You are on page 1of 13

ĐẠI HỌC QUỐC GIA HÀ NỘI

TRƯỜNG ĐẠI HỌC GIÁO DỤC

BÀI TIỂU LUẬN

HỌC PHẦN CƠ SỞ TIẾNG VIỆT 2

Giảng viên hướng dẫn : TS. Nguyễn Thu Hường


Sinh viên : Lưu Thị Thu Hường
Mã sinh viên : 21010758
Lớp : QH2021S GD4 N1

Hà Nội, 2022
1

BÀI TIỂU LUẬN KẾT THÚC HỌC PHẦN


CƠ SỞ TIẾNG VIỆT 2
Câu 1: Hãy nêu những tiêu chí để phân định từ loại tiếng Việt? Trình bày ngắn
gọn nội dung của từng tiêu chí và cho ví dụ minh họa về từng tiêu chí.
Trả lời:
Trong cuốn “Cơ sở ngôn ngữ học và tiếng Việt” GS.TS. Hoàng Trọng Phiến đã
chỉ ra việc nghiên cứu về từ loại là nghiên cứu về các lớp từ của ngôn ngữ xét theo đặc
trưng ngữ pháp của chúng. Hay nói cách khác, từ loại là kết quả phân định các từ theo
bình diện ngữ pháp. Theo đó, những từ có có sự giống nhau về đặc điểm ngữ pháp được
quy vào một loại từ. Để phân định các lớp từ (các từ loại) trong tiếng Việt các nhà Đông
phương học và Việt ngữ học đã có những cố gắng đáng kể. Vào những năm 1911, xuất
phát từ cơ sở thực tiễn của tiếng Việt M.Grammong và Lê Quang Trịnh đã cho rằng
không thể định loại từ tiếng Việt do nó không có những đặc trưng như ở ngôn ngữ Châu
Âu. Từ khoảng sau Chiến tranh thế giới thứ II, một thiên hướng mới đã xuất hiện xác
nhận sự có mặt của các từ loại tiếng Việt, chứng minh khả năng phân định từ loại bằng
những tiêu chuẩn khách quan. Trong đó, người ta thường lấy 3 tiêu chí sau đây làm cơ
sở phân định từ loại: ý nghĩa khái quát của từ, khả năng kết hợp và chức năng cú pháp.
- Ý nghĩa khái quát của từ:
 Dựa vào tiêu chí ý nghĩa khái quát của từ tức là dựa vào phần ý nghĩa
chung cho tất cả các từ thuộc một lớp từ nào đấy và ý nghĩa đó tồn tại
trong từng từ cụ thể thuộc cùng lớp từ đó.
Ví dụ:
Các từ có ý nghĩa khái quát chung là chỉ hoạt động: ăn, chạy, suy nghĩ,
học tập, ….
Các từ có ý nghĩa khái quát chung là chỉ tính chất, đặc điểm của sự vật:
tốt, xấu, gầy, xanh xao, ….
 Nói rộng hơn (kể cả các ngôn ngữ có biến hình từ) ý nghĩa khái quát còn
là thứ ý nghĩa đi kèm với từ. Thí dụ, ý nghĩa chỉ vật của từ “bàn” sẽ được
bộc lộ khi nó được kết hợp với các từ “kia”, “ấy”,... ở sau hay những từ
“chiếc”, “cái”,... ở trước; tuy nhiên, khi nó kết hợp với từ “hãy” ở trước:
“hãy bàn (việc ấy)” thì từ “bàn” lại bộc lộ ý nghĩa chỉ hành động.
2

 Một số ý nghĩa khái quát chính của các lớp từ tiếng Việt có thể kể đến
như: ý nghĩa chỉ vật, ý nghĩa chỉ hành động, ý nghĩa chỉ trạng thái, ý nghĩa
chỉ số lượng, ý nghĩa chỉ quan hệ, ý nghĩa chỉ tình thái,...
- Khả năng kết hợp:
 Tiêu chí này có vai trò đặc biệt quan trọng đối với ngôn ngữ không biến
hình như tiếng Việt vì đặc điểm ngữ pháp, ý nghĩa ngữ pháp của từ không
được bộc lộ ra ở bản thân từ mà nó phải được thể hiện ra ở khả năng kết
hợp với các từ khác theo một quy tắc nhất định. Những từ cùng xuất hiện
trong cùng một bối cảnh và có khả năng thay thế nhau ở cùng một vị trí
có tính chất thường xuyên được tập hợp vào một lớp từ loại.
Ví dụ: các từ: nhà, cửa, xe, con, cái,... đều có khả năng kết hợp với các từ
chỉ số lượng ở trước và các từ: này, kia, ấy, đó, nọ ở sau và tập hợp lại
thành lớp từ loại danh từ. Hay khi xét khả năng kết hợp của từ “những”
và từ “rất”, ta có thể nói “những cái cây”, “rất xinh đẹp” nhưng không
nói “những xinh đẹp”, “rất cái cây”.
- Chức năng cú pháp:
 Chức vụ cú pháp của từ trong câu là vị trí của từng từ trong mối liên hệ
ngữ pháp với từ (hay cụm từ) khác trong câu. Khi tham gia vào cấu tạo
câu, các từ có thể đứng ở một hay một số vị trí nhất định trong câu, hoặc
có thể thay thế nhau ở vị trí nào đó. Những từ có chức năng ngữ pháp điển
hình giống nhau, có thể thay thế cho nhau được xếp cùng vào một từ loại.
Ví dụ: danh từ “chó”, “mèo” và tính từ “đen”, “vàng” có thể thay thế
được vị trí của nhau như trong câu “Con mèo kia // lông màu đen” có thể
thay thế thành “Con chó kia // lông màu đen” hay “Con mèo kia // lông
màu vàng”.
 Thông thường, một từ có thể giữ một chức vụ nổi bật nhất, tức khả năng
chủ yếu làm thành phần câu như danh từ thường giữ vị trí làm chủ ngữ
hoặc bổ ngữ; động từ và tính từ thường làm vị ngữ (danh từ làm chủ ngữ
chiếm hơn 90 %).
Ví dụ: Trẻ em // phải học và làm theo 5 điều Bác dạy.
Trong ví dụ trên, danh từ “trẻ em” đóng vai trò làm chủ ngữ trong câu.
3

Trong thực tế, việc sử dụng các tiêu chuẩn không có sự đồng đều, các tác giả vẫn
có sự ưu tiên cho tiêu chuẩn này hoặc cho tiêu chuẩn khác nhiều hơn. Chẳng hạn, sách
giáo khoa dùng cho các trường phổ thông thường nhấn mạnh vào tiêu chuẩn ý nghĩa của
các lớp từ. Ở một số công trình nghiên cứu ngữ pháp khác lại nhấn mạnh hơn vào chức
vụ trong câu hoặc khả năng kết hợp….
Câu 2: Hãy cho biết các từ in đậm sau đây thuộc từ loại nào:
a. Trên ghế bà đầm ngoi đít vịt
Dưới sân ông cử ngỏng đầu rồng.
b. Theo quan niệm giáo dục truyền thống, trên bảo dưới phải nghe.
c. Trái đất này là của chúng mình
Quả bóng xanh bay giữa trời xanh.
d. Tài nguyên thiên nhiên là của quý mà mỗi chúng ta cần góp sức bảo vệ.
e. Chiếc áo này mẹ tôi mới mua cho tôi.
f. Tôi cho bạn ấy một chiếc bút chì.
g. Chiếc địu đã trở thành phong tục, thành nét văn hóa đẹp của đa số đồng
bào các dân tộc vùng cao ở Việt Nam.
h. Những người mẹ ở vùng dân tộc vừa địu con trên lưng, vừa đi làm nương.
i. Gia đình tôi mới mua một căn nhà ở thành phố. Cuối tháng này chúng tôi
chuyển về nhà mới.
Trả lời:
a. Trên ghế bà đầm ngoi đít vịt
Dưới sân ông cử ngỏng đầu rồng.
Từ “trên” và từ “dưới” đều thuộc quan hệ từ.
b. Theo quan niệm giáo dục truyền thống, trên bảo dưới phải nghe.
Từ “trên” và từ “dưới” đều thuộc danh từ chỉ người.
c. Trái đất này là của chúng mình
Quả bóng xanh bay giữa trời xanh
Từ “của” thuộc quan hệ từ chỉ quan hệ sở hữu.
d. Tài nguyên thiên nhiên là của quý mà mỗi chúng ta cần góp sức bảo vệ.
Từ “của” thuộc danh từ ý chỉ những thứ có giá trị cao.
e. Chiếc áo này mẹ tôi mới mua cho tôi.
Từ “cho” thuộc quan hệ từ chỉ quan hệ mục đích.
4

f. Tôi cho bạn ấy một chiếc bút chì.


Từ “cho” thuộc động từ chỉ hành động.
g. Chiếc địu đã trở thành phong tục, thành nét văn hóa đẹp của đa số đồng
bào các dân tộc vùng cao ở Việt Nam.
Từ “địu” thuộc danh từ ý chỉ đồ vật làm bằng vải, có dây đeo thường
dùng để mang trẻ em ở trên lưng hoặc trước bụng.
h. Những người mẹ ở vùng dân tộc vừa địu con trên lưng, vừa đi làm nương.
Từ “địu” thuộc động từ chỉ hành động mang con bằng cái địu.
i. Gia đình tôi mới (1) mua một căn nhà ở thành phố. Cuối tháng này chúng
tôi chuyển về nhà mới (2).
Từ “mới (1)” thuộc phụ từ chỉ thời-thể có vai trò bổ sung ý nghĩa cho
động từ “mua”.
Từ “mới (2)” thuộc tính từ chỉ tính chất của sự vật.
Câu 3: Chỉ ra các thành phần câu trong mỗi câu sau đây và cho biết mỗi câu đó
thuộc kiểu câu gì xét về mặt cấu tạo.
a. Trên nền cát trắng tinh, nơi ngực cô Mai tì xuống, mọc lên những
bông hoa tím.
b. Lúa vàng gợn sóng, xa xa giữa cánh đồng, đàn trâu bắt đầu ra về,
lững thững từng bước nặng nề, bóng sừng trâu dưới ánh chiều kéo
dài lan giữa ruộng đồng yên lặng.
Trả lời:

a.

Trên nền cát trắng tinh, nơi ngực cô Mai tì xuống, mọc lên // những bông hoa tím.

Trạng ngữ vị ngữ chủ ngữ


Xét về mặt cấu tạo, câu văn trên thuộc kiểu câu đơn vì câu chỉ cấu tạo bởi một kết
cấu chủ vị.

b.
5

Lúa vàng // gợn sóng /, xa xa giữa cánh đồng, đàn trâu // bắt đầu ra về, lững thững

chủ ngữ 1 vị ngữ 1 trạng ngữ vị ngữ 2 chủ ngữ 2

từng bước nặng nề /, bóng sừng trâu dưới ánh chiều // kéo dài lan giữa ruộng đồng
chủ ngữ 3 vị ngữ 3
yên lặng.
Xét về mặt cấu tạo, câu văn trên thuộc câu ghép vì câu có 3 kết cấu chủ vị trong đó,
không có kết cấu chủ vị nào bao hàm kết cấu chủ vị nào.
Câu 4: Viết 1 đoạn văn miêu tả về một cảnh đẹp mà em đã từng được chiêm
ngưỡng.
Yêu cầu:
- Đoạn văn có độ dài từ 10-15 dòng.
- Trong đoạn văn có sử dụng các phép liên kết câu, chỉ ra các từ
ngữ thể hiện sự liên kết đó.
Trả lời:
(1)Ai đó từng nói với tôi: “Đời người dù có đi qua biết bao phong cảnh vẫn chẳng
đâu đẹp bằng phong cảnh quê hương”. (2)Thật vậy, quê tôi nằm trên mảnh đất Hà Nội
phồn hoa đô hội nhưng lại có vẻ đẹp yên bình lạ thường. (3)Giữa làng là mặt hồ phẳng
lặng xanh biếc có hàng liễu e lệ rủ bóng soi gương, cây đề không biết bao nhiêu năm
tuổi đứng đầu làng trấn giữ như một vị thần. (4)Buổi sáng là lúc nơi đây ồn ào, náo nhiệt
nhất. (5)Các cô bác trong làng mang đồ ra bán ven hồ, các ông bà xếp hàng thẳng tắp
tập dưỡng sinh,….(6)Tiếng cười nói, vui đùa ồn ào là vậy nhưng khi màn đêm vừa
buông xuống đình làng lại trở lên tĩnh lặng lạ thường. (7)Mỗi người đều trở về với cuộc
sống riêng, chỉ có ánh trăng là thi thoảng lay động theo làn gió. (8)Trong những đêm
yên tĩnh như thế, tôi và đám bạn đã không biết bao lần cầm đá đập vỡ ánh trăng.
(9)Chúng tôi mải mê lô đùa đi khắp nơi mà không biết từ lúc nào đã đi hết tuổi thơ.
(10)Trong con mắt của tôi, cảnh làng ở mọi dáng vẻ, mọi không gian, mọi thời gian đều
mang một vẻ đẹp mê đắm, diệu kỳ đến lạ. (11)Ngắm nhìn quê hương đổi mới mỗi ngày,
tôi chỉ biết thầm cảm thán “Thời gian trôi đi, biết bao thứ đã thay đổi vậy mà chỉ có
người con gái này là lúc nào cũng đẹp đẽ, yêu kiều như thế!”
- Các phép liên kết được sử dụng trong đoạn văn trên:
6

 Phương thức thế: từ “quê hương” ở câu (1), từ “quê” trong câu (2), từ
“nơi đây” trong câu (4), “người con gái này” trong câu (11). Trong đó,
các từ, cụm từ ở câu sau có vai trò thế cho các từ, cụm từ ở câu trước.
 Phương thức lặp: từ “mọi” trong câu (10).
 Phương thức nối: từ “thật vậy” trong câu (2).
 Phương thức liên tưởng: “tiếng cười nói, vui đùa” trong câu (6) liên tưởng
đến “các cô bác” và “các ông bà” trong câu (5); từ “chúng tôi” trong câu
(9) liên tưởng đến “tôi và đám bạn tôi” trong câu (8).
Câu 5:
a. Có mấy cách thực hiện hành động nói? Mỗi cách cho 3 ví dụ minh họa.
b. Hàm ngôn là gì? Hãy phân tích ngắn gọn hàm ngôn trong bài thơ sau:
Chiều tối
Chim mỏi về rừng tìm chốn ngủ
Chòm mây trôi nhẹ giữa tầng không
Cô em xóm núi xay ngô tối
Xay hết lò than đã rực hồng.
(Hồ Chí Minh)
Trả lời:

a. Các cách thực hiện hành động nói.

Theo sách giáo khoa Ngữ Văn lớp 8 tập 2: “Hành động nói là hành động thực
hiện bằng lời nói nhằm mục đích nhất địch”. Để thực hiện hành động nói, ta thường chia
hai cách là hành động nói trực tiếp và hành động nói gián tiếp.
- Hành động nói trực tiếp:
+ Hành động nói trực tiếp là hành động mà người nói sử dụng câu theo
chức năng chính của nó. Cụ thể: sử dụng câu nghi vấn khi muốn hỏi; sử
dụng câu trần thuật khi muốn kể, tường thuật, miêu tả; sử dụng câu cầu
khiến khi muốn yêu cầu, đề nghị; sử dụng câu cảm thán khi muốn bộc lộ
cảm xúc, bày tỏ thái độ, ....
Ví dụ 1: Bạn A muốn biết xe buýt 01 có đi qua đường Nguyễn Trãi không.
A hỏi phụ xe: “Anh ơi, xe buýt 01 có đi qua đường Nguyễn Trãi không
ạ?”
7

=> Ở ví dụ này hành động của bạn A là hành động hỏi và A đã sử dụng
kiểu câu hỏi. Như vậy, hành động hỏi của A là hành động nói trực tiếp vì
nó có sự tương ứng giữa mục đích nói của câu với hình thức biểu hiện của
nó.
Ví dụ 2: Bạn A đang nhớ mẹ thì thấy mẹ về. Bạn A reo lên: “A mẹ đã
về!”.
=> Ở ví dụ này hành động của bạn A là hành động bộc lộ cảm xúc ngạc
nhiên, vui sướng và A đã sử dụng kiểu câu cảm thán. Như vậy, hành động
bộc lộ cảm xúc của A là hành động nói trực tiếp vì nó có sự tương ứng
giữa mục đích nói của câu với hình thức biểu hiện của nó.
Ví dụ 3: Khi cảnh sát vây bắt tội phạm, cảnh sát nói với tội phạm: “Tôi đề
nghị anh hạ vũ khí trong tay xuống”.
=> Ở ví dụ này hành động nói của cảnh sát nhằm yêu cầu, đề nghị tên tội
phạm hạ vũ khí và cảnh sát đã sử dụng kiểu câu cầu khiến. Như vậy, hành
động nói của A là hành động nói trực tiếp vì nó có sự tương ứng giữa mục
đích nói của câu với hình thức biểu hiện của nó.
+ Cách dùng câu theo hành động nói trực tiếp làm cho nội dung lời nói
tường minh, tránh sự hiểu lầm. Tuy nhiên, trong thực tế sử dụng ngôn ngữ,
nếu chỉ dùng câu theo lối nói trực tiếp thì lời nói đơn điệu và đôi khi thiếu
tế nhị.
Ví dụ: Khi muốn yêu cầu ai đó ngừng hút thuốc, bạn có thể nói trực tiếp
là: “Tôi đề nghị anh không được hút thuốc”. Tuy nhiên, nếu ở trong hoàn
cảnh không bắt buộc không được sử dụng thuốc lá thì câu nói trên khá
thiếu tế nhị, tinh tế và dễ gây khó chịu cho đối phương.
- Hành động nói gián tiếp:
+ Hành động nói gián tiếp là hành động nói mà người nói chủ định sử
dụng hành động ngôn ngữ này để đạt tới mục đích của một hành động
ngôn ngữ khác. Tuy không được biểu thị ra bằng câu chữ nhưng người
nghe vẫn có thể nhận biết được người nói muốn nói gì.
+ Một số trường hợp thường sử dụng khi thực hiện hành động nói gián
tiếp như: dùng câu hỏi nhằm mục đích chào, ra lệnh, nhắc nhở, mời, dọa,
đề nghị, khuyên, từ chối, bác bỏ, khẳng định, phủ định; dùng câu trần thuật
8

nhằm mục đích nhắc nhở, yêu cầu, đe dọa, ép buộc, hứa hẹn, từ chối; dùng
câu cảm thán nhằm mục đích gợi ý, yêu cầu, ....
Ví dụ 1: Trong bài thơ “Đây thôn Vĩ Dạ” tác giả Hàn Mặc Tử viết:
“Sao anh không về chơi thôn Vĩ?”
=> Hình thức câu thơ trên là câu hỏi nhưng tác giả, người đọc, người nghe
hiểu rằng câu thơ dùng với dụng ý khác: mời mọc, trách cứ,.... Như vậy,
hành động nói của Hàn Mặc Tử là hành động nói gián tiếp vì nó không có
sự tương ứng giữa mục đích nói của câu với hình thức biểu hiện của nó.
Ví dụ 2: Buổi sáng bác A đi làm vừa hay gặp hàng xóm đi chợ về, bác A
nói với bác hàng xóm: “Chị vừa đi chợ về đấy ạ?”
=> Hình thức câu trên là câu hỏi nhưng người nghe hiểu rằng câu được sử
dụng với mục đích khác là chào hỏi. Như vậy, hành động nói của bác A là
hành động nói gián tiếp vì nó không có sự tương ứng giữa mục đích nói
của câu với hình thức biểu hiện của nó.
Ví dụ 3: A và mẹ đi siêu thị, A chỉ vào con gấu và nói với mẹ: “Con gấu
này đáng yêu quá mẹ ơi!”
=> Hình thức câu trên là câu cảm thán nhưng được A sử dụng với mục
đích gợi ý. Như vậy, hành động nói của A là hành động nói gián tiếp vì nó
không có sự tương ứng giữa mục đích nói của câu với hình thức biểu hiện
của nó.
 Hành động nói gián tiếp lệ thuộc nhiều vào hoàn cảnh sử dụng và là cơ sở
để tạo nên nghĩa hàm ẩn của câu. Cách nói gián tiếp có tác dụng làm cho
lời nói tế nhị, tránh làm tổn thương hoặc xúc phạm hay gây khó chịu cho
người khác. Tuy nhiên, cách dùng câu theo lối gián tiếp có thể làm cho ý
muốn biểu đạt không thật tường minh, do vậy khiến người nghe không
hiểu hoặc hiểu không chính xác điều mà người nói định biểu đạt. Chẳng
hạn, ở ví dụ 3 vừa nêu trên người mẹ có thể không hiểu rõ dụng ý trong
câu nói của con mình là muốn được mẹ mua tặng con gấu mà chỉ hiểu đơn
giản là con gái đang khen con gấu đáng yêu.
Như vậy, khi thực hiện hành động nói cần phải cân nhắc kĩ xem dùng theo lối
trực tiếp hay gián tiếp sao cho phù hợp với hoàn cảnh và đối tượng giao tiếp để tránh
9

làm cho lời nói thiếu tế nhị, gây khó chịu với người khác hay đối tượng giao tiếp không
hiểu được mục đích câu nói,....

b.

*Hàm ngôn là gì?


Hàm ngôn hay nghĩa hàm ẩn có thể hiểu là nghĩa không được biểu hiện trực tiếp
nhờ các yếu tố ngôn ngữ mà chỉ được suy ra dựa trên cơ sở nghĩa tường minh và hoàn
cảnh giao tiếp (hoàn cảnh sử dụng câu), đồng thời căn cứ vào những quy tắc chung trong
giao tiếp ngôn ngữ của cộng đồng. Chính vậy, nghĩa hàm ẩn có sự phụ thuộc vào hoàn
cảnh giao tiếp.
Ví dụ: Phát ngôn: “Lan lại đi học muộn rồi đấy” có ít nhất các nghĩa hàm ẩn sau đây:
1. Trước thời điểm nói, Lan đã từng đi học muộn.
2. Nhắc nhở Lan lần sau không nên đi học muộn nữa.
3. Thể hiện thái độ trách cứ với hành động đi học muộn của Lan.
Có thể thấy những ý nghĩa này không được biểu hiện trực tiếp bằng các phương
tiện ngôn ngữ, mà người tiếp nhận phải suy ra từ nghĩa tường minh và hoàn cảnh giao
tiếp. Vậy nên, khi phân tích một phát ngôn, câu văn, câu thơ,... ta phải phân tích nghĩa
tường minh và hoàn cảnh sáng tác của nó mới làm rõ được nghĩa hàm ẩn phía sau.
*Phân tích nghĩa hàm ẩn bài thơ “Chiều tối” của tác giả Hồ Chí Minh.
Bài thơ “Chiều tối” của tác giả Hồ Chí Minh là bài thơ tiêu biểu trích từ tập thơ
“Nhật kí trong tù” được Bác sáng tác trong thời gian bị chính quyền Tưởng Giới Thạch
bắt tại Quảng Tây (Trung Quốc), từ mùa thu năm 1942 đến mùa thu 1943. Bài thơ đã
khắc họa một cách sinh động bức tranh thiên nhiên miền sơn cước cùng với hoạt động
của con người khi màn đêm xuống. Qua đó, làm nổi bật nên chất thép và chất tình, vẻ
đẹp tinh thần người thi sĩ và ý chí người chiến sĩ cách mạng.
“Chim mỏi về rừng tìm chốn ngủ
Chòm mây trôi nhẹ giữa tầng không”
Khung cảnh chiều tối được mở ra với những hình ảnh tả thực đầy chất thơ: cánh
chim bay về rừng, chòm mây lững lờ giữa không gian vô tận. Bức tranh thiên nhiên
tưởng như lãng mạn, bình yên nhưng cánh chim kia lại “mỏi”, đám mây trông như tự do
tự tại lại toát lên vẻ cô đơn khiến bức tranh chiều nhuộm nét u buồn như chính tâm trạng
người thi sĩ lúc bấy giờ. Cánh chim mỏi hay chính thể lực người chiến sĩ đang dần bị rút
10

mòn sau bao ngày khổ ải không hồi kết nhưng dù vậy anh vẫn không một lời than vãn
mà thả hồn, hòa mình vào với thiên nhiên. Chỉ là dù thiên nhiên nơi đây có đẹp cũng
không thể làm người thi sĩ bớt nỗi nhớ, sự cô đơn bởi cánh chim luôn “mỏi về rừng”-
luôn khao khát sự tự do, luôn hướng về quê hương yêu dấu. Qua việc khắc họa hình ảnh
“cánh chim” và “chòm mây” tác giả đã không chỉ tái hiện bức tranh thiên nhiên đầy thơ
mộng trữ tình của miền sơn cước mà còn mượn đó để giãi bày tâm sự, nỗi nhớ quê
hương, tình yêu thiên nhiên tha thiết. Đồng thời, làm nổi lên phong thái ung dung, nghị
lực phi thường và tinh thần lạc quan trong hoàn cảnh hiểm nghèo của người chiến sĩ
cách mạng.
Có lẽ, chính nhờ tinh thần lạc quan ấy mà Bác luôn tìm được ánh sáng trong bóng
tối mà ở đây “ánh sáng” chính là ngọn lửa hồng của người thiếu nữ xay ngô tối.
“Cô em xóm núi xay ngô tối
Xay hết lò than đã rực hồng”.
Bóng tối dần buông xuống phủ lấp không gian tưởng như có thể nuốt chửng vạn
vật nhưng giữa miền tăm tối lại có một “lô dĩ hồng” sáng lên. Dưới ánh sáng hồng, bức
tranh sinh hoạt của con người nơi xóm núi được hiện lên một cách ấm cúng, sinh động,
trẻ trung, đầy sức sống. Đây chắc hẳn chính là dụng ý của tác giả khi lựa chọn hình ảnh
“thiếu nữ”- tượng trưng cho tuổi trẻ, sức sống cùng biện pháp điệp ngữ vòng “ma bao
túc-bao túc ma hoàn” khiến cho vòng quay lao động như vĩnh cửu không bao giờ dừng
lại. Hình ảnh lò than rực hồng giữa đêm tối là điểm sáng sưởi ấm tâm hồn người chiến
sĩ cũng là “nhãn tự” của toàn bài thơ. Chỉ với một chữ “hồng” tất cả những cô đơn, hiu
quạnh của hai câu thơ đầu đều được xua đi. Khi lò than bắt đầu sáng lên cũng là lúc thời
gian vận động từ chiều tối đến tối hẳn, lòng người thì đi từ chỗ lạnh giá, cô quạnh đến
ấm áp, hồ hởi, vui tươi. Ngọn lửa hồng bừng sáng trong đêm tối họa lên bức tranh người
lao động tuyệt mỹ, trong bức tranh ấy con người làm chủ thiên nhiên, làm chủ cuộc sống
của mình không có gông, cùm, giềng xích chỉ có con người không ngừng lao động sản
xuất để hướng tới tương lai. Từ những hình ảnh thơ hết sức gần gũi, mộc mạc đã cho ta
thấy một tình yêu, sự trân trọng vô bờ của Bác đối với lao động và người lao động. Đồng
thời cũng thể hiện khát vọng, ý chí và quyết tâm mãnh liệt của người chiến sĩ giữa cảnh
tù đày.
Chỉ với vài ba câu thơ, tác giả đã khắc họa một cách sinh động hình ảnh thiên
nhiên cùng với hoạt động của người dân miền sơn cước khi màn đêm dần dần buông
11

xuống. Qua đó, làm sáng lên tấm lòng nhân đạo cao cả, luôn hướng tới ánh sáng, sự
sống và tương lai của Bác. Đặt trong bối cảnh ra đời bài thơ, ta càng thấy rõ vẻ đẹp sáng
ngời của người chiến sĩ-nghệ sĩ hòa làm một trong con người Bác. Đó là một tình yêu
thiên nhiên, tình yêu thương những con người cùng khổ trong trái tim người thi sĩ và ý
chí sắt đá, kiên trung trong suy nghĩ người chiến sĩ.
12

Tài liệu tham khảo


1. Lê A (chủ biên), Phan Phương Dung, Đặng Kim Nga. (2017). Giáo trình tiếng
Việt 3 (Giáo trình đào tạo Cử nhân Giáo dục Tiểu học). Nhà xuất bản Đại học
Sư phạm.
2. Bộ Giáo dục và Đào tạo. (2019). Sách giáo khoa Ngữ Văn lớp 8 tập 2. Nhà xuất
bản Giáo dục Việt Nam.
3. Mai Ngọc Chừ, Vũ Đức Nghiệu, Hoàng Trọng Phiến. (2014). Cơ sở Ngôn ngữ
học và tiếng Việt. Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam.
4. Đinh Văn Đức. (2015). Ngữ pháp tiếng Việt từ loại I & II. Nhà xuất bản Đại học
Quốc gia Hà Nội.
5. Nguyễn Thiện Giáp (chủ biên), Đoàn Thiện Thuật, Nguyễn Minh Thuyết. (2010).
Dẫn luận Ngôn ngữ học. Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam.

You might also like