You are on page 1of 6

BÀI GIỮA KỲ

Môn: CƠ SỞ VĂN HÓA VIỆT NAM


Họ và Tên: Vòng Đình Lệ
MSSV: 2157040183
Lớp: 2210DAI01206

KHÔNG GIAN VĂN HÓA CỒNG CHIÊNG TÂY NGUYÊN


Tây Nguyên- nơi của những mảnh đất đỏ bazan màu mỡ, những cao nguyên xếp
tầng đầy nắng và gió, những vườn cà phê trĩu quả, những cánh rừng bạt ngàn, những lễ
hội với nhiều nét văn hóa đặc sắc. Ở Tây Nguyên nếu như nhà Rông được xem là linh
hồn của làng thì cồng chiêng chính là âm vang của núi rừng nơi đây. Không gian văn hóa
cồng chiêng Tây Nguyên được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa truyền khẩu và
kiệt tác phi vật thể nhân loại ngày 25/11/2005 (tháng 4/2008 đổi tên thành Di sản văn hóa
phi vật thể đại diện nhân loại.) Cồng chiêng Tây Nguyên là loại hình văn hóa trải dài suốt
5 tỉnh: Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông, Lâm Đồng. Cồng chiêng gắn bó mật thiết
với cuộc sống con người Tây Nguyên, là tiếng nói tâm linh, tâm hồn để diễn tả niềm vui,
nỗi buồn trong cuộc sống, trong lao động, trong sinh hoạt hằng ngày. Đây là sản phẩm
tinh thần vô giá trong văn hóa Tây Nguyên nói riêng và dân tộc Việt Nam nói chung,
xuất hiện trong hầu hết các lễ hội, trở thành thứ âm thanh theo chân người dân nơi đây từ
khi sinh ra, trưởng thành cho đến khi giã biệt cõi đời và còn là sợi dây gắn kết giữa con
người với thần linh.
1. Nguồn gốc của cồng chiêng Tây Nguyên.
Cồng chiêng với bề dày lịch sử lâu đời, có nguồn gốc từ truyền thống văn hóa
Đông Sơn. Về cội nguồn, một số nhà nghiên cứu cho rằng cồng chiêng là “hậu duệ” của
đàn đá bởi nó cũng tạo nên những âm thanh tương tự đặc biệt.

Đàn đá Cồng chiêng đồng


Trước nền văn hóa đồ đồng, người xưa đã tìm kiếm những loại khí cụ đá: cồng đá, chiêng
đá...tre, rồi tới thời đại đồ đồng, mới có chiêng đồng.Từ xưa cồng chiêng được đánh lên
để mừng lúa mới, xuống đồng; biểu hiện của tín ngưỡng, là phương tiện giao tiếp với
đấng siêu nhiên,...Âm thanh khi ngân nga trầm bổng, khi khao khát sâu lắng hòa quyện
với tiếng suối, tiếng gió, tiếng lòng người. Âm thanh vang lên suốt nhiều thế hệ, được
truyền từ đời này sang đời khác, là chất liệu kết dính bao nhiêu thế hệ. Cồng chiêng Tây
Nguyên biểu hiện cho sự quyền lực và giàu có. Theo quan niệm của người dân, đằng sau
mỗi chiếc cồng, chiếc chiêng đều ẩn chứa một vị thần. Cồng chiêng càng cổ thì quyền lực
của vị thần càng cao. Có một thời gian giá trị của chiếc chiêng bằng 20 con trâu hoặc 2
con voi. Tuy nhiên đến nay vẫn chưa có tài liệu chính xác nào chỉ ra thời gian cồng
chiêng xuất hiện trong đời sống văn hóa của địa phương Tây Nguyên. Chỉ biết rằng trong
sử thi hay các câu chuyện cổ tích đều có sự xuất hiện của cồng chiêng. Nhiều học giả
trong và ngoài nước cho rằng thời kỳ hoàng kim của văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên là
từ nửa đầu thế kỷ 19 đến đầu thế kỷ 20. Người ta cố gắng đi tìm nguồn gốc của cồng
chiêng Tây Nguyên và đã tìm thấy bằng chứng xác thực về các lò đồng, lò sắt trong các
di chỉ của người cổ Tây Nguyên. Tuy nhiên vẫn chưa có bằng chứng xác thực cho thấy
người bản địa nơi đây đúc ra các bộ chiêng cồng. Dù xuất xứ ở đâu nhưng có một điều
không thể chối cãi rằng chính mảnh đất Tây Nguyên đã đem đến một không gian văn hóa
cồng chiêng vô cùng đặc sắc, sống động, hấp dẫn đến lạ thường mà khó để có thể tìm ra ở
một nơi nào khác.
2. Đặc điểm không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên.
Tên gọi của cồng chiêng được đặt theo âm thanh nhạc khí phát ra hoặc vị trí của nó
trong dàn nhạc. Hình dáng bên ngoài là một hình tròn, có nhiều kích thước khác nhau với
đường kính từ 20cm đến 60cm, loại to nhất từ 90cm đến 120cm. Cồng chiêng được làm
bằng đồng hoặc hợp kim đồng thiếc. Cồng có cái núm ở giữa, còn bằng phẳng, không có
núm thì gọi là chiêng. Người xưa phân biệt như vậy vì cồng được cho là có tuổi đời lâu
hơn chiêng. Cồng chiêng có thể dùng đơn lẻ hoặc dùng theo dàn, bộ từ 2 đến 12 hoặc 13
chiếc, thậm chí có nơi 18 đến 20 chiếc. Chiêng mẹ( chiêng cái) là quan trọng nhất trong
một bộ chiêng. Cồng chiêng Tây Nguyên mang một nét văn hóa hết sức đặc biệt và phù
hợp với chế độ mẫu hệ của người Tây Nguyên. Nếu những dàn có từ 9 cồng chiêng trở
lên thì sẽ có thêm cồng “cha” bên cạnh cồng “mẹ”. Sau đó là cồng con, cồng cháu,...hình
thành nên một hệ thống gia đình và cồng mẹ luôn đứng trước cồng cha. Lúc biểu diễn,
cồng mẹ và cồng cha đánh ra âm thanh trầm gần giống nhau làm nền cho cả dàn nhạc. Kế
đó là cồng con cùng đánh tạo thành một hòa âm, có tác dụng như những cây cột chống đỡ
trong ngôi nhà. Những chiếc còn lại đánh so le theo thứ tự trước-sau, mau-chậm theo
đúng quy định, phối hợp với nhau tạo ra nét nhạc.
Cách đánh cồng chiêng
Cồng, chiêng tạo nên những bản nhạc đa âm, đa điệu, hòa điệu với những thanh âm trầm
bổng, huyền bí vang vọng cả núi rừng đại ngàn. Mặc dù cùng là chiếc cồng chiếc chiêng
nhưng ở mỗi dân tộc Tây Nguyên lại có cách đánh khác nhau, những bản nhạc cồng
chiêng riêng khiến cho loại hình nghệ thuật này càng thêm phần phong phú, hấp dẫn
đồng thời cho thấy sự tinh tế, tâm hồn lãng mạn của họ ngày càng đi đến những tầm cao
hơn của nghệ thuật. Cồng chiêng Bana-Giarai thiên về tính chủ điệu, một bè trầm của
cồng và núm vang lên âm sắc vững chãi, hùng tráng, một bè giai điệu thánh thót của
chiêng không có núm với âm sắc đanh gọn, lánh lót. Cồng chiêng Êđê nhịp điệu phức
hợp, tốc độ nhanh và cường độ lớn; còn cồng chiêng Mnông cường độ không lớn mặc dù
tốc độ khá nhanh. Chỉ cần nghe tiếng cồng tiếng chiêng người trong buôn, trong vùng sẽ
hiểu ngay ở phía đó đang xảy ra chuyện gì, đặc biệt dường như cả không gian săn bắn,
không gian làm rẫy, không gian lễ hội...đang hiện ra trước mắt. Đối với người dân Tây
Nguyên, cồng chiêng và văn hóa cồng chiêng là tài sản vô cùng quý giá thậm chí là vô
giá. Âm nhạc của cồng chiêng không những là giá trị nghệ thuật được khẳng định từ lâu
trong đời sống mà còn là kết tinh của hồn thiêng sông núi qua bao thế hệ, là chất men lôi
cuốn bao nhiêu cô gái chàng trai vào điệu múa hào hứng của cộng đồng trong những lễ
hội buôn làng. Vào mùa lễ hội, hình ảnh mọi người nhảy múa quanh ngọn lửa thiêng,
bên vò rượu cần hòa vào đó là tiếng cồng chiêng vang vọng, trầm bổng cả núi rừng tạo
nên không gian hết sức lãng mạn và huyền ảo.

Hình ảnh đốt lửa tại lễ hội cồng chiêng Hình ảnh mọi người cùng nhau nhảy múa
Tiếng cồng, tiếng chiêng có mặt và theo sát cuộc đời con người Tây Nguyên từ khi sinh
ra đến khi mất đi. Khi lọt lòng mẹ tiếng cồng chiêng đã khai thông, cho đứa bé nhận ra sự
ra đời của nó qua lễ thổi tai. Đứa trẻ cứ thế cùng với tiếng cồng chiêng mà lớn dần. Cồng
chiêng đi vào những áng thi sử hùng tráng, những áng thơ lãng mạn đậm chất Tây
Nguyên như để khẳng định tính trường tồn của loại nhạc cụ này. Sử thi Đăm Săn có đoạn
viết rằng: “ Hãy đánh những chiêng âm thanh nhất, những chiêng kêu trầm nhất. Đánh
nhè nhẹ cho gió đưa xuống đất. Đánh cho tiếng chiêng vang xa khắp xứ. Đánh cho tiếng
chiêng luồn qua sàn lan đi xa. Đánh cho tiếng chiêng vượt qua nhà vọng lên trời. Đánh
cho khỉ trên cây cũng quên bám chặt vào cành đến phải ngã xuống đất. Đánh cho ma quỷ
mê mải nghe đến quên làm hại con người. Đánh cho chuột sóc quên đào hang, cho rắn
nằm ngay đơ, cho thỏ phải giật mình, cho hươu nai đứng nghe quên ăn cỏ, cho tất cả chỉ
còn lắng nghe tiếng chiêng của Đăm Săn.” Di sản văn hóa Cồng chiêng độc đáo khiến ai
cũng phải tò mò. Người Tây Nguyên sử dụng cồng chiêng để thể hiện tấm lòng của mình
với thần linh, với mẹ thiên nhiên hy vọng về một cuộc sống bình yên, ấm no, hạnh phúc
hay đơn giản họ sử dụng cồng chiêng chỉ là để diễn tả cảm xúc vui buồn của mình chính.
Âm thanh cồng chiêng xoa dịu nỗi buồn, sự cô đơn trống vắng, hiu quạnh. Già trẻ gái
trai, kẻ giàu người nghèo dường như đều bị thôi miên, khao khát tìm về nguồn cội, gắn
kết trong vũ điệu cồng chiêng say đắm lòng người. Những con người ban ngày mải mê
làm rẫy, khi màn đêm buông xuôi bỗng chốc hóa thân thành những nghệ sĩ, vũ công thực
thụ, lãng mạn, bay bổng hòa mình vào nhịp cồng chiêng. Cồng chiêng còn khẳng định
tính cộng đồng và tính đoàn kết. Tiếng chiêng nối liền bao thế hệ, gắn kết cả cộng đồng
trong một không gian diễn xướng. Trong lễ hội cứ có tiếng cồng tiếng chiêng là có vũ
điệu xoang. Vũ điệu xoang trở thành thông điệp về tình đoàn kết nơi buôn làng và làm
đắm say, mê hoặc lòng người. Dù ở đây có nhiều dân tộc anh em nhưng họ vẫn giữ được
nét văn hóa của dân tộc mình mà không bị trùng lấp lên nhau. Họ giao lưu văn hóa giữa
các dân tộc trong buổi lễ hội cồng chiêng để hiểu và gắn bó với nhau hơn.
Lễ hội cồng chiêng
3. Sự gắn bó giữa cồng chiêng và mảnh đất Tây Nguyên.
Cồng chiêng gắn bó với cuộc sống của người dân Tây Nguyên từ ngàn đời nay, có
mặt trong tất cả các lễ hội truyền thống của dân tộc thiểu số Tây Nguyên biểu thị những
quan niệm của họ về con người, về vũ trụ ít nhiều còn thô sơ, chất phác nhưng họ rất tin
thờ. Mỗi lễ hội là một tổng thể nguyên hợp, tiêu biểu cho đời sống văn hóa cổ truyền các
dân tộc thiểu số Tây Nguyên, cho nền văn minh nương rẫy. Chỉ khi có dịp du lịch Tây
Nguyên và sống cùng người dân bản địa nơi đây bạn mới có thể cảm nhận được hết
những nét đặc sắc mà văn hóa cồng chiêng mang lại. Một không khí mà không thể lẫn
với bất cứ lễ hội nào, tiếng chiêng trầm bổng, ngọn lửa bập bùng và cả những điệu múa
dân tộc, quả thật là một sự kết hợp tuyệt vời. Giáo sư Tô Vũ đã từng viết: “Cồng chiêng
Tây Nguyên bảo lưu được hình thức diễn xướng tập thể-cộng đồng, hợp tấu bằng cách
nghe nhau, tức phải có tâm linh cộng đồng ứng vào. Hoàn toàn xa lạ với việc cá nhân
hóa, nghệ sĩ hóa người biểu diễn, văn hóa cồng chiêng chỉ còn ở Đông Nam Á, và
nguyên thủy nhất là ở Tây Nguyên.” Nếu như nhiều nước khác đã biến văn hóa cồng
chiêng của mình thành chuyên nghiệp và cung đình như Lào, Thái Lan, Malaysia,
Myanmar; thì ở Việt Nam cồng chiêng vẫn là của cộng đồng, là tài sản của toàn dân chứ
không bó hẹp trong tầng lớp quý tộc nào như các quốc gia khác. Cồng chiêng Tây
Nguyên vẫn gắn với buôn, vẹn nguyên dáng vẻ vốn có của mình, dân gian, thô mộc mà
chắc khỏe, tinh tế và sâu lắng hòa cùng tiếng thác nước ào ạt chảy cả ngày lẫn đêm nơi
núi rừng đại ngàn tạo nên một không gian văn hóa đậm chất Tây Nguyên mà không nơi
nào có được. Theo một lẽ thật tự nhiên, cồng chiêng Tây Nguyên đã trở thành một biểu
tượng, không chỉ của riêng quê hương mình mà còn họa nên một gam màu đặc biệt
nhưng vẫn hài hòa trong vô vàn những sắc màu của văn hóa dân tộc Việt Nam. Khi xã
hội trở nên hiện đại, văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên trở thành sản phẩm du lịch và
được nhiều bạn bè trên thế giới biết đến. Có thể nói cồng chiêng là tài sản vô giá của các
dân tộc Tây Nguyên, Tây Nguyên còn thì cồng chiêng còn và ngược lại. Dẫu có trải qua
bao nhiêu cuộc chiến tranh, bao nhiêu khó khăn, bao nhiêu thiên tai khốc liệt thì âm
thanh của cồng chiêng vẫn trường tồn, vẫn vang khắp đại ngàn Tây Nguyên lộng gió, mãi
mãi khắc sâu trong tâm trí của mỗi người dân Tây Nguyên.

Tài liệu tham khảo


GS-TS Trần Văn Khê .(2014). Cồng chiêng Tây Nguyên – Di sản phi vật thể thế giới.
Truy xuất từ http://dlib.huc.edu.vn/bitstream/123456789/5640/1/C%E1%BB%93ng
%20chi%C3%AAng%20T%C3%A2y%20Nguy%C3%AAn%20-%20Di%20s%E1%BA
%A3n%20phi%20v%C3%A2t%20th%E1%BB%83%20th%E1%BA%BF%20gi
%E1%BB%9Bi.pdf
(2020). Tìm hiểu Văn hóa Cồng Chiêng Tây Nguyên. Truy xuất từ
https://gonatour.vn/van-hoa-cong-chieng-tay-nguyen.html
PV.(2021). Linh thiêng tiếng Cồng chiêng đại ngàn. Truy xuất từ
https://hoadatviet.phunuvietnam.vn/linh-thieng-tieng-cong-chieng-dai-ngan-
20210618173147717.htm
Nguyễn, Lân Bàng.(2011). Di sản Văn Hóa Cồng Chiêng Tây Nguyên. Truy xuất từ
https://lib.hpu.edu.vn/handle/123456789/15038
Ths.BON YO SOAN.(2014). Bảo tồn và phát huy di sản văn hóa cồng chiêng – Thực
trạng và giải phá. Truy xuất từ https://goeco.link/zgkBH
BÙI LAN.(2021). Không gian văn hóa Cồng chiêng – nét đẹp Tây Nguyên. Truy xuất
từ https://wlkrco.com/khong-gian-van-hoa-cong-chieng-net-dep-tay-nguyen/

You might also like