You are on page 1of 12

2.1.3.

Đúng về đặc điểm ngữ pháp

1. Câu sai do vi phạm quy tắc kết hợp.

Khác với câu sai do cấu trúc không hoàn chỉnh, câu sai do vi phạm quy
tắc kết hợp, mặc dù không thiếu các thành phần nòng cốt (thậm chí còn
thừa nữa), nhưng hiện dạng của câu có những ngữ đoạn kết hợp với nhau
không đúng quy tắc ngữ pháp, nên trở thành lỗi sai.

Dựa vào tính chất, đặc điểm của hiện tượng sai, có thể chia loại lỗi này
thành ba kiểu lỗi nhỏ :

2.1. Câu đứt cấu trúc ngữ pháp.

Khi tham gia vào tổ chức nội bộ của câu, nhìn chung, các từ, ngữ phải
đảm bảo mối quan hệ về ngữ pháp (và ngữ nghĩa), dựa trên các quy tắc
kết hợp có sẵn. Mối quan hệ qua lại đó trong tổ chức câu được xác lập
bằng trật tự tuyến tính giữa các từ, ngữ, hay bằng từ công cụ, hai phương
thức ngữ pháp cơ bản của tiếng Việt.

Ðứt cấu trúc ngữ pháp là kiểu lỗi sai mà hiện dạng câu có những ngữ
đoạn rời rạc, mối quan hệ về mặt ngữ pháp (và ngữ nghĩa) giữa chúng với
các ngữ đoạn khác không được xác lập rõ ràng, cụ thể.

Xem xét các ví dụ dưới đây :

(a) Bài thơ trên chúng ta thấy tấm lòng nhân đạo của Nguyễn Du thể hiện
rất rõ qua các câu hỏi tu từ(BVHS).

(B) Sự bóc lột hết sức tàn bạo dã man của bọn tư bản độc quyền Pháp
cộng với sự bóc lột của địa chủ phong kiến, nhân dân ta vô cùng điêu
đứng, khổ sở(BVHS).

© Sự trói chặt của bóng đêm đáng sợ đó Xuân Diệu thấy cảnh vật chung
quanh không còn tươi thắm, mà nó chỉ một màu đen ảm đạm(BVHS)

(d) Tinh thần chiến đấu hi sinh dũng cảm của những người nghĩa sĩ họ
luôn nêu cao khí thế tiến công, trang bị thô sơ, nghèo nàn(BVHS).
Trong ví dụ (a), mối quan hệ giữa danh ngữ bài thơ trênvới kết cấu chủ -
vị đứng sau nó không được xác lập rõ ràng, cụ thể. Tương tự, trong câu
(B), danh ngữ sự bóc lột hết sức tàn bạo dã man của bọn tư bản độc
quyền Pháp cộng với sự bóclột của địa chủ phong kiếnkhông có quan hệ
rõ ràng, cụ thể với kết cấu chủ - vị nòng cốt về mặt ngữ pháp, do đó,
chúng ta khó xác định được chức năng cú pháp của danh ngữ này. Trong
câu ©, danh ngữ sự trói chặt của bóng đêm đáng sợ đólà ngữ đoạn bị đứt
rời khỏi kết cấu trúc câu, đó là chưa kể đến lỗi từ ngữ. Câu (d), có hai ngữ
đoạn bị đứt rời khỏi kết cấu chủ - vị ở giữa câu. Ngữ đoạn thứ nhất là
danh ngữ tinh thần chiến đấu dũng cảm của những người nghĩa sĩ , ngữ
đoạn thứ hai là trang bị thô sơ, nghèo nàn. Mối quan hệ về mặt ngữ pháp
giữa hai ngữ đoạn này với kết cấu chủ - vị không được xác lập một cách
cụ thể bằng những phương tiện ngữ pháp cần thiết.

Hiện tượng đứt cấu trúc ngữ pháp xuất hiện khá nhiều trong bài viết của
học sinh PTCS. Kiểu lỗi này xuất hiện tương đối ít trong bài viết của học
sinh THPT, và chỉ tập trung trong bài viết của học sinh lớp 10. Trong bài
viết của học sinh lớp 11 và lớp 12, thỉnh thoảng mới bắt gặp kiểu lỗi này.
Bài có sai, thường không quá hai, ba lỗi.

Nguyên nhân dẫn đến kiểu lỗi sai này là do học sinh suy nghĩ thiếu chặt
chẽ, không nắm vững kiến thức cơ bản trong việc vận dụng các phương
thức ngữ pháp để sắp xếp các ngữ đoạn, các thành phần câu theo trật tự
thích hợp, và sử dụng chính xác các từ công cụ nhằm liên kết, xác lập
mối quan hệ ngữ pháp qua lại giữa các ngữ đoạn trong câu.

Sửa chữa lỗi đứt cấu trúc ngữ pháp, hướng chung là nốicác ngữ đoạn bị
đứt lại. Trước hết, chúng ta xem xét mối quan hệ tiềm ẩn giữa các ngữ
đoạn trong câu để xác định ngữ đoạn bị đứt có khả năng làm thành phần
gì. Trên cơ sở đó, chúng ta dùng từ công cụ để nốichúng với các thành
phần khác, sao cho chức năng cú pháp của chúng được xác lập rõ ràng, cụ
thể. Nếu trật tự của các ngữ đoạn bị đứt không phù hợp, chúng ta có thể
vừa thay đổi trật tự, vừa sử dụng từ công cụ để nốichúng như trình bày.

Các câu đứt cấu trúc đã dẫn có thể được sửa chữa như sau :

(a) Trong bài thơ trên, chúng ta thấy tấm lòng nhân đạo của Nguyễn Du
thể hiện rất rõ qua các câu hỏi tu từ.

(B) Dưới sự bóc lột hết sức tàn bạo, dã man của bọn tư bản độc quyền
Pháp và bọn địa chủ phong kiến, nhân dân ta vô cùng điêu đứng, khổ sở.

© Trong sự bủa vây của bóng đêm đáng sợ đó, Xuân Diệu thấy cảnh vật
chung quanh không còn tươi thắm nữa, mà tất cả đều khoác lên một màu
ảm đạm.

(d) Với tinh thần chiến đấu, hi sinh dũng cảm, người nghĩa sĩ luôn nêu
cao khí thế tiến công, mặc dù vũ khí, trang bị của họ hết sức thô sơ, lạc
hậu.

Khi sửa chữa câu đứt cấu trúc ngữ pháp, cách thức và mức độ sửa chữa
phải được áp dụng sao cho phù hợp với từng câu sai cụ thể. Ðồng thời,
chúng ta cũng cần chú ý đến mối quan hệ giữa câu được sửa chữa với các
câu chung quanh.

2.2. Câu chập cấu trúc ngữ pháp.

Do sự quy định của quan hệ cú pháp, trong tổ chức nội bộ câu, mỗi từ,
ngữ đều đảm nhiệm một chức năng cú pháp nhất định : hoặc là làm thành
phần câu (chủ ngữ, vị ngữ, các loại thành phần phụ ngoài kết cấu chủ -vị
nòng cốt), hoặc là làm thành tố trong cụm từ (chính tố, phụ tố), xét ở một
bậc quan hệ cú pháp nào đó. Nếu câu có những từ, ngữ đồng thời đảm
nhiệm hai chức năng cú pháp, xét ở một bậc quan hệ cú pháp, thì đó
chính là lỗi chập cấu trúc ngữ pháp.

Nói cách khác, chập cấu trúc ngữ pháp là kiểu lỗi sai có biểu hiện ở cùng
một bậc quan hệ cú pháp, từ, ngữ vừa đảm nhiệm chức năng này, xét
trong mối quan hệ với ngữ đoạn trước nó, vừa đảm nhiệm chức năng
khác, xét trong mối quan hệ với ngữ đoạn sau nó.

Xem xét vài ví dụ dưới đây :

(a) Ðó là một thành công lớn của Vũ Trọng Phụng đã xây dựng nên tấn
hài kịch của xã hội thời bấy giờ(BVHS).

(B) Tác giả đã cho chúng ta thấy nỗi khổ nhục của mẹ con người ăn mày
không dám nhìn ai mà chỉ biết cúi đầu tủi hổ cho số phận mình. (BVHS).

© Trong tác phẩm Tắt đèncũng ca ngợi phẩm chất tốt đẹp của người nông
dân Việt Nam dưới chế độ thực dân phong kiến.(BVHS).
Trong câu (a), Vũ Trọng Phụng, xét trong mối quan hệ với danh ngữ một
thành công lớn, là định tố biểu thị ý nghĩa sở thuộc. Nhưng xét trong mối
quan hệ với động ngữ đã xây dựng nên tấn hài kịch của xã hội thời bấy
giờ,Vũ Trọng Phụng lại có chức năng như chủ ngữ. Ðây chính là hiện
tượng chập cấu trúc ngữ pháp. Trong câu (B) mẹ con người ăn mày là
định tố, xét trong mối quan hệ với danh ngữ nỗi khổ nhục. Nhưng xét
trong mối quan hệ với hai động ngữ không dám nhìn aivà chỉ biết cúi đầu
tủi hổ cho số phận mình, mẹ con người ăn mày lại có chức năng như chủ
ngữ. Như vậy, danh ngữ mẹ con người ăn mày là ngữ đoạn bị chập.
Trong câu ©, tác phẩm Tắt đèn có giá trị như một trạng ngữ, xét trong
mối quan hệ với giới từ trong. Nhưng danh ngữ này lại có chức năng như
chủ ngữ, xét trong mối quan hệ với động ngữ cũng ca ngợi những phẩm
chất tốt đẹp của người nông dân Việt Nam..... Danh ngữ tác phẩm Tắt đèn
là ngữ đoạn bị chập.

Chập cấu trúc ngữ pháp là kiểu lỗi khá phổ biến trong bài viết của học
sinh. Kiểu lỗi này xuất hiện nhiều hơn lỗi đứt cấu trúc ngữ pháp. Có hơn
30% bài viết của học sinh mà chúng tôi đã khảo sát mắc kiểu lỗi này. Bài
sai ít là một, hai lỗi. Bài sai nhiều lên đến bốn, năm lỗi (kiểu lỗi này cũng
xuất hiện rải rác trên sách báo in ấn chính thức).

Nguyên nhân chủ yếu dẫn đến hiện tượng chập cấu trúc ngữ pháp là do tư
duy của học sinh thiếu mạch lạc. Thêm vào đó là sự non yếu về kiến thức
ngữ pháp, cụ thể là những hiểu biết về các thành phần, thành tố trong cấu
trúc câu tiếng Việt và mối quan hệ ràng buộc qua lại giữa chúng về mặt
cú pháp.

=> Chập cấu trúc ngữ pháp là một trong những nguyên nhân làm cho câu
văn lủng củng, mối quan hệ về mặt ngữ pháp (và ngữ nghĩa) giữa các
thành phần, thành tố nhập nhằng, thiếu phân minh.

**Dựa vào chức năng cú pháp của ngữ đoạn bị chập, có thể chia lỗi
chập cấu trúc ngữ pháp thành các kiểu lỗi nhỏ như sau :

Chập trạng ngữ với chủ ngữ :

Ðây là hiện tượng danh từ / danh ngữ vừa có giá trị như là trạng ngữ, xét
trong mối quan hệ với giới từ đứng trước, lại vừa có giá trị như là chủ
ngữ, xét trong mối quan hệ với ngữ động từ hay ngữ tính từ đứng sau[1].
Ví dụ :

(a) Qua bài thơ Tiếng rucủa Tố hữu đã để lại trong lòng ta một ấn tượng
sâu sắc(BVHS).

(B) Qua thơ văn yêu nước giai đoạn này đã làm nổi bật lên hình ảnh
người chiến sĩ đấu tranh vì độc lập, tự do của dân tộc. (BVHS).

© Qua bài thơ Tây Tiến của Quang Dũng đã cho ta thấy vẻ đẹp hào hùng
của người lính trong thời kì kháng chiến chống Pháp (BVHS).

(d) Qua bài thơ Sở kiến hànhđã lên án gay gắt bản chất thối nát của chế
độ phong kiến. (BVHS).

(e) Với bút pháp sắcxảo đã tạo cho người đọc thấy được sự lố lăng của xã
hội đương thời.(BVHS).

Chập trạng ngữ với chủ ngữ là kiểu lỗi phổ biến nhất trong các kiểu lỗi
chập cấu trúc ngữ pháp.

Có ba cách sửa chữa kiểu lỗi sai này :

Cách thứ nhất : Triệt tiêu chức năng trạng ngữ của danh từ /danh ngữ bị
chập bằng cách bỏ giới từ đầu câu, làm cho danh từ /danh ngữ bị chập chỉ
còn giữ chức năng chủ ngữ. Tất nhiên, chúng ta chỉ áp dụng cách này khi
nghĩa của câu cho phép, chẳng hạn như năm câu vừa dẫn :

(a) Bài thơ Tiếng rucủa Tố Hữu đã để lại trong lòng người đọc một ấn
tượng sâu sắc.

(B) Thơ văn yêu nước giai đoạn này đã làm nổi bật lên hình ảnh người
chiến sĩ đấu tranh vì độc lập, tự do của dân tộc.

© Bài thơ Tây Tiến của Quang Dũng đã cho ta thấy vẻ đẹp hào hùng của
người lính trong thời kì kháng chiến chống Pháp.

(d) Bài thơ Sở kiến hành đã lên án gay gắt bản chất thối nát của chế độ
phong kiến.
(e) Bút pháp sắc sảo (của tác giả) đã giúp cho người đọc thấy được sự lố
lăng của xã hội đương thời.

Cách thứ hai : Tách danh ngữ bị chập thành hai thành phần ngữ pháp
khác nhau : trạng ngữ và chủ ngữ, nếu như danh ngữ bị chập có định tố
biểu thị quan hệ sở thuộc và nghĩa của câu cho phép. Thao tác cụ thể là
bỏ giới từ của, thay vào đó bằng dấu phẩy. Chẳng hạn như đối với câu
(a), © đã dẫn :

(a) Qua bài thơ Tiếng ru, Tố Hữu đã để lại trong lòng ta một ấn tượng sâu
sắc.

© Qua bài thơ Tây Tiến, Quang Dũng đã cho chúng ta thấy vẻ đẹp hào
hùng của người lính trong thời kì kháng chiến chống Pháp.

Cách thứ ba : Triệt tiêu chức năng chủ ngữ của ngữ đoạn bị chập bằng
cách đặt dấu phẩy sau nó, và dựa vào văn cảnh, tạo chủ ngữ khác cho câu.
Cách này áp dụng đối với trường hợp danh ngữ bị chập không có định tố
biểu thị ý nghĩa sở thuộc. Chẳng hạn như đối với các câu (B), (d), (e) :

(B) Qua thơ văn yêu nước giai đoạn này, các tác giả đã làm nổi bật lên
hình ảnh người chiến sĩ đấu tranh vì độc lập, tự do của dân tộc.

(d) Qua bài thơ Sở kiến hành, Nguyễn Du đã lên án gay gắt bản chất thối
nát của chế độ phong kiến.

(e) Với bút pháp sắc sảo, tác giả (nhà văn) đã giúp cho người đọc thấy
được sự lố lăng của xã hội đương thời.

Chập định tố với chủ ngữ :

Ðây là hiện tượng danh từ / danh ngữ vừa có chức năng như định tố, xét
trong mối quan hệ với danh từ / danh ngữ đứng trước, lại vừa có chức
năng như chủ ngữ, xét trong mối quan hệ với động ngữ hay tính ngữ
đứng sau.

Ví dụ :

(a) Ðó là một thành công lớn của Vũ Trọng Phụng đã dựng lên tấn hài
kịch của xã hội thời bấy giờ.(BVHS).
(B) Tác giả đã cho chúng ta thấy nỗi khổ nhục của mẹ con người ăn mày
không dám nhìn ai mà chỉ biết cúi đầu tủi hổ cho số phận mình.(BVHS).

© Bài thơ là tiếng nói chân tình của tác giả kêu gọi mọi người phải biết
đoàn kết, yêu thương giúp đỡ lẫn nhau. (BVHS).

(d) Cái công việcnuôi già dạy trẻ kia đâu có phải là những công việc làm
đổ mồ hôi sôi nước mắtcủa những người phụ nữ trong ca dao đã phải
gánh chịu bao nhiêu tầng áp bức mà còn phải đã gánh theo chồng lại gánh
theo con. (LSVHVN, T.III)

(e) Trong truyện ngắnChí phèo , Nam Cao đã vạch trần tội ác của chế độ
thực dân nửa phong kiến là thủ phạm đã biến Chí Phèo từ một anh nông
dân hiền lành, chất phác thành một tên lưu manh mất hết tính người.
(BVHS).

(f) Nguyễn Công Hoan không nên khai thác những chi tiết như mẹ ăn thịt
con (dầu có thực trong cuộc sống), bởi chưa chắc nó đã làm cho người
đọc căm ghét lũ thực dân chính là tội phạm gây ra nạn đói khủng khiếp,
mà chỉ làm cho người đọc thấy ghê sợ. (TGVXVNHÐ).

Chập định tố với chủ ngữ là kiểu lỗi tuy không phổ biến bằng chập trạng
ngữ với chủ ngữ, nhưng cũng cần được lưu ý. Bởi vì kiểu lỗi này xuất
hiện rải rác trong nhiều bài viết của học sinh. Bài viết của sinh viên đại
học cũng không hiếm kiểu lỗi sai này . Sách báo in ấn chính thức cũng
vậy.

Có ba cách sửa lỗi chập định tố với chủ ngữ, tùy vào từng hiện tượng sai
cụ thể.

Cách thứ nhất : Triệt tiêu chức năng chủ ngữ của danh từ / danh ngữ bị
chập bằng cách đặt dấu phẩy sau nó và tạo ra chủ ngữ cho động từ, tính
từ hay ngữ tương đương đứng sau bằng cách lặp từ ngữ, dùng từ đồng
nghĩa lâm thời hay dùng đại từ để thay thế. Sửa theo cách này là tách câu
sai thành nhiều cú đẳng lập.

Các câu (a), (B), © có thể sửa chữa theo cách vừa nêu :

(a) Ðó là một thành công lớn của Vũ Trọng Phụng, ông (nhà văn, tác giả)
đã dựng lên tấn hài kịch của xã hội thời bấy giờ.

(B) Tác giả đã cho chúng ta thấy nỗi khổ nhục của mẹ con người ăn mày,
họ không dám nhìn ai, mà chỉ biết cúi đầu tủi hổ cho số phận của mình.

© Bài thơ là tiếng nói chân thành của tácgiả, nhà thơ kêu gọi mọi người
phải biết đoàn kết, yêu thương, giúp đỡ lẫn nhau.

Cách thứ hai : Tiến hành tương tự cách thứ nhất. Nhưng thay vì dùng dấu
phẩy để tách câu sai thành nhiều cú, chúng ta dùng dấu kết thúc câu thích
hợp, tách câu sai thành nhiều câu liên kết.

Các câu (a), (B), ©, (d) có thể sửa chữa theo cách này :

(a) Ðó là một thành công lớn của Vũ Trọng Phụng. Ông (nhà văn, tác giả)
đã dựng lên tấn hài kịch của xã hội thời bấy giờ.

(B) Tác giả cho chúng ta thấy nổi khổ nhục của mẹ con người ăn mày. Họ
không dám nhìn ai, mà chỉ biết cúi đầu tủi hổ cho số phận của mình.

© Bài thơ là tiếng nói chân tình của tác giả. Tác giả (nhà thơ) kêu gọi mọi
người phải biết đoàn kết, yêu thương, giúp đỡ lẫn nhau.

(d) Cái công việc nuôi già dạy trẻkia đâu có phải là những công việc làm
đổ mồ hôi sôi nước mắtcủa những người phụ nữ trong ca dao?Họ đã gánh
chịu bao nhiêu tầng áp bức mà còn phảiđã gánh theo chồng lại gánh theo
con.

Cách thứ ba: Áp dụng trong trường hợp sau ngữ đoạn bị chập là động từ
là, có bổ tố đứng sau là danh ngữ. Tiến hành theo cách này, ta loại bỏ
động từ là, thay vào đó bằng dấu phẩy, dấu gạch ngang hay dấu hai chấm,
nhằm triệt tiêu chức năng chủ ngữ của ngữ đoạn bị chập và biến danh
ngữ, vốn là bổ tố của là, thành giải thích ngữ.

Câu (e) và (f) có thể sửa chữ theo cách này :

(e) Trong truyện ngắn Chí Phèo, Nam Cao đã vạch trần tội ác của chế độ
thực dân nửa phong kiến, thủ phạm đã biến Chí Phèo từ một anh nông
dân hiền lành, chất phác thành một tên lưu manh mất hết tính người.
(f) Nguyễn Công Hoan không nên khai thác những chi tiết như mẹ ăn thịt
con (dầu có thực trong cuộc sống), bởi chưa chắc nó đã làm cho người
đọc căm ghét lũ thực dân, tội phạm gây ra nạn đói khủng khiếp, mà chỉ
làm cho người đọc thấy ghê sợ.

1.1. Dùng từ không đúng âm thanh và hình thức cấu tạo


Âm thanh và hình thức cấu tạo là mặt vật chất, là cái biểu đạt của từ. Nếu cái
biểu đạt mà bị dùng sai thì hệ quả kéo theo là cái được biểu đạt sẽ không đúng
hoặc vô nghĩa.
Ví dụ: (1)Đội trẻ MU: Tương lai sáng lạng (Tít bài trên http://www.vietbao.vn)
(2) Ross Brawn tin vào tương lai sáng lạn của Mercedes GP (Tít bài trên
http://www.baomoi.com)
Cả hai tít báo trên đều dùng từ sai. Ở vào vị trí của từ “sáng lạng” (ví dụ 1) hay
“sáng lạn” (ví dụ 2) chính xác phải là từ xán lạn. Vì chỉ có từ xán lạn mới có
nghĩa còn hai từ trên đều vô nghĩa, đều không tồn tại trong từ vựng tiếng Việt.
Theo cuốn Việt Nam tự điển của Hội Khai trí Tiến Đức khởi thảo xuất bản năm
1954, ở trang 647, từ xán lạn được giải thích là sáng láng, rực rỡ; Cuốn từ điển
Tiếng Việt do Trung tâm Từ điển học và Nhà xuất bản Đà Nẵng xuất bản
(Hoàng Phê chủ biên) cũng giải thích xán lạn là rực rỡ, chói lọi/tiền đồ xán
lạn/tương lai xán lạn.(trang 1454).
Ngoài trường hợp dùng từ sai về âm như trên, còn có trường hợp dùng từ sai do
trong tiếng Việt có một từ gần âm nhưng khác nghĩa. Vì không nắm chắc điều
này mà có thể sẽ dẫn đến bị nhầm lẫn. Ví dụ: Trong bài Giữ được đạo đức, danh
dự thì làm chủ được tiến độ, chất lượng trên http://giaothongvantai.com.vn ,
23/03/2012 có đoạn:
(3) Mở đầu hội nghị, Bộ trưởng Đinh La Thăng đặt ra nhiều câu hỏi trực diện
liên quan đến vấn đề tiến độ, chất lượng công trình giao thông với các cơ quan
của Bộ GTVT, các chủ thể tham gia công tác XDCB như: Có chủ động quản lý
được tiến độ, chất lượng công trình hay không? Có hay không có thái độ bàng
quang, vô cảm đối với vấn đề chậm tiến độ, ai cũng cho đó là việc làm bình
thường? Chủ đầu tư, đại diện chủ đầu tư kiểm điểm vấn đề này, còn cấp trên của
chủ đầu tư thì sao?
Không biết người phát biểu nhầm hay anh nhà báo nhầm mà từ bàng quan (Có
nghĩa là: tự coi mình là người ngoài cuộc, coi là không dính líu đến mình, Từ
điển tiếng Việt, tr.45) đáng lẽ phải được dùng ở đây thì lại bị thay bằng từ bàng
quang (Có nghĩa là: bọng đái, Từ điển tiếng Việt, tr. 45)
Tương tự như vậy, các từ (nghe) phong thanh và (nghe) phong phanh cũng rất
hay bị dùng nhầm dẫn đến sai. Cần chú ý:
- Phong thanh: (tin tức) thoáng nghe được, chưa thật rõ ràng, chưa chắc chắn ;
- Phong phanh: (quần áo mặc) ít và mỏng, không đủ ấm;
Thêm một trường hợp mắc lỗi sai dùng từ không đúng âm thanh và hình thức
cấu tạo nữa là các từ bị viết sai chính tả (trường hợp này khá phổ biến). Ví dụ:
(4) Cần cọ sát thực tiễn khi đào tạo nghề luật sư (Phải là cọ xát chứ không phải
cọ sát)(http://www.phapluatvn.vn)
(5) Bảo hiểm và cuộc marathon dành giật thị phần (Phải là giành giật chứ không
phải dành giật)(http://cafef.vn )
(6) Cú truyền bóng điệu nghệ của Torres (Phải là chuyền bóng chứ không phải
truyền bóng)(http://video.zing.vn)
Việc viết sai chính tả còn dẫn đến việc trong câu xuất hiện các từ không có
trong tiếng Việt. Ví dụ: chỉ có bất trắc (sự việc không hay, không liệu trước
được)chứ không có bất chắc, chỉ có bạt mạng (liều lĩnh, bất chấp tất cả) chứ
không có bạc mạng, chỉ có vô hình trung (tuy không chủ ý chủ tâm nhưng tự
nhiên lại là như thế) chứ không có vô hình chung, ….

1.2. Dùng từ không đúng về ý nghĩa


Nghĩa từ vựng của từ thường được kể đến là nghĩa biểu vật (biểu thị sự vật, hiện
tượng, đặc điểm… ngoài ngôn từ), nghĩa biểu niệm (là cấu trúc các nét nghĩa
được bắt nguồn từ các thuộc tính của các sự vật trong thực tế...) và nghĩa biểu
thái (biểu thị thái độ, cảm xúc và sự đánh giá các mức độ khác nhau của sự vật,
hiện tượng, tính chất… ). Dùng từ mà không nắm được các thành phần nghĩa
này của từ thì cũng dễ dẫn đến bị sai.
Ví dụ: (7) Người lùn nhất thế giới có nguy cơ bị tước danh hiệu
(http://giadinh.vnexpress.net, )
(8) Kết quả là một chuyện, nhưng rõ ràng ĐT Việt Nam đang để lộ quá nhiều
yếu điểm không dễ khắc phục trong thời gian ngắn (http://dantri.com.vn)
Gặp mặt 26 tri thức trẻ làm phó chủ tịch các xã nghèo biên giới
(http://dantri.com.vn)
Ở ví dụ (7), từ bị dùng sai là tước. Theo từ điển tiếng Việt, tước có nghĩa là
dùng sức mạnh hay quyền lực lấy đi, không cho sử dụng (tr. 1381). Như vậy,
trong câu trên, dùng từ tước là sai vì chúng ta có thể hiểu anh này đã được công
nhận là lùn nhất thế giới nhưng ở thời điểm của bài viết, người ta tìm ra có
người còn lùn hơn và sự ghi nhận về kỉ lục người lùn nhất thế giới được nhắc
đến theo tên của người mới. Chắc chắn không có chuyện dùng sức mạnh hay
quyền lực để lấy đi, không cho sử dụng ở đây nên không thể dùng từ tước.
Ở ví dụ (8), từ yếu điểm đã bị dùng sai. Cần phải phân biệt rõ yếu điểm và điểm
yếu:
- Yếu điểm: điểm quan trọng nhất, Từ điển Tiếng Việt, tr. 1490
- Điểm yếu: có mức độ, năng lực hoặc tác dụng ít, kém so với bình thường.
Như vậy, trong câu trên phải dùng là điểm yếu chứ không thể là yếu điểm.
Ở ví dụ (9), từ tri thức dùng ở trong câu là không đúng mà ở vào vị trí của từ tri
thức phải là từ trí thức. Theo Từ điển tiếng Việt:
- Tri thức (danh từ): những điều hiểu biết có hệ thống về sự vật, hiện tượng tự
nhiên hoặc xã hội/ tri thức khoa học, kinh tế tri thức (tr. 1325).
- Trí thức (danh từ): Người chuyên làm việc lao động trí óc và có tri thức
chuyên môn cần thiết cho hoạt động nghề nghiệp của mình/ giới tri thức, một
nhà trí thức yêu nước (tr. 1326).
1.3. Dùng từ không đúng về quan hệ kết hợp ngữ nghĩa và ngữ pháp của từ
trong câu
Từ là đơn vị ngôn ngữ trực tiếp cấu tạo nên câu. Và khi thực hiện chức năng cấu
tạo câu, các ý nghĩa từ vựng và ý nghĩa ngữ pháp của từ được hiện thực hóa
trong những mối quan hệ ràng buộc với nhau. Mỗi loại từ lại có những khả năng
kết hợp khác nhau, bị chi phối bởi chính đặc điểm ý nghĩa từ vựng và ý nghĩa
ngữ pháp của từ đó. Khi dùng từ, chúng ta nhất thiết phải nắm chắc được đặc
điểm ý nghĩa của từ để kết hợp tạo câu đúng, nếu không sẽ dễ mắc lỗi. Ví dụ:
(10) Trong ba ngày (từ 28-30/9), lượng mưa kéo dài đã gây ngập úng nhiều nơi
thuộc thị xã Thuận An và TP. Thủ Dầu Một, Bình Dương.
(http://phunuonline.com.vn)
(11) Yêu trong niềm xót xa (Tên bài hát )
Ở ví dụ (10), sự kết hợp giữa lượng mưa với kéo dài là không phù hợp bởi khi
đã tính đến lượng thì phải là nhiều/lớn hay ít chứ không thể kết hợp với kéo dài
(biểu thị khoảng cách hoặc thời gian). Sự chênh nhau này dẫn đến sai logic
trong việc kết hợp các từ/cụm từ trong câu.
Ở ví dụ (11), sự kết hợp giữa niềm với tính từ xót xa là không phù hợp. Tiếng
Việt có một “cơ chế” tạo danh từ bằng cách sử dụng từ nỗi hoặc từ niềm kết hợp
với một tính từ để tạo thành một danh từ. Nhưng nếu niềm thường được kết hợp
với các tính từ có sắc thái tích cực (niềm + vui/ niềm + hạnh phúc …) thì nỗi có
xu hướng kết hợp với các tính từ có sắc thái không tích cực (nỗi + buồn/ nỗi +
bất hạnh/ nỗi + đau xót…). Từ đó, có thể khẳng định, việc kết hợp niềm + xót
xa là một kết hợp không phù hợp.
Như trên, chúng tôi đã khảo sát và chỉ ra ba lỗi sai thường gặp khi dùng từ đặt
câu. Nguyên nhân cơ bản nhất của việc sử dụng từ sai có lẽ xuất phát từ chính
việc hiểu biết về tiếng Việt của người sử dụng từ còn hạn chế. Cộng với đó, thói
quen sử dụng tiếng Việt một cách dễ dãi, thiếu cân nhắc có lẽ cũng là một
nguyên nhân của vấn đề.
Chúng ta cũng có thể thấy trong bài viết này, hầu hết các ngữ liệu là trong các
bài báo. Có nghĩa là hiện tượng mắc lỗi trong dùng từ trong các văn bản báo chí
khá phổ biến. Điều này gợi trong chúng ta nhiều băn khoăn về ý thức giữ gìn và
phát huy sự trong sáng của tiếng Việt của nhiều người, đặc biệt là những người
thường xuyên sử dụng tiếng Việt như một phương tiện hành nghề thiết yếu (!).

You might also like