You are on page 1of 7

Tổng quan nghiên cứu nhóm E

Các nhân tố tác động đến ý định sử dụng thanh toán điện tử của sinh viên tại
Trường Đại học Kinh Tế Quốc Dân.

1. Một số nghiên cứu thực nghiệm về ý định sử dụng dịch vụ thanh toán điện
tử
Tại Việt Nam và trên thế giới đã có nhiều nghiên cứu được thực hiện về đề tài liên
quan đến những nhân tố ảnh hưởng đến ý định hay thái độ của người tiêu dùng về
thị trường thanh toán điện tử. Nhìn chung, hầu hết các nhà nghiên cứu này đã tham
khảo mô hình chấp nhận công nghệ (TAM) để xây dựng mô hình nghiên cứu và đề
xuất các kiến nghị để phát triển thị trường thanh toán điện tử hay thanh toán không
dùng tiền mặt tùy từng đối tượng nghiên cứu của từng bài nghiên cứu cụ thể.

Nguyễn Thanh Duy và Cao Hào Thi (2011) kết hợp các mô hình TRA, TBP, TAM,
TAM2, IDT và UTAUT để xây hình mô hình E-BAM (E-Banking Adoption
Model). Sau khi thực hiện phân tích, nghiên cứu đã chỉ ra rằng nhận thức dễ dàng
sử dụng, nhân tố hiệu quả mong đợi, chuẩn chủ quan, sự tương thích, hình ảnh
ngân hàng, nhận thức kiểm soát hành vi, nhân tố pháp luật có tác động tích cực đến
sự chấp nhận dịch vụ điện tử của người tiêu dùng. Bên cạnh đó, khách hàng còn
cân nhắc đến nhân tố rủi ro và bảo mật trong giao dịch để đưa ra quyết định chấp
nhận sử dụng dịch vụ điện tử hay không.

Nguyễn Thị Như Quỳnh và Phạm Thị Ngọc Anh (2021) đã thu thập dữ liệu khảo
sát từ 201 sinh viên Trường Đại học Ngân hàng TP.HCM vào tháng 7/2021, thông
qua bảng câu hỏi theo thang đo Likert 5 mức độ, nghiên cứu dựa trên mô hình lý
thuyết chấp nhận và sử dụng công nghệ (UTAUT) cùng với lý thuyết kết hợp rủi ro
(TPR). Sử dụng phương pháp phân tích yếu tố khám phá (EFA), kết quả phân tích
cho thấy có 06 yếu tố tác động đến hành vi sử dụng dịch vụ thanh toán di động
được xếp theo mức độ tác động giảm dần lần lượt như sau: (i) chương trình khuyến
mãi, (ii) tính dễ sử dụng nhận thức được, (iii) tính hữu dụng nhận thức được, (iv)
tính bảo mật nhận thức được, (v) rủi ro nhận thức được và cuối cùng là (vi) ảnh
hưởng từ xã hội. Riêng yếu tố (v) rủi ro nhận thức được là có tác động ngược chiều,
các yếu tố còn lại có tác động cùng chiều đến hành vi sử dụng dịch vụ này. Từ kết
quả nghiên cứu, bài viết đề xuất một số các khuyến nghị để gia tăng hành vi sử
dụng dịch vụ thanh toán di động của khách hàng.
Trần Thị Khánh Trâm (2022) đã sử dụng số liệu điều tra được thu thập từ 276
người dân các huyện tỉnh Thừa Thiên Huế theo phương pháp chọn mẫu thuận tiện
kết hợp với phương pháp kiểm định KMO và Bartlett, phân tích nhân tố khám phá
(EFA) và kiểm định Cronbach Alpha, ANOVA. Kết quả nghiên cứu cho thấy ý
định thanh toán không dùng tiền mặt của người dân Thừa Thiên Huế chịu ảnh
hưởng cùng chiều bởi: Điều kiện thuận lợi, Ảnh hưởng xã hội, Nỗ lực kỳ vọng và
Hiệu quả kỳ vọng nhưng có mối quan hệ ngược chiều với Rủi ro cảm nhận. Những
phát hiện trong nghiên cứu này có ý nghĩa quan trọng giúp cho các nhà quản trị
trong việc triển khai các hoạt động thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt ở các
vùng ngoại thành. Tuy nhiên, do tình hình dịch bệnh Covid 19 diễn biến khá phức
tạp nên bài nghiên cứu còn hạn chế trong việc chọn mẫu và phạm vi nghiên cứu.
Nghiên cứu này sử dụng phương pháp chọn mẫu thuận tiện nên có thể dữ liệu thu
thập được có độ tin cậy chưa cao. Các nghiên cứu tiếp theo cần mở rộng phạm vi
nghiên cứu để tạo thêm tính bao quát cho đề tài, chẳng hạn như mở rộng phạm vi
nghiên cứu cho người dân ở thành phố Huế và của tỉnh Thừa Thiên Huế để có thể
tìm ra những nhận định mới trong ý định sử dụng Thanh toán không dùng tiền mặt
của người dân. Bên cạnh đó, cần tìm hiểu thêm các nhân tố mới ảnh hưởng đến ý
định sử dụng Thanh toán không dùng tiền mặt, nhân tố quyết định từ ý định sang
hành vi sử dụng. Vì vậy, đây có thể xem là một định hướng cho các nghiên cứu
chuyên sâu hơn nữa trong tương lai.

2. Cơ sở lý thuyết và tổng quan nghiên cứu


2.1. Thanh toán điện tử
Thanh toán điện tử hay còn có được gọi là thanh toán trực tuyến, là mô hình giao
dịch không dùng tiền mặt đang trở thành xu hướng trong những năm gần đây. Có
thể hiểu, thanh toán điện tử là hình thức thanh toán được tiến hành trên mạng
Internet, người dùng lựa chọn thao tác chuyển, nạp hay rút tiền tùy ý; thay vì sử
dụng tiền mặt. Giờ đây, dòng tiền có thể lưu chuyển cực nhanh chóng thông qua
các tài khoản trực tuyến. Điều này mang lại nhiều lợi ích cho người dùng, như tính
tiện lợi, tốc độ nhanh chóng, an toàn và dễ dàng kiểm soát các giao dịch tài chính.
Thanh toán điện tử đang trở thành xu hướng phổ biến trong thời đại công nghệ hiện
nay và được sử dụng rộng rãi trong các lĩnh vực kinh doanh, thương mại điện tử và
dịch vụ tài chính.
Người dùng có thể tùy theo nhu cầu và mục đích sử dụng để lựa chọn những hình
thức thanh toán khác nhau. Nhìn chung, có 4 hình thức thanh toán điện tử được sử
dụng rộng rãi nhất ở Việt Nam hiện nay bao gồm: Thanh toán bằng thẻ, thanh toán
qua cổng thanh toán, thanh toán bằng ví điện tử và thanh toán bằng thiết bị điện
thoại thông minh.

2.2. Các lý thuyết nền


Các nghiên cứu khi đề cập về hành vi con người thường sử dụng một số lý thuyết
chính sau:
Thứ nhất, lý thuyết hành động hợp lý (Theory of Reasoned Action- TRA), được
Ajzen và Fishbein xây dựng từ cuối thập niên 60 của thế kỷ XX và được hiệu chỉnh
mở rộng trong thập niên 70 là một trong những lý thuyết quan trọng nhất về nghiên
cứu ý định hành vi. Lý thuyết này chỉ ra rằng, ý định sẽ quyết định hành vi thực sự
của một người, trong đó thái độ và chuẩn chủ quan của người đó sẽ tác động đến xu
hướng hành vi của họ (Fishbein & Ajzen, 1975).
Thứ hai, lý thuyết hành vi có kế hoạch (Theory of Planned Behavior- TPB), lý
thuyết này được Icek Ajzen (1991) phát triển từ mô hình TRA khi thêm vào yếu tố
kiểm soát hành vi nhận thức được. Yếu tố này giải thích về mối quan hệ giữa
những niềm tin và hành vi của một người.
Thứ ba, lý thuyết chấp nhận công nghệ (Technology Acceptance Model - TAM), lý
thuyết này được phát triển từ mô hình TRA và đồng ý rằng hành vi thực sự bị kiểm
soát bởi ý định thực hiện hành vi, tuy nhiên, ý định thực hiện lúc này chịu tác động
bởi thái độ và sự hữu ích cảm nhận được cùng với sự dễ sử dụng cảm nhận được là
hai yếu tố quyết định thái độ của một người (Davis, 1989).
Thứ tư, lý thuyết chấp nhận và sử dụng công nghệ (Unified Theory of Acceptance
and Use of Technology- UTAUT) được Venkatesh, Morris, Davis, & Davis (2003)
đề xuất, các tác giả cho rằng tối ưu hơn cho mô hình này khi tổng hợp kết quả từ
các nghiên cứu trước khi có 04 yếu tố tác động chính trong mô hình là kết quả
mong đợi, nỗ lực mong đợi, ảnh hưởng xã hội tác động trực tiếp đến ý định hành
vi, hành vi thực sự thì quyết định bởi ý định hành vi và yếu tố điều kiện thuận lợi.
Cuối cùng, lý thuyết nhận thức rủi ro (Theory of Perceived Risk- TPR) do Bauer
(1960) phát triển. Lý thuyết này cho thấy hành vi của một người bị tác động bởi
nhận thức rủi ro liên quan đến giao dịch trực tuyến và nhận thức rủi ro liên quan
đến sản phẩm hoặc dịch vụ. Thành phần nhận thức liên quan đến giao dịch trực
tuyến bao gồm các rủi ro có thể xảy ra khi người tiêu dùng thực hiện giao dịch trên
các phương tiện điện tử như: sự bí mật, sự an toàn và nhận thức rủi ro toàn bộ về
giao dịch. Thành phần nhận thức rủi ro liên quan đến sản phẩm hoặc dịch vụ thể
hiện sự quan ngại của khách hàng đối với những việc như mất tính năng, mất tài
chính, tốn thời gian, mất cơ hội khi sử dụng sản phẩm hoặc dịch vụ công nghệ
thông tin (Bauer, 1960).
2.3. Tổng quan nghiên cứu về các nhân tố tác động đến ý định sử dụng
2.3.1. Nhận thức dễ sử dụng
Nhận thức dễ sử dụng là “Mức độ mà một cá nhân tin rằng việc sử dụng hệ thống
cụ thể sẽ không tốn nhiều công sức” (Davis, 1989, tr.320). Hệ thống công nghệ đổi
mới được coi là dễ sử dụng hơn và ít phức tạp hơn sẽ có nhiều khả năng được chấp
nhận và được sử dụng bởi người sử dụng tiềm năng (Davis và cộng sự, 1989).
Về mặt lý thuyết, dễ sử dụng được nhận thức khi người tiêu dùng cảm thấy hệ
thống thanh toán điện tử không khó hiểu, học hỏi và sử dụng. Vì lý do này, tính dễ
sử dụng được coi là một trong những yếu tố quan trọng ảnh hưởng đến việc chấp
nhận và sử dụng các công nghệ mới của người tiêu dùng. Các nghiên cứu về hành
vi người dùng liên quan đến lĩnh vực dịch vụ thanh toán điện tử được cung cấp bởi
ngân hàng cũng cho thấy khách hàng càng cảm thấy dịch vụ càng dễ sử dụng, họ
càng sử dụng nhiều dịch vụ đó (Đàm Thị Phương Thảo, 2015; Lê Châu Phú & Đào
Duy Huân, 2019)
Trong bối cảnh thanh toán điện tử, một hệ thống dễ sử dụng cần có các giao diện
thân thiện như các bước rõ ràng và dễ thấy, nội dung phù hợp và bố trí đồ họa, các
chức năng hữu ích, các thông báo lỗi, các lệnh rõ ràng và dễ hiểu.
2.3.2. Nhận thức sự hữu ích
Nhận thức hữu ích được định nghĩa là “Mức độ mà một người tin rằng việc sử dụng
một hệ thống sẽ nâng cao hiệu suất công việc của mình” (Davis, 1989, tr 320).
Thanh toán điện tử là hữu ích nếu nó cung cấp dịch vụ cho một người tiêu dùng,
nhưng không kỳ vọng nếu chuyển phát của người tiêu dùng không được đáp ứng.
Người dùng có thể tiếp tục sử dụng dịch vụ thanh toán điện tử nếu họ thấy nó hữu
ích, ngay cả khi họ không hài lòng với việc sử dụng trước đó của họ (Bhattacherjee,
2001a). Các nghiên cứu trước đều đồng ý việc khách hàng cảm nhận về lợi ích,
hiệu quả khi sử dụng thanh toán di động càng nhiều thì họ càng có ý định sử dụng
dịch vụ thanh toán di động (Chen, 2008; Abrahão, Moriguchi, & Andrade, 2016;
Hoàng Phương Thảo, 2015; Đào Mỹ Hằng & ctg, 2018; Phan Hữu Nghị & Đặng
Thanh Dung, 2019; Aslama, Ham, & Arif, 2017). Trong mô hình TAM, nhận thức
hữu ích dự đoán sử dụng và mục đích sử dụng.
2.3.3. Chuẩn chủ quan
Chuẩn mực chủ quan có thể được mô tả là “Nhận thức của cá nhân về các áp lực
của xã hội đến việc thực hiện hay không thực hiện một hành vi” (Ajzen, 1991,
tr.188).
Mối quan hệ chuẩn chủ quan và quyết định hành vi là nền tảng của TRA (Mô hình
lý thuyết hành động hợp lý) và TPB. Chuẩn chủ quan và quyết định hành vi có tác
động tích cực. Đó là, khi các cá nhân nhận thức một kỳ vọng xã hội cao hơn cho
hành vi nhất định, người tiêu dùng sẵn sàng nhận lời khuyên từ các nguồn tham
khảo và có xu hướng tuân theo một chuẩn chủ quan mạnh mẽ hơn theo hành vi, do
đó có quyết định để thực hiện hành vi đó (Ajzen 1985, 1991). Hartwick và Barki
(1994), trong một nghiên cứu thực nghiệm về sự tham gia, cũng ủng hộ mối quan
hệ giữa chuẩn chủ quan liên quan đến sử dụng và quyết định sử dụng và kết luận
rằng trong việc phát triển hệ thống thông tin, chuẩn chủ quan là yếu tố quyết định
quan trọng. Nghiên cứu trước đây chỉ ra rằng, chuẩn chủ quan có ảnh hưởng đáng
kể đến quyết định hành vi của người tiêu dùng. Chuẩn chủ quan có tác động đến
hành vi sử dụng dịch vụ thanh toán bằng công nghệ (Đàm Thị Phương Thảo, 2015;
Aslama, Ham, & Arif, 2017). Trong phạm vi bài nghiên cứu, yếu tố xã hội giải
thích cho những người có ảnh hưởng đến cá nhân như gia đình, bạn bè, đồng
nghiệp... Việc một cá nhân lựa chọn sử dụng dịch vụ thanh toán chịu tác động từ
những người xung quanh họ (Phan Hữu Nghị & Đặng Thanh Dung, 2019; Lê Châu
Phú & Đào Duy Huân, 2019).
2.3.4. Niềm tin
Niềm tin được định nghĩa như là một hàm của mức độ rủi ro liên quan đến các giao
dịch tài chính và kết quả của niềm tin là làm giảm bớt nhận thức rủi ro, dẫn đến
quyết định tích cực đối với việc áp dụng thanh toán điện tử (Yousafzai và cộng sự.,
2003).
Trong khi đó, theo McKnight et al. (2002), niềm tin phụ thuộc vào việc đảm bảo an
ninh, danh tiếng, khả năng tiếp cận, chất lượng trang web, khả năng đáp ứng, công
nghệ và tương tác. Do đó có thể kết luận rằng niềm tin là quan trọng để người tiêu
dùng quyết định sử dụng thanh toán điện tử. Nếu hệ thống mà người dùng không có
niềm tin, nó sẽ là vô cùng khó khăn cho việc phát triển và mở rộng thanh toán điện
tử.
2.3.5. Nhận thức rủi ro
Bauer (1960) cho rằng, nhận thức rủi ro liên quan đến sự không chắc chắn và
những hậu quả liên quan đến hành động của người tiêu dùng. Theo lý thuyết hành
vi có hoạch định (TPB), nhận thức rủi ro có thể làm giảm kiểm soát hành vi của
người tiêu dùng không chắc chắn và sẽ có tác động tiêu cực đến quyết định hành vi
của họ. Các nghiên cứu về hành vi sử dụng dịch vụ ngân hàng điện tử cũng cho
thấy, việc chấp nhận sử dụng dịch vụ công nghệ từ ngân hàng sẽ bị tác động tiêu
cực bởi yếu tố rủi ro (Lê Châu Phú & Đào Duy Huân, 2019; Đàm Thị Phương
Thảo, 2015). Người dùng càng thấy rủi ro khi sử dụng sẽ làm giảm khả năng sử
dụng dịch vụ thanh toán di động (Chen, 2008; Abrahão, Moriguchi, & Andrade,
2016). Ngược lại, nếu nhận thức rủi ro liên quan đến các giao dịch trực tuyến được
giảm và người tiêu dùng có thể kiểm soát hành vi hơn trong môi trường trực tuyến,
họ sẵn sàng giao dịch (Pavlou, 2001).
3. Mô hình và giả thuyết nghiên cứu
Các giả thuyết nghiên cứu:
Mã hoá Giả thuyết Nội dung
DSD H1 Nhận thức dễ sử dụng có ảnh hưởng tích cực đến quyết
định sử dụng phương thức thanh toán điện tử của người
tiêu dùng.
HI H2 Nhận thức hữu ích có ảnh hưởng tích cực đến quyết định
sử dụng phương thức thanh toán điện tử của người tiêu
dùng.
CCQ H3
Chuẩn chủ quan ảnh hưởng tích cực đến quyết định sử
dụng phương thức thanh toán điện tử của người tiêu
dùng.

NT H4 Niềm tin có tác động tích cực quyết định sử dụng phương
thức thanh toán điện tử của người tiêu dùng.
RR H5 Nhận thức rủi ro có ảnh hưởng tiêu cực đến quyết định sử
dụng phương thức thanh toán điện tử của người tiêu
dùng.

You might also like