You are on page 1of 7

CHUYÊN ĐỀ: NGUYỄN KHUYẾN

1. Tiểu sử
a. Con người:
Nguyễn Khuyến sinh ra trong dòng dõi Nho gia, có nhiều người thành công trên con đường hoạn lộ. Cha Nguyễn
Khuyến là Nguyễn Tông Khởi (1796-1853), thường gọi là Mền Khởi, đỗ ba khóa tú tài, làm nghề dạy học. Mẹ là Trần
Thị Thoan (1799-1874), nguyên là con của Trần Công Trạc, từng đỗ tú tài thời Lê Mạc. Nhưng đến đời Nguyễn Khuyến
thì gia cảnh sa sút, thân sinh ông về quê dạy học. Nguyễn Khuyến sinh ra trong cơ hàn nhưng nhân tâm trong sáng, đã
thông minh lại hiếu học. Tuy vậy, đường công danh của ông gặp nhiều trắc trở. Năm 1864, Nguyễn Khuyến đỗ đầu cử
nhân (tức Giải Nguyên). Năm sau (1865), ông trượt thi Hội nên tu chí, ở lại kinh đô học trường Quốc Tử Giám (có tài
liệu ghi rằng trong giai đoạn này ông đổi tên thành Nguyễn Khuyến (阮勸) vì từ này có chữ lực lớn hơn Nguyễn Thắng
(阮勝), tức ông muốn tự khuyên mình phải nỗ lực hơn nữa). Đến năm 1871, ông mới đỗ Hội Nguyên và Đình Nguyên
(Hoàng giáp). Từ đó, Nguyễn Khuyến thường được gọi là “Tam Nguyên Yên Đổ”. Theo Quốc triều hương khoa lục,
ông được vua Tự Đức đổi tên là Nguyễn Khuyến sau khi đỗ Đình bảng.
Nguyễn Khuyến ra làm quan giữa lúc nước mất nhà tan, cơ đồ nhà Nguyễn như sụp đổ hoàn toàn nên giấc mơ cống
hiến cho đất nước của ông không thực hiện được. Lúc này Nam Kỳ rơi vào tay thực dân Pháp chỉ trong vòng từ năm
1862 đến năm 1867. Năm 1882, quân Pháp bắt đầu đánh ra Hà Nội. Năm 1883 chúng ép triều Nguyễn kí hiệp ước chấp
nhận chính sách cai trị trên ba kì. Năm 1885, họ tấn công kinh thành Huế. Kinh thành thất thủ, Tôn Thất Thuyết nhân
danh vua Hàm Nghi xuống chiếu Cần Vương, nhân dân hưởng ứng khắp nơi. Nhưng cuối cùng phong trào Cần Vương
tan rã. Năm 1873, ông được bổ làm Đốc Học, rồi thăng Án Sát tại tỉnh Thanh Hóa. Năm 1883, khi thực dân Pháp chiếm
Sơn Tây, Nguyễn Khuyến được bổ nhiệm làm Tổng đốc Sơn Hưng Tuyên nhưng không nhận chức vì thời cuộc nhiễu
nhương, chế độ suy tàn, không cho Nguyễn Khuyến cơ hội xây dựng đất nước. Ông lấy cớ đau mắt để xin về hưu lúc
bốn mươi chín tuổi. Ông thể hiện chí khí của mình trong đôi dòng thơ khảng khái:
“Khả hạnh chư quân năng dũng thoái,
Vị ưng nhất chức tẫn phi tài
Bách niên tứ hà vi giả,
Ngô ấp khâu lăng diệc mỹ tai!”
(Vũ hậu xuân túy cảm thành)
(Dịch:
Ðáng mừng các bạn mạnh dạn dám lui về,
Ðâu phải là đối với chức vụ mình không làm nổi
Cuộc đời trăm năm xe ngựa có ra trò gì,
Mà ở quê chúng ta gò núi vẫn tươi đẹp lắm.
(Cảm hoài sau bữa chén xuân sau cơn mưa)
Nguyễn Khuyến sống ở quê hương Yên Đổ, giữ khí tiết thanh cao, nhưng dẫu vui vầy với tuyết nguyệt phong hoa
vẫn không nguôi trăn trở về vận mệnh đất nước. Ông ở ẩn suốt hai mươi lăm năm và thọ bảy mươi tư tuổi, mất năm
1909.
b. Sự nghiệp:
Nguyễn Khuyến là một nhà thơ đa tài, bậc danh Nho cao khiết. Sự nghiệp sáng tác của ông phong phú cả về thể loại
và nội dung. Ông có hơn tám trăm tác phẩm: thơ, câu đối, văn chữ Hán – Nôm,… Nguyễn Khuyến có “Quế sơn thi tập”
khoảng 200 bài thơ bằng chữ Hán và 100 bài thơ bằng chữ Nôm với nhiều thể loại khác nhau. Có bài tác giả viết bằng
chữ Hán rồi dịch ra tiếng ta, hoặc ngược lại, ông viết bằng chữ Nôm rồi dịch sang chữ Hán. Thơ ca ông vừa có những
sáng tác trữ tình thiết tha, yêu nước đằm thắm; lại vừa có những bài trào phúng thâm thúy. Tuy nhiên, nét chính yếu
nhất của thơ Nguyễn Khuyến vẫn là phong thái điềm đạm, thanh cao của một nhà Nho chân chính. Đóng góp của Nguyễn
Khuyến cho nền văn học dân tộc: thơ Nôm viết về làng quê, thơ trào phúng. Ông được mệnh danh là Nhà thơ của làng
cảnh quê hương Việt Nam.
2. Phong cách thơ ca nguyễn khuyến:
a. Nguyễn Khuyến – Nhà thơ thôn quê
Trong suốt hai mươi lăm năm ở ẩn, vui thú điền viên, Nguyễn Khuyến có dịp gần hơn với cảnh trí quê hương xứ
sở. Cảnh mây nước ao đồi chiêm trũng vùng Yên Đổ vì thế đã đi vào thơ ông như một lẽ tất yếu. Tình yêu sâu nặng với
đất nước đã cho ông cái thần nhãn có thể nhìn thấy từ những biến chuyển tế vi đến cảnh trí điển hình nhất của non nước.
Nguyễn Khuyến không có chủ ý trở thành nhà thơ của thôn quê khi quyết định ở ẩn nhưng chính những sáng tác trong
giai đoạn này đã đưa ông lên vị trí nhà thơ hàng đầu của làng cảnh Việt Nam. Người đọc đón nhận thơ ca Nguyễn

1
Khuyến như đón nhận quê hương và tâm hồn chính mình. Thơ viết về nông thôn của ông là tiếng lao xao của rặng tre
già mỗi độ thu về, là nét cắt của chiếc lá “đưa vèo” trên mặt hồ trong biếc. Thơ Nguyễn Khuyến còn là cái hồn hậu,
chân chất của người nông dân muôn thuở.
“Trước kia, trong văn chương Việt Nam thỉnh thoảng cũng có tác phẩm viết về nông thôn, nhưng hình ảnh làng quê
nói chung còn mờ nhạt. Phải đến Nguyễn Khuyến, lần đầu tiên đời sống nông thôn Việt Nam mới thực sự đi vào văn
học.” (SGK Ngữ Văn Nâng cao 11, tập 1)
- Cảnh quê:
Phong cảnh quê hương đi vào thơ Nguyễn Khuyến với rất nhiều gam màu, sắc độ nhưng ở gam màu nào cũng toát
lên đầy đủ nét đặc trưng của xứ sở và giọng “ấm áp, bình dị” của hồn thơ. Cảnh lụt lội xứ Hà Nam hiện lên vừa chân
thực lại quá đỗi thân thương: “Bóng thuyền thấp thoáng dờn trên vách/ Tiếng sóng long bong vỗ trước nhà.” (Vịnh lụt).
Đọc câu thơ thấy có sóng giữa dòng chữ. Cách phối âm khéo léo, các thanh bằng trắc chen lẫn nhau như lớp lớp sóng
lụt trào lên đất quê hương. “Thấp thoáng”, “long bong” một gợi hình, một gợi thanh dường như làm nhòe đi cảnh vật.
Cũng phải thôi! Cái xáo động, vội vã, tất bật của người dân đi chống lụt cùng với cái ào ạt, liên hồi của gió nước há
chẳng phải đã khép hờ cả hai chiều không gian nhìn – nghe của con người? Chiếc thuyền không rõ dáng, tiếng sóng bất
định trước sau. Phải là thi sĩ của đất, của người Hà Nam; phải là nhà thơ sống giữa lũ lụt quê hương mới bắt hiện thực
đi vào trang giấy mà không một chữ chồn chân, mỏi gối; không một chút ép gượng. Mặt khác, thấy rõ âm điệu câu thơ
trầm lắng, một chút gì nhẹ tênh giữa cảnh lụt lội. Tâm hồn một nhà Nho chân chính đã cho Nguyễn Khuyến cái bản lĩnh
để không kêu trời trách đất mà trong khốn cùng vẫn tìm được niềm vui, trong ngày tháng đợi nước rút vẫn biết tìm đều
lạc quan để xua tan ưu phiền.
Yên Đổ đã khéo thu được những nét điển hình của buổi trưa thôn quê vào trong những câu thơ thật gọn:
“Chuông trưa vẳng tiếng người không biết
Trâu thả sườn non ngủ gốc cây.”
(Nhớ cảnh chùa Đọi)
Hay:
“Trâu già gốc bị phì hơi nắng
Chó nhỏ bên ao cắn tiếng người.”
(Đến chơi nhà bác Đặng)
Một bức tranh quê yên ả, thanh bình. Hình ảnh chú trâu hiền lành đang nghỉ ngơi trên sườn cỏ xanh tốt dưới
bóng mát của cây xanh đã thu lấy mảnh hồn của nông thôn Việt Nam. Quê hương ai cũng có những nét riêng và trong
tâm trí nhà thơ, buổi trưa hè ấy đã sưởi ấm cả một cõi xôn xao trong lòng. Phải đợi đến Bàng Bá Lân, ta mới lại có
những cảnh quê chân xác mà thân tình đến thế:
“Dưới gốc đa già, trong vũng bóng
Nằm mát đàn trâu ngẫm nghĩ nhai
Ve ve rung cánh ruồi say nắng
Gà gáy trong thôn những tiếng dài.”
(Trưa hè)
Nguyễn Khuyến không chỉ có kì nhãn mà còn có kì tâm – cái tâm hồn tưởng có thể lắng nghe đến cả những
tiếng tâm tình của cảnh vật, thiên nhiên. Cảnh vật đôi khi chỉ là một thoáng rùng mình trong cái rét đầu năm cũng làm
ta xao xuyến: “Dở trời mưa bụi còn hơi rét”. Và bồi hồi xúc động trước cảnh nước lụt tràn ngập mênh mông: “Tiếng
sáo vo ve chiều nước vọng/ Chiếc thuyền len lỏi bóng trăng trôi”. Kỉ niệm sống chung với lũ ngay từ thuở bé đến khi
lớn khôn vẫn vẹn nguyên. Chỉ ở vùng đồng chiêm trũng như quê Yên Đổ mới có những hình ảnh sống động như vậy.
Cảnh quê hương có lúc là chốn vườn cũ với những cảnh vật bình dị đơn sơ:
“Bốn mươi năm lụ khụ lại về đây
Trông ngoài sân đua nở mấy chòi cây
Thú khâu hác lâm tuyền âu cũng thế
Bành Trạch cầm xoang ngâm trước ghế
Ôn Công rượu nhạt chuốc chiều xuân
Ngọn gió đông ngoảnh lại lệ đầm khan
Tình thương hải tang điền qua mấy lớp
Người chớ giận Lỗ hầu chẳng gặp
Như lơ phơ tóc trắng lại làm chi
Muốn về sao chẳng về đi?”
(Bùi Viên cựu trạch ca - dịch)

2
“Cái cảnh chốn cũ ấy đã làm lay động biết bao trái tim, bao tâm hồn của người trong cuộc. Cảnh vật nhỏ bé,
chân quê có vẻ như quê mùa ấy mới đúng là cảnh quê ông. Không cần tô vẽ màu mè, đơn giản hơn, chỉ phác họa những
đường nét tinh túy nhất của hồn quê, ấy là cái tài của Nguyễn Khuyến. Những hình ảnh dân dã qua lăng kính của thi
nhân trở nên tinh tế, lấp lánh mà chân thực, sống động vô cùng.” (Nguyễn Thanh Liêm)
Nhắc đến thơ về thiên nhiên của Nguyễn Khuyến, không thể bỏ qua chùm thơ thu: Thu vịnh, thu điếu, thu ẩm.
“Thu điếu” là “điển hình hơn cả mùa thu làng cảnh Việt Nam” (Xuân Diệu). “Thu ẩm” mang hồn thu trọn vẹn nhất.
“Thu vịnh” lại đứng đầu về sự trang trọng, cổ kính. Thơ mới tình nhiều mà cảnh ít, thơ cổ cảnh nhiều mà tình giấu kĩ.
Nguyễn Khuyến đã đứng giữa hai bờ thơ ca ấy: mùa thu trong thơ ông là sự quyện hòa của tình thu và cảnh thu. Chùm
thơ thu mang đậm hồn quê xứ sở. Tất cả những ai đã từng gắn bó với một vùng quê đất Việt, hẳn không thể kìm lòng
xúc động trước những cảnh vật thân thuộc đến thế. Cảnh nông thôn bình thường, thân thương với năm gian nhà cỏ đơn
sơ nhưng vô cùng gần gũi: “Năm gian nhà cỏ thấp le te/ Ngõ tối đêm sâu đóm lập lòe.” (Thu ẩm). Thôn quê dân dã đặc
trưng với mái nhà tranh thô mộc, giản đơn; nhưng phải là “nhà cỏ” mới đúng thật là quê hương tác giả. Ngôi nhà thấp
bé, “le te”. Từ “le te” vừa gợi hình mà tực như gợi thanh, là dụng công mà hẳn có một chút bông đùa. Có hồi người ta
thắc mắc vì điều đó và rồi bất giác mới bừng ngộ: Thu ẩm! Cái men rượu làm ấm trời thu, sao lại không làm chếnh
choáng lòng người cho được? Thi sĩ ngà ngà men say, câu chữ cũng ngả nghiêng ngữ nghĩa. Thật là tâm thi tương ứng,
tình cảnh tương đồng!
Vùng quê chiêm trũng ấy còn có những chiếc ao bèo nhỏ nhắn trước nhà. Là nơi chứa đựng những dòng nước
mát trong: “Ao thu lạnh lẽo nước trong veo” (Thu điếu). Và dưới ánh trăng mờ ảo đêm khuya, nó như gợi tình gợi ý
hơn với những chuyển động lạ kỳ: “Làn ao lóng lánh bóng trăng loe” (Thu ẩm). Cổ kim trăng vốn bằng hữu cùng thi
nhân. Gương nga bao đời thi sĩ vẫn hằng soi, nhưng mỗi người một mặt, mỗi kẻ một dáng hình. Từ buổi Trương Kế
chạnh lòng trước cảnh “Trăng tà chiếc quạ kêu sương” (Phong kiều dạ bạc) đến trăng của khúc ngâm chinh phụ “lung
lay” trong tiếng trống trầm hùng chốn Trường thành, nay Nguyễn Khuyến lại tiếp nối cung đường chạy tiếp sức dai
dẳng đó bằng một “bóng trăng loe”. Không bàn tới vần điệu, âm ngữ, hãy nói đến sắc độ của ánh trăng. Trăng như chảy
theo làn nước, long lánh theo cái long lanh, dập dờn sóng “gợn tí”. Ánh sáng và mặt nước, cái vô dạng và cái ảo hình
cộng hưởng đã làm nên một vầng trăng lạ mà quen. Quen vì ai đã sống nơi thôn quê cũng từng được thấy, lại lạ vì vẻ
đẹp kì diệu của nó dưới thần bút Nguyễn Khuyến.
Chùm thơ còn một nét tuyệt diệu trong cảnh trí, đó là màu trời. Ai còn lạ gì cái sắc xanh ấy, cái màu muôn thuở
của thu quê hương? Thế mà người ta vẫn ngơ ngẩn trước màu trời trong thơ cụ Nguyễn: “Trời thu xanh ngắt mấy tầng
cao” (Thu vịnh); “Tầng mây lơ lửng trời xanh ngắt” (Thu điếu); “Da trời ai nhuộm mà xanh ngắt” (Thu ẩm). Ba lần
Nguyễn Khuyến miêu tả gam màu xanh tuyệt đối ấy. Màu “xanh ngắt” không chỉ gợi sắc mà còn gợi tầm vóc không
gian. “Xanh ngắt”, xanh đến thẳm sâu, như bầu trời không có hạn định. Không gian nhờ thế mở ra rộng lớn, bỗng chốc
thoáng đãng, tươi sáng và thanh thoát. Không chói chang như sắc xanh trời hạ, màu xanh này gợi sự thanh nhẹ thư thái
của lòng người. “Thi nhân không đem đến cho ta những điều hoàn toàn mới lạ mà chỉ nhỏ nhẹ nhắc ta những điều
thường gặp một cách thấm thía và sâu sắc hiếm có.”
Cái quý nhất của Nguyễn Khuyến vẫn là tấm lòng thi nhân với con người nơi thôn quê. Tình người bình dị cứ
lấp lánh mãi trong những dòng thơ ông. Kim Lân và Nguyễn Khuyến có chung nhau điều này: cả hai tác giả đều tìm về
với đất, với người, với “hồn hậu nguyên thủy” của nông thôn. Tìm ngược về lịch sử văn học, thấy không ít tác phẩm
viết về đề tài thế sự, viết về con người nông dân cơ cực, khốn khổ. Nhưng điều làm nên phong cách Nguyễn Khuyến là
sự khác biệt của ông trong tâm thế bày tỏ tâm tình. Càng nhìn nhân dân ở một vị thế càng cao, tầm mắt thi nhân càng
rộng, chính vì thế thơ họ thường khái quát số phận của người nông dân hơn là đi sâu vào cảnh ngộ của họ. Ở giai đoạn
Trung đại thấy có Nguyễn Du, Hồ Xuân Hương, và Nguyễn Khuyến. Nguyễn Khuyến “cố lấy hồn tôi để hiểu hồn
người”, đặt mình vào vị thế của một người dân lam lũ mà cất tiếng bày tỏ tâm tư của họ.
“Năm nay cày cấy vẫn chân thua
Chiêm mất đằng chiêm mùa mất mùa.
Phần thuế quan thu, phần trả nợ
Nửa công ở đợ, nửa thuê bò
Sớm trưa dưa muối cho qua bữa
Chợ búa dầu chè chẳng dám mua.”
(Chốn quê)
Có được mảnh ruộng để cày cuốc, gieo hái đã khó với người nông dân lắm rồi, lại thêm những khoản thuế má
nợ nần, tiền công, tiền thuê như gánh nặng trĩu đè cả hai vai người lao động và để tiếp tục sống, họ đã phải lo lắng chạy
vay khắp nơi. Tuy nhiên đời sống của người nhân nghèo không nhờ thế mà thảnh thơi, an nhàn. Tác phẩm này nguyên
còn có tên khác là “Thuật lại lời đàn bà đi đường tính toán chuyện làm ăn”. Rõ ràng, Nguyễn Khuyến đang thay lời

3
người đàn bà chân quê nói lên tâm sự của mình. Có thể nói Nguyễn Khuyến chính là gạch nối nối kết giữa tâm hồn nhân
dân cần lao với văn chương của mặc khách tao nhân. Ông “đau giùm, khổ mượn, than thay khóc mướn” cho tha nhân
xung quanh. Nguyễn Khuyến đã làm cái công việc mà Nguyễn Trãi, Nguyễn Bỉnh Khiêm ngày trước đang dang dở: ông
đặt một hạt mầm vào giữa luống đất mà tiền nhân đã cày xới, để nó đâm chồi và nảy nở một bóng cây mà trên đó chín
mọng những tâm tình và cuộc sống người dân lao động chân lấm tay bùn. “Những bức tranh thơ Yên Đổ đã kế thừa thật
uyển chuyển những tinh hoa của cả một chặng đường thơ dài tiếp cận và thể hiện thiên nhiên trong thơ cổ trung đại
Việt Nam. Nhà thơ phát triển yếu tố “đời thường” vừa chợt manh nha trong tranh phong cảnh trong nhóm thơ Hồng
Đức, thơ Bà Huyện Thanh Quan. Một mặt ông tiếp thu nghệ thuật biểu cảm cao độ của Nguyễn Gia Thiều, Hồ Xuân
Hương; mặt khác ông lại từ chối lối miêu tả cường điệu, phóng đại của họ. Yên Đổ không vay mượn từ sách vở nên ta
thấy ít xuất hiện ở thơ ông những cái tên Tiêu Tương, Động Đình, Tần Sở hay một bông tuyết, một cánh nhạn, một rặng
liễu chung chung. Đi vào thơ ông là những địa danh, những tên đất, tên làng Việt Nam: vườn Bùi, cầu Nôm, sông Châu,
hồ Hoàn Kiếm… là cây xoan, khóm trúc, “mấy chùm trước giậu”. Những cây cải, cây cà, lảnh mùng tơi ngày nào
Nguyễn Trãi đưa vào thơ còn gian nan là thế thì đến Nguyễn Khuyến chúng đã rở nên thật quen thuộc, thân thiết. Thời
gian, không gian, ngay cả những vật thể khó xác định như một bầu trời, một cánh đồng, qua ngòi bút nghệ thuật của
ông đều có tên gọi cụ thể, chính xác và trở nên rất Việt Nam.” (Đặng Thị Hảo)
Trong đau khổ, con người vẫn vui tươi. Đó không phải là vì chúng ta mạnh mẽ, cũng không phải chúng ta bản
lĩnh, mà vì chúng ta tin vào những niềm vui và điều thiện trong cuộc đời. Thơ ca Nguyễn Khuyến không chỉ kể khổ mà
còn ca vui. Dạt dào trong từng câu thơ là sự lạc quan muôn thuở của người dân quê tự xa xưa, là nụ cười rạng rỡ chung
niềm vui nhân dân: “Trong nhà rộn rịp gói bánh chưng/ Ngoài cửa bi bô rủ chung thịt” (Cảnh Tết). Dẫu chỉ là một chút
vui mọn trong những ngày rộn ràng đón lễ tết nhưng dường như không ai để tâm đến cái nghèo cái khổ nữa. Mọi nhà
rộn rịp cùng chung nồi bánh chưng truyền thống, âm thanh vui vẻ, xôn xao đã xua đi bầu không khí ảm đạm của cuộc
sống khốn khó thường ngày và chính nhà thơ cũng đang say sưa giữa không khí chan hòa tình thân ái xóm làng: “Anh
em làng xóm xin mời cả,/ Xôi bánh, trâu heo cũng gọi là./ Chú Đáo bên làng lên với tớ,/ Ông Từ xóm chợ lại cùng ta.”
(Lên lão). Nguyễn Khuyến đã đưa người nông dân vào trang viết với cái nhìn đa diện và một chiều sâu nhân bản hiếm
thấy.
- Tình quê:
Nguyễn Khuyến không chỉ là nhà thơ của cảnh mà còn là nhà thơ của tình. Ông quan tâm nhiều đến những tình cảm
rất hồn hậu: tình bạn bè, tình cảm gia đình, làng xóm… Chính vì luôn trân trọng tình cảm của mọi người, từ người anh
vợ, ông hàng thịt đến anh thợ rèn… Cho nên đối với những người bạn thân thiết, với tri kỉ của mình, Nguyễn Khuyến
càng chân thành trân trọng hơn. Cao Bá Quát từng nói: “Xưa nay nỗi khổ của người ta không gì bằng chữ tình, mà cái
khó ở đời không gì bằng sự gặp gỡ'”. Nên khi tìm được người hiểu mình, tìm thấy được sự tri âm trong tình bạn Nguyễn
Khuyến đã rất chân thành đón bạn:
“Đã bấy lâu nay bác tới nhà
Trẻ thời đi vắng, chợ thời xa.
Ao sâu nước cả, khôn chài cá
Vườn rộng rào thưa, khó đuổi gà.
Cải chửa ra cây, cà mới nụ
Bầu vừa rụng rốn, mướp đương hoa.
Đầu trò tiếp khách trầu không có
Bác đến chơi đây ta với ta.”
(Bạn đến chơi nhà)
Phảng phất trong “Bạn đến chơi nhà" có những điểm tương tự như “Khách chí” (khách đến) của thi nhân Đỗ
Phủ xưa. Thi nhân đời Đường đã mượn cái nghèo của mình để nói cái đẹp của tình bạn:
“Mâm cơm vì chợ xa nên thiếu món ăn
Rượu vì nhà nghèo chỉ có thứ củ chưa lọc
Ta hãy cùng ông lão bên hàng xóm đối ẩm”.
Tri âm trăm năm khó gặp, vậy nên gặp ngày cách biệt, nhà thơ đau đớn khôn cùng. Ta tưởng nghe tiếng khóc
xé lòng của thi sĩ:
“Rượu ngon không có bạn hiền
Không mua không phải không tiền không mua
Câu thơ nghĩ đắn đo không viết
Viết đưa ai ai biết mà đưa
Giường kia treo cũng hững hờ

4
Đàn kia gảy cũng ngẩn ngơ tiếng đàn.”
(Khóc Dương Khuê)
Bạn hiền mất đi, cầm kì một thân không nên cuộc, nhà thơ như mất đi một phần tâm hồn mình. Thế là từ nay
đàn kia có cất lên cũng gieo vào thinh không, thơ kia có viết cũng không người bàn soạn. Tình cảm tha thiết, sâu nặng
thế, thật là “tri âm nhường ấy mới là tri âm”!
b. Nguyễn Khuyến – Nhà thơ yêu nước
Nguyễn Khuyến sinh ra trong giai đoạn chung cuộc của thời đại mình. Chế độ phong kiến suy vong, sụp đổ từ bộ
máy chính quyền, tư tưởng – văn hóa đến chủ quyền lãnh thổ. Nguyễn Khuyến bất lực trong việc trị quốc bình thiên hạ,
đành lui về ở ẩn. Nhưng tấm lòng ưu thời mẫn thế không vì thế mà thôi trăn trở. Nguyễn Khuyến tự thấy mình làm quan
không giúp được nước nhà, bản thân luôn thấy hổ thẹn:
“Cờ đương dở cuộc không còn nước
Bạc chửa thâu canh đã chạy làng.”
(Tự thán)
Ông mượn chén rượu và cơn say để giãi bày tâm sự:
“Ba phần tóc bạc càng thêm tủi
Một tấm lòng son vẫn có thừa
Chớ trách bên song say khướt mãi
Không say thì tỉnh với ai kia?”
Và rõ hơn nữa là:
“Tuý ông ý chẳng say vì rượu
Say vì nước thẳm với non cao.”
(Uống rượu ở Vườn Bùi)
Nhưng có lẽ đẹp nhất, vẫn là hình ảnh “Ông phỗng đá” mà ông mượn để khoác cho mình, một ông phỗng mà:
“Hễ ngước mắt nhìn, chỉ thấy non sông ảm đạ
Đành tự dung thân nơi ngòi lạch tầm thường.”
(Tặng Thạch Lão ông)
Thương thay cho một pho tượng mà vì gặp khói lửa loạn li, nên phải đắm chìm trong cỏ dại, để như điếc, như
ngây:
“Trong thiên hạ có anh giả điếc
Khéo ngơ ngơ ngác ngác, ngỡ là ngây
Trơ trơ như đá, vững như đồng.”
(Vịnh Thạch Lão)
Nỗi trăn trở sâu nặng nhất của mình, nhà thơ dành trọn vẹn trong bài thơ tuyệt tác:
“Khắc khoải sầu đưa giọng lửng lơ,
Ấy hồn Thục đế thác bao giờ?
Năm canh máu chảy đêm hè vắng
Sáu khắc hồn tan bóng nguyệt mờ.
Có phải tiếc xuân mà đứng gọi,
Hay là nhớ nước vẫn nằm mơ?
Thâu đêm ròng rã kêu ai đó
Giục khách giang hồ dạ ngẩn ngơ.”
(Cuốc kêu cảm hứng)
Tiếng cuốc kêu khắc khoải ngày xưa làm quặn thắt lòng thương quê nhớ nước của Bà Huyện Thanh Quan, nay
trở về như một ước lệ tượng trưng ám ảnh cả thời trung đại. Nối niềm cố quốc từ xưa xa nối đến Nguyễn Khuyến đã
không chỉ làm đau lòng thi sĩ mà còn làm chảy máu đêm hè, tan hồn bóng nguyệt. Khắp thiên nhiên cỏ cây mây trời
cũng chung niềm thương nhớ với người Nho sĩ mất nước.
c. Nguyễn Khuyến – Nhà thơ trào phúng
Nguyễn Khuyến và Tú Xương là hai thành tựu rực rỡ cuối cùng của thời phong kiến. Ông mang đến tiếng cười
nhẹ nhàng, kín đáo mà lại thâm thúy, sâu cay. Tiếp cận với những sáng tác trào phúng của Nguyễn Khuyến ta mới thấy
hết cái đặc sắc, cái giọng điệu riêng của ngòi bút trào phúng này. Đó là tiếng cười bông đùa của một nhà Nho an nhàn
với bạn bầy nơi thôn xóm:
“Đã bấy lâu nay bác tới nhà
Trẻ thời đi vắng, chợ thời xa

5
Ao sâu nước cả, khôn chài cá
Vườn rộng rào thưa, khó đuổi gà
Cải chửa ra cây, cà mới nụ
Bầu vừa rụng rốn, mướp đương hoa
Đầu trò tiếp khách trầu không có”
(Bạn đến chơi nhà)
Với sự hào hiệp và tấm lòng chân tình của mình, nhà thơ muốn dành những gì sang trọng nhất, ngon lành nhất
để tiếp đãi bạn. Thế nhưng ước muốn đó không thể thực hiện được, oái ăm thay cái gì cũng có mà thành ra không có gì
vì tất cả đang ở dạng “tiềm năng” còn non tơ nên không thể thu hái được, đến cả miếng trầu làm đầu câu chuyện cũng
không có nốt. Thật ra tác giả đang khoe sự giàu sang hay đang giãi bày sự thiếu thốn? Có lẽ là cả hai song điều đáng
nói ở đây là nhà thơ đã sử dụng bút pháp cường điệu hóa rất đặc sắc, sự thiếu thốn đạm bạc của gia cảnh được cường
điệu một cách tối đa và sự giàu có sang trọng cũng cường điệu không kém với mục đích đùa vui với bạn đồng thời tỏ rõ
được tấm chân tình của mình. Chính sự đối lập giữa giàu sang và đạm bạc trong cái nhìn mang tính phóng đại, hài hước
của nhà thơ đã tạo ra sự hài hước rất riêng của Nguyễn Khuyến.
Đó là tiếng cười tự trào. Ông tự cười mình với bao chua chát vì nỗi sinh bất phùng thời, không làm gì được cho
dân, cho nước:
“Sách vở ích gì cho buổi ấy
Áo xiêm nghĩ lại thẹn thân già.”
(Ngày xuân dặn các con)
Với tâm sự u uất:
“Nghĩ đến bút nghiên trào nước mắt
Ngước nhìn sông núi xiết buồn đau.”
Thế rồi ông xoay ra cười mình, với nụ cười chua chát:
“Nghĩ mình lại gớm cho mình nhỉ
Thế cũng bia xanh, cũng bảng vàng.”
(Tự trào)
Nhưng nhiều nhất trong mảng thơ trào phúng vẫn là những sáng tác đả kích chế độ xã hội Tây Tàu lố lăng. Đối
tượng trước hết trong xã hội cần phải lên án, vạch trần chính là bè lũ thống trị, bọn tham quan:
“Tôi nghe kẻ cướp nó lèn ông
Nó lại lôi ông đến giữa đồng
Lấy của đánh người, quân tệ nhỉ
Xương già da cóc có đau không?
Bây giờ trót đã sầy da trán
Ngày trước đi đâu mất mảy long
Thôi cũng đừng nên ki cóp nữa
Kẻo mang tiếng dại với phường ngông.”
(Hỏi thăm quan tuần mất cướp)
Bằng những câu hỏi thăm rất đỗi tận tình, một người quan tuần bị mất cướp lại còn bị kẻ cướp đánh cho, nhà
thơ đã khiến chúng ta bật cười bởi chính giọng điệu “tử tế” ấy. Nhà thơ đã “hỏi thăm” đã nói những điều lẽ ra theo
phép lịch sự thông thường thì không nên hỏi, không nên nói, hay có hỏi, có nói thì phải hỏi, phải nói một cách tế nhị,
đằng này ông lại hỏi thẳng, nói thẳng. Những câu thơ cứ như những mũi dao nhọn cứ ngoáy mãi vào một vết thương
nên càng ngoáy càng đau. Ban đầu nhà thơ còn nói ỡm ờ, chế giễu nhưng về sau thì đả kích thật sự. Ông quan “đáng
kính” chỉ như một món đồ để cho bọn cướp lôi từ nơi này sang nơi khác lại còn bị đánh cho “sầy da trán”, thật là đau
xót! Nhà thơ còn tỏ ý thông cảm với tuổi già của tên quan để rồi sau những lời hỏi han sức khỏe ấy, nhà thơ thốt ra lời
khuyên “thôi cũng đừng nên ki cóp nữa”. Nghe thật tử tế làm sao! Thật ra cả bài thơ tác giả chỉ nhắm một mục đích
duy nhất là cho người đọc bông đùa thỏa thích trước sự “xui xẻo” của tên quan để rồi chốt lại lời châm biếm đả kích
gay gắt về cái thói tham lam, hà tiện, bủn xỉn của không chỉ tên quan tuần mà các tầng lớp quan lại thời bấy giờ. Mượn
thành ngữ “ki cóp cọp ăn” của dân gian xưa, Nguyễn Khuyến đã giúp ta hiểu sâu sắc về bộ mặt thật của bọn quan lại
đương thời, những “nạn nhân” bị cướp thứ tài sản đã đi cướp!
Hiện thực xã hội xấu xa cần phải vạch trần không chỉ ở bè lũ quan lại mà ở cả hiện tượng lố lăng trong buổi
giao thời. “Hội tây” được viết để lên án hiện tượng ấy. Mở đầu bài thơ Nguyễn Khuyến giới thiệu ngay khung cảnh
nhộn nhịp của ngày hội: “Kìa hội thăng bình tiếng pháo reo/ Bao nhiêu cờ kéo với đèn treo.” Quả là ngày hội lớn của
người Pháp trên đất Việt, có âm thanh rộn rã của tiếng pháo, có màu sắc lấp lánh của đèn treo, cờ kéo… Cả con người

6
trong ngày hội ấy cũng rất háo hức: “Bà quan tênh nghếch xem bơi trải/ Thằng bé lom khom ghé hát chèo/ Cậy sức, cây
đu nhiều chị nhún/ Tham tiền, cột mỡ lắm anh leo.” Bằng những hình ảnh đậm sắc thái tạo hình, người đọc dễ dàng
tưởng tượng không khí vui vẻ của ngày hội, thế nhưng cũng chính bằng những cách miêu tả ấy, giọng điệu ấy đã tỏ rõ
lên án thói mị dân, nhố nhăng của bọn thống trị, quan Tây và quan Ta. Bà quan thật nực cười trong cái thế “tênh
nghếch”, thằng bé thì nom thật tội nghiệp trong điệu bộ “lom khom”. Chỉ hai hình ảnh đặt đối xứng đã lột trần thực tại
xót xa của cảnh đất nước trong cảnh nô lệ, dưới gót giày của lũ xâm lược. Đau xót hơn, những con người nô lệ ấy không
nhận thức được nỗi nhục mất nước lại còn cuốn vào những trò chơi mà bọn thực dân Pháp bày ra để mị dân. Nhận thức
rõ điều đó, từ chỗ gián tiếp đả kích, Nguyễn Khuyến đã chỉ thẳng: “Khen ai khéo vẽ trò vui thế/ Vui thế bao nhiêu, nhục
bấy nhiêu!”. Nhà thơ như đang đứng từ xa, từ chối việc nhập cuộc ngày hội nhộn nhịp để miêu tả không khí náo nhiệt
của ngày hội, nhận ra nỗi nhục của nô lệ để rồi cảnh tỉnh cho người dân Việt Nam đang bị thói mị dân làm cho mờ mắt.
Có lẽ hiếm có bài thơ nào mà thái độ châm biếm của Nguyễn Khuyến được thể hiện trực tiếp đến như vậy.
“Nguyễn Khuyến có nỗi đau mất nước, có cái cười giễu mỉa mai khinh ghét thằng Tây cướp nước cùng bọn vua
quan phong kiến yếu hèn, bất lực; có niềm thương cảm đối với cuộc đời lầm than tủi cực của người dân sống trong
vòng nô lệ; có cả cái khát vọng đổi đời có lợi cho đất nước, cho dân tộc, cả cái tâm thế khăng khăng lánh đục về trong
không thèm hợp tác với kẻ thù… Ngay đến cả tiếng cười chảy nước mắt của Nguyễn Khuyến cũng chính là một phương
diện biểu hiện lòng yêu nước của ông. Nhìn chung, lòng yêu nước của Nguyễn Khuyến là thiết tha nhưng bất lực, bất
lực mà vẫn hết sức tha thiết. Ở đây cái buồn bực với thời thế dường như trở thành âm điệu chính của thơ ca.” (Nguyễn
Khuyến, một thi tài nhiều vẻ và dấu hiệu chuyển mình sang hiện đại của thơ ca dân tộc, Nguyễn Đình Chú)
*
Nguyễn Khuyến là nhà thơ đa tài, thành công trên nhiều thể loại văn chương. Trong thơ ông tồn tại nhiều mâu
thuẫn nội tại: một mặt, đó là tiếng lòng trân quý thiên nhiên, giữ tiết thanh cao của một nhà Nho vui thú điền viên; đó
cũng là tiếng cười trào phúng của con người bất mãn trước xã hội; đó cũng là niềm trăn trở của một con người ăm ắp
tấm lòng yêu nước thương dân. Nguyễn Khuyến là nhà thơ lớn cuối cùng của thơ ca trung đại, ông là biểu hiện tiêu biểu
của sự phá vỡ quy phạm – một phong cách thơ hồn hậu, chân phương, bình dị, nồng ấm. Ông là nhà thơ của tình cảnh
và con người Việt Nam.

You might also like