You are on page 1of 3

Nguyễn Thi là cây bút có năng lực phân tích tâm lí sắc sảo, có khả năng thâm nhập

vào đời
sống nội tâm của nhân vật, ngôn ngữ trong sáng tác Nguyễn Thi phong phú, đậm chất Nam
Bộn nên ông đã khắc họa được những nhân vật có cá tính mạnh mẽ, để lại ấn tượng cho
người đọc. Một trong số đó là nhân vật Việt trong tác phẩm “Những đứa con trong gia đình”
– một cậu con trai mới lớn với những nét hồn nhiên nhưng cũng là một chiến sĩ cộng sản
anh hùng.

Nguyễn Thi là nhà văn của người nông dân Nam Bộ. Ông có tình yêu sâu nặng với Nam Bộ,
bắt nguồn từ việc ông gắn bó với mảnh đất này từ thời thơ ấu, xa quê hương vất vả kiếm
sống. Khi trưởng thành, ông tham gia cách mạng, chiến đấu và hi sinh cũng tại mảnh đất
này. Sáng tác của Nguyễn Thi gồm nhiều thể loại: bút kí, truyện ngắn, tiểu thuyết. Nhân vật
đẹp nhất trong sáng tác của Nguyễn Thi là những người nông dân Nam Bộ với những phẩm
chất: yêu nước mãnh liệt, thủy chung với Tổ quốc đồng bào, căm thù giặc sâu sắc, gan góc,
dũng cảm, thẳng thắn, bộc trực, lạc quan, yêu đời. Tác phẩm “Những đứa con trong gia
đình” được hoàn thành vào năm 1966, trong những ngày chiến đấu ác liệt, khi tác giả đang
công tác ở tạp chí Văn nghệ Quân giải phóng

Nguyễn Thi có cách mở đầu truyện và giới thiệu nhân vật một cách độc đáo và ấn tượng.
Nhân vật Việt, xuất hiện trong bối cảnh khá đặc biệt, đó là trong lần ra trận đầu tiên, anh đã
lập được chiến công lớn, hạ được một chiếc xe bọc thép nhiên bản thân Việt cũng bị
thương rất nặng, hai mắt không nhìn thấy gì, lạc mất đồng đội, một mình nằm lại giữa rừng
cao su rộng lớn, không ăn không uống suốt mấy ngày. Việt ngất đi rồi tỉnh lại nhiều lần,
trong suốt quá trình đó những ký ức về gia đình, về mẹ, về chị, về ngày nhập ngũ cử trở đi
trở lại trong trí óc Việt. Từ đó tính cách và những vẻ đẹp của nhân vật được bộc lộ một cách
tự nhiên và khách quan không chỉ dưới góc nhìn của tác giả mà còn ở góc nhìn của chính
nhân vật Việt.

Việt, cũng như gia đình Việt chính là tiêu biểu cho những con người Nam Bộ trong cuộc
kháng chiến chống Mỹ. Anh sinh ra trong một gia đình nông dân nghèo Nam Bộ có truyền
thống đánh giặc lâu đời, phải gánh chịu nhiều đau thương mất mát nhưng cũng rất hào
hùng vẻ vang với nhiều chiến công. Từ nhỏ Việt đã chịu cảnh mồ côi cha, phải đối diện với
nỗi đau cha bị giặc Mĩ chặt đầu một cách dã man, mẹ anh một người đàn bà kiên cường, đã
phải nén giọt nước mắt đau thương dẫn theo đàn con thơ đi đòi đầu chồng về để lo ma
chay, an táng. Đến khi Việt lớn thì lại phải chịu nỗi đau mất mẹ, khi mẹ Việt cũng theo gót
chồng tham gia cuộc kháng chiến chống Mỹ và chết vì bom đạn của kẻ thù. Tuy nhiều đau
thương, thế nhưng gia đình Việt lại cũng có nhiều chiến công rạng rỡ với truyền thống đánh
giặc cứu nước lâu đời mà tất cả những chiến công ấy đều được chú Năm ghi lại trong cuốn
sổ của gia đình bằng nét chữ nguệch ngoạc, “còng còng” nhưng rất đỗi tự hào, trân trọng.
Chính từ những mất mát đau thương to lớn và truyền thống vẻ vang bao đời của gia đình đã
trở thành cơ sở để hình thành trong tâm hồn Việt lòng căm thù giặc sâu sắc, ý niệm trả nợ
nước, thù nhà mãnh liệt, lòng giác ngộ cách mạng sớm, càng củng cố thêm lý tưởng sống
và chiến đấu cho Tổ quốc cao đẹp của nhân vật.

Sau khi má chết, Việt càng quyết tâm đi bộ đội để trả thù cho má, tranh giành với chị Chiến
suất đi bộ đội trước, khi không cãi lý được với chị thì lại đâm ra cãi cùn. Điều đó bộc lộ khao
khát được ra chiến trường, trực tiếp cầm súng diệt giặc để trả mối nợ nước thù nhà đang
bốc cháy ngùn ngụt trong lòng chàng trai trẻ. Đặc biệt ý chí trả thù, ra đi chiến đấu còn thể
hiện rất cảm động trong tâm tưởng của Việt khi anh cùng chị khiêng bàn thờ má sang nhà
chú Năm “chúng con đi đánh giặc trả thù cho ba má, đến chừng nước nhà độc lập con lại
đưa má về”, rồi “mối thù thằng Mỹ thì có thể rờ thấy được, vì nó đang đè nặng trên vai”. Mối
thù sâu nặng, truyền thống đánh giặc bất khuất của gia đình đã trở thành tiền đề, cơ sở và
động lực cho tinh thần dũng cảm và kiên cường của Việt ở trên chiến trường.
Tuy còn nhỏ tuổi thế nhưng Việt, trong lần ra trận đầu tiên, đã anh dũng, gan dạ lập được
chiến công rất vẻ vang khi tự mình hạ được một xe bọc thép. Nhưng sau đó Việt cũng bị
thương rất nặng, lạc mất đồng đội, trong lúc nằm lại giữa chiến trường, mắt không thể nhìn
thấy gì, cả người kiệt sức không thể động đậy nhưng một ngón tay Việt vẫn đặt ở cò súng,
đạn đã lên nòng. Vì thế khi tìm được Việt, anh Tánh đã suýt bị ăn đạn của Việt vì Việt tưởng
anh là quân địch tới. Không chỉ vậy ở Việt còn là quyết tâm sống còn mạnh mẽ dù trong
hoàn cảnh ngặt nghèo nhất, anh không chỉ ham chiến đấu mà còn muốn tiếp tục sống và
chiến đấu để trả thù, thế nên khi bị lạc giữa chiến trường, mắt không nhìn thấy Việt đã dùng
đôi tai nghe tiếng súng để xác định phương hướng rồi cố bò lết về phía ấy để tìm sự giúp
đỡ của đồng đội. Bản lĩnh, sự kiên cường đến tận phút cuối, trân trọng từng phút của sinh
mạng ấy đã làm nên vẻ đẹp của một người anh hùng cách mạng, là vẻ đẹp lý tưởng của
cộng đồng, đại diện cho tầng lớp thanh niên chống Mỹ cứu nước lúc bấy giờ.

Bên cạnh những vẻ đẹp chung, tiêu biểu đại diện cho vẻ đẹp của người anh hùng thời đại,
thì ở Việt còn có những nét đẹp riêng của một thanh niên trẻ tuổi. Tuy đã cầm súng chiến
đấu, mang trong mình mối thù sâu nặng nhưng ở Việt vẫn có những nét hồn nhiên tinh
nghịch của các chàng trai cùng lứa tuổi đó là sự trẻ trung, hồn nhiên, vô tư, tinh nghịch. Khi
còn ở nhà thì Việt luôn tranh giành với chị mọi thứ, kể cả việc đi bộ đội anh cũng tranh giành
cho kì được, khi không cãi lý được với chị thì Việt giở trò cãi cùn, cốt chỉ được đi trước chị.
Trong đêm trước khi lên đường, Việt vừa nghe lời sắp xếp của chị, vừa “chụp một con đom
đóm úp trong lòng bàn tay”, phó thác tất cả công việc tính toán lại cho chị. Việt vẫn nghĩ mọi
việc thu xếp của chị là do má dặn từ trước kể cả việc đem bàn thờ sang gửi nhà chú Năm:
“Hồi đó má dặn chị làm sao, giờ chị cứ làm y vậy, tôi chịu hết”. Đang nghe Chiến sắp xếp,
Việt “ngủ quên lúc nào không biết”.

Khi vào bộ đội thì Việt vẫn không quên được trò bắn chim yêu thích lúc còn ở nhà thế nên
hành trang cậu cũng giắt theo cả chiếc ná thun. Sống cùng đồng đội, dẫu có thân thiết Việt
cũng chẳng bao giờ kể về chị gái, luôn giấu chị như giấu của vì ngây thơ, sợ rằng chị sẽ bị
đồng đội cướp mất bằng những lời tán tỉnh, đùa tếu. Thậm chí, tính trẻ con, ngây thơ của
Việt còn bộc lộ ngay cả khi anh bị thương nặng nằm lại chiến trường, Việt không sợ chết,
điều mà Việt sợ nhất lại là cảm giác một mình vì nó đem theo hình ảnh “con ma cụt đầu và
thằng chỏng thụt lưỡi”.

Ngoài ra, Việt còn có tấm lòng sâu nặng, tha thiết dành cho gia đình, đặc biệt là cho mẹ và
chị gái. Có lẽ vì mất cha từ khi còn nhỏ tuổi, thế nên trong ký ức của Việt luôn tràn ngập
hình bóng của mẹ, người phụ nữ kiên cường cùng lúc nắm giữ hai vai trò, vừa là cha vừa là
mẹ, đồng thời cũng là một chiến sĩ cách mạng dũng cảm. Trong khi bị thương nặng nằm
giữa chiến trường, Việt ngất đi và hồi tỉnh nhiều lần, giữa những lần ấy Việt nhớ về má của
mình, với nhiều mảnh ký ức sống động dội về. Má trong tâm trí Việt không chỉ kiên cường,
mạnh mẽ mà còn là người đàn bà tháo vát, đảm đang, một tay nuôi cả đàn con khôn lớn,
“miệng thì cười nói nhưng tay đã bơi xuồng ra giữa dòng”… Không chỉ vậy tình cảm sâu
nặng của Việt đối với má còn thể hiện sâu sắc qua những mong ước, khao khát của Việt khi
bị thương nặng, nằm lại giữa chiến trường. Trong lúc đau đớn và kiệt quệ ấy, Việt chỉ mong
sao được gặp má, được quay trở về những ngày còn ở nhà, lúc “má đang bơi xuồng, má sẽ
ghé lại xoa đầu Việt, đánh thức Việt dậy, rồi lấy xong cơm đi làm đồng để dưới xuồng lên
cho Việt ăn,…”.

Hoặc trong đêm trước ngày lên đường nhập ngũ tình cảm dành cho má cũng thể hiện ở
việc Việt nhìn đom đóm lập lòe nhớ má và nghĩ rằng “hình như má cũng về đâu đây. Má
biến theo ánh đom đóm trên nóc nhà, hay đang ngồi dựa vào mấy thúng lúa mà ngồi quạt
nón? Đêm nay, dễ gì mà má vắng mặt…”. Rồi trong lúc ngẩn ngơ nghe chị Chiến thu xếp
công việc nhà, Việt chẳng mấy để tâm nghe câu được câu mất, thế nhưng cứ thỉnh thoảng
lại hỏi rằng có phải hồi đó má dặn vậy không. Hoặc nghe nhìn thấy dáng điệu, cách nói
năng của chị Việt luôn suy tưởng về má, lòng cứ xuýt xoa sao mà giống má thế, giống y hệt,
… Tất cả những điều đó đều chứng minh rằng Việt đã dành cho má của mình một tình cảm
rất sâu nặng, rất gắn bó, mà như lời Việt nói, chị em Việt đi đâu thì ba má đi theo đấy, Việt
đã mang theo má trong trái tim, ra chiến trường, không giây phút nào Việt thôi nghĩ về má,
về gia đình.

Đối với chị Chiến, Việt không bộc lộ nhiều tình cảm trực tiếp, thế nhưng chị Chiến cũng là
người mà Việt dành những tình cảm yêu thương sâu sắc. Điều đó được anh thể hiện thông
qua một số chi tiết khá đặc sắc. Khi còn ở nhà, trước ngày lên đường nhập ngũ, trong lúc
khiêng bàn thờ má sang nhà chú Năm gửi, khi nghe thấy tiếng bước chân chị “bịch bịch”
đằng sau, “Việt thấy thương chị lạ. Lần đầu tiên Việt thấy lòng mình rõ thế”. Đây được xem
là sự chuyển biến mới, một bước tiến trưởng thành trong tâm hồn của Việt, trước lúc chia
xa Việt đã nhận thức được tình thương của mình dành cho chị gái, đồng thời cũng thấu hiểu
được những vất vả lo toan của chị sau khi má mất, chị phải là người gánh vác gia đình,
mang trên vai mối thù của cả gia đình. Khi ra chiến trường, sống và chiến đấu cùng anh em
đồng đội, Việt chưa từng kể về chị Chiến, anh giấu chị như giấu của, sợ chị bị những lời tán
tỉnh, đùa tếu của anh em cướp đi mất. Đó là một hành vi có phần ấu trĩ và trẻ con nhưng đó
lại là biểu hiện chân thực, hồn nhiên nhất cho tấm lòng thương yêu sâu sắc đối với chị gái
của Việt.

Để xây dựng thành công nhân vật Việt, Nguyễn Thi đã sử dụng kết hợp nhiều nghệ thuật
xây dựng nhân vật khác nhau. Nhà văn đặt nhân vật của mình vào tình huống truyện độc
đáo, hợp lí: khi Việt bị thương nặng, hai mắt không nhìn thấy gì, bị lạc đơn vị,… Chính thông
qua tình huống này mà con người, tính cách của Việt được bộ lộ rõ nét. Bên cạnh đó, tác
giả đã nhìn nhận miêu tả nhân vật Việt trong những mối quan hệ và từ nhiều góc độ khác:
trong quan hệ với ba má, với chú Năm , với chị Chiến, với đồng đội,… Vì lẽ đó mà nhân vật
này hiện lên một cách đầy đủ, trọn vẹn, rõ nét. Nguyễn Thi không thể hiện Việt nhiều ở hành
động mà chủ yếu là qua những diễn biến trạng thái, những dòng hồi tưởng, liên tưởng.
Cũng bởi vậy mà đời sống nội tâm của nhân vật đã hiện lên rất cụ thể và rõ nét. Cách suy
nghĩ, nói năng, đối thoại của nhân vật mang đậm chất Nam Bộ, đồng thời thể hiện rõ nét cá
tính, con người Việt. Việt trong “Những đứa con trong gia đình” hiện lên với nét riêng dễ
mến của một cậu con trai vô tư, tính tình trẻ con, ngây thơ và hiếu động. Bên cạnh đó, Việt
là hình ảnh của một người giàu lòng yêu thương với gia đình và là một chiến sĩ gan dạ,
dũng cảm nơi chiến trường. Việt chính là đại diện cho hàng triệu thanh niên Việt Nam thời
kháng chiến chống Mỹ cứu nước, ở anh hội tụ tất cả nhiều vẻ đẹp của một người anh hùng
theo khuynh hướng sử thi, lãng mạn cách mạng.

Qua việc xây dựng thành công nhân vật Việt tác giả Nguyễn Thi thể hiện được vẻ đẹp tâm
hồn và tình cảm của người dân Nam Bộ vô cùng tình nghĩa, trong sáng, trung hậu đồng thời
cũng bền bỉ, sắt son với Tổ quốc với cách mạng.

You might also like