cũng có hình ảnh cánh chim và chòm mây:
“Chúng điểu cao phi tận
Cô vân độc khứ nhàn”
(Chim bầy vút bay hết
Mây lẻ đi một mình)
Ta thấy rằng, thơ Bác mang phong vị Đường thi nhưng lại có điểm khác so với thơ Đường.
Cánh chim trong thơ Lí Bạch vút bay như tan vào không gian, cõi vĩnh hằng. Còn cánh chim
trong Chiều tối không bay đi hết, mà mỏi mệt tìm về núi rừng, chuyển trạng thái từ bay sang
nghỉ để rồi sớm mai này nó lại tiếp tục với vòng tuần hoàn của sự sống.

+ Tâm hồn Bác luôn hướng về đất nước: tuy không nói trực tiếp nhưng qua hai câu thơ đầu
đã toát lên điều đó. Cảnh và tâm trạng trong hai câu thơ phảng phất sự hiu quạnh và khi đặt
trong hoàn cảnh của tác giả thì ta thấy được tâm hồn gắn bó với đất nước, quê hương. Nỗi
buồn xa đất nước, lạc lõng nơi đất khách, quê người. Bao nhiêu công việc Cách mạng đang
chờ mình trong nước vậy mà bây giờ lại bị giam cầm một cách vô lí như thế, cứ bị chuyển
từ nhà giam này đến nhà giam khác liên tục như thế. Một tâm trạng như thế lại gặp lúc cảnh
núi rừng như thế nên việc phảng phất một nỗi buồn cũng là điều hợp lí. Nhưng từ nỗi buồn,
sự hiu quạng ấy ta đã thấy được tấm lòng của Bác luôn hướng về đất nước, quê hương.
Nhưng nỗi buồn không phải là nét chủ đạo trong bài thơ Chiều tối, cũng không phải là nét
chủ đạo trong cảm xúc, trong tâm hồn nhà thơ. Vì vậy, hai câu thơ sau là một sự chuyển
hướng bất ngờ, tự nhiên, hợp lí.
c. Hai câu cuối: Cảnh cuộc sống, sinh hoạt của con người và cảm xúc của tác giả.
“Sơn thôn thiếu nữ ma bao túc
Bao túc ma hoàn lô dĩ hồng”
(Cô em xóm núi xay ngô tối
Xay hết lò than đã rực hồng)
- Cảnh vật:
+ Hình ảnh cô sơn nữ với công việc hàng ngày.

2|THPT NGUYỄN THỊ MINH KHAI – Ngữ văn 11 – Thầy Hồ Hoài Khanh
Trong thơ cổ với cánh chim ngàn, mây nổi ấy cũng sẽ xuất hiện hình ảnh con người
nhưng đó có thể là đạo sĩ, một ẩn sĩ lánh đời; còn nếu trong thơ lãng mạn cũng có thể xuất
hiện hình ảnh giai nhân với nét buồn lãng mạn và sự cô đơn: “Lòng buồn tựa cửa ngóng
trông ai” hoặc là “Mắt xanh mây biếc một mình tương tư”. Nhưng còn trong bài Chiều tối
lại là hình cảnh của cô sơn nữ làm những công việc hàng ngày. Đây là con người lao động
với công việc giản dị. Công việc ấy có đôi chút vất vả nhưng thật ấm cúng, đáng yêu. Nhà
phê bình Hoài Thanh nhận định rất tinh tế về hình ảnh cô sơn nữ: “Một hình ảnh tuyệt đẹp
về cuộc đời thiếu thốn, vất vả mà vẫn ấm cúng, vẫn đáng quý, đáng yêu. Những hình ảnh
như thế không thiếu gì ở chung quanh ta nhưng thường vẫn trôi qua đi. Không có một tấm
lòng yêu đời sâu sắc, không thể nào ghi lại được”.
+ Hình ảnh lò than rực hồng kết thúc bài thơ. Với chữ “hồng” là nhãn tự của bài thơ. Nó đã
đem đến ánh sáng (xua tan đi bóng đêm), hơi ấm (xua tan lạnh lẽo của núi rừng) và niềm
vui trong cuộc sống đời thường (xua tan đi nỗi buồn hiu quạnh). Bút pháp nghệ thuật dùng
ánh sáng để gợi tả thời gian chuyển từ chiều đến tối. So với bản dịch thì trong nguyên bản
không có chữ nào nói về tối, bản dịch đã thêm vào từ “tối”. Chúng ta chú ý rằng lò than đã
rực hồng từ trước, nhưng do còn ánh sáng của mặt trời chiều nên ánh sáng ấy nhìn không
rõ. Khi màn đêm bắt đầu buông xuống rồi thì ánh sáng của lò than bỗng rực rỡ hẳn lên, thu
hút cái nhìn của người đi đường. Bản dịch thêm vào từ “tối” đã làm bớt đi cái đặc sắc trong
bút pháp nghệ thuật của tác giả, không dùng tối mà vẫn diễn tả được thời gian chuyển từ
chiều đến tối.
- Tâm trạng, vẻ đẹp tâm hồn Bác:
+ Vẻ đẹp của một tâm hồn yêu cuộc sống. Ta nhớ lại lời nhận định của Hoài Thanh: “Những
hình ảnh như thế không thiếu gì ở chung quanh ta nhưng thường vẫn trôi qua đi. Không có
một tấm lòng yêu đời sâu sắc, không thể nào ghi lại được”. Nghĩa là những hình ảnh như
thế đã sẵn có nhưng không phải ai cũng chú ý đến nó, không phải ai cũng chuyển nó trở
thành thi hứng như Bác. Nghĩa là ở thẩm sâu trong tâm hồn Bác phải là một tấm lòng yêu
cuộc sống, luôn hướng tới cuộc sống của con người thì khi gặp cảnh ấy mới ghi lại và
chuyển thành thi hứng.
+ Vẻ đẹp của một tâm hồn lạc quan, nhân hậu: Bác luôn nhìn sự vật trong chiều hướng phát
triển, hướng tới cuộc sống, hướng tới niềm vui, không chỉ bài thơ này mà nhiều bài thơ
khác của Bác cũng thể hiện điều đó. Đáng lẽ theo qui luật bình thường thì trời tối thì núi
rừng càng tối, càng lặng yên nhưng ở đây hoàn toàn không phải: hai câu đầu là hình ảnh
núi rừng hiu quạnh khi chiều tối nhưng hai câu cuối lại là cảnh cuộc sống con người, là ánh
sáng của lò than rực hồng, là sự sống, là niềm vui. Khi con người nhìn cuộc sống theo sự
phát triển ấy là cái nhìn lạc quan. Và cái nhìn lạc quan ấy chỉ có ở tâm hồn của con người
lạc quan. Trong những bài thơ khác như Giải đi sớm cũng thế: bốn câu thơ đầu là cảnh đêm
tối, giá lạnh và buồn bã khi người tù bị áp giải nhưng bốn câu thơ sau lại là cảnh bình minh
huy hoàng, rực rỡ. Người tù trở thành thi sĩ tràn trề thi hứng:
“Phương Đông màu trắng chuyển sang hồng
Bóng tối đêm tàn quét sạch không
Hơi ấm bao la trùm vũ trụ
Người đi thi hứng bỗng thêm hồng”

Hay
“Gạo đem vào giã bao đau đớn
Gạo giã xong rồi trắng tựa bông”
Bài thơ Chiều tối còn thể hiện tấm lòng nhân hậu của Bác. Đằng sau lưng người tù là một
ngày dài đi đường giải lao vất vả, có khi tới năm, ba cây số một ngày, áo mưa dầm nắng dãi.
Còn trước mặt là những gian lao, nguy hiểm mới đang chờ, lại nhà tù, lại gông cùm, muỗi
rệp,…thậm chí “ngồi trên hố xí đợi ngày mai”. Nếu xuất phát từ cảnh ngộ cá nhân thì chỉ có thể
3|THPT NGUYỄN THỊ MINH KHAI – Ngữ văn 11 – Thầy Hồ Hoài Khanh
buồn. Nhưng ở đây, thơ Bác lại chuyển từ buồn sang vui. Nghĩa là Bác không xuất phát từ cảnh
ngộ cá nhân mà là vui trong niềm vui của người khác. Bác đã quên mình đi để vui với cuộc sống
ấm no của người khác. Bài thơ Chiều tối để thể hiện được một tấm lòng nhân đạo đạt tới mức
quên mình.

2. Nghệ thuật của bài thơ: kết hợp giữa vẻ đẹp cổ điển và hiện đại.
- Vẻ đẹp cổ điển: Hiện lên qua hình ảnh: cánh chim, chòm mây, xóm núi,…với những hình ảnh
quen thuộc của thơ cổ. Những từ ngữ: quyện điểu, cô vân, mạn mạn,…cũng mang màu sắc cổ
điển. Về nội dung: Cảnh trong bài Chiều tối giống như bức tranh giàu chất hội họa của phương
Đông. Thể hiện qua sự hòa hợp, đồng điệu giữa con người và thiên nhiên.
- Vẻ đẹp hiện đại: Hình ảnh cô sơn nữ xóm núi với công việc hằng ngày và đặc biệt là lò than
rực hồng đem đến nét mới, nét hiện đại cho bức tranh chiều tối. Tinh thần hiện đại của bài thơ
thể hiện đậm nét qua tư tưởng, tình cảm của tác giả, cũng từ đó toát lên hình tượng thơ luôn
có hướng phát triển: hướng tới ánh sáng, hướng tới cuộc sống, đó là sự vận động hình tượng
thơ phát triển theo hướng của tinh thần lạc quan.

4|THPT NGUYỄN THỊ MINH KHAI – Ngữ văn 11 – Thầy Hồ Hoài Khanh

You might also like