You are on page 1of 6

1.

Trình bày tóm tắt quá trình Đảng lãnh đạo công cuộc xây dựng CNXH ở miền
Bắc giai đoạn 1954 - 1975.
1.1 Giai đoạn 1954 - 1960: Khôi phục nền kinh tế, cải tạo XHCN
Sau tháng 7-1954, miền Bắc đã hoàn toàn giải phóng và phát triển theo hướng
XHCN, trở thành căn cứ địa hậu phương cho cả nước và thế lực cách mạng đã mạnh
mẽ hơn sau 9 năm kháng chiến. Tuy nhiên, miền Nam lại bị chia cắt và kiểm soát bởi
đế quốc Mỹ; kinh tế miền Bắc nghèo nàn, lạc hậu.
Để đối phó với tình hình này, Đảng đã đề ra chủ trương đưa miền Bắc quá độ lên
XHCN, trọng tâm là khôi phục kinh tế và cải tạo XHCN. Tháng 9-1954, Bộ Chính trị
đề ra nhiệm vụ chủ yếu trước mắt của miền Bắc là hàn gắn hậu quả chiến tranh, phục
hồi kinh tế quốc dân để đưa miền Bắc trở lại bình thường sau 9 năm chiến tranh. Đảng
nhận thức rõ rằng kinh tế miền Bắc cơ bản là nông nghiệp, do đó Đảng đã tập trung
vào khôi phục và phát triển sản xuất nông nghiệp; đồng thời kết hợp với cải cách
ruộng đất và vận động đổi công nhằm giúp nông dân sản xuất và xây dựng cơ sở vật
chất cho nông nghiệp. Việc khôi phục sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và
giao thông cũng đã hoàn thành.
Để đảm bảo thành công trong cải cách ruộng đất, Đảng đã kết hợp lực lượng bần
cố nông và trung nông, đánh đổ giai cấp địa chủ, tịch thu ruộng đất của họ để chia đều
cho dân cày nghèo. Chế độ chiếm hữu ruộng đất phong kiến ở miền Bắc đến đây bị
xóa bỏ hoàn toàn.
Tháng 11-1958, Ban Chấp hành Trung ương Đảng họp Hội nghị lần thứ 14 đề ra
kế hoạch ba năm phát triển kinh tế, văn hoá và cải tạo XHCN đối với kinh tế cá thể và
kinh tế tư bản tư doanh (1958-1960). Tháng 4-1959, Hội nghị lần thứ 16 của Đảng đã
thông qua Nghị quyết về vấn đề hợp tác hóa nông nghiệp, xác định hình thức và bước
đi của hợp tác xã. Kết quả đã tạo nên những bước tiến cách mạng trong kinh tế và xã
hội ở miền Bắc. Miền Bắc được củng cố, từng bước đi lên CNXH và trở thành hậu
phương ổn định, vững mạnh đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp cách mạng Việt Nam.

1.2 Giai đoạn 1961-1965: Thực hiện kế hoạch năm năm lần thứ nhất.
Tháng 9-1960, Đại hội III của Đảng đã thông qua kế hoạch 5 năm lần thứ nhất
(1961-1965) để xây dựng chế độ XHCN ở miền Bắc. Đại hội nhận thức rằng cuộc
cách mạng XHCN ở miền Bắc không trải qua giai đoạn phát triển tư bản chủ nghĩa,
mà là một quá trình cải biến cách mạng toàn diện. Do đó, mục tiêu trung tâm trong
giai đoạn quá độ là công nghiệp hóa XHCN, nhằm tạo ra cơ sở vật chất-kỹ thuật cho
chế độ xã hội mới. Đồng thời, cách mạng tư tưởng và văn hóa cũng được tiến hành để
thay đổi đời sống tư tưởng, tinh thần và văn hóa của xã hội phù hợp với chế độ xã hội
mới XHCN.
Đại hội III của Đảng đã đề ra và chỉ đạo thực hiện kế hoạch 5 năm lần thứ nhất
(1961-1965) với mục tiêu là tiếp tục hoàn thiện quan hệ sản xuất XHCN, xây dựng cơ
sở vật chất của CNXH, cải thiện đời sống nhân dân và bảo đảm an ninh quốc phòng
để làm hậu thuẫn cho cuộc đấu tranh thống nhất nước nhà.
Trong quá trình thực hiện kế hoạch, nhiều cuộc vận động và phong trào thi đua
được triển khai sôi nổi ở các ngành, các giới và các địa phương, đặc biệt là phong trào
“Mỗi người làm việc bằng hai để đền đáp lại cho đồng bào miền Nam ruột thịt”. Miền
Bắc đã tăng cường chỉ viện cho miền Nam với đường Trường Sơn đưa chiến sĩ cùng
vũ khí đạn dược bí mật đi “B”, đường vận tải trên biển với những chuyến “tàu không
số” chở hàng chục tấn vũ khí từ miền Bắc vào tận các căn cứ ven biển Phú Yên, Bà
Rịa, Cà Mau... góp phần vào chiến thắng của quân dân miền Nam trong các cuộc
chiến lược chiến tranh chống lại đế quốc Mỹ.
Trải qua 10 năm khôi phục, cải tạo và xây dựng chế độ mới, miền Bắc đã tiến
những bước dài chưa từng có trong lịch sử dân tộc. Đất nước, xã hội, con người đều
trải qua sự đổi mới. Miền Bắc đã trở thành căn cứ địa vững chắc cho cách mạng toàn
quốc với chế độ chính trị ưu việt, lực lượng kinh tế và quốc phòng mạnh mẽ.

1.3 Giai đoạn 1965-1968: Lãnh đạo miền Bắc xây dựng hậu phương, chống chiến
tranh phá hoại của đế quốc Mỹ, chi viện miền Nam.
Ngày 5-8-1964, Mỹ dựng lên "sự kiện Vịnh Bắc Bộ" nhằm lấy cớ dùng không
quân và hải quân đánh phá miền Bắc Việt Nam với ý đồ đưa miền Bắc trở về thời kỳ
đồ đá, phá hoại công cuộc xây dựng CNXH ở miền Bắc, ngăn chặn sự chi viện của
miền Bắc với miền Nam.
Trước tình hình đó, Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã kịp thời xác định chủ
trương. Đầu tiên, chuyển hướng xây dựng kinh tế phù hợp với tình hình chiến tranh
phá hoại. Thứ hai, tăng cường lực lượng quốc phòng cho kịp với sự phát triển tình
hình chiến tranh trên toàn quốc. Thứ ba, hỗ trợ miền Nam với mức cao nhất để đánh
bại địch ở chiến trường chính miền Nam. Cuối cùng, chuyển hướng tư tưởng và tổ
chức để phù hợp với tình hình mới.
Dưới sự chỉ đạo của Đảng, quân dân miền Bắc đã dấy lên cao trào chống Mỹ cứu
nước, vừa sản xuất vừa chiến đấu với các phong trào như “Ba sẵn sàng”, “Ba đảm
đang”, “Tay cày, tay súng”, “Tay búa, tay súng”. Trong chiến đấu có phong trào
“Nhắm thẳng quân thù mà bắn”. Trong chi viện tiền tuyến có phong trào “Thóc không
thiếu một cân, quân không thiếu một người”. Trong bảo đảm giao thông vận tải có
phong trào “Xe chưa qua, nhà không tiếc”.
Sau 4 năm thực hiện chuyển hướng xây dựng và phát triển kinh tế, miền Bắc đã
đạt được những thành tựu đáng tự hào trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, xã
hội, và hỗ trợ tiền tuyến lớn cho miền Nam.

1.4. Giai đoạn 1969-1975: Khôi phục kinh tế, bảo vệ miền Bắc và tăng cường lực
lượng cho miền Nam.
Sau thất bại nặng nề ở hai miền Nam-Bắc, vào ngày 1-11-1968, Mỹ buộc phải
chấm dứt không điều kiện đánh phá miền Bắc bằng không quân và hải quân. Từ đó,
Đảng lãnh đạo nhân dân miền Bắc thực hiện các kế hoạch ngắn hạn để khắc phục hậu
quả chiến tranh, tiếp tục xây dựng miền Bắc và tăng cường lực lượng cho miền Nam.
Nhân dân miền Bắc đã nhanh chóng khôi phục kinh tế. Sau ba năm 1969-1972,
tình hình khôi phục kinh tế và xây dựng chế độ XHCN đã có nhiều biến chuyển tích
cực. Những kết quả đạt được đã tăng cường tiềm lực mọi mặt của hậu phương miền
Bắc, cải thiện cuộc sống người dân và cho phép miền Bắc tiếp tục hỗ trợ mạnh mẽ
tiền tuyến, góp phần quyết định đạt được chiến thắng lớn trên chiến trường miền Nam.
Từ tháng 4-1972, để ngăn chặn cuộc tiến công của quân dân ta ở miền Nam, Mỹ
đã cho máy bay, tàu chiến tiến hành chiến tranh phá hoại miền Bắc lần thứ hai, nhất là
đợt rải thảm bom 12 ngày đêm bằng pháo đài bay B.52 tại Hà Nội, Hải Phòng và một
số địa phương khác. Tuy nhiên, quân dân miền Bắc đã bình tĩnh, vừa sản xuất vừa
chiến đấu. Trong 12 ngày đêm (từ 18 đến 30-12-1972), lập nên trận “Điện Biên Phủ
trên không”, đã đánh bại hoàn toàn cuộc chiến tranh phá hoại của Mỹ. Ngày 15-1-
1973, Chính phủ Mỹ phải tuyên bố ngừng mọi hoạt động phá hoại miền Bắc nước ta.
Thắng lợi của quân dân cả nước đã buộc Mỹ phải trở lại bàn đàm phán và ký kết Hiệp
định Paris (27-1-1973), công nhận độc lập chủ quyền, thống nhất của Việt Nam và
chấm dứt chiến tranh phá hoại miền Bắc.
Sau khi ký kết Hiệp định Paris, Trung ương Đảng đề ra kế hoạch hai năm khôi
phục và phát triển kinh tế (1974-1975). Miền Bắc còn hoàn thành nhiệm vụ hậu
phương lớn đối với tiền tuyến lớn miền Nam và hoàn thành nghĩa vụ quốc tế đối với
cách mạng Lào và Campuchia. Tổng thể, miền Bắc XHCN đã bảo đảm 80% bộ đội
chủ lực, 70% vũ khí và lương thực, 65% thực phẩm cho chiến trường miền Nam, nhất
là trong giai đoạn cuối.

2. Phân tích vai trò của hậu phương miền Bắc đối với tiền tuyến miền Nam trong
cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước (1954 - 1975). Trong cuộc sống, bạn rút ra
được cho bản thân mình những bài học kinh nghiệm gì giữa vai trò của hậu
phương và tiền tuyến từ vấn đề lịch sử trên?
Ngay sau khi Hiệp định Giơnevơ được ký kết (7-1954), Đảng đã sớm xác định
nhiệm vụ xây dựng miền Bắc thành căn cứ địa cách mạng của cả nước. Hội nghị
Trung ương Đảng lần thứ 8, khóa II (năm 1955) nhận định, miền Bắc là chỗ đứng của
ta, bất kể trong tình hình nào miền Bắc cũng phải được củng cố. Hội nghị nhấn mạnh,
muốn thống nhất nước nhà, điều cốt yếu là phải ra sức củng cố miền Bắc, đồng thời
giữ vững và đẩy mạnh cuộc đấu tranh của nhân dân miền Nam… Cũng tại Đại hội
Mặt trận dân tộc thống nhất toàn quốc (9-1955), Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ, miền
Bắc là nền tảng, là gốc rễ lực lượng đấu tranh của nhân dân ta, nền có vững nhà mới
chắc, gốc có mạnh cây mới tốt.
Nghị quyết Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ III (9-1960) của Đảng khẳng
định: “...Tiến hành cuộc cách mạng xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc là nhiệm vụ quyết
định nhất đối với sự nghiệp thống nhất nước nhà”. Do đất nước tạm bị chia hai miền,
mỗi miền thực hiện một chiến lược cách mạng trong những điều kiện không giống
nhau, nên khi phân tích vị trí và mối quan hệ giữa hai miền, Hội nghị lần thứ 7 của
Trung ương Đảng (khóa III) đã xác định: “Miền Bắc có vai trò quyết định nhất đối với
toàn bộ sự nghiệp giải phóng miền Nam, thống nhất nước nhà; miền Nam có vai trò
quyết định trực tiếp trong việc đánh đổ ách thống trị của đế quốc Mỹ và bè lũ tay sai,
để giải phóng miền Nam, thống nhất nước nhà, hoàn thành cách mạng dân tộc dân chủ
nhân dân”.
Đại hội toàn quốc lần thứ III của Đảng Lao động Việt Nam (9-1960) xác định
cách mạng XHCN ở miền Bắc có vai trò quyết định nhất đối với sự phát triển của
cách mạng cả nước. Vai trò này được thể hiện ở các nội dung sau:
- Miền Bắc đã hoàn thành xuất sắc nghĩa vụ hậu phương lớn đối với tiền tuyến
lớn miền Nam:
+ Miền Bắc chi viện cho miền Nam bằng tuyến đường vận chuyển chiến lược
Bắc – Nam mang tên Hồ Chí Minh trên bộ và trên biển bắt đầu được khai thông từ
năm 1959, dài hàng nghìn km.
+ Khẩu hiệu của miền Bắc là “Tất cả cho tiền tuyến, tất cả để đánh thắng giặc
Mỹ xâm lược”,“Thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người”…
+ Trong 5 năm (1961 – 1965), một khối lượng lớn vũ khí, đạn dược, thuốc
men… được chuyển vào chiến trường. Ngày càng có nhiều đơn vị vũ trang, cán bộ
quân sự và cán bộ các ngành được đưa vào miền Nam tham gia chiến đấu, phục vụ
chiến đấu và xây dựng vùng giải phóng. Sự chi viện của miền Bắc trong thời gian này
là nhân tố quyết định đến thắng lợi của nhân dân miền Nam đánh bại chiến lược
“Chiến tranh đặc biệt” của Mỹ.
+ Trong 4 năm (1965 – 1968), miền Bắc đã đưa vào miền Nam hơn 30 vạn cán
bộ, chiến sĩ tham gia chiến đấu, phục vụ chiến đấu và xây dựng vùng giải phóng cùng
hàng chục vạn tấn vũ khí, đạn dược, lương thực, thuốc men… Tính chung, trong 4
năm, sức người, sức của từ miền Bắc chuyển vào chiến trường miền Nam tăng gấp 10
lần so với giai đoạn trước.
+ Trong thời gian Mỹ ngừng ném bom sau chiến tranh phá hoại lần thứ nhất và
cả trong chiến tranh phá hoại lần thứ hai, miền Bắc đã khắc phục kịp thời hậu quả của
những trận đánh phá khốc liệt, vượt qua những cuộc bao vây phong toả gắt gao của
địch, bảo đảm tiếp nhận tốt hàng viện trợ từ bên ngoài và tiếp tục chi viện theo yêu
cầu của chiến trường miền Nam, cũng như làm nghĩa vụ quốc tế đối với chiến trường
Lào và Campuchia.
+ Trong 3 năm (1969 – 1971), hàng chục vạn thanh niên miền Bắc được gọi
nhập ngũ, trong số đó có 60% lên đường bổ sung cho các chiến trường miền Nam,
Lào, Campuchia. Khối lượng vật chất đưa vào các chiến trường tăng gấp 1,6 lần so
với 3 năm trước đó.
+ Riêng năm 1972, miền Bắc đã động viên hơn 22 vạn thanh niên bổ sung cho
lực lượng vũ trang, đưa vào chiến trường ba nước Đông Dương nhiều đơn vị bộ đội
được huấn luyện, trang bị đầy đủ; còn khối lượng vật chất đưa vào chiến trường tăng
gấp 1,7 lần so với năm 1971.
+ Trong hai năm 1973 – 1974, miền Bắc đưa vào chiến trường miền Nam, Lào,
Campuchia gần 20 vạn bộ đội, hàng vạn thanh niên xung phong, cán bộ chuyên môn,
nhân viên kỹ thuật. Đột xuất trong năm 1975, miền Bắc đưa vào miền Nam 57.000 bộ
đội. Về vật chất – kỹ thuật, miền Bắc có nỗ lực phi thường, đáp ứng đầy đủ nhu cầu to
lớn và cấp bách của cuộc tổng tiến công chiến lược ở miền Nam. Từ đầu mùa khô
1973 – 1974 đến đầu mùa khô 1974 – 1975, miền Bắc đưa vào chiến trường hơn 26
vạn tấn vũ khí, đạn dược, quân trang, quân dụng, xăng dầu, thuốc men, lương thực,
thực phẩm.
→ Nguồn chi viện cùng với thắng lợi trong chiến đấu và sản xuất của quân dân
miền Bắc đã góp phần quyết định vào thắng lợi của quân dân miền Nam trong cuộc
chiến đấu đánh bại các chiến lược chiến tranh xâm lược của Mĩ và giải phóng hoàn
toàn miền Nam.
- Miền Bắc còn làm nghĩa vụ quốc tế đối với cách mạng Lào và Campuchia,
thường xuyên chi viện sức người, sức của cho chiến trường hai nước bạn; góp phần
củng cố và tăng cường khối đoàn kết ba dân tộc ở Đông Dương trong cuộc chiến đấu
chống kẻ thù chung. Khối liên minh chiến đấu giữa ba nước Đông Dương trong cuộc
chiến đấu chống kẻ thù chung đã tạo ra một nhân tố quan trọng để đưa đến thắng lợi
của mỗi nước trong cuộc kháng chiến chống Mỹ.
- Không chỉ là hậu phương, miền Bắc còn là chiến trường trực tiếp đánh Mỹ.
Quân dân miền Bắc Đã chiến đấu, đánh thắng hai lần chiến tranh phá hoại bằng không
quân và hải quân của Mỹ, đặc biệt làm nên trận “Điện Biên Phủ trên không”, đập tan
cuộc tập kích chiến lược bằng B52 của Mỹ vào Hà Nội, Hải Phòng cuối năm 1972.
Chiến thắng của quân dân miền Bắc trong chiến đấu chống chiến tranh phá hoại của
đế quốc Mỹ, góp phần đập tan ý chí xâm lược của Mĩ, buộc họ phải ngồi vào bàn đàm
phán và ký Hiệp định Pari về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam.
- Những thành tựu của miền Bắc trong công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội
cùng với uy tín của Đảng, của Chủ tịch Hồ Chí Minh còn là nguồn động viên về tinh
thần to lớn đối với nhân dân miền Nam trong cuộc kháng chiến chống Mỹ.
Đại hội lần thứ IV của Đảng cũng khẳng định: “Không thể nào có thắng lợi của
sự nghiệp kháng chiến chống Mỹ, cứu nước nếu không có miền Bắc xã hội chủ nghĩa
suốt 16 năm qua luôn cùng một lúc phải làm hai nhiệm vụ chiến lược…”. Suốt 16
năm đó, miền Bắc luôn luôn cùng một lúc phải làm hai nhiệm vụ chiến lược. Đặc biệt
là từ năm 1965, khi Hội nghị lần thứ hai Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa III)
khẳng định chống Mỹ, cứu nước là nhiệm vụ hàng đầu của toàn Đảng, toàn dân, toàn
quân thì miền Bắc đã dốc vào cuộc kháng chiến toàn bộ sức mạnh của chế độ xã hội
chủ nghĩa và đã làm tròn một cách xuất sắc nghĩa vụ căn cứ địa cách mạng của cả
nước, xứng đáng là pháo đài vô địch của chủ nghĩa xã hội. Miền Bắc đã dốc vào chiến
tranh giữ nước và cứu nước toàn bộ sức mạnh của chế độ XHCN và hoàn thành một
cách xuất sắc nghĩa vụ căn cứ địa cách mạng của cả nước. Qua đó, ta thấy rằng miền
Bắc có tác dụng quyết định nhất gắn liền với miền Nam, giúp cách mạng miền Nam
vượt qua muôn vàn khó khăn gian khổ, vùng lên đúng lúc, trụ vững trong những lúc
ác liệt nhất, hình thành thế trận chiến tranh nhân dân rộng khắp trên cả ba vùng chiến
lược. Hai miền chung sức đánh giặc, cả nước kháng chiến nên đã tạo ra sức mạnh to
lớn đánh thắng Mỹ và tay sai, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất Tổ quốc.
Từ vai trò của hậu phương và tiền tuyến trong lịch sử dân tộc ta, tôi nhận ra rằng
đoàn kết và hỗ trợ là những yếu tố cốt lõi trong cuộc sống và thành công của chúng ta.
Khi chúng ta đoàn kết, chia sẻ và hỗ trợ nhau, chúng ta tạo ra một môi trường mạnh
mẽ và bền vững. Đoàn kết giúp chúng ta vượt qua khó khăn và thách thức. Khi chúng
ta đứng với nhau, chúng ta trở nên mạnh mẽ hơn và có thể đối mặt với mọi khó khăn.
Sự đoàn kết giữa các cá nhân, gia đình, cộng đồng và quốc gia là nguồn sức mạnh vô
cùng quý giá, giúp chúng ta vượt qua mọi trở ngại và đạt được mục tiêu chung. Hơn
nữa, tinh thần đoàn kết và sự hỗ trợ cũng tạo ra một tầm nhìn tương lai tích cực. Khi
chúng ta đứng cùng nhau và hỗ trợ nhau, chúng ta có thể vượt qua những rào cản và
khó khăn. Chúng ta có thể xây dựng một xã hội công bằng hơn, nơi mọi người có cơ
hội phát triển và thể hiện tiềm năng của mình. Bên cạnh đó, tinh thần yêu nước cũng
được thể hiện rõ qua các cuộc chiến tranh, đây là đức tính cao đẹp và quan trọng trong
cuộc sống mà ông cha ta đã truyền qua bao thế hệ. Đó là tình yêu và lòng trung thành
đối với đất nước của mình, sẵn lòng đóng góp và hy sinh vì lợi ích cộng đồng và sự
phát triển của quốc gia. Tinh thần yêu nước còn là động lực để chúng ta vươn lên và
đạt được những thành tựu cao hơn. Nó tạo ra sự tự hào, lòng tự tôn và lòng trung
thành với quốc gia. Tinh thần này cũng thúc đẩy chúng ta tham gia vào những hoạt
động xã hội và cộng đồng, góp phần tích cực vào sự phát triển và thịnh vượng của đất
nước. Tinh thần yêu nước là nguồn cảm hứng vô tận, nó nằm trong sâu thẳm tâm hồn
và khát khao của mỗi công dân. Nó là động lực để chúng ta vượt qua khó khăn và
thách thức, và là sức mạnh đồng lòng của một quốc gia. Với tinh thần yêu nước,
chúng ta có thể tạo ra một tương lai tươi sáng và bền vững cho đất nước, và mang lại
niềm hạnh phúc và thành công cho toàn thể nhân dân.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
Trường Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh - Khoa Lý luận chính trị (2022). Tài liệu
hướng dẫn ôn tập môn Lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam, Nxb Đại học Quốc gia TP.
Hồ Chí Minh, TP. Hồ Chí Minh.
Đại tá Hoàng Dũng (2005). Vai trò của miền Bắc trong kháng chiến chống Mỹ, Báo
Công an nhân dân.
Đại tá, PGS, TS. Dương Hồng Anh (2015). Hậu phương miền Bắc xã hội chủ nghĩa
trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, Tạp chí cộng sản.

You might also like