You are on page 1of 10

CHUYÊN ĐỀ KỸ NĂNG TRANH TỤNG HÌNH SỰ

BỘ GIÁO DỤC & ĐÀO TẠO ỦY BAN NHÂN DÂN TP.HỒ CHÍ
MINH
TRƯỜNG ĐẠI HỌC LUẬT TP.HỒ CHÍ MINH ĐOÀN LUẬT SƯ TP.HỒ CHÍ MINH
------------------------------ --------------------------
Tp.Hồ Chí Minh, ngày 25 tháng 09 năm
2016

BÀI THAM LUẬN: GÓP Ý XÂY DỰNG


CẨM NANG TRANH TỤNG CỦA LUẬT SƯ BÀO CHỮA

Căn cứ vào buổi Hội thảo nghiên cứu khoa học “ Do chương trình phát triển Liên
hiệp quốc tại Việt Nam ( UNDP)” diễn ra ngày 24/09/2016 do Trường Đại học luật
thành phố Hồ Chí Minh và Đoàn luật sư thành phố Hồ Chí Minh phối hợp tổ chức. Theo
yêu cầu của Ban tổ chức “ Các luật sư có nhiều kinh nghiệm trong hoạt động hành nghề
có thể tiếp tục gửi văn bản cho thầy Dương Hoán Giảng viên, Phó Giám đốc Trung Tâm
Tư vấn pháp luật Trường Đại học luật thành phố Hồ Chí Minh”.

Tôi Luật sư – Luật gia – Trọng tài viên PIAL – Giảng viên HVTP: TRẦN CAO
PHÚ hiện là Chủ tịch HĐTV kiêm Giám đốc Công ty Luật hợp danh Trần Cao, có
trên 30 năm làm việc trong các ngành luật pháp, trong đó có trên 10 năm hành nghề luật
sư và 08 năm giảng tại Học viện tư pháp Việt Nam, cộng với sự đam mê và tâm huyết với
nghề, xin góp ý thêm một số nội dung về kinh nghiệm thực tiễn để Qúy vị tham khảo,
nhằm xây dựng hoàn thiện cuốn sổ tay cẩm nang cho thế hệ luật sư tương lai của Việt
Nam.

PHẦN THỨ NHẤT: TIỀN TỐ TỤNG

I.KHÁI NIỆM & THỰC TIỄN:

1.Tiền tố tụng: Là giai đoạn khi cơ quan Cảnh sát điều tra nhận được đơn tố cáo
tội phạm của cá nhân và/hoặc tổ chức hoặc hồ sơ do cơ quan Thanh tra chuyển sang.
Cảnh sát điều tra thiết lập hiềm nghi để làm sáng tỏ sự thật khách quan của vụ việc xem
có đủ 4 yếu tố cấu thành tội phạm hay không ?, thông qua các biện pháp nghiệp vụ như:
xác minh ; mời các đối tượng liên quan lên làm việc lấy lời khai; đối chất; cung cấp tài
liệu chứng cứ có liên quan. Thời hạn điều tra là 02 tháng kể từ ngày nhận được đơn tố
cáo tội phạm ( Điều 103 BLTTHS năm 2011 & Điều 13 Thông tư liên tịch số
06/2013/TTLT – BCA- BQP-BTC – BNN&PTNT – VKSNDTC ngày 02/08/2013).

2.Trên thực tế: Các cơ quan tiến hành tố tụng vi phạm thời gian tiền tố tụng rất
phổ biến, việc làm này đã vi phạm đến quyền con người ( tại Điều 3 Hiến pháp năm
2013). Việc vi phạm này có thể do nghiệp vụ non kém hoặc do thiếu tinh thần trách
nhiệm và/hoặc xem thường nền pháp chế XHCN Việt Nam hoặc có những dấu hiệu tiêu
cực do vụ lợi cá nhân trong quá trình thi hành công vụ của người tiến hành tố tụng.

3.Căn cứ theo BLTTHS năm 2011: Luật sư không được quyền tham gia trong
giai đoạn tiền tố tụng ( trừ mội số trường hợp luật quy định bắt buộc phải có luật sư
tham gia như: Người chưa thành niên; Người có nhược điểm về thể chất tinh thần;
Riêng trường hợp người không biết nói hoặc viết tiếng Việt Nam “ Thì phải được sự
đồng ý của điều tra viên”), đây chính là nguyên nhân thứ nhất cơ bản dẫn đến những
vụ án oan sai trong thời gian vừa qua tại Việt Nam và/hoặc hình sự hóa những vụ án dân
sự và kinh doanh thương mại. Xâm phạm nghiêm trọng đến “ Quyền con người” được
Nhà nước Việt Nam và Liên hiệp quốc bảo hộ. Luật sư Việt Nam vui mừng đón nhận
BLTTHS năm 2015, khi cho phép Luật sư được tham gia bảo vệ quyền, lợi ích hợp cho
tất cả các đương sự từ giai đoạn tiền tố tụng, nhưng tiếc thay đến phút cuối cùng thì
BLTTHS này bị đình chỉ thời hiệu có hiệu lực ( ngày 01/07/2016).

II.NHỮNG KIẾN THỨC CẦN TRANG BỊ CHO LUẬT SƯ:

1.Luật sư phải biết và hiểu Cơ quan cảnh sát điều tra sẽ phải làm những gì nhằm làm
sáng tỏ sự thật khách quan vụ việc/vụ án: Quy trình của vụ án hình sự từ khi nhận được
đơn tố cáo tội phạm của cá nhân và/hoặc tổ chức hoặc hồ sơ do cơ quan Thanh tra
chuyển sang hoặc qua thông tin trên công luận:

a.HIỀM NGHỊ: Tiến hành thẩm tra xác minh ; mời các đối tượng liên quan lên làm việc
lấy lời khai; đối chất; cung cấp tài liệu chứng cứ có liên quan; giám định; dựng lại hệ
thống vụ việc/vụ án ( nếu xét thấy cần thiết); phân loại đối tượng; thiết lập sơ đồ tổ chức
tội phạm ( sơ bộ). Thực hiện nguyên tắc giải mã theo lục hà điều tra ( Việc gì?, Bởi cớ
làm sao?, Bao giờ?, Ai biết?, thế nào?, ở đâu?.). Khi hết thời hạn và/hoặc Khi xem xét
thấy không có dấu hiệu phạm tội thì cơ quan cảnh sát điều tra ra quyết định và thông báo
cho người tố giác tội phạm và/hoặc tổ chức biết, hướng dẫn họ khởi kiện ra Tòa án hoặc
đến cơ quan Nhà nước liên quan để giải quyết theo luật định.

b.CHUYÊN ÁN: Thông qua công tác hiềm nghi, cơ quan cảnh sát điều tra xác định có
dấu hiệu phạm tội xét thấy cần thiết phải mở chuyên án. Mục đích xác định chính xác cấu
trúc của tổ chức tội phạm, xác định vai trò vị trí của từng đối tượng, xác định động cơ
mục đích phạm tội và đánh giá mối quan hệ nhân quả giữa hành vi với hậu quả đã xẩy ra.
Trên cơ sở khoa học này để tổng hợp phân tích đối chiếu với 04 yếu tố cấu thành tội
phạm, để đưa ra kết luận cuối cùng.

c.PHÁ ÁN: Khởi tố vụ án hình sự - Khởi tố bị can – Lệnh bắt và khám xét – Lệnh bắt
tạm giam, thủ tục này phải được Viện kiểm sát nhân dân cùng cấp phê chuẩn.

2.Luật sư phải làm gì trong giai đoạn tiền tố tụng:


a.Khi tiếp xúc khách hàng:

-Xem xét nội dung giấy mời ( thông thường ghi rất chung chung hoặc ghi có đơn tố giác);
-Hỏi khách hàng làm rõ nội dung diễn biến sự việc có liên quan đến giấy mời;
-Xác định điểm mấu chốt cần tư vấn cho khách hàng;
-Xác định quan hệ pháp luật hình sự hay quan hệ pháp luật dân sự/kinh doanh thương
mại?.
b.Cho khách hàng những lời khuyên:

-Yêu cầu có luật sư tham gia làm việc thì khách hàng mới làm việc với cơ quan điều tra;
-Yêu cầu khách hàng khai trung thực sự việc;
-Cảnh báo cho khách hàng những kỹ xảo của điều tra viên khi làm việc thường áp dụng;
-Giải thích cho khách hàng biết quyền và nghĩa vụ của mình khi làm việc với điều tra
viên;
-Giải thích các quyền, nghĩa vụ và những điều luật cấm điều tra viên khi thực hiện công
vụ;
-Vụ việc liên quan đến kinh doanh thương mại, cần tư vấn thêm về luật doanh và luật liên
quan để khách hàng hiểu được vị trí, vai trò của mình như thế nào trong doanh nghiệp;
-Yêu cầu khách hàng phải thật bình tĩnh, tự tin, sáng suốt và thận trọng trong khi làm
việc.

PHẦN THỨ HAI: KHỞI TỐ ĐIỀU TRA

I.KHÁI NIỆM & THỰC TIỄN:

1.Khởi tố điều tra: Là giai đoạn cơ quan Cảnh sát điều tra tiến hành bắt tạm giam/
hoặc cho tại ngoại điều tra đối tượng để điều tra và Viện kiểm sát nhân dân vừa giám sát
điều tra, vừa thực hiện chức năng phúc tra trước khi cơ quan điều tra ra Bản kết luật điều
tra vụ án.

2.Trên thực tế: Việc cấp giấy chứng nhận người bào chữa cho Luật sư còn bị kéo
dài quá 03 ngày làm việc, các điều tra viên không muốn luật sư tham gia đầy đủ các buổi
hỏi cung và/hoặc tham gia ngay từ đầu. (Với các lý do như: sợ tiết lộ bí mật; sợ bị can
thấy có luật sư sẽ không khai báo trung thực và/hoặc chây lì không khai dẫn đến vi
phạm thời hạn điều tra trong tố tụng hình sự hoặc không đạt kết quả thi đua; điều tra
viên không thể sử dụng hết các kỹ sảo trong điều tra; không thể dùng những ngôn từ
thiếu tế nhị khi điều tra; không thể dụ cung và/hoặc mớn cung; không thể nhục hình
“ về tinh thần và/hoặc thể xác”.). Do đó, Luật sư chỉ được tham gia tại buổi tổng kết
cung và/hoặc buổi phúc tra có đại diện viện kiểm sát tham gia. Sự việc này, tạo ra khó xử
cho luật sư khi phải ký tên vào bản cung cuối cùng ( mang tính áp đặt) và đây chính là
chứng cứ để Vị công tố công khai tại phiên tòa.
3.Căn cứ theo quy định tại Điều 58 BLTTHS năm 2011 quy định: “Luật sư đề
nghị cơ quan điều tra thông báo về thời gian và địa điểm hỏi cung bị can để có mặt khi
hỏi cung. Khi lấy lời, khi hỏi cung và nếu được điều tra viên đồng ý thì được hỏi người
tạm giữ, bị can”. Nhưng điều tra viên tìm đủ mọi lý do hợp pháp để từ chối luật sư
( như: bận họp đột xuất; bận đi công tác, bận làm việc với lãnh đạo, ..v.v. hoặc gọi
điện thoại cho luật sư lên gấp và/hoặc sáng gọi thông báo chiều lên, đẩy luật sư vào thế
bị động không thể xắp xếp thời gian kịp). Vấn đền này, đã gây rất nhiều khó khăn cho
luật sư khi thực hiện quyền hành nghề của mình. Đây cũng là nguyên nhân thứ hai có
thể dẫn đến án oan sai trong thời gian vừa qua.

II.NHỮNG KIẾN THỨC CẦN TRANG BỊ CHO LUẬT SƯ:

1.Phong cách luật sư khi làm việc với điều tra viên:

-Thật khiêm tốn, hòa nhã, lịch sự nhưng đảm bảo nguyên tắc trong tố tụng và quyền của
luật sư và quyền con người của người bị tạm giữ/ bị can;
-Nhanh chóng thu xếp thời gian hợp lý khi có thông báo buổi làm việc của điều tra viên
và đến đúng giờ.

2.Kỹ năng của luật sư trong buổi làm việc:

-Chuẩn bị và nghiên cứu hồ sơ vụ án thật kỹ lưỡng trước khi đến làm việc;
-Lên kế hoạch xét hỏi làm rõ những điểm mấu chốt và những dấu hiệu ngoại phạm
( nếu có);
-Đối với bản tổng cung trước khi ký tên vào biên bản hỏi cung, luật sư nên đề nghị
điều tra viên cho phép hỏi lại bi can để xác định lại các vấn đề như:

+Nội dung này có đúng sự thật hay không?;


+Có điểm nào chưa khách quan hay không?;
+Theo bị can những điểm chưa đúng và/hoặc chưa khách quan thì tại sao
trước đây lại khai báo với cơ quan điều tra?;
+Bị can hãy giải thích và chứng minh vấn đề này ngay ngày hôm nay được
không?;
+Bị can phải hiểu buổi làm việc hôm nay có luật sư sẽ trở thành tài liệu tại
phiên tòa sắp tới. Do đó, yêu cầu bị can xác nhận lại toàn bộ nội dung trong bản
cung này đúng hay sai?, đúng như thế nào? Và sai như thế nào?.

PHẦN THỨ BA: TRUY TỐ

I.KHÁI NIỆM & THỰC TIỄN:


1.Truy tố: Là giai đoạn cơ quan Viện kiểm sát tiến hành kiểm tra, xem xét đánh
giá một cách khách quan toàn diện vụ án, để ra Bản cáo trạng truy tố bị can tại Tòa án
nhân dân.

2.Trên thực tế: Cơ quan Viện kiểm sát nhân dân thông thường bảo vệ quan điểm
bản kết luận điều tra của cơ quan điều tra. Các kiểm sát viên cũng không muốn gặp luật
sư ở giai đoạn này, cho nên họ cũng việc dẫn nhiều lý do khách quan và hợp lý. Một số
cơ quanViện kiểm sát nhân dân khác, thì xem luật sư như một người dân lên đến làm việc
( nộp đơn từ khiếu nại, tố cáo) không xem luật sư là một chức danh tư pháp của Nhà
nước Việt Nam đến làm việc khi họ xuất trình bộ hồ sơ pháp lý để thực hiện quyền
( gồm: giấy giới thiệu; đơn nhờ luật sư; thẻ luật sư), nên luật sư không thể tiếp cận
được trực tiếp Kiểm sát viên thụ lý vụ án để trao đổi nghiệp vụ chuyên môn, để đọc hồ sơ
vụ án và sao chụp hồ sơ vụ án. Phòng tiếp dân của một số cơ quan Viện kiểm sát khi
nhận hồ sơ pháp lý của luật sư xin thực hiện quyền bào chữa thì không bao giờ viết giấy
biên nhận và chỉ thông báo miệng hẹn 03 ngày lên làm việc. Đây cũng là nguyên nhân
thứ ba có thể dẫn đến án oan sai trong thời gian vừa qua.

3.Bộ luật tố tụng hình sự năm 2011: Không có bất kỳ một điểm, khoản, điều luật
nào quy định trình tự, cách thức, cho phép luật sư làm việc trực tiếp với kiểm sát viên
trong giai đoạn truy tố. Do đó, Viện kiểm sát nhân dân vẫn có quyền không thực hiện
và/hoặc gây cản trở cho luật sư trong quá trình hành nghề. Đây là một thiếu sót, cần được
Quốc hội Việt Nam xem xét bổ sung vào BLTTHS năm 2015, nhằm tạo điều kiện tốt
nhất cho luật sư thực hiện các quyền của mình khi tham gia trong vụ án hình sự trong giai
đoạn Truy tố.

II.NHỮNG KIẾN THỨC CẦN TRANG BỊ CHO LUẬT SƯ:

1.Những việc cần chuẩn bị trước khi đọc hồ sơ:

-Làm thủ tục nộp hồ sơ pháp lý xin cấp giấy chứng nhận người bào chữa đúng luật
định;
-Lập tóm tắt sơ bộ vụ án và định hướng những vấn đề cần đọc kỹ hồ sơ để làm rõ.

2.Kỹ năng nghiên cứu hồ sơ:


-Đọc kết luận điều tra và ghi nhận những mặt khách quan của tội phạm, xác định
mối quan hệ nhân quả giữa hành vi phạm tội với hậu quả xẩy ra;
-Tìm những mẫu thuẫn trong lời khai giữa các bị can với nhau và giữa bị can với
lời khai người làm chứng – người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan;
-Đánh giá và so sánh các kết quả xác minh, kết quả giám định, biên bản hiện
trường; thực nghiệm điều tra và các tài liệu chứng cứ quan trọng khác;
-Phân tích tổng hợp đánh giá kết quả và xác định những vấn đề pháp lý cần làm
sáng tỏ thêm sự thật khách quan của vụ án;
-Kiến nghị Viện kiểm sát xem xét giải quyết theo luật định.
PHẦN THỨ TƯ : XÉT XỬ SƠ THẨM

I.KHÁI NIỆM & THỰC TIỄN:

1.Xét xử sơ thẩm: Là giai đoạn cơ quan Viện kiểm sát chuyển hồ sơ vụ án kèm
theo Bản cáo trạng sang Tòa án cấp sơ thẩm để chuẩn bị mở phiên tòa xét xử công khai.

2.Trên thực tế: Tòa án nhân dân có tạo điều kiện cấp giấy chứng nhận bào chữa
cho luật sư và cho phép luật sư đọc, photocopy các tài liệu chứng cứ trong vụ án. Nhưng
tại phiên tòa, còn tình trạng thành viên trong Hội đồng xét xử tìm mọi cách gây khó khăn
cho luật sư ( như: đề nghị luật sư đi vào trọng tâm; cắt ngang lời của luật sư ..v..v.) tạo
ra những áp lực cho luật sư về tâm lý và làm gẫy khúc tư duy của luật sư dẫn đến mất
bình tĩnh đối với những luật mới bước vào nghề.

3.Đường lối cải cách tư pháp về tranh tụng tại phiên tòa: Nghị quyết số 08
NQ/TW ngày 02/01/2002 của Bộ chính trị “ Về một số nhiệm vụ trong tâm công tác tư
pháp trong thời gian tới” và Nghị quyết số 49 –NQ/TW ngày 02/6/2005 của Bộ chính trị
“ Về việc chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020”. Thời hạn tranh tụng tại phiên tòa
không bị giới hạn và khẳng định kết quả tranh tụng tại phiên tòa làm cơ sở khoa học pháp
lý để Hội đồng xét xử tuyên án.

II.NHỮNG KIẾN THỨC CẦN TRANG BỊ CHO LUẬT SƯ:

1.Kỹ năng nghiên cứu hồ sơ:

-Đọc cáo trạng và kết luận điều tra;


-Đọc các tài chứng cứ trực tiếp như: Kết luận giám định; Biên bản hiện trường; Tang vật
vụ án; Văn bản bút tích ( như: thư tín, email, Fax, tài liệu thu được trong ổ cứng);
Băng ghi hình; Ghi âm.
-Đọc các tài liệu chứng cứ gián tiếp: Các lời khai của bị cáo, người làm chứng, người có
quyền nghĩa vụ liên quan; thời tiết, độ tuổi, không gian và thời gian xẩy ra vụ án để xác
đánh giá lời khai của của tất cả những đối tượng trong vụ án có đáng tin cậy hay không?.
-Đối với vụ án bị cáo là người chưa thành niên phạm tội và người có nhược điểm về thể
chất tinh thần: xem có người giám hộ tham gia hỏi cung tại cơ quan điều tra hay không?
-Đối với vụ án bị cáo là người không biết đọc hoặc không biết viết tiếng Việt Nam: xem
có người phiên dịch tham gia hay không?, trình độ phiên dịch và cơ quan cử người phiên
dịch có hợp pháp hay không?.

2.Kỹ năng chuẩn bị nội dung luận cứ bào chữa tại phiên tòa:

2.1.Nội dung luận cứ tập trung vào 2 vấn đề cơ bản:


a.Về Tố tụng hình sự: Xem xét kiểm tra đánh giá người tiến hành tố tụng/ Cơ
quan tiến hành tố tụng có vi phạm những nguyên tắc của BLTTHS hay không?. -Nếu có:
Luật sư phải chứng minh sự vi phạm tố tụng – Xác định lại quy trình đúng theo quy định
của BLTTHS – Đề nghị trả hồ sơ điều tra bổ sung.

b.Về nội dung vụ án hình sự: Luật sư cần xác định bị cáo theo các hướng sau để
có kỹ năng viết luận cứ

-Nếu theo hướng không phạm tội: Phải chứng minh không thỏa mãn 4 yếu tố cấu
thành tội phạm, không có mối quan hệ nhân quan giữa hành vi với hậu quả xây ra – Hoặc
có tình tiết ngoại phạm trong vụ án hình sự - Hoặc Tự ý nửa chừng chấm dứt việc phạm
tội.

-Nếu theo hướng phạm tội khác nhẹ hơn: Phải chứng minh hành vi phạm tội
không thỏa mãn về mặt khách quan của tội ( nặng), nhưng thỏa mãn mặt khác quan của
tội ( nhẹ hơn) và thỏa mãn 4 yếu tố cấu thành của tội ( nhẹ hơn).

-Nếu theo hướng chuyển khung hình phạt nhẹ hơn: Phải chứng minh bị cáo không
phải chủ mưu mà chỉ là người giúp sức thụ động – Hoặc đồng phạm giản đơn – Hoặc
xem xét về định lượng ( Tội xâm phạm quyền sở hữu).

-Trường hợp bị cáo không nhận tội, nhưng trong tài liệu chứng cứ có đủ cơ sở
khoa học pháp lý khẳng định bị cáo phạm tội: Luật sư phải khéo léo tìm mọi cách phân
tích và thuyết phục bị cáo nên nhận tội để Tòa xem xét tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm
hình sự.

-Trong trường hợp bị cáo nhận tội, nhưng trong tài liệu chứng cứ có đủ cơ sở khoa
học pháp lý khẳng định bị cáo không phạm tội: Luật sư phải phân tích khoa học pháp lý
cho bị cáo thấy hành vi của mình là không phạm tội ( không thỏa mãn đầy đủ 4 yếu tố
cấu thành tội phạm).

-Xem xét đánh giá các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự cho bị cáo – Trong
vụ án hình sự có lỗi hỗn hợp ( Thì đây là tình tiết đặc biệt để xem xét giảm nhẹ trách
nhiệm hình sự và trách nhiệm dân sự cho bị cáo).

2.2.Chuẩn bị tài liệu chứng cứ chứng minh theo nội dung của bản luận cứ:

a.Chứng cứ là: Những gì có thật liên quan đến vụ án hình sự, được xác định là
đúng sự thật khách quan thì mới được dùng làm chứng cứ trong vụ án hình sự và được
thu thập theo trình tự, thủ tục do BLTTHS quy định ( Như vậy, khi Luật sư thu thập
được các tài liệu chứng cứ có liên quan trực tiếp đến vụ án hình sự thì Luật sư phải
lập bản kiến nghị gửi kèm theo các tài liệu chứng cứ cho cơ quan tiến hành tố tụng để
thẩm tra đánh giá lại – Thì mới được xem là chứng cứ có giá trị pháp lý).
b.Chứng cứ trực tiếp: Vật chứng; Kết luận giám định; Biên bản khám nghiệm;
Biên bản xác minh.

c.Chứng cứ gián tiếp: Lời khai của ( bị can, bị cáo, người bị hại, người làm
chứng, người có quyền nghĩa vụ liên quan) phải phù hợp với những chứng khác mới
được xem là chứng cứ.

3.Chuẩn bị kế hoạch thẩm vấn tại phiên tòa:

a.Chuẩn bị lựa chọn cách đặt câu hỏi: đặt câu hỏi chủ đạo ; đặt câu hỏi đóng;
đặt câu hỏi có tính chất dẫn; đặt câu hỏi câu hỏi thăm dò hoặc đặt câu hỏi mở.

b.Phương pháp hỏi: Hỏi theo kiểu đối chất công khai; hỏi từng bị cáo hoặc từng
người.

c.Nguyên tắc hỏi:

-Đặt câu hỏi ngắn gọn, dễ hiểu và chỉ hiểu theo một ý duy nhất;
-Chỉ hỏi những vấn đề gì mà Hội đồng xét xử và Viện kiểm sát chưa hỏi, thì Luật
sư phải hỏi;
-Hoặc tuy Hội đồng xét xử và Viện kiểm sát đã hỏi nhưng chưa được bị cáo và
những người khác trả lời rõ ràng rành mạch và phải hỏi lại để làm sáng tỏ vấn đề pháp lý.

4.Chuẩn bị nội dung có thể phải tranh luận với Viện kiểm sát và/hoặc Luật sư
đối kháng: Luật sư sau khi nghiên cứu và phân tích hồ sơ vụ án sẽ nhận định được những
vấn đề gì?, có thể sẽ phải tiếp tục tranh luận với Viện kiểm sát và Luật sư đối kháng sau
khi mình đã trình bầy xong luận cứ bào chữa.

PHẦN THỨ NĂM : XÉT XỬ PHÚC THẨM

I.KHÁI NIỆM & THỰC TIỄN:

1.Xét xử phúc thẩm: Là giai đoạn khi có kháng cáo của bị cáo và/hoặc kháng nghị
của Viện kiểm sát nhân đối với bản án sơ thẩm, thì Tòa phúc thẩm sẽ thụ lý giải quyết
theo quy định của pháp luật hình sự.

2.Trên thực tế: Hiện nay quy trình làm thủ tục cho luật sư tham gia tại tòa phúc
thẩm Tòa án nhân dân cấp cao tại thành phố Hồ Chí Minh rất rườm ra và phải chờ đợi.
Do vậy, Luật sư cần nhanh chóng liên hệ với thư ký tòa làm sớm để có thời gian nghiên
cứu hồ sơ vụ án.

II.NHỮNG KIẾN THỨC CẦN TRANG BỊ CHO LUẬT SƯ:


1.Kỹ năng nghiên cứu hồ sơ:

a.Nếu Luật sư tham gia từ đầu: Thì đọc hồ sơ như ở Tòa án cấp sơ thẩm và đọc thêm
biên bản phiên tòa sơ thẩm , biên bản nghị án sơ thẩm, đọc kháng cáo và/hoặc kháng
nghị.

b.Nếu Luật sư đã tham gia tại giai đoạn Tòa sơ thẩm: đọc biên bản phiên tòa sơ thẩm ,
biên bản nghị án sơ thẩm, đọc kháng cáo và/hoặc kháng nghị, kiểm tra xem có chứng cứ
mới hay không?.

2.Những lưu ý các tình huống có thể gặp:

a.Tòa phúc thẩm tuyên án hình phạt nhẹ hơn hoặc y án sơ thẩm và giữ nguyên số tiền bồi
thường thiệt về dân sự;

b.Tòa phúc thẩm tuyên án hình phạt nhẹ hơn hoặc y án sơ thẩm và tăng hoặc giảm số tiền
bồi thường thiệt về dân sự;

c.Tòa phúc thẩm tuyên án hình phạt nặng hơn bản án sơ thẩm và giữ nguyên số tiền bồi
thường thiệt về dân sự;

d.Tòa phúc thẩm tuyên án hình phạt nặng hơn bản án sơ thẩm và tăng hoặc giảm số tiền
bồi thường thiệt về dân sự.

Trường hợp ( c,d) Luật sư phải hết sức bình tĩnh và tự kiểm điểm lại mình xem bản thân
mình đã làm hết trách nhiệm của người luật sư hay chưa, nếu chưa thì phải rút kinh
nghiệm. Nếu đã làm tốt trách nhiệm và đạo đức nghề nghiệp thì có thể bình an trong cuộc
sống, bởi mình đã làm tròn 02 nhiệm vụ cơ bản của nghề nghiệp “ Bảo vệ nền pháp chế
XHCN Việt Nam và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp cho thân chủ”.

Bài tham luận của tôi chỉ nhằm mục đích duy nhất để phục vụ cho công tác nghiên cứu
khoa học luật cống hiến cho thế hệ luật sư trẻ trong tương lai. Thực tế trong quá trình
hành nghề luật sư rất đa dạng và phong phú, nhưng tôi xin phép đúc kết ngắn gọn xúc
tích vài dòng
trên để cùng chia sẻ với Qúy vị .Tôi kính đề nghị Ban tổ chức không phổ biến trên thông
tin đại chúng.

Trân trọng cám ơn Ban tổ chức và Thầy Dương Hoán Giảng viên, Phó Giám đốc Trung
tâm tư vấn pháp luật Trường Đại Học luật thành phố Hồ Chí Minh đã mời tôi tham gia
buổi hội thảo.

Người viết
Luật sư – Luật gia – Trọng tài viên PIAC: TRẦN CAO PHÚ

Nơi nhận:
-Thầy Dương Hoán;
-Lưu VP/ Công ty luật hợp danh Trần Cao.

You might also like