You are on page 1of 124

Ngày nhận hồ sơ

ĐHQG-HCM
Trường ĐH KHXH&NV Do P.ĐN&QLKH ghi Mẫu: SV02

ĐỀ TÀI NGHIÊN CỨU KHOA HỌC SINH VIÊN CẤP TRƯỜNG


NĂM HỌC 2022 – 2023

Tên đề tài: NGHIÊN CỨU THẤT PHÚC THẦN TRONG VĂN HÓA NHẬT BẢN
VÀ SO SÁNH VỚI VIỆT NAM

Thành phần tham gia thực hiện đề tài

TT Họ và tên Vai trò Điện thọai Email


Nguyễn Thị Quỳnh 2156191026@hcmussh
1. 1 Chủ nhiệm 0704778313
Như .edu.vn
2156191006@hcmussh
2. Tô Đặng Bảo Hân Tham gia 0798038220
.edu.vn
2156191014@hcmussh
3. Nguyễn Ngọc Linh Tham gia 0899347493
.edu.vn
Trần Đình Thanh 2156191065@hcmussh
4. Tham gia 0938445514
Nam .edu.vn
Huỳnh Phạm Vân 2156191104@hcmussh
5. Tham gia 0778069462
Anh .edu.vn

TP.HCM, tháng 06 năm 2023


ĐẠI HỌC QUỐC GIA THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
TRƯỜNG ĐẠI HỌC KHOA HỌC XÃ HỘI VÀ NHÂN VĂN

Khoa/Bộ môn Nhật Bản học

NGHIÊN CỨU THẤT PHÚC THẦN TRONG VĂN HÓA

NHẬT BẢN VÀ SO SÁNH VỚI VIỆT NAM

Ngày 15 tháng 06 năm 2023 Ngày 15 tháng 06 năm 2023


Người hướng dẫn Chủ nhiệm đề tài
(Ký và ghi họ tên) (Ký và ghi họ tên)

Nguyễn Thị Hoài Châu Nguyễn Thị Quỳnh Như

Ngày ……tháng…… năm 2023 Ngày ……tháng…… năm 2023


Chủ tịch Hội đồng Phòng ĐN&QLKH
(Ký và ghi họ tên) (Ký và ghi họ tên)

TP. HỒ CHÍ MINH, 2023


LỜI CẢM ƠN

Để có thể hoàn thành được đề tài nghiên cứu khoa học “Nghiên cứu Thất Phúc
Thần trong văn hóa Nhật Bản và so sánh với Việt Nam”, chúng tôi đã nhận được rất
nhiều sự hỗ trợ và giúp đỡ từ phía quý thầy cô - những người đã luôn đồng hành, truyền
thụ những tri thức vô giá đến chúng tôi. Nếu thiếu sự hỗ trợ và giúp đỡ từ họ, chúng tôi
sẽ không thể hoàn thành đề tài nghiên cứu này. Vì vậy, chúng tôi xin bày tỏ sự kính
trọng và biết ơn sâu sắc đến:
TS. Nguyễn Thị Hoài Châu – Người trực tiếp, tận tình hướng dẫn, đưa ra các ý
kiến đóng góp và đánh giá quý báu cho chúng em trong suốt quá trình học tập, thực hiện
nghiên cứu, và hoàn thành đề tài nghiên cứu khoa học.
Tiếp đến xin gửi lời cảm ơn đến các tác giả, các nhà nghiên cứu,... đã đi đầu trong
các lĩnh vực nghiên cứu khoa học nói chung và lĩnh vực ngôn ngữ nói riêng; đã xây
dựng nguồn tri thức tài liệu phong phú để chúng tôi có thể kế thừa. Đó là một phần tất
yếu để chúng tôi có thể hoàn thành đề tài nghiên cứu này.
Bên cạnh đó, công trình nghiên cứu được xây dựng trên các kiến thức, các hiểu
biết mà chúng tôi đã tra cứu, tiếp nhận, lĩnh hội được nên không thể tránh được các sai
sót không đáng có. Hy vọng quý thầy cô, các chuyên gia cùng quý độc giả có thể đưa ra
các ý kiến đóng góp để chúng tôi có thể hoàn thiện công trình nghiên cứu hơn nữa.
Một lần nữa, nhóm thực hiện xin trân trọng cảm ơn.
Thành phố Hồ Chí Minh, tháng 6, năm 2023
Nhóm thực hiện đề tài

Trần Đình Thanh Nam


LỜI CAM ĐOAN

Chúng tôi xin cam đoan tất cả nội dung được trình bày trong đề tài nghiên cứu này
là kết quả của nhóm thực hiện sau quá trình học tập và nghiên cứu dưới sự hướng dẫn
trực tiếp của TS. Nguyễn Thị Hoài Châu.
Các kết quả nghiên cứu của nhóm hoàn toàn trung thực và tuân thủ các quy định
về chống đạo văn. Chúng tôi xin hoàn toàn chịu trách nhiệm về những vi phạm nếu có
xảy ra.
Thành phố Hồ Chí Minh, tháng 6, năm 2023
Nhóm thực hiện đề tài

Trần Đình Thanh Nam


TÓM TẮT CÔNG TRÌNH

Thất Phúc Thần là một nhóm các vị thần may mắn đến từ Nhật Bản bao gồm:
Ebisu, Daikokuten, Bishamonten, Benzaiten, Jurojin, Fukurokuju, Hotei. Xét về nguồn
gốc, đây chính là kết quả của sự kết hợp giữa quan niệm về các vị thần bản địa trong
văn hóa Nhật Bản và các vị thần trong nền văn hóa từ các nước Trung Quốc và Ấn Độ.
Thất Phúc Thần bao gồm một vị thần đến từ Thần đạo Nhật Bản: Ebisu; ba vị thần đến
từ Hindu giáo Ấn Độ: Benzaiten, Bishamonten và Daikokuten và ba vị thần đến từ Phật
giáo Trung Quốc: Fukurokuju, Hotei và Jurojin. Sự tồn tại của mỗi một vị thần đều
mang đến những ý nghĩa riêng và được con người xem như những vị thần bảo trợ, bảo
hộ cho mỗi khía cạnh riêng của cuộc sống người Nhật. Xét một cách tổng quát, Thất
Phúc Thần chính là các vị thần đem lại điềm lành và hạnh phúc cho đời sống, qua thời
gian dần được người dân Nhật Bản thờ phụng như những vị thần may mắn. Thời gian
xuất hiện của Thất Phúc Thần không xác định rõ ràng, tuy nhiên nhiều học giả và ghi
chép chỉ ra rằng các vị thần trong nhóm Thất Phúc Thần đã xuất hiện riêng lẻ vào cuối
thời kỳ Muromachi, cũng có những ghi chép khác cho rằng từ trước đó vào cuối thời kỳ
Heian đã có những dấu hiệu đầu tiên của Thất Phúc Thần với sự xuất hiện của Ebisu
cùng Daikokuten trong vai trò các vị thần may mắn. Đến thế kỷ XIX, hầu hết những
thành phố lớn ở Nhật Bản đã xây dựng những đền thờ và kiến trúc riêng dành cho Thất
Phúc Thần. Trong một phong tục truyền thống văn hóa Nhật Bản, mọi người đã vẽ nên
bức tranh Thất Phúc Thần sẽ cùng nhau đi du ngoạn trên con tàu kho báu Takarabune
và viếng thăm để ban phước lành cho con người nhân dịp đầu năm mới.
Theo dòng lịch sử, mỗi vị thần trong nhóm đã tồn tại riêng biệt, nhưng khi vào
Nhật Bản, họ đã sắp xếp thành một nhóm và được biết đến với tên gọi “Thất Phúc Thần”.
Cho đến cuối thế kỷ XVII, khi quá trình hình thành và đặc điểm của nhóm các vị thần
may mắn đã được tiêu chuẩn hóa, thì trong nhóm thường xuyên có sự thay đổi vai trò
giữa các Vị thần cũng như ý nghĩa của mỗi vị thần trong đời sống người dân. Thông qua
việc tìm hiểu sơ lược lịch sử Nhật Bản trong khoảng thời gian các vị thần thuộc nhóm
Thất Phúc Thần xuất hiện, nhóm nghiên cứu đã phân tích một phần nguyên nhân dẫn
đến sự du nhập của các vị thần cùng nền văn hóa mới, bên cạnh đó lý giải sự đa dạng
hóa và biến đổi trong suốt lịch sử hình thành và phát triển của Thất Phúc Thần.
Bên cạnh việc tìm hiểu riêng mỗi vị thần trong sự giao lưu các nền văn hóa hay
tìm hiểu về ngọn ngành nguồn gốc của Thất Phúc Thần, nhóm nghiên cứu còn nghiên
cứu về sự ảnh hưởng của Thất Phúc Thần vào đời sống văn hóa, nghệ thuật của người
dân Nhật Bản. Mặc dù hình thức và nhận thức thay đổi theo thời gian, nhưng thông qua
những truyền thống từ xưa và được duy trì cho đến ngày nay, quan niệm về sự tồn tại
của Thất Phúc Thần và những ảnh hưởng vẫn được duy trì từ thời Edo cho đến tận bây
giờ. Bên cạnh những lễ hội đầu năm mới tại các đền thờ của Thất Phúc Thần, sức ảnh
hưởng của họ cũng góp phần hình thành những lễ hội riêng lẻ diễn ra quanh năm như lễ
hội Toka Ebisu tại đền Imamiya, Nishinomiya ở vùng Kansai hay lễ hội Kanda tại đền
Kanda ở Tokyo; đồng thời tác động đến rất nhiều lĩnh vực nghệ thuật như sáng tác các
tác phẩm văn học thơ ca, các bức tượng điêu khắc riêng hoặc nhóm, tranh vẽ như tranh
tàu Takarabune, nghệ thuật biểu diễn như các vở ca kịch hoặc điệu múa trong lễ hội các
vị thần.
Bên cạnh đó, nhóm nghiên cứu đồng thời mở rộng tìm hiểu và so sánh với các vị
thần may mắn mang ý nghĩa tương tự của Việt Nam, để từ đó, nhấn mạnh và nêu bật lên
những nét tương đồng và khác biệt trong văn hóa bản địa và tín ngưỡng về các vị Thần
may mắn của Nhật Bản và Việt Nam trong dòng chảy chung văn hóa phương Đông.
Ngoài ra, thông qua việc tìm hiểu và phân tích quá trình tiếp thu linh họat và chắt lọc
tinh hoa để Nhật Bản hóa những yếu tố tiếp biến và du nhập, nhóm nghiên cứu mong
muốn có thể làm nổi bật lên nét đẹp riêng biệt trong văn hóa Nhật Bản.
Tóm lại, từ việc phân tích và lý luận, đề tài nghiên cứu trình bày một cách hệ thống
và tương đối đầy đủ về nhiều khía cạnh của Thất Phúc Thần. Bên cạnh đó, lấy cơ sở so
sánh để làm sáng tỏ điểm tương đồng và điểm khác biệt giữa Thất Phúc Thần và nhóm
các vị thần may mắn của Việt Nam, đề tài còn thể hiện xu hướng tiếp nhận, đặc điểm,
vai trò của các vị thần may mắn nói chung đối với đời sống tinh thần con người phương
Đông; đồng thời chỉ ra sự khác nhau trong văn hóa xã hội Nhật Bản và Việt Nam đối
với tín ngưỡng may mắn. Thông qua đó, nhóm nghiên cứu mong muốn sẽ có thể góp
phần vào việc nghiên cứu về đề tài Thất Phúc Thần nói riêng và văn hóa Nhật Bản nói
chung; cũng như đóng góp vào kho tàng công trình nghiên cứu và tài liệu tham khảo về
chủ đề này.
DANH MỤC BẢNG
Bảng 1.1. Các vị thần trong Thất Phúc Thần ................................................................ 14
Bảng 1.2. Các tai nạn, thiên tai xảy ra vào thời Heian và Kamakura ........................... 42
Bảng 2.1. Tổng hợp những đặc điểm và vai vai trò của Thất Phúc Thần ..................... 56
Bảng 3.1. Tóm tắt Thất Phúc Thần ............................................................................... 93
Bảng 3.2. Tóm tắt các vị thần may mắn có ý nghĩa tương tự ở Việt Nam.................... 97

DANH MỤC HÌNH


Hình 1.1. Ebisu được vẽ bởi các nghệ sĩ người Nhật Bản (1902)................................. 16
Hình 1.2. Daikokuten được vẽ bởi các nghệ sĩ người Nhật Bản (1902) ...................... 18
Hình 1.3. Sáu hình dạng của Daikokuten được vẽ trong Butsuzousui (1960) ............. 20
Hình 1.4. Bishamonten được vẽ bởi các nghệ sĩ người Nhật Bản (1902)..................... 22
Hình 1.5. Năm hình dạng chính của Bishamon ở Nhật Bản ......................................... 26
Hình 1.6. Benzaiten được vẽ bởi các nghệ sĩ người Nhật Bản (1902) ......................... 27
Hình 1.7. Các hình dạng của Benzaiten ....................................................................... 31
Hình 1.8. Hotei được vẽ bởi các nghệ sĩ người Nhật Bản (1902) ................................ 32
Hình 1.9. Fukurokuju được vẽ bởi các nghệ sĩ người Nhật Bản (1902) ...................... 34
Hình 1.10. Jurojin được vẽ bởi các nghệ sĩ người Nhật Bản (1902)............................ 36
Hình 1.11. Bảy vị thần của những điềm lành, từ Kano Yasunobu 狩野安信 (1613 -
1685) ............................................................................................................................. 48
Hình 1.12. Bảy vị thần phúc lành, của Hakuin Ekaku 白隠慧鶴 (1685 – 1768)......... 50
Hình 2.1. Bản đồ hướng dẫn cuộc hành hương tại Asakusa ......................................... 60
Hình 2.2. Hình ảnh bức tranh màu nhận dấu mộc đỏ Goshuin khi tham quan từng ngôi đền
thờ phụng những vị thần may mắn ................................................................................ 60
Hình 2.3. Hình ảnh lễ hội Toka Ebisu tại đền Nishinomiya ........................................ 64
Hình 2.4. Lễ hội Kanda ................................................................................................. 65
Hình 2.5. Thất Phúc Thần trên một con tàu chứa đầy kho báu ..................................... 69
Hình 2.6. Điệu múa Thất Phúc Thần ở lễ hội Mitani .................................................... 71
DANH MỤC CHỮ VIẾT TẮT

Japanese Architecture and Art Net Users


JAANUS
System

TCN Trước công nguyên

CN Công nguyên

TK Thế kỷ

Skt. Tiếng Phạn

lit. Tiếng Anh

Jp. Tiếng Nhật

Pali. Tiếng Pali

Chn. Tiếng Trung

CE Kỷ nguyên chung
MỤC LỤC
DẪN NHẬP 1
1. Lý do chọn đề tài 1
2. Tổng quan tình hình nghiên cứu 2
3. Mục đích và mục tiêu nghiên cứu 8
3.1. Mục đích nghiên cứu 8
3.2. Mục tiêu nghiên cứu 9
4. Nhiệm vụ nghiên cứu 9
5. Đối tượng nghiên cứu 9
6. Phạm vi nghiên cứu 9
7. Phương pháp nghiên cứu 9
8. Ý nghĩa khoa học và thực tiễn 10
9. Bố cục đề tài 11
CHƯƠNG 1: KHÁI NIỆM CƠ BẢN, QUÁ TRÌNH HÌNH THÀNH VÀ PHÁT
TRIỂN CỦA THẤT PHÚC THẦN TRONG TÍN NGƯỠNG, TÔN GIÁO
NHẬT BẢN 13
1.1. Khái niệm cơ bản về Thất Phúc Thần 13
1.2. Nguồn gốc về các vị thần trong Thất Phúc Thần. 16
1.2.1. Vị thần Ebisu 16
1.2.2. Vị thần Daikokuten 18
1.2.3. Vị thần Bishamonten 22
1.2.4. Vị thần Benzaiten 27
1.2.5. Vị thần Hotei 32
1.2.6. Vị thần Fukurokuju 34
1.2.7. Vị thần Jurojin 36
1.3. Lịch sử hình thành và phát triển của Thất Phúc Thần tại Nhật Bản 38
1.3.1. Sự xuất hiện đầu tiên của Daikokuten và Ebisu vào nửa sau thời kỳ Heian
38
1.3.2. Thời kỳ Kamakura với những biến động lịch sử 39
1.3.3. Thời kỳ Muromachi và những khó khăn trong đời sống người dân 42
1.3.4. Thế kỷ XV và sự biến đổi đa dạng 45
1.3.5. Thời kỳ Edo, thế kỷ XVII - bảy đức hạnh và sự xuất hiện của những cuộc
hành hương 48
1.3.6. Giao thoa văn hóa và cách tiếp nhận văn hóa nước ngoài của người dân Nhật
Bản trong quá trình hình thành của Thất Phúc Thần 52
Tiểu kết 54
CHƯƠNG 2: ĐẶC ĐIỂM VÀ ẢNH HƯỞNG CỦA THẤT PHÚC THẦN
TRONG ĐỜI SỐNG TÍN NGƯỠNG, VĂN HÓA CỦA NGƯỜI NHẬT 56
2.1. Đặc điểm của Thất Phúc Thần 56
2.2. Ảnh hưởng của Thất Phúc Thần đến đời sống văn hóa, xã hội Nhật Bản 57
2.2.1. Ảnh hưởng của Thất Phúc Thần đến phong tục, tập quán truyền thống 57
a. Cuộc hành hương của Thất Phúc Thần 57
b. Lễ hội phổ biến về Thất Phúc Thần 61
2.2.2. Ảnh hưởng của Thất Phúc Thần đến đời sống nghệ thuật 67
a. Lịch sử 67
b. Mỹ thuật 68
c. Nghệ thuật biểu diễn 70
d. Điêu khắc 72
e. Văn học 73
Tiểu kết 75
CHƯƠNG 3: SO SÁNH GIỮA THẤT PHÚC THẦN CỦA NHẬT BẢN VÀ
CÁC VỊ THẦN MAY MẮN CỦA VIỆT NAM 77
3.1. Khái quát về các vị thần may mắn trong tín ngưỡng, văn hóa Việt Nam 77
3.1.1. Thần Tài 77
a. Nguồn gốc của Thần Tài 77
b. Đặc điểm của tín ngưỡng thờ cúng Thần Tài ở Việt Nam 80
3.1.2. Ông Địa 82
a. Nguồn gốc của Ông Địa 82
b. Đặc điểm của tín ngưỡng thờ cúng Ông Địa ở Việt Nam 83
3.1.3. Cá Ông 85
a. Nguồn gốc và đặc điểm của Cá Ông 85
b. Đặc điểm của tín ngưỡng thờ cúng Cá Ông ở Việt Nam 86
3.1.4. Thánh Gióng 87
a. Nguồn gốc của Thánh Gióng 87
b. Đặc điểm của tín ngưỡng thờ cúng Thánh Gióng ở Việt Nam 91
3.2. So sánh giữa Thất Phúc Thần và các vị thần may mắn trong tín ngưỡng, văn hóa
Việt Nam 93
Tiểu kết 103
KẾT LUẬN 104
TÀI LIỆU THAM KHẢO 153
1

DẪN NHẬP
1. Lý do chọn đề tài
Đời sống tín ngưỡng, văn hóa tâm linh chính là một chìa khóa quan trọng để
tìm hiểu về văn hóa, tư tưởng cũng như suy nghĩ của người Nhật. Khi nhắc đến
Nhật Bản, người ta thường nhắc đến đất nước của các Vị Thần. Chính vì vậy, tìm
hiểu về hệ thống các vị thần trong tín ngưỡng và văn hóa Nhật Bản có ý nghĩa rất
quan trọng trong việc tìm hiểu và khám phá về văn hóa của đất nước này.
Trong đó, nhóm nghiên cứu đặc biệt nghiên cứu về Thất Phúc Thần – một sự
kết hợp của tín ngưỡng truyền thống Nhật Bản với hình ảnh của các Vị Thần được
du nhập và chịu ảnh hưởng từ văn hóa Trung Quốc cũng như Ấn Độ.
Nhóm nghiên cứu cho rằng Thất Phúc Thần, hay còn được gọi là Bảy vị thần
may mắn của Nhật Bản, là tổng hòa những nét đẹp trong yếu tố văn hóa cũng như
tín ngưỡng của đất nước Nhật. Dưới tư cách là những Vị Thần được người dân
Nhật Bản gửi gắm niềm tin, ra đời và xuất hiện trong giai đoạn Nhật Bản đang
phải đối mặt với nhiều loạn lạc và xung đột quân sự kéo dài, Thất Phúc Thần là
đại diện cho mong ước ấm no, hạnh phúc và an yên của mọi người dân trên đất
nước. Thông qua sự tồn tại và ảnh hưởng sâu rộng của tín ngưỡng Thất Phúc Thần,
có thể thấy được quan niệm, khuynh hướng tiếp nhận và Nhật Bản hóa khi tiếp
nhận các yếu tố nước ngoài tại Nhật Bản.
Theo đó, việc tìm hiểu về đề tài Thất Phúc Thần với những yếu tố mang đậm
nét đặc trưng của văn hóa và tín ngưỡng Nhật Bản sẽ có ý nghĩa quan trọng trong
việc nghiên cứu về văn hóa xã hội và tín ngưỡng của Nhật Bản. Bên cạnh đó, đây
cũng là đề tài hầu như mới và chưa có nhiều nghiên cứu một cách cụ thể và sâu
sắc tại Việt Nam, nhóm tác giả cho rằng một công trình nghiên cứu mang tính hệ
thống về những ảnh hưởng của Thất Phúc Thần đến văn hóa, tín ngưỡng Nhật Bản
là một phần vô cùng quan trọng đối với công cuộc tìm hiểu về Nhật Bản nói chung
và văn hóa đất nước này nói riêng.
Thêm vào đó, trong dòng ảnh hưởng của các yếu tố văn hóa, thông qua so
sánh với hình ảnh của các vị thần mang ý nghĩa tương tự tại Việt Nam, làm sáng
tỏ đặc trưng riêng của Thất Phúc Thần tại Nhật Bản, những điểm khác nhau và
giống nhau của hệ thống các vị thần may mắn của hai quốc gia thể hiện ở những
lĩnh vực nổi bật như đời sống tín ngưỡng văn hóa, quan niệm tôn giáo, nghệ thuật
2

trình diễn,... cũng chính là mục tiêu của nghiên cứu này. Thông qua nghiên cứu về
chủ đề mới mẻ và hầu như chưa được tìm hiểu một cách hệ thống này tại Việt Nam,
nhóm nghiên cứu muốn đóng góp một tài liệu tham khảo hữu ích về đề tài thú vị
này cũng như góp phần vào kho tàng nghiên cứu về tín ngưỡng và văn hóa Nhật
Bản.

2. Tổng quan tình hình nghiên cứu


Ngoài nước
Trên thế giới đã có nhiều nghiên cứu từ sơ lược đến cụ thể về hình ảnh và
ảnh hưởng của Thất Phúc Thần đến đời sống, văn hóa của con người Nhật Bản,
tiêu biểu có kết quả của các công trình nghiên cứu cụ thể như sau đây:
Trong công trình nghiên cứu "Shichifukujin - Seven Lucky Gods of Japan"
(Thất Phúc Thần - Thất Phúc Thần của Nhật Bản), Mark Schumacher đã nghiên
cứu về sự ra đời, lịch sử hình thành và sự phát triển cũng như các ảnh hưởng văn
hóa, nghệ thuật của Thất Phúc Thần đến đời sống của người dân Nhật Bản. Tác
giả đã phân tích và tìm hiểu về các vị thần trong mối quan hệ với Phật giáo, Thần
đạo và Hindu giáo, đồng thời chỉ ra nguồn gốc ra đời của các vị thần là sự du nhập
và tiếp biến văn hóa từ Trung Quốc và Ấn Độ. Nghiên cứu của tác giả không khẳng
định rõ khái niệm Thất phúc thần ra đời từ khi nào và do ai, nhưng vẫn chỉ ra được
mốc thời gian cũng như sự phát triển của Thất Phúc Thần thông qua những ghi
chép, khế kinh và tranh vẽ,... Tác giả cũng phân tích và cho rằng lý do Nhật Bản
có một nhóm Thất Phúc Thần như hiện tại là do sự ảnh hưởng sâu sắc của con số
này đến văn hóa thế giới nói chung và Nhật Bản nói riêng, được thể hiện ở nhiều
lĩnh vực khác nhau trong đời sống (Mark Schumacher, 2011)
Trong công trình nghiên cứu “Reassembling the lucky gods: Pilgrim
Economies, Tourists, and Local Communities in Global Tokyo” (Tổng hợp các vị
thần may mắn: Các nền kinh tế hành hương, khách du lịch và cộng đồng địa
phương ở toàn cầu Tokyo), Tatsuma Padoan đã khám phá các cuộc hành hương
của các vị thần may mắn tại Asakusa và bên kia sông Sumida. Thông qua quan
điểm du lịch tôn giáo và cộng đồng địa phương, tác giả nhìn nhận, phân tích sự
triển khai, đặc điểm và rút ra bản chất ý nghĩa của các cuộc hành hương. Trong
công trình nghiên cứu này, tác giả đặt ra câu hỏi về việc liệu những du khách và
3

người dân địa phương có thực sự trải nghiệm và thực hiện những cuộc hành hương
này với ý nghĩa giống nhau và đúng với bản chất ý nghĩa của các vị thần hay không.
Nghiên cứu chỉ ra rằng trong khi khách du lịch đến tìm kiếm những lợi ích thực tế
do các vị thần phù hộ kèm theo trải nghiệm tham quan Tokyo, thì cộng đồng những
người dân địa phương lại thể hiện các mối quan tâm khác nhau. Qua quá trình thay
đổi của thời đại và văn hóa, với sự toàn cầu hóa và nhu cầu khám phá về văn hóa,
những cuộc hành hương hướng đến các vị thần may mắn, bên cạnh ý nghĩa ban
đầu, dần được biểu tượng hóa để mang đến những lợi ích và giá trị riêng. Sau quá
trình khai thác tìm hiểu, tác giả cho rằng, các mối quan tâm về bản sắc và kinh tế
như vậy ở một địa phương đã tạo ra những hình thức lai ghép kỳ lạ giữa con người
và các giá trị văn hóa tín ngưỡng, tạo ra những không gian tương tác mới và thực
tế bản thể mới. Từ những yếu tố đó, tác giả khẳng định không gian thiêng liêng tại
địa phương dần phải trở thành một nơi "đẹp đẽ", một nơi bình đẳng mới, một nơi
mà dựa trên những giá trị nguyên thủy ban đầu về các vị thần may mắn kết hợp
với những giá trị mới mà biểu tượng và ý nghĩa tinh thần mà các vị thần mang lại
(Tatsuma Padoan, 2019).
Ở nghiên cứu “七福神の由来|七福神の名前や意味を紹介していま

す” (Nguồn gốc của Thất Phúc Thần - Giới thiệu tên và ý nghĩa của Thất Phúc
Thần), tác giả đã phân tích những nguồn gốc, xuất xứ của Thất Phúc Thần và nhận
định rằng những vị thần đó đã xuất hiện và ổn định trong thời niên đại Kyouwa.
Tác giả cũng đã chỉ ra trong nghiên cứu rằng mỗi vị thần trong Thất Phúc Thần
Nhật Bản đều có những đặc điểm, nguồn gốc và ý nghĩa riêng. Thông qua phân
tích nguồn gốc và sự hình thành của mỗi vị thần cũng như những dấu ấn của các
vị thần trong tín ngưỡng may mắn, tác giả nhận định mỗi vị thần sẽ mang đến vận
may, điềm tốt lành đối với người dân Nhật Bản ở nhiều khía cạnh khác nhau như
sức khỏe, tiền bạc và làm ăn,...Tác giả cũng nhắc đến trong nghiên cứu rằng cho
đến bây giờ, tín ngưỡng văn hóa về Thất Phúc Thần đã được lan rộng và phổ biến
hơn với người dân Nhật Bản và từ đó, tôn vinh vai trò của Thất Phúc Thần trong
đời sống, đồng thời qua nghiên cứu của mình, tác giả đã nâng cao nét đẹp về văn
hóa, tín ngưỡng của Thất Phúc Thần với người dân Nhật Bản. (Kyosei-tairyu,
2016)
4

Với công trình nghiên cứu “七福神とは?見分け方やご利益、由来をご


紹介” (Thất Phúc Thần là ai? Giới thiệu cách phân biệt, ý nghĩa may mắn và nguồn
gốc), Rie Tachizaki và Ryo Yoshida đã có một nghiên cứu khái quát về Thất Phúc
Thần bằng phương pháp lịch sử, nghiên cứu phân tích và tổng thích hợp thuyết.
Dựa trên những tài liệu ghi chép lịch sử, nhóm tác giả đã đưa ra một bảng so sánh
sơ lược giữa các vị thần bao gồm các nội dung về nguồn gốc ra đời, ý nghĩa may
mắn riêng mà mỗi vị thần mang lại, từ đó kết luận Thất Phúc Thần là một nhóm
các vị thần kết hợp giữa Nhật Bản, Trung Quốc và Ấn Độ. Nhóm tác giả còn phân
tích và chỉ ra nguyên nhân vì sao bảy vị thần lại được chọn để trở thành Thất Phúc
Thần, đồng thời nêu rõ Thất Phúc Thần được thờ phụng khi nào thông qua tìm hiểu
500 lịch sử phát triển của Thất Phúc Thần. Cuối cùng, cả hai tác giả đã nghiên cứu
nét đẹp của Thất Phúc Thần với hình ảnh con tàu kho báu tượng trưng cho chuyến
tàu chở những điều may mắn đến với đời sống tinh thần của người dân, cũng như
nét đẹp trong tập tục hành hương có từ thời Edo để viếng thăm đền thờ của bảy vị
thần đầu năm; nhận định rằng những truyền thống tốt đẹp đó vẫn được duy trì và
phát triển trong đời sống người dân hiện đại dù đã trải qua rất nhiều năm thay đổi.
(Rie Tachizaki & Ryo Yoshida, 2021)
Tại công trình nghiên cứu “えびす信仰の三原泉ー海神・市神・福神の
ルーツとその融合ー”(Ba nguồn gốc đức tin Ebisu - Sự dung hợp giữa Thần
biển, Thần thành thị và Thần may mắn), tác giả Toshinao Yoneyama đã sử dụng
phương pháp lịch sử cùng với phương pháp thu thập tài liệu thứ cấp để trình bày
về truyền thuyết, về nguồn gốc ra đời của vị thần Ebisu từ thời cổ xưa một cách chi
tiết và đầy đủ. Ngoài nói lên nguồn gốc và sự ra đời của vị thần Ebisu, tác giả còn
nói về nguồn gốc của các vị thần khác liên quan đến vị thần Ebisu và những vị thần
đó có mối quan hệ chặt chẽ như thế nào với vị thần Ebisu thông qua nhiều nguồn
tài liệu tham khảo liên quan đến đề tài mà tác giả đã tìm hiểu trong quá trình nghiên
cứu. Thêm vào đó, tác giả còn nghiên cứu thêm nguồn gốc về tín ngưỡng, phong
tục tập quán truyền thống của người dân Nhật Bản ở tại các ngôi đền thờ thần và
nói thêm về không gian và thời gian họat động về phong tục tín ngưỡng thờ thần
Ebisu nói riêng và các vị thần khác của Nhật Bản nói chung. Qua đó, cho thấy được
về sự đa dạng liên quan đến nguồn gốc, truyền thuyết và những phong tục, tập quán
5

liên quan đến đức tin Ebisu trong đời sống tín ngưỡng của người dân Nhật Bản.
Nhìn chung, công trình nghiên cứu này đã giúp cho nhóm có một cái nhìn tổng
quan hơn về những vấn đề liên quan đến đề tài mà nhóm đang trong quá trình thực
hiện nghiên cứu. Tuy nhiên, công trình nghiên cứu này chỉ nói rõ về một vị thần
duy nhất liên quan tới Thất Phúc Thần đó chính là Ebisu, một vị thần có nguồn gốc
từ Nhật Bản và những vị thần khác liên quan đến vị thần Ebisu này, cũng như chỉ
nói khái quát về những vị thần khác liên quan đến Thất Phúc Thần. Qua đó, công
trình nghiên cứu này sẽ là nguồn tài liệu khá bổ ích để phục vụ cho nhóm có thể
đào sâu hơn về những vấn đề liên quan đến nguồn gốc, giai đoạn lịch sử và phong
tục, tập quán truyền thống về tín ngưỡng thờ thần Ebisu từ thời cổ xưa cho đến
ngày nay nói riêng và những vị thần còn lại nói chung. (Toshinao Yoneyama, 2002)
Ở công trình nghiên cứu “日本とユーラシアの交流 ―飛鳥寺を手掛かり
に―” (Sự trao đổi giữa Nhật Bản và Âu - Á - Từ đền Asuka), nhóm tác giả Erika
Ichimura, Yuya Tabeta, Yoshihiro Katsuyama,…, Makoto Miyazaki đã trình bày
một cách khái quát và đầy đủ về hệ thống các khái niệm, ý nghĩa và bối cảnh ra đời
của Thất Phúc Thần. Thêm vào đó, nhóm tác giả đã thống kê, trình bày theo bảng
để đem lại một cái nhìn hệ thống và cụ thể nhất có thể về các vấn đề được nêu ra.
Trong nghiên cứu, không chỉ bàn luận về Thất Phúc Thần một cách lý thuyết, các
tác giả còn phân tích một phần sự ra đời và quá trình thay đổi, phát triển dựa trên
bối cảnh lịch sử Nhật Bản. Ngoài ra, công trình còn phân tích về khả năng tiếp thu
các văn hóa mới của Nhật Bản, đem đến một góc nhìn mới đối với việc xem xét và
tìm hiểu về nguồn gốc của Thất Phúc Thần. Việc nhóm tác giả nhận định văn hóa
các nước châu Á mang nhiều điểm khác biệt trong một không gian văn hóa chung
cũng đem lại nền tảng để phân tích Thất Phúc Thần không chỉ trong văn hóa Nhật
Bản mà còn ở văn hóa gốc của các vị thần, từ đó giúp ích cho quá trình nghiên cứu
và phát hiện những nét đẹp đẽ, nổi bật của nền văn hóa Xứ sở Mặt trời mọc. (Erika
Ichimura và các tác giả khác, 2013). Nhìn chung, công trình trên đã thể hiện được
phần nào một nghiên cứu có hệ thống về Thất Phúc Thần và giúp chúng tôi định
hướng một phần hướng triển khai đề tài nghiên cứu, tuy nhiên vẫn chưa đi sâu vào
phân tích và đánh giá một cách cụ thể về sự ảnh hưởng của Thất Phúc Thần đến
văn hóa, nghệ thuật. Vì lẽ đó, công trình nghiên cứu “日本とユーラシアの交流
6

―飛鳥寺を手掛かりに―” (Sự trao đổi giữa Nhật Bản và Âu - Á - Từ đền Asuka)


sẽ là một bệ phóng vững chắc để nhóm nghiên cứu chúng tôi có thể tiến sâu hơn
vào nghiên cứu về ý nghĩa xét từ nhiều góc độ, quá trình hình thành và ra đời của
nhóm những vị thần may mắn Thất Phúc Thần này.
Qua công trình nghiên cứu “The Buddha in Yoshiwara. Religion and Visual
Entertainment in Tokugawa Japan as Seen through Kibyōshi” (Đức Phật ở
Yoshiwara. Tôn giáo và giải trí thị giác ở Tokugawa Nhật Bản được nhìn thấu qua
Kibyōshi) tác giả Takashi Miura xem xét, nghiên cứu các bức tranh được mô tả hài
hước về các vị thần trong kibyōshi, một thể loại tiểu thuyết minh họa trào phúng
đã trở nên phổ biến ở thời Edo vào cuối thế kỷ 18. Sự chiếm đoạt hài hước và bất
kính các biểu tượng tôn giáo bao gồm thần, phật và bồ tát đã tạo thành một kỹ thuật
phổ biến được các nghệ sĩ kibyōshi sử dụng để tạo ra các hiệu ứng nhại, chế lại. Là
một trong những thể loại được đọc nhiều nhất trong phần sau của giai đoạn
Tokugawa, kibyōshi đóng vai trò là một con đường quan trọng mà qua đó mọi
người tương tác hoặc “tiêu thụ” các hình ảnh tôn giáo trong thời kỳ đầu hiện đại.
Bài viết nhằm mục đích lịch sử hóa mối quan hệ giữa tôn giáo và giải trí trực quan,
đây là một lĩnh vực nghiên cứu đang phát triển trong nghiên cứu về tôn giáo ở Nhật
Bản đương đại. Takashi Miura đã bàn luận về tôn giáo và nghệ thuật giải trí thị giác
thời Edo hay Mạc Phủ (Tokugawa) được thể hiện thông qua Kibyōshi. Trong đó,
liên quan đến chủ đề Thất Phúc Thần, một số các tác phẩm Kibyōshi về Thất Phúc
Thần được tác giả đưa ra để nhận xét về kĩ thuật miêu tả, khắc họa và phân tích về
hình tượng, sức mạnh, quyền lực, vai trò của các vị thần. Thông qua đó có thể thấy
được thông điệp mang tính châm biếm được các tác giả sử dụng và biến đổi như
thế nào. Và sự hiện diện, xuất hiện khá đáng kể, phổ biến của Thất Phúc Thần trong
thể loại Kibyōshi cho ta thấy được Thất Phúc Thần là một trong những biểu tượng
tôn giáo, tín ngưỡng quen thuộc đối với người dân Nhật Bản thời Edo. (Takashi
Miura, 2017).
Trong nước
So với sự tồn tại với số lượng khá tương đối những công trình nước ngoài
nghiên cứu về chủ đề này, thì ở Việt Nam cũng đã có một số nghiên cứu về ý nghĩa
tồn tại, ảnh hưởng của "Thất Phúc Thần" trong đời sống, văn hóa người Nhật,
7

nhưng nhìn chung số lượng hạn chế và nội dung chỉ giới hạn trong một phần giới
thiệu về văn hóa ngày lễ tết Nhật Bản, v.v...
Một cách cụ thể, ví dụ trong “Ngày Tết ở Nhật và Shichifukujin (“Bảy vị thần
phước đức”)”, tác giả Vĩnh Sính đã nghiên cứu văn hóa Nhật Bản trong ngày Tết
qua tín ngưỡng Thất Phúc Thần bằng phương pháp nghiên cứu phân tích, tổng
thích hợp thuyết và phương pháp lịch sử. Tác giả đã phân tích trên nhiều khía cạnh
khác nhau và chỉ ra rằng những nét độc đáo của văn hóa Nhật Bản bắt nguồn từ
việc người Nhật tiếp thu, học hỏi rất nhiều nền văn hóa khác nhau cũng như nguyên
nhân cho sự hình thành Thất Phúc Thần là từ những nỗi đau trong chiến tranh, từ
lòng lạc quan và niềm tin tưởng vào tương lai thể hiện qua khi đi hành hương ngày
đầu Xuân đến (Vĩnh Sính, 2009).
Ở công trình nghiên cứu “Thần Tài - Nguồn gốc và những biến đổi trong văn
hóa Việt Nam”, tác giả Đinh Hồng Hải đã nghiên cứu về nguồn gốc, sự biến đổi
của Thần Tài trong tín ngưỡng thờ Thần Tài - vị thần may mắn trong đời sống của
người dân Việt Nam, cũng là vị thần cai quản về tiền bạc, của cải. Đầu tiên, tác giả
giải thích ý nghĩa của tên gọi “Thần Tài” trong tiếng Việt. Tiếp theo, bằng cách so
sánh Thần Tài trong văn hóa Ấn Độ và văn hóa Trung Hoa với Thần Tài ở Việt
Nam dựa trên các tiêu chí: xuất thân, đặc điểm vẻ ngoài, quyền năng, các câu
chuyện thần thọai, lịch sử về Thần Tài của mỗi nước thì tác giả đưa ra kết luận về
nguồn gốc và sự biến đổi của vị thần này ở nước ta. Bên cạnh đó, bài nghiên cứu
còn chỉ ra được những điểm tương đồng và khác biệt giữa Thần Tài “ngoại lai”
(du nhập từ Trung Quốc) và Thần Tài bản địa (hình thành sau giai đoạn đổi mới)
trong phong tục thờ Thần Tài ở Việt Nam (Đinh Hồng Hải, 2014). Dựa trên đó, đã
đem lại một cái nhìn rõ ràng về nguồn gốc, quá trình biến đổi của Thần Tài của
các nước và trong đó bao gồm tín ngưỡng thờ Thần Tài ở Việt Nam. Thêm vào đó,
việc vận dụng phân tích về mối tương quan, sự giao thoa văn hóa giữa ba nước Ấn
Độ-Trung Quốc-Việt Nam được đề cập đến kết hợp với nghiên cứu về Thất Phúc
Thần cũng đã chỉ ra rằng cho dù các vị thần may mắn Nhật Bản và Việt Nam đều
mang trong mình những nét đặc sắc riêng nhưng tồn tại điểm chung đó chính là
cùng sở hữu những nét đặc trưng của một quốc gia thuộc vùng văn hóa Đông Á.
Tóm lại, các công trình nghiên cứu trên thế giới cũng như ở Việt Nam đã cơ
bản hệ thống hóa những vấn đề lý luận về Thất Phúc Thần, giới thiệu khái quát về
8

sự ra đời, ý nghĩa của sự tồn tại của Thất Phúc Thần,... Ví dụ, như đã phân tích
trên, ở những nghiên cứu của Nhật Bản và thế giới như của Mark Schumacher hay
Rie Tachizaki & Ryo Yoshida,... các nhà nghiên cứu đã đưa ra được rất nhiều
những kiến thức và tìm hiểu về các vị thần, ví dụ như nguồn gốc ra đời chung,
thuyết sáng thế, sự du nhập, tiếp biến hay sự hình thành, phát triển của các Vị Thần
tại Nhật Bản nói chung và Thất Phúc Thần nói riêng cũng như ảnh hưởng của
những tín ngưỡng này vào không chỉ đời sống hay văn hóa, tôn giáo mà là còn vào
các tác phẩm nghệ thuật đương đại, hiện đại như tranh vẽ, thơ ca, tượng điêu khắc,...
Và ở Việt Nam, nghiên cứu của Vĩnh Sính đã chỉ ra được những ảnh hưởng của
Thất Phúc Thần đến văn hóa của người dân Nhật Bản vào các dịp lễ đặc biệt như
ngày lễ tết; cũng như có những đề tài phân tích và nghiên cứu các vị thần may mắn
mang ý nghĩa tương tự ở Việt Nam như về Thần Tài của Đinh Hồng Hải, Thổ Địa,
Phúc Lộc Thọ,... Tuy nhiên, nhìn chung trong giới hạn tìm hiểu của nhóm tác giả,
đặc biệt tại Việt Nam, hầu như các nội dung nghiên cứu về Thất Phúc Thần vẫn
chưa được hệ thống, phân tích sâu; và thiếu những sự so sánh đối chiếu với các tín
ngưỡng tương tự; trong đó hầu như rất ít những nghiên cứu về đề tài phổ cập kiến
thức và so sánh giữa Thất Phúc Thần và các vị thần may mắn trong nước dưới
cùng một không gian văn hóa phương Đông. Chính vì thế, kế thừa những kết quả
nghiên cứu đã có, với mục đích góp phần vào việc nghiên cứu, cung cấp những
kiến thức cơ bản và chuyên sâu về Thất Phúc Thần - một tín ngưỡng văn hóa may
mắn độc đáo của Nhật Bản, nhóm tác giả đã chọn lựa đề tài “Nghiên cứu Thất
Phúc Thần trong văn hóa Nhật Bản và so sánh với Việt Nam”. Đặc biệt, thông
qua so sánh với tín ngưỡng tương tự là thờ các vị Thần may mắn ở Việt Nam,
nhóm tác giả hy vọng có thể làm sáng tỏ những điểm tương đồng và khác biệt cũng
như đặc điểm riêng trong tín ngưỡng văn hóa này của Nhật Bản.

3. Mục đích và mục tiêu nghiên cứu


3.1. Mục đích nghiên cứu
Tìm hiểu về quá trình hình thành, phát triển, đặc điểm và ảnh hưởng của tín
ngưỡng Thất Phúc Thần đến một số lĩnh vực đời sống văn hóa nổi bật của người
dân Nhật Bản. So sánh tín ngưỡng Thất Phúc Thần với các vị thần may mắn có ý
nghĩa tương đồng trong tín ngưỡng, văn hóa Việt Nam.
9

3.2. Mục tiêu nghiên cứu


Làm rõ nguồn gốc, đặc điểm, quá trình phát triển của Thất Phúc Thần tại
Nhật Bản. So sánh đặc điểm và ảnh hưởng của tín ngưỡng Thất Phúc Thần tại Nhật
Bản với tín ngưỡng thờ các vị Thần May mắn Việt Nam trong các lĩnh vực nổi bật
như lịch sử, văn hóa, nghệ thuật… Thông qua đó, làm cơ sở để phát hiện những
điểm tương đồng và nét khác biệt về nguồn gốc, con đường phát triển, đặc điểm
hình dáng, chức năng, ý nghĩa của các vị thần may mắn ở mỗi nước.

4. Nhiệm vụ nghiên cứu


Thứ nhất, nghiên cứu sự ra đời, biến đổi và phát triển qua các giai đoạn lịch
sử của Thất Phúc Thần; hiểu rõ được sự ảnh hưởng của Thất Phúc Thần trong đời
sống tín ngưỡng và văn hóa truyền thống của người dân Nhật Bản, những thay đổi
hiện nay.
Thứ hai, so sánh những nét tương đồng giữa Thất Phúc Thần của Nhật Bản
và những vị thần may mắn của Việt Nam.

5. Đối tượng nghiên cứu


Thất Phúc Thần của Nhật Bản và những vị thần có ý nghĩa may mắn tương
tự với Thất Phúc Thần trong văn hóa tín ngưỡng ở Việt Nam.

6. Phạm vi nghiên cứu


Phạm vi không gian: Văn hóa tín ngưỡng Thất Phúc thần Nhật Bản trong một
số lĩnh vực nổi bật như văn học, điêu khắc, mỹ thuật,… và tín ngưỡng thờ các Vị
thần may mắn Việt Nam.
Phạm vi thời gian: Từ cuối thời kỳ Heian (794 - 1185) cho đến nay.

7. Phương pháp nghiên cứu


Nhóm nghiên cứu thực hiện nghiên cứu thông qua các phương pháp chính
như sau:
Phương pháp nghiên cứu tài liệu: thu thập, hệ thống và phân tích các dữ liệu
thứ cấp liên quan đến chủ đề Thất Phúc Thần của Nhật Bản nhằm làm rõ những
nét đặc trưng của Thất Phúc Thần trong từng giai đoạn lịch sử, những nét ảnh
hưởng của Thất Phúc Thần trong phong tục, tập quán truyền thống và đời sống
10

nghệ thuật cũng như những vị thần may mắn tại Việt Nam. Từ đó, thông qua
phương pháp này, nhóm nghiên cứu sẽ có cái nhìn rõ hơn trong tiến trình nghiên
cứu đề tài.
Phương pháp thống kê: nhóm nghiên cứu sử dụng phương pháp thống kê
nhằm mục đích mô tả để phát hiện và mô tả các vị thần may mắn trong văn hóa
dân gian Việt Nam. Từ đó, đưa ra những nét tương đồng và khác biệt nhằm làm rõ
những đặc trưng với Thất Phúc Thần của Nhật Bản và các vị thần may mắn trong
văn hóa dân gian Việt Nam.
Phương pháp lịch sử và phương pháp logic: phương pháp này được sử dụng
để trình bày, phân tích nguồn gốc ra đời, quá trình phát triển và ảnh hưởng của
Thất Phúc Thần trong từng giai đoạn lịch sử liên quan đến tín ngưỡng, văn hóa
tâm linh của Nhật Bản. Dựa trên đó, tiến hành đánh giá về mức độ ảnh hưởng đến
đời sống văn hóa tinh thần người dân Nhật Bản, đặc điểm truyền thống và những
thay đổi trong ngày nay.
Phương pháp so sánh: tìm ra sự tương đồng trong nền tảng văn hóa phương
đông và điểm khác biệt giữa tín ngưỡng Thất Phúc thần của Nhật Bản và tín
ngưỡng thờ các vị thần may mắn trong đời sống tôn giáo, tín ngưỡng của người
Việt Nam. Trên cơ sở đó, có thể làm sáng tỏ nét riêng của giá trị, ý nghĩa, tầm ảnh
hưởng của Thất Phúc Thần của Nhật Bản - một nét văn hóa tín ngưỡng lâu đời và
rất đặc trưng của Nhật Bản.

8. Ý nghĩa khoa học và thực tiễn


Ý nghĩa khoa học
Đề tài làm sáng tỏ về nguồn gốc hình thành, đặc trưng và nét riêng của Thất
Phúc Thần trong văn hóa, tín ngưỡng Nhật Bản. Đồng thời thông qua so sánh sự
tương đồng và khác biệt giữa Thất Phúc Thần của Nhật Bản với những vị thần may
mắn của Việt Nam đóng góp vào việc nghiên cứu về văn hóa tôn giáo và những
nét đặc trưng độc đáo trong đời sống tín ngưỡng của Nhật Bản và Việt Nam.
Ý nghĩa thực tiễn
Đề tài cung cấp tư liệu, kiến thức về Thất Phúc Thần (Bảy vị thần may mắn)
trong tín ngưỡng, văn hóa Nhật Bản. Là tài liệu mang tính tham khảo hữu ích
không chỉ đối với sinh viên ngành Nhật Bản học trường đại học Khoa học Xã hội
11

và Nhân văn - Đại học Quốc gia TP.HCM mà còn đối với sinh viên học tiếng Nhật
ở các trung tâm Nhật ngữ, các trường đại học, những người đang làm việc ở các
công ty Nhật Bản trong việc nghiên cứu sâu về tín ngưỡng, văn hóa của người dân
Nhật Bản. Góp phần nâng cao nhận thức về giá trị tín ngưỡng và văn hóa truyền
thống của hai nước Nhật Bản và Việt Nam.

9. Bố cục đề tài
Ngoài phần mở đầu, kết luận, mục lục và danh mục tài liệu tham khảo, công
trình nghiên cứu gồm ba chương:
CHƯƠNG 1: NHỮNG KHÁI NIỆM CƠ BẢN, QUÁ TRÌNH HÌNH THÀNH
VÀ PHÁT TRIỂN CỦA THẤT PHÚC THẦN TRONG TÍN NGƯỠNG, TÔN
GIÁO NHẬT BẢN
Nội dung chương 1 trình bày khái quát về Thất Phúc Thần. Nội dung chương
tập trung giới thiệu chi tiết về từng vị thần trong số bảy vị thần: nguồn gốc, đặc
điểm, ý nghĩa; sau đó phân tích khởi nguồn của các vị thần và sự thay đổi do ảnh
hưởng, tác động từ nhiều sự kiện khác nhau trong các giai đoạn lịch sử.
CHƯƠNG 2: ĐẶC ĐIỂM VÀ ẢNH HƯỞNG CỦA THẤT PHÚC THẦN
TRONG ĐỜI SỐNG TÍN NGƯỠNG, VĂN HÓA CỦA NGƯỜI NHẬT
Nội dung chương 2 sẽ trình bày về sự ảnh hưởng của Thất Phúc Thần trong
đời sống tín ngưỡng và văn hóa của người dân Nhật Bản, bao gồm ảnh hưởng của
Thất Phúc Thần trong phong tục, tập quán truyền thống như là các đền thờ phụng,
các lễ hội liên quan và các phong tục thờ cúng và ảnh hưởng của Thất Phúc Thần
trong đời sống nghệ thuật như là văn học, nghệ thuật và điêu khắc. Dựa trên đó,
nhóm nghiên cứu sẽ nghiên cứu và tìm hiểu mở rộng về những nét văn hóa tín
ngưỡng, tâm linh của người dân Nhật Bản.
CHƯƠNG 3: SO SÁNH GIỮA THẤT PHÚC THẦN CỦA NHẬT BẢN VÀ
CÁC VỊ THẦN MAY MẮN CỦA VIỆT NAM
Nội dung chương 3 tập trung giải quyết hai vấn đề chính. Thứ nhất là giới
thiệu khái quát về nguồn gốc của các vị thần may mắn của Việt Nam trong tín
ngưỡng, văn hóa Việt Nam. Thứ hai cũng là nội dung quan trọng nhất - nhóm
nghiên cứu sẽ phân tích những nét tương đồng và sự khác biệt giữa Thất Phúc
Thần và các vị thần may mắn ở Việt Nam. Trong phần nghiên cứu về sự khác biệt,
12

nhóm tiến hành so sánh nhìn từ khía cạnh bao gồm sự ảnh hưởng, tầm quan trọng
của các vị thần may mắn trong đời sống văn hóa, tín ngưỡng người Việt, và từ đây
đưa ra sự liên hệ và sự khác biệt giữa văn hóa tín ngưỡng tại Việt Nam và Nhật
Bản.
13

PHẦN NỘI DUNG

CHƯƠNG 1: KHÁI NIỆM CƠ BẢN, QUÁ TRÌNH HÌNH THÀNH VÀ PHÁT


TRIỂN CỦA THẤT PHÚC THẦN TRONG TÍN NGƯỠNG, TÔN GIÁO NHẬT
BẢN

1.1. Khái niệm cơ bản về Thất Phúc Thần


Theo một số tài liệu nghiên cứu, bài báo, Thất Phúc Thần được định nghĩa
như sau:
Thất Phúc Thần là những vị thần được tôn thờ ở Nhật Bản, những người được
cho là sẽ mang lại may mắn. Bao gồm các vị thần từ Nhật Bản, Ấn Độ và Trung
Quốc, như Ebisu, Daikokuten, Bishamonten, Benzaiten, Hotei, Fukurokuju,
Jurojin. (Erika Ichimura và các tác giả khác, 2013). Ngoài ra, trong định nghĩa
khác còn chỉ rõ lĩnh vực ảnh hưởng rõ nét, xuất xứ của các vị thần trong Thất Phúc
Thần. Cụ thể như Thất Phúc Thần là những vị thần mang lại vận may, điềm tốt
lành đối với người dân Nhật Bản ở trong nhiều lĩnh vực khác nhau như sức khỏe,
bội thu, tiền tài và khát vọng hoài bão,...
Và về nguồn gốc, Thất Phúc Thần được chỉ ra là một nhóm các vị thần may
mắn có xuất thân từ Nhật Bản, Ấn Độ và Trung Quốc. Trong đó, chỉ có một vị
thần bản địa và thần đạo Shinto của Nhật Bản (Ebisu). Ba vị thần đến từ đạo Hindu
của Ấn Độ (Benzaiten, Bishamonten, Daikokuten) và ba vị thần từ truyền thống
Đạo giáo - Phật giáo của Trung Quốc (Fukurokuju, Hotei, Jurojin). (Mark
Schumacher, 2011).
Một cách cụ thể, nguồn gốc và ý nghĩa của các vị Thần trong Thất Phúc Thần
được tóm tắt trong bảng nội dung sau đây.
14

Bảng 1.1. Các vị thần trong Thất Phúc Thần

Tên Nguồn gốc Ý nghĩa

Ebisu Nhật Bản Làm ăn phát đạt; Xua đuổi


tà ma

Daikokuten Ấn Độ Mùa màng bội thu; Con


cháu hiếu thuận

Bishamonten Ấn Độ May mắn tránh khỏi nguy


hiểm; Đạt thành tựu lớn

Benzaiten Ấn Độ Tình yêu viên mãn; Đạt


thành tích trong học tập

Hotei Trung Quốc Hôn nhân hoà thuận; Tài


sản

Fukurokuju Trung Quốc Nổi tiếng, thu hút đức độ;


Tăng lương

Jurojin Trung Quốc Sống thọ, giàu có và phước


lành

Nguồn: Erika Ichimura và các tác giả khác (2013). 日本とユーラシアの交流 ―飛鳥寺を

手掛かりに― [Sự trao đổi giữa Nhật Bản và u - Á - Từ đền Asuka], tr. 44.

Dựa vào bảng trên, Thất Phúc Thần được hình thành bằng sự kết hợp giữa
Thần đạo và tín ngưỡng bản địa Nhật Bản (Ebisu), Ấn Độ giáo (Daikoku,
Bishamon, Benzai), Phật giáo Trung Quốc (Hotei) và Đạo giáo (Fukurokuju,
Jurojin). Đồng thời, mỗi vị thần còn tượng trưng cho những ý nghĩa riêng biệt.
Thêm vào đó, vào thế kỷ 17, nhà sư người Nhật Tenkai (mất năm 1643 và
được truy tặng tên Jigen Daishi) đã nghiên cứu và bổ sung bảy đức hạnh của mỗi
15

vị thần trong Thất Phúc Thần - tượng trưng cho các đức tính cần thiết của Tướng
quân Tokugawa Iemitsu (1623-1650 sau Công nguyên). (Erika Ichimura và các tác
giả khác, 2013). Cụ thể bảy đức hạnh đó bao gồm: Thật thà (Ebisu), Vận may
(Daikokuten), Thân ái (Benzaiten), Hào phóng (Hotei), Mức độ nổi tiếng
(Fukurokuju), Trường thọ (Juroujin), Nhân phẩm (Bishamonten).
Theo đó, Thất Phúc Thần là bảy vị thần may mắn được tôn thờ ở Nhật Bản,
gồm các vị thần từ tín ngưỡng Thần đạo bản địa của Nhật Bản (Ebisu), đạo Hindu
của Ấn Độ (Benzaiten, Bishamonten, Daikokuten) và ba vị thần từ truyền thống
Đạo giáo - Phật giáo của Trung Quốc (Fukurokuju, Hotei, Jurojin). Mỗi vị thần
trong Thất Phúc Thần mang lại vận may, điềm tốt lành đối với người dân Nhật
Bản ở trong nhiều lĩnh vực khác nhau như sức khỏe, bội thu, tiền tài và khát vọng
hoài bão,…
Trước khi được gộp thành nhóm Thất Phúc thần trong văn hóa Nhật Bản, các
vị thần tồn tại riêng biệt với nguồn gốc và ý nghĩa đặc trưng riêng.
16

1.2. Nguồn gốc về các vị thần trong Thất Phúc Thần.


1.2.1. Vị thần Ebisu

Hình 1.1. Ebisu được vẽ bởi các nghệ sĩ người Nhật Bản (1902)
(Nguồn: Wikipedia “Ebisu”)
Tổng quan
Ebisu 恵比須 (còn được viết là 恵美酒 hoặc 恵比寿), vị thần duy nhất có
nguồn gốc từ Nhật Bản, là một trong những vị thần may mắn của nghề đánh cá,
người thủy thủ nên được gọi là Thành Hoàng Hàng Hải. Đồng thời, ông còn là vị
thần bảo trợ của người lao động thế nên được gọi là Thần Công Bằng và ông trở
thành vị thần nổi tiếng trong giới thương nhân.
Vào năm đầu tiên của thời đại Choukan (1163), Ebisu đã được thỉnh tại chùa
Toudai ở Nara như là vị thần hộ mệnh của các khu chợ; điều tương tự cũng được
ghi nhận vào năm thứ năm của thời đại Kenchou (1253) tại Tsurugaoka
Hachimangu ở Kamakura. (Bách khoa toàn thư về Thần Đạo, 1994)

Nguồn gốc
Trong một số truyền thuyết, Ebisu là con trai của vị thần Shintou Okuninushi
大 国 主 命 (hay còn gọi là Daikokuten; thần nông nghiệp), được gọi là
Kotoshironushi 事代主神. Ngoài ra, ông được cho là một thành viên của tầng lớp
quý tộc, được nhân dân yêu mến và có niềm đam mê câu cá. Có những câu chuyện
khác như Cổ sự ký (năm 720 sau Công nguyên) và Nihongi (khoảng năm 797 sau
17

Công nguyên), hai trong số các biên niên sử lâu đời nhất của Nhật Bản, mô tả một
vị thần tên là Hiruko (蛭子). Hiruko là một đứa trẻ dị dạng của Izanagi (伊邪那岐
命) và Izanami (伊邪那美命). Vì sinh ra không có xương nên Hiruko đã được đặt
trong một chiếc thuyền lau sậy và thả trôi lênh đênh trên biển lúc ba tuổi. Bằng
cách nào đó, ông ta quay trở lại đất liền và được chăm sóc bởi Ebisu Saburo, vượt
qua nhiều gian khổ và sau này trở thành thần Ebisu. Ông cũng được coi là vị thần
của mặt trời và bảo vệ sức khỏe của trẻ nhỏ, cũng như Hotei (một thành viên khác
trong Thất Phúc Thần của Nhật Bản), có rất nhiều vị thần bảo trợ cho trẻ em trong
văn hóa Nhật Bản. (Chiba Reiko, 1966; Nishioka Kazuhiko, 1994)

Đặc điểm về hình dạng


Đặc điểm nhận dạng của Ebisu là cần câu được giữ trong tay phải hoặc trên
vai phải của ông ấy, một con cá hồng lớn hoặc cá tráp biển (biểu tượng của sự may
mắn) dưới cánh tay trái của ông. Ebisu xuất hiện với thân hình đầy đặn, khuôn mặt
cười toe toét, hoặc khi đang ngồi trên một tảng đá. Ông mặc kimono 着物 và váy
chia đôi hakama 袴, hoặc sashinuki 指貫 (một loại hakama thời Heian), hoặc
kariginu 狩衣 (trang phục của các cận thần thời Heian). Trên đầu đội kazaori
eboshi 風折烏帽子 (chiếc mũ cao, nhọn được gấp ở giữa). (JAANUS, 2001)
Ngoài ra, Ebisu còn được miêu tả mang theo một chiếc quạt tượng trưng cho
việc ban điều ước hoặc đưa ra những phán quyết. Vào thời xa xưa, chiếc quạt này
được hoàng đế vẫy theo một hướng nhất định để đưa ra sự chấp nhận hoặc từ chối
yêu cầu của quý tộc và thường dân khi họ diện kiến với hoàng đế. (Mark
Schumacher, 2011)
18

1.2.2. Vị thần Daikokuten

Hình 1.2. Daikokuten được vẽ bởi các nghệ sĩ người Nhật Bản (1902)
(Nguồn: Wikipedia “Daikokuten”)
Tổng quan
Daikokuten 大黒天 là vị thần thần nông nghiệp và lúa gạo của Nhật Bản có
nguồn gốc từ Ấn Độ giáo, được biết đến rộng rãi là một vị thần có vẻ ngoài vui vẻ
tượng trưng cho sự giàu có, cho người nông dân, lương thực và may mắn. Mặc dù
trong những thế kỷ trước, ông được coi là vị thần chiến tranh hung dữ. Hình ảnh
lâu đời nhất còn tồn tại của Daikokuten ở Nhật Bản có niên đại vào cuối thời Heian
(794 - 1185) được đặt tại chùa Kanzeonji 観 世 音 寺 (tỉnh Fukuoka). (Mark
Schumacher, 2011)

Nguồn gốc
Ban đầu, Daikokuten là một vị thần chiến tranh Ấn Độ tên là Mahākāla (một
hóa thân của thần Siva), nhưng sau đó được đưa vào đền thờ Phật giáo và xuất hiện
sớm nhất vào triều đại nhà Tùy của Trung Quốc (581 - 618). Trong các trường
phái khác, ông cũng được coi là hình dạng nam của thần Kālī (tức là Durgā), vợ
của thần Siva, hoặc là một dạng của thần chiến tranh Daijizaiten (tên tiếng Nhật
khác của thần Siva) (Mark Schumacher, 2011)
19

Biểu tượng
Hình ảnh Daikokuten thường xuất hiện với hình ảnh mang theo túi kho báu
chứa đựng của cải, trí tuệ và sự kiên nhẫn và chiếc búa ma thuật trên tay phải
(uchide nokozuchi 打ち出の小槌) có thể thực hiện mọi mong muốn khi gõ búa
xuống. Một số người Nhật nói rằng tiền xu rơi ra mỗi khi ông lắc cái búa hay
những tín đồ được ông ban cho điều ước bằng cách gõ chiếc búa ba lần trên mặt
đất và cầu nguyện. Búa hoặc thắt lưng của Daikokuten thường được trang trí bằng
viên ngọc ban điều ước (Skt. = cintamani; Jp. = hōjunotama 宝珠の玉), đại diện
cho sự giàu có và những khả năng kì diệu. Viên ngọc này có tầm quan trọng to lớn
đối với Phật giáo ở cả châu Á và Nhật Bản, được cho là sẽ đáp ứng mong muốn
của người nắm giữ nó, xoa dịu những ham muốn và mang lại sự hiểu biết rõ ràng
về Pháp (luật Phật giáo). Viên ngọc quý cũng là một trong bảy biểu tượng của
quyền lực hoàng gia trong Phật giáo. (Từ điển Phật Giáo, 1690) Hơn nữa, gạo còn
biểu tượng cho khả năng sinh sản, do đó, hình ảnh Daikoku thường đứng trên đỉnh
hai kiện gạo. (Ryan Grube)

Đặc điểm về hình dạng của Daikokuten


Sáu hình dạng của Daikokuten
Theo Từ điển Phật Giáo (1690), Davis F.Halland (1992) cho biết vào thế kỷ
17, vị thần này có sáu hình dạng được gọi là Roku Daikokuten 六大黒天 và trở
nên phổ biến trong thời kỳ Edo: (1) Biku Daikoku 比丘大黒 là một thầy tu với tay
phải cầm búa, tay trái cầm chuôi kiếm kim cương. Được cho là Mahadeva (Đức
Phật trong kiếp trước) hoặc là người giám hộ của nhà ăn trong tu viện; (2) Oikara
Daikoku 王子迦羅大黒, con trai của thần Siva, có bề ngoài là một vương giả, tay
phải cầm gương và tay trái cầm kim cương; (3) Yasha Daikoku 夜叉大黒 là một
nhân vật quyền quý, tay phải cầm pháp luân hàng phục ma quỷ; (4) Mahakara
Daikoku-nyo 摩伽迦羅大黒如 hoặc 摩訶迦羅大黑女 là một người phụ nữ đội
gạo trên đầu, mặc áo choàng Trung Quốc, đây là một hình dạng của nữ thần Hindu
Kali; (5) Shinda Daikoku 信陀大黒 hoặc 眞陀大黑 là cậu bé cầm viên ngọc như
ý (Skt = cintamaṇi) trong tay trái; (6) Makara Daikoku 摩伽羅 với tay phải cầm
20

vồ và đeo túi sau lưng, đứng trên lá sen hoặc kiện gạo và cầm một chiếc búa ma
thuật.

Hình 1.3. Sáu hình dạng của Daikokuten được vẽ trong Butsuzousui (1960)

(Nguồn: http://www.buddhism-dict.net)

Hình dạng Sanmen Daikoku 三面大黒天


Daikokuten cũng xuất hiện với hình dạng Sanmen Daikoku vì ông được cho
là người bảo vệ Tam Bảo của Phật giáo. Có nhiều người cho rằng Daikoku và
Koujin (Thần của nhà bếp) giống hệt nhau, do đó những hình nộm Daikokuten đặt
trong nhà bếp đôi khi được gọi là Koujin. Sanmen Daikoku là vị thần ba đầu,
thường ban thưởng cho những tín đồ sự giàu có và đức hạnh. Trong hình dạng
phẫn nộ của mình, Sanmen Daikokuten có ba khuôn mặt và sáu cánh tay (màu da
của mỗi cánh tay là màu đen). Ông ta đeo một con rắn màu xanh làm vòng tay và
một đầu lâu làm vòng cổ. Ông ta có ba mắt, thường mang theo một thanh kiếm và
da voi, đồng thời nắm lấy tóc của một con Gaki 餓鬼 (Con ma đói) và sừng của
một con cừu. (Từ điển Phật Giáo, 1690)
Saichou 最澄 (767 - 822), người sáng lập giáo phái Tendai của Nhật Bản,
được ghi nhận là người đã truyền bá Sanmen Daikoku đến Nhật Bản. Theo Từ điển
số của Phật giáo: "Hình dạng đặc biệt của Mahakala 大黑天 có một cơ thể độc đáo
21

với ba khuôn mặt, ở giữa là Mahakala (Jp. Daikokuten), bên trái là Vaiśravaṇa 毘
沙門天 (Jp. Bishamonten), và bên phải là Sarasvati 辨才天 (Jp. Benzaiten)”. Hình
dạng này được tạo ra ở Nhật Bản vào khoảng nửa sau của thế kỷ 14 bởi trường
phái Tendai 天台宗. Truyền thuyết kể rằng khi Saichou 最澄 muốn thành lập ngôi
đền Enryakuji 延曆寺 trên núi Hiei 比叡山, ông đã cầu nguyện sự trợ giúp của
thần linh và đáp lại lời cầu nguyện đó, một vị thần với ba khuôn mặt xuất hiện,
hứa sẽ đáp ứng yêu cầu của ông. Từ đó, Daikokuten trở thành vị thần bảo vệ núi
Hiei từ thời kỳ đó. Mặt khác, vị thần với ba khuôn mặt bắt nguồn từ vị thần bảo vệ
của ngôi đền Touji ở Kyoto được đặt tên là Yashajin 夜叉神 hoặc Matarajin 摩多
羅神 (vị thần Phật giáo được tôn kính trong trường phái Tendai). Theo truyền
thuyết của Touji, vị thần này có mối liên kết với vị thần Nhật Bản Inari - vị thần
bảo vệ của toàn bộ ngôi đền. Do đó, giáo phái Sanmen Daikoku đã được tạo ra ở
Núi Hiei, trên cơ sở cạnh tranh với Yashajin của Touji. Vào cuối thời trung cổ và
trong thời kỳ Edo, việc sùng bái Sanmen Daikoku như một vị thần may mắn rất
phổ biến. (Yanaga Nobumi, 2002)
22

1.2.3. Vị thần Bishamonten

Hình 1.4. Bishamonten được vẽ bởi các nghệ sĩ người Nhật Bản (1902)
(Nguồn: https://www.illustratedmonthly.com)
Tổng quan
Bishamonten là vị thần bảo vệ quốc gia, bảo vệ Luật Phật giáo và là chúa tể
của kho báu và của cải. Vào thế kỷ thứ 6 sau CN, ông xuất hiện với hình ảnh mặc
áo giáo, cầm vũ khí và đạp quỷ với tư cách là một trong bốn Shintennou (Tứ đại
thiên vương bảo vệ bốn phương), trong đó ông được gọi là Tamonten 多聞天,
người bảo vệ của phía bắc và các thánh địa nơi Đức Phật giảng dạy giáo lý. Bốn
vị thiên vương trở nên nổi tiếng trong các nghi lễ bảo vệ quốc gia Nhật Bản. Tuy
nhiên, trong những thế kỷ sau, Tamonten được tôn thờ độc lập được gọi là
Bishamonten.
Bishamonten là vị thần của các chiến binh (nhưng không phải của chiến
tranh) và cầu nguyện cho chiến thắng trước trận chiến. Ông cũng là một vị thần
bảo vệ chống lại những kẻ xâm lược ngoại xâm, có khả năng chữa bệnh với quyền
năng cứu các hoàng đế khỏi bệnh tật đe dọa tính mạng và xua đuổi yêu ma bệnh
dịch, để ngăn chặn kẻ thù và ban thưởng cho những tín đồ sự giàu có, may mắn,
và cả con cái. Vào khoảng thế kỷ 15, ông được coi là một trong Thất Phúc Thần
của Nhật Bản nhờ sự liên kết của ông với kho báu và sự giàu có. Ông được đồng
nhất với nhiều vị thần khác, bao gồm cả vị thần của cải Hindu Kubera/Kuvera; vị
thần Phật giáo Tobatsu Bishamon (người bảo vệ các thành phố thủ đô và đánh tan
23

quân xâm lược nước ngoài); Chiến binh đen vĩ đại của truyền thuyết Vệ đà
Mahakala (hay còn gọi là Daikokuten); nữ thần của sự giàu có và sắc đẹp
Kichijouten (vợ của ông trong truyền thuyết Phật giáo Nhật Bản); và với nhiều vị
thần đồng bộ khác nhau bao gồm Sanmen Daikokuten, Tenkawa Benzaiten,
Shogun Jizou và Soushin Bishamonten. (Mark Schumacher, 2011)

Biểu tượng
Bishamonten và Tamonten gần như giống hệt nhau về hình tượng. Cả hai hầu
như luôn mặc áo giáp (yoroi 鎧), trông hung dữ (funnusou 忿怒相) và đứng trên
đỉnh một hoặc hai con quỷ (jyaki 邪鬼), tượng trưng cho việc ông tiêu diệt cái ác.
Một tay cầm vũ khí (dù, thương, dùi cui) để trừ tà, trấn áp kẻ thù của Phật giáo,
tay kia giữ một bảo tháp - đại diện cho kho báu thiêng liêng, chứa đựng những lời
dạy của Đức Phật và là vật chứa các xá lợi quý giá (tro, xương, móng tay, tóc, răng,
v.v…) của nhục thân đã hỏa táng của Đức Phật. Mặc dù hình tượng gần giống hệt
nhau, Bishamon/Tamon vẫn có thể được phân biệt dựa trên một số quy tắc ngón
tay cái (như vị trí bảo tháp ở tay phải hoặc tay trái, loại áo giáp, các vị thần phục
vụ). (Mark Schumacher, 2011)

Nguồn gốc
Bishamonten có nguồn gốc từ đền thờ Phật giáo Ấn Độ giáo, được gọi là
Vaiśravaṇa (Pali = Vessavaṇa). Ông còn được gọi là Takutou Tennou 托塔天王,
có nghĩa là "vị thiên vương nắm giữ một ngôi chùa trong lòng bàn tay." Ở Trung
Quốc, ông được coi là vua của phương bắc tương ứng với mùa đông và màu đen
do đó Bishamonten còn được gọi là Chiến binh Đen (genbu 玄武), đồng thời là
người bảo vệ kho báu trần gian, chỉ huy của Yasha (夜叉) và Rasetsu (羅刹) (linh
hồn và ác quỷ của trái đất. Tại Trung Quốc và Nhật Bản, ông được coi là phiên
bản "Phật hóa" của vị thần Vệ đà da đen Kubera - vị vua thứ hai được tôn thờ ở
Ấn Độ. (Flammarion, 1995, tr.339)
24

Cơ sở kinh thánh
Bishamonten không phải là Phật cũng không phải là Bồ tát, ông là một deva
(một thuật ngữ tiếng Phạn có nghĩa là thiên thể hoặc á thần). Ở Trung Quốc và
Nhật Bản, deva được viết là 天 (phát âm là "tiān" ở Trung Quốc, "ten" ở Nhật Bản).
Khi "ten" được thêm vào làm hậu tố cho tên các vị thần (ví dụ: Bishamon-ten,
Kichijou-ten), điều đó có nghĩa là vị thần có nguồn gốc từ thần thọai Ấn Độ giáo
nhưng trong các thế kỷ sau, ông được đưa vào đền thờ Phật giáo như một vị thần
bảo vệ. Như đã đề cập ở trên, Bishamonten là một trong tứ thiên vương bảo vệ một
trong bốn vùng đất xung quanh Núi Shumisen 須弥山 (Skt. = Mt. Sumeru), nơi ở
của Đức Phật và các vị thần trong Phật giáo khác. Theo truyền thuyết, họ đã hỗ trợ
khi Đức Phật ra đời và trong thời gian trốn thóat khỏi nhà vua (cha của ngài) tại
Kapilavastu, Tứ Thiên Vương đã nắm giữ vó ngựa của ngài (để che giấu "âm
thanh" chạy trốn của Đức Phật). Vào đầu thế kỷ thứ 5, Tứ Thiên Vương đã được
truyền bá đến Nhật Bản thông qua Kim Quang Kinh, nói rằng những người cai trị
tôn thờ kinh này sẽ nhận được sự bảo vệ của Tứ Thiên Vương trong việc bảo vệ
quốc gia, mang lại lợi ích cho người dân, bảo vệ cung điện của những người cai
trị, đánh bại kẻ thù, loại bỏ đau khổ và ban phước cho tất cả bằng hòa bình. Kim
Quang Kinh là một trong ba bản kinh có tầm quan trọng to lớn ở Nhật Bản xưa để
bảo vệ đất nước. Trong kinh này, Bishamonten không được ưu tiên hơn những
người khác, ông ấy xuất hiện như một thành viên bình đẳng trong nhóm bốn người,
không có địa vị đặc biệt. Nhưng vào khoảng thế kỷ thứ 8 và thứ 9, Bishamonten
(hay còn gọi là Tamonten) trở thành chỉ huy của bốn người, được người Nhật thờ
phụng sùng bái độc lập. Trong Houkou Daishōgon Kyō 方廣大莊嚴經, khi Đức
Phật được hai thương nhân cúng dường thức ăn, Tứ Thiên Vương đã dâng lên Đức
Phật bốn chiếc bát mà họ đã chuẩn bị cẩn thận cho chính dịp này và Đức Phật đã
hợp thành một chiếc bát trước khi ăn. Trong đó, Vaiśravaṇa (Tamonten, hay còn
gọi là Bishamonten) là người dâng lên chiếc bát đầu tiên. (“A to Z Dictionary of
Japanese Buddhist Art”, n.d)
Theo truyền thuyết Trung Quốc về Tobatsu Bishamon 兜跋毘沙門天 xoay
quanh vương quốc Trung Á được gọi là Toupa/Toupo (Jp. = Tobatsu 兜跋) vào
năm 742, khi Tây Tạng (Jp. = Toban 吐番) tấn công Kizil (Jp. = Ansei 安西) -
25

trung tâm hành chính của miền tây Trung Quốc. Để cứu vãn tình hình, nhà sư Mật
tông Ấn Độ Amoghavajra (705 - 774; Jp. = Fukū 不空; một trong tám vị tổ
Shingon 真言 của Mật giáo) được hoàng đế Trung Quốc ra lệnh cầu nguyện
Bishamonten, ngay sau đó đã xuất hiện trên bầu trời và quét sạch các lực lượng
man rợ. Sau đó, vị thần này được gọi là Toupa P'ishamen ở Trung Quốc (Jp. =
Tobatsu Bishamon) và trở nên nổi tiếng ở Trung Á, Trung Quốc và Nhật Bản. Mặc
dù các học giả vẫn không đồng ý về vị trí chính xác của trận chiến, nhưng hầu hết
đều tin rằng từ "Toupa" ám chỉ khu vực trong và xung quanh Khotan. Vì vậy, từ
danh tiếng của ông trong việc đẩy lùi quân xâm lược nước ngoài, các hình ảnh của
Toupa P'ishamen đã được người Trung Quốc xem như người bảo vệ các thành
quách và thủ đô của vương quốc. (Mark Schumacher, 2011)
Bishamonten được xếp hạng là người quyền lực nhất trong Tứ Thiên Vương,
cũng có thể là do vai trò vua phương bắc của mình. Trong vũ trụ học Trung Quốc,
ngày nay vẫn còn quen thuộc với tên gọi “feng shui 風水”, hướng bắc là hướng
nguy hiểm nhất, vì vậy mà nhà ở (kể cả cung điện của các hoàng đế nhà Đường và
thời Heian) được xây dựng quay mặt về hướng ngược lại hướng (phía nam). Theo
đó, người bảo vệ phương Bắc phải là thủ lĩnh của những người bảo vệ phương
hướng khác, và ông ta phải mang theo những tấm bùa hộ mệnh mạnh nhất - cụ thể
là xá lợi của chính thân Đức Phật - để bảo vệ chống lại ảnh hưởng xấu từ phía bắc.
Theo một nghĩa thực tế, phía bắc được coi là hướng “xấu” vì ít nhất hai lý do: về
mặt nông nghiệp (ở bán cầu bắc), mặt trời ở phía nam, và do đó, việc tiếp xúc với
phía nam là mong muốn nhất, và tiếp xúc với phía bắc là ít mong muốn nhất (tất
cả những người làm vườn và nông dân đều biết điều này, ngay cả ngày nay); và về
mặt địa chính trị, các dân tộc Mông Cổ ở phía bắc, những người mà Vạn Lý Trường
Thành được xây dựng để chống lại, đã gây ra mối nguy hiểm lớn nhất cho Trung
Quốc trong suốt phần lớn lịch sử của mình. (Michael D. Gunther)

Đặc điểm hình dạng


Theo Từ điển Phật Giáo (1690), các hình dạng chính của Bishamonten ở Nhật
Bản bao gồm: (1) Tamonten là người đứng đầu trong Tứ Thiên Vương, chúa
phương bắc, thường giữ bảo tháp trong tay phải; (2) Tobatsu Bishamonten là người
bảo vệ các thành phố thủ đô, đánh đuổi quân xâm lược, thường giữ bảo tháp ở tay
26

trái. Ông xuất hiện đứng trên lòng bàn tay lật ngược của nữ thần trái đất Jiten 地
天 (Skt. = Pṛthivī) và bên cạnh là hai con quỷ được gọi là Niranba (Skt. = Nīla-
vajra) và Biranba (Skt. = Vilambā). Có thể xuất hiện với hình ảnh một đầu và hai
tay, nhưng cũng có thể là vị thần 4 đầu 12 tay cưỡi sư tử, hoặc vị thần 3 đầu 10 tay
trên đỉnh một con sư tử; (3) Một trong 12 Deva (Jūniten 十二天) bảo vệ mười hai
hướng trong Phật giáo (Mikkyō 密教); (4) Một trong 28 Hộ vệ (Nijūhachi Bushū
二十八部衆) của Quan Âm 1.000 tay người bảo vệ pháp luật Phật giáo; (5) Một
trong Thất Phúc Thần của Nhật Bản, người mang lại của cải và may mắn, bảo tháp
ở tay trái hoặc được giữ bằng cả hai tay, có vẻ ngoài thân thiện và vui vẻ.

Hình 1.5. Năm hình dạng chính của Bishamon ở Nhật Bản
(Nguồn: https://www.onmarkproductions.com)

Ngoài ra còn có các hình dạng, trường phái khác bao gồm: Sanmen Daikokuten,
Tenkawa Benzaiten, Shougun Jizou và Shouteki Bishamon (Núi Atago),
Soushin Bishamonten.
27

1.2.4. Vị thần Benzaiten

Hình 1.6. Benzaiten được vẽ bởi các nghệ sĩ người Nhật Bản (1902)
(Nguồn: https://www.illustratedmonthly.com)
Tổng quan
Nữ thần nước Benzaiten (viết tắt là Benten) là một trong những vị thần có
quá trình đồng bộ phức tạp nhất của Nhật Bản, từ lâu đã được kết hợp với các vị
thần khác từ các đền thờ Ấn Độ, Phật giáo và Nhật Bản. Sự thờ phụng bà ở Nhật
Bản phổ biến rộng rãi trong mật giáo, đạo Shintou và Shugendou (giáo phái kết
hợp giữa Thần - Phật). Bà có nhiều hình dạng bao gồm từ một người đẹp hai tay
chơi nhạc đến một vị thần võ tám tay cầm vũ khí đến một con rắn ba đầu quái dị
hay đại diện thần thánh cho Amaterasu (nữ thần mặt trời Shintou tối cao). Rồng
và rắn chính là sứ giả, hình ảnh đại diện của bà. Giống như Benzaiten, mỗi sinh
vật trên đều có mối liên hệ mật thiết với nước và viên ngọc ban điều ước. Bà còn
là nàng thơ ưu việt của các nghệ sĩ Nhật Bản, một vị thần nông nghiệp vô song
được người dân cầu khấn cho mưa nhiều và mùa màng bội thu, đồng thời là người
phụ nữ duy nhất trong số Thất Phúc Thần mang lại sự giàu có của Nhật Bản.
Ban đầu, bà là nữ thần sông của đạo Hindu tên là Sarasvati được du nhập vào
Nhật Bản (thông qua Trung Quốc) vào giữa thế kỷ thứ 7 CN. Nhưng thời gian sau,
bà trở thành một vị thần của sự giàu có và may mắn, được "Shintou hóa" bản địa.
Cho đến gần đây, các học giả tôn giáo Nhật Bản thường tập trung vào "Phật hóa"
28

của vô số thần của Nhật Bản. Thế nhưng, Benzaiten cũng thể hiện những nét độc
đáo của sự giao thoa giữa Ấn Độ giáo và Nhật Bản, làm cho việc tìm hiểu bà trong
mô hình Deva-Buddha-Kami (Hindu-Phật giáo-Shintou) hiệu quả hơn là trong mô
hình Phật-Kami. (“A to Z Dictionary of Japanese Buddhist Art”, n.d)

Nguồn gốc và Tiến hóa


Sarasvati là hiện thân của dòng sông, đại diện cho mọi dòng chảy (ví dụ: âm
nhạc, thơ ca, viết lách, học thức, tài hùng biện, trí tuệ, nghệ thuật biểu diễn). Trong
Rig Veda (được Ấn Độ giáo sáng tác hàng thế kỷ trước khi Phật giáo xuất hiện ở
Ấn Độ vào thế kỷ thứ 5 trước Công nguyên), bà được mô tả là nữ thần giỏi nhất
trong số các nữ thần, "người khởi xướng ra mọi bài hát dễ chịu, người truyền cảm
hứng cho mọi tư tưởng nhân hậu". Ở Ấn Độ, bà được xem như là vị thần của âm
nhạc và thơ ca trong các nghi lễ Vệ Đà trước khi du nhập vào Trung Quốc vào
khoảng thế kỷ thứ 4 CN. Cuối cùng, Benzaiten được truyền đến Nhật Bản vào
khoảng thế kỷ thứ 7 – 8, với tư cách là người bảo vệ quốc gia có tám tay cầm vũ
khí nhờ vào mô tả hình dạng thần võ của bà trong Kim Quang Kinh. (“A to Z
Dictionary of Japanese Buddhist Art”, n.d) Tuy nhiên, Nhật Bản vào đầu thế kỷ
thứ 9, vai trò của bà được nhấn mạnh như là một nữ thần âm nhạc.
Trước thế kỷ 12, nguồn gốc Ấn Độ giáo của Benzaiten với tư cách là một nữ
thần nước phần lớn bị bỏ qua ở Nhật Bản. Trong thế kỷ 11 - 12, Benzaiten được
kết hợp với Ugajin (thần nước Nhật Bản thân rắn, đầu người, tượng trưng cho nông
nghiệp và may mắn). Đến thế kỷ 12 - 13, bà được thờ cúng độc lập trong các nghi
lễ Phật giáo. Theo thời gian, hình ảnh chiến binh của bà ấy (được các samurai yêu
thích khi cầu nguyện cho sự thành công trên chiến trường) đã bị lu mờ bởi hình
tượng mandala trên trời của bà. Thậm chí ngày nay, hình dạng chơi đàn biwa hai
tay đã trở thành hình ảnh mang tính biểu tượng phổ biến nhất về Benzaiten và là
hình thức tiêu chuẩn của bà trong Thất Phúc Thần. Sau khi Benzaiten được xem là
một nữ thần nước trở lại, bà đã trở nên nổi tiếng với tư cách là người bảo trợ của
"mọi thứ trôi chảy" - âm nhạc, nghệ thuật, văn học, thơ ca, diễn ngôn, nghệ thuật
biểu diễn và người dân thường cầu nguyện bà để chấm dứt hạn hán hoặc lũ lụt,
đảm bảo bội thu mùa màng. Trên thực tế, ngoài hình ảnh rồng và rắn, những sinh
vật thống trị vùng biển đều có mối liên hệ mật thiết với Benzaiten ở Nhật Bản. Vào
29

thời Kamakura (1185 - 1333), bà được tạc tượng trong tình trạng khỏa thân nhưng
những bức tượng như vậy rất hiếm và được mặc áo choàng khi sử dụng trong các
nghi lễ. Vào thời Muromachi (1392 - 1573), cách viết tên của bà được thay đổi,
với ký tự zai 才 (có nghĩa là tài năng) được thay thế bằng từ đồng âm zai 財 (có
nghĩa là giàu có) và bà được đưa vào Thất Phúc Thần của Nhật Bản. Với ý nghĩa
giàu có và tài sản bổ sung cho các vai trò trước đó của Benzaiten, sự nổi tiếng của
bà đã tăng vọt và cuối cùng bà đã thay thế Kichijōten (Skt. = Lakṣmī), nữ thần giàu
có và sắc đẹp truyền thống của Phật giáo. Cả hai, thậm chí ngày nay, vẫn đang
khiến người dân bối rối và lẫn lộn. (Mark Schumacher, 2011)
Trong Shintou, Shugendou và Phật giáo, Benzaiten đã sớm được kết hợp
(khoảng thế kỷ 11 - 12) với một thần rắn địa phương ít người biết đến được gọi là
Ugajin (người có cơ thể của một con rắn và khuôn mặt của một ông già) - vị thần
của nước, thực phẩm và may mắn. Ugajin bắt nguồn từ các vị thần liên quan đến
thực phẩm khác trong thần thọai của Nhật Bản, đặc biệt là vị thần có tên Uga no
Mitama, vị thần của ngũ cốc, thực phẩm và lúa, thường được coi là một phần của
thần Inari (thần cực kỳ phổ biến của Nhật Bản về lúa gạo, ngũ cốc, trồng trọt và
thịnh vượng). Mối quan hệ của Benzaiten với Ugajin là một trong những nguồn
gốc quan trọng giúp Benzaiten nổi tiếng lâu đời tại Nhật Bản. Một hình dạng của
Benzaiten vẫn còn phổ biến được gọi là Uga Benzaiten thường đội vương miện
bằng một hình nộm của Ugajin hoặc một cổng đền thờ (torii 鳥居) tượng trưng
cho việc Ugajin được xác định là một thần Nhật Bản (hoặc có thể tượng trưng cho
Inari). Cả Ugajin và cổng Torii đều là những quy ước thuần túy của Nhật Bản để
liên kết Benzaiten với đạo Shintou, với Ugajin và Inari, do đó làm nổi bật vai trò
của Benzaiten như một vị thần nông nghiệp cung cấp mưa dồi dào, bảo vệ mùa
màng và mang lại sự thịnh vượng cho người dân. (Mark Schumacher, 2011)
Vào thế kỷ 12 và 13, Benzaiten còn được hợp nhất với Dakiniten, một vị thần
Ấn Độ ăn thịt, uống máu, người cuối cùng được chuyển sang Phật giáo. Dakiniten
xuất hiện trong nghệ thuật Nhật Bản cưỡi một con cáo trắng, cầm một thanh kiếm
và viên ngọc ban điều ước. Nếu không có hình ảnh con cáo, bà sẽ trông giống hệt
Daibenzaiten (một dạng Benzaiten hai tay đang cầm kiếm và ngọc). Trên thực tế,
con cáo là đầu mối duy nhất để phân biệt hai vị thần này. Dakiniten cũng được liên
30

kết chặt chẽ với Inari vì có liên quan đến cáo (vị thần gạo của Nhật Bản) và
Daikokuten có liên quan đến rắn (vị thần nông nghiệp của Phật giáo Nhật Bản).
Một thời gian sau, cả Benzaiten và Dakiniten đều bị các giáo phái Shugendou của
Nhật Bản theo chủ nghĩa khổ hạnh trên núi định hình lại, trong đó Benzaiten xuất
hiện như một con rắn 3 đầu quái dị với cơ thể con người và 10 cánh tay, được bao
quanh bởi Dakiniten, Inari, 15 đệ tử, các vị thần khác, cáo trắng, rắn trắng và ngọc
như ý. (Mark Schumacher, 2011) Hình dạng này được sử dụng để cầu xin sự trợ
giúp của bà cho mùa màng bội thu và may mắn, nhưng cả hình dạng này lẫn hình
dạng Dakiniten trước đó đều không được phổ biến rộng rãi.
Vào khoảng cuối thế kỷ 14, Benzaiten bắt đầu xuất hiện trong một hình dạng
khác liên quan đến Bishamonten và vị thần nông nghiệp Daikokuten đã nói ở trên.
Trong tạc tượng và hội họa, bộ ba được kết hợp thành một vị thần ba đầu được gọi
là Sanmen Daikokuten. Cả ba đều được truyền bá đến Nhật Bản từ rất sớm với tư
cách là những người bảo vệ đất nước, đều được tôn thờ độc lập ở Nhật Bản, đều là
thành viên của Thất Phúc Thần. Cũng trong khoảng thời gian đó, một phiên bản
ba đầu khác của Benzaiten xuất hiện. Được gọi là Sanmen Dakiniten (hoặc là Tam
Thiên) bao gồm Benzaiten, Dakiniten và Kankiten đầu voi.
Sự nổi tiếng của Benzaiten tăng vọt vào thời Edo (1603 - 1868), khi bà thu
hút được một lượng lớn tín đồ trong tầng lớp thương nhân và thành thị, geisha và
nghệ nhân, thậm chí cả trong giới cờ bạc, với vai trò cũ là nữ thần nước, nàng thơ
nghệ thuật và vai trò mới của bà là một trong Thất Phúc Thần mang lại sự giàu có.
Sự kết hợp của bà với nhiều vị thần nổi tiếng (Ví dụ: Công chúa Itsukushima, ba
nữ thần nước Munakata) khiến bà nổi tiếng. Khi chính phủ buộc phải tách Thần
đạo và Phật giáo vào nửa sau của thế kỷ 19, những người gia nhập phe Thần đạo
đã nhấn mạnh những nhân dạng này, cho phép họ tiếp tục tôn thờ Benzaiten gần
như là Phật tử trong các hình dạng Thần đạo của bà. Mặc dù vậy, nhiều đền thờ và
tượng của Benzaiten đã bị dỡ bỏ và thay thế bằng các vị thần chỉ dành cho Thần
đạo. Tuy nhiên, trong thời kỳ hậu Thế chiến thứ hai, Benzaiten đã trở lại tại nhiều
đền thờ trước đây của bà. (Mark Schumacher, 2011)
31

Các hình dạng của Benzaiten ở Nhật Bản

Hình 1.7. Các hình dạng của Benzaiten


(Nguồn: https://www.onmarkproductions.com)

Những miêu tả của bà ở Nhật Bản khác rất nhiều so với chân dung thông
thường của bà được tìm thấy trong Kim Quang Kinh, Dainichi-kyō và các kinh
sách khác, do đó làm nổi bật sự phát triển của giáo phái Benzaiten độc đáo của
Nhật Bản. Hình dạng tám tay và hình dạng mandala truyền thống của bà đã trải
qua những thay đổi đáng kể từ thế kỷ 12 - 13 trở đi, bao gồm (1) đặt một cổng đền
thờ và con rắn đầu người (Ugajin) trên đầu; (2) thay thế một số vũ khí trên tay bà
bằng các biểu tượng mang lại sự giàu có; (3) tượng bà trong tình trạng khỏa thân;
(4) liên kết giữa bà với viên ngọc ban điều ước và những con rồng, rắn và cáo
mang ngọc; (5) liên kết giữa bà với nhiều vị thần Hindu-Phật giáo-Thần; (6) miêu
tả bà như một con rắn ba đầu quái dị. (Mark Schumacher, 2011)
32

1.2.5. Vị thần Hotei

Hình 1.8. Hotei được vẽ bởi các nghệ sĩ người Nhật Bản (1902)
(Nguồn: https://www.illustratedmonthly.com)

Hotei 布袋 là vị thần của sự hài lòng và hạnh phúc, bảo vệ trẻ em và bảo trợ
cho những người pha chế rượu. Hotei có khuôn mặt vui vẻ và chiếc bụng phệ. Ông
được cho là dựa trên hình ảnh của Phật Di Lặc. Ông mang một chiếc túi vải lớn
trên lưng (Nunobukuro 布袋, lit. = túi vải) không bao giờ cạn, vì ông dùng nó để
nuôi những người nghèo khổ và thiếu thốn. Nó chứa đựng những kho báu vô tận,
bao gồm cả thức ăn và đồ uống. Thật vậy, từ “Hotei” trong tiếng Nhật có nghĩa là
“túi vải”. Ông cũng cầm một chiếc quạt Trung Quốc gọi là oogi 扇 (chiếc quạt
“điều ước”, loại quạt ngày xưa được tầng lớp quý tộc sử dụng để cho các chư hầu
biết rằng thỉnh cầu của họ sẽ được chấp thuận hay từ chối). Hotei cũng có thể dựa
trên nhà sư Phật giáo Trung Quốc vào thế kỷ thứ 10 và ẩn sĩ Budaishi (mất năm
917), người được cho là hóa thân của Bồ tát Miroku (Di Lặc trong tiếng Phạn).
(Mark Schumacher, 2011)
Vào thời Edo, Hotei thường xuất hiện với hình ảnh ông được bao quanh bởi
một nhóm trẻ nhỏ nô đùa và ré lên thích thú xung quanh chiếc bụng tròn trịa của
ông. Trong thời gian gần đây, Hotei còn được coi là vị thánh bảo trợ của các chủ
nhà hàng và nhân viên pha chế. Khi một người ăn quá nhiều và uống quá nhiều,
33

đôi khi người ta có thể nói đùa rằng đó là do ảnh hưởng của Hotei. (Jennifer
Polden)
Hotei trong thần thọai Nhật Bản
Một nhà sư Phật giáo huyền thọai vào thế kỷ thứ 10 đã trở thành một chủ đề
phổ biến trong những bức tranh thủy mặc của Trung Quốc và Nhật Bản. Tên thật
của ông là Qici 契 此 (Jp. = Keishi), có tiểu sử được tìm thấy trong Song
Gaosenzhuan 宋高僧伝 (Jp. = SOU KOUSOUDEN) hay "Truyền thuyết về các
thầy tế lễ thượng phẩm của triều đại nhà Tống." Ông ấy sống trên núi Siming 四
明 ở Mingzhou 明州, Fenghua 奉化, thường xuyên đi dạo qua một thị trấn gần đó
với một chiếc túi vải lớn của mình (Chn. = Budai; Jp. = Hotei 布袋). Vì vậy, ông
ấy có biệt danh là "Linh mục Budai". Mặc dù ban đầu người ta nói rằng bất cứ thứ
gì ông gặp trên chuyến đi đều được ông cho vào đầy túi của mình. Thế nhưng trong
văn hóa đại chúng Nhật Bản, chiếc túi phình to và vẻ ngoài hài lòng của Budai đã
khiến ông được đưa vào Thất Phúc Thần. Budai cũng được cho là hóa thân của Di
Lặc (Miroku 弥勒), được thể hiện với mái tóc lưa thưa, khuôn mặt tươi cười, bụng
to để trần, quần áo rộng, mang theo một chiếc túi và cây gậy gỗ. Sau này, ông ấy
được thể hiện với nhiều tư thế khác nhau, thường là ngồi hoặc ngủ trên chiếc túi
của mình, nhưng cũng có thể khiêu vũ, đi bộ hoặc chỉ lên mặt trăng. (JAANUS,
2001) Hotei còn là ẩn sĩ người Trung Quốc Budaishi (mất năm 917), người được
cho là hóa thân của Di Lặc và sau này được tôn kính trong một số tu viện thuộc
giáo phái Oubaku (như chùa Manpuku ở Kyoto) với tên gọi Hotei. Ông được miêu
tả là một nhà sư Phật giáo có đầu hói, không cạo râu, hay cười và bụng phệ, trên
tay cầm chiếc quạt không gấp trong tay phải và dựa vào một chiếc bao tải lớn chứa
vô số kho báu cho những tín đồ của ông. Đôi khi hình ảnh ông cũng bị nhầm lẫn
với Warai-Hotoke (Phật mỉm cười) hoặc với Fudaishi (phiên bản tên tiếng Nhật
của ẩn sĩ Trung Quốc) khi ông được giao nhiệm vụ canh gác thư viện của tu viện.
Ở Nhật Bản, trong một số hình ảnh, Hotei còn có một con mắt được vẽ trên lưng,
biểu tượng của tầm nhìn phổ quát. (Flammarion, 1995)
34

1.2.6. Vị thần Fukurokuju

Hình 1.9. Fukurokuju được vẽ bởi các nghệ sĩ người Nhật Bản (1902)
(Nguồn: https://www.illustratedmonthly.com)

Fukurokuju 福禄寿 là vị thần của sự giàu có, hạnh phúc và trường thọ. Hiện
thân của ngôi sao nam cực (Jp. = Nankyokusei 南極星) và thường bị nhầm lẫn với
Jurojin (vị thần khác có nguồn gốc Đạo giáo và là thành viên của Thất Phúc Thần).
Fukurokuju có râu có vầng trán dài bất thường, thường xuất hiện trong trang phục
của một học giả Trung Quốc và cầm một cây gậy có gắn một cuộn giấy. Ông cũng
có một con rùa hoặc con hạc ở gần mình (cả hai sinh vật này đều là biểu tượng của
sự trường thọ ở Trung Quốc và Nhật Bản). (Từ điển Phật Giáo, 1690)
Fukurokuju bắt nguồn từ một câu chuyện cổ của Trung Quốc về một nhà hiền
triết ẩn sĩ Đạo giáo Trung Quốc nổi tiếng với việc thực hiện các phép lạ vào thời
Bắc Tống (960 và 1279). Ở Trung Quốc, vị ẩn sĩ này (còn được gọi là Jurojin)
được cho là hiện thân sức mạnh thiên thể của ngôi sao nam cực. Fukurokuju không
được đưa Thất Phúc Thần sớm, thay vào đó, ông được thay thế bởi Kichijouten
(nữ thần của sự may mắn, sắc đẹp và công đức). Tuy nhiên, giờ đây ông ấy đã là
một thành viên lâu đời của Thất Phúc Thần. (Mark Schumacher, 2011)
35

Nguồn gốc của Fukurokuju nằm trong câu chuyện của Yangzheng 陽城 (Jp.
= Yousei), cố vấn của Hán Vũ Đế (Jp. = Butei 武帝, 464 - 549) của thời Lương
梁, cho rằng Fukurokuju đã khuyên hoàng đế kết thúc chế độ nô lệ của một tỉnh
nhất định, do đó ông nổi tiếng là một vị thần hạnh phúc trong vùng. Ông thường
đi cùng với một con dơi và rùa, đôi khi là một con nai sừng tấm với thân hình nhỏ
và cái đầu hói thon dài, Fukurokuju thường bị nhầm lẫn với Jurōjin 寿老人, nhưng
có thể được phân biệt bởi những con vật được thể hiện cùng ông. (JAANUS, 2001)
Theo đó, vị bán thần có nguồn gốc từ Trung Quốc này là hình ảnh thần hóa
của một nhà hiền triết ẩn sĩ Đạo giáo thời Tống. Fukurokuju thường xuất hiện dưới
hình dạng một ông già nhỏ bé, có râu và ria mép, với cái đầu hói cao gấp ba lần
chiều cao cơ thể. Cái đầu không cân đối này đôi khi có dạng dương vật và sau đó
được che bằng một chiếc mũ vải. Ông cầm một cây quyền trượng dài có gắn một
cuốn sách. Trong các bức tranh, ông thường đi cùng với một con hạc - biểu tượng
của Đạo giáo về sự trường thọ. Trong tác phẩm điêu khắc, bàn tay của ông thường
giấu trong ống tay áo rộng. (Flammarion, 1995)
Trong số bảy người, ông là người duy nhất được cho là có thể hồi sinh người
chết. Ông là một tiên nhân của Đạo giáo Trung Quốc 仙人 (bất tử) từ thời Bắc
Tống (960 và 1279) có thể tồn tại mà không cần thức ăn. Fukurokuju thích chơi
cờ và từng nói “người có thể xem một ván cờ mà không cần bình luận là một người
vĩ đại.” Có một câu chuyện liên quan như sau, một nông dân trên đường trở về nhà,
đi ngang qua hai ông già đang chơi cờ. Khi anh lặng lẽ theo dõi trận đấu, hết động
tác chậm này đến động tác khác, đối với anh, dường như bộ râu của một đấu thủ
đã dài ra. Trong trận đấu kéo dài, người đàn ông có râu đã cho người nông dân một
số thức ăn có mùi vị lạ để làm anh ấy hết đói. Rất lâu sau đó, người nông dân nhận
ra rằng ngày đã trôi qua và lịch sự chào tạm biệt những người chơi. Anh vội vã về
nhà, chỉ để phát hiện ra nó không còn tồn tại. Sau khi tìm hiểu, anh phát hiện ra
rằng 200 năm đã trôi qua khi anh xem ván cờ đó. (Chiba Reiko, 1966)
36

1.2.7. Vị thần Jurojin

Hình 1.10. Jurojin được vẽ bởi các nghệ sĩ người Nhật Bản (1902)
(Nguồn: https://www.illustratedmonthly.com)

Jurōjin 寿老人 là vị thần trí tuệ đến từ đền thờ Đạo giáo của Trung Quốc.
Ông được mô tả là tiên nhân Trung Quốc 仙人 (bất tử), cũng là hiện thân của ngôi
sao cực nam (Jp. = Nankyokusei 南極星). Ông được miêu tả trong truyền thuyết
là một người nghiện rượu và thích bầu bạn với phụ nữ. Thường xuất hiện với hình
dạng là một ông già với bộ râu dài bạc trắng, tay cầm cây quyền trượng với một
cuộn giấy được buộc vào đó, trên đó ghi tuổi thọ của mọi sinh vật hoặc, trong các
câu chuyện khác, ghi chép về tất cả những việc làm tốt và xấu của con người. tất
cả chúng sinh (Chiba, 1966, tr. 35-38), hoặc cuốn sách tri thức (Flammarion, 1995,
tr. 240). Hươu, biểu tượng của sự trường thọ, thường đi cùng với ông như một sứ
giả, cũng như các loài động vật sống lâu khác như sếu hoặc rùa. Jurojin thường bị
nhầm lẫn với Fukurokuju. Cả hai được cho là sống cùng một cơ thể, do đó có sự
nhầm lẫn. (Từ điển Phật giáo, 1690)
Jurojin là vị thần Đạo giáo Trung Quốc được biết đến như là vị thần bất tử
của Bắc Tống (北宋) và cũng được coi là hiện thân của ngôi sao cực nam (Jp. =
Nankyokusei 南極星). Jurojin được cho là dựa trên một người có thật sống vào
cuối thế kỷ 11, có chiều cao gần ba shaku 尺 (khoảng sáu feet) và sở hữu một cái
đầu thon dài (nhưng không dài bằng Fukurokuju). Ông thường đi cùng với một
37

con sếu hoặc một con hươu trắng đã 1.500 năm tuổi. Ông cũng thường xuất hiện
với một biểu tượng khác của sự trường thọ, đó là cây mận. (JAANUS, 2001)
Jurojin đôi khi được gọi là Roujinseishi (ở Nhật Bản) khi được đồng nhất với nhà
hiền triết Trung Quốc. (Flammarion, 1995)
Jurojin và Fukurokuju thường được miêu tả trong các tác phẩm nghệ thuật
cùng với một con nai nên rất dễ bị nhầm lẫn. Tuy nhiên, hươu của Jurojin thường
có màu đen. Ở Trung Quốc, hươu được coi là loài động vật khôn ngoan, và càng
lớn tuổi, chúng càng trở nên khôn ngoan hơn. Những tín đồ mời Jurojin uống nước
sẽ được ông thưởng bằng cách gõ vào đầu của họ và cho họ một phần trí tuệ của
ông. Ông đã từng được mời đến một bữa tiệc do hoàng đế tổ chức và nói rằng ông
có thể uống bao nhiêu rượu tùy thích. Theo câu chuyện Trung Quốc này, ông đã
uống một koku (gần 40 gallon rượu) vào đêm hôm đó, nhưng hoàn toàn tỉnh táo
vào ngày hôm sau khi trình diện hoàng đế để cảm ơn. Ông đã tiên tri về một triều
đại vàng son lâu dài cho vị hoàng đế, rồi biến mất trong một làn sương trắng.
(Chiba Reiko, 1966)
Như vậy, ở phần này, nhóm nghiên cứu đã trình bày khái niệm và giới thiệu
những đặc điểm cũng như nguồn gốc của các vị thần trong Thất Phúc Thần. Bên
cạnh những thông tin trên, tiếp dưới đây nhóm nghiên cứu sẽ tập trung lý giải sự
ra đời của Thất Phúc Thần dưới tư cách một nhóm cũng như quá trình phát triển
của Thất Phúc Thần tại Nhật Bản.
38

1.3. Lịch sử hình thành và phát triển của Thất Phúc Thần tại Nhật Bản
Theo nhiều tài liệu ghi chép của các học giả, Thất Phúc Thần bắt đầu được
thờ phụng rộng rãi như một nhóm kể từ thời Muromachi và cuối thế kỷ 15. Trang
JAANUS (2001), một chuyên trang nghiên cứu về kiến trúc và nghệ thuật Nhật
Bản do tiến sĩ Mary Neighbor Parent biên soạn, đã viết rằng: "Bảy vị thần tốt lành
này lần đầu tiên được cho là đã được nhóm lại với nhau và được đặt tên là
"Shichifuku” trong thời kỳ Muromachi.” Tuy nhiên, theo Bách khoa toàn thư trực
tuyến Key (2008) – một trang bách khoa toàn thư trực tuyến cung cấp giải thích từ
nhiều góc độ khác nhau từ nhiều lĩnh vực và theo nghiên cứu của Mark
Schumacher (2011), Nhật Bản từ nửa cuối thời kỳ Heian đã in dấu sự xuất hiện
của Daikokuten du nhập từ theo con đường Hindu giáo-Phật giáo vào Nhật Bản.
Người ta tin rằng Daikokuten là vị thần đầu tiên được tôn thờ như một vị thần may
mắn trong nhóm. Giả thuyết cho rằng Daikokuten đã được Dengyo Daishi, Saicho
mang đến Nhật Bản được chấp nhận rộng rãi. Người ta nói rằng khi Saicho trở về
Nhật Bản từ nhà Đường và thành lập giáo phái Tendai (Thiên thai tông), ông đã
tiến cử Miwa-Myojin của núi Miwa như một vị thần hộ mệnh. Vì vậy, Miwa-
Myojin dưới hình dáng Daikokuten đã được “mời” đến núi Eizan, và trở thành một
vị thần hộ mệnh của giáo phái Tendai với tư cách là thần linh Okuninushi-no-
Mikoto. Nhưng ngay trước cả khi ông trở thành một vị thần của Phật giáo,
Daikokuten đã được thờ ở Ấn Độ, Hindu giáo dưới cái tên Mahakala. Từ đó có thể
nhận thấy rằng, là một sự kết hợp các văn hóa và tôn giáo tiếp biến và được tiếp
thu một cách linh họat trong dòng chảy lịch sử của Nhật Bản, Thất Phúc Thần thật
ra không có tất cả bảy vị thần như hiện tại ngay từ ban đầu mà là cả một quá trình
du nhập, chấp nhận, chắt lọc không ngừng của người dân Nhật Bản.
Một cách cụ thể, bối cảnh và sự hình thành của Thất Phúc Thần có thể được
chia theo các mốc thời gian trong lịch sử và có nội dung như sau:

1.3.1. Sự xuất hiện đầu tiên của Daikokuten và Ebisu vào nửa sau thời kỳ
Heian
Trước nhất, với sự xuất hiện đầu tiên của Daikokuten, thời Heian là thời đại
của quý tộc và công gia. Đây cũng là thời kỳ đánh dấu sự ra đời của tầng lớp
samurai, tầng lớp đóng vai trò rất lớn trong sự ra đời của thời kỳ phong kiến ở
39

Nhật Bản. Thời kỳ này, tuy Nhật Hoàng vẫn nắm giữ quyền lực tối cao, nhưng
trên thực tế, dòng họ Fujiwara đã dần dần thâu tóm toàn bộ quyền lực. Cũng vào
thời Heian, Nhật Bản bắt đầu tiếp thu một cách có chọn lọc những tinh hoa nghệ
thuật và tư tưởng Trung Hoa, dẫn đến việc các giáo phái Phật giáo mới như Tendai
(Thiên thai tông) và Shingon (Chân ngôn tông) được thành lập. Cũng từ sự ảnh
hưởng đó, rất nhiều kiểu thơ văn Trung Hoa dần phát triển hưng thịnh trong triều
đình ở thời đại này. (Nihon Shoki, quyển 19). Đây cũng là thời kỳ mà nền văn học
Nhật Bản đạt được bước tiến vượt bậc nhờ sự phát triển của chữ viết Kana. Có thể
thấy chính từ sự du nhập mạnh mẽ từ tôn giáo đến thơ văn, chữ viết của Trung
Quốc trong thời kỳ này đã ảnh hưởng rất nhiều đến việc các vị thần của Trung
Quốc xuất hiện trong nhóm Thất Phúc Thần của Nhật Bản. (Fairbank, 1978, tr.363)
Vào nửa cuối thời kỳ Heian, kể từ khi Daikokuten được cất giữ trong nhà bếp
lớn, ông được được truyền đến với người dân như một vị “thần bếp trên núi”.
Người ta nói rằng sau đó, ông được đặt cạnh vị thần Nhật Bản Ebisu, vị thần đem
bảo hộ cho người dân làng chài, và dần trở thành hai vị thần đem lại may mắn.
(Bách khoa toàn thư trực tuyến Key, 2008). Khi Ebisu và Daikokuten bắt đầu được
dân thường tôn thờ cùng nhau, niềm tin và những lời cầu nguyện của người dân
thời đại này xoay quanh những mong cầu cho một vụ mùa bội thu trong các cộng
đồng những người theo nghề nông hoặc đánh bắt cá trong phạm vi trải dài từ làng
mạc nhỏ cho đến đất nước rộng lớn. Chính vì thế, người dân thường chủ yếu cầu
nguyện các vị thần bảo hộ tự nhiên như Ebisu: vị thần chài lưới và Daikokuten: vị
thần mùa màng bội thu. Cũng trong thời điểm này, ta ít bắt gặp những ước nguyện
cho cá nhân mà thay vào đó là cho cả một cộng đồng người cùng sinh sống. (Erika
Ichimura và các tác giả khác, 2013). Đặc điểm này có xu hướng thay đổi theo tiến
trình lịch sử của Nhật Bản.

1.3.2. Thời kỳ Kamakura với những biến động lịch sử


Bắt đầu từ năm 1068, với sự từ bỏ quyền lực của dòng họ Fujiwara về tay
Thiên hoàng Go-Sanjo, lịch sử Nhật Bản đã xảy ra nhiều biến động. Năm 1156,
Taira Kiyomori lên lãnh đạo toàn nước Nhật, chấm dứt thời kỳ nắm giữ quyền lực
của các Thái Thượng hoàng chế độ viện chính (Insei) từ năm 1086. Năm 1159 hai
dòng họ quân sự Minamoto và Taira có sự tranh đấu quyền lực, gọi là loạn Heiji.
40

Cuối cùng Taira Kiyomori lên nắm quyền lãnh đạo cả nước từ năm 1168 đến 1178.
Tuy nhiên, đến cuối thế kỷ XII, Minamoto Yoritomo (con trai của Minamoto
Yoshitomo) đã kêu gọi nổi dậy chống lại dòng họ Taira khi thế lực chính trị và
kinh tế của dòng họ này suy yếu. Cuộc xung đột giữa hai tập đoàn võ sĩ trong lịch
sử được gọi là chiến tranh Genpei (1180-1185), liên minh quân sự do dòng họ
Minamoto đã chiến thắng và giành quyền lực vào năm 1185, mở ra thời kỳ Mạc
phủ Kamakura. (Faibank, 1978, tr.362)
Từ đó ở Nhật Bản tồn tại hai chính quyền song song: chính quyền Thiên
hoàng và chính quyền Mạc phủ (Bakufu). Cũng cùng khoảng thời gian này, giáo
phái Phật giáo Jodo phát triển và giáo phái Thiền tông dần du nhập vào Nhật Bản
từ Trung Quốc. Trong thời kỳ này, ta vẫn có thể nhận thấy một sức tác động không
hề nhỏ từ văn hóa Trung Quốc đến Nhật Bản thời phong kiến. (Sansom, 1958,
tr.421). Ngoài ra, theo Bách khoa toàn thư trực tuyến Key (2008), do ảnh hưởng
của các bức tranh Eiraku-ga, trở nên phổ biến sau thời Kamakura, Fukurokuju
cùng Jurojin, những nhân vật nổi lên từ tư tưởng đạo đức, được biết đến nhiều hơn
với mong muốn cầu ấm no hạnh phúc, bình yên của người dân. Bên cạnh đó, Hotei,
người thường xuất hiện trong các tranh ảnh hội họa về Thiền lúc bấy giờ, dù không
rõ ông bắt đầu được thờ phụng cùng một nhóm với các vị thần may mắn này khi
nào, nhưng xét trên việc Hotei được cho là có nguồn gốc từ Phật giáo Đại thừa,
một tôn giáo từ Trung Quốc và Ấn Độ, cũng như dựa trên một nhà sư ở Trung
Quốc được xem là hóa thân của Bồ tát Miroku (“Di Lặc” trong tiếng Phạn); có thể
thấy rằng Hotei cũng du nhập vào Nhật Bản theo con đường Phật giáo. Từ đó, có
thể thấy rằng chính sự tiếp thu linh họat những nét mới trong tôn giáo của Nhật
Bản đã góp phần vào sự ra đời của Thất Phúc Thần.
Giai đoạn cuối thời kỳ này, Thiên hoàng Go-Daigo nhanh chóng thực hiện
việc khôi phục luật lệ Hoàng gia nhưng thất bại, và không đạt được quyền kiểm
soát, sau đó bị lật đổ bởi Ashikaga Takauji, người đã từng giúp ông. Thiên hoàng
Go-Daigo bỏ trốn và lập ra một triều đình ở Yoshino đối địch với triều đình Quang
Minh ở kinh đô. Hai triều đình hai phía Bắc và Nam vẫn tiếp tục tồn tại dưới tình
trạng như vậy trong nhiều năm. (Sansom, 1958, tr.421)
41

Trong giai đoạn này, ngoài sự xuất hiện của Fukurokuju, Jurojin cùng Hotei
theo con đường Phật giáo du nhập từ Trung Quốc, các bức tranh Phật giáo từ thời
kỳ phân chia Bắc triều và Nam triều đã thể hiện các vị thần Daikokuten,
Bishamonten và Benzaiten ở hình dạng chúng ta thường thấy ngày nay. (Bách khoa
toàn thư trực tuyến Key, 2008; Mark Schumacher, 2011). Sự xuất hiện của các ba
vị thần Ấn Độ, bao gồm cả Bishamonten là vị thần chiến đấu bảo vệ Phật giáo vào
thời điểm này có lẽ đã thể hiện mong muốn giành được chiến thắng trong cuộc
chiến đối với người thờ phụng là tầng lớp samurai.
Như vậy, có thể thấy, tuy chưa được thể thức hóa thành một nhóm chính thức
gồm bảy vị thần như hiện tại, nhưng các vị thần trong Thất Phúc Thần đã dần xuất
hiện một cách riêng lẻ và trải dài trong lịch sử Nhật Bản song song với những biến
đổi của lịch sử, kinh tế và hơn hết là đời sống tâm linh của con người Nhật, bước
đầu tạo thành một nhóm các vị thần.
Quân Mông Cổ từng hai lần tấn công Nhật Bản năm 1272 và 1281. Với sự
dũng cảm của các võ sĩ, sự vững chãi của thành trì và sự hỗ trợ của thời tiết, Nhật
Bản đã vượt qua sự tấn công của quân Mông Cổ, đập tan giấc mộng của hoàng đế
Nguyên Mông. Sau sự kiện này, Mạc phủ Kamakura rơi vào tình thế hỗn độn sau
tốn kém chống lại quân Mông Cổ và đời sống người dân dưới sự cai quản của
Tướng quân của họ dần trở nên khó khăn, mở đầu cho sự cực khổ kéo dài vì chiến
loạn của người dân Nhật Bản. (Sansom, 1958)
Năm 1336, giao tranh giữa Thiên hoàng Go-Daigo và Ashikaga Takauji nổ
ra, kết quả nghiêng về Ashikaga Takauji. Thiên hoàng Go-Daigo sau đó rút về
phương Nam đến Yoshino, trong khi đó Takauji thiết lập một Mạc phủ mới tại
kinh đô Kyoto, gọi là Mạc phủ Muromachi, đánh bại những bề tôi trung thành còn
lại của triều Go-Daigo và đưa một Thiên hoàng bù nhìn lên ngôi. (Sansom, 1961,
tr.40)
Năm 1338, Thiên hoàng Go-Daigo lên nắm quyền ở Yoshino, gọi là Thiên
hoàng Nam triều. Còn Thiên hoàng Misuaki do Takauji lập ở Kyoto được phong
làm Thiên hoàng Bắc triều. Điều này mở đầu cho sự phân chia của hai nhánh thù
địch trong Hoàng gia kéo dài cho đến năm 1392, khi Thiên hoàng Nam triều thóai
vị và toàn bộ quyền lực về tay Thiên hoàng Bắc triều. Gia tộc Ashikaga của Takauji
42

nắm giữ chức vị Tướng quân trong suốt thời Muromachi. Từ năm 1467 đến năm
1573, cả nước Nhật rơi vào thời kỳ Chiến quốc (Sengoku). (Sansom, 1961, tr.88)
Trong bối cảnh lịch sử đất nước chia đôi chính quyền như vậy, từng vị thần
trong Thất Phúc Thần đã lần lượt xuất hiện và hình thức nhóm bảy vị thần như bây
giờ bước đầu được hình thành.
1.3.3. Thời kỳ Muromachi và những khó khăn trong đời sống người dân
Thời Muromachi, khi giới quý tộc suy tàn và mất đi quyền lực thực sự của
đất nước, các cuộc chiến tranh như Chiến tranh Onin diễn ra; thương mại hình
thành, chẳng hạn như lưu thông tiền tệ mang tính xã hội. Với sự ra đời của tiền, ý
tưởng tích lũy của cải bắt đầu phát triển trong đời sống những người bình thường
và mong muốn tìm kiếm lợi nhuận cá nhân đã ra đời. Thời điểm này, các vị thần
không còn chỉ là những tồn tại để cầu nguyện bảo vệ đất nước, làng mạc và mùa
màng bội thu, mà còn được xem là những vị thần mà người dân thường giao phó
những ước muốn cá nhân của họ. (Bách khoa toàn thư trực tuyến Key, 2008).
Người ta nói rằng niềm tin của những người bình thường vào Thất Phúc Thần được
sinh ra khi những lời cầu nguyện chuyển đổi từ những lời cầu nguyện chung sang
những lời cầu nguyện dành cho bản thân.
Ngoài ra, các nạn đói và thiên tai lầm than cùng chiến tranh khói lửa, mâu
thuẫn nội bộ suốt thời kỳ này càng khiến người dân muốn tìm đến những tín
ngưỡng để ký thác niềm tin, mong cầu một xã hội an yên và mùa màng bội thu để
cuộc sống trở nên sung túc,… đã khiến cho tín ngưỡng Thất Phúc Thần dần hình
hình thành một cách hoàn chỉnh hơn, thay đổi thành như hiện tại và phát triển vô
cùng mạnh mẽ. (Erika Ichimura và các tác giả khác, 2013)

Bảng 1.2. Các tai nạn, thiên tai xảy ra vào thời Heian và Kamakura

時代 (THỜI 西暦 (LỊCH
天災 (THIÊN TAI)
ĐẠI) DƯƠNG)

平安時代 1108 浅間山噴火 (núi lửa Asama phun trào)


43

(THỜI HEIAN)
1112 浅間山噴火 (núi lửa Asama phun trào)

1134 長承の飢饉 (nạn đói kéo dài)

1155 久寿の飢饉 (nạn đói thời Kyuuju)

火災善光寺焼失 (hỏa họan thiêu rụi chùa


1179
Zenkoji)

1181 養和の大飢饉 (nạn đói lớn Yowa)

1199 鎌倉で大地震 (động đất lớn ở Kamakura)

1201 東国に大暴風雨 (mưa bão lớn ở phía Đông)

1202 鎌倉で大地震 (động đất lớn ở Kamakura)

鎌倉時代
1214 鎌倉で大地震 (động đất lớn ở Kamakura)
(THỜI

KAMAKURA) 1231 寛喜の大飢饉 (nạn đói lớn Kanki)

加賀白山噴火し白山権現焼亡 (núi lửa


1239
Haku phun trào và cháy lớn)

1258 正嘉の飢饉 (nạn đói Shoka)

火災善光寺焼失 (hỏa họan thiêu rụi chùa


1268
Zenkoji)

1293 鎌倉大地震 (động đất lớn ở Kamakura)


44

年火災善光寺焼失 (hỏa họan thiêu rụi chùa


1313
Zenkoji)

Nguồn: bảng 8, Erika Ichimura và các tác giả khác (2013). 日本とユーラシアの交流 ―飛

鳥寺を手掛かりに― [Sự trao đổi giữa Nhật Bản và u - Á - Từ đền Asuka]

Về lý do vì sao người dân Nhật Bản thời bấy giờ lại chọn kết hợp bảy vị thần
lại với nhau thành Thất Phúc Thần mà không phải là một con số nào khác, theo
nghiên cứu của Mark Schumacher (2011), trong bối cảnh lịch sử này, vào thời
Muromachi, con số 7 được coi là một con số thiêng liêng. Giải thích nhiều hơn về
con số 7, có thể thấy rằng giống như những quốc gia khác trên thế giới, người dân
Nhật Bản cũng rất thờ phụng con số này. Ví dụ như phương Tây có bảy kỳ quan
thế giới. Trong khi đó, người ta nói rằng Rome được xây dựng trên bảy ngọn núi.
Những người đạo Cơ đốc thời Trung cổ cũng cho rằng có bảy tội lỗi lớn nhất trên
đời. Trong Thời đại Khám phá, các nhà thám hiểm cũng đã đi khắp bảy đại dương.
Thế giới hiện đại vận hành với việc một tuần có bảy ngày.
Bí ẩn về số bảy cũng khiến người Nhật mê mẩn. Nhật Bản cổ đại được thành
lập xung quanh bảy quận. Bắt đầu từ đó, con số bảy đi từ văn hóa thế giới vào
trong văn hóa Nhật Bản. Trong văn hóa dân gian của đất nước này, có bảy báu vật
Phật giáo và Thất Phúc Thần. Danh sách về con số 7 này cứ lặp đi lặp lại trong
không gian tôn giáo văn hóa nước Nhật - Bảy thăng trầm của cuộc đời, Bảy bông
hoa mùa thu, Bảy loại thảo mộc mùa xuân, Bảy loại ớt đỏ, Bảy phép biến hình, và
Lễ hội Shichi-Go-San được tổ chức vào tháng 11 hàng năm dành cho trẻ em. Trong
đó các nghi thức Thần đạo đặc biệt được thực hiện để chính thức chào đón các bé
gái (3 tuổi) và bé trai (5 tuổi) vào đời sống. Các bé gái (7 tuổi) được chào đón để
trở thành phái nữ và được phép mặc obi (thắt lưng trang trí mặc với kimono). Sự
ưu ái dành cho số lẻ này cũng được phản ánh trong các lễ hội lớn của Nhật Bản -
những lễ hội được tổ chức vào những ngày lẻ. Ở Nhật, lễ hội này được gọi là
Gosekku 五節句 (năm lễ hội theo mùa). Qua nhiều thế kỷ, một số lễ hội đã thay
đổi ngày tháng hoặc tên gọi. Nhưng cho đến thời hiện đại, các lễ hội quan trọng
nhất của Nhật Bản hầu như luôn được tổ chức vào ngày Hare-no-hi 晴れの日 (các
ngày lẻ). (Mark Schumacher, 2011)
45

Từ những tác động của con số 7 đến với đời sống, văn hóa, nghệ thuật Nhật
Bản, các học giả tin rằng Thất Phúc Thần được sinh ra từ sự kết hợp của bảy vị
thần là một yếu tố chịu ảnh hưởng từ sự tác động đó. Theo ghi chép trên Bách khoa
toàn thư trực tuyến Key (2008), vào năm 1420, một cuộc diễu hành của Thất Phúc
Thần được tổ chức ở Fushimi, Kyoto, và trong thời đại Bunmei (1469-1487), “Bảy
tên cướp Thần may mắn” đã xuất hiện ở thành phố Kyoto trong trang phục của
Thất Phúc Thần.
Từ những thực tế đó, hệ thống Thất Phúc Thần được coi là bắt đầu hình thành
từ sự kết hợp vô cùng hài hòa giữa ảnh hưởng của con số bảy từ thế giới, ý tưởng
tích lũy tài sản trong văn hóa của người dân vào thời Muromachi, và mong muốn
về may mắn cũng như lợi ích cho bản thân. Sau đó, Thất Phúc Thần đã trở thành
chủ đề của các bức tranh và tác phẩm điêu khắc khác nhau như một dấu hiệu của
điềm lành và phổ biến rộng rãi đến thế giới nghệ thuật biểu diễn như ca, múa, kịch
Noh và Kyogen.

1.3.4. Thế kỷ XV và sự biến đổi đa dạng


Nguồn gốc của Thất Phúc Thần dưới tư cách nhóm là không rõ ràng, nhưng
hầu hết các học giả nghiên cứu đều cho rằng vào thời đại Muromachi trở về sau và
cuối thế kỷ 15. Trong giai đoạn này, Bishamonten - vị thần chiến đấu bảo vệ Phật
giáo và được thờ ở Ấn Độ đã đến Nhật Bản một lần nữa, theo cách chính thức và
tiêu chuẩn hơn là xét trên bình diện của nhóm ba vị thần Ấn Độ (Benzaiten,
Daikokuten, Bishamonten) qua sự du nhập rộng khắp của sự giao thoa tôn giáo
Phật giáo-Hindu giáo và Thần Đạo.
Ban đầu, tuy được xuất hiện cùng Bishamonten và Daikokuten trong khoảng
thời gian Nhật Bản phân chia Nam Bắc triều, Benzaiten đã không ngay lập tức trở
thành một phần của nhóm bảy vị thần may mắn. Sau đó, ta chứng kiến cấu trúc
của một nhóm hai vị thần khác bao gồm Kichijoten và Benzaiten.
Tiếp đến, ta không thể không nhắc đến Ame-no-Uzume-no-Mikoto, nữ thần
ban đầu nắm giữ vị trí của Benzaiten hiện tại. Ame-no-Uzume-no-Mikoto nổi tiếng
là người phụ nữ đã nhảy múa trước hang động khi nữ thần Amaterasu Omikami
ẩn mình trong đó, và được coi là người khai sinh ra nghệ thuật biểu diễn. Bà cũng
được cho là vợ của thần Sarutahiko và đã làm dịu vẻ mặt cay đắng của ông; sau
46

đó, bà được ví như Otafuku. Vì những tính chất như vậy, ban đầu bà được thêm
vào một trong các vị thần may mắn, nhưng người ta nói rằng sau đó Benzaiten đã
được chọn thay vì Ame-no-Uzume-no-Mikoto bởi vì Benzaiten dần trở nên rất nổi
tiếng ở Kyoto vào thời điểm đó. Lý giải cho sự nổi tiếng này, như đã phân tích, có
thể kể đến việc trước thế kỷ 12, vai trò của Benzaiten được nhấn mạnh như một
nữ thần âm nhạc. Nhưng sau đó, khi nguồn gốc Hindu của bà được nhắc đến trở
lại nhờ vào sự kết hợp với vị thần về nước và nông nghiệp Ugajin, Benzaiten dần
trở nên nổi tiếng. Vào thời điểm bà đang được thờ phụng rộng rãi và được chọn để
thay thế nữ thần Ame-no-Uzume-no-Mikoto, như đã đề cập, Benzaiten được tôn
thờ thành một nhóm với Kichijoten, nhưng Kichijoten được coi là một nữ thần
đáng sợ và bị tránh xa và từ đó, Benzaiten chính thức gia nhập vào nhóm Thất
Phúc Thần. (Bách khoa toàn thư trực tuyến Key, 2008)
Như vậy, để có thể hình dung một cách cụ thể và dễ hiểu hơn, ta có thể tham
khảo trình bày của chuyên trang JAANUS (2001) về Thất Phúc Thần như sau:
"Bảy vị thần tốt lành này lần đầu tiên được cho là đã được nhóm lại với nhau và
được đặt tên là "Shichifuku” trong thời kỳ Muromachi. Lúc đầu, các thành viên
của nhóm không cố định và về sau Benzaiten mới trở thành một trong bảy người.
Nhóm bảy người có thể bắt nguồn từ chủ đề của Trung Quốc về Trúc Lâm Thất
Hiền 竹林七賢 (Chn. = Zhú Lín Qī Xián; Jp. = Chikurin Shichiken) thời Ngụy và
Tấn 220-420 sau Công nguyên hoặc từ một ý niệm Phật giáo nổi tiếng trong Kinh
Ninnōgyō 仁王経 ở thế kỷ thứ 8 đã cho rằng 'Shichinin Sokumetsu Shichifuku
Sokushō 七難即滅 七福即生 (lit. = bảy nghịch cảnh biến mất và bảy vận may
xuất hiện).' Từ thế kỷ 15, Shichifukujin đã trở nên phổ biến, đặc biệt là đối với các
thương nhân và nghệ nhân thành thị, như một điềm lành và biểu trưng nghệ thuật
của sự may mắn và trường thọ, và xuất hiện trong nhiều bức tranh vẽ, điêu khắc
và in ấn."
Thêm vào đó, Patricia Graham, trong “Niềm tin và Sức mạnh trong Nghệ
thuật Phật giáo Nhật Bản” (Faith and Power in Japanese Buddhíst Art) (1600 -
2005), 2007, trang 110 có viết: “Các tài liệu tham khảo sớm nhất về một số cụm
từ viết tắt của hai, ba hoặc thậm chí là năm vị thần này đã có từ cuối thế kỷ 15 nói
về các câu chuyện kể phổ biến (otogi zōshi), truyện tranh Noh (kyogen) và cũng
47

đề cập đến những bức tranh bị mất của họ. Có lẽ chỉ vào nửa sau của thế kỷ XVII,
quan niệm về một bộ Thất Phúc Thần mới được kết hợp lại với nhau. Nhưng ngay
cả vào lúc đó, nhóm này vẫn chưa được tiêu chuẩn hóa một cách phổ biến.”
Bằng cách này, hình thức Thất Phúc Thần được tôn thờ ngày nay được cho
là đã bước đầu hoàn thiện vào cuối thời kỳ Muromachi. Theo “江戸の小さな神々”
(Các vị thần nhỏ thời Edo) (1970) của Noboru Miyata, năm vị thần may mắn xuất
phát từ Kyoto, nhưng khi họ được dần phổ biến đầu thời Edo, họ đã được nâng lên
thành Thất Phúc Thần. Tuy nhiên, nếu xét một cách toàn diện về sự kiện Lễ hội
Thất Phúc Thần được tổ chức ở Kyoto vào cuối thời Muromachi, truyền thuyết về
“Bảy tên cướp Thần may mắn”, và văn học nghệ thuật trong thời Edo, sẽ thích hợp
hơn nếu nghĩ rằng Thất Phúc Thần đã bắt đầu ở Kyoto ở cuối thời kỳ Muromachi.
Như vậy, có thể hiểu rằng ngoài Daikokuten đã được thờ phụng từ nửa sau
thời kỳ Heian, hai vị thần Ấn Độ còn lại là Benzaiten và Bishamonten cũng đã
xuất hiện từ sớm trong các bức tranh Phật giáo, nhưng không được xem xét và thờ
phụng một cách riêng lẻ cho đến khoảng thế kỷ XV. Vào thế kỷ XV, khi sự giao
thoa Phật giáo-Hindu giáo dần lan rộng và đến Nhật Bản, khi các vị thần Ấn Độ
dần được nhìn nhận đầy đủ hơn dưới góc độ tôn giáo gốc của họ, người dân Nhật
Bản mới bắt đầu thờ phụng và xem họ như những vị thần may mắn thực sự. Với
việc được công nhận như những phúc thần vào thời điểm này, cùng với ảnh hưởng
của con số bảy được thổi vào Nhật Bản từ làn gió văn hóa thế giới đã xuất hiện từ
thời Muromachi, Bishamonten và cuối cùng là Benzaiten dần nhập vào và trở
thành một nhóm với các vị thần đem lại điềm lành đã được thờ phụng từ trước là
Daikokuten, Ebisu, Fukurokuju, Jurojin và Hotei. Có thể nhận xét rằng sự kết hợp
này như một cách để người Nhật thỏa mãn mong muốn về tâm linh của họ, xét
trong bối cảnh đời sống tinh thần đặt dưới nhiều sự ảnh hưởng từ nhiều khía cạnh
của văn hóa thế giới một cách vừa chủ ý vừa vô thức. Chủ ý thể hiện rõ ở việc
người dân Nhật Bản đã nhóm các vị thần lại với nhau thành một nhóm lớn, đầy đủ
và bao trùm lên nhiều khuôn khổ đời sống của họ để đem lại điềm lành một cách
toàn diện nhất trong bối cảnh những lời cầu nguyện cho cá nhân mỗi con người
đang dần phổ biến hơn. Vô thức ở đây mà nhóm nghiên cứu muốn nói đến là việc
con số bảy, với vô vàn những “hình mẫu” số bảy trải dài từ phương Tây đến
phương Đông, từ thơ văn đến kỳ quan và chiêm tinh học, đã thầm lặng đi sâu vào
48

tiềm thức con người Nhật Bản và văn hóa Nhật Bản đang rộng mở tiếp thu cái mới
lúc bấy giờ, dẫn đến việc người dân vô hình trung đã cùng đồng điệu về tư tưởng
trong việc tạo thành nhóm Thất Phúc Thần bao gồm bảy vị thần tượng trưng cho
bảy điềm lành trong đời sống.
Từ sự phát triển đó vào khoảng thế kỷ XV, nhóm Thất Phúc Thần tiêu chuẩn
và được nhiều người dân Nhật Bản thờ phụng ngày nay đã bước đầu hình thành và
được công nhận một cách chính thức, bao gồm Ebisu, Daikokuten, Bishamonten,
Benzaiten, Hotei, Jurojin và Fukurokuju.

1.3.5. Thời kỳ Edo, thế kỷ XVII - bảy đức hạnh và sự xuất hiện của những
cuộc hành hương
Với sự ra đời của thời kỳ Edo, khi chủ nghĩa tư bản thương mại phát triển,
niềm tin vào Thất Phúc Thần dưới tư cách một nhóm những vị thần may mắn đem
lại những bình yên, thịnh vượng, hạnh phúc, ấm no,... ngày càng trở nên phổ biến.

Hình 1.11. Bảy vị thần của những điềm lành, từ Kano Yasunobu 狩野安信 (1613 - 1685).
(Nguồn: Bảo tàng Mỹ thuật trường Đại học Nghệ thuật Quốc gia Tokyo. Tranh được cung cấp bởi
nhà nghiên cứu lịch sử nghệ thuật Patricia Graham.)

Nhà nghiên cứu lịch sử nghệ thuật Patricia Graham đã viết trong cuốn “Niềm
tin và Sức mạnh trong Nghệ thuật Phật giáo Nhật Bản” (Faith and Power in
Japanese Buddhist Art) (1600-2005), 2007, trang 112 rằng: “Ví dụ này của Kano
Yasunobu được coi là ví dụ hình ảnh sớm nhất còn tồn tại về chủ đề này, mặc dù
anh trai Tan'yu của ông có lẽ đã khắc họa họ cùng nhau đầu tiên. Cấp bậc chính
49

thức được Yasunobu sử dụng trong chữ ký của ông (Hōgen) giúp xác định niên
đại của bức tranh vào khoảng giữa năm 1662, khi Yasunobu nhận danh hiệu danh
dự này, và ông qua đời vào năm 1685. Người nghệ sĩ đã đặt các hình vẽ trong
khung cảnh ngoài trời, bên dưới cây thông, mặc quần áo trong trang phục của tầng
lớp thượng lưu và tham gia vào một bữa tiệc rượu sôi động, trong đó những người
tham gia chơi nhạc cụ, khiêu vũ và ca hát. Bố cục giống như được các họa sĩ hàn
lâm triều Minh sử dụng trong bức chân dung của họ về Bát Tiên đến nỗi những
bức tranh như vậy, được cho là đã được du nhập vào Nhật Bản vào thời Edo, phải
được coi là nguyên mẫu của chúng.”
Với nhận định của nhà nghiên cứu lịch sử nghệ thuật Patricia, ta càng củng
cố cho quan điểm Thất Phúc Thần đã được tiêu chuẩn hóa vào thế kỷ XVII với ít
sự biến đổi và thay thế hơn so với khoảng thời gian thế kỷ XV. Như vậy có thể
thấy, trải qua một khoảng thời gian dài dung hòa những đa dạng trong niềm tin và
tín ngưỡng của người dân cũng như kết hợp một cách hài hòa những cái tôi trong
đời sống tinh thần con người Nhật Bản, Thất Phúc Thần mới trở thành một nhóm
với các vị thần như ngày nay. Điều đó thể hiện sự đa dạng trong văn hóa tâm linh
Nhật Bản, thể hiện cái riêng và tính cách chung của con người đất nước này trong
việc tiếp nhận, chọn lọc, thờ phụng những vị thần của mình. Chính sự thay đổi và
phát triển lâu dài đó đã trở thành minh chứng cho bề dày bản sắc văn hóa của đất
nước Nhật Bản.
Tiếp đến, vào thời Edo, có học giả cho rằng người sáng lập chùa Ueno Kan'ei-
ji, Tenkai, đã giảng cho Ieyasu Tokugawa rằng tuổi thọ, tài lộc, sự nổi tiếng, nhân
ái nhẹ nhàng, phẩm giá, tôn trọng hòa nhã và chính trực hào hùng là bảy đức hạnh
mà một chính trị gia nên có. (Mark Schumacher, 2011)
“Hướng dẫn về biểu tượng học của Flammarion” (Flammarion
Iconographic Guide), 1995, trang 238-239 có viết: “Nhóm các vị thần nổi tiếng
này khiến chúng ta nhớ đến ‘Trúc lâm thất hiền’ hay ‘Bảy hiền nhân của chén rượu’
phổ biến rộng rãi ở Trung Quốc. [Nhóm Nhật Bản] đã được tạo ra vào thế kỷ 17
bởi nhà sư Tenkai 天海 (mất năm 1643 và được đặt tên là Jigen Daishi 慈眼 大
師), người muốn biểu tượng hóa những đức tính cần thiết của con người trong thời
đại đó cho Tướng quân Tokugawa Iemitsu 徳川 家光 (1623-1650 SCN).”
50

Tuy nhiên, nhà nghiên cứu lịch sử nghệ thuật Patricia Graham lại viết rằng:
“Các nguồn tài liệu thế kỷ 20 ghi công nhà sư Tenkai, cố vấn của Ieyasu, đã tạo ra
nhóm các vị thần để gây dựng và soi sáng nên vị Shogun thứ ba, Tokugawa Iemitsu.
Các nguồn tài liệu này giải thích rằng Tenkai đã nhận định các vị thần riêng lẻ gắn
liền với bảy đức tính (tuổi thọ, tài lộc, nổi tiếng, nhẹ nhàng, hòa nhã, phẩm giá,
hào hùng) mà các vị vua sẽ truyền lại cho thần dân của mình nếu họ [các vị vua]
tuân theo lời dạy của Kinh về các vị vua nhân từ (Ninno-kyo 仁王經). Tuy nhiên,
các tác phẩm được biết đến của Tenkai và ghi chép của Đền Rinnoji 輪王寺 không
đề cập đến Bảy vị thần.” (Patricia Graham, 2007)
Như vậy, có thể thấy vẫn còn nhiều luồng ý kiến về công lao của nhà sư
Tenkai trong việc phổ biến về Thất Phúc Thần khoảng thế kỷ 17. Không thể loại
trừ lý do lưu lạc hoặc mất tích trong suốt quá trình lịch sử đối với những ghi chép
có liên quan. Tuy những ghi chép có vài chỗ không đồng nhất và có sự đổi khác,
nhưng nhìn chung, trong toàn bộ những nghiên cứu của các học giả từ những yếu
tố, sách vở…được lưu truyền lại từ lịch sử, ta vẫn nhận thấy được sức ảnh hưởng
lớn và dần rộng khắp của Thất Phúc Thần đối với đời sống tinh thần người dân
Nhật Bản trong những giai đoạn hình thành và phát triển này. Dù đến thế kỷ 17,
nhóm Thất Phúc Thần cũng vẫn còn những sự tác động nhỏ, nhưng Thất Phúc
Thần từ thời điểm này cũng đã dần được công nhận chính thức với bảy vị thần mà
không có quá nhiều sự đổi khác.

Hình 1.12. Bảy vị thần phúc lành, của Hakuin Ekaku 白隠慧鶴 (1685 – 1768)
(Nguồn: https://archive.artgallery.nsw.gov.au/exhibitions/archived/2006/zen/gitter-yelen/)
51

Patricia Graham đề cập trong “Niềm tin và Sức mạnh trong Nghệ thuật Phật
giáo Nhật Bản” (Faith and Power in Japanese Buddhist Art) (1600 - 2005), 2007,
trang 115 rằng: “Tại đây [bức tranh ở trên], Hakuin để xin giấy phép nghệ thuật
và chỉnh sửa nhóm Bảy vị thần quen thuộc, thay thế Bishamonten với Chung Quỳ
(Shoki), một vị thần diệt trừ yêu ma trong thần thọai Trung Quốc và là người phán
xử dưới địa ngục của Phật giáo. Ở bức tranh này, Chung Quỳ (Shoki) luôn được
miêu tả như một nhân vật oai vệ, có râu quai nón và mang áo choàng của những
quan chức Trung Quốc xưa. Hakuin nghĩ đến việc gộp Chung Quỳ (Shoki) vào
nhóm này có lẽ vì khi đó, Chung Quỳ (Shoki) cũng được xem như một vị thần bảo
vệ nhà cửa và người dân thường treo những bức tranh vẽ Chung Quỳ (Shoki) trong
nhà, đặc biệt là vào Ngày lễ của các Bé trai diễn ra vào tháng năm âm lịch.”
Với ý nghĩa là một tín ngưỡng niềm tin của người dân Nhật Bản, và từ ghi
chép trên của nhà nghiên cứu lịch sử nghệ thuật Patricia Graham, không khó để
hiểu rằng việc mỗi con người sẽ có một cái nhìn riêng về Thất Phúc Thần và mong
muốn được thờ phụng một nhóm các vị thần khiến họ cảm thấy thích hợp và hài
lòng. Suy cho cùng, tín ngưỡng Thất Phúc Thần cũng bắt đầu từ những người dân
thường để cầu may mắn cho cá nhân mình, nên việc mất một khoảng thời gian dài
để Thất Phúc Thần trở thành một nhóm như bây giờ là một việc có thể lý giải được.
Chính vì vậy, cả quá trình hình thành Thất Phúc Thần từ thuở ban đầu cho đến bây
giờ là một quá trình tiếp thu và thay đổi vô cùng đậm nét văn hóa của Nhật Bản.
Cũng như từ việc Nhật Bản không ngừng tiếp thu có chọn lọc những tinh hoa văn
hóa từ các nước khác, vấn đề có những thay đổi trong quá trình phát triển của Thất
Phúc Thần trong lịch sử là có thể xảy ra, và là một minh chứng trong tiến trình lịch
sử trong việc tiếp nhận văn hóa vô cùng đa dạng, phong phú và linh họat của con
người Nhật Bản để hình thành nên một nét đẹp văn hóa truyền thống như hiện tại.
Bàn về sự ra đời của những cuộc hành hương, trong thời đại Tenmei (1781-
1789) Edo, việc viếng thăm các đền thờ thờ Thất Phúc Thần đã dần phát triển rộng
rãi trong khoảng thời gian từ ngày đầu tiên đến ngày thứ bảy của năm mới để cầu
nguyện cho hạnh phúc trong năm, và điều đó đã trở thành một trong những sự kiện
thường niên cho đến thời hiện đại. Trong Kyowa Zakki được viết vào năm 1823
(Bunsei 6) có ghi rằng: “Trong những năm gần đây, nhiều người đã đến thăm Thất
Phúc Thần vào ngày đầu năm mới.” Đó cũng là khoảng thời gian mà người dân
52

hình thành phong tục đi ngủ với bức tranh của con tàu kho báu Takarabune chở
Thất Phúc Thần dưới gối của họ vào ngày đầu năm để có được những điều tốt lành
trong năm mới. Ở các thị trấn của Edo, những món quà có thiết kế như một con
tàu kho báu chở Thất Phúc Thần và các kho báu vàng bạc, kèm theo lời chúc: “Hãy
thức dậy sau một giấc ngủ dài và nghe âm thanh của những chiếc thuyền lướt sóng”
trở thành những món đồ cầu bình an cho năm mới. (Bách khoa toàn thư trực tuyến
Key, 2008)
Trong bài viết “七福神信仰の今昔” (Tín ngưỡng Thất Phúc Thần xưa và
nay) đã nhận định rằng vào cuối thời kỳ Edo khoảng thế kỷ XIX, các cuộc hành
hương đến thăm các đền thờ của các vị thần trong Thất Phúc Thần đã nở rộ trên
khắp đất nước như một cách thức người dân cầu mong cho công việc kinh doanh
thịnh vượng, sức khỏe tốt, có thể thực hiện nhiều ước nguyện lớn và có được may
mắn. Dần dần, những cuộc hành hương để mong ước những điều tốt lành đầu năm
như vậy đã trở thành nền tảng cho sự hình thành của cuộc hành hương thăm đền
thờ Thất Phúc Thần phổ biến với người dân ngày nay.
Từ đó, có thể nhận định rằng từ xa xưa, khác với sự xuất hiện và thờ phụng
có phần rời rạc và chưa hệ thống ở những giai đoạn lịch sử trước, Thất Phúc Thần
đã dần trở nên quen thuộc với người dân dưới tư cách một nhóm các vị thần may
mắn chính thức bắt đầu từ khoảng cuối thời kỳ Edo và phát triển cho đến hiện tại.

1.3.6. Giao thoa văn hóa và cách tiếp nhận văn hóa nước ngoài của người
dân Nhật Bản trong quá trình hình thành của Thất Phúc Thần
Đề cập đôi chút đến vấn đề giao thoa văn hóa, thông qua Thất Phúc Thần, có
thể thấy rõ ràng từ lâu Nhật Bản là luôn linh họat trong việc kết hợp nhiều yếu tố
với nhau. Thất Phúc Thần tiếp nhận các vị thần của Trung Quốc và Ấn Độ từ
khoảng thời kỳ Heian trở đi, và đã thay đổi rất nhiều lần để mang lại ý nghĩa phù
hợp cho từng giai đoạn. Ngoài ra, xét trên phương diện Thất Phúc Thần là một
nhóm hợp nhất, điều đó đã làm nổi bật nên nét đa dạng độc đáo trong văn hóa của
Nhật Bản từ thời xa xưa. Bằng cách tiếp thu có chọn lọc và vẫn không đánh mất
đi nét riêng vốn có, Nhật Bản đã xây dựng cho mình một bề dày lịch sử văn hóa
rất đáng tìm hiểu. Chính vì lẽ đó, trong công cuộc học hỏi và nghiên cứu về văn
hóa Nhật Bản, việc không phân biệt rõ ràng giữa chùa chiền và các đền thờ Thần
53

đạo hay giữa Thần đạo và Phật giáo, Hindu giáo là một việc rất thiếu tôn trọng đối
với các nền văn hóa và tôn giáo bản địa. Không thể xem tổng thể văn hóa các nước
châu Á là một do chúng chịu ảnh hưởng từ nhau và có những nét giống nhau, bởi
mỗi một đất nước đều đã biến hóa tài tình những nét chung ấy thành những nét
độc đáo riêng mà vẫn giữ được cái gốc vốn có trong từng yếu tố văn hóa. Như xét
đến Thất Phúc Thần trong đề tài nghiên cứu này, có thể thấy rằng Thất Phúc Thần
không được sinh ra hay tạo nên từ ý chí của riêng một cá nhân hay tổ chức xuất
chúng nào, mà được sinh ra từ niềm tin của những người dân bình thường. Thất
Phúc Thần không phải một tín ngưỡng hay một nhóm các vị thần chỉ được thờ
phụng trong triều đình hoàng gia, mà ngay cả những người dân cũng có khả năng
tiếp nhận các vị thần và niềm tin ngoại lai và thay đổi nhóm thành những nét văn
hóa riêng của họ. Thất Phúc Thần sinh ra từ sự kết hợp, hòa trộn giữa các giá trị
niềm tin và quan điểm của nhiều người, điều đó đã chứng minh tuy là một sự kết
hợp của các vị thần đến từ những quốc gia và tôn giáo khác nhau, nhưng qua quá
trình dài tiếp thu trong lịch sử, họ có thể đại diện cho tính chất và tinh thần của
Nhật Bản. Chính vì sự đa dạng đó của văn hóa châu Á nói chung và sự độc đáo
của văn hóa Nhật Bản nói riêng, việc các vị thần có sự thay đổi về vẻ bề ngoài hay
ý nghĩa cũng là những việc có thể lý giải được. Như đối sánh với Bát Tiên của
Trung Quốc đã được nhắc đến bởi Patricia Graham, cũng có những nghiên cứu
cho rằng Thất Phúc Thần là một phiên bản Nhật Bản hóa của Bát Tiên. Tuy nhiên,
cũng có nhiều nghiên cứu không nghĩ vậy. Như nghiên cứu của Erika Ichimura và
các tác giả khác (2013), không có lý thuyết xác thực nào khẳng định mối quan hệ
giữa Bát Tiên và Thất Phúc Thần, nhưng dựa trên sự du nhập và những trao đổi
văn hóa giữa Trung Quốc và Nhật Bản, cũng có thể hiểu rằng hai nước đã ảnh
hưởng đến nhau. Vậy nên ta có thể thấy được sự đồng điệu trong xu hướng nhóm
các vị thần lại để thờ phụng của người dân châu Á, phương Đông như Việt Nam
có Ông Địa-Thần Tài hay Ấn Độ có Tam thần Ấn giáo,… Tuy nhiên, việc đánh
đồng Thất Phúc Thần của Nhật Bản và Tám vị thần tiên của Trung Quốc là một
việc làm thiếu trách nhiệm trong việc nghiên cứu văn hóa phương Đông và bản
sắc văn hóa riêng của mỗi dân tộc. (Erika Ichimura và các tác giả khác, 2013)
Phân tích như vậy là để có thể khẳng định rằng, bề dày văn hóa phương Đông
và những sự ảnh hưởng của chúng xen lẫn nhau không làm cho bản sắc các nước
54

châu Á trở nên một màu, mà ngược lại, nó càng làm nổi bật lên những nét đẹp
riêng trong cách tiếp nhận và biến hóa của riêng mỗi đất nước. Không thể phủ
nhận sự tác động của văn hóa và tôn giáo Ấn Độ và Trung Quốc vào Nhật Bản từ
thế kỷ thứ 5, nhưng với sự phát triển rộng lớn và tầm ảnh hưởng mạnh mẽ của
Thất Phúc Thần ở thời điểm hiện nay, ta có thể thấy được những nỗ lực của Nhật
Bản trong quá trình tiếp biến văn hóa để bảo tồn những nét truyền thống của dân
tộc mà vẫn chấp nhận một cách có chọn lọc kỹ càng những nét văn hóa mới để
làm giàu thêm bản sắc văn hóa của mình. Nghiên cứu Thất Phúc Thần của Nhật
Bản cũng là một quá trình tìm hiểu và trân trọng nét đẹp riêng đó của Nhật Bản.

Tiểu kết
Nhìn chung, ở phần trình bày trên, nhóm nghiên cứu đã phân tích một cách
rõ ràng, hệ thống và đầy đủ về tên gọi, nguồn gốc, ý nghĩa, đặc điểm nhận dạng của
riêng mỗi vị thần trong nhóm Thất Phúc Thần trong không gian văn hóa từ bản địa
là Trung Quốc, Ấn Độ cho đến Nhật Bản. Đồng thời, nhóm nghiên cứu cũng phần
nào làm rõ và đưa ra lý giải mang tính tham khảo cho sự du nhập của các vị thần
vào văn hóa Nhật Bản cũng như giải thích sự thay đổi và phát triển trong lịch sử
của các vị thần thông qua việc phân tích bối cảnh lịch sử Nhật Bản đương thời, từ
nửa sau thời kỳ Heian với sự xuất hiện đầu tiên của Daikokuten và Ebisu cho đến
những bước đầu của sự hình thành nhóm vào thời Muromachi, tiếp theo đó, trong
thời kỳ trung cổ với sự du nhập của Phật giáo, các vị thần Phật giáo Trung Quốc
như Jurojin, Fukurokuju và Hotei đã đến Nhật Bản theo con đường giao thoa văn
hóa, tôn giáo. Bishamonten và Benzaiten cũng theo chân Daikokuten đến Nhật Bản
từ rất sớm, nhưng lại không được thờ phụng riêng lẻ mà theo một nhóm xoay quanh
Daikokuten (trong một số phiên bản là các mặt của Daikokuten). Cho đến thời kỳ
Nhật Bản phân chia hai miền Nam Bắc, Bishamonten mới dần bắt đầu được thờ
phụng như một vị thần riêng mang lại may mắn cho chiến thắng. Như vậy, trước
khi Bishamonten và Benzaiten gia nhập vào nhóm các vị thần may mắn để trở thành
Thất Phúc Thần, có thể năm vị thần bao gồm: Ebisu, Daikokuten, Jurojin,
Fukurokuju và Hotei đã được biết đến và thờ phụng dưới tư cách các vị thần may
mắn phổ biến và nổi bật. Về sau, sau rất nhiều phiên bản thay đổi các vị thần may
mắn, Bishamonten được thêm vào nhóm các vị thần may mắn này và cuối cùng là
55

Benzaiten sau khi đã được người dân nhìn nhận dưới góc độ tôn giáo gốc cũng như
giao thoa Hindu giáo – Phật giáo và Thần đạo; từ đó được thờ phụng nhiều hơn ở
Kyoto. Như vậy, Thất Phúc Thần đã trải qua quá trình hệ thống hóa dần và giảm
bớt những thay đổi trong các thành viên, từ thế kỷ XVII trải dài đến cuối thời Edo,
cuối cùng được xác định như một nhóm chính thức với bảy thành viên kể trên bằng
sự xuất hiện của những cuộc hành hương đến thăm đền thờ của Thất Phúc Thần.
Từ đó, cho thấy những nét đẹp trong văn hóa Nhật Bản khi Nhật Bản vừa chắt lọc
những tinh hoa mới vừa bảo tồn được những nét truyền thống cũ để làm giàu thêm
bản sắc của mình.
Từ đây, nhóm nghiên cứu đi sâu hơn vào nghiên cứu đặc điểm và đặc biệt là
ảnh hưởng của Thất Phúc Thần trong đời sống tinh thần cũng như văn hóa nghệ
thuật Nhật Bản thông qua đa dạng những khía cạnh lấy đời sống người Nhật làm
trung tâm.
56

CHƯƠNG 2: ĐẶC ĐIỂM VÀ ẢNH HƯỞNG CỦA THẤT PHÚC THẦN TRONG
ĐỜI SỐNG TÍN NGƯỠNG, VĂN HÓA CỦA NGƯỜI NHẬT

2.1. Đặc điểm của Thất Phúc Thần


Như nhóm nghiên cứu đã đề cập ở chương 1, Thất Phúc Thần là Bảy vị thần
may mắn trong tín ngưỡng, văn hóa đời sống của người dân Nhật Bản, bao gồm
Ebisu, Daikokuten, Bishamonten, Benzaiten, Fukurokuju, Jurojin và Hotei. Mỗi vị
thần đều mang những đặc điểm và vai trò riêng biệt. Và thông qua những đặc điểm
và vai trò riêng đó, mỗi vị thần còn mang lại những ý nghĩa đặc biệt trong cuộc
sống của người dân Nhật Bản, chính vì những điều đó, những đặc điểm và vai trò
của Thất Phúc Thần đã hình thành nên phong tục, tập quán thờ cúng của người dân
Nhật Bản lúc bấy giờ.
Nhóm nghiên cứu sẽ tổng hợp những đặc điểm và vai trò Thất Phúc Thần
của Nhật Bản thông qua bảng sau:

Bảng 2.1. Tổng hợp những đặc điểm và vai trò của Thất Phúc Thần

Tên vị thần Đặc điểm Vai trò

Khuôn mặt cười toe toét, có cần câu được


Giám hộ các ngành nghề,
giữ trong vai phải hoặc trên vai phải; dưới
Ebisu đặc biệt là đánh bắt cá, nông
cánh tay trái giữ con cá hồng lớn hoặc con
nghiệp và thương mại.
cá tráp lớn.

Vị thần tượng trưng cho sự


Vị thần vui vẻ và đội mũ của người nông
giàu có, thịnh vượng và trí
Daikokuten dân; đứng trên hai kiện gạo cầm búa ma
tuệ, đem lại mùa màng bội
thuật và bao tải kho báu lớn.
thu trong nông nghiệp.

Vị thần của chiến binh, cầu


Mặc áo giáp, vẻ ngoài dữ tợn và đứng trên nguyện cho chiến thắng
Bishamonten đỉnh chà đạp một hoặc hai con quỷ; một trước trận chiến; vị thần
tay cầm vũ khí và một tay cầm bảo tháp. chống lại yêu ma bệnh dịch
và ban thưởng của cải, sự
57

giáu có, may mắn và con


cái.

Vị thần bảo trợ cho âm


nhạc, nghệ thuật, văn học,
thơ ca, diễn ngôn, nghệ
Vị nữ thần duy nhất trong Thất Phúc Thần,
Benzaiten thuật biểu diễn và cũng
tay cầm đàn Biwa.
được cầu nguyện để chấm
dứt hạn hán và lũ lụt, đảm
bảo bội thu mùa màng.

Vị thần bảo hộ mang lại sự


Vị thần có râu và có vầng trán dài, tay cầm
Fukurokuju giàu có, vận may, hạnh phúc
gậy và một cuộc giấy.
và tuổi thọ.

Vị thần xuất hiện là một ông già với bộ râu


Vị thần đại diện cho sự
dài tóc bạc trắng, tay cầm một quyền
Juroujin trường thọ, sức khỏe và trí
trượng với một cuộn giấy được buộc vào
tuệ.
đó, thường đi với một con hươu.

Vị thần là hiện thân của Phật Di Lặc, Vị thần của sự hài lòng và
khuôn mặt vui vẻ và bụng phệ, tay cầm hạnh phúc, bảo vệ trẻ em và
Hotei
quạt và mang một chiếc túi vải lớn trên bảo trợ tài sản gia đình, hòa
lưng. bình và yên ổn.

2.2. Ảnh hưởng của Thất Phúc Thần đến đời sống văn hóa, xã hội Nhật Bản
2.2.1. Ảnh hưởng của Thất Phúc Thần đến phong tục, tập quán truyền thống
a. Cuộc hành hương của Thất Phúc Thần
Trước tiên, chúng ta tìm hiểu về khái niệm hành hương, hành hương là chỉ
người sùng đạo đi đến những nơi xa xôi được coi là linh thiêng như đền, chùa để
cúng bái cho thỏa sự ngưỡng vọng. (Hoàng Phê, 2003, tr. 422)
58

Theo Huỳnh Công Hiếu, hành hương là chuyến đi của những tín đồ thực sự
đến những thắng tích liên quan đến tôn giáo của mình vào những thời điểm hay
sự kiện quan trọng của chính tôn giáo đó. (Huỳnh Công Hiếu, 2015, tr. 19)
Theo Nelia Hyndman-rizk, hành hương có thể được hiểu là một khái niệm
tâm linh cụ thể mang tính tinh thần đặc biệt, trong đó nhấn mạnh việc theo đuổi
sự tự nhận thức thông qua chuyến đi. (Nelia Hyndman-rizk, 2012, tr.21)

• Chủ thể thực hiện cuộc hành hương


Có thể nói, cuộc hành hương của Thất Phúc Thần cũng được coi là phong tục
đón tết của người Nhật Bản. Trong những ngày đầu tiên của năm, người dân Nhật
Bản thường đến thăm đền thờ Shinto hoặc các ngôi đền Phật Giáo và họ thường
tập trung rất đông đúc để thực hiện nghi thức cầu nguyện, nhận bùa may mắn, bùa
hộ mệnh, những hình ảnh thần thánh thiêng liêng và bài vị. Người dân Nhật Bản
thường đến thăm các đền thờ trong khoảng thời gian này để cầu nguyện cho sự
may mắn và hạnh phúc trong năm mới. Hơn nữa, Thất Phúc Thần đóng vai trò đặc
biệt với tầm ảnh hưởng về tín ngưỡng, văn hóa trong đời sống của người Nhật.
Những vị thần này là hiện thân cho sự kỳ vọng và hy vọng của người dân đến thăm
các địa điểm thờ cúng thiêng liêng, sự kỳ vọng và hy vọng đó chính là sức khỏe,
sự thịnh vượng về tài lộc, trường thọ, sự thành công, bảo vệ khỏi thiên tai và hạnh
phúc. Thất Phúc Thần (gồm Ebisu, Daikokuten, Bishamonten, Benzaiten, Hotei,
Jurojin, Fukurokuju) là các vị thần đều mang những tính cách khác biệt và đến từ
những nền văn hóa khác nhau, từ Ấn Độ, Trung Quốc và Nhật Bản và các vị thần
còn gắn liền với các truyền thống tôn giáo khác nhau, cụ thể là Phật giáo, Ấn Độ
giáo, Đạo giáo và Thần Đạo, và được tôn thờ lẫn nhau tại các tổ chức tín đồ Phật
giáo. (Tatsuma Padoan, 2019)

• Thời gian và không gian thực hiện cuộc hành hương


Có nhiều ngôi chùa và các đền thờ thờ phụng Thất Phúc Thần ở mọi nơi trên
khắp đất nước Nhật Bản. Mỗi vị thần đều được thờ phụng trong các ngôi đền và
ngôi chùa khác nhau. Tín ngưỡng thờ phụng Thất Phúc Thần cũng đang được lan
rộng trên đất nước Nhật Bản, người dân Nhật Bản có thể đi viếng thăm bất cứ thời
59

gian nào trong năm nhưng đặc biệt là trong tháng Giêng vì đó là tháng đầu tiên của
năm mới.
Các cuộc hành hương của Thất Phúc Thần đã được lan truyền phổ biến vào
thời đại Edo. Đặc biệt là vào từ mồng 1 đến mồng 7 Tết là khoảng thời gian hành
hương đến các đền thờ và được cho là mang lại hạnh phúc, vận may trong một
năm. Đây không phải là điều tốt vì sẽ nhận bảy điều phước lành của thần may mắn
cùng một lúc. Cuối cùng, một khóa học đến thăm nhiều nơi khác nhau được tạo ra,
và tên của địa điểm đã được thêm vào và nó được gọi là “~shichifukujin” (Thất
Phúc Thần ở ~). Cho đến hiện tại, Thất Phúc Thần đang được hình thành như một
khóa học tham quan, cuộc hành hương viếng thăm từng đền thờ của Thất Phúc
Thần tại Nhật Bản. (Nobukata Inoue, 1999, tr.76)
Hiện nay, có rất nhiều cuộc hành hương đang diễn ra trên đất nước Nhật Bản,
nhưng trong số đó được phổ biến nhất là ở Tokyo. Trong một cuộc hành hương
của Thất Phúc Thần sẽ đi đến bảy ngôi đền của bảy vị thần của Nhật Bản và có
hơn 20 cuộc hành hương của Thất Phúc Thần đang được tổ chức toàn Tokyo. Sự
hồi sinh mạnh mẽ của cuộc hành hương này trong năm năm qua có thể liên quan
đến quá trình hàng hóa và phổ biến hóa thông qua các phương tiện truyền thông,
đã quảng bá các hình thức du lịch tôn giáo trên TV, tạp chí, sách và internet, và
cũng đã thu hút những người hành hương từ khắp đất nước. Một mặt, do sự trung
gian hóa hành hương như vậy, không thể tách biệt rõ ràng các chuyến thăm đến
các địa điểm tôn giáo này với hiện tượng tiếp thị và du lịch thông thường. Mặt
khác, lưu hành trong thủ đô và các quận lân cận - và cũng từ nước ngoài, điều này
được chứng minh bằng sự gia tăng du khách từ Trung Quốc, Hàn Quốc và Đông
Nam Á - gần đây đã làm tăng cường chiều xuyên tâm địa của những con đường
mòn của các vị thần may mắn ở Tokyo. (Tatsuma Padoan, 2019)
Theo nhóm nghiên cứu đã tìm hiểu, có rất nhiều cuộc hành hương Thất Phúc
Thần rất phổ biến ở Tokyo. Tuy nhiên, nhóm nghiên cứu nhận thấy cuộc hành
hương Thất Phúc Thần tại Asakusa là cuộc hành hương phổ biến nhất tại Tokyo .
Có thể nói, Asakusa là một địa điểm tham quan rất nổi tiếng, là nơi có những ngôi
đền chùa mang lịch sử lâu đời và cũng có nhiều địa danh nổi tiếng ở những nơi
khác nhau.
60

Hình 2.1. Bản đồ hướng dẫn cuộc hành hương tại Asakusa
(Nguồn: http://www.asakusa7.jp/map.html)
Sau khi đi tham gia từng ngôi đền, mọi người sẽ nhận được ema (絵馬) may
mắn để gắn vào cành tre may mắn để cầu nguyện. Và qua từng ngôi đền, mọi người
sẽ nhận được một con dấu đỏ goshuin trên giấy màu của từng ngôi đền khi tham
quan nơi đó. Goshuin là con dấu được đóng trên chữ của các bức thư hoặc tranh
viết như một minh chứng của người sở hữu đã đến thăm ngôi chùa. Các goshuin
không giống nhau bởi nó phụ thuộc vào đền và chùa, do đó Goshuin rất được yêu
thích bởi đây là kỉ niệm đặc biệt mà chỉ chủ nhân của nó mới có. Những năm gần
đây, việc sưu tập Goshuin đã dần trở thành trào lưu mới tại Nhật Bản. (Thanh Nga,
2018)

Hình 2.2. Hình ảnh bức tranh màu nhận dấu mộc đỏ Goshuin khi tham quan từng ngôi đền thờ
phụng những vị thần may mắn
(Nguồn: https://otorisama.or.jp/shichifuku.html)
61

Có thể nói, cuộc hành hương của Thất Phúc Thần tại Nhật Bản đã trở thành
một trong những phong tục tập quán phổ biến vào những ngày đầu năm mới. Cuộc
hành hương còn là một trong những tín đồ không thể thiếu của người dân Nhật
Bản vì nó sẽ đem lại nhiều vận may, nhiều điều tốt đẹp cho năm mới. Do đó, cuộc
hành hương của Thất Phúc Thần đem lại nhiều ý nghĩa đặc biệt đối với những tín
đồ thực hiện cuộc hành hương. Chính vì điều đó, cuộc hành hương này phản ánh
những niềm tin, khát vọng của con người trong cuộc sống và mong muốn cho
cuộc sống của mình ngày càng trở nên bình an và hạnh phúc trong năm mới. Theo
đó, người Nhật từ thời Edo đến nay luôn thực hiện việc đến các đền, chùa, thần
xã trong bảy ngày đầu năm để cầu nguyện sự ban phúc của tất cả bảy vị thần phúc
này. (Nguyễn Anh Tuấn, 2016)

b. Lễ hội phổ biến về Thất Phúc Thần


Nhật Bản vốn là một nước nông nghiệp, chịu ảnh hưởng rất nhiều từ Thần
Đạo và Phật giáo, văn hóa lễ hội Nhật Bản mang sắc thái đình làng rất rõ rệt. Ngày
xưa khi nước Nhật chưa bước vào thời kỳ cách mạng công nghiệp cuối thế kỷ 19,
lễ hội Nhật Bản thường tập trung vào hai mùa trong năm, mùa xuân (mùa gieo hạt)
và mùa thu (mùa thu họach) theo lịch sinh họat của nông thôn để cầu cho “mưa
thuận gió hòa”. Mỗi làng xã đều có một đền thờ Thần đạo, đây vừa là nơi tế lễ
nhưng đồng thời cũng là địa điểm tổ chức hội hàng, nơi tụ tập để vui chơi, giải trí
của lễ hội. (Hồng Lê Thọ, 2002)
Lễ hội Nhật Bản vốn được tổ chức ở nhiều ngôi đền Thần đạo khác nhau.
Nhật Bản là một trong những quốc gia nổi tiếng trên thế giới duy trì và phát triển
lễ hội của khoảng hơn 80,000 đền Thần trong cả nước. Lễ hội Nhật Bản là một
họat động vừa mang tính tín ngưỡng, vừa có tính cộng đồng trong sinh họat văn
hóa của người dân, đồng thời thể hiện mối quan hệ giao lưu hài hòa giữa con người,
thiên nhiên và thần thánh. (Nguyễn Võ Kiều Trinh, 2010)
Với ý nghĩa là những vị thần mang lại may mắn, Thất Phúc Thần được người
dân thờ phụng qua các lễ hội ở nhiều khu vực trên toàn nước Nhật Bản và một
phần Nhật Bản là quốc gia mà người dân mang tín ngưỡng thần đạo với mong
muốn mang lại nhiều điều tốt đẹp trong năm mới.
62

Với các lễ hội liên quan đến Thất Phúc Thần thì tuy có nhiều lễ hội, tuy nhiên
để đảm bảo được tính phổ biến và ý nghĩa, nhóm nghiên cứu xin được lấy hai lễ
hội tiêu biểu gồm lễ hội Toka Ebisu và lễ hội Kanda.

• Lễ hội Toka Ebisu(十日戎)

Nguồn gốc lễ hội


Theo Yoshitaka Yoshii, từ cuối thời Muromachi đến thời Edo, Toka Ebisu
đã thu hút được lòng tin của người dân và trở nên nổi tiếng như một sự kiện huy
hoàng tráng lệ. Vào thời kì cận đại và khi thế giới bước vào thời kỳ hòa bình,việc
xem núi và hành hương đến đền thờ của người dân thường trở nên rất phổ biến, và
các ấn phẩm như sách hướng dẫn về các địa điểm nổi tiếng và hình minh họa bắt
đầu được xuất bản để cạnh tranh. Địa chí của vùng lân cận tiêu biểu là tỉnh Settsu
luôn đề cập đến Toka Ebisu và trở nên nổi tiếng vào thời điểm đó, điều này khiến
Toka Ebisu càng trở nên nổi tiếng hơn. (Yoshikata Yoshii, 1999).
Lễ hội Toka Ebisu từng được gọi là lễ hội Igomori. Hàng năm vào đêm trước
lễ hội lớn vào ngày 10 tháng Giêng, tất cả các giáo dân đều treo ngược cây
kadomatsu (門松) mà họ đã dựng từ đầu năm, và đóng cửa, treo chiếu và không
ra ngoài cả đêm. Vào đầu giờ ngày hôm sau, họ mở từng cánh cửa và cạnh tranh
với nhau để dự đền thờ. (Hironori Arakawa, 2009)

Thời gian và không gian lễ hội


Lễ hội Ebisu được tổ chức tại vùng Kansai và tập trung chủ yếu là lễ hội Toka
Ebisu vào ngày 9, 10, 11 tháng Giêng hàng năm. Tuy nhiên, tên của vị thần chính
được tôn thờ đối với Ebisu thì khác nhau tùy thuộc vào những đền thờ. Đền
Nishinomiya, Đền Yanagihara Ebisu ở Kobe và Đền Horikawa Ebisu ở Osaka
được tôn là Thần Ebisu, và Đền Imamiya Ebisu, Đền Noda Ebisu, Đền Kyoto
Ebisu, Đền Amagasaki Ebisu,... được tôn là Kotoshiro nushi cũng chính là một tên
gọi khác của vị thần Ebisu. Mặc dù thực tế là mỗi ngôi đền có một lịch sử khác
nhau nhưng sự kiện Toka Ebisu được tổ chức theo cùng một cách. (Ooi Sawano,
2016)
Trong số những ngôi đền thờ Ebisu trên khắp đất nước, Đền Nishinomiya ở
thành phố Nishinomiya, tỉnh Hyogo, được cho là ngôi đền chính của Ebisu và Đền
63

Imamiya Ebisu ở thành phố Osaka tổ chức lễ kỷ niệm Toka Ebisu trong ba ngày
vào ngày 9, 10 và 11 tháng Giêng. Sự kiện thường niên này thu hút nhiều tín đồ
hàng năm và còn được biết đến với biệt danh Ebessan ở vùng Kansai. (Ooi Sawano,
2016)

Đặc điểm lễ hội


Tại đền Nishinomiya, tỉnh Hyogo, lễ hội Toka Ebisu được tổ chức vào ngày
9 đến ngày 11 tháng Giêng và lễ hội chính là vào ngày 10. Công việc chuẩn bị cho
lễ hội Toka Ebisu được thực hiện vào ngày 8 tháng 1 kèm theo con cá ngừ lớn với
tiếng hò hét của các thanh niên trẻ tuổi ngoài chợ bán buôn.
Vào ngày 9 của lễ hội, “kentoshiki” (献湯式)và “Yoimiyasai” (宵宮祭)
được tổ chức bởi các geisha từ suối nước nóng Arima. Và vào lúc 12 giờ đêm, tất
cả các cổng đền đều đóng và bước vào Igomori.
Nghi lễ cổng Toka Ebisu được tổ chức vào ngày 10 tháng 1 hàng năm. Vào
lúc 6:00 sáng, cổng Omote Daimon, cổng chính của ngôi đền, được mở ra và các
tín đồ chạy qua quãng đường khoảng 230 mét để đến ngôi đền phía trước. Trong
số đó, ngôi đền công nhận những người lọt vào top ba là "Fukuo". Tính đến năm
2013, có hơn 3.000 người tham gia. Một phần do ảnh hưởng của các phương tiện
truyền thông đại chúng, nghi lễ Thần đạo này được biết đến nhiều ở vùng Kinki.
(Hironori Arakawa, 2014)
Nghi lễ mở cổng Toka Ebisu tại đền Nishinomiya là một phong tục cổ xưa
được hình thành trong quá trình phát triển đô thị. Khi Nishinomiya trở nên đô thị
hóa hơn do sự hồi sinh của các cuộc hành hương, sự phát triển của các vùng ngoại
ô và lời mời mở cửa của các trường đại học và học viện, sức mạnh và nền văn hóa
trẻ không bị ràng buộc bởi những thói quen cũ đã được nuôi dưỡng ở đó. (Hironori
Arakawa, 2014)
64

Hình 2.3. Hình ảnh lễ hội Toka Ebisu tại đền Nishinomiya
(Nguồn: https://santourgiare.net/kham-pha-2-le-hoi-lon-nhat-ma-du-khach-nen-di-khi-
toi-osaka)

Tại đền Imamiya, nói đến lễ hội Toka Ebisu thì người ta thường nhắc đến
loại cỏ tre mang về để mang lại sự thịnh vượng trong công việc làm ăn. Từ xa xưa,
tre đã gắn bó mật thiết với cuộc sống của người Nhật, bao gồm văn học, nghệ thuật,
nghệ thuật biểu diễn và các bài báo dân gian. Hơn hết, tre có một sức sống mãnh
liệt và sự thần bí như sự thuần khiết. Bộ rễ của tre còn tượng trưng cho sự chắc
khỏe và bền bỉ, đốt cháy đi những chịu đựng gian khổ. Việc sử dụng tre trong các
nghi lễ Thần đạo tại Nhật Bản đã trở nên phổ biến từ việc Kaguya Hime trong
Taketori Monogatari sinh ra từ tre đã trở thành niềm tin của người Nhật từ khi đó.
Qua đó, trong tín ngưỡng của người Nhật liên quan đến Thần đạo, tre tượng trưng
cho sự tái sinh và phát triển sự sống.

• Lễ hội Kanda (神田祭り)

Lễ hội Kanda được người dân thường tổ chức rộng rãi hai năm một lần rất
lớn và sôi động. Lễ hội này là một trong ba lễ hội lớn nhất ở Tokyo (cùng với lễ
hội Sanja và lễ hội Sanno). Lễ hội này còn là sự tương đồng giữa hiện đại hóa và
văn hóa truyền thống thông qua cuộc diễu hành có sự xuất hiện của các loại kiệu
Mikoshi. Qua đó, cho ta thấy được nét độc đáo truyền thống của Nhật Bản giữa sự
giao thoa về truyền thống lẫn hiện đại.

Nguồn gốc lễ hội


Trước đây, lễ hội thường được tổ chức vào ngày 15 tháng 9, vì đây là ngày
vị tướng Ieyasu Tokugawa đã giành chiến thắng quyết định trong trận chiến
65

Sekigahara. Nhờ chiến thắng này, Ieyasu Tokugawa đã trở thành một trong những
biểu tượng Shogun hay một vị thần của Thần đạo Shogun của Nhật Bản. Và do
đó,người dân Edo bắt đầu gọi lễ hội Kanda là lễ hội Tenka, với ý nghĩa là lễ hội
của thống nhất non sông, hay lễ hội Chế độ Tướng quân (Shogunate Festival) vì
Tướng quân Ieyasu Tokugawa đã thống nhất được toàn nước Nhật. Trong thời kỳ
Edo (1603- 1868), các Kanda Matsuri được tổ chức trong khuôn viên lâu đài Edo,
nơi Shogun có thể xem đám rước diễu hành. Đó là lý do tại sao lễ hội này còn được
biết đến như là Edo Tenka Matsuri - lễ hội của Đạo Thờ thần Shogun với sức mạnh
của trời đất. (Nguyễn Thị Thu Trang, 2013)

Thời gian và không gian lễ hội


Lễ hội Kanda được tổ chức tại đền Kanda. Đền Kanda được xây dựng vào năm
730 thờ Thần Onamuchi no Mikoto (Daikoku), Thần Sukunahiko no Mikoto (Ebisu),
Thần Taira no Masakado no Mikoto. Đền nổi tiếng với lễ hội Kanda-matsuri được tổ
chức vào tháng 5 mỗi năm với 200 “kiệu thần” gọi là Mikoshi đi diễu hành trên đường
phố với ý nghĩa ban phước lành đến mọi người (Nguyễn Võ Kiều Trinh, 2010)

Hình 2.4. Lễ hội Kanda


(Nguồn: https://ja.wikipedia.org/wiki/%E7%A5%9E%E7%94%B0%E7%A5%AD)

Đặc điểm lễ hội


Lễ hội Kanda thường được bắt đầu với một đại lễ tạ ơn đối với các Thánh
thần và điểm đặc biệt là đại lễ này được thực hiện thông qua nghệ thuật kịch Noh
để cầu nguyện cho hòa bình và sự no đủ quanh năm. Và sau lễ tạ ơn thần linh,
người ta tiếp tục làm lễ để đưa linh hồn của ba vị thánh (Daikoku, Ebisu,
Masakado) nhập vào ba chiếc kiệu Mikoshi. Cùng thời điểm đó, tại các ngôi đền
66

lân cận, người dân cũng làm lễ nhập hồn Thánh vào kiệu có bánh xe để chuẩn bị
cho các cuộc rước. (Nguyễn Thị Thu Trang, 2013)
Sau những nghi lễ tạ ơn và nhập hồn Thánh là hai đám rước rất lớn hay hai
cuộc diễu hành tâm linh rầm rộ, náo nhiệt trong hai ngày lễ hội chính trên các
đường phố quanh khu vực đền Kanda. Đám rước hay cuộc diễu hành dọc theo các
con phố lớn xung quanh đền Kanda và đặc biệt sẽ dừng lại trước các cửa hàng lớn
trên khu vực để đáp lễ và để chủ nhân của các cửa hàng được phép làm lễ trước
đám rước. Trong buổi chiều đầu tiên, một số mikoshi của người dân địa phương,
cùng với các nhạc sĩ chơi trống và sáo, sẽ được mang rước khắp các phố rồi trở về
các ngôi đền nhỏ của họ. Một nghi lễ của đạo Shinto sẽ được tổ chức ngay sau đám
rước, theo sau là một điệu nhảy truyền thống cầu cho sự thịnh vượng và một vụ
mùa bội thu. (Nguyễn Thị Thu Trang, 2013)
Cuộc diễu hành ngày thứ hai cũng bắt đầu với hơn 70 kiệu mikoshi (Nguyễn
Thị Thu Trang, 2013). Chiếc kiệu mikoshi cũng là một trong những nét độc đáo
của lễ hội Kanda vì nó mang đến sự linh thiêng của Thần đạo như là ban những
phước lộc và may mắn, sự thịnh vượng cho những người kinh doanh và những
người dân địa phương.
Tóm lại, lễ hội Kanda là một trong những sự kiện đặc biệt mang ý nghĩa quan
trọng đối với người dân Nhật Bản và cho thấy nó còn là cộng đồng tập hợp tất cả
các người dân hòa nhập, thể hiện tinh thần đoàn kết. Ngoài ra, dù ở trong một xã
hội hiện đại, người dân Nhật Bản vẫn luôn giữ những nét văn hóa truyền thống và
họ vẫn cần có điểm tựa tinh thần chính là yếu tố tâm linh về Thần đạo vì nó biểu
hiện cho sự linh thiêng cao cả nhất.
Qua đó, lễ hội và cuộc hành hương của Thất Phúc Thần trong tín ngưỡng và
văn hóa của Nhật Bản là một biểu hiện sinh họat cộng đồng, thực hiện niềm tin và
ước vọng của con người. Lễ hội liên quan đến Thất Phúc Thần nói riêng và các lễ
hội Nhật Bản nói chung đều được chịu sự ảnh hưởng của Thần đạo. Có thể nói, lễ
hội Nhật Bản tô thêm vẻ màu sắc và trở thành linh hồn không thể thiếu trong tín
ngưỡng, văn hóa Nhật Bản. Ngoài ra, nhóm nghiên cứu nhận thấy rằng, cuộc hành
hương của Thất Phúc Thần và lễ hội của Thất Phúc Thần hầu như đều tồn tại một
cách riêng lẻ mà không có tồn tại chung trong từng ngôi đền và lễ hội là do mỗi vị
thần đều xuất hiện riêng lẻ ở những khoảng thời gian lịch sử cụ thể và xuất hiện ở
67

nguồn gốc và các lĩnh vực riêng biệt. Sau này người dân đều có mong muốn cầu
sự may mắn, hạnh phúc nên họ đã gộp lại thành bảy vị thần may mắn. Về lý do vì
sao người dân Nhật Bản thời bấy giờ lại chọn kết hợp bảy vị thần lại với nhau
thành Thất Phúc Thần mà không phải là một con số nào khác thì như nhóm nghiên
cứu cũng đã trình bày ở chương 1, thì con số 7 được coi là một con số thiêng liêng
và người dân Nhật Bản cũng thường thờ phụng con số 7 này và từ đó ảnh hưởng
của số 7 đã tác động đến văn hóa và đời sống của người dân Nhật Bản lúc bấy giờ.

2.2.2. Ảnh hưởng của Thất Phúc Thần đến đời sống nghệ thuật
Nghệ thuật Nhật Bản là một trong những nền nghệ thuật lớn nhất thế giới.
Nghệ thuật được tạo ra bởi con người và thiên nhiên luôn là nguồn cảm hứng chính
trong lối sống của người Nhật. Tín ngưỡng, tôn giáo cũng là đề tài phổ biến để các
nghệ sĩ Nhật Bản khai thác, từ đó cho ra đời những tác phẩm sáng tạo và mới lạ.

a. Lịch sử
Ở thời Muromachi con số “bảy” là một con số thiêng liêng. Ví dụ như “bảy
điều xui xẻo”, “bảy điều may mắn”, con số này còn mô phỏng "Thất hiền của rừng
trúc" rất phổ biến vào thời điểm đó. Mọi người tin rằng Thất Phúc Thần được ra
đời từ sự kết hợp của bảy vị thần. Đó là câu chuyện nổi tiếng về bảy người giàu có
tụ tập uống rượu sake và tham gia thảo luận tự do. Năm 1420, có một ghi chép đã
nói rằng một cuộc diễu hành của Thất Phúc Thần được tổ chức tại Fushimi, Kyoto
và “Bảy tên trộm thần may mắn”, những người hóa trang thành Thất Phúc Thần
đã xuất hiện ở Kyoto trong thời đại Bunmei (1469-1487). Ngoài ra, Tani Buncho
(1763-1840), một họa sĩ vào cuối thời Edo đã viết trong cuốn sách Sanyo Zakki
của mình rằng "Những bức tranh về Thất Phúc Thần chưa từng được nhìn thấy
trước Shoei Kano" (được trích dẫn bởi diễn đàn 7key.jp, 2008). Shoei Kano - một
họa sĩ của trường phái Kano thời Azuchi-Momoyama, sinh năm 1519 và mất ngày
21 tháng 10 năm 1592 (24 tháng 11 năm 1592). Từ những sự việc thực tế này thì
hệ thống Thất Phúc Thần đã được cho là hình thành từ những ý tưởng tích lũy tài
sản, mong muốn may mắn và có được những lợi ích trần tục trong văn hóa của
người dân thị trấn vào thời Muromachi.
68

b. Mỹ thuật
Nói đến các loại hình nghệ thuật ở Nhật Bản, loại hình mỹ thuật đã có từ lâu
đời, tinh túy nhất và luôn được nhìn nhận với tài năng khắc họa vẻ đẹp thiên nhiên
đất trời một cách sâu sắc, đi vào lòng người, còn những bức tranh đạo với nghệ
thuật đặc tả luôn khơi gợi cảm xúc người nhìn. Cùng với dòng chảy thời gian, tuy
có nhiều thăng trầm, biến cố nhưng người Nhật vẫn luôn duy trì bản sắc truyền
thống và song song với việc dung nạp những tinh hoa hội họa nước ngoài. Khi
bước vào các phòng tranh ở Nhật thời nay, các bức tranh sẽ có xu hướng phân ra
hai dòng tranh chính là Youga (tranh kiểu Tây) và Nihonga (tranh kiểu Nhật).
Tranh kiểu Nhật phong cách chuẩn mực thời xa xưa của Nhật Bản và được thể
hiện trên các chất liệu truyền thống như giấy washi, lụa.

Bức tranh Bảy vị thần may mắn trên con tàu vào năm mới
Sự ra đời của thời kỳ Edo đánh dấu thời kỳ chủ nghĩa tư bản thương mại đang
tăng trưởng. Vì thế đức tin vào các vị thần như Thất Phúc Thần cũng ngày càng
trở nên thịnh hành. Dưới thời đại Tenmei (1781-1789), việc viếng thăm các địa
điểm thờ tự Bảy vị thần may mắn (đền thờ, chùa,v.v.) đã trở nên phổ biến, người
dân sẽ đi trong khoảng thời gian từ ngày đầu tiên đến ngày 7 của năm mới để cầu
nguyện cho hạnh phúc trong năm. Và từ đó trở đi hành động viếng thăm Thất Phúc
Thần đã trở thành một trong những sự kiện thường niên trong những ngày đầu năm
mới.
Đó cũng là khoảng thời gian phổ biến việc người dân hay để bức tranh Thất
Phúc Thần trên con tàu kho báu dưới gối của họ để có được những điều tốt lành
trong năm mới. Ở các thị trấn của Edo, những món quà được thiết kế với hình dạng
một con tàu chở Thất Phúc Thần và chứa kho báu vàng bạc. Với ý nghĩa như một
lá bùa phù hộ, mang lại điềm lành cho năm mới, kèm theo lời chúc: “Hãy thức dậy
sau một giấc ngủ dài và nghe âm thanh của những chiếc thuyền lướt sóng.''
69

Hình 2.5. Thất Phúc Thần trên một con tàu chứa đầy kho báu

(Nguồn: https://www.onmarkproductions.com/html/seven.shtml)

Cuộn tranh lụa về bảy vị thần


Cuộn tranh lụa về bảy vị thần của Kano Yasunobu có thể được coi là ví dụ
hình ảnh sớm nhất còn tồn tại về chủ đề này (bảy vị thần tiêu chuẩn trong Thất
Phúc Thần. Vị họa sĩ này đã đặt các hình vẽ trong khung cảnh ngoài trời, bên dưới
cây thông, mặc quần áo trong trang phục của tầng lớp thượng lưu và tham gia vào
một bữa tiệc rượu sôi động, trong đó những người tham gia chơi nhạc cụ, khiêu vũ
và ca hát. Từ đó thấy được bố cục này rất giống với bố cục được các họa sĩ hàn
lâm triều đại nhà Minh sử dụng trong bức chân dung của họ về Bát đạo sĩ bất tử.
Vì thế nên những bức tranh như trên đã được cho là du nhập vào Nhật Bản vào
thời Edo, phải được coi là nguyên mẫu của các bức tranh về Thất Phúc Thần.
(Patricia Graham, 2007, tr.112)

Bức tranh năm vị thần may mắn


Bởi vì ở thời gian đầu, các thành viên trong nhóm Thất Phúc Thần không cố
định, nên xuất hiện rất nhiều bức tranh chỉ vẽ năm vị thần ban đầu. Patricia Graham
(2007) cho rằng:
Các tài liệu tham khảo sớm nhất về tập hợp không hoàn chỉnh, đầy đủ của hai,
ba hoặc thậm chí là năm vị thần này đã có từ cuối thế kỷ 15 nói về các câu
chuyện kể phổ biến (otogi zōshi), kịch Nō (kyōgen) và cũng đề cập đến những
bức tranh bị mất của họ. Có lẽ chỉ vào nửa sau của thế kỷ XVII, quan niệm về
70

một bộ Thất Phúc Thần mới được kết hợp lại với nhau. Nhưng ngay cả vào
lúc đó, nhóm này vẫn chưa được tiêu chuẩn hóa một cách phổ biến. (tr.110)

c. Nghệ thuật biểu diễn


Nhật Bản có rất nhiều loại hình nghệ thuật biểu diễn từ truyền thống đến
hiện đại độc đáo, mang đậm dấu ấn và bản sắc dân tộc. Và sự xuất hiện của Thất
Phúc Thần rất phổ biến trong các loại hình của nghệ thuật biểu diễn.

Nhảy múa
Tác giả Andrew Littlejohn (2020) đã nói rằng “...vào năm 2016, tôi đã đến
thăm thị trấn Shizugawa ở đảo Aoshima để xem một thứ gọi là “Điệu nhảy của
Thất Phúc Thần” (tr.482). Tác giả đưa thông tin rằng điệu nhảy này từ xa xưa đã
được biểu diễn để giải trí cho các vị thần trên hòn đảo, cầu nguyện cho sự phù hộ
an yên và có một mùa đánh bắt bội thu. Sau khi chuẩn bị mọi thứ xong xuôi, vị
linh mục sẽ báo cho các vị thần cũng như thanh tẩy người tham gia, bằng cách lắc
một que lớn quấn giấy (oonusa) của những tu sĩ truyền đạo ở trên đầu họ. Sau đó,
mỗi người sẽ tách nhau ra và bước riêng lẻ đến phía trước của nơi linh thiêng thờ
phụng, thực hiện các bước nhảy cách điệu và hoàn toàn hòa làm một với nhân vật
mà họ hóa thân. Sau khi biểu diễn cho các vị thần, các vũ công sẽ quay lại, sau
một khoảng dừng ngắn, bắt đầu lại toàn bộ nghi lễ cho các nhà báo đang chờ đợi,
những người mà họ biết sẽ đăng thông tin và công khai về sự hồi sinh của điệu
nhảy đó. họ sẽ nhảy nó tại các sân khấu của những sự kiện công chúng khác, bao
gồm lễ hội mùa hè của Shizugawa, kèm những bình luận về các Vị thần may mắn
trong Thất Phúc Thần và ý nghĩa của họ. Giống như những gì mà điệu nhảy này
thể hiện, màn trình diễn của nó không chỉ liên quan đến việc bày tỏ lòng thành với
các vị thần, và thông qua đó, hồi sinh cộng đồng những người quan tâm, mà còn
liên quan đến chiếc máy ảnh của những người, sẽ đem lại hy vọng rằng, sẽ mang
thêm lợi ích kinh tế đến hòn đảo.
Ở tỉnh Aichi có những lễ hội nổi tiếng với các điệu múa và trang phục về Bảy
vị thần. Như lễ hội Mitani ở thị trấn Mitani, nơi các phường sẽ lần lượt biểu diễn
các điệu múa khác nhau. Điệu nhảy Thất Phúc Thần được thực hiện bởi phường
Kita, bắt đầu như một hình thức cầu nguyện độc đáo cho một vụ mùa bội thu trong
71

thời đại Genroku và Shotoku. Ngoài ra, vì Đền Yaotomi ở làng Fuso lân cận có
thờ thần Benzaiten nên vị thần này cũng được thờ trong hội trường lễ hội, có một
sứ giả sẽ đóng vai con cáo trắng, đeo mặt nạ và nhảy múa trong trang phục màu
trắng. Được “con cáo trắng” mời đến, những người đóng vai các vị thần
Fukurokuju, Hotei, Jurojin, Bishamonten, Ebisu và Daikokuten mặc trên người
những trang phục sặc sỡ cùng nhảy theo trên điệu nhạc của sáo và trống. Hình thức
của điệu múa trên nổi tiếng là dí dỏm, hài hước và bao gồm ba kiểu múa: múa gậy,
múa chuông và múa dây thừng.

Hình 2.6. Điệu múa Thất Phúc Thần ở lễ hội Mitani


(Nguồn: https://www.city.gamagori.lg.jp/unit/kanko/miyamaturi-photo.html)

Còn ở lễ hội Ouma ở thị trấn Mitsu, lễ hội bắt đầu với lễ rước Mikoshi, kế đó
là rước thần và cuối cùng là rước kiệu Thất Phúc Thần. Hình thức điệu nhảy giống
như của lễ hội Mitani. Điệu nhảy được nhiều người biết đến là cầu những vị thần
may mắn mang đến sự giàu có và may mắn cho làng, bao gồm vụ mùa và đánh bắt
bội thu. Trong đó điệu múa chuông có ý nghĩa cầu cho vụ mùa bội thu và điệu múa
dây thừng có ý nghĩa cầu cho một vụ đánh bắt bội thu.
Lễ hội Sanzoro được tổ chức cầu Mitsu, nếu phong cách biểu diễn của điệu múa
ở hai lễ hội Mitani và Ouma tương tự nhau, lễ hội Sanzoro lại hoàn toàn khác biệt.
Kịch Kyogen và các điệu nhảy của Thất Phúc Thần là những yếu tố chính. Đặc biệt
là những màn hỏi đáp hài hước giữa Negi (Linh mục cấp cao, 禰宜) của tọa thần (神
座) và các vị thần khiến khán giả thích thú. Sau khi rước Mikoshi và sau giờ nghỉ ăn
tối, Fudo (vị thần trong Phật giáo) xuất hiện và bắt đầu đối đáp với Negi. Fudo nhận
được một chiếc chuông từ Negi, cầm một thanh kiếm ở tay phải và một chiếc chuông
72

ở tay trái, thực hiện một điệu nhảy năm bước theo lò, sau đó lắc chuông 3 lần quanh
lò. Khi điệu múa kết thúc, lấy lá tre và mời khán giả uống nước nóng. Đó chính là
điệu múa Fudo và theo đó điệu múa Ebisu, điệu múa Bishamonten, điệu múa
Daikokuten, điệu múa Benzaiten trong số bảy vị thần cũng giống như điệu nhảy Fudo
lần lượt được biểu diễn. Điểm khác biệt đó là các vật dụng cầm trên tay ở mỗi điệu
nhảy khác nhau, Ebisu là cần câu, Bishamonten là cây giáo, Daikokuten là búa vồ và
túi kho báu, Benzaiten là quạt và chuông. Kết thúc màn trình diễn của các vị thần,
tiếp đó là 3 Negi sẽ thực hiện điệu múa tay quạt và tay kiếm (太平楽). Sau đó, những
vị thần còn lại trong Thất Phúc Thần: Hotei, Jurojin và Fukurokuju xuất hiện và biểu
diễn cùng nhau, tiếp theo là các màn trình diễn theo phong cách Dengaku (田楽).
Nghệ thuật biểu diễn này là sự chúc phúc, ban phước trong các chương trình kiểu
Dengaku khác nhau.

Các thể loại kịch


Tuy không có nhiều ghi chép cụ thể, chi tiết nhưng thông qua một số tài liệu
có thể thấy rõ từ thời xưa Thất Phúc Thần phổ biến và được người dân hóa thân
thành, xuất hiện ở các vở kịch Noh, kịch Kyogen. Diễn đàn 7key.jp (2008) nêu
rằng, “...Sau đó, Thất Phúc Thần đã trở thành chủ đề của các bức tranh và tác phẩm
điêu khắc khác nhau như một dấu hiệu của điềm lành và phổ biến rộng rãi đến thế
giới nghệ thuật biểu diễn như ca, múa, kịch Noh và kịch Kyogen.”

d. Điêu khắc
Hàng loạt các chùa chiền, đền thờ về Thất Phúc Thần có mặt ở khắp mọi nơi
trên đất nước Nhật Bản cũng như sự ảnh hưởng mạnh mẽ của Thất Phúc Thần
trong tín ngưỡng và văn hóa Nhật Bản nên nghệ thuật điêu khắc về các vị thần
cũng được phát triển mạnh mẽ và phổ biến. Các bức tượng về các vị thần có thể
được chạm khắc chung hoặc để riêng cá nhân từng vị thần. Hầu hết các bức tượng
thường làm bằng đá nhưng có một số bức tượng đặc biệt được làm từ những chất
liệu khác như gỗ (nghệ thuật điêu khắc Netsuke).

Nghệ thuật điêu khắc tượng gỗ Netsuke:


Netsuke là tên gọi của những vật dụng nhỏ được làm bằng thủ công và phát
triển mạnh mẽ vào thời Edo (1603-1868). Đây cũng là thời kỳ hưng thịnh của
73

nghành phục trang của Nhật Bản. Kể từ những năm 1970, một dòng sản phẩm
mới gọi là netsuke đương đại với những hình dáng, cảm xúc và ý tưởng mới lạ
xuất hiện. Hiện nay, ngoài những bức tượng đá, gỗ được chạm khắc tinh xảo và
được thờ, cúng ở trong các ngôi đền, chùa ở khắp mọi miền đất nước Nhật Bản
thì Thất Phúc Thần rất phổ biến trong nghệ thuật điêu khắc tượng gỗ Netsuke.
Các tác phẩm điêu khắc thu nhỏ của các vị thần may mắn được chạm khắc trên
gỗ và được xem là Engimono (vật mang lại may mắn) phổ biến, không thể thiếu
ở những dịp đầu năm mới ở các gia đình Nhật Bản.
Không chỉ là bức tượng netsuke về Thất Phúc Thần, mà những bức tượng
điêu khắc về Thất Phúc Thần là quà lưu niệm hoặc quà tặng rất phổ biến và ý nghĩa
ở các dịp đầu năm mới.

e. Văn học
Cũng giống như tất cả các nền văn học khác trên thế giới, khởi nguồn của
văn học Nhật Bản thuở sơ khai chưa có chữ viết chính là văn học dân gian. Người
ta tin rằng hiện tượng phát sinh thế giới con người và thế giới tự nhiên vượt qua
năng lực của con người, là do hành động của thần linh, nên kính sợ và sống với
những niềm tin và cơ sở sinh họat như vậy. Những câu chuyện thần thọai, cổ tích
hay truyền thuyết về mối quan hệ của những sự vật tự nhiên như mặt trời, mặt
trăng,...và con người được “kataribe” (tức là những người chuyên về việc kể truyền
thuyết và ghi chép việc cũ ở triều đình) kể lại. Tuy nhiên, do chỉ là truyền miệng
nên không tránh khỏi những sai sót và có những dị bản.

Bài thơ Nakakiyo no Toonefuri no Minamesame


Bài thơ này là một “kaibun”, tức là các cụm từ đều giống nhau cho dù bạn
đọc nó ngược hay xuôi. Vào thời Edo, những người dân thường ngủ với bức tranh
của Thất Phúc Thần trên một con tàu kho báu cùng với tờ giấy có viết bài thơ này
dưới gối như một nghi thức để giấc mơ đầu tiên trong năm là một giấc mơ mang
điềm lành, từ đó cả năm đều ấm no sung túc. Chính vì thế, cảnh thương nhân bán
những bức tranh của Thất Phúc Thần trên con tàu kho báu là một trong những điều
thường thấy vào vào những ngày cuối năm trong giai đoạn này.
“Nagaki yo no/tô no nemuri no/mina mezame/nami nori fune no/oto no yoki kana”.
74

Tạm dịch là :
Đêm dài ngủ giấc say sưa / Thuyền ta sóng vỗ thấy người vui sao!

Kibyōshi
Kibyōshi là một thể loại tiểu thuyết minh họa, sách ảnh về tôn giáo, mang
tính giải trí, châm biếm, trào phúng và thể hiện văn hóa đại chúng từ thời Edo.
Takashi Miura (2017) đã phát biểu rằng:
Thất Phúc Thần đã trở thành biểu tượng phổ biến ở thành phố Edo trong
thời kỳ Tokugawa. Mọi người tổ chức các cuộc hành hương đặc biệt đến
các đền thờ dành riêng cho từng vị thần trong Thất Phúc Thần để cầu may.
Do đó, không có gì ngạc nhiên khi Thất Phúc Thần xuất hiện rất thường
xuyên trong kibyōshi, dù cho là từng cá nhân một hay cả một tập thể.
(tr.230)
Ví dụ trong Daifuku chōjagura (大福長者蔵) của Juge Sekijō, tác giả Sekijō
thường xuyên sử dụng câu chuyện không tưởng, cường điệu các chi tiết như cây
sinh ra tiền và nhiều loại hàng hóa khác nhau từ trên trời rơi xuống do lòng nhân
từ của Thất Phúc Thần. Các tác giả khác cũng sử dụng các cốt truyện tương tự
bằng cách giới thiệu các nhân vật trở nên giàu có, sau khi thực hiện chuyến hành
hương đến một hoặc nhiều trong số bảy vị trong Thất Phúc Thần. Có thể thấy,
ước muốn hạnh phúc, giàu có của người dân Edo được gửi gắm thông qua các tác
phẩm này, qua đó cũng thể hiện được niềm tin, sự sùng bái mãnh liệt dành cho
Thất Phúc Thần.
Và mặc dù không có nhiều điều về việc phát triển cốt truyện, nhưng hiệu
ứng hài hước nhờ sự tham gia của Thất Phúc Thần vào những chuyện của người
trần mắt thịt ở thời Yoshiwara được thể hiện đặc biệt mạnh mẽ trong tác phẩm
Daikokumai (大黒舞) của Kinka khi các vị thần đi du ngoạn và đuổi đánh kẻ
xấu hay trong tác phẩm Musō Daikokugin (夢想大黒銀) của Iba Kashō, thần
Daikokuten thiếu tiền và buộc phải gánh nợ từ vị thần nghèo nàn (Binbōgami び
んぼう神) nhưng sau đó nhờ sự giúp đỡ của 6 vị thần còn lại, Daikokuten nhanh
chóng lấy lại địa vị của mình là một vị thần giàu có.
75

Một kỹ thuật đáng chú ý khác được các nghệ sĩ kibyōshi sử dụng để khắc
họa Thất Phúc Thần một cách hài hước là trang bị cho họ những phẩm chất
giống con người. Thất Phúc Thần trong kibyōshi có cảm xúc và sẽ phạm phải sai
lầm như người bình thường. Waraimasu yakubarai no kōshaku (笑増厄災除講
釈) của Shicchin Manpō miêu tả các vị thần đã say xỉn sau khi tham gia bữa tiệc
do một thương gia tổ chức và đã ngủ thiếp đi. Trong một số tác phẩm khác, một
số vị thần của Thất Phúc Thần, thường là Daikoku, Ebisu hoặc Bishamonten sẽ
phải lòng Benzaiten. Họ sẽ cạnh tranh với nhau để thu hút sự chú ý của bà.
Có thể kết luận rằng những miêu tả, khắc họa chân dung về Thất Phúc Thần
được hiểu là một sự châm biếm trước sự nổi tiếng của Thất Phúc Thần ở thời Edo.
Đặc biệt với tư cách là những người bảo vệ tầng lớp thương nhân, khi các thương
nhân và người dân phấn khởi, vui mừng trước những điều ước phi lý mà Thất Phúc
Thần ban cho. Các tác phẩm được bổ sung bởi sự thể hiện hài hước của Thất Phúc
Thần: thường xuyên lui tới các khu vui chơi, tiêu khiển, say xỉn và đôi khi bị những
cảm xúc giống con người như tình yêu, ghen tuông lấn át. Sự hiện diện quan trọng
của Thất Phúc Thần trong thể loại kibyōshi phản ánh sự quen thuộc, độ phổ biến
của cư dân Edo đối với những biểu tượng tôn giáo này – Thất Phúc Thần (Takashi
Miura, 2017, tr.233).

Tiểu kết
Qua đó ở nội dung chương 2, nhóm nghiên cứu đã trình bày về đặc điểm của
Thất Phúc Thần thông qua bảng tóm tắt. Và sau đó, nhóm nghiên cứu cũng đã trình
bày về những nét ảnh hưởng của Thất Phúc Thần trong đời sống của người dân
nhằm nêu rõ Thất Phúc Thần cũng khá phổ biến trong đời sống tín ngưỡng, văn
hóa của người dân Nhật Bản, cụ thể là những cuộc hành hương của Thất phúc Thần
tại Tokyo, vì có hơn 20 cuộc hành hương đang được diễn ra và tồn tại trên khắp
vùng Tokyo và thậm chí cuộc hành hương của Thất Phúc Thần còn được diễn ra ở
nhiều nơi khác trên toàn bộ đất nước Nhật Bản. Cuộc hành hương này đã được
thịnh hành từ rất lâu và đã hình thành nên tín ngưỡng của người dân Nhật Bản,
những người mà họ mong muốn có được nhiều sự may mắn trong năm mới. Và
ngoài ra, có vô số các đền thờ Thần đạo đều thờ từng vị thần khác nhau và đều
thực hiện phong tục thờ cúng trong Thất Phúc Thần và một số lễ hội đặc trưng của
76

từng vị thần đã được tổ chức và thực hiện ở những ngôi đền khác nhau với nhiều
sự kiện khác nhau. Cụ thể, nhóm nghiên cứu cũng đã đưa ra hai lễ hội đặc trưng
gồm lễ hội Toka Ebisu được tổ chức tại những nơi trong khu vực Kansai và lễ hội
Kanda được tổ chức tại Tokyo. Ngoài ra, Thất Phúc Thần cũng có tầm ảnh hưởng
trong đời sống người dân Nhật Bản liên quan đến đời sống nghệ thuật như mỹ
thuật, âm nhạc, điêu khắc tượng gỗ và nghệ thuật biểu diễn tô lên những nét đẹp
truyền thống nghệ thuật của Thất Phúc Thần trong đời sống nghệ thuật của người
dân Nhật Bản. Qua đó, hình ảnh Thất Phúc Thần trong đời sống của người dân
Nhật Bản đã cho thấy sự đa dạng về nét đẹp cổ kính, niềm tin về tâm linh của người
dân Nhật Bản trong đời sống.
Song, thông qua những đặc điểm và những nét ảnh hưởng về Thất Phúc Thần
tại Nhật Bản, nhóm nghiên cứu sẽ so sánh về những nét tương đồng và những nét
khác biệt của Thất Phúc Thần ở Nhật Bản và những vị thần may mắn ở Việt Nam
thông qua nội dung chương 3.
77

CHƯƠNG 3: SO SÁNH GIỮA THẤT PHÚC THẦN CỦA NHẬT BẢN VÀ CÁC
VỊ THẦN MAY MẮN CỦA VIỆT NAM

3.1. Khái quát về các vị thần may mắn trong tín ngưỡng, văn hóa Việt Nam
Ở bất kỳ thời đại nào thì những mong ước có được một cuộc sống viên mãn,
hạnh phúc, nhiều may mắn vẫn luôn hiện hữu và được con người hướng đến. Xuất
phát từ nhu cầu ấy, tín ngưỡng thờ những vị thần may mắn ở Việt Nam ra đời như
một chỗ dựa về tinh thần cho người dân và ngày càng trở nên phổ biến. Tuy nhiên,
khác với Thất Phúc Thần của Nhật Bản, ở Việt Nam các vị thần may mắn không
có hệ thống tập hợp một nhóm các vị thần mà đa số đều tồn tại riêng lẻ. Mỗi vị
thần may mắn ở Việt Nam lại mang trong mình những chức năng riêng (tiền bạc,
đất đai, biển cả, sức mạnh chính nghĩa,...). Một số dân tộc, địa phương, làng xã
còn có vị thần may mắn của riêng họ (thần bếp lửa- người Êđê, thần Yàng- người
Gia Rai,...). Ở trong phạm vi đề tài nghiên cứu, nhóm nghiên cứu chỉ đề cập đến
những vị thần may mắn tiêu biểu ở Việt Nam và có nét tương đồng với Thất Phúc
Thần của Nhật Bản: Thần Tài, Ông Địa, Cá Ông, Thánh Gióng.

3.1.1. Thần Tài


a. Nguồn gốc của Thần Tài
Định nghĩa
Trong bài viết "Thần Tài: Nguồn gốc và những biến đổi trong văn hóa Việt
Nam”, "Thần Tài" được định nghĩa là sự kết hợp giữa chữ Tài (财) tượng trưng
cho sự giàu sang, sung túc về tiền bạc, của cải và chữ Thần (神) tượng trưng cho
bậc thánh, là thế lực sinh ra, cai quản vạn vật. “Thần Tài” được người dân biết đến
với vai trò là vị thần chủ về tài lộc trong công việc kinh doanh. (Đinh Hồng Hải,
2014)
Tuy nhiên việc thờ phụng thần Tài không chỉ phổ biến ở mỗi Việt Nam mà
còn xuất hiện trước đó từ lâu trong nền văn hóa của Ấn Độ, Trung Hoa. Vì vậy, để
hiểu thêm về biểu tượng Thần Tài ở Việt Nam, cần tìm hiểu về nguồn gốc Ấn Độ
và Trung Hoa chứa đựng trong biểu tượng Thần Tài.
78

Nguồn gốc Ấn Độ của Thần Tài


Từ hàng nghìn năm trước ở Ấn Độ, thần Tài Kubera được biết đến là vị thần
chủ về tài lộc, cũng là thành viên trong phả hệ Hindu, là con trai của thần Vishravas
và thần Idavida. Trong Phật giáo thì Thần Kubera có vai trò hộ pháp thuộc một
trong tám vị thần của Bát bảo pháp (Dharmapalas), ông cai quản vùng đất và trời
phía bắc, thường cưỡi con ngựa bay có tên Pushpaka. Nhờ có công đưa Rama lên
ngôi vua nên Thần Kubera đã được giao cho cai quản ngọc ngà châu báu. Sau này,
Kubera trở thành thần hộ pháp Jambhala trong Phật giáo Mật tông và Vaisravana
trong Phật giáo. Như vậy theo con đường truyền bá tín ngưỡng Phật giáo và Hindu
giáo, hình tượng vị thần may mắn với dáng người lùn, béo, bụng to, phanh ngực
và cởi trần của Ấn Độ đã ảnh hưởng mạnh mẽ đến văn hóa các nước Châu Á như
Trung Hoa, Hàn Quốc, Nhật Bản, Việt Nam, Thái Lan,... Biểu tượng này đặt nền
móng cho việc định hình biểu tượng Thần Tài ở các nền văn hóa mà nó du nhập
sau này, trong đó có Trung Hoa và Việt Nam. (Đinh Hồng Hải, 2014)

Nguồn gốc Trung Hoa của Thần Tài


Có nhiều ý kiến cũng như quan điểm về nguồn gốc tín ngưỡng thờ Thần Tài
ở Trung Quốc được đưa ra. Trong bài viết “Quan niệm và thực hành tín ngưỡng
thờ thần tài của người Hoa ở quận 5 TP.HCM”, tác giả Trương Thị Thu Hằng và
Đỗ Thị Ngân Thanh (2018) cho rằng Thần Tài ở Trung Quốc xuất hiện vào thời
Tống, Minh. Khi này người Trung Quốc ngoài việc lao động chăm chỉ để cải thiện
đời sống thì họ cũng tin rằng “Vạn vật hữu linh”, mong muốn những vị thần linh
sẽ phù hộ và đem đến nhiều may mắn cho họ. Thần Tài của người Hoa không phải
chỉ một vị thần duy nhất mà là một tập hợp do Triệu Công Minh đứng đầu và 4 vị
thuộc hạ. Mặt khác, do sức ảnh hưởng lớn từ tiểu thuyết thần quái “Phong thần
diễn nghĩa” với quần chúng nhân dân nên người dân rất tin vào sự hiện diện của
vị thần này. Đặc biệt, vào thời nhà Minh đến nhà Thanh, việc chăm lo cho hương
khói của miếu thần Tài được người dân vô cùng cẩn trọng. Lễ tế thần hàng năm
đều được những người buôn bán, tổ chức một cách trang nghiêm. Ngoài ra, đến
thời cận đại, theo truyền thuyết địa phương trong tín ngưỡng dân gian Trung Quốc
79

thì nhiều biểu tượng thần Tài khác nhau xuất hiện như Lưu Hải, Hòa Hợp Nhị Tiên,
Ngũ Lộ Thần Tài, văn thần Tài Ti Can, Phạm Lãi,...
Ngày nay, người dân Việt Nam không còn xa lạ với tạo hình thờ của Thần
Tài của Trung Hoa là một ông lão quần áo nghiêm trang, mặt đầy đặn, phúc hậu,
hiền từ, có râu tóc bạc phơ. Đầu ông đội mão, có hai tua phủ xuống hai bên mão.
Ông thường ngồi ghế thái sư với tư thế tay phải cầm ngọc như ý hoặc cầm trượng,
tay trái cầm đỉnh vàng. Đầu và đuôi rồng thêu trên hai vai áo, hai chân buông
xuống theo thế tự nhiên.

Nguồn gốc Thần Tài tại Việt Nam


Trong công trình nghiên cứu “Thần Tài - Nguồn gốc và những biến đổi trong
văn hóa Việt Nam”, tác giả Đinh Hồng Hải cho rằng tín ngưỡng thờ Thần Tài ở
Việt Nam bắt đầu xuất hiện ở thế kỉ XVI, tín ngưỡng thần Tài của Trung Quốc du
nhập vào Việt Nam theo chân các Hoa kiều tị nạn chính trị, có ảnh hưởng rộng rãi
ở khu vực phía nam Việt Nam, dần phổ biến ra miền Bắc và cả nước. Mặt khác,
trong sách “Trong “Thần Đất - Ông Địa & Thần Tài” xuất bản năm 2020, tác giả
Huỳnh Ngọc Trảng nhận định Thần Tài là vị thần với ý nghĩa biểu trưng cho tiền
tài, sự giàu có, mang lại may mắn được thờ tự ở các đền, miếu, hội quán, nhà ở.
Tín ngưỡng thờ Thần Tài xuất hiện ở Việt Nam vào khoảng cuối thế kỷ XIX và
dần trở nên phổ biến vào đầu thế kỷ XX nhờ quá trình giao thoa văn hóa theo sự
di cư của người Hoa vào miền Nam. Chính vì những tư liệu khác nhau nên việc
xác định thời gian xuất hiện, nguồn gốc của vị thần may mắn này ở Việt Nam đến
nay vẫn gặp khó khăn và chưa có câu trả lời thỏa đáng.
Trong bài viết “Nguồn gốc, ý nghĩa tục thờ Thần Tài và Thần Thổ Địa”, tác
giả Chương Tương (2015) đã đề cập đến một sự tích về nguồn gốc ra đời của Thần
Tài. Đó là vào một lần đi uống rượu bị say nên Thần Tài rơi xuống nhân gian. Đầu
của Thần va vào tảng đá nên bị mất trí nhớ. Còn bộ quần áo, mũ trên người Thần
bị người ta nhân lúc bất tỉnh mà cướp hết đem bán. Sau khi tỉnh dậy, thần đi khắp
nơi xin ăn. Khi Thần đến trước cửa hàng thịt quay đang bán ế nọ, chủ cửa hàng
nghĩ Thần là ăn xin nên có lòng tốt mời vào ăn. Từ lúc Thần Tài vào ăn thì khách
đến cửa hàng rất đông. Thời gian sau, ông chủ cửa hàng khó chịu vì Thần Tài
không làm gì mà chỉ ngồi ăn, trên người lại có mùi hôi, ông đã chê bai nên đuổi
80

Thần Tài đi. Quán đối diện thấy vậy mời Thần Tài vào ăn thì khách hàng lại kéo
sang bên đó. Vì vậy tin đồn về Thần Tài có khả năng thu hút thực khách được mọi
người lan truyền và ai cũng muốn mời Thần đến ăn. Để cảm ơn Thần, người dân
đưa ông đi mua quần áo và mua đúng bộ quần áo cũ trước đây của Thần. Nhờ vậy
Thần Tài nhớ ra thân phận của mình và trở về thiên giới. Người dân coi lập bàn
thờ Thần Tài từ đó.
Bên cạnh biểu tượng Thần Tài ban đầu thì một biểu tượng Thần Tài mới được
cho rằng đã xuất hiện vào năm 1986 trong bối cảnh bùng nổ kinh tế sau giai đoạn
“mở cửa” ở Việt Nam. Không tiếp nhận nguyên mẫu Thần Tài và Di Lặc – Bố Đại
Hòa thượng một cách hoàn toàn mà người Việt lúc ấy đã có sự biến đổi, tái tạo lại
để biến thành vị thần Tài mới của riêng của người Việt, phù hợp với văn hóa của
người dân Việt Nam. Ông là sự kết hợp giữa tín ngưỡng thần tài Kubera và hình
thức của tượng Di Lặc Bố Đại Hòa thượng. Ngoài những biến đổi để tạo thành một
dạng tín ngưỡng mới trong xã hội hiện đại, Thần Tài có nguồn gốc Trung Hoa khi
ở Việt Nam còn có sự kết hợp với Thần Đất - Ông Địa, tạo thành bộ đôi Thần Tài
- Ông Địa ngày nay. (Đinh Hồng Hải, 2014)

b. Đặc điểm của tín ngưỡng thờ cúng Thần Tài ở Việt Nam
Hình thức thờ cúng Thần Tài không chỉ phổ biến miền Nam mà còn lan rộng
ở miền Bắc. Hai vị Thần Tài thường được thờ là thổ công - thần đất (từ văn hóa
Trung Hoa) và sau này có thêm Thần Tài mới (từ miền Nam).
Đầu tiên, về vị Thần Tài có nguồn gốc Trung Hoa (còn có tên khác là Phước
Đức chính thần) du nhập vào Việt Nam, ông lão có râu, quần áo chỉnh tề, đầu đội
mũ ô sa. Ông được định hình trong văn hóa phía Nam (cộng đồng người Hoa ở
miền Nam) rồi phát triển ra khắp cả nước như chúng ta thấy hiện nay.
Thứ hai, vị Thần Tài mới của Việt Nam là vị không có râu, đầu trọc, to béo,
phanh ngực hở bụng. Vị thần mới này được hình thành trong giai đoạn bùng nổ
kinh tế sau năm 1986. Ông là sự kết hợp hai biểu tượng mang những nét đặc trưng
của Thần Tài Kubera và của Di Lặc – Bố Đại Hòa thượng, là một biến đổi to lớn
của Thần Tài trong văn hóa Việt Nam, không chỉ dưới góc độ biểu tượng mà còn
là một hiện tượng xã hội đặc biệt diễn ra trong giai đoạn phát triển kinh tế thị
81

trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở cuối của chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam. (Đinh
Hồng Hải, 2014; Võ Minh Trí, 2018)
Ngoài ra, thần Tài mới của Việt Nam hay bị nhầm lẫn với Phật Di Lặc, điểm
khác biệt giữa hai vị thần này có thể thấy qua chi tiết Phật Di Lặc của Trung Hoa
tay không có hành động cầm thỏi vàng, hay ngồi trên đống vàng, đôi khi chỉ cầm
chuỗi tràng hạt, còn Thần Tài Việt Nam thì có cầm thỏi vàng.

Thần Tài và Ông Địa được thờ chung


Bàn về lý do mà người dân thường thờ chung hai vị thần này chứ không tách
rời, nhóm nghiên cứu đã tổng hợp được những quan điểm như sau:
Trong sách “Thần Đất - Ông Địa & Thần Tài”, tác giả Huỳnh Ngọc Trảng
(2020) cho rằng lý do là xét theo dòng lịch sử, khi xã hội “dĩ nông vi bản” (nông
nghiệp là chủ yếu) dần chuyển sang “kinh tế thị trường”(thương nghiệp là chủ yếu)
thì song song với đó tín ngưỡng thờ Thần Tài, Ông Địa cũng dần có sự thay đổi.
Nguyên nhân chủ yếu của sự thay đổi trong tín ngưỡng trên xuất phát từ quan niệm
cổ xưa về Thần Đất. Người Việt xưa cho rằng Thần Đất có hai công năng: Một là
bảo vệ, cai quản đất đai của gia đình (nền nhà, vuông vườn, xóm ấp...); hai là sinh
sản của cải, làm cho đất đai tươi tốt (hoa màu, nông sản...) của đất theo tín lý phồn
thực. Vì lẽ đó, bên cạnh việc thờ Thần Tài thì thờ Ông Địa cũng làm cho gia chủ
phát đạt, giàu có (được mùa, bội thu...).
Trong bài nghiên cứu “Tín ngưỡng thờ ông Địa - ông Tà của người Việt ở
An Giang”, nhóm tác giả cho rằng đa số những người thờ cúng Thần Tài, Ông Địa
phần lớn có hiểu biết, phân biệt rõ ràng về chức năng của hai vị thần (Ông Địa cai
quản gia đình, trông nhà còn Thần Tài đem đến tài lộc, giữ tiền của). Ngoài ra,
cũng có trường hợp thờ chung hai vị thần mà không rõ chức năng của hai vị thần.
Khi được hỏi thì những người này trả lời rằng họ nghĩ hai vị thần này là bạn thân
của nhau nên được thờ chung, chứ họ không hiểu rõ quyền năng cũng như sự liên
quan giữa hai vị thần. Một số khác thì thờ dựa vào cảm tính, họ thấy mọi người
đều thờ như thế nên đã tin và thờ giống theo tâm lý số đông. (Lý Tùng Hiếu & Mai
Thị Minh Thuy, 2016)
82

3.1.2. Ông Địa


a. Nguồn gốc của Ông Địa
Từ lâu trong dân gian, đối với các tộc người Kinh, Hoa, Khmer thì Ông Địa
không những được xem là một vị Phúc Thần, bảo vệ đất đai, mang đến may mắn,
phúc lộc, tiền bạc, của cải đến với gia đình mà còn biểu thị cho niềm vui, làm cho
không khí gia đình trở nên tươi mới, dễ chịu.
Có nhiều truyền thuyết xoay quanh nguồn gốc của Ông Địa. Theo cổ tích
Việt Nam, chuyện kể rằng xưa kia có một con Lân thường quấy nhiễu, hù dọa dân
làng và được mọi người trong làng xem là quái thú. Ông địa chính là vị thần đã
chế ngự con Lân và thuần hóa, dạy con quái thú này tu tâm dưỡng tính và ăn chay.
Bởi vậy cứ những ngày đầu năm mới, Ông Địa lại dẫn Lân xuống núi mừng cùng
mọi người. Tục múa Lân ngày Tết cũng vì vậy mà được lưu truyền đến ngày nay.
Cả hai đi đến đâu thì tà khí được xua đuổi đến đó, mỗi nhà, mỗi nơi Ông Địa đi
ngang qua còn được ông mang theo điều phước lành nên được người dân vô cùng
chào đón, họ đáp trả ân tình của ông bằng cách treo những tờ giấy đỏ lì xì. (Sóc
Ca, 2019)
Ngoài ra, tục thờ Ông Địa chính là “Thổ công” có nguồn gốc từ Trung Hoa.
Bất kỳ thời đại nào thì đất đai, sông hồ luôn bị những kẻ tham lam âm mưu chiếm
đoạt, cướp bóc làm của riêng. Quan niệm “Đất có Thổ công, sông có Hà bá” ngoài
thể hiện tâm lý e sợ của người dân trước các hiện tượng thời tiết, bão lũ, hạn hán
tự nhiên chưa thể lý giải lúc bấy giờ thì còn mang ý nghĩa là nếu ai dám làm những
việc quá phạm vi, trái với luân lý như cướp bóc, chiếm đoạt, hại dân vô tội thì sẽ
bị Thổ công trừng trị không sớm thì muộn. Theo người Trung Quốc xưa, Thổ công
là vị thần cai quản đất đai của gia đình. Đồng thời theo Thuyết Âm Dương Ngũ
Hành (Kim, Mộc, Thủy, Hỏa, Thổ), Thổ sinh ra Kim tức là kim loại vàng bạc, của
cải được lấy lên từ lòng đất, mà Thổ Công là người cai quản đất sẽ phù hộ cho gia
đình giàu có, bình an. (Sóc Ca, 2019)
Ở Việt Nam, Ông Địa được xây dựng hình tượng là một vị thần bình dân, lúc
nào cũng cười vui vẻ, hai má ửng hồng, cởi trần, bụng phệ, nhàn nhã, lúc nào cũng
chễm chệ tay cầm quạt lá phe phẩy. Ông Địa của người Việt hay bị nhầm với tượng
Phật Di Lặc - Ông Địa của người Hoa. Để phân biệt thì Ông Địa của người Việt
có hình dạng là người đàn ông trung niên, đầu quấn khăn và tay cầm quạt phe phẩy,
83

tư thế hào sảng còn Ông địa của người Hoa là ông lão có tóc bạc phơ và hàm râu
trắng, cười hiền lành.
Ngoài những hình tượng Ông Địa quen thuộc trên, trong bài viết “Diện mạo
khác của ông địa trên gốm hoa lam thời Lê Sơ”, tác giả Phan Thanh Sơn (2021) đã
giới thiệu một tạo hình khác của Ông Địa. Ý tưởng tạo hình có thêm râu quai nón,
lông bụng của Ông Địa “mới” này được sáng tạo bởi những người thợ gốm thời
Lê Sơ dựa trên hành động quan sát ngoại hình những người phương Tây đến giao
thương với người dân nước ta bấy giờ. Quan điểm này có tính thuyết phục bởi thời
kỳ Lê Sơ thì việc giao thương với người nước ngoài vô cùng phát triển, nhiều
người Việt khi ấy tin rằng hình tượng người đàn ông trung niên to lớn, thân mình
có đầy lông lá là biểu tượng của sự giàu có, phát tài. Qua những tài liệu trên có thể
thấy được nguồn gốc cũng như hình tượng của Ông Địa ở nước ta vô cùng phong
phú.

b. Đặc điểm của tín ngưỡng thờ cúng Ông Địa ở Việt Nam
Tín ngưỡng thờ Ông Địa (Thần Đất, Thổ Địa) đã xuất hiện từ lâu trở nên phổ
biến trong đời sống văn hóa của người Việt. Theo “Thần Đất - Ông Địa & Thần
Tài” thì tín ngưỡng và việc thờ tự Ông Địa dựa việc ông là một là vị phúc thần bảo
vệ xóm làng, đồng thời cũng giúp cho gia chủ có nhiều thuận lợi, thành công trong
cuộc sống. (Huỳnh Ngọc Trảng, 2021)
Tín ngưỡng thờ Ông Địa cũng được đề cập trong “Địa chí Tiền Giang, Tập
2”. Vào trước năm 1945, tượng Ông Địa không được thờ tại gia mà chỉ được thờ
ở chùa chiền và đền miếu. Tại các chùa chiền thì tượng Ông Địa được thờ ở nhà
khách với vai trò là một vị thần tiếp tân cho ngôi chùa. Tại các đền miếu (nhất là
miếu Bà) thì Ông Địa được thờ với vai trò là thần trợ lý. Dù thời điểm này người
dân không thờ Ông Địa trong ngôi nhà của mình nhưng khi gia đình có đồ vật gì
bị mất, từ mất vật nhỏ (cây kéo, con gà,...) đến những của cải có giá trị lớn (tiền,
vàng bạc) hay cả những khi người phụ nữ chuyển bụng sắp sinh thì người ta đều
cúng vái ông Địa. Vào những năm 1955 - 1960, nhiều người buôn bán ở vùng đô
thị đặt ông Địa bên cạnh bài vị Long thần và Tài thần. Sự xuất hiện của chữ quốc
ngữ và số lượng người biết chữ Hán vốn đã ít nay càng ít hơn nên người dân không
84

còn thờ bài vị nữa mà thay bằng việc thờ tượng Ông Địa và thần Tài. (Trần Hoàng
Diệu - Nguyễn Quang Ân, 2007)
Bên cạnh đó, ông Địa ở Việt Nam còn được biết đến là một vị thần gần gũi,
luôn giúp đỡ con người mà không cần lễ vật cao sang hay khấn vái cầu kỳ. Chính
sự gần gũi này đã trở thành nét độc đáo riêng của tục thờ Ông Địa ở nước ta. Khi
gặp chuyện cần sự giúp đỡ của Ông Địa, người dân hay tìm đến pho tượng của
Ông Địa và vái “Ông Địa ơi giúp con tìm được đồ con cúng cho ông nải chuối”.
Sau khi tìm lại được đồ, người dân đáp lễ bằng cách cúng nải chuối thì không nên
để nguyên nải chuối ở đó, mà phải bẻ ăn trước nửa trái chuối, bởi có lời đồn rằng
Ông Địa sợ bị ngộ độc nên không dám dùng, con người phải dùng thử trước nửa
trái chuối. (Sóc Ca, 2019)
Hình tượng Ông Địa không chỉ dừng lại ở những pho tượng trong nhà, đền
miếu mà còn xuất hiện trong những dịp vui vẻ, náo nhiệt như lễ Tết, khai trương
cửa hàng,... Trong các dịp lễ Tết, không khó bắt gặp những điệu múa, hình ảnh
Ông Địa xuất hiện bên cạnh con lân, tay cầm chiếc quạt phe phẩy. Còn con lân đã
được thuần hóa và trở thành một con vật mang điềm tốt lành. Ở nhiều nơi khác,
người ta điêu khắc tượng ông Địa đang ngồi cưỡi hoặc tựa lưng vào cọp vàng.
Nhóm nghiên cứu đã tìm thấy bốn cách lý giải cho vấn đề tại sao lại là hình ảnh
con cọp vàng. Đầu tiên, theo dân gian tương truyền rằng cọp vàng hay đi cùng Ông
Địa chính là Hoàng hổ ngụ ý cho Hoàng Đế - một vị thần hành Thổ có vị trí trung
tâm trong hệ thống thần Ngũ phương- Ngũ Thổ. Thứ hai, có sự tích cho rằng thời
lịch sử khẩn hoang vùng đất mới phương Nam của nước Việt, người dân chiến đấu
với loài cọp, nên Ông Địa cưỡi cọp có nghĩa là con người đã không còn chịu thua,
sợ hãi trước sức mạnh vị chúa tể sơn lâm, chiến thắng loài cọp, không còn hiểm
nguy nào từ rừng xanh ngăn họ lập nên ruộng rẫy, xóm làng, thôn ấp. Thứ ba,
tượng ông Địa cưỡi cọp chính sự tích hợp giữa hai tập tục: tập tục thờ Thần Đất
và tập tục thờ Hoàng Hổ trấn trạch, ở phương trung ương của Đạo giáo. Thứ tư,
tượng Địa cưỡi cọp mô phỏng tượng của thần Trị viên Thái Tuế, Thần Tài Triệu
Công Minh của người Hoa hoặc Thần thú cưỡi của Phật giáo hay Ấn Độ giáo. (Sóc
Ca, 2019)
85

Tóm lại, có thể đưa ra kết luận rằng Ông Địa là một biểu tượng của sự may
mắn, là một vị phúc thần. Tín ngưỡng thờ Ông Địa chính là một phần trong tín
ngưỡng thờ các vị thần may mắn ở Việt Nam.

3.1.3. Cá Ông
a. Nguồn gốc và đặc điểm của Cá Ông
Từ lâu ở các tỉnh Trung Bộ hay từ tỉnh Thanh Hóa đến Kiên Giang, ngư dân
sống bằng nghề đánh bắt cá đã quen với tín ngưỡng tâm linh và phong tục thờ Cá
Ông. “Cá Ông” thực chất là những con cá có kích thước rất lớn sống ở vùng nước
sâu đại dương cá voi, cá heo,... Ngư dân cũng thường gọi “Cá Ông” bằng những
tên khác như là ông Nam Hải, ông Cậu, ông Khơi,... và nếu là con cái thì gọi là
“Bà Ngư”. Họ tin rằng Cá Ông chính là vị Thần bảo vệ tính mạng của con người
trước gian khổ những mối hiểm nguy rình rập bất cứ lúc nào như sóng to, biển
động, đắm thuyền, đồng thời đem lại may mắn trong công việc mưu sinh nghề chài
lưới, giúp con người đánh bắt được nhiều cá tôm. Bắt nguồn nỗi lo, sự sợ hãi trước
tự nhiên khó lường mỗi lần ra khơi, người dân đã đặt niềm tin vào “Cá Ông”- vị
Thần của biển cả sẽ bảo vệ, phù hộ, độ trì cho những chuyến đi biển thuận buồm
xuôi gió. Điểm tựa tinh thần ấy dần phát triển và trở thành tín ngưỡng dân gian
như ngày nay. (Nguyễn Thanh Lợi, 2007)
Tham khảo bài nghiên cứu “Tục thờ cá ông ở Cần Giờ”, nhóm nghiên cứu
muốn đề cập đến 4 truyền thuyết phổ biến nhất về nguồn gốc của Cá Ông:
Đầu tiên là câu chuyện chàng sĩ tử bị thầy đồ chém đầu bằng gươm. Tuy
nhiên, chàng không hề oán hận hay muốn kéo theo những người vô tội mà với tấm
lòng thiện lương sẵn có, sau này chàng sĩ tử ấy hóa thành cá voi lang thang trên
biển để tìm và cứu người gặp nạn. Ngoài ra, còn có nơi nói rằng miếu thờ cá Ông
bắt đầu từ một thai ngư bị sẩy theo nước đầm dạt vào đồng làng.
Thứ hai, theo sự tích nhà Phật thì trong một ngày nọ, khi Phật Bà Quan Âm
trong một lần du hành trên biển thương cảnh ngư dân bất chấp mưa gió, bão bùng
mà phải ra biển kiếm ăn, Phật Bà đã xé vụn chiếc áo cà sa của mình xuống biển.
Những mảnh vụn ấy hóa thành vô số con cá voi. Không phải là những con cá voi
bình thường mà là những con cá voi có phép thuật rút ngắn đường đi, nhanh chóng
đến chỗ ngư dân gặp nạn để làm nhiệm vụ cứu người.
86

Thứ ba, theo tư tưởng Đạo giáo của người Chăm, cá Voi là hiện thân vị thần
ChaAih-Va. Sau thời gian học và rèn luyện phép thuật, vì nỗi nhớ da diết, mong
muốn có thể nhanh chóng trở về quê hương mà thần Cha-Aih-Va đã không nghe
lời thầy dạy, làm trái lại để rồi nhận kết cục bị biến thành cá voi. Sau này ông tự
xưng là Po Riyah, vị thần của sóng biển, nhưng ông không hoàn toàn mang hình
dạng cá voi, có lúc ông sẽ hóa thành thiên nga và giúp những người đang cận kề
với lằn ranh sinh tử trên biển.
Thứ tư, ở các tỉnh Nam Bộ nói chung có một truyền thuyết được lưu truyền
rộng rãi, liên quan đến hành trình lưu lạc của nhân vật lịch sử là Nguyễn Ánh ( vua
Gia Long). Vua Gia Long bị quân Tây Sơn đuổi theo trên biển thì chiếc thuyền
ông ngồi bị đắm, sắp chìm nhưng được Cá Ông cứu mạng. Không những vậy, ở
tỉnh Bình Thuận còn có thọai bản kể rằng một lần ông đang dạo chơi ở Huế, ngự
trên chiếc thuyền rồng chắc chắn nhất bấy giờ lại chẳng may gặp gió lớn. Cá Ông
đã cứu vua Gia Long, đưa chiếc thuyền có vua vào bờ nhưng còn cá thì kiệt sức
dần và mất. (Hồ Sơn Diệp, Võ Phúc Toàn, Nguyễn Lan Hương, Trương Ứng Minh
& Nguyễn Hà Kim Ngân, 2014, tr.22-25)

b. Đặc điểm của tín ngưỡng thờ cúng Cá Ông ở Việt Nam
Mưu sinh bằng nghề biển chưa bao giờ là một công việc đơn giản. Đứng
trước những cơn sóng to, những ngọn gió lớn, những khi biển động ngoài khơi
mới thấy được sức mạnh của con người quá nhỏ bé so với thiên nhiên. Tuy nhiên,
vì kế sinh nhai và lòng yêu nghề truyền thống của cha ông, ngư dân ven biển Việt
Nam vẫn nỗ lực bám biển và tiếp tục khai thác nguồn lợi tự nhiên từ biển cả. Tín
ngưỡng Cá Ông ra đời và trở thành chỗ dựa tinh thần quan trọng không thể thiếu
trong đời sống văn hóa tinh thần của người dân vùng biển. Nói cách khác, tín
ngưỡng này hướng đến sự tồn tại và phát triển của cư dân làng chài. Bên cạnh đó,
tín ngưỡng Cá Ông còn biểu trưng cho lòng dũng cảm của người dân làm nghề
chài lưới, tiếp thêm sức mạnh cho cuộc ra khơi.
Trong “Tục thờ cá ông ở Cần Giờ”, tín ngưỡng Cá Ông gắn liền với lịch sử
phát triển của vùng đất Cần Giờ. Trong tình cảnh bị thực dân đô hộ, kẻ địch không
ít lần phá đi lăng thờ Cá Ông nhưng mỗi lần như thế đều vấp phải sự phản kháng
của ngư dân Cần Giờ. Đối với ngư dân Cần Giờ thì từ lâu Cá Ông không chỉ dừng
87

lại ở việc thể hiện lòng biết ơn, mối quan hệ cộng sinh giữa ngư dân với cá voi mà
còn phát triển và trở thành hình tượng một vị phúc thần trong lòng mọi người nơi
đây. Với vai trò là một vị phúc thần đem lại may mắn nằm trong hệ thống thần
biển của Việt Nam thì Cá Ông còn có chức năng phù hộ cho người đi biển, bảo vệ
cuộc sống bình yên của vạn chài. Chính sự gắn bó như vậy, dù những công trình
có bị kẻ thù đập phá, tiêu hủy nhưng niềm tin, tín ngưỡng về Cá Ông vẫn được giữ
gìn và lưu truyền mãi như một phần hồn của đất là người dân Cần Giờ. (Hồ Sơn
Diệp & các tác giả khác, 2014)
Trong “Tục thờ cúng cá ông của ngư dân vùng biển Quảng Nam - Đà Nẵng”,
tác giả Nguyễn Xuân Hương (1997) cho rằng tín ngưỡng thờ cúng cá Ông là minh
chứng cho truyền thống biết ơn đầy tính nhân văn của người Việt. Thật vậy, tại
vùng đất miền Trung- nơi có những người ngư dân lành nghề, chịu thương chịu
khó, không kể vất vả ngày đêm thì những khoang thuyền đầy ắp cá, tôm sau mỗi
lần đánh bắt theo lẽ dĩ nhiên chính là thành quả do ngư dân lao động mà có. Nhưng
ngư dân tại đây cho rằng thành quả trên không chỉ dựa vào nỗ lực của mình họ mà
còn đến từ sự giúp đỡ thầm lặng của Cá Ông. Người dân biết ơn Cá Ông, muốn
bày tỏ lòng thành kính của mình với Cá Ông nên tín ngưỡng Cá Ông ngày càng
phát triển. Vì vậy, có thể nói cá Ông trong lòng ngư dân chính là hình ảnh một vị
phúc thần, một biểu tượng của lòng nhân ái, đức hy sinh, tinh thần nghĩa hiệp và
lòng thủy chung sâu sắc.

3.1.4. Thánh Gióng


a. Nguồn gốc của Thánh Gióng
Bùi Lưu Phi Khanh (2021) gọi hình tượng Thánh Gióng là “hình ảnh cổ mẫu
về người cứu hộ”, trong khi đó, Đinh Hồng Hải trong “Biểu tượng Thánh Gióng:
Từ huyền thọai đến lịch sử thành văn” (2014) xem ông như “biểu tượng anh hùng
dân tộc”. Vậy nên trước khi tìm hiểu về Thánh Gióng, ta cần phải tìm hiểu hai khái
niệm trên. Theo Đinh Hồng Hải, biểu tượng anh hùng dân tộc đã xuất hiện rất lâu
đời ở Việt Nam từ thời Hai Bà Trưng, Ngô Quyền hoặc có thể là sớm hơn. Còn
theo Bùi Lưu Phi Khanh, hình ảnh cổ mẫu về là sự cụ thể hóa, hình thức hóa
“khuynh hướng tâm lý bẩm sinh chung tạo dựng nên một cơ tầng mà các chủ đề
sống căn bản của con người được xuất hiện và phát triển.” (“Thánh Gióng, một
88

hình ảnh cổ mẫu về người cứu hộ của dân tộc trong tâm thức dân gian và mối quan
hệ với lễ hội Gióng”, tr. 368). Từ đó có thể hiểu rằng, hình ảnh cổ mẫu về người
cứu hộ là hình tượng một người xuất hiện để cứu giúp hay giải thóat mọi người
khỏi những điều kiện khó khăn.
Xét theo truyền thuyết còn lại được lưu truyền về Thánh Gióng ở nhiều đền
thờ, Thánh Gióng sinh ra ở xã Phù Đổng, huyện Gia Lâm, Hà Nội vào đời vua
Hùng thứ 6 và là đứa bé không biết nói biết cười. Nhưng khi giặc đến xâm lược
năm Thánh Gióng lên ba, ông đột nhiên trở thành một cậu bé khỏe mạnh, nhờ mẹ
sai sứ giả xin nhà vua một con ngựa sắt, một áo giáp sắt và một cây roi sắt để đánh
giặc. Sau khi đánh thắng giặc ngoại xâm, ông cởi giáp để lại chân núi Sóc (nay
thuộc huyện Sóc Sơn) rồi bay về trời. Cũng có ghi chép cho rằng Thánh Gióng là
người nhà trời hạ phàm để cứu giúp nhân dân, sau khi hoàn thành nhiệm vụ thì trở
lại Thiên đình. Cho dù là bản kể nào, câu chuyện về ông không đơn giản chỉ là một
câu chuyện thần thọai, mà nó còn thể hiện khát vọng và niềm tin của người dân
nước ta về một vị anh hùng sẽ luôn bảo vệ và ở bên đất nước Việt Nam trong
những thời khắc khó khăn. Xét trong khuôn khổ so sánh giữa các vị thần may mắn
bảo hộ của Nhật Bản và Việt Nam, ta thấy rõ sự khác biệt giữa cách thờ phụng
Thánh Gióng và Bishamonten - vị thần chiến tranh trong Thất Phúc Thần. Vào
khoảng thời gian xảy ra chiến tranh, Thánh Gióng được thờ phụng để bảo vệ người
dân, thể hiện mong muốn an yên và niềm tin vào sự bảo hộ của một vị thần đã từng
đánh đuổi giặc ngoại xâm ra khỏi đất nước với hình ảnh lũy tre đầy tính dân gian
và văn hóa dân tộc. Thánh Gióng mang một hình tượng gần gũi và thân thuộc với
người dân Việt Nam hơn bao giờ hết. Trong khi đó, Bishamonten, một vị thần
chiến đấu bảo vệ Phật giáo du nhập sang Nhật Bản trong thời khoảng thời gian
Nhật Bản phân chia, đã được thờ phụng bởi các samurai để cầu mong chiến thắng
vinh quang. Điều đó thể hiện sự khác biệt trong cách con người Việt Nam và Nhật
Bản thờ phụng và gửi gắm lòng tin vào các vị thần chiến tranh của mỗi nước. Đồng
thời, sự khác biệt đó cũng thể hiện phần nào tâm thức của con người trong mỗi dân
tộc. Khác với một dân tộc Việt Nam đã bị đô hộ và chèn ép trong một khoảng thời
gian dài dẫn đến sinh ra trong tâm thức một vị thần luôn ở bên và bảo vệ người
Việt, cách mà dân tộc Nhật Bản, đặc biệt là các samurai thời điểm đó, thờ phụng
cũng như gửi gắm ước mong chiến thắng đến Bishamonten thể hiện sự thiện chiến
89

cũng như lòng tự tôn rất cao của tầng lớp này. Từ đó, ta hiểu được rằng cách mà
mỗi một dân tộc thờ cúng và tin tưởng vào các vị thần của họ sẽ thể hiện phần nào
đặc tính của mỗi dân tộc đó, xét trong bối cảnh lịch sử tại thời điểm ra đời và xuất
hiện.
Xét về bối cảnh ra đời của câu chuyện dân gian về Thánh Gióng, có thể
thấy rằng nó ra đời vào khoảng thời gian nước Văn Lang của vua Hùng và Âu Lạc
của An Dương Vương vẫn còn tồn tại trong ký ức của nhân dân. Trong thời kỳ
1000 năm Bắc thuộc, người dân đã phải chịu sự ảnh hưởng nặng nề của yếu tố văn
hóa Hán chèn ép những nét văn hóa bản địa đến tận những vùng quê xa xôi, khả
năng kháng cự của dân tộc Việt bị giảm đi rất nhiều do ảnh hưởng thời gian và sự
cai trị về chính trị của các triều đại Trung Quốc. Ấy vậy mà trong bối cảnh văn
hóa bản địa bị xóa bỏ cao, hình tượng Thánh Gióng đánh giặc bằng lũy tre làng đã
được sinh ra, mang theo sự ấp ủ lòng tin của người dân về việc rồi một ngày nào
đó, đất nước của vua Hùng, An Dương Vương kia rồi sẽ lại độc lập như trước.
(Bùi Lưu Phi Khanh, 2021). Có thể hình dung, khác với các samurai Nhật Bản vào
thời điểm chiến tranh đã lựa chọn thờ phụng Bishamonten như một vị thần đem
lại may mắn và chiến thắng trong các cuộc chiến là dựa trên ý nghĩa gốc của
Bishamonten dưới tư cách chiến đấu bảo vệ Phật giáo; người Việt Nam “tạo ra”
hình tượng Thánh Gióng trong tâm thức trong bối cảnh cần được bảo hộ lòng tin
về sự yên bình và sau đó mới là một nước tương lai sẽ giành lại được độc lập dân
tộc. Điều này thể hiện rất rõ tinh thần tự hào dân tộc của con người nước ta ngay
từ những ngày đầu bị đô hộ, một tinh thần tự cường và lòng yêu nước dồi dào đã
góp phần tạo nên một hình tượng Thánh Gióng mang đậm bản sắc dân tộc Việt
Nam. Chính vì vậy, có thể nhận định rằng vào thời điểm đó, hình tượng Thánh
Gióng không chỉ đơn thuần là để bảo hộ cho người dân qua khỏi những khó khăn
của chiến tranh, mà đó còn là bằng chứng cho nét riêng của văn hóa Việt Nam đã
xuất hiện từ rất sớm trong cộng đồng dân tộc Việt từ xa xưa.
Theo Bùi Lưu Phi Khanh (2021), xét về mặt lịch sử, Thánh Gióng là một
nhân vật mang yếu tố hư cấu rất cao, đến mức gần như có thể xem là một nhân vật
chưa từng tồn tại trong lịch sử. Ngay cả trong thời điểm nước ta bị đô hộ, không
có sử sách, thì sử sách Trung Quốc thời Bắc thuộc cũng không có bất kỳ ghi chép
nào về ông như về Thục Phán hay Hùng Vương trong các tác phẩm “Giao Châu
90

ngoại vực ký” (thế kỷ IV), “Nam Việt chí” (thế kỷ V). Chứng cứ sớm nhất về biểu
tượng Thánh Gióng mới chỉ xuất hiện một cách không rõ ràng ở giai đoạn Tiền Lê
và chỉ thực sự rõ nét trong thời nhà Lý. Như vậy, có thể thấy chỉ sau khi độc lập ở
khoảng nửa sau thế kỷ X trở đi, thì Thánh Gióng mới có mặt trong các tác phẩm
như “Đại Việt sử ký toàn thư” của Ngô Sĩ Liên (thế kỷ XV), “Việt điện u linh” của
Lý Tế Xuyên (thế kỷ XIV) hay “Lĩnh Nam chích quái” của Vũ Quỳnh và Kiều
Phú (thế kỷ XV). So sánh mốc thời gian này so với xuất xứ của câu chuyện, có thể
thấy mức độ xác thực của Thánh Gióng trong lịch sử là rất thấp so với các nhân
vật như Thục Phán, Bà Triệu,... Tuy nhiên, cũng không thể nói là không có nhân
vật nào làm cơ sở cho hình tượng của một trong bốn vị Tứ bất tử Việt Nam. Như
trong “Thánh Gióng, một hình ảnh cổ mẫu về người cứu hộ của dân tộc trong tâm
thức dân gian và mối quan hệ với lễ hội Gióng” (Bùi Lưu Phi Khanh, 2021), trang
370-371 có viết: “Nhưng cũng là không chính xác nếu coi như không có một nhân
vật nào là cơ sở cho hình tượng Thánh Gióng, nhiều khả năng là một thủ lĩnh ở
vùng Sóc Sơn, Bắc Ninh với những trận chiến với những bộ lạc, bộ tộc xung quanh
để tranh giành ảnh hưởng dần dần được tâm thức dân gian đưa lên thành một nhân
vật ờ tầm cỡ quốc gia với những mục tiêu lớn như cứu nước, giúp dân, đánh đuổi
giặc ngoại xâm.”
Nhưng ở đây, khi xét dưới góc độ huyền thọai của Thánh Gióng và những
ảnh hưởng của ông đến đời sống, văn hóa, tinh thần sau này của người Việt, thì
quả thực Thánh Gióng quả thực là một hình ảnh cổ mẫu về người cứu hộ trong tâm
thức dân tộc ta. Vì hình tượng Thánh Gióng xuất hiện để bảo vệ đất nước khỏi giặc
ngoại xâm, cứu người dân khỏi cuộc sống khổ đau nặng nề, đồng thời còn là minh
chứng cho sự gìn giữ bản sắc văn hóa Việt tưởng chừng sắp mất đi của dân tộc
Việt. Theo “Việt điện u linh” (Lý Tế Xuyên, Trịnh Đình Rư dịch – Đinh Gia Khánh
hiệu đính, 1972), dưới thời nhà Lý, Lý Công Uẩn đã biểu tượng hóa tinh thần dân
tộc thành cụ thể, bằng cách ban tặng cho Thánh Gióng tước hiệu Xung Thiên Thần
Vương, có đền thờ, bài vị hoặc tượng thờ cụ thể. Bằng cách đó, biểu tượng Thánh
Gióng như một vị anh hùng dân tộc dần định hình và ra đời, là một trong những
biểu tượng của nền độc lập dân chủ của nước Đại Việt.
Hình tượng Thánh Gióng do dân gian tạo ra, lưu truyền và phản ánh lại vào
đời sống của những người thuộc tầng lớp trên, từ đó kích thích mạnh mẽ cảm nhận
91

về một quốc gia có trước khi bị các triều đại phong kiến đô hộ, thúc đẩy khát vọng
muốn tách biệt mình khỏi tầng đô hộ đó và đánh thức ý thức độc lập vốn đã mai
một trong suốt thời gian Bắc thuộc. Vì lẽ đó, tâm thức dân gian đã hòa trộn cùng
tâm thức của tầng lớp trên nó, trở thành một cái chung và lớn hơn là tâm thức của
toàn dân tộc. Vai trò của Thánh Gióng vì lẽ đó cũng trở nên to lớn hơn, bao trùm
hơn, trở thành hình ảnh anh hùng, nguồn sức mạnh tinh thần cho cả đất nước.

b. Đặc điểm của tín ngưỡng thờ cúng Thánh Gióng ở Việt Nam
Tín ngưỡng thờ cúng Thánh Gióng trong không gian văn hóa Việt Nam được
thể hiện rõ nhất thông qua những Hội Gióng được tổ chức ở miền Bắc nước ta.
Như đã phân tích, tuy nguồn gốc của đức Thánh Gióng xét trên giá trị lịch sử là
rất thấp, thì những lễ hội thờ Gióng vẫn luôn được người dân địa phương duy trì
qua hằng năm, giữ nguyên vẹn giá trị lịch sử cũng như văn hóa tinh thần của mình.
Như vậy, có thể thấy tín ngưỡng thờ cúng Thánh Gióng ở nước ta đa phần
là chú trọng tôn vinh một trong những vấn đề quan trọng của dân tộc dưới góc nhìn
truyền thuyết Thánh Gióng, đó là lòng dũng cảm chiến đấu bảo vệ dân tộc, khát
vọng hòa bình và biểu hiện cho sự mong cầu an yên, lòng tin về một vị thần bảo
hộ cho dân tộc Việt, cổ động tinh thần đoàn kết dân tộc để tạo ra sức mạnh chống
lại các thế lệ bên ngoài.
Dựa trên nội dung của những Hội Gióng diễn ra hằng năm, ta nhận thấy
rằng tín ngưỡng thờ Gióng là một truyền thống tốt đẹp được duy trì nhiều đời của
dân tộc ta, để tưởng nhớ và ca ngợi chiến công của người anh hùng Thánh Gióng.
Trong các lễ hội đều mô phỏng một cách sinh động các trận đấu của Thánh Gióng
và nhân dân Văn Lang trong cuộc chiến chống giặc ngoại xâm, từ đó việc cho thấy
tín ngưỡng thờ cúng này không còn chỉ đơn giản là việc thể hiện sự biết ơn và tin
tưởng của người dân vào một vị thần bảo hộ dân tộc; mà thông qua đó còn “nâng
cao nhận thức cộng đồng về các hình thức chiến tranh bộ lạc thời cổ xưa; đồng
thời giáo dục lòng yêu nước, truyền thống thượng võ, ý chí quật cường và khát
vọng độc lập, tự do của dân tộc.” (Nguyễn Thị Hồng, 2017)
Ngoài những đặc điểm kể trên, tín ngưỡng thờ Gióng bằng việc tổ chức các
lễ hội Thánh Gióng còn thể hiện một tinh thần “uống nước nhớ nguồn” và “thương
người như thể thương thân”, những giá trị cao đẹp được lưu giữ và truyền lại từng
92

đời từ nguồn gốc của Thánh Gióng. Đương nhiên, những giá trị tốt đẹp trên của
dân tộc Việt không hoàn toàn bắt nguồn từ truyền thuyết Thánh Gióng, nhưng
không thể phủ nhận việc tín ngưỡng thờ Gióng của những người dân địa phương
đã góp phần duy trì việc tăng cường và giáo dục những giá trị đó cho không chỉ
thế hệ trẻ mà là còn cho những du khách đến tham quan và tham gia lễ hội.
Từ đó, có thể thấy rằng từ việc chỉ là một tín ngưỡng thờ cúng trong cộng
đồng những người thờ phụng Thánh Gióng, những lễ hội là một phần của tín
ngưỡng trên đã tác động sâu sắc đến tâm lý và đạo đức người Việt; đồng thời ảnh
hưởng tới lối sống và đạo đức con người. Không chỉ dừng lại ở đó, tín ngưỡng thờ
Gióng đã phát triển từ một văn hóa địa phương đơn thuần trở thành một nét đẹp
truyền thống của người dân ngoại thành Hà Nội, đặc biệt còn đưa văn hóa bản sắc
dân tộc Việt Nam vươn tầm thế giới, tạo điều kiện cho địa phương phát triển du
lịch. Những đóng góp của các lễ hội nói riêng và tín ngưỡng thờ cúng Thánh Gióng
này nói chung đem lại rất ý nghĩa ở nhiều khía cạnh, góp phần hoàn thiện đạo đức
con người, hình thành một phong cách văn hóa, đạo đức tiến bộ (Nguyễn Thị Hồng,
2017), cũng như thể hiện tinh thần của người dân khi nỗ lực giữ nguyên ý nghĩa
và giá trị của nó.
Việc những lễ hội dân gian này vẫn đang được tiếp diễn cho thấy nỗ lực của
người dân trong việc giữ gìn văn hóa, giữ gìn nét đẹp về một biểu tượng anh hùng
dân tộc trong thời kỳ Bắc thuộc ngàn năm. Hơn thế nữa, chính những lễ hội Gióng
nói riêng và các lễ hội dân gian về các vị anh hùng nói chung đã góp phần vào việc
duy trì ý thức tự tôn dân tộc, nhắc về một quá khứ đấu tranh hào hùng gìn giữ non
sông và bản sắc đã làm nên đất nước Việt Nam từ ngày xưa cho đến bây giờ.
Xét về các nghi thức và ý nghĩa trong lễ hội. Ta có thể thấy phần nào sự khác
biệt so với các lễ hội liên quan đến Thất Phúc Thần. Dựa trên nguồn gốc mang
đậm bản sắc và nguyên gốc của Thánh Gióng, ta thấy hầu hết nội dung của cả hai
lễ hội Gióng đều thể hiện ý nghĩa biết ơn, thành kính, trân trọng và tưởng nhớ công
lao của ông đối với đất nước. Xét về mặt ý nghĩa này, đặc trưng của tín ngưỡng
thờ Gióng được thể hiện thông qua các lễ hội này có sự tương đồng với việc bày
tỏ lòng biết ơn đối với các anh hùng lịch sử đã bảo hộ và đem lại bình yên cho đất
nước; và có sự khác biệt về ý nghĩa đối với các lễ hội của những vị thần trong Thất
Phúc Thần. Từ đó, có thể thấy, tuy cùng là những vị thần bảo hộ và đem lại điềm
93

lành cho các dân tộc, nhưng xét về nguồn gốc, tín ngưỡng và phong tục thờ Gióng
phần lớn thể hiện sự biết ơn so với việc thể hiện sự cầu nguyện như đối với Thất
Phúc Thần.

3.2. So sánh giữa Thất Phúc Thần và các vị thần may mắn trong tín ngưỡng, văn
hóa Việt Nam
Ở các chương trên, nhóm nghiên cứu đã tiến hành lần lượt việc tìm hiểu,
phân tích về Thất Phúc Thần cũng như các vị thần may mắn có ý nghĩa tương tự
trong tín ngưỡng, văn hóa Việt Nam dựa trên những tài liệu sẵn có. Ở chương này,
nhóm nghiên cứu chúng tôi sẽ hệ thống lại các nội dung đã nghiên cứu được bằng
bảng tóm tắt, dựa trên các tiêu chí: nguồn gốc, hình dạng bên ngoài của vị thần,
vai trò, chủ thể thực hiện thờ vị thần, thời gian thờ, không gian thờ, các lễ hội. Sau
đó đưa ra so sánh giữa nét tương đồng và sự khác biệt giữa Thất Phúc Thần và các
vị thần may mắn có ý nghĩa tương tự trong tín ngưỡng, văn hóa Việt Nam.

Bảng 3.1. Tóm tắt Thất Phúc Thần


Chủ thể
Hình dạng Sự kiện
Nguồn gốc Vai trò Người thờ vị Thời gian Không gian
bên ngoài thường niên
thần

Nụ cười hồn
nhiên. Bộ râu Có nhiều lễ
Thờ quanh
cằm cạo nhẵn hội, trong đó
năm. Viếng Các đền thờ,
nhụi. Đội mũ Làm ăn phát đặc trưng gồm
Các ngư dân thăm vào chùa chiền
như người đi đạt; Toka Ebisu và
Ebisu Nhật Bản và các thương ngày đầu của trên khắp các
săn. Cầm cần Xua đuổi tà Kanda.
nhân năm mới và nước Nhật
câu và giỏ cá, ma Cuộc hành
các lễ hội liên Bản
ôm một con hương Thất
quan
cá tráp biển Phúc Thần.
lộng lẫy.

Đầu chít khăn Thờ quanh Có nhiều lễ


vải. Đứng trên Giáo phái năm. Viếng Các đền thờ, hội ở mỗi đền
Mùa màng bội
bồ lúa. Tay Tendai, đa thăm vào chùa chiền nhưng đặc
Ấn Độ -> thu;
Daikokuten trái mang một dạng các tầng ngày đầu của trên khắp các trưng là
Nhật Bản Con cháu hiếu
cái túi lớn, tay lớp và người năm mới và nước Nhật Kanda.
thuận
mặt cái búa dân các lễ hội liên Bản Cuộc hành
nhỏ bằng gỗ quan hương Thất
94

(uchide-no- Phúc Thần.


kozuchi). Đi
kèm với bao
gạo và một
con chuột
bạch.

Dáng vẻ phẫn
nộ, bận áo
giáp như võ
thần. Một tay
Thờ quanh
cầm bửu tháp
May mắn năm. Viếng Các đền thờ,
(tahoto, đa
tránh khỏi Đa dạng tầng thăm vào chùa chiền
Ấn Độ -> bửu tháp), Cuộc hành
Bishamonten nguy hiểm; lớp và người ngày đầu của trên khắp các
Nhật Bản một tay cầm hương Thất
Đạt thành tựu dân năm mới và nước Nhật
ngọn giáo. Phúc Thần.
lớn các lễ hội liên Bản
Đôi khi được
quan
thấy với hình
ảnh chân đang
dẫm lên một
con quỷ

Thường được
mô tả là một
mỹ nhân vô
song cầm cây
đàn tỳ bà. Đội
vương miện Thờ quanh
với con rắn năm. Viếng Các đền thờ,
Tình yêu viên
trắng trên đầu. Đa dạng tầng thăm vào chùa chiền
Ấn Độ -> mãn; Đạt Cuộc hành
Benzaiten Thường ngồi lớp và người ngày đầu của trên khắp các
Nhật Bản thành tích hương Thất
hay đứng trên dân, nông dân năm mới và nước Nhật
trong học tập Phúc Thần.
lá sen, hoặc các lễ hội liên Bản
cưỡi bạch quan
long (rồng
trắng), rắn
biển, hay rắn
trắng (bạch
xà).
95

Có dung mạo
phúc đức,
thân hình to
béo, khuôn
mặt tươi cười.
Thờ quanh
Bụng thường
năm. Viếng Các đền thờ,
để lộ ra ngoài
Hôn nhân hòa Đa dạng tầng thăm vào chùa chiền
Trung Quốc - khi đi khất Cuộc hành
Hotei thuận; lớp và người ngày đầu của trên khắp các
> Nhật Bản thực. Thường hương Thất
Tài sản dân năm mới và nước Nhật
cầm quạt và Phúc Thần.
các lễ hội liên Bản
mang trên
quan
lưng một
chiếc túi lớn
chứa gạo. Có
khi ngồi trên
xe kéo

Dáng vẻ của
một vị tiên
nhân, có dái
tai lớn. Một
cái đầu dài
chiếm khoảng
một nửa chiều
cao. Trán
rộng, đầu hói
Thờ quanh
đội mũ văn
năm. Viếng Các đền thờ,
nhân, bộ râu
Nổi tiếng, thu Đa dạng tầng thăm vào chùa chiền
Trung Quốc - để dài và màu Cuộc hành
Fukurokuju hút đức độ; lớp và người ngày đầu của trên khắp các
> Nhật Bản bạc. Mặc áo hương Thất
Tăng lương dân năm mới và nước Nhật
Tàu dài và Phúc Thần.
các lễ hội liên Bản
rộng, tay
quan
chống gậy.
Trên gậy thần
buộc cuốn
kinh
(makimono)
ghi những bí
truyền về
sống lâu và trí
khôn của nhân
96

loại. Tay trái


thần cầm cái
quạt xếp. Bên
cạnh thường
có rùa và hạc.

Dáng vóc bên


ngoài của thần
Jurojin trông
giống như
thần
Fukurokuju:
đều có mô típ
tiên nhân. Là
một ông lão
Thờ quanh
đầu dài, râu
năm. Viếng Các đền thờ,
dài và bạc
Sống thọ, giàu Đa dạng tầng thăm vào chùa chiền Cuộc hành
Trung Quốc - phơ, đội mũ
Jurojin có và phước lớp và người ngày đầu của trên khắp các hương Thất
> Nhật Bản trùm đầu, tay
lành dân năm mới và nước Nhật Phúc Thần.
cầm trái đào
các lễ hội liên Bản
và trượng,
quan
trên đầu
trượng có
cuốn kinh ghi
về trí khôn
nhân loại và
bí quyết sống
lâu. Đi cùng
với một con
hươu.
97

Bảng 3.2. Tóm tắt các vị thần may mắn có ý nghĩa tương tự ở Việt Nam
Chủ thể
Hình dạng
Nguồn gốc Vai trò Người thờ vị Thời gian Không gian Sự kiện
bên ngoài
thần

- Có râu, quần
Mỗi tháng
áo chỉnh tề,
Vị thần chủ về Đa dạng, các trong năm,
Ấn Độ- đầu đội mũ ô Thờ mỗi
tài lộc trong tầng lớp khác Cửa hàng, gia đặc biệt là
Thần Tài >Trung Hoa- sa tháng trong
công việc nhau trong xã đình ngày vía Thần
> Việt Nam - Có râu, đầu năm
kinh doanh hội Tài (mùng 10
trọc, to béo,
tháng Giêng).
tay cầm vàng

- Thờ mỗi
Đàn ông trung tháng trong
niên, hai má Vị thần bảo vệ năm giống với
ửng hồng, cởi đất đai, mang Thần Tài.
Đa dạng, các
trần, bụng đến may mắn, - Khi xây nhà,
Trung Hoa-> tầng lớp khác Cửa hàng, gia Múa lân, lễ,
Ông Địa phệ, đầu quấn phúc lộc, tiền mở ruộng, đào
Việt Nam nhau trong xã đình Tết
khăn và tay bạc, của cải, huyệt, đào ao,
hội
cầm quạt phe niềm vui đến đào giếng
phẩy, tư thế với gia đình - Khi tìm đồ
hào sảng vật thất lạc
gần nhà

Vị thần bảo vệ
tính mạng của Tùy địa Cơ sở thờ tự,
con người phương. Từ 2 miếu,
Cá voi, hoặc
Tục thờ thần trên biển, cho - 3 năm tổ đền,...ven
loài cá nào có Lễ hội nghinh
Cá Ông Sóng biển của chuyến ra Ngư dân chức 1 lần. biển tại các
kích thước Ông
người Chăm khơi thuận Hoặc khi nào tỉnh Trung
cực lớn
buồm xuôi có điều kiện Bộ, miền
gió, nhiều thu thì mới thờ Nam
họach

Truyền thuyết Vị thần, vị anh Tùy địa Những vùng


về đứa trẻ hùng sẽ luôn phương. 5 ngoại thành
Một con ngựa
sinh ra ở làng bảo vệ và ở Người dân cả năm một lần, Hà Nội, nơi
sắt, một áo
Phù Đổng, bên đất nước nước, chủ yếu vào các năm sinh, nơi hóa
Thánh Gióng giáp sắt và Lễ hội Gióng
huyện Gia Việt Nam là phía Bắc kết thúc là 0 thần và là nơi
một cây roi
Lâm, Hà Nội trong những của Việt Nam hoặc 5. Đa số chiến đấu với
sắt
vào đời vua thời khắc khó vào mùng 7 giặc ngoại
Hùng thứ 6 khăn đến mùng 9 xâm của
98

tháng Giêng Thánh Gióng


âm lịch.

Qua đó, thông qua bảng tóm tắt về Thất Phúc Thần và các vị thần may mắn
có ý nghĩa tương tự ở Việt Nam, nhóm nghiên cứu xin phép được so sánh những
tiêu chí như trên mà nhóm nghiên cứu đã đề ra thông qua sự tương đồng và sự
khác biệt nhằm rõ những nét đặc trưng riêng biệt của những vị thần may mắn của
Nhật Bản và Việt Nam.
Nguồn gốc: Sự hình thành của các vị thần may mắn của hai nước đều xuất
phát từ mục đích chung ban đầu đó là cầu mong những phước lành, điều may mắn,
sức khỏe về cho bản thân và gia đình của mình. Ngoài ra, do công việc mưu sinh
chủ yếu trước đây của người dân hai nước đều phụ thuộc vào nông nghiệp, thiên
nhiên nên không thể không có các vị thần tự nhiên như: vị thần biển cả (Thần Ebisu
ở Nhật Bản và Cá Ông ở Việt Nam), vị thần cai quản đất đai cho mùa màng bội
thu (Thần Daikokuten ở Nhật Bản và Thổ Địa ở Việt Nam). Điểm tương đồng về
nguồn gốc tiếp theo của các vị thần may mắn ở Nhật Bản và Việt Nam là đều nằm
trong và chịu ảnh hưởng của dòng chảy văn hóa phương Đông, đều du nhập tín
ngưỡng thần linh từ các nền văn hóa của quốc gia khác (Ấn Độ, Trung Quốc) rồi
trải qua một khoảng thời gian đã dần biến đổi cho phù hợp với phong tục của nước
mình, trở thành vị thần của nước mình. Ví dụ ở Nhật Bản có Thần Daikokuten (du
nhập từ Ấn Độ) , Thần Bishamonten (du nhập từ Ấn Độ), Thần Benzaiten (du nhập
từ Ấn Độ), Thần Fukurokuju (du nhập từ Trung Quốc), Thần Jurojin (du nhập từ
Trung Quốc) còn ở Việt Nam có Thần Tài (du nhập từ Ấn Độ, Trung Quốc), Ông
Địa (du nhập từ Trung Quốc).
Bên cạnh đó, xét theo phương diện lịch sử, văn hóa thì tín ngưỡng Thất
Phúc Thần (Nhật Bản) và tín ngưỡng thờ các vị thần may mắn (Việt Nam) đều có
mối liên hệ mật thiết với nền văn minh phương Đông. Dù xã hội ngày càng tiến
bộ, nhiều hiện tượng tự nhiên được cho là bí ẩn trước đây dần được các nhà khoa
học lý giải, con người có thể tự xoay sở, không còn sống phụ thuộc, phó mặc số
phận của mình cho đất trời như trước kia. Ví dụ như họ có thể chủ động trong việc
99

dự đoán thời tiết trong canh tác nông nghiệp, mùa vụ hay có thể dự đoán thiên tai
sắp xảy đến và đưa ra những phương án sơ tán, phòng tránh. Dẫu vậy, sâu trong
tâm thức của không ít người Nhật Bản và Việt Nam thì họ vẫn đặt niềm tin vào thế
giới tâm linh. Họ tin rằng mọi kết quả tốt đẹp họ có được nhờ thần linh phù hộ,
tiếp tục thờ cúng để mong được các vị thần trên cao chứng giám, ban phát điều
lành. Mặt khác, yếu tố tín ngưỡng về các vị thần may mắn ở Nhật Bản và Việt
Nam không theo một khuôn mẫu cụ thể về không gian, cũng không áp đặt những
luật lệ hà khắc buộc mọi người phải tuân theo, mà đa số mọi người tin rằng chỉ cần
sống tốt, thường xuyên giúp đỡ người khác, không làm việc ác thì sẽ được các vị
thần chứng giám. Những nét văn hóa tín ngưỡng ấy phản ánh bản sắc văn hóa đặc
trưng của người Á Đông: hiền lành, chăm chỉ, tin vào lẽ phải trên đời.
Về hình dạng

Mỗi vị thần đều mang những đặc điểm riêng biệt. Liên quan đến những nét
tương đồng về đặc điểm giữa thần Daikokuten và Thần Tài, nhìn chung là hai vị
thần đều mang đến vận may cho người dân, đều mang thân hình to béo, có râu và
đều ăn mặc kín đáo. Điểm khác biệt lớn liên quan đến đặc điểm hai vị thần này là
về trang phục, thần Daikokuten mang đầu chít khăn vải, đứng trên bờ lúa, tay trái
mang túi lớn, tay mặt cái búa bằng gỗ và đi kèm với bao gạo và con chuột bạch,
còn Thần Tài ở Việt Nam thì người ta thường vẽ ông có râu dài, đội mũ ô sa và tay
cầm vàng thỏi.
Tiếp theo đó là Thần Hotei của Nhật Bản và Ông Địa của Việt Nam, cả hai
vị thần này đều có rất nhiều điểm chung chính là dung mạo phúc đức, đều có thân
hình to béo, mặt tươi cười, bụng phệ và đều phanh ngực hở bụng và tay đều cầm
quạt. Ngoài ra còn có một điểm khác biệt liên quan đến hai vị thần này là thần
Hotei đều mang trên vai mình một chiếc túi gạo lớn, còn Ông Địa có đầu quấn
khăn, mang một vàng thỏi trên tay và tư thế hào sảng.
Liên quan đến thần Ebisu của Nhật Bản và Cá Ông của Việt Nam, cả hai vị
thần hoàn toàn không có sự tương đồng nào về đặc điểm và hình dạng bên ngoài.
Vì vị thần Ebisu là vị thần có hình dạng là con người, mang nụ cười hồn nhiên, bộ
râu cằm cạo nhẵn nhụi, đội mũ như người đi săn, cầm cần câu và giỏ cá và ôm một
con cá tráp biển, còn cá ông là loài cá, loài linh vật đối với ngư dân vùng biển, loài
100

cá mà ngư dân Việt Nam hay thờ cúng đó chính là cá voi, cá heo với nhiều loài
khác nhau trên biển.
Cuối cùng là thần Bishamonten của Nhật Bản và Thánh Gióng của Việt
Nam, hai vị thần có một đặc điểm chung là dáng vẻ của một anh hùng chống giặc.
Tuy nhiên hai vị thần này đều có nhiều sự khác biệt, thần Bishamonten mang dáng
vẻ phẫn nộ, một tay cần bửu tháp, một tay cầm ngọn giáo và đôi khi được thấy với
hình ảnh chân đang dẫm con quỷ, và Thánh Gióng đều mang cho mình một con
ngựa sắt, một cây roi sắt và một cái áo giáp sắt mang cho mình một phong thái
dũng mãnh, uy phong và lẫm liệt.
Về chức năng và ý nghĩa:

Về sự tương đồng liên quan đến Thất Phúc Thần trong tín ngưỡng và văn
hóa của Nhật Bản và những vị thần may mắn trong tín ngưỡng và văn hóa của Việt
Nam thì đều mang lại nhiều vận may, tài lộc và đem lại nhiều sự thuận lợi cho
cuộc sống người dân Nhật Bản và Việt Nam. Ngoài ra, còn đem lại sự hòa thuận
cho gia đình, đem lại cuộc sống ấm no, hạnh phúc. Cụ thể, thần Daikokuten và
Thần Tài đều đem lại vận may và tiền tài; còn thần Hotei và ông Địa đem lại tài
sản, niềm vui đến gia đình và sự hòa bình yên ổn; Ebisu và Cá Ông đem lại sự
hưng thịnh cho các ngư dân làng chài, đem lại sự bảo hộ và sự thu họach bội thu
đối với ngư dân vùng biển; Bishamonten và Thánh Gióng là những vị thần chống
lại giặc ngoại xâm của người dân.
Tuy nhiên, cũng có sự khác biệt liên quan đến chức năng và ý nghĩa của
Việt Nam, cụ thể thần Daikokuten có chức năng đem lại sự giàu có, đem lại lương
thực và sự may mắn trong nông nghiệp và bếp núc và đem lại ý nghĩa về bội thu
lương thực và con cháu hiếu thuận, còn Thần Tài là vị thần ban tài phát lộc, mang
lại một cuộc sống ấm no sung túc và đem lại được nhiều tài lộc trong kinh doanh;
Thần Hotei là vị thần của tài sản, vận mệnh của gia đình và sự hòa bình, vị thần
này có ý nghĩa đem lại một cuộc sống hạnh phúc và đem lại sự hài lòng, niềm vui
cho người dân, còn ông Địa là vị thần thuộc về vùng đất, địa điểm, là vị thần bảo
vệ đất đai, cũng mang lại sự may mắn, phúc lộc, tiền bạc, của cải; Ebisu và Cá Ông
tuy có sự tương đồng nhưng Ebisu là vị thần làm ăn phát đạt, xua đuổi tà ma, còn
Cá Ông chỉ là bảo vệ tính mạng của ngư dân vùng biển, ra khơi thuận buồm xuôi
101

gió và nhận được thu họach; vị thần Bishamonten là vị thần chữa bệnh, đem lại
quyền năng cứu các hoàng đế khỏi bệnh tật, đe dọa tính mạng và xua đuổi bệnh
dịch và qua đó đem lại may mắn tránh khỏi nguy hiểm và đạt được những thành
tựu to lớn, còn Thánh Gióng tượng trưng cho tinh thần chống giặc ngoại xâm và
sức mạnh tuổi trẻ của dân tộc Việt Nam, còn là vị thần, vị anh hùng cứu nước Việt
Nam trong hoàn cảnh khó khăn, và qua đó mang ý nghĩa biểu thị tinh thần yêu
nước, tinh thần chống giặc ngoại xâm của nhân dân.
Về sự tiếp nhận của người dân

Liên quan đến sự tương đồng về sự tiếp nhận Thất Phúc Thần của người
dân Nhật Bản và các vị thần may mắn của người dân Việt Nam thì hầu như đều
được thờ phụng ở các đền thờ, chùa chiền ở nhiều nơi khác nhau bởi đa dạng tầng
lớp và các người dân và đều tổ chức nhiều sự kiện, lễ hội khác nhau của từng vị
thần biểu thị được nét đẹp đa dạng và riêng biệt ở từng vị thần. Giống như ông
Địa và ông Thần Tài ở Việt Nam thì thần Ebisu và thần Daikoku cũng được thờ
chung với nhau trên bàn thờ Thần Đạo và thần Ebisu và Cá Ông có điểm chung là
đều được thờ phụng bởi các ngư dân để cầu mong cho sự mùa màng và đánh bắt
bội thu.

Đương nhiên là cũng có sự khác biệt lớn về sự tiếp nhận của người dân
Nhật Bản. Chẳng hạn như Thất Phúc Thần ở Nhật Bản hầu như được thờ phụng
tại nhiều ngôi đền và chùa chiền trên khắp các nước Nhật Bản thì những vị thần
may mắn ở Việt Nam đều được thờ phụng ở các không gian riêng biệt như Cá Ông
chỉ được thờ phụng tại các cơ sở thờ tự ở khu vực các tỉnh Trung Bộ và miền Nam
Việt Nam và Thánh Gióng thì chỉ chủ yếu là ở phía Bắc Việt Nam; Tại Nhật Bản,
Thất Phúc Thần đều được thực hiện thờ cúng quanh năm bởi đa dạng tầng lớp và
người dân Nhật Bản thì ở Việt Nam, ông Địa và ông Thần Tài đều thờ mỗi tháng
trong năm bởi nhiều gia đình và cửa hàng bởi người dân, còn Cá Ông và Thánh
Gióng thì lâu lâu mới được thực hiện công việc thờ cúng tùy địa phương ở Việt
Nam. Qua đó, cho thấy sự tiếp nhận về Thất Phúc Thần ở Nhật Bản rất đa dạng,
còn ở Việt Nam thì sự tiếp nhận các vị thần may mắn thì không được nhiều.
Cùng ảnh hưởng và tiếp nhận các Vị thần từ Trung Quốc, Ấn Độ,... nhưng sự tiếp
102

nhận của Việt Nam và Nhật Bản khác nhau. Ở Việt Nam, bởi vì những tôn giáo từ
nước ngoài (như Nho giáo, Phật giáo, Hồi giáo,...) có điểm chung là đều được du
nhập bằng con đường văn hóa và con đường thương mại (kinh tế), đều có chung ý
định là xâm thực, xâm lược và đồng hóa. Tuy nhiên, tất cả các tôn giáo ấy đều
ngay lập tức được Việt hóa khi được đưa vào. Theo Huỳnh Khái Vinh (2000) “Quá
trình Việt hóa tôn giáo ngoại lai là một đặc thù của sự hỗn dung giữa tôn giáo với
văn hóa và con người Việt Nam”. Đất nước ta có nhiều dân tộc khác nhau và dù
có nhiều tôn giáo được truyền bá nhưng không có tôn giáo nào có thể trở thành
“sự độc tôn tôn giáo” được. Các tín đồ tôn giáo đa phần là tầng lớp lao động nghèo,
họ “theo Chúa vì gạo” như Thiếu tướng tình báo Vũ Ngọc Nhạ đã từng nói, nên
vấn đề tôn giáo và vấn đề dân tộc ở Việt Nam có quan hệ mật thiết, gắn kết với
nhau. Vì lẽ đó nên người dân Việt Nam có lòng yêu nước và tự tôn dân tộc rất
mạnh mẽ, thành ra các tôn giáo được đưa vào với cách thức giao lưu văn hóa thuần
túy như Phật giáo của Ấn Độ đã bị chắt lọc, điều chỉnh bằng màng lọc “Tinh thần
yêu nước nồng nàn” của dân tộc ta. Yếu tố cuối cùng và cũng là yếu tố cơ bản nhất
là người Việt (Kinh) vẫn luôn căn cứ vào tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên để tiếp thu,
chấp nhận các tôn giáo mới. Các tôn giáo, tín ngưỡng khi đã vào Việt Nam sẽ có
tính thế tục, có chừng mực và hài hòa hơn là đức tin thế giới quan trong các tôn
giáo ấy. Các nhà nghiên cứu cũng đặc biệt nhắc đến: trong tôn giáo, tín ngưỡng
của Việt Nam, yếu tố tâm lý tình cảm và đạo đức nổi bật hơn so với yếu tố đức tín
tôn giáo. Ta có thể đưa ra nhận định rằng tín ngưỡng, tôn giáo Việt Nam có mối
quan hệ gần gũi, gắn bó với đạo đức và chuẩn mực xã hội. Tín ngưỡng thờ cúng
tổ tiên cũng là minh chứng cụ thể nhất cho nhận định này. Ở Nhật Bản, việc du
nhập không có mục đích “xâm thực, xâm lược và đồng hóa” nên tiếp nhận tôn giáo
dựa trên nhiều nguyên do khác nhau. Đối với Phật giáo, việc du nhập dựa trên sự
tranh luận của các hạ thần dưới thời Thiên hoàng Kinmei, có nhiều ý kiến khác
nhau nhưng Phật giáo vẫn được tiếp nhận và đến tận bây giờ câu chuyện bài Phật
và sùng Phật vẫn còn gây ra rất nhiều tranh cãi. Tuy nhiên, khi được tiếp nhận thì
chính bản chất, việc tiếp thu cách tu hành của Phật giáo cũng biến đổi, đặc biệt
trạng thái tồn tại của các vị thần ngày càng trở nên rõ rệt, có cá tính riêng cùng với
tự viện Phật giáo đã thúc đẩy sự ra đời của các Thần xã (Jinja) để thờ các vị thần.
Nho giáo đã được du nhập vào Nhật Bản từ sớm (khoảng thế kỷ V) nhưng chỉ phổ
103

biến ở giới quý tộc và nhất là võ sĩ. Đến thời cận thế người ta thường dùng thế tục
hóa để miêu đặc trưng lớn nhất của tư tưởng, tôn giáo, Nho giáo đã đáp ứng được
điều đó và thay thế cho Nho giáo trong đời sống. Tuy Nho giáo không chiếm ưu
thế tuyệt đối trong thời Edo nhưng vẫn có ảnh hưởng nhất định đến tầng lớp tri
thức và các nghi lễ.
Tiểu kết
Tóm lại, những vị thần may mắn ở Việt Nam đều sở hữu những đặc điểm
riêng biệt, mang lại những nét đẹp về tín ngưỡng, phong tục và tập quán của Việt
Nam. Ngoài làm rõ về đặc điểm của Thất Phúc Thần của Nhật Bản, nhóm nghiên
cứu cũng đã nêu rõ về nguồn gốc và tín ngưỡng của từng vị thần may mắn của
Việt Nam cho thấy được nét đẹp riêng biệt thông qua vẻ bề ngoài, về các lễ hội,
về chủ thể và không gian thờ các vị thần may mắn này. Thông qua sự so sánh về
những điểm tương đồng và khác biệt liên quan đến Thất Phúc Thần của Nhật Bản
và vị thần may mắn ở Việt Nam (cụ thể là Thần Tài, Ông Địa, Cá Ông, Thánh
Gióng) để giúp chúng tôi thấy rõ được về những đặc điểm về văn hóa, xã hội của
Nhật Bản và Việt Nam về tín ngưỡng, văn hóa nghệ thuật, phong tục tập quán,....
Qua đó, nhóm nghiên cứu cho thấy về tín ngưỡng thờ cúng vị thần may mắn của
người dân của cả hai nước Nhật Bản và Việt Nam cho thấy niềm tin về tâm linh rõ
nét về mong muốn nhận được nhiều sự may mắn, nhiều điều tốt đẹp với người dân
trong đời sống.
104

KẾT LUẬN
Tín ngưỡng Thất Phúc Thần ban đầu là nơi người dân Nhật Bản gửi gắm những
niềm tin, những mong ước sẽ được bậc thánh thần ban phát phước lành, điều may trong
cuộc sống. Trải qua hàng nghìn năm, tín ngưỡng ấy chẳng những không bị đào thải, lãng
quên mà còn chiếm một vị trí quan trọng trong đời sống tâm thức của người dân xứ Phù
Tang. Hiện nay, không chỉ người Nhật mà các vị khách đến Nhật Bản du lịch cũng có
thể dễ dàng bắt gặp sự hiện diện của Thất Phúc Thần thông qua tranh vẽ, pho tượng,
kiến trúc ở đền thờ, trong các họat động nghệ thuật, các lễ hội truyền thống của người
Nhật. Thông qua công trình nghiên cứu, chúng tôi nhận thấy rằng mặc dù tín ngưỡng
Thất Phúc Thần không được phát triển về mặt lý luận như Phật giáo hay Nho giáo, cũng
không mang những tư tưởng chủ đạo, nổi bật như trong tín ngưỡng Thần Đạo nhưng nó
lại sở hữu nét đẹp vừa lịch sử, truyền thống lại vừa giản đơn gắn liền với đời sống và
được người dân Nhật Bản trân trọng.
Mặt khác, bên cạnh những mong cầu may mắn thì những câu chuyện về Thất
Phúc Thần vẫn luôn có giá trị giáo dục, truyền tải những thông điệp nhân văn, hướng
con người đến việc rèn luyện những đức tính tốt đẹp trong cuộc sống. Trong số đó,
không thể không kể đến tinh thần làm việc tập thể, sự đoàn kết của người Nhật. Điều
này được thể hiện bởi chi tiết là những vị thần dù có quyền năng mạnh mẽ đến đâu thì
họ cũng không xuất hiện đơn lẻ mà họ tập hợp lại và trở thành một khối thống nhất, một
nhóm bảy vị thần may mắn cùng ngồi chung trên một chiếc thuyền. Sự đoàn kết trong
tín ngưỡng Thất Phúc Thần là thông điệp được người Nhật xưa lồng ghép một cách khéo
léo. Chính điều này cũng đã nuôi dưỡng, ươm mầm trong tâm thức nhiều thế hệ người
dân Nhật Bản về tầm quan trọng của ý thức tập thể- một trong những yếu tố chủ yếu
góp phần xây dựng những con người biết hy sinh lợi ích bản thân nhằm hướng đến cái
chung của cộng đồng, tạo nên kỳ tích phát triển kinh tế của đất nước Nhật.
Để nghiên cứu có tính chính xác, chúng tôi đã chọn lọc, tổng hợp thông tin từ các
nguồn tài liệu đáng tin cậy. Ở chương 1, nhóm nghiên cứu đã sử dụng những lý thuyết,
tài liệu nghiên cứu về Thất Phúc Thần để khái quát những vấn đề chung, làm rõ nguồn
gốc, lịch sử hình thành, sự biến đổi qua các giai đoạn, cũng như nghiên cứu về đặc điểm
và tầm ảnh hưởng của Thất Phúc Thần trong đời sống người Nhật. Bắt đầu bằng việc
định nghĩa khái niệm Thất Phúc Thần là bảy vị thần may mắn được tôn thờ ở Nhật Bản.
Mỗi vị thần trong Thất Phúc Thần mang lại vận may, điềm tốt lành đối với người dân
105

Nhật Bản ở trong nhiều lĩnh vực khác nhau như sức khỏe, bội thu, tiền tài và khát vọng
hoài bão, tình yêu, gia đình, hạnh phúc. Ở chương 2, nhóm nghiên cứu đã làm rõ những
đặc điểm riêng biệt của Thất Phúc Thần. Đồng thời, phân tích những ảnh hưởng của
Thất Phúc Thần trong đời sống thường ngày, trong phong tục tập quán (cuộc hành hương
của Thất Phúc Thần và hai lễ hội lớn gồm Toka Ebisu và Kanda) và đời sống nghệ thuật
(mỹ thuật và các loại hình nghệ thuật biểu diễn, điêu khắc, văn học). Qua đó thấy được
nét văn hóa tâm linh, lễ hội truyền thống đặc sắc của Nhật Bản. Sau khi trình bày một
cách hệ thống và đầy đủ về nhiều khía cạnh của Thất Phúc Thần ở hai chương trước đó,
ở chương 3 nhóm tập trung phân tích những vị thần may mắn ở Việt Nam có sự tương
đồng với Thất Phúc Thần về vai trò như Thần Tài, Ông Địa, Cá Ông, Thánh Gióng. Từ
việc phân tích những yếu tố may mắn của các vị thần trên để so sánh sự tương đồng và
khác biệt các vị thần may mắn giữa hai nước trên phương diện: nguồn gốc, con đường
phát triển, đặc điểm, sự tiếp nhận của người dân. Dựa vào việc so sánh, nhóm nghiên
cứu nhận thấy điểm chung của nhóm vị thần này ở hai nước là dù đa số các vị thần đều
là các vị thần “ngoại lai” có nguồn gốc từ quốc gia khác, nhưng theo thời gian và những
nguyên nhân khách quan, chủ quan thì những vị thần may mắn trên đã dần hòa nhập với
nền văn hóa bản địa, dần có màu sắc riêng.
Qua công trình nghiên cứu, nhóm đã góp phần vào việc nghiên cứu về đề tài Thất
Phúc Thần nói riêng và văn hóa Nhật Bản nói chung, đóng góp vào kho tàng công trình
nghiên cứu và tài liệu tham khảo về chủ đề này. Đồng thời, qua việc tìm hiểu, nghiên
cứu về những điểm tương đồng và khác biệt giữa Thất Phúc Thần của Nhật Bản và
những vị thần may mắn có ý nghĩa tương tự ở Việt Nam, bài nghiên cứu của nhóm góp
phần kết nối tìm hiểu về văn hóa tâm linh đặc sắc, giàu tính dân tộc cũng như nét đẹp
văn hóa và con người của hai đất nước Nhật-Việt, giúp hai dân tộc gần gũi và có hiểu
biết về nhau hơn, hướng đến sự hợp tác có hiệu quả của hai nước trong tương lai.
Bên cạnh đó, đề tài của nhóm vẫn có một số hạn chế nhất định. Nhóm nghiên
cứu chưa thể đi sâu phân tích hết toàn bộ những chuyên đề, tài liệu liên quan mà chỉ lựa
chọn một số lượng vừa đủ để phân tích. Đồng thời, nhóm nghiên cứu chưa thể nghiên
cứu đầy đủ tất cả các khía cạnh của sự tương đồng và khác biệt về các vị thần may mắn
mà chỉ có thể đi sâu vào những khía cạnh điển hình nhất.
106

TÀI LIỆU THAM KHẢO


I. Tài liệu sách
❖ Tài liệu tiếng Anh
1. Chiba Reiko. (1987). The Seven Lucky Gods of Japan. Hoa Kỳ: Charles E. Tuttle
Company Publishers.
2. Davis, F. Hadland (1992). Myths and Legends fo Japan (Thần thọai và truyền
thuyết về Nhật Bản). NXB New York: Dover.
3. Fairbank. (1978). East Asia, Tradition & Transformation. Mỹ: Houghton
Mifflin.
4. George B. Sansom. (1958). A History of Japan to 1334. Mỹ: Stanford University
Press.
5. George B. Sansom. (1961). A History of Japan, 1334-1615. Mỹ: Stanford
University Press.
6. Graham, Patricia (2007). Faith and Power in Japanese Buddhist Art (1600-2005).
Hawaii: University of Hawaii Press.
7. Louis Frederic. (1995). Buddhism (Flammarion Iconographic Guides). France
8. Nelia Hyndman-rizk. (2012). Pilgrimage in the Age of Globalisation:
Constructions of the Sacred and Secular in Late Mordenity. Cambridge Scholar.
9. Rossabi, Morris (1988). Khubilai Khan: his life and times. Mỹ: University of
California Press. ISBN 0-520-06740-1
10. Tatsuma Padoan. (2019).
❖ Tài liệu tiếng Nhật
11. 秋野淳一. (2017). 都市祭りの宗教学 : 戦後の地域社会の変容と神田祭. 國

學院大學 (Akino Junichi. (2017). Toshimatsuri no shuukyougaku: sengo no

chiikishakai no henyou to kandamatsuri. Kokugakuin Daigaku)


12. 井上順孝. (1999). 神社と神々 ― 知れば知るほど . 千葉県:実業之日本

社. (Inoue Nobukata. (1999). Jinja to kamigami – shirebashiruhodo. Chibaken:

Jitsugyouno Nihonsha)
107

13. 弥永信美. (2002). 大黒天変相 — 佛教神話学. 京都:法蔵館. (Iyanaga Nobumi.

(2002). Daikokutentenpensho – Hotokekyoushinwagaku. Tokyo: Hozokan)


14. 吉井 良隆 . (1999) . えびす信仰事典. 戎光祥出版 (Yoshitaka Yoshii. (1999).

Ebisushinkojiten. Ebisukoshoshuppan)
❖ Tài liệu tiếng Việt
15. Huỳnh Ngọc Trảng. (2020). Thần Đất - Ông Địa & Thần Tài. NXB Tổng hợp
TPHCM.
16. Hoàng Phê. (2003). Từ điển Tiếng Việt (Từ điển Hoàng Phê). Viện Ngôn ngữ
học, NXB Đà Nẵng.
17. Sueki Fumihiko. (2011). Lịch sử tôn giáo Nhật Bản (Phạm Thu Giang dịch).
NXB Thế giới
18. Trần Hoàng Diệu - Nguyễn Quang Ân (chủ biên). (2007). Địa chí Tiền Giang,
tập 2. Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Tiền Giang và Trung tâm Unesco Thông tin Tư
liệu Lịch sử và Văn hóa Việt Nam.
19. Lý Tế Xuyên, Trịnh Đình Rư dịch – Đinh Gia Khánh hiệu đính. (1972). Việt điện
u linh, NXB Hồng Bàng.
II. Nguồn điện từ
❖ Tiếng Anh
20. JAANUS. 七 福 神 (Thất Phúc Thần), truy cập ngày 09/10/2022 từ
https://www.aisf.or.jp/~jaanus/deta/s/shichifukujin.htm
21. Jennifer Polden (Đại học Wisconsin-Eau Claire). Hotei, truy cập ngày
09/04/2023 từ www.uwec.edu/philrel/shimbutsudo/hotei.html
22. Mark Schumacher (2011). Seven Lucky Gods of Japan (Thất Phúc Thần của Nhật
Bản). Truy cập ngày 09/10/2022 từ
https://www.onmarkproductions.com/html/seven.shtml
23. Mark Schumacher. Ebisu - Japanese God of Luck, the Ocean, Fishing Folk,
and Fair Dealing. Truy cập ngày 10/01/2023 từ
https://www.onmarkproductions.com/html/ebisu.shtml
24. Mark Schumacher. Daikokuten - Japanese God of Farmers, Agriculture,
Rice, Wealth, Commerce and the Kitchen. Truy cập ngày 11/01/2023 từ
https://www.onmarkproductions.com/html/daikoku.shtml
108

25. Mark Schumacher. Bishamonten - Lord of Treasure & Wealth, Patron of


Warriors, Guardian of the North. Truy cập ngày 12/01/2023
từ https://www.onmarkproductions.com/html/bishamonten.shtml
26. Mark Schumacher. Goddess Benzaiten. Truy cập ngày 13/01/2023 từ
https://www.onmarkproductions.com/html/benzaiten.shtml
27. Mark Schumacher. Fukurokuju - Japanese Lucky God of Wisdom and
Longevity. Truy cập ngày 14/01/2023
từ https://www.onmarkproductions.com/html/fukurokuju.shtml
28. Mark Schumacher. Hotei - God of Contentment and Happiness. Truy cập ngày
15/01/2023 từ https://www.onmarkproductions.com/html/hotei.shtml
29. Mark Schumacher. Jurojin - Japanese Lucky God of Longevity. Truy cập ngày
16/01/2023 từ https://www.onmarkproductions.com/html/jurojin.shtml
30. Ryan Grube (Đại học Wisconsin-Eau Claire). Daikoku, truy cập ngày 09/04/2023
từ www.uwec.edu/philrel/shinbutsudo/daikoku.html
31. Samantha Wohl. (2000). UCLA Center for East Asian Studies (Tài nguyên giáo
dục từ Trường Trung học cơ sở Palms (Dựa trên sách của Reiko Chiba). Truy
cập ngày 10/1/2023
từ https://www.international.ucla.edu/eas/lessons/wohl/gods.pdf
❖ Tiếng Nhật
32. Asakusa7.jp. 七福神信仰の今昔. Truy cập ngày 14/1/2023 từ
http://www.asakusa7.jp/konjaku.html
33. Asakusa7.jp. 浅草の神々. Truy cập ngày 14/1/2023 từ

http://www.asakusa7.jp/7god.htm
34. Butsuzou zui 仏像図彙 (Tóm lược hình ảnh minh họa Phật giáo). Truy cập

ngày 10/01/2023 từ https://www.lib.ehime-u.ac.jp/SUZUKA/316/index.html


35. Bishamonten 毘沙門天. Truy cập ngày 12/1/2023

https://www.aisf.or.jp/~jaanus/deta/b/bishamonten.htm
36. Benzaiten 弁才天. Truy cập ngày 13/01/2023 từ

https://www.aisf.or.jp/~jaanus/deta/d/daikokuten.htm
109

37. Daikokuten 大黒天. Truy cập ngày 10/01/2023 từ


https://www.aisf.or.jp/~jaanus/deta/d/daikokuten.htm
38. Ebisu 恵比須. Truy cập ngày 10/01/2023 từ
https://www.aisf.or.jp/~jaanus/deta/e/ebisu.htm
39. Fukurokuju 福禄寿. Truy cập ngày 14/1/2023 từ
https://www.aisf.or.jp/~jaanus/deta/f/fukurokuju.htm
40. Hotei 布袋. Truy cập ngày 15/01/2023 từ
https://www.aisf.or.jp/~jaanus/deta/h/hotei.htm
41. Hironori Arakawa. (2014). 十日戎開門「神事」の創造: 西宮神社における

近現代の変遷より. 北九州工業高等専門学校. Truy cập ngày 29/4/2023 từ

https://www.jstage.jst.go.jp/article/jasca/2014/0/2014_108/_article/-char/ja/
42. Hironori Arakawa. (2009). 西宮神社十日戎開門神事における歴史的変遷.
Truy cập ngày 29/4/2023 từ
http://library.kct.ac.jp/content/files/ResRep43/p105Arakawa.pdf
43. Juroujin 寿老人. Truy cập ngày 16/1/2023
https://www.aisf.or.jp/~jaanus/deta/j/juroujin.htm
44. Lee Sou Ae, Yorito Shu. 日 本 文 化 史 研 究 . Truy cập ngày 17/01/2023
từ https://web.archive.org/web/20120319185328/http://www.isu.edu.tw/upload/
8 4203/17/files/dept_17_lv_3_13436.pdf.
45. Shichifukujin 七 福 神 (Thất Phúc Thần). Truy cập ngày 10/01/2023
từ https://www.aisf.or.jp/~jaanus/deta/s/shichifukujin.htm
46. Seiji Hirai (Viện Văn hóa và Tâm linh Okura) (2002). 第 47 回 港北の七福神
たちーその1. Truy cập ngày 12/10/2022 từ
https://www.okuraken.or.jp/study/area_studies/kouhoku/47.html
47. 参候祭. Truy cập ngày 15/4/2023 từ
https://bunka.nii.ac.jp/heritages/detail/170715
❖ Tiếng Việt
48. Bùi Lưu Phi Khanh. (2021). Thánh Gióng, một hình ảnh cổ mẫu về người cứu hộ
của dân tộc trong tâm thức dân gian và mối quan hệ với lễ hội gióng. Truy cập
110

ngày 17/1/2023 từ
https://drive.google.com/file/d/1OfJBxmwvhAF_P6NLsh12j4gGAhsiIcnw/vie
w
49. Chương Tương. (2015). Nguồn gốc, ý nghĩa tục thờ Thần Tài và Thần Thổ Địa.
Truy cập ngày 20/4/2023 từ https://www.doisongphapluat.com/nguon-goc-y-
nghia-tuc-tho-than-tai-va-than-tho-dia-a84964.html
50. Đinh Hồng Hải. (2014). Biểu tượng Thánh Gióng: Từ huyền thọai đến lịch sử
thành văn. Truy cập ngày 17/01/2023
https://www.academia.edu/7397122/Bi%E1%BB%83u_t%C6%B0%E1%BB%
A3ng_Th%C3%A1nh_Gi%C3%B3ng_T%E1%BB%AB_huy%E1%BB%81n_t
ho%E1%BA%A1i_%C4%91%E1%BA%BFn_l%E1%BB%8Bch_s%E1%BB
%AD_th%C3%A0nh_v%C4%83n_The_Symbol_of_St_Giong_From_Myth_to
_Historical_Text_in_Vietnam_
51. Hồng Lê Thọ. (2002). Tìm hiểu văn hóa lễ hội của người Nhật Bản một hình thái
độc đáo để giữ gìn bản sắc và truyền thống. Truy cập ngày 20/1/2023 từ
https://elib.hcmussh.edu.vn/handle/HCMUSSH/55977
52. Hồ Sơn Diệp, Võ Phúc Toàn, Nguyễn Lan Hương, Trương Ứng Minh & Nguyễn
Hà Kim Ngân. (2014). Tục thờ cá ông ở Cần Giờ. Truy cập 17/01/2023 từ
https://elib.hcmussh.edu.vn/handle/HCMUSSH/13888
53. Hà Quảng. (2018). Netsuke – Nghệ thuật điêu khắc gỗ đương đại. Truy cập ngày
14/2/2023 từ https://giaoducthoidai.vn/netsuke-nghe-thuat-dieu-khac-goduong-
dai-post294896.html
54. Lý Tùng Hiếu & Mai Thị Minh Thuy. (2016). Tín ngưỡng thờ ông Địa - ông Tà
của người Việt ở An Giang. Truy cập ngày 20/4/2023 từ
https://elib.hcmussh.edu.vn/handle/HCMUSSH/12198
55. Liêm Lê. (2018). Tục thờ ông thần Tài Thổ Đại của người Việt ở Nam Bộ. Truy
cập ngày 16/1/2023 từ https://dothobattrang.vn/tuc-tho-ong-tai-tho-dai-cua-
nguoi-viet-o-nam-bo/
56. Mỹ thuật Việt Nam. (2013). Đôi nét về hội họa Nhật Bản. Truy cập ngày
14/2/2023 từ http://mythuatvietnam.com.vn/news_detail.asp?new=90&doi-
netve-hoi-hoa-nhat-ban.htm
111

57. Nguyễn Thanh Lợi. (2007). Về tục thờ Cá Ông ở Việt Nam. Truy cập 17/01/2023
từ
http://lib.bvu.edu.vn/bitstream/TVDHBRVT/8965/2/000000CVv140S4200706
1.pdf
58. Nguyễn Xuân Hương. (1997). Tục thờ cúng Cá Ông của ngư dân vùng biển
Quảng Nam – Đà Nẵng. Truy cập ngày 17/1/2023 từ
https://elib.hcmussh.edu.vn/handle/HCMUSSH/11718
59. Sóc Ca. (2019). Cổng thông tin điện tử tỉnh Sóc Trăng, Huyện Long Phú. (2019).
Sự giao thoa văn hóa tín ngưỡng thờ cúng ông Tà và ông địa. Truy cập ngày
16/1/2023 từ
https://longphu.soctrang.gov.vn/huyenlongphu/1305/33123/57836/295055/Tin
%20t%E1%BB%A9c/su-giao-thoa-van-hoa-tin-nguong-tho-cung-ong-ta-
vaong-dia.aspx
60. Thanh Nga. (2018). Goshuin - nét văn hóa ở các đền chùa Nhật Bản. Truy cập
ngày 14/1/2023 từ https://locobee.com/mag/vi/2018/11/15/goshuin-net-vanhoa-
o-cac-den-chua-nhat-ban/
61. Trần Đạo. (2022). Văn học Nhật Bản qua các thời kỳ. Truy cập ngày 14/2/2023
từ https://www.sachtiengnhat100.com/blogs/tin-tuc-nhat-ban/van-hoc-nhat-
banqua-cac-thoi-ky
62. Trương Thị Thu Hằng và Đỗ Thị Ngân Thanh. (2018). Quan niệm và thực hành
tín ngưỡng thờ thần tài của người Hoa ở quận 5 TP.HCM. Truy cập ngày
20/4/2023 từ https://elib.hcmussh.edu.vn/handle/HCMUSSH/11020
III. Tạp chí nghiên cứu
63. Andrew Littlejohn. (2020). Museum of themselves: disaster, heritage and disaster
heritage in Tohoku. Japan Forum: Informa UK Limited. (482 - 483)
64. Đinh Hồng Hải. (2014). Thần Tài: Nguồn gốc và những biến đổi trong văn hóa
Việt Nam. Tạp chí Nghiên cứu tôn giáo số 6 (132). ISSN 1859-0403, tr.108-129.
65. Kimie Tochihara, Kazue Saito, Hisayo Kabeya, & Himiko Suzuki. (1982). 衣装
の面からみた北設楽地方の祭り (第 2 報): 七福神の衣装について. 名古屋
女子大学紀要, 28, 43-52.
112

66. Nguyễn Anh Tuấn. (2016). Nữ thần saraswati (benzaiten) ở nhật bản - quá trình
hình thành, phát triển và bản địa hóa. Nghiên cứu Tôn giáo số 1 (151).
67. Nguyễn Thị Thu Trang. (2013). Lễ hội Kanda, Tokyo, Nhật Bản - Cuộc diễu hành
tâm linh hay bức tranh tái hiện lịch sử. Cục di sản văn hóa số 3(44)
68. Ooi Sawano. (2016) .えびす信仰の現在に関する研究 ―えびすを屋号にも
つ企業・店舗へのアンケート調査から―. 武庫川女子大学生活環境学科
助手, tr.119-127
69. Phan Thanh Sơn. (2021). Diện mạo khác của ông địa trên gốm hoa lam thời Lê
Sơ. Tạp chí Giáo dục Nghệ thuật số 38 (2021), tr. 49-51.
70. Tatsuma Padoan. (2019). Reassembling the Lucky Gods: Pilgrim Economies,
Tourists, and Local Communities in Global Tokyo. Journeys, 20(1), 75-97.
71. Trần Thị Hoa. (2017). Đôi điều cảm nhận về những nét tương đồng và dị biệt
trong văn hóa Việt Nam và Nhật Bản. Kỷ yếu: Nghiên cứu, giảng dạy Việt Nam
học và tiếng Việt - Những vấn đề lý luận và thực tiễn, NXB Đại học Quốc gia Hà
Nội. Tr.501-511
72. Võ Minh Trí. (2018). Thờ Thần Tài trong cộng đồng người Hoa (Nghiên cứu
trường hợp người Hoa ở quận 5, Thành phố Hồ Chí Minh). Tạp chí Nghiên cứu
tôn giáo Tập. 175 Số. 07, tr.100-117.

IV. Luận văn, luận án


73. Huỳnh Công Hiếu. (2015). Du lịch hành hương dưới góc nhìn văn hóa (trường
hợp công ty du lịch và du khách Thành phố Hồ Chí Minh). Luận văn Thạc sĩ,
Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Tp. Hồ Chí
Minh)
74. Nguyễn Võ Kiều Trinh. (2010). Thần đạo và ảnh hưởng của thần đạo trong văn
hóa Nhật Bản. luận văn Thạc sĩ, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn
(Đại học Quốc gia Tp. Hồ Chí Minh)
75. Nguyễn Thị Hồng. (2017). Vai trò của lễ hội thờ Thánh Gióng trong đời sống
tinh thần của người dân huyện Sóc Sơn. Luận văn Thạc sĩ, Trường Đại học Khoa
học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội).

You might also like