You are on page 1of 12

PHỤ LỤC 2: 02 BÀI VIẾT CỦA HỌC SINH

BÀI SỐ 01
Đề: Trong cuốn Khi loài vật lên ngôi, nhà văn Karal Capek băn khoăn:
… Cho dù không ai đòi hỏi điều này ở các nhà văn nhưng họ vẫn luôn trăn trở một điều:
Cái gì đang đe dọa thế giới loài người?
Bằng trải nghiệm văn học, anh/chị suy nghĩ như thế nào về mối trăn trở đó của nhà văn?
Bài làm
Trong cuốn Illustrated Man của nhà văn đến từ tương lai Ray Bradburry, ông đã vẽ ra
một thế giới giả tưởng: Con người đã phát triển đến mức, cả nhân loại đều đã bay đến các
hành tinh khác nhau, bay mãi trong không gian thiên hà, bay mãi trong vùng trời công nghệ.
Trái Đất bị lãng quên. Cuối cùng, mỗi chuyến bay đều chất chứa một điều gì, một nỗi niềm
nguyên sơ chỉ con người cảm thấy. Họ đã bay, bay vô tận nhưng không thể nào thoát được nỗi
cô đơn, không thể nào thoát được nỗi đau nhân tính và thân phận làm người. Jesus Christ
trong thiên niên kỉ mới đã muốn đi lại quãng đường xử tử, từ Praetorium đến đồi Sọ để chịu
hành hình, Ngài muốn chết lần nữa vì địa đàng đã mất. Khi đó, giữa một thế kỉ mất mát, các
nhà văn sẽ làm gì, họ cũng sẽ bay sao? Không! Các nhà văn trong cõi tiên tiến nhất mà nhân
loại hãnh diện sẽ quan tâm Vì sao thiên đàng đã mất? và trăn trở một điều: Cái gì đang đe
dọa thế giới loài người? (Karal Capek)
Người viết cuốn sách Khi loài vật lên ngôi - Karal Capek đã từng được đề cử giải thưởng
văn học quý giá nhất của nhân loại, Nobel Văn học cho người đã mang đến những gì cấp thiết
nhất mà con người chưa nhìn ra. Karal Capek đã băn khoăn về việc loài cầm thú lên ngôi, và
đó chính là điều mà một nhà văn trăn trở khi đứng trong vòng sống của con người. Khi loài
vật lên ngôi, khi thế giới bị đe dọa, văn chương sẽ làm gì. Một điều mà Capek chắc chắn
khẳng định trong câu hỏi ông đặt ra, ông nhấn mạnh rằng Cho dù không ai đòi hỏi điều này ở
các nhà văn. Không ai yêu cầu, không ai chỉ điểm, và thậm chí không ai đoái hoài, quan tâm
với những đôi mắt còn đang đóng chặt trong bóng tối, dường như trăn trở, nghĩ suy và thấu
triệt về thế giới, con người luôn là một nhu cầu tự thân của nhà văn. Khắc khoải là tự nguyện,
suy ngẫm là tự vấn, đau xót là tự lòng - Cái gì đang đe dọa thế giới loài người? Điều những
người cầm bút băn khoăn và bồn chồn là những thế lực, những gì xấu xa, những con quỷ ác
độc nào đang khiến sinh mạng con người kề cận cái chết, đang đè nặng khiến con người khổ,
đang chi phối và điều khiển khiến con người băng hoại. Và sự băn khoăn này diễn ra không
phải chỉ khi mọi sự biến đã vỡ lở, mà mới là đe dọa, tức phải nhận thấy ngay khi nó chưa tới,
sẽ tới và đang tới, tức là bảo vệ loài người khi họ chưa rơi vào nỗi thống khổ, cứu vớt họ lúc
chênh vênh sống - chết, thiện - ác. Karal Capek, đối với ông, đây không chỉ là lời khẳng định
mà còn là tuyên ngôn nghệ thuật về tư cách, vị trí và vai trò của nhà văn đối với nhân loại.
Mỗi nhà văn phải tự thân, tự nguyện trăn trở và viết về những vấn đề ảnh hưởng xấu xa, trực
tiếp tới con người.

1
Con người, chưa bao giờ thoát khỏi nỗi đau, nỗi đau thiên trường, thống khổ vô biên.
Nhân gian trải qua triệu năm, nhưng chưa một lần từng trở nên đẹp đẽ như Vườn trời trước
kia, tất cả đã ủ ê tim buồn, muộn phiền bi ai từ khi Adam, Eva rơi giọt nước mắt và cảm nhận
được cái gai người của nỗi sợ hãi đầu tiên. Cuối cùng, mỗi chúng ta vẫn phải công nhận, nỗi
bất hạnh là điều ngẫu nhiên, và điều gì đe dọa, ấy cũng là một lẽ thường tình, cuộc đời ai cũng
sẽ xảy ra một lần, và cuộc đời của cả hành tinh sẽ trải qua triệu lần và chưa bao giờ ngừng lại.
Tự thân cứu lấy, tự thân chinh phạt và vượt qua trong cô độc, con người luôn dựa vào những
thánh thần tối cao để cứu rỗi tâm hồn. Nhưng để thoát khỏi thì đau xót khôn xiết. Vì thế luôn
tồn tại một thứ hành nghề kì quặc chuyên viết về con người, một công việc thay cho vị thánh
mơ hồ:
Anh báo động một ngày tình tan rữa
Sói thay người thống soái cả trần gian
Trong tuyệt vọng anh tin từng con chữ
Sẽ cứu rỗi địa cầu dù con chữ mong manh”
(Nhà văn, Nguyễn Trọng Tạo)
Đó là công việc viết chữ bằng máu và cũng bằng niềm tin của người được gọi là nhà văn.
Patrick Modiano đã cho rằng Viết văn là một hành động cô đơn lạ kì, nó là thứ hành nghề âm
thầm và lặng lẽ nhất, bởi khi anh ta cầm bút viết, anh ta chỉ có một mình. Không ai đòi hỏi,
không ai có ý niệm anh phải viết về vấn đề của nhân loại, nhưng anh vẫn có thể viết để báo
động một ngày tình tan rữa. Hóa ra, trăn trở và suy ngẫm, thương lòng và đau xót đã trở
thành căn tính của mọi nhà văn tự hàng đời. Văn học là nhân học, mệnh đề được Karl Marx
chứng minh cách đây một thế kỉ, sau cùng nó chính là bản chất của văn chương. Những gì
thuộc về bản chất bẩm sinh, chúng đã hằn in như một định mệnh trời ban, tự bản thân ai viết
văn, ai làm thơ đã phải quan tâm, hướng về hai chữ nhân loại. Bởi anh ta là người, nhưng là
thứ người đặc biệt, là con người xung kích, không bao giờ chờ đợi mọi thứ vỡ lở mới bắt đầu
trăn trở về những thứ đe dọa con người. Chữ de trong Honoré de Balzac nhắc nhở ước vọng
cả đời của văn sĩ Pháp vĩ đại nhất thế giới. Nó cho thấy nhà văn cũng là con người. Nhưng đặc
biệt ở chỗ, cũng tham vọng ấy, Balzac đã viết Lão Goriot để cảnh báo cho đồng loại mình vì
đồng xu, cọc tiền và chỗ ngồi nơi xã hội thượng lưu mà nhân tính bị thao túng, bị hóa đen,
nhúng chàm thành những gì bỉ ổi, xấu xa. Sự trăn trở của Balzac là sự trăn trở của một kẻ đã
cảnh tỉnh sớm trước, báo động về hai chiếc xe tang không người của hai cô con gái đang đi dự
tiệc với tình nhân trong ngày ông già khốn khổ của chúng nằm trong quan tài, vĩnh viễn chôn
vùi dưới đất. Cả Goriot và Rastignac, họ đều vô danh, vô danh vì đã vĩnh viễn gửi lòng thành
mong đợi vào một ngày sống trong nơi phồn vinh giàu có, ngự trị là đồng tiền. Chưa bao giờ
nhân loại suy kiệt đến thế. Thậm chí một giọt nước mắt thôi, giọt nước mắt cuối cùng của
nhân tính, của trái tim chàng trai trẻ trong trắng vì nỗi xúc động thiêng liêng, cũng rơi xuống
mặt đất rồi từ đó lại vút lên đến tận trời cao. Cũng có ai bắt Lỗ Tấn cầm bút viết thay cầm
dao mổ, có ai đòi hỏi Lỗ Tấn chữa bệnh tâm hồn thay vì là một bác sĩ bình thường. Nhưng cả
đời văn sĩ bôn ba, để nhận ra dân tộc mình đã trở nên đui mù như thế nào, tự bản thân đã tự
2
vấn cõi lòng đau đáu: cái tinh hoa trong chữ Trung Hoa mà cả dân tộc vẫn vinh hạnh tự hào
đâu còn trọn vẹn. Hèn nhát, cổ hủ, phép thắng lợi tinh thần và tự mãn, tăm tối và ghê sợ, đó là
căn bệnh đã xuất phát từ căn tính của nhân dân mình, mà với tư cách là một nhà văn và là một
công dân đứng giữa một cộng đồng không thể dứt bỏ, Lỗ Tấn không cho phép cầm dao thay
cầm bút. Cây bút ấy là con dao của kẻ đã tự nguyện can đảm viết cho một dân tộc mất mát.
Mọi thứ nhà văn quan tâm tới đều là của con người, cho con người, vì con người, niềm hân
hoan đã luôn trân trọng, sự thống khổ càng phải cần lên tiếng. Trăn trở nghĩa là đặt câu hỏi, có
thể không đưa ra được giải pháp nhưng nhất thiết cần phải phản ánh và đặt ra câu hỏi: Văn
học không quan tâm đến những câu trả lời, văn học quan tâm đến những câu hỏi như Claudio
Magric đã nói. Chính sự trăn trở ấy, cho những ai đọc văn được nhận một lần phản tỉnh, đó là
vì sao các nhà văn phải trăn trở, để nhận ra, nhân loại mình vẫn chưa kịp mở mắt để nhận thức
về nỗi thống khổ đang đeo đuổi tâm can và thể xác họ.
Những gì đang đe dọa con người không phải là những gì tầm thường. Đã là đe dọa, đó
phải là những gì cấp thiết với con người. Đã đe dọa là nói đến cái ác, cái phi nhân, cái thù
địch, cái thui chột đạo đức và nhân cách, là vấn đề mà nhân loại triệu năm nay chưa thể giải
quyết, chưa biết để giải quyết. Những vấn đề mà tác giả trăn trở, đó là những vấn đề lớn. Nếu
anh nhìn ra nó, viết về nó với sự thấu triệt tâm can, tác phẩm anh sẽ trở nên lớn lao, vĩ đại.
Văn sĩ Hộ của Nam Cao đã nói rằng Cả một đời tôi, tôi sẽ chỉ viết một quyển thôi, nhưng
quyển ấy sẽ ăn giải Nobel và dịch ra đủ mọi thứ tiếng toàn cầu. Nobel Văn học là như thế
nào? Đó có phải là cái đích nhà văn nào cũng hướng tới. Nếu đã không ai đòi hỏi mà nhà văn
vẫn viết, văn chương của cá nhân nào, duy chỉ đau xót, thương hại cũng đủ mệt nhoài, không
ai viết và trăn trở mà trong lúc viết lại nghĩ mình sẽ đạt giải Nobel. Nhưng nếu nói được
những gì đang đe dọa con người, chắc chắn trong lòng anh đã được trao một danh hiệu toàn
cầu, cho những ai đã đáp xuống và kể chuyện đau lòng cho tinh cầu giá lạnh.
Đã nhiều tác giả viết về chiến tranh. Chiến tranh hay Hòa bình, đó vẫn là thứ cả thế giới
vẫn đang khắc khoải về nó. Chiến tranh cho đến hiện tại, vẫn chưa kết thúc, nó không chỉ
dừng lại ở thế kỉ XX khi Đức Quốc Xã hủy diệt thế giới, đôi khi nó vẫn âm ỷ cháy trong lòng
thù hận của nhân sinh đồi bờ chiến tuyến ngày hôm nay. Những tác phẩm viết về chiến tranh
không bao giờ trở nên lỗi thời hay bị lãng quên, vì ẩn chứa ở những trang giấy, không chỉ là
những chiến trận lịch sử, mà ở đó còn là diễn biến của những khuôn mặt bị hủy hoại, của từng
tâm hồn, từng người một cất tiếng nói về thân phận con người trong vòng sinh tử một cách
sinh động nhất. Các nhà văn viết về chiến tranh, họ đã nói cho ta nghe về mùi của máu, mùi
của sự sống bị hủy diệt. Chiến tranh có một mùi khác thường, mùi của rừng cháy, thóc cháy,
… Những con bò, con chó bị cháy, những thùng cà chua muối bị cháy… Mọi thứ đều có thể
cháy: cả máu, và chiến tranh cũng có một màu sắc đặc biệt mà như Svetlana Alexievich đã
viết Ngoài mặt trận mọi thứ toàn một màu đen, chỉ có máu màu khác, chỉ có máu màu đỏ ,
màu trắng bạch của những cánh chân, cánh tay đứt lìa, rồi sau đó là máu đỏ chảy ra từ những
thi thể con người hy sinh trong chiến trận. Chiến tranh cướp đi mạng sống, tước đi thân thể,
lấy đi hình hài để thay vào đó là những đồi sọ, đồi xác, là những hình dáng tật nguyền. Và
chính trong Chiến tranh không có một khuôn mặt phụ nữ, Alexievich quan tâm đặc biệt tới

3
một thứ bị chiến tranh đe dọa tàn ác hơn hết, đó là khuôn mặt của những người phụ nữ. Sự
xuất hiện của họ giữa chiến tranh bốc mùi đàn ông, đã trở nên lu mờ trong những trang sách
ghi chép về chiến trận, nhưng trong những trang giấy của S.Alexievich, nơi đó đã ghi chép
những gì mất mát nhất, tàn khốc nhất mà tâm hồn tế vi những người phụ nữ có thể cảm nhận
được. Nơi đó, một người phụ nữ đã nói với người yêu mình rằng liệu anh có thể làm em trở
thành đàn bà được hay không?, nơi đó, những người con gái ước một lần được tập đi lại trên
những đôi giày cao gót, một lần được mặc những chiếc áo dài nữ tính, nơi đó, những người
mẹ đã tự tay dìm chết con mình để giúp đoàn quân thoát khỏi tay giặc. Bà đã cho chúng ta biết
rằng, hậu quả của chiến tranh không đơn giản chỉ là con số của bao nhiêu triệu, tỷ người chết,
bà đã cho biết rằng, sự đe dọa của chiến tranh, đó là thứ đối lập với bất cứ giá trị làm người
nào. Và chiến tranh cũng không chỉ là ánh hào quang của chiến thắng, những người đàn ông
luôn ca ngợi, chiến tranh được kể dưới góc nhìn của những khuôn mặt phụ nữ là lịch sử của
phụ nữ, là lịch sử của cái đẹp bị hủy hoại bởi thứ phi nhân. Nguyễn Minh Châu cũng đã viết
Cỏ lau để cảnh báo cho con người về nhân tính bị bào mòn đi giữa những hòn vọng phu đứng
nhan nhản, giữa tiếng hát buồn của Phi Phi đi tìm hài cốt người yêu, giữa cuộc tình và đời bị
phạt ngang hai nửa, chia lìa không thể nối lại được của Lực và Thai, để nói về việc Chiến
tranh làm cho con người ta hư đi hơn chứ không làm cho con người ta tốt hơn . Sau những
năm tháng đổ máu trở về, Lực nhận ra trên nghĩa địa của những liệt sĩ, bọn trẻ con bày trò
đánh trận giả, cuộc chơi thì giả nhưng nỗi đau là thật. Chẳng lẽ trên mảnh đất tha ma này?
chiến tranh đã trở thành một thứ định mệnh. Nguyễn Minh Châu để ta nhận ra rằng sự thật về
chiến tranh, đó là việc con người chống cự lại như thế nào khi cái ác đổ từ con người này sang
con người khác, quân đoàn này sang quân đoàn khác, thế hệ này sang thế hệ khác. Hay
Nguyễn Quang Thiều cũng ngâm ngợi một bài thơ đầy bi ai về dáng hình người mẹ già Trong
chiều nghĩa trang được kể lại bằng lời của linh hồn tử sĩ.
Hồn những chàng trai giờ ở đâu xa
Nhìn thấy khói mà về với mẹ
Chim khách góc vườn mười mấy năm nói dối
Cau mười mấy năm trời vô ý trổ buồng đôi

Các anh về với mẹ một đêm thôi


Cho đèn khuya đỡ giật mình vụt tắt
Cho nồi cơm thêm một lần đầy đặn
Cho đũa trong nhà mỗi bữa được so thêm
Chiến tranh đe dọa đến toàn thể loài người, là cõi không nhà không cửa, lang thang khốn
khổ và phiêu bạt vĩ đại, là cõi không đàn ông không đàn bà, là thế giới bạt sầu vô cảm, là
tuyệt tự khủng khiếp nhất của dòng giống con người (Bảo Ninh). Đó là điều những nhà văn
vẫn luôn viết về, vẫn luôn trăn trở hàng thế kỉ, để cảnh báo con người, giúp con người nhận ra
duy nhất một điều, chỉ việc ý tưởng về chiến tranh thôi cũng là thần kinh, là hủ bại.
4
Nhưng không chỉ có trong những hoàn cảnh đặc biệt, loài người mới có nguy cơ bị đe
dọa. Giữa thế kỉ lịch sử viết về nó luôn khuyết đi một phần, giữa thế kỉ không có truyền thông
đại chúng để đứng lên bảo vệ thân phận con người, tố cáo, những thế lực đen tối, bất công đã
luôn án ngữ lên con người. Chính lúc này, văn chương thực hiện sứ mệnh của mình. Vì thế,
Nguyễn Du thi hào đã rút ra được cái trăm năm của kiếp con người, đồng thời cất lên tiếng
thét đoạn trường thống khổ của mười lăm năm một số phận nổi chìm, ba đào:
Trăm năm trong cõi người ta
Chữ tài chữ mệnh khéo là ghét nhau
Trải qua một cuộc bể dâu
Những điều trông thấy mà đau đớn lòng.
Nguyễn Du tiên sinh đã tự nguyện đau đớn lòng. Ông là một nhà nhân đạo chủ nghĩa
đích thực. Đích thực là không chịu làm tôi đòi cho bất cứ ai, tự do đến tận cùng lương tâm và
cõi lòng. Không ai nói, không ai nhìn thấy cuộc đời của một cô Kiều bị vùi dập trong trăm
cõi, trăm năm, tự bản thân Tố Như đã đau đớn lòng về mười lăm năm ấy, và dường như cũng
là bốn mươi mốt năm cuộc đời của một kẻ đồng bệnh tương lân, không thể không cầm bút.
Thứ đe dọa lên cuộc đời của Kiều, cũng là thứ đe dọa lên cuộc đời Thanh Hiên thi sĩ, là hai
chữ tài mệnh tương đố làm cho má hồng kém duyên, thi nhân bạc mệnh. Vì tài nhiều mà bạc
mệnh? Nỗi bất công ấy nằm trong hai câu khái quát, nhưng sự thật nằm trong 3252 câu sau,
rằng khi ấy những Tú Bà, những Mã Giám Sinh, những Bạc bà, Bạc Hạnh, những Hồ Tôn
Hiến và cả xã hội phong kiến mục đạo, suy tàn, suy kiệt mới là thứ làm kiếp con người rã rời,
miên trường thống khổ, là những thế lực đe dọa trực tiếp lên cuộc đời con người. Đồng tiền
thay ngôi đổi mệnh, nhân sinh thay phận đổi người, cơn tai biến của Kiều, mười lăm năm
sống làm vợ khắp người ta của Kiều, để rồi cũng cất lên một tiếng thở dài:
Đau đớn thay phận đàn bà
Lời rằng bạc mệnh cũng là lời chung.
Thân sinh Nguyễn Du chẳng được trao giải thưởng nào, nhưng cõi đời chảy trôi hơn 300
năm, hậu thế đã lấy tên ông mà đặt cho giải thưởng danh giá của văn học Việt Nam, vì một
tấm lòng nhân đạo, đã đại diện cho dân tộc, thơ người đã đi vào trang sách của nhân loại.
Cuộc đời của một con người đã trở thành lẽ sống, lẽ hiểu, lẽ biết cho toàn bộ những ai hoài
nghi về chốn đời: đọc để biết thương người, đọc để biết căm hờn và tức giận, đọc để biết đứng
lên bảo vệ cho đồng loại mình. Và Nam Cao viết về những gì tủn mủn, vụn vặt và tầm thường
nhất của con người là cái đói và miếng ăn, lại nói được nỗi lòng hoài nghi, nói lên được sự
thật mà nhân tính và thân phận con người phải đối mặt và đang bị đe dọa, đang bị tha hóa mục
ruỗng đi, sói mòn đi vì chúng. Xuân Diệu viết:
Nỗi đời cay cực đang giơ vuốt
Cơm áo không đùa với khách thơ
Cái đói ấy, miếng ăn ấy đâu chỉ đe dọa con người mà còn đe dọa cả văn chương nữa. Hộ
khi cao hứng nói về giấc mộng Nobel, đằng sau đó, một Đời thừa đã luôn trực chờ sẵn kéo Hộ
5
lại về sát đất, đằng sau đó tiền nhà, tiền giặt, tiền nước mắm, là tiếng khóc quấy rưng rức của
những đứa trẻ con bị bỏ đói, quanh năm uống thuốc, là nỗi nhục của một người cha, người
chồng không thể nuôi nổi vợ, nổi con. Cái đói và miếng ăn không phải là vấn đề một mình
Nam Cao quan tâm. Cái đói cướp đi hai triệu sinh mạng của người Việt năm 1945, nhưng nó
gần như hủy hoại nhân tính của người dân cả một đất nước. Nói lên được sự đe dọa, tha hóa
trực tiếp, của cái đói và miếng ăn lên nhân tính của con người, Nam Cao là người đầu tiên
trong số những nhà văn cùng thời.
Sự đe dọa xảy đến với con người trong bất cứ thời đại nào, trong bất cứ thiên niên kỉ nào.
Trăn trở về nó, nhưng chính tác giả cũng dự báo cho người đọc về một tương lai sắp bị đe
dọa. Trong bộ phim Equivalence (Cân bằng), xã hội loài người, nơi cảm xúc biến mất vì quốc
trưởng cho đó là thứ gây ra thù hận và chiến tranh. Sách vở, phim ảnh bị đốt, vì là những thứ
gợi cảm xúc, loài người thì bị tiêm vào một loại thuốc khống chế tinh thần. Loài người vô
cảm. Đó là vấn đề đang âm thầm diễn tiến trong ngày hôm nay. Cao hơn nữa, đó là việc công
nghệ đe dọa đến con người. Robot và AI thay thế, con người đánh mất chính mình. Trong
guồng quay công nghiệp, loài người hóa thành máy, xa hơn, máy móc hóa thành con người.
Sự đảo lộn biến chất đó đã được Kafka phản ánh trong Hóa thân từ năm 1913, và đã được
Kazuo Ishiguro dự báo trong tác phẩm đạt giải Nobel Mãi đừng xa tôi. Tất cả những học sinh
trường trung học Hailsam, họ được nuôi dưỡng như những món ăn hoàn hảo để rồi đến năm
mười bảy tuổi phải lên bàn mổ để hiến cho những kẻ giàu có nội tạng của mình. Sự lên tiếng
của ba con người nhỏ bé Ruth, Tommy, Kathy về việc họ có cảm xúc, có tình yêu, cớ sao lại
phải làm vậy đã bị hiệu trưởng từ chối - một món hàng thì không thể lên tiếng. Hóa ra, để cứu
rỗi được người này lại phải gây ra nỗi khổ cho kẻ khác, Kazuo đã trăn trở về việc công nghệ y
sinh sẽ làm mất bản chất của quy luật sống còn của con người. Nhân loại chúng ta đã được
nghe thấy tiếng còi thứ Tám mà Kinh thánh không có: Con người đang bị đe dọa bởi chính
những thứ máy móc tiên tiến mà con người tạo ra. Người giết người, người không còn là
người. Liệu một mai kia, những kẻ nhận được một quả tim vô danh, một cánh tay hay một đôi
chân của kẻ chưa từng biết tới, họ có phải băn khoăn về việc dấu vân tay trên căn cước sẽ là
của mình hay kẻ khác, và trái tim kia có đập đúng nhịp đập của chính mình hay không. Đó là
bi kịch đau đớn nhất, vừa là thứ cứu giúp, nhưng cũng vừa là thứ làm mất đi bản sắc, công
nghệ phát triển, Kazuo muốn biết, và nhân loại ta muốn biết, chính chúng ta chống lại nó bằng
cách nào hay thỏa chuộng với nó. Ta nhận ra, đôi khi những thứ đe dọa không nằm ở những
thế lực nào khác mà nằm trong chính bản thân con người. Điều đó chẳng phải Lưu Quang Vũ
đã chứng minh cho ta thấy trong trò chơi thể xác và tâm hồn của hồn Trương Ba và da hàng
thịt. Không thoát khỏi sự trù dập của bản ngã. Con người đánh mất chính mình. Đó cũng là
mối đe dọa ngầm mà nhà viết kịch lớn nhất Việt Nam đã cảnh báo.
Quan tâm và trăn trở đến con người, nhưng không có nghĩa nhà văn quên mất vị thế của
nghệ thuật. Làm thế nào để viết ra những điều trăn trở, những lời cảnh báo. Làm thế nào để
nói ra cho nhân loại hiểu những gì đang đe dọa họ. Và làm thế nào để nói được khi những tình
cảm thật đáng quý có thể trở nên thật tầm thường khi diễn tả thành lời (Nikolai Gogol). Quan
trọng hơn, một nhà văn đích thực phải là người vừa biết cất lên những tiếng gọi lớn lao, vừa

6
không sa vào những hô hào đơn giản. Muốn cảnh báo cho con người một sự việc, anh ta phải
biết vẽ lên trang giấy những câu chuyện những sự kiện, những nhân vật. Chỉ có người mới
đồng cảm, mới ghê sợ được, mới yêu thương được với người, mà một nhân vật là hình thái
không thể nào gần gũi hơn so với một nhân loại. Nhưng có lẽ, để khiến những đắn đo, trăn trở
kia thấm sâu vào trong từng nỗi ghê rợn, những lần thót tim, những giọt nước mắt căm phẫn
của độc giả, anh cần hơn bao giờ hết là tình cảm nồng nhiệt, xung kích của anh, là sự chân
thật nhất của phong cách anh, con người anh, để khiến những trải nghiệm đe dọa tồi tệ ấy đối
với độc giả như thể họ đang được chứng kiến một con người thực thụ đang xoay vần giữa cái
ác, cái xấu. Nguyễn Huy Thiệp đã nói rằng không có nghề nào cực khổ không thể tả bằng
nghề văn, vì phải trăn trở, và hơn hết là vì đã phải trải nghiệm những gì đã, đang đe dọa, anh
ta nằm trong những cơn đau đầu mất ngủ, ngồi trong căn phòng nhỏ giọt mồ hôi sợ hãi, thậm
chí để có thể trăn trở, cả đời anh ta có khi đã trải qua những điều kinh hoàng. Vì đó là vinh
quang của văn học chân chính… Cái mang đến cho anh vinh quang cũng là cái mang đến cho
anh sự đọa đày. Tất cả những tác phẩm lớn đều được chắp cánh bay lên từ những cuộc đời
bùn lầy ngập ngụa, nhiều khi trả giá bằng cả một đời (Hoàng Long, Thất lạc cõi người -
Dazai Osamu). Để rồi loài người biết về những sự thật tàn khốc, để rồi họ biết lên tiếng, bài
trừ cái ác, biết bảo vệ lẫn nhau, bảo vệ chính mình, biết cùng nhau phát triển một cuộc sống lí
tưởng nhất, biết để sống văn minh hơn, nhân đạo hơn, sướng hơn. (Nguyễn Huy Thiệp)
Trăn trở về một mối đe dọa nào đó không phải là con đường duy nhất trở thành một nhà
văn chân chính. Nhưng đó là điều những nhà văn chân chính hay làm. Anh có thể viết niềm ca
ngợi hân hoan, viết về sự đẹp đẽ xung quanh thế giới, bất kể điều gì, dẫu sao, ít nhất nó cũng
cần phải nói lên những sự thật về con người, sự thật về thế giới, bởi con người cần đôi mắt
sáng rõ hơn, cần một trải nghiệm an toàn hơn, nơi đó chỉ có những trang văn chất chứa.
Huyền thoại sẽ không bao giờ chết, dù phai mờ dần trong sa mạc thời gian, nhưng sẽ luôn
sống động tươi mới trong tâm hồn những người đồng điệu, trong kí ức nhân loại muôn thưở
không tan.
Con người dù bay mãi cũng không thể thoát khỏi những nỗi đau nhân tính. Nhưng nhà
văn không thể bay, anh phải ở lại để trăn trở, ở lại để trao ban cho tinh cầu giá lạnh một tình
thương.
BÀI SỐ 02
Đề: Nhà văn Mario Vargas Llosa (Nobel văn chương) cho rằng: Trong một xã hội cởi
mở dân chủ, nhà văn là người cho bạn đọc cuộc sống thứ hai.
Bằng trải nghiệm văn học, anh/chị hãy làm sáng tỏ ý kiến trên.
Bài làm
Thế giới phẳng là thuật ngữ để chỉ đến sự giao lưu rộng rãi, hội nhập toàn diện giữa các
quốc gia trên thế giới. Không còn những đường biên, những bức tường mão gai ngăn cách
giữa người với người, tất cả đã tràn viền trong một sự giao tiếp rộng rãi xuyên lục địa. Văn
chương cũng là một mặt cắt của thế giới phẳng, nơi con người được sống nhiều hơn một cuộc
sống, được trải nghiệm nhiều đời trong một kiếp, xuyên không gian và băng qua thời gian.
7
Giống như nhà văn Mario Vargas Llosa (Nobel văn chương) cho rằng : Trong một xã hội cởi
mở dân chủ, nhà văn là người cho bạn đọc cuộc sống thứ hai.
Nhà văn là người sáng tạo ra tác phẩm nghệ thuật, người có khả năng kiến tạo những thế
giới giả lập trong những câu văn, câu thơ. Họ là loài thi sĩ (chữ dùng của Hàn Mặc Tử) hay là
văn nhân với sự uyên bác, trải nghiệm sống sâu sắc, phong phú, dồi dào tình cảm với cuộc
đời. Trong ý niệm của mình, Llosa cho rằng nhà văn chính là người cho bạn đọc cuộc sống
thứ hai, giống như người có khả năng giúp cho người tiếp nhận, người thưởng thức sống một
cuộc đời khác, trải nghiệm nhiều hơn và biết nhiều hơn những gì họ trải qua. Nhà văn làm đầy
chiếc bình kiến thức, vốn sống, vốn hiểu biết của người đọc, góp phần giúp họ kinh qua
những dòng cảm xúc phong phú, phức tạp mà ở cuộc đời thường nhật nhiều khi chưa được
thấy, được biết. Từ đó Mario Vargas Llosa đề cao, nhấn mạnh đến vai trò đặc biệt của người
viết và sứ mệnh của văn chương, đó là khả năng căng mở vốn sống, vốn hiểu biết, sự trải
nghiệm của người thưởng thức khi phiêu du vào trang văn.
Văn chương có khả năng đem đến những tầng sâu phong phú và được mệnh danh là cuốn
bách khoa toàn thư, cuốn sách giáo khoa về mọi mặt của xã hội, giúp mỗi người hiểu biết sâu
hơn về cuộc đời và con người ở những góc độ sâu sắc và ý nghĩa. Bởi lẽ, văn là đời, viết văn
là khắc chữ từ nguồn mạch của hiện thực, từ đó làm sống dậy hiện thực. Đời sống hiện lên
trong các tác phẩm văn chương muôn màu muôn vẻ, đúc kết từ quá trình phát triển qua hàng
nghìn năm trải dài từ quá khứ xa xôi những ngày đầu lịch sử đến xã hội dân chủ như hiện tại
và còn vọng đến những dự đoán về tương lai, từ trong nước đến quốc tế, từ thế giới thiên
nhiên cỏ cây loài vật cho đến xã hội loài người,... Hiện thực được hồi quang trong các tác
phẩm dường như là sự thu chiếu mọi lát cắt, sự kiện đời sống. Trang sử thi Iliad đồ sộ hay
truyện ngắn Sê-khốp, trưởng ca chục trang giấy hay những áng thơ Hai-cư vài dòng của xứ sở
Phù Tang, tất cả, dù dung lượng ngắn hay dài đều có khả năng cung cấp chất liệu đời sống ở
một tầng sâu và chiều rộng đáng kinh ngạc. Tiểu thuyết bao lấy cuộc đời trong sự mênh mông
của không gian và thời gian, sự dày đặc các nhân vật và sự kiện, như L.Tôn- xtôi đã trải dài
hiện thực xứ bạch dương từ những năm mưa bom bão đạn giăng kín bầu trời sang những năm
tháng hòa bình, có khi là quá trình trưởng thành của cả đời người như cậu bé Remi trong
Không gia đình của Hector Malot. Truyện ngắn, một thể loại tự sự cỡ nhỏ nhưng như một mắt
cắt giữa thân cây cổ thụ. Chỉ lướt qua những đường vân trên cái khoanh gỗ tròn tròn kia, dù
sau trăm năm vẫn thấy cả cuộc đời thảo mộc (Nguyễn Minh Châu). Đó là cuộc đời bơ vơ,
lênh đênh vô định, bị xối vào lòng những giọt nước mặn chát đau đớn của con người Nam Bộ
trong truyện ngắn Cánh đồng bất tận của Nguyễn Ngọc Tư. Ngay cả thơ, một hình thức sáng
tác văn học trữ tình cũng đủ sức tái hiện những cuộc đời khác trong ngôn từ kết đọng tinh hoa
của nó. Ấy là hiện thực cuộc sống nhân dân lao động hiện lên trong những câu ca dao, dân ca
ngàn đời. Từ đó, văn học là hiện tượng đa chức năng, mà điển hình là chức năng nhận thức.
Thế giới trên trang văn làm phong phú cho tâm hồn người đọc, giúp họ nhận biết thông tin và
cảm nhận từng con chữ bằng cảm xúc lẫn trí tuệ, được hòa mình trong thế giới hiện thực như
sống trong một thế giới khác, một cuộc đời khác. Nói như Phan Kế Bính: Ngồi trong xó nhà
mà lịch lãm suốt hết các nơi danh lam thắng cảnh của thiên hạ; xem trên mảnh giấy mà tinh

8
tường được hết các việc hay, việc dở của thế gian; sinh sau mấy nghìn năm mà tựa hồ như
được đối diện và được nghe tiếng bàn bạc của người sinh về trước mấy nghìn năm, cũng là
nhờ có văn chương cả. Như vậy, văn chương với đời sống cựa quậy, phập phồng, không
ngừng nảy nở trên trang viết, là cơ sở đầu tiên để kiến tạo nên một cuộc sống thứ hai cho bạn
đọc.
Bên cạnh đó, câu chuyện người thợ cạo với ông vua có đôi tai lừa Midas ít nhiều chứa
đựng triết lí về một nhu cầu rất tự nhiên của con người, đồng thời cũng là phẩm chất của nghệ
sĩ: nhu cầu giao cảm và nói lên sự thật từ vốn sống phong phú của mình. Vốn sống ấy đúc rút
từ trải nghiệm của cá nhân và sự học hỏi từ người khác. Đó là tư chất cần có của người nghệ
sĩ. Nhà văn luôn luôn nảy nở trong khối óc những sáng tạo không giống ai, kể cả với bạn đọc.
Nhờ có vốn sống, nhà văn có thể tạo nên cuộc sống thứ hai cho bạn đọc. Đó có thể là cuộc
sống của chính nghệ sĩ, hoặc là cuộc sống mà anh quan sát thấy kết hợp với trí tưởng tượng
của mình. Khi viết tác phẩm, vốn sống tạo nên một thế giới riêng cho nhà văn, đồng thời tạo
cơ hội cho người đọc thâm nhập vào một thế giới giả lập không phải của mình. Người đọc và
nhà văn là hai đối tượng có đời sống xã hội độc lập và chỉ gặp gỡ trên dòng thơ, dòng chữ.
Tác phẩm là cầu nối, nên nếu đứa con tinh thần của anh mang hương vị riêng của nghệ sĩ, vừa
giúp cho người đọc tăng kích thước trí tuệ, vừa tạo độ dày cho sự tiếp nhận tác phẩm, kết tinh
thành những tầng vỉa sâu sắc. Bao năm cầm súng chiến đấu đã tăng vốn hiểu biết phong phú
của Nguyễn Minh Châu về chiến tranh, là nền tảng để nhà văn viết Cỏ lau dưới một góc nhìn
đa nguyên của một người đã dày kinh nghiệm sống. Tác phẩm giúp cho mọi công dân sống
trong thời kì hòa bình trải nghiệm cuộc đời vất vả của một người lính như Lực hay một hòn
đá vọng phu khắc khoải như Thai thời chiến loạn.
Trong một xã hội dân chủ, nhà văn trao cho bạn đọc một cuộc sống thứ hai. Tuy giờ đây,
nó không còn là thiên chức độc tôn, độc đạo của văn nhân. Thời đại của truyền thông đại
chúng đã giúp cho khả năng vận chuyển thông tin lên một tầm cao mới, cả ở bề rộng, bề sâu
với tốc độ tia chớp. Công nghệ đi vào giấc ngủ của con người, điều khiển tâm trí và thói quen.
Song, không có một chiếc tivi, một chiếc điện thoại nào có thể thay thế được vai trò văn học
và sứ mệnh kiến tạo cuộc đời khác của nghệ sĩ.
Trước hết, nhà văn giúp bạn đọc hóa thân, sống một cuộc đời khác, và cuộc đời ấy được
sáng tạo nhờ sự quan sát và trí tưởng tượng của nhà văn. Alexievich, cây bút nổi tiếng của
Belarus, đã cho bạn đọc một cuộc đời thứ hai, đó là cuộc sống của những người phụ nữ thời
chiến trong Chiến tranh không có một khuôn mặt phụ nữ. Người đọc được sống trong quá khứ
đau thương của nhân loại, trong bờ vực bi thảm của cái chết và sự đe dọa bản tính con người.
Độc giả được chiêm nghiệm nỗi đau vô hạn khi người phụ nữ dần mất đi tính nữ, tiêu biến
dần những uyển chuyển mềm mại của một cơ thể đàn bà. Nhập cuộc trong nỗi đau xé lòng, họ
đã cất lên tiếng nói của thân thế một cách thành thật, tự nhiên. Đàn ông cảm nhận chiến tranh
bằng lí trí, bằng trí tuệ, bằng cái đầu, còn phụ nữ cảm nhận nó bằng cảm xúc, bằng cơ thể
nhạy cảm của họ, bằng toàn bộ cơ thể (Nguyên Ngọc). Khi những giá trị thuộc về thân xác
con người trong chiến tranh thường bị xem nhẹ, bị bỏ rơi theo những lằn bom đạn nổ vang
trời, thì người phụ nữ càng khao khát được sống đúng với bản chất của mình, như một người
9
phụ nữ thực sự. Hòa mình vào từng dòng văn như thước phim quay chậm, độc giả ngỡ ngàng
nhận ra cuộc sống đầy nước mắt mà chiến tranh đem đến cho đời người. Maria, cô gái nhỏ
bước vào cuộc chiến đã phải cắt toàn bộ mái tóc dài thướt tha, mặc những bộ đồng phục quá
khổ, và theo những vết xước nhiều lên theo thời gian, vẻ nữ tính bên ngoài của cô cũng dần
tan biến. Cô tâm sự: Khi chúng tôi bước vào nhà tắm công cộng, những người phụ nữ bình
thường nhìn thấy chúng tôi thì hét toáng lên. Nhìn chúng tôi không biết là con trai hay con
gái. Chiến tranh đã phân mảnh đời người ra thành những lát cắt của phẩm chất và số phận,
biến người thiếu nữ đôi mươi thành một người chỉ biết cầm súng chiến đấu. Họ đau khổ,
giằng xé và đầy mâu thuẫn, một bên là tính nữ mềm mại, dịu dàng như nước, bên kia là người
lính lạnh lùng, khô khan. Người đọc trải nghiệm cuộc đời mới, nơi khóc là biểu hiện của yếu
đuối, là hèn nhát, yếu kém, lúc nào cũng tỉnh táo rằng không được thương nhiều như thế, cũng
không được khóc. Phái nữ vốn dễ xúc động, dễ cảm thương, dễ rơi lệ, nhưng chiến tranh là
một phương trình hóa học kì lạ làm bay hơi cái vỏ vật chất và bản tính của người phụ nữ. Họ
thậm chí không còn có kinh nguyệt. Một cuộc du hành xuyên thời gian ngược về quá khứ,
nhập thân vào số phận người lính nữ để thấy chiến tranh đã tước đi khuôn mặt phụ nữ, một
cuộc sống tàn nhẫn và đầy trăn trở.
Không chỉ dừng lại ở đó, nhà văn còn có khả năng giúp cho độc giả trở về hiện tại, sống
một cuộc đời khác, đó là cuộc đời thứ hai, cuộc đời của chính tác giả. Ngay trong dòng chảy
trong song song với thực tế, nhưng được trải nghiệm xoay chiều lăng kính trong một kinh độ,
vĩ độ khác. Tôi nhớ tha thiết những câu thơ Hàn Mặc Tử, cách thi sĩ đã trao cho người đọc
điểm nhìn cuộc sống của một con người lâm vào bạo bệnh, luôn ám ảnh với sự chia ly:

Gió theo lối gió, mây đường mây


Dòng nước buồn thiu, hoa bắp lay
Thuyền ai đậu bến sông trăng đó
Có chở trăng về kịp tối nay.
Có người đồng bệnh nên đồng điệu với xúc cảm của thi sĩ Hàn, nhưng ngay cả khi người
đọc không sống trong bệnh tật, thơ Hàn vẫn dắt độc giả vào một cánh đồng mênh mông, càng
đi xa càng ớn lạnh (Hoài Thanh), cái ớn lạnh vì thương sao có người tài bất hạnh đến thế.
Chốn bồng lai của thiên đường trần thế với ánh nắng mai chiếu xuống hàng cau hay khu vườn
tắm đẫm sương đêm đã vỡ tan, chuyển sang cảnh sông nước gió trăng buồn thẳm. Dấu đứt gãy
của thời gian hay chính là biến động sâu sắc trong hồn người. Gió trăng vốn dĩ cùng đường
chung lối nhưng người đọc dường như bị lạc vào một thế giới khác, vương quốc ảo mộng nơi
gió thì theo lối của gió, không đồng điệu với đường mây. Đó hình ảnh phản chiếu từ tâm hồn
người luôn mặc cảm với sự chia lìa, tan vỡ. Cuộc đời thứ hai mà người đọc nhìn thấy sao thật
buồn, buồn từ gió, từ mây, từ dòng nước đến hoa bắp, từ thuyền trăng đến cả bến sông trăng.
Và chữ kịp như lời với gọi đầy vội vàng của thi sĩ, là nỗi lo âu, phấp phỏng khi hiểu rằng quỹ
thời gian của mình đã cạn ngày. Nếu không kịp tối nay thì tối mai sẽ muộn, mai sẽ còn kịp
nữa. Một từ rất giản dị nhưng nói được cả sự mong ngóng lẫn hốt hoảng khi nhận ra cuộc
10
sống đang dần tuột khỏi tay mình. Thi sĩ bám lấy trăng, víu lấy ánh sáng của trăng thì tìm thấy
người tri kỉ, điểm tựa tâm hồn, cho sự cứu rỗi linh hồn hạnh phúc bình yên. Càng đau đời,
càng mong siêu thoát, thả hồn vào cõi trăng sao gấm vóc, nhưng vẫn day dứt, chới với, chênh
chao. Đọc Đây thôn Vĩ Dạ, ta hiểu hơn cuộc đời của thi sĩ bệnh tật, và được trải nghiệm nỗi
đau đời mà thi nhân để trong thơ văn. Cuộc đời thứ hai mà người đọc khám phá trong tác
phẩm là số phận nhiều nỗi buồn của những con người bị giày vò trong bệnh tật, cô đơn và bị
xa lánh. Một cuộc đời ánh lên từ chính thân phận của người nghệ sĩ.
Như vậy, có thể thấy rằng trong một xã hội dân chủ, nghệ sĩ có khả năng đem đến cho
người đọc những trải nghiệm mới, đời sống mới. Nhưng ngay cả khi xã hội không dân chủ,
nhà văn vẫn có khả năng đem đến cuộc đời thứ hai cho bạn đọc. Thiên chức nghệ sĩ, kể cả khi
xã hội nhiễu nhương, loạn lạc trớ trêu vẫn luôn được hoàn thành một cách trọn vẹn chứ không
bị bỏ bê theo đà tụt dốc của xã hội. Bởi xã hội càng bất an, càng cần đến văn học. Chẳng vậy
mà Gogol từng nói: Có những thời đại nếu không chỉ ra tận cùng toàn bộ cái xấu xa, đê tiện
của cuộc sống hiện tại thì ta sẽ không có cách nào để hướng xã hội tới cái Đẹp. Thời đại
phong kiến mục nát, chà đạp lên thân phận con người, không quan tâm đến số phận người
nghệ sĩ, vẫn nở ra bông hoa đẹp của những trang thơ, trang văn của Nguyễn Du, Hồ Xuân
Hương,… mà đến tận thế kỷ XXI vẫn được trầm trồ ngợi ca. Tùy thuộc vào từng thời đại mà
nghệ sĩ sẽ phản ánh những số phận, cuộc đời phù hợp với xã hội, góp phần làm căng mở hiểu
biết và tác động sâu sắc đến tâm hồn con người.
Sự hóa thân, nhập cuộc của độc giả vào cuộc đời trên văn học, thực chất là một quá trình
tiếp nhận, giúp họ hiểu sâu sắc những thông điệp mà nhà văn muốn truyền tải. Bên cạnh đó,
văn chương không đưa ru họ vào những lầm tưởng xa rời thực tế mà cốt để làm đẹp cho cuộc
sống thứ nhất - tức là cuộc đời của chính các độc giả trong hiện tại. Để thâm nhập vào những
kí ức sống động trên trang viết, người thưởng thức cần mở lòng đón nhận những tư tưởng mới
mẻ, độc đáo của người nghệ sĩ, có cách tiếp nhận công bằng, thông minh và rộng mở.
Hứng trên hằng số tinh thần, văn chương đứng trên hằng số giá trị. Trong bất kì xã hội
nào, chỉ cần nhà văn đem đến cho đời những tác phẩm có ích thì sẽ luôn làm công việc nâng
giấc cho những giấc mơ, viết tiếp cho sự phát triển bền vững của con người. Và thế, nghĩa là
đã hoàn thành sứ mệnh muôn đời.

11
12

You might also like