You are on page 1of 18

I.

Tìm hiểu những vấn đề chung về câu tiếng Việt

Trong hệ thống các đơn vị ngôn ngữ, câu là đơn vị trung tâm, đơn vị bản lề. Do
vậy, những vấn đề về câu luôn được coi là cốt lõi của ngôn ngữ học. Rèn kĩ năng viết câu,
chữa các lỗi sai về câu là hướng làm việc tích cực, giúp chúng ta nói đúng, viết đúng, trên
cơ sở đó tiến tới nói hay, viết hay.

3.1.1. KHÁI NIỆM CÂU

Một định nghĩa đầy đủ về câu cần nêu được 4 ý cơ bản sau đây:

(a) Vềcấu tạo: Câu gồm hai thành phần chính: chủ ngữ - chỉ đối tượng và vị ngữ -
biểu hiện nội dung nói về đối tượng ấy.

(b) Vềnội dung: Câu thể hiện được một ý tương đối trọn vẹn, đồng thời thể hiện
được thái độ, tình cảm của người nói / người viết.

(c) Vềchức năng: Câu có chức năng thông báo. Các đơn vị bậc dưới câu (âm vị,
hình vị, từ, cụm từ) không có chức năng này.

(d) Vềhình thức: Trên chữ viết, câu được bắt đầu bằng một chữ cái viết hoa và kết
thúc bằng một dấu ngắt câu. Ở dạng nói, câu có một ngữ điệu kết thúc - một quãng nghỉ
dài.

3.1.2. QUAN NIỆM VỀ CÂU ĐÚNG

Một câu văn đúng phải đảm bảo các yêu cầu sau đây:

(1) Phải có cấu trúc ngữ pháp hoàn chỉnh

Xét vềcấu tạo, một câu đúng phải có đầy đủ hai thành phần chính chủ ngữ và vị
ngữ. Nếu thiếu đi một trong hai thành phần này, trong những điều kiện bình thường, câu
sẽ bị coi là câu sai ngữ pháp. Ví dụ:

+ Hôm nay, trời nắng. (Câu đúng)

+ Trời hôm nay. (Câu sai do thiếu thành phần vị ngữ)

(2) Phải tuân thủ quy tắc về trật tự sắp xếp các từ
Thứ tự sắp xếp các từ, các cụm từ, các thành phần câu phải theo đúng ngữ pháp
tiếng Việt và lối tư duy của người Việt. Ví dụ:

+ Đó là một cô gái đẹp (Câu đúng)

+ Đó là một đẹp cô gái. (Câu sai)

(3) Phải phù hợp với thực tế khách quan, đúng lôgíc ngữ nghĩa

Câu bao giờ cũng có nghĩa. Nghĩa của câu trước hết phải phù hợp với thực tế
khách quan. Từng bộ phận trong câu cũng phải phù hợp về nghĩa với nhau. Ví dụ:

+ Mặt trời đang mọc ở đằng tây. (Câu sai do không phù hợp về nghĩa với thực tế
khách quan)

+ Mặt trời mọc ở đằng đông. (Câu đúng)

+ Anh ấy là người đứng đắn nên tôi nghi ngờ anh ấy. (Câu sai do hai vế câu không
phù hợp nghĩa với nhau)

+ Anh ấy là người đứng đắn nên tôi tin anh ấy. (Câu đúng)

(4) Phải phù hợp với tình huống sử dụng

Mỗi câu đều được sản sinh ra trong một hoàn cảnh giao tiếp nhất định. Trên
phương diện dụng học, câu có mối quan hệ chặt chẽ với người nói, người nghe, tình
huống giao tiếp,… Do vậy, câu sau đây sẽ bị xem là không phù hợp với tình huống sử
dụng, mặc dù, về mặt cấu tạo, nó là câu rút gọn chứ không phải câu sai ngữ pháp.

+ (Mẹ hỏi con) Con ăn cơm chưa?

+ (Con trả lời) Rồi. (-)

(5) Phải có mối quan hệ lôgíc với câu đi trước và câu đi sau trong văn bản

Trong thực tế giao tiếp, con người không chỉ sử dụng một câu hay những câu rời
rạc, lẻ tẻ. Do vậy, khi nói một câu, cần phải chú ý xem nó có phù hợp về lôgíc với những
câu xung quanh hay không. Câu thứ ba trong ví dụ dưới đây sẽ bị coi là sai do mắc lỗi
này:

+ Mẹ tôi là giáo viên. Bố tôi là bác sĩ. Còn em tôi đang chơi bi.
(6) Phải được đánh dấu câu phù hợp

Dấu câu phải làm cho các quan hệ ngữ pháp trong câu trở nên rõ ràng, Dấu câu
phải phù hợp với mục đích phát ngôn của câu. Ví dụ:

+ Anh không biết bây giờ là mấy giờ? Trời đã tối. (Câu đi trước dùng sai dấu câu,
vì nó là câu trần thuật, dấu kết thúc câu phải là dấu chấm).

3.1.3. CÁC QUAN HỆ NGỮ PHÁP TRONG CÂU

Sự kết hợp giữa từ với từ trong câu tiếng Việt bao giờ cũng phải dựa trên ba kiểu
quan hệ ngữ pháp: quan hệ đẳng lập, quan hệ chính phụ và quan hệ chủ vị. (Xem bảng
tổng hợp dưới đây) [Trần Kim Phượng 2012 – Các phương pháp phân tích câu – trên ngữ
liệu tiếng Việt, tr34-35]

CÁC QUAN HỆ NGỮ PHÁP TRONG CÂU


QUAN HỆ QUAN HỆ QUAN HỆ
ĐẲNG LẬP CHÍNH PHỤ CHỦ VỊ
Khái niệm Là quan hệ giữa hai (hoặc Là quan hệ giữa các Là quan hệ giữa hai
hơn hai) thành tố có vai thành tố trong đó một thành tố trong đó một
trò ngang nhau trong tổ thành tố đóng vai trò thành tố nêu đối
hợp. chính, các thành tố kia tượng (chủ ngữ) và
đóng vai trò phụ, lệ một thành tố nêu nội
thuộc vào thành tố dung nói về đối
chính. tượng ấy (vị ngữ)
Đặc điểm 1) Về từ loại: Các thành 1) Các thành tố có thể 1) Thành tố chủ ngữ
tố thuộc cùng một từ loại khác từ loại. Thành tố thường là danh từ và
hoặc những từ loại gần chính thuộc về 3 từ loại đại từ nhân xưng, vị
nhau. cơ bản (danh từ, động ngữ thường là động
từ, tính từ). từ / tính từ.
2) Về vai trò: các thành 2) Thành tố chính có 2) Cả chủ ngữ và vị
tố có cương vị ngữ pháp vai trò quan trọng trong ngữ đều có tầm quan
ngang nhau và cùng thực tổ hợp. Chỉ nó mới đại trọng ngang nhau,
hiện một chức năng NP diện cho toàn bộ tổ hợp không thể thiếu trong
trong câu. quan hệ với bên ngoài. câu.
3) Trật tự sắp xếp các 3) Trật tự sắp xếp các 3) Trật tự phổ biến là
thành tố trong tổ hợp dễ thành tố trong cụm từ chủ ngữ đứng trước,
thay đổi. chính phụ tương đối vị ngữ đứng sau.
chặt, còn trong các vế
của câu ghép hoặc giữa
thành phần chính và
phành phần phụ thì có
thể thay đổi.
Các 1) Trong cụm từ đẳng 1) Trong cụm từ chính 1) Trong nòng cốt
trường lập: mặt đất và bầu trời phụ: cụm DT, cụm ĐT. của câu đơn bình
hợp 2) Giữa các cụm từ đồng cụm TT: đangxâynhà - thường: Chimhót.
xuất chức: Tre giữ làng, giữ “xây” là thành tố chính. 2) Trong các vế của
hiện nước, giữ mái nhà tranh, 2) Trong thành phần câu ghép: Mùa
giữ đồng lúa chín. phụ và nòng cốt câu: xuânđến, hoađua nở.
3) Trong các vế của câu Trên cành, chim hót. 3) Trong cụm chủ vị
ghép đẳng lập: Mây tan, 3) Trong các vế của câu làm thành phần câu
mưa tạnh. ghép chính phụ: Nếu của câu phức: Tôi
anh đàn thì tôi hát. thấy nókhóc.

3.1.4. CÁC THÀNH PHẦN CÂU

Muốn viết một câu đúng về cấu tạo ngữ pháp, người viết phải nắm được hệ thống
các thành phần câu. Trong một câu tiếng Việt có thể có 4 kiểu thành phần:

(1) Thành phần chính của câu: những từ tham gia nòng cốt câu. Đó là chủ ngữ và
vị ngữ.

- Chủ ngữ: Là thành phần chính của câu, có quan hệ qua lại với vị ngữ, nêu đối
tượng mà nội dung nói về đối tượng ấy sẽ được biểu hiện trong vị ngữ.

Vd. Nắng chiếu lung linh bên hoa vàng.


- Vị ngữ: Là thành phần chính của câu, nêu nội dung về đối tượng được nói đến
trong chủ ngữ.

Vd.Mầm non mùa xuân// đang hé nở.

(2) Thành phần phụ của câu: những từ phụ thuộc vào toàn bộ nòng cốt câu, bổ sung ý
nghĩa tình huống cho câu, nằm trong cấu trúc cú pháp cơ bản của câu. Bao gồm: trạng ngữ, vị
ngữ phụ, đề ngữ.

- Trạng ngữ: Bổ sung ý nghĩa hoàn cảnh cho sự kiện ở nòng cốt câu; có vị trí tương
đối tự do ở trong câu.

Vd1: Lúc 12 giờ 45, ngày 01 tháng 04 năm 2001, Trịnh Công Sơn đã ra đi.

Vd2. Trong đôi mắt em, anh là tất cả.

- Vị ngữ phụ (tiền vị ngữ): Là thành phần tương ứng với vị ngữ được đẩy lên trước
chủ ngữ, bổ sung ý nghĩa trạng thái cho sự kiện ở nòng cốt câu. Nó có thể cùng với chủ ngữ
làm thành một câu trọn vẹn trong trường hợp vắng vị ngữ chính.

Vd1: Lấy hắn, chị có hai đứa con.

Vd2: Nói xong, mẹ bước ra ngoài và khép cửa phòng lại.

- Đề ngữ (khởi ngữ): Là thành phần biểu thị chủ đề câu nói, có quan hệ chính phụ với
nòng cốt câu và có vị trí đặc thù là đứng ở đầu câu.

Vd1.Thổn thức, ta nhìn nhau.

Vd2. Tấm áo ấy, bấy lâu nay, con thường vẫn mặc.

(3) Thành phần phụ của từ: Những từ chỉ có quan hệ với một từ nào đó trong câu.
Bao gồm: định ngữ, bổ ngữ.

- Bổ ngữ là thành phần bổ sung ý nghĩa cho động từ hoặc tính từ.

Vd1. Nó ngủ li bì.

Vd2. Anh cứ hỏi cái cô tóc vàng kia.

- Định ngữ bổ sung ý nghĩa cho danh từ.

Vd1. Khuôn mặt của cô ấy // xịu xuống.


Vd2. Đó là một người đàn ông thấp, béo và đen.

(4) Thành phần biệt lập: là thành phần phụ không nằm trong cấu trúc ngữ pháp cơ
bản của câu. Bao gồm: tình thái ngữ, phụ chú ngữ, liên ngữ, hô ngữ.

- Tình thái ngữ: là thành phần bổ sung ý nghĩa về tình thái cho câu. Nó không
tham gia vào kết cấu phân đoạn thực tại câu và có một vị trí tương đối tự do trong câu. Nó
được dùng để nêu các ý nghĩa về thái độ, tình cảm, quan hệ có liên quan đến người nói,
người nghe và nội dung của câu.

Vd1: Có lẽ nó nói đúng.

Vd2. Té ra, tôi và anh có họ kia đấy.

- Phụ chú ngữ (thành phần giải thích): Là thành phần không nằm trong cấu trúc cú
pháp của câu, có chức năng làm sáng tỏ một phương diện nào đó có liên quan đến nội
dung của câu.

Vd1: Ông Nam, phó của cha tôi, nay đã lên tướng.

Vd2. Đó là thuyền của công chúa Tiên Dung, con gái vua Hùng, đang du ngoạn.

- Liên ngữ: Là thành phần nằm ngoài nòng cốt câu, thực hiện chức năng chuyển
tiếp từ câu nọ sang câu kia, do đó liên kết các câu lại với nhau.

Vd1. Tôi đã nói với nó nhiều lần.Nhưngnó không nghe.

Vd2. Nói tóm lại, chúng ta cần nhớ hai vấn đề.

- Hô ngữ: Là thành phần biểu thị lời gọi, lời đáp, làm dấu hiệu cho người nghe chú
ý đến hoạt động giao tiếp.

Vd1. Em ơi, hãy lắng nghe, nghe thành phố thở.

Vd2. Người yêu ơi, cỏ mềm đã héo khô.

Không phải lúc nào trong một câu tiếng Việt cũng có đầy đủ các thành phần như
trên.Việc nắm được khái niệm và dấu hiệu nhận diện các thành phần câu sẽ là điều kiện
quan trọng cho việc viết câu đúng ngữ pháp tiếng Việt.

3.2.CÁC LOẠI LỖI VỀ CÂU


Các loại lỗi phổ biến về câu bao gồm 6 loại:

(1) Thiếu thành phần nòng cốt câu

(2) Thiếu một vế của câu ghép

(3) Thiết lập sai quan hệ ngữ pháp giữa các bộ phận trong câu

(4) Lỗi về nghĩa

(5) Lỗi về trật tự sắp xếp các từ.

3.2.1. LỖI THIẾU THÀNH PHẦN NÒNG CỐT

Loại lỗi này thường có ba dạng: thiếu chủ ngữ, thiếu vị ngữ hoặc thiếu cả chủ ngữ
và vị ngữ.

a. Lỗi thiếu chủ ngữ

Xét ví dụ sau:

+ Với bút pháp tài tình của Nguyễn Minh Châu đã xây dựng thành công nhân vật
Nguyệt.

+ Như chúng ta đã biết, cùng với sự từ chức của Tổng thống Enxin đã mở ra một
thời kỳ mới cho nước Nga.

*Phân tích lỗi: Cả hai câu trên đều chỉ có thành phần trạng ngữ và vị ngữ, thiếu
thành phần chủ ngữ.

Nguyên nhân mắc lỗi này là do người viết nhầm trạng ngữ là chủ ngữ. Thực ra, các
thành phần đứng đầu câu, bắt đầu bằng các quan hệ từ (với, qua, vì, do, bởi, tại, trên,
dưới, trong, ngoài…), biểu thị ý nghĩa thời gian, địa điểm, cách thức, phương tiện, mục
đích,… là thành phần trạng ngữ chứ không phải chủ ngữ.

*Cách sửa lỗi: Về nguyên tắc, loại lỗi này có hai cách sửa: (1) thêm chủ ngữ; (2)
bỏ quan hệ từ đầu câu, biến trạng ngữ thành chủ ngữ. Cách sửa thứ hai đơn giản hơn.

Cụ thể, hai câu trên được sửa như sau:

+ Với bút pháp tài tình của mình, Nguyễn Minh Châu đã xây dựng thành
công nhân vật Nguyệt.
+ Như chúng ta đã biết, sự từ chức của Tổng thống Enxin đã mở ra một
thời kỳ mới cho nước Nga.

b. Lỗi thiếu vị ngữ

Xét hai ví dụ sau:

+ Mùa thu, mùa của thi ca nhạc hoạ, mùa của tình yêu lứa đôi.

+ Trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ cứu nước gian khổ, biết bao tác
phẩm văn chương ca ngợi những tấm gương chiến đấu anh dũng của
chiến sĩ và nhân dân ta.

*Phân tích lỗi: Cả hai câu trên đều thiếu vị ngữ. Câu 1 chỉ có thành phần chủ ngữ
(mùa thu) và thành phần phụ chú ngữ (mùa của thi ca nhạc hoạ, mùa của tình yêu lứa
đôi). Câu 2 chỉ có trạng ngữ (trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ cứu nước gian khổ) và
thành phần chủ ngữ (biết bao tác phẩm văn chương ca ngợi những tấm gương chiến đấu
anh dũng của chiến sĩ và nhân dân ta).

Nguyên nhân mắc lỗi này ở câu 1 là do người viết ham phát triển ý, nhầm thành
phần phụ chú ngữ là vị ngữ. Thực ra, chủ ngữ không bao giờ ngăn cách với vị ngữ bằng
dấu phảy, trừ trường hợp giữa chủ ngữ và vị ngữ có chen thành phần phụ của câu hoặc
thành phần biệt lập vào. Còn ở câu 2, cũng do viết trạng ngữ và chủ ngữ quá dài, người
viết đã nhầm tưởng rằng ý của câu đã trọn vẹn.

*Cách sửa: Về nguyên tắc, loại lỗi này có hai cách sửa: (1) thêm vị ngữ; (2) biến
đổi những thành phần đang có trong câu thành vị ngữ.

Cụ thể, hai câu trên được sửa như sau:

+ Mùa thu là mùa của thi ca nhạc hoạ, mùa của tình yêu lứa đôi.

+ Trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ cứu nước gian khổ, biết bao tác phẩm văn
chương ca ngợi những tấm gương chiến đấu anh dũng của chiến sĩ và nhân dân ta đã ra
đời.

c. Lỗi thiếu cả chủ ngữ và vị ngữ

Xét ví dụ 1:
+ Tnú là một người con ưu tú của dân làng. Ngay từ khi còn nhỏ, khi lũ giặc đến
cướp làng, ngăn không cho dân làng đi tiếp tế cho cộng sản. Tnú đã cùng Mai đi tiếp tế
cho cộng sản ở trong rừng.

*Phân tích lỗi: Câu thứ hai trong ví dụ này sai do thiếu cả chủ ngữ và vị ngữ. Toàn
bộ thành phần đang có mặt chỉ là hai trạng ngữ của câu. Hai trạng ngữ này khá dài và
trong trạng ngữ 2 lại chứa một cụm chủ vị (lũ giặc đến cướp làng…) nên người viết có
cảm giác là câu đã hoàn chỉnh và đặt dấu chấm câu. Loại lỗi thiếu thành phần nòng cốt
cũng thường diễn ra ở những câu có trạng ngữ quá dài, người viết ham phát triển ý phụ
trong trạng ngữ mà quên mất ý chính trong nòng cốt câu.

*Cách sửa: Về nguyên tắc, nếu thiếu cả chủ ngữ và vị ngữ thì cần thêm các thành
phần này vào. Tuy nhiên, việc thêm vào như vậy đảm bảo cho câu đúng về mặt ngữ pháp
nhưng có thể sai về nghĩa. Do vậy, ta nên biến đổi những thành phần đã có trong câu hoặc
những câu xung quanh thành chủ ngữ và vị ngữ.

Với ví dụ trên, cần phải thay dấu chấm kết thúc câu thứ hai bằng dấu phẩy. Như
vậy, toàn bộ câu thứ 3 (cũ) sẽ trở thành nòng cốt (C-V) của câu 2. Cụ thể như sau:

+ Tnú là một người con ưu tú của dân làng. Ngay từ khi còn nhỏ, khi lũ giặc đến
cướp làng, ngăn không cho dân làng đi tiếp tế cho cộng sản, Tnú đã cùng Mai đi tiếp tế
cho cộng sản ở trong rừng.

Một trường hợp khác:

+ Trước câu hỏi, tại sao Khá “Bảnh” có nhiều tiền án tiền sự, ngông nghênh trong
thời gian dài nhưng đến giờ mới bị xử lí? Đại tá Long nêu rõ, đối tượng này đã nằm
trong chuyên án của cơ quan công an.

*Phân tích lỗi: Câu 1 là câu sai do mới chỉ có trạng ngữ, thiếu cả chủ ngữ và vị
ngữ. Câu này còn mắc lỗi về sử dụng sai dấu câu (dùng sai dấu hỏi chấm).

*Cách sửa lỗi: Nối 2 câu vào nhau, để câu 2 trở thành cụm C-V nòng cốt của câu
1. Cụ thể như sau:
Trước câu hỏi “Tại sao Khá “Bảnh” có nhiều tiền án tiền sự, ngông nghênh trong
thời gian dài nhưng đến giờ mới bị xử lí?”,đại tá Long nêu rõ đối tượng này đã nằm
trong chuyên án của cơ quan công an.

Hoặc:Trước câu hỏi tại sao Khá “Bảnh” có nhiều tiền án tiền sự, ngông nghênh
trong thời gian dài nhưng đến giờ mới bị xử lí,đại tá Long nêu rõ đối tượng này đã nằm
trong chuyên án của cơ quan công an.

3.1.2. LỖI THIẾU MỘT VẾ CỦA CÂU GHÉP

Đối với câu ghép chính phụ, quan hệ giữa hai vế luôn rất chặt chẽ, khó có thể tách
thành câu đơn. Nếu chúng ta viết câu mà chỉ có một vế thì đó sẽ là câu sai.

Vd: Chị Thảo tâm sự là con chị dậy thì từ năm lớp 6. Mặc dù đã rất chú ý trong
việc dạy con về sức khỏe giới tính cũng như xử lí các mối quan hệ tuổi học trò. Tuy nhiên,
khi nghe cô giáo thông báo con chị đang yêu (từ cuối lớp 7) thì chị đã có phần hoảng hốt.

Câu thứ 2 trong ví dụ trên là câu sai do thiếu một vế của câu ghép: Mặc dù A tuy
nhiên B. Bản thân nó mới chỉ là một vế của câu ghép, chưa thể diễn tả trọn vẹn một lập
luận.

Cách sửa: Phải khôi phục hoàn chỉnh các vế trong câu ghép theo những mô hình
nhất định, ví dụ: Mặc dù A nhưng B; Tuy A mà B; Vì A nên B,…

Cụ thể, trong trường hợp trên, ta xóa dấu chấm ngăn cách giữa câu 2 và câu 3, thay
bằng dấu phẩy. Cụ thể như sau:

+ Chị Thảo tâm sự là con chị dậy thì từ năm lớp 6. Mặc dù đã rất chú ý trong việc
dạy con về sức khỏe giới tính cũng như xử lí các mối quan hệ tuổi học trò nhưng khi nghe
cô giáo thông báo con chị đang yêu (từ cuối lớp 7) thì chị đã có phầnhoảng hốt.

Một ví dụ khác:

+ Nội dung phim được đánh giá là ổn. Tuy có nhiều tập phim bị phản ứng về cách
xây dựng tâm lí nhân vật không kiên định, lập lờ, tiền hậu bất nhất trong tình yêu. Nhưng
những tập gần đây, tâm lí nhân vật ngày càng rõ ràng và có nhiều chuyển biến về mặt nội
dung.
*Phân tích lỗi: Câu 2 là câu sai do thiếu một vế của câu ghép (theo mô hình Tuy A
nhưng B): mới chỉ có vế Tuy A, thiếu vế nhưng B.

*Cách sửa lỗi: Bổ sung vế thứ 2 để hoàn thiện câu ghép bằng cách thay dấu chấm
cuối câu 2 bằng dấu phẩy. Cụ thể như sau:

+ Nội dung phim được đánh giá là ổn. Tuy có nhiều tập phim bị phản ứng về cách
xây dựng tâm lí nhân vật không kiên định, lập lờ, tiền hậu bất nhất trong tình yêu, nhưng
trong những tập gần đây, tâm lí nhân vật ngày càng rõ ràng và có nhiều chuyển biến về
mặt nội dung.

31.3. LỖI VỀ CÁC QUAN HỆ NGỮ PHÁP

Loại lỗi thiết lập sai quan hệ ngữ pháp giữa các bộ phận trong câu nghĩa là thiết lập
quan hệ ngữ pháp nhất định giữa những bộ phận không có kiểu quan hệ ấy. Lỗi này dẫn
đến hệ quả là câu lủng củng, tối nghĩa.

Có ba quan hệ ngữ pháp: quan hệ đẳng lập, quan hệ chính phụ và quan hệ chủ vị.
Theo Nguyễn Minh Thuyết, mỗi quan hệ ngữ pháp đều có những quy tắc nhất định.

- Quan hệ đẳng lập: Các thành tố có quan hệ bình đẳng với nhau thường phải
thuộc cùng một từ loại và có cùng mối quan hệ với các thành tố nằm ngoài tổ hợp do
chúng tạo nên.

- Quan hệ chính phụ: Chỉ có thành tố chính mới đại diện cho toàn bộ tổ hợp quan
hệ với bên ngoài.

- Quan hệ chủ vị: (1) Chủ ngữ và vị ngữ là những thành tố có tính độc lập cao, một
thành tố đã phụ thuộc vào thành tố khác thì không thể có quan hệ chủ vị với thành tố thứ
ba được. (2) Một chủ ngữ không thể có hơn một vị ngữ trừ trường hợp chủ ngữ hoặc vị
ngữ là những tổ hợp từ đẳng lập.

Xét hai ví dụ sau:

+ Nếu tài liệu này được công bố thì công ty khó có thể tránh được đổ bể và tồn tại.

+ Các chuyên gia Trung Quốc nói về tác hại và phương pháp điều trị bệnh viêm
mũi.
Ở ví dụ 1 có quan hệ đẳng lập giữa đổ bể và tồn tại. Câu này được hiểu là: “Nếu
tài liệu này được công bố thì công ty khó có thể tránh được đổ bể và khó có thể tránh
được tồn tại”. “Khó tránh được tồn tại” là kết hợp không ổn về nghĩa.

Ở ví dụ 2 có quan hệ đẳng lập giữa tác hại và phương pháp điều trị. Câu này được
hiểu là: “Các chuyên gia Trung Quốc nói về tác hại bệnh viêm mũi và phương pháp điều
trị bệnh viêm mũi”. “Tác hại bệnh viêm mũi” là một kết hợp không ổn về ngữ pháp.

Cả hai lỗi trên đều do người viết thiết lập sai quan hệ ngữ pháp đẳng lập (hai thành
tố trong quan hệ đẳng lập không có cùng mối quan hệ với thành tố nằm ngoài tổ hợp của
chúng).

Cần sửa như sau:

+ Nếu tài liệu này được công bố thì công ty khó có thể tránh được đổ bể và khó
lòng tồn tại.

+ Các chuyên gia Trung Quốc nói về tác hại của bệnh viêm mũi và phương pháp
điều trị nó.

Một ví dụ khác:

+ Chơi thiếu người nhưng câu lạc bộ bóng đá Quảng Nam lại bất ngờ có thêm cơ
hội cực tốt để mở tỉ số, đến từ sai lầm của hàng thủ đội Nam Định.

*Phân tích lỗi: Xét về cấu tạo ngữ pháp, đây là một câu ghép, cụ thể như sau:

- Vế 1: Chơi thiếu người (là thành phần vị ngữ, có chung chủ ngữ với vế thứ 2)

- Vế 2: (nhưng) câu lạc bộ bóng đá Quảng Nam lại bất ngờ có thêm cơ hội cực tốt
để mở tỉ số, đến từ sai lầm của hàng thủ đội Nam Định. Trong đó:

- câu lạc bộ bóng đá Quảng Nam: CN

- lại bất ngờ có thêm cơ hội cực tốt để mở tỉ số: VN1

- đến từ sai lầm của hàng thủ đội Nam Định: VN2

Vị ngữ thứ 2 không tương đương về nghĩa với chủ ngữ.Thực ra, vị ngữ này cần
chủ ngữ là cơ hội cực tốt.Tuy nhiên, cơ hội cực tốt lại là bổ ngữ của động từ có, do vậy,
nó bị phụ thuộc vào động từ này. Như vậy, chỗ này vi phạm quy tắc: Chủ ngữ và vị ngữ
là những thành tố có tính độc lập cao, một thành tố đã phụ thuộc vào thành tố khác thì
không thể có quan hệ chủ vị với thành tố thứ ba được.

Sửa: Chơi thiếu người nhưng câu lạc bộ bóng đá Quảng Nam lại bất ngờ có thêm
cơ hội cực tốt để mở tỉ số, cơ hội này đến từ sai lầm của hàng thủ đội Nam Định.

Một ví dụ khác:

+ Đối với phụ huynh học sinh M.T.T.T, UBND thành phố Hải Phòng chia sẻ với
điều kiện khó khăn của gia đình nên không có điều kiện cho con học bán trú và phải đến
trường sớm theo thời gian làm việc của mẹ.

*Phân tích lỗi:

Về mặt cấu tạo ngữ pháp, câu trên được phân tích như sau:

 Đối với phụ huynh học sinh M.T.T.T: trạng ngữ


 UBND thành phố Hải Phòng: chủ ngữ
 chia sẻ với điều kiện khó khăn của gia đình nên không có điều kiện ... của
mẹ: vị ngữ

Trong câu này có quan hệ từ “nên”, do vậy, có thể xác lập một quan hệ chính phụ
giữa hai vế của một câu ghép, theo mô hình Vì A nên B. Tuy nhiên, vế “nên B” đó thiếu
chủ ngữ. Giả định rằng chủ ngữ của vế câu thứ 2 là “gia đình” và ta được vế thứ 2 của câu
ghép là “(nên) gia đình không có điều kiện cho con học bán trú”, ta thấy:

- “Gia đình” chỉ là thành tố phụ (định ngữ) của cụm danh từ “điều kiện khó khăn”,
có nghĩa là nó đã có quan hệ chính phụ với “điều kiện khó khăn”. Vậy nó không thể là
chủ ngữ của vế 2 được (vì vi phạm nguyên tắc: Một thành tố đã phụ thuộc vào thành tố
khác thì không thể có quan hệ chủ vị với thành tố thứ ba được).

- Xét trên phương diện nghĩa, lập luận giữa hai vế không ổn: UBND thành phố Hải
Phòng chia sẻ với điều kiện khó khăn của gia đình nên gia đình không có điều kiện cho
con học bán trú... Phải hiểu là Vì gia đình khó khăn nên không có điều kiện cho con học
bán trú.
- Trong câu có chứa quan hệ đẳng lập thông qua từ “và”: không có điều kiện cho
con học bán trú và phải đến trường sớm theo thời gian làm việc của mẹ. Nguyên tắc của
quan hệ này là: Các thành tố trong quan hệ đẳng lập phải có cùng mối quan hệ với thành
tố nằm ngoài tổ hợp do chúng tạo nên. Như vậy có nghĩa là không có điều kiện cho con
học bán trú và phải đến trường sớm theo thời gian làm việc của mẹphải chung một chủ
thể. Nhưng xét trên phương diện nghĩa thì ta cần hiểu ý này như sau: gia đìnhkhông có
điều kiện cho con học bán trú và conphải đến trường sớm theo thời gian làm việc của mẹ;
tức là hai chủ thể không trùng nhau.

Cách sửa: Làm rõ quan hệ giữa các thành tố trong câu về cả nghĩa và ngữ pháp. Cụ
thể như sau:

+ Đối với phụ huynh học sinh M.T.T.T, UBND thành phố Hải Phòng chia sẻ với
điều kiện khó khăn của gia đình: Gia đình không có điều kiện cho con học bán trú và con
phải đến trường sớm theo thời gian làm việc của mẹ.

3.1.4. LỖI VỀ NGHĨA

Trong phạm vi của một câu, sự tương hợp ngữ nghĩa luôn thể hiện trên nhiều mối
quan hệ: giữa chủ ngữ và vị ngữ, giữa thành phần phụ với nòng cốt câu, giữa các vế của
câu, giữa các từ ngữ trong cùng một thành phần câu. Dưới đây là những loại lỗi phổ biến.

3.1.4.1.Câu có chủ ngữ và vị ngữ không tương hợp

Xét hai ví dụ sau:

+ Phong trào phụ nữ Đông Anh luôn luôn là đơn vị tiên tiến của Hội phụ nữ thành
phố.

+ Rừng xà nu là một loại cây họ thông, thân to dáng thẳng.

Đây là kiểu câu được xây dựng theo mô hình C là V. Loại câu này thể hiện quan hệ
đồng nhất giữa chủ ngữ và vị ngữ, thông qua từ là.

Cả hai câu trên đều là những câu sai do chủ ngữ và vị ngữ không tương hợp nhau
về nghĩa. Phong trào (trong chủ ngữ) không thể là đơn vị (trong vị ngữ) được; và rừng
cũng không thể là một loại cây được.
Ta có thể sửa như sau:

+ Phụ nữ Đông Anh luôn luôn là đơn vị tiên tiến của Hội phụ nữ thành phố.

+ Xà nu là một loại cây họ thông, thân to dáng thẳng.

Một ví dụ khác:

+ Trước tiên phải khẳng định rằng, về mặt chỉ tiêu ban đầu, thành tích của U23
Việt Nam tại Sea Games 23 đã hoàn thành nhiệm vụ.

Rõ ràng là chủ ngữ thành tích của U23 Việt Namkhông phù hợp vị ngữ đã hoàn
thành nhiệm vụ. Vị ngữ đã hoàn thành nhiệm vụđòi hỏi chủ ngữ là người chứ không phải
chủ ngữ là một khái niệm trừu tượng.

Có thể sửa như sau: Trước tiên,phải khẳng định rằng, về mặt chỉ tiêu ban đầu,đội
tuyển U23 Việt Nam tại Sea Games 23 đã hoàn thành nhiệm vụ.

Có thể gặp lỗi sai này ở cụm chủ vị đóng vai trò là một thành phần câu trong kiểu
câu phức. Vd:

+ Những ngày vất vả không làm cho những buổi đến trường của các em nản chí.

*Phân tích lỗi: Những buổi đến trường của các em / nản chí chính là một cụm chủ
vị đóng vai trò bổ ngữ (bổ sung ý nghĩa cho động từ “làm cho”). Tuy nhiên, chủ ngữ và vị
ngữ trong cụm chủ vị này không có sự tương hợp về nghĩa: những buổi đến trường không
thể là chủ ngữ của nản chí.

*Cần sửa như sau:

+ Những ngày vất vả đến trường không làm cho các em nản chí.

3.1.4.2. Câu có thành phần phụ và nòng cốt câu không tương hợp

Trước hết là kiểu câu có thành phần vị ngữ phụ không tương hợp với nòng cốt câu.
Về nguyên tắc, vị ngữ phụ và vị ngữ chính của câu sẽ có chung một chủ ngữ. Do vậy, câu
sau đây sẽ bị coi là câu sai:

+ Buông một tiếng thở dài, tôi thấy chị ấy lẳng lặng quay về.
Theo đúng cấu trúc câu, chủ ngữ của hành động buông một tiếng thở dài chính là
tôi. Tuy nhiên, đặt câu này trong toàn bộ ngữ cảnh của nó, ta biết người buông một tiếng
thở dài lại là chị ấy. Vậy câu này sai về nghĩa.

Ta sửa như sau:

+ Buông một tiếng thở dài, chị ấy lẳng lặng quay về. Hay:

+ Tôi thấy chị ấy buông một tiếng thở dài, rồi lẳng lặng quay về.

Một ví dụ khác:

+ Cảm động trước cử chỉ nghĩa hiệp của một người chồng, người cha hết sức có
trách nhiệm với gia đình, ông được tòa xử cho nuôi cả hai đứa con. (Dẫn theo Nguyễn
Minh Thuyết)

Câu này sai về nghĩa.

*Phân tích lỗi: Thành phần vị ngữ phụ của câu và nòng cốt câu không tương hợp
với nhau về nghĩa. Nếu diễn đạt như thế này, theo đúng cấu trúc của câu, người cảm động
trước cử chỉ nghĩa hiệp của một người chồng, người cha hết sức có trách nhiệm với gia
đình là “ông” – chủ ngữ. Thực tế, chủ thể của cảm động trước cử chỉ nghĩa hiệp… là
“tòa”.

*Cách sửa: Thay đổi chủ ngữ trong câu cho thống nhất với chủ ngữ (ngầm ẩn)
trong thành phần vị ngữ phụ. Cụ thể như sau:

+ Cảm động trước cử chỉ nghĩa hiệp của một người chồng, người cha hết sức có
trách nhiệm với gia đình, tòa xử cho ông được nuôi cả hai đứa con.

Thứ hai là kiểu câu có trạng ngữ không tương hợp với nòng cốt câu. Ví dụ:

+ Với thân hình vạm vỡ, bố luôn tươi cười với mọi người.

*Phân tích lỗi: Trạng ngữ của câu (với thân hình vạm vỡ) không có liên quan gì về
nghĩa với nòng cốt câu (bố luôn tươi cười với mọi người).

*Có thể sửa là:

+ Với tính tình vui vẻ, bố luôn tươi cười với mọi người.
+ Hoặc tách thành phần trạng ngữ ra thành một câu mới nếu vẫn muốn nói về đặc
điểm thân hình của bố. Vd: Bố em có thân hình vạm vỡ, nước da bánh mật. Bố luôn tươi
cười với mọi người.

3.1.4.3. Câu có các vế không tương hợp

Loại lỗi này diễn ra giữa hai vế của một câu ghép, thường là câu ghép chính phụ.
Nguyên nhân thường là do người viết sử dụng sai các cặp quan hệ từ. VD:

+ Mặc dù chị Dậu rất cần cù chịu khó nhưng chị cũng rất yêu chồng thương con.

Hai phẩm chất của chị Dậu không hề đối lập nhau mà thống nhất với với nhau, do
đó không thể dùng cặp quan hệ từ mặc dù… nhưng để nối. Sửa:

+ Chị Dậu rất cần cù chịu khó và chị cũng rất yêu chồng thương con.

Một ví dụ khác:

+ Dù bạn là xe ôm hay quét rác ngoài đường, nhưng những đứa con của bạn chính
là di sản của bạn để lại trên cuộc đời này.

Cặp quan hệ từ để nối kết hai vế trong câu này là dù… nhưng, biểu thị quan hệ
tương phản. Tuy nhiên, hai vế câu này không tương phản nhau nên không thể dùng dù…
nhưng. Thêm nữa, lập luận trong câu này cũng không rõ ràng.

Nên sửa như sau:

+ Dù bạn là xe ôm hay quét rác ngoài đường thìbạn vẫn có những đứa con. Và
những đứa con ấy chính là di sản của bạn để lại trên cuộc đời này.

3.1.5. LỖI VỀ TRẬT TỰ SẮP XẾP CÁC TỪ

Như chúng ta đã biết, trong tiếng Việt, trật tự sắp xếp các từ có vai trò rất quan
trọng trong việc biểu đạt nội dung ý nghĩa. Sắp xếp không đúng trật tự các từ hoặc các
cụm từ trong câu sẽ dẫn tới hậu quả câu bị thay đổi về nghĩa hoặc trở thành phi lí, khó
hiểu.

Một số quy tắc phổ biến về trật tự sắp xếp các từ:

- Chủ ngữ thường đứng trước vị ngữ


- Đề ngữ, vị ngữ phụ luôn đứng trước nòng cốt câu

- Trạng ngữ có vị trí tương đối tự do trong câu

- Liên ngữ và hô ngữ thường đứng đầu câu

- Bổ ngữ thường đứng sau động/ tính từ.

- Về mặt nghĩa, các sự kiện trong câu phải được sắp xếp theo đúng trình tự khách
quan và nhận thức của con người.

Xét ví dụ 1:

+ Ở cấp tiểu học, hình ảnh các thầy cô giáo luôn được coi là chuẩn mực nhất, học
sinh tuyệt đối tin tưởng vào các thầy cô của mình và ngay cả bố mẹ.

Cụm từ ngay cả bố mẹ đứng cuối câu khiến người đọc không hiểu dụng ý của
người viết. (Học sinh tin vào bố mẹ hay bố mẹ tin vào các thầy cô?) Cần phải sắp xếp lại
trật tự của các cụm từ để ý của câu được sáng rõ. Chẳng hạn:

+ Ở cấp tiểu học, hình ảnh các thầy cô giáo luôn được coi là chuẩn mực nhất. Học
sinh và ngay cả bố mẹ các emđều tuyệt đối tin tưởng vào các thầy cô của mình.

Xét ví dụ 2:

+ Tnú bị giết vợ.

Đây là câu được xây dựng theo kiểu câu bị động. Người bị giết ở đây là vợ của
Tnú. Cách sắp xếp này làm câu tối nghĩa. Cần phải thay đổi như sau: Vợ Tnú bị giết.

You might also like